Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Địa danh du lịch Sa Pa

Địa danh du lịch Sa Pa

Sa Pa, vùng đất trập trùng núi non vốn là nơi sinh sống từ rất lâu đời của một số cư dân tộc người thiểu số, trong đó tộc người Hmông là chủ thể, không riêng Sa Pa mà còn là chủ thể của cả tỉnh Lào Cai. Hãy đừng vội nói câu cửa miệng: “Người Hmông từ Trung Quốc di cư đến Việt Nam cách đây 300 năm”. Đó không phải cách nói của người làm khoa học.
Xưa kia chưa có chuyện phân chia lãnh địa, biên giới rành mạch, sau ba lần “Biển tiến”, vùng đất Nam Á này trở nên lắm núi nhiều thung, gây ra sự chia cắt sâu sắc. Hình thế địa lý cũng tạo ra nhiều tộc người khác nhau. Nhưng phàm là con người thì phải có sự giao lưu, nên từ một họ một dân tộc, dần dần một họ có thể giao thoa, hòa nhập với nhiều tộc người liền kề. Ví dụ rõ nhất: Họ Nguyễn, ban đầu chỉ có ở tộc người Kinh. Dần dần được bổ sung với người Tày. Họ Mã, suy nguyên ban đầu thuộc người Hmông, dần dần lan sang tộc người Tày, Xa Phó…, và biến âm thành Mùa, Mai, Ma, Mè… Từ tiếp biến về tộc người, thì vấn đề ngôn ngữ không thể không có sự giao thoa, hòa nhập. Vùng núi Nam Á này, ngoài mỗi tộc người duy trì một ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ được thể hiện bằng tiếng nói, là biểu trưng văn hóa của tộc người mình; xã hội còn duy trì một thứ ngôn ngữ chung, là Tiếng Quan Hỏa, hay còn gọi là Quan thoại, để giao tiếp trong cộng đồng. Tiếng Quan Hỏa vừa mới bị lãng quên vào những năm cuối thập kỷ XX, khi ngôn ngữ tiếng Kinh dần dần thắng thế, trở thành tiếng phổ thông của cư dân trong đất nước Việt Nam thống nhất.
Sa Pả là từ tiếng Quan Hỏa của tiếng Hmông vốn gọi Sua Pủa, nghĩa là Bãi Cát, thuộc địa điểm cầu 32 quốc lộ 4D Lào Cai – Sa Pa. Tại đó có một con suối nhỏ đùn cát từ khe núi ra, cát và nước có màu gạch đỏ nhờ nhờ. Người dân nói cát đỏ là do có nguồn nước chảy ngầm từ vùng Hồng Hồ xuống.
Nhà văn Mã A Lềnh
Trung tâm thị trấn Sa Pa, nay là thị xã, xưa vốn có một cái đầm, người bản địa gọi là Hồng Hồ, tức hồ Xuân Viên ngày nay. Huyền thuyết kể rằng xửa xưa có đôi Rồng thường đến tắm táp, vui đùa những ngày nắng đẹp, nên đầm nước mới có màu gạch nhờ nhờ đỏ. Cha Rồng mải việc cai quản Thiên Địa, chợt nhớ đến Công Chúa út, liền thét lên giục con mau về. Tiếng thét của Cha Rồng chẳng may làm Rồng Chàng hoảng loạn, vội bay về phía Tây và chết ngất ở đó, thành ra dãy núi Hoàng Liên. Còn Rồng Nàng, công chúa cũng bị hất lên trên cao, đầu hướng về phía Tây Bắc, thân là dãy núi Can Thàng ngày nay. Hồng Hồ xưa vốn là vùng đất làm nương của người Hmông các vùng xung quanh, như Sa Pả, Tả Phìn, San Sản Hồ, Lao Chải, Hầu Thào. Đã làm nương thì phải có lều nương để nghỉ ngơi và cất trữ ngũ cốc, sản vật. Dần dần, những lều nương được cất dựng trở thành nhà chính, rồi hình thành nên một khu dân cư mới. Khi xuất hiện một thế lực thuộc tộc người khác đến thăm thú, thì tên gọi Hồng Hồ bị thay thế bởi Sua Pủa – Sa Pả; cũng như Phan Xi Păng, suy nguyên tên là Hùa Sì Páng, tức Phiến đá nghiêng, vốn là địa danh của xã Sử Pán; từ Sì – tiếng Quan Hỏa, tức là Thạch; từ Páng có nghĩa là nghiêng, hiểu đầy đủ là Bàn Thạch nghiêng. Cho đến khi người Pháp đến, địa danh Sa Pả mới biến âm thành Sa Pa, do chữ Pháp la tinh không có dấu giọng; cũng như Phong Thổ, tiếng Pháp gọi là Phông Tô, tiếng Kinh gọi là Phòng Tô.
