Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Cô sơn nữ thuở ấy, bây giờ

Cô sơn nữ thuở ấy, bây giờ…

Đặng Thị Thanh Hương là một trong những gương mặt thơ nữ tiêu biểu nước ta hiện nay, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị sinh trưởng ở Yên Bái, tốt nghiệp Khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du, sống nhiều năm ở Hà Nội trước khi vào định cư tại TPHCM, hiện sang Mỹ thăm con và kẹt lại bên ấy vì dịch Covid-19. Với quê hương Yên Bái, chị tâm sự: “Nếu như không sinh ra từ vùng đất ấy chắc chắn tôi sẽ không thể chọn nghiệp bút nghiên”. 
Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương
Khoảng mười năm trước, cứ sáng, sau một giờ điểm trang son phấn áo quần là lượt, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương kiểm tra email và bài vở trên trang tintuconline. Gần trưa lại chạy đến Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nơi chị là phó giám đốc. Chiều làm công việc báo chí hoặc kinh doanh cho đến 18 giờ thì đi chợ để nấu ăn cùng chồng. Tối, rảnh thì đi massage, xông hơi hay ra rạp xem phim.
Giữa chừng những bộn bề, tám đầu sách thơ văn đều đặn ra đời kèm theo năm giải thưởng văn học. Và để hôm nay, chị giật mình nhìn “đã quá nửa đời người trôi đi rồi đấy nhỉ?”
Tuổi thơ nơi phố núi
Là con thứ ba trong gia đình năm anh em, chị sinh ra và lớn lên ở thị xã Yên Bái, nơi nửa rừng nửa phố. Những cơn mưa lê thê, ngôi nhà nằm giữa thung lũng, hồ thả cá, hoa cỏ, chim muông trong khu vườn… đã đi vào tâm hồn tuổi thơ của chị, từ đó lấp lánh chảy vào các trang văn. Mỗi năm, chị lại trở về ngôi nhà năm xưa, xào xạc tiếng lá và tiếng chim hoạ mi hót mỗi sáng, nhìn người mẹ đã già hàng ngày trên sân quét lá, tưởng nhớ linh ảnh cha trên rặng cau già hun hút gió.
“Nếu như không sinh ra từ vùng đất ấy chắc chắn tôi sẽ không thể chọn nghiệp bút nghiên…”, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương nhớ lại.
Học chuyên toán, thi khối C vào trường Văn hóa, ra trường, trở về Yên Bái nhanh chóng lấy chồng và trở thành cô giáo dạy Mỹ học tại Trường CĐ Nghệ thuật Yên Bái. Giấc mơ đẹp đẽ về một mái ấm gia đình tan biến, sau giờ lên lớp, mỗi khi con gái ngủ, chị lại âm thầm làm thơ. Những câu thơ khắc khoải trong muôn lần phân thân, đã làm nên số phận của Đặng Thị Thanh Hương. Đoạt giải Nhất cuộc thơ của tỉnh Yên Bái, giải thưởng thơ Tác phẩm Tuổi xanh (báo Tiền phong), theo lời động viên của nhà thơ Trinh Đường, Đặng Thị Thanh Hương làm đơn thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Nuôi mộng làm văn sĩ, chị quay trở về Hà Nội.
Niềm tin gửi gắm của nhà thơ Ngọc Bái và tập thơ đầu tay được tỉnh Yên Bái cho tiền in chung với hai nữ thi sỹ khác: Cổ tích tình yêu (1992) – (Bài thơ đầu tay viết tặng mối tình đổ vỡ năm 18 tuổi, để rồi những thất vọng về niềm tin để nuôi kỳ vọng về sự chân thành nơi trái tim người đã in hằn trong cô sơn nữ) – đã đưa Đặng Thị Thanh Hương chính thức vào nghề. Năm đó chị 27 tuổi.
