Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Biểu tượng nước và đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Phần 2

Biểu tượng nước và đá 
trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Phần 2
1.5.2. Ý nghĩa của nước và đá trong Kinh Thánh 
Trong Kinh Vệ Đà ca ngợi những dòng nước mang lại sự sống, sức mạnh và sự thanh khiết về mặt tinh thần cũng như về mặt thể xác. Hỡi những Dòng nước hồi sức cho đời, 
hãy mang lại cho chúng tôi sức mạnh, 
Sự cao cả, niềm vui, cảnh mộng!… 
Hỡi những Dòng nước, nữ chúa của những điều kỳ diệu,
là những vị nữ nhiếp chính của mọi giống nòi!… 
Hỡi những Dòng nước, hãy ban cho ta phương thuốc 
đầy đủ tính năng toàn vẹn 
để trở thành một tấm áo giáp bảo vệ con người tôi, 
và nhờ đó tôi được nhìn lâu dài ánh sáng mặt trời!… 
Hỡi những Dòng nước, xin hãy cuốn đi 
cái tội lỗi này, dù lớn hay nhỏ, mà tôi đã phạm, 
cái điều không hay mà tôi đã gây ra cho ai đó 
câu thề nguyện dối trá mà tôi đã thốt ra. 
(Bản dịch của Jean Varenne, VEDV 137) 
Nước là nguồn gốc và là phương tiện chuyển tải sự sống. Về mặt thể chất, nước cũng là một thứ trời cho, nước được coi là một biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Tuy nhiên, cũng như với mọi biểu tượng khác, có thể xem xét ý nghĩa của nước trên hai bình diện hoàn toàn đối lập nhưng không phải là không khoan nhượng và tính cách hai chiều này đều thấy ở mọi cấp độ. Nước là nguồn sống và là nguồn chết, có chức năng tạo dựng và tiêu hủy. 
Trong truyền thống Do Thái và Kitô giáo, nước trước tiên tượng trưng cho khởi đầu cuộc sáng tạo thế giới. Chữ cái tiếng hebrơ men tượng trưng cho nước cảm tính: đây là người mẹ và tử cung. Là nguồn gốc của muôn vật, nước biểu hiện cái siêu tại và do đó phải được coi là một dạng thần hiện. 
Nước được xem là một thực thể khởi nguyên làm nên nhiên giới và nhân giới. Bằng một cảm nhận trực quan, bất kỳ một ai cũng có thể nhận ra sự hiện diện của nước bên cạnh mình, như một nguồn sống thiết yếu của con người. Nước biểu tượng của sự nguyên sơ và trinh trắng, tâm hồn của người nguyên thủy dễ dàng gặp gỡ nước, nhận ra nó trong ánh mắt ngỡ ngàng, xao xuyến và tràn đầy lòng biết ơn. Những cảm xúc về nước đã được ghi khắc trong không gian nguyên thủy qua hình vẽ, tượng đài và ngôn từ. Nước thấm vào tư duy của con người, làm thành triết học. Nước ám ảnh thế giới tâm linh, làm thành văn hóa. Nước lay động mỹ cảm, làm thành văn chương nghệ thuật. 
Nước là biểu tượng cho sự tái sinh: nước rửa tội rõ rang dẫn dắt tới một lần sinh mới. Sách Người mục sư của Hermas nói tới những con người khi xuống nước thì chết và khi từ dưới nước đi lên lại sống. Đó là ý nghĩa tượng trưng của nước nguồn, của mạch nước cải lão hoàn đồng. Cũng nên nhớ lại là nước nguồn Castalie ở Delphes đã mang lại cho nàng Pythie nguồn cảm hứng. Nước của sự sống là Ơn Lành của Thượng đế. 
Bên cạnh những công dụng hữu ích của nước, thì nước có thể gây ra sự chết chóc của muôn loài. Trong Kinh thánh, những trận nước dân cao báo trước những thời kỳ thử thách. Nước tràn ngập khắp nơi là biểu tượng của những đại họa. 
… Những tia chớp sẽ bay vụt ra từ những tầng mây như những mũi tên nhằm đúng hướng phóng ra từ một cây cung giương mạnh sẽ bay tới đích; 
một cỗ máy bắn đá sẽ phóng ra những hạt mưa đá chứa đầy cuồng nộ. 
Những đợt sống biển sẽ gào thét xô tới tấn công họ, 
Những dòng sông sẽ nhấn chìm họ không thương hại. 
Hơi thở của Đấng Toàn Năng sẽ ào ào thổi về phía họ như một trận cuồng phong khiến cho họ không còn hơi sức… 
(Khôn ngoan, 5, 21-23) 
Nước có thể tàn phá và nhận chìm, nuốt chửng, những cơn lốc hủy hoại những cánh đồng nho đang ra hoa. Vậy là, nước có thể có một sức mạnh gây tác hại. Trong trường hợp đó, nước trừng trị nhựng kẻ có tội, nhưng không thể làm hại những người chính trực, họ không có điều gì phải sợ nhựng trận nước dâng cao. Những dòng nước dìm chết chỉ nhằm vào những kẻ có tội, đối với những người chính trực, những dòng nước đó hóa thành nước của sự sống. Cũng giống như lửa, nước có thể dùng làm một phương tiện thử tội. Nước không phán xử mà những vật ném xuống nước tự phán xử. Nước mưa - nước biển là biểu tượng của đối tính trên cao và dưới thấp. Nước mưa thanh khiết, nước biển mặn. Biểu tượng của sự sống: nước thanh khiết có vai trò tạo dựng và thanh tẩy; nước mặn chát mang mang lại lời nguyền, những dòng sông có thể mang lại lợi ích, hoặc là nơi ẩn náo của những loài quái vật. Những dòng nước cuộn sóng mang ý nghĩa của cái ác, sự hỗn độn. Những kẻ độc ác giống như biển đông… (Isaie, 57, 20). Lạy Chúa Trời, hãy cứu vớt con vì nước tràn vào linh hồn con, con ngập sâu trong bùn nhơ…(Thánh vinh, 69, 1-2). 
Từ những biểu tượng cổ xưa coi nước là nguồn thụ tinh cho đất và sinh ra những cư dân trên mặt đất, nước được coi như là nguồn thụ tinh cho tâm hồn: sông nhỏ, sông lớn, biển là hình tượng của đời người và của những biến động, những ước muốn và cảm xúc. 
Đá được coi là một vị thần và được thờ phượng. Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối liên quan chặt chẽ. Theo huyền thoại về Prométhée, ông tổ loài người, có các loại đá vẫn giữ được hơi người. Đá và người đại diện cho sự vận động theo hai chiều: đi lên và đi xuống. 
Con người sinh ra từ Chúa Trời và trở về với Chúa Trời. Hòn đá thô từ trời rơi xuống, khi đã biến thái đá cất mình lên trời. Đền thờ* phải xây bằng đá thô sơ, không dùng đá đã đẻo gọt: khi ngươi đặt lưỡi đục lên tấm đá, ngươi sẽ làm cho đá thành phàm tục (Xuất hành 20, 25; Luật hai 27, 5; 1; I Các Vua, 6, 7). Thực vậy, đá đẽo gọt chỉ là tác phẩm của con người, làm cho vật tạo của Thượng Đế mất thiêng, nó là biểu tượng của tác động của con người thay thế cho sức mạnh tạo hóa. Đá thô cũng là biểu tượng của tự do, đá đẽo gọt là biểu tượng của nô dịch và bóng tối. 
Hòn đá thô còn được xem như là một sinh thể lưỡng tính, mà lưỡng tính là nét hoàn thiện của trạng thái nguyên thủy. Khi đá bị đẽo gọt, các bản nguyên bị tách rời. Đá có thể là hình nón hoặc hình lập phương. Hòn đá hình nón biểu trưng cho nguyên lý dương, hòn đá hình lập phương cho nguyên lý âm. Khi hình nón được đặt lên bệ, các bản nguyên âm và dương được hợp nhất. Người ta hay nhắc đến tảng đá dựng đứng của các dân tộc Celtes, mà ta gặp lại sau này dưới hình cái tháp chuông nhà thờ. Khi người ta lấy tảng đá làm nơi thờ cúng thì không phải là thờ tảng đá đó mà thờ vị thần tọa ngự ở tảng đá đó. 
Đá không phải là những khối vô hồn; những tảng đá sống rơi từ trên trời xuống, sau khi rơi xuống chúng vẫn là những vật sống. Với tư cách một phần tử trong công trình xây dựng, đá gắn liền với việc định cư của các dân tộc và với một dạng kết tinh theo chu kỳ. Nó đóng vai trò quan trọng trong các mối liên hệ giữa trời và đất, vừa do các tảng đá trên trời rơi xuống, vừa do các tảng đá mà con người dựng lên hay xếp lên (cự thạch, đá thần, mô đá). Những tảng đá từ trên trời rơi xuống thường được coi là biết nói, là công cụ truyền đạt một lời sấm truyền hay một bản thông điệp. Những tảng đá đó thường là những thiên thạch, như tảng đá đen của nữ thần đất Cybèle và nhiều tảng đá tương đồng ở Hy Lạp, như vật thần hộ ở thành Troie, như tấm khiên của bộ tộc Saliens, như tảng đá đen trong đền Ka’ ba ở La Mecque, như hòn đá đen mà vị Đạt lai Lạt ma được chúa tể thế gian ban cho. 
Đá cũng là một biểu tượng của Đất Mẹ, và đó là một khía cạnh của ý nghĩa biểu tượng về nữ thần Cybèle. Theo nhiều truyền thuyết, các loại đá quý sinh ra từ đá tảng sau khi đã chín muồi trong đó. Nhưng đá cũng là vật sống và mang lại sự sống. 
