Hành trình Sài Gòn - Đà lạt:
Khám phá và sẻ chia
Khám phá và sẻ chia
Trong khi ta về lại nhớ ta đi…
Cuộc hành trình đầy ngẫu hứng
Trên
thực tế, có thể gọi chuyến đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt của chúng tôi vừa rồi là một
chuyến phượt vì cái đích của chúng tôi muốn thực hiện là vậy từ cách thức,
phương tiện, hành trình, hành trang, con người… Nhưng tôi không dám nói đại
ngôn về phượt bởi tôi mới lần đầu đi một chuyến như thế này, tôi không hiểu rõ
lắm tinh thần của PHƯỢT, và nhất là, chuyến đi này có quá nhiều cái ngẫu hứng,
không theo kế hoạch hay một hình thức tổ chức nghiêm ngặt, chặt chẽ (bản thân
tôi luôn cho rằng đi phượt cần có kế hoạch chặt chẽ, cụ thể và tinh thần thực
hiện kế hoạch một cách nghiêm ngặt). Nhưng chính sự ngẫu hứng đem đến những điều
ngẫu nhiên, khiến chúng tôi có những khám phá, trải nghiệm thú vị, mang lại nhiều
niềm vui, cảm xúc và mối quan hệ khăng khít.
Xin bắt
đầu từ cái thằng tôi, bằng một quyết định rất ngẫu hứng và táo bạo: vô Sài Gòn,
đi “phượt” bằng xe máy tới Đà Lạt cùng Tuấn – học sinh cũ, qua một cuộc chat
inbox trên face. Tôi nhớ không nhầm là chat với Tuấn đêm 28 rạng ngày 29 và em
có mời tôi tham gia. Kỳ nghỉ lễ rất dài và kế hoạch của tôi thì kín mít từ đầu
với những cuộc thăm thú bạn bè. Tôi băn khoăn vì nếu nhận lời sẽ phải hủy mọi kế
hoạch khác, mà còn chưa kể đặt vé máy bay gấp vậy sẽ rất khó khăn. Nhưng những
sự kiện đau đầu của công việc cùng bao thị phi khiến tôi mệt mỏi, quyết định bất
ngờ được đưa ra: ĐI. Tính từ lúc đặt xong vé máy bay đến giờ bay chắc cũng chỉ
khoảng hai ngày, và từ khi tôi bước chân đến sân bay Tân Sơn Nhất đến lúc bắt đầu
hành trình cách nhau khoảng hơn 4 giờ, do máy bay của Vietjet Air delay đến hơn
1 tiếng, dù tôi đã chọn bay đêm. Những “đồng bọn” cùng hành trình với tôi, tôi
chưa hề biết mặt, biết tên và kế hoạch chuyến đi tôi cũng không có cụ thể từ đầu.
Đi theo một kiểu rất “liều”, rất “máu” và nhất ngẫu hứng.
Theo
như kế hoạch ban đầu, mà đến sân bay Tân Sơn Nhất Tuấn mới chốt là 5h sáng sẽ
xuất phát song trên thực tế 7h chúng tôi mới xuất hành từ khách sạn. Rồi các bạn
còn đi mượn thêm xe, lòng vòng những cung đường Sài Gòn tấp nập, đi quá đường,
đến khoảng 8h mới đón 2 bạn cuối cùng. Cả nhóm gồm 8 người đi ăn sáng, lúc bấy
giờ mới làm quen, đội hình chính thức được thành lập. Tôi, kẻ ngoại đạo, không
làm cùng công ty, không sống ở Sài Gòn, đi gần 2000km, lạ hoắc với tất cả. 7 bạn
còn lại gồm Tuấn, học sinh cũ, người tôi đi cùng xe; Thế Anh và Linh, hai bạn
người miền trong, một couple của chuyến đi; còn lại Thuận và Quang một xe,
Thanh và Tuyên một xe, và cả 4 bạn đều là người Bắc vô Sài Gòn công tác theo dự
án. Sau tất cả mọi thủ tục, khoảng gần 9h chúng tôi chính thức hành trình tới
Đà Lạt.
Thực
chất chuyến đi này đã được hoạch định khá chi tiết với những mốc thời gian, địa
điểm cụ thể vì các bạn đều là người làm dự án, chỉ có tôi là người đến sau và đến
nhanh quá nên không kịp biết, cũng là chuyện bình thường. Nhưng điều đặc biệt,
chính các bạn ấy thừa nhận là không có một kế hoạch nào thực hiện được, mọi thứ
đều là ngẫu hứng. Những nơi đến, những mốc thời gian gần như bị xóa sổ. Chúng
tôi chỉ có một cái đích cuối cùng là thành phố Đà Lạt, đi đến đâu biết tới đó,
thời gian cũng không ai câu thúc ai. Mọi việc để trôi theo cảm xúc, theo hứng
thú của tất cả. Và như thế, gần như ai cũng thấy thoải mái, khỏi phải nghĩ ngợi
nhiều, và hành trình đi là hành trình vui, ít nhất với cá nhân tôi là thế.
Xuất hành đi và về đều muộn, lại có nhiều địa điểm không biết
đường đến nên việc cắt điểm này, thêm điểm kia là đương nhiên. Cả chuyện sinh
hoạt cũng tự do, ngẫu hứng, không đếm xỉa gì đến thời gian, có khi rất lâu, ăn
những thứ đặc sản có khi rất qua loa, nhanh chóng, để còn tiếp tục đi và về.
Ngay như bản thân tôi và Tuấn, hôm đầu tiên đến Đà Lạt, 1h đêm “hai thầy trò Đường
Tăng” – biệt danh đồng bọn trong đoàn đặt cho – còn vác xe, đi khắp thành
phố trong cái lạnh tái tê, vừa chụp ảnh vừa run lập cập, dù đã mặc cái áo to
như khoác cái chăn lên người. Từ vụ đến làng Cù Lần, rồi ăn đồ nướng ven hồ, chụp
ảnh với ngựa đến vụ rẽ vào thác Pongour trên đường về, tất cả đều không có
trong dự tính. Song chính những nơi, những việc làm ngoài dự tính như thế lại đem
đến những khám phá bất ngờ, trải nghiệm thú vị, hiểu về nhau và hiểu về những
nơi mình đi qua hơn, cho chúng tôi tình cảm và sự sẻ chia nhiều hơn. Và điều
quan trọng là, chúng tôi, dù gắn kết để vượt qua hành trình dài, không ít nguy
hiểm nhưng mỗi người/ nhóm lại có sự tôn trọng nhau, tạo cho nhau những khoảng
trời tự do riêng, nên mỗi người sẽ có trải nghiệm cá nhân đặc biệt.
Có thể, nếu chúng tôi tuân thủ giờ giấc và kế hoạch, hành
trình sẽ được đảm bảo hơn về những nơi đến, để chúng tôi không phải tiếc nuối
khi về, sức khỏe của mọi người cũng sẽ tốt hơn, đỡ mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu thực
hiện như thế, rất có thể sẽ tạo ra một hành trình quá căng, một điều gì đó
không thực sự thoải mái, những thứ chúng tôi hoàn toàn muốn rũ bỏ khi thực hiện
hành trình này. Những thứ tự do, ngẫu nhiên bao giờ cũng vấp phải nhiều phiền
toái, song nếu thực hiện được thì mọi thứ sẽ tuyệt vời, sẽ đọng lại nhiều cảm
xúc mạnh mẽ. Và với chuyến đi này, bản thân tôi thấy tôi đã rũ bỏ hết mọi ưu
phiền, hoàn toàn quên đi những băn khoăn và âu lo, những thị phi mệt mỏi của
công việc và cuộc sống. Tôi được hòa mình cùng mọi người, cùng thiên nhiên, được
tự do trải nghiệm những điều mình thích. Gần như toàn bộ tinh thần của tôi được
refresh lại, tươi mới, thênh thang, vui vẻ, yêu đời. Cho nên, về đến thành phố,
trở về nhà lại nhớ chuyến đi, lại thấy hụt hẫng, thấy trống trải trong lòng. Điều
tiếc nuối nhất với tôi là bữa ăn đêm cuối cùng ở Sài Gòn, một cách cũng ngẫu hứng
vô cùng, vì quá mệt nên chẳng thể hết sức, hết mình. Hy vọng không làm mọi người
mất vui, dù tôi đã được trân quý như thượng khách.
Song dù thế nào thì lâu lắm rồi tôi mới có dịp sống hết mình,
với những cảm xúc mãnh liệt và cái tự do, bồng bột, những đột ngột của quyết định
táo bạo. Lúc về khách sạn ngủ thì chỉ còn cách giờ phải ra sân bay có hơn 2 tiếng
và lại ngủ tranh thủ trên những phương tiện di chuyển. Không biết với những người
đã đi nhiều đánh giá ra sao, nhưng bản thân tôi thích đi như vậy, sẽ được sống
với mọi cảm xúc, cảm giác chông chênh, mạnh mẽ, hứng khởi mà các tour du lịch lớn
không thể có. Dĩ nhiên, sự mạo hiểm trong những chuyến đi như thế này cũng
không phải là ít. Chúng tôi đã thượng lộ bình an và mọi việc đều thuận buồn
xuôi gió, dù về đến Sài Gòn vẫn còn ít nhiều tiếc vì không đi được nhiều hơn.
Nhưng với tôi, phải có một chút tiếc như thế mới tạo nên dư âm, dư vị, tạo ra sức
hấp dẫn đặc biệt.
Em đi qua chuyến đò
thấy con trăng đang nằm ngủ
thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du
Xin bắt đầu kỳ 2 bài viết
về chuyến đi Đà Lạt đáng nhớ vừa qua bằng một lời ca của Trịnh Công Sơn trong
ca khúc “Biết đâu nguồn cội” bởi chuyến đi này, một phần nào đó đã hiện thực
hóa giấc mơ tuổi dại của tôi, mơ được đi như một kẻ lãng du, được tự do giữa những
chân trời cao rộng, hát say sưa như một gã du ca. Giấc mơ đó được thắp lên từ
những hình ảnh rất đẹp quay ở Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Lạt trong phim “Em còn
nhớ hay em đã quên”, bộ phim tôi xem từ khi cònquá nhỏ nhưng những hình ảnh lại
in dấu ấn không phai: những đồi thông, chuyến xe ngựa chở nhân vật chính, chàng
nghệ sĩ yêu say đắm và vác cây Tây Ban Cầm hát du ca… Vài ấn tượng nhưng cũng đủ
để lại một ẩn ức, thành một tâm thức nào đó. Và trong bộ phim này, những ca từ
của “Biết đâu nguồn cội” do ca sĩ Thùy Dung hát vang mãi trong tôi, trở nên là
một ước mơ lâu dài, sâu thẳm. Hành trình qua cùng những cung đường chúng tôi đã
trải một phần nào đó, dù rất nhỏcho tôi cảm giác được sống trong giấc mơ tuổi dại
thuở nào.
Từ Sài
Gòn tới Đà Lạt, chúng tôi phải đi về trên một chặng đường khoảng 300 km chủ yếu
qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, qua hai miền địa lý Đông Nam Bộ và Tây
Nguyên. Đoạn đường không quá dài nhưng cũng không hề ngắn, không phải quá nguy
hiểm trong ranh giới mong manh sống – chết nhưng cũng không bằng phẳng, dễ
dàng. Những cung đường chủ yếu ở địa hình khá cao, qua những bình nguyên rộng lớn,
qua nhiều con dốc, những khúc quanh, những thị trấn, rừng cây, những quả đồi
bát ngát cây xanh và cũng không ít con đèo, mà đáng kể nhất là hai con đèo BảoLộc
và Prenn. Cuộc hành trình đó đã mở ra trước mắt chúng tôi, ít nhất là trước mắt
tôi một miền không gian hoàn toàn mới lạ, một miền địa lý khác biệt. Một người
như tôi, sống khá thuần với địa lý, khí hậu, phong tục, nếp sống, thậm chí cả
suy nghĩ của Bắc kỳ thì những con đường, cùng cảnh vật xung quanh tôiqua là cả
một thế giới khác.
