Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc

Toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du 
do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc
 Một công trình vĩ đại
Một sáng tác chưa từng có
Kính thưa quý vị,
Các bạn thân mến,
Chính nhờ sự sao chuyển sang bản tự mẫu la mã của tiếng An Nam viết theo kiểu chữ Nho (Tàu) - trong việc này Cha Alexandre de Rhodes đã giữ một vai trò quan trọng - mà những truyện thuật ra mắt trong thế kỷ 14 gọi là «truyện nôm» (viết theo ngữ âm Trung Hoa) được truyền bá rộng rãi trong thế kỷ thứ 18 và 19 nhờ sự cải hóa tiếng nôm sang tiếng nước nhà (từ nay dựa trên bản tự mẫu Âu Tây). Rất nhiều tiểu thuyết viết bằng «quốc ngữ» trong thời ấy như: Nhị Độ Mai, Phượng Hoa, Thạch Sanh vân vân, nhưng chỉ có Truyện Kiều hay KVK hay Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du nổi bật trong bầu trời văn nghệ lúc bấy giờ bởi vì nó không những là một kiệt tác trong loại văn, tiểu thuyết, mà còn là một công trình văn chương lớn lao của Việt Nam. Truyện Kiều thoát khỏi những văn sáo của phần đông nhà văn lúc bấy giờ vẫn còn nô lệ luân lý Khổng giáo (nhập cảng vào VN bởi 1000 năm đô hộ của Tàu từ 111 trước Thiên Chúa đến năm 931 Dương Lịch) muốn trong một Truyện hay Kịch phải có một bên: các nhân vật tốt, đức hạnh, trung trực đối với vương quyền, một bên: các nhân vật tàn ác chỉ lo nịnh hót vuốt ve những khuynh hướng xấu xa của kẻ cầm quyền để kiếm cớ phản bội sau này. Kết cấu lúc nào cũng đưa đến sự thắng của đạo đức, làm cho độc giả thích thú.
Nhờ một sáng tác đặc sắc phi thường, tác giả KVK, nhà đại thi hào Nguyễn Du đã thành công một mặt, là làm giảm bớt sự đối địch bắt buộc của những tánh tình để đặt những nhân vật linh động, một mặt là cải tổ những hình ảnh cũ bằng cách cho vào tất cả trong một ngôn ngữ trong sáng và điều hòa. Bằng sự thật trong những ký hiệu tâm lý, sắc nhận trong quan sát xã hội, những hòa hợp tế nhị giữa cảnh vật và tâm trạng con người, những vần thơ rất lai láng được sáng tác theo một hình thể hòa hợp lần lượt với một cách dễ dàng bi ca và anh hùng ca, thơ tự cảnh và thơ ký thuật, tả thực và tâm tình, Nguyễn Du đã sáng tạo một  tuyệt tác đi sâu vào con người, xứng đáng được so sánh với những kiệt tác của văn chương Âu Tây (x. Bùi Xuân Bào, Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945, Đường Mới, Paris 1985).
Đoạn mở đầu như thế là để trả lời câu hỏi: tại sao KVK của Nguyễn Du được UNESCO xếp vào hạng những di sản của nhân loại?  Đó cũng là để trả lời một câu hỏi khác: tại sao đầu đề bài thuyết trình của tôi chiều hôm nay tại Bussy Saint Georges, trong phòng Hát Lớn của Viện Âm Nhạc Jean-Sébastien BACH, là: Truyện Kiều (3.254 câu thơ) của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc toàn bộ: một công trình vĩ đại, một sáng tác chưa từng có (Le poème Kim Văn Kiều - 3.254 vers - de Nguyễn Du mis en musique par le compositeur Quách Vĩnh Thiện: un travail grandiose, une œuvre sans précédent).
