Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Diễm Phượng 1

Diễm Phượng 1

CÒN LẠI ÂM THẦM MỘT THOÁNG HƯƠNG
Hân đứng lên, nghẹn ngào nói:
- Thưa cô, tụi em tha thiết xin cô ở lại đây vào mỗi vụ nghỉ hè, trước ngày bãi trường vài hôm, để xem lại mấy cây phượng vĩ của ta.
Cả lớp đều thấy một cục tròn như viên đạn, chạy lên chạy xuống dưới làn da cổ của Mỹ, Mỹ cố can đản vì biết rằng, hễ nàng mà khóc thì cả lớp sẽ òa lên khóc như nhà có đám ma, vì phái nữ rất dư nước mắt. Đó là kinh nghiệm của bản thân.
Một nữ sinh khác, Loan, đứng lên đề nghị:
- Thưa cô năm tới hay năm tới nữa, cô có con đầu lòng, xin cô đặt cho em ấy tên là Diễm Phượng, tụi em về sau cũng vậy.
Cả lớp rộ lên mà cười.
Mỹ cũng cười nên khí hậu đổi màu sắc tức khắc. Mỹ cười vì nàng biết chắc rằng đề nghị của Loan không phải do tinh thần cởi mở của con gái đời bây giờ chi phối, mà chỉ vì Loan còn quá ngây thơ nên mới bạo miệng về chuyện lấy vợ lấy chồng ấy, trẻ con bảy tám tuổi vẫn thường chơi trò đám cưới một cách ngây ngô, không ẩn ý, không tà tâm. Loan cũng vậy, vì Loan chỉ là học trò lớp đệ ngũ mà thôi.
Duyên, cô học trò cao niên và to lớn nhứt lớp, rất có vẻ trưởng thành, ngồi tuốt dưới băng chót nói to:
- Rất là bất tiện. Xứ nầy sẽ có một thế hệ nữ sinh mà cả lớp đều mang tên Diễm Phượng, quí vị giáo sư sẽ lầm lẫn chết. Nào là Đào Diễm Phượng, Lê Diễm Phượng, Trần Diễm Phượng, Hồ Diễm Phượng, Ngô Diễm Phượng, Đinh Diễm Phượng, Tô Diễm Phượng, vân vân lộn xộn quá đi.
Mỹ đợi nửa phút cho sự im lặng trở lại rồi nói:
- Diễm Phượng không ổn. Tiếng Phượng phải đi với tiếng Vĩ thì nó mới có nghĩa loại cây mà các em thích. Chữ Phượng một mình trong tiếng kép Diễm Phượng có nghĩa là con phượng đẹp chớ không phải là cây phượng vĩ đẹp như các em nói đâu. Nhưng con phượng đẹp lại sai văn chương vì phượng là chim trống, hoàng là chim mái, Diễm Hoàng thì có, chớ giống đực thì không nên „Diễm" chút nào.
Loan cố nài:
- Nhưng Diễm Phượng kêu lắm mà kêu nghe rất hay thì ổn hay không, em thấy không quan trọng, cốt là ta hiểu với nhau rằng Diễm Phượng là cây phượng vĩ đẹp là đủ rồi, không cần người khác tán thành là đúng hay chê là sai.
Mỹ gục gặc đầu, thầm cho rằng cô bé Loan hữu lý.
Buổi học chia tay để vĩnh biệt vị nữ giáo sư Bùi thị Mỹ nầy cứ xoay quanh cây phượng vĩ, mặc dầu sinh hoạt chánh hôm nay của lớp đệ ngũ A2 là lễ ra mắt tờ bích báo „Hoa Nắng".
Học trò lớp đệ ngũ A2 đã xin phép soạn tờ bích báo nói trên, để làm văn nghệ hè, mà cũng để gián tiếp tỏ lòng cảm mến vị nữ giáo sư của họ sắp đi vĩnh viễn, cô ấy cũng ham văn nghệ y như các em.
Chính cô ấy đã dạy các em hai trò chơi mà cô rất thích hồi còn học ở Gia Long: đề thơ trên lá khuynh diệp và ép hoa, ép lá vào một tập vở đặc biệt.
Nhặt lá rụng hong thơ sầu trong nắng là một câu thơ của ai, Mỹ không còn nhớ nữa nhưng cứ ngâm lên mỗi lần khắc thơ trên lá khuynh diệp xanh rồi đem phơi, hồi còn ở Gia Long và đã truyền cả trò chơi lẫn câu thơ cho học trò của cô.
Lớp học được trang trí bằng một cành phượng vĩ vĩ đại mà các em đã thức hồi năm giờ khuya để đi đốn rồi khiêng vào lớp, trồng giữa hai bàn dài kéo sát đầu lại với nhau. Quanh gốc phượng vĩ thật mà giả này, là một bó hoa ngọc nữ trắng, nhị đỏ gồm năm mươi mốt bông, con số đó là nữ sinh của lớp học, mỗi em đem đến một cành ngọc nữ chỉ mang một đóa hoa độc nhứt mà thôi.
Cô Mỹ lại mặc áo đỏ màu hoa phượng vĩ. Tờ bích báo „Hoa Nắng" công phu của hai tháng trường thức đêm của các em bị bỏ quên phần nào và nhơn vật chánh bất ngờ của cái buổi họp mặt cuối cùng nầy là cây phượng vĩ.
Phượng vĩ trổ hoa đúng vào mùa nghỉ hè, một giai đoạn đời học sinh rất là quan trọng vì ba tháng sau, trở lại trường cũ thì đã có vài chị bạn thôi học vì gia cảnh hoặc bị tử thần đưa sang thế giới khác rồi. Còn nói chi ở các lớp cuối một cấp như lớp đệ tứ và lớp đệ nhứt thì chắc chắn là họ không bao giờ gặp lại nhau nữa, sau buổi chia tay cuối cùng.
Hoa phượng vĩ đỏ tươi nhưng lại không tượng trưng cho niềm vui mà lại là biểu hiệu của nỗi buồn của cả một lớp người trong toàn quốc. Văn thơ của học sinh ta tràn ngập danh từ phượng vĩ khiến người lớn ngấy ra mà buồn cười, nhưng các cô cậu nói đến phượng vĩ không phải là dùng sáo ngữ đâu mà họ rất thành thật đó.
Hay tin người giáo sư việt ngữ của họ thôi dạy học sau vụ hè nầy, các nữ sinh lớp đệ ngũ đã trồng nơi sân trường năm cây phượng vĩ từ nửa tháng nay hầu kỷ niệm một niên học mà cả giáo sư lẫn học trò đều hay nói đến cây phượng vĩ.
Lạ quá, ở miền Nam, trừ thành phố Sài Gòn ra còn thì các nơi khác rất ít thấy phượng vĩ, muốn có phải cố mà trồng và hình như sân trường trung học nữ nào ở miền Nam nầy cũng được các cô học trò đa cảm trang trí bằng vài cây phượng vĩ.
- Nhá cô nhá ? Loan lại cố nài.
- Cô sẽ nhớ mãi lời các em.
Nghỉ hè rồi mà trời còn nắng đổ lửa nên các nữ sinh nhà ở gần trường Sĩ Nhiếp thay phiên nhau vào ngôi trường hoang lạnh để tưới năm cái cây mà họ trồng giữa mùa nắng trên một đám đất gò khô.
Năm ấy, cả năm cây đều thoát chết !
Lớp đệ ngũ A2 cũng không thiếu mất một người khi biến thành đệ tứ A2 sau vụ hè.
Đó là một lớp gồm toàn con nhà khá giả nên họ sẽ đi tới đệ nhứt hết lớp, trừ vài cô đi lấy chồng sớm, vài cô vắn số. Họ không có dịp hay chưa có dịp "bùi ngùi phượng chia ly';';, nhưng họ vẫn quý cây phượng vĩ, vì đó là cái điện cực của tình cảm học trò con gái.
Họ làm quen với người nữ giáo sư việt ngữ mới và bắt đầu thương mến cô nầy như đã thương mến cô Mỹ, nhưng cứ săn sóc năm cây phượng "của ta", ta đây là kể cả họ và người nữ giáo sư đã đi xa.
Giữa người ấy và họ bắt đầu một cuộc trao đổi thư từ ngay từ trong vụ hè và cô Mỹ được cho hay tin tức về năm cây phượng mỗi tuần, y như là đó là những đứa con mà cô gởi vú nuôi, người vú tốt bụng lắm, không phải chỉ làm việc ăn tiền, mà có để cả tấm lòng của chị ta trong công việc.
"Cô ơi, giếng xa quá như cô biết, giếng cũng sâu quá, kéo nước thật mỏi tay, xách nước đi mỏi chân lắm, nhưng tụi em quyết cứu sống năm cây phượng "của ta".Cô ơi, tuần rồi thật là hú vía. Cây phượng bên trái cửa ngõ nó ngủm cù đèo nhưng may quá, tụi em tưới mỗi ngày bốn bận, còn chặt tàu chuối để che cho nó nữa nên rồi nó tươi trở lại....
Cô ơi, hè tới cô về chắc năm cây phượng "của ta" đã lớn lắm rồi tuy nó chưa cho được bóng mát, nhưng có thể giúp cho mát mắt người nhìn ra sân...
... Cô ơi, cô giáo sư mới, người thay thế cho cô, cũng ưa phượng lắm, cô ấy định sẽ cùng tụi em trồng thêm; nếu thế, trường "của ta" nên đổi là trường "Phượng Vĩ" là hơn. Mà có lẽ dân chúng họ sẽ gọi như vậy, chớ cái tên Sĩ Nhiếp khó nhớ, họ kêu không được...."
Những bức thư như trên cứ thưa lần, thưa lần, khiến Mỹ nghe buồn quá, mặc dầu phải trả lời thư cho học trò cũ mãi nàng rất bực mình. Thư thưa lần mà thư cũng lần lần bớt đá động đến những cây phượng vĩ ngỡ là trung tâm vũ trụ ấy.
Mỹ chỉ buồn vài tháng rồi thôi khi nhớ lại chính mình cũng đã bạc tình với những cây khuynh diệp của trường Gia Long mấy năm trước và cũng đã quên được vài người nữ giáo sư mà nàng nguyện sẽ nhớ trọn đời.
Con người ai cũng bận sống. Sống ở đây, không phải chỉ có nghĩa là tìm sinh kế, mà là tìm học, thương, ghét, giận, yêu, bao nhiêu thứ ấy sao mà đông đúc thêm hoài, khó lòng mà trung kiên được với những tình cảm vụn vặt của tuổi thiếu niên.
Những bức thư buổi đầu, Mỹ hiểu được giữa dòng và thấy được sự cà nanh của em nầy đối với em khác: các em tranh giành tình thương của người thầy học cũ.
Nhưng những bức thư về sau, giọng các em bình thản hơn nhiều. Mỹ biết đó là dấu hiệu tiền phong của sự nhạt phai tình cảm của các em rồi vậy. Người ta chỉ bình thản được, hết ghen được khi nào người ta bớt thương và hết thương mà thôi.
Bốn mùa mưa nắng đã qua rồi và Mỹ không còn nhận được thư của những người bạn trẻ ở trường "Phượng Vĩ" nữa.
Nàng không bội ước, đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là Diễm Phượng, mặc dầu cha nó cả quyết cản ngăn vì cái nghĩa không ổn của danh từ. Không bội ước, không phải vì Mỹ nuôi nấng ảo tưởng nào đâu. Nàng biết rằng các em học trò cũ của nàng chỉ tiếp tục tưới năm cây phượng vĩ ấy trong suốt hai mùa nắng rồi thôi, vì cây đã mạnh rồi, mà nhứt là vì các em cũng bận "sống".
Không bội ước vì nguyền xưa "còn một chút nầy" nàng là người độc chất còn nhớ được lời nguyền, các em còn lâu lắm mới nên gia thất và chừng ấy "Diễm Phượng" đã bị bao cái tên khác cướp mất chỗ rồi, chẳng hạn tên một người yêu vắn số, tên một người yêu không cưới được em nào, vì trắc trở nào đó - người độc nhứt là nàng không có quyền bỏ trôi luôn thệ ước xưa.
Mỹ không nuôi nấng ảo tưởng nào cả nhưng vẫn nuôi dự định về Chợ Búng một chuyến để thăm lại cố nhân, cố cảnh.
Sài Gòn - Chợ Búng là một lộ trình chỉ tốn vài mươi đồng bạc xe mà thôi nhưng nàng không còn một phút hoàn toàn là của nàng để đi cái chuyến đi dự tính ấy.
Năm nay nàng đã đi được rồi đây. Mỹ chuẩn bị rất nhiều ngày, quà cho bạn cũ chẳng có gì đáng kể đâu, mà chuẩn bị tấm lòng, cho bõ cái tội ít thư từ với các em ngay cả năm đầu cũng vậy.
Đến cái tuổi nào đó trong đời con người, tự nhiên người ta đâm ra lười viết thư; các em chắc không hiểu cái điểm đó và chắc đã giận nàng lắm.
Mỹ đi Bình Dương hai tuần trước ngày bãi trường, mong thấy lại được nguyên vẹn cái khí hậu của ngày ấy bốn năm về trước với mầu sắc, mùi vị, âm thanh cũ, thay đổi theo mùa chớ không phải tháng nào cũng có thể nghe trong gió mùi bông bưởi, tháng nào cũng thấy màu lá mạ non đâu.
Xuống xe đò tại đầu con ấp lộ trải đá đỏ đưa vào trường, nàng đứng đó, lòng rộn vui khi thấy cái quán bánh bèo bì Mỹ Liên ở cạnh đầu lộ vẫn còn buôn bán như xưa.
Cái quán này tàng trữ kỷ niệm của thầy trò họ mấy năm trước. Khách sang của quán nầy là dân Sài Gòn, nhưng khách quen của quán là học trò trường nữ trung học Sĩ Nhiếp và giáo sư của họ.
Mỹ đếm bước trên đường đá đỏ mà ở hai bên nhà cửa vẫn còn đủ số. Ngôi nhà đồ sộ của ông cụ chơi non bộ vẫn cứ đặc biệt với pho tượng cẩm thạch một cô gái khỏa thân, lối trang trí sân nhà của Âu châu mà xứ ta rất là hiếm có.
Rồi tim Mỹ đập thình thình khi thấy dạng hàng dừa quen thuộc ớ đàng xa.
Hàng dừa nầy trồng ở bờ một con rạch con; sang tới bên kia rạch còn phải qua một thửa ruộng bắp nữa mới tới trường.
Đây là hàng dừa danh tiếng đối với nữ sinh Sĩ Nhiếp, nhứt là cây dừa thứ năm.
Cây dừa thứ năm nhìn rạch, soi bóng xuống mặt nước. Một nếp nhà xinh xắn núp bóng cây dừa thứ năm ấy. Đó là nhà riêng của một nữ sinh, học trò của nàng, em nầy nhà ở xa đây, cha mẹ em là người có của nên mới mua cho em nếp nhà đó để em đỡ nhọc đi, về, mỗi ngày hai buổi đường xa.
Cây dừa thứ năm nổi danh tức khắc vì bạn đồng song của cô chủ nhà tí hon và cả giáo sư của cô nữa, thường ghé nghỉ chơn nơi đây, núp nắng, đụt mưa, nói chuyện khào.
Cảnh vật y hệt như cảnh năm nào, nhưng Mỹ hơi lo lo vì cùng lúc ấy, nàng thấy có khói lam quyện lấy mái tranh của nếp nhà "cây dừa thứ năm", thấy bóng dáng người lớn và trẻ con.
Nàng mau bước tới đó, nhìn vào nhà thì bao nhiêu gương mặt lạ ở trong đó đều nhìn lại nàng. Mỹ đẩy cổng bước vào sân, một con chó vện núp đâu đó, sủa lên thình lình. Nàng hỏi một đứa bé ra sân đuổi chó:
- Em nè, cô Diệu, nữ sinh trường đàng kia, còn ở đây chớ ?
- Thưa cô không. Cô ấy đã đi lấy chồng năm ngoái. Nhà nầy đã bán lại cho ba má em.
- Lấy chồng về đâu em ?
- Dạ em không biết.
- Thôi cám ơn em nhé.
Mỹ vội trở gót rồi ra tới cổng, nàng thẫn thờ đứng lặng hồi lâu. Giờ nầy, nếu Diệu còn theo học ở trường Sĩ Nhiếp thì hẳn Diệu đang ngồi trong lớp. Thế nên Mỹ không định ghé qua nhà Diệu trước, nhưng mà phải ghé vì người lạ trong nhà khiến nàng đâm nghi có "tang thương" qua đây. Quả có "tang thương" thật, "tang thương" đối với nàng ấy, chớ đi lấy chồng là một điều tốt đẹp cho cô tú tài I Diệu.
Mỹ băn khoăn tự hỏi không biết năm nay Diệu có tự học để thi nốt bằng tú tài hay chăng, và nhứt là băn khoăn về cái chốn xa mà có lẽ Diệu đã đến ở vì chồng em ấy sinh sống ở đó, Định Tường chăng ? Hay Kontum ?
Mà biết đâu lại chẳng là Sài Gòn.
Ai cũng bận sống nên có thể cùng ở một thành phố với nhau mà Diệu không tới thăm nàng được. Thời kỳ trăng mật có thể kéo dài một năm, mà trong thời kỳ ấy người con trai con gái sẵn sàng quên tất cả để hưởng hạnh phúc riêng của họ.
Mỹ lặng lẽ bước qua chiếc cầu gỗ dẫn vào ruộng bắp, mặt ngước lên nhìn cái cây chết trơ cành, đứng giữa ruộng từ không biết bao nhiêu năm rồi mà chưa ngã. Cho đến cái cây chết nầy mà cũng còn đây, chơn trời quen thuộc xưa không thay đổi chút nào cả.
Từ nãy giờ, nàng cố tránh "thấy" ngôi trường, để dành cho chính mình, không phải sự ngạc nhiên, bởi nàng biết rằng không có gì thay đổi bao nhiêu, mà một cuộc thưởng ngoạn khoái mắt vào phút chót. Ngôi trường Sĩ Nhiếp là cây đinh của cuộc đi chơi hôm nay, cái đích của cuộc hành hương, nếu muốn nói lớn lối.
Mỹ chỉ dạy ở đây có hai năm, nhưng cũng đã quá thân lắm rồi với ngôi nhà gạch xinh xắn ấy, với cái bối cảnh sau trường: một bãi tha ma và bên kia bãi tha ma là một khu rừng.
Đó là một người bạn gần như thân, người bạn ấy lại che chở những người bạn rất thân đang chuẩn bị thi tú tài đôi và đang dọn lòng để vĩnh biệt người bạn chung ấy.
Mỹ đã để lại nơi nầy một phần tấm lòng nàng và mang theo những mảnh lòng thơ dại của các em nhỏ dễ thương, gói trong hình bóng rộng lớn và mơ hồ của ngôi trường mà nàng quyết chỉ "thấy" vào phút chót mà thôi.
Mỹ ngước lên và nàng được thấy.
Có ai đốt lửa trại giữa ban ngày ngoài sân trường. Không, đó là năm cây phượng vĩ đã lên bông, cả năm cây đều lớn như thổi y như học sinh qua cái tuổi mười hai và cả năm cây đều cháy bừng bừng.
