Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Biểu tượng nước và đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Phần 3

Biểu tượng nước và đá 
trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Phần 3
2.3. Nước - biểu tượng cho dòng đời người phụ nữ 
2.3.1. Nước - biểu hiện của sự lận đận trong tình duyên 
Người phụ nữ thời phong kiến họ không quyết định được tình yêu nên họ gặp nhiều ngang trái. Bài thơ Tự tình II là cảnh đêm khuya, người đàn bà một mình không ngủ, não nuột cái thân lẻ chiếc, thiếu thốn yêu đương, xuân đi rồi xuân có trở về, mà tình yêu mình chỉ được sẻ một tí. 
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn, 
Trơ cái hồng nhan với nước non. 
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, 
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn! 
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, 
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. 
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, 
Mảnh tình san sẻ tí con con. 
(Tự tình II) 
Tiếng trống canh văng vẳng từ xa vọng lại như đang thúc giục thời gian qua mau, đem lại điều vô cùng đáng sợ đối với người đàn bà vẫn còn đơn thân gối chiếc. Một người phụ nữ đẹp đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc, phải gối ấm chăn êm, phải đang say sưa trong vòng tay yêu thương của người bạn đời trăm năm vào thời khắc thiêng liêng ấy. Thế nhưng, cái hồng nhan ấy lại cứ trơ ra, trơ trọi với đời, cô độc với đời như đang thách đố đời, hay cái hồng nhan ấy đã chai lì vì mất hết cảm giác. Xưa nay hồng nhan thường bạc mệnh, mà cái điều bạc mệnh có chừa một ai! Hồ Xuân Hương rất táo bạo khi đặt cái hồng nhan ngang với nước non, vì cái hồng nhan không còn khả năng biến đổi hình dạng, trạng thái, tính chất trước mọi tác động mạnh từ bên ngoài. 
Ở bài Dỗ người đàn bà khóc chồng Hồ Xuân Hương dùng hai chữ non sông để an ủi, khuyến khích, vực dậy. Ở đây, không thế, xã hội phong kiến buổi ấy làm cho tiêu điều, xơ xác, khô tàn phận hồng nhan. Chính vì thế nước trong bài thơ là biểu tượng của sự lận đận trong tình duyên. Khi trăm mối tơ lòng không thể gỡ mà thời gian bẽ bàng. Từ trơ đặt đầu câu với nghệ thuật đảo ngữ thể hiện nỗi đau của tác giả. Trơ là tủi hổ, trơ là bẽ bàng. Thêm vào đó, hai chữ hồng nhan là để nói về dung nhan thiếu nữ mà lại đi với từ cái thì thật rẻ rúng mỉa mai. Còn hồng nhan trơ với nước non là sự phơi phang, là sự cay đắng. Dù câu thơ chỉ nói một vế hồng nhan nhưng vẫn gợi lên về bạc phận. Vì vậy nỗi xót xa càng thấm thía, càng ngẫm lại càng đau. Câu thơ nhấn mạnh sự bẽ bàng, sự bực dọc về tình duyên đôi lứa. 
Không chịu tự bó mình trong ngôi đền phong kiến đã cũ mèm để cho bụi phủ lên người, không chịu khéo léo trong khuôn khổ đạo đức phi lý của một xã hội mịt mùng, Hồ Xuân Hương thoát ra ngoài thiên nhiên cao rộng, giao du với non xanh nước biếc, với gió với trăng bằng những câu thơ trữ tình ngọt ngào, đằm thắm với trăng. 
Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn, 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chứ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao lại thẹn vừng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non? 
(Hỏi trăng) 
Tuy nói đến hình ảnh trăng nhưng thật chất là nói đến những chuyện tuổi tác, chuyện riêng tư của con người. Bao giờ tác giả cũng quan tâm đến quyền lợi của trái tim, thông cảm sâu xa đến nguyện vọng của người phụ nữ, đặc biệt là về tình yêu đôi lứa. Bởi những người phụ nữ thời phong kiến, họ không có quyền quyết định về tình yêu và hôn nhân của mình, họ thường bị lận đận trong tình yêu lứa đôi. Và cũng chưa bao giờ Hồ Xuân Hương lại bộc lộ nỗi khát khao ái ân một cách chân thành như trong mấy lời: 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao lại thẹn vừng son?  
Chính vì thế dưới trăng Xuân Hương đã lộ ra là một Xuân Hương đa cảm, trẻ trung nhưng lại rất cô đơn trong tình riêng và một tâm trạng xao xuyến, chờ đợi thiết tha, vương vấn với nước non: 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non? 
Những câu thơ trữ tình làm xáo động lòng người như vậy thuộc vào phần thăm thẳm trong tâm hồn Hồ Xuân Hương. 
Nước và các yếu tố chứa nước trong bài thơ Đài Khán Xuân là biểu tượng cho sự lận đận trong tình duyên của người phụ nữ. 
Êm ái chiều xuân tới Khán đài, 
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai. 
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng, 
Một vũng tang thương nước lộn trời. 
Bể ái nghìn trùng không tát cạn, 
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi. 
Nào nào cực lạc là đâu tá, 
Cực lạc là đây chín rõ mười. 
(Đài Khán Xuân) 
Bài thơ thể hiện niềm khát khao cháy bỏng của sự ân ái, ca ngợi thú vui cực lạc của hoạt động tính giao. Cực lạc không chỉ có ở cõi Niết bàn theo quan niệm của nhà phật mà nó hiển hiện ngay ở cõi tục. Cực lạc không phải là sự giải thoát linh hồn khỏi thể xác ở cõi trần ai mà cực lạc có được chính là nhờ những hoạt động được thực hiện ở ngay cõi trần ai. 
Những tính từ: êm ái, lâng lâng, cực lạc biểu hiện mức độ tăng tiến của cảm giác: 
1. Êm ái có nghĩa là êm, nhẹ, làm cho có cảm giác dễ chịu. 
2. Lâng lâng là ở trạng thái nhẹ nhõm, khoan khoái, rất dễ chịu. 
3. Cực lạc là sung sướng, yên vui đến cực độ. 
Ngoài ra, những tính chất có tính đối ứng với sự vật được tác giả sắp xếp, miêu tả với một dụng ý rất Xuân Hương, đó là: một vũng - nước lộn trời, bể ái - không tát cạn, nguồn ân - dễ khơi vơi. Một vũng (tang thương) - nước lộn trời là kết quả tất yếu của sóng gầm (gầm sóng). 
Gầm có nghĩa là phát ra tiếng kêu vang, mạnh, dữ dội. Gầm sóng là những đợt sóng xô vào nhau rất mạnh, rất dữ dội làm cho phát ra tiếng kêu vang. Hồ Xuân Hương rất hay sử dụng những động từ chỉ hoạt động mạnh. Người đọc có thể liên tưởng đây là một hoạt động mãnh liệt, hoạt động này diễn ra theo một chu kỳ nhịp nhàng, đều đặn và mạnh mẽ trong một buổi chiều xuân êm ái. Thêm vào đó, cái trạng thái nhẹ nhõm, khoan khoái, rất dễ chịu do chẳng vướng bận chút trần ai càng làm cho cảm giác, cho hoạt động gia tăng hơn. Vũng có nghĩa là chỗ trũng nhỏ có chất lỏng đọng lại, nhưng một vũng trong câu thơ của Hồ Xuân Hương không phải có nghĩa chỉ số ít là một chỗ trũng nhỏ có chất lỏng đọng lại mà là có ý nhấn mạnh chỉ số nhiều. Vì thế, tác giả mới nói nước lộn trời, tức là rất nhiều nước. Trong thực tế, có những thứ chúng ta không thể so sánh tương đồng với nhau bằng việc định lượng: một vũng nước trong tự nhiên là ít nhưng một vũng nước trong thơ Hồ Xuân Hương thì lại là nhiều. 
Tình yêu cũng không thể định lượng cho nên tác giả đã dùng danh ngữ bể ái, nguồn ân để chỉ tính chất không thể tát cạn và không thể khơi vơi. Độc đáo hơn, tác giả tự hỏi và tự trả lời cho câu hỏi của mình về cực lạc thông qua đại từ: đâu tá - đây. Đại từ đây xuất hiện ở cuối bài thơ đã thâu tóm toàn bộ dụng ý của tác giả chỉ với hai chữ là: cực lạc. 
Cực lạc như đã phân tích là sung sướng, yên vui đến cực độ. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi băn khoăn là cực lạc trong bài thơ là tính chất có thực trong một buổi chiều xuân với ba hồi triêu mộ (ba hồi vào sáng tối) của hoạt động hay đó chỉ là sự tưởng tượng của tác giả. Chúng tôi cho rằng đây là sự tưởng tượng của tác giả, vì tác giả luôn luôn trong tình trạng: Năm thì mười họa hay chăng chớ/ một tháng đôi lần có cũng không. Có thể nói rằng: Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ đa tài nhưng đầy trắc trở trong tình duyên. 