Một số nhà giàu người Pháp bắt đầu xây dựng biệt thự để ăn chơi và thưởng ngoạn, họ xua đuổi những gia đình có lều nương ở vùng Hồng Hồ để lấy đất. Từ đó một bộ phận rời xuống phía thung lũng dốc đầu con suối Mường Hoa, hình thành nên xóm Kang Ca – Kangz Caz, tiếng Kinh phiên âm thành Cát Cát, nghĩa là Bị hất xuống đáy chợ. Những ngôn từ ấy do người dân bản địa ít nói nhưng thâm trầm sáng tạo và được biên tập qua nhiều đời. Vì thế, nên Thực dân Pháp đến xâm lược, liền bị đánh bại, giành lại quê hương, đất nước. Nhưng hiện thời, người phương Tây đến du lịch, thăm thú, tìm hiểu nền văn minh của họ, thì họ vui vẻ đón chào, mời về thăm nhà, thăm làng, và cũng đã có vài cô gái không ngần ngại trở thành dâu hiền, hòa nhập ngay với cuộc sống khác lạ của truyền thống.
Do đó, khẳng định những địa danh này không thể là tiếng Pháp, tộc người ít ỏi mới xuất hiện từ thế kỷ XX, trong khi những chủ nhân của vùng đất này đã sinh sống hàng ngàn đời. Vì vậy, đó là tên gọi vốn của người bản địa.
Như vừa trình bày, các địa danh trong địa vực Sa Pa hầu như đều mang hai từ đồng nghĩa, là từ / tiếng Quan Hỏa và từ / tiếng Hmông. Đi theo quốc lộ 4D từ Lào Cai vào, qua địa phận xã Tòng Sành, tức Tiền đồng, nghĩa là tiền kim khí, sẽ đến thôn Pờ Sì Ngài của người Dao; nghĩa là Tảng đá trắng thuộc xã Trung Chải. Nhưng địa vực này người bản địa không quen gọi từ “Trung Chải”, mà gọi là Mường Tiên, tiếng Kinh biến âm ra Mường Xén, rồi biến âm tiếp thành Móng Sến. Địa danh Mường Tiên bao hàm một thôn, một xã và cả một vùng huyện Sa Pa, được định ước từ cây số 17, 18 4D Lào Cai – Sa Pa, vì bắt đầu từ khoảng không gian ấy, khí hậu, thời tiết trở nên mát lạnh, thoáng đãng, khác hẳn với khí hậu nóng nực mạn thấp Cốc San. Trong địa vực Mường Tiên, ngoài Pờ Sì Ngài, Mường Tiên, còn có Vùi Lùng Sung ở phía sườn Can Thàng, tức Thung lũng năm con rồng. Tiếp đến là Tăng Kô, từ cổ, tiếng Kinh phiên âm là Tắc Cô, và Khu Chu Lìn, tức Rừng vầu, bạt ngàn cả một trảng lớn, nhưng ngày nay đã bị xóa sạch.
Tả Phìn là tiếng Quan Hỏa, nói và viết đúng, là Tả Phình, nghĩa là Đại Bình. Tiếng Hmông là Nả Tà, có nghĩa là Bãi bằng lớn. Tại đây, ngoài hang động kỳ bí, còn có một phiến đá lộ thiên trưng bày vô số vết chân của muông thú, nhưng chỉ hiện một vết trái, hoặc một vết phải, trong đó có một vết chân khổng lồ của con người.
Nối tiếp là Bản Khoang, đồng nghĩa với Mường Khương – Mương Khảng của người Nùng và Hin Đăm của người Thái, tiếng Kinh phiên âm là Him Lam, nghĩa là máu kết thành đá. Sau khi Sa Pa nâng cấp thành thị xã, Bản Khoang nhập với xã Tả Giàng Phình, gọi là xã Ngũ Chỉ Sơn. Cũng như tên gọi “Trung Chải”, tên gọi “Ngũ Chỉ Sơn” không nằm trong tâm thức của người dân, mà người bản địa gọi là Cây cột đá. Xưa kia địa vực Mường Tiên có hai cây cột đá. Nhưng từ khi Hùa Sì Páng được gán tên Phan Xi Păng, thì Ngũ Chỉ Sơn được mang tên Cây cột đá. Địa danh Tả Giàng Phình dịch là Đại dương bình, nhưng tiếng Hmông lại gọi là Tà Sang – Tax Yang, nghĩa là Bãi nắng. Vùng hạ huyện Thanh Phú – Mường Bo, bao gồm các xã Nậm Cang, Nậm Sài, Thanh Kim… người bản địa gọi tên chung là Mường Thượng – Mường Sảng. Như vậy, địa vực Sa Pa có hai mường, là Mường Tiên và Mường Thượng.
13/10/2020
Mã A Lềnh 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...