Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Ngọn đèn dầu xấu xí

Ngọn đèn dầu xấu xí

Chiều, Hai Dần ngồi tréo chân trước hàng ba nhìn ra đầm Ô Loan, không biết trong đầu ông nghĩ gì sau đó ông đứng lên lại chỗ xó cửa xách xâu đèn đặt trước hàng ba rồi mở họng đèn ra rót dầu, xong xuôi ông lau chùi mấy cái bóng đèn hột vịt.
Năm Thông ở dưới Gành Hàu đến, hỏi: “Anh còn đi đóng chấn à. Nghề này, nay làm gì còn có ăn nữa?”.
– Kệ, lau để sẵn, có dip đi đóng chấn cho sáng sủa mặt đầm.
Hai Dần pha bình trà đặt tại hàng ba. Năm Thông ngồi nhâm nhi ly trà. Hai Dần vừa uống trà vừa lau bóng đèn chấn.
Nhà văn Mạnh Hoài Nam
Đèn chấn là cây đèn dầu bình thường nhưng Hai Dần “độ thêm” đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đuôi chai đậy đèn lại cho khỏi tắt. Từ miếng gỗ uốn một vòng sắt theo chiều cao của chai vừa giữ chai đứng vừa làm quai treo, phía trên quai dùng tấm tôn mỏng lận vào vòng sắt trên cổ chai. Cái chai nhựa “ôm” đèn dầu, phía trong có cái bóng thủy che gió nữa nên gió mạnh cỡ nào thổi ngọn đèn cũng không lung lay hay “cúi đầu”, khi mưa to có tấm chắn phía trên đèn dầu cũng không bị “sặt nước”. Còn tấm chấn cũng giống như cái đó nhưng đan bằng sợi cước. Đi đóng chấn, một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Chiều tối đi đóng chấn treo đèn chấn lên cây sào có yếm chấn, ban đêm thấy ánh sáng từ ngọn đèn dầu, cá, tôm…“bắt mắt” bơi đến miệng chấn rồi tiến vào chỗ treo đèn dầu lọt vào rốn chấn…
Đầm Ô Loan trải dài từ Gành Mũi, Gành Hàu qua xóm Đá, xóm Lưới Gõ. Xóm nhà sống ven đầm đều ngửa mặt ra đầm. Trong nhà có điện nhưng nhà nào cũng “sắm” đèn dầu, ban đêm ra đầm đi đóng chấn.
Hai Dần mới lau xong mười bóng đèn hột vịt thì phía bên nhà ai đó quăng gì nghe cái đụi, nhìn qua Năm Thông thấy Sang vát đống lờ ruột heo dưới đầm về chất dựa theo hàng rào, than phiền:
– Lờ ruột heo, bây giờ gọi là lờ “12 cửa ngục” vì đánh bắt hủy diệt từ con nhỏ đến con lớn. Đống lờ này có trăm cái. Ngày nào cũng thả hết số lờ này là người quá giỏi.
– Giỏi nên ở xóm này thấy ai da đen thường nói “người đen thui”, còn nó “đen còn hơn thui”, vì ngày nào cũng trên nắng dưới nước thả lờ xuống đầm. Chắc bữa nay thả không có cá tôm nên nó bất mãn vát về.
Mỗi lần Sang đem lờ “12 cửa ngục” thả xuống đầm là Hai Dần nhìn thấy gai tinh con mắt. Trưa, nhà Sang có đám giỗ, nó qua mời nhưng ông “từ chối khéo” nói nhứt đầu không qua được.
Nói nhứt đầu nhưng ông lại “làm ghét”, chiều gầy độ nhậu. Hai Dần gọi Năm Thông (Năm Thông nghe nhậu đến sớm uống trà chờ) với bạn chiến hữu bên xóm Lưới Gõ, Gành Mủi (ý ông nói nhứt đầu không ăn đám giỗ nhưng chiều nhậu tức là ông không có bệnh nhứt đầu, không muốn qua nhà Sang thôi. Người ta ghét hàng xóm để bụng còn ông ghét ra mặt).
Hai Dần lau xong xâu đèn chấn rồi “độ” cái bàn nhậu, lấy cái giỏ nhốt gà úp xuống, đem cái nia để lên trên, vào nhà xách mấy ghế nhựa xếp xung quanh thành cái bàn nhậu. Ông bưng cái xoong nước lèo đặt ở giữa, nướng thêm bánh tráng, mấy chiến hữu đến ngồi lại húp nước lèo, uống rượu.
