Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Chút thoáng Nguyễn Tuân

Chút thoáng Nguyễn Tuân
“Ngàn muôn năm âu cũng thế ni, 
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?”
(Nguyễn Công Trứ)
Đến thăm Nguyễn vào một chiều hạ oi nồng, nắng chói chang trên đỉnh đầu làm mồ hôi tuôn ra như suối. Cắm vào lọ dăm đóa cúc, rót chén rượu nhạt, thắp nén nhang thơm. Bỗng nhiên thấy cơ duyên với Nguyễn cũng thật lạ. Chẳng rõ tự khi nào bản thân lại ham mê cái thứ văn chương mà theo như Tô Hoài là thang thuốc bắc hoài sơn ghẻ bổ một tí nhưng chẳng làm hại ai ấy. Đó là vì duyên phận với cổ nhân sâu thẳm hay bởi kiếp trước tôi là một nhành địa lan, một đóa đỗ quyên nơi Yên Tử mà ông mang theo? Hay là một chú thạch sùng say hơi thuốc phiện Khâm Thiên mà lưu luyến sang tận kiếp sau?
Nguyễn sinh ra lạc thời, ông hẳn là hiu quạnh lắm, cô đơn lắm. Cái buổi Tây Tàu nhố nhăng ấy đã khiến cho biết bao bậc trí thức còn vương giấc mộng triều đại cũ thấy hoang mang. Họ phải làm gì? Người ngập trong rượu cồn thuốc phiện, kẻ lui về nơi thôn dã ẩn cư. Lại có người bỏ cả cuộc đời đi tìm lại cảnh cũ hòng đối thoại với cổ nhân. Đó là cụ Đầu xứ Tố, là Tản Đà, là Nguyễn. Tản Đà quý Nguyễn, biết Nguyễn và chịu để cho ông hầu hạ điếu đóm chắc cũng vì lẽ đó, đồng bệnh tương liên, trọng tài mà cũng hiểu lòng nhau, không chỉ yêu mà còn kính. Đừng lo rằng thanh xuân bất tái.
Nguyễn yêu phố Khâm Thiên, dường như tuổi hoa niên của ông dừng lại ở đó, nơi ấy có hồng nhan, có tiếng hát mê hoặc lòng người. Con phố đó đã lưu giữ biết bao dấu tích người xưa. Cơn gió bụi, chịu trận bom lớn, phố cô đầu đã tan vào dĩ vãng xa xôi nhưng phong vận xưa vẫn còn lưu giữ tại đây, cổ kính đến lạ. Tôi thường tưởng tượng ra cảnh Nguyễn chống cái can cố hữu, đi xuyên qua Khâm Thiên từ khi còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết cho tới khi tóc đã điểm sương mà hồng nhan đã thành người thiên cổ từ lâu.
Ông không buồn, chỉ thấy hoài niệm.
Nỗi niềm ngọt ngào sâu lắng đầy đáng quý. Ngôi nhà của Nguyễn vẫn như xưa, bước vào cơ hồ còn thấp thoáng bóng dáng người vợ tảo tần và tiếng ghế mây kẽo kẹt. Có lẽ Nguyễn vẫn đang ở căn nhà số 90 Trần Hưng Đạo ấy, không muốn chia ly. Trong phòng, sách vở chất đầy trên kệ ố màu thời gian, những bức ảnh níu năm tháng trở lại còn đó mà người thì đã nằm xuống cả thập kỷ. Chén sứ, bát hoa men xanh, vỏ chai xếp dọc dưới chân tủ. Chiếc va li sờn cũ lặng im, hộp đựng can gỗ đã không còn ai dùng đến. Tấm phản ông từng ngả lưng nay lạnh ngắt, duy có nụ cười hiền hậu che đi sự ngang tàn làm lòng người thấy bớt hoang hoải. Bên trên, bức tượng Báo Cáo Anh từ thời Lý đương chắp tay, à, thằng số hai mươi tám đấy. Nguyễn đã ra lệnh cứ đến hôm ấy là nó phải báo cáo, rồi thì mày với ông, ghê gớm chưa! Nguyễn không nhiều bạn, ông không cần nhiều bạn mà chỉ cầu người hiểu mình. Trăm năm dâu bể, có mấy ai hiểu ông? Ông cô đơn trong chính cõi lòng. Người ta có thể nhìn thấy một Nguyễn đạo mạo, chơi chua khác đời nhưng không thể biết được những giọt nước mắt của ông đã mất hút dưới sàn lạnh, làm nhòe cả bài thơ tứ tuyệt. (Bài thơ ấy nay chỉ mình nhà văn Ngọc Trai còn biết, nhưng địa chỉ của bà không cố định, biết tìm ở đâu, âu cũng vì tuổi già hay vì muốn lánh đời?)