Trong các truyền thuyết của người Sémites cũng nói con người sinh ra từ đá, thậm chí một số huyền thoại trong đạo Kitô cũng nói là Chúa Kitô sinh ra từ đá. Hẳn là ta có thể so sánh biểu tượng này với huyền tích biến đá thành bánh mì được kể trong sách Phúc âm (Matt, 4,4). 
Trong hệ biểu tượng của hội Tam Điểm, hòn đá hình lập phương cũng thể hiện khái niệm về tính ổn định, trạng thái cân bằng, hoàn tất và tương ứng với thứ muối của thuật giả kim. Cũng trong ngữ cảnh đó, hòn đá hình lập phương có chỏm nhọn là biểu tượng của thứ Đá tạo vàng; khối tháp nhọn ở bên trên khối vuông là hình ảnh của bản nguyên tinh thần đặt trên nền tảng của muối và đất. 
Những mảnh đá thường gọi là lưỡi tầm sét mà phần lớn chỉ những mảnh đá lửa thời tiền sử, được coi là đầu nhọn của mũi tên của tia chớp và với danh nghĩa đó, được tôn thờ và lưu giữ một cách thành kính. Tất cả những gì tư những vùng trên cao rơi xuống đều mang tính thiêng liêng của vũ trụ, vì vậy các mảnh đá trời, thấm đợm nhiều chất linh thiêng của các thiên thể, được tôn kính (ELIT, 58). Chủ yếu là ở Châu Phi, các mảnh đá này được gắn liền với tục thờ cúng các thần linh trên trời và đôi khi được tôn thờ. Những lưỡi tầm sét, thường là các mảnh đá trời rơi như mưa từ trên trời xuống được coi là những biểu tượng và những công cụ của sự phì nhiêu. Ngoài ra tảng đá thần (bétyle) còn đánh dấu nơi thượng đế xuống trần… Đó là thứ công cụ cổ nhất và phổ biến nhất trong số các dụng cụ của loài người, là biểu tượng phổ biến về sự giải phóng khỏi chất tự nhiên thô lậu, và qua đó, là biểu tượng của ý nệm về thánh thần. Trước hết các lưỡi đá tầm sét tự thân đã là những sức mạnh chứa đựng một phép thần thông, một bản tính báu vật tự tại. Về sau, những đầu nhọn của mũi tên, lưỡi rìu và các vật bằng đá khác được coi như những thứ tên đạn do thần Sấm, thần Sét từ trên cao bắn xuống. 
Trong chiêm tinh học, các loại đá quý tương ứng với các kim loại và các hành tinh: 
Pha lê tương ứng với Bạc và mặt trăng; 
Nam châm với Thủy ngân và sao Thủy; 
Thạch anh tím và Ngọc trai với Đồng và sao Kim; 
Xa-phia và Kim cương với Vàng và mặt trời; 
Ngọc lục bảo và Ngọc thạch anh với sắt và sao Hỏa; 
Mã não hồng và Ngọc lục bảo với Thiếc và sao Mộc; 
Ngọc Lam và các loại đá đen với Chì và sao Thổ. 
Đá ngầm là một biểu tượng đối lập với biểu tượng đảo; đảo là nơi ẩn náo hằng mong ước, đá ngầm là đối tượng của sợ hãi. Những mỏm đá ngầm đã được so sánh với những quái vật biển, như trường ca Odyssée, chúng gây nên một nỗi ám ảnh thực sự. Chúng là kẻ thù không tránh được trên con đường định mệnh, là trở ngại cho mọi sự thành công. Chúng là kẻ thù không tránh được trên con đường định mệnh, là trở ngại cho mọi sự thành công. Chúng càng đáng sợ hơn khi người đi biển đã phải đương đầu với những khó khăn tệ hịa nhất như là dông bão, sương mù, đêm tối; đá ngầm ở đó để kết liễu cuộc đời người đánh vật khốn khổ. 
Về phương diện tâm lý, nó biểu chưng cho sự chai đá, nghĩa là sự chai dạn của lương tâm trong một thái độ thù địch, tình trạng đình trệ trên con đường tiến bộ tinh thần. Cirlot nhìn thấy ở núi đá giữa biển một hình mẫu của huyền thoại lớn về sự thoái bộ, thụt lùi. 
Đá trời được xem như một sự hiện hình của thần linh, một sự hiển hiện và một thông điệp của trời, cũng giống như một tia lửa trời, một hạt giống của thần linh roi xuống đất. Theo những tín ngưỡng nguyên thủy, các tinh đẩu đích thị là những thần linh; những mảnh, mẩu mà các tinh cầu tách ra khỏi mình là những hạt giống. Đá trời thi hành một sư mệnh tương tự như sứ mệnh của thiên sứ: làm cho trời và đất liên thông. Đá trời là biểu tượng của một sự sống siêu đẳng sự sống ấy nhắc cho con người biết về nó như một sứ mệnh hoặc được ban truyền cho con người. 
1.5.3. Tầm quan trọng của nước và đá trong đời sống cộng đồng Giếng nước, một văn hóa chung cho nhiều dân tộc, giếng nước đầu làng thể hiện sự thiêng liêng vì đó là nguồn cội của sự sống. Biểu trưng của cái giếng là nơi mang nguồn sức sống cho cả làng, nước để uống, để nấu ăn, để tắm rửa, làm sạch. Nguồn nước ấy cần được khơi trong mỗi năm để giữ gìn sức khỏe cho cả làng, cũng cần khơi trong để nối lại những giao tiếp giữa những con người với nhau. 
Nước là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người. Chính vì thế mà những dòng sông lớn trên thế giới luôn luôn là khởi nguyên của các nền văn minh lớn. Đối với những cư dân miền núi, những con người quen nếp sống dựa vào thiên nhiên, nước càng trở nên thiêng liêng bởi nước cũng là sự sống. Sự sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng con người miền núi. Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, một sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người. 
Nước là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vì tất cả các sự sống trên trái đất đều bắt nguồn từ nước, đều phụ thuộc vào nước. Nếu không có nước, tất cả sinh vật đều không tồn tại. Bên cạnh là nguồn sống trực tiếp, nước còn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người chúng ta như sử dụng trong các ngành công nghiệp (máy hơi nước, nhà máy thủy điện) giúp con người càng ngày càng phát triển. 
Đá - thành phần cấu tạo nên vỏ trái đất.Vỏ Trái Đất cấu tạo chủ yếu bằng những vật chất cứng rắn, độ dày dao động từ 5 km (ở đại dương) đến 70 km (ở lục địa). Vỏ Trái Đất chỉ chiếm khoảng 15% về thể tích và khoảng 1% về trọng lượng của Trái Đất nhưng có vai trò rất quan trọng đối với thiên nhiên và đời sống con người. 
Trên cùng là tầng đá trầm tích do các vật liệu vụn, nhỏ bị nén chặt tạo thành. Căn cứ vào sự khác nhau về thành phần cấu tạo, độ dày của vỏ trái đất chia thành hai kiểu chính: vỏ lục địa và vỏ đại dương. Vỏ trái đất được cấu tạo bởi các tầng đá khác nhau, trên cùng là tầng đá trầm tích do các vật liệu vụn, nhỏ bị nén chặt tạo thành. Tầng này không liên tục và có nơi mỏng nơi dày. Tầng granit gồm các loại đá nhẹ tạo nên như đá granit và các loại đá có tính chất tương tự như đá granit… được hình thành do vật chất nóng chảy ở dưới sâu của vỏ Trái Đất đông đặc lại. Lớp vỏ lục địa được cấu tạo chủ yếu bằng granit. 
Tầng badan gồm các loại đá nặng hơn như đá badan và các loại đá có tính chất tương tự như đá badan… được hình thành do vật chất nóng chảy phun trào lên mặt đất rồi đông đặc lại. Lớp vỏ đại dương cấu tạo chủ yếu bằng badan.
Đá, tô đẹp cuộc sống. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, với những ngọn núi được cấu tạo bằng đá trông tuyệt đẹp với những hình thù khác nhau như hình người, hình con vật…tạo nên những điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Như ở tỉnh Lạng Sơn của nước ta có ngọn núi mà trên đỉnh có tảng đá cấu tạo như hình một người thiếu phụ bế con chờ chồng (Nàng Tô Thị). Hồ Mono là một trong những khu nghỉ mát tự nhiên đẹp nhất ở California (Mỹ) Và một trong những điều thú vị, hấp dẫn nhất mà bạn có thể được nhìn thấy là tháp đá ngưng thôi thạch đẹp tuyệt mỹ. Nằm ở dưới chân núi Sierra Nevada và gần lối vào vườn quốc gia Yosemite, hồ Mono có khung cảnh rất ngoạn mục và độc đáo với sự đa dạng của động vật hoang dã và những tháp đá ngưng thôi thạch Vẻ đẹp đáng chú ý của hồ là những tháp đá ngưng thôi thạch được hình thành từ vật liệu cacbonat. Khi còn ẩn mình dưới nước, tháp ngưng thôi thạch trở thành một cầu đất cho đông đảo cư dân trong hồ. Khi mực nước trong hồ Mono giảm xuống sẽ để lộ ra những tháp đá đẹp trông thấy… 
Ngoài ra, đá còn làm đẹp cho con người bằng những chiếc vòng đeo tay bằng cẩm thạch, những chiếc bông tai, nhẫn bằng vàng có ẩn hột đá quý trông rất quý phái và sang trọng. Ngày nay, đá hoa cương còn làm đẹp cho những ngôi nhà mới. 
