Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Tìm giúp Phạm Cao Hoàng - Nơi gửi gắm Mây khói quê nhà

Tìm giúp Phạm Cao Hoàng
Nơi gửi gắm Mây khói quê nhà 
Tập thơ MÂY KHÓI QUÊ NHÀ của Phạm Cao Hoàng khởi đầu với bài Đi Giữa Chiến Tranh sáng tác năm 1969: 
Quê cũ mười năm mây lớp lớp                     
mười năm mưa khóc buổi sang mùa                       
rồi kết thúc (phần thơ) với bài  Bây Giờ sáng tác năm 2009:
bây giờ nhớ núi nhớ rừng                  
nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà
Từ năm 1969 đến năm 2009, một quãng đời dài bốn mươi năm. Bốn mươi năm nước chảy qua cầu với biết bao yêu thương và đau thương, biết bao bể dâu và xương máu. Trong quãng đời đó có mười năm lạc quê ngay trên chính quê hương và mười năm tha phương lạc quê thực sự.
mười năm sống kiêp phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người
(Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời)                
Sự khởi đầu và kết thúc này khiến cho Tuyển tập thơ có sự nhất quán. Sự nhất quán này mạnh đến nỗi có cảm giác như MÂY KHÓI QUÊ NHÀ là một Trường ca với nhiều tổ khúc là những bài thơ rời. Tôi không tin đây là sự tình cờ. Nhưng dù có sắp đặt hay tình cờ thì có sá gì khi mà giọng điệu, phong cách, cả hơi thơ lẫn hồn thơ của Phạm Cao Hoàng trong suốt mười năm lạc quê, mười năm xa quê và hai mươi năm phiêu bồng phiêu bạt, trước sau đều có sự nhất quán. Đó là sự nhất quán của những trang thơ tài hoa (và cả đào hoa) giàu hình ảnh luôn chất chứa một nỗi niềm. (Tác giả tự bộc lộ như đầu đề một bài thơ Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn). Ngay cả những bài thơ viết về hạnh phúc như Mùa Thu Trở Lại Trường hay Một Ngày Với Tình Nhân vẫn thấp thoáng sự  ly tan, vẫn man mác buồn. Mùa Phượng Hồng cũng không ngoại lệ (ai biết người xa xôi trở lại –hay là biền biệt đến muôn thu).                                                                             
Hình ảnh, cảnh vật đôi khi được nhà thơ miêu tả cách tỉ mỉ, chính xác như viết văn xuôi mà đầy ắp tâm trạng:
mùa nước lớn nước xuôi cuồn cuộn
bóng chim qua soải cánh mù tăm
mây xuống thấp cùng mưa buồn vỡ chết
anh lặng thầm nay đã bao năm...
mùa nước cạn cát trùng trùng cuối  bãi
cỏ rêu kia xa cách đời nhau
anh dõi  mắt mà trông niềm ly biệt
như  lòng sông khô nước dưới chân cầu
(Những Nhịp Cầu Đen Buồn Bã)        
Miêu tả cảnh vật vừa hoành tráng vừa bi tráng làm người đọc lạnh buốt sống lưng, phải chăng là:
sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu    
mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi  máu đã nhuộm hồng sông nước
(Hành Phương Đông)
Nhưng thường khi hình ảnh được miêu tả cứ liêu xiêu mơ  mơ hồ hết dẫn người đọc vào rừng sâu núi thẳm lại ra biển rộng sông dài, hết bụi mù mưa bay đến mây tan hoa rụng. Hình ảnh nổi bật nhất là sông và núi. Sông soi bóng quá khứ có bến cũ có hoa rụng. 