Ở câu thơ thứ ba có hình ảnh sóng, mà ở đây là gầm sóng, tức là có sự vận động dữ dội, không đứng yên. Sóng có lúc nhỏ, lúc to, có khi hiền, khi dữ, có lúc lặng lẽ, có khi ồn ào. Hình ảnh sóng cũng tượng trưng cho tâm trạng của người con gái trong tuổi yêu đương. Nhà thơ Xuân Quỳnh nói rõ tâm trạng này qua bài thơ Sóng. 
Dữ dội và dịu êm 
Ồn ào và lặng lẽ 
Sông không hiểu nổi mình 
Sóng tìm ra tận bể... 
(Xuân Quỳnh, Sóng) 
Sóng trong bài thơ của Xuân Quỳnh thể hiện ở những trạng thái thật trái ngược: 
Dữ dội >< dịu êm 
Ồn ào >< lặng lẽ 
Đó là tâm trạng đang yêu của người con gái mới lớn. Họ có những biến động rất khác thường của lòng mình và khát khao vượt ra khỏi những giới hạn chật chội, để tìm đến những miền bao la vô tận như con sóng phải tìm ra bể. Đó là khát khao mãnh liệt trong tình yêu của tuổi trẻ. 
Ở Hồ Xuân Hương thì tình yêu cũng mãnh liệt như thế, khát khao cũng dâng trào, cuộn trào nước lộn trời. Tình yêu cũng bao la vô tận, không bao giờ dứt, không bao giờ cạn (Bể ái nghìn trùng không tát cạn). Nhưng ở đây có nỗi buồn vì tình yêu không trọn vẹn, tình yêu còn lận đận, trái ngang (Một vũng tang thương). Đó là dâu bể trong cuộc đời tình duyên của người con gái thời phong kiến. 
2.3.2. Nước - số phận bị lệ thuộc của người phụ nữ 
Số phận nữ nhi trong thời phong kiến bị xem nhẹ, họ phải gánh chịu nặng nề những lễ giáo phong kiến. Ở bài Tự tình I, là một trong những bài thơ than thân về số phận hẩm hiu của người phụ nữ Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh, 
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh. 
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng, 
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh. 
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến, 
Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh. 
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy, 
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh! 
(Tự tình I) 
Đây là tâm trạng phân vân, chiếc bách duyên phận đầy nổi nênh muốn nói đến số phận hẩm hiu của người phụ nữ, số phận họ giống như chiếc thuyền đang trôi trên dòng nước, chiếc thuyền duyên phận không biết sẽ ra sao, nửa như yêu thương dào dạt, nửa như hiểm nguy đe dọa. Giữa dòng tức là giữa dòng đời, biểu tượng cho số phận hẩm hiu của người phụ nữ, họ không làm chủ được bản thân, người phụ nữ đáng lẽ làm chủ chiếc thuyền của mình, ấy thế mà chiếc thuyền đó lại do một người khác cầm lái. Lênh đênh là sự trôi nổi trên dòng nước mà chẳng biết sẽ về đâu. Nếu gặp dòng nước phẳng lặng thì thuyền được yên xuôi, còn nếu gặp phong ba bão táp thì thuyền sẽ bị đắm chìm bất cứ lúc nào. Số phận của người phụ nữ thời phong kiến giống như vậy, họ có được hạnh phúc hay không thì không do mình quyết định mà do người khác (cầm lái mặc ai) mang đến nên phận nổi nênh, nổi lênh đênh giữa dòng đời là như vậy. 
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh. 
Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương là bài thơ Vịnh. Bài Vịnh bao giờ cũng mang tính ngụ ý. Vì vậy nghĩa thực của bài thơ là gợi tả bánh trôi nước, nhưng ngụ ý của tác giả là mượn bánh trôi để nói về vẻ đẹp và đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Hai chữ nước non biểu tượng cho số phận hẩm hiu của người phụ nữ giữa dòng đời trôi nổi. 
Thân em vừa trắng lại vừa tròn, 
Bảy nổi ba chìm với nước non. 
Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn, 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son. 
(Bánh trôi nước)  
Là bài thơ vịnh nên tác giả không miêu tả cụ thể mà lựa chọn những chi tiết nói lên đặc điểm của bánh trôi. Màu sắc, hình dáng của bánh trắng và tròn. Nhưng chỉ với hai từ thân em đặt ở đầu câu thì toàn bộ sự gợi tả vẻ ngoài chiếc bánh trôi đã chuyển nghĩa, gợi lên vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ, một vẻ đẹp xinh xắn, duyên dáng, đầy đặn, phúc hậu. 
Việc tác giả sử dụng thành ngữ bảy nổi ba chìm và hai chữ nước non đã chuyển nghĩa tả thực thành nghĩa ngụ ý. Thành ngữ ba chìm bảy nổi là nói về sự trôi nổi, lênh đênh của kiếp người. Hai chữ nước non không còn mang nghĩa cụ thể mà là mang nghĩa biểu tượng chỉ hoàn cảnh sống, chỉ cuộc đời. câu thơ gợi lên sự trôi nổi, sự long đong, gian truân, số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tác giả sử dụng nổi trước và kết thúc là chìm làm cho thân phận người phụ nữ thêm cay đắng xót xa hơn. Nghệ thuật đối lập giữa hình ảnh trắng và tròn ở câu thơ đầu với hình ảnh nổi và chìm ở câu hai đã nói lên được sự bất công của xã hội đối với người phụ nữ. Họ đẹp như vậy, trong trắng, trinh nguyên như vậy đáng lý họ phải hưởng được những hạnh phúc của cuộc đời, nhưng sao lại có sự bất công như thế, những cay đắng xót xa của cuộc đời lại ập đến với họ. Tuy nhiên, giọng điệu câu thơ không chỉ là sự than thân trách phận mà còn là giải bày sự bền gan, trong tủi nhục vẫn kiên trinh và tự khẳng định về những phẩm chất đẹp của mình. Sóng gió cuộc đời có phũ phàng, vùi dập thân phận như thế nào thì cũng không thể tàn phá nổi vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng thủy chung son sắt ở người phụ nữ. 
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.  
Tiểu kết chương 2 
Phong cách thơ của Hồ Xuân Hương thuộc dòng phong cách bình dân nhưng nhà thơ không tan biến trong phong cách chung ấy, mà sắc thái cá nhân rất đậm nét. Bời thế, khi ta tiếp cận thơ nôm của Hồ Xuân Hương phát hiện cái hay, cái độc đáo là nhờ hệ thống các biểu tượng mà bà sử dụng. Trong đó, biểu tượng nước được Hồ Xuân Hương sử dụng rất tài tình. Nước và các yếu tố chứa nước được Hồ Xuân Hương dùng làm biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Đó là biểu tượng cho sự thiêng liêng cao cả, biểu tượng cho bộ phận sinh sản người phụ nữ, biểu tượng của tính giao, coi đó là dấu hiệu của sự sinh sôi nảy nở. Nước từ giếng, khe (biểu tượng âm vật). Giếng thanh tân là giếng của cội nguồn. Từ cái thanh tân của nước, Hồ Xuân Hương liên tưởng đến cái thanh tân của người con gái, là bộ phận sinh sản của người phụ nữ. 
... Giếng ấy thanh tân ai cũng biết, 
Đố ai dám thả nạ dòng dòng. 
(Giếng thơi) 
Ngoài ra, nước trong thơ nôm Hồ Xuân Hương còn là biểu tượng cho dòng đời người phụ nữ thời phong kiến, họ là những người phải chịu nhiều bất hạnh trong tình duyên, trong tình yêu lứa đôi, họ không tự quyết định mà bị lệ thuộc vào kẻ khác. Trong khi đó, khát khao được yêu, khát khao được hạnh phúc luôn cháy bổng trong hồn. 
Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh, 
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh... 
(Tự tình I)
Chương 3. Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG 
Cũng theo tài liệu của Giáo sư Lê Trí Viễn, trong khoảng bốn mươi bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương thì người viết thống kê có mười bảy bài có chứa hình ảnh đá và các hình thức của đá (núi, non, hang, động, ghềnh, thạch nhũ...). Đá trong thơ nôm của Hồ Xuân Hương không phải là đá vô tri vô giác, mà là đá có hồn, có mang tính người và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng như: biểu tượng cho bộ phận sinh sản của người phụ nữ, biểu tượng cho sự ham muốn trần tục... 