Sang ra chỗ hàng rào sắp lại lớp lang đống lờ mới quăng cái đụi lúc nãy (thấy Sang, mấy chiến hữu của Hai Dần như “chụp” được cái đầu Sang đang khai thác hải sản trái phép dưới đầm bằng nghề cấm, bày ra nói chuyện đầm lớn tiếng cho Sang nghe).
Năm Thông nâng ly “đề ba” nói: “Tôi có thâm niên trên 30 năm chong đèn dầu đóng chấn trên đầm. Nghề đóng chấn này hiền lành, làm ăn từ xưa đến giờ cũng không lỗi thời, lại không có “tội” với đầm. Cũng giống như thả lưới, quăng chài không bao giờ có tác hại tới môi trường”.
Năm Thông ngó lơ ra đầm nhìn về phía Hòn Khô rồi nhìn chăm chăm vào mặt Sang “chêm” tiếp vào câu chuyện. “Thời gian qua, có người đánh bắt hủy diệt nên tôm, cá thưa dần. Lớp trẻ bây giờ đua đòi, thấy người ta thả lờ “12 cửa ngục”, châm điện cũng làm theo đánh bắt, đâu có nghĩ hậu quả. Kiểu đánh bắt hủy diệt này không những khiến hải sản cạn kiệt mà lớp con cháu sau này sẽ “đói” với các loại hải sản quý hiếm trong đầm”-, Năm Thông than phiền nói giọng buồn buồn.
Bốn Nhịn ở Gành Mủi thì nhẩm tính: “Nghề đóng chấn có từ đời ông nội và đến nay nữa, tính ra đèn dầu thắp sáng trên đầm Ô Loan trên 100 năm. Mỗi đêm có hàng hàng ngọn đèn dầu thắp sáng trên đầm Ô Loan. Nay đầm đói, ban đêm nhìn ra đầm tối tăm lắm”.
Ba Tịnh ở xóm Lưới Gõ, người trong xóm gọi là ông “Ba Gai” (vì ông hay gây chuyện bướng bỉnh, ngược đời), nhưng đề cập nói chuyện đầm, ông nghiêm túc: “Tôi “nuôi” ngọn đèn dầu bắt con cá, con tôm nhưng vẫn giữ lại “tài sản” dưới đầm, chỉ bắt lứa cua, cá to. Lứa nhỏ thời gian sau lớn dần, cứ thế hải sản dưới đầm nuôi lại 4 miệng ăn trong gia đình. Mấy năm nay lờ “12 cửa ngục” càn quét, đầm đói thấy rõ.
Bên hàng rào, Sang trả treo: “Thả lờ kiếm đồng lẻ, giàu có gì đâu mà ghét chửi khéo tui dữ hả”, rồi vô nhà.
Mấy người ngồi nhậu tiếp tục bàn chuyện Sang. Ba Gai giờ mới trổ tài nói theo kiểu “đâm bị thóc, thọc bị gạo”: Người dân quanh vùng cũng có nhiều người thả lờ nhưng cái thằng ở sát vách nhà người Ban quản lý đầm (Hai Dần làm Ban quản lý đầm) mà nói nó không nghe, theo đà này “cơn lốc” lờ “12 cửa ngục” tàn phá đầm.
Hai Dần nhìn qua nhà Sang: “Nó nói nó nghèo, đã biết mình nghèo mà sao không biết giữ của dưới đầm mà ra tay thả lờ “12 cửa ngục” tàn sát đầm. Ăn học để chi không biết? Đầm Ô Loan rộng một ngàn hai trăm héc ta có lẻ, ngưng đánh bắt hủy diệt một tháng là tôm cá hồi sinh…”.
Tuần sau, mấy chiến hữu ngồi uống rượu nhưng không phải tổ chức ăn nhậu mà nhà Hai Dần đám giỗ. Cúng xong “xin cái tàn” dọn ra thịt heo luộc, gà chiên mắm. Ở ven đầm mà không có món trong đầm.
Con gà mái đẻ nuôi thả sau vườn, đầm đói, nhà hết thức ăn, mỗi bữa ăn vợ Hai Dần ra sau chuồng gà thò tay vô ổ gà lấy 2 cái trứng đổ chả. Đổ riết hết ổ trứng. Con gà mái “nằm dạ” trong thúng mê ấp rơm, đuổi hoài nó không ra. Sẵn nhà có đám giỗ, Hai Dần bắt làm thịt.