Núi vọng (mong chờ) bóng người đi, núi vọng (âm vang) của quá khứ.                                                                                  
Cùng đi với nhà thơ ta như tìm gặp lại chính mình, cùng trầm ngâm Cúi Xuống Quá Khứ rồi nhiều lần như gặp được tri kỷ- tri kỷ đến ấm áp tâm tư; đôi lần bị xúc động –xúc động mạnh đến lạnh buốt tâm can, lạnh thấu xuân thì (cảm ơn Trịnh  Công Sơn) .                                                            
SÔNG NÚI LY TAN
Sông núi ly tan luôn ám ảnh nhà thơ. Trong một bài thơ-bài Bên Dòng Sông Tuổi Thơ, tác giả đã từng muốn:
hãy rửa sạch đi             
bụi của ngày  tháng
và rửa sạch đi
cả một quãng đời  tôi
Muốn rửa sạch mà nào có rửa được:                                   
nhưng chiều nay, sông ơi
khi  nhìn bóng mình cuối xuống quá khứ
mới biết rằng đời đã tàn phai....
hãy  trôi  đi cứ trôi  đi
hỡi dòng sông của ngày tháng ly tan
hỡi dòng sông của chiều nay ta quên lãng.
Càng muốn rửa sạch, càng muốn lãng quên, quá khứ của ly tan lại cứ vọng về. Thật ra hành trình hơn bốn mươi năm của Phạm Cao Hoàng là hành trình đi tìm bóng của chính mình, đi tìm quá khứ:
ngày mai con lại ra đi nữa
cứ đi hoài mà chẳng tới  nơi
ước mơ ngày ấy giờ chưa đạt
mà bóng thời gian đã muộn rồi
(Trước Khi Rời Việt Nam)                 
Nhà thơ đi tìm bóng mình, đi tìm quá khứ, có đi về hướng tương lai đâu, làm sao đạt được? 
sẽ xa, thôi  cũng đành xa nhé
người về cuối bãi  kẻ đầu sông
bóng hoa bay mấy chiều tan tác        
hoa rụng ba năm trắng bến hồng
(Mùa  Phượng  Hồng)
Quá khứ với dòng sông ăm ắp  nỗi buồn:
tôi đưa em qua đò tháng chạp 
chiều nay hoa rụng trắng ven sông...
mai sau sẽ về trên  bến cũ
nhìn mưa hồng mà tiếc những ngày xưa
(Khúc Tiễn Therese KH)
BIỂN CỦA NGÀY XƯA
Phạm Cao Hoàng viết về biển không nhiều. Dù vậy vẫn có những câu thơ hay rất hay, về biển:
bạn ta, bên kia sông là  núi      
núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bến phân ly
(Hành Phương Đông)       
Biển của ngày xưa nên bạn bè, quê  hương, người yêu cũng của ngày xưa:
anh thơ thẩn như vừa đánh mất
biển của thời anh bỏ biển mà đi...
anh vẫn sống và thầm tưởng tiếc
biển  của chiều xanh thẵm mắt em xanh
(Thầm Nhớ Biển)
ngày đi về  phía mặt trời
tôi nghe tiếng gọi của người năm xưa...
ngày về nhớ lúc ra đi
biển gào lên khúc biệt ly sao đành
(Mây Trắng-tặng anh Trần Huiền Ân)
Thật ra không nhất thiết phải nói tới dòng sông phân ly hay biển như vừa đánh mất, dường như cảnh vật nào cũng gợi cho Phạm Cao Hoàng vọng về quá khứ, một quá khứ của ly tan, ly biệt:                                      
nay anh thắp chút tình xưa đã chết
chiều thôi mưa nghe gió rũ lê thê...
buồn một mình lang thang trên bờ vắng
chút tình xưa em nhớ gì không
(Bờ Đá, Những Bông Hoa Trắng,Và Mưa)
Bằng hữu là bằng hữu của năm xưa, là người năm xưa đã đành, đến người yêu cũng không còn là người yêu của hiện tại. Có độc giả nào nhìn thấy nỗi đau này, nhìn thấy sự mất mát này để rồi cùng quặn lòng với  tác giả không?