1.5.4. Tầm quan trọng của nước và đá trong các lễ hội dân gian 
Lễ hội té nước ở Campuchia, Thái Lan,có ý nghĩa nhằm chúc phúc nhau để chào mừng năm mới. Những ngày tháng 4 hàng năm, hàng triệu người dân Thái Lan, Campuchia đang mong chờ Lễ hội té nước đặc sắc trong dịp lễ Tết cổ truyền Songkran (Thái Lan), Chol Chnam Thmay (Campuchia) diễn ra từ ngày13 đến ngày15 tháng 4 dương lịch. Thay cho lời chúc may mắn đầu năm, người dân 2 nước này sẽ tưng bừng chào đón năm mới với nghi thức nghi dội nước lên người nhau. Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Lễ hội Songkran còn diễn ra hoạt động té nước cùng người đẹp. Các cô gái tham gia khoác trên mình những trang phục lễ hội chim công, chim phượng và múa các điệu dân gian độc đáo. Vào dịp này, người dân Thái ai nấy đều náo nức, treo đèn trang trí, nhà nhà tưng bừng ánh điện, phố phường đông vui, náo nhiệt. 
Trong thời điểm này, khắp Campuchia cũng tưng bừng lễ đón năm mới. Không khí náo nhiệt, đèn hoa sáng rực từ các ngôi chùa kéo dài đến các nẻo đường dẫn đến Hoàng Cung. Thủ đô Phnôm Pênh treo đèn kết hoa lộng lẫy. Người dân và du khách đổ ra đường tham gia vào các hoạt động lễ hội đường phố lễ té nước. Ai được dội nước nhiều thì được nhiều phúc. 
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khơme ở tỉnh Sóc Trăng được diễn ra trên sông nước, có ý nghĩa đưa nước ra biển cả, trả nước về cho thần rắn Naya. Lễ Oc om bóc, còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ "Đút cốm dẹp" (Bon sâm peah preah khe) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Theo truyền thuyết, từ xa xưa đồng bào Khmer Nam bộ có hai cái tết: Tết âm lịch và Tết dương lịch. Nếu theo Kinh Hôra, ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày kết thúc một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất. Đúng vào lúc 24 giờ của ngày này thì bóng trăng không xê dịch, cột trụ trồng trên sân đứng thẳng ngoài trời. Người xưa cho rằng đây là ngày bước sang năm mới âm lịch và mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới. Trong lễ hội Oc om bóc, hội đua ghe ngo là một trong những họat động sôi nổi và náo nhiệt nhất, được mọi người mong đợi nhất. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang 1,2 m có từ 50 đến 60 tay bơi. Trước đây, ghe Ngo một loại thuyền độc mộc lớn, khoét từ thân gỗ tốt. Ngày nay, không còn thân gỗ lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Chiếc ghe Ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.. Chiếc ghe Ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ngày xưa, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần trong năm vào ngày lễ hội Oc om bóc, mỗi lần hạ thủy phải làm lễ long trọng. Đua Ghe ngo ngày nay trở thành ngày hội chung của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, làm cho mối quan hệ cộng đồng các dân tộc ở Sóc Trăng ngày càng gắn kết, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp. Đồng bào Khmer Sóc Trăng tổ chức Hội đua ghe Ngo như một phong tục tốt đẹp. Đây cũng là một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh hào hùng, cái tài nghệ tuyệt vời của các tay đua tranh tài trên sông nước. 
Lễ hội múa rối nước của đồng bào Bắc Bộ thể hiện nét văn hóa của cộng đồng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”. Vào thời Lý, các loại hình văn nghệ đã trở nên đa dạng. Lý Thái Tổ có đặt chức "quan giáp" để trông coi người ca múa. Lý Nhân Tông cho xây nhà múa . Các trò tiêu khiển như múa khiên, đánh cầu rất phổ biến trong giới quý tộc cũng như trong dân gian. Múa rối nước, một nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam, đã được phôi thai từ trước thời nhà Lý tại đồng bằng sông Hồng. Dưới thời nhà Lý, thể loại nghệ thuật này trở nên tinh xảo và từ đó truyền đến bây giờ. Có tài liệu xác định năm 1121 là mốc mà múa rối nước trở thành một nghệ thuật phổ biến. Đó là bia đá Sùng Thiện Diên Linh (chùa Chọi, Duy Tiên, Nam Hà), ghi lại việc diễn rối nước như một nghi lễ mang tính nghệ thuật để mừng thọ nhà vua. Hiện nay, ở trước cửa chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây), trên hồ Long Trì, còn lại một di tích gần như nguyên vẹn của một sân khấu rối nước được xây cất từ thời Lê. 
Múa rối nước là một nghệ thuật biểu diễn bằng con rối trên mặt nước, kết hợp một cách kỳ ảo hai yếu tố rối và nước. Sân khấu của rối nước là ao, hồ của làng mạc thôn quê. Khán đài là bãi cỏ quanh đấy. Rất thuận tiện cho dân chúng đến thưởng lãm. 
Trên nước là một tòa thủy đình hai tầng, tầng trên dùng để thờ Tổ, tầng dưới là hậu trường có mành che. Khác với các loại hình biểu diễn khác, nghệ nhân của trò múa rối nước không xuất hiện trên sân khấu. Họ đứng trong nước, núp sau bức mành tre, điều khiển các con rối bằng một hệ thống que, dây phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, nghệ thuật tinh xảo. 
Lễ hội Lồng Tồng thuộc làng Khòn Lèng ở Lạng Sơn được tổ chức ngay dưới chân núi tượng đá Nàng Tô Thị - một biểu tượng đẹp đẽ về lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ Việt Nam từ lâu đã đi vào thơ ca của dân tộc. Bởi, từ bao đời nay, tượng đá Nàng Tô Thị dãi dầu cùng năm tháng đã thực sự là một biểu tượng đẹp về văn hóa của nhân dân nơi đây nói riêng và của nhân dân Lạng Sơn nói chung.
Tiểu kết chương 1 
Nước và đá là hai vật thể có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của con người và vạn vật. Nước là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người, là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của muôn loài, vì tất cả sự sống trên trái đất đề bắt nguồn từ nước, đều phụ thuộc vào nước. Xét về góc độ văn hóa, nước là cội nguồn, là tổ tiên của nhân loại, nước là một vị thần, biểu trưng cho một quyền năng trong đời sống con người, là biểu tượng lớn của văn hóa dân gian các dân tộc ít người. Trong kinh Vệ Đà ca ngợi những dòng nước mang lại sự sống, sức mạnh và sự thanh khiết về mặt tinh thần cũng như thể xác. Nước được coi là một biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Nước chảy từ nguồn, nước của sự sống là biểu tượng về nguồn gốc vũ trụ, biểu tượng của sự nguyên sơ và trinh trắng của con người. Trong Kinh Thánh, đá được coi là một vị thần và được thờ phượng. Theo huyền thoại về prométhe1e, ông tổ loài người có các loại đá vẫn giữ được hơi người. Đá và người đại diện cho sự vận động theo hai chiều đi lên và đi xuống. Đá không phải là những khối vô hồn, những tảng đá sống từ trên trời rơi xuống, sau khi rơi xuống chúng vẫn là những vật sống. Đá cũng là một một biểu tượng của Đất Mẹ. Đá trời được xem như một sự hiện hình của thần linh, một sự biểu hiện và một thông điệp của trời, là biểu tượng cho cuộc sống siêu đẳng, làm cho trời và đất liên thong. Ngoài ra, đá còn là thành phần cấu tạo nên vỏ trái đất và làm đẹp cho con người, cho cuộc sống. Chương 2: Ý NGHĨA CỦA BIỂU TƯỢNG NƯỚC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG 
Nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương chúng tôi thấy rằng biểu tượng nước xuất hiện với tần số khá cao. Theo tài liệu Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư Lê Trí Viễn (Nxb Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1987), tác giả cũng cho rằng thơ Nôm xác định tương đối chính xác là của Xuân Hương thì có độ khoảng bốn mươi bài. Trong khoảng bốn mươi bài thơ nói trên, người viết thống kê có hai mươi hai bài có nước và các yếu tố chứa nước (sương, suối, mưa, giếng, dòng, sông, sóng, thạch nhũ…). Có những bài yếu tố nước xuất hiện khá nhiều như Kẽm Trống, Tát nước (ba lần), Giếng thơi (sáu lần)... Nước xuất hiện trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương với những hình thái khác nhau: nước phi hình (sương), nước hữu hình (suối, giếng, khe…) và ở mỗi hình thái là một biểu tượng nghệ thuật hàm chứa trong nó những ý nghĩa đặc sắc. Ngoài ra, trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, không ít lần chúng ta bắt gặp những biểu tượng sóng đôi: Nước Non, Non Sông… Xuất phát từ đặc điểm vật chất của nước: mềm mại, trong trẻo, tinh khiết, luôn chuyển động, biến hóa, và xuyên thấm…, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tạo dựng thành những biểu tượng nghệ thuật hết sức sống động, khó có thể bắt gặp ở những nhà thơ khác. 
2.1. Nước - biểu tượng cho cái đẹp, cho sự thiêng liêng 
2.1.1. Nước - hình ảnh của sự thiêng liêng, cao cả 
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, nước là chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên ở sông hồ, ở biển. Nước còn có nghĩa chỉ vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định. Với ý nghĩa thứ hai, nước là hình ảnh của sự thiêng liêng, cao cả: 
Tôi yêu tiếng nước tôi 
Từ khi mới ra đời 
À ơi 
Mẹ hiền ru những câu xa vời… 
(Phạm Duy, Tình ca) 
Nước trong câu thơ trên không còn là một thực thể vật chất hữu hình mà là cội nguồn của một cộng đồng, là cái nôi của mỗi cá nhân. Nước trở thành ý niệm gần gũi, thân thiết, hiển hiện thành cái từ luôn đọng trên môi và trong tâm thức của người Việt. 
Trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nước không chỉ đứng một mình mà còn kết hợp sóng đôi kiểu: non nước, non sông… với phương thức chuyển nghĩa hoán dụ lấy bộ phận chỉ toàn thể: chỉ cương vực lãnh thổ của dân tộc sống và làm chủ trên đó. Bài thơ Tự tình II, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết: 
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, 
Trơ cái hồng nhan với nước non. 
(Tự tình II) 
Hai từ nước non biểu tượng cho cả thế giới tự nhiên lẫn xã hội, biểu tượng cho non sông đất nước thiêng liêng cao cả. Nước non là cái bao la, rộng lớn, là cái tồn tại vĩnh cửu. Trong không gian rộng lớn, mọi thứ dường như đều trở nên nhỏ bé. Hồng nhan là sắc mặt hồng, nghĩa là chỉ người phụ nữ đẹp. Trơ nghĩa là lỳ ra, trơ ra, chai đi, mất hết cảm giác. Trơ còn có nghĩa là riêng lẻ một mình. Nước non: chỉ cả thế giới tự nhiên và xã hội của dân tộc sống và làm chủ trên đó. Từ cái có nghĩa chỉ từng đơn vị riêng lẻ, gắn liền với chữ hồng nhan làm cho giọng thơ trĩu xuống, để nhấn mạnh cái cái duyên phận, cái duyên số hẩm hiu của người phụ nữ. Câu thơ thấm đượm nỗi buồn của người cô phụ giữa đêm khuya không ngủ, soi mình vào cái lặng im trống rỗng đã thấy cô đơn, lại văng vẳng bên tai tiếng trống đôi canh dồn dập như thúc giục thời gian trôi nhanh, gây tâm trạng bồn chồn. Bồn chồn mà lại chỉ một mình nên nỗi cô đơn càng tăng gấp bội. Nước non thì mênh mông quá. Hồng nhan mà trơ với nước non trong lúc đêm vắng canh tàn, một mình nghĩ đường kia nỗi nọ, thổn thức biết bao nhiêu là nỗi lòng: tấm lòng về thế sự, chữ mệnh với chữ tài; tấm lòng vì nước non. Trong cái mênh mông ấy, dường như chẳng thấy ai đâu, chỉ trơ cái đẹp, cái hồng nhan với nước non mà thôi. 
Ở bài thơ Dỗ người đàn bà khóc chồng, tác giả đặt thân phận người phụ nữ đối diện với non sông và không để thẹn: 
Văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng, 
Nín đi kẻo thẹn với non sông... 
(Dỗ người đàn bà khóc chồng) 
Nỗi đau mất chồng là nỗi đau rất lớn đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Vì thế, người đàn bà trong bài thơ trên khóc thương chồng cũng là lẽ tự nhiên. Vậy thì tại sao Hồ Xuân Hương lại dỗ: Nín đi kẻo thẹn với non sông? Rõ ràng, Hồ Xuân Hương đã nâng cao vai trò của người phụ nữ đối với non sông. Động từ thẹn được dùng rất đắt, thẹn có nghĩa là cảm thấy áy náy, mất tự nhiên khi làm điều không hay. Khóc chồng là lẽ tự nhiên, nhưng nếu khóc mãi lại là điều không hay, là thẹn với non sông, nên nữ sĩ đã khuyên họ phải biết chấp nhận với cuộc sống thực tại. Hồ Xuân Hương lúc thì làm ra vẻ trang nghiêm, khuyên bảo, lúc thì kích thích lòng tự ái, tự trọng của họ, đem đến cho họ nghị lực và lòng tin để họ tin hơn vào phẩm giá và lẽ phải của mình, để chống chọi lại tất cả những gì bất công, phi lí mà cuộc đời đổ lên đầu họ. 
Trong bài Đá Ông Chồng Bà Chồng, với cặp mắt nghệ sĩ đa tài như Hồ Xuân Hương, tác giả đã thổi hồn vào cái đề tài thú vị của thiên nhiên ngộ nghĩnh là hai thớt đá chồng lên nhau để nói về một cặp tình nhân. Với Hồ Xuân Hương, đây không phải là đá nữa mà là một cảnh ân ái lạ lùng. Đây là một đôi tình nhân già nhưng rất hạnh phúc và vẫn còn hứa hẹn trường cửu với không gian và thời gian: 
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt 
Khối tình cọ mãi với non sông. 
(Đá Ông Chồng Bà Chồng) 
Tác giả Hồ Xuân Hương đã đặt tình yêu ngang với non sông, trường cửu cùng non sông. Tình vốn là một khái niệm trừu tượng được nữ sĩ vật hóa thành khối tình để áp vào, để cọ mãi cùng non sông. Đó là cuộc tình thật hạnh phúc, thiêng liêng và có non sông như là nhân chứng của cuộc tình. Chỉ một từ cọ nhưng ta nhận ra một cuộc tình mãnh liệt và sâu sắc. Nữ sĩ nói khối tình đá mà ta nhận ra khối tình người, một khối tình nặng như đá. 
Bài thơ Hỏi trăng có cấu trúc đặc biệt, lạ lùng. Câu đầu là câu khẳng định, bảy câu còn lại là câu nghi vấn. Những câu hỏi đặt ra trong trạng thái dồn dập, nhưng thật chất Hồ Xuân Hương đâu cần câu trả lời. Nói đúng hơn đây là những câu hỏi tu từ, bộc lộ tâm trạng của tác giả. Chẵng lẽ, Hồ Xuân Hương chẳng biết trăng khuyết rồi lại tròn, có gì phải hỏi và hỏi ai, ai trả lời. Ngọc Thỏ, Chị Hằng chỉ có trong huyền thoại, trong cổ tích, làm gì có thật mà lại hỏi. Thực ra, Hồ Xuân Hương muốn thoát ra ngoài thiên nhiên cao rộng, giao du với non xanh nước biếc, với gió với trăng. Tác giả muốn trải lòng mình với thiên nhiên cao rộng bằng những câu thơ trữ tình ngọt ngào, đằm thắm với trăng. 
Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chứ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Bao giờ Hồ Xuân Hương cũng quan tâm đến quyền lợi của trái tim, cảm thông đến nguyện vọng, với những khát khao của người phụ nữ. Với Chị Hằng là nhân vật tưởng tượng nhưng Hồ Xuân Hương đã biến hình thành nhân vật sống để hướng đến cuộc sống trần tục để hòa vào trời đất êm ái xuân tình, bộc lộ nỗi khát khao ái ân một cách chân thành qua mấy lời thơ. 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao lại thẹn vừng son? 
Ở hai câu kết trong bài thơ rất mềm mại, đầy chất trữ tình và thể hiện sự cao cả, thiêng liêng của hình ảnh nước non đối với con người. 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non? 
(Hỏi trăng) 
Vầng trăng lơ lửng suốt năm canh để chờ đợi ai? Lời thơ đầy tâm trạng mà như bình thản, hồn nhiên. “Chờ ai đó?”, “với nước non?”. Có lẽ tác giả lấy lòng mình để thấu hiểu tình “trăng”, với Hồ Xuân Hương, trăng cũng rạo rực, say mê với tình riêng. Hai từ nước non biểu tượng cho sự cao cả thiêng liêng của con người về hạnh phúc, về tình yêu, về cái đẹp. 
2.1.2. Nước - vẻ đẹp của tự nhiên 
Đọc thơ Nôm Hồ Xuân Hương ta không chỉ cảm nhận Bà là một nhà thơ tài ba của Văn học trung đại Việt Nam mà còn là một nghệ sĩ đa tài. Hồ Xuân Hương như một họa sĩ, như một nhà điêu khắc. Bởi mỗi bài thơ của Bà như một công trình kiến trúc nghệ thuật. Những bức tranh tuyệt đẹp của cảnh nước non nên thơ, cảnh nước non hùng vĩ ở rất nhiều địa danh của đất nước được Bà thể hiện qua những vần thơ với nhiều biểu tượng. Trong đó, Nước là biểu tượng của cảnh đẹp thiên nhiên, của tạo hóa. 
Trong bài Kẽm Trống, hình ảnh nước mang biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên:
Hai bên thì núi giữa thì sông, 
Có phải đây là Kẽm Trống không? 
Gió giật sườn non khua lắc cắc, 
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong. 
Ở trong hang núi còn hơi hẹp, 
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng. 
Qua cửa mình ơi! Nên ngắm lại, 
Nào ai có biết nỗi bưng bồng. 
(Kẽm Trống) 
Kẽm Trống thuộc huyện Kim Bảng, Phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hai bên núi sát liền nhau, chỉ vừa một lối nước ch ảy. Nó được tạc nên hình của núi của sông, tạo nên cảnh đẹp của nước non nên thơ, cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nếu ở đây chỉ có núi mà không có sông thì cảnh sắc chưa hài hòa, cảnh vật trở nên khô cứng. Cho nên hình ảnh sông trong bài thơ là biểu tượng của cái đẹp nên thơ, sự hài hòa của thiên nhiên. 
Lớp nghĩa mà chúng tôi phân tích ở trên là nghĩa tường minh, nghĩa phô ra, nghĩa hiển hiện trong từng con chữ mà bất kì ai cũng có thể nhận ra được khi tiếp xúc với văn bản thơ của Hồ Xuân Hương. Nhưng thơ Hồ Xuân Hương không chỉ dừng lại ở đó, các hình tượng nghệ thuật trong thơ Nôm của Bà luôn luôn đa nghĩa, bất cứ bài thơ nào cũng ẩn hiện một lớp nghĩa phồn thực tài hoa, hấp dẫn. Mỗi hình tượng thơ của Hồ Xuân Hương thường ngoài nghĩa tường minh còn có nghĩa hầm ẩn và nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. 