Thế giới
đó mở ra trước hết là miền Đông đất đỏ với những rừng cao su đại ngàn. Đi mãi mới
hết đất Đồng Nai và đâu đâu cũng thấy cao su, cũng thấy những dáng điều e lệ
bên cánh rừng cao su ngút ngát. Nhiều loài cây lạ lùng mà chúng tôi không kịp hỏi,
không kịp biết tên. Những hồ nước đột ngột xuất hiện giữa vùng đồi cao gây ra sự
bất ngờ đặc biệt. Cảm giác đặc biệt nhất, say đắm và lạ lùng nhất là lúc đi qua
đoạn đường cắt ngang rừng quốc gia Cát Tiên. Con đường hun hút ở giữa rừng cây
lá rộng (mở ngoặc đơn là đến giờ tôi cũng chưa biết đó là giống cây gì, khi thấy
mọi người đi quét, thu lá của nó, ai biết chỉ dùm) đem lại ấntượng đặc biệt về
vẻ đẹp, sự thơ mộng, nét hoang sơ, huyền bí. Lúc về, chạy xe trong đêm qua đoạn
đường này, tôi có cảm giác mình đang đi vào giữa một khu rừng trong cổ tích. Vầng
trăng soi tỏa xuống những rừng cao su, hắt lên bóng sáng lòa nhòa, chiếu rọi khắp
không gian bao la của thân cây thẳng tắp theo hàng thực sự là một cảnh rất mỹ lệ,
khoáng đạt và không kém phần lãng mạn. Tôi yêu cái miếng đêm, cái không khí tối
mờ mờ, bình yên của những khu rừng ấy từ sự trong veo, mênh mang, hồn nhiên, không
chút vướng bận của lo lắng, bon chen thị thành. Đến khi xe chúng tôi chạm đến
thành phố Biên Hòa, tôi nhận ngay ra sự khác biệt trong không khí của hai miền,
hai vùng, hai không khí sống như hai đối cực âm dương.
Những
con đường đất đỏ bazan trải ra mênh mông trước mặt chúng tôi khi đi hết địa phận
tỉnh Đồng Nai, đến với Lâm Đồng. Địa hình cao, những đoạn đường phẳng chạy giữa
bình nguyên khiến chúng tôi quan sát được những khung cảnh kỳ vĩ, tráng lệ lạ
thường. Ánh nắng chiều làm tất cả sáng bừng lên, lung linh là những vườn cà
phê, những khu rừng chạy tít tắt đến tận chân trời. Tôi có cảm giác như thu vào
tầm mắt cả vũ trụ mênh mang. Gió vi vút, mát và hơi lạnh. Nắng chan hòa. Những
đồi/ rừng cây cứ trải ra mênh mang. Đến giờ tôi mới thấu cái câu hát “Em yêu
cao nguyên, cao nguyên đầy gió”. Và đây đó, qua khu vực đông dân cư, những bạt
cà phê, tiêu được phơi phong ra trước cửa nhà. Tự bản thân thiên nhiên và cuộc
sống nơi đây mang đến một nét riêng, khác biệt cho một vùng miền. Nhìn những
con người da ngăm đen, đeo gùi qua đường hoặc đi xe máy thấy cuộc sống sao mà
phóng khoáng, bình yên. Điều đó hiện hữu trên nét mặt, ánh mắt, và cả sự cởi mở
của họ. Có lẽ là do thiên nhiên, địa lý, đất đai, thổ nhưỡng ở đây ưu đãi con
người – kiểu khí hậu khá ôn hòa - nên không ai khắt khe, không ai khắc nghiệt
thì phải. Bởi khi chúng tôi qua Đồng Nai, khu đông dân cư, một bạn bị cảnh sát
giao thông bắn tốc độ, xe tôi vọt qua đứng lại chờ ven rừng cao su, một chú đã
dừng lại bảo đoạn đường này các cháu chạy xe từ 40km trở lại thôi, đến đoạn
này, đoạn kia hãy chạy nhanh. Ở miền Bắc chẳng ai không dưng lại mách nước như
thế cả, ít nhất là kinh nghiệm đi xe của tôi. Rồi những lúc hỏi đường, vào quán
nước nghỉ, vân vân, gặp con người tôi đều thấy một thái độ ân cần, thoải mái, dễ
mến tương tự. Bản thân tôi chẳng biết nói gì, miệng bật ra lời cảm ơn như một
phản ứng vô điều kiện hoặc kiểu quán tính.
Lần đầu
tiên tham gia một hành trình có tính chất một cuộc phượt nên cái gì với tôi
cũng mới, cũng gây ấn tượng, có khi rất mạnh mẽ. Nhưng cảm giác mạnh nhất, ấn
tượng khắc sâu nhất là những lúc lên dốc, đổ đèo. Ở những cung đường này, tôichỉ
làm xế lên một nửa con đèo mà thôi. Còn lại tôi ngồi đằng sau, đúng như vịtrí
thỏa thuận ban đầu với bạn đồng hành, thực hiện chức năng của một “ôm”. Cả hai
con đèo chúng tôi qua là đèo Bảo Lộc và Prenn đều dài đến hàng chục cây số. Lên
đèo Bảo Lộc lúc khoảng 4h chiều. Dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh, tôi lặng đi vì vẻ
đẹp, sự hoang vu, cái thuần khiết đến long lanh của khung cảnh. Hóa ra từ trước
tới giờ tôi hiểu không chuẩn lắm về hình ảnh “nắng qua đèo” trong ca từ của Trịnh.
Sự nguy hiểm, cái cheo leo, chông chênh của đèo dốc dạy tôi cách tập trung, cho
tôi biết giá trị của sự sống, biết quý giá những sự cộng tác, chở che trong những
lúc cùng đồng hành. Hai con người trên một chiếc xe cùng một cảm xúc, suy nghĩ
và xung động con tim. Chẳng ai nói nhiều nhưng đều hết sức bình tĩnh, cẩn trọng
và luôn luôn trang thủ ngắm nhìn những khung cảnh vẽ ra trước mặt.
Khi đến đèo Preen thì trời đã tối mịt mù. Con đèo cuối cùng để
vào thành phố Đà Lạt cũng dài và nguy hiểm không kém đèo Bảo Lộc. Tôi lúc này
hoàn toàn là một “ôm” đúng theo mọi nghĩa. Số mệnh của tôi trao gửi trọn vẹn
cho bạn đồng hành. Vì xe chúng tôi lạc đường ở ngã rẽ chỗ lên cao tốc nên đi đến
đèo này hơi muộn. Trời tối khá nhanh và cái lạnh ập đến bất ngờ. Dù đã chuẩn bị
khá chu đáo song chúng tôi vẫn mang hơi ít áo ấm thì phải (vì Sài Gòn rất
nóng). Có bao nhiêu áo ấm có thể mặc đều nhét hết vào người. Tất cả mọi người,
trừ tôi, đều mặc luôn cả áo mưa trước khi đổ đèo vào thành phố. Tất cả chúng
tôi đều dặn dò nhau là phải đi cẩn thận, bám sát nhau nhưng xe tôi vẫn cứ lao
nhanh hơn. Ngồi sau xe, đi giữa rừng thông thâm u, tịch mịch, tôi ít để ý đến
đường và cảnh bởi để ý cũng không nhìn thấy rõ. Tôi lặng đi để cảm cái không
khí thơm tho, mát lành, có phần huyền hoặc của những rừng thông điệp trùng tiếp
nối. Lần đầu tiên trong đời tôi được sống trong hương rừng đúng nghĩa, trong một
cảm giác được chở che, trong lúc mà tâm hồn quên đi mọi thứ để mở ra cùng thiên
nhiên, để cùng người đồng hành đến đích. Có thể gọi những giây phút như thế là
tuyệt vời hạnh phúc của yêu thương, chia sẻ và đồng cảm.
Đích cuối cùng được chúng tôi cán vào khoảng 8h tối. Thành phố
Đà Lạt mở ra trước mắt chúng tôi vô cùng đẹp. Tất cả đều ngỡ ngàng, say đắm và
chỉ thốt lên một câu “quá đẹp!” và còn dự định kéo dài chuyến đi hơn.
Thành phố cao nguyên buổi tối, với hoa, với cái lạnh ngọt ngào se thắt, với
những kiến trúc biệt thự mỹ lệ, với thông xanh, với không khí êm đềm, mơ mộng…
đã làm xao động tất cả mọi trái tim. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Đà Lạt
là thành phố mộng mơ, là một Paris của Việt Nam. Không gian, cảnh
vật, không khí, nhất là cái lạnh đặc trưng của đêm mang con người đến gần nhau,
hòa quyện khăng khít với nhau. Vì thế, nên những đôi tình nhân đến đây có lẽ
cũng được hưởng cảm giác trọn vẹn của yêu. Có lẽ không cưỡng được trước vẻ đẹp
của thành phố với bao con dốc, với không khí lãng mạn, thơ mộng này nên 1h đêm,
tôi và bạn đồng hành vẫn tiếp tục lên xe, tiếp tục phượt đêm thành phố trong
cái lạnh táitê, sự tĩnh mịch, vắng lặng đến u huyền, rờn rợn. Tạm dừng lại ở
đây để trở lại với những cung đường chúng tôi đã qua. Tôi sẽ dành riêng một bài
viết cho thành phố hoa, thành phố của những con dốc tình này ở kỳ sau bởi đây
chính là cái đích cuối cùng mà chúng tôi đến trên hành trình của mình.
Tôi mê Đà Lạt, tôi háo hức với Tây Nguyên vì có em Dã quỳ.
Lúc mới vào Sài Gòn, Tuấn – bạn đồng hành của tôi – có nói rằng vẫn còn dã quỳ
thầy ạ. Tôi mấp mỏng hy vọng sẽ được theo dấu dã quỳ, đi tới xứ mộng của sắc
hoa hoàng kim trong ánh nắng rạng ngời Tây Nguyên. Nhưngcó lẽ tôi và em đã vô
duyên với nhau. Những con đường dã quỳ không còn nữa. Hết mùa và em đã tàn tạ,
hoa đã phôi pha, phai nhạt sắc đẹp lộng lẫy, hoàng kim. Những bông hoa nở muộn
vẫn đẹp xinh trong vẻ đẹp hồn nhiên, hoang dại, trong sắc vàng kiêu kỳ, rực rỡ
nhưng có gì lỡ làng, có gì như một sự níu kéo, vớt vát nhan sắc xuân thì đã một
đi chẳng trở lại. Cung đường đi đến thác Pongour lúc trở về, tôi thấy cả những
đoạn dài hàng cây số là dã quỳ, nhưng chỉ còn lại cành lá đen thủi, chỉ còn những
cánh hoa đã khô héo, đã bào mòn hết sức sống chonhững mùa hoa lộng lẫy như con
tằm rút hết ruột nhả những sợi tơ mềm, tơ tình. Thôi thì sẽ hẹn em trong dịp
khác, dù không hữu duyên nhưng tôi sẽ cố tạo duyên, ít nhất là được nhìn ngắm
em thôi, để cho thỏa nỗi tương tư của tơ tình còn vướng vấn, những sợ tơ tình
muôn thuở sau những cuộc hạnh ngộ, những cung đường chúng ta đồng hành cùng
nhau.
Tuy nhiên, cung đường đến thác Pongour này đã cho chúng tôi
chiêm ngưỡng hết những nét đặc trưng của những con đường Tây Nguyên. Trởi xanh
ngắt. mây trắng như bông. Con đường hun hút ngợp nắng và gió. Những ngọn đồi mở
ra thung sâu và đâu đó dòng sông lấp lóa trong nắng trưa. Bao đồi cà phê nhấp
nhô nối liền tạo ra những hình khối sắc nét, nổi bật. Thi thoảng, ở đâu đó, vài
ngôi nhà nho nhỏ thấp thoáng trong màu xanh đậmcủa cà phê, cây cối khiến tôi
không khỏi liên tưởng đến không gian của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Tây
Nguyên quả là đẹp, đẹp cái hùng vĩ, phóng khoáng, hoang dại và cả ma mị nữa.
