Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Tình yêu của người trẻ Việt Nam vào giữa thế kỷ XX

Tình yêu của người trẻ 
Việt Nam vào giữa thế kỷ XX
(Qua tác giả khúc ca tiền chiến Trăng Mờ Bên Suối)
Trong thập niên 1940, tôi thích đọc Sách Hồng và kế đó báo Phong Hóa rồi Ngày Nay cùng nhiều tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và nhân dịp được biết - qua ‘’Anh Phải Sống’’ của Khái Hưng và Nhất Linh (1936) và ‘’Hai BuổI Chiều Vàng’’ của Nhất Linh (1937) - bài thơ tuyệt tác Tình Tuyệt Vọng do Khái Hưng dịch (theo thể lục bát) từ bản Sonnet của Félix Arvers:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà nguời gieo thảm như hầu không hay
Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dẫu ta đi trọn đường trần
Truyện riêng dễ giám một lần hé môi
Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây
Hồi bấy giờ, thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là các học sinh trường cao đẳng tiểu học hoặc trung học ở Huế, không ai là không học thuộc lòng bài thơ dịch này vì nó rất hợp với tình yêu lãng mạn của những người trai trẻ trong những năm 1940-1945 là những năm mà Đông Dương bị Nhật chiếm đóng nhưng chủ quyền vẫn thuộc nước Pháp của Thống chế Pétain (tương đối bình an, xa lánh mùi bom đạn của thế chiến thứ 2) và Hoàng đế Bảo Đại vẫn còn  trị vì nước An Nam. Tôi không ý giám rằng chuyện tình giữa Marie Nodier và Félix Arvers (nằm trong nửa phần thế kỷ 19) là phản ảnh tâm hồn của trai gái Việt Nam trong những năm 1940-1950, nhưng hoàn cảnh thời bấy giờ là một lý do đưa đẩy một số thanh thiếu niên vào những mối tình vô vọng như đã nói trong Sonnet d’Arvers. Ngoài phẩm chất vĩnh cửu của một mối tình bi đát, âm thầm đã vượt qua không gian cùng thời gian để đến với chúng ta hôm nay, bài ‘’Tình Tuyệt Vọng’’ nói lên một cách đau khổ và xót xa mối tình mà nhà thơ đã từng ôm ấp, chôn cất trong lòng cho đến ngày tận thế. Người đẹp mà thi sĩ đã yêu thầm trộm nhớ là Marie Nodier mà chàng được gặp nhiều lần trong những buổi họp bình thơ văn (Séances de critique littéraire) do thân phụ nàng là nhà văn Hàn Lâm Viện Học sĩ Pháp Charles Nodier (1780-1844) tổ chức tại thư viện Arsenal (hồi ấy ông làm giám quản thư viện (conservateur de bibliothèque) và đã quy tụ  nhiều thi văn nghệ sĩ lừng danh như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Lamartine và Félix Arvers là một thi sĩ đã nổi tiếng ngay thời còn học sinh bậc trung học, được Giải Thưởng Danh Dự Latin, Giải Nhất Pháp Văn trong những cuộc thi cạnh tranh hồi bấy giờ. Ông tốt nghiệp trường Đại Học Luật Khoa và đã từng làm luật sư một thời gian ngắn rồi xin thôi để có thì giờ sáng tác cho thi ca văn nghệ. Có lẽ tài năng của Félix Arvers đã được Charles Nodier chú ý nên gọi mời nhà thơ đang lên vào làm thư ký cho ông và gia sư (précepteur) cho ái nữ Marie. Bài Sonnet d’Arvers diễn tả mối tình tuyệt vọng của Félix Arvers (không bao giờ bày tỏ luyến ái) với Marie Nodier  phải đi lấy chồng năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier-Nodier.