Lớp nghĩa phồn thực, nghĩa ngầm, nghĩa hàm ẩn của biểu tượng sông, nước trong câu thơ “Hai bên thì núi giữa thì sông” biểu tượng cho âm vật; “Sóng dồn mặt nước vỗ long bong” chỉ hành vi tính giao. Bài thơ Kẽm Trống còn có biểu tượng non, hang núi chúng tôi sẽ phân tích ở biểu tượng đá. 
Ở câu thơ thứ bảy trong bài, nếu ta ngắt nhịp Qua cửa, mình ơi! Thì mang nghĩa bình thường, là cách gọi tình cảm mình ơi, qua cửa hãy ngắm lại. Còn nếu Qua cửa mình thì đó hiện tượng chơi chữ dựa vào sự đồng âm khác nghĩa đáng chú ý khác là: “cửa mình” là âm vật của đàn bà. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói như vậy, vì nói như Tản Đà: “Thơ Hồ Xuân Hương thời lại là “thi trung hữu quỷ” nghĩa là trong thơ có ma! Song mà nhận ra thời là tục”. 
Theo chúng tôi, thơ Hồ Xuân Hương tục mà không tục, bởi lẽ với bậc thầy về ngôn từ, Hồ Xuân Hương đã dùng những biểu tượng bình thường để tạo hình tượng, tạo sự liên tưởng tuyệt đẹp chứ không suồng sã, bỗ bà, sỗ sàng như nhiều người vẫn nghĩ. Vì lẽ đó, thơ Hồ Xuân Hương còn hướng người đọc tới lớp nghĩa nhân sinh quan sâu sắc: đó là lời thủ thỉ tâm tình xã hội mang khát vọng, triết lý nhân sinh về thân phận con người đặc biệt là thân phận người phụ nữ với những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc lứa đôi mang tính phồn vinh phồn thực, nghiêng về những khao khát bản năng rất người, rất trần tục. 
Trong bài thơ Động Hương Tích và bài Hang Cắc Cớ, nước là biểu tượng của cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp nên thơ của các địa danh trên Đất nước ta. Động Hương Tích là động chính của Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Hang Cắc Cớ là tên một cái hang ở Chùa Thầy xã Thụy Khê, Hà Nội. 
Vào trong hang động toàn đá và đá. Nhưng lạ thay vào sâu bên trong lại có những giọt nước rơi lõm bõm từng giọt từng giọt từ những vú đá (thạch nhũ) trông rất lạ mắt nhưng tuyệt đẹp. Nhờ những giọt từ thạch nhũ này mà hang động như có hồn hơn, có được âm thanh như một bản trường ca tuyệt vời làm xua tan phần nào sự tĩnh lặng của hang động. 
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, 
Con thuyền vô trạo cúi lom khom. 
(Đông Hương Tích) 
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, 
Con đường vô ngạn tối om om. 
(Hang Cắc Cớ). 
Trong hai bài thơ trên, biểu tượng nước đã được nhân hóa: từ sự vật hữu hình phi nhân tính được nhân cách hóa thành có nhân tính thể hiện qua cụm từ giọt nước hữu tình. Hữu tình là tính từ chỉ tình cảm của con người là có tình cảm với ai đó, có tình ý yêu đương. Theo Đỗ Lai Thúy thì động (Hương Tích) và hang (Thánh Hóa) là biểu tượng liên quan đến các bộ phận sinh sản như âm vật. Chúng tôi nghĩ rằng hai câu thơ trong hai bài thơ nêu trên còn có nghĩa hàm ẩn cho hoạt động tính giao, nếu vậy, theo thuật ngữ của y học thì nước chính là biểu tượng của “dâm thủy”. Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương quả là đặc sắc đúng như Lê Dư trong Nữ lưu văn học sử đã nhận xét: thơ của Bà xưa nay ai cũng kêu là có ý thô tục, nhưng xét kỹ tục mà thanh. Suy cho cùng, cái tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương là có thật nhưng cần nhìn nhận đây là một hiện tượng xã hội, là khát vọng được yêu của người luôn luôn thiếu yêu, thèm khát được yêu. 
Trong thơ Hồ Xuân Hương, nước còn được thể hiện qua hình thức vô hình là giọt sương, ở tác phẩm Đèo Ba Dội cũng biểu tượng cho cái đẹp nên thơ của thiên nhiên: 
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc, 
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo. 
(Đèo Ba Dội) 
Bài thơ Đèo Ba Dội là một bài thơ tả cảnh đèo có tên là Đèo Ba Dội là điều không thể phủ nhận khi tiếp xúc với văn bản thơ. Trong toàn bài thơ đều là cảnh đẹp của thiên nhiên. Đó là một đèo nằm cheo leo, có rêu xanh lún phún trên đá, có hàng thông reo bởi gió, có hình ảnh của cây liễu và đặc biệt trên những lá liễu có rất nhiều giọt sương mai thật tinh khiết rơi xuống nhiều và nhanh. 
Đằng sau cái lớp nghĩa hiển hiện mà chúng tôi đã phân tích ở trên lại là một biểu tượng thẩm mĩ độc đáo: Hồ Xuân Hương coi thân thể và cả bộ phận sinh dục trên cơ thể con người như là tự nhiên, thiên tạo, nó giống như tự nhiên, thiên nhiên vậy. Đã thế quyền miêu tả nó trong văn chương cũng là một quyền năng tự nhiên (Lại Nguyên Ân - Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương). Các tính từ mang ý nghĩa sắc thái hóa trong thơ như đỏ loét, xanh rì, đầm đìa, lún phún, cheo leo; các động từ chỉ hoạt động như: tạc, thốc, trèo; các danh từ: đèo, cửa, hòn đá, giọt sương, hiền nhân, quân tử; đặc biệt là sự xuất hiện của hiền nhân quân tử, của thành ngữ mỏi gối chồn chân đã gợi ra trường liên tưởng về tính dục trong bài thơ. Cái ma quái, tinh nghịch trong thơ Hồ Xuân Hương chính là ở trường liên tưởng, là tầng nghĩa thứ hai mà các nhà nghiên cứu gọi là tả cảnh ngụ tình. 
Trở lại biểu tượng nước vô hình tồn tại dưới dạng sương (giọt sương): Hơi nước ngưng tụ thành hạt, đọng lại trên cây cỏ. Động từ gieo có nghĩa là buông xuống, rơi xuống một cách tự do, gieo còn mang nghĩa là tạo ra giống, tạo ra sự sống mới. Tính từ đầm đìa có nghĩa là ướt đến sũng nước. Sương rơi xuống, buông xuống thành từng giọt làm cho lá liễu ướt sũng. Hình ảnh giọt sương gieo cũng giống như hình ảnh giọt nước hữu tình trong bài Hang cắc Cớ là biểu tượng của dâm thủy được tiết ra từ bộ phận sinh dục, đồng thời nó cũng là sản phẩm của hoạt động tính giao. Nếu thơ Hồ Xuân Hương chỉ dừng lại ở lớp nghĩa tả cảnh thì Tản Đà đã không nhận xét thơ bà là: “thi trung hữu quỷ”. Thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương không bao giờ yên ắng mà nó luôn cựa quậy hết sức sinh động, cho nên sẽ không ngoa khi nói rằng: mọi vật thể tự nhiên, thiên tạo và mọi hoạt động vào thơ Hồ Xuân Hương đều trở thành một tín hiệu nghệ thuật. Cái nghệ thuật mà tác giả tôn sùng chính là vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, thậm chí là cả hoạt động tính giao. Theo chúng tôi, tác giả khát khao được yêu nhưng do không thỏa mãn được dục vọng nên tác giả đã tự thỏa mãn trong tư tưởng. Người ta có thể làm được mọi việc trong suy nghĩ, cho dù đó là việc bất khả thi trong hiện thực. Vì thế, nữ sĩ của chúng ta dùng phép thắng lợi tinh thần để tự khỏa lấp, tự thỏa mãn với chính mình cũng là một giải pháp tình thế. 
Trong bài Hang Thánh Hóa nước cũng biểu tượng cho cái đẹp của thiên nhiên. 
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp, 
Lách khe nước rỉ mó lam nham. 
(Hang Thánh Hóa) 
Hang Thánh Hóa cũng là một cái hang ở Chùa Thầy, Hà Nội. Ở trong hang có nhiều ngoàm, nhiều ngoàm trở thành một đố. Đó là cấu tạo của hang động tự nhiên. Nếu coi cả vách động là một đố, thì vòm động với hõm to, nhỏ là những ngoàm. Hang Thánh Hóa có nhiều lườn đá, ở những lườn đá có kẽ hở và có nước chảy nên gọi là khe nước. Nước ở đây rất ít nên chỉ chảy rỉ rỉ lách qua khe. Nếu ở Hang Thánh Hóa không có những khe nước này thì cảnh vật trở nên thật đơn điệu. Nhờ có những khe nước rỉ mà cảnh vật trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn, nó có sự hài hòa giữa sự cứng cỏi của đá và sự mềm dẻo của nước tạo nên một bức tranh sinh động hơn. 
Bài thơ Hang Thánh Hóa cũng rất Xuân Hương. Tất cả hiển hiện ra trước mắt chúng ta là rất tự nhiên (khen thay con tạo khéo khéo phòm): lườn đá, cỏ leo, sờ rậm rạp, khe, nước rỉ, mó lam nham,… không thể là “Vật khác” trong thơ Hồ Xuân Hương được. Các từ ngữ: một sư đầu trọc, hai tiểu lưng tròn, khua mõ, giữ am cho đến thành ngữ chồn chân mỏi gối xuất hiện kèm theo bổ ngữ vẫn còn ham lại làm cho người đọc liên tưởng đến “Vật ấy” của phái nam. Sự kết hợp hài hòa giữa âm (lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp/ lách khe nước rỉ mó lam nham) và dương (một sư đầu trọc ngồi khua mõ/ hai tiểu lưng tròn đứng giữ am) càng khẳng định đích thực đấy chính là Hang Thánh Hóa của Xuân Hương. Hang Thánh Hóa của Xuân Hương có sức hấp dẫn kinh người, không thể chối từ khiến các nam nhân “chồn chân mỏi gối vẫn còn ham”. 