Có một đặc điểm nổi bật trên hành trình với những con đường
chính chúng tôi qua là suốt dọc hai bên đường, từ Đồng Nai đến Đả Lạt là những
xứ đạo liên tiếp, san sát cạnh nhau. Chúng tôi đi trong thời gian của mùa vọng
Giáng Sinh, đón mừng năm mới nên ở nhà thờ nào, xứ đạo nào cũng thấy những hoạt
cảnh dựng lại tích Chúa giáng sinh. Những nhà thờ, đủ quy mô, kiểu kiến trúc, vẻ
đẹp liên tiếp hiện ra khiến chúng tôi sững sờ. Trong kiến trúc của nhà thờ ở
đây, có thể nhận ra điểm nổi bật là những cây thánh giá ở đỉnh mái được cách điệu
theo hình ngôi sao và thiết kế mang những điểm truyền thống của kiến trúc bản địa:
mái dài, dốc. Trên hành trình trở về, những xứ đạo lại khiến tôi ngỡ ngàng thêm
một lần nữa bởi những dây đèn giăng kết, thắp sáng lung linh. Những nhà thờ
luôn nổi bật trong màn đêm. Có đoạn đường hàng cây số là những đèn dây nối liền
cùng những cây thông nhấp nháy đèn màu ở trước mỗigia đình. Không khí ở xứ đạo,
nhất là ở trong nhà thờ khi làm lễ luôn trang trọng, tôn nghiêm và thiêng
liêng. Vì chính tôi cũng từng được tham gia buổi lễ Noel ở một xứ đạo nổi tiếng
miền Bắc – xứ Bùi Chu – cách đây 3 năm. Tôi chưa có thời gian để tìm hiểu về
con đường này cùng lịch sử của nó nhưng tôi có nói với bạn đồng hành là: đây
ngày trước chính là con đường truyền giáo, con đường mà người Pháp khai phá
Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Họ đi đến đâu sẽ mang theo đạo, gieo niềm tin kính
Chúa cùng văn hóa của họ tới dân bản địa. Đó chỉ là những phỏng đoán của tôi,
còn xác thực thì có lẽ các bạn, và nhất là tôi phải đọc,tìm hiểu thêm nhiều dữ
liệu khác.
Những cung đường còn có thêm nhiều ngã rẽ khác, với những trải
nghiệm và khám phá kỳ thú khác nữa mà bản thân ngôn từ khó mà diễn tả hết. Tôi
sẽ tiếp tục viết về những trải nghiệm ấy trong kỳ sau của chuyến đi này với những
cảm xúc của cá nhân mình. Song có một điều chắc chắn rằng, những cung đường đầu
tiên đưa tôi tới cao nguyên sẽ còn đưa tôi trở lại khi tôi có thời gian và vẫn
còn sức khỏe, vẫn có những bạn đồng hành tuyệt vời như vừa rồi. Hình ảnh về những
đồi thông ngút ngàn, bình nguyên xa vắng, mặt trời cuối đèo, cảm giác tê lạnh
trong cái gió rét, không gian hùng tráng của núi đồi như đang đồng hiện trước mắt
khi tôi viết những dòng này. Những cung đường, bao giờ cũng thế, luôn luôn đem
đến những khám phá kỳ thú, những rung động mới mẻ, những dư tình sâu sắc, những
thấu hiểu về quê hương, đất nước, về con người và về chính mình. Nó thôi thúc
ta tiếp tục đi và cũng luôn hướng ta biết trở về. Nó kết nối những tâm hồn, để
chúng ta đồng cảm với nhau trong những khoảnh khắc nào đó, để chúng ta biết
trân quý và trân trọng nhau trong những giờ phút cùng đồng hành.
Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ…
Đến Đà
Lạt thì không thể không ghé những quán cà phê rất đặc trưng của thành phố sương
mù. Nhưng cũng chính quán cà phê ở đây – quán Cung Tơ Chiều chúng tôi ghé qua,
một quán rất đặc biệt, tạo nhiều dư luận hiếu kỳ - đã chia rẽ đoàn đi chúng tôi
thành hai nhóm: 4 người quyết định vô quán dù phải leo đồi và hoàn toàn không
có ánh điện, lối lên rõ ràng; 4 người còn lại quyết định thoái lui vì cảm giác
u tối, rờn rợn hay ngại một cái gì đó. Về quán cà phê này có lẽ tôi sẽ viết vài
dòng ngắn ở bài viết tới về Đà Lạt nhưng thú thực thì nó vẫn chưa đủ huyền bí,
u tịch, ma mị như hình dung của tôi khi đọc người ta viết về nó. Khi rời quán,
chúng tôi có hẹn bốn bạn kia đi ra hồ Xuân Hương cùng ngồi uống bia, nhâm nhi
cùng gió núi, cùng cái lạnh sắc ngọt lịm của đêm phố núi. Các bạn đó đã không
ra vì về khách sạn, và có lẽ họ ngại lạnh. Chính trong lúc chúng tôi tách nhau,
chúng tôi mới nhận ra những giây phút đã gắn kết trước đó và sẽ luôn gắn kết
trong suốt hành trình sau đó trở về.
Hòa
mình trong đêm vắng, lắng nghe ngàn thông vi vút cùng gió thốc, chúng tôi ngồi
đây, những người tứ xứ, tâm tình, đồng cảm, dù chúng tôi không nói nhiều. Trên
thực tế, nhiều điều không nói, cứ để tự cảm nhận sẽ hay hơn, thấm thía hơn. Vài
lon bia cùng vài thức ăn nhanh đơn giản đủ làm nên một trải nghiệm rất thú vị
và khác thường. Ngày mai, chúng tôi sẽ lên đường về. Và thời gian sau này nữa,
có thể chúng tôi sẽ còn hạnh ngộ, sẽ trở thành những người bạn lâu dài, cũng có
thể mãi mãi chẳng bao giờ gặp nhau. Cuộc gặp gỡ tình cờ và một hành trình ngẫu
hứng giúp chúng tôi đồng cảm, có những khoảnh khắc yêu thương, giúp đỡ chân
tình. Những chuyện tào lao và cả những chuyện đời, những tâm tình được hé lộ.
Có những khoảng lắng cả bốn người dừng lại nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng, để mặc cho
gió lạnh hiu hắt táp vào mặt.
Dường như lòng tôi đã trở thành một mặt hồ, thật bình yên, êm dịu, thư thái, bồng bềnh như chính không khí đêm Đà Lạt. Bạn nói đến âm nhạc, nói đến Trịnh, đến những quán cà phê, những chuyến đi và cả phận người. Tôi nhắc đến ca khúc “Phôi pha” và nói vài điều về cái tâm thức của bước chân giang hồ lỡ dở. Lạnh quá tôi không thể hát cho mọi người nghe những lời ca “phôi pha”, dù trước đó, ở quán cà phê tôi cũng có hát. Không biết với ba bạn đồng hành còn lại của tôi (Tuấn, Quang, Thuận) cùng ngồi bên hồ đêm đó có cảm giác như thế nào nhưng với tôi, đó là một trong những khoảng lặng vô cùng quý trong chuyến đi. Từ xa lạ, chúng tôi đã quen biết, và có thể, ở một lúc nào đó, đã rất quý mến nhau, đồng điệu, lắng nghe nhau. Tôi đã quên hết mọi ưu phiền, tâm hồn như được giải thoát khỏi những bức xúc trước đó. Và đến cuộc đi này, tôi càng thấm thía hơn cái lẽ là điều quan trọng là con người ta sống với nhau bằng sự chân tình, biết lắng nghe, yêu thương và chia sẻ, chẳng quan trọng xa hay gần. Sự tình cờ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ, thú vị.
Dường như lòng tôi đã trở thành một mặt hồ, thật bình yên, êm dịu, thư thái, bồng bềnh như chính không khí đêm Đà Lạt. Bạn nói đến âm nhạc, nói đến Trịnh, đến những quán cà phê, những chuyến đi và cả phận người. Tôi nhắc đến ca khúc “Phôi pha” và nói vài điều về cái tâm thức của bước chân giang hồ lỡ dở. Lạnh quá tôi không thể hát cho mọi người nghe những lời ca “phôi pha”, dù trước đó, ở quán cà phê tôi cũng có hát. Không biết với ba bạn đồng hành còn lại của tôi (Tuấn, Quang, Thuận) cùng ngồi bên hồ đêm đó có cảm giác như thế nào nhưng với tôi, đó là một trong những khoảng lặng vô cùng quý trong chuyến đi. Từ xa lạ, chúng tôi đã quen biết, và có thể, ở một lúc nào đó, đã rất quý mến nhau, đồng điệu, lắng nghe nhau. Tôi đã quên hết mọi ưu phiền, tâm hồn như được giải thoát khỏi những bức xúc trước đó. Và đến cuộc đi này, tôi càng thấm thía hơn cái lẽ là điều quan trọng là con người ta sống với nhau bằng sự chân tình, biết lắng nghe, yêu thương và chia sẻ, chẳng quan trọng xa hay gần. Sự tình cờ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ, thú vị.
Nhiều
người xung quanh thường nói tôi khó gần, hay khó chia sẻ, hay sống với cái tôi
quá lớn, vân vân… Tôi không bao giờ vặc lại hay bác bỏ gì. Cuộc sống của tôi là
do tôi lựa chọn và không phải ai cũng có thể hợp, có thể sẻ chia hay lắng nghe.
Cho nên tôi tự giới hạn ở một chừng mực nào đó, theo một nguyên tắc của công việc
hoặc xã giao. Bản thân tôi tự nhận thấy mình không phải là người khép kín, cũng
chẳng bao giờ có ý nghĩ mình hơn người khác mà ứng xử khinh trọng, hay chê bai.
Với tôi chỉ có hợp và không hợp. Hợp thì cùng sẻ chia, không hợp thì dừng lại ở
xã giao, những thứ cần thiết nhất cho công việc. Trong nhiều chuyến đi chung,
tôi cũng không thấy được xả hết cỡ, được thoải mái hoàn toàn, vẫn cứ thấy gờn gợn
người này để ý người kia hay có những ý hướng không được hài hòa lắm. Cũng có
thể do tôi, tôi thích những thứ khác, thích kiểu đi khác, đã gây khó chịu cho mọi
người. Và trong tất cả mọi trường hợp, tôi im lặng và những lúc cần thì, theo
đám đông. Còn lại, tranh thủ mọi thởi gian có thể để đi theo hướng khám phá của
mình, theo sở thích của mình. Điều này tôi phải thừa nhận những đơn vị làm tour
cũng khá tinh, khi họ dành những khoảng thời gian nhất định cho những đoàn
khách tự do khám phá, bên cạnh lịch trình cố định.
Tôi phải
nói hơi dài dòng một chút như vậy để một lần nữa khẳng định ý nghĩa của chuyến
đi này. Bản thân tôi và nhiều bạn tôi nói rất đúng, không nên đi du lịch theo một
đoàn đông mà nên đi theo nhóm nhỏ, cùng sở thích, chí hướng sẽ thoải mái hơn.
Dù tôi và 6 bạn đồng hành vừa qua lần đầu gặp nhau, lần đầu đi chung nhưng lại
thấy rất tương hợp. Chẳng cần phải giới thiệu hay nói quá nhiều, chúng tôi,
ngay từ khi tập hợp đầy đủ, khởi hành chính thức, đã coi nhau là một khối, một
tập thể cố kết, cùng tương trợ, giúp đỡ, đồng hành với nhau trong suốt chặng đường
dài. Ai cũng có cái tôi riêng, và trong các bạn trẻ đi cùng tôi đó, có người
còn có cá tính rất mạnh. Song tất cả đã gạt qua một bên, bỏ lại mọi khó chịu
hay những bực dọc với những gì không vừa ý mà người khác làm, để hướng tới cái
đích chung, khám phá, an toàn, tương trợ. Các bạn đồng hành của tôi, những người
trẻ, ở họ luôn có sự vô tư, cả cái khí chất rất thẳng thắn, sòng phẳng của người
nam, có cả sự phóng khoáng và luôn tôn trọng kẻ khác. Điều đó, chính tôi đã phải
học các bạn, và chính vì tinh thần ấy, chúng tôi có một chuyến đi trọn vẹn.