Bởi vì chúng ta biết trước đó, với Kiều Ca (Le roman de Kiều en chansons), Thu Hà và nhóm nghệ sĩ trong đoàn ca nhạc của nàng, đã làm 2 CD dài gần 2 tiếng đồng hồ, gồm một phần Ngâm và một phần bằng lời Ca (do Hải Hà phổ nhạc). Phần ngâm theo điệu cổ truyền gọi là Kiều Lẫy, nghĩa là lượm lặt những câu thơ trong Truyện Kiều từ nhiều đoạn khác nhau để thu ghép lại với nhau theo vần điệu, như mấy cụ nhà nho, nhà chùa ngâm Kiều ngày xưa… Khác hẳn với nữ Nghệ sĩ Bích Thuận trong CD «Kim Vân Kiều» của Bà, đã ngâm hoàn toàn theo kiểu Tao Đàn mà Đinh Hùng đã phát khởi từ thập niên 60 để ngâm thơ mới. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã làm thử Minh Họa Kiều… Nhưng chưa ai, từ trước đến nay, đã có can đảm và nhiệt chí để phổ nhạc vào thơ Nguyễn Du từ câu 1 cho đến câu 3.254 nghĩa là câu cuối «Mua vui cũng được một vài trống canh»! Công trình sáng tác của QVT đối với những người đã đi trước, thật là đặc biệt, chưa từng có, thật đáng khâm phục.
Việc ấn loát gồm hai giai đoạn: 
1) Từ tháng Giêng - 2007 đến th.07 2008, NS QVT đã cho Ra Mắt 4 CD: KVK 1, 2, 3, và 4, nghĩa là anh đã làm nhạc để phổ thơ Đoạn Trường Tân Thanh từ câu 1 đến câu 1780; 
2) Từ tháng 10- 2008 cho đến tháng 02-2009: CD KVK 5 «Cá Chậu Chim Lồng» (từ câu 1781 đến câu 2264) xuất bản trong tháng 08-2008, KVK 6 «Hại Nhân Nhân Hại» (từ câu 2265 đến câu 2778) làm xong tháng Giêng-2009 và KVK 7«Chữ Tài Chữ Mệnh» (từ câu 2779 đến câu 3254) được hoàn tất trong tháng 2-2009. 
Công trình vĩ đại này - tôi xin nhấn mạnh một lần nữa - sở dĩ được thực hiện, là nhờ can đảm và ý chí không sờn của tác giả Quách Vĩnh Thiện đã muốn lấy hết sức lực và tài năng của mình với mục đích bình dân hóa Truyện Kiều của nhà đại thi hào Nguyễn Du, đặng phụng sự một cách thuần túy văn hóa và đất nước Việt nam, như cụ Phạm Quỳnh đã nói trong ngày giỗ của Tố Như Tiên Sinh, năm 1924 tại Hà Nội: «Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí, cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây» (Tạp chí Nam Phong, tháng 08-1924). Nhà phê bình Vũ Đình Long cũng đã ca tụng trong Nam Phong 1924, rằng: «Truyện Kiều thực là một cây đàn tuyệt quý không phím không dây. Tác giả lấy đầu lưỡi mà nẩy lên tiếng, mỗi đoạn văn là một cung, mỗi câu văn là một điệu, mỗi chữ là một tay nỉ non thánh thót, réo rắt tiêu tao, đêm khuya canh tỉnh mà nghe người tốt giọng ngâm Kiều thì còn đàn nào hay bằng nữa… Cụ Nguyễn Du không phải là nhà thi sĩ, cụ chính là THẦN THƠ vậy!»
Trong Chiều Văn Hóa ngày 27 th.1-2008 tại Quán Đào Viên (Paris, Quận 13), tác giả QVT trình bày CD KVK 1 «Trăm Năm Trong Cõi Người Ta» và CD KVK 2 «Bên Tình Bên Hiếu», tâm tình với cử tọa: «Truyện Kiều không chỉ là tiếng kêu thương đau cho thân phận một người con gái tài sắc, còn là lời tố cáo đanh thép những bất công tàn ác của một xã hội rối ren và mục nát vào thế kỷ 18 và 19. Nguyễn Du khóc cho thân phận Thúy Kiều là phản ảnh của tâm trạng mình. Truyện Kiều là một tác phẩm phong phú, độc đáo của dân tộc Việt Nam». Trên Đài Việt Nam Tự Do - New Orleans ngày thứ tư 12 th.3-2008, tôi có mời thính giả thưởng thức bài «Mộng Triệu Mạch Tương»  (từ câu 235 đến câu 270), trích CD KVK 1 do  nam ca sĩ Thùy Long trình bày (với giọng hát truyền cảm), có đoạn tả cảnh tả tình rất đẹp như sau:
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội rời chân đi
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Gió chiều như gợi cơn sầu
Vi Lô hiu hắt như màu khơi trêu...
