Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Vui thôi mà

Vui thôi mà
Hồi nãy thì đã trôi xa
Lát nữa thì chẳng biết ra thế nào
Bây giờ đang thở với nhau
Cằn nhằn nặng bụng tào lao nhẹ lòng
Chẳng biết mắc gì mà tôi làm một loạt gần trăm bài thơ Đường, cũng lại thơ Đường. Ôi sao mà cái đầu tôi lại cũ mèm thế nhỉ?. Mà cũng chẳng biết ở đâu mà nó lại tuôn ra lắm thế. Gần một tháng.
Vô Đề 64
Nghĩ là già chát chẳng còn yêu
Sao cái con tim cứ đập liều
Tưởng huyết áp tăng nên lộn xộn
Ngỡ tim bọc mỡ mới liêu xiêu
Lẽ đâu đuôi mắt cô hàng ớt
Hay bởi nụ cười chị bán tiêu
Rốt cục vì ai thì chẳng biết
Đem quên gài cửa ả thơ khều
Tôi bị ả thơ khều liên tục như để nhắc nhở mình ai trong cõi đời này. Tôi một lạch nước con con, à không, một giọt sương mong manh tí xíu bị cuốn vào giọt sương thơ từ bao nhiêu ngàn năm trước. Tôi may mắn hay bất hạnh. Biết chết liền. Nhưng dù sao thì tôi cũng đang sống như vậy. Vậy thì hãy sống như vậy đi. Tôi ơi. Tôi…
HÃY SỐNG
Hãy sống với … rót tràn ly say đắm
Hãy sống cùng …chuốc cạn chén nồng hương
Bàn tay em dù lỡ nhịp nghê thường
Vẫn lay động  lòng ta cơn bối rối
Hãy sống với… mặc tháng ngày trôi nổi
Hãy sống cùng… đổ ước vọng vào trăng
Bờ môi em dừng tô nữa màu son
Cho ngọt lịm nụ hôn dành cho ấy
Hãy sống với… bằng ước mơ nồng cháy
Hãy sống cùng… dù chỉ nửa lời yêu
Khuôn ngực em đầy ắp giọt nắng chiều
Vẫn cứ mãi thơm thơm từng hơi thở
Hãy sống với… ly rượu nồng dang dở
Hãy sống cùng… dù đắng giọng bon chen
Bằng tin yêu cuộc đời sẽ đẹp hơn
Ta cũng sẽ vì em mà tươi tắn
Hãy sống với… rót tràn ly say đắm
Hãy sống cùng… chuốc cạn chén nồng hương
Bàn tay em dù lỡ nhịp nghê thường
Vẫn lay động  lòng ta cơn bối rối
4.9.1988
Bài thơ này tôi viết sau khi ra tù dược 2 ngày. Xin dừng nghĩ đây là một bài thơ tình mà tôi viết cho một cho em thất cơ lỡ vận nào đó. Ngàn lần không phải, hình ảnh trong thơ quả là như vậy. Nhưng tôi mượn một em mơ hồ hay cụ thể nào đó để đóng thế vai cho ả thơ mà tôi đã bỏ lại ngoài cánh cửa lao tù mà tôi được mời… nhón chân vào, để khi trở ra thì gặp lại ả đang tàn tạ dung nhan. Tôi quả là lu bu thật.
Và khi chắp lại mối duyên xưa thì… công lực mỏi mòn đành thỉnh thoảng mua thơ về để đó, rồi khi nào thèm thơ thì rút đại ra một tập mà chỉ đọc đôi bài. Cứ thế mà thơ ở nhà tôi nhiều dần, nhiều dần. Mua thì khoái, đọc thì cũng khoái, nhưng hơi buồn. Mỗi tập gần trăm bài mà có chín mười ngàn. Tính ra mỗi bài không hơn một ly café đá. Ấy vậy mà không nghe nhà thơ nào than thở cả. Bởi vậy khi nói “hiền như thơ” thì đâu có trật và nếu nói thêm “buồn như thơ” thì lại cũng như cụ Tản Đà nói “văn chương hạ giới rẻ như bèo” thì mới đắng cay vô cùng, mà ngặt nỗi nó lại trúng. Ngộ thiệt ta.
Và không biết tự bao giờ. Một bài thơ tôi thích thì tôi đọc rất nhiều lần. Nhưng chưa bao giờ săm soi vạch lá tìm sâu. Thậm chí còn tìm xem lý do tại làm sao mà tác giả lại sử dụng những từ hơi bị… chướng. Tôi không bênh vực, và tất nhiên là không chê khen gì. Bởi vì tôi chỉ là người cảm thụ một thành quả.
“Khi đọc ca dao, thơ và các loại hình văn học được sản sinh ra trong một môi trường nào, thì khi muốn cảm thụ hết cái hồn của nó thì nên trở về môi trường đó. Hay chí ít cũng tự đặt mình vo môi trường đó”  Hồi mới tập tểnh vào thơ, thầy giáo dạy Việt văn của tôi đã nói với học trò ông, trong đó có tôi, như thế. Nghe hát quan họ, điệu cò lả… thì trên những cánh đồng Bắc Hà hay cứ cánh đồng khoáng đạt nào đó. Nghe điệu Nam Bình, Nam Ai, nghe tiếng đàn bầu thì trên sông Hương hoặc những khung cảnh gần như thế, hoặc hò đối đáp trên những ghe thương hồ ở làng quê đầy sông rạch Nam Hà… nghĩa là phải thả hồn vào con chữ mình đọc, giọng điêu mình nghe. Ôi chà. Sao mà khó thế? Nhưng rồi thời gian đã chỉ vẽ cho tôi, quả tình nghe Vọng cổ, dù là của nghệ sĩ tài danh, trong một căn phòng sang trọng cũng không đã bằng nghe trong buổi đàn ca tài tử tự phát; xem cải lương, hát bộ trong các rạp máy lạnh không sướng hơn các gánh bầu Tèo hát ở sân đình. Thế thì đọc Kiều phải trong đêm tĩnh lặng, nghe mẹ ru con có kèm theo tiếng võng đưa kẻo kẹt, nghe nói thơ Lục vân Tiên vào những trưa hè, nghe ca trù thì phải có một mâm rượu nhẹ hay chí ít cũng là những cốc trà thơm… Trong không gian ấy, cái không gian mà thơ ca và tiếng hát ra đời, rồi cũng chính nơi ấy nó lại được cất lên và lan tỏa và thẩm thấu. Tất nhiên, khi cảm thụ thì đâu có cần phải nhiêu khê đến vậy, chỉ cần một cái tâm đồng cảm là mọi thứ trở nên tuyệt vời. Thảo nào mà thời còn đi học, bọn chúng tôi gần như đứa nào cũng thuộc bài Kẻ Sĩ của ông Hoàng Hát Nói Nguyễn Công Trứ.              
Nhưng có những bài thơ được viết trong chiến tranh, trong hoàn cảnh đất nước chẳng yên bình. Tôi không dám đọc, hay nói đúng hơn là không dám cảm thụ, không phải vì không hay mà vì… tôi sợ. Không phải sợ những bài thơ ấy mà sợ bối cảnh bài thơ ấy ra đời.
Tôi được biết. Khi đọc sách, nhất là các loại sách nặng ký, các cụ thường tìm một nơi, một lúc yên tĩnh đọc sách trong không gian thoang thoảng hương trầm hay chí ít cũng lồng lộng gió mây. Có lẽ vì thế mà hôm nay ca dao, thơ và các loại hình văn học dân gian bị chìm nghĩm giữa bộn bề tiện nghi vật chất. Nhịp sống nhanh trong một không gian bị bó hẹp bởi bàn tay con người, cộng với những nhu cầu không thật sự hoặc chưa thật sự cần, nên những cảm thụ bị mất đi sự tinh tế. Từ đó, ca dao, thơ và các loại hình văn học dân gian bị cho là rề rà, là… những thứ không còn cần thiết cho nhu cầu đương đại (?!). Cũng có những người vì đau lòng nên đem đến những tiết tấu mạnh mẽ hơn, hình thức hào nhoáng hơn, quy mô hoành tráng hơn cho thơ, cho ca dao, cho các loại hình văn học dân gian và kết cục là lạc điệu. Nói thật lòng, nghe ngâm thơ trên radio đã hơn coi ngâm thơ trên VTV1 (các VTV khác không có mục này). Nhưng nhà tôi thì chẳng có radio, nên tôi ngâm cho tôi nghe vậy. Có thể tôi sai, hoặc tôi sống quá nhiều với những cũ càng, với những lơ thơ mơ. Nhưng dù gì thì tôi vẫn là tôi với một đời để thơ và một đời để thở. Bất cứ ai cũng thế, hễ còn sống là còn cảm nhận thơ, còn cảm nhận ca dao, còn cảm nhận các loại hình văn học dân gian, dù có khi suốt đời họ chưa bao giờ nếm thử một lần. Ai vậy ta?