3.1. Đá - biểu tượng của sự thiêng liêng, của sức mạnh, của vẻ đẹp tự nhiên 
3.1.1. Đá - biểu hiện của sự thiêng liêng, cao cả 
Hình ảnh non kết hợp với nước, với sông trở thành non nước, non sông. Đó là Tổ Quốc, hình ảnh thiêng liêng của dân tộc. Bài thơ Hỏi trăng hình ảnh non kếp hợp với nước trở thành non nước, là biểu tượng cho sự thiêng liêng cao cả. 
Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn, 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chứ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ phi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao lại thẹn vừng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non? 
(Hỏi trăng) 
Hồ Xuân Hương không chịu khô héo trong khuôn khổ đạo đức phi lý của xã hội lúc bấy giờ, Xuân Hương thoát ra ngoài thiên nhiên cao rộng, giao du với non xanh nước biếc, mở hết chiều giác quan với gió trăng. Cho nên, dưới trăng Xuân Hương khẳng định mình là một Xuân Hương đa cảm, trẻ trung, cô đơn trong tình riêng với một tâm trạng xao xuyến, chờ đợi, thiết tha, vương vấn với nước non. Hình ảnh non biểu hiện sự trân trọng, thiêng liêng của tác giả. Bởi tác giả rất cảm thấu cái thú vị của hồn đêm, của hồn nước non trong đêm khuya khoắt, trước cái yên lặng rộng rãi bồi hồi đó, mặt trăng một mình cũng bâng khuâng cần yêu mến. 
Hình ảnh non kết hợp với nước là biểu tượng cho Tổ quốc. Trong bài thơ Thề non nước của Tản Đà có nhấn mạnh hình ảnh non kết hợp với nước tạo nên những tầng nghĩa khác nhau. 
Nước non nặng một lời thề, 
Nước đi đi mãi không về cùng non. 
Nhớ lời nguyện nước cùng non, 
Nước đi chưa lại, non còn đứng không. 
Non cao những ngóng cùng trông, 
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày... 
(Tản Đà, Thề non nước) 
Với hai từ nước non mà Tản Đà muốn nói đến ba tầng nghĩa: 
Nước non - vẻ đẹp thiên nhiên 
Nước non - Tổ quốc 
Nước non - tình yêu lứa đôi 
Trong bài thơ thì hình ảnh non được tác giả nhấn mạnh hơn, non là tượng trưng cho người con gái ngóng trông, chờ đợi. Hình ảnh non là tượng trưng cho tấm lòng thủy chung son sắt của người con gái. Đó là sự cứng rắn bền chặt, sự vững vàng của tấm lòng người phụ nữ Việt Nam. 
Bài thơ Đá Ông Chồng Bà Chồng, hình ảnh non kết hợp với sông trở thành non sông, biểu tượng cho đất nước, cho Tổ quốc. 
Khéo khéo bày trò tạo hóa công, 
Ông Chồng đã vậy lại bà Chồng. 
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc, 
Thớt dưới sương pha đượm má hồng. 
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt, 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
Đá kia còn biết xuân già giặn, 
Chả trách người ta lúc trẻ trung. 
(Đá Ông Chồng Bà Chồng) 
Trước cảnh thiên nhiên với những tảng đá nằm chồng lên nhau ngộ nghĩnh như vậy, Hồ Xuân Hương cho rằng đó là một cảnh ân ái lạ lùng của đôi vợ chồng già. Đá cứng lắm, nặng lắm, mà nó chẳng nằm chết như đá, nó giãi ra, nó cọ mãi với non sông đất nước. Hình ảnh non sông như là nhân chứng cho cặp tình già vẫn còn hứa hẹn trường cửu với không gian và thời gian, với non sông đất nước. Hồ Xuân Hương như một nhà điêu khắc tạc cho đá có sức sống và có tình yêu. Đặc biệt là một cuộc tình thủy chung son sắt mà tác giả từng khao khát. 
Ở bài thơ Cảnh thu, hai từ giang sơn là biểu tượng của non sông đất nước. 
... Bầu dốc giang sơn say chấp rượu, 
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ. 
(Cảnh thu) 
Ý hai câu thơ muốn nói thấy cảnh sông núi nước non đẹp, nên uống cạn bầu rượu. Chất men say của bầu non sông dốc cạn vào tâm hồn thi sĩ còn say hơn rượu nhiều. Say ở đây không phải là vì rượu, mà say trước cảnh đẹp của non sông. Non sông là bầu rượu lớn của nhà thơ. Điều đó thể hiện được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của tác giả Hồ Xuân Hương. Nhà thơ nặng tình với cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước cần phải ghi lại bằng những tứ thơ, câu thơ, bài thơ tuyệt tác. 
Hai tiếng nước non thể hiện sự cao cả, không chỉ thể hiện ở hình dáng mà còn biểu hiện trong tâm trạng con người. Ở bài Dỗ người đàn bà khóc chồng, hai từ non sông biểu tượng cho sự cao cả, thiêng liêng đối với con người. Nói non sông là nói đến cả thế giới tự nhiên và xã hội. Nói non sông là nói về đất nước. Trong bài thơ tác giả khuyên người góa phụ đừng khóc nữa, có lúc tác giả dịu dàng, có lúc cũng đùa vui, để cho họ khuây khỏa nỗi đau mà về với cuộc sống thực tại bình thường. 
Văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng 
Nín đi kẻo thẹn với non sông. 
Ai về nhắn nhủ đàn em bé,  
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung. 
(Dỗ người đàn bà khóc chồng)
Hồ Xuân Hương là một kiểu người không chịu gục đầu mà khóc, Xuân Hương không muốn thẹn cùng với non sông đất nước. Thời phong kiến, chỉ có đấng nam nhi e ra mới dám sánh cùng non sông, đất nước, nhưng chỉ để nói lên sức mạnh, khí phách hiên ngang, cũng như nói đến cái nợ làm trai với đất nước. 
... Nam nhi vị liễu công danh trái, 
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. 
(Phạm Ngũ Lão, Tỏ lòng) 
Ở đây Hồ Xuân Hương đã đề cao hình ảnh người phụ nữ ngang tầm với non sông để thấy được tầm quan trọng cũng như sự cao cả của họ. Thì ra cái thế chính là hai chữ non sông. Hơn nữa, đặt bài thơ này vào thời đạo đức suy đồi, đen bạc lúc ấy, phải chăng nó sâu thẳm trong nỗi lòng, trong nghĩ suy của tác giả? Tiếng khem đi với xấu máu là giọng của cô gái bình dân nói mát với người thiếu phụ nức nở khóc chồng. Lời thật giản dị mà nghĩa sâu xa. Người ta khem khế, khem chanh, khem qủa xanh hoa dại là chuyện thường, khem miếng đỉnh chung mới thật câu đáng nhắn ai xấu máu, không thể hám được mà cũng hám, chả sợ thẹn cùng non sông. Khóc là lòng thực, nhưng xã hội giả dối thì cái thực đâu được thừa nhận, chỉ còn có cách nén lòng để nhìn tận mắt cái xã hội ấy. 
Bài thơ Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương đã gợi tả nghĩa thực về chiếc bánh trôi nước, nhưng ngụ ý là mượn bánh để nói về vẻ đẹp trong trắng, trinh nguyên, cũng như vẻ đẹp về phẩm chất cao cả của người phụ nữ. 
Thân em vừa trắng lại vừa tròn, 
Bảy nổi ba chìm với nước non. 
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son. 
(Bánh trôi nước) 
Thân em là chữ tự xưng rất khiêm nhường của người con gái. Thân vừa là thân xác, vừa là thân phận con người. Nó chỉ cái tự nhiên, cái bản chất trong con người trước hết. Em vừa là cá nhân Hồ Xuân Hương, vừa là người phụ nữ thời phong kiến nói chung. Trắng và tròn gợi lên vẻ đẹp về ngoại hình của người phụ nữ, một vẻ đẹp xinh xắn, duyên dáng, đầy đặn. Như vây, cái tự nhiên của con người, cái thân phận tiền sinh của nó là đầy đủ, trong trắng và tuyệt đẹp. 
Câu thứ hai với hai từ nước non không còn mang nghĩa cụ thể mà mang nghĩa tượng trưng chỉ hoàn cảnh sống, chỉ cuộc đời. Sống là một quá trình tích lũy và phôi pha. Bởi vậy, tác giả dùng hai chữ nước non, vừa có nghĩa là nước cụ thể(với bánh trôi), vừa có nghĩa vũ trụ, là cuộc đời. Giọng điệu câu thơ thứ ba tuy có ngậm ngùi, nhưng không hẳn là buông xuôi cam chịu. hai chữ mặc dầu đặt giữa câu thơ như sự gắng gượng vươn lên để khẳng định mình ở câu kết. Cụm từ tấm lòng son nói về tấm lòng trong trắng, thủy chung son sắt. Đó là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 
3.1.2. Đá - biểu hiện của sức mạnh, sự vững chắc 
Đá là vật thể quen thuộc ở vùng núi nước ta. Nhưng đá trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ đơn thuần là đá. Đá còn thể hiện sức nặng, sự cứng cỏi, sự rắn chắc, và đá bao giờ cũng vươn lên chín tầng cao để biểu tượng cho sức mạnh, sự vững chắc. Ở bài Kẽm Trống hình ảnh núi non biểu tượng cho sự cứng cỏi, vững chắc. 