Mỹ lại dừng bước, tim đập thình thịch trong lòng ngực nàng. Nàng xúc động đến ứa nước mắt nhưng lòng lại rộn ràng, vừa muốn chôn chân nơi đó để nhìn đuốc phượng, lại vừa nôn nao tới trường để gặp lại những cô bạn mà chắc có cô đã cao hơn nàng đến nửa cái đầu. Các em đã trồng năm cây phượng vĩ, không phải là sự tình cờ đâu. Số học sinh trong lớp đệ ngũ A2 răm ấy là 51. Không lẽ trồng đến năm mươi mốt cây ? nên họ chọn số 5 làm biểu tượng vậy.
Mỹ cố tự trấn tỉnh rồi mau bước đến cổng trường.
Nàng gặp nơi sân, chị gác-dan ngày trước. Chị ta kiêm luôn chức vụ lao công và đang ngồi chồm hổm mà nhổ cỏ. Chị ta bỏ việc ngước mặt lên nhìn người khách lạ giây lát rồi đứng lên gọi:
- Cô !
- À chị Tư ! Mạnh giỏi !
- Trời, lâu quá cô mới về đây ! Cô cũng mạnh giỏi ?
- Cám ơn chị. Ở đây có gì thay đổi hay không ?
- Dạ không cô à.
- Để tôi đi thăm các lớp một lát rồi sẽ nói chuyện với chị nhiều hơn.
Vào giờ nầy, học sinh lớp nào cũng đang học. Trên lý thuyết thì như vậy chớ thật ra, các em đang nghe giáo sư kể chuyện cổ tích, hoặc đang làm giặc trong lớp. Còn có bốn hôm nữa là trường làm lễ phát phần thưởng thì còn học tập gì, và các em đã nghỉ chơi như vậy cả tuần, cả tháng rồi, tùy lớp. Biết thế, Mỹ vẫn giữ lễ độ đi thăm ông hiệu trưởng trước, để rồi xin phép ghé qua các lớp mà nàng đã dạy học năm xưa, nhứt là lớp đệ ngũ A2, à quên, lớp đệ nhứt A2.
Khi Mỹ gõ cửa văn phòng ông hiệu trưởng, cửa nầy vốn không đóng, thì nàng thấy ông ấy là người lạ, trẻ hơn ông hiệu trưởng ngày trước nhiều. Mỹ đã liếc sơ vào mấy lớp nàng đi ngang qua và thấy giáo sư toàn người lạ.
- Mời cô vào.
Ông hiệu trưởng nói to lên, và Mỹ vừa bước vô văn phòng vừa xưng tên:
- Thưa ông hiệu trưởng, tôi là Mỹ, nguyên giáo sư trường này cách đây bốn năm.
- Vậy à ? Hân hạnh. Mời cô ngồi.
Mỹ ngồi lên chiếc ghế đặt trước bàn viết của ông Hiệu trưởng và hỏi:
- Thưa ông, chắc đã có nhiều cuộc thuyên chuyển.
- Người cũ không còn ai hết. Mấy ông và mấy cô dạy học ở đây hiện nay, chưa ai tới đây quá hai năm.
- Thế ra, tôi sẽ không còn gặp đồng nghiệp cũ nào hết ?
- Chắc là như vậy.
- Nhưng tôi cũng xin phép ông đi thăm mấy lớp mà tôi đã dạy qua.
- Xin mời cô. Cô thứ lỗi cho vì cô phải đi một mình, tôi bận chuẩn bị cho thật chu đáo lễ phát phần thưởng.
- Không hề gì, ông hiệu trưởng cứ làm việc. À lớp đệ ngũ, à không, lớp đệ nhứt A2 nằm về hướng nào, thưa ông hiệu trưởng ?
- Lớp đệ nhứt A2 ? Không, không có lớp đó.
- Sao lại không, thưa ông ?
- Lớp ấy đã bị giải tán rồi.
Mỹ chết sững giây lát rồi ấp úng:
- Các em... đã... làm gì ?
- Không, các em không có làm gì tội lỗi hết. Chẳng, có hai mươi lăm em rớt tú tài I rồi thôi học, một em thì điên đang được điều trị, hai em qua đời...
- Trời !
- Ừ, một lớp học, đi tới cuối chu kỳ là hao hụt hết năm bảy học sinh vì họ yểu tử. À hai em qua đời, tám em đi lấy chồng, bốn em đi làm, còn lại mười một em thì các em ấy lại xuống Sài Gòn để theo học lớp đệ nhứt ờ dưới ấy.
- Trời !
- Chắc cô buồn lắm nhưng đời các lớp học là thế, biết sao.
Mỹ tần ngần đứng lặng hồi lâu rồi xin phép ông hiệu trưởng để đi. Nàng thất thiểu bước xuống sân, quên thăm mấy lớp khác mà tuy học trò không gắn bó nhiều với ràng, chớ giữa thầy trò vẫn có tình mà tình chưa phai nơi lòng vài em.
Nàng lủi thủi đi trên sân, quên cả chị gác-dan nhổ cỏ có lẽ cũng đang đợi nàng trở ra. Người nữ lao-công ấy là nhơn chứng độc nhứt còn sót lại của những năm nàng bắt đầu vào đời ở đây. Nhưng đó là một nhân chứng thờ ơ, quả chị ta có mừng đón nàng, nhưng nàng biết chị ta xem cuộc ở, đi, còn, mất, của các giáo sư, các lớp học, không dính dáng mảy may đến chén cơm của chị, không ghét ai mà cũng chẳng thương ai.
Tới ruộng bắp, Mỹ xây lưng lại để nhìn lần cuối cùng cái nơi không còn mang dấu vết nào cả của một đoạn đời của nàng.
Không còn gì hết !
Hay là còn, đó là hình bóng xa mờ của những em bé áo dài trắng, đầu đội nón lá, đi trên các bờ ruộng quanh trường, đó là hình bóng của những cánh diều vào mùa gió, những cánh diều đã được nói đến rất nhiều trong tờ bích báo "Hoa Nắng".
Bỗng một mùi phân chuồng thoang thoảng đâu đây. Mỹ nhìn lại thì thấy cái chuồng bò nơi góc ruộng bắp ngày xưa vẫn còn. Cái chuồng bò này chỉ có nàng và vài nữ sinh thi sĩ chú ý mà thôi.
Mùi phân chuồng thơm chớ không hôi đâu. Nó thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủ ăn.
Tự nhiên Mỹ nhớ đến hai câu thơ mà tên tác giả vụt thoát khỏi ký ức nàng vì nàng đang bị xúc động mạnh:
Về đây rồi nhạt dần duyên sắc,
Còn lại âm thầm một thoáng hương.
Mấy đoạn đời qua của nàng chỉ còn lại ảo ảnh, kể cả đoạn đời gần nhất nầy nữa ?
(Ý truyện cô Hạnh)
Tuần báo Gia Đình - 1967
CĂN GÁC HỒNG CỦA LÂM
Thật ra thì căn hồng của Lâm màu xám. Nóc tôn màu xám thì đã đành rồi, mà gỗ và ván màu trắng, màu vàng lợt, cũng muốn màu xám vì nắng táp, mưa tạt chầy ngày.
Nhưng bạn hữu của chàng lại đặt tên gác ấy là "gác hồng" vì một lý do kể ra kể ra rất dài dòng, chớ không phải dịch hai chữ "Hồng lâu" ra đâu.
Lâm là một anh con trai vui tánh. Chắc anh ta cũng có bị những ray rứt hành hạ anh ta chớ chẳng không, ray rứt vì thế sự, vì vận nước, vì tình hoặc vì một chuyện thấp lè tè là chén cơm hằng bữa, nhưng bề ngoài trông cứ như là anh ta yêu đời luôn luôn.
Mà cái gì làm cho một anh con trai yêu đời ? Một người đẹp. Đó là lối suy luận của bạn hữu của Lâm.
Suy luận như vậy, lũ nó tò mò tìm xem người ấy là cô nào. Nhưng anh chàng Lâm cứ lủi thủi một thân trên đường đời.
Đi xi-nê, đi dạo phố, đi ăn uống gì chàng ta cũng chỉ đi một mình, hoặc với bạn trai.
Thế nên rồi mấy thằng bạn "ưu thời, mẫm thế" của Lâm lại suy luận sâu thêm rằng, nếu nó cứ đi ra ngoài cu ky một mình mãi thì hẳn là nó giấu người đẹp trong nhà nó, vì một lẽ gì đó.
Vậy là lũ nó trổ tài thám tử, dò la mãi rồi tìm ra cái tổ uyên ương bí mật của Lâm.
Đó là căn gác xép mà Lâm thuê mỗi tháng một ngàn đồng, chủ nhà ở dưới bao luôn đèn nước.
Căn gác, à không, cà căn nhà nầy, nằm trong một ngõ hẻm ngánh, nghĩa là một ngõ hẻm của một ngõ hẻm, ngõ hẻm chánh, rộng hơn ngõ ngánh một chút, là một con dơi muốn xưng mình là chim hay chuột gì cũng được, vì nó nối liền hai con phố song hành rất gần nhau, phố Phan Đình Phùng và phố Trần Quý Cáp, người trong hẽm có cho địa chỉ, khi thì đề Phan Đình Phùng, khi thì đề Trần Quý Cáp, người tìm phải ráng mà thám hiểm vì số nhà vô trật tự ở khu đó đừng có tin nó mà khổ.
Lũ nó tìm được căn gác hồng của Lâm, nhưng không có người đẹp nào trong đó hết. Ừ, lũ nó cố lì, nằm vạ ở đó mấy hôm, mà ra vào chỉ thấy bộ mặt hề của Lâm thôi, còn bóng hồng thì tuyệt nhiên không thấy dạng.
Nàng về quê ngoại chăng ? Không, nhà không mang lấy một dấu vết cỏn con của một phụ nữ đẹp hay xấu.
Lũ bạn của Lâm đành chịu bí, vì không còn cách nào khác để truy nguyên bí quyết yêu đời của chàng.
Chiều hôm ấy chàng đi chơi, thằng bạn kiên tâm nhứt vẫn còn nằm vạ trên gác xép với hi vọng mong manh khám phá ra cái gì.
Và nó đã khám phá được cái đó.
Bên kia ngõ hẻm ngánh, trước căn gác xám của Lâm là một biệt thự đồ sộ, trổ mặt ra phố Trần Quý Cáp. Vách nhà bếp, day ra đây, sơn đen thui. Ba căn nhà bếp nầy đều có lầu và mỗi căn lầu đều có cửa sổ kiếng mờ, sau trấn song sắt.
Kiếng mờ nầy không phải là loại kiếng trắng đục, mà là kiếng trong, nhuộm màu lục, có gọt bông hoa trên ấy. Trấn song sắt và bông hoa làm cho những gì hiện lên sau đó, hư ảo ghê lắm chớ không phải có đường viền rõ rệt như là sau kiếng trắng đục vậy đâu.
Hồi bảy giờ tối, thằng bạn kiên tâm ấy đứng hóng mát dựa vào bao lơn gỗ nơi hàng hiên gác và thấy đèn sáng lên trong căn lầu giữa của nhà nhà bếp.
Liền sau đó, một bóng người hiện ra. Vì khả năng biến hình của loại kiếng, bóng người ấy giống như một bức chân dung của phái "quy bít" gồm nhiều mảnh người vỡ ra và được ráp lại. Tuy nhiên nó cũng nhận ra được rằng đó là một cô gái.
Cô gái cởi áo ra rồi mặc vào chiếc áo khác.
Thằng kiên tâm chết lặng đi trước một thứ thoát y rất hấp dẫn nầy vì còn chuyện sau sẽ tiếp theo, gợi tò mò ghê lắm chớ không trắng trợn như thoát y vũ trong các hộp đêm, xem vài pha là hết muốn xem nữa.
Tới đây thì The End, mặc dầu đèn bên ấy còn. Cô gái tan nát trong các bông hoa gọt của lớp pha lê dầy màu lục, rồi biến mất.
Thế rồi ngày hôm sau huyền sử về "bí mật của chàng Lâm" được phổ biến sâu rộng ra và bao nhiêu bạn hữu của Lâm đều cũng đổ xô về căn gác của chàng mỗi đầu hôm, để xem Ti-Vi.
Chính Lâm cũng chỉ mới biết có chuyện động trời nầy thôi, nhưng chàng nói sự thật lũ nó không chịu tin, còn trách chàng xấu bụng nữa là khác.
Mỗi đêm, có thêm một trò chơi mới lạ; người đẹp làm gì như là soi gương, luôn luôn có thay áo, còn thay cả y phục thì chỉ thỉnh thoảng mà thôi.
Tất cả những trò công xúc tu sĩ nầy, lũ bạn dịch vật của Lâm chỉ đoán thấy thôi chớ không thấy rõ, vì hình ảnh nát quá và lũ nó rất giận sao chủ nhà không dùng loại kiếng trắng đục, có phải là hình ảnh mê ly hơn không. Qua kiếng trắng đục, họ cũng chẳng thấy gì rõ ràng được, tuy nhiên, đường nét viền quanh một thân thể vẫn nổi bật lên, đen thui.
Từ đây, hễ thằng nào chán đời, tới đây mua vé là được lạc quan. Ư, thằng Lâm nó bán vé hẳn hòi, chỉ lấy tượng trong năm đồng thôi mà nó nói là để trám miệng chủ nhà ở dưới, ông ấy phàn nàn họ làm ồn quá.
Căn gác xám được đặt tên là "Căn gác hồng" kể từ chiều hôm ấy, hồng vì nó giúp những thằng muốn quyên sinh thấy cuộc đời mang màu hồng, có bám níu vào dương thế để được tiếp tục xem thoát y vũ rẻ tiền.
Nhưng lũ nầy là thi sĩ cả chớ không phải là một bọn thấp lè tè đâu mà chỉ hài lòng mãi với bóng dáng người con gái cởi áo mỗi đầu hôm, bóng dáng ấy nó thô bỉ, không xứng với tâm hồn thơ của lũ nó.
Lũ nó vẽ vời ra : ông chủ nhà là một nhà thầu khoáng, cô gái thoát y là con gái thứ tư của ông ấy. Hai người chị của cô ấy được mỗi người hai buồng ở trên kia, còn cô ấy vì còn đi học nên ở riêng sau nhà cho yên tịnh. Tuy là nhà bếp, nhưng thật ra nhà bếp ở dưới là lầu độc lập, mà ba căn lầu nhà bếp là đã quá sang rồi.
Để xem cô ấy tên gì ? Lucie, Hélène, Bích thu. Thúy Liễu ? Cái tên cuối cùng mà cậu nào cũng đồng ý là tên Phù Vân.
Và trời ơi, nàng đẹp không vần thơ nào tả cho đúng mức.
Nàng học ở đâu ? Đệ nhất Trưng Vương, Đệ nhị Gia Long ? Không, như thế thì còn bé lắm vì tâm hồn nàng phải học đại học lận kia.
Bọn thi sĩ cố không xem thoát y vũ nữa mà chỉ đợi đèn tắt để nhìn cái cửa sổ không bao giờ mở ra ấy để mà mơ người đẹp.
Họ cao hơn thường nhơn một bực là chỉ "con người" một vài hôm thôi, rồi đâm ra ghê tởm thú tánh của mình chỉ còn ham ngắm trong tưởng tượng một tâm hồn đẹp mà thôi.
Ư, hẳn là tâm hồn nàng phải đẹp và để cho xứng với vẻ đẹp tinh thần của nàng, họ tự ý bỏ một trò ngoạn mục vô song.
Lâm không được tiền thu vé nữa, nhưng chàng lại rất hài lòng. Chàng si ghế lắm và đâm ghen, muốn chiếm độc quyền người ngọc.
Giờ, không ai dòm mỹ nhân cởi áo nữa, chàng vẫn chưa hết ghen bởi lũ nó còn mơ giai nữ của chàng, còn tưởng tượng về nàng lúc chúng nó nằm trên sạp ván hàng hiên, mà có lẽ mơ cả những lúc chúng nó đi ăn, đi chơi, về nhà ngủ nữa.
Con người vui tánh nầy đã ít nói cười, mặc dầu thật ra giờ đây chàng mới thật sự yêu đời. Chưa chắc gì là những anh hề lại yêu đời và chưa chắc gì anh chàng có bộ mặt lầm lầm lì lì đang đi ngoài kia, mắt nhìn mặt đường nhựa như để tìm một đồng bạc đánh rơi, chưa chắc gì hắn là kẻ có niềm riêng u uẩn gì đâu. Sự thật thường đi trái ngược lại nữa, mấy thằng hay cười, chỉ cười để che dấu tâm sự não nùng nào, còn mấy thằng có bản mặt buồn buồn lại rất vui bên trong, chúng nó cố mà buồn, sợ người ta biết rồi xin bớt niềm vui của chúng nó chăng ?
"Ôi là nàng đẹp ! Ôi là nàng thanh cao ! Mà hễ nàng thanh cao thì nàng biết trọng sự thanh bần, nàng phục lăn cái thằng ở một căn gác xép, biết làm thơ, cái thằng ấy là nhơn vật thơ mộng của các tiểu thuyết mà nàng thường đọc và chắc chắn ngày kia, nàng sẽ can đảm thủ vai nhơn vật nữ trong loại tiểu thuyết ấy, nghĩa là từ bỏ sự giàu sang của ông cha trọc phú, ông ấy cương quyết gả ép nàng cho một viên kỹ sư chỉ biết những con số, để ra đi xây tổ ấm với người lý tưởng của nàng là chàng.
- "Phù Vân ! Em Phù Vân, em đẹp như một sợi mấy trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh ngắt tháng giêng ta của miền Nam. Có phải là em đang ngồi học bài đó chăng ? Và sau vầng trán của em, hình ảnh anh đang nổi lên ?".
Bao nhiêu thằng cô đơn, bao nhiêu thằng chán đời vì bị tình phụ trong đám bạn hữu của Lâm đều lành tâm bệnh cả, bởi cuộc đời đã mang màu hồng rồi dưới con mắt mới của họ; trong Căn Gác Hồng; trước bức tường sơn đen và khung cửa sổ tối thui không bao giờ mở ra cả.
Đời họ đã có ý nghĩa nào, một chỗ nhằm để cho họ khỏi vất vưởng như những cô hồn lạc lòng, một chỗ dựa tinh thần để lấy hứng mà làm việc.
Cả bọn sống trong hạnh phúc tưởng tượng ấy được chín tháng

- thời hạn hoài thai và cưu mang của một bà mẹ

- thì một hôm, một biến cố xảy đến cho riêng Lâm.
Một người bà con của của chàng, trong tình cờ câu chuyện, cho chàng biết rằng, một người quen của bác ấy có nuôi một con nhồng (yểng), loại chim nhái tiếng người giỏi nhứt, miễn là có một lớp da xù xì bọc bên ngoài lưỡi của nó. Ông ấy tìm mãi một người biết kỹ thuật lột lưỡi nhồng, nhưng chưa tìm ra.