Tình yêu lãng mạn có thể đi đến tận cùng, cực hạn, nghĩa là đến phản bội (hay phụ phàng, phụ ước), nhưng lúc nào cũng với một tâm hồn vô tội, tinh khiết của người trẻ Việt Nam vào giữa thế kỷ 20. Tôi muốn diễn tả cái tình yêu này qua bài Mỵ Châu Trọng Thủy mà câu chuyện thê thảm lấy từ cổ sử Việt Nam (nhiều đoạn có tính cách hoang đường)... Màn ca kịch ngắn được viết  vào khoảng năm 1947, nghĩa là 2 năm trước bài ‘’Trăng Mờ Bên Suối’’, lúc tôi vừa ra khỏi tuổi ấu thơ thường say mê đọc đi đọc lại lịch sử nước nhà... Tôi biết ơn học giả Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam Sử Lược với lối hành văn lưu loát đã làm tôi nhiều lần say đắm, hoàn toàn quên hiện tại trong cuộc hành trình về dĩ vãng... Tôi quyết chọn giữ  mối tình bất diệt giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu dưới đời nhà Thục để làm hứng cảm cho bài hát. Hơn nữa, thời ấy có thể xem như là nguồn gốc nước ta mà cũng là khởi thủy cuộc diễn tiến của dân tộc Việt Nam. Viết theo cung ré mineur, nhịp Tư 4/4 hay C, hành nhạc Lento expressivo, Đoạn Đầu diễn tả oan hồn MỴ CHÂU hiện lên rất mờ ảo sau khi bị cha già chém:
Chiều dần buông trong khói sương chiều vương
Ngày tàn mơ nhắc chi thêm buồn lòng ta
Nhìn xem trăng lên vờn ánh sương ngà
Chàng nơi đâu, bóng chàng đâu? em mong chờ!
Hận một đời thôi từ nay giấc mơ xưa còn tìm đâu, bóng em phai mờ
Trong Đoạn Hai: Mặc xiêm giáp cỡi trên mình ngựa, Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc. Đến núi Mộ Dạ thì được tin nàng chết, chàng buồn rầu, xuống ngựa, than khóc tìm lại người xưa:
Chiều nay đi theo vết nàng đâu đây
Dừng cương ta trông chim chiều xa bay
Bóng nàng đâu? Bóng nàng đâu? Ta mong em bao ngày, nào em đâu?
Hàng thùy dương vương sầu đau ôm hờn, đôi ta biệt ly sầu
Mỵ Châu ơi! Bóng nàng đâu? Bóng nàng đâu? Ta mơ rồi!
Từ nay dưới suối vàng, tình duyên thôi lìa tan!
Tình ngàn năm thôi từ nay vết dấu xưa còn tìm đâu, bóng ai phai mờ
Để thấm hiểu tình yêu của người trẻ Việt Nam vào giữa thế kỷ 20, trong những năm 1940-1950 mà văn hóa, văn chương và văn nghệ nước ta bị nhiều ảnh hưởng Âu Tây vì trong sự đụng chạm của hai nền văn hóa và văn minh Á Âu trên bán đảo Đông Dương, các nhà văn lãng mạn Pháp nói riêng và Tây phương nói chung, với sự tán dương đời sống cảm tình, khuyến khích mạnh mẽ những thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ trong cuộc chiến đấu đả phá những phong tục lỗi thời của Khổng giáo đã làm liệt bại (trong quá khứ) biết bao tài năng đầy hứa hẹn. Nhà phê bình Trương Tửu,  trong Tao Đàn, số 1, tháng 3-1939, tr. 25, đã không do dự đưa ra những lời nhận xét xác đáng như sau:
Chủ nghĩa cá nhân và văn chương lãng mạn của Tây phương ồ đến xứ ta như cuồng phong, lôi cuốn các tâm hồn. Trên miếng đất tình cảm đã cầy sẵn của chủng tộc Việt Nam, hai hóa vật tinh thần ấy đủ điều kiện để bắt rễ và nẩy nở. Các loại thanh niên sinh trưởng trong cảnh đồi bại của Nho giáo, đều xa lánh óc duy lý để đi thẳng tới mỹ thuật và ái tình. Họ quên lý trí. Họ chỉ còn biết có thiên nhiên và trái tim. Những nhà văn lãng mạn như Song An (bút hiệu của Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm 1925), Khái Hưng (Hồn Bướm Mơ Tiên),Nhất Linh (Đoạn Tuyệt, 1935), Lưu Trọng Lư (Tiếng Thu: ‘’Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô’’, hoặc: ‘’Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi... ‘’,1939), Lan Khai, Thế Lữ (Mấy Vần Thơ, 1935 và MVT tập mới 1941: ‘’Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta có thế thôi/ Đã quyết không mong sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa lúc chia phôi’’) là tâm thức của xu hướng ấy. Tôi xin thêm Xuân Diệu, tác giả THƠ THƠ (1933-1938): ‘’Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu... [Vì Sao] , đã làm điêu đứng biết bao quả tim của người trẻ Việt Nam lúc bấy giờ vì:... ‘’Yêu, là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu; Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết’’ [YÊU]... 
