Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Một thời để nhớ

Một thời để nhớ
1/ Căn nhà chúng tôi thuê nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, thuộc khu 6, Qui Nhơn. Đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của chúng tôi: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Ngọc Châu, Lê Văn Trung, Phạm Cao Hoàng…
Nguyễn Phương Loan ở tận trên Pleiku, thi thoảng mới ghé lại. Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng ở ngoài mặt trận,thường cuối tuần mới về. Hoàng Ngọc Châu có nhà ở dưới phố. Lê Văn Trung ở với anh chị dưới khu 2. Còn tôi là người “trụ trì”.
Nói là một căn nhà nhưng thật ra chỉ là một căn phòng không lớn lắm, đủ chỗ ở cho một hoặc hai người; tuy nhiên khi cần thiết mười người cũng không sao. Cuối tuần, Lê  Văn  Trung và tôi lóng ngóng xem anh em ngoài mặt  trận có ai về không.
Hồi ấy, mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê, và nơi chúng tôi thường đến là cà phê Dung. Phương tiện đi lại bấy giờ cũng không dễ dàng. Cần đi đâu chúng  tôi  phải đón xe lam. Bây giờ nói đến xe lam chắc một số bạn trẻ không biết nó là xe gì, vì hầu như loại xe này đã không còn thấy từ lâu. Đây là loại xe chở khách, chở được khoảng 10 hành khách, chạy loanh quanh trong thành phố hay trên những đoạn đường ngắn.Vòng quanh thành phố Qui Nhơn có một beltway, nếu ngồi suốt trên xe lam thì một lát sau sẽ về chỗ cũ.
Mỗi người một tính. Anh Nguyễn Huy Hoàng ân cần, chu đáo.Phạm Văn Nhàn vui vẻ cởi mở.Trần Hoài Thư lang bạt, bất cần đời. Hoàng Ngọc Châu từ tốn. Lê Văn Trung thâm trầm, ít nói. Cửa của căn phòng không có ổ khóa vì chúng tôi chẳng có gì để mất. Bên trong chỉ có vài ba ký gạo và một ít quần áo. Ai đến cứ tự nhiên vào, có gì ăn đấy, nghỉ ngơi và viết lách. Ai muốn viết kiểu gì cứ viết, muốn đăng báo nào cứ đăng. Người viết khỏe nhất là Trần Hoài Thư. Anh viết rất dễ dàng, viết bất kỳ ở đâu, kể cả những nơi ồn ào nhiều tiếng động.
Với một đám văn nghệ văn gừng độc thân vui tính như vậy thì bữa no bữa đói là  chuyện  thường.  Mô tả cảnh sống của chúng tôi, Trần Hoài Thư có làm mấy câu thơ vui:
Anh no ngày nào em không biết
Anh đói ngày nào em không hay
Hôm nay đi về mưa bay bay
Vậy mà chúng tôi quí mến nhau vô cùng. Gặp lúc nào là vui lúc ấy, và chưa bao giờ chúng tôi có điều gì xích mích. Năm 1968 chiến trận trở nên khốc liệt hơn. Trung và tôi rất lo cho các bạn ở ngoài mặt trận. May mà tất cả đều trở về, trừ Nguyễn Phương Loan vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Pleime.
Năm 1969 chúng tôi mỗi người một ngã. Tôi vào Phan Thiết. Lê Văn Trung ra Quảng Ngãi. Hoàng Ngọc Châu lên Bảo Lộc. Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư trôi giạt hết chiến trường này đến chiến trường nọ. Hồi đó đâu có điện thoại như bây giờ nên có một thời gian chúng tôi thất lạc nhau. Rồi Sài Gòn thất thủ. Anh Nguyễn Huy Hoàng bệnh nặng và qua đời.Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn sang Mỹ. Hoàng Ngọc Châu vẫn khói sương sương khói ở Bảo Lộc. Lê Văn Trung ở tù rồi ra làm công nhân xây dựng.