... Ở trong hang núi còn hơi hẹp, 
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng... 
(Kẽm Trống) 
Kẽm Trống là một địa danh ở huyện Kim Bảng, phủ lý nhân, tỉnh Hà Nam. Hai bên núi sát liền nhau, chỉ vừa một lối nước chảy, thì rất chật hẹp, giống như một cái cửa. Với hai bên núi sát liền nhau đứng sừng sững như thế khi có gió mạnh thổi vào sườn núi thì nghe âm thanh lắc cắc. Hình ảnh hang núi đối lập với đầu non, ở trong hang núi thì tối, nhỏ, hẹp và đầy những bí ẩn, những bí hiểm. Muốn vào trong hang núi để khám phá những bí ẩn thì cần có sự gan dạ, can đảm. Ngược lại, hình ảnh đầu non, tức là khi ra khỏi hang thì rộng thùng, có ánh sáng và không còn lo sợ như ở trong hang núi. Hình ảnh hang núi, đầu non tượng trưng cho sự cứng cỏi, vững chắc.  
Đá là vật thể quen thuộc và gần gũi với mọi người. Nhưng đá trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ đơn thuần là đá. Đá còn thể hiện ở sức nặng, sự cứng cỏi, sự gắn chắc. Ở bài thơ Hang Thánh Hóa thì những ngoàm đá, lườn đá biểu tượng cho sự vững chắc. 
Khen thay con tạo khéo khôn phàm, 
Một đố giương ra biết mấy ngoàm. 
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp 
Lách khe nước rỉ mó lam nham... 
(Hang Thánh Hóa) 
Nói về cấu tạo của hang động tự nhiên thì một đố nhiều ngoàm. Nếu coi cả vách động là một đố, thì vòm động với các hõm to, nhỏ là những ngoàm. Ở hang Thánh Hóa có những lườn đá rất lớn cấu tạo nên hang động. Như vậy, những ngoàm đá, lườn đá tượng trưng cho sức nặng, cho sự rắn chắc. 
Hình ảnh đá biểu tượng cho sự vững chắc, cho sự cứng cỏi còn thể hiện qua bài thơ Đá Ông Chồng Bà Chồng 
Khéo khéo bày trò tạo hóa công, 
Ông Chồng đã vậy lại bà Chồng. 
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc, 
Thớt dưới sương pha đượm má hồng. 
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt, 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
Đá kia còn biết xuân già giặn, 
Chả trách người ta lúc trẻ trung. 
(Đá Ông Chồng Bà Chồng) 
Ở đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm có nói đến hai tảng đá lớn giống hình trống mái nằm trên một ngọn núi ven biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) 
... Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái...  
Còn với Hồ Xuân Hương với hai tảng đá nằm chồng lên nhau là đá Ông Chồng Bà Chồng. Ông Chồng (Tầng trên) tuyết điểm pha đầu bạc, Bà Chồng (thớt dưới) sương pha đượm má hồng. Tác giả đã cố tình để cho Ông Chồng nằm tầng trên và Bà Chồng nằm thớt dưới, tư thế thuận (tư thế truyền thống) trong việc ái ân của con người. Hồ Xuân Hương đã nhân cách hóa, đã thổi hồn vào đá làm cho sự vật vô tri có tính người, có hoạt động tính giao như con người. Nhà thơ Xuân Diệu đã bình luận rất hay về điều này: “Và một nữ thi sĩ, một nhà điêu khắc truyền cả hơi sống, cả tình yêu vào đá, đến nỗi đá cũng ửng hồng lên như có máu chảy: đá cứng lắm, nặng lắm, mà nó chẳng nằm chết như đá, nó dãi ra, nó cọ mãi, nó già dặn tình xuân!”. Theo Đỗ Lai Thúy, câu thơ thứ năm trong bài thơ có nhiều chỗ khảo dị: đó là chị nguyệt, tuế nguyệt, nhật nguyệt. Tác giả chọn chữ nhật nguyệt vì chỉ có nó mới đối chỉnh với non sông ở câu dưới. Cả hai đều là danh từ ghép gồm một yếu tố âm và một yếu tố dương: Nhật (+) nguyệt (-); non (+) sông (-), mang ý nghĩa phồn thực. Hơn nữa, nhật nguyệt chỉ thời gian, còn non sông chỉ không gian, nên mối tình đá, tình người kia tồn tại mãi mãi với vũ trụ. 
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt, 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
Đôi tình nhân này không chỉ nặng tình mà còn nặng nghĩa. Nặng nghĩa cùng nhật nguyệt, nặng tình cùng non sông. Hình ảnh đá trong bài thơ biểu tượng cho sự vững chắc, cho sự bền vững của tình yêu. 
3.1.3. Đá - biểu hiện vẻ đẹp tự nhiên 
Rất nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với hình ảnh núi non, hang động. Bài thơ Động Hương Tích, Hồ Xuân Hương miêu tả cảnh đẹp của một hang động tự nhiên. Động Hương Tích là động chính của chùa Hương, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Chùa Hương là một vùng non nước kỳ ảo của xứ Bắc. Tài tử văn nhân thời nào cũng thường lui tới. Làm sao Chùa Hương có thể vắng bóng Hồ Xuân Hương. Người nữ sĩ có tình riêng với nước non đã đến Chùa Hương và đã để lại dấu ấn của tâm hồn nữ sĩ như dấu chân của người khổng lồ in trên đá qua bài thơ.  
Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm, 
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. 
Người quen cõi phật chen chân xọc, 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. 
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, 
Con Thuyền vô trạo cúi lom khom. 
Lâm Tuyền quyến cả phồn hoa lại, 
Rõ khéo trời già đến dở dom. 
(Động Hương Tích) 
Qua bài thơ cho ta thấy đây là cái động trên núi cao. Vào những ngày đầu xuân, hội Chùa Hương thật là nhộn nhịp. Người tứ phương đi trẩy hội. Người tu hành ít, kẻ trần tục nhiều, chen chân trong động, hương khói pha với sương mù nghi ngút. Hai bên đường quanh co lên động có nhiều cảnh lạ Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm là như vậy. Trong động vú đá mơn mởn vô tình nhỏ từng giọt sữa đá trong veo trông cảnh tượng thật đẹp và ngộ nghĩnh. 
Kẽm Trống của Hồ Xuân Hương được tạo nên từ hình của núi, của sông. Cảnh nước non nên thơ, cảnh nước non hùng vĩ. Kẽm Trống thuộc tỉnh Hà Nam, giáp huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm. Hai bên núi sát liền nhau, chỉ vừa một lối nước chảy, thế rất chật hẹp, giống như một cái cửa(theo Nguyễn Lộc). Bởi vậy, cảnh ấy mới có sự hình dung ấy. Hồ Xuân Hương đã miêu tả sự hình dung của mình rất tài tình. 
Hai bên thì núi giữa thì sông, 
Có phải đây là Kẽm Trống không? 
(Kẽm Trống) 
Ở bài Kẽm Trống, tác giả đã sử dụng một thủ pháp nghệ thuật rất độc đáo để đạt tới sự ám chỉ ấy. Đó là tác giả đã đặt liền nhau những từ chỉ có liên hệ cú pháp chứ không có liên hệ từ vựng, nhưng có liên hệ ngữ nghĩa với nhau như: Kẽm Trống/ không? Thì thành Kẽm/ Trống không? Mà Trống không là chỉ hang động, chỉ âm vật. Cũng như cụm từ Qua cửa mình ơi! Cửa mình là bộ phận sinh sản của người phụ nữ.  
Hang Cắc Cớ của Hồ Xuân Hương cũng miêu tả một hang động tuyệt đẹp của cảnh thiên nhiên đất nước. Đó là một cái hang tròn, sâu và nhỏ.
Trời đất sinh ra đá một chòm, 
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom. 
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. 
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, 
Con đường vô ngạn tối om om. 
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc, 
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm! 
