Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Những bữa cơm chiều quê an lành

Những bữa cơm chiều quê an lành

Thỉnh thoảng về quê thăm bà già tôi vẫn thường ngồi mường tượng về ngôi nhà xưa, nơi mình trải qua những ngày ấu thơ. Những lúc ấy tôi hay nhớ về bữa cơm gia đình trong ngôi nhà đơn sơ ấm áp…
Đó là một ngôi nhà hình chữ L, gồm nhà trên và nhà dưới. Nhà trên lợp ngói, vách xây gạch. Nhà dưới lợp tranh, vách đất, mãi về sau mới thay bằng tôn nhưng vẫn vách đất, rồi sau nữa thì được xây gạch và lợp ngói.
Dược sĩ Huỳnh Khang quê Phú Yên
Nhà trên chủ yếu là để thờ tự, tiếp khách và có cái phản cho tụi con trai ngủ. Nhà dưới có một cái bịch giữa nhà để đựng lúa, cũng bằng đất. Trong nhà dưới còn có những cái bồ cót đựng lúa bằng tre, cặp nừng đựng đồ và thùng gạo, cạnh đó là những cái chõng tre cho anh chị em ba, bốn người ngủ chung giường.
Phía trước nhà trên và nhà dưới có cái hè rộng được che bởi tấm phên tre để che mưa nắng. Ở phía trên của hè là cái rầm (trần) để chứa đồ. Sau này đa số các gia đình dựng thêm cái nhà sau nữa để chứa những món đồ thường dùng trong nhà như: bồ lúa, giần, sàng, nia, rây, thúng, mủng, trẹt, rổ thưa, rổ dày, rổ xảo,… tất cả đều làm bằng tre và các món khác như thùng đạn, bi đông, bếp lò, thùng đất, thùng đong lúa, thùng phuy, tỉn, gióng, đòn gánh, chàng gánh rơm…
Nhà bếp phía sau nhà dưới và trong bếp thường có ú muối hột, chai mắm, chai mỡ heo thắng, nồi, xoong chảo, ống so đựng đũa bếp… Trong bếp còn có cái cũi để cất đồ ăn. Trước kia nấu cơm bằng ông táo đất hay lấy vài cục gạch kê lên làm bếp, sau này thay bằng kiềng ba chân. Khi nấu cơm thì chụm bằng củi khô hay rơm, lá cây. Nồi cơm nấu ở trên bếp còn dưới đất thì thường kèm theo ấm nước để cho nóng nước sau đó nấu cho nhanh.
Phía chái nhà thì để cái cối xay, cối giã gạo, bắp cày, mỏ cày, cuốc, xẻng, xà beng, thùng thiếc, nôm, lờ, đó, cần câu… Các công trình phụ như chuồng gà, chuồng bò, chuồng heo, nhà cầu… thì đem ra xa phía sau nhà.
Trước nhà là cái sân rộng. Giữa nhà trên và nhà dưới có cái trổ máng cho nước mưa chảy ra sân. Cách sân vài mét, ngay vị trí trổ máng đổ nước ra có cái giếng với gàu, thùng, hồ nước, cần vọt. Vò nước thì hay đặt ở sân, chỗ sân giáp với cửa ngõ vào nhà. Khoảng sân nhà thì rộng dùng để phơi lúa thóc, hoa màu và là nơi tập trung vui chơi, tắm mưa của trẻ con và cũng là nơi để dọn cơm ăn mỗi khi chiều về.
Một gia đình xưa trung bình có bảy, tám người bao gồm cha mẹ và con cái. Nhà nào nhiều thì có tới 13, 14 người. Rất ít nhà có một, hai đứa con. Thế nên, việc chạy ăn cho con cái là vấn đề đau đầu đối với cha mẹ lúc đó. Mỗi nhà được chia một đám ruộng phần trăm ít ỏi, còn lại là ruộng nhập vào hợp tác xã để sản xuất chung và xã viên nhận được lúa thóc dựa vào số công điểm tính theo số ngày công lao động đã làm. Gạo, thịt, dầu lửa, bột ngọt, vải vóc… và các vật dụng, đồ dùng chính thì mua bằng tem phiếu do hợp tác xã độc quyền buôn bán.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều
Những năm đầu thống nhất đất nước, chưa có kế hoạch hoá gia đình, nên lực lượng trẻ, háu ăn hơi đông, lực lượng thanh niên đủ tuổi lao động thì ít. Một số nhà do chiến tranh mất đi trụ cột gia đình nên có đủ lúa gạo ăn giáp hạt là hay lắm rồi, còn lại đa số gia đình là thiếu ăn.
