Con nhền nhện bị vướng
trong tấm lưới của mình
Truyền thống Việt không phải là gánh nặng, không phải là
tai họa mà là phao cứu sinh giúp chúng ta vượt qua lúc nguy nan
này.
Nghĩ cho cùng, sự ồn ào quanh tập truyện Bóng Đè cũng không
phải vô nghĩa. Có lẽ đây là lần đầu tiên một cuộc tranh luận văn chương được
đi tới cùng. Ai cũng được nói và nói hết ý mình, dù đứng về phía này hay phía
kia thì hầu hết vẫn là những tiếng nói chân tình, xây dựng. Hầu như không
nghe những lời đao to búa lớn. Văn hóa tranh luận được coi trọng. Chính nhờ
tranh luận dân chủ mà dường như chân lý vén mây mỉm cười…
Thoạt đầu, Bóng Đè được tung ra như lời thách đố bí hiểm.
Những người lăng-xê nó chỉ khen hay mà không cho biết hay ở chỗ nào đã khiến
kẻ hiếu kỳ tò mò, bán tín bán nghi: "Nó ẩn chứa cái gì đó, ghê lắm!"
Mà thói đời, càng kín kín hở hở lại càng khêu gợi. Thiên hạ đua nhau "giải
mã' tác phẩm.
Tác giả Châu Diên, người cổ xúy vào loại tiên phong cho tập
truyện, nhận định: "Song ta hoàn toàn đoán biết cái bóng đè ấy chính là
sự phản kháng của tác giả, một cô gái chưa từng có chồng nhưng ngấm ngầm chống
lại chính mẹ đẻ mình trong tư cách một bà mẹ chồng. Ta còn thấy tác giả- cô
gái sẽ có chồng này trong một nhân vật "giặc bên Ngô" là cô em chồng
tên là Thắm."(1)
Phải chăng là như vậy? Hẳn nhiều người không tin "ẩn dụ
được mã hóa" trong truyện lại đơn giản thế!
Có lẽ do thấy cách hiểu của Châu Diên không ổn, nhà giải
"sấm ký" Phạm Xuân Nguyên tỏ ra cao tay hơn, đã phát hiện:
"Trước hết, trong mạch truyện, đó là bóng đè của truyền thống văn hóa
dân tộc đổ xuống khao khát bản năng được sống, được yêu hết mình của những
người phụ nữ. Họ muốn bung tỏa, bùng nổ toàn bộ con người bản năng của mình
trong sự dâng hiến và đón nhận tình yêu, vượt qua những rào cản cấm kỵ, kiêng
cữ của hệ giá trị một thời. Của những tập tục gia đình, dòng họ."
Rồi: "Rộng ra, đó là bóng đè của quá khứ đổ xuống con
người hôm nay, hay là sự níu buộc, trả thù của quá khứ đối với hiện tại. Con
người trong đời sống hiện tại khát vọng sống tự do, khát vọng tự do cá nhân.
Nhưng áp lực của truyền thống, của cộng đồng, của dân tộc đè nặng xuống họ."
Rồi: "Rộng ra nữa, đó là bóng đè của Trung Hoa đổ xuống
Việt Nam. Cả về chính trị, xã hội và văn hóa. Gia đình Thụ là dòng dõi đế
vương Trung Hoa."(2)
Trong khi chưa có đáp án thỏa đáng hơn, thì ta cứ tạm tin
nhà phê bình văn học, người ủng hộ nhiệt thành cho tập sách.
Nếu đúng ẩn dụ trong truyện ngắn là thế thì một câu hỏi
cũng buộc phải nêu ra: Cách đặt vấn đề như vậy về truyền thống liệu có thỏa
đáng?
Về việc này, tôi xin bàn đôi điều:
1/ Phải chăng bóng đè phản ánh áp chế của truyền thống dân
tộc?