Với tôi, những bài thơ được làm ra, của ai không biết, nhưng đã đến được người đọc thì phải là một bài thơ hay. Cái còn lại là người đọc tiếp nhận và cảm thụ ra sao. Tôi cũng vậy. Có nhiều bài thơ rất hay, nhưng tôi không cảm thụ được. Có những bài, với người khác thì chẳng ra làm sao cả thì tôi rất tâm đắc. Từ đó tôi nghiệm ra là Thơ rất bao dung. Thơ dành cho tất cả mọi người sự yên bình. Có đầy đủ tất cả để phù hợp với từng cảm xúc của mỗi người. Bởi vì thơ trước nhất là vần điệu của lòng người, kế tiếp là vần điệu của cuộc đời, vần điệu của dân tộc và có lẽ là vần điệu của tạo hóa.
Tôi bắt đầu đọc lại thơ khoảng năm 1985 và thỉnh thoảng làm thơ mà không ra làm sao cả. Trong khi đó, có rất nhiều thơ xuất hiện, thành danh hoặc chìm trong quên lãng. Cuối cùng, để tập viết lại tôi lại đành viết nhái mà may thay chỉ có hai bài. Dưới đây là bài thơ tôi nhái theo bài thơ Đợi. Tôi đọc ở đâu đó khoảng năm 1987. Bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo xanh hơn, êm đềm và mượt mà chớ không bức bối như tôi. Xin lỗi anh Tạo. Tôi quên bài thơ của anh rồi. Nhưng tôi đoan chắc là có một khoảng thời gian khá dài tôi thuộc.
NẮNG THÁNG TƯ
Đất trăn trở đợi cơn mưa,
Nắng bức bối đợi gió đưa mây về.
Đợi nước, quặn dòng sông quê,
Nỗi cô quạnh đợi thuyền về bến xưa.
Vườn hiu hắt đợi chân qua,
Khô xào xạc lá, buồn trơ vơ cành.
Đợi trăng, ngắt quảng điệu tình,
Ơi mây! Ơi gió! Chưa thành cơn mưa
Lòng khô khô giữa hanh trưa,
Giấc thao thức đợi đêm khuya khoắc về.
Cứ  oi  oi  mãi  ngày  hè,
“Bỗng dưng anh hiểu khi chờ đợi em” (NTT).
Bài thứ hai tôi viết theo bài thơ Trò Chuyện Với Mùa Xuân của chị Phan thị Thanh Nhàn. Cũng lại phải xin lỗi chị Thanh Nhàn thôi. Tôi làm mất số báo Xuân ấy rồi.
TRÒ CHUYỆN VỚI MÙA XUÂN
Tặng Lâm Vĩ Hòa
1. Mưa.
Thôi em che nón lại đi,
Kẻo mưa, mưa lạnh làm gầy tóc em.
Nôn nao, anh đứng bên hiên,
Gởi xao động đến con đường em qua.
Ôi chao. Mưa cứ nhạt nhòa,
Tháng mười rồi, biết bao giờ mới Xuân.
2. Hoa
Kìa cơn gió chướng tần ngần,
Chuốt thêm mượt nụ tầm xuân trên cành. 
Cứ đùa sóng lúa dập dềnh,
Rót sương từng giọt cho thành mùa Xuân.
Em  ơi  cây  đã  trổ  bông,
Hốt nhiên quên hết bao dòng mồ hôi.
3. Bàn Tay
Vết chai sần trên đôi tay,
Mà  thô  ráp  ấy  lại  đầy  dịu  êm.
Cám ơn từng sợi tóc em,
Cánh đồng cứ thế cho thêm no lành.
Mảnh vườn trái nặng trên cành
Lá xanh thêm biếc, cõi tình thêm say.
Lại Mùa Xuân.
Mùa xuân thì chẳng riêng ai,
Vì  em,  anh  nối  thêm  dài  mùa  Xuân.
Bài  thơ  anh  viết  cho  anh,
Nhưng  lý  do  để  hình  thành  là  em.
Nắng sương nhuộm trắng tóc mềm,
Mỗi mùa Xuân mỗi đầy thêm xuân nồng…
Mồng 1 tết  Ất Dậu 9.2.2005
Tất nhiên là tôi đọc rất nhiều những nhà thơ hiện đại, từ Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Nguyễn Tôn Nhan, Đinh Hùng, Cẩm Thi, Kiên Giang, Cẩm Thi Lý Dũng Tâm đến Than Ôi, Nhất Tuấn, Lê Hoa Niên, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Trụ Vũ, Phù Sa Lộc, Từ Kế Tường… rồi Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Sĩ Sáu, Lê thị Kim, Nguyễn Thái Dương, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương… cho đến bài thơ đăng trong các báo thiếu nhi. Nghĩa là vớ lấy báo, tạp chí là đọc thơ trước rồi tính sau. Nghĩa là có vô số nhà thơ tôi chỉ đọc có một bài rồi không thấy nữa hay có thấy mà lại quên. Rất thích mà nhớ thì không được bao nhiêu. Tôi thấy buồn buồn vì cái trí nhớ và sức cảm thụ kém cõi của mình và cả cái tính lơ mơ không biết giữ gìn những thứ mình yêu quý.
Tôi nhớ khoảng thập niên 1980, tôi gặp những tên tuổi lạ trâng, lúc đó tôi đang te tua nhưng cũng cố đọc. Những bài thơ của những người làm thơ trên dưới tôi năm ba tuổi. Những bài thơ ấy rất cảm động, nhưng rồi nó lại chìm khuất đâu đó và những bài thơ ấy tôi không còn nhớ và cũng không có điều kiện để giữ. Những cái tên này hình như vẫn còn thấy ở nơi này, nơi khác, nhưng hiếm thấy trên những trang thơ. Tôi biết họ vẫn làm thơ, làm sao mà họ bỏ cho được, nhưng tìm thấy thơ họ in thì hơi khó, tìm trên báo thì phải rất hên mới gặp. Nhớ lại những bài thơ họ viết lúc đó sao mà nôn nao trong bụng. Rốt cục rồi tôi cũng gặp lại, nhưng không nhiều.
NGỌN ĐÈN DẦU TRÊN ĐIỂM TỰA
Ngọn đèn soi trong bóng đêm
Bình thường như anh yêu em
Thế mà ở trên điểm tựa
Đèn là mơ ước hằng đêm
Một đêm không đèn qua đi
Một tháng không đèn qua đi
Nhưng mơ ước luôn bùng cháy
Nên đèn trở nên diệu kỳ
Có đèn, đêm thôi hoang dã
Nhìn nhau lòng thấy dạt dào
Hạnh phúc bình thường như thế
Mà đôi khi ngỡ chiêm bao
Anh hiểu nhiều về bóng đêm
Nên cần ngọn đèn soi tỏ
Như em chưa từng gian khổ
Nên yêu anh để đợi chờ
Poipét 10/81. Phạm Sĩ Sáu
Ngọn đèn ấy chỉ lối cho tình yêu và hạnh phúc, thắp sáng đời người… Điều đó hẵn nhiên rồi. Nhưng chính cái bóng đêm không đèn ở một nơi không mong muốn lại làm cho ước mơ bừng sáng và gia thêm hương sắc vào tình yêu. Một ngọn đèn không ánh sáng nhưng lại làm sáng rực những ước mơ và chỉ có nhà thơ mới… thắp nổi. Tuổi trẻ sống trong hoàn cảnh đất nước không yên bình buồn và đẹp như thế ấy. Vì vậy mà bài thơ dưới đây làm cho tôi nhói lòng. Không mong nó xuất hiện nhưng nó đã đến, thậm chí đến rất nhiều.
MONG MANH
Có những lúc ngồi lau súng
Ngẫm nghĩ về hòa bình, vợ con, cuộc sống
Ngẫm nghĩ về điếu thuốc rê
Ngẫm về Dostoievski
Chợt thấy thương mình vô hạn
Phải nhắm một con mắt
Nhìn thấu từ đầu nòng vào ổ đạn
Kiểm tra kết quả thông nòng
Chợt nghĩ lòng vòng
Viên đạn xuyên qua người có thể chết
Bài thơ xuyên qua người có thể hồi sinh
Nghịch lý là
Khi đón một sứ giả hòa bình
Ta thường nã lên trời nhiều loạt đại bác
Có những bài thơ tuyệt tác
Lại viết về chiến tranh
Hình như cái gì cũng dễ mong manh
Nếu ngẫm nghĩ khi ngồi lau súng.