Trong
chuyến đi này, “hai thầy trò Đường Tăng” chúng tôi có lẽ là những gây ra nhiều
phiền toái về thời gian, khiến mọi người phải chờ đợi rất nhiều, nhất là hành
trình đi. Ít nhất có hai lần chúng tôi phóng trước, bị lạc đường tới vài cây số
và làm chậm tiến độ của đoàn đi. Lần đầu là xe của chúng tôi với xe của Thanh +
Tuyên, khi qua Dầu Giây, cứ phóng thẳng quốc lộ 1 mà không rẽ vào đường đi Lâm
Đồng. Lần 2, hai chúng tôi nhìn theo biển chỉ dẫn, cứ thế phóng xe theo đường
cao tốc để vào thành phố Đà Lạt. Kết cục là sau vài cây số, hết làn dành cho xe
hai bánh và xuất hiện biển cấm xe hai bánh. Chúng tôi đã định liều rẽ vào một
con đường mòn nhỏ vì tưởng rằng thành phố ngay bên dưới, nhưng cuối cùng là
quay lại, trong khi mọi người phải đứng vêu ra chờ trong giá lạnh, trong sự muộn
màng của hành trình. Không biết, nếu cứ theo cảm tính mà lao theo con dốc mòn
đó thì chúng tôi sẽ đi đâu nữa? Chỉ biết rằng, lúc chúng tôi bắt kịp mọi người,
tất cả đều bảo là: hai người không được đi trước, phải đi ở giữa.
Chúng tôi đi đường gặp một vụ tai nạn. Hai bạn đi trước chúng
tôi phải cố ý đi chậm lại nhắc Tuấn điều khiển xe cẩn thận. Rồi chúng tôi lại
chờ nhau, để cùng 4 người phía sau vượt đèo Prenn vào thành phố. Tôi và Tuấn lại
đi trước, để lại hai bạn chờ 4 bạn kia ở ngã rẽ trước. Đến ngã ba đường rẽ vào
đèo Prenn, chúng tôi đứng lại chờ tất cả mọi người. Trời càng tối càng lạnh tái
tê. Mấy chị, mấy cô ở gần đường còn nói là vài hôm trước Đà Lạt lạnh đột ngột,
đêm nằm không thể ngủ được. Dù có bao nhiêu áo ấm có thể mặc hết nhưng hai
chúng tôi vẫn vừa chờ vừa run. Khi mọi người bắt kịp thì Thế Anh và Linh đã mua
cho mỗi người một chiếc áo mưa, vừa để phòng mưa lúc lên đèo, vừa để bớt lạnh.
Sự quan tâm và tính cẩn thận, chu đáo ấy khiến chúng tôi bình tâm hơn, tiếp tục
vững bước vượt đèo trong đêm tối, sương mù. Mọi sự chờ đợi trên hành trình mọi
người đều chấp nhận, đều vui vẻ sẻ chia, không một lời phàn nàn. Đó cũng là một
điều tôi cần phải rèn, phải tập cho bản thân mình, để có thể bình tĩnh, sáng suốt
và thực sự thoải mái trong mọi trường hợp. Chỉ những điều nhỏ như thế thôi
nhưng khiến bản thân tôi thấy được đồng cảm, chia sẻ khá nhiều.
Nhóm 8
người đi, ở nhiều lứa tuổi và tính cách, số lượng đủ làm dậy lên nhiều chuyện,
có thể vui, có thể không hẳn vui. Tuy thế, tôi có cảm giác mọi người cố nói ít,
hoặc cố không nói chạm đến những nhược điểm, lỗi lầm của nhau thì phải. Cuộc đi
không có tiếng cười vang, râm ran nhưng cũng không có những chuyện trách móc, mỉa
mai hay bóng gió này nọ, những thứ tôi hay được/ phải nghe, kể cả trong những
chuyến đi chơi cùng đồng nghiệp. Tôi quý tinh thần ấy của tất cả mọi người
trong nhóm vì ai ai cũng hướng tới cái điều tốt đẹp ở nhau, muốn tìm để sự thoải
mái, vui vẻ nhất. Những câu chuyện cứ trôi nhanh, và hầu như không bị nhắc lại.
Và rõ ràng mỗi người chúng tôi đều hy sinh cái sở thích riêng Tây vì cái chung.
Bản thân tôi, và tôi biết các bạn cũng muốn đến nơi này, nơi khác nữa nhưng kết
cục lại không được. Sự tự do, bột phát và ngẫu hứng lại đưa chúng tôi đến một địa
điểm bất thường nào đó trên đường. Nói không tiếc thì không hẳn nhưng cái tiếc
đó thì để trong lòng, ai cũng như muốn gặp lại Đà Lạt để thực hiện hành trình đến
những nơi đã bỏ lỡ đó, mà rõ ràng nhất là chúng tôi đã không kịp đi cáp treo
qua Thiền viện và đến dinh 3 của Bảo Đại. Thay vào đó, chúng tôi lại đi rất xa
đến làng Cù Lần, để rồi có một bữa ăn đồ rừng nướng không thể ngon hơn, để rồi
ngẫu hứng tiếp đi ra triền bãi ven hồ chụp hình với ngựa, cùng cảm nhận không
khí trong trẻo, bình yên. Có thể ban đầu, với một vài bạn thì đi để cùng mọi
người, vì cái chung, nhưng kết cục thì ai cũng vui, cũng thấy ý nghĩa và tìm được
sự thư thái, tìm được vẻ đẹp cho mình.
Con đường
trở về có vẻ gian nan hơn, dù đi nhanh hơn do đổ đèo hầu như chỉ là trôi dốc, bởi
một lý do rất chính đáng là nó mất đi cái háo hức của sự chinh phục đích đến,
thay vào đó là những vương vấn, nhớ tiếc. Chính trên quãng đường về, tôi cảm nhận
được rõ nhất sự đồng hành, tương trợ và chia sẻ của mọi người cho nhau. Thay
nhau làm xế là chuyện đương nhiên. Song điều tôi đặc biệt xúc động, thấy rất
trân trọng tình cảm của mọi người là chia sẻ hiểm nguy, luôn luôn bám sát nhau,
nhất là ở những đoạn đường nguy hiểm. Trời tối khá nhanh và thị lực của tôi đi
trời tối quả là một thảm họa. Xe thì đèn rất tối và không thể chiếu sáng tầm
xa. Song tôi vẫn làm xế được vì luôn đi ở giữa, bám sát các bạn trước tôi. Một
đoạn đường không dài, chỉ khoảng 40km tôi làm xế lúc tối trời, và nhiều nơi
hoàn toàn không đèn, nếu không có các bạn thì tôi không thể đi được. Sức ép lại
đè lên người đồng hành trên một xe. Các bạn đi trước giống như hoa tiêu chỉ đường,
dẫn lối cho tôi đi và việc của tôi là giữ tốc độ để bám sát các bạn. Đi như thế,
tôi chạnh lòng thấy hơi nhói buốt trong một vài lần, đã lâu rồi, hồi tôi mới đi
làm, mới đi xe, đã bị bỏ lại phía sau độc hành. Và cũng đã từ rất lâu rồi, lần
này tôi mới có cảm giác mình không phải kẻ độc hành trên một cuộc đi, dù ngắn
hay dài. Chắc chắn rằng tôi sẽ còn ghi nhớ rất lâu, rất sâu cái cảm giác và cảm
xúc ấy.
Ý tưởng
ban đầu của cái bài viết này của tôi sẽ có một đoạn dài dài viết về người học
trò, người bạn đồng hành suốt trong mấy ngày rong ruổi, cùng cưỡi một con ngựa
sắt, chia sẻ những hiểm nguy, niềm vui và rung động trước vẻ đẹp được thưởng
ngoạn. Nhưng có lẽ viết ra là hơi thừa bởi chẳng cần nói hay viết nhiều thì
chúng tôi có lẽ cũng hiểu nhau khá nhiều. Có nhiều điều để cảm hay hơn là nói
ra một cách minh bạch, rõ ràng. Tôi chỉ muốn nói một lời cảm ơn em vì lời mời
quá tha thiết, thậm chí giục giã khiến tôi lay động, thay đổi quyết định phút
cuối, để có hành trình quá tuyệt này. Tôi cũng không biết và không cần phải biết
cái lý do em tha thiết, thậm chí cả khiêu khích tôi vào Sài Gòn đi chuyến này
là gì. Bởi cái quan trọng nhất là kết quả, là bản thân chuyến đi tôi được hưởng
rồi. Em đã luôn giành về mình những cung đường khó khăn, hiểm nguy nhất. Em
cũng luôn cố chiều ý tôi và đưa tôi đến những nơi tôi thích, để có thể biết được
nhiều nhất có thể. Và trong những lần như vậy, tôi thấy rất vui vì những thứ
tôi thích đã làm em vui, có ấn tượng mạnh, thậm chí theo hướng khác hẳn của
tôi. Em cũng chính là người luôn để ý đến cảm xúc của tôi trong những nơi chúng
tôi đến, lưu lại bằng rất rất nhiều bức ảnh độc đáo. Đó sẽ là những kỷ niệm
khó phai.
Một
chuyến đi dù không dài nhưng sự tương trợ và sẻ chia đã cho tôi không chỉ niềm
vui, những khám phá kỳ thú, sự thanh thản và thoải mái, mà còn là cảm giác hạnh
phúc. Bởi lâu lắm rồi tôi mới được nhận về mình, hoàn toàn cái cảm giác được chở
che, được nâng đỡ, có được một điểm tựa cho những chông chênh của tâm hồn và cuộc
sống. Tôi là một người sống khá độc lập, nếu nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ yếu đuối,
mong manh nhưng kỳ thực thì không hẳn như thế, thậm chí còn là mạnh mẽ, quyết
liệt. Tuy nhiên, đời sống ai cũng vậy, đều có nhu cầu được đồng cảm, sẻ chia,
che chở, để có một vài khoảnh khắc bình yên tuyệt đối. Cám ơn tất cả các bạn của
tôi, đặc biệt là người cùng đồng hành trên con ngựa sắt với tôi đã cho tôi những
khoảnh khắc đó trong cuộc “du lãng” vừa qua.
Ngồi một lát, lắng lại một lát, thấy bao học trò, nhất là học
trò cũ đã luôn nhớ, dành tình cảm và sự ưu ái cho mình, dù có khi mình đã và sẽ
chẳng làm gì được cho chúng, dù mình cũng chưa đi dạy được bao lâu. Chợt thấy
quý cái nghề của mình, thấy những việc làm của mình bao năm qua có một giá trị
nào đó. Từ Tuân và bao học sinh khác, tôi thấy các em thực sự đã trưởng thành,
có lối nghĩ và sống khá văn hóa. Đã có lúc tôi nghĩ tôi phải sống khác đi,
không có thực thà hay thẳng thắn quá, để an toàn cho mình nhưng có lẽ tôi đã lầm.
Có thể tôi sẽ sống khác đi, với ai đó, nhưng với tất cả học trò của mình, tôi sẽ
luôn phải là người chân thành. Đúng là cuộc đời sẽ cho chúng ta những câu trả lời
xác đáng nhất về những gì chúng ta đã làm. Tôi sẽ còn tiếp tục trên nhiều hành
trình và chắc chắn sẽ còn đồng hành với các em, những học sinh của tôi, không
chỉ với tư cách là một “ông lái đò” mà còn với tư cách là một người đồng hành
đích thực, bình đẳng, để cùng sẻ chia những cung đường khám phá, và biết đâu là
một vài đoạn đường đời.