Năm 1999, trước khi đi Mỹ, tôi về Qui Nhơn thăm người chị ruột;  nhân dịp đó tôi tìm đến căn nhà văn nghệ ấy. Người chủ nhà không còn nữa. Tất cả đã đổi thay sau 30 năm xa cách. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
2/ Về tình bạn, Nguyễn Bắc Sơn viết:
Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi
Đối với tôi, Từ Thế Mộng là một người bạn hoàn hảo, một người bạn mà khi choàng vai nhau lòng thấy vô cùng ấm áp. Đúng ra, anh là một người bạn vai anh vì anh lớn tuổi hơn tôi nhiều. Năm 1969, anh và tôi cùng dạy học ở Phan Rí, bầu bạn với Đài Nguyên Vu, Nguyễn Lệ Tuân, Lê Văn Chính, Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Dương Quang, Tô Duy Thạch, Hàn Sa, Phan Anh Dũng, Nguyễn Như Mây, Thương Đài Giao, Hồ Dạ Thoại.... Cuối tuần anh và tôi thường ra quán bên đường của Huỳnh Hữu Võ tán dóc chuyện văn chương cùng bạn bè văn nghệ. Vợ  anh,  chị  Mộng  Giao,  thì  ở  Phan Thiết, mà bấy giờ đường sá đi lại đầy  mìn  bẫy  rất nguy hiểm,  nên  phải  đợi  vài ba tháng khi  quân  đội mở đường mới về thăm được. Mỗi lần như vậy tôi luôn đi cùng với anh bằng xe gắn máy. Hàng chục xe quân đội đi trước, dân theo sau. Anh nói với tôi, “Đi thế này ngán thật. Lỡ bị phục kích khó mà toàn mạng”. Nhưng không đi thì không về thăm nhà được.
Về tới Phan Thiết, sau khi cất đồ đạc, thăm chị Mộng Giao và hai cô con gái rất dễ thương của anh, Giao Tiên và Giao My,  anh và tôi lòng vòng xuống phố gặp gỡ anh em văn nghệ, cà phê cà pháo đến tối mới về. Ngày hôm sau là ngày chị Mộng Giao cho anh em nhậu. Anh rất khoái nhậu, nhậu vì vui khi có bạn bè. Tửu lượng anh khá cao. Tuy nhiên, uống nhiều hay ít thì anh vẫn vậy, vẫn tỉnh táo, chính xác, không bao giờ nói bậy khi có rượu vào. Anh tốt bụng, hết lòng, và chung thủy với bạn bè. Đọc bài thơ THƯƠNG NGƯƠI KHÔNG THỂ CẦM TRONG TAY (*) mà anh viết khi nhà văn Y Uyên qua đời thì có thể  hiểu phần nào tấm lòng của anh đối với bạn bè. Tính anh khiêm tốn, hào phóng, thích giao du nên bạn bè rất nhiều. Điều đặc biệt là bạn bè ai cũng quí mến, kímh trọng anh. Tôi chưa bao giờ nghe ai than phiền về anh.
Anh sống có trách nhiệm với gia đình, với bạn bè. Anh sống hết lòng với thi ca, với cuộc đời, nhưng cuộc đời không hết lòng với anh. Sau 1975, anh cơ cực, thiếu trước, hụt sau. Tháng trước Phạm Văn Nhàn  báo tin anh bị bệnh nặng. Tôi vội vàng gọi điện thoại về thăm. Dù rất vui nhưng giọng anh khá mệt nhọc. Anh nói, “Hôm qua Nguyễn Bắc Sơn có ghé thăm anh. Tuần trước Huỳnh Hữu Võ cũng có vào”. Tôi hỏi đùa, “Anh em tới thăm có tổ chức nhậu không?”. Anh cười buồn, “Gặp anh em mà không nhậu kể cũng tức thiệt. Nhưng nhậu sao được. Bệnh thận mà”.
Những ngày anh lâm trọng bệnh, Giao Tiên tập hợp bản thảo để in tập thơ cuối cùng của anh: THƠ TỪ THẾ MỘNG. Bạn bè khắp nơi tìm cách chạy chữa cho anh, nhưng đời người hữu hạn, dù rất sợ phải nói lời vĩnh biệt, rồi cuối cùng cũng phải chia tay. Chỉ ân hận một điều là tôi đã không gặp anh một lần trước lúc anh đi. Giờ thì chẳng bao giờ còn thấy nhau, chẳng bao giờ còn được choàng vai nhau để ấm áp cuộc rong chơi. Nhớ vô cùng những ngày tháng ấy và tiếc vô cùng những kỷ niệm của một thời.