Tình yêu của người trẻ Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 20 (qua tác giả Trăng Mờ Bên Suối) là một tình yêu lãng mạn, đau khổ tận cùng (tôi đã nói trên) tương tự ‘’Nỗi Thống Khổ của người trai trẻ Werther’’, 1774 (Les souffrances du jeune Werther) trong tiểu thuyết của nhà văn hào Đức GOETHE). Sách này được lừng danh khắp Âu châu, đã làm hứng cảm cho nhiều nhà văn khác và cũng là nguyên do của nhiều vụ tự sát ‘’theo kiểu Werther’’ (suicides à la Werther). Tôi nhớ đến tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách mà nhân dịp nhà  học giả Đào Đăng Vỹ đã viết:
‘’Về phần Tố Tâm, nếu nàng cam chịu và ưng thuận sự hôn phối (ép buộc) để chết trong lòng vì buồn đau, những người trai gái khác thời bấy giờ ưa tự sát hơn đặng thoát khỏi cái số phận mà gia đình định trước. Nếu ta mở những trang báo trong những năm 1925-1930, ta thấy đăng nhiều tin về thiếu nữ tự vẫn bằng cách nhảy xuống nước lãng mạn của hồ Trúc Bạch và hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội’’ (Evolution de la littérature et de la pensée vietnamienne depuis l’arrivée des Français jusqu’à nos jours, Hué, Tao Đàn, 1949, pp. 17-18). Alfred de Musset (1810-1857) trong một tiếng kêu, muốn nói lên cái đẹp của khổ đau: ‘’Les plus désespérés sont les chants les plus beaux. Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots’’: Những lời tuyệt vọng nhất phải chăng là những lời ca tuyệt tác? Tôi biết có nhiều vần thơ bất hủ mà chỉ là tiếng khóc nức nở của linh hồn. Cũng như Đông Hồ (tự Trác Chi), tên thật Lâm Tấn Phát với bài lệ ký ‘’Linh Phương’’ khóc vợ (1928):
Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm
Hình dạng mơ màng khi thức ngủ
Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm
Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt
Sớm gió, chiều mưa lắm nỗi niềm
(Nam Phong số 128, th. 4-1928)
hay bà Tương Phố khóc chồng với ‘’Giọt Lệ Thu’’ viết trong mùa thu năm 1923 (đăng báo Nam Phong số 131, th. 07-1928), bằng thơ:
Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng
hoặc bằng văn xuôi: ‘’Anh ơi! em nghĩ đến: về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh lại cũng mùa thu, cho nên năm năm cứ đến độ thu sang, thì em lại bồi hồi nhớ trước, tưởng xưa, mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu!... Cái mùa thu tiễn biệt và vĩnh biệt cũng đã là nàng thơ cho bao nhiêu nhạc sĩ nặng tình cảm hiện giờ, riêng tôi đã viết năm 2001 (để đặc biệt tiếp nối cuộc tình lãng mạn của Việt Nam trong những năm 1940-1950) bài Chiều Vàng Năm Xưa mà Tuyết Dung đã trình bày với giọng ca tuyệt vời trên mạng lưới cùng trong buổi ‘’Gặp Gỡ Ngô Thụy Miên’’ ngày 25 th.5-2002 tại Mộc Lan Trang (Antony) và trong chiều ‘’Bên Trời Tưởng Nhớ’’ ngày 15 th.6-2002 tại nhà hàng Chiều Tím  (Paris), do CLBVN hải ngoại tổ chức, có Đoạn Cuối như sau: Chiều vàng năm nay khi mùa thu hiu hắt nhớ nhung bao hình bóng. Tìm người yêu đi trong bóng sương, hồn nước khóc âm thầm chờ mong. Lá vàng rơi chứa chan ngoài song.    