Và hai câu cuối của bài ca:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không ngớt lời khen ngợi, trong Tạp Chí Nam Phong năm 1924: «Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng Truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá, nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga. Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được…». Nhất Linh nhận định trong câu Lơ thơ tơ liễu buông mành, rằng ba chữ lơ thơ tơ «… nghe rất êm tai, hay về phần tưởng tượng ít mà hay về phần âm điệu êm ái nhiều hơn». Nhạc của QVT về mặt này đã diễn tả, rất lãng mạn, những nét đẹp của vạn vật và con người, như ước vọng của tác giả ĐTTT.
Cũng trên Đài VNTD - New Orleans, ngày thứ tư 23 th.07/2008, tôi có giới thiệu CD KVK 3 «Quyến Gió Rủ Mây» (từ câu 891 đến 1312) gồm 11 bài: tôi chọn bài CHƯƠNG ĐÀI (từ câu 1233 đến 1274) để cống hiến quí thính giả một giọng ca trầm ấm và mến cảm của nữ ca sĩ nổi tiếng HƯƠNG GIANG với cây đàn guitare lão luyện của QVT, đã làm nổi bật cái buồn sâu đậm của nàng Kiều bị đày đọa chốn thanh lâu (ở đây, người và cảnh hòa hợp, ta cảm tưởng vạn vật cũng có linh hồn, rất Lamartine: Objets inanimés, avez-vous donc une âme/ Qui s’attache  à notre âme et la force d’aimer? Ôi vật vô sinh, người có chăng một linh hồn, Quyến luyến linh hồn ta và sức mạnh yêu đương? trích bài thơ «Milly ou la terre natale (III, 2)» của Lamartine (1790 - 1869):
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai?...
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay...
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
Trích từ KVK 3, có bài «Buồn Trông» đượm buồn man mác qua giọng ca của nữ ca sĩ Quỳnh Lan, cùng nhạc đệm do tác giả QVT độc tấu Tây Ban Cầm rất quyến rũ:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh...
GS Phạm Thị Nhung phân tích: «Từ lầu Ngưng Bích, với tâm hồn nặng trĩu ưu tư, Kiều đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chiều hôm, nơi cửa bể. Lúc này ngoài cửa bể mặt trời đã lặn, ánh nắng yếu ớt phai dần, bóng tối đã bắt đầu bảng lảng. Cảnh vật trở nên mờ nhạt hơn, khó nhìn hơn. Bóng tối đến còn gây thêm ảnh hưởng vào bóng tối u sầu trong tâm hồn Kiều. Nhìn ra bể khơi, Kiều thấy xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Con thuyền hiện ra đó, chính là hình ảnh tượng trưng cho tự do mà từ bấy lâu nay nàng hằng ao ước, khát khao. Nhưng hy vọng tự do nào vừa dấy lên trong lòng Kiều thì rồi cũng lại tắt ngấm, khác nào cánh buồm kia vừa thoáng hiện ra đó lại đã biến đi. Kiều cay đắng nhận ra rằng tự do còn quá xa tầm tay với, của nàng, biết bao giờ, ôi biết đến bao giờ Kiều mới thoát cảnh sống bị giam hãm nơi này? Phải chăng Nguyễn Du ở đây là một nhà thơ ấn tượng (poète impressionniste) và Quách Vĩnh Thiện cũng là một nhạc sĩ ấn tượng (compositeur impressionniste)?»: Trong đoạn trích từ Bài số 6 của CD KVK 4 tên là TRĂNG HOA 1515-1554, do Quỳnh Lan hát, tác giả KVK tả tình và tả cảnh một cuộc  chia ly qua vài nét nhẹ nhàng, đã hiến cho ta một bức tranh tuyệt vời:
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Trong bài tựa của René Crayssac cho bản dịch «Truyện Kiều» sang Pháp ngữ của ông, có câu: «Những đoạn tả cảnh thiên nhiên mà có cái vẻ phong thú đặc biệt, như thế tác giả có chịu ảnh hưởng của Lão học thuần túy nhiều»… Truyện Kiều còn làm nổi bật một lý tưởng đặc biệt, mà René Crayssac gọi là «luật quân bình» định nghĩa như sau: «Trong trời đất và thứ nhất là trong xã hội loài người, có một cái thế quân bình bao giờ cũng phải giữ cho đúng. Nếu mà thiên lệch về bên nào thì thế nào cũng đạt lại cho bằng mới được. Thiên về bên nọ là có nợ với bên