8/89 Huỳnh Kim
Không một người nào trong thế hệ tôi mà không từng mó vào khẩu súng. Mó để chơi, mó vì bị người ta xúi, mó để bắn nhau vô cớ, mó để giết người, mó để giải quyết những thù hằn không có thật, dù rằng hàng ngày trên cái hệ thống truyền thông khổng lồ của Đảng liên tục kêu gọi “nuôi dưỡng căm thù”. Và cái đau đớn tuyệt cùng là mó vào súng để làm thơ. Vậy mà Huỳnh Kim lại mó vào để ngẫm nghĩ rồi mới làm thơ. Ôi trời. Một ngẫm nghĩ, mà khi ngẫm nghĩ ra được thì kết quả ra sao cũng muốn chết giấc. Mấy tay làm thơ lu bu thật (!?) Mà không lu bu sao được khi mà “Bài thơ xuyên qua người có thể hồi sinh” Không thể xếp xó những bài thơ này, bởi vì Huỳnh Kim đã khám phá ra cái nghịch lý vĩ đại của những kẻ làm thơ mà cũng là những nghịch lý đau buốt lòng người “Có những bài thơ tuyệt tác, Lại viết về chiến tranh”. Hôm nay đất nước yên bình, không còn tiếng súng, nhưng vẫn còn đó bộn bề nghịch lý. Bộn bề cũ dọn sắp xong, bộn bề mới lại đang bày biện và nhiều hơn gấp bội. Rồi chắc sẽ…“Có những bài thơ tuyệt tác. Lại viết về cuộc sống bầy hầy?. Có buồn lắm không? Huỳnh Kim. Rất tiếc tôi không còn nhớ một bài thơ của Nguyễn Thái Dương viết người thầy giáo đạp xích lô để kiếm thêm gạo cho no lòng khi lên lớp. Không sao đâu người bạn thơ chưa quen biết. Tôi cũng như bạn, cũng nghĩ là luôn luôn có những bài thơ xuyên qua cuộc đời này, không phải chỉ mới bây giờ mà nó bắt đầu từ khi có cuộc đời này. Bởi thế cho nên tôi mới bạo phổi làm cú đọc thơ “trời thần” như thế này. Bởi vì chúng mình đang sống và phải sống trong những buồn buồn để có cái mà tìm lấy những vui vui, nếu như không có đêm đen mịt mùng của một điểm tựa trên chiến trường, chắc gì Phạm Sĩ Sáu đã thắp lên  được trong lòng ngọn đèn dầu của Hạnh Phúc. Và vì thế mà đời còn rất nhiều những con người đang cặm cụi làm thơ. Tất nhiên làm vậy để làm gì thì chắc chúng ta không thể biết, ngoài cái việc chúng ta rất yên lòng khi viết xong những vần điệu của lòng mình. Như vậy thì cũng đủ rồi. Từ những ngày xưa, xưa lắm ấy cho mãi đến tận bây giờ, tiền nhân đã chẳng nối tiếp nhau mà làm như thế ư? Thực ra giá trị của một bài thơ được quy ra tiền thì vừa đủ một ngụm trà hay một ly café hoặc hơn nữa là một ly rượu và thậm chí có khi chỉ là một ly nước lã. Thậm chí, ó những bài thơ được viết ra rồi bị người chụp lên trên đầu một cái mũ để che nắng khi vào tù như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao… Nhưng với ông cụ Phan Khôi thì…
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có bề nào cũng chẳng làm chi
Lam chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có bề gì cũng chẳng làm sao
Và dòng sống thơ vẫn chảy. Ha…!  Ha…! 
Tôi viết những dòng này trong lúc tôi rất khó khăn trong cuộc sống, khó khăn tưởng như không qua được. Nhưng tôi đã và đang đi qua nhờ những dòng thơ mà người xưa, người nay để lại. Tất cả làm cho tôi tin ở lòng người và rồi tin ở lòng tôi. Những trang viết này không phải là kết quả của một sự nghiên cứu nào cả, mà cũng không phải là bình thơ, lại càng không phải là phê bình. Tôi chỉ nói về sự cảm thụ của tôi về thơ. Cảm thụ để nên thơ và để thở. Tôi chỉ là người may mắn được thụ hưởng những thành quả của cha ông, của những người đi trước, của những người cùng thời và cả những người đáng tuổi em, tuổi cháu. Những trang viết này chẳng qua chỉ là những dòng tùy tiện, biết đâu nói đó, nghĩ gì nói vậy… Và vì thế nên có lắm điều trớt quớt. Thực tình, đọc và cảm thụ được một bài thơ cũng không hề đơn giản. Biết và đồng cảm với tác giả lại là một việc khó khăn hơn. Tôi cố gắng làm theo lời thầy tôi hướng dẫn. Tôi cố tìm biết lịch sử, địa lý nước nhà để trở nên lương thiện như thầy tôi đã nói. Điều đó thì chắc rồi, còn tự khẳng định mình có lương thiện không thì tôi không dám. Nhưng dù gì thì những ao ước ban đầu tôi cũng thực hiện được đôi điều. Thực ra có rất, rất nhiều bài thơ hay, nhưng tôi không thể nào dung nạp được, hoặc là tôi không đọc được, như Cung Oán Ngâm Khúc chẳng hạn. Tôi đành chịu. Nếu như có ai hỏi tại sao tôi không đọc bài thơ này hay tác giả kia. Xin thưa, tôi thấy thơ là đọc, mà cảm thụ không được bao nhiêu, nhưng có một điều tôi biết chắc là những bài thơ ấy đang thấm vào tôi, sự thấm đẫm ấy có khi gây nhớ, nhưng những gì không nhớ được thì lại hay hơn. Dù gì thì những bài thơ, những nhà thơ mà tôi không nhắc đến đang tạo ra tôi. Tất nhiên sẽ có hàng ha sa số những bài thơ, nhà thơ mà tôi không có cơ duyên được đọc.
Tôi đi được gần hết quảng đường đời, nhưng không bao giờ hết quảng đường thơ, không sao. Chưa bao giờ tôi cảm thụ được hơi thở của mình bằng lúc này. Cám ơn Thơ, cám ơn những người làm thơ đã tạo điều kiện cho tôi được tập làm thơ, tạo điều kiện cho tôi được thở.
Thơ hôm nay thì muôn hồng nghìn tía, phản ảnh hầu hết mọi mặt của cuộc sống, phơi bày tách bạch mọi ngóc ngách của lòng. Nhưng cũng chính vì thế mà thơ hôm nay rất buồn. Buồn đến thắt ruột. Đại khái như bốn câu thơ của anh Nguyễn Duy mà tôi đã dẫn. “Biết mai sau các con còn nhớ không?”, như hai bài thơ của Phạm Sĩ Sáu và Huỳnh Kim, hoặc xa hơn một chút là Thăm Mả Cũ Bên Đường của Tản Đà. Tất nhiên, cuộc sống thay đổi thì nhu cầu thay đổi. Nhưng thú thật quá nhiều thay đổi đến độ tôi không dám đọc những bài thơ châm biếm. Thực ra những bài thơ ấy đọc không vui tí nào dù cho nó đầy ắp những ngữ điệu gây cười. Nó mang đến cho người đọc quá nhiều nỗi buồn hiện đại, làm cho những người cũ kỷ, già nua như tôi không đủ hơi sức để chịu đựng. Tôi rất khâm phục những người viết những bài thơ đó, họ dũng cảm khi phải viết lên những vần điệu trái với lòng mình. Nhưng họ viết nhiều quá hay là tại vì có quá nhiều điều để mà phải viết. Chính bản thân tôi cũng ngọ ngoạy không phải là ít. Thật ra khó lòng tìm những bài thơ mang cái màu thời gian như Đoàn Phú Tứ, như hơi rượu say của Thâm Tâm, hay như đi mua áo của Đông Hồ. Lại càng hiếm cái hơi thơ an nhiên tự tại của tiền nhân thời Lý Trần.