Từ chơi bạc ở casino đến giả làm gái điếm…
Trước khi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, Đặng Thị Thanh Hương đã có một năm làm việc tại Hội văn nghệ tỉnh và làm biên tập viên cho Tạp chí Văn Nghệ Yên Bái. Khi là cán bộ đi học viết văn, chị vừa học vừa viết báo, tập trung vào thể loại phóng sự điều tra.
Có lẽ, hiếm nhà thơ nữ nào làm báo, lại vào sòng bạc Casino tại Đồ Sơn để viết bài. Chị “chịu chơi” thua cả trăm USD hòng tìm tư liệu cho bài phóng sự chỉ để nhận hai trăm ngàn đồng nhuận bút. Chị cũng là người đầu tiên viết về đề tài người giúp việc gia đình: Những Isaura thời hiện đại, và từng nửa đêm đến bờ hồ Hale để tìm hiểu đồng tính nam, đóng vai một cô gái ăn sương để tìm hiểu về gái mại dâm, từ đó bài viết Cuộc mưu sinh của phận má hồng, (đoạt giải ba của Hội Nhà báo VN về đề tài chống tệ nạn xã hội năm 1997) ra đời.“Và ở nghề viết báo này tôi cũng làm được cho mình một cái  tên nho nhỏ với thể loại phóng sự hợp thời bằng vài giải thưởng khá cao của Hội nhà báo. Trên báo Lao động xã hội và tạp chí Thanh niên những năm 1996 – 97 luôn có bài của tôi trên trang nhất”. Đặng Thị Thanh Hương tâm sự.
Kinh doanh bằng niềm tin nhiều hơn là sự tỉnh táo
Sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Du, làm một lúc hai báo liền, nhưng vẫn còn vất vả, Đặng Thị Thanh Hương phải vay mượn thêm để mua được một căn nhà nhỏ ở Ngã Tư Sở. Ba năm sau chị ly dị chồng.
Bước chân vào nghề kinh doanh cùng Hoài Anh, bạn thân học cùng Trường Đại học Văn hóa, phân phối độc quyền mỹ phẩm Shiseido của Nhật Bản tại VN, Đặng Thị Thanh Hương đã vay mượn tiền của bạn bè, gia đình  để mở cửa hàng kinh doanh Shiseido trên phố Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Hơn 10 năm làm kinh doanh, ngoài mỹ phẩm, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương còn đầu tư thêm quán cà phê, làm bất động sản, làm khách sạn, làm bệnh viện thẩm mỹ… Ở công việc  nào ít nhiều chị cũng gặt hái được khá nhiều thành công:
“Dù là thế, tiền bạc không thể biến tôi thành một người đàn bà khác. Và vì vậy lòng tin và sự chân thành luôn song hành trong tất cả mọi việc mà tôi đã làm, tôi đã kinh doanh bằng niềm tin nhiều hơn là sự tỉnh táo. Chính vì thế tôi đã trả giá rất nhiều”.
Khi thơ ca không thể diễn đạt hết những cảm xúc và ý tưởng, Đặng Thị Thanh Hương viết truyện… Những truyện ngắn mà chị viết ra từ chính câu chuyện của bạn bè, những người xung quanh, và của chính chị đã trải. Chị viêt chưa nhiều bởi với chị, truyện ngắn cần có thời gian và không gian.
Ước ao của Đặng Thị Thanh Hương sau này khi đã thư thả hơn, cuộc sống dễ dàng hơn, sẽ dành ra một năm để ngồi đâu đó viết một cuốn tiểu thuyết:  “Ý tưởng thì lúc nào cũng đầy ăm ắp, thậm chí đến cái sườn và cái tên của tiểu thuyết cũng đã xong rồi mà chưa làm sao viết được. Cái tâm mình còn động quá. Và có lẽ khi nào tiểu thuyết bắt đầu là khi đó tôi không còn ham hố gì nữa ở thế gian này”!.
30/11/2021
An Vũ
Nguồn: TTVH
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...