(Hang Cắc Cớ) 
Hang sâu, tối, ẩm rêu không phát triển được, gió từ bên ngoài thổi vào trong hang sâu, gió lồng vào vách động nghe phập phòm. Trong hang lại có thạch nhũ nhỏ từng giọt, từng giọt xuống vũng nước nghe lõm bõm. Hang càng vô sâu càng tối tối om om, tạo nên vẻ đẹp huyền bí của hang động, nó kích thích sự tò mò và đầy sức hấp dẫn đối với con người chúng ta. Bài thơ tả cảnh một cái hang, hang Cắc Cớ, rất thực, rất đúng. Tác giả sử dụng một số từ có dụng ý như đá một chòm, nứt làm đôi mảnh, kẽ hầm rêu mốc, giọt nước hữu tình, con đường vô ngạn, hớ hênh, đẽo đá... nên đã gợi lên một nghĩa khác, nghĩa ngầm: âm vật. Cả hai nghĩa tường minh và hàm ẩn trong bài thơ đều rất đúng và không thể tách khỏi nhau được. 
Bài thơ sử dụng từ ngữ khá độc đáo: đá được gọi là một chòm. Chòm có nghĩa là tập hợp gồm nhiều cây, nhiều sợi hoặc nhiều vật mọc chụm vào nhau, thường người ta hay nói là chòm lá, chòm sao, chòm râu, chòm lông, không ai nói là chòm đá. Chòm là một tập hợp gồm nhiều cá thể do đó chòm có thể chia ra nhiều cá thể và từ cá thể đó mới có thể nứt ra thành từng mảnh. Thế nhưng một chòm đá (đá một chòm) của Xuân Hương lại nứt ra làm hai mảnh hỏm hòm hom rõ ràng không thể không khiến người đọc phải suy ngẫm. Quả là khéo khen cho kẻ đẽo đá đã tạo ra vật có hình thù đặc biệt như vậy! Các từ ngữ đá một chòm, nứt làm hai mảnh (hỏm hòm hom), kẽ hầm (rêu mốc), trơ toen hoẻn, con đường vô ngạn, hớ hênh, giọt nước hữu tình, đẽo đá cũng không nằm ngoài sự liên tưởng về bộ phận sinh dục người phụ nữ và hoạt động tính giao của con người. Hớ hênh là tính từ chỉ tính chất không cẩn thận, không giữ gìn của con người (ăn mặc hớ hênh, ngồi hớ hênh). Nhưng trong bài thơ Hang Cắc Cớ, hớ hênh lại dùng cho vật (hang) là điều bất bình thường. Tạo hóa cũng khéo hớ hênh dưới con mắt của Xuân Hương. Bên cạnh biệt tài sử dụng tính từ, Hồ Xuân Hương còn dùng động từ rất đắt. Động từ đẽo có nghĩa là dùng dụng cụ có lưỡi sắc để làm đứt rời từng phần nhỏ của một khối rắn (như gỗ, đá) nhằm tạo ra vật có hình thù nhất định. Đẽo đá ngoài nghĩa đen như trên đã nói còn có nghĩa hàm ẩn chỉ hoạt động tính giao của con người. Hay đẽo đá còn có thể nói lái thành đéo đã hoặc đã đéo giống như kiểu nắng cực (…) để tạo nghĩa rất nghịch ngợm kiểu Xuân Hương. Trong bài thơ Cảnh chùa ban đêm, hình ảnh núi non biểu tượng cho cảnh đẹp thiên nhiên. 
Tình cảnh ấy, nước non này, 
Dẫu không Bồng Đảo cũng tiên đây... 
Cảnh đẹp nước non hùng vĩ được sánh như ở bồng lai tiên cảnh. Theo như phật pháp thì có cõi trần, cõi âm và tiên cảnh. Tiên cảnh là một nơi đẹp nhất, hạnh phúc nhất mà chỉ có tiên, phật và người hiền, người tốt ở mà thôi. Người quân tử đến chơi, dầu đây chưa phải Bồng Đảo nhưng nơi nào bằng. Trong bài thơ tác giả mô tả một đêm trăng vào mùa thu. 
Lấp ló đầu non vùng nguyệt chếch, 
Phất phơ sườn núi lá thu bay. 
Nhìn lên đầu non thì thấy ánh trăng vừa nhú khỏi, vừa lấp ló như vừa ẩn hiện soi rọi vào đỉnh núi trông tuyệt đẹp. Nhìn xuống sườn núi thì thấy lá thu rụng bay phất phơ. Mùa thu thu là mùa lá rụng, những chiếc lá vàng rơi trên sườn núi không định hướng, không chủ đích. Mùa thu có đôi chút buồn nhưng rất đẹp, một đêm trăng mùa thu buồn mà đẹp. 
3.2. Đá - biểu tượng bộ phận sinh sản người phụ nữ 
3.2.1. Đá - hình ảnh của vẻ đẹp thiên tạo 
Đó là vẻ đẹp của các bộ phận trên cơ thể người phụ nữ được tạo hóa ban cho qua hình ảnh biểu tượng của hang, động, thạch nhũ, lườn đá… 
Ở bài Đèo Ba Dội hội tụ nhiều nét tinh hoa của phong cách Hồ Xuân Hương. Ngoài tình yêu thiên nhiên còn biểu hiện dục tính trong tài hoa miêu tả, miêu tả đèo nhưng ẩn ý là miêu tả bộ phận sinh sản của người phụ nữ. 
Một đèo, một đèo, lại một đèo, 
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo. 
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, 
Hòn đá xanh rì lún phún rêu. 
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc 
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo 
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng? 
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. 
(Đèo Ba Dội) 
Mở đầu bài thơ tác giả đã đếm: một đèo, một đèo, lại một đèo. Câu thơ vừa nói lên cái vất vả của sự trèo đèo, vừa miêu tả bản thân con đèo. Sự hai nghĩa, lấp lửng cũng bắt đầu từ đây. Nhà thơ như vừa leo đèo lại vừa như đứng ở độ cao nào đó để nhìn đèo, để thấy nó giống như thân thể người phụ nữ. Các vật thể cửa son, hòn đá, cơn gió, giọt sương, lá liễu là những biểu tượng tính dục và nằm trong mối quan hệ giữa các câu thơ trên thì càng bộc lộ rõ hơn. Có cửa là phải có đóng có mở, có người ra, người vào. Cửa son là còn đỏ, chưa có người vào, cộng thêm hai từ tùm hum là còn hoang dại chưa có ai đến, chưa có ai khám phá. Hài hòa với màu đỏ ma mãnh đó là màu xanh rì thướt tha của sự sống trẻ trung, cường tráng đang nảy nở những nét non tơ lún phún. 
Ở câu thứ năm và thứ sáu có sự chuyển động do sự tương tác giữa mạnh và yếu (cơn gió thốc/ giọt sương gieo), giữa cứng và mềm (cành thông/ lá liễu). Đây cũng là tương tác giữa âm và dương, thuận theo quy luật của tạo hóa. Hang với hòn đá tươi tốt hòa sắc với nhau, đến cành với lá cũng giao thoa những nét cứng mềm, gió với sương cũng tung hứng êm đềm. 
Một mảnh tình của Xuân Hương đã tạo ra một hợp tấu khác kỳ thú mà mỗi âm thanh, mỗi sắc màu, mỗi đường nét như muốn rủ rê trèo đèo Ba Dội. Tả đèo mà thể hiện sự tinh nghịch của Xuân Hương với người đời: đèo cao, trèo mệt mà vẫn cứ trèo. Và nhà thơ họa lên cái lý do ham muốn leo trèo của người đời, của hiền nhân quân tử. 
Hiền nhân quân tử ai là chẳng? 
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. 
3.2.2. Đá - biểu hiện của sự thâm sâu, bí hiểm 
Vẻ đẹp đó không chỉ thể hiện ở bên ngoài, mà còn thể hiện ở tầng sâu đầy bí hiểm. Biểu tượng này xuất hiện trong thơ là sự sáng tạo độc đáo có một không hai của Hồ Xuân Hương. Bài thơ Hang Cắc Cớ, tác giả miêu tả với đầy đủ những chi tiết hiện thực đá một chòm, nứt làm đôi mảnh, kẽ hầm, rêu mốc, Con đường vô ngạn… khiến ta hình dung ra được hình dáng, cảnh vật của hang Cắc Cớ. Hang Cắc Cớ là tên một cái hang ở chùa Thầy thuộc huyện Sài Sơn, tỉnh Hà Tây này là Hà Nội. 
Trời đất sinh ra đá một chòm, 
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom. 
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. 
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, 
Con đường vô ngan tối om om. 
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc. 
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm! 