Phải chăng vần điệu của lòng đã hết. Không đâu, thơ vẫn còn mà, bởi vì những giòng sông còn nước. Thơ hay thì có nhiều. Rất nhiều. Tôi tin như thế. Nhưng tìm thì khó thấy mồ. Báo thì đàm trùng thiên dã, nhưng tìm được bài thơ in báo thì trần ai. Đã vậy mà bản chất của người làm thơ thì hiền như… thơ. Thơ muốn bán cho có tiền thì hãy ngủm đi như Bùi Giáng, còn không thì còn “rẻ” hơn thơ Tản Đà. Thậm chí, đôi khi còn bỏ tiền ra mua lại thơ mình. Tôi mới đọc đâu đó trên báo Tuổi Trẻ có một bài báo đưa cái lời rao đến não lòng “Ai mua thơ tôi bán thơ cho”. Ôi trời. Chẳng lẽ Hàn Mạc Tử bán trăng còn dễ hơn bây giờ bán thơ. Ấy vậy mà vẫn còn nhiều, rất nhiều người làm thơ mà hổng biết để làm gì (?!) Có một vài người nói với tôi như thế.
Tôi nhớ có Ai Đó nói với tôi như thế này “Mỗi một bài thơ làm xong nó mang đến cho người viết một niềm vui, dù bài thơ ấy viết về một nỗi buồn, một nỗi thất vọng, một niềm cay đắng”
Có lẽ đúng. Một bài thơ châm biếm gây cười khi soi vô kiếng thì hiện lên nỗi buồn tổ bố cho người đọc và cả người viết. Ai Đó chỉ nói với tôi có phân nửa cuộc đời. Hèn chi vẫn còn rất nhiều người làm thơ. Bởi vì, bất chợt gặp một bài thơ hay, ký một cái tên mà mình chưa biết bao giờ vẫn cho tôi một cảm xúc rất mạnh. Như ngày nào tôi được đọc vài bài của Nguyễn Thái Dương, Phạm Sĩ Sáu và Huỳnh Kim… Bây giờ chợt thấy lại vẫn cho tôi cảm xúc cũ nhưng có lẽ là sâu hơn. Nhưng ai mà cắc cớ hỏi tôi mấy anh ấy là ai thì tôi chịu. Cũng như hai câu thơ mà tôi đọc hồi còn chút xíu mà tôi còn nhớ mãi đến giờ.
Tình thương nước bọt cơm thành máu,
Máu chuyển khắp người con lớn đây.
Hai câu thơ trong một bài thơ khá dài của Than Ôi, nói về hình ảnh người mẹ nhai cơm mớm cho con. Tên tác giả rất ấn tượng và hai câu thơ cũng ấn tượng không kém. Nhưng bây giờ hình ảnh đó không còn nữa, người hiện đại cho là kém vệ sinh, nhưng đâu ai biết là có rất nhiều con người lớn lên như thế. Mà lớn một cách đàng hoàng và lương thiện nữa kìa. Tôi không thể nào biết được Than Ôi là ai, dù hai câu thơ ấy tôi không thể nào quên.
Bây giờ, nếu ai cắc cớ hỏi tôi “Ông đọc thơ để làm gì?”. Tôi sẽ trả lời là “Tôi không biết“. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi không đọc thì không được. Mà khi được đọc một bài thơ mình khoái thì thân xác tôi, tâm hồn tôi Rất Dễ Chịu.
Giờ đây thì đại hùng, đại lực, đại từ bi không còn nữa mà đã tan biến ra thấm đẫm vào trong tính cách của từng con người Việt Nam, trong chính bản thân của một con người cụ thể nào đó cũng khó mà nhận ra. Thơ không còn là tiếng nói chủ đạo của văn hóa văn nghệ như thời Lý-Trần, thời các chúa Nguyễn khai hoang hay thời vương triều nhà Nguyễn (dù thịnh hay suy). Nhưng thơ luôn luôn là một dòng sông lớn đang chảy trong lòng người. Một dòng chảy êm đềm, hiền hòa, không ầm ào ghềnh thác, mà nếu có thì cũng chẳng qua là... để cho đẹp. Sợi thơ ấy như là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử của đất nước, khi thắm thì đỏ, khi phai thì hồng. Nhưng chắc chắn là đỏ hay hồng gì thì cũng đẹp, rất đẹp.
Ngày xưa và ngày rất xưa. Thơ là niềm vui, là giải bày. Vài câu ngâm nga dưới trăng, một cuộc bình thơ dăm ba người, một cuộc hát ả đào hay là ngẫm nghĩ, gật gù một mình riêng. Thời nay con người có rất nhiều thứ để giải trí vừa đúng đắn, vừa vô bổ và cả bậy bạ nữa nhưng sức hấp dẫn lại rất lớn. Thậm chí miếng đất màu mỡ nhất cho thơ là tình yêu, nhưng bây giờ mà tỏ tình bằng một bài thơ thì đừng có hòng mà kiếm một miếng tình mỏng dính vắt vai. Thơ đành phải lắng sâu xuống để trở thành nước ngầm âm thầm tắm tưới cho màu xanh hay… sóng ngầm. Ôi trời. Ghê gớm vậy ta.
Và bây giờ, tôi tìm đọc những bài thơ rất mới của những người rất cũ hoặc những bài thơ được ký những cái tên lạ hoắc mà trong một lúc tình cờ nào đó tôi nghe được, đọc được.
THUA MỘT KHÔNG
Trận thua sát nút một không
Em là chiếc bóng lăn trong xế chiều
Anh là ngọn gió liêu xiêu
Đưa em vào lưới sầu treo mạng gầy
Còi ly tan xé cuộc này
Phố xa một bóng ôm đầy số không
Trăng rằm vẫn sáng bên sông
Bốn phương mây vẫn một vòng đơn côi
Phòng anh vẫn thiếu một người
Một đều gắng mãi vẫn ngồi một thân
Một vầng trăng xế tần ngần
Một ngôi sao lạc một ngần ấy thôi
Lắm loài súng sính sinh sôi
Nòi tình lủi thủi một đời
MỘT KHÔNG
1992
Hoàng Cầm
Không ai lạ gì nhà thơ Hoàng Cầm với Bên Kia Sông Đuống, Lá Diêu Bông. Nhưng bài thơ trên đây thì rất lạ. Tình yêu của ông ồn ào như một trận bóng đá nhưng rất faiplay và cũng buồn như một trận thua sát nút. Bước vào vườn thơ ông thì rất khó bước ra. Tôi đành bấm bụng ghi thêm một bài nữa rồi phải cất giấu thật kỹ một luyến lưu để mà đi qua vườn khác
PHƯƠNG XA
Phương xa ấy có hồng bao nhiêu nắng
Có nắng nào rớm má tuổi mơ xưa?
Phương xa oà xanh bao nhiêu mưa
Có mưa nào óng mùa măng em trắng muốt?
Phương xa lang thang mấy mùa cỏ mượt
Có lối nào phấp phỏng lối em qua?
Phương xa tưng bừng mấy vạn loài hoa
Có hoa nào ngây hương môi em chớm?
Vậy em ơi đừng ở mãi phương xa
Về tìm anh vườn quê xưa lạnh rớm
Chỉ một tiếng vành khuyên
Rơi liệng hoa bưởi muộn
Đủ cho em dậy thì một dáng thì xuân
Vòng tay anh ôm vẹn cõi riêng trần
Không phân vân cành ly tan nghiêng ngó cửa
Vừa dựng trăng đã nồng nàn hoa sữa
Đi tận cùng trời trải lụa đón tê mê
Phương xa ơi. Sao chưa thả em về?
1994
Hoàng Cầm
Tuổi càng nhiều thơ ông càng đắm đuối. Một kiểu đắm đuối làm cho những chàng trai trẻ phải xem lại trái tim mình. Một đắm say rất người, rất trẻ và rất thơ. Có thể ông viết cho tình yêu của mình, mà cũng có thể ông viết cho những người trẻ tuổi đang yêu.
Không ai không biết nhạc sĩ Văn Cao, nhưng không phải người nào cũng biết nhà thơ Văn Cao. Và có lẽ nếu có thì chỉ Ai Về Kinh Bắc hoặc Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc. Tôi cũng thế. Nên khi bước chân vào vườn thơ Văn Cao, nhất là khi ông đã mất. Hốt nhiên tôi trở thành con nai vàng ngơ ngác. Ngơ ngác không như con nai của Lưu Trọng Lư. Mà là ngơ ngác vì không quen thuộc. Âm nhạc của ông làm tôi luôn luôn chìm đắm trong những giai điệu mượt mà. Nhưng thơ của ông thì như là một rừng thu. Vâng một rừng thu đầy những lá vàng. Ở trong đó ngổn ngang trùng điệp, không thứ tự không lớp lang, nhưng lại cho tôi cảm giác có trời xanh đang ở trên đầu, và bên dưới những chiếc lá vàng khô ấy tôi vẫn nghe tiếng róc rách của suối, ầm ào của sóng biển, những trở trăn của đất và dĩ nhiên tiếng thì thào của lá đang rơi. Tìm rất ít thấy vần điệu của ngôn ngữ trong thơ Văn Cao, nhưng lại tràn ngập những vần điệu của tạo vật và của dòng đời.