Về
trên phố cao nguyên ngồi,
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi,
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài…
Trước khi thực hiện chuyến đi
khoảng vài tuần, tôi có một giấc mơ lạ: được tham gia cùng một nhóm phượt có những
trải nghiệm đầy nguy hiểm, gây nên những cảm giác mạnh mẽ, có phần ghê rợn. Giấc
mơ đó như một bộ phim hành động mà bản thân tôi gặp một người bạn dạng rất bụi,
sống rất bất cần ở Sài Thành. Rồi cuộc đi có lúc bạn ấy phải quay lại cứu người
yêu ở vách núi cheo leo. Hết đồ ăn thì leo lên tầng hai một nhà nào đó, thấp thấp
trong rừng cây, đập cửa, nhậu nhẹt, chợt gặp người quen qua mạng bên hàng xóm.
Rồi chúng tôi đi qua khu rừng thông, những nơi vách núi cheo leo, những chiếc
xe trượt phóng như bay ở bìa rừng, nếu không nhanh tránh kịp tôi đã mất mạng… Đại
loại là một giấc mơ rùng rợn và thú vị. Và cũng vì giấc mơ đó nên khi ngồi trên
xe bus ra sân bay, hai bạn nữ cạnh mình bảo đi như thế nguy hiểm lắm, phải vượt
đèo rất cao, sao không đặt vé xe Phương Trang mà đi?... vân vân. Mình cũng thấy
hơi hoảng, và quyết định của mình là quá mạo hiểm. Song trên thực tế, chuyến đi
của mình nhẹ nhàng, yên bình hơn nhiều và các bạn đồng hành hiền hòa, không có
ai bợm chợn, bất cần, ngang tàng kiểu người gặp trong mơ. Cán đích, tôi đã có
những ngày trọn vẹn ở thành phố mộng mơ, với những cảm nhận về những thứ rất
quen mà cũng rất lạ, rất thú vị.
1. Cái lạnh ngọt ngào, âu yếm đặc trưng
Tôi là
người xứ Bắc, đã rất quen với cái lạnh tái tê, cái giá buốt khi mùa đông đến. Đến
Đà Lạt, tôi cũng bất ngờ khi gặp thời tiết lạnh đến thế. Dù đã chuẩn bị nhưng
do chủ quan, tôi đã bỏ lại vài chiếc áo ấm ở Sài Gòn. Trên đường đến thành
thành phố mù sương này, chúng tôi mặc hết những thứ áo ấm mình có mà vẫn thấy lạnh.
Cho nên việc đầu tiên đến thành phố là đi tìm mua áo ấm, và mua một cái áo len
sù to như cái chăn để khoác lên người. hihi.
Cảm
giác lạnh ban đầu qua đi. Ở lâu hơn, cảm nhận sâu hơn thấy cái rét của Đà Lạt
có vị riêng, không giống như ở miền Bắc của chúng tôi. Đà Lạt chỉ tối mới lạnh
và lạnh rất nhanh, càng đêm khuya lại càng lạnh lẽo hơn. Song buổi sáng, cái lạnh
lại tan khá nhanh, thay vào đó là không khí se se, rất đẹp và dễ chịu. Và ngay
bản thân những lúc rét nhất thì cũng không làm cho tôi thấy sợ như cái thời tiết
mưa rét, ẩm ướt, buốt thót, cũng không có cái kiểu rét đậm, rét hại, sương giá,
hanh khô khiến con người cảm giác như bị nứt ra như dưa, khô khốc như một bãi
cát sa mạc của giá rét hanh hao của miền Bắc.
Cái lạnh của Đà Lạt tái tê nhưng không sắc buốt, khiến người
ta run rẩy nhưng không đáng sợ. Nó không khô hanh mà lại dịu nhẹ, ngọt ngào. Chỉ
cần mặc đủ ấm bạn sẽ thích đi ra ngoài đường, khoe vài thứ trang phục mùa đông
yêu thích như áo, khăn, mũ mão. Cái lạnh đó như muốn níu giữ con người, để họ
chầm chậm tản bộ, chầm chậm cảm nhận thật sâu không khí riêng của thành phố, của
miền cao nguyên được bao bộc bởi thông reo vi vút. Cái lạnh ấy khiến con người
không khỏi bâng khuâng, xao xuyến, nhớ lại những lúc ấm êm của hạnh phúc tay
trong tay cùng cố nhân, nếu đi một mình. Nó cũng xui khiến con người xích lại gần
nhau hơn, đem con người đến với nhau, quấn quýt để được tận hưởng cảm giác ấm
áp, ngọt ngào, âu yếm trong tình yêu, sự sẻ chia, sự quan tâm, giao hòa, giao cảm.
Không phải ngẫu nhiên, thành phố này được coi là thành phố lãng mạn, thành phố
dành cho những cặp tình nhân.
2. Những con dốc và những cung đường gợi cảm
Ở
thành phố Đà Lạt, bạn sẽ khó tìm được một con đường dài và thẳng. Thành phố nằm
trên đồi, núi và bản thân là một dạng địa hình thung lũng nên nhìn đâu cũng thấy
những con dấu, hoặc cao cao, hoặc thoai thoải. Những con dốc đem đến hành trình
hai chiều, một nhanh, một chậm, một thoáng qua, một muốn từ từ níu lại. Đứng ở
đỉnh dốc mà nhìn, thấy bát ngát cả một vùng không gian của thành phố, núi rừng,
rất kỳ vĩ. Ở đỉnh những con dốc cao, tầm nhìn xa, thoáng, ta có cảm nhận như
thu vào trong mình cả một thế giới. Cho nên, ấn tượng mạnh nhất, đầu tiên của
hai “thầy trò Đường Tăng” chúng tôi khi mới chạm thành phố ở đỉnh một con dốc
là một khung cảnh lung linh, rực rỡ của tối Đà Lạt. Và ngay đêm đó, chúng tôi đã
trở lại chính vị trí ấy, chụp ảnh, quan sát, cảm nhận nhưng cảm xúc cũ không trở
lại. Đơn giản vì đêm khuya, thành phố đi ngủ, mang diện mạo khác lúc mới tối.
Đúng là những khoảnh khắc của cái đẹp thật mong manh, một đi chẳng bao giờ trở
lại.
Những
con dốc tạo nên những cung đường dài hun hút, uốn mình gợi cảm và duyên dáng
bên những hàng thông hay rặng hoa. Nhìn những cung đường ấy, tôi luôn thấy một
nét đẹp rất lãng mạn. Đường ở đây cũng ít phương tiện đi lại, không ồn ào mà
tĩnh lặng nên nét mơ màng, trữ tình càng đậm nét. Từ ở dưới nhìn lên đỉnh dốc,
tôi luôn thấy háo hức, như có cả một thế giới khác ở con dốc bên kia. Tất cả
như hút hồn người, đưa họ vào những cung đường khám phá, trong tâm trạng đầy hứng
khởi và háo hức ban đầu.
Đi sâu
vào những khu dân cư, tôi thấy có nhiều con dốc rất cao, gấp, đường nhỏ, khó
đi. Chúng tôi đã phải dừng lại, chùn bước vì đêm khuya, sợ lạc, quay lại những
cung đường lớn ban đầu trong buổi dạo đêm. Ở lâu mãi nơi này chắc người ta quen
với dốc, dù con dốc đó có khi xe máy cũng khó khăn di chuyển lên xuống. Bởi dù
thế nào thì đó cũng là nét riêng của thành phố, quê hương mình, mang cái hồn,
tinh thần riêng của con người nơi đây. Những con dốc này, vô tình hay hữu ý lưu
lại du khách và cả những con người ở nơi đây dừng lại lâu hơn tại điểm đầu hay
cuối trước khi lên xuống.
Không hiểu sao khi quan sát những con dốc, nhất là ở những
cung đường đẹp, thoai thoải, kéo dài tôi lại nghĩ đây là những con dốc tình, hẹn
hò, cùng sánh đôi dạo bước của những kẻ yêu. Và dù sau này, có lỡ chia xa hay
ly biệt, họ cũng ngoái lại, nhìn nhau lâu hơn một chút thay cho lời nói phân
ly, hoặc trôi đi thật nhanh, không kịp ngoái lại nhìn lần cuối lúc chia xa, để
rồi sau đó, ai kia trên đó, người nào dưới đây tự mang trong mình một khoảng trống
bao la trong lòng, cảm giác bàng hoàng, ngẩn ngơ vì người ấy đã xa, xa khuất.
Cho nên, nhìn những con dốc chiều ít nhiều mang những nỗi niềm hoài cảm, một
chút se lòng chợt nhớ cố nhân. Và ta chợt nhớ ra rằng, cuộc đời ta đã gắng lên
và tự để trôi tuột đi theo bao nhiêu con dốc, theo cái thường biến muôn thuở, để
được, để mất, để ta chẳng còn là ta đích thực.
Trước
chuyến đi, tôi có tìm hiểu về Đà Lạt qua bạn bè, qua mạng và ai cũng nói là đến
Đà Lạt phải đi cà phê nhé. Vừa tới thành phố, lên mạng search về những quán cà
phê đặc biệt, độc đáo thì ra hàng loạt quán, trong đó cà phê Cung tơ chiều gây
nhiều chú ý. Đọc vài bài viết thì thấy nó kỳ bí, lạ lùng, huyền bí nên tôi rất
hiếu kỳ. Khi mới nói tới quán, bạn đồng hành với tôi tỏ ra ngại ngần và bảo quyết
sau. Rồi tôi bắt đầu thuyết phục bằng cách đọc bài viết cho họ nghe và mọi người
quyết định tới quán. Và đây chính là địa điểm duy nhất tám người chúng tôi phân
tách thành hai nhóm, như tôi đã viết trước đây.
Thực
ra, không biết có phải do cố ý PR hay cảm xúc thật mà tôi thấy vài bài viết và
sự sẻ chia về quán này hơi phóng đại, có phần hư cấu. Có một bài viết kỹ nhất
trên facebook chỉ dẫn đường khá chính xác đến quán. Sự thực thì đường đến quán
khá dễ tìm và đúng là các bản đồ số đều ghi sai địa chỉ quán. Đúng là quán
không có một lối lên rõ ràng và không có điện sáng trưng, nằm giữa một đồi
thông thấp. Nhưng nó không u tịch, bí hiểm, huyền hoặc, hay rùng rợn như họ
miêu tả, khiến tôi cứ nghĩ quán này nửa thực nửa hư, nửa ma nửa người. Có lẽ
tôi là dân ở vùng trung du, quen với những nơi chẳng có đường, quen với bóng tối
nên đi lên một chỗ như thế không có gì đáng sợ.
Không
gian quán là một ngôi biệt thự nằm trên một đồi thông thấp, cách đường lớn khoảng
200m, có chỗ để xe máy rất thoải mái. Từ quán có thể nhìn thấy thành phố phía
dưới, rực rỡ ánh đèn, cũng không phải quá heo hút, đáng sợ, thậm chí tôi còn thấy
đường vào quán này dễ tìm hơn quán Cà phê Cuối ngõ ở Hà Nội. Chỉ hiềm một nỗi
là đường lên là lối mòn đi giữa đồi thông, quán không chỉ dẫn đường và không thắp
điện sáng. Trong quán chỉ thắp điện tối, nến và ánh sáng nhấp nháy giữa rừng
thông u tịch. Nó cũng không quá yên tĩnh và tách bạch để nghe được tiếng côn
trùng, cảm được cái miếng đêm sâu thẳm của núi đồi cao nguyên, không có cái mộc
mạc, chân chất ngẫu hứng đến mức như người ta được hát du ca giữa bạn bè, giữa
núi đồi.