(Hang Cắc Cớ) 
Nhưng cũng từ đấy người đọc liên tưởng đến một cái nghĩa ngầm song song tồn tại cùng với cái nghĩa tường minh qua câu chữ. Điều này phải kể đến việc dùng từ có ngụ ý của nhà thơ với vần om (chòm, hỏm hòm hom, phòm, lõm bõm, om om, dòm) kề cận nhau trong bài thơ đã gợi lên nghĩa khác, nghĩa hàm ẩn, là bộ phận sinh sản của người phụ nữ, là âm vật. Âm thanh miêu tả không gian là nét đặc sắc của Hồ Xuân Hương. Điệp âm ba hõm hòm hom làm hiện lên cái hang Cắc Cớ tròn, sâu và nhỏ, kích thích trí tò mò của người xem. Càng sâu, tối, ẩm, rêu không phát triển được rêu mốc không màu sắc, trơ đất đá mà Xuân Hương nói đến cạn cùng của ngôn ngữ là trơ toen hoẻn. Thật khác hẳn với trèo đèo Ba Dội có ánh sáng mặt trời, dương thịnh, rêu mọc xanh rì. Trong hang lại dễ cộng hưởng với tiếng động bên ngoài, tiếng gió thoảng, tiếng thông reo đều dội vào hang thành âm thanh khuếch đại. 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. 
Thạch nhũ nhỏ từng giọt, từng giọt mà thành lõm bõm trong hang Cắc Cớ. Hai chữ hữu tình khiến chúng ta nghĩ rằng vào sâu trong hang càng nghe rõ tiếng lòng của Hồ Xuân Hương. Hang càng vô càng tối tối om om mà lại còn vô ngạn thì cái thâm sâu, bí hiểm của hang càng được bộc lộ rõ hơn. 
Hai câu cuối trong bài thơ tác giả hơi đùa giỡn, mà đã vào trong hang không giỡn không được, Xuân Hương lại càng không nhịn giễu đời. Tác giả đã cố tình dùng nghệ thuật chơi chữ là cách nói láy đẽo đá. Mà ai đẽo đá thì tác giả lại khen chứ không phải chê. 
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc 
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm. 
Đời là vậy, cái gì lạ có nhiều kẻ dòm, cái gì để hớ hênh là có lắm kẻ dòm, mà cái gì người ta thích người ta mới dòm. Ở đây tác giả dùng từ dòm mà không dùng từ ngắm, hoặc nhìn. Mà từ dòm, nếu xét theo cấp độ ngữ nghĩa là mang âm tính. Điều này ít nhiều mang ý nghĩa dung tục, ham muốn dục vọng của con người. Cho nên đến hội chùa Thầy mà không vào hang Cắc Cớ thì coi như chưa biết hết Chùa Thầy, lắm kẻ dòm là như vậy. 
Nói về hình ảnh hang, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Hồ Xuân Hương có hai bài thơ viết về hang, trong không gian ấy, nước ở trạng thái giọt, rỉ: Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm. Con đường vô ngạn tối om om (Hang Cắc Cớ); Lách khe nước rỉ, mó lam nham (Hang Thanh Hóa). Dù vậy, nước vẫn gây ấn tượng, bởi cái thế chủ động của nó. Đặt cổ mẫu nước trong hang, Hồ Xuân Hương đã chồng cổ mẫu lên cổ mẫu. Và cổ mẫu hang là hình thái đất núi, khá đặc biệt trong tâm thức nhân loại: “Mẫu gốc của hình ảnh tử cung người mẹ”; hình ảnh cõi trần”; “biểu tượng hoàn hảo về cái vô thức”, “Hang biểu trưng cho sự thám hiểm cái tôi bên trong, đặc biệt hơn là cái tôi thô sơ, bị nén ẩn dưới những tầng sâu vô thức”, “túi chứa đựng năng lượng của cõi người, Hang “quá trình nội hoá tâm lý, để con người trở thành chính mình và đạt được sự trưởng thành…”, “cái chủ quan trong cuộc đối đầu với những vấn đề của sự phân hóa”. Giọt nước trong hang chính là yếu tố động của sức sống hiền minh, nhỏ nhoi, nép mình như trực giác, nối kết giữa vô thức và ý thức”. 
(Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam) 
3.3. Đá - biểu tượng cho cuộc sống trần tục 
3.3.1. Đá - bộc lộ sự ham muốn trần tục 
Con người có tình yêu, có ham muốn trần tục thì theo Hồ Xuân Hương đá cũng có tình. Ở tỉnh Tuyên Quang có cảnh hai tảng đá thật to chồng lên nhau, dân gian gọi là Đá ông Chồng Bà Chồng, một dạng của nhân vật thần thoại Ông Đùng bà Đà. Như Sầm Sơn có hòn Trống Mái. Làm sao Hồ Xuân Hương bỏ qua cái đề tài thú vị này được. Hồ Xuân Hương đã thổi vào cái đề tài dân gian ngộ nghĩnh đó là một luồng tình cảm mới, thấm đẫm vào đá cái sinh khí của Hồ Xuân Hương. Không còn đâu là đá nữa, trước mặt Hồ Xuân Hương là một cảnh ân ái lạ lùng, sự ham muốn trần tục của con người. 
Khéo khéo bày trò tạo hóa công, 
Ông Chồng đã vậy lại bà Chồng. 
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc, 
Thớt dưới sương pha đượm má hồng. 
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt, 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
Đá kia còn biết xuân già giặn, 
Chả trách người ta lúc trẻ trung. 
(Đá Ông Chồng Bà Chồng) 
Đá trở nên mềm mại uyển chuyển, có sắc màu, khăng khít, ân ái với nhau của cặp tình già nhưng rất mặn nồng. Ông Chồng (tầng trên) tuyết điểm phơ đầu bạc. Bà Chồng (thớt dưới) sương pha đượm mà hồng. Tác giả nói má hồng là để nhận diện phái đẹp chứ cũng đã sương pha, qua lâu rồi cái thời xuân xanh. Nhưng có hề chi, cặp tình già vẫn còn hứa hẹn trường cữu với không gian, với thời gian. 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
Chỉ một từ cọ ta nhận ra một Xuân Hương mãnh liệt với tình yêu đôi lứa. Tác giả với khối tình đá mà ta nhận ra khối tình người, khối tình Xuân Hương, một khối tình nặng như đá sẽ không bao giờ đổ vỡ. Trong nỗi xúc động lớn lao, Hồ Xuân Hương thổ lộ một lời thật nhân tình rất mãnh liệt về việc ham muốn trần tục của con người. Đá kia còn biết xuân già dặn Chả trách người ta lúc trẻ trung. 
Đá còn biết yêu, còn biết ân ái huống chi con người, đặc biệt là còn tuổi trẻ đầy sức lực, đầy ham muốn là điều hiển nhiên. Người đời nhớ thương Hồ Xuân Hương ở tiếng cười đầy thâm thúy trong những vần thơ. Đồng thời cũng không thể quên ở nữ sĩ những lời thế thái nhân tình làm động đến nơi sâu thẩm cõi lòng người. 
Ở bài Tự tình II, hình ảnh đá cũng mang tính biểu tượng cho sự ham muốn trần tục của con người. 
… Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, 
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn... 
(Tự tình II) 
Những câu thơ đang ở cung bậc u trầm, bỗng dưng lên một khí thế dữ dội, xiên ngang và đâm toạc. Mặt đất có lành lặn đâu! Chân trời cũng có lành lặn đâu!  
Một thứ thì bị rêu xiên ngang, một thứ thì bị đá đâm toạc. Mặt đất, chân mây của Hồ Xuân Hương rất thực, rất sống. Đã xiên còn xiên ngang, đã đâm còn đâm toạc, nghĩa là khi đã xiên thì muốn được xiên ngang và khi đâm thì muốn được đâm toạc. Hồ Xuân Hương là nhà thơ của động từ, những động từ cực mạnh. Con mắt nữ sĩ nhìn ra cảnh ấy là nhìn từ ẩn tình bức bối, muốn phá phách cái số mệnh hắc ám, nó đè nặng lên thân phận. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà trong Hồ Xuân Hương người ta gặp những thứ mãnh lực ấy của nhục tình mà trong Hồ Xuân Hương có một cái thú của sự công phá. Đá của nàng đâm toạc chân mây và nàng đang dang tay xoạc cẳng, như bị vỡ xác để ôm chầm lấy thế giới. 
Bên cạnh lớp nghĩa phân tích trên, hai câu thơ của Hồ Xuân Hương còn có lớp nghĩa hàm ẩn. Tác giả đã sử dụng các động từ chỉ hoạt động mạnh như xiên, đâm: xiên có nghĩa là đâm sâu vào hoặc đâm xuyên qua bằng vật dài, nhỏ và thường có đầu nhọn; đâm có nghĩa làm cho bị thủng, bị tổn thương bằng vật có mũi nhọn. Động từ được tác giả sử dụng đắt hơn cả là toạc có nghĩa là rách to, thường theo chiều dài. Ngữ động từ đâm toạc có nghĩa là làm cho bị thủng, bị rách to ra. Thế nhưng cái vật đó lại chính là đá mới thật là độc đáo. Đá có đặc điểm là cứng, nhọn, dài nên nó cũng được dùng để biểu tượng cho dương vật của người đàn ông. Hai câu thơ trên là biểu hiện của hoạt động tính giao, của sự ham muốn trần tục. 