Trước hết, ta thử xem quá khứ có thể tác động thế nào đến nhân
vật xưng Tôi trong truyện? Là một trí thức có vị thế xã hội, độc lập về kinh
tế, lại sống ở Hà Nội, mỗi năm về quê chồng mấy lần vào dịp giỗ tết, trong thực
tế, cô là khách. Nhưng ở thời đại con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy hiện nay,
cô khách ấy lại là bà chủ đầy quyền uy. Khi cô nắm được cái vốn quý nhất của
gia đình là người con trai một thì thực sự cô là bà chủ! Vui cô về, buồn thì
cô nại nhức đầu chóng mặt, "em khó ở!" thoái thác. Mẹ chồng không
những không dám phiền trách cô mà phải chiều chuộng sao cho cô vui vẻ để
trong ấm ngoài êm! Khi về nhà, cô vi vu xe pháo với lụa là gấm vóc rồi tặng
quà biếu tiền cho những bà con khốn khó luôn nhìn vợ chồng cô với con mắt ngưỡng
vọng, cô khác nào một bà hoàng? Trong thực trạng như thế, quá khứ không thể
nào gây áp lực lên cô. Như vậy, cái hoàn cảnh để tạo ra bóng đè là giả nên sức
nặng của "bóng đè" không thật! Đó chỉ là giải pháp nghệ thuật được
dùng để chuyển tải ý đồ sáng tác của tác giả trong khi xây dựng một tác phẩm
có luận đề. Do nền không thực nên cái lâu đài nghệ thuật dựng trên đó khó bề
đứng vững.
Cái nền thứ hai là sự đàn áp tình dục, tác giả mượn để tạo
dựng tác phẩm cũng khó tin. Chưa bao giờ dân Giao Chỉ được thoải mái như hôm
nay về tính dục! Bằng chứng là nhân vật Tôi trong Vu quy đã hành xử
tình dục trong sự tự do tuyệt đối. Còn vì lợi ích của gia đình mà cha cô bắt
lấy người này hay người khác thì đâu phải là áp đặt của quá khứ mà là tham vọng
của con người hiện tại. Hãy ngó xem phim truyền hình Hàn Quốc, có mấy bộ
không dựa vào cốt truyện như vậy?
Ở Bốn người đàn bà và một đám tang, nhân vật nam cũng là
người có cuộc sống tình dục thuộc loại phóng đãng mà ít nhân vật nào trong
quá khứ có được! Rõ ràng là cuộc sống hiện đại hầu như không có sự áp chế nào
đối với tính dục. Trong bối cảnh tính dục được tự do buông thả như vậy, việc
một cô gái trẻ từng quá thỏa thuê tình dục trước hôn nhân tới mức đĩ thõa, bù
lu bù loa la lối rằng truyền thống dân tộc đàn áp cô, không cho cô tự do tình
yêu tình dục, là sự dựng chuyện, bịa tạc ra những điều không có thật với ý đồ
vu vạ! Thời buổi này mà còn đòi hỏi giải phóng bản năng, đòi tự do tình dục
thì quả là hành động đạp vào cánh cửa đã mở sẵn của những kẻ ấm đầu!
Đi xa hơn, nếu cho bóng đè là ám ảnh của quá khứ đè nặng
lên con người hôm nay rồi sự áp chế của tổ tiên Trung Hoa… thì cũng phải xem
lại!
Xin hỏi tác giả hiểu thế nào về truyền thống dân tộc? Qua
các câu truyện, chứng tỏ, trong khi bất mãn tới thù hận quá khứ thì tác giả lại
tỏ ra hiểu biết rất nông nổi về truyền thống. Có cảm giác như tác giả tưởng
tượng ra một truyền thống ảo rồi ra sức đánh nhau với nó như anh chàng khùng
Don Quijotte đánh cối xay gió!
Vậy truyền thống người Việt là gì, có như tác giả hiểu
không?
Xin mạn phép trình bày vắn tắt:
Theo như phát hiện mới nhất của công nghệ gens từ nghiên cứu
của nhóm nhà di truyền Trung Quốc hợp tác với Mỹ thì khoảng 60.000 năm trước,
người Homo Sapiens từ Trung Đông qua An Độ và Pakistan rồi theo bờ biển Nam
châu Á đến định cư tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng
Mongoloid và Australoid hòa huyết tạo ra chủng Indonesien, Melanesien cùng những
chủng lai giữa chúng, nhân số trở nên đông đúc, tràn khắp lục địa Đông Nam Á.
Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á tới châu Đại Dương. Khoảng
40.000 năm trước, nhờ băng hà tan, người từ Đông Nam Á đi lên khai phá lục địa
Trung Hoa. Khoảng 30.000 năm trước, người Đông Nam Á từ Trung Hoa đi lên Siberia rồi
vượt eo Bering sang châu Mỹ.
Trong thời gian đó, khoảng 18.000 năm cách nay hay sớm hơn,
người tiền sử ở lại Việt Nam đã làm nên nền Văn hóa Hòa Bình là trung tâm
nông nghiệp phát triển sớm nhất thế giới với đá mài, trồng lúa nước và thuần
hóa gia súc.
Mang thành tựu của Văn hóa Hòa Bình lên phía Bắc, người
Bách Việt trong đó tộc Lạc Việt giữ vai trò lãnh đạo cả về xã hội và ngôn ngữ,
đã sáng tạo trên lục địa Trung Hoa nền văn hóa phi vật thể rực rỡ mà sau này
được đúc kết thành kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Nhạc, kinh Lễ…
Khoảng 2600 năm TCN, người Hán từ Tây Bắc tràn qua sông
Hoàng Hà xâm chiếm đất đai, xua đuổi người Bách Việt xuống phía nam sông
Dương Tử. Cũng lúc này, một bộ phận tinh hoa của Lạc Việt dùng thuyền bè trở
lại Việt Nam lập nên nhà nước Văn Lang.
Bị người Hán đuổi tiếp, người Bách Việt từ mạn nam sông
Dương Tử trở lại đất tổ của mình: người Thái về đất Thái, người Mã Lai về đất
Mã Lai… Trong quá trình hơn nghìn năm chung đụng với người Bách Việt tại lưu
vực sông Hoàng Hà và Dương Tử, người Hán gốc Mongoloid đã hòa huyết cùng người
Bách Việt Indonesien, Melanesien tạo nên chủng người mới là Mongoloid phương
Nam. Chủng người này về sau trở thành người Hán sống ở lưu vực sông Dương Tử
cũng như thành phần chủ thể của các nước Đông Nam Á.
Như vậy, người Việt có một lịch sử lâu dài 6 vạn năm, trong
đó có 4 vạn năm là chủ nhân ông đầu tiên khai thác đất nước ngày này mang tên
Trung Hoa. Khoảng thời gian 4000 năm mà các nhà sử học vẫn gọi là Nam tiến
chính là thời gian người Việt từ phía Bắc trở về mái nhà xưa của mình.(3)
Đấy là những điều mới khám phá vào mấy năm cuối cùng của thế
kỷ trước. Nhưng từ xa xưa, bằng ký ức và tâm linh, ông bà ta nhận về mình những
vị vua huyền thoại như Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông. Tuy phải nhiều phen chống
xâm lược phương Bắc nhưng cha ông ta minh triết không bao giờ bài xích văn
hóa Tàu, luôn coi trọng ngũ Kinh cùng các triết nhân cổ như Khổng tử, Lão tử… Ông bà ta cũng coi Trung Quốc là đồng văn đồng chủng. Lịch sử có lúc thăng
lúc trầm lúc bĩ lúc thái nhưng bao giờ cha ông ta cũng tự hào là hậu duệ của
tộc Lạc Việt và nêu cao chủ nghĩa anh hùng cũng như văn hiến Việt. Có được điều
đó bởi lẽ trong 6 vạn năm dằng dặc, người Việt đã tạo dựng từ sông Mã sông Hồng
tới Dương Tử, Hoàng Hà một truyền thống văn hóa Việt đặc sắc, được tổng kết
thành ba yếu tố: nhân chủ, thái hòa và tâm linh. Học giả Kim Định gọi đó là
Việt Nho. Dù sau này có bị các thế lực thống trị Trung Hoa đàn áp thì người
Việt ở chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác vẫn giữ được truyền thống văn hóa
Việt nho của mình. Một nền văn hóa đầy nhân bản và minh triết từng rực rỡ
trong buổi bình minh của nhân loại mà hậu thế có quyền tự hào chính đáng.