Quán
này nổi tiếng với những quy định cổ quái: không được quay phim, chụp ảnh chủ
quán, không được nói chuyện to, bàn tán khi chủ quán và người khác hát, không
phục vụ đồ uống có đá, giá thì đồng loạt là 100k/ suất đồ uống, không uống cũng
phải trả tiền. Không đáp ứng những quy tắc đó thì sẽ bị chủ quán đuổi. Nhưng
tôi lại không có may mắn được chứng kiến chủ quán đuổi khác. Hehe. Lúc vào thì
chỉ thấy hai bạn, cũng tầm trung tuổi, khoảng trên dưới 30 gì đó đi ra và lầm bầm
than phiền cái quy định này. Không biết có phải bị đuổi hay không nữa? Còn đoàn
tôi thì tôi biết đích xác quán, ở cổng gọi mọi người lên, rút cục chỉ có 3 người
lên, học sinh đi cùng xe với tôi, hai bạn nữa. Còn lại, hai bạn leo lên lưng chừng
lại quay xuống, tách ra, đi theo hướng riêng.
Chúng
tôi đến cũng khá sớm vì sợ tìm đường lâu nên phải chờ khoảng gần 1 tiếng bà chủ
mới xuất hiện. Khi chúng tôi tới, quán đã khá đông và sau đó thì khách đến cực
đông, không đủ chỗ ngồi. Không gian của quán khá đặc biệt, tạo cho người đến cảm
giác ấm cúng, trang trọng. Có một bức tranh chân dung vẽ một nữa mặt, một nửa
kia che bởi tóc được vẽ cách điệu bằng màu xanh đen như những con sóng biển gây
ấn tượng mạnh cho tôi. Chúng tôi biết thông tin trước nên chúng tôi tuân thủ
khá tốt quy định của quán. Mọi người cũng thế. Nên khi bà chủ chưa xuất hiện, tất
cả đều nói chuyện êm êm, khiến cho mọi người như lặng đi, chìm vào cảm giác
quên lãng thời gian, lắng mình theo âm nhạc. Đó là một đĩa nhạc của Khánh Ly,
thu trước năm 1975, với giọng hơi khàn, đậm chất Liêu Trai, huyền hoặc. Có vẻ
âm nhạc rất phù hợp, tạo nên một không gian, không khí riêng cho quán giữa đồi
thông thâm u của đêm tối Đà Lạt.
Nói
thêm về cái quy định kia thì tôi thấy khá ổn. Nó cần thiết để tạo ra một không
gian, không khí văn hóa, tập trung lắng nghe người hát. Cái này các quán khác
không dám làm có lẽ sợ mất khách, chứ làm được sẽ tốt hơn, dần dần hình thành một
nét văn minh quán cà phê ca nhạc, mà nhiều khi tôi thấy cực khó chịu khi vào một
số quán khác ở Hà Nội. Còn đồ uống nóng kết cục lại hay. Nó hợp với cái lạnh của
Đà Lạt, tạo cho người ta cảm giác quây quần, gần gũi, ấm áp tình cảm.
Chờ
mãi cuối cùng bà chủ cũng xuất hiện. Với tôi, đây là một người gây ấn tượng mạnh,
có ấn tượng như người ta nói, có ấn tượng khác, và ấn tượng này cũng khó mà nói
là thiện cảm hay ác cảm. Người đàn bà khoảng trên dưới 50 tuổi, hút thuốc khá
kiểu cách, mặt không rõ lắm vì ánh sáng nhập nhòa. Giọng hát khàn, mạnh mẽ,
như người ta vẫn nói có sự pha trộn của giọng Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên Phương.
Tôi không thấy ấn tượng nhiều với giọng hát lắm vì thiếu những khoảng lắng tinh
tế. Cách nói năng, giao tiếp với mọi người hơi kiểu cách, có cái gì như kiêu bạc,
đài các nhưng lại cố làm ra vẻ gần gũi. Nói tóm lại là tôi cảm giác không tự
nhiên lắm và có phần hơi tự cao theo kiểu khoa trương, ví dụ như khi có một
người đùa một câu, bà chủ nói: “Tôi là người nghệ thuật, mỗi lời nói phải
cẩn trọng, tinh tế,..” gì gì đó. Duy có điều này làm tôi ấn tượng về con người
bí ấn này, đó là cách hát của bà. Người đàn bà hát như rút lòng, rút ruột. Hát
mà như nghe thấu tận những nỗi lòng sâu thẳm và không cần giấu giếm. Bà chỉ hát
vài bài gắn với những cảm xúc tâm hồn, với những tình khổ, tình sầu. Một cái gì
mãnh liệt và bạo liệt chất chứa trong đó. Tự cách hát và giọng hát như có lửa,
mà cái bài “Giết người trong mộng” của Phạm Duy làm tôi ấn tượng mạnh nhất. Đằng
sau giọng hát ấy phải chăng là cả một thế giới bí ẩn của một cuộc đời không
bình lặng, của tâm hồn phức tạp, nếm trải nhiều thay đổi của cuộc đời?
Bà chủ cũng kêu gọi khách đến quán đàn, hát nhưng lại cũng
hay từ chối mọi người. Những yêu cầu bà hát bị từ chối thì cũng không sao nhưng
cách từ chối khách muốn hát, mà chính mình khởi xướng làm tôi thấy không tế nhị
và lịch sự. Đại loại ở đây có một cái gì đó như diễn, khiến tôi không thích, dù
nhiều thứ, kể cả đồ uống khá ổn. Tóm lại là, nếu tôi là người ở Đà Lạt chắc thỉnh
thoảng sẽ ghé lại qua quán nhưng không thể thành khách quen của quán. Nó
không tạo cho tôi không khí thoải mái, tự do, thành thật kiểu như ở quán Cà phê
cuối ngõ, quán Du ca, rồi cà phê nhạc Trịnh ở Trung Kính Hà Nội. Nó cũng không
có cái không khí hiện đại, kiểu hơi nổi loạn chút như không gian Cộng. Cái được
nhất là không khí tĩnh lặng, mọi người chăm chú nghe nhạc, không nói chuyện to.
Nếu không khí này có được trong một số quán tôi thích ở Hà Nội thì sẽ là sự kết
hợp hoàn hảo. hihi.
Đến Đà
Lạt, đâu đâu cũng gặp những đồi thông, rừng thông đại ngàn, xanh biếc. Thông
bao bọc thành phố, tạo nên không gian mờ sương, tạo ra sự thơ mộng trong cái
hoang vu, tự nhiên, huyền hoặc. Từ con đèo Prenn dẫn vào thành phố đến các ngả
đường chúng tôi đi đều ngút ngàn thông reo vi vu. Những đồi mộng mơ, Langbiang,
thung lũng vàng… đều ngợp thông. Những cây thông thẳng tắp, san sát, trùng điệp
gợi một không gian mơ màng, lãng mạn. Đồi thông thoai thoải, thông thưa, cỏ mọc
như một tấm thảm êm là những cảnh tượng đẹp mê hồn. Thông soi bóng xuống hồ nước
xanh trong, nghiêng ngả trong sương sớm, bao bọc những cung đường đi theo những
con dốc uốn lượn, quanh co.
Tôi
thích nhất là cảm giác lạc vào giữa rừng thông, đi giữa bạt ngàn thông. Uốn
mình theo những con dốc, thông làm con đường thêm đẹp, thêm tình, thêm quyến
rũ. Hương thông tỏa ngát, tạo nên cảm giác thơm tho, như được hòa mình trong
thiên nhiên. Gió về ngăn ngắt và thông hắt hiu như đang thì thầm kể chuyện. Mỗi
nơi đi qua, rừng thông nghiêng bóng, dẫn dụ vào những cung đường khác, đi xa
hơn, muốn tìm hiểu cái ẩn chứa sâu thẳm đằng sau. Nhưng chuyến đi ngắn ngủi khiến
chúng tôi dừng lại và chỉ ngắm nhìn tất cả ở bề ngoài. Khi lên đỉnh Langbiang,
tôi đã cố tình đi trước mọi người, tự đi theo một vài người lên bằng con đường
mòn giữa rừng để có những cảm nhận toàn vẹn, thỏa thuê nhất khi ở giữa ngàn
thông xanh.
Hình ảnh
đẹp nhất và ấn tượng nhất với chúng tôi gắn với thông là vẻ đẹp của đàn ngựa gặm
cỏ ven hồ, cách rừng thông một quãng. Hồ thủy điện được ngăn lại mặt nước lặng
tờ. Buổi chiều buông nhanh trong màu mờ xám của đông. Thông xanh trở nên thâm
nghiêm hơn, lặng lẽ hơn, đổ bóng xuống mặt nước phẳng lặng tờ. Đàn ngựa cúi đầu
gặm cỏ, ven hồ tạo nên vẻ nên thơ, đưa lại một cảm giác bình yên cực điểm.
Không ai phản đối, tất cả chúng tôi qua bãi cỏ để được hưởng cái cảm giác yên
bình, thư thái của thiên nhiên, cuộc sống thuần phác. Đúng là về với thiên
nhiên, bao giờ tâm hồn cũng như được thanh lọc, trong trẻo, hồn nhiên, phóng
khoáng và luôn thấy an toàn, yên tâm, xua đi những nỗi ưu phiền, bất an, bất ổn
của đời sống bon chen, thị phi tôi vừa trải qua.
Với mỗi
người, khi nghe nói đền Đà Lạt, ai cũng nghĩ ngay đến thành phố của hoa, đâu
đâu cũng thấy hoa. Lúc mới đến, trời tối, tôi hơi thất vọng vì nhìn thấy ít hoa
quá. Nhưng tôi đã nhầm vì sáng sau, trên những chặng đường chúng tôi đi ở
thành phố, đâu đâu cũng thấy hoa, hoa rất đẹp, phong phú mà nhiều nhất là
hồng và cẩm tú cầu. Mờ sáng, ở bên đường, trụ sở ngân hàng ngoại thương tại Đà
Lạt đã thấy một người tưới hoa rất cẩn thận. Có lẽ, thành phố này có biết bao
người như thế nên chỗ nào hoa cũng đẹp, cũng tươi và không thấy bị ngắt
lá, bẻ cành hay lấy trộm. Khí hậu ôn hòa cùng ý thức văn mình của con người tạo
nên nét đẹp cho phố phường với biết bao hoa. Chợt tôi chạnh lòng nhớ tới lễ hội
hoa bị giẫm đạp tan tác, cảnh lấy trộm, hôi hoa quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm vài năm về
trước.
Vườn
hoa thành phố là thiên đường của các loại hoa. Tất cả đều là hoa thật, được trồng,
chăm sóc chu đáo, luôn tươi mới, với nhiều loài lạ lùng. Ở đây, mỗi ngày đón
hàng nghìn khách thăm quan nhưng hoa rất ít bị làm nát, bị ngắt. Tất cả các
loài hoa đều khoe sắc, rực rỡ, thậm chí lớn hơn, đậm sắc hơn so với kinh nghiệm
mà tôi biết, nhất là hoa cẩm tú cầu và hồng môn. Chợ hoa trong đó cũng khá hay,
bán các loại hoa thường và giá khá mềm. Không biết chất lượng cây giống thế nào
nhưng mà giá thì cực rẻ, rẻ đến bất ngờ. Vì đường xa, đi máy bay nên tôi tiếc
nghi ngút đã không mua được vài gốc hồng về trồng, đành mua vài gói hạt hoa giống.
Và khắp
nơi trên đường chúng tôi đi, chúng tôi đều thấy hoa. Hoa trồng ở mỗi nhà dân,
trước cửa, bên nhà. Những vườn hoa, ruộng hoa, nhà bóng, nhà kính đan xen với
những vườn, ruộng, nhà rau. Hơi tiếc vì chúng tôi không đủ thời gian rẽ qua một
vườn hoa, vườn rau nào đó, tận mắt xem người Đà Lạt trồng, chăm sóc như thế
nào. Một nỗi tiếc nuối nữa là chúng tôi đến nơi đây đã hết mùa dã quỳ, chỉ được
thấy những bông hoa thưa thớt cuối mùa, không được thưởng ngoạn thiên đường
hoa. Người ta gọi Đà Lạt là xứ hoa anh đào nhưng chúng tôi cũng chưa kịp tìm hiểu
xem chỗ nào có hoa anh đào, hoặc không đúng mùa nên chẳng thể tới. Hẹn Đà Lạt
những mùa hoa khác, trong chuyến đi khác như một sự hồi cố vậy.