Uống ngà ngà rồi nhưng sao thằng Sang lặn mất, không thấy ra vô. Hai Dần nhớ trực lại, hai, ba bữa nay không thấy nó.
Không có Sang, mấy người nói “hành” qua vợ nó.
Bốn Nhịn, có “dây mê rễ má” với vợ Sang, mạnh miệng nói trước: “Vợ Sang không có eo phọt, người cao suông đuột. Mới hơn 30 tuổi mà cười “da mặt dùn như tấm bạt”, cùng chồng ngày nào cũng thả lờ “phá quại” tài sản dưới đầm”.
Hai Dần, cũng “thêm mắm thêm muối” vào câu chuyện, kể bữa trước con vợ ra phụ chồng rạt lờ ngoài mé đầm, gần trưa con vợ vô nấu cơm, mới đến hàng ba, Sang nói với vô, “nhớ hâm lại mục măng nghen?”. Hai Dần nghe cười, người ta hâm cá, hâm thịt, còn nó dặn vợ hâm lại mục măng.
Trước đó, Hai Dần thấy Sang ra sau nhà chui vô bụi tre bẻ mục măng vô luộc, giờ kêu vợ hâm lại. Hồi mới về đây ở, Sang ra sau nhà moi đất sát vách núi trồng bụi tre lấy măng.
Thời gian đầu, vợ chồng Sang về ở đây không có việc làm, Sang đi nhậu, mà nhậu “lầy” từ trưa đến tối, ngày nào rượu cũng ngâm trong người, nó ốm như cây sậy. Người lớn khuyên bỏ rượu, nó “dạ trước mặt, trở “c” sau lưng”, không nghe. Hai Dần khuyên kèm theo lời hứa, lên UBND xã xin cho nó được thuê vùng nước mặt đầm để nó có nghề đóng chấn mưu sinh.
Sang bỏ rượu được một tuần. Sáng, Hai Dần dắt xe máy ra ngõ, vợ ông hỏi đi đâu, ông nói đi “trả nợ miệng” cho Sang. Hai Dần lên ủy ban nhân dân xã “tâu báo” sao đó, xã chia cho Sang có được vùng mặt nước đầm nhưng lấn ra ngoài dòng chảy tự nhiên.
Ngồi im một lúc, Bốn Nhịn lên tiếng: “Vùng này mặt nước đầm kín, nhiều người thuê không được vậy mà nó thuê được, tưởng đóng chấn ai ngờ thả lờ “12 cửa ngục”. Không biết phía thằng Sang có bà con với ai làm ở trên ủy ban nhân dân xã không chứ phía vợ nó bà con còn gần với phía vợ tôi nên tôi biết không có ai. Chắc ai đó ăn tiền của nó mới chạy chọt cho nó thuê lấn ra vùng nước tự nhiên ngoài vùng quy hoạch”.
Ba Gai tấp vô ngay: “Ai đứng ra xin cho nó thuê mặt nước đầm đến nhà vòng tay năn nỉ nó bỏ nghề thả lờ “12 cửa ngục” đi”.
Hai Dần nghẹn giọng không nói thành lời, nghĩ bụng: Hai người nói vậy chẳng khác nào “xúm lại” chửi mình. Khổ thiệt.
Trước đây đầm no, ban đêm người đóng chấn đi đụng đầu, giờ đầm đói chỉ mang “bụng nước”, nhưng lớp sồn sồn như Hai Dần vẫn “nuôi” ngọn đèn dầu.
***
Đến mùa nước “ói” rồi (mùa mưa lụt, nước từ nhánh sông Cái đổ về làm cho nước trong đầm Ô Loan dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói”), Sang đi đâu gần nửa năm nay chưa thấy về. Mấy ngày qua Hai Dần đi quanh đầm từ sáng đến tối ghé từng nhà đưa tờ giấy có sẵn nội dung, đọc cho họ nghe rồi họ ký cám kết “không đánh bắt hủy diệt dưới đầm”. Chờ Sang về, ông qua bảo nó quẹt vô chữ ký. Còn nhà Sang nữa là xong nhiệm vụ, ông nộp lên ủy ban nhân dân xã.
Mùa nước “ói”, tôm đất, cua, ghẹ, sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này người dân sống ven đầm bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) ban đêm đóng chấn bắt cua, tôm đất.
Tối, Hai Dần đi đóng chấn, sẵn mấy bóng đèn hôm trước ông chùi sạch đem treo miệng chấn, sáng ra trút tôm đất, cua, ghẹ, đem về kho trong cái xoong nấu hai lon gạo đầy một xoong.