Nếu chọn một bài thơ tiêu biểu cho bản sắc thơ Hồ Xuân Hương thì có lẽ là bài Đèo Ba Dội. Bài thơ hội tụ nhiều nét tinh hoa của phong cách Hồ Xuân Hương như tình yêu thiên nhiên, dữ dội trong sự biểu hiện, đặc biệt là dục tình trong tài hoa miêu tả, ỡm ờ mà khiêu khích người khác giới, lập lờ hai mặt trong nỗi khát khao ái ân mặn nồng. Tả đèo mà tấu nhạc lên thì thật là độc đáo, tả đèo nhưng thật ra là tả bộ phận nhảy cảm của người phụ nữ và nhà thơ họa lên cái lý do ham muốn leo trèo Đèo Ba Dội của người đời, của hiền nhân quân tử. 
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, 
Hòn đá xanh ù lún phún rêu. 
Từ đó, thể hiện thái độ tinh nghịch của Hồ Xuân Hương với người đời: đèo cao, trèo mệt như vậy nhưng ai cũng vẫn cứ muốn trèo! Nó là một sự ham muốn lục dục, một sự ham muốn mà tạo hóa đã ban tặng cho phái mạnh. 
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng? 
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. 
(Đèo Ba Dội) 
Ở bài thơ Bỡn bà lang khóc chồng, Hồ Xuân Hương muốn đùa giỡn, bỡn cợt bà lang, mà nổi bật là ở hai câu: 
... Thạch nhũ, trần bì sao để lại, 
Quy thân, liên nhục tẩm mang đi... 
(Bỡn bà lang khóc chồng) 
Với nghĩa đen, đây là những vị thuốc có tính dược rất cao trong quan hệ vợ chồng, thạch nhũ với nghĩa đen là vú đá, nhưng còn ngụ ý là bộ phận sinh sản của bà vợ còn để lại, còn của ông chồng thì mang đi. Vì thế, thạch nhũ là biểu tượng cho sự ham muốn trần tục, ham muốn sự ái ân vợ chồng. 
3.3.2. Đá - biểu hiện sự khao khát dục vọng 
Đó là sự hiểm trở của núi non, của hang động nhưng con người vẫn ham muốn chinh phục. Ở bài Đèo Ba Dội hình ảnh núi non hiểm trở, muốn trèo lên Đèo Ba Dội là rất gian nan, nguy hiểm. Núi non trùng điệp biểu tượng cho sự hiểm trở và cũng là sự gian nan, thử thách đối với những ai muốn chinh phục nó. 
Một đèo, một đèo, lại một đèo, 
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo. 
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, 
Hòn đá xanh rì lún phún rêu. 
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc, 
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo. 
Hiền nhân quân tử ai là chẳng? 
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. 
(Đèo Ba Dội) 
Câu thơ đầu vừa nói lên cái vất vả của sự trèo đèo, vừa miêu tả bản thân con đèo. Sự lấp lửng, ỡm ờ về nghĩa cũng bắt đầu từ sự miêu tả này. Nhà thơ như vừa leo đèo lại vừa nhìn đèo, để thấy nó giống như thân thể người phụ nữ. 
Từ đó, tác giả đi vào đặc tả cảnh đèo có: cửa son đỏ loét (tùm hum nóc), hòn đá xanh rì (lún phún rêu). Như ở biểu tượng nước chúng tôi đã phân tích các từ như thốc, đầm đìa, giọt sương (gieo) đặc biệt sự xuất hiện của hiền nhân quân tử và thành ngữ mỏi gối chồn chân (vẫn muốn trèo) làm cho người đọc liên tưởng đến hoạt động tính giao, đến sự khát khao dục vọng của con người. Nằm trong sự liên tưởng ấy thì hình ảnh cửa son đỏ loét (tùm hum nóc), hòn đá xanh rì (lún phún rêu) chính là các bộ phận của âm vật người phụ nữ. 
Bài thơ Cái kiếp tu hành của Hồ Xuân Hương có hình ảnh đá đeo biểu tượng cho sự khó khăn, khổ hạnh của những ai tu hành. 
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,… 
(Cái kiếp tu hành) 
Đã là kiếp thì làm sao tránh được sự khốn khổ, tránh điều này, ắt gặp điều khác. Cho nên, nó nặng nề, khổ sở như đeo đá vào người. Trong bài Hang Thánh Hóa, hình ảnh núi non hang động biểu tượng cho sự hiểm trở, cho sự gian nan, thử thách đối với con người khi chúng ta muốn chinh phục. 
Khen thay con tạo khéo khôn phàm, 
Một đố giương ra biết mấy ngoàm. 
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp, 
Lách khe nước rỉ mó lam nham… 
Hang Thánh Hóa được cấu tạo tự nhiên hết sức phức tạp. Một đố nhiều ngoàm. Nếu coi cả vách động là một đố, thì vòm động với các hõm to, nhỏ là những ngoàm. Muốn trèo được vào hang Thánh Hóa không phải chuyện đơn giản mà phải có sự gan dạ, quyết tâm để vượt qua những vòm động. Bên cạnh đó hang Thánh Hóa còn có những lườn đá cỏ leo đầy. Vào hang khó như vậy, nhưng mọi người vẫn ham muốn vượt qua.  
… Đến đây mới biết hang Thánh Hóa, 
Chồn chân mỏi gói vẫn còn ham! 
(Hang Thánh Hóa) 
Hình ảnh hang động trong Hang Cắc Cớ của Hồ Xuân Hương cũng nói lên được sự hiểm trở của núi non. 
Trời đất sinh ra đá một chòm 
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom… 
Tạo hóa đã sinh ra một chòm đá và đã nứt ra làm hai mảnh để trở thành một cái hang động tự nhiên. Hỏm hòm hom làm hiện lên cái hang tròn và sâu, tối nên rất khó vào được, biểu tượng của sự gian nan thử thách. Hang sâu, tối, ẩm và càng vô sâu càng tối, tối om om. Con đường vô ngạn tối om om. 
(Hang Cắc Cớ) 
Hơn nữa, còn thêm vô ngạn nghĩa là không có thành bờ tay vin. Vậy, muốn vào hang không phải là chuyện dễ dàng, nhưng mọi người vẫn muốn biết, vẫn muốn dòm, vẫn mướn chinh phục. Đến với hội Chùa Thầy mà không vào hang Cắc Cớ thì coi như chưa biết chùa Thầy, lắm kẻ dòm là như vậy. Muốn vào hang phải đốt đuốc và ngày xưa khi nam thanh nữ tú đã lên chật hang rồi thì đuốc tắt. Vì vậy, Hồ Xuân Hương mới khen ai và dân gian mới có câu ca dao: 
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ 
Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy. 
Tiểu kết chương 3 
Mỗi bài thơ của Hồ Xuân Hương thường có ba tầng nghĩa: nghĩa thứ nhất, nghĩa thứ hai và nghĩa khái quát. Trong đó nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai hết sức quan trọng. Nghĩa thứ nhất hay còn gọi là nghĩa tường minh ngay câu chữ mà tác giả đặt nhan đề. Còn nghĩa thứ hai là nghĩa ngầm( nghĩa hàm ẩn) mà người đọc suy ra. Hồ Xuân Hương cũng không hề giấu, không khuất lấp mà chính tác giả hé lộ cho chúng ta tiếp nhận cảnh tượng của không gian buồng khuê, cũng như không ngần ngại mà nói đến những bộ phận quan trong của tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ, với nhiều sắc độ tối, đậm và đầy sức lôi cuốn, đầy sự hấp dẫn. 
Đá và các hình thức của đá (hang, động, non, ghềnh...) trong thơ nôm Hồ Xuân Hương mang nhiều ý nghĩa biểu tượng: Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Kẽm Trống, Đá Ông Chồng Bà Chồng,... Bài thơ Hang Cắc Cớ là tả cảnh một cái hang Cắc Cớ rất thật, rất đúng. Nhưng việc sử dụng một số từ có dụng ý như nứt làm đôi mảnh, kẽ hầm rêu mốc, giọt nước hữu tình,... cho ta nghĩ đến một nghĩa khác, nghĩa ngầm: âm vật. Cả hai nghĩa này đều rất đúng và không thể tách khỏi nhau được. Bên cạnh đó, đá trong thơ nôm Hồ Xuân Hương còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng như: biểu tượng cho sự cao cả, vững chắc, biểu tượng cho sự ham muốn trần tục, khát khao dục vọng,... 