Cái đau khổ bởi tình yêu của người trẻ Việt Nam nhiều lúc tương tự cái buồn cô quạnh của LAMARTINE qua bài ‘’L’Isolement’’ (trích thi tập ‘’Méditations Poétiques’’, 1820) mà trong đó nhà thi hào Pháp phát biểu sự dửng dưng của ông đối với vũ trụ và ngay cả với cuộc đời (sau cái chết của người tình muôn thuở ELVIRE ngày 18 tháng 12 năm 1817). Thi nhân muốn bày tỏ nguyện vọng nhiệt thành rời bỏ trái đất, một kỳ vọng viễn vông trong hạnh phúc lý tưởng mà ông sẽ đạt được hoặc tìm lại trong không trung (espaces): ‘’Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières, Vains objets dont pour moi le charme est envolé? Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères, Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!’’:
Trước thung lũng, đền đài và nhà lá
Ngoại vật trống không, mê ảo rụng rời
Cả những sông, núi đá, khu rừng thẳm
Từng ẩn núp mộng tưởng với cô liêu
Nay thiếu bóng một người yêu muôn thuở
Tâm hồn ta như hoang vắng, quạnh hiu
Nhà văn tiền phong cho phong trào lãng mạn Pháp ở Việt Nam không ai chối cãi được là Khái Hưng, tác giả Hồn Bướm Mơ Tiên (nhà xb Đời Nay, Hanoi 1933). Khái Hưng mở đầu một thời kỳ của tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam với nhiều phản hưởng tới các nhà văn, thơ, nhạc và thanh thiếu niên Việt Nam sau này. HBMT diễn tả cuộc xung đột thường xuyên giữa tình yêu và tôn giáo mà hai đứa trẻ yêu nhau được sống một cách sâu đậm. Nhưng kết cục họ phải hy sinh mối  tình này để nhường chỗ cho một hạnh phúc cao cả hơn và đồng điệu về mặt tâm linh. Tình yêu giữa Lan và Ngọc vì thế trở thành phi thường: hai người đều từ bỏ chuyện hôn phối để được gần nhau tha thiết hơn, để sống vĩnh cửu với nhau trong tâm hồn và lý tưởng. Lẽ dĩ nhiên là Khái Hưng đã viết một tiểu thuyết rất lãng mạn  cho thanh thiếu niên Việt Nam thời bấy giờ là thế hệ trẻ đã đọc nhiều, đã thông cảm nhiều với CHATEAUBRIANDLAMARTINE. Lan từ bỏ ái tình vì đã làm một thề nguyện  với mẹ nàng lúc hấp hối... lời thề nguyện đã thốt ra trong những trạng huống nhắc nhở ta lời thề nguyện của Atala (của Chateaubriand, 1801). Ngoài ra, sự hy sinh của Lan có thể nói là khá gần sự hy sinh của Jocelyn (của Lamartine, 1836) mà việc cung hiến giáo chức (consécration sacerdotale) đã làm tránh khỏi cuộc tình ái của con người.
Để trở lại tác giả TMBS là người trai trẻ đã say mê những bản nhạc tiền chiến (nghĩa là trước chiến tranh Quốc gia - Cộng sản bùng nổ sau Hiệp Định Genève ký ngày 20-7-1954) vì toàn dựa trên hứng cảm tình yêu lãng mạn rất tiêu biểu tâm hồn thanh thiếu niên VN hồi bấy giờ, như ‘’Giọt Mưa Thu’’ và ‘’Con Thuyền Không Bến’’ của Đặng Thế Phong, ‘’Đêm Đông’’ của Nguyễn Văn Thương, ‘’Biệt Ly‘’ của Dzoãn Mẫn, ‘’Bến Cũ’’ của Anh Việt’’, ‘’Thiên Thai’’ của Văn Cao, ‘’Ngày Về’’ của Hoàng Giác... vân vân. Dạo ấy, tôi mới 14-15 tuổi lúc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm ngày 25 tháng 8 năm 1945 cho 2 đại diện Việt Minh, trong một buổi lễ tại Điện Kiến Trung. Tôi bùi ngùi, nước mắt rưng rưng khi nghĩ đến một thời đại đã qua. Lúc tôi còn thơ ấu (6, 7 tuổi, tôi