Lâm biết kỹ thuật đó, không giỏi lắm, nhưng người Sài Gòn không ai biết cả thì chàng có thể vô địch trong thành phố nầy và thà là giúp người ta một cách không toàn bích, còn hơn để vậy thì phí con nhồng của người ta lắm.
Thế nên chàng tình nguyện làm nhà chuyên môn, và được người bà con đưa tới nhà chủ của con nhồng, năm hôm sau đó.
Tới nơi Lâm buồn cười hết sức vì cái nhà ấy không đâu lạ, đó là ngôi biệt thự áng ngữ trước căn gác xép của chàng, cái lâu đài bí mật chứa chấp nàng tiểu thơ kiều diễm mà chàng mơ gần một năm rồi.
Thật là không có sung sướng nào to hơn trong đời của Lâm. Chàng không định mơ suông trọn đời, mà rất mong mỏi một cuộc gặp gỡ tình cờ, và cuộc gặp gỡ ít hi vọng ấy lại tới bất thình lình quá, thật là ly kỳ y như trong tiểu thuyết.
Chủ nhà tử tế không chỗ nào chê, ông ấy thành thật chớ không phải chỉ xã giao để lấy lòng trong một buổi kẽ giúp ông ta đâu, vì chàng xong công việc rồi, ông ấy khẩn khoản mời chàng uống rượu, chàng không uống được rượu, ông ta nài nỉ chàng uống một chén trà ngon, rồi tha thiết khẩn cầu chàng trở lại, càng nhiều lần càng tốt, ông ấy buổi xế luôn có mặt ở nhà.
Nếu không có Phù Vân, chắc Lâm không trở lại đây làm gì, mặc dầu chủ nhà có lòng bao nhiêu đi nữa, bởi một nhà thầu khoán với chàng, hai người xa nhau vạn dặm, không nói chuyện tiền của đâu, mà chỉ nói về cái điểm tâm hồn thôi.
Vậy chàng đã trở lại. Chủ nhà quả nhiên tử tế thật, vì bây giờ ông ấy không còn cần chàng nữa mà vẫn niềm nở tiếp đón chàng.
Ông phải cái tật lẫm cẫm, hay nói chuyện gia đạo và khoe nhà khoe cửa.
Ông ta đưa Lâm đi xem buồng tắm của ông, trong ấy có đặt bồn tắm sen hồng, giá hai trăm ngàn đồng, ông khoe cây cảnh ở sân sau, và khoe luôn cả kho hàng
Vâng, kho hàng, vì ông ta không phải là thầu khoán mà là nhà xuất nhập cảng.
Ông ta có hai người con trai, người trưởng nam làm kỹ sư cho hãng Esso, người thứ nam đi quân dịch và kỳ lạ chưa, ông ta không còn người con nào nữa hết nghĩa là ông ta không có con gái.
Nhưng cũng chẳng sao, người con gái có thể là cháu của ông, hay cháu của bà. Rất có thể là như vậy, vì là cháu nên nàng chỉ ở phía sau nhà thôi.
Kho hàng của ông xuất nhập cảng nầy là...ba căn lầu nhà bếp! Trời ơi!
Khi Lâm được đưa lên đó, chàng nghe như quả địa cầu nổ tung ra vì một tai nạn nguyên tử nào khi thấy căn lầu giữa đây nghẹt hàng hóa, chỉ chừa một chỗ đi nhỏ, trên lối đi ấy đặt một chiếc ghế bố (giường vải) tồi tàn và cái ông chủ lẫm cẫm nầy lại cho biết thêm một chi tiết rất là vô ích và rất tai hại, đó là chỗ ngủ của con sen.
Dưới nhà bếp, là bếp nấu ăn, buồng tắm, buồng vệ sinh và chỗ ngủ của bà bếp với lại thằng nhỏ, con sen hết chỗ nằm, nên được cho lên đây.
Lâm vội xin phép ra về ngay để soát lại vị trí của ngôi biệt thự nầy và vị trí của căn gác của chàng. Quả nhà chàng nhìn thấy nhà kia và cạnh ngôi biệt thự của ông xuất nhập cảng không còn ngôi biệt thự nào khác cả mà có thể bảo rằng chàng lầm lẫn. Hơn thế nữa, cái cửa sổ luôn luôn đóng, chàng đã nhìn thấy bên trong. Nó được trấn song sắt, và được đóng thêm bằng một cửa kiếng làm bằng pha lê gọt bông hoa màu lục.
Ảo ảnh vừa tan biến và giấc mơ chín tháng của chàng chỉ là một giấc mơ.
Lâm đứng tựa lan can gỗ nhắm mắt lại để sống giật lùi trong thời gian, sống lại những xúc động buổi đầu của chàng, sống lại những giấc mơ, những sung sướng của chàng sau buổi đầu ấy.
Những thứ ấy đều thật cả, và quả chàng đã có hạnh phúc.
Chàng bùi ngùi nhớ lại một cô Phù Vân không còn nữa, nhưng sau mấy giờ đau tương tư chàng chợt thấy rằng không cần có cô Phù Vân chàng mới sung sướng được. Một ảo ảnh đã đủ lắm rồi.
Hơn thế nữa, càng không nên có cô Phù Vân nào cả, vì nếu có, thì khi nàng lên xe hoa, chàng sẽ ra sao, hoặc nếu may mắm khó mong, chàng được nàng, rồi chán nàng thì vẻ đẹp của mối tình bông lông sẽ còn gì ?
Không, không nên có cô Phù Vân.
Mãi đến giờ phút nầy, chàng mới hiểu được một đoạn văn của một người bạn của chàng "Đi câu, đối với tôi không phải là để được cá. Đi câu là những giờ rình một tăm cá, những phút hồi hộp, nhìn cái phao chim lần...chim lần, nghe đầu cần câu nằng nặng".
Hỡi những anh con trai thất vọng ơi, cô Phù Vân không có, là may mắm cho các anh đó. Cô Phù Vân không có thì giấc mơ niên thiếu, giấc mơ thanh niên của các anh mới có được và mới thọ được cho tới khi các anh đầu bạc rằng long. Mà hình như là các anh cần giấc mơ ấy hơn là cần một cô Phù Vân bằng xương bằng thịt.
Lâm giấu luôn sự thật với bạn hữu của chàng, không phải là vì chàng ghen với lũ nó như mấy tháng trước nữa mà vì thương lũ nó. Nếu lũ nó không tìm thấy được cái triết lý về sự cần thiết của ảo ảnh, chúng nó sẽ đau đến đâu và sẽ chán đời đến đâu ?
Cứ để cho lũ nó mơ cô Phù Vân không bao giờ có cho đẹp cuộc đời của lũ nó. Riêng chàng, chàng sẽ đi tìm một ảo ảnh khác, để mà mơ..
(Tuần báo Nghệ Thuật, 1965)
XE LỬA MỸ BUNG VÀNH
Mùa mưa thì cố nhiên là ngày nào cũng có mưa. Nhưng Hoạt lại tức mình sao hôm nay trời lại mưa. Chàng lẩm bẩm: „Cũng có những ngày tạnh ráo hiếm hoi trong mùa, tại sao hôm nay lại không là một ngày hiếm hoi đó ?".
Hoạt tức là vì hôm đó là một ngày buồn rầu đối với chàng. Mưa càng làm cho nỗi buồn ấy thấm thía hơn,
Chàng vừa rời bến đò và hình ảnh những đò ngang chèo tay, hình ảnh đò máy, hình ảnh con sông Cửu Long dậy sóng, hình ảnh lờ mờ của khối cây xanh trên cù lao Rồng, tất cả những thứ ấy đều mang vẻ gì thân mến nhưng chàng lại phải rời nó mà đi xa.
Chàng đi dưới cơn mưa lấm tấm để đến cửa nhà ga cách đó năm mươi thước.
Mấy anh phu xích-lô đổ khách xuống, còn ngồi chơi trước ga, nhìn chàng cười và nói:
- Chuyến chót phải không thầy ? Thôi vĩnh biệt !
Hoạt bị xúc động mạnh trước cuộc giã từ đùa cợt ấy, y như là nghe người thân quyến tiễn biệt chàng. Mấy anh phu nầy, ngày nào chàng cũng thấy mặt, không nghĩ gì về họ cả. Nhưng hôm nay...
Những tiệm phở, tiệm cà-phê bên kia phố, trước ga, với những cô chiêu đãi viên xinh xinh cũng dường như vẫy tay nói vĩnh biệt.
Hoạt thở dài lẩm bẩm:
- Chuyến chót ! Chuyến chót của đời mình !
Chàng sẽ được thuyên chuyển đi miền Trung để tiếp tục soát vé, nhưng đời chàng, chàng nghe rõ rệt là đã mọc rễ trên đường xe lửa Mỹ nầy rồi.
Hoạt bước vào ga. Ga trống như sa mạc ! Người ta không biết chuyến chót trong đời xe là mấy giờ, sợ hỏng chuyến mà thất công, nên đi xe hơi đò cả rồi.
Thầy bán vé ngồi ngáp vặt, trong khi vợ con thầy thu dọn đồ đạc riêng, để về vườn hay để nhờ con tàu cuối cùng chở lên Sài Gòn ?
Hoạt vào cửa trong để ra xe. Chiếc xe hôm nay vắng khách mà dài làm sao ! Bao nhiêu vật liệu cần được chở đi Sài Gòn kia mà !
Mấy thằng bé bán kẹo, bán bánh, không tìm ra khách hàng, rượt bắt nhau từ goong này qua goong khác, rổ quà khiêu vũ trên tay chúng một cách tài tình.
- Chuyến chót tụi bây ơi, giỡn cho đã thèm ta !
Bãi trường, dọn nhà, đấy là những nỗi buồn của chàng thuở bé lúc rời trường làng, lúc rời trường tỉnh, lúc rời quê.
Chàng nhìn con sông Cửu Long qua cửa sổ rất lâu, để ghi hình ảnh đại giang với những chiếc ghe thương hồ ấy vào trí nhớ của chàng.
- Chuyến chót !
Ai cũng nói như thế cả, từ những nhân viên xe lửa đến mấy người hành khách lẻ loi. Mấy người nầy nhìn cái kết của chàng như để đoán những ý nghĩ ẩn núp sau đó. Họ như hỏi: „Thầy soát vé nầy buồn hay vui, sẽ thất nghiệp chăng ?"
Đây là những hành khách quen, vài công chức, và quân nhân. Hoạt tin chắc là họ cũng nao nao buồn, nhưng họ chỉ buồn vậy thôi, vì họ là khách qua đò. Người chèo đò mới nhớ cây đa bến cũ.
Hoạt nhìn quanh chàng. Những nhà cửa, đường rầy, hàng rào, đã mấy mươi năm thuộc vào chân trời nầy, ngày kia sẽ không còn nữa. Chàng có trở lại đây cũng sẽ không tìm thấy một dấu vết cỏn con nào của nhà ga nầy cả.
Hàng me ngoài hàng rào ủ rủ sầu như kẻ ở khóc người đi, mà người đi này lại không bao giờ hy vọng trở lại cả.
Bây giờ mưa đã dứt hột. Vài người lưa thưa từ đâu phía trong đổ ra sông. Đây là những người hiếu kỳ và đa cảm, đến đó xem chuyến xe cuối cùng ra sao, và để cảm động chơi, vì buồn cũng thú vị lắm thay !
Tuyn... tuyn... tuyn...
Xe chuyển mình bò tới chậm chậm. Tự nhiên, không ai bảo ai, từ nhân viên trên xe, đến hành khách đều đưa tay ra khỏi cửa sổ để vẫy giã từ những người đứng bên kia phố. Những người nầy cũng khoát tay từ biệt.
Mấy thằng bé bán quà, nhảy xuống xe hát điệu Tạm biệt, bởi vì chúng không có điệu Vĩnh biệt để mà hát cho đúng cảnh.
Kho bạc, Hải quân, dinh Tỉnh trưởng, tất cả những thứ ấy lui lại sau lần lần.
Hồ nước ngọt, rồi đến những xóm nhà lụp xụp rồi cánh đồng...
Thôi vĩnh biệt !
Hoạt cầm cây kềm cắt vé, đứng ngó mông ra cánh đồng trơ trọi mà hôm nay chàng thấy là đẹp và lưu luyến hơn bao giờ hết.
Chàng biết rằng lát nữa đây, chàng sẽ buồn đứt ruột khi đi ngang qua trạm X.
Gần một năm nay cái trạm xép nghèo nàn ấy đối với chàng là cả một bầu trời thơ mộng. Trạm cất bằng gỗ, lợp lá, vách tre đan, quét cứt trâu. Trạm ngăn làm hai căn, một căn để bán vé, còn căn kia thì dùng làm nhà ở cho trạm trưởng và gia quyến của y. Vợ trạm trưởng là một bà vợ tháo vát, nên chi bà ta đã biến căn nhà thành ra một tiệm chạp phô, trong chưng bày vài tỉn nước mắm, vài bao nhang, mấy chai nước ngọt và dầu hôi, xà-bông, lăng nhăng mấy thứ nữa.
Trạm trưởng là một người đàn ông lối năm mươi, đầu bới tóc như bất kỳ đờn ông nào ở thế hệ trước. Bà vợ ăn trầu, xỉa một cục thuốc sống to bằng trái cau tươi.
Nhưng cô con gái của họ lại xinh đẹp như không phải con của hai người nhà quê đó. Chỉ ăn mặc bà ba lèn xèn thôi, nhưng cô ta có vẻ gái chợ chớ không phải thôn nữ chút nào.
Sáng nào cô cũng chở hàng bông lên chợ An Đông cả. Xe ngừng nơi trạm đó chỉ có hai phút thôi mà cô bé phải đưa lên xe hàng chục giỏ đồ nặng, nên hôm nào cô ta cũng vội vàng và hì hục, lên xe xong gò má cô ta đỏ lơ đỏ lửng, vì mệt, trông như má trẻ con còn bú, cứ thấy muốn cắn vào đó.
Sắp các giỏ hàng ngay hàng thẳng lối rồi, cô bé đứng thở một hơi cho hết mệt, rồi bắt đầu nói chuyện huyên thiên. Mà cô ta ăn nói có duyên quá nên mắt ai cũng cứ nhìn dính vào hai cái môi hơi dầy của cô ta.
Tất cả nhân viên trên xe đều phạm lỗi với sở hỏa xa để giúp cô gái. Thầy xếp tanh thì thổi còi hiệu cho xe chạy trễ vài mươi giây cho cô bé kịp đưa hàng lên, mấy nhân viên khác nhảy cả xuống đất để phụ bà trưởng trạm mà đỡ hàng, còn Hoạt thì cố nhiên tính tiền ba-ga nới tay lắm.
Họ không làm thế không được, vì cô bé ngày nào cũng la bài hãi:
- Thầy xếp ơi, đừng có hại em, khoan thổi tu hít đã !
Nàng vừa đỡ hàng vừa nhìn mấy nhơn viên mà trách móc:
- Mấy anh đứng khoanh lay mà ngó cho đành à ?
Còn ai từ chối được trước những lời than không có gì ấy nhưng do một cái miệng chiếm hồn thốt ra, nên lời than hóa thiết tha tuyệt vọng?
Lên xe, Hoạt cứ theo đúng luật mà lấy tiền chở hàng. Nhưng cô bé mếu máo mà rằng:
- Trời, thầy cho em kiếm chút ít lời, nuôi con chớ !
Thật là cô bé quá quắt. Nó còn son như trái chuối cau mới hườm hườm trên buồng, mà nó dám cả gan nói láo là có con.
- Mấy đứa ? Hoạt cười hỏi.
- Thưa thầy em mới được nửa chục có đầu thôi. Còn nói theo lối thầy soát vé người miền Bắc thì là em mới được nửa tá con.
Cả goong cười ồ lên. Thế rồi Hoạt đưa vé theo giá bằng hữu.
Mà bằng hữu thật đó. Trên xe chỉ có Hoạt là trẻ nhứt, là "có đường tương chao" nhứt, nên ngày nào cô bé cũng tặng chàng vài trái mận to bằng nắm tay và ngọt không kém gì lê, lý.
Ân huệ mà Hoạt ban cho nàng mỗi chuyến xe, đáng kể hơn ân huệ của người khác nhiều. Đỡ tiền ba-ga tức là được lời nhiều hơn.
Nên chi họ thông cảm nhau dữ lắm và rù rì với nhau mãi từ trạm lên tới Sài Gòn.
Nhưng tuy có "đường tương chao" mà Hoạt chẳng xơ múi được gì. Con bé tự vệ rất khôn ngoan. Thành trì của nó không kiên cố lắm để cho kẻ xung phong nản chí bỏ đi, nhưng vừa đủ bền vững để đánh lui một cách nhè nhẹ mọi cuộc hãm thành, mà nó đánh bằng cái nắm tay sắt có bọc gòn, êm ả vô cùng, nhưng đoán được là ghê gớm lắm khiến Hoạt phải nể không dám bạo quá.
Con bé có tấm thân như tượng đúc ấy, vì vậy giống một cái bánh ngọt để trong tủ kiếng, thấy được mà khó lòng chiếm.
Thế nên Hoạt lại càng thèm, càng mê.
Chàng đếm ngày qua như anh hà tiện mỗi đêm mỗi đếm lại gói bạc. Sáu tháng nữa là chàng đủ tiền lập gia đình. Chàng sẽ xin cưới cô hàng, và sẽ an phận với nghề soát vé mãi cho tới già vì được một người vợ như vậy là hạnh phúc nhứt đời rồi.
Một ngày qua, hai ngày qua, ba ngày qua...
Nhưng tai họa bỗng xảy đến bất thình lình. Đường xe lửa bị bỏ, chàng sẽ được thuyên chuyển lên miền Trung.
Hôm qua vắng khách, chàng đánh bạo đặt tay lên vai con bé mà kêu:
- Em !
Con bé ngước lên, mặt buồn dàu dàu, mắt rưng rưng lệ.
- Em sẽ nhớ anh chớ ? Chàng hỏi.
- Sao lại không.
- Buồn chết đi em ơi !
Con bé òa lên khóc giây lâu mới nói được:
- Ba em cờ bạc làm nợ tới mấy chục ngàn. Nếu còn con đường xe lửa nầy thì trong sáu tháng em trả dứt nợ ấy. Nhưng tình thế đã như vậy thì...
Chàng căn dặn:
- Mai nầy chuyến xe sớm, em lên hàng không gặp anh. Anh soát mấy chuyến khác, có cả chuyến xe cuối, đi qua trạm em vào lúc chiều. Em nên có mặt để anh nhìn giây lát nhé !
- Dạ, em không quên đâu.
Qua khỏi Trung Lương một đỗi, xe ngừng tại trạm cây da bến lòng của Hoạt.
Từ một nhà lá lụp xụp kia, tiếng ai hát ru con:
Ù ơ, Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây lủng dáy anh mới đành xa em.
Lời thề của một anh tình nhân ngày xưa, bây giờ đã thực hiện. Trời ơi, nhưng chàng có thề đâu mà phải mắc lời thề ?
Đường xe lửa nầy đã lâu đời lắm nên người ta mới chỉ nó mà thề thốt, mỗi khi yêu đương, cho đến thành ca dao, thành câu hát. Xe lửa Mỹ và tàu Tây kiên cố như thế sao lại bung vành làm chi cho người ta phải đứt ruột ?