Tài năng sử dụng biểu tương nước và đá của Hồ Xuân Hương qua thơ nôm của bà hết sức độc đáo và tài tình. Nhờ có hệ thống biểu tượng, đặc biệt là biểu tượng nước và đá mà Hồ Xuân Hương trở thành tiếng nói khác lạ và đầy cá tính trong văn học. Chúng là phương thức nghệ thuật mà nữ sĩ sử dụng để bộc lộ tâm tình, những khát khao cháy bổng, những suy nghĩ có tính sáng tạo riêng. Rất nhiều bài thơ của Hồ có chứa đựng biểu tượng nước như: Giếng thơi, Tát nước, Thiếu nữ ngủ ngày…, biểu tượng đá: Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Đèo Ba Dội… 
KẾT LUẬN 
Trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Không phải người phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần, mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Họ bị xã hội phong kiến xem thường, chà đạp lên nhân phẩm bởi những phong tục của lễ giáo. Hồ Xuân Hương đã mạnh dạn bênh vực người phụ nữ. Bà đã ngẩng cao đầu chống lại lễ giáo phong kiến bằng những lời thơ hùng hồn mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bà luôn ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn người phụ nữ qua những vần thơ với hàng loạt những biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Bà đã làm nên những bài thơ rất sống, rất đại chúng và tuyệt vời. 
Trong thơ của mình, Hồ Xuân Hương sử dụng một hệ thống biểu tượng rất đa dạng, sinh động và phong phú. Trong đó nước và đá là những biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Nước và các yếu tố chứa nước biểu tượng cho sự thiêng liêng cao cả của đất nước, biểu tượng cho nguồn cội của sự sinh soi nảy nở. Trong bài Giếng thơi, hình ảnh giếng thanh tân là giếng của cội nguồn. Từ cái thanh tân của giếng nước, Hồ Xuân Hương liên tưởng đến cái thanh tân của người phụ nữ, là vẻ đẹp nguyên sơ, trong trắng, trinh nguyên của những cô gái mới lớn. Đó là vẻ đẹp trời ban mà tác giả không hề giấu giếm, cái đẹp cần được phô diễn, cần để mọi người thưởng thức. Đồng thời, hình ảnh nước trong thơ Hồ Xuân Hương còn là biểu tượng cho dòng đời của người phụ nữ. Đó là sự lận đận trong tình duyên, trong tình yêu đôi lứa. 
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, 
Trơ cái hồng nhan với nước non... 
(Tự tình II) 
Bên cạnh đó, nước còn là biểu tượng cho số phận bị lệ thuộc của người phụ nữ, số phận họ luôn bị xem nhẹ, họ phải gánh chịu những lễ giáo nặng nề.  
Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh. 
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh. 
(Tự tình I) 
Biểu tượng đá thường xuất hiện trong môtíp hang động trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Trước hết, tác giả ca ngợi cảnh đẹp của nước non, trời mây như trong tác phẩm Động Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Kẽm Trống… Cái độc đáo là ở chỗ Hồ Xuân Hương đi sâu vào bên trong hang động, khám phá ra từng ngóc ngách của những hang, những động, những đèo… Những gì được tác giả miêu tác rất gần với thị giác của mình và rất gần với bàn tay mình. Có thể nhìn thấy rõ ràng và sờ mó được. 
… Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, 
Hòn đá xanh rì lún phún rêu. 
(Đèo Ba Dội) 
Trời đất sinh ra đá một chòm, 
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom… 
(Hang Cắc Cớ) 
Việc đi sâu vào ngóc ngách như vậy là một điểm mới lạ của Hồ Xuân Hương. Dựa vào tư duy liên tưởng của hang động, của đèo, của kẽm… mà nữ sĩ đã sáng tạo nên những biểu tượng có một không hai. Bên cạnh đó, đá còn là biểu tượng cho sự ham muốn cuộc sống trần tục, những tảng đá nằm chồng lên nhau tự nhiên, trước mắt tác giả, đó không còn là đá nữa mà là một cảnh ân ái lạ lung, là sự ham muốn trần tục của con người. 
... Đá kia còn biết xuâ già dặn, 
Chả trách người ta lúc trẻ trung. 
(Đá Ông Chồng Bà Chồng) 
Qua ý nghĩa của biểu tượng nước và đá cho thấy, Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài hoa độc đáo, bà đã tìm cho mình một con đường riêng, với những sáng tạo rất riêng đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Nhan Bảo, 2000, Phát hiện mới về Hồ Xuân Hương, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội. 
2. Xuân Diệu, 2006, Bình luận các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb trẻ TPHCM. 
3. Xuân Diệu, 1958, Ba thi hào dân tộc Nguyễn Du- Nguyễn Trãi- Hồ Xuân Hương, Nxb Phổ Thông. 
4. DZuy-DZao, 2000, Sự thật thơ và đời Hồ Xuân Hương, Nxb văn học. 
5. Ngân Hà (tuyển chọn), 2010, Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb văn hóa thông tin . 
6. Hoàng Xuân Hãn, 1995, Hồ Xuân Hương thiên tình sử, Nxb Khai Trí, Sài Gòn. 
7. Nguyễn Văn Hanh, 1936, Hồ Xuân Hương tác phẩm thân thế và văn tài, J.Aspar, Sài Gòn. 
8. Kiều Thu Hoạch, 2008, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb văn học. 
9. Hồ Sĩ Hiệp,1996, Hồ Xuân Hương, Nxb Văn nghệ TPHCM 
10. Trần Đình Hựu, 1995, Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb thông tin... 
11. Nguyễn Bỉnh Khôi, 1993, Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. 
12. Trần Khuê, 1996, Nghiên cứu và tranh luận, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 
13. Mã Giang Lân - Hà Vinh (tuyển chọn và biên soạn), 2000, Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm, Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội. 
14. Nguyễn Lộc, 1978, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỷ XIX, tập 1, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội. 15. Nguyễn Lộc, 1982, Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb văn học. 
16. Huỳnh Văn Minh, 1998, Giáo trình Hán Nôm, Nxb Đại học Cần Thơ. 
17. Nhiều tác giả, 1997, Đến với thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Hà Nội. 18. Nhiều tác giả, 2011, Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nxb văn học. 19. Nhiều tác giả, 2011, Hồ Xuân Hương tác phẩm và lời bình, Nxb văn học. 
20. Nhiều tác giả, 2011, Ngữ văn 11, tập 1, Nxb Giáo dục. 
21. Nhiều tác giả, 1983, Từ điển văn học, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
22. Hoàng Bích Ngọc, 2002, Hồ Xuân Hương con người tư tưởng, tác phẩm, Nxb Thông tin. 
23. Lữ Huy Nguyên, 1998, Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội. 
24. Vũ Tiến Quỳnh,1992, Hồ Xuân Hương, Nxb Tổng hợp Khánh Hòa. 
25. Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, 2001, Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 
26. Văn Tân, 1957, Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, Nxb Sông Lô. 
27. Văn Tân, 2004, Văn học trào phúng Việt Nam từ đầu TK XVIII đến năm 1958, Nxb Khoa học xã hội. 
28. Lê Tâm, 1950, Thân thế và thơ ca Hồ Xuân Hương, Nxb Cây Thông. 
29. Tuấn Thành - Anh Vũ (tuyển chọn), 2007, Hồ Xuân Hương tác phẩm và lời bình, Nxb văn học. 
30. Đỗ Lai Thúy, 1999, Hồ Xuân Hương- hoài niệm phồn thực, Nxb văn hóa thông tin. 
31. Đỗ Lai Thúy, 1998, Phong cách thơ Hồ Xuân Hương, Tạp chí văn học. 
32. Lã Nhâm Thìn, 1998, Thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục. 
33. Lã Nhâm Thìn, 2006, Bình giảng thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục. 
34. Trần Khải Thanh Thủy, 2002, Lạm bàn về thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Văn hóa dân tộc. 
35. Nguyễn Bích Thuận, 2002, Hồ Xuân Hương, Nxb Đồng Nai 
36. Đào Thái Tôn, 1993, Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 
37. Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, 1997, Nxb Đà Nẵng. 
38. Lê Trí Viễn, 1987, Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, Sở Giáo dục Nghĩa Bình. 
39. Lê Trí Viễn, 1984, Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Trường Đại học Sư phạm TPHCM. 
40. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam
41. Lê Thu Yến, 2007, Hồ Xuân Hương trong cảm hứng người đời sau, Nxb Giáo dục. 42.  Lê Thu Yến, 2008, Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb văn học.
Phan Hoàng Phương
Theo http://lib.hcmup.edu.vn:8080/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...