gửi em yêu những chiều thương sớm nhớ   
em gửi gì cho anh hỡi em xưa
(Mèo Ốm Ạ, Bây Giờ Là Mùa Mưa)
BỜ ĐÁ VÀ TIẾNG VỌNG CỦA QUÁ KHỨ
Theo chỗ tôi biết, trước khi trôi dạt lên Cao nguyên  Lâm Viên Phạm Cao Hoàng chỉ viết về núi đá có mỗi một câu “núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi” và người đọc hiểu ngay rằng đó là núi Đá Bia ở tỉnh Phú Yên quê anh. Nhưng rồi bờ đá, kè đá và núi đồi của cao nguyên đã xâm nhập thật nhiều vào thơ anh. Nếu như sông, suối, đồng bằng, biển và phố thị ven biển đã làm bối cảnh cho những câu thơ để đời thì bờ đá và núi đồi đã làm bối cảnh cho những câu thơ hay muôn thuở của Phạm Cao Hoàng
cuối  năm vượn hú trên kè đá
con hát nghêu ngao hát một mình...
những chiều hiu hắt bóng sương rơi
con thở bằng hơi thở núi đồi
con bước cùng sương đi với khói       
con ăn gió lạnh uống mây trời
(Cuối Năm Ở Trạm Hành)
Thú thật tôi chưa từng tìm thấy ở bất cứ đâu của bất cứ tác giả nào sự diễn đạt tài tình nỗi cô liêu và sự hòa nhập với thiên nhiên cách khéo léo và tự nhiên như mấy câu thơ vừa dẫn. Và đây nữa, sự nối tiếp:
có phải em mỗi sớm mỗi chiều
đưa đời ta xuống cõi tịch liêu   
đá dựng trăm năm bờ đá cũ              
gió tạt ngàn năm vẫn hắt hiu
(Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn)
Không gì diễn đạt tiếng vọng hay và đúng vật lý bằng bờ đá. Nhưng trong thơ Phạm Cao Hoàng khi thì đá vọng (mong chờ) khi thì đá vọng (âm vang). Mong chờ người xưa, em xưa; âm vang thời quá vãng, thuở xa xưa.
anh gửi em một chút tình xưa          
bên  bờ đá đầy những bông hoa trắng...
ôi bờ đá và những bông huệ trắng             
buồn một mình nghe mưa chết trong lòng
(Bờ Đá, Những Bông Hoa Trắng, Và Mưa)
Suy cho cùng những cảnh thiên nhiên như sông suối núi đồi, cỏ cây hoa lá chỉ là cái cớ, chất xúc tác mà nhà danh họa dùng làm hậu cảnh cho bức tranh. Sông suối núi đồi, phố thị Tuy Hòa, Qui nhơn, Phan Rí, Đơn Dương, Đức Trọng...không giúp nhà thơ cống hiến cho đời những vần thơ trác tuyệt nếu không có Cúc Hoa, H. , Bạch, Therese TH... Bên cạnh đó là bạn văn nghệ, văn thi hữu. Phạm Cao Hoàng than thiết với rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... Vì vậy, ta không ngạc nhiên khi đọc bài thơ được sáng tác trong thời gian tác giả sống ở cao nguyên Lâm Viên tràn ngập núi đồi bờ đá, bài thơ hay nhất trong những bài thơ hay lại có đầu đề là  Nhớ Cúc Hoa. Thêm nữa, dường như để cho độc giả khỏi phân vân, trong bài DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI viết tặng anh Trần Hoài Thư, tác giả đã gộp lại và nói rõ:
dù sao vẫn cám ơn đời               
biển xanh và sóng núi đồi và em
(Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời)        
NHỊP GUỐC - DẤU CHÂN - CAO THỦ
Kêt thúc phần thơ gắn với thiên nhiên (hậu cảnh của nhà danh họa), mời bạn đọc đi vào thế  giới  khác trong thơ Phạm Cao Hoàng:
sẽ xa, ừ thôi nhé đành xa
rồi mai trên những lối tôi về     
tôi biết lòng tôi nghe rộn rã
nhịp guốc ai đùa trong nắng trưa         
(Mùa Phượng Hồng)
Mới đọc qua tưởng chừng đó là những câu thơ viết về hạnh phúc, nhưng, hỡi những người yêu thơ, hãy cảnh giác
mùa thu em tôi vừa len lén bước                          
nhè nhẹ thôi cho khói quyện trong hồn         
chầm chậm thôi kẻo ngày sẽ điêu tàn
và chớ giẫm lên đời tôi, em nhé
Ừ, thì bước len lén, nhè nhẹ thôi. Ừ, thì bước nhon nhón, chầm chậm thôi. Những nhịp guốc càng chậm càng in sâu rồi giẫm lên, rồi giày xéo... Cho nên nhịp guốc thì reo vui mà nhà thơ thì đứng một mình bên đường, chờ đợi...
vang vọng những hồi chuông giục giã
đường  thu reo vui nhịp guốc khua giòn                  
tôi biết chiêu nay trong khói hoàng hôn                 
tôi lại đứng bên đường, chờ đợi...      
