Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Trí Nguyễn: Nghệ sĩ thăng hoa cùng tiếng đàn tranh

Trí Nguyễn: Nghệ sĩ thăng hoa 
cùng tiếng đàn tranh
Luôn có sự song hành giữa nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân gian, truyền thống của Việt Nam trong các buổi biểu diễn, nghệ sĩ piano và đàn tranh Trí Nguyễn là người đã mang đến một sự đối thoại trong âm nhạc phương Đông và phương Tây. Với sự kết hợp của âm nhạc cổ điển Tây phương với các bản dân ca, nhạc tài tử Nam Bộ, các sáng tác của anh đã nhận được sự yêu thích của đông đảo khán - thính giả ở nhiều nơi. Đặc biệt, giải Vàng và giải được yêu thích nhất tại Global Music Awards do khán giả Mỹ bình chọn năm 2015 chính là sự ghi nhận của khán giả quốc tế trên con đường âm nhạc của nhạc sĩ Việt kiều Pháp này.
Sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình đậm chất Nam Bộ, từ nhỏ Trí Nguyễn đã được gia đình cho theo học đàn tranh và tìm hiểu nhạc cổ truyền dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh), anh tiếp tục theo học tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris (Pháp) với những giáo sư nổi tiếng.
Nhờ tố chất cùng tình yêu đặc biệt với cây đàn tranh, Trí Nguyễn có thể hòa điệu, phổ biến âm nhạc Việt Nam một cách tương thích với nhiều loại nhạc cụ của phương Tây. Chính từ những chất liệu đó, cùng những trải nghiệm sống và tình cảm đặc biệt dành cho quê hương là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo những bản nhạc với cây đàn tranh của dân tộc.

Nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn. Ảnh: Thông Hải
Nghệ sĩ biểu diễn piano và đàn tranh Trí Nguyễn 
diễn tại sân khấu kịch Idecaf, Tp. Hồ Chí Minh

tháng 2/2017. Ảnh: Thông Hải

Đôi tay tài hoa của nghệ sĩ Trí Nguyễn 
lướt trên những phím đàn. Ảnh: Thông Hải

Nghệ sĩ Trí Nguyễn thăng hoa cùng tiếng đàn 
của mình trong một buổi biểu diễn. Ảnh: Thông Hải
Nghệ sĩ Trí Nguyễn giới thiệu cấu tạo 
cây đàn tranh Việt Nam với khán giả. Ảnh: Thông Hải
Nghệ sĩ Trí Nguyễn tại buổi nói chuyện chuyên đề 
“Phát triển thương hiệu thông qua hành trình văn hóa”
tại trường Cao đẳng Việt Mỹ - Tp. HCM. Ảnh: Thông Hải
Nghệ sĩ Trí Nguyễn trong một buổi giao lưu với 
khán giả tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thông Hải
Đàn tranh Trí Nguyễn cùng với tứ tấu piano 
trong đêm diễn tại tại sân khấu kịch Idecaf, 
Tp. Hồ Chí Minh 
Ảnh: Thông Hải
Người hâm mộ chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ 
Trí Nguyễn sau đêm biểu diễn tại sân khấu 
kịch Idecaf, Tp. Hồ Chí Minh
tháng 2/2017. Ảnh: Thông Hải.