không còn nhớ rõ), đã đôi lúc rung cảm trước sắc đẹp quí phái của Nam Phương Hoàng Hậu và đã yêu thầm trộm nhớ nàng như gợi ý trong bài Sonnet d’Arvers. Giữa 3 thứ vở học trò mang ảnh bìa vua BĐ, Hoàng tử Bảo Long và Nam Phương Hoàng Hậu, tôi lúc nào cũng kiếm mua cho được vở Nam Phương. Sau khi được bầu ngày 5-12-1997 làm Viện sĩ Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp để thay thế cựu hoàng Bảo Đại mất ngày 31-07-1997, cái thông điệp thứ hai của tôi tại HLV ngày 19 th. 11 năm 1999, lấy tên ‘’Bảo Đại, dernier empereur et chef d’Etat du Vietnam’’ (BĐ, vị Hoàng đế cuối cùng và Quốc trưởng nước Việt Nam). Sau 45 phút thuyết trình, tôi kết luận như sau:
‘’... Hoàng Đế BĐ đã mất vì một bệnh ung thư óc não (tumeur au cerveau) tại nhà thương Val-de-Grâce ở Paris, ngày 31 tháng 7 năm 1997 trong sự dửng dưng của mọi người. Phu nhân Hoàng Hậu Nam Phương mà chúng ta ca tụng cách cư xử rất xứng đáng vào những đầu  năm chiến tranh Pháp-Việt Minh 1945-1946 trong lúc phu quân BĐ vắng mặt nước nhà, cũng đã tạ thế trong cô quạnh ngày 14 tháng 9 năm 1963 và được mai táng tại Chabrignac (Corrèze) trong một nghĩa địa nằm trên đồi, đối diện với một Nhà Thờ. Cựu Hoàng và Hoàng Hậu đã làm gì để phải lìa đời một cách thê thảm như thế? Đối với vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu, tôi có động lòng thương, và bây giờ không phải là một luật gia hoặc chính trị học mà là một nhà thơ hân hạnh viết tặng ông và bà (Hoàng Hậu tuyệt mỹ trong thời thơ ấu của tôi) những vần xúc cảm (bằng tiếng Pháp):
Tu es un Ange venant du Paradis
Qui n’a fait qu’une brève apparition ici
Dans notre jardin de musique et de poésie
Et de reprendre ta route à tire-d’aile, à l’infini
Laissant ta famille et tes amis dans l’affliction
Ô Roi, ô Reine, pourquoi es-tu parti(e) avant l’heure
Dans l’autre monde, à mi-chemin de ton bonheur?
Pour te dire adieu, je n’ai pu écrire de longs vers
Pour te pleurer, je n’ai rédigé que des phrases égarées
Je ne t’ai connu(e) qu’au travers  de ta vie attristée
Et pourtant toute mon affectueuse amitié
T’est dédiée à présent et pour une éternité.
Người như một áng thiên thần
Qua vườn thơ nhạc một lần mà thôi
Rồi bay, bay mãi, bay hoài
Cho gia đình, bạn thơ ngoài tiếc thương
Người ơi, sao sớm lên đường
Qua bên thế giới lỡ làng trần ai
Viếng thăm không được thơ dài
Khóc thương chỉ có lạc loài vài câu
Biết ơn qua mấy thơ sầu
Yêu nhau một thuở như hầu thiên thu 
Yêu Hoàng Hậu lúc 7, 8 tuổi, yêu nền Quân chủ đã tổ chức ngày lễ Vạn Thọ trong Thành nội mà nhân dịp tôi được gặp người yêu trở thành thi thần  của TMBS, lúc núp mưa bên cạnh súng ‘’đại bác’’, lẫn lộn nam nữ học sinh Khải Định-Đồng Khánh; yêu kinh thành Huế, yêu làng Phú Xuân (Hoàng Hoa Thôn: ‘’Mờ mịt khói chìều nay tìm bóng làng/ Tôi trở về đây tấm lòng nát tan/ Nhớ ngày qua thắm hồng, bướm vàng bay khắp đồng mà ngày nay điêu tàn vì đâu?’’) mà trong năm 1999 đã bị bão lụt tàn phá:
Em có về làng Phú Xuân xơ xác
Cạnh Huế thành sau bão lụt vừa qua
Em về thăm cánh đồng thu man mác
Lá chưa vàng, cây cối vẫn như xưa?...