(*) Thơ Từ Thế Mộng
THƯƠNG NGƯƠI
KHÔNG THỂ CẦM TRONG TAY
ta với ngươi tuy quen đã lâu
lênh đênh ngàn dặm tình không sâu
bỗng dưng một sáng nghe ngươi mất
buông thỏng hai tay ta cúi đầu
nhớ khi ta đổi về Tuy Hòa
trời chưa muốn sáng trăng  còn xa
bảo: “suốt đêm nay ta đánh phé”
rủ: “hôm nào cậu đến chơi cùng ta”
cái thằng hiền khô con gà chết
thấy ta để râu con cá chốt
cậu cười, ta đưa ống sáo nâng ngang mày
chào tuốt người thương và kẻ ghét
ta yêu tiếng nấc sầu em xanh
sầu như em Thúy sầu lênh đênh
ngươi yêu tiếng hí xa ngàn dặm
Hòn Vọng Phu hơi sương còn long lanh
có lần ngươi muốn ngươi thay đổi
ánh mắt ngươi buồn hơn thuở xưa
trời mới lên cao trời sáng lấm
mắt ngươi chìm khuất phương trời xa
ta đi biền biệt ngươi biền biệt
hồn trai không kín mộng giang hồ
nghe ngươi vào lính ta đang lính
súng đạn như đùa với kẻ thơ
ta tròn hai mắt ra kinh ngạc
mắt ngươi dìu dịu màu ca dao
ngươi áo quần xanh đường kẻ mới
hai hàng ánh sáng ngã lao đao
ngươi về Phan Thiết đang mùa gió
chuyện vãn chưa vừa được mấy câu
đã mịt mùng xa ngươi lửa đạn
ta phương trời cách mấy trùng sâu
mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống
Nora còn chùng bông cỏ may
Nora chùng lòng dăm đứa bạn
thương ngươi không thể cầm trong tay
thương ngươi lũ bạn quây quần lại
đánh phé vui tràn suốt cả đêm
vui quá nên vui tràn nước mắt
hồn buồn không thấy mộng Y Uyên
(Từ Thế Mộng)
3/ S
au một thời gian lưu lạc, năm 1970 tôi quay về  lại Tuy Hòa.
Tuy Hòa là một thành phố biển, giữa Nha Trang và Qui Nhơn, nằm bên bờ sông Đà Rằng, dưới chân núi Nhạn. Người Tuy Hòa hiền hòa, hiếu khách, đặc biệt rất yêu thơ.
Về đây tôi có dịp gần gũi với những người cầm bút của Tuy Hòa và tham gia các sinh hoạt văn học nghệ thuật của thành phố dễ thương này.
Người tôi gặp gỡ nhiều nhất là anh Trần Huiền Ân, tác giả tập thơ THUYỀN GIẤY, nổi tiếng với những bài thơ đậm đà màu sắc quê hương. Thơ của anh  đã  từng  được dùng trong sách giáo khoa dành cho học sinh bậc tiểu học do ông Bùi Văn Bảo  biên soạn. Trần Huiền Ân chơn chất, đôn hậu, nhã nhặn, và khiêm tốn. Anh có khả năng ở nhiều lĩnh vực: văn, thơ, biên khảo, và cả hội họa nữa..Một người luôn sát cánh bên Trần Huiền Ân và tôi là  Đỗ  Chu Thăng, tác giả tập thơ CHÂN CẦU CŨ. Đỗ Chu Thăng là giáo sư toán thuộc loại giỏi, nổi tiếng là một nhà giáo rất nghiêm khắcvới học trò. Ngoài đời anh là một thi sĩ hiền lành, nhũn nhặn, được nhiều người quí mến và kính trọng. Sáng nào ba chúng tôi cũng gặp nhau ở bãi biển rất sớm để tắm biển, sau đó tỏa ra các trường để dạy học. Cuối tuần chúng tôi thường gặp nhau ở nhà anh Lê Công Minh, bút hiệu Lê Phương Nguyên, ở đó rất nhiều đêm thức trắng, cùng làm thơ, đọc thơ. Lê Công Minh có viết nhưng không nhiều.