TRẦN TRỤI
Tôi đẻ ra trần truồng
được những lót tả
là của cải
tôi lớn lên vì vú mẹ
tôi không biết đòi hỏi
tuổi trẻ lớn lên nhiều khát vọng
những lót tả không còn nữa
tôi đòi hỏi nhiều
năm tháng cũng thay đổi
tôi trở về tầm thường
trần trụi
1990
Văn Cao
MÙA THU
Gió cứ như không
trôi qua cửa sổ
một mảnh trời xám
xuống dần
xuống dần
Có tà áo trắng
loang qua khung cửa
mùa thu phai đi
mùi hoàng lan
nghe ai nhắc
người mong tìm gặp
nắng chuyển dần
trên thềm đá cũ
mùa thu năm nay
không mưa ngâu
Trung thu 1992
Văn Cao.
Đọc những dòng thơ như thế có chán lắm không?. Có thể sẽ có ai đó nói là chán. Nhưng với tôi thì khác, tôi cảm nhận được những mảnh nhỏ ghép lại và tạo nên sự vi diệu của cuộc sống, của tâm hồn. Những vần điệu như không vần điệu ấy chính là vần điệu của …
THỜI GIAN
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước
2.1987 - Văn Cao
Như những người yêu thơ khác, tôi đến với thơ Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu và Thơ Sầu Rụng. Hai bài thơ ấy, tôi mang theo suốt một thời tuổi nhỏ và rồi thôi. Để rồi khi gặp lại thơ ông thì tôi già chát. Tất nhiên là ông còn già hơn tôi. Ông lớn hơn ba tôi một tuổi mà. Thế là tôi già háp tìm đọc thơ một người già thiệt. Bỗng dưng tôi thấy ông trẻ hơn tôi nhiều. Tâm hồn ông ấy mà. Và tôi thích những bài thơ ngăn ngắn của ông. Nhưng thật ra những bài thơ ấy không ngắn chút nào. Và tôi lại thêm một lần ngơ ngác.
À Ơi
À ơi. Hai tiếng làm người
Héo xuân chói hạ, nảy chồi thu đông
Từ hữu hạn đến vô cùng
Nhổ neo từ ấy, buồm giong biển trời
Xưa sao mưa nắng rã rời
Giờ sao mưa nắng mắt người long lanh.
Lưu Trọng Lư
Làm người như thế thì còn gì hơn. Tại sao mãi đến bây giờ tôi mới đọc được những dòng này. Hãy đi qua Héo xuân chói hạ như vậy đi, có sao đâu? Lúc còn ngon ấy mà. Nảy chồi thu đông. Một hiện tượng lạ. Rất lạ, ấy vậy mà nó vẫn xảy ra. Già thì mắt đục mắt làn, nhưng già mà mắt long lanh thì… không phải ai cũng được.
ĐIỆU HUYỀN
Những điệu huyền bay lạc khắp thôn
Từng nhà đây đó hẹn nhau buồn
Có cô dâu mới nhìn sông nước
Sực nhớ quê nhà, giọt lệ tuôn.
Lưu Trọng Lư
Buồn. Ai cũng ngại nên cật lực tìm vui, tìm bở hơi tai, tìm sùi bọt mép. Nhưng bạn đừng làm như vậy. Mà cứ tự nhiên buồn thì tất nhiên bạn sẽ tự nhiên vui.
NÚI XA
Núi xa, nhà vắng, mưa mau
Mênh mông cồn cát, trắng phau ngõ dừa
Trong thôn văng vẳng gà trưa
Lắng nghe đúng ngọ chuông chùa… nện không
Lưu Trọng Lư
Cái khung cảnh này buồn hay vui đây. Chẳng biết. Vì khung cảnh như vậy thì tự thân nó làm gì có khái niệm buồn vui. Tiếng chuông đúng ngọ đang được ai đó chờ đợi để được lắng nghe. Và khi chuông đến thì… nện không. Ôi cái từ “không” ấy Lưu Trọng Lư đã gieo vào lòng tôi biết bao nhiêu cái… không như những bài thơ dưới đây
ĐÃ KHUYA RỒI
Hoa lan quên nở trên giàn
Nhớ ai em để tiếng đàn ngừng đưa?
Tiếc gì em, nửa đường tơ!
Cho hoa quên nở, trăng mờ quạnh soi
Chờ em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm
Lưu Trọng Lư
BAO LA SẦU
Nhớ em trong ánh trăng mờ
Sóng cây gió gợn trời bao la sầu
Chim chi gọi mãi bên cầu
Phải chòm sao rụng trước lầu hở em?
Lắng nghe trăng giãi bên thềm
Lắng nghe trăng giãi bên thềm… ái ân?
Lưu Trọng Lư
NGỰA SAY
Ước gì ta có ngựa say
Con sông bên ấy, bên này của ta
Ta say ngựa cũng la đà
Trời cao xuống thấp, núi xa lại gần
Ta say ngựa cũng tần ngần
Trên lưng ta quảy một vừng giai nhân
Lưu Trọng Lư
Lục bát thì chắc cú là ngọt rồi, và lục bát của Lưu Trọng Lư cũng ngọt, ngọt như gạo Tám Thơm xứ Bắc, như Trắng Tép của Nam Hà. Cái vị ngọt đằm đằm như không có ấy cứ nhẹ nhàng mơn man đầu lưỡi như…
LÁ BÀNG RƠI
Sớm vin cành liễu so màu tóc
Chiều ngắt hoa lê đọ nụ cười
Người đẹp bên sông sầu chửa biết
Bên sông ngày lượm lá bàng rơi.
Lưu Trọng Lư
Tôi đến với Chế Lan Viên rất sớm bởi Điêu Tàn. Một thằng nhóc con lóc chóc, tôi ganh tị với ông vì tập thơ ấy xuất hiện khi ông 17 tuổi, còn tôi thì 18 mà mới i, tờ với những trang thơ. Để rồi bao nhiêu năm lang thang đây đó với đời, tôi trở lại cùng ông. Đọc những trang thơ của ông làm tôi lạnh gáy. Không lạnh gáy vì sọ dừa xương trắng, vì tiếng khóc đêm khuya của những viên gạch loang lở trên những tháp Chàm hay gì gì nữa còn sót lại của một quá khứ nhạt nhòa. Tôi sởn gáy vì một bài thơ có một đầu đề bằng hai từ lạ hoắc
MÔ-ĐÉC
Thế kỷ 20. nôn mửa thành cổ điển
Và phá phách vào Hàn Lâm Viện
Họ chia ra buồn tiền chiến và say hậu chiến
Biến chén rượu hạt mít và cái ao nhà thành ra biển,
Dựng cặp đùi lên thành Khải Hoàn Môn
Giết chết hoa sen để vạn tuế buồn
Họ lao trượt ái tình như trẻ con chơi cầu trượt…
Đồ vật và chúa tể mà.
Nhân loại sắp hoàng hôn.
1988
Chế Lan Viên
Cái hiện đại làm choáng ngợp những con người cũ càng. Mà những người làm thơ thì ai cũng có chút niềm hoài cổ. Văn minh hiện đại không làm những người làm thơ bị sốc, nhưng cái làm nhà thơ bị sốc chính là sự tàn phá không thương tiếc những cái cũ càng của văn minh hiện đại. Nhân danh nó, người ta đốn sạch những cây cổ thụ, đập phá những rêu phong đã từng làm bệ phóng cho tương lai, nhân danh nó người ta phủ nhận sự tĩnh lặng mượt mà để thay vào đó những thứ lôm côm hào nhoáng. Và nó phủ nhận những nhà thơ
ĐOẠN CUỐI THẾ KỶ
Tôi cùng thế kỷ này già nua như nhau. Tôi chết trước
Thế kỷ chết rồi, đẻ ra thế kỷ non hơn, 21
Tôi chết rồi, thơ sau đó sẽ xanh hơn
Cố nhiên đó là thơ nhân loại khác
Nếu có luân hồi, tôi sẽ về, tôi sẽ đọc
Sẽ nâng làn cỏ lạ lên môi hôn
Nếu không có, đã đi là đi mất
Chỉ tôi mất thôi, nhân loại đang còn
Và chắc chi thế kỷ sau còn yêu thơ nữa?