kia, nợ ấy thế nào cũng phải trả. Nợ ấy mà chưa trả thì sai mất cái thế quân bình mà thành ra thiên ỷ, khi ấy thì đấng cầm quyền, hoặc là quyền thượng đế ở trên trời hay quyền chính trị ở dưới hạ giới, phải thừa trừ thế nào cho cân, cho phục lại được cái thế quân bình như trước. Cái lý tưởng ấy vừa thuộc về đời này, về thuộc về việc lai sinh». LAI SINH có nghĩa là kiếp sau, mà cũng là tên bài số 1 của CD KVK 7 «Chữ Tài Chữ Mệnh», 2779 - 2820, do MỸ DUNG ca (giọng trầm ấm, thương cảm, luyến lưu…) để diễn tả nỗi lòng của Kim Trọng lúc tái hợp, năn nỉ người yêu xưa trở lại với chàng, mặc dầu lúc Kiều ra đi bán mình chuộc cha: «… Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần/ Trót lời nặng với lang quân/ Mượn con em nó Thúy Vân thay lời...»:
Gọi là trả chút nghĩa người
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên
Kiếp này duyên đã phụ duyên
Dạ đài còn biết sẽ đền lai sinh
CD KVK 6 «Hại nhân Nhân Nhân Hại» có Bài số 3 (cùng tên: từ câu 2367 đến câu 2404) do HƯƠNG GIANG ca, với đoạn sau:
Nàng rằng lồng lộng trời cao
Hại nhân nhân hại sự nào tại ta
Trước là Bạc Hạnh Bạc Bà
Bên là Ưng Khuyển bên là Sở Khanh
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh
Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình
Máu rơi thịt nát tan tành
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời
Cho hay muôn sự tại trời
Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta
Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương...
Mục đích của Hoàng Việt Luật dưới Đời Gia Long phải chăng là «trừng trị lần này để lần sau khỏi phải trừng trị, bắt tội lần này để lần sau khỏi phải bắt tội». Trừng trị có tính cách để làm gương, trừng trị có tính cách bồi thường, để tái lập thế quân bình trong xã  hội.
Về mặt tả hình dáng và diện mạo, trong lúc Mã Giám Sinh là một anh lái buôn người chỉ được Nguyễn Du cho vài nét chấm phá như một nhà hội họa ấn tượng bằng hai câu:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Từ Hải trái lại là một tướng giặc trong thời loạn lạc, xiêu lòng vì Thúy Kiều lúc bước vào thanh lâu, được tác giả cảm tình, khâm phục:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tất rộng thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng
Thiếp danh đưa đến lầu hồng
Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa
NS QVT đã khéo léo giao cho một giọng nam trầm là XUÂN PHÚ hát Bài số 8 «Râu Hùm Hàm Én» của CD KVK 5 «Cá Chậu Chim Lồng»… KVK 4 «Tài Tử Giai Nhân» cũng như mấy CD khác, gồm 11 bài với những giọng ca Tố Hà, Thùy Long, Ngọc Ánh, Mai Thảo, Quỳnh Lan, Mỹ Dung, Hương Giang…, có bài thứ 5 «Yếm Thắm Trôn Kim» với giọng ca Mai Thảo, Thúy Kiều khuyên người tình nhân của mình là Thúc Sinh nên về nhà thăm Hoạn Thư, người vợ chính của chàng:
Nàng rằng non nước xa khơi
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
Dễ lòa yếm thắm trôn kim
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh
Dù khi sóng gió bất bình
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi
Lại mang những việc tày trời đến sau
Người nữ ca sĩ ở đây đã diễn tả một cách tự nhiên cái triết lý Phật giáo như lời kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh của tác giả Nguyễn Du:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Tố Như Tiên Sinh muốn chúng ta, như học giả Trần Trọng Kim đã viết: «… hãy giữ lấy tấm lòng trong sạch, dẫu có phải phong trần, cũng không đổi lòng, thay dạ, ấy là cái thiện căn ở sẵn đó rồi. Lời kết luận ấy rất có ý nghĩa, khiến cho ai đọc cũng phải đem lòng ngẫm nghĩ».
 12/4/2009
Lê Mộng Nguyên
Theo http://ttntt.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...