Hầu như chiều nào tôi cũng gặp Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư gốc ở Huế, sau khi tốt nghiệp sư phạm được bổ nhiệm về dạy ở Tuy Hòa. Lư xuất sắc cả văn xuôi lẫn thơ, đặc biệt có tài thổi sáo và rất giỏi chữ Hán. Có một bài thơ của Phạm Ngọc Lư hồi đó tôi thuộc lòng, nghĩ rằng đây là một bài thơ hay, nhưng sau này trong hai tập thơ Lư xuất bản tôi không thấy có bài thơ này.
KỲ HUÊ
Đêm nay trong cõi tôi về
Ngát hương xuân động Kỳ Huê ra đời
Xin vàng ươm nụ đầu môi
Thếp sơn cành lạ vẽ chồi lộc non
Đêm nay tôi mất hay còn
Gieo tình xuống cát đợi mòn dấu cây
Ơn xin rễ mọc lòng tay
Nâng niu tuổi mọn xuân đầy trong Huê
(Thơ Phạm Ngọc Lư, 1971)
Một khuôn mặt cũng rất gần gũi với tôi là Mang Viên Long, nổi tiếng với những truyện ngắn sắc sảo và tinh tế. Anh gốc ở Bình Định, vào Tuy Hòa dạy học. Mang Viên Long sôi nổi và năng nổ. Giai đoạn ấy, trong số những cây bút ở Tuy Hòa, Mang Viên Long là người viết khỏe nhất. Đi dạy thì thôi, về tới nhà là cứ ngồi trước máy đánh chữ gõ lọc cọc. Lúc nào cũng thấy anh tất bật với việc viết lách.
Tuy Hòa là nơi sản sinh ra nhiều cây bút viết truyện ngắn xuất sắc. Môt trong những cây bút xuất sắc đó là Nguyễn Lệ Uyên.  Nguyễn Lệ  Uyên dạy học ở Gò Công, chỉ về Tuy Hòa  vào  dịp  nghỉ hè hay Tết Nguyên Đán. Nguyễn Lệ Uyên mê sách, báo, đọc nhiều, và nắm được nhiều nguồn tư liệu.
Tuy Hòa có một thi sĩ nổi tiếng rất sớm: Hoàng Đình Huy Quan, tác giả tập thơ MỞ CỬA. Lúc tuổi chưa tới hai mươi, Hoàng Đình Huy Quan đã có tên trong ban biên tập của tạp chí VĂN HỌC ở Sài Gòn. Khi tôi quay về lại Tuy Hòa thì Hoàng Đình Huy Quan đã lưu lạc vào nam bộ, thỉnh thoảng mới về gặp gỡ anh em. Thời gian này Hoàng Đình Huy Quan thành lập nhà xuất bản ĐỒNG DAO. Các tập thơ ĐỜI NHƯ MỘT KHÚC NHẠC BUỒN của Phạm Cao Hoàng, CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI của Nguyễn Bắc Sơn, NĂM NĂM DÒNG SÔNG THƠ của Trần Huiền Ân, DẠO NÚI MÌNH TA của Hà Thúc Sinh,CHÂN CẦU CŨ của Đỗ Chu Thăng, TRÊN THẢM CỎ XANH ĐỜI của Khánh Linh, GIỮA MUÔN NGÀN LY BIỆT của Quan San… do nhà xuất bản ĐỒNG DAO ấn hành  trong những năm ấy là nhờ một phần công sức của Hoàng Đình Huy Quan.