Cầu cho đừng dại dột như thế kỷ này thơ ít mà
 nhiều bom
Cầu cho đừng khôn vặt như thế kỷ này
Để nuôi sống xác thân, đem làm thịt linh hồn.
12.1987
Chế Lan Viên
Những bài thơ như thế của ông làm tôi không ngủ được. Những thao thức được tạo thành bởi những cảm giác gai gai. Bao nhiêu lần tôi tự nhủ “Không đến nỗi như thế”  Nhưng hởi ơi, nó vẫn là… như thế.  Chế Lan Viên buồn và tôi cũng buồn theo.
THỜI THƯỢNG
Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng
Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng Hạc
Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc
Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát
Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!
Chả ai yêu bà mẹ cắm chông bạc tóc
Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông
1988
Chế Lan Viên
Vâng nó là như thế, để khi ông đi rồi nó lại còn… hơn thế. Có lẽ ông biết vậy nên để lại cho tôi (hay cho ai)  một bức cẩm nang mang tên…
CON NHẶNG XANH
Hằng ngày anh đâu thấy nó
Nhưng suốt đời, chẳng phút giây nào nó chẳng
đợi chờ anh
Không, không phải nàng tình nhân khắc khoải nào đâu
Mà là nó, con nhặng xanh thấy xác chết thì bâu
Anh chỉ vừa tắt thở thôi, thì trên thi thể anh, nó đến
Dù đó là người đẹp như Tây Thi, như Cléopâtre…
Dù thiên tài như Einstein, Nguyễn Du…
Đều có con nhặng xanh đâu đó vo ve
Sẽ bay vào cái thây xám ngắt của mình khi mình tắt thở
Cái hôi thối của ta, ta chưa thấy
Nó đã thấy rồi, từ thuở…
Còn cái thơm tho của tên tuổi, danh vọng, của các
vòng hoa
Nó lại cóc cần
Con nhặng ấy nói một câu cộc cằn:
“Mày là người, dù là vĩ nhân,
“Mày là người, mày không bất tử!”
Do đó anh phải thấy cho được con Nhặng xanh
Khi chưa thấy nó
Và cả đời anh, anh đã làm từng câu thơ là chính để
tặng cho nàng Nhặng đó
Cái nàng cắt cổ anh và nhân loại
Chính nhờ nàng mà anh chống với Thối Rữa, Hư Vô
Mà anh tồn tại
Anh viết những câu thơ thời gian
Không gặm nổi
Nhờ Nàng.
1987-1988
Chế Lan Viên
Và con nhặng ấy hàng ngày bay qua bay lại kiểm tra tôi hôi hám ở nơi nào trên thân thể hay trái tim hay những gì xảy ra trong sọ não. Những khi không có nó, tôi có cảm giác yên lành một thoáng rồi nổi da gà khi nhận ra mình ngồi trong cái căn phòng gắn máy lạnh, và bên ngoài khung kính kín mít kia có bóng dáng nó bay qua bay lại. Ôi trời, không lẽ tôi đã chết rồi sao?
Đọc thơ ông viết trong những năm cuối đời làm làm cho tôi ngột ngạt, nặng nề khi mà trong cuộc sống còn đầy dẫy những con người hãnh tiến và đã hóa ruồi
RUỒI VÀ MẬT
Vì anh không có mật
Cho nên anh hóa ruồi
Vo ve bên tổ mật
Để tìm đường quấy hôi
Hãy bay vào rừng hoa
Rồi tất nhiên mật đến
Mặc kệ cho bầy ruồi
Tìm đến anh kiếm chuyện
Mật ít và ruồi nhiều
Ong là loài khá hiếm
27.10.1988
Chế Lan Viên
Tất nhiên những con ruồi ấy phải mang…
MẶT NẠ
Anh ta có nhiều mặt nạ
Cái nào cũng là mặt thật của mình
Vì cái thật hơn nó phải ẩn hình
Sau mặt thật vốn là giả ấy
Chiếc mặt nạ anh đánh lừa người khác
Lẫn cùng bao mặt nạ bao người
Rồi đùng một cái anh từ giả cõi đời
Người ta cho anh cái mặt nạ thiên thu vĩnh cữu
Nếu người ta yêu, họ sẽ cho anh thêm nét mày lá liễu
Hạt nốt ruồi son phúc hậu bên cằm
Nếu họ ghét anh, họ sẽ băm vằm
Nhiều nét hằn
Trên mặt anh xé rách.
1988
Chế Lan Viên
Có nhiều bài thơ như thế, không phải là thơ trào phúng, châm chích mà là những nhát dao thô kệch, của một kẻ không quen chuyện giết người, đang trở thành thơ để băm vằm lấy những thói đời kỳ cục. Đúng như những suy nghĩ của tôi khi đọc Huỳnh Kim “Có những bài thơ tuyệt tác. Lại viết về cuộc sống bầy hầy?.
Nếu thế thì ông làm sao mà đi hết con đường của mình. Cái gì để cho ông đến, sống và đi thoải mái thế kia? Và ông đã làm gì để thoát khỏi con nhặng xanh ấy.
ĐỘT NGỘT CÂY CHIỀU
Đột ngột cây chiều xanh mướt xanh
Thôi rồi, em hẵn nhớ mong anh?
Phố dài bóng nắng cây hai dãy
Thiếu giữa hàng cây bóng chúng mình
1977
Chế Lan Viên
RÉT ĐẦU MÙA
NHỚ NGƯỜI ĐI PHÍA BỂ
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nữa
Một đắp cho em ở vùng sông bể
Một đắp cho mình ở phía không em
Chế Lan Viên
HOA THÁNG BA
Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
Không em, anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương… sợ mùi hương nhắc mình!
TRĂNG
Giữa hai cây, lại đôi mắt em nhìn,
Anh đến suối, mặt em cười dưới suối
Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi
Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em
Chế Lan Viên
TIẾNG CHIM
Tiếng cu xa gáy đến phòng em
Bóng nhã theo vào với tiếng chim
Bệnh yếu, em chưa về hái quả
Thương em mùa lại đến đây tìm
CÂY DẪN VỀ EM
Cây nối đầu cây… chạy tới em
Đếm hoàn cây lại mọc cây thêm
Tình anh làm chiếc cây sau chót
Về tận quê em, đến tận thềm
Chế Lan Viên
LÒNG ANH LÀM BẾN THU
Buổi sáng em xa chi
Cho chiều mùa thu đến
Để lòng anh hóa bến
Nghe thuyền em ra đi!
Chế Lan Viên
Có rất nhiều những niềm vui ngăn ngắn như thế làm cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng thực ra nó không ngắn chút nào. Bây giờ thì những cảm giác gai gai khi đọc thơ ông không còn nữa. Nó được thay thế bằng một cảm xúc khác êm đềm hơn. Ông đã ra đi hơn hai mươi năm rồi. Tôi vào thế kỷ mới cũng được chín năm. thế giới đang đổi thay, tất nhiên lòng người đang thay đổi. Nhưng vẫn còn một thứ mãi trơ gan cùng tuế nguyệt. Không khí, một thứ vô ảnh vô hình như hoàn toàn cụ thể đang hoà trộn hơn thở của muôn loài từ xưa cho tới nay và cả mai sau. Sự hòa trộn ấy con người gọi là tình yêu. Còn vạn vật (tạm trừ con người ra một lát) thì gọi là gì? Không biết. Nhưng chắc cũng gọi bằng một từ gì cũng na ná vậy thôi. Tại sao lại là na ná. Vì tình yêu của vạn vật (lại phải tạm trừ con người ra một lát) thì tuyệt đối. Tình Yêu Không Hận Thù trong khi con người thì… có quá nhiều hờn giận và lắm cách để gây thêm sự giận hờn. Và cái cách gây thêm giận hờn ấy Chế Lan Viên gọi là…
BÁNH VẼ
Chưa cần cầm lên nếm,
anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…
Tất nhiên là con ruồi đáng ghét hoặc là những người đeo mặt nạ ấy đều rất sợ Tình Yêu hay nói đúng hơn là chối bỏ Tình yêu để mà “Nhai ngồm ngoàm… Bánh vẽ” Nhưng con nhặng xanh quái quỷ ấy thì sao? Có trời mà biết. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu như không còn không khí nữa thì nó cũng chết queo.         
