Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Nhớ mùa phượng vĩ trường xưa

Nhớ mùa phượng vĩ trường xưa

Tháng Năm thông thường đã bước sang hè được một tháng, nhưng năm nay 2023 nhuần hai tháng 2 nên hôm nay mùng 1 tháng 4 âm lịch chính thức sang hè. Tháng Năm với cái nắng vàng hoe con mắt và gắt gao vào thời gian trưa và chiều làm cho con người cảm thấy bỏng rát, khó thở khi đi ngoài đường nhựa.
Đây cũng là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày. Chỉ có những bông hoa bằng lăng tím, hoa giấy, hoa sam…cứ nở hết mình, mặc cho cái nắng nóng có lên đến đỉnh điểm vẫn không thẻ cưỡng lại nét đẹp bung lụa khoe sắc cho thiên nhiên, con người chiêm ngưỡng… Tháng Năm nhìn những cánh phượng hồng nở rộ nơi sân trường lòng ta lại nao nao chạnh nhớ!
Nhà giáo Võ Văn Thọ ở Quảng Nam
Tháng Năm là thời điểm học sinh kết thúc kỳ thi sau 9 tháng học trong năm, chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới sau kỳ nghỉ hè tiếp nối. Ai trong mỗi chúng ta đều bước qua tuổi học trò thần tiên 12 năm đèn sách, chí ít cũng phải 9 năm, để rồi bước tiếp vào chặng đường phía trước với những ước mơ khát khao khác nhau. Chính vì lẽ ấy nên ai trong mỗi chúng ta đều luyến tiếc tuổi học trò, có muốn thời gian quay trở lại, để nhặt lại kỉ niêm tuổi thơ cũng đâu có thể.
Tháng năm về, nhìn những cánh phượng nở đỏ sân trường mỗi khi đi qua những con đường phố hay thôn quê, tôi lại chạnh lòng nhớ về mái trường ngày xưa, nơi ghi dấu bao kỉ niệm vui, buồn, của quãng đời cắp sách. Ngày ấy còn rất khó khăn trường học còn làm bằng tre lợp tranh, vách nứa, sau này lên cấp 3 mới có trường lợp bằng ngói, nhà cấp 4, bàn ghế còn sơ sài. Thương nhất là khu nhà ở tập thể cho giáo viên chỉ bằng tranh tre. Mùa đông gió bão, nước dột khắp phòng, thầy cô phải huy động các vật dụng như: thau, chậu, nồi…để hứng nước mưa rơi xuống. Song các thầy cô thời điểm ấy vẫn không nản chí, vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để vượt qua và đem tất cả đam mê, nhiệt huyết để truyền thụ cho chúng em kiến thức, mong muốn các em bước vào đời với một hành trang tốt đẹp nhất.
Dưới mái trường ngày ấy, đã có biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, có người làm cán bộ công chức, là những lãnh đạo chủ chốt của huyện, tỉnh hay cao hơn; có người thành Bác sỹ, Công an, Bộ đội, doanh nghiệp…và không ít người tiếp tục theo nghề giáo và quay lại trường giảng dạy….thấm thoát đã hơn 30 năm xa mái trường cấp 3, bây giờ thầy cô dạy ngày ấy đã về nghỉ hưu. Song trong tâm thức mỗi người học sinh vẫn luôn biết ơn và kính trọng những thầy cô làm nghề lái đò năm ấy. Thầy cô chính là cha mẹ hiền thứ 2 trong đời người đã dìu dắt chúng em trưởng thành như ngày hôm nay; dẫu trên chặng đường mưu sinh, sự nghiệp không ít lần vấp ngã, nhưng cứ nghĩ lại thời gian khó khăn của thầy cô thời điểm ấy là chúng ta có thêm quyết tâm và nghị lực để vượt qua và sống có ý nghĩa hơn.
Chắc có lẽ thầy cô vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của các thế hệ học trò và sự thành công của các em chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của người cầm phấn.
Tháng Năm về, đã hơn 30 năm em xa trường lớp, cứ mỗi dịp hè về khi tiếng ve ngân nga, nhìn những chùm phượng vĩ đỏ rực ở sân trường như báo hiệu mùa chia tay bạn bè, thầy cô để được lên lớp mới, với biết bao kỉ niệm vui, buồn còn mãi luyến lưu, lắng đọng. Nhưng có một mùa hè lớp 12 năm ấy, chúng em mãi xa mái trường thân yêu, xa thầy cô và xa tất cả bạn bè. Và tôi đã chạnh lòng viết lên những câu thơ với cảm xúc mộc mạc, chân tình của mình, xin được bọc bạch:
Ru em giấc ngủ trưa hè/Khoảng trời trong vắt tiếng ve nhạc buồn/Xa rồi cánh phượng tuôn rơi?/Còn đâu thuở ấy một thời học sinh. Và đúng như vậy. Bây giờ còn chăng là những thước phim chiếu chậm mỗi khi chạnh lòng nhớ về quãng đời học sinh, để rồi luyến tiếc, nhớ nhung: Trao nhau một giấc mơ tình/Và xin lưu nhớ bóng hình thuở xưa/Hạ về nắng… đợi cơn mưa/Còn thương cánh phượng! Trường xưa ở làng.
Khoé mắt ta cảm thấy rưng rưng nhớ về ngày ấy, góp gom bao nhiêu kỉ niệm thơ mộng, êm đềm, như dòng sông quê vẫn rì rào con nước, những trưa hè tắm mát tuổi thơ ta, dòng sông chảy mãi ngàn năm đem những hạt phù sa bồi đắp cho bao nhiêu bãi bồi xanh tốt cánh đồng quê hương, để rồi bước đường mưu sinh bận rộn, có những phút giây  xuyến xao chạnh nhớ về một thời mình vĩnh viễn chia xa lứa tuổi học trò thần tiên ấy. Và tôi xin được trải lòng:
Hạ hong nỗi nhớ vô bờ
Trang lưu bút viết thẫn thờ mắt ai
Thời gian xin chớ nhạt phai
Khúc ru mùa hạ an bài nhớ nhung!…
Tháng Năm về, đã hơn 30 năm xa mái trường cấp 3 (Phổ thông Trung học Hiệp Đức). Tôi muốn viết dòng cảm xúc của mình khi con trai út tôi cũng sắp kết thúc 12 năm học, để bước vào đời với chặng đường tiếp theo với nhiều thử thách và sóng gió ở phía trước. Mong con có đủ bản lĩnh, ý chí và quyết tâm theo đuổi ước mơ của riêng mình và biết đâu một lúc nào đó con vô tình đọc lại những dòng cảm xúc của ba, con sẽ càng yêu hơn cuộc sống, yêu hơn thầy cô, bạn bè ở ngôi trường con đã từng theo học…
28/5/2023
Võ Văn Thọ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...