Cả đời Nguyễn khắc khoải vì sự đọc, đi và viết. Cả đời nặng lòng với phong tục xưa, với ngòi bút của mình. Những tiêu đề đậm và lớn đậm chất Phăng – te - di cứ thế ra đời nhưng chán, bỏ trắng! Cũng thấy buồn nhiều. Muốn viết nhưng Nguyễn đành cười xòa, nở nụ cười chua chát. Ông viết không phải để lên gân, để tỏ mặt với đời mà chỉ vì lịch sử. Chỉ hai từ này thôi mà đã khiến ông cô độc cả trăm năm.
Những người mong muốn kéo lại lịch sử thường cô độc.
Nguyễn mắc bệnh xê dịch, điều này không ai còn lạ, nhưng lối đi của ông khác Tô Hoài. Ông không cố tìm hiểu về một vùng đất hay một nền văn hóa nào đó, mà tùy theo sở nguyện của bản thân giống Tư Mã Thiên, để tinh hoa tự thấm vào chính mình rồi giăng lên chữ. Từng nhớ một lá thư tay của Nguyễn, trong đó có nhắc tới con ong, không hiểu sao nó lại đánh động tới ông hóa thành dòng chót gửi cho Tô Hoài. Rồi khích Nguyên Hồng đánh cả cái xe đạp của nước ngoài về nhà cho bõ. Nguyễn đã ghét ai thì ghét đến mức không thèm nhìn mặt, từ chối bắt tay, giận Tô Hoài vì “sao mày đưa ma nó!”. Chẳng phải vô tình, bởi tính đã thế rồi, đâu làm trái được. Ngay cả nguyện ước khi chết đi da ta được thuộc làm cái vali, nhớ chôn theo vài thằng hình nhân phê bình, mua téc bia lớn cho anh em cùng đưa ma cũng như muốn chọc ghẹo thiên hạ chơi. Tính khí như thế, còn lắm truân chuyên.
Ghét thì lắm, quý được mấy ai? Đã quý thì cũng chỉ ghẹo nhau vài câu, tặng nhau ly rượu, chạy vội ra mua đóa hồng màu vàng lòng trứng. Phải chăng đó là thứ tình bạn mà Trang Tử nhắc tới, bình đạm nhưng sâu sắc?
Về già, chân Nguyễn yếu nhiều, thấp khớp thôi mà tốn không biết bao nhiêu lạng cao hổ. Nghe đâu còn có người mách dùng cả cẳng chân chó, chẳng hay có hiệu quả hay không? Rồi đến cả quả tim cũng dở chứng theo. Than ôi cái tuổi! Xuân xanh chóng qua, gương mặt giờ chằng chịt dấu vết thời gian. Nào biết khi đang bỏ ngỏ trang sách địa lý thế giới, quay sang nhìn người vợ đã theo mình cả đời, có phải Nguyễn đã hóm hỉnh đùa rằng: “Hay tôi với bà đi chung một ngày nhé?” Nghĩ thế thôi. Người xưa đâu, ai thấu chuyện xưa rành mạch ra sao?
Nguyễn mất năm 87, tháng 7 năm ấy Hà Nội như khuyết đi một khoảng trời. Kẻ lữ hành ấy đã nằm xuống, dường như mang theo cả phong hội cũ. Sau Nguyễn, không còn ai viết được như thế nữa, cũng không còn ai nặng lòng hơn thế nữa. Ngắm nhìn làn khói tỏa, hoa sứ đỏ rắc quanh mồ, trời chiều hiu hắt, Nguyễn nằm cạnh vợ, lặng lẽ.
Thời kỳ biến động đã qua đi, thảy tan thành cát bụi. Công tội có là chi với thời gian, tài hoa nhường ấy rốt lại chỉ còn một nắm xương tàn… “Nhắn cho con tạo xoay thời lại, Để khách tang bồng rộng đất chơi.”
Hiên Đà Giang - 21/6/2015
Phạm Thị Thúy Quỳnh
Theo http://4phuong.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...