Tiếng hát lại tiếp:
Ù ơ. Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố dã.
Cây ngã trôi sông
Đâu còn mong trở lại
Anh thuận gió xuôi buồm...
Hoạt cảm giác như chính con bé đang hát lời ấy để kêu than. Anh lẩm bẩm cãi: "Không, thế nào anh cũng trở lại để cưới em".
Bác trưởng trạm mặc một chiếc áo bành tô bằng nỉ đã lủng lỗ nhiều nơi, tay thọc vào túi áo cho ấm, thẫn thờ bước ra ngó lên xe để tìm người quen.
Từ anh chụm lửa đến anh lái xe và người tiếp tanh ai cũng gọi:
- Bác xếp ơi, ở lại mạnh giỏi nhé !
Họ thì thuyên chuyển đi nơi khác còn những ông trưởng trạm nầy, lương hướng ít quá, nên quyết ở lại làng mạc để sống nhờ nghề khác.
Trưởng trạm rưng rưng lệ, rút tay ra vẫy và nói lớn:
- Anh em đi mạnh giỏi nha !
Bỗng từ đằng sau tiệm chạp phô, bóng thiếu nữ xinh đẹp hiện ra, thiếu nữ mà ai cũng mong đợi được nhìn lần chót.
Nhưng thiếu nữ lại ẵm một đứa bé độ bảy tám tháng, con của nhà hàng xóm nào chắc. Mọi trái tim đều hồi hộp, mọi trí não đều cố tìm một câu giã từ cho đậm đà.
Hoạt thì quyết làm thinh, chỉ nhìn nàng một cách đắm đuối thôi, và chắc nàng sẽ hiểu tất cả đau thương thầm lặng của anh qua cái nhìn hùng biện ấy.
Thiếu nữ ra sân trạm, tươi cười như ngày nào. Khi nàng đến sau lưng một người con trai cởi trần đang đứng nhìn xe, nàng nói:
- Ba nó ẵm con cho em nói chuyện chút !
Trời ơi ! Mọi người đều kêu thầm lên tiếng đó. Riêng Hoạt chàng nghe sàn gỗ của goong xe như làm bằng sáp và đang mềm, đang lún xuống dưới chơn chàng.
Người con trai đỡ lấy đứa bé xong, thiếu nữ vẫy tay cố cao giọng mà la vói lên:
- Từ biệt quý thầy nha, quý thầy đi mạnh giỏi nha.
Nàng cười, nhưng môi hơi máy động vì một cảm xúc dầu sao cũng không khỏi có. Nàng ở lại sống vui với chồng con, nhưng không khỏi nao nao buồn giùm nỗi thất vọng của những người mà nàng nuôi ảo mộng từ bao lâu nay bằng sự giấu nhẹm tình trạng gia đình.
Bỗng đôi mắt nàng bắt gặp đôi mắt không hồn của Hoạt, hắn đang ngó nàng mà ý nghĩ ở đâu đâu. Nàng buồn nét mặt lại và cái nhìn của nàng dường như nói thầm:
- Em xin lỗi anh !
Không, nàng không có lỗi gì cả. Có ai hỏi nàng có chồng có con chưa bao giờ đâu và nàng có trả lời lần nào đâu mà bảo rằng nàng nói láo để gạt gẫm ai.
Tại ai cứ đinh ninh là thế thì bây giờ phải vỡ mộng ra ấy chớ. Hôm qua nàng có khóc thật đó. Nhưng nàng khóc vì sầu món nợ của cha mẹ nàng chưa trả được, ai bảo cứ tưởng nàng khóc hận chia ly ?
Chiếc xe dài thậm thượt mang rất nhiều vật liệu và dụng cụ ấy lại chuyển mình. Nó khởi hành mau lẹ chớ không bịn rịn kẻ ở lại làng quê. Anh lái xe hình như cũng thất vọng nên hậm hực cho đoàn xe giựt chạy mau.
Chuyến xe cuối cùng của nửa thế kỷ băng đồng mang theo trên các goong những ấn tượng nặng nề về một thôn nữ tinh ranh đã cho họ uống cầm thực nay một giọt, mai một giọt, cái thứ nước cam lồ tình ái viễn vông, để nàng buôn bán dễ dàng hầu nuôi nửa tá con dại.
Bỗng Hoạt cười. Đây không phải là chuyến xe cuối cùng nữa, mà là chuyến xe đầu tiên mà nhờ nó chàng đã học được một mớ kinh nghiệm ở đời Chuyến-xe-đời trước nhứt này đã cho chàng chạm trán với sự thực không quá nên thơ như chàng ngỡ. Tai nạn đụng chạm này - may quá - chỉ gây thương tích nhè nhẹ thôi, không một nạn nhân nào bị chở đi dưỡng đường hết. Tất cả đều là ảo ảnh.
Ngày mai mọi vết thương sẽ lành,và trên đường Trung Việt, chàng sẽ gặp nhiều cô gái khác, có lẽ tinh ranh hơn. Nhưng chàng chỉ yêu họ vừa vừa thôi, sẽ đắn đo, dè dặt. Chàng sẽ không nhắm mắt đâm đầu mà yêu nữa, nó sẽ bớt thú vị biết bao nhiêu, nhưng đỡ bị thương khi nào có tai nạn đụng chạm.
Ngày mai ! Biết đâu trên một ga hẻo lánh như ga Mường Mán chẳng hạn, chàng sẽ không gặp một sơn nữ thơm phức hương vị của núi rừng ? Chàng sẽ không gặp một cô gái Hời mà nỗi hờn vong quốc dường như còn quyện trong đôi mắt huyền bí như rừng sâu xa thẳm bên đường rầy ?
Hoạt thò đầu ra cửa sổ, nhìn về hướng trạm X. Trạm chỉ còn là một cái chấm nhỏ. Cô gái ẵm con đã mất dạng đâu rồi, mưa lấm tấm rơi, nhưng Hoạt lại hết buồn. Chàng kêu lên khe khẽ:
- Em ! Bà thầy dạy ái tình của anh ơi !
Rồi chàng cười lên ha hả và lẩm bẩm một mình:
- Thế là còn hơn nó son rỗi ! Mình ra đi, không còn luyến tiếc gì nữa cả !
Rồi xăng xái chàng bước qua goong khác. Tất cả bạn cùng xe gặp nhau đều lặng cười không ai nói với ai điều gì, nhưng họ ngầm hiểu nhau nỗi thất vọng vừa qua.
Bác xếp-tanh ngâm:
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã một con với chàng.
- Mà lạ, sao mình không thấy chồng nó bao giờ ?
- Chắc hắn đi làm đâu, thỉnh thoảng mới về một lần.
- Đố các cha, nó được mấy đứa ?
- Cái thứ đó thì dầu có sáu lứa vẫn còn son như thường. Có thứ đờn bà hình như là đã được ai cho thuốc trường xuân.
CÔ NHƠN TÌNH MA ĐÃ BIẾN MẤT
Mầm dế, trứng dế, không biết sống tiềm tàng cách nào mà hễ mưa xuống một đám mưa đầu mùa là dế tràn ngập đồng nội ở thôn quê, tràn ngập các hang cùng ngõ hẹp, ở thành phố.
Tần nhớ ra là khi sáng, dạo đường Hàm Nghi, ghé qua chợ súc vật giây lát, chàng thấy dế loi ngoi như dòi, trong những cái lồng kính và trẻ con bu quanh các gian hàng dế đông nghẹt như xem hội.
Tần nghĩ những điều nầy khi chợt nghe tiếng dế gáy rất to, ngay dưới đầu nằm của chàng.
Cái mới lạ lỳ !
Chàng ở một khu phố rào, toàn là gạch không mà thôi, mặt phố trải nhựa, vỉa hè tráng xi măng, buồng ngủ của chàng lót gạch mà không một tấm gạch nào bể hết để cho có kẽ hở làm tổ ẩn núp cho mầm dế, thế mà tự nhiên có dế, hăm bốn tiếng đồng hồ sau đám mưa đầu.
Năm kia, không nhớ trong buồng nầy có dế hay không, chàng quên mất, còn năm ngoái, chàng ở trên Đà Lạt, về đây đã qua mùa dế rồi.
Dầu sao, nếu năm kia mà có dế, chàng cũng đã không chú ý đến nó. Năm ấy chàng có người yêu và bận yêu, mà bận yêu ai thèm để ý đến giống vật nhỏ mọn ấy.
Đây là loại dế đá, vì tiếng gáy của nó to đến điếc cả tai. Chính cái loại của con dế nầy làm chàng thắc mắc.
Dế chó, thứ nhỏ hơn nhiều, sanh ra trên khuôn bếp, ở các kẹt, xó nhà, chớ còn dế đá thì chỉ nở được trong đất ẩm, dưới cỏ ướt thôi.
Lâu lắm rồi Tần không có nghe loại dế nầy gáy nữa, vì người lớn đâu có chơi dế, nên hôm nay chàng lắng tai đón những âm thanh gần quên rồi ấy.
Tiếng dế trong lạ. Nó lên cao vút, còn cao hơn những nốt nhạc cao trong bản "Nhạc buồn" của Chopin nữa.
Thình lình Tần nghe rờn rợn sau lưng. Chàng đang nằm nghiêng, day mặt vô vách, vội nằm ngửa ra để tự vệ.
Sự xuất hiện thình lình của con dế nầy làm chàng nhớ đến những cô gái Liêu Trai, thường về đêm, không biết từ đâu, nhẹ bước tiên rón rén vào buồng của những cậu thơ sanh.
Dế, trò chơi trẻ con, và gái Liêu Trai, giấc mơ của những thiếu niên, bỗng như xô chàng thụt lùi trên giòng năm tháng !
Chàng trở về qua lối cũ, ghé lại thời niên thiếu trước hết.
Đó là thời mà người con trai mới nhổ giò, vừa bể tiếng, bắt đầu mơ yêu nhưng rất "nhát đèn".
Gái Liêu Trai là hạng gái lý tưởng của các cậu, của chính chàng. Các cậu khỏi phải tán tỉnh lời nào. Tự nhiên các nàng hiện ra, tìm các cậu, vào buồng các cậu để nghe các cậu đàn hay ngâm thơ, rồi mê tít các cậu ngay.
Về sau, cậu thơ sanh nào cũng bị hớp hồn, xanh xao, vàng vọt, ốm lên ốm xuống mà nếu không gặp các tay chơn tu già tay ấn cho một đạo linh phù thì các cậu sẽ chết lần chết mòn hết ráo.
Hậu quả của những cuộc ái ân với gái Liêu Trai là như thế đó, nhưng các cậu nào có sợ đâu, bởi gái Liêu Trai đáp đúng nhu cầu của các cậu mà các cậu chưa đủ khả năng thỏa mãn.
Lạ một điều nầy là về sau, khi trưởng thành rồi, khi đã biết gái thật rồi, họ mới bắt đầu sợ ma Liêu Trai, như chính chàng hồi nãy đây, chớ còn tuổi niên thiếu, mặc dầu là tuổi sợ ma, họ chỉ sợ các loại ma khác thôi và hằng đêm hằng mơ ma của họ Bồ.
Xác thịt tuổi ấy đang lên, mạnh bạo hơn bao giờ cả và lấn át được mọi thứ sợ hãi.
Nàng...!
Nàng của tuổi thiếu niên. Nàng không có tên, không có tuổi, mà cũng chẳng có mặt mũi hình thù. Nhưng chàng thương nhớ nàng khôn nguôi.
Đó là một người quen mà chưa biết, thân thật là thân, thân như đã quen với nhau đâu hồi kiếp trước và nhớ nhung như là nghịch cảnh đã tách rời họ với nhau không biết làm sao để tái ngộ.
Rồi nàng hiện lên, rõ rệt hơn, qua ngòi bút của nhà thơ viết bằng văn xuôi là Bồ Tùng Linh với dáng vóc yêu kiều, đôi khi có họ có tên, đôi khi biết được cả tên tuổi của cha mẹ nàng và chức tước, địa vị của thân phụ nàng nguyên là một vị đại thần. Mà cả nhà đã bị tru di tam tộc cách đây mấy trăm năm trong ngôi dinh thự hoang phế mà thơ sinh lạc bước vào, một đêm trăng kia.
Dế lại gáy to hơn khi nãy vì nó vẳng nghe ở đâu xa lắm, tiếng gáy của đồng loại nó mà chàng không nghe được vì không thính tai bằng nó.
Nàng !
Nàng cũng bắt chợt thơ sinh như nàng dế nầy.
Nàng dế nầy ?
Tần vụt ngồi dậy. Người đàn ông kinh nghiệm và thực tế nầy đang sống trở lại thời niên thiếu một cách lương thiện và sòng phẳng, nghĩa là còn đang rung động,
những rung động đầu mùa của con người, đang mơ những giấc mơ dại của ngày xanh, triền miên, triền miên...
Chàng lắng tai nghe ngóng ! Biết đâu nàng lại không là một tiểu thư ma, hiện về trong cái vỏ một con dế trước cái đã, để thử lòng chàng ?
Chắc ngày xưa nàng là một ca kỹ đã "cách giang xướng Hậu Đình Hoa", đã "bất tri vong quốc hận" và giờ đây ăn năn tội lỗi, nàng mới ca lên điệu ca sầu thảm muôn đời của loài dế.
Ừ, dế gáy, thoạt nghe thì vui, nhưng nghe một lát thì chợt thấy rằng nhạc dế buồn lắm.
Đích thị là hồn của một thương nữ mang hận nghìn đời vì đã không quan tâm đến vận nước.
Nếu là hồn oan của cô ca sĩ đương thời, ắt hồn đã ca những bản giựt gân hơn.
Từ hai năm nay, Tần cô đơn quá, bình thường chàng đã mơ mộng như con trai mới lớn lên rồi, huống hồ gì chàng vừa lội ngược thời gian.
Chàng lắng tai nghe ngóng để đoán vị trí của nàng dế. Đoạn chàng vói lấy hộp diêm trên tủ đầu nằm, trút hết diêm quẹt ra, rồi lại dở gối lấy chiếc đèn bấm mà chàng luôn luôn thủ sẵn trong buồng vào mùa mưa, đề phòng banh điện. Hễ điện banh thì chàng có đi ngoài khỏi vấp té vì lửa diêm quẹt thường thường bị gió thổi tắt bất tử lắm.
Tần rón rén bước xuống giường, nhẹ như một con mèo rình mồi. Thế mà nàng dế đã nghe động và nín đi.
Chắc nàng cũng đang lắng tai nghe ngóng. Bạn hay thù ? Nàng tự hỏi thế, mặc dầu nàng là ma, ắt hẳn phải biết rõ ruột gan của người trần.
Gã nầy đa tình và nhứt là đang mơ giấc mơ thần tiên của tuổi dậy thì, như thế, hắn phải là bạn rồi.
Nhưng tay hắn lại cầm một chiếc hộp diêm không, thứ ngục tù để nhốt nàng trong ấy.
Ư ! Tần định bắt nàng, nhốt trong hộp diêm, rồi để nàng trên đầu nằm hầu nàng ca gần cho chàng nghe.
Nàng sẽ hiện nguyên hình là người thương nữ bất tri vong quốc hận, sẽ thú tội với chàng để trút bớt gánh hận ngàn đời đã xướng bản Hậu Đình Hoa, rồi chàng sẽ tha thứ nàng, sẽ an ủi nàng rồi hai người yêu nhau trong sự cảm thông nghệ sĩ.
Ừ, chàng cũng là nghệ sĩ và chàng cũng đã trót bất tri vong quốc hận, à, không hẳn là bất tri, nghĩa là tri mà không thể làm nhiệm vụ.
Rồi hai đứa sẽ tái khởi hành trên đường đời với nhiệm vụ khác, của thời nầy. Họ sẽ làm những người công dân tăm tối, cố tròn bổn phận công dân, không tham vọng lớn, để có thì giờ phục vụ bộ môn nghệ thuật của họ.
Nàng lại ca trở lên và Tần thấy đó là một cuộc đùa dai của người con gái ma. Nàng chơi trò cút bắt với chàng, nín đi, và có lẽ đã đổi vị trí rồi cũng nên để chàng phải tìm kiếm. Rồi nghe im lặng lâu quá, sợ chàng bỏ cuộc, hát trở lại để ghẹo chàng.
Mà nàng đã đổi vị trí thật.
Giường của chàng, chàng kê sát tường và buồng ngủ rất hẹp. Nàng đã bò vô trong sâu, vô cái chân tường ấy.
Giường tân thời thấp quá, thật kà không biết làm sao vói tay cho tới người ngọc.
Tần cúi xuống, dòm vào dưới ấy rồi bấm đèn.
Nàng là một con dế lửa. Chắc ngày xưa nàng bự phấm và đậm son, nên dấu vết ấy kiếp nầy vẫn còn mang, đỏ bầm một màu nóng và khiêu khích.
Nàng nằm sát chơn tường như thách đố :"Có khó mới thú. Em đang ở chốn thâm cung đây, anh mà vào được mới đáng mặt anh hùng võ hiệp".
Trang anh hùng của thời vệ tinh hành động rất kém kiếm hiệp. Chàng lấy chiếc gậy trúc đùi gà, quà tặng của một người bạn vong niên, đang dựng ở góc tường, rồi thò gậy dưới giường mà quơ.
Nàng hoảng hốt nhảy đi mấy cái, rất hận con người không biết nịnh đầm nầy.
Nàng đã ra ngoài, nhưng không nhờ thế mà chàng chiếm được nàng ngay đâu.
Tần rất bừa bãi... ở trong buồng chàng. Nói cho công bình, tại chàng thiếu chỗ, nên cái buồng ngủ nầy lại vừa là kho sách, vừa là kho vật dụng.
Dưới gạch, hằng trăm quyển sách nằm la liệt, hằng đống báo, và một rương dụng cụ thợ mộc. Ấy, những ngày buồn chán quá, chàng thích chơi trò thợ mộc, đẽo những chiếc thuyền nhỏ, đóng những chiếc xe bò tí hon, hay thiết thực hơn, sửa lại một cái giá mắc áo, thay một chơn ghế gãy.
Nàng quỉ quyệt tinh ma (đã bảo nàng là gái ma mà lại!) nhảy vào giữa đống sách báo mà nằm nín khe trong đó.
Tần cũng quỉ quyệt không kém. Chàng cũng ngồi im và nín thở.
Lâu lắm, nàng ngứa môi, cất tiếng lên. Ca sĩ mà không ca thì còn biết làm gì bây giờ.
Chàng đoán : "Cô em hiện đang núp dưới mớ báo Phụ Nữ Tân Văn mà mình mở banh để sưu tầm thơ của nữ thi sĩ Manh Manh.
Tất cả có tám tập chồng chất lên nhau, vì báo đã mở ra, nên tờ báo cong chớ không nằm phẳng có chỗ trống nên cô em ẩn trú.
Nhẹ thật nhẹ, Tần đưa tay tới, chàng nín thở hơn rồi vụt thình lình chàng hất mạnh chồng báo ra rồi chụp càng bừa, chớ chưa thấy mặt nàng đâu cả.