Rỉ có nghĩa là thấm từng tí một qua kẽ hở hoặc lỗ thủng nhỏ. Vì thế, nước rỉ là nước phải lách qua khe nhỏ. Danh ngữ nước rỉ trong bài thơ trên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm cho người đọc liên tưởng đó không phải là thứ nước trong ao, hồ, sông, suối, biển mà là thứ nước chỉ có ở Hang Thánh Hóa của Xuân Hương. Thơ của bà chúa thơ Nôm luôn luôn đưa trí tưởng tượng của người đọc chệch khỏi đường ray thông thường, đi vào một liên tưởng mới. 
Có thể nói rằng biểu tượng nước nói riêng, thiên nhiên trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói chung chỉ là bình phong, là điểm tựa làm nền tạo nên những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Thiên nhiên của Hồ Xuân Hương không giống với thiên nhiên đời thường, không giống với thiên nhiên trong thi ca của các thi nhân khác mà luôn luôn vận động và mang ý nghĩa ẩn dụ rất độc đáo. 
2.2. Nước - biểu tượng của sự sống. 
2.2.1. Nước - gắn chặt với đời sống con người 
Giếng nước đầu làng là hình ảnh quen thuộc và thân thương gắn chặt với đời sống của người dân. Với dân làng không thể thiếu dòng sông, giếng nước. Giếng là nơi tập trung sinh hoạt mỗi ngày, cũng là nơi bày tỏ tình cảm, thông báo tin tức, cũng là nơi quang gánh đi về tình tự bên nhau. Cùng với gốc đa đầu làng, ngõ trúc quanh co, giếng nước còn là nơi sinh hoạt tinh thần đậm nét truyền thống của dân tộc ta. Vì thế, giếng nước gắn chặt với đời sống con người nên đi xa ai cũng nhớ. Ở bài Giếng thơi, Hồ Xuân Hương đã mang đến cho người một nghĩa tường minh là miêu tả một cái giếng nước. 
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông, 
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng. 
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép, 
Nước trong leo lẻo một dòng thông. 
Cỏ gà lún phún leo quanh mép, 
Cá diếc le te lách giữa dòng. 
Giếng ấy thanh tân ai cũng biết, 
Đố ai dám thả nạ dòng dòng. 
(Giếng thơi)  
Đó là một cái giếng đặt trước ngõ ngay và thăm thẳm trên đường đi đến nhà một ai đó. Có thể là nhà của một cô gái, có thể là nhà của Hồ Xuân Hương. Bởi lẽ, người đương thời Hồ Xuân Hương sống đã thấy Hồ Xuân Hương có những tính cách của đàn ông, và chính bản thân bà cũng thấy không thua kém gì đàn ông. Cái giếng trong bài là một cái giếng trong và sâu, có cầu trắng bắt qua với đôi ván ghép. Trên mặt giếng có cỏ gà, giữa dòng có cá diếc. Nước trong là nước để dùng, để tắm mát nên: 
Đố ai dám thả nạ dòng dòng. 
Biểu tượng nước trong thơ Hồ Xuân Hương thường xuất hiện trong phạm vi nhỏ, hẹp: nước trong hang, hẻm, kẽ, khe, lách, lạch, nước tát, vũng… nghĩa là những hình thái nước tù đọng, trong quy mô nhỏ, hẹp, ở những vị trí khuất nẻo, hóc hiểm. 
Giếng của Hồ Xuân Hương xuất hiện trong một bối cảnh trần tục, đời thường, ở đó có: ngõ sâu, cầu trắng, nước trong, cỏ gà, cá diếc, nạ dòng dòng… Thế nhưng tác giả cũng thừa nhận đây là giếng lạ lùng (giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng), điều lạ lùng nhất là giếng nước mà lại thả cá diếc nhưng không dám thả nạ dòng dòng. 
Biểu tượng trong hai câu thơ Cầu trắng phau phau đôi ván ghép/ Nước trong leo lẻo một dòng thông là biểu tượng tuyệt đẹp có một không hai. Nếu hai câu thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên ca ngợi vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ thì hai câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại ca ngợi vẻ đẹp của một cái giếng ở thời điểm dậy thì của người con gái. Cái giếng ấy đẹp hơn khi là giếng thanh tân, nước thì trong leo lẻo, cỏ thì mới chỉ lún phún leo quanh mép. Tuyệt đẹp! Có lẽ là vậy, vì không thể có từ ngữ nào diễn tả tốt hơn. Đó là vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ, Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ, hơn ai hết bà hiểu vẻ đẹp của cái giếng thanh tân, cái hiện tượng nước trong leo lẻo, bà nâng niu trân trọng cái vẻ đẹp trần thế, tự nhiên ấy cũng là điều dễ hiểu.
Mỗi khi trời hạn hán kéo dài, công việc tát nước để tưới tiêu ruộng đồng là việc làm rất quen thuộc, nó gắn chặt với cuộc sống của người dân làng quê chúng ta. Bài thơ Tát nước, Hồ Xuân Hương miêu tả việc những cô gái tát nước để chống hạn. 
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè, 
Rủ chị em ra tát nước khe. 
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm, 
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. 
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa, 
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve. 
Ham việc làm ăn quên cả mệt, 
Dạng hang một lúc đã đầy phè. 
(Tát nước) 
Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả cảnh hạn hán, thiếu mưa cho dù mưa nhỏ, chửa mưa tè thì đàn bà phụ nữ ra chống hạn. Ở đây nên chú ý từ nắng cực, làm nghề nông thì cần có mưa, nếu nắng kéo dài thành hạn thì thiếu nước tưới tiêu, dẫn đến mất mùa thì người dân sẽ cực và khổ. Nhưng nắng cực còn có lớp nghĩa là nghệ thuật nói lái mang dụng ý của tác giả. Nước khe là nước không được nhiều, chỉ có khe nước nhỏ mà thôi. Hình ảnh gầu ba góc chụm rất sinh động, giống như bài thơ Cái quạt II: Chành ra ba góc da còn thiếu thì hình ảnh nước khe và ba góc chụm là bộ phận sinh sản người phụ nữ, là âm vật. Đến câu thứ năm, thứ sáu thì có sự rất lạ và độc đáo. Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa, 
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve. 
Lấy gầu nước múc nước dưới khe vực lên và đổ xuống ruộng, nước kêu xì xòm, rồi thả gầu không xuống khe nước múc nước lên, nước cũng kêu xì xòm. Trong khoảng giữa hai lần vực gầu, nước tạm thời lắng lại in hình người đàn bà dốc ngược dưới đáy khe, vì khi múc nước thì khum lưng xuống, còn lúc vực gầu ngửa người ra sau, rồi nước lại đổ, gàu lại vực, nước lại kêu xì xòm cho đến xong công việc. Ghềnh là một vật to lớn có đá nhô cao, là một vật khá to lớn. Hồ Xuân Hương đặt ở bên ghềnh một cái đít của người đàn bà tát nước. Hơn nữa, cái đít ấy lại vắt ve, nghĩa là vểnh lên thật cao. Đây là việc làm quen thuộc của người dân sống nơi ruộng đồng làng quê của đất nước ta. Nó gắn chặt với người dân từ ngàn xưa của nền văn hóa lúa nước. 
2.2.2. Nước - nguồn cội của sự sinh sôi nảy nở 
Các biểu tượng nước hay các sự vật, hoạt động liên quan đến nước trong thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng và phong phú: giếng, sông, sương (còn ngậm), suối (chửa thông), nước (trong leo lẻo), giọt nước (hữu tình), cá diếc (le te lách giữa dòng), cầu trắng phau phau (đôi ván ghép), con thuyền,… song chúng đều liên quan đến các bộ phận hay các chi tiết bộ phận của cơ quan sinh sản hoặc hoạt động tính giao. 
Đầu tiên là biểu tượng nước hữu hình tồn tại ở sông trong bài Kẽm Trống: 
Hai bên thì núi, giữa thì sông, 
Có phải đây là Kẽm Trống không? 
Gió giật sườn non khua lắc cắc, 
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong. 
Ở trong hang núi còn hơi hẹp, 
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng. 
Qua cửa mình ơi! nên ngắm lại, 
Nào ai có biết nỗi bưng bồng. 
(Kẽm Trống) 
Câu thơ hai bên thì núi giữa thì sông là biểu tượng của bộ phận sinh sản nữ, trong đó sông là âm vật. 
Bài thơ độc đáo nhất là câu thơ: Qua cửa mình ơi! Nên ngắm lại. Câu thơ rất tình cảm bởi đại từ nhân xưng mình - từ dùng để tự xưng hoặc để gộp bản thân cùng với người đối thoại một cách thân mật, tác giả nhắn nhủ những ai đã từng đi qua cửa hang thì nên ngắm lại. Chữ cửa trong bài thơ có nghĩa là lối thông tự nhiên với bên ngoài, nên khi người mới qua cửa hang sẽ có cảm giác thoải mái vì di chuyển từ một nơi sâu thẳm, tăm tối ra nơi rộng rãi, thoáng đãng. 