Vẫn là tuổi mới lớn, tôi đến với Tế Hanh bằng bài thơ…
CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG
Có những con đường ta đã đi
Thẩn thơ qua lại rất nhiều khi
Nhà người yêu mến ngang qua đấy
Vắng mặt nên lòng thấy biệt ly
Ta gởi tình ta ở quảng đường
Bước này tưởng nhớ, bước này thương
Tay đưa ngượng nghịu, hàng mi chớp
Ngực đánh dồn thêm chân vấn vương
Đi mãi không hề biết mỏi xa
Đi suông không dám ngó vô nhà
Đường thường bổng hóa trung tâm điểm
Lắm cớ xui mình phải bước qua
Ta tưởng bao giờ có thể quên
Con đường như một mối tơ duyên
Ai ngờ khúc ruột tương thân ấy
Cũng phải buồn đau chuyện chẳng bền
Ấy lúc lòng ta hết yêu người
Hay là yêu mến đổi dời nơi
Cơn đường bị bỏ trong quên lãng
Sầu tủi nằm thương dưới bụi đời
Tế Hanh
Cứ mỗi lần đọc bài thơ này, mà rất nhiều lần ấy chớ, là lòng tôi lại có những nôn nao rất mơ hồ. Và khi có dịp thì con đường bị lãng quên kia trở thành trung tâm điểm. Càng đọc càng thấy Tế Hanh sao mà mâu thuẫn đến lạ kỳ. Ông và tôi luôn nhớ con đường ấy; ông không nhớ thì lấy gì cho ông làm thơ, tôi không nhớ thì làm sao tôi đọc bài thơ này. Ông đem con đường cụ thể ấy đặt vào trong ký ức. Bụi bám thì có bụi, nhưng quên thì chẳng hề quên. Bởi vì, nói thế nào, thì vẫn là một con đường có lần ta đã đến.
Thời tuổi nhỏ tôi không được đọc Tế Hanh nhiều lắm. Thỉnh thoảng, dăm ba khổ thơ trích được xuất hiện lác đác trong tạp chí Văn (SG) hay đâu đó. Nhưng chính những khổ thơ lác đác ấy làm tâm hồn tôi dịu lại cho đến ngày tôi tôi cầm được tập thơ ông trong tay. Gần cả trăm bài thơ ấy tôi gặp cái mà tôi thường mơ ước. Bình dị. Và chính cái đó nâng đỡ tôi.
LỜI CON ĐƯỜNG QUÊ
Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng
Hương đồng quyến rũ hát lên vang
Từ đấy mình tôi cỏ mọc đầy
Dọc lòng hoa dại ngát hương lây
Tôi ôm đám lúa, quanh nương sắn
Bao cái ao rêu nước đục lầy
Những buổi mai tươi nắng chói xa
Hồn tôi lóng lánh ánh dương sa
Những chiều êm ả tôi thư thái
Như kẻ nông dân trở lại nhà
Tôi đã từng đau với nắng hè
Thịt da rạn nứt bởi khôn se
Đã từng điêu đứng khi mưa lụt
Tôi lở, thân tan rã bốn bề
Tôi sống mê man tránh tẻ buồn
Miệt mài hể hả, đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất, hương đồng chẳng ngớt tuôn
Tế Hanh
Tôi, có lẽ cả thế hệ 1947, cũng may mắn như ông có một con đường làng như thế. Nhưng đó vẫn là một ước mơ. Và ước mơ thì rất thường khi không trở thành hiện thực. Bởi vì cuộc sống hiện đại không dung hợp những con đường êm ả ấy. Cuộc sống hiện đại chấp nhận một con đường trơn tru mà rát bỏng hoặc một con đường lổm ngổm bùn nhơ. Nhưng không sao, dù gì thì con đường ấy đang ở trong lòng.
Năm 1989, tôi đọc được bài thơ của ông đăng trên báo, manh giấy báo gói quà vặt, nó cũ kỷ nhạt nhòa và hơi dơ một chút. Tôi có được nó khi qua phà Vàm Cống. Ở đó, tôi gặp…
CÁI NHÌN
Mắt anh không được như xưa
Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng
Nhìn mai như thể xuân sang
Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây
Anh nhìn em cũng đổi thay
Cái môi hơi mím, cái mày hơi cong
Mắt em ngày trước hồ trong
Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi
Nói sao hết được em ơi!
Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên
Em không thể mãi là em
Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa
Tế Hanh
Nếu chỉ là chuyện như thế thì chẳng có gì? Khi đọc xong, tôi xếp manh giấy báo có bài thơ ấy bỏ vào túi và ngó quanh rồi nhận được lời chào của một người quen cũ. À không, một cố nhân. Một thoáng bỡ ngỡ, tôi lau cặp kính làn rồi nhìn cô ấy với những lời hỏi thăm lắp bắp. Không hiểu tại sao lại thế. Rồi khi giả từ lên xe tiếp tục chuyến đi, tôi lại hí hoáy viết. Nhưng đôi mắt của ông thì nhìn cái cũ đang còn, đang được ông trân trọng, còn đôi mắt của tôi thì nhìn cái cũ đang không thuộc về tôi cho nên… vướng bụi.
TRƯƠNG THỊ HUYỀN XƯA
Đâu dè mình lại gặp hôm nay.
Cười nụ chào nhau lại nhíu mày?
Chút phấn hồng trần trên má thắm,
Đôi đường tuế nguyệt ở đâu đây.
Những say đắm ấy thì xa biệt,
Nhưng cũ càng xưa vẫn mãi đầy.
Một chút tàn tro cơn gió thổi,
Con mắt! Thiệt tình… hạt bụi bay.
Và như thường lệ mỗi lần đọc thơ Tế Hanh thì tôi lại… tập làm thơ.
Những bài thơ ngăn ngắn của Tế Hanh lại cuốn tôi vào những cảm xúc thật thân thiết. Và luôn làm tôi cảm động. Những hình ảnh trong những bài thơ ấy có một thứ gì đó buồn buồn nhưng rất dễ chịu. Ông chỉ viết cho tấm lòng và tình yêu của ông và… của tôi.
BÀI THƠ 
Yêu em như một bài thơ
Mà nay câu chữ đều mờ trong anh
BỨC TRANH 
Yêu em như một bức tranh
Mà nay màu đỏ màu xanh đều tàn
BẢN ĐÀN
Yêu em như một bản đàn
Mà nay điệu bổng điệu trầm đều im
Tế Hanh
EM GẦN GŨI, EM XA XÔI
Em gần gũi, em xa xôi
Sao em như thể chân trời trước anh?
Đưa tay tưởng với được tình
Bước đi tới mãi mà tình vẫn xa
Tế Hanh
MÙA THU TIỄN EM
Em đi trăng sắp độ tròn
Mùa thu quá nửa, lá giòn khô cây
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng ta muôn tiếng, sao đầy lặng im?
Ta về. Giữa khoảng trời đêm
Vành trăng như thể mắt em soi đường
Tế Hanh
SÓNG
Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em
Tế Hanh
ĐÊM NAY
Đêm nay trăng lạc với mình
Trăng thơ bát ngát, trăng tình chơi vơi
Suốt đêm trăng sáng em ơi
Tưởng như trăng sáng suốt đời của anh
Tế Hanh
CON ĐƯỜNG
Con đường hai chúng ta đi
Em không trở lại anh thì cũng không
Cuối đường chỉ có hàng thông
Đầu nghiêng theo gió ngóng trông người về
Tế Hanh
BẰNG LĂNG
Bằng lăng soi bóng ven hồ
Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa
Hoa ơi có phải vì ta
Mà hoa tím cả trời xa trời gần
Tế Hanh
Khi đang viết. Bất ngờ tôi đọc được bài thơ dưới đây. Tất cả những trang viết của tôi hốt nhiên đảo lộn. Vì nỗi buồn thì thiên hình vạn trạng, nhưng chưa thấy một nỗi buồn nào kỳ ảo đến thế này. Một nỗi buồn rất riêng, nhưng trong veo như hạt sương buổi sớm. Ánh ban mai lộng lẫy như dừng lại vì sợ hạt sương ấy tan đi. Và vì thế mà nỗi buồn ấy nhòa đi
BUỒN THẦM
Buồn thầm sợ nắng buồn lây,
Sợ mây đổ bóng, gió gầy đứt cơn.
Nụ cười như mảnh áo sờn,
Rưng rưng che đậy nỗi buồn thịt da.
Buồn thầm buồn của mình ta,
Tìm ai chia sẽ sợ là buồn chung.
Nhện buồn thì nhện giăng mùng,
Ta buồn ta gởi tơ chùng vào thơ.
