Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Nhấm nháp hương vị Sài Gòn qua danh tác nhiều thế hệ

Nhấm nháp hương vị Sài Gòn
qua danh tác nhiều thế hệ

“Ngoảnh lại trăm năm” kỳ thực là cái quay đầu nhìn lại khắp lượt Sài Gòn, rồi lục tìm trong tàng thư sách báo cũ của cả những tác giả trong và ngoài nước suốt một trăm năm qua: họ đã ghi nhận về Sài Gòn như thế nào?
Nhà báo, nhà sưu khảo Phạm Công Luận vừa ra mắt tập sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. Sài Gòn trăm năm qua có những gì đặc sắc và mọi thứ hiện còn nhìn thấy nơi đô thị sầm uất ở phương Nam này có nguồn mạch thế nào từ trong quá khứ?
“Ngoảnh lại trăm năm” kỳ thực là cái quay đầu nhìn lại khắp lượt Sài Gòn, rồi lục tìm trong tàng thư sách báo cũ của cả những tác giả trong và ngoài nước suốt một trăm năm qua: họ đã ghi nhận về Sài Gòn như thế nào?
Hai tập sách về Sài Gòn do Phạm Công Luận sưu tầm, biên khảo.
Trong cái “ngoảnh lại” ấy, tác giả – một người Sài Gòn cố cựu – hệ thống những nổi bật của Sài Gòn qua đặc thù văn hóa và đời sống người dân đã tựu thành giá trị của một vùng đất khiến người phương Tây phải thốt lên một cách ví von là “hòn ngọc”:
Cách bố trí nơi ăn chốn ở – ngôi nhà, Những loại hình giải trí và thưởng ngoạn, Dịch vụ ăn uống, Trang phục, Nguồn nhân lực, Nghề đặc thù…
Ở mỗi mặt của Sài Gòn theo cách tiếp cận như thế, bạn đọc có cảm giác như mình được nghe tác giả say sưa kể những câu chuyện độc đáo như một cách “điểm nhãn” để Sài Gòn hiện ra sinh động đầy quyến rũ.
Đó là câu chuyện của cụ bà 115 tuổi xuất hiện trên báo năm 1957 kể chuyện xưa lúc khu vực Sài Gòn còn có tên Bến Nghé, là chuyện về buổi đầu của loại hình cư xá ở Sài Gòn, là mùi giấy cũ sách xưa một thời ám ảnh tác giả, rồi cơm tấm mẳn, chung trà Tàu, đôi guốc của chị em, đến lực lượng giúp việc nhà và nguồn nhân lực từ miền Trung, miền Bắc…
Tập sách thứ hai của cùng tác giả vừa ra mắt bạn đọc là Tùy bút – hồi ký – giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa. Đây là lần thứ 2 (tập 1 ra mắt vào dịp này năm ngoái) nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục làm cầu nối đưa những áng văn hay trên báo xuân Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ đến bạn đọc ngày nay.
Thật xúc động khi bắt gặp các bài báo xuân in tại Sài Gòn nhưng chuyển tải nỗi lòng tác giả hướng về quê hương miền Bắc. Có người nhớ cái tết trong chiến khu lúc tản cư, có người nhớ một hủ tục bị phá bỏ, lại có người nhớ hình dáng một ông đồ nho cuối mùa viết chữ dịp tết sao mà cám cảnh đáng thương…
Nổi lên trong số đó là câu chuyện hồi ức của nhà văn Tạ Tỵ, kể lại một chuyến theo mẹ về quê ngoại dịp tết lúc ông mới học lớp nhì. Câu chuyện mang cả một trời quê Bắc Bộ, để lại trong lòng người đọc những bùi ngùi khó tả khi hình dung tác giả bài báo lúc viết ra câu chữ ấy đã cách xa cái làng quê thuở nhỏ của mình vời vợi nghìn trùng…
Đọc, cảm giác như những trang sách không cho mình dừng lại, và rồi người đọc nhận ra bên ngoài thời tiết đang đổi thay, một Sài Gòn cũng chuyển mình sang tuổi mới để những câu chuyện từ trong lòng phố thị sẽ còn tiếp tục sinh sôi… 
9/2/2021
Lam Điền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuốn tự truyện của Andersen và những điều chưa biết về đại văn hào của thế giới 30 Tháng Tư, 2022 Andersen (1805-1875) là đại văn hào ...