Câu thơ trên nếu ngắt nhịp: qua/ cửa mình/ ơi! Nên ngắm lại sẽ tạo ra sự bất thường về nghĩa, cửa mình chỉ âm hộ của người phụ nữ. Đây là nghĩa ỡm ờ trong thơ Hồ Xuân Hương mà người đọc thường thấy. 
Đọc bài thơ Giếng thơi ta cảm nhận Hồ Xuân Hương từ việc miêu tả cái giếng trong sinh hoạt đời thường để nói về vẻ tươi tốt, thanh tân của một cô gái mới lớn: 
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông, 
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng. 
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép, 
Nước trong leo lẻo một dòng thông. 
Cỏ gà lún phún leo quanh mép, 
Cá diếc le te lách giữa dòng. 
Giếng ấy thanh tân ai cũng biết, 
Đố ai dám thả nạ dòng dòng. 
(Giếng thơi) 
Từ cái thanh tân của giếng nước, Hồ Xuân Hương liên tưởng đến cái thanh tân của người con gái ở thời điểm dậy thì thật đặc sắc. Toàn bộ bài thơ tạo ra một hình ảnh kép, trùng khít nhau: giếng nước = giếng của người phụ nữ = thanh tân. Theo Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực, Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Đây là một cái giếng thanh tân ở thời điểm dậy thì của người con gái. Hồ Xuân Hương rất chú ý đến các “điểm nút nhân học” trong vòng đời con người như dậy thì (sự trưởng thành, thành đinh), lấy chồng, chửa, đẻ, chồng chết… Ở người thiếu nữ tất cả đều đã phát triển đầy đủ, nhưng vẫn còn thiếu một yếu tố nam tính (đố ai dám thả nạ dòng dòng, nạ dòng dòng là cá quả, cá chuối - biểu tượng dương vật) nữa để tạo ra sự sinh đẻ. Và sinh đẻ, với tâm thức người xưa, là một điều kỳ lạ, thiêng liêng”. 
Bằng phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ chức năng, Hồ Xuân Hương đã miêu tả một cái giếng trong sinh hoạt đời thường để liên tưởng đến cái giếng của người phụ nữ thật tài tình. Cái giếng thanh tân của người con gái trong nhãn quan của Hồ Xuân Hương là cái giếng đẹp hoàn hảo. Cái giếng ấy có cầu trắng phau phau đôi ván ghép, có nước trong leo lẻo chỉ một dòng thông, có cỏ gà lún phún leo quanh mép, có cá diếc le te lách giữa dòng. Những đặc điểm ấy khiến mọi người đều biết đó đích thực là cái giếng thanh tân, nó khác với cái giếng không còn thanh tân. Các tính từ miêu tả: sâu thăm thẳm, trắng phau phau, trong leo lẻo, lún phún được nữ sĩ dùng rất hiệu quả. Ba tính từ có ý nghĩa cực cấp sâu thăm thẳm, trắng phau phau, trong leo lẻo được dùng rất đắc dụng để mô tả tính chất của cái giếng thanh tân. Chúng tôi cho rằng hay hơn cả là tính từ lún phún, nó được dùng rất phù hợp. Lún phún có nghĩa là thưa thớt, thưa và ngắn, nó không xồm soàm, rậm rạp, không lam nham. Chính điều đó mới làm cho ta mục kích được cái vẻ đẹp hiển hiện không bị che khuất của cái giếng thanh tân ở thời điểm đẹp nhất của người con gái. Nếu hội họa có cách tạo dựng biểu tượng bằng những gam màu phù hợp, âm nhạc có cách đưa thính giả đến những suy tưởng bằng lời ca du dương, thánh thót, những nốt nhạn trầm - bổng thì thi ca tạo dựng biểu tượng bằng lớp từ ngữ sắc sảo, đắc dụng. 
Giếng trong bài Giếng thơi là biểu tượng cho cơ quan sinh sản của người phụ nữ ở thời điểm dậy thì, điều đó được liên tưởng qua các từ ngữ nêu trong bài, đặc biệt là tính từ thanh tân (giếng ấy thanh tân ai cũng biết). 
Độc đáo hơn, tinh quái hơn, nghịch ngợm hơn nữa là cái giếng của Xuân Hương có cá diếc. Cá diếc gặp nước giếng ngọt, mát, mà lại còn thanh tân, tốt lạ lùng nên rất khoan khoái, nhanh nhảu lách giữa dòng để hưởng thụ. Nhưng sao giếng ấy chỉ có cá diếc mà không có cá lóc, cũng là loại cá sống ở nước ngọt: Đố ai dám thả nạ dòng dòng. Giếng thanh tân là biểu tượng cho âm vật của người con gái ở thời điểm dậy thì. Nạ dòng dòng là cá quả (cá lóc) biểu tượng cho dương vật. Sự kết hợp giữa âm - dương là nguồn cội của sự sống. Vì thế, hoạt động tính giao vốn là hoạt động có ý nghĩa đẹp, tự nhiên, thiêng liêng, cao cả chứ không xấu như nhiều người vẫn nghĩ. 
Biểu tượng nước trong thơ Hồ Xuân Hương gắn liền với những biểu tượng liên quan đến nước như: cá, thuyền, cầu,… tạo sự liên tưởng đa chiều. Thơ Xuân Hương bao giờ cũng ẩn chứa trong đó không gian buồng khuê và những hoạt động ái ân nhục cảm hoặc những biểu tượng của tính dục. Hoạt động tính giao là một chiều kích bản thể của con người, nó cũng như các bản năng gốc khác như hoạt động ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui chơi… tự thân không có gì là xấu. Sự giao hợp và sinh nở là một tín ngưỡng được tôn thờ của nhiều dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, sự hiện diện đồng thời ở nhiều nơi của tín ngưỡng này không phải là kết quả giao lưu văn hoá mà bắt nguồn từ logic khách quan của đời sống con người, tức là theo logic phát triển tự nhiên của xã hội loài người. Xuân Hương cũng xuất phát từ sự sống cội nguồn của nhân loại: sự sống là có sự phối hợp âm và dương, tạo ra sự sinh sôi, nảy nở. Hình ảnh giao hợp trong thơ của Hồ Xuân Hương xuất phát từ bản năng duy trì giống nòi, một sự sống theo lẽ của tự nhiên bắt buộc phải có. 
Có thể nói Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lạ trong văn học Việt Nam, tác giả không ngần ngại e dè mà mạnh dạn đưa ra quan niệm của mình về cái đẹp hình thể của người con gái, bà ca ngợi cái cơ thể đẹp tuyệt vời đó bằng bút pháp đặc tả độc đáo: 
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông, 
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. 
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc, 
Yếm đào trễ xuống dưới nương long. 
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm 
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông 
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt, 
Đi thì cũng dở, ở không xong. 
(Thiếu nữ ngủ ngày) 
Hồ Xuân Hương để cho thiếu nữ nằm trong một tư thế nhịp nhàng hòa đối. Đây không phải là ngủ say, ngủ say thì con người dễ hóa thô kệch; đây là gió mát mà ngủ thiếp, không định ngủ mà lịm đi. Đôi gò tròn căng trên nương long ấy là đôi gò Bồng Đảo, cái lạch bên dưới là một lạch Đào Nguyên, cả hai đều là cảnh tiên. Gò Bồng Đảo là núi trên Đảo Bồng Lai, nơi tiên ở, ý nói cảnh đẹp, cảnh tiên. Hồ Xuân Hương đã dùng hai hình ảnh gò Bồng Đảo, lạch Đào Nguyên để nâng cái đẹp lên sự tuyệt vời. Nhưng gò Bồng Đảo ấy sương còn ngậm và lạch Đào Nguyên ấy suối chửa thông, nghĩa là đang còn e ấp, còn tươi nguyên, trong trắng và đang gìn giữ nên càng cao quý. Cũng như cái giếng thanh tân, ở đây đôi gò Bồng Đảo còn non tơ phong nhụy với hình ảnh sương và suối biểu tượng cho vẻ đẹp trinh trắng của hình thể cô gái mới lớn. Thật sự đây là dụng ý của nhà thơ vì làm gì có chuyện cô gái ngủ say đến nỗi để phô ra trọn vẹn cái cơ thể ngọc ngà của mình cho người khác chiêm ngưỡng. Hồ Xuân Hương muốn ca ngợi một cơ thể đẹp. Đối với bà, cái cơ thể đẹp là niềm tự hào của con người, đặc biệt là người phụ nữ, giống như người ta tự hào về tài năng, về tuổi trẻ của mình. Có thể nói, Thiếu nữ ngủ ngày là một bức tranh đầy sức gợi cảm, đường nét sinh động, tươi trẻ, trinh nguyên và tràn đầy sức sống. 
Nguyễn Du cũng đã từng có một bức tranh khỏa thân tuyệt đẹp bằng hai câu thơ trong Truyện Kiều: 
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà 
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. 
Bức tranh khỏa thân của nàng Kiều dưới ngòi bút của đại thi hào Nguyễn Du là khỏa thân toàn bộ (100%), còn bức tranh khỏa thân của Thiếu nữ ngủ ngày của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là bức tranh khỏa thân chưa toàn bộ, bởi thiếu nữ còn mặc yếm (yếm đào trễ xuống dưới nương long). Cái đẹp là cái đáng được ca ngợi, mà hình thể người phụ nữ là cái đẹp, do vậy hình thể người phụ nữ cũng đáng được ca ngợi. 