Nàng nhảy một cái là rơi vào kẽ giữa hai chồng sách rồi gáy te te như để mỉa mai chàng.
Tần lại ngồi im để tìm chiến lược. Thấy rõ là bắt dế trong nhà, khó hơn ngoài đồng nội nhiều. Ngoài ấy trống trải, dế nhảy tới đâu ta đều thấy và đều rượt theo tới đó được. Căn buồng nầy ít bàn ghế, nhưng lại nhiều chướng ngại nho nhỏ là sách, báo, thùng, hòm, rương.
Tần lấy hai quyển sách ở hai đống sách khác, bít hai đầu khe rồi dỡ từng quyển sách một của hai chồng sách mà trong đó nàng ẩn núp.
Hai chồng sách cao ấy đối với nàng như hai bức tường kiên cố và cái khe ở giữa là một cái giếng sâu và hẹp.
Giở từng quyển chồng sách ấy, tức là làm cho cái giếng cạn lần, cạn lần, cho đến lúc mà nó đã cạn cho chàng thò hai ngón tay vào đó được là có thể bắt cóc nàng.
Hai đống sách thấp lần, thấp lần. Nàng nín khe, có lẽ để nhìn nguy cơ lù lù tiến đến.
Chỉ còn mỗi bên có bốn quyển thôi, nhưng đó là bốn quyển sách thật dày, chưa hành động được.
Tần thấy bỏ thêm hai quyển nữa. Nhưng coi chừng ! Hễ giếng cạn thì chính nàng cũng có thể nhảy ra được chớ không riêng dễ dàng cho chàng thò hai ngón tay vào.
Và rồi ! Nàng dế nhảy ra, vọt nhanh lên như tên bắn, đúng vào cái lúc mà hai quyển sách được dở ra.
Nàng nhảy, nhảy lăng xăng, và chàng chạy theo để chụp. Lạ quá người lớn kém khả năng hơn trẻ con trong những công việc của chúng nên Tần cứ chụp hụt mãi.
Chàng toát mồ hôi dầm dề mà chưa bắt được nàng dế tí hon ấy. Cũng may là nó không chạy xuống giường.
Tần đã lùi về tới thềm tuổi thơ dại, thấy mình là một cậu học sinh lớp ba ở trường làng. Chàng nghe luồng gió ban mai mát mẻ nhè nhẹ thổi lên lưng đẫm mồ hôi của chàng, chàng nghe được hơi nóng mà những tia nắng sớm đã sưởi lên ót chàng và huyền diệu thay, thấy được cả những hột ngọc sương lóng lánh trên đầu cỏ non mởn.
Bấy giờ nàng dế đã bị cầm tù trong bàn tay nắm của chàng rồi.
Không, nó không phải là Nàng nữa !
Nó dữ tợn ghê hồn. Nó đạp lên tay chàng bằng những cái cẳng đầy gai góc của nó và cắn mạnh vào lòng bàn tay chàng bằng hai cái càng bén ngót của nó khiến chàng đau điếng người, suýt mở tay ra.
Tần vội bỏ dế vào hộp diêm, lòng vui sướng y như thuở bé bắt được một con dế dữ, một con dế lửa vô địch trong làng.
Chàng đẩy nhẹ hộp diêm ra để ngắm đầu dế. Quả thật nó oai phuông lẫm liệt, cắn gỗ hộp diêm nghe rào rạo và chực thoát thân khi nó thấy ánh sáng đèn.
Vội đậy hộp diêm lại, chàng nghĩ bụng : "Sướng a ! Mai mình sẽ thách thằng Kẹo, thằng Hòn đá. Chúng nó có mỗi đứa một con dế than bạo tợn, nên làm phách quá trời. A, mà mai nầy chúa nhựt nghỉ học, mình sẽ đi đá dế hội đằng đình, mình sẽ ăn hết cả làng".
Thình lình có tiếng ca nhạc vang lên ở căn nhà đối diện.
Mộng xưa tàn vỡ
Lòng ta còn nhớ,
Những chiều sát vai, sát vai trong nhịp đàn.
Cậu bé học sinh nhà quê đang nghiền ngẫm chương trình đá dế, bỗng bị lôi đầu về thực tại.
Cái đầu khét nắng của cậu, giờ cậu thoáng nghe có thơm mùi nước hoa Bain de Champagne.
Đã lội ngược thời gian nhanh như chớp, giờ chàng lại bị dòng năm tháng cuốn xuôi theo, cũng thoăn thoắt nhanh.
Ôi hắt hiu là nhớ,
Chiều nay sao hắt hiu là nhớ
Tới chiều nào !
Cái buổi chiều nào ấy là buổi chiều chàng mơ cô gái Liêu Trai lần đầu trong đời chàng. Chiều ấy trăng mọc sớm đằng hướng đông, và trên đồi trước nhà chàng một ngôi miếu cổ trông giống như một đền đài xa xưa chứa chấp hồn ma của một tiểu thơ nào chết oan trong đó.
Tần thừ người ra, buông hộp dế rơi xuống gạch. Không, nó chỉ là con dế thôi, con vật nhỏ mà hung bạo của thời trẻ dại của chàng.
Nàng ma họ Bồ không phải là nó, mặc dầu cả hai đều xuất hiện đột ngột.
Chàng đã rời bến tuổi xanh và hiện đang ghé bến thiếu niên nhút nhát đây với những gái hồ ly khỏi tán mà cứ được.
Ôi, những giấc mộng hồ ly thần tiên của thời niên thiếu ! Nàng đâu rồi trong xiêm y rực rỡ, dưới ánh bạch lạp, đứng ngoài song viên dũ nhìn vào thơ phòng của chàng ?
Mộng ước về đâu
Chút duyên tình đầu
Nhạc cũ chìm sâu
Lắng trong hồn sầu
Đèn khuya còn sáng
Nhạc khuya thầm nhắc
Bao lần lá rơi
Lá rơi trên đường chiều.
Đoạn chót của nhạc kéo chàng ra khỏi bến thiếu niên và đẩy mạnh chàng xuôi dòng đến bờ lứa tuổi hai mươi mà nơi đó chàng đã gặp lần đầu cô gái bằng xương bằng thịt.
"Chút duyên tình đầu" ấy đã để lại nơi lưỡi chàng vị đắng cay mà mãi đến ngày nay vẫn cứ còn ngăn chàng nếm được đầy đủ ngọt bùi của cuộc đời tình cảm nào khác vì dư vị tai hại cũ năm xưa.
Bất giác Tần đưa tay bóp trái boa trên đầu giường chàng. Đèn lớn tắt phụt xuống và đồng thời, ánh sáng mờ của bóng đèn chong gợi mơ màng ánh nến bạch lạp của thời phong kiến vàng son mà thế giới rất đông đúc yêu ma.
Chàng chỉ muốn cặm sào mãi nơi bến thiếu niên với những giấc mơ hồ ly của chàng thôi.
Cô tình nhân ma đã mất rồi, mất một cách vĩnh viễn, nhưng chàng bất khuất, cứ muốn gọi hồn nàng về bằng ánh mờ nầy.
Chàng gọi nhỏ :"Em, em hồ ly tinh ơi ! Anh không sợ bị em hớp hồn, không sợ chết lần, chết mòn vì em, bởi vì trong cái chết đó, đến phút hấp hối cuối cùng, anh vẫn còn mê em, còn thấy nơi em cô tình nhân yêu dấu. Anh ưa mơ yêu em hơn là yêu thật những con người họ làm bầm dập tim anh. Em hồ ly của những giấc mơ năm cũ ! Hãy hiện về trong khói hương trầm lòng anh để bắt cả hồn lẫn xác anh đi, anh mơ được lạc vào thế giới u minh của cõi ma đây.
(Tuần báo Tiểu thuyết Tuần san, 1962)
NGƯỜI KHÁCH VIỄN PHƯƠNG
- Đồng ý, nhưng phải quyết định mau lên, nắng cháy da đây.
Đã sáu giờ chiều rồi, nhưng đó là giờ ước lệ chứ không phải giờ thật của trời đất, của viện do thời gian nào nên trời còn nắng chang chang.
Dân Việt Nam đã chịu cảnh giờ ước lệ nầy từ thời Decoux, từ thời Nhựt chiếm đóng tới giờ, qua bao triều hưng vong, những chiếc đồng hồ của ta của ta vẫn phải chạy trước một tiếng hoặc hai tiếng, thành thử tới bảy giờ tối, lắm hôm cũng chưa hết nắng.
Nắng chiều không gay gắt như nắng trưa, nhưng nó chiếu xiên, đâm lén sau lưng ta, hoặc làm ta mù quáng - nếu ta dại dột nhìn về hướng Tây, y như lái xe đi trên đường trường ban đêm, mà gặp phải một bác tài vô lễ đi ngược chiều của ta mà cho đèn pha của bác làm lòa mắt ta chơi.
Cả bọn nóng nảy đòi đi ngay, bởi vì đi ít khổ hơn đứng một nơi, ngoài phố, với bốn năm chiếc xì-cút-tơ dồn đống lại một chùm.
Chiều thứ bảy hôm nay, họ quyết định đi ăn cơm ở ngoài, chớ trời nóng quá ăn cơm nhà nuốt không trôi nữa, quyết định nầy tới rất bất thần, sau khi họ ra khỏi nhà một thằng bạn chung.
- Lẽ cố nhiên là nên ăn ở một quán lộ thiên, một thằng đề nghị :
- Cho mát, hay lắm. Nhưng phải là quán xa, để được hưởng ánh đèn nó làm cái gì cũng hóa nên thơ tuốt, bởi ta đi tới đó thì mặt trời phải lặn mất rồi mới được.
- Nè, quán Hoàng Anh có con gái ông chủ quán hấp dẫn như tiểu thuyết của Phú Đức nghen ta, đừng có quên điểm ấy.
- Hoan hô cô Hoàng Anh !
Hoàng Anh có lẽ chỉ là một cái tên phăng te di thôi, nhưng các cậu nhứt định rằng con gái chủ quán mang tên đó.
Chúng nó thích quán Hoàng Anh hơn tất cả mọi quán lộ thiên khác, trừ Thới ra.
Quán Hoàng Anh là một quán nhậu, chuyên bán các thức ăn mà khách hủ chìm rất ưa. Thới không biết uống rượu nên không bao giờ chịu đi ăn ở quán đó hết.
Nhưng chiều hôm nay chàng không phản đối và thót lên yên sau của một thằng bạn ngay.
Không hiểu sao mà chiều nay chàng nghe bồn chồn lạ. Đó là cái nỗi buồn không căn cứ của những năm trước, những năm chàng mới bắt đầu mơ yêu, đó là cái nỗi nhớ thương bâng quơ, không đối tượng.
Thới mắc trở lại chứng bệnh từ bốn tháng nay từ ngày mà Tuyết đi lấy chồng, ban đầu chàng đau tê tái rồi nguôi lần lần và nỗi buồn dìu dịu nầy lần lần xâm chiếm lấy chàng cho tới chiều hôm nay thì chàng nghe như quanh mình là một khoảng không mênh mông.
Mặt trời đã tắt, chưa tắt hẳn, nhưng quán lộ thiên lại không lộ thiên hoàn toàn, nên tối hù, thành thử ở đây phải lên đèn.
- Ta ngồi ở một buồng gần nhà nhứt cho thằng Thới nó thấy mặt "nàng" một lần, nghen các bồ ! Ngạc đề nghị.
Cả bọn làm thinh, nhưng họ biểu đồng tình với Ngạc bằng cách chọn cái buồng đó.
Buồng chỉ là một lối nói thôi,
Quán cất giữa một vườn cao su nhỏ, khá cao niên, vì cây cao su nào thân cây cũng ôm được một ôm. Có lẽ đây là một vườn thử cây, nên chủ vườn chỉ trồng chơi năm bảy mẫu thôi, lại trồng ngay cửa Đông của một thành phố lớn là Saigon.
Cao su luôn luôn được trồng ngay hàng thẳng lối, cây nầy cách cây khác độ năm thước và vườn cây là khoảng đất trống giữa bốn cây cao su.
Chủ quán đã trồng trúc cảnh tức loại bỏ cây từ gốc cao su nầy đến gốc cao su khác để ngăn quán ra thành nhiều ô vuông, ô ấy được khách gọi đùa là buồng.
Tàn cao su không dày mịt nhưng cũng làm cho quán tối om, về chiều, và những ống nê ông gắn trên nhánh cây tỏa ra một thứ ánh sáng trắng huyền ảo hơn là những ánh trăng thật, xuống các "buồng ăn".
Thới nhìn qua các khóm trúc thì thấy nhà quán, cất bằng gạch men mà vách không tô xi măng, rất có vẻ gia đình. Sân nhà có đu cho trẻ con, có võng treo trên giá sắt, nhưng quầy thu tiền thì không thấy đâu, nhà bếp chắc là ở sau nhà quán.
Từ nãy giờ trước khi tới đây, chàng tưởng tượng ra một chiếc quầy bằng mây, theo lối sằn dã, và hình dung ra người thiếu nữ ngồi sau quầy với mái tóc bồng bềnh mà thằng Tôn nó thường tả.
Ý, cái thằng Tôn nầy nó mới là họa sĩ làm sao chớ. Nó vẽ bằng miệng, nhưng vẽ tài thế nào mà Thới như đã xem bức chơn dung vẽ dầu của cô Hoàng Anh, do một họa sĩ truyền thần danh tiếng vẽ ra.
Nè, đôi mắt nàng đen lắm, sâu như đáy giếng, lông nheo của nàng là lông nheo thật, mà nó cong quớt lên như là lông nheo giả của đào trên sân khấu vân vân và vân vân...
Không có quầy, nhưng cũng chẳng sao, vì có cái sân gia đình nầy thì hẳn lát nữa đây, cả nhà chủ quán sẽ ra sân hóng mát. Chắc chúng nó đã thấy "nàng" trong dịp ấy, chớ quán nầy đứng đắn, không có nữ chiêu đãi viên, thì Hoàng Anh không thể xuất hiện bằng cách nào khác được.
Trong khi bạn hữu chàng trò chuyện, giải khát để đợi món ăn, thì Thới đưa mắt nhìn sang các buồng khác, qua những bức rèm trúc sống.
Bóng dáng nhiều thiếu nữ thấp thoáng bên kia rèm, đó là khách ăn đấy chớ, chàng biết vậy, nhưng cứ có ảo tưởng đó là Hoàng Anh, ra đây để trò chuyện với khách quen hầu cầm khách.
Nhưng không có cô nào có vẻ là Hoàng Anh mới là đáng tức mình, chỉ cần ảo tưởng mà cũng không toại nguyện.
Hoàng Anh đang nằm nhà thì hẳn không ăn mặc lớn như các thiếu nữ mà chàng thấy dưới ánh đèn, bấy giờ đã sáng lên nhiều lắm, nhờ trời đã tối hẳn.
Chàng nhìn sững cái lưng của một cô gái mặc din và sơ mi đồng màu, một màu da trời thật nhạt, và cố tin rằng đó là thiếu nữ mà chàng tìm kiếm bởi bộ din cho người mặc nó cái vẻ nằm nhà như là bi-da-ma vậy.
Ở đây, cái gì cũng hư ảo hơn là dưới ánh đèn màu trong các hộp đêm nhiều. Lá cao su dày bụi thời gian mà được ánh đèn dịu, soi ngược lên, hoặc được nguồn ánh sáng ấy ẩn trong đó, lá ấy trông mơn mởn và người nhìn cứ như là đang đứng trước một mùa xuân mà thiên nhiên vừa được tái tạo.
Trong ánh đèn màu, người xấu cũng hóa đẹp, ta biết vậy nên cứ không tin là họ đẹp, nếu may mắn có người đẹp thật sự.
Ở đây, ta không đề phòng, vì ánh sáng thật, không cho phép ai ăn gian, mà ác lắm, họ chỉ thấy thoáng qua rèm trúc sống thôi, ta chẳng thấy rõ họ được, mà lại cứ tín nhiệm nơi tình thế không thể ăn gian của họ, thành thử tất cả phụ nữ đều như tiên giáng hạ trong khung cảnh khá thần tiên nầy.
Nhưng cô Hoàng Anh ảo tưởng, bỗng dưng không còn là cô Hoàng Anh nữa, bởi cô ấy đứng lên cùng một lượt với người thanh niên ngồi đối diện với cô, rồi người ấy đèo cô ta sau chiếc vét-ba mà y đã đẩy tuốt vào buồng ăn. Xe nổ máy, và ảo ảnh tan biến liền.
Món ăn đầu đã được dọn ra. Trước khi trải khăn lên đùi, Thới hỏi :
- Còn Hoàng Anh đâu ?
- Chưa mà, Hổ nói, đào chưa xuất hiện vào giờ nầy đâu. Có lẽ đang ăn cơm sau bếp.
- Nhưng đào sẽ xuất hiện tại đâu ?
- Lát nữa má của đào sẽ ra nằm võng trên sàn, còn đào thì coi chừng em trai nhỏ của đào chơi xích đu.
À, ra vậy. Đó là cảnh mà Thới đã đoán được trước từ nãy giờ.
Bọn nầy ăn tợn lắm. Chúng nó có sáu đứa, vậy mà một con gà giội mỡ to tướng, loại gà ngoại quốc ấy, chúng nó quất có mấy đũa là sạch trơn dĩa.
Huỳnh cầm thực đơn lên vừa xem vừa khỏ vào thành ly bằng muỗng để gọi bồi :
- Cho một dĩa lươn um sữa tươi.
- Dạ thưa hết rồi, anh bồi nói.
Thằng Quỳnh du côn nó trợn mắt hỏi :
- Tụi tui vô đây lúc quán vừa mở cửa, sao mới ăn có một dĩa mà dĩa thứ nhì lại đã hết ?
Anh bồi bèn gãi đầu, ấp úng mãi, không đáp được.
- Thôi, cho ếch chiên bơ đi.
- Dạ, ơ...hơ... cũng hết rồi.
- Bộ giỡn sao chớ, muốn tôi ra sau bếp xét nhà không ?
Anh bồi do dự rất lâu rồi nói giọng miền Bắc :
- Xin quí thầy thông cảm cho, vì đêm nay là đêm cuối cùng, nên quán không bày vẻ chi cho nhiều.
- Cuối cùng của cái gì ? Sanh hỏi.
- Dạ, mai nầy thì chúng tôi dẹp quán.
Cả bàn đều kinh ngạc, Thọ trố mắt há miệng nhìn người bồi bàn rồi hỏi :
- Bộ chủ anh trúng số đặc biệt ba triệu hả ? Khi không quán đang đông khách sao lại dẹp?
- Dạ, vì tình thế. Chẳng, ông chủ vườn cao su nầy, ổng cho người Huê Kỳ thuê cả khu vườn, nên chúng tôi phải đi.
Trong khi bạn hữu chàng nhao nhao lên phản đối một cách vô lý và điên khùng một việc mà lũ nó không có quyền ngăn, thì Thới thừ người ra, sau khi chết lặng đi trong mấy mươi giây đồng hồ.
Thình lình chàng nghe đau cái niềm đau của người khách viễn phương, mộ danh mà đến trễ. Thật là :
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
- Sao lại phải đi ? Có giết người ta không ? Hổ nói to, gần như là hét.
- Dạ, ông chủ vườn cao su đã bồi thường cho chủ tôi một số bạc to lắm. Chủ tôi bợ được sáu trăm ngàn, thì còn đòi gì hơn.
- Thế quán sẽ dọn về đâu ?
- Đất gần khó tìm lắm, còn đất xa thì không có an ninh, khách không dám tới. Chắc là quán dẹp luôn.
- Ối giời, thế thì chết tớ dồi, Ngạc nhái giọng Bắc của anh bồi bàn, tớ còn làm sao mà thấy mặt cô Hoàng Anh của tớ được nữa ?
Anh bồi ngạc nhiên nói :
- Cô Hoàng Anh là cô chị, đã đi lấy chồng từ lâu rồi, thầy không biết sao ?
- Vậy à, thế còn cô em hiện ở nhà tên gì ?
- Dạ, tên là cô Thịnh.
Lũ ba gai, thằng thì cười ngất, thằng thì la lối om sòm, trong khi Thới lại nghe đau một niềm đau thứ nhì nữa, trong sự im lặng triền miên của chàng.
Thì ra, chàng là khách viễn phương đến trễ tới hai chuyến, trễ cái chuyến đầu mà có lẽ cô lái đò còn đẹp hơn nữa.
Nhưng sự mất mát lớn lao hơn hết không phải là cô Hoàng Anh đã đi lấy chồng mà là cô gái còn ở lại không được mang tên Hoàng Anh nữa, nơi trí chàng.
Tấm lòng chàng giẫy nẩy lên, không nhìn nhận cô gái còn lại tên là Thịnh, vì chàng đã trót phối hợp tên Hoàng Anh với gương mặt, mái tóc mà bạn chàng đã tả cho chàng nghe. Nhưng không nhận cũng không được, vì sự thật cô ấy tên Thịnh.
Lắm khi, người ta mê ai, chỉ vì cái tên, cái tên còn quan trọng hơn là đôi mắt, cái môi, hoặc một tòa thân thể kiều diễm nữa, cái tên mà văn hào Marcel Proust đã nói đến trong cả một chương sách dày bảy mươi trang, tên nơi chốn hay tên người gì, cũng đều có sức sống riêng của nó, huyền hoặc lạ kỳ.
Có lắm cậu cưới một cô gái chỉ vì cô ấy tên Thu, nội bấy nhiêu đó đủ cho cậu ta lắm rồi, những thứ khác là phụ thuộc.
Có một nhà văn, anh bạn Vũ Xuân Tự, anh ấy từ Hà Nội vào Nam năm 1935, làm đủ thứ nghề, đều thất bại cả, và rốt cuộc năm 1961 anh ấy quyên sinh, anh ấy tâm sự rằng đã vào đây chỉ vì cái địa danh Sài Gòn nó mê hoặc anh thôi, không vì lẽ nào khác, bằng cớ là anh ấy không hề cưới vợ Nam, không hề doanh thương ở Nam, không hề thích cảnh vật miền Nam bằng cảnh vật Hà Nội. Địa danh Sài Gòn mê hoặc anh từ thuở anh còn ở Hà Nội, mà vào đây xong, thất vọng, thất bại, anh vẫn cứ bị nó mê hoặc như thường, chỉ muốn chết ở Sài Gòn thôi và quả nhiên, anh được chết ở Sài Gòn.

- Nhưng sao tới giờ nầy mà chưa thấy có mặt cô Thịnh ra hóng mát, Ngạc hỏi người bồi bàn.
- Dạ, cả nhà ông chủ tôi đều dọn đồ đi hôm nay. Có lẽ rờ-xét đêm nay để thưởng cho chúng tôi về công khó nhọc thu dọn ngày mai nầy.
Tồn cười ha hả mà rằng :
- Được, ngày mốt tôi sẽ tới đây để coi các anh bỏ rơi cái gì lại, tôi lượm, chậu mai nầy sẽ đem đi chớ ?
- Dạ.
- Còn chậu kim-quít, chậu nguyệt quới ?
- Dạ, cũng sẽ mang đi cả.
- Cái lồng chim ?
- Dạ, lồng chim ấy của cô Thịnh, cô ấy quý nó lắm, thì chúng tôi càng mang nó đi cẩn thận hơn các món khác nữa.
Ngày mốt, Thới sẽ vào vườn cao su nầy, chàng tự nguyện như vậy, để nhìn dấu vết của cái lồng chim to lớn, hiện đang được chôn chặt trên một nền xi-măng.
Đó là di tích độc nhứt của người con gái mà chàng chưa bao giờ được cái diễm phúc thấy mặt mũi ra sao cả.
Nếu gia đình nàng chỉ đi nơi khác vì sa sút, chàng sẽ thuê đất, cất nhà giữa khu vườn nầy để tưởng lắng nghe hương thừa của nàng mỗi đầu hôm, để tưởng thấy hình bóng nàng thấp thoáng trong sương chiều như một bóng ma.
Nhưng ngày mốt, có lẽ xe ủi đất sẽ tới đây để ủi rạp mấy ngàn cây cao su cao niên nầy rồi một kho quân nhu sẽ được một vòng tường cao bao quanh, hoặc là mấy mươi chiếc buyn-đinh sẽ mọc lên, mười lần cao hơn cao su già nửa thế kỷ nầy.
Và không bao giờ, còn cái gì của cô Thịnh nữa cả.
Có thể đêm đêm tiếng cười con gái sẽ vang lên nơi đây, vì biết đâu người ta không lập khu giải trí với những quán rượu đông đúc chiên đãi viên ở đây, nhưng có tiếng người con gái và tiếng người con gái, cô Thịnh và những cô phấn bự ấy khác nhau rất xa.
Thới thẩn thờ trông qua màn trúc sống và thấy chiếc đu sắt và bàn đu gỗ sơn màu téch-ni-cô-lo. Chàng lim dim đôi mắt lại.
Người con gái có mái tóc bồng bềnh, mặc bi-da-ma xanh lợt như đang đứng vừa trông chừng em, vừa hỏi mẹ cái gì.
Chàng rùng mình, khi mở mắt ra chỉ thấy cái đu đứng không, y như là con ngựa về tàu, trên yên vắng người kỵ mã đã đơn thương ra đi.
Chàng cố nhìn sững chơn đu, nơi mà thiếu nữ tên là Thịnh có thể đã đứng mỗi đầu hôm. Chàng có đọc một quyển sách, trong ấy người ta nói rằng hình bóng con người hay vật gì, có thể in mờ lên một bức tường, lên cả không khí nơi đó nữa, mà chỉ có mắt của một số người là thấy được mà thôi, khi người ấy, vật ấy bị dời đến nơi khác rồi.
Chàng nỗ lực thử xem bóng cô Thịnh còn vất vưỡng trong không trung ở đó hay không, hoặc nó in mờ trên bức tường gạch không tô xi-măng mà được quét vôi trắng, sau đó hay không.
Không, không có gì cả.
Ngoài kia, quanh cái quán gà giội mỡ là bóng tối dày đặc của một vườn cao su lâu đời, bóng tối nầy, đêm mai, sẽ xâm chiếm nơi nầy, và bóng tối của Sài Gòn đông đúc hai triệu người nặc danh sẽ trùm lên một cô gái nặc danh mà riêng Thới, tên tuổi sẽ vang dội mãi bên tai chàng, chỉ vì chàng chưa thỏa ước mơ.
Bọn thực khách nầy ra khỏi quán, cho nổ máy rền trời, và năm chiếc xì-cút-tơ dẫn hàng một tiến ra cổng trên ngõ đá đỏ xuyên vườn.
Chàng nhìn mặt ngỏ, ngậm ngùi tưởng đến cái ngày mà :
"Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh".
Thật là :"Khóc than khôn xiết sự tình".
(Tuần báo Tiền Phong, 1966)
BÊN KIA SỰ THẬT
Bên nầy phố Lê Thánh Tôn là một hiệu giải khát, bên kia là một hiệu cơm Tây hạng kha khá.
Đêm nào Hồ và Biển cũng ra ngồi uống cà phê ở cái bàn vỉa hè của hiệu giải khát nầy, mà họ chọn từ ngày quán Ngân Đình mà họ thích, không còn đủ an ninh nữa. Họ quyết đóng đô ở đây luôn cho tới ngày thái bình vãn hồi, vì muốn được yên thân mà cũng vì...
Ngay đêm đầu dời đô tới đây, họ đã chú ý đến một cảnh nầy : Một thiếu phụ lái một chiếc Dauphine sơn màu kem, chạy đến đậu ngay trước mũi họ, vì bàn mà họ ngồi, choáng gần hết vỉa hè, đứa nào ngồi đầu bàn vói tay ra là sờ được chiếc xe ấy.
Cùng đi với thiếu phụ là một con sen, nó ngồi một mình ở băng sau. Xe đậu lại là nó mở cửa ra liền, chạy băng qua phố, vào hiệu cơm Tây bên kia.
Phố nầy là phố một chiều, xe đậu bên kia là đậu bên phải đấy, nhưng vì khách ăn bên ấy toàn đi xe nhà, nên không còn chỗ đậu, thành thử nàng lợi dụng tánh cách một chiều của con phố để đậu bên trái vậy.
Năm phút sau, con sen trở ra, tay xách bữa ăn mà nhờ thạo lối xách cơm tây nên họ đoán được ngay : các món ăn đựng trong dĩa chớ không phải trong gàu mên như ta, mỗi dĩa đều được đậy bằng một cái dĩa thứ nhì, đậy úp lên trên, thành thử những dĩa khác chồng lên mà không sợ hỏng món ăn của các dĩa nằm ở dưới; ba món ăn, xách lối đó, phải tốn sáu cái dĩa; tất cả được gói lại trong một chiếc khăn vuông lớn, biên chéo khăn được cột lại ở trên, kết thành một quai xách.
Chắc nàng ăn cơm tháng ở đây nên hiệu nó mới phục dịch nhanh chóng đến thế, mà kẻ ăn cơm tháng phải đích thân đi lấy bữa ăn, có lẽ vì hiệu không nhận giao hàng tận nhà.
Nàng mặc đầm, khá đẹp và khá trẻ, họ đoán nàng không quá hăm lăm.
- Yêu
không ? Hồ hỏi đùa bạn.
- Yêu ghê lắm.
- Mổ cũng vậy. Nhưng làm thế nào ?
- Ừ, làm thế nào ? Tụi mình giống hai con sâu đất, ban đêm bò lên miệng hang để nhìn nàng Sao lấp lánh trên trời. Nàng đẹp quá, nhưng...cao quá.
Đi xe nhà và ăn cơm Tây mỗi hôm, nếu không giàu thì cũng là công nhân hạng cao cấp, chẳng hạn như nữ kỹ sư hoặc nữ giáo sư cử nhơn đổ lên.
Rồi đôi bạn cười xòa với nhau.
Cái đêm đầu ấy, họ ngỡ nàng bận gì, không lo bữa ăn được, nên tạm mua đồ một lần, nhưng ngồi đó một tuần lễ là họ biết rằng nàng ăn cơm tháng ở đó.
Hai gã nầy hơi si tình thật đó chớ chẳng nói chơi đâu.
Không có hạng gái nào dễ mê bằng những cô mà ta quen mặt mà không quen biết. Ta tò mò, phỏng đoán về họ và tưởng tượng toàn chuyện thơ mộng không mà thôi, họ hóa ra dễ mê vì họ tự nhiên được phủ bằng một lớp hào quang mà ta tạo ra cho họ.
Biển yêu cầu :
- Toa làm việc ở Công chánh thì rất dễ biết nàng là ai. Cứ xem bảng số xe rồi vào hỏi bạn đồng sở ở Ty Kiểm soát ô tô để xin xem sổ, là tức khắc biết tên họ, lai lịch của nàng.
- Không dại, Hồ nói, cứ để vậy mà tưởng tượng, thú vị hơn nhiều. Tìm biết càng hay, và chính sự tìm biết, sự khám phá cũng thú lắm, nhưng phải khó khăn kia, chứ còn xem sổ thì dễ quá, mất cả thi vị đi còn gì.
Biển đồng ý với bạn, và thế là cả hai người mở một chiến dịch sáng tác về đời nàng.
Biển vốn là tay viết tiểu thuyết tình cảm, phải viết trước chương đầu. Y nói : "Nàng sống một mình, vì nếu ở với cha mẹ thì không thể như thế được"
- Sao vậy ? Hồ hỏi.
- Cha mẹ nàng năm nay ít tuổi lắm, cũng thuộc hạng 50, mà thế hệ 50 tuổi, xem việc ăn cơm xách là hư hèn lắm. Họ có tiền mướn con sen, thì họ cũng có tiền mướn chị bếp, nếu cả nhà đều bận hoặc đều lười nấu ăn.
Bằng như nàng ở với chồng, thì cái khổ dịch đi lấy bữa ăn nầy chính ông chồng phải đảm trách lấy, thỉnh thoảng hắn bận, nàng phải đi một đôi lần thì còn cho được đi, chớ sao cứ nàng đi lấy cơm mãi mỗi đêm?
- Chương đầu khá hữu lý.
- Mà cũng ly kỳ nữa chớ. Có gì ly kỳ bằng một cô gái sống một mình. Nàng hẳn phải cô đơn, khát yêu, mê ly chưa ?
- Khá mê ly. Để mỏa viết chương thứ nhì cho. Nầy, nàng là nữ công nhân cao cấp chớ không phải nhà giàu.
- Bằng cớ ?
- Ta đã đồng ý là nàng không còn cha mẹ. Nhà giàu mà mồ côi, hẳn có biệt thự phụ ấm. Mà có biệt thự phải có anh làm vườn ăn ở tại nhà, có con sen phải nuôi cơm, thì thà là mướn một chị bếp có tiện hơn không?
Không ! Nàng không có biệt thự, tức không phải nhà giàu mà mồ côi, nhưng mức sống cao như thế thì hẳn phải là tay đi làm, lương rất cao.
- Bồ đoán nàng làm gì ?
- Nữ kỹ sư hóa học hãng đường.
- Như vậy thì buồn quá. Một cô nữ kỹ sư, không biết mơ mộng đâu. Cứ cho nàng là biên tập viên của Trung tâm Văn hóa Nhựt bổn đi.
- Nhựt bổn không có Trung tâm Văn hóa ở đây, họ chỉ có Phòng thân hữu Nhựt Việt, sau nhà thương Đồn Đất, trong đó có một cô người mình đẹp kinh hồn, nhưng không phải là cô nầy.
- Vậy thì cứ cho là Trung tâm Văn hóa Đức đi.
- Cũng tạm được.
Thiếu phụ luôn luôn cột đè mái tóc bồng bềnh xuống bằng một sợi ruy-băng, mỗi đêm mỗi đổi màu, trông trẻ như con gái mười lăm.
Nàng ít khi nhìn vào hiệu giải khát mà hễ mỗi lần nhìn là mỗi lần ngạc nhiên, vì đêm nào cũng cứ thấy hai cái bảng mặt quen ấy mãi.
- Có lẽ nàng đoán được rằng ta si nàng.
- Cố nhiên. Ai cũng đoán như vậy. Họ làm sao mà đoán được rằng ta ghiền cà phê đêm, mà ghiền luôn cả không khí quán lều, nhứt là họ đâu có biết rằng ta chỉ còn chỗ nầy là chỗ độc nhứt được yên thân.
- Nếu nàng đoán thế thì có lợi lắm.
- Ừ, có lợi lắm. Giờ mà ta ra làm quen thì nàng khỏi ngạc nhiên và chịu chơi liền.
- Nhưng đứa nào được hân hạnh ấy ?
- Ừ, đứa nào ?
- Thôi thì oẳn tù tì.
- Nhưng nghĩ lại thì không nên. Rủi ro có thằng được thì có phải thằng kia buồn hay không ? Chi bằng cứ để cả hai đứa đều được mơ.
- Sao lại chỉ có một thằng được ? Hễ một đứa làm quen được rồi thì tự nhiên cả hai đều được quen.
- Mổ nói được là được chuyện khác kia. Không lẽ chỉ làm quen suông vậy thôi thì làm quen chi cho mất công, ta cũng đã quen chán vạn phụ nữ rồi, thêm một cô cũng chẳng lợi ích gì.
Đêm nào họ tới trễ, người đẹp đã lấy bữa ăn đi rồi, thì họ nghe nhơ nhớ.
Còn đêm nào, nàng không đến, họ lo ghê lắm, và nhứt là viết nhiều chương tiểu thuyết rất là éo le, gay cấn, áo não, nghẹt thở.
Một cậu đoán rằng nàng đã xuất ngoại. Cậu kia cho rằng nàng bị tai nạn xe cộ. Rồi cả hai hoảng hốt khi nhớ ra rằng nàng rất có thể được ai đó mời đi ăn cơm ở nơi khác.
Họ tức sao họ không làm quen với giai nhân vì nếu đã quen, thì có lẽ đêm nay, kẻ mời nàng ăn cơm là họ.
Thiếu phụ lái xe rất tài, cứ bằng vào lối vô xe và ra xe của nàng, nó ngọt như đường phèn, thì biết ngay. Lắm đêm, xe đậu chật cả hai bên phố trước hiệu giải khát chỉ còn một khoảng trống ba thước, vậy mà nàng vô ra ở chỗ trống nhỏ hẹp ấy dễ như chơi.
Hai con sâu đất phục lăn nàng Sao, nàng lấp lánh bằng sắc đẹp của nàng, bằng mức sống của nàng, mà nàng có tài vặt lái xe nầy nữa. Thế nên lắm đêm, tủi thân sâu đất quá, họ không thèm nhìn nàng Sao, làm bộ như ta đây cóc cần bọn con gái ca-líp đó, chúng nó chỉ được cái ăn no rồi đánh bóng cho hào nhoáng chớ chẳng làm nên cái tích sự gì.
Tuy nhiên, những đêm như vậy, Hồ rình và bắt chợt Biển lén lén liếc sơ sơ người ấy và ngược lại Biển cũng thấy bạn y chớp nhoáng chụp hình nàng bằng hai ống ảnh trời cho hắn.
Hai đứa bắt nhau quả tang rồi cười xòa với nhau.
Biển nói cho đỡ mắc cỡ :
- Tao xem nàng vô xe đó chớ ! Ngọt quá ! Tao thì phải rộng bằng rưỡi chỗ nầy, tao vô mới lọt, không thôi tao ủi xe trước, tao hất xe sau bằng mông xe của tao.
- Nhưng tụi mình bây giờ không đứa nào còn xe nữa, thì đừng có nói "xe của tao".
Suốt ba tháng trường, hai con sâu đất đêm nào cũng ngắm nàng Sao lấp lánh trên trời, tại miệng hang của họ. Họ lo mùa mưa sắp đến, không ngồi vỉa hè nầy được nữa, thì nhớ nàng không biết là bao nhiêu. Ngồi ở trong không thú vị gì cả, với lại ngồi ở trong, xa nàng quá. Ơ đây, họ nghe được cả mùi nước hoa của nàng nữa, họ nghe được tiếng nói thanh tao của nàng, mỗi lần con sen ở trong tiệm hơi lâu.