Nhắc đến văn nghệ Tuy Hòa không thể không nhắc đến Khánh Linh, Triều Hạnh, Nguyễn Tường Văn, Phan Bá Chức, Nguyễn Sông Ba, Nguyễn Duy Tẩm. Khánh Linh và Triều Hạnh tôi gặp khá thường xuyên. Còn Nguyễn Tường Văn, Phan  Bá  Chức, Nguyễn Sông Ba và Nguyễn Duy Tẩm ở Đà Lạt, lâu lâu về nhập bọn, rất vui.
Không gian văn nghệ Tuy Hòa những năm đầu thập niên 70 vô cùng ấm cúng. Trong  một  lần sinh hoạt chung với anh em văn nghệ Tuy Hòa, nhà văn Duyên Anh rất bất ngờ về sự ấm cúng này. Sau này, Duyên Anh có viết lại kỷ niệm lần gặp gỡ ấy trong bút ký CŨNG GỌI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI.
Văn nghệ Tuy Hòa có số thân hữu lên đến hàng trăm, mà hầu như lúc nào họ cũng có mặt trong những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật và những đêm thơ nhạc do chúng tôi tổ chức. Họ dành cho chúng tôi những tình cảm thân thương, những chia sẻ ân cần, và những khích lệ quí báu.  Bên cạnh đó, nhiều cây bút ở các địa phương khác lâu lâu ghé lại làm cho Tuy Hòa ấm áp thêm. Vùng  đất  Tuy  Hòa dạo ấy đã có dịp đón tiếp nhiều cây bút tài hoa: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lê Văn Trung, Tạ Chí Đại Trường, Đỗ Toàn, Thế Vũ, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Sa Mạc, Lê Ký Thương, Nguyễn Việt Nam, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Lệ Tuân, Tô Duy Thạch, Lê Văn Thiện, Trần Vạn Giã, Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh... Riêng Nguyên Minh và Võ Tấn Khanh sau này bám rễ và thành rể Tuy Hòa luôn.
Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với hai quán cà phê: cà phê CÂY PHƯỢNG ở gần trường trung học Nguyễn Huệ, và cà phê NHỚ gần ga xe lửa.
Chủ nhân quán CÂY PHƯỢNG là anh Lê Tăng Mính, một người yêu thích văn chương. Sách của chúng tôi gửi ở các nhà sách bán không chạy lắm, nhưng gửi ở quán CÂY PHƯỢNG thì bán được khá nhiều.  Trong  sân quán có một cây phượng rất lớn. Các áp-phích giới thiệu sách mới xuất bản được treo trên các cành phượng. Chủ nhân quán NHỚ là cô V, nhân vật đã từng được Duyên Anh nhắc đến trong bút ký tôi đề cập ở trên. Sau này tôi gọi quán NHỚ là QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.  (Thi  sĩ  Cao Thoại Châu  có một bài thơ nổi tiếng, tựa đề QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V (*). Tôi mượn anh Cao Thoại Châu tựa đề  này để đặt tên cho quán NHỚ ở Tuy Hòa). Mỗi một người trong  chúng  ta đều gắn bó với  một  góc  quán, một con đường nào đó. Anh Lê Tăng Mính không còn, nhưng  QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V. Ở Tuy Hòa thì vẫn còn đó. Nếu có dịp trở lại Tuy Hòa, một trong những nơi tôi cần đến để tìm lại những kỷ niệm của một thời sẽ là QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.
Tuy Hòa 1970-1972 là những tháng năm đầy ắp kỷ niệm trong tôi. Bước giang hồ tưởng đã dừng lại, nhưng rồi tôi lại ra đi, và lần đi này là biền biệt. Tôi trôi giạt về Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt; cho đến một ngày tôi phải làm chuyến đi xa nhất của đời mình. Trong hành trang mang theo ngày tôi rời đất nước có những giọt sương của cao nguyên Lâm Viên, có tiếng sóng biển của Qui Nhơn, có tiếng gió biển của Phan Thiết, và có mây khói của Tuy Hòa mà một thời đã làm nhẹ bước chân tôi.
Phạm Cao Hoàng
Theo http://www.gio-o.com/




   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mẫn cảm sinh thái trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam 19 Tháng Tám, 2023 Nhà văn Sơn Nam (1926 -2008) người con của vùng Rạch Giá (Kiên...