Hồ Xuân Hương không chỉ dừng lại ở sự ca ngợi vẻ đẹp tổng quan về hình thể của người phụ nữ mà tác giả còn xoáy sâu đặc tả vào các chi tiết bộ phận trong bức tranh tổng quan ấy, góp phần làm cho bức tranh vừa đẹp tổng thể vừa đẹp chi tiết. Đây là điều đáng thán phục ở nhà thơ. Đôi gò Bồng Đảo, một lạch Đào Nguyên là những ký hiệu ngôn ngữ có nghĩa chuyển di từ cái tả thực đến cái ẩn dụ vô cùng đa dạng, biểu đạt những bộ phận sinh sản nhạy cảm trên cơ thể người phụ nữ. Cái hay, cái độc đáo, cái ngỡ ngàng và cả cái liên tưởng phong phú ở mỗi người chính là những đặc điểm trong phong cách thơ Nôm của Xuân Hương. Từ hai câu thơ Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông làm cho người đọc liên tưởng đến một thiếu nữ thanh tân. Hai danh ngữ sương còn ngậm và suối chửa thông chính là minh chứng cho liên tưởng vừa nêu. Danh ngữ sương còn ngậm có nghĩa là sương còn nguyên giọt, tròn trịa, chưa bị vỡ ra, chưa bị biến dạng. Danh ngữ suối chửa thông có nghĩa là dòng chảy của suối bị nghẽn, do có vật gì đó cản trở. Từ nghĩa đen vừa phân tích làm cho người đọc liên tưởng đến nghĩa biểu trưng: chỉ sự còn trinh nguyên, trong trắng của người con gái, của thiếu nữ mới lớn. Câu thơ một lạch Đào Nguyên suối chửa thông biểu trưng cho cơ quan sinh sản của người phụ nữ đã đủ độ chín để có thể chuyển sang trạng thái làm mẹ. Lạch có nghĩa là dòng nước nhỏ, mà dòng nước nhỏ chưa được khai thông trong lạch được liên tưởng đến bộ phận sinh sản của người thiếu nữ là sự liên tưởng tinh tế và độc đáo trong nhãn quan của Hồ Xuân Hương. Nói cách khác, đôi gò Bồng Đảo còn căng tròn, một lạch Đào Nguyên vẫn còn trinh nguyên, còn nguyên vẹn cái ngàn vàng nên suối chửa thông. Cái vẻ đẹp thanh tân, cái tươi nguyên chưa vướng chút bụi trần của Thiếu nữ ngủ ngày khéo hớ hênh chính là sức hút kỳ diệu khiến cho quân tử có những hành động ngập ngừng, băn khoăn, không dứt khoát: quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ đi thì cũng dở, ở không xong. 
Động Hương Tích và Hang Cắc Cớ là hai bài thơ vịnh hai cảnh thiên nhiên khác nhau, ở hai nơi khác nhau trong hai thời gian khác nhau, mà lại hai bài khá giống nhau cả ý lẫn lời. Thực ra ở hai bài thơ này ngoài cái nghĩa mô tả cảnh vật thiên nhiên để thấy được tình yêu thiên nhiên của tác giả, mà còn mang ý nghĩa thứ hai là mượn cớ để mô tả một bộ phận sinh sản của người nữ, mô tả một động tác ái ân của đôi nam nữ. 
Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm, 
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. 
Người quen cõi phật chen chân xọc, 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. 
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, 
Con Thuyền vô trạo cúi lom khom... 
(Động Hương Tích) 
Trời đất sinh ra đá một chòm, 
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom. 
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. 
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, 
Con đường vô ngan tối om om... 
(Hang Cắc Cớ) 
Ở cả hai bài đều mô tả cái động và cái hang mà tạo hóa rất khéo léo tạo nên. Điệp từ hỏm hòm hom cho ta thấy hiện lên cái hang và cái động tròn, nhỏ mà sâu, kích thích sự tò mò của mọi người, ai cũng muốn xem, muốn lại gần và muốn chinh phục. 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. 
(Động Hương Tích) 
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm! 
(Hang Cắc Cớ) 
Vào được trong hang, trong động sẽ phát hiện được những giọt nước (thạch nhũ) nhỏ từng giọt, từng giọt mà thành lõm bõm, mà nghe thánh thót với hai chữ hữu tình khiến chúng ta cảm nhận rằng vào trong hang càng nghe rõ tiếng lòng của tác giả. 
Trong bài viết Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam của Nguyễn Thị Thanh Xuân có nói đến cổ mẩu giếng trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương: “Vì sao với nước, Hồ Xuân Hương lại chỉ có cảm hứng với những nước trong hang, hẻm, kẽ, khe, lách, lạch, nước tát, vũng... nghĩa là những hình thái Nước tù đọng, trong quy mô nhỏ hẹp, những vị trí khuất nẻo, hóc hiểm... Nói là Giếng của riêng Hồ Xuân Hương, nhưng rõ ràng nữ sĩ không sáng tạo theo kiểu “Vẽ chân cho rắn”: bài thơ mang lại cho người đọc Việt Nam một hình ảnh rất quen thuộc về Giếng - hữu hình đã từng có ở miền quê, trên từng chi tiết nhỏ: ngõ sâu, cầu trắng, nước trong, cỏ gà, cá giếc, nạ rồng rồng... Vậy thì bản thân cái Giếng Việt Nam này đã mang tính chất đời, với những định ngữ (tính từ, động từ) mang sắc thái chủ quan: phau phau, leo lẻo, lún phún, le te...Hãy chú ý tới cụm từ giới thiệu nhân vật mang giới tính “nhà ông” trong câu mở đầu, và lời thách đố của câu cuối: “Đố ai dám...”. Ngoài cái “Cầu trắng song song đôi ván ghép”, sản phẩm của con người, giếng nơi đây gần như giữ toàn bộ cái vẻ thiên nhiên nguyên sơ của mình: chỉ cần một giòng nước trong, và đó là tất cả...” (Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam.) 
Ở bài thơ Dệt cửi, ngoài cái nghĩa miêu tả cách dệt vải còn mang cái nghĩa ngầm mà tác giả muốn nói đến. Đó là việc ân ái vợ chồng rất mặn nồng, mà việc ái ân của trai gái là nguồn cội của việc sinh sôi nảy nở. 
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau, 
Con cò mấp máy suốt đêm thâu. 
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc, 
Một suốt đâm ngang thích thích mau. 
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả, 
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau. 
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ, 
Chờ đến ba thu mới dãi màu. 
(Dệt cửi) 
Thơ của Xuân Hương thường có nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn: nghĩa tường minh là nghĩa hiển hiện trên câu chữ, nghĩa hàm ẩn là nghĩa ẩn chứa bên trong câu chữ, cần phải suy luận ra. Bài thơ Dệt cửi cũng không nằm ngoài cách cấu tứ đó của tác giả. Vì vậy, bài thơ Dệt cửi cũng có hai nghĩa, nói đúng hơn là hai lớp nghĩa. Nghĩa tường minh của bài thơ là nghĩa miêu tả hoạt động dệt cửi (mà chủ thể của hoạt động dệt cửi tất nhiên phải là người dệt cửi) chứ không phải bài thơ miêu tả người dệt cửi như Đỗ Lai Thúy đã nói. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Đỗ Lai Thúy khi tác giả nhận xét: “Điều kỳ lạ là sự miêu tả công việc dệt cửi càng chính xác bao nhiêu thì càng nổi lên cái nghĩa chìm bấy nhiêu: đó là hành động tính giao”. 
Những động từ, tính từ như: trắng phau, mấp máy, năng năng (nhấc), đâm, thích thích, rộng hẹp, nhỏ to, vừa vặn, ngắn dài, ngâm đã khiến người đọc liên tưởng đến hoạt động tính giao của bài thơ. Đặc biệt, động từ ngâm có nghĩa là dìm lâu trong nước để cho thấm, cho tác động vào chính là điều, hay nói cách khác là hoạt động trọng yếu sẽ dẫn đến toàn bộ kết quả của quá trình. Ngâm là phải có nước và vật được ngâm, là sự kết hợp âm - dương, mà sự kết hợp âm - dương chính là nguồn cội của sự sống. 
Bài thơ như miêu tả bộ phận sinh sản của người phụ nữ, cũng như việc ân ái phòng the của đôi trai gái, đôi vợ chồng. Đốt đèn lên thấy trắng phau chóa mắt. Con cò chạy mấp máy sáng đêm. Hai chân đạp, một suốt đâm, bên năng năng nhắc, bên thích thích mau, Rộng hẹp, nhỏ to, ngắn dài, thế nào cũng vừa vặn được cả. Đặc biệt ở câu thứ bảy có từ ngâm. Vậy ngâm là ngâm ở đâu? Ngâm là phải ngâm ở chỗ có nước và phải có thời gian nhất định để đạt được mục đích. Trong bài thơ cô nào muốn tốt phải ngâm lâu và ngâm kỹ. Chính vì thế từ ngâm có chứa yếu tố nước và cũng là biểu tượng cho sự sống mới bắt đầu. 
Hồ Xuân Hương thích chọn những đề tài mập mờ, ẩn hiện khiến người đọc liên tưởng đến những cảnh sinh hoạt ái ân của trai gái và nhà thơ miêu tả một cách say sưa. Nhưng Hồ Xuân Hương là một nghệ sĩ chân chính nên vẫn bình tĩnh phát hiện ra cái đẹp của nó. Trong bài thơ Hang Thánh Hóa yếu tố nước cũng biểu tượng cho nguồn cội của sự sinh sôi nảy nở. 
… Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp, 
Lách khe nước rỉ mó lam nham... 
(Hang Thánh Hóa) 
Tác giả miêu tả một cái hang Thánh Hóa. Nhưng thực ra ta đọc kỹ hai câu thơ trên đó là bộ phận sinh sản của người phụ nữ. Nước ở đây từ đâu chảy ra? Từ khe ra và chỉ chảy rỉ rỉ. Lách khe nước rỉ là một dòng nước nhỏ phải chen qua kẽ hở để ra ngoài mó lam nham. 
Phan Hoàng Phương
Theo http://lib.hcmup.edu.vn:8080/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...