Nhưng có sự thực đau đớn là hiện nay, do nhiều nguyên nhân,
truyền thống tốt đẹp của dân tộc bị băng hoại đến mức kinh hoàng. Bức xúc vì
sự suy đồi của văn hóa là một chuyện nhưng từ đó mà cho rằng truyền thống dân
tộc là đen tối, đầy áp chế đè nặng lên thân phận con người hôm nay như ẩn dụ
trong Bóng Đè là không cận nhân tình, là không hiểu và mang tội bất kính với
tổ tiên. Đó là việc làm nguy hiểm mang màu sắc chủ nghĩa hư vô, muốn đập phá,
xóa bỏ tất cả trong khi điều cần kíp hôm nay là gom nhặt từng mảnh vụn tốt đẹp
của truyền thống để làm lại dân tộc!
2/ Về bóng đè của Trung Hoa lên Việt Nam:
Trong quá khứ có nhiều dòng họ từ phía Bắc xuống rồi con
cháu làm vua nước Việt. Mở đầu là Thục An Dương vương, người đất Ba Thục thuộc
dòng Au Việt. Do nhà Tần diệt nước Thục, ông của Tục Pắn (Thục Phán) đã chạy
xuống nương nhờ đất của Hùng vương. Triệu Đà người nước Triệu thời Chiến Quốc
vốn là một dòng Việt từ xa xưa. Đến nhà Trần, tổ tiên nhà Trần là người Việt
từ miền Lĩnh Nam xuống… Những dòng họ này đã hòa nhập với cuộc sống
Việt, thể hiện hết nhiệt huyết yêu nước Việt và kiên cường chống lại kẻ xâm
lược phương Bắc.
Có thể có những dòng họ vương bá đào vong từ Trung Quốc
sang lánh nạn. Khi sang ta, do những quy chế nhập tịch của nhà nước, do lòng
bao dung của đồng bào, họ mau chóng trở thành công dân Việt. Không đến ba đời
sau, họ đã là người Việt cả về máu huyết cả về tập quán. Vì vậy trên thực tế
không có một dòng họ mà tổ tiên Trung Hoa nhìn xuống con cháu mình bằng con mắt
áp chế của thiên triều.
Áp chế của các thiên triều Trung Hoa là cảm giác thường trực
nhưng đó là cảm giác nảy sinh từ bên ngoài - yếu tố ngoại sinh - chứ không phải
phát xuất từ nội bộ dân tộc!
Việc hư cấu nên một dòng họ vương bá Trung Hoa sặc mùi đền
đài lăng tẩm luôn đè bóng lên cuộc sống con cháu cũng là hư cấu không có cơ sở,
mà nói thực, là bịa đặt, kết quả của sự áp đặt khiên cưỡng ý đồ sáng tác lên
lô gic nội tại của câu chuyện!
Ở truyện ngắn Vu quy, khi cho nhân vật Trung Hoa nói:
"Trong tâm tưởng em luôn nghĩ em là nô lệ. Em nghĩ thế từ khi em sinh
ra, từ cả ngàn năm nay. Em không có sự tự tin." Thì đó chỉ là
suy diễn chủ quan của người viết. Người Việt có lương tri không bao giờ nghĩ
như thế về dân tộc mình. Ngay cái lời có vẻ triết lý của Nguyễn Huy Thiệp
trong Vàng Lửa: "Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một
cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp.
Cố gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã vừa căm thù nó…" cũng chỉ là những
lời lộng ngôn xa rời sự thật lịch sử. Mặc cảm nhược tiểu như vậy đồng nghĩa với
chủ nghĩa thất bại thì làm sao chiến thắng? Đấy chỉ là sản phẩm của những đầu
óc thiếu hiểu biết về dân tộc và khiếp nhược trước Trung Hoa.
3/ Về những ẩn dụ chính trị.
Có lẽ rõ ràng hơn cả trong tập sách là hai ẩn dụ chính trị
trong Dòng sông hủi và Vu quy.