- Sao lâu quá vậy Thẹo ?
- Trời, giọng nàng sao nó hay như giọng ca sĩ vậy kìa !
Đêm ấy, một biến cố xảy ra. Không, một tang thương. Không, một cuộc tận thế xảy ra.
Chiếc xe Dauphine màu kem, tù từ sà lại trước bàn họ, nhưng người lái xe lại là một ông Tây già, đầu sói sọi, và họ đoán rằng cái bụng bự lắm.
Vâng, ông lão nầy là Tây chắc chắn như vậy, chớ không phải Huê Kỳ, vì Huê Kỳ ở đây không có người nào già hết.
Con sen cũng chiếm một mình nó trọn cái băng sau. Nhưng chỗ ngồi thứ nhì, ở băng trước, cạnh người lái xe là nàng Sao cột tóc bằng ruy băng màu
- À, ra họ là đầm lai, chắc con của lão nầy. Hồ nói bằng một giọng nghẹn ngào không tin tưởng, bởi nàng mũi cao, nhưng cao theo người Việt Nam, nghĩa là cũng xệp, mắt đen, không có vẽ gì là đầm lai cả.
- Không, Biển cũng nghẹn ngào cãi lại, nó là con nuôi của lão nầy.
Biển cũng nói gượng bằng một giọng không tin tưởng rồi cả hai nhìn nhau mà cười xòa.
Rất có thể là tối lại, cả trên giường, nàng cũng gọi ông Tây bằng papa, nhưng gọi chế diễu ông chồng già chơi vậy thôi, chớ nàng không phải là con nuôi cái khỉ khô gì hết ráo.
Nàng nhìn vào hiệu giải khát và đây là lần đầu tiên mà nàng mĩm cười với hai cái bảng mặt si tình, có lẽ thầm nói :"Có vỡ mộng chưa hai bồ? Xin lỗi nhé! Nào có ai muốn thế đâu! Lão ta lười ghê lắm, nhưng đêm nay không biết lão ta mắc chứng gì mà lại đâm hứng lái xe lấy ! Dầu sao "thiếp" cũng cảm ơn hai bồ đã làm cho thiếp sung sướng từ mấy tháng nay, mà được hai chàng người Việt nhìn thiếu điều rớt con mắt mỗi đêm. Giờ cả đôi bên đều đánh rơi mất cả mộng rồi, buồn quá hai bồ ơi".
Buồn thật là buồn ! Pho tiểu thuyết ly kỳ, éo le, gay cấn về nàng, Biển viết tiếp không được nữa, mà Hồ có làm thơ cũng không tròn vận nữa.
Nàng Sao đã rụng một cách không ngoạn mục như vậy, giúp họ hết tủi thân sâu đất của họ, nhưng họ cũng không trở lại được như trước.
- Mổ muốn khóc bồ ơi, Biển than.

- Si đến thế à ?

- Đâu phải. Mổ muốn khóc, y như mổ đã khóc chan hòa hồi mổ mười hai tuổi, chẳng, thuở bé, mổ mê truyện cổ tích lắm. Nhưng đến năm mười bốn vào ly xê, ông giáo sư khoa học của mổ ổng chứng tỏ rằng, tiên là chuyện láo khoét, khiến mổ khóc nức nở lên, vì mổ nghe mổ vừa mất đi một cái gì. Cái đó là thi vị của bao nhiêu mộng tuổi thơ của mổ, giờ cũng thế, đây là một sự thật rất đáng giận, mất thi vị của mỗi người lớn.
- Ừ, hình như là mổ cũng nghe nao nao, nghe tim mình se thắt lại, mổ chối với mổ là không có, sợ si mê một cô me tây thì xấu hổ quá, nhưng giờ toa phân tách ra, mổ đã hết mắc cỡ và dám tự thú rằng mổ cũng muốn khóc vì cái chất thơ của cuộc đời vừa tan như khói.
- Ta đã chết hai lần.
- Ừ, lần vào trung học và lần nầy. Tên sát nhơn lần trước là ông giáo sư khoa học, tên sát nhơn bây giờ là lão Tây già.
- Không, không phải lão là thủ phạm đâu, tên sát nhơn là sự xuất hiện của Sự Thật.
- Mổ thì từ đây, không tìm biết con gái nữa, cứ nhắm mắt mà mơ họ thôi. Họ sẽ
cứ là những nàng tiên huyền diễm, những vì sao lấp lánh trên trời.
- Ao ảnh muôn năm !
- Và muôn năm bọn con gái giả dối, giả dối bằng lời nói, hoặc bằng cách giấu sự thật.
Nàng ơi, nàng đừng cho tôi biết gì cả, mà cũng đừng để hớ ra cái gì. Tôi muốn tôn thờ nàng trong mù quáng và những bức sơn thủy giả như đề co của cải lương rất cần cho tâm hồn tôi nó tránh được sự đau xót vì cái xấu xa của cuộc đời.
(Nhật báo Tiếng Vang, 1965)
XUÂN ỦY NHIỆM
Mối tình đầu có lẽ là mối tình dại nhứt, sai nhứt, nhưng lại sâu đậm nhứt. Lòng ta là một tờ giấy trắng tinh, rất dễ lem, mà hễ lấm được một cái rồi thì cái vết không sao tẩy được.
Tôi 1. rất yêu vợ tôi, không hề lăng nhăng bao giờ, vậy mà thỉnh thoảng trong những lúc vui buồn nào đó trên đường đời, tôi không ngăn được mình tưởng nhớ tới nàng, và tôi tưởng tượng ở nơi chơn trời nào đó, nàng cũng nhìn qua song cửa để hình dung ra bóng dáng của người khoát áo tơi, lầm lũi đi trong mưa dầm vào cái buổi chiều mà hai chung tôi vĩnh biệt nhau để ai đi đường nấy.
Mai, nếu đời ngăn chia ngàn lối,
Đừng quên nhé những ngày bên nhau...
Lời căn dặn của chàng nhạc sĩ họ Lam cũng bằng thừa, ít lắm là riêng đối với tôi.
Làm sao mà không nhớ nhau được ! Họ đã chán nhau đâu và tình đôi bạn đang đậm đà thì biến cố xảy đến thình lình, xô chàng ra một cách tức tưởi.
Chàng chưa đủ điều kiện cưới nàng, mà nàng thì không có lý do để nói với cha mẹ mà từ chối một đám rất tốt. Đối với các cụ, đừng tưởng cứ nói: "Con không yêu người ấy đâu" mà được.
Hễ người ấy là người có địa vị, con nhà danh giá, không cụt tay què cẳng là nàng phải ưng lấy người ta, không thôi các cụ sẽ qui tội là nàng phải lòng trai, đó là sự thật, nhưng cho dẫu sai sự thật đi nữa các cụ cũng qui tội ấy và trừng trị cho mà biết tay.
Nhớ nhau ? Người ta lại nguyện nhớ nhau đến trọn kiếp nữa, nguyện ôm ấp mãi mãi mối tình không nguôi, mối tình muôn thuở và sẽ muôn thuở sống trong lòng người ta.
Nhưng ai cũng bận sống nên những phút tưởng nhớ đến cố nhân ngắn ngủi lắm, và nàng với tôi cứ xa nhau lần lần, mãi cho đến khi vợ tôi qua đời rồi mà tôi cũng không nghĩ đến nàng nhiều hơn trước.
Có lẽ cũng vì tôi thấy là vô ích chăng ? Người ta đã có chồng, mình có vợ, còn bận bịu làm gì. Giờ vợ mình nó bỏ mình lại bơ vơ, mình có muốn tìm an ủi thì cũng chỉ tìm được nơi người khác thôi.
Ngày giáp năm vợ tôi, thình lình một người bạn cũ ghé chơi. Anh Ngọc ấy không hay rằng tôi góa vợ, nên khi bước vào nhà, thấy lễ cúng, anh ta chưng hửng.
Anh chia buồn trễ muộn với tôi, và anh buồn thật sự, bởi anh cũng mến vợ tôi lắm. Nhưng trưa lại, anh ta vui vẻ một cách không phải lúc, khiến tôi cũng đến khó chịu.
Giáp năm không phải là mãn tang, tôi có "bất trung" với vợ tôi bao nhiêu, không khí nhà tôi hôm nay cũng phải là một không khí buồn. Mà không lẽ anh ấy cười, tôi lại mếu.
Hôm nay không phải là ngày tôi đi la cà, nhưng tối lại, tôi phải dẫn Ngọc ra giải khát ở tiệm cà phê cạnh nhà.
Ngọc từ Đà lạt về. Anh ta khai thác một sở dâu trên ấy ! Lúc anh ta dùng muỗng nhỏ quậy đường dưới đáy tách cà phê đậm đen, anh ta đột ngột nói:
- Hình như là toa quên mất Lan rồi.
Tôi giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Cái tên ấy vang dội bên tai tôi lần đầu tiên từ mười mấy năm lặng tiếng, và vang dội rất sâu xa trong lòng tôi.
Từ thuở giờ, có nghĩ đến nàng, tôi chợt nghĩ thầm mà thôi và không hề được nghe ai nói đến tiếng "Lan" cả.
- Quên thì cũng không quên, tôi đáp, sau một hồi thẩn thờ. Nhưng mỏa cố mà quên cho khỏi buồn.
Ngọc vẫn biết mối tình của tôi và Lan, và vẫn biết cả hai chúng tôi đã đau khổ. Anh ta tiếp:
- Lan cũng đã góa bụa từ ba năm rồi.
Tôi lại giật nẩy mình, nhưng lần nầy tôi không dáo dác nghe ngóng nữa, mà há miệng, trố mắt nhìn Ngọc trân trối.
- Lan ?
Lâu lắm tôi mới ấp úng hỏi được một tiếng, rồi cà lăm, cà lắp một hơi, tôi mới thốt ra câu:
- Lan...đã góa chồng ?
- Ừ.
- Và đã mãn tang ?
- Ừ.
- Nhưng hiện giờ Lan ở đâu ?
- Toa khéo hỏi ! Từ năm năm nay, mỏa chỉ sống trên Đàlạt tạo hình còn biết sao được người nơi khác ?
- Lan làm gì ?
- Lan theo chồng lên trên ấy. Anh ấy là công chức...
- Mỏa biết điều đó.
- Anh ấy chết rồi, nàng ở đó luôn, mở hiệu bazar.
- Toa cho mỏa địa chỉ được không ?
Tôi với Lan thư từ qua lại với nhau suốt một năm trường như là bạn trẻ chơi trò tìm lại tri âm, theo lời rao trong các báo, viết cho nhau, trao gởi niềm tâm sự, mà không hề biết mặt mũi nhau ra sao.
Hình bóng của gương mặt Lan ngày xưa đã bị xóa phai lần lần nơi trí nhớ của tôi, tôi rất khó mà hình dung ra nàng. Chắc là nàng cũng thế, với tôi.
Tháng chạp nầy, nàng về Sài Gòn chơi một chuyến và hẹn cho tôi gặp mặt, sau lời van nài tha thiết của tôi.
Chúng tôi đã viết cho nhau mỗi đứa hăm hai bức thư rồi, cứ nửa tháng một bức, đứa nầy xin ảnh đứa kia, nhưng không đứa nào thỏa mãn đòi hỏi của đứa nào cả, có lẽ muốn giành cho nhau một sự ngạc nhiên ?
Trời, hồi hộp ghê ! Ngày xưa chúng tôi đã gặp nhau trong một phiên chợ Tết, và ngày nay sắp lại gặp nhau cũng trong một đêm chợ Tết, cả hai đứa đều rảnh rang như hồi còn con trai, con gái.
Tôi đếm từng ngày, y như là trẻ con ở nhà quê trông Tết để được mặc áo mới.
Hình như là nàng cũng thường về Sàigòn nên có vẻ thạo lắm. Nàng hẹn với tôi tại hiệu ăn Nam Mỹ, đường Lê Thánh Tôn, hồi bảy giờ rưỡi tối.
Thú vị quá, y như là đôi bạn hàm thụ gặp nhau sau một mùa quen nhau bằng thư,
ra ám hiệu để nhận nhau. Nàng cho biết rằng nàng sẽ mặc áo màu vàng nghệ, và sợ trùng áo với người khác, nàng sẽ để trên bàn một tập Selection.
Từ ngày được nàng ban ân huệ cho gặp mặt đến nay, tôi cứ lo rằng phải thất vọng. Mười tám năm đã qua rồi, còn gì nữa ! Lắm cô gái, lấy chồng, mới đẻ có một lửa mà đã già xọm, phương chi là mạng phụ phu nhơn đã mười tám mùa sương tuyết gội lên đầu nầy.
Nhưng khi được bức thư mang ám hiệu áo màu vàng nghệ, tôi yêu đời ghê đi. Nếu nàng già, mặc áo vàng nghệ xem hẳn không được, mà nhớ ra thì Lan rất sành ăn mặc.
Các gian hàng quanh chợ Bến Thành làm cho lòng trai trẻ vui rộn lên mà đặc biệt cũng làm cho lòng ông già, à không, một ông sồn sồn vui rộn lên nữa.
Rằm ! Mười sáu ! Mười chín ! Hăm mốt ! Đưa ông Táo ! Trời sao mà lâu quá ! Đêm hăm tám tôi mới gặp được cố nhân !
Tôi đã chiêm bao thấy nàng đến năm lần rồi, lần nào nàng cũng thật thật hư hư, khi ẩn, khi hiện, gương mặt mơ hồ, huyền ảo, không còn biết ra sao nữa.
Chúng tôi yêu nhau năm Lan mười bảy tuổi, tôi mười chín. Mười tám, Lan đi lấy chồng. Mười tám mùa xuân đã qua rồi, và năm nay Lan băm sáu.
Băm sáu cũng chưa già.
Hăm bốn ! Hăm lăm ! Trời, thời gian bộ trôi sai tốc độ bình thường sao mà !
Hăm tám Tết.
Hôm nay tôi đi thợ cạo để hớt tóc ăn Tết đây, mặc đầu tóc tôi mới hớt có năm ngày. Tôi phải trẻ mới được. Và tôi rất hài lòng mà nhìn thấy trong gương của hiệu hớt tóc và gương ở nhà tôi rằng quả tôi trẻ thật.
Trai băm tám mà sao già được. Tôi trẻ, tôi còn muốn trẻ thêm. Ám hiệu nơi tôi, đối với nàng là một chiếc quần Texa màu thợ máy với lại một chiếc sơ-mi-dét màu ngà; bên trái có một lằn dọc màu sô-cô-la chạy từ vai xuống tới trôn áo.
Tôi xức nước hoa hiệu Bain de Champagne, điều đó cũng nói rõ trong thư cho nàng biết, vì đó là dấu hiệu bổ túc để nhận nhau, y như tập Selection của nàng.
Tôi đẩy cánh cửa sắt bông của hiệu Nam Mỹ, bước vào trong, đưa mắt nhìn qua một lượt thì ngã lòng lắm. Nàng sai hẹn chăng ? Nàng quả quyết rằng sẽ đến trước giờ hẹn mười lăm phút, nhưng hiện không có mặt nàng ở đây.
Có, có một thiếu nữ mặc áo vàng nghệ, đang ngồi một mình, nhưng đó chỉ là một thiếu nữ trạc mười bảy, mười tám tuổi thôi.
Thiếu nữ cao lớn như người đã trưởng thành, có vẻ nghiêm trang chững chạc lắm, nhưng gương mặt còn ngây thơ quá, không thể nào mà một bà băm sáu lại hóa trang giỏi đến hóa ra một cô học trò được.
Sau lưng cô gái áo vàng còn một bàn trống, tôi bước vào đó, định ngồi đợi nàng xem sao.
Lúc đi ngang qua bàn của thiếu nữ áo vàng, tôi giật nẩy mình. Trên bàn, một tập Selection cũ đang nằm cạnh chiếc xắc của cô gái.
Cô gái cũng ngước lên nhìn tôi không ngạc nhiên, cô ta đứng dậy lễ phép chào tôi rồi hỏi:
- Thưa ông, có phải ông là...
- Thanh.
- Con xin chào cậu, và mời cậu ngồi.
Thì ra Lan có con lớn đã gần gả chồng lận. Có lẽ nàng đi đâu đó, để con lại hầu đón tôi. Tôi lặng lẽ ngồi xuống trước mặt cô bé và cô bé nói:
- Con là Thủy. Má con dặn con đón cậu ở đây.
- Cũng hay, thế má cháu còn bận mua sắm gì chắc ?
- Thưa không. Má con không xuống Sàigòn được.
Tôi rụng rời, cũng gần gần nhất đi, như ngày mà Lan báo tin với tôi rằng nàng phải đi lấy chồng.
- Sao... cháu nói sao ?
- Dạ, má con không xuống được vì đau chơn.
- Vậy à ? Tiếc quá !
Tôi ngó mong lên trần nhà, không nghe câu hỏi sau đây của cô bé:
- Má con sợ sai hẹn với cậu, nên dạy con đón cậu đêm nay.
Người hầu bàn đưa thực đơn tới dưới mũi tôi và hỏi:
- Xếnh xáng uống gì ?
Tôi giật mình nhìn xuống rồi nói:
- Nước lạnh.
Quả tôi đang cần nước lạnh thật. Tôi nghe cuống họng khô queo và khát nước quá sức. Cầm thực đơn mà không xem, tôi hỏi Thủy:
- Cháu xuống hồi nào ?
- Dạ, con vẫn ở đây chớ.
- Vậy à ? Sao lại ở đây ?
Thật là ngớ ngẫn, câu hỏi của tôi, khiến người nữ sứ giả bật cười:
- Thưa, con học ở đây. Con học trường Gia Long.
- À, cậu ngốc thật. Cậu cứ ngỡ con cái, luôn luôn phải ở với mẹ.
Thủy mĩm cười nói:
- Con chắc không phải cậu nghĩ như vậy đâu. Chẳng, cậu thường thấy người ta gởi con lên Đàlạt học, nên...
Tôi xác nhận:
- Đúng như vậy.
Xác nhận xong, tôi chợt thấy mình đang mất hồn. Quả tôi nghĩ như cô bé Thủy nầy đoán, nhưng lại nói ra khác, vì đãng trí. Thủy tiếp:
- Điều đó quả có như vậy. Trên bực Đại học thì không nói gì, chớ dưới trung học thì những nhà muốn làm Tây, hay cho các con lên Đàlạt. Trái lại, nhiều gia đình trên ấy lại tưởng tượng rằng trường học ở Thủ đô hẳn phải giỏi hơn trường học ở tỉnh, nên cố cho con họ xuống Sàigòn.
Bây giờ, tôi mới nhìn cô gái mặc áo vàng nghệ không hạp với các bà già, nhưng cũng chẳng hạp với gái thơ, thành thử cô bé Thủy trông đứng người ra như một thiếu phụ.
Và tôi ngây người khi bốn mắt gặp nhau. Đây là Lan, Lan của mười tám năm về trước, y hệt như vậy, không khác nét nào cả. Tôi đã quên mất gương mặt cũ của Lan, nhưng chỉ quên trong ký ức thôi, chớ thấy được mặt nàng, tôi nhận ra ngay tức khắc.