     Sông Bình Lục ngày qua anh ngóng đợi
     Cứ mỗi chiều trong nắng đẹp chứa chan
     Trong ánh mắt tình yêu em vời vợi
     Buồn cho đời anh một kiếp lang thang
Anh ra đi trong một chiều ảm đạm
Tháng mười năm ngàn chín trăm năm mươi
Trong sương khói biên thùy, trong quên lãng
Bỏ gia đình và đất nước thương đau
      Em có về làng anh qua Chợ Cống
     Cứ hằng năm bão lụt nước đầy đường
     Cầu đã gãy và tình xưa đã vỡ
     Hai đứa mình cách biệt chốn tha phương
Đó là bài thơ ‘’Em có về làng xưa?’’ mà từ Paris (trong tháng 12-2000) tôi gửi tặng nữ sĩ Hoàng Hoa, sau khi biết nàng vừa mới về thăm nhà ở Huế. Nàng trả lời ngay (ngày 14-01-2001) từ Los Angeles, qua một thi bản đượm tình nhung nhớ ‘’Em Có Về’’:
Em có về thăm sau cơn bão lụt
Trước năm hai ngàn buồn lắm anh ơi
Quê hương mình nay xơ xác tả tơi
Cánh đồng đẹp ngày xưa không còn nữa
     Túp lều tranh thay lá vàng rực rỡ
     Gió thu về rên siết giữa hư không
     Giòng sông xưa Bình Lục vẫn chờ trông
     Đã tan vỡ bóng hình ai thuở trước
Ngày anh đi em chưa từng mộng ước
Còn nhảy dây chơi đánh thẻ bỏ khăn
Có biết đâu anh tâm trạng giá băng
Rời hương lửa đi vào miền tuyết lạnh
     Ngày em về cũng bầu trời xanh ấy
     Mà vườn anh cây bồ kết không còn
     Vào từ đường thắp nén hương niệm tưởng
     Cho hương lòng lan tỏa khắp muôn phương
Bài Trăng Mờ Bên Suối được viết cách đây hơn 50 năm vào một ngày không mưa tại Huế để đánh dấu một mối tình bất diệt của hai đứa trẻ yêu nhau trong thời khói lửa... nhưng với linh tính sẽ xa nhau sau một đêm gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối, dưới ánh trăng mờ... Tình yêu lãng mạn được bối cảnh lúc bấy giờ với chiến tranh bùng nổ giữa quận đội Quốc gia (dưới thời Cựu Hoàng Bảo Đại, Quốc trưởng kiêm Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày mồng 1 tháng 7 năm 1949, với Tướng Nguyễn Văn Xuân, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng), dư luận xôn xao bàn tán về cuộc tổng động viên sắp ban hành... Với cây đàn lục huyền cầm Y Pha Nho chiều hôm 13 tháng 11 năm 1949, tâm hồn xao xuyến và dưới một sự xúc cảm dạt dào, tôi đã viết vào khoảng 30 phút cả nhạc lẫn lời, trong một cuốn vở học trò và trên những trang giấy có phân ly (papier millimétré) đầy ký chú những bài học Lý Hóa ở trường Khải Định, một tác phẩm mà sau này trở thành bất hủ (cũng như cuộc tình dang dở đã in dấu trong lời thơ và ý nhạc). Ai là nhạc thần trong sự sáng tác bài nhạc này đã làm cho ngay tác giả lúc nghe lại chiều hôm ấy cũng phải rụng rời con tim? Nhiều người đã hỏi tôi và cách đây hai năm, trong cuộc phỏng vấn Lê Mộng Nguyên trên Đài TNVN ở Montréal chiều hôm 2-4-2000, nữ danh ca Huyền Châu muốn biết (tôi xin trích) trong trường hợp nào và những tình cảm, những kỷ niệm nào đã cho tác giả nguồn cảm hứng để sáng tác nhạc phẩm muôn thuở TMBS mà nàng đã được hân hạnh và vinh dự trình bày đêm ca nhạc 01-04-2000 để vinh danh nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên?
Linh tính là một sự đau khổ trong tương lai vì phải rời quê cha đất tổ qua năm sau (nghĩa là cuối năm 1950) cùng với óc tưởng tượng dồi dào của một học sinh 19 tuổI đã làm cho tôi biến hóa những cuộc gặp nhau bên bờ sông Hương (sau Bia Đá) và trên đường Nam Giao (nơi trú ngụ của cô gái Huế người hoàng tộc mới tuổi dậy thì), những buổi chiều vàng mặt trời sắp xuống, thành một gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối dưới ánh trăng mờ, mà ngay hoa lá cũng động lòng nức nở khóc nỗi chia ly:... Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ...