(Mùa Thu Trở Lại Trường)
Nhịp guốc của nữ sinh, của con gái thường có quan hệ với gót giày, dấu chân nhà thơ:
tôi lại lê gót giày buồn thảm    
đi môt ngày chẳng thấy quê hương
Đi lòng vòng cuối cùng cũng tới được cái nơi phải tới. Nơi ấy, thật bất ngờ lại là dấu chân của chính mình:
tôi muốn suốt một chiều
đứng bên đời cho mưa ướt áo
lỡ mai mưa có đến nhà em
tôi sẽ gửi em một đóa hoa hồng
lỡ mai em có tình cờ về nơi này
biết đâu em sẽ ngậm ngùi cho những dấu chân tôi
(Mùa Mưa Này Không Còn Ai)
Bạn đọc có nhận thấy điều gì ẩn hiện trong những câu thơ tưởng chừng như giản dị này không? Hỡi ơi, tôi đang đọc thơ của thời nào đây, thơ hiện đại hay cảo thơm lần dở? Những câu thơ có vẻ như viết khơi khơi mà nội hàm nội lực mạnh đến kinh khiếp. (Cao thủ xuất chiêu không cần dùng sức, không cần một chút cố gắng nào). Nó có dáng vẻ bên ngoài dung dị, cứ chầm chậm bước chân, nhè nhẹ dẫn người đọc “nhìn bóng mình cuối xuống quá khứ“, cúi xuống lòng mình, tìm lại bóng mình. Nó đã dẫn dắt tôi hết trầm ngâm tìm về bến xưa nước cũ, ngẩn ngơ với thời thầm yêu trộm nhớ, lại thơ thẩn đi vào Cõi Thơ của Walt Whitman với những Lá Cỏ dưới gót giày của chính mình; cuối cùng đứng tần ngần chẳng biết đi đâu thì gặp mấy câu lục bát của Phạm Cao Hoàng:
bây  giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạt biết về nơi đâu...
về đâu chẳng biết về đâu
thôi thì về lại buổi đầu gặp em
(Bây Giờ)   
Tưởng như vậy là có thể dừng chân được rồi, nào dè những câu thơ hay tuyệt lại dẫn tôi đến vớ những câu thơ tuyệt hay:
và tôi muốn quên đi đời sống
dù phương kia em còn che nón qua cầu
H. của tôi, giữ dùm tôi nhé
một quê nhà vĩnh biệt đến  ngàn thu
một quê hương sau ngày ly tán
những thân yêu còn canh cánh bên lòng
H. của tôi giữ dùm tôi nhé
những gì tôi gửi lại nơi em
(Gửi H. Và Qui Nhơn)
Bài thơ này được sáng tác năm 1973 mà có cảm giác như mới được viết gần đây khi tác giả đã ngấm đủ, đã thấm đủ nỗi sầu biệt xứ. “Một quê nhà vĩnh biệt đến ngàn thu” viết cách đây đúng bốn mươi năm, có thể nào là lời tiên tri? Nhà thơ có tài tiên tri, nhưng tài hoa trác tuyệt không nằm chỗ đó, mà nằm ở câu cuối:
H. của tôi giữ dùm tôi nhé
những gì tôi gửi lại nơi em
Tôi cho như thế là đã đủ, không cần viết gì thêm, bởi MÂY KHÓI QUÊ NHÀ  đã có nơi để gửi gắm.
Trở về mái trường xưa
Nhạc và lời: Phạm Cao Hoàng - Ng Trọng Khôi
Nguyễn Âu Hồng
Theo http://www.gio-o.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội n...