“Tôi muốn âm thanh của cây đàn tranh luôn là âm chính hòa cùng dàn nhạc Tây phương. Dùng tiếng đàn Tây phương để đẩy chất âm đặc biệt của tiếng đàn tranh lên một bậc mới, tạo sự khác biệt”, Trí Nguyễn chia sẻ về phong cách sáng tác của mình.
Trong nhiều tác phẩm của anh, có thể thấy tiếng đàn tranh giữ nhiều vai trò khác nhau. Có khi đàn tranh lĩnh xướng kéo theo dàn nhạc dây của Tây phương, có khi tiếng đàn tranh lùi lại phía sau ẩn mình hòa điệu với dàn nhạc, khi thì cùng tiếng violin song tấu nâng đỡ, hỗ trợ nhau hoặc đối chọi rồi kết hợp đầy bất ngờ. Ngoài ra, Trí Nguyễn đã mạnh dạn đưa vào bản nhạc những điệu hò, điệu lý, lời ru...quen thuộc của người Việt nhưng được thể hiện bằng một kỹ thuật mới mà vẫn giữ được đậm chất âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Từ năm 2014, Trí Nguyễn đều đặn cho ra đời những album nhạc hòa tấu đàn tranh, gồm: Consonnances (Hòa điệu, năm 2014), A journey between worlds (Du ngoạn nhân gian, năm 2016) và mới đây nhất là Beyond borders (Vượt qua mọi biên giới). Các tác phẩm của anh được khán giả trên thế giới đón nhận, trong đó đĩa đầu tay “Consonnances” nhận được giải vàng Album world music xuất sắc (Global Music Award) và giải cho album hòa tấu hay nhất (Akademia USA).
“Tôi rất hãnh diện khi âm nhạc của mình được khán giả quốc tế đón nhận. Những giải thưởng này ghi nhận âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã vượt qua những giới hạn biên cương, đáp ứng được nhu cầu thẩm âm của khán giả trên thế giới, được thế giới tiếp nhận, cảm thụ và vinh danh”, Trí Nguyễn chia sẻ về các giải thưởng này.

Bìa album đầu tay của nghệ sĩ Trí Nguyễn 
mang tên Consonnances (hòa âm). Ảnh: Tư liệu
Bìa album thứ 2 của nghệ sĩ Trí Nguyễn mang tên 
A journey betwwen worlds - Du ngoạn nhân gian. Ảnh: Tư liệu

Bìa album thứ 3 của nghệ sĩ Trí Nguyễn mang tên 
Beyond borders - Vượt qua mọi biên giới. Ảnh: Tư liệu

Vừa am hiểu âm nhạc dân tộc lẫn âm nhạc phương Tây, 
các bản nhạc do nghệ sĩ Trí Nguyễn sáng tác cho đàn tranh

hòa nhịp cùng với các nhạc cụ khác trên thế giới. Ảnh: Thông Hải.
Nhà giáo ưu tú - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, nhận xét về con đường mà Trí Nguyễn đang đi: “Tôi cảm thấy rất vui vì Trí Nguyễn đã cố gắng đưa tiếng đàn tranh của dân tộc hòa nhịp cùng với các nhạc cụ khác trên thế giới. Điều đáng khen ở Trí Nguyễn là anh đã mang một số nét riêng của âm nhạc truyền thống như những bản cải lương, những câu hò, điệu lý gần gũi, quen thuộc, dễ nghe để giới thiệu đến khán - thính giả nước ngoài, giúp họ từng bước làm quen với âm nhạc dân tộc của chúng ta”.
Gần đây, Trí Nguyễn thường dành thời gian về Việt Nam để giới thiệu các sản phẩm của anh đến khán giả trong nước. Mỗi năm anh đều tổ chức ít nhất một đêm nhạc để giới thiệu các album vừa phát hành hoặc các sáng tác mới đến khán giả. Tháng 2 vừa qua, Trí Nguyễn đã có buổi giới thiệu album "Beyond borders" tại Tp. Hồ Chí Minh. Anh chia sẻ một trong những kế hoạch sắp tới là tiếp tục giới thiệu đến công chúng trong nước những tác phẩm do anh mới sáng tác vào tháng 10 năm 2017. Bởi theo anh, “Dù đi đâu hay làm gì, anh cũng là người Việt, và khán - thính giả trong nước mới chính là những người quan trọng nhất mà anh hướng đến để phục vụ”.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Thông Hải & tư liệu
Theo http://vietnam.vnanet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...