Trưa, Hai Dần đi dạo xóm nhà ven đầm, từ nhà Ba Gai rồi qua nhà Năm Thông đến nhà Bốn Nhịn, nhà nào cũng kho tôm đất, cua, ghẹ, đầy “nồi mập”.
Tối Hai Dần nhìn trời, “vảy cá thì mưa, vảy bừa thì nắng”. Tối nay vảy bừa. Thường mùa nước “ói” kéo dài 3 tháng nhưng năm nào trời nắng nhiều thì mùa nước “ói” lặn sớm trong vòng hai tháng rưỡi.
“Cọp bắt cái thằng gần hết mùa nước “ói” là đến tết rồi mà nó đi đâu vậy cà?”, Hai Dần tự nhiên thấy nhớ người mà trước đây mình ghét nhất. Ông nhớ tối nhậu, đổ trút chuyện lờ “12 cửa ngục” xuống đầu nó. Sáng ra thấy cái thằng “đen còn hơn thui” ngồi một đống trước nhà, buồn rầu.
Sáng, Hai Dần đi thăm chấn về, qua chỗ khúc cua xóm Gành Hàu gặp vợ chồng Sang tay xách giỏ, vai mang lùm đùm lề đề. Thấy Hai Dần, vợ chồng Sang cười. Vợ Sang chào anh Hai, Hai Dần mừng nhảy dựng, hỏi, lâu nay đi đâu mà biệt tăm, không thấy. Vợ Sang nói đi làm ăn xa.
Trưa, vợ Sang xách qua cho Hai Dần bì trái cây. Ngồi ở hàng ba, vợ Sang kể, sau khi nghe anh phản đối, nằm đêm em suy nghĩ rồi nói với anh Sang bỏ nghề, rủ mấy người chuyên thả lờ ở ven đầm vô Nam làm thợ hồ (vợ Sang nói đi rồi cũng nói lại, bữa đó do anh nói lớn quá ngồi bên nhà em nghe, không phải nghe lén, nghen). Vô trong đó chia ra hai tốp, tốp Bình Dương, tốp Sài Gòn. Gần đây thấy nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh tôm cá, biết đầm Ô Loan no trở lại nên về, với lạ cũng gần tết rồi.
Hai Dần, dặn: “Về không được thả lờ “12 cửa ngục” nữa”. “Đốt hết rồi. Tốp 10 người đồng lòng đốt lờ đi làm thợ hồ”, vợ Sang trả lời gọn hơ.
Vợ Sang về, Hai Dần nghĩ bụng, vợ Sang ngõ “xấu xấu” mà biết ăn ở, có nhận thức trong việc bảo vệ đầm, khuyên nhủ chồng, “dạy dỗ” bạn bè nó nghe, còn mình to tiếng nặng lời cũng không ăn nhầm gì. Vậy mà trước đây hiểu lầm vợ nó.
Mấy hôm sau Sang đi đóng chấn. Từ ngày Sang về, trời mưa kéo dài chứ không như dự báo thời tiết theo kiểu “vảy cá, vảy bừa”. Mùa nước “ói” liên tiếp đổ về.  Càng về cuối mùa nước “ói”, tôm cá lớn thêm, Sang đóng chấn trúng đậm, mờ sáng vợ Sang đi bán bỏ túi rủng rỉnh vài trăm ngàn.
Bóng đèn đóng khói, Hai Dần đem ra lau chùi, mới lâu được mấy cái, ông thấy nhứt đầu vô nằm.
Sẩm tối, Sang qua nhà rủ đi đóng chấn, thấy Hai Dần nằm rên nên xách xâu đèn dầu đi đóng chấn dùm Hai Dần.
Tối nay đóng chấn cho Hai Dần nữa nên về khuya. Ở nhà, vợ Sang nấu nước pha sẵn bình trà đặt ở hàng ba. Ngồi uống nước trà, Sang nhìn ra đầm, lâu rồi Sang mới thấy đầm Ô Loan đẹp đến lạ mắt. Trong số hàng ngàn ánh đèn dầu đóng chấn sáng trưng, có ngọn đèn bị lu (sáng mờ) do bóng đèn lấm lem khói chưa được chùi rửa. Tuy có ngọn đèn dầu bị lu xấu xí, nhưng ánh sáng pha trộn sắc màu làm đẹp đầm Ô Loan.
14/12/2019
Mạnh Hoài Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...