Mà làm sao thấy được mặt nàng, bởi gương mặt ấy đâu có thể còn được. Vậy mà còn. Còn vì Lan đã sao y nguyên bản để gởi xuống cho tôi làm tin.
Bị xô ngã thình lình xuống một giòng thời gian đang trôi ngược với một tốc độ kinh khủng, trong giây phút tôi sống lại trọn vẹn cái năm hạnh phúc nhứt mà cũng đau buồn nhứt của đời tôi.
Tôi nhìn sững sờ bé Thủy, lòng phấn khởi vô biên, y như vào đêm đầu chúng tôi gặp nhau, rồi liền đó, tôi nghe lòng quặn thắt vì chợt tỉnh ra rằng đây chỉ là một bóng ma dĩ vãng thôi.
Thẩn thờ giây lát, tôi thở dài rồi hỏi:
- Má đau chơn làm sao ? Bịnh hay tai nạn ?
- Thưa, má vấp, suýt té, bị trặc chơn, phải đi cà nhắc, nhưng không sao cả.
- Ngoài việc rủi nho nhỏ ấy, má vẫn mạnh chứ ?
- Dạ, cũng không được mạnh lắm, từ ngày ba con qua đời, má con cứ đau yếu luôn. Má con bây giờ gầy lắm, với lại già lắm.
Tôi cũng như rơi từ cung trăng xuống. Từ nãy giờ biết rằng Thủy chỉ là Thủy thôi, mẹ nó hẳn phải già hơn, nhưng không sao tôi khỏi có ảo tưởng lẩn lút rằng tôi đang ngồi với Lan, và đã nghe sung sướng phần nào vì ảo tưởng ấy.
"Má bây giờ gầy lắm và già lắm !" Tôi vụt hiểu ngay, Lan không hề đau chơn và có lẽ nàng ở Sàigòn cũng nên. Nhưng người xưa của tôi không thích để cho cố nhân của nàng gặp lại một cô Lan đã già.
Nàng đã nuôi ảo tưởng suốt một năm nay, suốt thời gian hai người thư từ qua lại với nhau, nhưng đến lúc tôi nài nỉ được cho gặp mặt thì nàng chợt tỉnh, nhớ ra thực tế và thấy rằng thà để người cũ mơ mãi bóng xưa của nàng, hay hơn là bắt tôi phải thất vọng. Tôi thất vọng, gặp nhau rồi chia tay nhau, không xin gặp lại nữa thì nàng sẽ đau biết bao nhiêu !
Đó là ích kỷ của con người, nàng Mai Phi, người ái phi thứ nhì của Đường Minh Hoàng, sau khi Dương Quý Phi bị hạ sát, nàng đã ích kỷ như vậy, và có lẽ tất cả đàn bà, đàn ông trên thế gian nầy đều ích kỷ như vậy, họ không sợ người yêu của họ thất vọng lắm cho bằng sợ chính họ phải tủi thân.
Riêng Lan, nàng đã ích kỷ hơn tất cả mọi người. Chẳng những nàng lánh mặt, nàng lại còn ủy nhiệm cho một mùa xuân mới, đại diện cho nàng. Mùa xuân nầy còn ngây thơ quá. Nàng bắt nó mặc áo màu vàng nghệ cho nó đứng người ra để "ai đó" quên thực tế, ảo tưởng rằng đang ăn cơm với nàng.
Mối tình nơi "ai đó" phải được sống dậy. Ít lắm cũng trong một tiếng rưỡi đồng hồ, và đêm nay, giờ nầy, ở một nơi kia trong đô thành, Lan có lẽ đang ngây ngất sống, tưởng tượng ra hạnh phúc của nàng, nhập hồn vào xác của con gái nàng để nhìn tôi say đắm ngắm nàng qua Thủy.
Quả tôi đã say đắm ngắm Thủy nhiều lần thật rồi đó và tôi nghe sung sướng vô cùng, trong những phút giây mà tôi quên thực tại.
Hai chén công-xôm-mê nóng đã nguội, đã lạnh, mà chưa ai buồn uống. Thủy nói:
- Má con nhắn lời với cậu rằng má con bận lắm, nên xin từ đây vô phép không gởi thư cho cậu nữa.
- Để bù lại, má con dặn con thỉnh thoảng đi thăm cậu, nếu cậu cho phép.
Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi nghe mình bị bỏ rơi lần thứ nhì, mười tám năm sau ngày Lan báo tin lấy chồng.
Lần nầy lan mới thật là chết. Tôi không giết nàng trong ký ức mà chính nàng đã tự tử. Nàng để lại cho tôi một di vật là con bé Thủy nầy. Nhìn nó tôi có thể tạm quên.
Nhưng trời ơi, càng nhìn nó, tôi càng nhớ, Lan không biết điểm tâm trạng nầy, hành động sai, thành thử nàng hóa ra kẻ chơi ác.
Lệ của tôi rịn ra nhiều quá, tụ thành giọt. Tôi mắc cỡ, cúi xuống chén công-xôm-mê, tay cầm muỗng lên, miệng nói:
- Ta ăn thôi chớ.
(Tuần báo Tiền Phong, 1965)
Chú thích:

1.

Người kể chuyện cho tác giả nghe.

KẺ GIẾT CÔ THU
Tôi làm thư ký riêng cho ông chủ hãng Vinapoupa. Anh cũng biết rằng cái nghề thư ký cũng giống như nghề phóng viên của các anh ở cái điểm có thể đi chơi cà rều mà chủ nhơn không kiểm soát được.
Hôm ấy ông chủ hãng mà tôi giúp việc sai tôi đi tìm một người thợ chuyên môn về chất nhựa plastique và cố nhiên tìm được rồi, tôi còn để ra hai ngày để đi rểu phố, bởi hạng thợ ấy khá hiếm, rất khó tìm, tôi đi cả tuần, chủ nhơn tôi cũng chẳng nói vào đâu được.
Hãng không đăng báo cần người vì thợ chuyên môn họ có thất nghiệp đâu, phải biết nơi họ đang làm việc tới đó "dụ khị" họ, mới mong chuộc kép, chuộc đào được.
Khi tôi cởi xe gắn máy dòng xuống tiệm hủ tíu cá ở đường Nguyễn Công Trứ thì tôi thấy hơn một trăm thiếu nữ, cô nào cũng đẹp cả, đang chen lấn nhau trước văn phòng hãng buôn kia, văn phòng nầy chỉ là căn nhà rộng bốn thước thôi.
Tiệm hủ tíu cá danh tiếng sau Hội Trường Diên Hồng chỉ cách đó mấy căn nhà, nên tôi ngừng xe lại, hỏi một cô đứng trên vỉa hè, gần tôi nhứt :
- Thưa cô, quí cô làm gì mà xung phong hãng nầy dữ tợn như vậy ?
Cô gái ấy mĩm cười héo hon rồi đáp :
- Chúng tôi đi xin chỗ làm. Hãng đăng báo cần một nữ thư ký đánh máy, báo ra chiều hôm qua, sáng nay chúng tôi đến thì nghe mấy thầy trong ấy cho biết rằng chiều hôm qua đã có bốn mươi cô tới xin chỗ rồi.
- Hãng bối rối, đề nghị mở cuộc thi và lát nữa đây thì khóa sổ xin thi, nên chúng tôi phải thúc cùi chõ để nộp đơn kẽo trễ.
- Nhưng sao cô đứng ngoài coi tỉnh táo quá vậy ?
Thiếu nữ lắc đầu nói :
- Anh thử tưởng tượng coi làm sao mà ta giỏi hạng nhứt trong một trăm năm mươi người được ! Khó ăn lắm. Em chỉ sợ rách áo mà chẳng được gì.
Bấy giờ tôi mới "thấy" người đối thoại với tôi, vì tôi bận tò mò về trận xung kích nầy nên chỉ nhìn tổng quát vào đám đông mà thôi, miệng hỏi thăm thiếu nữ mà mắt vẫn xem mấy cô đeo song sắt cửa sổ, kêu gọi bên trong nhận giùm đơn của các cô, vì cái thầy nhận đơn ở cửa chánh, cũng là cửa sắt khóa lại, thầy ấy nhận "rùa" quá.
Thiếu nữ nầy có gương mặt đẹp tuyệt trần. Cô ta bé nhỏ quá, bàn chơn, bàn tay xoàng, cái co cũng không được eo lắm, nhưng gương mặt thì ăn đứt cả các hoa khôi, hoa hậu nữa.
Là tư chức khiêm tốn, tôi không dám trèo đèo mơ những trang giai nhân tuyệt sắc, và một cô gái như thế nầy rất vừa với địa vị của tôi.
Cô ta mặc áo rẻ tiền mà còn sợ rách thì hẳn cô ta sẽ không làm tôi sạt nghiệp vì khoản làm đẹp của cô ta.
Tôi hỏi :
- Cô đã làm qua nơi nào chưa ?
- Em đã có chỗ làm một lần rồi, cũng làm thư ký đánh máy.
- Như vậy có hy vọng lắm. Nhào vô đi !
Thiếu nữa lại lắc đầu :
- Em biết rằng khó ăn lắm. Em đã thấy đồng nghiệp của em năm đó, họ đánh máy như gió táp mưa sa; sở dĩ em không bị đuổi chỉ nhờ có gởi gắm mà thôi.
- Nhưng rồi sao cô lại thất nghiệp ?
- Vì lẽ riêng.
Tôi đoán rằng con người có vẻ mặt thùy mị, có tác phong đoan trang nầy, con người không son phấn, không xức nước hoa trong một đám người diện như bà hoàng, tôi đoán nàng có lẽ tự dưng xin thôi việc vì khó chịu với ông chủ băm lăm, nên không hỏi gì nữa, vả tôi cũng không có quyền quá tò mò.
Cô gái hỏi tôi :
- Anh làm việc hay buôn bán ?
- Tôi là tư chức.
- Hãng anh có cần người làm hay không ?
- Có, nhưng chỉ cần người chuyên môn, thư ký thì quá dư. Tôi là thư ký riêng nên giờ nầy mới được ra ngoài, vì...chắc cô biết nỗi khổ của thư ký riêng chớ ?
- Dạ biết.

- Nhưng tại sao các cô cứ muốn làm thư ký mà không nghĩ đến nghề khác ?
- Ai thì sao không rõ, chớ riêng em, em không biết nghề nào khác hết.
- Sao không học ?
- Biết học nghề gì bây giờ ?
- Thợ may chẳng hạn.
- Thợ may cũng dư xài, cũng thất nghiệp, cũng lương thấp y như thư ký thì học làm gì ?
- Tôi có nhiều sáng kiến lắm, hay tôi mời cô ăn hủ tíu để ta cùng trò chuyện.
Tôi mời mà không hy vọng được nhận, nên tôi ngạc nhiên mà thấy thiếu nữ không do dự, bước theo liền.
Gọi xong hai tô hủ tíu, tôi hỏi :
- Quên biết đến quí danh. Tôi là Lộ, hãng Vinapoupa.
- Em tên Thu.
- Cô phải nuôi mấy miệng ăn trong gia đình ?
- Em ở với má và hai em nhỏ, anh của em đi quân dịch, binh nhì, nên cũng chẳng nuôi gia đình được.
Phổ ky đã bưng hủ tíu lại, và chúng tôi phải ăn ngay, kẻo bánh nhão hết.
Khi uống cà phê, tôi hỏi :
- Cô có dạn dĩ không ?
- Dạ, cũng không nhát, cũng chẳng dạn.
- Cứ vài hôm, cô tới hãng tìm tôi một lần được không ? Để có tin gì về chỗ làm, tôi mách cô. Tôi có quen với một sạp báo, chị ấy muốn sang lại để làm nghề khác kiếm được nhiều tiền hơn. Sạp đó khá lắm, mỗi ngày kiếm không dưới hai trăm, vì chị ấy còn bán thêm thuốc lẻ, vé số, với lại chị ấy cho mướn báo, còn lợi hơn bán nữa.
- Em sẽ đến tìm anh. Nhưng em không thích bán báo.
- Cũng chẳng sao. Rồi sẽ có "tuy dô" khác nữa. Cô có đến thì đến buổi chiều, lúc tan sở.
- Dạ.
Tôi thật thà lắm, không biết tán gái, mặc dầu hẹn với Thu, tôi chỉ có hậu ý mà thôi.
Những ngày sau đó, Thu đến, đúng giờ hẹn và chúng tôi ra đi với nhau vài vòng, tôi chẳng biết nói cái gì cho hay cả, mà tin tức của chỗ làm cũng chẳng có để mà mách Thu.
Nhưng Thu vẫn bền chí đến tìm tôi đều đều, không tỏ vẻ nản lòng, cũng chẳng bực mình vì những câu hỏi ngớ ngẫn của tôi. Tôi hỏi :"Cô có biết nấu ăn chăng ?", "Cô có biết vá áo chăng ?", "Sống khiêm tốn cô có chịu được chăng ?". Thật là chán phèo !
Đôi khi tôi bắt chợt được nụ cười hóm hỉnh của người thiếu nữ thất nghiệp, tôi chắc một trăm phần trăm rằng nàng đang rủa thầm :"Thằng ngốc, có muốn nói gì cứ nói, nào ai ăn thịt được mấy thằng tán gái mà sợ. Cứ bắt con người ta tới mãi cho mất công, rồi không dám mở miệng. Thôi người ta không tới nữa đâu !".
Nhưng nàng vẫn tới.
Và hôm ấy, tôi dám nói, nói một cách rất là cổ điển :
- Cô Thu ơi, tôi đã nghĩ ra lối giải quyết sinh kế cho cô rồi.
Thu sáng mắt lên, đoán rằng tôi đã tìm được chỗ làm cho nàng. Nàng hỏi lia :
- Làm gì ? Chừng nào đi làm được ? Em sẽ nhớ ơn anh mãi mãi.
- Làm một việc mà tôi e cô không thích.
- Anh cứ nói thử xem.
Tôi nuốt nước bọt mấy cái rồi liều mạng nói ra một câu cụt ngủn, như một anh con trai đi quân dịch mới tập bắn lần đầu, nhắm mắt lẩy cò đại, trúng trật bất cần :
- Làm vợ của tôi.
Nói xong tôi muốn thót lên xe mà chạy ngay.
Nhưng lạ quá ! Thu không nổi giận mà cũng chẳng bật cười.
Nàng làm thinh rồi lâu lắm mới nói :
- Anh Lộ nè, lần gặp nhau thứ nhì, em đã thấy anh nói chuyện ăn trợt và đoán biết hậu ý của anh. Nhưng em cứ đến, vì sao, rồi anh sẽ rõ.
Đề nghị của anh hôm nay làm cho em kinh ngạc ghê lắm. Té ra anh chưa vợ ?
- Cô cứ theo tôi về nhà để kiểm soát. Tôi cũng nuôi mẹ y như cô, và có một đứa em trai. Tuy nhiên, tôi vẫn đủ sức nuôi vợ và nuôi mẹ vợ.
- Anh yêu em thật tình chớ ?
- Tôi thật không biết nói sao cho cô tin.
- Em cứ ngỡ anh muốn tán tỉnh em mà còn nhút nhát. Nay thì vấn đề đã khác rồi. Khó khăn hơn nhiều.
- Cô kén chồng lắm hả ?
- Ừ, nhưng người như anh thì được.
- Má cô khó tánh lắm hả ?
- Em không có má mới chết chớ.
- Sao cô nói là...
- Em nói láo. Giờ thì không còn giả dối được nữa.
- Cũng chẳng sao.
- Rất là khó anh à. Liệu ba anh chịu để anh đem một cô gái bá vơ về làm vợ không ?
- Sao lại bá vơ ?
- Không cha, không mẹ, không căn, không cội là bá vơ chớ còn gì ?
Tôi châu mày, chợt cũng thấy là rất khó, vì ba tôi khó tánh lắm, không thể nào nhận một cô gái bá vơ vào gia đình.
Thu hỏi :
- Anh có thể xây tổ riêng cho ta được không ?
Tôi thở dài mà rằng :
- Tôi không thể vắng nhà ban đêm, mà ban ngày nữa, cũng phải về. Nhưng tôi dám thoát ly gia đình. Mặc kệ.
- Thế nghĩa là anh yêu em nhiều lắm. Anh là người tốt, rất tốt. Mối tình của anh rất chân thật. Như vậy, nếu xảy ra chuyện gì không may, anh có thể tự tử lắm. Mà nếu anh tự tử, em sẽ
ân hận suốt đời.
- Có gì lại không may ?
- Biết đâu !
- Cô không tự tin, sợ sẽ phụ tôi sau nầy ?
- Không bao giờ.
- Như vậy tôi sẽ liều. Có chết tôi cũng mát dạ.
- Nhưng em sống sót mà dạ lại sẽ bị nung nấu. Thôi nhá !
- Cô Thu, có gì cô cứ nói thật tôi nghe. Nếu cô từ chối hôn nhơn rồi bặt tin luôn thì tôi sẽ chết chắc chắn vì tôi yêu cô lắm rồi.
- Khổ quá. Coi bộ anh si lắm rồi. Nếu em từ chối rồi cút luôn, anh dám tự tử lắm, em tin anh bằng lời về chỗ đó. Nhưng nói thật ra, anh sẽ đau khổ.
- Nhưng đau khổ vẫn hơn là tự tử.
Thu gục gặc đầu. Tôi nói thêm :
- Biết đâu đau khổ mà tôi vẫn bỏ qua được và hạnh phúc được với cô. Chẳng hạn nếu cô là gái bị chồng bỏ...
- Tệ hơn thế. Sỡ dĩ em phải nói thật là vì trong sở anh có một thầy biết em. Thế nào thầy ấy cũng bép xép.
- Thầy nào ?
- Thầy Quang.
- Như vậy cô càng nên nói thật.
Chúng tôi đi trên một trăm bước trong im lặng, Thu mới dừng bước lại mà rằng :
- Em không phải tên Thu. Em tên Lê Thị Giang, mồ côi cha mẹ năm em học đệ tứ. Em học đánh máy rồi đi xin chỗ làm một cách phóng mạng. Em được hãng Vinacotygéna nhận, và một tháng sau em trở thành nhơn tình của ông Đồng, giám đốc hãng ấy.
Ông ấy làm áp lực và dụ dỗ em bằng tiền.
Chỗ hẹn là phòng ngủ lậu.
Hai tháng đầu, ông ấy ghen ghê lắm, luôn luôn bắt em đến sau ổng, và ra về trước ổng. Nhưng qua tháng thứ ba, một hôm ổng lại cho em về sau ổng.
Bà chủ nhà cầm em lại, hỏi thăm ổng có ngọt với em hay không, em thú thật là mỗi tháng ổng cho một ngàn rưỡi với lương một ngàn rưỡi nữa là ba ngàn.
Bà ấy chửi ổng tan nát hết, và nói rằng ổng bóc lột em thì không dại gì mà trung thành với ổng. Nếu em muốn kiếm tiền, cứ cho bả biết bả sẽ giúp.

Bình Nguyên Lộc
Nguồn: binhnguyenloc.com
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...