Biết buồn còn được bao giờ,
Mai kia dầu chút buồn hờ cũng không.
Nguyễn Bích Lan
“Tìm ai chia sẽ sợ là buồn chung.”. Một sự lịch thiệp đến bất ngờ và đầy cảm động. Thông thường, thì chúng ta thường hay làm rát tai bè bạn, người quen bằng những lời kể lể, than van những bất hạnh, buồn phiền của mình và mặc nhiên xem đó như là những lời tâm sự. Và tìm đâu đó những sẻ chia, nhưng…
Tôi thật sự chới với với bài thơ của một cô gái trẻ bất hạnh này. Một nỗi bất hạnh mà hạnh phúc vô song. Một hạnh phúc mà em tạo được không những cho riêng em mà còn cho cả mọi người. Trong bốn ngọn núi mà đời người phải vượt qua, em đã dũng cảm, hơn hết tất cả những sự dũng cảm mà tôi được biết, vượt qua ngọn núi bệnh tật. Em làm tôi kinh ngạc, ngưỡng mộ và cuối cùng là một sự kính trọng vô ngần. Những câu thơ em viết sẽ làm cho người ta giật mình. Tôi nghĩ nếu như cụ Tiên Điền, cụ Uy Viễn… đọc được chắc cụ cũng sẽ như tôi thôi. Cám ơn em đã đem thơ hóa giải cái mùi ether chết tiệt kia. Em sống mãi trong lòng tôi và trong lòng người. Và ánh ban mai vẫn sáng và phả xuống những long lanh. Và hạt sương vẫn tồn tại. Mong manh. Nhưng vẫn tồn tại. Bổng nhiên tôi nhớ câu thơ của Huỳnh Kim “Bài thơ xuyên qua người có thể hồi sinh”
Thơ là như thế đấy. Có ai tin không? Tôi thì tin như vậy. Và Nguyễn Bích Lan cũng tin như vậy. Bởi vì em luôn luôn đón ngày mới mà không hề e sợ mình tan biến.
NGÀY MỚI
Tôi ra ngoài ngõ
Đón ngày của tôi
Thấy con chim nhỏ
Đánh rơi gió đồi
Tôi sang chợ gạo
Đong một mùa no
Thấy người ta gói
Thật thà đem cho
Tôi ra đồng xanh
Hái sương trên búp
Thấy nhựa đời tươi
Xôn xao mừng giúp
Tình tang tôi hát
Ru ngày của tôi
Tôi gánh tôi vác
Xênh xang lộc trời
Nguyễn Bích Lan
Những gì của em, tôi chỉ đọc có ngần ấy và thầm nghĩ rằng “tôi sẽ đi thêm một quãng dài dài thêm chút nữa, biết đâu rồi em sẽ tặng cho tôi thêm”. Tôi hít thật chậm và sâu một hơi thở với niềm tin “ biết đâu trong hơi thở ấy còn có một câu thơ nào đó đã từng qua buồng phổi của em”   
Tôi cũng đã đọc rất nhiều nhà thơ trẻ, thuộc lứa em, cháu của mình. Thơ họ hiện đại và mượt mà hơn, tất nhiên nhưng vẫn trên một cái nền trong trẻo, hồn nhiên như chính họ. Tôi rất cảm động và cảm phục đến kính trọng, nhưng cũng rất sợ gặp phải những bài thơ như thơ Nguyễn Bích Lan. Bởi vì… những bài thơ như thế được thoát ra từ những cuộc đời buồn. Rất buồn.
Nhưng rồi tôi lại vẫn gặp, một bài thơ của một cô gái có một số phận như Nguyễn Bích Lan, nhưng bài thơ thì lại… chỉ hơi buồn, mà lại là một thứ “ hơi buồn” rất đỗi hồn nhiên. Có một điều đặc biệt đến nhói lòng. Đó là tại tôi nhói lòng chứ lòng em thì nhẹ tênh và trong suốt, dù bài thơ dưới đây cũng như những gì Vũ thị Ánh Nguyệt viết đều được viết… bằng chân.
DẠ NÀY
Giục lòng dấu một con tem
Gói đời vào sóng mở xem phận mình
Thu qua rồi buổi trúc xinh
Nét duyên còn thắm chữ tình đa mang
Thuyền thơ trôi bến trăng vàng
Ý trung nhân dõi theo làn sóng xanh
Chừng nào lòng gọi… ơi anh
Phải duyên cột lại dừng duềnh kẻo xa
Lỡ mai… ta có gặp ta
Dạ này… sóng dẩy? đẩy ra… hay vào?
Vũ thị Ánh Nguyệt
Trong cuộc đời hơn sáu mươi năm của mình. điều làm tôi xúc động nhất là đọc được thơ của hai em Nguyễn Bích Lan và Vũ thị Ánh Nguyệt. Những câu thơ làm cho đầu óc tôi trong suốt, nhẹ tênh. Trong cuộc hành trình “sinh lão bệnh tử” của một con người. Thông thường đây là bốn ngọn núi không ai vượt qua được. Ta không muốn sinh ra ư? Không thể. Ta không muốn già ư? Không thể. Ta không muốn chết ư? Lại càng không thể. Mọi người, các em và tôi đều như thế. Nhưng không muốn bệnh ư? Có thể. Nhưng chỉ các em thôi, còn tôi thì chưa chắc. Ngoài việc; biết cách để lục căn tiếp xúc với lục trần cho hợp lý còn cần phải có một tình yêu vô hạn đối với cuộc sống và xem nhẹ tử sinh, chấp nhận bằng một thái độ tôn trọng thật  sự sự trưởng thành. Hai em đã vượt qua được ngọn núi bệnh tật cao ngất của thể xác để tâm hồn thăng hoa. Có phải chăng đó là điều mà Phật Tổ gọi là đại hùng, đại lực, đại từ bi. Tôi chỉ đọc được của các em có ngần ấy. Nhưng không sao? Như vậy là đủ. Và tôi cũng biết rằng đâu đó trong cuộc đời này còn có rất nhiều bài thơ như thế đang được viết ra. Đèn là mơ ước hằng đêm. Hãy luôn luôn mơ và thắp lấy ngọn đèn như Phạm Sỹ Sáu đã.
Hôm nay, chúng ta có thể nhìn ra thế giới và nhìn bất cứ thứ gì bằng một cái clic chuột. Nhưng để tìm về quá khứ hay thậm chí nhìn ngắm những hiện tại chung quanh thì lại không dễ dàng gì. Cũng may, tấm lòng người xưa và cả tấm lòng người hôm nay qua những bài thơ xuất hiện hiếm hoi đâu đó trên báo hay trên nhưng tập thơ mỏng manh trong nhà sách. Điều đó, dù nhỏ nhoi nhưng làm lòng tôi ấm lại. Những nhà thơ, thường thì không nhìn vào đâu cả, họ nhìn vào chính họ khi đã thấy những cái chung quanh. Tất nhiên có rất nhiều người đã, đang và sẽ sống không thơ (?!). Họ có cách giãi bày riêng và họ vẫn là người lương thiện. Nhưng tôi thì không thể, tôi phải có thơ, tôi mới tàm tạm lương thiện được, nên tôi viết những dòng này như là một cảm nhận về con đường mà mình đã đi qua. Có thể đúng có thể sai. Cũng có thể là chỉ lôm côm thôi. Nhưng dù gì thì đó cũng là tôi.
Thơ khởi đi từ những rung cảm âm thầm của lòng người và vang vọng trong lòng dân tộc cho đến hôm nay và còn cho cả mai sau. Không ai có thể đem vào thơ những giai điệu bạo tàn, sắt máu, cũng không thể đem vào thơ những lừa lọc bon chen. Nếu có thì cũng chỉ là những âm thanh lạc lõng như tiếng kêu dãy chết. Không gian và lòng người không bao giờ dung nạp những thứ như vậy.
Cuối cùng, người tập làm thơ xin chân thành cám ơn nhà thơ Nguyễn Long đã cho tôi một bài thơ kết thúc.
Thường Dân
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nỗi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân
Nguyễn Long
Thì ra vậy. Thôi thì vẫn cứ như Bùi Giáng “Vui thôi mà”.
‎10/‎10/‎2013
Nguyễn Hiền Nhu
Theo http://lethuongdan.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cà phê bên sông Cà Ty – Chùm thơ Thanh Tâm 31 Tháng Mười Hai, 2023 Mây xa nhớ nắng mây đen/ Ta gần mà chẳng ai thèm nhìn nhau… Cà ...