Tôi vừa viết xong thì anh Lê Mộng Hoàng lúc ấy mới đi chơi về, hát thử ngay với giọng ténor léger của anh rất xúc cảm, tôi quyết định gửi cho danh ca Thu Hồ trình bày ba bốn hôm sau trên Đài Phát Thanh Pháp Á (Radio France-Asie) và ngay từ dạo ấy, TMBS đã sẩy tay tác giả để tự làm một cuộc đời danh vọng, vượt cả không gian và thời gian, trải qua bao thế hệ... Nhạc sĩ Trịnh Hưng (tác giả Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ, Lúa Mùa Duyên Thắm) kể lại cho tôi biết lúc anh còn là Bộ đội Việt Minh làm văn công, anh đã nghe nhiều người hát TMBS vì đó là một bài hát lãng mạn rất hợp với tâm trạng người lính mặc dầu chính phủ cộng sản cấm hát nhạc ủy mị một cách gắt gao trong quân đội (thư 14-03-1998)... Lẽ dĩ nhiên là TMBS từ dạo ấy đã dính vào da tôi hơn cả một danh thiếp, người ta ai cũng chỉ biết tôi qua tác giả TMBS! Có người so sánh tôi với ALAIN-FOURNIER, tác giả LE GRAND MEAULNES, chỉ có một tiểu thuyết mà cũng đủ nổi tiếng khắp năm Châu! Nói như vậy là không đúng vì tôi làm nhạc từ năm 15 tuổi, bài Xuân Tươi dưới bút hiệu Lan Đào chẳng hạn được  đăng sau đó trên báo ‘’Quốc Gia’’ Đặc san Tết Mậu Tý; cũng trong năm 1945, bài nghiên cứu lịch sử Phan Đình Phùng của tôi (ký tên thật LMN) được đăng trên ‘’Việt Nam Tân Báo’’ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (hiện giờ còn bảo tồn tại thư viện của Ecole française d’Extrême-Orient  tại Paris). Năm 18 tuổi tôi được cấp thẻ nhà báo (carte de presse) sau khi đã viết thơ và nhạc cho Phật Giáo Văn Tập và làm trưởng ban hợp ca thanh, thiếu niên Phật tử ở Huế. Chính tôi với tư cách tác giả bài Mừng Khánh Đản đã điều khiển (theo lời yêu cầu của Hòa thượng Minh Châu) ban hợp ca này trong dịp khánh thành chùa Từ Đàm rất lớn ở Huế vào năm 1948:
Ngày rằm tháng tư nay về đây
Ngày trần gian chào đón Đức Phật Từ Tôn chúng ta
Ngàn ánh sáng tưng bừng lan trong nắng mai huy hoàng...      
Năm 1948 cũng là năm tôi sáng tác Vó Ngựa Giang Hồ được nhà xuất bản Hương Mộc Lan (chuyên in nhạc của các bậc đàn anh: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Giác...) nhận xuất bản và trả tiền nhuận bút cho tác giả. Ngày 29 tháng 11 năm 1949 (hai tuần sau TMBS), tôi viết Một Chiều Thương Nhớ như là tiếp theo của một mối tình dứt đoạn:
Rồi đây sương gió duyên kiếp lỡ làng
Trời xa xăm lắm em biết đâu tìm
Lòng anh khắc khoải chờ mong
Mờ mịt trời Âu đôi lứa khóc âm thầm
Những bài tôi làm trong năm 1950 rất nhiều (trước khi từ giã cố hương vào đầu tháng 10), rất phong phú, trong đó có: ‘’Nhớ Huế’’:
Ai đi xa Huế làm sao quên được sông Hương
Con sông năm trước còn ghi bao tình nhớ thương
Theo giòng nước, lững lờ trôi,
Thuyền ai nghiêng mái chèo bên chùa Thiên Mụ
Ngược bến Bao Vinh theo tình nước mây?
‘’Bài Thơ Huế’’:
Bài thơ Huế dệt bằng gấm vàng,
Dệt bằng mắt nàng nhìn đắm trời thương
Dệt bằng con thuyền lững lờ sông Hương
Có ai qua khúc Trường Tiền
Nhìn nước biếc, vài cô gái Huế nghiêng duyên cười trong nón lả lơi lả lướt
Về nơi mô? Chiều Nam Giao nhớ người Bến Ngự, nhớ lời ước thề...