Trong nhân dân đơn vị đong đo thời đó gạo thì tính lon sữa bò, lúa tính thùng thiếc hình khối vuông chừng 10 ký. Mỗi lần nấu cơm là canh số người ăn mà nấu mấy lon, đầy hay lửng. Cơm ăn thì tính một ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều. Trong đó, bữa sáng là bữa phụ nên ngày có ngày không, lúc có lúc không tuỳ vào thời vụ và thu nhập trong vụ mùa đó.
Buổi sáng gia đình tôi hay ăn cơm nguội với muối mè, muối đậu phộng hay cơm nguội chiên mỡ heo hay cháo trắng chan mắm, cháo rau đắng với đường đen… Bữa sáng cả nhà ít khi ăn chung, ai có việc dậy sớm ăn trước rồi đi học, đi làm và thường bới một chén ăn ngay tại bếp. Bữa trưa thì đôi khi không đông đủ lắm vì có người đi làm xa phải dỡ cơm theo trưa ở lại, hay như những anh chị đi học xa thì bới một tô ăn trước rồi đi cho kịp buổi học. Bữa cơm trưa gia đình thường ăn trong hiên nhà hay chỗ khoảng trống ở nhà dưới, nơi nhà trên và nhà dưới thông nhau qua cái cửa hông, chỗ này cũng có cửa thông ra bếp. Còn sân nhà là nơi diễn ra bữa cơm chiều vì sân rộng, thoáng mát và ánh sáng vẫn còn chứ chưa tối như trong nhà. Bữa cơm chiều hầu như lúc nào cũng đông đủ thành viên gia đình. Thế nên bữa cơm chiều có thể gọi là bữa cơm thực sự của gia đình.
Bữa cơm chiều thường bắt đầu từ 17h đến 17h30 khi trời còn sáng, ít khi ăn trễ sau 18h, vì lúc đó chưa có điện. Thường mỗi buổi chiều chúng tôi đứa lo rơm, nước cho bò ăn, đứa lo gà vịt, đứa ẵm em, đứa lo phụ mẹ nấu cơm. Khi mặt trời sắp lặn là ba tôi hối dọn cơm lên ăn để khỏi phải thắp đèn trong bữa ăn.
Có lẽ trừ ban đêm đi ngủ thì bữa cơm chiều là khoảng thời gian an lành nhất trong mỗi gia đình. “Trời đánh tránh bữa ăn” nên mọi ưu phiền, buồn bực gì cũng phải tạm gác lại để mọi người cùng quây quần bên mâm cơm.
Con trai cưới vợ thì vợ chồng cũng thường về ăn chung với gia đình, cho đến lúc có con cái hay có nhà riêng mới ra riêng, ăn riêng. Một vài nhà bữa cơm thường ngày có bốn thế hệ cùng ăn chung là ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt cùng ăn chung.
Theo dòng thời gian tuổi thơ qua đi. Chị lấy chồng. Anh lấy vợ ra riêng. Kẻ đi học. Người đi làm xa. Ông bà theo về với tổ tiên. Những bữa cơm gia đình dần vắng người. Cha mẹ không muốn phiền con cái nên cũng ăn riêng. Từ bữa cơm gia đình đông vui, đầy ắp tiếng cười nói thì giờ đây về ngôi nhà xưa chỉ còn cha hay mẹ ngồi lủi thủi ăn mỗi khi chiều về khiến ta không khỏi có những phút giây chạnh lòng.
Sài Gòn, 30/8/2021
Huỳnh Khang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...