Do ẩn dụ quá thô và lộ nên thoáng đọc qua, người ta hiểu
ngay, nhân vật Công trong Dòng sông hủi ám chỉ công an bảo vệ an ninh tư tưởng
văn hóa, những người chuyên làm cái việc dò xét ý nghĩ của người khác. Khi mô
tả nhân vật này nhòm chổ kín của vợ đề khám xét, tác giả đã bằng thủ pháp hoạt
kê, tố cáo hành động phi nhân trong việc kiểm soát tư tưởng con người. Không
thể phủ nhận rằng tác giả đạt được ý đồ của mình, ghi lại dấu ấn mông muội của
thời đang sống.
Nhưng hình tượng Karl trong Vu quy thì quá chừng khiên cưỡng
và thô thiển. Không cần tinh tường lắm, người đọc cũng hiểu Karl ám chỉ Karl
Marx. Nhưng đó là sự lầm lẫn lớn. Đồng nhất con người K. Marx với
chủ thuyết mang tên ông cũng sai lầm như khi đồng nhất Khổng tử với đạo Khổng.
Về con người, K. Marx là một trong những trí tuệ sáng láng của nhân loại. Tư
Bản luận cùng những lý thuyết về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử giúp
cho con người nhận thức tự nhiên và xã hội, đem lại sức mạnh cho tư duy và
hành động. Trên tất cả là lý tưởng của ông về một xã hội công bằng, về việc
giải phóng người bị áp bức, mãi còn sức sống. Với lương tri nhân loại, ông vẫn
được kính trọng. Trong khi đó tư tưởng của ông đã bị những người xây dựng
XHCN hiện thực phản bội, gây nên bao tai họa. Không phân biệt được XHCN hiện
thực với bản thân K.Marx là sai lầm về nhận thức và trí tuệ. Khi đưa con người
K. Marx làm đối tượng đả kích đến mức như trong tác phẩm, tác giả mắc lỗi
không thể biện hộ về văn hóa. Một hành động như vậy tưởng chỉ có thể có ở một
kẻ du thủ du thực mà không bao giờ xảy ra nơi nhà văn, nhất là nhà văn nữ. Một
hành động như vậy diễn ra trong đời thực, dân gian sẽ không có cách nào gọi
khác hơn là sự lăng loàn!
Có thể còn một "ẩn dụ" nữa mà nhà phê bình văn
chương Phạm Xuân Nguyên không nhắc tới: Quá khứ đen tối cưỡng bức hiện tại,
đưa đến tương lai bất định cho dân tộc! Nếu tác giả có suy nghĩ như vậy thật
thì đó cũng chỉ là ảo tưởng do sự hiểu biết hoàn toàn sai lầm về thực trạng
dân tộc. Thực trạng của dân tộc là: Từ 1954 ở miền Bắc và 1975 trên cả nước,
cái búa chuyên chính vô sản đã đập nát truyền thống tốt đẹp của người Việt
thành những mảnh vụn. Do bị cắt đứt với truyền thống nên hiện tại xã hội Việt
là một quái thai, đầu Ngô mình Sở, mông muội, đang tuột dốc một cách nguy hiểm.
Người Việt không còn cách nào khác là tìm và chắp vá những mảnh vụn truyền thống
tốt đẹp để làm lại dân tộc. Truyền thống Việt không phải là gánh nặng, không
phải là tai họa mà là phao cứu sinh giúp chúng ta vượt qua lúc nguy nan này.
4/ Kết luận
Những phân tích trên cho thấy, một số ẩn dụ trong Bóng Đè
không thành công. Không thành công ở chỗ giữa vật đưa ra và ý đồ muốn nó chuyển
tải không tương thích, là sự so sánh lệch pha khập khễnh. Dù có chiếu vào đó
ánh sáng phù thủy, cái cầu khỉ thô thiển cũng không hiện lên thành cầu vồng
ngũ sắc! An dụ là kỹ thuật vô cùng lợi hại ở văn chương nhưng cũng nguy hiểm
như trò bẫy việt vị trong bóng đá: gài bẫy thành công là một chuyện, còn thất
bại dễ làm thủng lưới nhà! Đỗ Hoàng Diệu muốn đem người đàn bà cong rướn hình
chữ S khi làm tình gán cho thân phận dân tộc Việt theo "tư duy độc
đáo" của mình. Nhưng thực tế thân phận dân tộc không hề vậy nên hình tượng
bị áp đặt khiên cưỡng của chị xẹp lép lại đúng với hình chữ I trần trụi! Chị
chối không viết tính dục mà lấy tính dục làm cái vỏ để chuyển tải "điều
gì đó". Nhưng khi bóc tách hết những màng váng che phủ, để lộ ra những
"ẩn dụ" ấy là vô nghĩa vô lý, truyện của chị đã trơ lại lớp vỏ tính
dục trần truồng. Bên trên sự vô nghĩa của những "ẩn dụ" và sự trần
truồng của thân xác là cái tội báng bổ tổ tông.
Người đọc có thể hiểu và thông cảm với bức xúc của tác giả
trước cuộc sống hiện tại. Nhưng từ hiện tại tối tăm mà cho rằng toàn bộ quá
khứ đều nặng nề tăm tối đã thể hiện sự phiến diện trong nhận thức. Từ nhận thức
chưa thấu đáo mà vội khái quát lên những ẩn dụ nọ biểu tượng kia đã phóng to
những sai lầm những khiếm khuyết của tác giả.
Không hiểu ngẫu nhiên hay do sự an bài của tạo hóa mà cùng
với Bóng Đè, lại xuất hiện Cánh đồng bất tận. Không làm văn chương, chẳng cần
biết đến hiện đại hay hậu hiện đại, cô gái Nguyễn Ngọc Tư chỉ kể những chuyện
đời trần trụi với ngôn ngữ nhà quê Tây Nam Bộ. Những chuyện làm cho lòng ta
đau thắt vì bà con ta vẫn sống hoang dã mông muội trong môi trường sống quá bạo
tàn. Nó cũng cảnh báo ta với tư cách người chồng người cha hãy tỉnh táo, đừng
vì thù hận mà làm đổ vỡ gia đình, đẩy những sinh linh mà mình thương yêu tới
bất hạnh… Thông điệp này - mà có thể, trong khi viết, Ngọc Tư không hề nghĩ tới
bất cứ "thông điệp" nào hết - được chuyển đến ta không phải bằng những
lời nói suông mà qua nhân vật sống, mang máu thịt cuộc đời. Sau khi nỗi đau
thấm thía, ta đọc lại rồi đọc nữa sẽ thấy trên trang giấy hiện lên số phận những
con người với lòng yêu thương vô hạn.
Với Đỗ Hoàng Diệu, bên tai văng vẳng: "Tôi giăng ra
cái bẫy để bẫy độc giả và có khi bẫy chính mình…" Ta bỗng nhớ câu chuyện
về một con nhện nọ: "Con Nhền Nhện quyết dệt cho mình một tấm lưới không
tay nào xây nổi. Nó nhả hết sợi tơ này đến sợi tơ khác một cách quyết liệt. Nó
biết nòi giống cho nó một thứ dầu thoa (chất nhờn?!) vào các chân và khắp cơ
thể nên những sợi tơ dính như keo không làm hại nó. Nhưng nó không biết rằng
cái chất dầu kia cũng có khi vì lý do nào đó mà khô kiệt. Do quá tham vọng,
không lượng sức mình, trong khi đem hết công lực dệt tấm lưới quá cỡ, tinh lực
của nó hao kiệt. Dệt xong đường tơ cuối cùng, nó nhìn lại công trình kỳ diệu
của mình với lòng tự hào của bậc sáng thế rồi mệt mỏi bước vào giữa tấm lưới
để nghỉ ngơi và tọa hưởng. Gần tới đích, nó bỗng thấy chân trĩu nặng như có
ai trì kéo. Bực bội, nó đạp mạnh. Thật bất ngờ, những sợi tơ dính như keo túm
lấy nó. Và càng giẫy, con vật đáng thương càng bị quấn chặt vào trong cái bẫy
"tuyệt vời" của mình."
1. Châu Diên. Quyền lực của một cô gái. Talawas
8.9.2005
2. Phạm Xuân Nguyên. Muốn hay thì phải hết mình.
Talawas 14.12.2005
3. Hà Văn Thùy. Thử tìm lại cội nguồn người Việt. NXB
Thanh niên 12.2005.
Sài Gòn, cuối năm 2005
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét