Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Bồng bềnh sương núi

Bồng bềnh sương núi
Có cái gì đó khe khẽ, rón rén, hổn hển nhẹ lướt qua tai Chẩu, tựa như tiếng gọi mơ hồ từ chốn nào đó xa lắc vọng tới làm Chẩu chợt thức giấc. Muốn mở mắt ra mà hai mí như bị dính nhựa trám. Cố mãi, gắng gượng mãi mới mở ra nổi. ầy! Thì ra tiếng hót lảnh lót của con chim đạ sua. Nó sợ Chẩu ngủ quên nên lay Chẩu dậy đấy thôi.Thế mới biết, đêm qua Chẩu đã nằm lăn ra cái phản giữa nhà mà ngủ một mạch đến sáng bảnh, con đạ sua không gọi thì Chẩu không biết ngủ đến bao giờ nữa.
Nhà Chẩu ở cuối bản Pó Lày. Đứng từ đầu hồi nhà, thả con mắt dòm qua những dãy núi mẹ địu núi con là ngó tới thị trấn Pó Liềng. Dưới ấy nhà cửa bé xíu, san sát, đứng ngồi lổm ngổm trên lưng con hươu lớn, trên đầu hươu là đôi sừng tua tủa những gạc ba, gạc bẩy bám chặt vào vách đá, chen lẫn trong mầu xanh đậm của rừng. Mẹ Chẩu bảo, những cái gạc hươu ấy là lối mòn cho người và ngựa xuống núi. Nhìn thì gần thế thôi, nhưng muốn đến thị trấn thì xa lắm. Phải đi từ khi gà rừng, gà nhà eo óc gáy gọi sáng, từ cái lúc mặt trời đang mê mải ngủ vùi trong bụng núi, cho tới khi nắng lùa chéo tán lá mới đến.
Dường như đã thành nếp quen, ngày nối ngày, hễ ngơi việc là mẹ lại mang lanh ra quấn dưới gốc cây đào già và đưa cái mắt buồn thăm thẳm như màu trời lúc gần tối nhìn mãi xuống thị trấn Pó Liềng. Chẳng biết có phải lưng mẹ hay dựa vào đấy không mà cây đào bén hơi mòn vẹt một bên, còn tảng đá mẹ ngồi ngậm mồ hôi người nhẵn bóng lên. Chẩu không biết ở dưới kia có cái gì mà mẹ như thể bị hút hồn vậy? Có lần, Chẩu tò mò:
_ Nỉa à, dưới kia có gì mà bắt mắt thế?
Mẹ thảng thốt nhìn Chẩu khẽ lắc đầu:
_ Có gì đâu, cái mắt muốn nhìn thì nhìn thôi._Rồi bất chợt mẹ sẵng giọng: Mày hỏi làm gì? Định hóng hớt kể chuyện với ông mày à? Tao ghét cái thói...
Mẹ bỏ dở câu nói, cái mắt nhìn Chẩu như có lửa đang cháy. Chẩu rất sợ.
Là mẹ không muốn nói ra cái điều đang nghĩ nên quát lên để Chẩu không hỏi nữa. Trong bụng Chẩu cồn lên những cái cần biết, nhưng Chẩu hiểu tính mẹ rồi, đã không nói thì không được hỏi. Cứ cố gặng, mẹ bực mình, mặt đỏ lên thì không hay đâu. Cái tai Chẩu lại phải nghe lời bẳn gắt, cằn nhằn, dài như cơn mưa mà mẹ rít qua kẽ răng rồi mới lọt ra ngoài. Những lúc ấy, người Chẩu run lật bật tưởng như trời sắp đổ ập xuống.
Thường thì vào cái lúc mẹ khó chịu, Chẩu nem nép như con mèo, nhẹ nhàng, rón rén lủi ra cổng, chạy sang nhà ông nội, Chẩu ở với ông nhiều hơn ở với mẹ. Ngày ông dạy Chẩu cái cách làm người. Đêm, ông kể chuyện cho Chẩu nghe. Những chuyện của ông chảy như nước dưới lòng thung không biết cạn.
Chẩu nhớ lắm, sáng mùa xuân năm ấy, ông trời rắc mưa lây phây như bụi phấn. Hoa đào đua nhau dệt hồng sườn núi, cha Chẩu lên đường đi bộ đội. Cha nâng bổng Chẩu, đặt lên cặp má phinh phính của Chẩu những cái hôn nóng bỏng, da diết, cha dặn:
_Con ở nhà ngoan, dí đi vài mùa con trăng toả sáng dí về.
Chẩu hít thật sâu mùi mồ hôi mặn nồng của cha, nước mắt Chẩu đầm đìa, ướt đẫm vạt áo tà pủ. Chẩu thổn thức:
_Dí à, cái chân đi mau rồi về với con.
Cha bỗng thở dài, nhịp thở dồn nén trong ngực bấy lâu giờ hắt ra tưởng như núi đang lở. Giọng cha xa xót:
_Con thay dí trông nom lúc ông ốm đau, trông nom mộ phần ông bà tổ tiên.
Có cái gì đó nóng ran trào lên nghẹn đắng trong cổ Chẩu, nó áp đầu vào vồng ngực nở nang của cha nấc lên.
Đúng lúc ấy, già Seo Say, ông của Chẩu cùng người trong họ, ngoài bản kéo đến. Ông nắm chặt cánh tay chắc nịch của cha Chẩu nhẩn nha:
_Mày đi làm bộ đội thời bình là đi học cái hay, cái giỏi cho tốt cái thân thôi! Ông đưa đôi mắt nhìn xa xăm một lúc rồi thở dài:_Mày đi đi, thằng Chẩu ở nhà có tao.
Cha đặt Chẩu xuống sân, rồi bất chợt quì trước mặt ông thảng thốt:
_Dí! Con như con thú ăn quẩn. Bao năm qua, con có tội với dí, có tội với thằng Chẩu.
Như để an ủi cha và tỏ ra là ông không giận cha nữa, ông chép miệng thở dài:
_Mày đứng dậy đi! Biết thế là tốt rồi! Cũng tại con Xúa, cái mắt nó bị lá rừng che khuất, không nhìn được xa, không trông được rộng. Cũng tại tao nữa Sìn à...
Mặt cha Chẩu buồn rười rượi như cái lá gặp nắng, cha vội vã chào người bản, cái chân cha sải những bước dài xuống núi. Chẩu hoảng hốt tức tưởi:
_Dí à...Dí à.
Ông nội ôm Chẩu trong vòng tay rắn chắc, nói nhẹ nhàng:
_Giọt sương bé bỏng của ta, nín đi thôi, nước mắt thằng con trai không biết trào ra ngoài! _Ông buồn rầu kêu: _Giàng ới! Khổ thằng cháu rồi.
Cho mãi đến khi bóng cha mất hút vào trong làn mưa bụi thì mẹ không biết chúi ở đâu mới hơ hoải chạy về, người ướt sũng sương. Mẹ lí nhí chào mọi người rồi hỏi Chẩu:
_Dí mày đi rồi à?
Chẩu nấc lên nghẹn ngào, muốn nói mà cái mồm như thể cứng lại không nói nổi.
Dân bản xì xầm nói với nhau là mẹ mải vui hội hát với người trai ở Pó Liềng nên quên lối về. Ông Seo Say lắc đầu bảo mẹ:
_Mày là cái đứa mất khôn. Lối quang không chạy lại rúc vào rừng rậm mất rồi!
Ông đưa đôi mắt đựng đầy vết chân chim nhìn hút đằm xuống con đường cha Chẩu đi, thở dài trầm ngâm:
_Khổ cho thằng Sìn thôi, cái chân đi xa biết bao giờ mới về._Rồi ông nhìn mẹ nói thủng thẳng: _Mày không nuôi thằng Chẩu tốt, tao giữ nó bên tao đấy.
Mẹ lặng thinh. Nhưng cái mắt thì chất chứa sự bướng bỉnh, lạnh lùng như muốn nói "ông già rồi, lo cho cái thân thôi, không phải dạy người". Cho mãi đến bây giờ, bao mùa cây đào trổ hoa rồi mà Chẩu không quên ánh mắt ấy của mẹ.
Ông Seo Say nhìn thằng Sìn, con Xúa đến độ tuổi nảy nụ, xoè hoa mà trong bụng mừng thầm. Bằng ấy thời gian trôi, đủ để một đời cây non cắm rễ vào lòng đá thành cái cây to gỗ chắc. Đủ để con trẻ ăn mèn mén, uống nước nguồn, đằm sương dãi nắng, lớn khoẻ vững chắc và trưởng thành. Đủ để đời người suy nghĩ chín chắn về bao việc đi qua.
Thoắt cái đã mười bảy cái tết rồi. Mười bẩy mùa mưa, mùa nắng, mười bảy mùa cây trút lá cũ thay lá mới. Ông Seo Say nén tiếng thở dài trong lồng ngực và bỗng thấy bụng dâng lên cái buồn tê tái. Ông thầm ao ước, giá như mẹ con Xúa còn sống...Nhưng ông biết dấy chỉ là mơ ước trong hoài niệm mà thôi. Có gì lạ đâu, nửa đời người của ông trôi qua trong mơ ước. Vì thế mà cuộc sống rất đỗi ngọt ngào, bởi những ước mơ đâu có thể trở thành hiện thực hết được. Ông đưa đôi mắt nhìn dãy núi Tả Sình chìm trong màn sương xám đục. Lâu rồi mặt trời mải ngủ không vãi nắng, chỉ có tụi gió mang cái rét là lồng lên càu cạu. Gió túm tụi sương ném vào trong nhà thành từng vốc to, vốc nhỏ. Rét thế con Xúa đi đâu sớm vậy? Hay là nó lên nương với thằng Sìn? Mà độ này con Xúa có cái gì là lạ, cái miệng nó ít cười, đầu nó mải mê nghĩ điều gì ông không biết. Vừa mới hôm qua, nó nấu cơm quên không cho nước, đặt nồi lên bếp đun mãi, đến lúc gạo cháy khét mới cuống cuồng giật mình. Nó có chuyện gì mà không nói được với ông thế? Cả cái thằng Sìn nữa, thích ở lì trên chòi canh nương. Ông bảo nó về nhà thì nó nói sắp đến lúc hái lúa nương rồi, phải trông lũ thú rừng. Nó nói cũng có lý. Nhưng sao bụng ông vẫn chộn rộn nỗi lo lắng mơ hồ?
Cái phận ông vất vả. Khi ông cùng đồng đội đánh thắng thằng giặc trở về bản thì tuổi đã đứng bóng. Cha mẹ ông không đợi được ông trở về, lần lượt đi theo ông bà tổ tiên. Ông về, mang theo thằng con trai hơn một tuổi. Họ hàng, người bản xôn xao, nhìn ông với con mắt dò hỏi. Một ngày, hai ngày, vài đêm trôi qua, mọi người cũng hiểu ra, thằng bé là đứa trẻ côi cút, ông lượm được nó trên đường tiến vào giải phóng thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ nó bị giặc sát hại, người lạnh ngắt từ bao giờ, nó bò trên bụng mẹ khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Ông không nỡ gửi nó vào trại trẻ mồ côi, ông mang nó về quê núi với ông, làm lễ nhập ma vào dòng họ và đặt tên nó là Vừ A Sìn. ông định bụng không lấy vợ, ở thế nuôi thằng bé. Nhưng anh em trong nhà, họ hàng gần xa, mỗi người mỗi câu, rằng ông là con cả, là tộc trưởng đứng đầu dòng họ Vừ, không thể không lấy vợ. Rồi ông mối, bà mối lo cho ông một người vợ kém ông mười mấy tuổi. Những tưởng, ông trời cho ông được trọn vẹn. Nào ngờ, cái lúc con Xúa mới được sáu tháng tuổi, vợ ông xuống suối địu nước, bị con lũ ập về cuốn trôi.Ông cắn răng, nuốt tiếng than khóc vào trong bụng, người ông tưởng chừng như hoá đá.
Bây giờ, sau bao những biến cố thăng trầm, mỗi giây, mỗi giờ còn lại của đời ông sẽ bớt dần đi cái cay đắng, khổ đau. Và trong cái tĩnh lặng của buổi sáng, có tiếng gì xa xăm, mơ hồ vọng đến như là tiếng gọi thì thầm của mẹ con Xúa...ừ, giá như bà ấy còn sống thì sẽ hỏi được con bé có chuyện gì phải nghĩ. Nó sẽ thủ thỉ mà kể ra, chứ không âm thầm buồn rầu như thế.
Đêm đầu tháng chín lung linh và kỳ ảo. Ngàn vì sao nhấp nháy trên vòm trời xa xăm mà lại như rất gần, rực rỡ đến lạ. Trăng mảnh mai cong như cái nỏ treo lơ lửng trên ngọn núi, tưởng như chỉ lát nữa thôi, sẽ trôi xuống nương lúa nếp đang thì ngậm sữa làm hạt. Sìn ngồi trên chòi canh nương mê mải thổi sáo. Tiếng sáo khi khoan, khi nhặt, lúc trầm lắng thủ thỉ, lúc bay bổng như giai điệu của gió núi mây ngàn. Tiếng sáo như muốn báo với thần rừng thần núi, như muốn nói với dân bản và vạn vật, anh đang đắm say người con gái. Đời này, kiếp này anh nguyện chung lưng gánh vác việc nhà, việc nương, chăm sóc cha già...Tiếng sáo đánh thức cả núi rừng đang thiu thiu ngủ. Nó lan xa, lan xa, từ trong núi vọng lại, từ trên nương tràn xuống, ở trong rừng dội ra, chảy xuống bản Pó Lày,tràn ngập âm thanh quanh nhà Xúa.Từ trong "trà pư", nghe tiếng đàn môi réo rắt của Sìn, Xúa thấy ngực mình căng cứng, ngộp thở. Bụng Xúa râm ran như có kiến bò, kiến đốt. Xúa vụt chạy ra khỏi cổng, băng băng trên con đường rừng ngập ánh sao đêm và hồi hộp nín thở leo lên chòi canh nương. Xúa dán mắt mình vào mắt Sìn tưởng như sắp bùng cháy theo bếp lửa, lại tưởng như muốn tan theo con nước dưới lòng suối. Cơ thể tròn đầy, trinh nguyên của Xúa ướt đẫm sương nhưng lại toả ra hơi nóng hầm hập mang theo hương thơm thoang thoảng của hoa rừng.
Sìn ôm chầm Xúa, nhấc bổng cô lên, quay tròn theo vũ điệu của gió. Cứ như thế, đến lúc cả hai người ngã lăn ra sàn chòi thì không biết từ khi nào, cặp môi nồng nàn của Sìn đã mơn man ngậm đôi môi trái hồng của Xúa, hơi thở của Xúa trôi vào trong lồng ngực Sìn. Hai người quấn riết lấy nhau trong cơn cuồng hứng, đắm say, đê mê, rập rềnh...
Ngoài trời, từng ngôi sao như được bao bọc bằng sương giá thôi không lấp lánh, chúng mải miết dắt nhau trốn vào trong mây. Gió đột nhiên mạnh lên mang theo cơn giông vần vũ của đất trời.
Chiều. Mặt trời rơi xuống núi. Sương buông lành lạnh mà sao không khí trong nhà ngột ngạt, đặc quánh. Ông Seo Say hết đứng lên lại ngồi xuống. Đã mấy lần ông ra máng nước mài dao. Mài đi rồi mài lại mà ông vẫn muốn mài. Tiếng "xoèn xoẹt...xoèn xoẹt" sắc lạnh ấy như ném vào thinh không sự uất ức, bực bội đến tột cùng. Mỗi lần mài xong, ông lại chém một nhát vào cột nhà chính, cái cột không có núm nhau của thằng Sìn. Chém đủ ba nhát cho ba lần mài, mỗi nhát một hằn sâu thêm. Mắt ông vằn lên những tia máu, mặt đỏ phừng phừng, ông nghiến răng:
_Lời tao như dao chém. Chúng mày là anh em, không làm vợ, làm chồng với nhau được.
Sìn run lập cập, mặt xanh như tàu lá, hoảng hốt:
_Dí, con và em Xúa không cùng dòng máu, con...con thương em lắm mà.
Ông Seo Say trợn mắt, nổi đoá:
_Tao...Tao cấm. Họ Vừ không có anh em nối ruột. _Rồi đột nhiên ông hạ giọng:_Thằng Sìn ở đây trông nom căn nhà này. Tao cùng con Xúa sang ở nhà thờ họ, nhà của ông bà để lại. Tao phải lo vợ cho mày ngay thôi Sìn à.
Xúa nức nở, nước mắt ướt hết vạt váy, cô nấc nghẹn ngào:
_Dí, con xin dí, cái hang con nhím không xẻ đôi, cái nhà con người không chia nửa, cái bụng con người không hai lòng, con yêu anh Sìn.
Mặt ông Seo Say đang đỏ dừ bỗng nhợt nhạt, chuyển sang màu tím tái. Ông cầm con dao chỉ vào mặt Xúa:
_Mày có mắt mà không nhìn, có tai không nghe, có đầu không nghĩ. Mày muốn chết hay muốn sống?_Ông quát lên:_Thu dọn váy áo đi sang nhà thờ họ cùng tao!
Xúa lặng lẽ khóc, cô không dám trái lời, nhưng cô cũng không thể đi với cha, cô đành đắc tội thôi. Bụng Xúa đau nhức nhối như có ai cầm dao cắt ra ngàn mảnh vụn vỡ. Người cô tự dưng ớn lạnh và có cái gì đó dâng lên nghẹn đắng chặn ngang cổ, cô chạy ra ngoài, nôn thốc, nôn tháo, gạt nước mắt ra đi mà không dám nhìn Sìn. Lúc ấy, Sìn rũ người xuống như cái áo ướt, tóc rối bù, quằn quại nỗi đau không nói nên lời. Sìn không giữ được Xúa rồi.
Khi cái cổng có cây đào già ở lại sau lưng thì Xúa không đi theo cha. Cô vụt chạy xuống núi, bàn chân không giày cứ thế băng trên con đường đá gập ghềnh. Đá cứa vào lòng bàn chân, đá dứt từng mảng da ở ngón chân cô.Xúa cứ thế mà chạy qua ngày sang đêm, chạy đến lúc cái chân không dẵm trên đá, trên sỏi mà lún ngập xuống những thửa ruộng bằng phẳng thì Xúa biết đây đã là vùng soi bãi của người kinh, nơi mà Xúa biết qua lời kể của cha. Mặc! Xúa phải chạy tiếp thôi, tai Xúa ù đi trong tiếng gió rít, sương trôi...Đến lúc mệt quá, không chạy, không đi và không bò nổi nữa thì Xúa ngã vào bậc tam cấp trước cửa của ngôi nhà nào đó có những cái mái màu đỏ thẫm cong vút, chạm trổ cầu kỳ và mê man thiếp đi. Cô chìm mãi vào cõi mơ hồ xa xôi, mịt mờ bảng lảng sương khói... ở đó, hai bên bờ con sông nước trong leo lẻo mà lạnh giá, bạt ngàn những bông hoa mỉ sụa trắng muốt. Cho đến khi, trong mê man Xúa thấy nước sông dâng lên tràn ngập cơ thể thì cô giật mình tỉnh lại, trước mắt cô là một người mặc áo nâu sồng, trên mái đầu hơi nghiêng kia không có sợi tóc nào. Xúa mở to đôi mắt kinh ngạc rồi khẽ nhắm lại vì sợ. Người ở bản cô, ở các vùng trên núi không ai mặc thế bao giờ. Dường như đoán được những suy nghĩ trong đầu Xúa, đọc được sự ngạc nhiên, sửng sốt, lo ngại trong mắt cô, người mặc áo nâu mỉm cười hiền từ:
_Nam mô a di đà phật, tín chủ đã mê man mấy ngày rồi, nhà chùa lo quá thôi. giờ thì tốt rồi.
Mới sáng ra sương giăng kín bản,cách mấy bước chân sao mẹ vội đi đâu sớm thế? Có phải mẹ lên nương không? Hay mẹ xuống dưới thị trấn Pó Liềng? Những câu hỏi cứ xoáy tròn nhốn nháo trong đầu Chẩu. Biết tìm mẹ ở đâu bây giờ?Mà sao con chim đạ sua hôm nay lạ thế? Nó đậu vào tay chẩu, cái mỏ vàng cất lên tiếng hót buồn buồn, da diết. đôi mắt đen như hai hạt mần tang già chớp chớp liên tục. Nó nhìn mãi về phía chái nhà và bay lên đó hót véo von như gọi Chẩu. Lạ thế, có cái gì trên ấy hả đạ sua? Và kìa! Mắt Chẩu sững lại trước ống tre ngà vàng óng được cài lên đó từ bao giờ.Hẳn là con đạ sua biết chủ nhân của ống tre này.Cứ nhìn vào mắt nó thì biết. Nó khẽ chớp và khép hờ làn mi có vẻ mãn nguyện lắm.
Chẩu hồi hộp mở nắp. Ây da! Hai viên đá cuội đỏ hình trái tim từ từ lăn ra, chắc chủ nhân của nó là người lãng mạn. Mà đã hết đâu, có tấm thổ cẩm đẹp lạ kỳ nữa. Tay Chẩu chợt run run. Một luồng khí nóng ở đâu đó bỗng dội xuống đỉnh đầu, lan ra toàn thân khiến người Chẩu muốn bốc lửa. Mồ hôi Chẩu vã ra như tắm. Phải chăng ống tre ngà này liên quan đến Chẩu?
Ô! Một tấm thổ cẩm dệt hình người. Chẩu thảng thốt nhận ra ông nội với nét mặt đang cau có, giận giữ. Mắt ông quắc lên như ngàn con đuốc chạy vào. Cánh tay chắc nịch của ông cầm con dao sáng loáng chĩa về phía người đàn bà trẻ, váy áo xộc xệch, tóc xổ tung rũ rượi nhưng không dấu nổi khuôn mặt đẹp như trăng ngày rằm. Đứng bên ông nội là cha, cái môi mím chặt đang chịu đựng nỗi đau đớn nào đó, vẻ mặt cha lộ rõ bất lực chán chường đến tột độ. Thằng trẻ con bé bỏng cha bồng trên tay là ai? Sao nó có đôi mắt to đen lay láy giống Chẩu quá đi thôi. Mà cái con mắt người đàn bà giống mắt đứa bé đến thế? Có khác chăng là cái nhìn của thằng bé trong trẻo, ngây thơ, còn cái nhìn của thiếu phụ khắc khoải, hoảng hốt,đựng đầy những giọt nước long đong, giàn giụa trên gương mặt ăm ắp ưu phiền.
Người Chẩu run lên, hai tay nâng tấm thổ cẩm rung bần bật, mắt cay xè rưng rưng ngấn nước...Sao con chim đạ sua nó biết ống tre ngà này? Chẩu áp má vào nó nghẹn ngào:
_Đạ sua à, giá mày biết nói thì tốt biết mấy.
Chẩu đăm chiêu nghĩ ngợi. Phải chăng đây là gốc rễ, cội nguồn của những câu chuyện mà ông nội, cha, mẹ thư thoảng thổi vào cái đầu dại khờ của Chẩu. Những mẩu chuyện không đầu, không cuối ấy giống hạt mưa hiếm hoi mùa lạnh. Từng hạt, từng hạt tích tụ tạo nên những giọt nước quí báu, năm này qua tháng khác, đọng vào trong hốc đá thành vựng nước tràn đầy.
... Biết bao đêm, bao ngày trôi qua, Sìn lục vấn lòng mình bằng trăm ngàn câu hỏi mà không tìm được câu trả lời. Đã đành, cái chuyện anh yêu Xúa là chuyện nấp kín trong lòng không thể dẫi bày, không dễ gì lôi ra. Sìn muốn trái lời cha mà không đành. Muốn ra đi tìm Xúa mà không thể cất bước.Cha cấm anh đi tìm Xúa. Cha bảo đứa con gái bỏ nhà,bỏ bản ra đi là đồ bỏ đi rồi, cho nó đi luôn khỏi bận mắt.Sìn thương Xúa, nhớ Xúa quay quắt. Sao Xúa có thể bỏ anh, bỏ cha mà đi như thế?Sìn không còn là thằng người nữa rồi! Anh đã làm hại đời Xúa,làm khổ cha. Cái tội của anh lớn quá.
Lời cha nói như dao chém gỗ. Cha vội tìm một đứa con gái về làm vợ Sìn. Kệ nó thôi! sao nó xa lạ với Sìn dến thế? Gần một năm trôi qua rồi mà Sìn không nhớ nổi mặt nó, cả cái tên Mỉ Nhua của nó Sìn cũng lúc nhớ, lúc quên. Nó ở nhà thì Sìn lên nương, nó lên nương thì Sìn vào rừng, về nhà. Sìn gặp gì ăn nấy, đói thì tự khắc nấu lấy ăn. Bằng ấy thời gian, Sìn không nói với nó câu nào. Sìn cũng không biết như thế thì nó khổ hay Sìn khổ. Sìn thường ở lại chòi canh nương. Nơi ấy, đêm đêm hương thơm nồng nàn từ người Xúa vẫn bảng lảng, mơn man vây quanh Sìn, cùng Sìn chìm vào trong giấc ngủ. Sìn nghĩ, Xúa đi đâu đó, chỉ một lúc thôi rồi lại về với Sìn. Bao giờ Xúa về Sìn mới thổi đàn môi. Từ ngày Xúa đi, cái đàn môi lẻ loi, cô độc vẫn treo trên vách phên nứa. Sáng. Sương giăng trắng ngọn cây. Tụi chim trốn rét trong tổ chưa cất lên tiếng hót. Ông Seo Say phăm phăm lên chòi canh nương. Sìn giật mình! Sao cha biết Sìn ở đây? Sau giây phút im lặng tưởng như thời gian ngưng trôi, ông Seo Say bảo:
_Mày có là thằng đàn ông nữa không? Nhà có nóc, có cái cột chính. _Ngừng một lát như nén cái bực xuống, ông thở dài: _Mày làm một đứa con gái khổ rồi, làm khổ thêm đứa nữa là có tội lớn đấy.
Sìn làu bàu: _Dí biết cái bụng con không thể ở với nó được mà.
_Ây da! Mày trát đất bùn vào mặt tao như thế chưa đủ sao? Mày...mày đã làm bố thằng trẻ con rồi đấy.
Sìn tròn mắt kinh ngạc, thảng thốt:
_Dí, sao thế được? Cái đứa vợ ấy con chưa đụng vào người nó mà.
Ông Seo Say trầm ngâm:
_Con của mày với cái Xúa đấy. Nó không muốn gặp mày. Nó dứt ruột để thằng bé lại._Ông buồn bã nói: _Nó xin tao tha tội cho mày, cho nó. Giờ thì nó đi xuống dưới xuôi, vào chùa của người kinh thờ phật rồi.
Bỗng nhiên, cảm giác buốt nhói dội lên ngực sìn. Núi rừng, cây cối quay cuồng, đầu óc anh choáng váng, hẫng hụt như đang rơi xuống vực sâu hun hút...Cái tin có thằng con chưa kịp vui thì nỗi buồn tái tê ập về. Xúa đối với anh thế nào, anh cũng cố mà chịu. Sao Xúa nỡ để thằng bé côi cút, bụng đói sữa, tai khát lời ru? Sao Xúa phải nương nhờ cửa phật, trói lòng mình chay tịnh thờ phụng cõi niết bàn? Sao chữ hiếu Xúa chưa làm tròn với cha già đã vội ra đi vùi mình vào tiếng kinh cầu? Sìn đốn mạt quá, Sìn làm cửa nhà tan nát, người bản cười chê. Vào cái lúc Xúa bỏ đi, có ai đó đã quát vào mặt Sìn "Thằng người hoang tồi tệ" là phải lắm. Thế mà, cha không ghét bỏ Sìn, cha dạy Sìn biết cách đứng dậy sau khi ngã. Phải giống như cái cây bị phạt ngang thân vẫn mọc chồi.
Sìn níu vạt áo cha thao thiết:
_Dí, con xin dí cho con được nuôi thằng bé, nó là giọt máu, là tình yêu oan nghiệt của con. Dí à, vì nó mà con làm lại thằng người.
Ông seo Say phẩy tay, thở hắt ra:
_biết thế đã, thằng bé, con Mỉ Nhua vợ mày nó đang trông đấy.
Đêm khuya. Trăng sáng vằng vặc. Gió trượt dài kéo lá cây khô chạy lạt sạt. Mỉ Nhua kéo chăn trùm kín đầu mà người không ấm lên. Cái lạnh từ trong bụng thoát ra. Từ ngoài ập vào thì đắp mấy cái chăn vẫn thế. Cái "trà pư" cô nằm, ngày thì chật chội, đêm lại rộng mãi ra. Trong nhà này cô như người thừa. Phận mỏng của cô không bằng tảng đá rửa chân ngoài máng nước. Sìn không để mắt tới cô, thằng bé Chẩu nó không cho cô bế, nó bám chặt bố nó như con tắc kè bám vào đá.
Mỉ Nhua khổ đến mấy cũng không dám trách ai, chỉ tại cô thôi. Cứ nghĩ bà mối hỏi cô cho thằng trai, mùa trăng nào cũng đứng ngoài bờ rào hát gọi. Có lần nó còn cạy vách, ném cho cô chiếc vòng bạc chạm hình hai con nai cô đang đeo ở cổ tay đây. Cho mãi đến ngày cô bước chân về làm dâu nhà họ vừ, chú rể không đón cô mới biết là mình nhầm, là tự đeo cái khổ vào người rồi.
Mỉ Nhua trằn trọc không chợp mắt nổi. Trong "trà pư" bên kia, tiếng vỗ về ru con trầm buồn của Sìn nghe xót xa, day dứt quá đi thôi. Mỉ Nhua muốn nhào sang ôm lấy thằng bé mà ru hời nhưng không được, nó sẽ khóc ré lên khi cô chạm vào nó. Cô sợ cái mắt nảy lửa của Sìn, sợ đôi mắt ầng ậng nước của thằng bé. Cô có phải là rắn độc đâu mà bố con Sìn xa lánh? Sống trong cùng mái nhà mà không nói được với nhau, không có tình cảm thật khổ quá. Mỉ Nhua khắc tự làm. tự lo,lầm lụi như người không biết nói thì cô cũng quên luôn mình đang sống thôi.
Bỗng nhiên, cái tai của Mỉ Nhua nghe tiếng hát nồng nàn, vấn vít của người con trai ở dưới Pó Liềng. Từ cái ngày cô về làm dâu nhà họ vừ, vào những mùa trăng, khi con trăng ngồi trong mâm vàng, thì người trai ấy đứng ở đâu đó trong rừng, trên núi mà gửi vào tai cô những lời hát yêu thương mặn nồng, u uẩn, quặn xoắn:
"... anh là gió lang thang, là mưa khi không có em. Em ơi sao bước chân em lạc lối để anh đỏ con mắt đi tìm..."
Con tim ở lồng ngực Mỉ Nhua nhảy lên loạn xạ, cái chân, cái tay cuống lên, dòng máu trong người chảy rần rật. Dường như bụng Mỉ Nhua có con gì đang quẫy đạp, nhào lộn, cắn xé... Bất giác Mỉ Nhua đưa cổ tay lên hít hà thật sâu cái mùi man mác của chiếc vòng bạc mà cô biết đó là hơi ấm của người trai ấy. Cô bỗng khát khao được ôm ấp vỗ về, được da chạm da, mắt chạm mắt. Mỉ Nhua vùng dậy, dán mắt qua khe cửa nhìn ra ngoài dãy núi Tả Sình xa xăm ướt đẫm ánh trăng. Cái mắt cô căng ra xem người trai ấy đứng ở đâu, lạnh thế này có mặc đủ ấm không? cái chân cô muốn chạy ra ngoài mà như đeo đá, không chạy ra nổi. Mỉ Nhua rón rén, khẽ khàng áp tai vào cửa buồng bố con Sìn, cô nghe có những tiếng thở dài, cái trở mình lay lắt của Sìn, tiếng nói mê ú ớ của thằng bé. Ui chao, giá như Sìn được như người trai kia thì tốt biết mấy? Nước mắt Mỉ Nhua bỗng trào ra, cô lảo đảo chạy về "trà pư" nằm vắt ngang vật vã, nức nở...
Chẩu ngồi xuống tảng đá bên gốc đào, nơi mà thường ngày mẹ già hay ngồi. Mắt Chẩu chằm chằm nhìn xuống những lối mòn. Mẹ già đi đâu mà giờ chưa về? Con chim đạ sua dã thôi không cất tiếng hót véo von trên cành đào, nó sà xuống,đậu vào vai Chẩu, cái cổ rụt lại kêu khe khẽ "gù gù". Ông nội bảo, con đạ sua ở nhà này từ cái lúc Chẩu bé tí. Nó lớn lên cùng Chẩu, nó buồn khi Chẩu khóc, vui khi Chẩu cười. Giờ thì Chẩu lớn quá rồi, còn nó mãi vẫn bé tẹo bằng cái ống đựng đỗ. Cách đây một mùa cây lúa cho hạt, cha Chẩu về, con đạ sua đậu trên vai cha, cái mỏ vàng nhằm vào mấy ông sao be bé, sáng lấp lánh như bạc trên cầu vai cha mà mổ lấy, mổ để. Cha cười rổn rảng bảo nó: "Mày lú lẫn rồi, đây là sao quân hàm, có phải là thứ ăn được được đâu mà mổ mãi thế".Nó nhảy vào lòng bàn tay cha, gại gại mỏ, mắt chớp liên hồi như biết lỗi. Cha phì cười bảo nó giỏi làm đẹp lòng người.
Từ ngày cha Chẩu vào bộ đội, cái chân ít về nhà.Cha đi Chẩu chưa nhận được mặt cái chữ, giờ đã học lớp chín rồi, Thư thoảng cha về vài ngày rồi vội vã đi. Chẩu hỏi bao giờ thì cha không ở bộ đội nữa? Cha bảo lúc nào già bằng ông thì ở nhà. Ôi dà! Thế thì lâu quá, sang năm Chẩu đi học trường nội trú của huyện nhà vắng lắm đấy. Chẩu năn nỉ ông về ở cùng nhà cho vui, ông lắc đầu bảo ở nhà bên này quen rồi, không muốn thay đổi. Chẩu hỏi mẹ sao nhà người bản ai cũng đông người mà nhà mình vắng vẻ thế, sao nhà tụi bạn của Chẩu đứa nào cũng có anh, có em mà Chẩu không có? Mẹ thở dài nặng như tiếng cây đổ rồi lừ con mắt bảo:
_ Mày chờ cha mày về mà hỏi.
Kể ra cũng lạ, lần nào cha về cũng chỉ đảo qua nhà một lát, rồi thì sang ở hẳn với ông. Chẩu quấn lấy cha, nhà còn mình mẹ, cái mắt lúc nào cũng mọng đỏ, ướt dượt nước.
Tối qua, vào cái lúc, tiếng hát mượt mà, bay bổng của ai đó vượt qua bờ rào, len qua vách phên, lọt vào trong nhà thì mẹ cuống lên, cái chân chạy ra cổng rồi chạy vào, cuộn lanh vướng chân mẹ rối lại thành một búi to mà mẹ không dừng lại gỡ ra. Tiếng hát này Chẩu nghe mãi cũng quen lắm rồi, nó có vị ngọt của ngô non, hương thơm của hoa trái, tiếng hót của ngàn chim, men say của rượu nồng, có tiếng sương rơi tí tách và có cả lời thì thầm của dòng suối dưới thung sâu...
"...Em ơi,mùa nối mùa đi qua, gió thổi vào trong khe, anh là hạt sương sớm tan trong bàn tay em. Gió thổi lá cây lật nghiêng bên suối, anh là nước tan dưới bàn chân em, mặt trời thức anh rủ em lên nương vào rừng, mặt trời ngủ anh cùng em quây quần bên bếp lửa..."
Mẹ thừ người ra khi lời hát ắng xuống như có vẻ suy nghĩ lung lắm. Bỗng nhiên, mẹ chạy vào "trà pư" ôm ra một cái bọc to, đôi tay luống cuống mãi mới mở được ra. Mắt Chẩu như hoa lên, sao nhiều thứ đẹp đến thế? Nào là vỏ chăn, khăn trùm đầu, đôi gối, bộ váy áo... thêu hoa văn rực rỡ. Mẹ trải ra giữa nhà, đắm đuối nhìn nó như được thấy lần đầu, bàn tay khô gầy của mẹ nâng lên rồi đặt xuống. Những bông hoa rực rỡ khoe sắc, chim muông tưng bừng nhẩy nhót cất tiếng gọi véo von trước ánh lửa bập bùng. Lúc sau, mẹ chép miệng:
_Chẩu à, đây là những thứ tao làm từ thời con gái rồi mang về làm dâu họ vừ, một đời người sao tủi quá đi thôi.
Bất chợt, mắt của mẹ ánh lên những tia sắc lạnh, mẹ vừa thổn thức khóc, vừa cầm kéo băm vằm, cắt nát những thứ trong cái bọc ra từng mảnh,từng mảnh vụn vỡ. Hai tay mẹ gom những mảnh vải thành bó tròn, bóp chặt rồi ném ào ra ngoài sân lênh loang ánh trăng.
Chẩu sợ quá, người run lên, mẹ bảo:
_Mày sợ cái gì? tao không đẻ ra mày, nhưng bao năm qua đi, giờ mày cũng như máu thịt của tao thôi. _Ngừng một lát, mẹ nói chậm chạp: _Mày lớn rồi, tự đi bằng cái chân của mày được rồi, tao không lo nữa.
Mẹ nói nhiều, nói mãi, cái tính mẹ hay lôi chuyện nọ kéo sang chuyện kia, Chẩu biết thế nên nằm lặng thinh trên phản mà nghe mẹ kể lể. Cho đến lúc, cái mắt Chẩu díp lại như đeo đá rồi ngủ lúc nào không biết.
Đã quá trưa, mặt trời vẫn trốn trong mây, cả bản chìm trong màu trời đùng đục màu nước gạo, sương mù lửng lơ trôi quẩn vào người Chẩu lành lạnh. Chẩu lo quá thôi, sao giờ này mẹ chưa về?Mẹ đi đâu mà không nói? Hay là mẹ trôi theo lời hát tối qua rồi?
Ô kìa! Chẩu bỗng mở to con mắt vì ngạc nhiên, dưới con đường đất đỏ dày đặc sương, có con ngựa bạch cõng người đàn bà mặc áo nâu sồng, trên đầu cũng vấn dải khăn nâu mà vẫn không ngăn nổi suối tóc đổ dài trên lưng bay theo gió. Dường như, người và ngựa đang lướt trên biển sương về bản. Bất chợt, con đạ sua dụi dụi cái đầu vào má Chẩu, rồi sải cánh bay tít lên vòm trời, cất tiếng hót dồn dập, rộn rã.
Thái Nguyên
Bùi Thị Như Lan
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...