‘’Ly Hương’’:
Chiều nay ly hương
Rời xa nước non ngàn năm luyến lưu, một đời gió sương
Một chiều ly hương úa phai ngày ấy
Con tàu lướt sóng về đến trời Âu
Tất cả đều muốn diễn tả cái đau đớn tận cùng của hai đứa trẻ đang gặp nhau nhưng biết trước sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau:
TrờI Âu thăm thẳm, một trời Âu
Ba-Lê vạn ngả lắm phương sầu
Năm năm tháng tháng ngày vô tận
Vẫn nhớ nhung hoài thuở có nhau  (Trích thơ ‘’Trời Âu’’ của LMN)
Hoặc nhiều lúc, trên đất khách, tôi muốn hét gào nỗi cô quạnh đớn đau:
Em của anh giờ nay ở đâu?
Tìm em anh dạo suốt canh thâu
Đường chia hai ngả anh đâu biết
Là sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau (Trích thơ ‘’Tìm Em’’ của LMN)
Trở lại năm 1945 xa xưa, nhân cuộc hành trình về lại nguồn gốc hứng cảm TMBS nghĩa là trong một quá khứ của tình yêu lãng mạn và nhung nhớ thương đau, tâm tưởng lại đưa đẩy tôi về thời gian sau Cách Mạng tháng 8. Gia đình tôi dạo ấy ở làng Phú Xuân, bên bờ sông Bình Lục, cạnh đô thành Huế, với Đập Đá chia cách sông này với Hương Giang, và bên kia là Thôn Vỹ Dạ... Tôi còn mãi trong trí nhớ (một thiếu niên 15 tuổi) cái hình ảnh hư ảo của một ban ca nhạc rong, đi chỗ này qua chỗ khác để truyền bá tinh thần cách mạng và luôn tiện là một cách sinh sống trong thời khói lửa, trong đó có một ông già chơi đàn accordéon và một đứa trẻ chừng 9 tuối, cùng hát bài ‘’Sơn La’’ (thật giống như trong ‘’Sans Famille’’ của Hector Malot), theo cung ré mineur với những âm thanh bình dị: sol sol, la la, ré ré... (tôi không nhớ rõ đoạn tiếp), nhưng sau này biết là của Đỗ Nhuận (có người nói ‘’ông già’’ ấy chính là nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Nhạc rất buồn làm tôi rưng rưng nước mắt, bóc túi tìm xem có đồng xu nào để trả ơn... 
Đêm ấy, trên đường về nhà dưới ánh trăng, tôi bàng hoàng liên tưởng đến bức tranh linh động mà tôi vừa chứng kiến và văng vẳng còn trong tâm trí tiếng hát đau khổ như thốt tự đáy lòng của những kẻ bị tù đày dưới thời Pháp thuộc. Có lẽ ở trong tiềm thức và trong lúc sáng tác TMBS bốn năm sau, bằng cung ré mineur, những nốt nhạc bình dị và dễ thương đã thúc đẩy tôi làm rất mau chóng cho xong bài hát mà sau này cũng rất mau chóng sẽ trở thành một tình ca muôn thuở: NgườI hẹn cùng ta đến bên bờ suối, có nhiều người hát chơi, đổi thành: Người hẹn cùng ta đến bên bụi chuối để đánh dấu  những cuộc gặp gỡ ở vùng quê, hẻo lánh... Tôi đã không bực mình vì người ta muốn đổi lời cho vui như thế (mà chỉ mỉm cườI và hãnh diện) vì đó là một chứng minh rằng Trăng Mờ Bên Suối sẽ sống mãi trong tâm hồn và lý tưởng của những kẻ thương mến nhau!. Xin cảm ơn các bạn xa gần : tôi vừa tìm ra một trong những lý lẽ xác đáng về sự thành công vĩnh viễn của một bài hát tôi viết cách đây hơn nửa thế kỷ.
Xin tạm ngừng và nhân dịp Đại Học Hè Khóa VI tại OSLO 2002 do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ (Association CONVERGENCE) tổ chức với chủ đề TÌNH YÊU, tôi xin mến tặng (một lần nữa) nhạc phẩm TMBS cho tất cả đồng bào khắp năm châu đã, đang, hoặc sẽ thề nguyện yêu nhau trọn đời, với nhau và với tình sông nước như Tản Đà tiên sinh đã nhắc nhở năm 1922 (Thề Non Nước: Thơ Tản Đà, Nhạc Lê Mộng Nguyên):
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời ‘’nguyện nước thề non’’
Nước đi chưa lại, non còn đứng không... 
Ngàn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.
 6/7/2002
Lê Mộng Nguyên
Theo http://ttntt.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...