Thông,
hoa, dốc và sương mù là sản phẩm đặc trưng của thành phố cao nguyên này. Dĩ
nhiên, như nhiều phóng sự phản ánh thì Đà Lạt giờ ít sương hơn hẳn ngày trước
do diện tích thông ba lá bị chặt hạ nhiều. Dù rất mệt và ngủ muộn những buổi
sáng cuối cùng ở đây, chúng tôi vẫn cố dậy thật sớm để ngắm sương trên hồ Xuân
Hương. Nói là dậy sớm nhưng chúng tôi đi cũng không được sớm lắm, ra hồ khi mặt
trời lấp ló lên. Nhưng vẫn còn một ít sương, vẫn được càm cái lạnh buổi sớm
trong không khí mờ mờ của mặt nước hồ bình tĩnh.
Buổi sáng thật bình yên trong sương, trong nhịp sống chậm, nhẹ.
Có những đoạn hồ hầu như không có người qua lại. Và tôi cũng hầu như không thấy
không khí tập thể dục nô nức quanh hồ với đủ các bộ môn, bật các thể loại nhạc
như ở Hà Nội. Hồ như được trả về cho thiên nhiên. Sương phả trên mặt nước. Mặt
phẳng lặng lẽ của nước hồ soi bóng thông, bóng những công trình kiến trúc từ
trên cao, những biệt thự thấp thoáng sau ngàn thông, đâu đó trên con dốc. Những
ánh nắng đầu tiên của buổi sớm hắt chiếu lấp loáng trên mặt hồ. Ngồi lặng ngắm
bình minh trên hồ Xuân Hương như đưa ta vào một cuộc sống khác, một cõi quên, để
thưởng thức cuộc sống. Song chúng tôi, những người vốn sống xô bồ đã không đủ
thời gian để ghé vô một quán cà phê ven hồ, nhâm nhi hương vị cà phê nóng, trôi
theo cảm xúc bồng bềnh như sương. Chúng tôi cũng không đủ thời gian để bình
tĩnh đi bộ, dạo một đoạn hồ chìm trong sương sớm, để biết thực sự thế nào là sống
vô ưu. Nói chung, chúng tôi vẫn còn mang nhiều ham muốn được đi, đi nhiều nên
chưa thể tĩnh lại, để sống như một làn sương, tự tại, thoáng trôi trên mặt nước
trong ngần.
Đà Lạt vốn là một thành phố được người Pháp khai hóa, xây dựng
văn minh. Ở đây, những dấu ấn văn hóa Pháp còn khá nhiều, từ kiến trúc, nhà ở,
món ăn, đến cả cung cách sinh hoạt. Có lần, rất lâu rồi, tôi có xem một phóng sự,
nói những cơm mưa bất chợt đổ xuống Đà Lạt, người đi bộ, hay đi xe, dù không
mang mũ nón, áo mưa cũng cứ bình tĩnh đi dưới mưa, như bình thường. Chúng tôi đến
Đà Lạt trong những ngày không mưa nên không thể kiểm chứng được điều đó. Song
cơn mưa bóng mây lây rây bất chợt khi nắng sớm đang lên tạo ra một cảnh kỳ thú.
Cầu vồng xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Chúng tôi mải mốt chụp
hình, lặng nhìn cái vừng trời bình minh đẹp long lanh ấy. Có lẽ, chúng tôi phải
ở đây lâu, lâu lắm mới cảm được hết, mới thưởng được hết cái đẹp và không khí rất
êm đềm, mơ mộng của thành phố này.
Dẫu sao thì hồ Xuân Hương vẫn là nơi ghi dấu kỷ niệm của
chúng tôi. Sớm và tối, và cả đêm, chúng tôi đều đã có những khoảnh khắc rất tuyệt
vời. Chiếc hồ của thành phố như trung tâm điểm để thu hút du khách vì tầm nhìn,
góc nhìn rất phong phú nó tạo ra. Ở mỗi góc, mỗi điểm nhìn tính từ bờ hồ, trong
mỗi thời điểm khác nhau lại cho thấy một vẻ đẹp riêng của thành phố. Chúng tôi
lặng lẽ rời xa thành phố, rời xa Đà Lạt trong tiếc nuối. Thành phố này đã nối kết
chúng tôi, đem đến cho chúng tôi những cảm xúc, cảm giác đáng nhớ và tuyệt vời.
Sau chuyến đi, tất cả đều có chung một nhận định: chuyến đi nhớ đời. hihi. Chẳng
biết nhớ bao nhiêu lâu nhưng ảnh thì up mãi lên face không hết. Còn cái không
khí Đà Lạt bao gồm cái lạnh, những cuộc đi dạo, những lúc ngồi bên nhau đến hôm
nay vẫn làm nức lòng tôi.
Tôi trêu mọi người là cố làm việc, tích lũy lấy một khoản tiền,
mua mảnh đất, xây căn nhà hai tầng xinh xắn, có trồng hoa, ở trên đỉnh hay cuối
một con dốc nào đó tại thành phố này là đời như mơ. Và đó mãi là giấc mơ lãng mạn
mà chuyến đi, vẻ đẹp của Đà Lạt đem lại. Những cảm xúc lãng mạn, những rung động
đẹp và tình cảm thực, dù chỉ là tạm thời, dù chỉ diễn ra trong khoảng ngắn ngủi
của đời, đủ làm cho chúng tôi thấy hạnh phúc, thấy ý nghĩa và giá trị sự sống.
Không biết các bạn đồng hành của tôi thế nào, riêng với tôi thì Đà Lạt đã giúp
tôi quên, giúp tôi quay lưng với mọi tỵ hiềm, mọi bon chen, mọi phiền toái, để
sống là chính mình. Để rồi, từ đây, tôi trở về và học được cách sống bình
thản hơn, tĩnh tâm hơn, bao dung hơn, đặc biệt có thể ngoảnh mặt, quay lưng lúc
cần thiết, sống bình yên, không dây dính nhiều vào những chuyện tham, sân, si.
Dĩ nhiên hành trình đạt tới sự bình an, tự tại còn rất dài nhưng điều quan trọng
nhất là tôi thấy mình sẽ làm được. Bởi ở đời này, mọi thứ chỉ là phù vân, hư ảo,
nhất là những thứ ngoài thân như tiền tài, danh vọng. Mọi thứ qua đi, còn lại
đó là những chân tình, từ bạn bè và người thân. Tôi sẽ yêu, sẽ trân trọng tất cả
những chân tình ấy.
Và đến lúc này, hơn 3h đêm, vừa gõ máy tính vừa lạnh tê cứng
tay, tôi vẫn lảm nhảm viết những điều, có thể chính những người đồng hành với
tôi cũng thấy nó quá lan man, ngớ ngẩn nhưng nó là lời hứa, tôi sẽ thực hiện
cho hết, ít nhất là cho bản thân tôi, để tôi tự biết làm thăng bằng mình, để
không bột phát, không tự làm khó, làm cho mình dây dính vào những chuyện không
đâu, giảm đi niềm vui và tuổi trẻ như vừa qua. Chợt những lời hát của Trịnh
Công Sơn lại vang vọng, và hôm nay tôi có thêm niềm tin sống: “Còn lại gì sáng
mai đây, thôi ta còn bạn bè”. Chính là những người bạn, cùng tình cảm thành thực
của họ đã khiến tôi luôn vui vẻ, yêu đời và tích cực đến hôm nay, dù đã có quá
nhiều con người khiến tôi run sợ, hoang mang, thậm chí kinh hãi, ghê tởm. Đúng
là đời này cần dành mọi tình cảm, cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ!
Những dư âm, dư ảnh thành mối tơ tình vương vấn
Thành phố đã đi ngủ trưa.
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do,
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về.
Chuyến đi khép lại cách nay cũng 10 ngày rồi. Trở lại cuộc sống
đời thường, mỗi người lại tiếp tục với muôn vàn bận rộn, lo âu thường nhật.
Song như dư âm của cuộc đi vẫn còn đâu đó, trong mình và trong mọi người. Chiều
tối qua, đang dạy thì một số lạ alo cho mình: “Alo. Em Thuận đây. Anh còn nhớ
em không? …”. Mới ngồi nhậu với nhau ở bên hồ Xuân Hương cách có 9 ngày, và ở
Sài Gòn 7 ngày thôi, sao không nhớ? Hihi. Có lẽ em gặp một số người hay quên hoặc
mình là một người nhớ ai đó, cái gì đó ấn tượng khá lâu nên có thể nhận ra bằng
vài chi tiết nhỏ. Thực ra, chuyện này là chuyện rất nhỏ, chuyện rất bình thường
và mình sẽ giữ lời hứa với em ấy về việc mời đi cà phê ở Hà Nội, quán mình
thích.
Cũng như rất nhiều người quen khác của mình, thi thoảng lại
alo hỏi mình về ở Hà Nội thì đi chỗ nào cà phê có không gian tĩnh một chút, có
thể chuyện trò tự nhiên, thoải mái riêng tư, Thuận cũng hỏi mình điều đó, nhất
là một quán cà phê nhạc Trịnh nào đó, kiểu như quán hôm mấy anh em vào ở Đà Lạt,
tức quán Cung Tơ Chiều. Chỉ cho em vài địa chỉ mình hay đến, với mình là được,
còn với người khác không biết thế nào. Bởi phàm những thứ gì liên quan đến cảm
thụ, thưởng thức gì gì đó nó mang tính cá nhân nhiều lắm lắm. Và một điều nữa, ở
Hà Nội, không gian dành cho thở còn tiết kiệm huống chi không gian cho quán xá,
nhất là trong nội đô, đâu có đất thênh thang, và có bao đồi thông như Đà Lạt.
Cái tĩnh, cái yên bình mà quán ở Hà Nội đem lại khá tương đối, chỉ có thể đến
theo giờ, những giờ có ít người đến, sẽ tĩnh, chứ tối thì hầu hết quán đều đông
và ồn ào, mà những quán này thì không quán nào có đủ sự tự tin hay đồng bóng để
đưa ra quy luật cổ quái như quán Cung Tơ Chiều kia. Hehe.
Sự nhắc
nhớ của bạn đồng hành làm mình thấy ấm áp trong cái giá lạnh nhói buốt của miền
Bắc bởi không chỉ riêng mình, mọi người đều rất nhớ chuyến đi ấy, mà bạn còn gọi
là “chuyến đi để đời” kia mà. Những sự tình cờ, ngẫu nhiên đôi khi làm nên những
điều rất tuyệt vời và sự mạo hiểm là yếu tố rất cần trong cuộc sống. Tiếc rằng
khi mình dám mạo hiểm, chấp nhận mạo hiểm vì một điều gì đó thì đã hơi muộn, nếu
không muốn nói là quá muộn. Sự gặp gỡ, đồng hành, rồi sau này có thể làm bạn
lâu dài của chúng tôi có thể coi là hữu duyên. Cuộc sống này, dù thế nào chăng
nữa, cũng đẹp, theo cách riêng của nó, đem đến bao bất ngờ. Có những người chỉ
thoáng qua, chỉ cùng ta đi trên một đoạn đường nhưng sẽ nhớ mãi. Bao người đã
xa, thành cố nhân, thành một dư ảnh nhòe mờ, nhưng sẽ có bao người khác đến,
mang đến những cảm xúc khác. Đời sống vô thường mà. Chỉ có sự thay đổi là mãi
mãi không bao giờ đổi thay. Nhìn một cách tích cực nhất, cái mất đi, cái rời bỏ,
cái tan biến để lại nỗi nhớ tiếc, niềm hoài cảm, cũng chính là một niềm hạnh
phúc lớn trong đời. Còn gì hạnh phúc hơn khi con người được sống và nếm trải tất
cả, bằng những cảm xúc mãnh liệt nhất, được thể hiện trọn vẹn chính con người
mình, thành thực, hồn nhiên. Và còn gì buồn chán và vô nghĩa hơn một đời sống
nhòa nhạt, u ám, cả đời sống theo, sống bằng cái đầu của kẻ khác, chẳng có một
phút nào dám sống là mình, tồn tại và biểu hiện mình như một cái khác/ kẻ khác.
Tôi biết
tất cả mọi người đều hết mình, ít nhất là trong khoảng thời gian hành trình.
Hôm nay, sau một quãng thời gian đủ xa nhìn lại, thấy mình cũng hết mình, thậm
chí hơi bạt mạng chút. Sức khỏe thế mà đi thế, lại còn ham đi, ham chơi mà ngủ
cực kỳ ít nữa. Đêm đầu đến có khi chỉ ngủ được 4 tiếng, rồi những hôm ở Đà Lạt
cũng chẳng nhiều hơn là bao. Kỷ lục là trước hôm bay về hình như mình chỉ chợp
mắt được hơn 1 tiếng. Ngủ sâu sợ dậy trễ, lỡ chuyến bay. Và tôi cũng không ngờ
là đêm hôm về tới Sài Gòn, mọi người còn kéo nhau đi nhậu, nhậu cực khuya nữa.
Sau một hành trình dài và ham hố, ai cũng như bị vắt kiệt sức nên không có chuyện
uống tới bến hay “xõa tẹt ga” như một số người vẫn làm. Bản thân tôi uống cầm
chừng ly bia và chủ yếu lắng nghe mọi người. Con ngõ nhỏ trong đêm Sài Gòn cũng
vắng chẳng khác nào những con ngõ của Hà Nội. Cả thành phố đã ngủ, còn vài đứa
chúng tôi và vài người nhậu bàn bên. Một bác ngó sang bảo: có 9 thằng thì 6 thằng
đeo kính còn làm ăn gì? Hihi. Giữa thành phố lạ, lần đầu tiên tôi có cảm giác
bình yên, an tâm đến thế! Giữa những người vài ngày trước còn lạ, tôi lại thấy
gần gũi đến thế, dù biết rằng, sẽ có người, cả cuộc đời sẽ không bao giờ gặp lại
nữa.
Dường
như với tôi là số phận, có biết bao cuộc gặp gỡ và chia ly như thế đã qua cuộc
đời mình. Học hành, công tác, rồi những cuộc làm quen qua mạng, tất cả tạo ra rất
nhiều cảm xúc, trải nghiệm thú vị. Và dường như, ở môi trường nào, ở việc gì,
tôi cũng gặp được những người bạn, ít nhất trong một số dịp, đi với nhau thoải
mái, vô tư, có thể trút bỏ mọi vẻ đạo mạo, những lo lắng, đề phòng để cởi mở tấm
lòng với nhau. Đến ngay cả cái lớp NCS tôi đang theo, cũng có 4,5 anh, chị, em
có lúc tự thưởng cho mình những khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái, đôi khi
cũng khá bột phát, ngẫu hứng. Mỗi người có một quan niệm sống riêng, những âu
lo, vất vả, những hạnh phúc và ưu thế riêng, nhưng riêng với tôi, nhất là trong
thời gian gần đây, tôi luôn quan niệm sống làm sao phải vui và thoải mái. Còn
những điều khác là do sự lựa chọn riêng của mỗi người, tôi tôn trọng sự lựa chọn
ấy và cũng mong mọi người tôn trọng sự lựa chọn của mình. Tôi rất sợ cái cung
cách của đa số người Việt, có thể trước mặt vẫn tỏ ra bình thường, thân thiện,
nhưng kỳ thực ở đâu đó, lại thì thầm, xì xèo, hoặc mỉa mai về những cái khác,
người khác.
Ở Đà Lạt,
có một hình ảnh nhỏ, rất nhỏ thôi nhưng vẫn ám ảnh tôi, vẫn đọng lại trong tôi,
mà ở kỳ trước tôi không biết nhét vào đâu được. Đó là hình ảnh của bà cụ ăn
xin, ngồi khép nép ở một chỗ không phải hoàn toàn kín, nhưng cũng không phải ở
giữa lối vào như một số nơi tôi qua. Sẽ có nhiều người nhìn thấy, sẽ có nhiều
người không để ý cũng chẳng thấy. Nhìn bà cụ, không hề chìa tay xin mà chỉ ngồi
nhìn một số ánh mắt hướng về mình thấy xót xót, nghèn nghẹn làm sao đó. Có thể
đây là một chi tiết, một điểm duy nhất tạo ra một gợn đen đối lập với cái không
gian tươi đẹp, bình yên, thơ mộng của thành phố ngàn hoa này. Trong đêm lạnh,
sau khi cho bà một chút, bước đi đến những gian hàng của chợ đêm, tôi thấy có một
chút trống trải trong lòng. Bà cụ bơ xờ, phơi mình trong cái lạnh, trơ vơ trong
gió núi hoang vu với mấy đồng tiền lẻ trong tay.
Đúng là cuộc sống này như một bức tranh gồm nhiều mảng sáng,
tối, như một tấm thảm dày mà đâu đó có sợi chỉ đứt, có lỗ thủng nhỏ, nếu không
để ý sẽ chẳng thể biết. Ngồi viết về hình ảnh bà cụ ăn xin như một dư ảnh buồn,
một chấm đen trên bức tranh thơ mộng, tôi nhớ đến truyện ngắn “Truyện không
tên” trong cuốn “Người chăn kiến” của Bùi Ngọc Tấn. Trong tác phẩm ấy, tôi mãi
bị ám ảnh về những con người khốn cùng trong xã hội, đặc biệt là bà cụ ăn xin –
Bà Mít. Bà đi ăn xin để nuôi hai đứa cháu ở quê và khi tin tưởng được, bà đã gửi
tất cả số tiền xin được cho chị Sợi và gửi luôn cả những vỏ bao xi măng và những
túi ni lông đựng bánh kẹo được giặt sạch, phơi khô làm vải liệm cho bà khi bà
qua đời. Để rồi, bà ra đi mãi mãi, không bao giờ quay lại nhà chị Sợi nữa. Người
đàn bàn khốn khổ này đã thực hiện nguyện ước cuối cùng của bà cụ, mang tiền,
mua quần áo cho hai đứa trẻ mồ côi và mang luôn thứ “vải liệm” mà bà cụ tự chuẩn
bị cho mình theo, dù chưa biết đích xác địa chỉ phải đến.
Mỗi chuyến đi cùng bao điều mới mở ra. Dù chúng tôi chỉ
lướt qua nhưng một phần rất nhỏ nào đó, đã giúp tôi hiểu, biết và cảm được nhiều
hơn về cuộc sống, dạy cho tôi biết sống, biết trân trọng những gì quý giá của
mình, nhất là tình cảm. Hình ảnh người đồng hành với tôi – người học trò – còn
mãi sự tận tình và tận tâm. 2h đêm lặn lội đón tôi ở sân bay, rồi suốt hành
trình tự nhận về mình những cung đường hiểm nguy, đêm về lại Sài Gòn cũng chỉ
ngủ hơn 1 tiếng rồi đưa tôi ra sân bay. Không chỉ có một mà còn khá nhiều em học
sinh khác, đã xa mái trường phổ thông, có em tôi cũng chẳng dạy trực tiếp bao
nhiêu, luôn luôn sẵn sàng đón tiếp, giúp đỡ tôi. Các em đã, đang và có lẽ sẽ phải
đối mặt với nhiều vất vả, với cuộc mưu sinh, với lo toan và gánh nặng, nhưng đã
luôn dành cho tôi quá nhiều ưu ái. Gần gũi, có khi chỉ là nói một vài câu thôi
nhưng tôi hiểu được tất cả điều đó, những gì các em đã phải trải, đang phải nỗ
lực, để có thể có một cuộc sống ổn định. Đây mới là giá trị đích thực, lớn nhất
mà công việc của tôi đã làm được, hơn mọi cái danh và những giấy/ bằng khen tôi
xếp chồng ở một khoang giá sách.
Ngồi nhớ lại chuyến đi lòng lại bồi hồi. Cảm xúc vẫn như
nguyên vẹn, nhất là những điều rất mới, rất khác của miền Tây Nguyên, còn đâu
đó trong mắt, trong mường tượng. Nắng, gió, dốc đèo, những đồi, những núi bạt
ngàn cao su, cà phê, chè, cây cỏ tươi tốt. Đâu đâu trên miền cao nguyên ấy, tôi
cũng thấy một sự kỳ vĩ và phóng khoáng. Tôi sẽ còn đi, tiếp tục nhiều cuộc hành
trình nữa cho đến lúc kết thúc cuộc đời quá ngắn ngủi này vì tôi biết thời gian
của tôi cũng không còn quá nhiều. Hy vọng rằng, tôi sẽ hiểu, cảm được nhiều hơn
từ sự thâm nhập sâu sắc vào đời sống, vào những phận người. Và trong một thời
gian ngắn đó, tôi vẫn sẽ làm được những việc nho nhỏ, có ích cho những người
thân thích và cả những người liên quan đến tôi. Để trong một hành trình sống
không dài, tôi đã không hối tiếc khi có những phút giây được sống là mình, được
biểu hiện chính con người mình, tìm ra ý nghĩa đích thực trong đời sống, để biết
rằng, ở mức nào đó mình cũng có thể mạo hiểm, mình cũng có thể làm được nhiều
thứ, mình cũng có thể nhẹ tênh vứt bỏ nhiều thứ phù vân để dấn thân, để sống
thanh thản trong bình yên.
Những cuộc hành trình đọng lại không chỉ là dư ảnh, dư âm của
giọng nói, dáng hình, nét cảnh, mà quan trọng nhất là những dư tình, là những
tình cảm và sẻ chia dành cho nhau. Và dư tình đó được khởi nguồn từ chính cái
tình của nơi thân quen, của người gần gũi. Buổi chiều trước khi ra sân bay, tôi
ghé qua Hà Nội, tìm đến phố sách, gặp cô bán sách quen, để trò chuyện, để mua
cuốn sách cuối cùng của một năm. Cô đi mua bánh mì xúc xích đãi, hai cô cháu
cùng ăn và nói vài câu chuyện của năm cũ, của sách vở, về vài người quen thân,
hay những chuyện thú vị khác của đời sống – những câu chuyện như thế không phải
có nhiều người có thể chia sẻ cùng tôi, nhất là ở môi trường tôi đang sống và
làm việc, đặc biệt là câu chuyện về sách. Chợt xâu chuỗi lại thì thấy bản thân
mình đã được rất nhiều những sự chia sẻ như thế trong suốt bao năm qua. Đôi khi
chỉ một cuộc điện thoại, chỉ một sự lắng nghe đủ cho mình vượt qua nhiều việc
khó khăn, căng thẳng.
Năm qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin dữ về bản thân
mình nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, sống mạnh khỏe và tử tế nhất có thể, trong khoảng
đời của mình. Và năm nay, với một khởi đầu như thế, cũng có thể nói là khá tuyệt
vời. Ra đi rồi trở về, tiếp tục hết mình với cuộc sống và công việc hiện tại,
cho những gì là thật, là ý nghĩa, theo quan điểm của mình. Và những lời cuối của
bài viết này, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến tất cả những người đã đồng
hành với tôi, không chỉ là mấy người của chuyến đi, mà hơn hết là những người
đã cùng tôi chia sẻ trong suốt hành trình sống 30 năm qua. Đó là những người
thân, là thầy, cô, bạn bè, là cả những học trò đương thời và đã ra trường. Hy vọng,
trong thời gian tới, tôi vẫn còn những bạn đồng hành tuyệt vời như vậy trong
hành trình, có lẽ cũng chẳng dài lắm, vì đời là vô thường mà. Tôi cũng hy vọng
rằng, trong cảm nhận của những bạn đồng hành kia, tôi không đến mức là một người
đồng hành tồi. hihi. Để từ đây, tôi có thể tiếp tục tự tin, làm bạn đồng hành của
nhiều người, trong nhiều cuộc hành trình khác của đời sống bất tận đang mở ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét