Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

41 giai thoại làng văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX

41 giai thoại làng văn nghệ Đồng Tháp 
những năm cuối thế kỷ XX
Những mẫu chuyện nho nhỏ sau đây có thể coi là chút giai thoại. Đã là giai thoại thì phải ít nhiều thêm muối thêm mắm cho có phần lung linh, hấp dẫn… Trên cơ sở sự thật 100%, người ghi lại những chuyện này không muốn thoát khỏi chuyện này. Những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… được tác giả ưu ái đưa vào đây, nếu thấy có chi tiết nào không giống mình lắm hoặc vượt lên cả sự thật, hà tất đừng quá bực mình và mở rộng cõi lòng thênh thang của người sáng tạo văn học nghệ thuật mà cứu rỗi cho người viết. Mang lại cho độc giả chút vui trong sáng, thánh thiện qua chính những phiến đời nho nhỏ của mình, thế cũng là hạnh phúc như đã sáng tạo được một tác phẩm rồi!
Nhà thơ trăng mà chỉ biết đi bộ
Hạc Thành Hoa là tác giả của tập thơ về trăng vừa được Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1995. Anh cũng là một Nhà giáo Ưu tú mà xa gần đều biết tiếng bởi những giờ dạy Văn hấp dẫn.
Thơ cũng như bài giảng của anh luôn bay bổng, tìm đến với bầu trời, với trăng sao xa vời…Nếu buộc phải chở những ý tưởng ấy của anh lên bao la vũ trụ, hẳn phải dùng tàu liên hợp!
Anh sống phóng khoáng và giàu lòng nhân ái.
Có điều, đến giờ đã ngót lục tuần mà anh vẫn chưa hề biết đi xe đạp, nói chi đến xe máy… Chỉ “ham” mỗi phương tiện giao thông bền, chắc, không mất tiền mua là xe… "hăng cải”. Nghe đâu có lần, vì một lý do nào đó, nhà thơ trăng đã đi bộ từ chợ Bến Thành ra Xa cảng Miền Tây, lên xe đò về Cao Lãnh.
Nếu xe đò hết, chưa biết chừng…
Giá thống kê được số km đi bộ của thi sĩ Hạc Thành Hoa trong gần sáu chục năm qua trên cõi Trần này, biết đâu, đó là một con số đáng đưa vào sách kỉ lục của ngành giao thông thế kỉ XX?
Nhờ thất nghiệp mà viết văn
Phan Ngọc Quang (Ngọc Châm, Thương Huyền…) vốn là một cử nhân văn chương ngành Sư phạm. Chẳng hiểu trời đất đưa đẩy qua việc “giảm biên" thế nào mà thành ra… thất nghiệp. Chạy vạy đủ nghề mà đời sống vẫn quá khó khăn. Sẵn cái vốn văn chương đại học và chút năng khiếu, anh quyết "chơi” một “quả” đột phá, chuyển sang…nghề sáng tác văn học nghệ thuật; viết, vẽ đủ thể loại : Truyện ngắn, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, thơ, tranh vui, mẫu chuyện vui, viết cho thiếu nhi… và… cả món vọng cổ nữa mới nễ chứ! (Anh là người Nghệ mà!)
Tưởng chơi, ai ngờ viết được, vẽ được; nhận giải thưởng tới tới trong các cuộc thi, từ những chốn danh giá như: giải nhì kịch bản phim của Hãng phim Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, giải ba kịch bản sân khấu của Đài truyền hình Cần Thơ… đến các giải "cây nhà lá vườn" bên dân số - kế hoạch hóa gia đình hay bên công đoàn… Thu nhập tăng rõ rệt!
Riết rồi, tạp chí “Văn nghệ Đồng Tháp” số nào vắng cái tên Ngọc Châm ở mục tranh vui, chuyện vui…thì số đó như thấy thiếu thiếu một cái gì…
Làm văn học nghệ thuật theo cách đó và được nhưvậy, ở Đồng Tháp, mới chỉ có một Phan Ngọc Quang!
Bị "vạ" lây
Nhà Xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp ưu ái cho Thai Sắc ra tập truyện thiếu nhi mang tên "Điểm mười". Chẳng hiểu in ấn thế nào mà khi thành phẩm, Giám đốc Nhà Xuất bản giãy nãy lên vì cái ảnh chân dung của tác giả ở bìa 4 và mấy dòng "rao" sách sẽ in của tác giả ở bìa phụ. Điện thoại lập tức cho tác giả phải in lại bìa mới cho phát hành. Dĩ nhiên, Nhà Xuất bản thương tình nhà văn nghèo mà quyết định tạm thôi không thu các khoản tiền (dẫu không nhiều) phải nộp, để tập trung kinh phí thay cái bìa cho kỳ được.
Trước đó, nhiều phương án đưa ra đều bất khả thi.
Thai Sắc, mặt nhăn hơn khỉ ăn ớt, đành nghe theo. Nếu không, sách không cho bán, chỉ có nước… bấm bụng viết vài cuốn sách tào lao, mùi mẫn, rẻ tiền đang thịnh hành, kiếm tiền trả nợ nhà in!
Có lẽ, thấy việc "triệt" Thai Sắc như vậy cũng nặng quá, sách nó đàng hoàng thế mà làm tình làm tội hơn mấy cuốn lá cải thì coi cũng hơi kỳ, nên để cho có bạn, Nhà Xuất bản lập tức triệu hồi nữ sĩ Bạch Phần và phán: Hãy xẻo bớt cái bìa phụ của tập thơ “Hoa bằng lăng”, in trước đó khá lâu, đã phát hành được chút ít, bởi ở đó có mỗi dòng chữ dễ thương và hiền hậu mà người sáng tác nào cũng có quyền làm: SẼ IN: TÌNH CA QUÊ HƯƠNG (CA CỔ).
Bụng mang dạ chữa, đẻ được tập thơ, mong “phân phối” lẹ đứa con tinh thần để lo sinh con thiệt; ai ngờ, vì Thai Sắc mà Bạch Phần "vạ" lây!
Rác rưởi thành mái ngói hồng
Lệ thường, Tết Nguyên đán hàng năm, Trường Trung học phổ thông Thị xã Cao Lãnh đều có xuất bản tờ báo xuân mang tên "Khởi điểm”. Tờ báo do nhà thơ Hạc Thành Hoa lo từ thu thập bài vở, biên tập, trình bày đến in ấn, phát hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng.
Vậy mà, số báo Xuân Giáp Tuất, 1994, chính tác phẩm của Hạc Thành Hoa bị cơ quan cấp giấy phép "xài xể".
Đó là hai dòng đầu trong bài thơ "Mùa lũ" đầy ý tưởng mới mẻ và khơi gợi:
"Và nước lũ đã tràn vào lớp học
Mang theo bao rác rưởi ở bên ngoài"
Những người duyệt bài (vâng, nơi cấp giấy phép ở đây, rất thích duyệt cả bài vở!), vốn chẳng phải là dân văn chương, đã ngắt hai dòng thơ này ra khỏi chỉnh thể bài thơ và phán: Nếu không sửa dòng thơ thứ hai thì không cho in bài thơ và có thể không cấp cả giấy phép cho tờ báo.
Vốn là người hiền lành, không thích to chuyện, đôi khi hơi "nhát", Hạc Thành Hoa lập túc "tuân lệnh", mặc dù, với tư cách nhà thơ, trong lòng xiết bao xót xa.
Và dòng thơ thay thế ra đời như sau:
"Và nước lũ đã tràn vào lớp học
Mái ngói hồng vẫn cứ hồng tươi"
Tuyệt vời! Vậy là không còn "bôi đen” mà là đại “tô hồng”! (có đến hai từ “hồng” xuất hiện trong một dòng thơ mà!).
Mới hay, dưới bàn tay "phù thủy" của nhà thơ, rác rưởi biến thành mái ngói hồng chỉ trong nháy mắt!
Suýt thọ nạn giữa "Tràng giang"
Báo “Giáo dục Đồng Tháp” số Xuân Quí Dậu, 1993 có đăng bài viết: "Tràng giang - hoài niệm về một quê hương đã mất" của Nguyễn Đường Thai (tên thật của nhà thơ Hạc Thành Hoa). Đó là một bài viết công phu, có những ý tưởng mới, riêng và thuần túy văn chương khi bàn về bài thơ nổi tiếng của Huy Cận.
Vậy mà, không hiểu sao, “nó” được bên an ninh văn hóa (PA25) “để mắt”.
Té ra, trong một kì thi ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, một đồng chí bên PA25 được mời đến giám sát. Trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí ấy nghe lỗ mỗ lới bàn của mấy giáo viên Văn ở đây về bài viết, khi về đọc lại ngỡ là có vấn đề lẫn khuất này kia, mới "gõ cửa" bộ phận biên tập tờ "Giáo dục Đồng Tháp” để làm việc.
Cũng may, những người biên tập ở đây đã giải thích rõ ràng quan điểm của tờ báo cũng như ý tưởng của bài viết dưới góc độ văn chương, nên mọi việc rồi cũng êm xuôi.
Sau chuyện đó, Thai Sắc, người biên tập chính của tờ báo đùa với Hạc Thành Hoa.: "Chút xíu nữa là ra giữa "Tràng giang" mà "củi một cành khô lạc mấy dòng" nhé!"
"Té re"
Nhà riêng Hạc Thành Hoa và Thai Sắc gần nhau trên con đường Trương Định, nên hai người thường qua lại thăm thú và đàm đạo văn chương. Mặc dù, "cướp" thời gian của thi sĩ - nhà giáo xứ Thành Hoa (Thanh Hóa) khỏi những học trò "chầu chực" học thêm không phải dễ dàng chi!
Một lần, vừa đi Đà Nẵng về (Hạc Thành Hoa rất có duyên với Đà Nẵng nhé !), gặp Thai Sắc, Hạc Thành Hoa khềnh khệch cười:
- Chuyến này "té re"!
- Ủa, ra Đà Nẵng ăn ghẹ biển Thanh Khê, lạ bụng hả?
Một tràng cười giòn như súng liên thanh:
- Là chuyện làm thơ! Bỗng nhiên, ra một lèo hơn chục bài, như kiểu đau bụng chạy “té re”…
- Ha, ha…zvậy thì lâu lâu cũng phải "té re" vài "cú" chứ! "Táo bón" hoài như Thai Sắc căng quá!
Từ đó, “té re” và "táo bón" là những tiếng lóng của hai vị mỗi khi hỏi han về chuyện sáng tác văn chương.
"Gã cô đơn"
Hạc Thành Hoa, Thai Sắc cùng Hoàng Đình Huy Quan (Phú Yên), Phù Sa Lộc (Cần Thơ) và Hồ Thanh Điền (An Giang) đi uống bia, dạo mấy nhà thơ xứ khác về Đồng Tháp chơi.
Chẳng hiểu trời đất xui khiến thế nào mà "đi lạc” vào quán bia có mấy cô gái phục vụ rất nhiệt tình và hơi bị… xinh.
Mới xuất hiện, các nàng đã "lăm lăm” khăn lạnh, nhằm cái bản mặt phong trần của các nhà thơ mà lau. Mà các nhà thơ vốn hiền lành và rất dễ mủi lòng, nên cũng lặng yên để mặc cái mặt mình cho các em "chăm sóc”…
Duy mỗi Hạc Thành Hoa là thao tác ngược lại!
Dịu dàng chiếc khăn lạnh trên tay, chàng thi sĩ từ từ đưa lên tấm dung nhan đầy son phấn của của cô gái trẻ.
Trời đất, có phải chàng tính nom cho rõ khuôn mặt người đẹp? Hay vì chàng quá xúc động mà động tác đâm ra bối rối, vụng về ở những nơi như thế này?
Bông hoa giật nảy mình, vụt đứng dậy, thót ra ngoài.
Từ lúc đó, Hạc Thành Hoa trở thành "gã cô đơn” trong căn phòng lạnh, rúc rích tiếng nói cười và cả những vần thơ bay bổng…
Phía sau một tập thơ
Sau hai tập thơ in trước năm 1975, mãi cuối năm 1995, Hạc Thành Hoa mới in tập thứ ba. Chuyện xin giấy phép xuất bản cho tập thơ này rắc rối như một pha truyện giật gân.
Vì là tập thơ nằm trong kế hoạch tài trợ kinh phí (50%) của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, nên lúc đầu nó được mang đi xin giấy phép tại Nhà Xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp.
Khi biên tập, không những biên tập viên của Hội Văn học Nghệ thuật mà chánh, phó Chủ tịch Hội và cả Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều đọc. Ai cũng nhận xét, đây là tập thơ tốt, nên in, tuy có đề nghị bỏ bớt vài bài, sửa chữa đôi chỗ.
Vậy mà đến lạ, nhà xuất bản không chịu cấp giấy phép. Ông giám đốc ở đó còn tuyên bố một câu xanh rờn :
- Cả tập không được bài nào!...Tôi phải giữ cái này của mình chứ! - Ông vừa dùng cánh tay phang ngang cổ như thể đang có lưỡi dao chém rạt qua, vừa rụt đầu lại cái rật. Cực kì hài hước!
Cũng may, dạo đó nhà thơ Trinh Đường đang làm cuộc Nam du, ghé qua Đồng Tháp, biết chuyện, xin mang bản thảo về Hà Nội gửi cho Nhà Xuất bản Thanh niên cấp giấy phép.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt, biên tập tập thơ, viết thư riêng cho Hạc Thành Hoa, khen hay. Nhà thơ Trinh Đường còn đề từ cho tập thơ.
Mấy tháng sau, tập thơ ra đời với cái tên: "Phía sau một vầng trăng”.
Lạ! Chưa thấy “cái đầu” nào ở Hà Nội bị "chặt" cả!
Đặt tên con
Trần Quốc Toàn hiện làm việc tại Tạp chí "Thế giới mới" nhưng anh là một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi dí dỏm và hấp dẫn hiện nay.
Có lẽ vì thế mà việc đặt tục danh cho hai thằng con trai, dạo sinh ra chúng ở Đồng Tháp khi anh còn dạy học ở đó, cũng ngộ lắm!
Chuyện rằng, thằng con đầu của anh, nghịch ngợm làm sao, chọn đêm 30 Tết, đúng lúc giao thừa mà "chui" ra. Và thế là cu cậu được gắn cho cái tên ban đầu đầy gợi cảm : Tết.
Thằng thứ hai cũng tếu ra phết! Khi nó cất tiếng khóc oa oa chào đời đúng khớp tiếng chuông nguyện cầu của mấy ni cô bên Chùa Hương (Sa Đéc) rung ngân. Thế là chàng trai tương lai được gọi ngay bằng cái tên tượng thanh: Boong.
Trong giới văn nghệ Đồng Tháp, ít ai biết “danh chính” của các con trai nhà văn Trần Quốc Toàn là gì. Họ chỉ quen gọi chúng bằng những cái tên ngồ ngộ nhưng đầy ắp kỷ niệm ấy.
Dám phê "câu đối” của bộ trưởng
Dạo đó, ông Đoàn Duy Thành còn làm bộ trưởng. Một lần về viếng Lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Cao Lãnh, nhân hứng mà viết vào sổ lưu niệm hai dòng:
"Thiên hồng địa tử giai Sinh Sắc
Giải phóng sơn hà rực Chí Minh"
Chuyện rằng, Công ty Xuất nhập khẩu Tỉnh, vì muốn đẹp mặt vị bộ trưởng quản lý ngành mình, liền đem hai dòng đó khắc lên đá cẩm thạch khổ lớn bằng chữ Hán, mạ vàng, trình bày theo kiểu câu đối, đặt ngay chính diện của ra vào Nhà Lưu niệm ở Lăng Cụ Phó bảng.
Lần ấy, Thai Sắc đưa các ông Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Quốc Luân (Nhà Xuất bản Giáo dục) vào viếng Lăng. Đọc câu trên, nhờ chút vốn liếng Hán - Nôm hồi học ở đại học cùng sự trao đổi với hai vị đàn anh, Thai Sắc liền "nổi máu nghề nghiệp", "phang" luôn một bài trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, “bửa” thẳng thừng cái gọi là "câu đối” ấy.
Đại khái phê rằng: đây không phải là một câu đối vì nó không hề chỉnh chút nào về mặt chữ nghĩa, từ loại, ý tứ…nhất là việc đem hai cha con đối nhau chan chát ở hai vế câu đối.
Sau bài báo, Ban Quản lý Lăng lập tức khiêng tấm bia vào kho lưu trữ.
Nghe đâu, một lần vào miền Nam, ông Đoàn Duy Thành có tìm đọc bài báo và thốt rằng: "Viết vậy là đúng! Tôi có ngờ đâu, cái câu ngẫu nhiên đầy cảm tính ấy lại “bị” đưa lên bảng vàng bia đá!”
Vì rượu mà suýt rơi “đài"
Nguyễn Quang Ngọc (Quang Ngọc, Thanh Thủy…) là cây bút thơ, truyện ngắn, kí…quen thuộc trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, có biên chế ở Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, trụ sở tại Thị xã Sa Đéc.
Một dạo, anh nổi tiếng bởi thiên bút ký "Tản mạn về con sếu Tràm Chim Tam Nông", khi chính quyền huyện này, mà cụ thể là ông phó chủ tịch văn xã viết thư khiếu nại nội dung bài báo, gửi Toà soạn báo "Văn nghệ Đồng Tháp” và nhiều cơ quan hữu trách khác.
Thấy không có gì "lớn", nên cuối cùng, người ta cũng giải quyết vụ việc êm xuôi.
Nào ngờ, "thoát hiểm" nơi này, Quang Ngọc "thọ nạn" chỗ khác.
Số là, một lần về Thị xã Cao Lãnh công tác, sau khi xong việc, Quang Ngọc được mấy anh em ở bộ phận tuyên giáo Thị uỷ mời đi lai rai ở Ngã tư Đèn Dầu. Đó là thời đang rộ lên cái gọi là "đa nguyên đa đảng”. Có hơi men phừng phừng, hứng chí, anh đứng dậy tuyên bố ủng hộ cái "học thuyết húy kỵ" này.
Tưởng là chuyện say xỉn, nào ngờ trong đám nhậu có tay chơi ác, tấu sự tình cho lãnh đạo hay.
Quang Ngọc - một phóng viên truyền hình xông xáo, một đạo diễn phóng sự có bản lĩnh - bị “dong” lên "đoạn đầu đài" chờ kỉ luật đuổi việc.
May thay, ông giám đốc đài dạo đó là người am hiểu, biết trọng tài năng, lại đang gặp hoàn cảnh ít nhiều nét hao hao Quang Ngọc nên đứng ra bảo lãnh cho anh.
Quang Ngọc thoát hiểm trong gang tấc. Như để tạ ơn, anh đầu tư làm bộ phim phóng sự đầy tâm huyết và xuất thần: "Bông sứ cùi”, kể về một cô gái trẻ, đẹp lặn lội và gắn bó với những bệnh nhân cùi (phong, hủi) cũng chính trên mảnh đất Tam Nông của sếu đầu đỏ.
Đó là bộ phim chia tay của Quang Ngọc với Đồng Tháp để chuyển về báo “Nông nghiệp Việt Nam”. Và đó cũng là bộ phim đạt huy chương vàng duy nhất của truyền hình Đồng Tháp cho đến lúc này.
Đã có thời thét ra lửa
Quang Ngọc, chiết tự chữ Hán tức: ngọc sáng. Tương tự, Thanh Thủy (bút danh khác của Nguyễn Quang Ngọc) nghĩa là: nước trong. Bút danh đẹp như bản tính trung thực, hiền hậu và trong sáng của anh.
Thế mà có thời Quang Ngọc từng thét ra lửa, "quân lệnh như sơn”, không phải trong quân đội mà trước các nàng liễu yếu đào tơ của trường sư phạm.
Số là, anh từng đi bộ đội đánh Mỹ, phục viên về học tiếp đại học sư phạm, ngành Sinh học; ra trường, là một trong những người đầu tiên về xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp.
Trong đợt huấn luyện quân sự đầu tiên của trường, Quang Ngọc được "phong" làm chỉ huy trưởng. Oai phong lẫm lẫm, anh chỉ huy tiểu đoàn "lính" sinh viên còn gắt gao hơn cả trong quân đội.
Ngay cả nhiều đồng nghiệp, trên thao trường, xớ rớ là bị vị chỉ huy "bất đắc dĩ” quát xối xả. Thầy và trò chẳng ai dám ho he. Cái nếp quân sự hồi mới giải phóng miền Nam là thế! Quang Ngọc nhập vai xuất sắc và ai cũng chấp nhận, tôn anh như một "vị tướng"!
Lần ấy, chỉ huy trưởng dẫn quân đi đá banh ở Trường Công nhân Kỹ thuật Đường sông. Chưa tan trận, bất ngờ xảy ra ẩu đả giữa cầu thủ hai đội. Cuộc rượt đuổi nhau không bóng trên sân vô cùng dữ dội. Ai cũng ngơ ngác tìm vị "tư lệnh". Nào ngờ, nhân lúc rối ren, "nhà quân sự" co giò "zdọt" về nhà, mặt "xanh như đít nhái”!
Quang Ngọc không dám làm "quân sự" mà chuyển sang sáng tác văn chương từ đó chăng?
Suýt thành ni cô
Đang làm thơ ngon trớn với những vần điệu đẫm mùi đời - “Em ngủ những đêm con gái… Tắm đêm chỉ có trăng nhìn" - bỗng nhiên, chị ăn chay và chuyên cần đi lễ chùa hằng đêm. Thành tâm đến độ, chị được nhà chùa chọn vào đội nữ danh dự, luôn gần gũi với mấy “thầy”.
Thấy chị “thoát tục”, anh em văn nghệ ai cũng áy náy, bùi ngùi.
Bỗng nhiên, có lần, chị chìa ra tấm hình, khoe:
- Nè, ông thầy chùa đẹp trai hết xẩy!
Đúng là đẹp trai thiệt - đẹp trai kiểu nhà chùa thời mở cửa - đứng oai vệ bên chiếc xe máy phân khối lớn trong bộ trang phục tu hành.
Có người chọc:
- Coi chừng! Tín nữ nhà thơ khiến sư thầy phạm điều giới răn thì chí nguy cho Giáo hội Phật giáo!
Ít lâu sau, thấy chị thưa đi lễ chùa hơn. Và rồi, chị bỗng chuyển hẳn về Thành phố Hồ Chí Minh. Với chiếc SANYANG màu thanh thiên, chị xông xáo, "lăn lóc” đây đó để viết, với tốc độ chóng mặt, những thiên phóng sự mà trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp” gần đây, số nào cũng đăng vài ba tác phẩm.
May mắn thay cho văn nghệ Đồng Tháp khi nhà chùa đã không "cướp" nổi một nữ sĩ có duyên và một phóng sự gia sung mãn - Trần Thị Hoàng Anh.
Siêu phát hành thơ
Nữ sĩ Bạch Phần là một sĩ quan ngành công an. Thơ chị chơn chất, dễ đọc, ít nhiều phù hợp với đối tượng độc giả là những đồng đội của mình.
Đầu năm 1995, chị xuất bản tập thơ đầu tay “Hoa bằng lăng”, trong lúc chuẩn bị sanh đứa con thứ hai.
Bạch Phần rất lo lắng về khâu phát hành. Bán không hết sách, lo chưa trọn đứa con tinh thần mà lên bàn đẻ thì rối lắm! Lại thêm có chút trục trặc với nhà xuất bản, khiến chị lúc nào cũng như đang đứng trên tổ kiến lửa.
Nào ngờ, sách vừa in xong lại đúng lúc ngành công an tổ chức mấy cuộc họp lớn. Bạch Phần mang thơ mình đến các hội nghị. Gặp tác phẩm của một chiến sĩ trong ngành, ai cũng phấn khởi "mua ủng hộ".
Vèo! Chỉ hai tuần lễ, Bạch Phần đã "phân phối" xong gần ngàn cuốn sách.
Nụ cười hiền hậu nở trên môi, Bạch Phần thoáng nhìn xuống thấp, khẽ khàng:
- Ơn Trời! Vậy là có thể yên tâm để lo cho đứa con này rồi!
Đừng đụng đến thơ
Thầy giáo dạy Văn: Lê Minh Hùng vừa in tập thơ đầu tay, đặt tên: "Hái bên đường". Nhiều người khen tập thơ hay, song cũng có kẻ vì không thích tính khí tác giả mà chê này chê nọ.
Anh ít quan tâm đến chuyện khen chê, sống ngang bạc, chỉ quí bạn hiền, văn chương hay và từng giọt rượu.
Chuyện xảy ra trong một tiệc nhậu tại trường trung học phổ thông, nơi anh đang dạy học.
Trong lúc lừng sừng, một vị nào đó, tạt ngang đường, nghênh ngang làm cái việc giải thoát cho bia và bảo to với Lê Minh Hùng:
- Nè, phải gọi tập thơ của ông là "Đ… bên đường" mới tuyệt chiêu!
Nhà thơ của chúng ta quát:
- Vớ vẩn! Đứng đụng đến thơ!
Rồi đó, tìm đến một lùm cây kín ven đường đầy hoa dại, anh thanh thản tận hưởng cái khoái cảm bài tiết như một người bình thường.
Thơ tình mà ngỡ thư tình
Tương truyền, thuở Thu Nguyệt còn là cô sinh viên Ngữ văn trẻ trung, xinh đẹp của Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, tập làm được bài thơ thì mừng lắm. Bèn chép thành ba bổn, trân trọng mang tặng để xin ý kiến của ba người thầy mà chị quý trọng. Hai ông thầy Văn, một ông thầy Toán.
Hai ông thầy Văn khen với nhau về triển vọng của cô học trò ngoan trên bước đường sáng tác văn chương.
Riêng ông thầy Toán cứ bâng khuâng, xốn xang mãi bởi bài thơ.
Chẳng đừng được, ông thầy Toán tìm đến một trong hai ông thầy Văn, thổ lộ:
- Cái Thu Nguyệt nó… tỏ tình, cậu ạ!
- Hả ? - Ông thầy Văn giật mình.
- Đọc đi!
Nhìn thoáng tờ giấy, ông thầy Văn phá ra cười như nắc nẻ:
- Khổ, tớ và ông H. cũng được diễm phúc có cái như cậu. Thơ tình chứ có phải là thư tình đâu!
Con dế của chú… Trần Quốc Toàn
Trần Quốc Toàn là nhà văn đa năng. Anh sáng tác tất cả các thể loại văn chương và rất có duyên trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Dạo đó, anh cho đăng truyện ngắn “Con dế của chú Pau-tôp-ski” trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, đại để kể chuyện vui về tụi trẻ vào dựng chương trình văn nghệ trong phòng thu của đài truyền hình, mang theo cả dế, để chúng gáy ỏm tỏi khi thu thanh; lại có đứa vì ráng thu đi thu lại nhiều lần mà tè ra cả quần…
Ông giám đốc đài truyền hình lúc đó là một người được coi là có năng lực, vốn là một cán bộ miền Nam tập kết, đã từng viết văn, có tác phẩm đăng trong cuốn hồi ký nổi tiếng “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Thế mà, chẳng hiểu sao, bỗng nhiên cho rằng Trần Quốc Toàn có ý chơi xỏ đài ông, bèn viết một bài, tự mình đọc trên máy, phát liên tục trên Đài Phát thanh Tỉnh để “đánh” tác giả truyện ngắn, với những lời lẽ gay gắt, đầy kì thị và non văn hóa giao tiếp.
Dân cả tỉnh nghe đài, giật cả mình, tưởng chuyện lớn sắp đến nơi!
Nhà văn của thiếu nhi chỉ biết lắc đầu.
Cũng may mà Tỉnh ủy, với những vị am hiểu hoặc cảm tình với văn chương, đứng ra trực tiếp dàn xếp mấy cuộc, cuối cùng chuyện mới yên.
Bỗng nhớ trước đó, truyện ngắn “Hàng sao bên kia sông" của Trần Quốc Toàn cũng bị một số người luôn nhìn văn chương dưới con mắt xã hội học dung tục gán cho cái tội tày trời: "có ý nói xấu lãnh đạo”. Chuyện là, hồi đó, khu Tỉnh ủy đóng có một hàng sao cổ thụ na ná như hàng sao mà nhà văn miêu tả. và người ta quả quyết, chuyện xảy ra trong truyện ngắn chính là chuyện viết về Tỉnh ủy vậy! Quả là hết chỗ nói!
Hết "án treo hàng sao" lại tới "án con dế", thật là một dạo "gian nan" đối với cây bút Trần Quốc Toàn.
Lại…”Nhân văn - Giai phẩm”
Tập thơ “Đối thoại với trái tim” (1991) của Thai Sắc có hai phần “ “Nhật kí đọc chung” và "Tự bạch".
Có một dạo, khi tập thơ mới ra đời, trong dư luận một số người, xôn xao rằng: "tập thơ có vấn đề”!
Trần Quốc Toàn báo với Thai Sắc:
- Nghe đâu, có vị còn tuyên bố: cái mảng "Nhật ký đọc chung” của ông là một kiểu "Nhân văn - Giai phẩm” mới!
Thai Sắc nghe, không nói gì, trong lòng vô cùng băn khoăn. Cây ngay chẳng sợ chết đứng, nhưng nếu người ta cố gán ghép, làm to chuyện thì rồi cũng mất ăn mất ngủ chứ chơi à!
May sao, trong lãnh đạo Tỉnh có nhiều vị cũng am hiểu văn chương thi phú, đã lên tiếng bênh vực cho tập thơ.
Một số báo chí ở trung ương cũng đã trích đăng nhiều bài thơ trong đó để góp tiếng nói chống tiêu cực.
Thế là yên hàn vô sự. Hú vía!
Cứ nghĩ đến Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…một thời mà kinh!
Một kiểu đi thực tế
Giữa những năm 80, Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Đồng Tháp làm ăn còn phát đạt. các rạp chiếu bóng luôn sôi động và phim nhựa đang chiếm lĩnh màn ảnh hàng đêm.
Một lần, Công ty tổ chức đi thực tế cơ sở để viết bài phản ánh về hoạt động của ngành, gửi đăng trên báo chí.
Trần Quốc Toàn và Thai Sắc được mời tham gia.
Trên chiếc tắc - ráng cơ động, đoàn đã đến các vùng xa xôi nhất của Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười…Nơi nào, đoàn cũng được đón tiếp thân tình, nồng hậu và… "chơi" hết mình!
Chỉ trừ buổi sáng đầu tiên xuất phát từ Sa Đéc là Trần Quốc Toàn và Thai Sắc còn tỉnh táo để có thể quan sát, nắm bắt, ghi chép tư liệu. Bắt đầu từ buổi chiều trở đi cho đến ngày về, sau gần một tuần rong ruổi, hai nhà thơ bao giờ cũng ở trong trạng thái "khật khưởng" hoặc "say nhừ".
Hễ cứ ghé vào một đơn vị cơ sở là lập tức "triển khai tác chiến", vừa lai rai vừa bàn công chuyện. Mà khả năng từ chối của dân văn nghệ là rất yếu. Vậy cho nên, cứ xuống tắc - ráng đi tiếp là Trần Quốc Toàn và Thai Sắc trở thành hai cái "bị thịt", nằm dài trên xuồng. Anh Trấn, anh Nghĩa và chị Mai bên Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng trở thành những người phục vụ cho hai nhà thơ.
Vậy mà rồi sau đó, hai vị cũng cho ra được những tác phẩm đọc được về ngành chiếu bóng như: "Xem phim trên đồng nước" (Trần Quốc Toàn), "Buổi chiếu phim giữa Đồng Tháp Mười" (Thai Sắc)…
Chỉ tại "người bán vé số"
Tết Giáp Tuất, 1994, Trường Trung học phổ thông Thị xã Sa Đéc cho in giai phẩm xuân, đặt tên là "Tinh hoa". Giai phẩm in xong, chưa kịp phát hành, lập tức bị đình chỉ vì "có vấn đề” bởi cái truyện ngắn “Người bán vé số" của Nguyễn Anh Dân.
Bộ phận đọc bài nộp lưu chiểu của Sở Văn hóa Thông tin Đồng Tháp cho rằng đó là một tác phẩm xuyên tạc và bôi nhọ xã hội xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn có hại.
Lãnh đạo trường mất ăn mất ngủ cả tuần lễ chỉ vì cái án nặng đang treo. Mà lo nhất là mấy ngàn cuốn sách chưa bán được cho học trò, tết nhứt cặp kè, nợ bên nhà in lấy chi trả?
Một cuộc họp quan trọng được tổ chức do ông Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin chủ trì, có mặt Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Tổng hợp, đại diện an ninh văn hóa của Công an Tỉnh và nhiều vị chuyên viên khác cùng lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Thị xã Sa Đéc.
Nhiều ý kiến gay gắt, đề nghị cắt bỏ truyện ngắn mới cho phát hành giai phẩm. Tuy nhiên, sau ý kiến của đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo…, chủ tọa buổi họp tuyên bố: buộc tác giả phải thêm vào cuối truyện một đoạn “có hậu” hơn; đại khái: việc bỏ nghề đi bán vé số của ông thầy dạy giỏi kia là rất cá biệt và không đáng noi theo, học sinh cần phải hướng về một tương lai tươi sáng hơn…
Chỉ trong một đêm giáp Tết, tác giả đã cấp kỳ "tối tác" tiếp cái kết truyện cho sẵn kia và thầy trò của trường phải bò ra mà in vi tính, cắt dán… cho kịp ngày mai phát hành giai phẩm đón xuân.
Nghe đâu, sau “vụ “đó, nhà trường khuyến cáo: từ nay, thôi hãy tạm không đăng những gì mà nhà văn - nhà giáo Nguyễn Anh Dân viết ra, không biết có đúng vậy không?
Hai nhà văn bị dọa xin tí… tiết
Đó là Đỗ Ký và Lê Minh Hùng, một ở Hồng Ngự, một ở Thanh Bình.
Cũng chỉ tại ba cái thứ văn chương viết về đất đai, ruộng vườn mà ra!
Dạo đó, Đỗ Ký về Hồng Ngự, nơi một thời anh gắn bó keo sơn, thuở còn đi dạy học, trước khi về Hội Văn học Nghệ thuật. Có lẽ quá bức xúc trước vấn đề đất đai còn nhiều bất cập, anh viết ngay thiên phóng sự "Đầu sóng sông Tiền” đăng trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”. Bài báo tung ra, gặp phản ứng dữ dội của một số lãnh đạo địa phương và bà con nông dân tại cái xã mà anh nêu tên. Cũng may, dân ở đó cũng có nhiều người hiểu ra vấn đề, trong đó có gia đình của ông Bí thư Tỉnh đoàn đương thời, nên mọi việc cũng được giải quyết hợp tình hợp lý.
Vậy mà Đỗ Ký vẫn nhận được những lời hăm doạ, khiến anh chờn chờn. Nhớ bà xã và ba đứa con quá trời mà lâu lắm vẫn chưa dám lội về thăm…
Cũng vấn đề ruộng đất, Lê Minh Hùng cho in trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp” ký sự “Chuyện ở Tân Quới”. Sau khi báo phát hành, không những chính quyền địa phương cấp xã mà cả cấp huyện ở đây phát thư "kiện" tác giả và tòa soạn.
Lê Minh Hùng còn bị hăm… xin cánh tay mặt, nếu lảng vảng ở Tân Quới!
Báo “Văn nghệ Đồng Tháp” phải cử nhà văn Đinh Thành Nam bươn bả bằng xe đạp về xác minh vấn đề, rồi đăng liền hai bài báo "xoa dịu", phân tích phải trái. Cuối cùng mới giải quyết êm "vụ" này.
Thế mới biết, đi làm phóng sự lúc này, lơ mơ bị "xin tí tiết" như bỡn!
Ơi hai ông Đỗ và Lê, sao không soi vào cái gương nhãn tiền của ông Nguyễn với cái tản mạn sếu sũng ấy mà rút ra bài học sáng tác?
Lô cốt
Khánh Hòa, tác giả những bài thơ nổi tiếng: "Thơ về cây lúa nổi Tháp Mười", "Ong mật mùa nước nổi"… là một gã đàn ông rất chi vụng về trên trường yêu đương!
Là thầy dạy Văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, lại có khiếu thơ phú, vậy mà trước thế giới người đẹp, bao giờ anh cũng lơ ngơ, lúng búng như gà mắc tóc.
Dạo đó, anh rất yêu một cô giáo bên trường cấp ba. Lúc đầu, cô giáo thấy anh hay hay nên tiếp đón ân cần, chu đáo lắm. Nhưng lạ, trước giai nhân, Khánh Hòa ngôi trơ trơ như một pho tượng, chẳng thổ lộ lấy một lời nên hồn. Riết rồi, cô giáo đâm chán. Chán thì tạc ra đủ thứ lý do để bỏ đi, khiến nhà thơ tội nghiệp một mình ngồi chờ đợi.
Đồn rằng, có lần, từ tinh mơ, Khánh Hòa đã đến nhà cô giáo nọ. Nhưng thoáng thấy bóng thi sĩ, cô đã "chuồn" bằng cửa hậu, đi mất tiêu.
Vậy mà, thật siêu đẳng, Khánh Hòa vẫn ngồi chờ cô giáo cho tới tối mịt, nhịn ăn, nhịn uống suốt cả một ngày đằng đẵng.
Chuyện bể ra, từ đó Khánh Hòa được mang cái biệt danh: Lô cốt.
Cú điện thoại… chết người
Tháng 9/1995, nhà thơ Đỗ Ký sang ăn đám giỗ tại tư gia nhà văn Phạm Nguyên Thạch ở Thị xã Long Xuyên, An Giang. Tửu lượng đã nhiều mà Đỗ Ký vẫn một mực lên xe máy đi Thành phố Cần Thơ, lo ép P.E cho bìa tập thơ tái bản. Thấy vậy, anh em văn nghệ An Giang đứng lên cản mà không xong.
Thế mới sinh chuyện rủi ro. Dọc đường, ngang Huyện Thốt Nốt, nhà thơ đang mải mê ngút trời thi tứ nhờ chút hơi men, đã lao thẳng xe máy vào mũi xe đò.
Một cú điện thoại ở Cần Thơ về báo “Đồng Tháp”: “Ông nhà thơ, nhà báo gì đó ở Đồng Tháp, đụng xe ở Thốt Nốt đã chết!"
Nhiếp ảnh gia Thanh Lâm, đang công tác ở Thị xã Cao Lãnh, nghe báo lại, bèn lập tức điện thoại cho Hội Văn học Nghệ thuật. Mọi người nháo nhác. Chánh Văn phòng Hội điện thoại hỏi Hội Văn học Nghệ thuật An Giang thì lại nghe: "Ông Đỗ Ký bị không nặng, đang nằm ở bệnh viện Long Xuyên"
Sau mới biết, xe đò thắng kịp nhưng cũng ráng đẩy nhà thơ và chiếc xe máy trượt dài trên đường nhựa tới 10m. Bìa sách thơ tung ra, xỏa trắng cả một quãng đường. May mà té sấp, te tua mặt mày, chân tay, còn cái đầu đầy ắp thi phú thì vẫn còn nguyên vẹn.
Té ra, cùng lúc Đỗ Ký “bạng nhau” với xe đò, ở Thốt Nốt cũng xảy ra một vụ đụng xe chết người khác.
Thế mới có cú điện thoại vu vơ… chết người kia!
Thích là ngủ
Phạm Khiêm đi công tác tại Huyện Châu Thành. Sau khi được bộ phận Văn phòng ủy ban Nhân dân Huyện tiếp đón nồng hậu, đêm đã khuya mà nhạc sĩ cùng người bạn vẫn lên xe máy trở lại Sa Đéc.
Giữa đường, do "tức bia", hai người dừng xe, kiếm chỗ "giải quyết".
Lạ kỳ, chẳng kịp… tè, cả hai vị "đổ” ngang bên một lùm cây và…khò ngon lành! Tay nhạc sĩ vẫn không quên ôm chặt chiếc đàn organ. Nhưng chiếc xe máy thì bị bỏ quên trên đường quốc lộ.
Khi tỉnh dậy, hai người thấy mình nằm ở một nơi lạ hoắc. Bực mình, nhạc sĩ than:
- Ông Hoài Bảo chơi kỳ! Cho bọn mình nằm ở đâu mà chẳng mùng mền gì thế này?
Những người xung quanh, hình như nghe nhắc tên ông Phó Chủ tịch Huyện mà điện thoại hỏi xem phải có “hai cha” như thế, như thế hay không…
Mấy phút sau, một chiếc ô tô con đỗ xịch trước cổng công an huyện, rước nhạc sĩ và người bạn trở lại Văn phòng ủy ban Nhân dân Huyện Châu Thành để tiếp tục…”khò" cho đến sáng.
Thế mới biết, dân văn nghệ sĩ, coi trời đất là nhà cửa, cỏ lá là chiếu giường, thích là lăn ra ngủ, cóc sợ cái gì!
Vẫn chiếc xe đạp đòn dông
Trong vòng trên dưới 10 năm, nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần, tác giả của hai dòng thơ đáng yêu: "Đi qua chín chín cây cầu; Gặp cây cầu khỉ thành câu thơ tình” đã "xê dịch" đến 5 cơ quan.
Hồi đầu, anh là kế toán ở Trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp. Tốt nghiệp đại học tổng hợp Văn tại chức, anh về Hội Văn học Nghệ thuật làm Chánh văn phòng kiêm phụ trách mảng văn nghệ dân gian. Đang “danh chính ngôn thuận”, bỗng nhiên, anh nghỉ ngang đi kinh doanh “vấn thuốc lá điếu” cho Xí nghiệp 22/12. Thuốc lá bể, anh về công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin Huyện Thanh Bình. Đầu năm 1995, nghe nói vì lý do hợp lý hóa gia đình, Nguyễn Chơn Thuần xin dạy tiểu học ở Lai Vung quê anh.
Lòng vòng một hồi, anh lại quay về ngành giáo dục và đào tạo. Có điều, dù làm việc gì, ở đâu, Nguyễn Chơn Thuần vẫn cứ đều đặn sáng tác thơ, ca cổ…
Khi ra đi, Nguyễn Chơn Thuần ngất nghễu trên chiếc xe đạp đòn dông. Lúc trở về, cũng trên chiếc xe đạp đòn dông, Nguyễn Chơn Thuần ngất nghễu.
Án oan họ… Đỗ
Có một dạo, ông Đỗ Trọng Thân ngoài Thanh Hóa, mạo danh Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mang tập thơ trăng sao gì đó đi “lòe" và "xin đểu” khắp các cơquan, xí nghiệp ở Đồng Tháp.
Một lần đến Bưu điện Tỉnh, sau một hồi ba hoa, ông ta huỵch toẹt: “Tôi đang ở Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp. đề nghị quí cơ quan ủng hộ nhà thơ vài trăm ngàn đồng”.
Không hiểu, Bưu điện Tỉnh có bị mắc lừa, cho tiền ông ta không. Chỉ biết sau đó, có điện thoại phàn nàn với lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật về ông nhà thơ Đỗ… Đỗ… gì đó ở chỗ văn nghệ, thiếu lịch sự và mất tư cách quá!
Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật và anh em ở đây giật cả mình! Ở Đồng Tháp, nói đến nhà thơ Đỗ… Đỗ… gì đó thì chỉ duy nhất có nhà thơ Đỗ Ký mà thôi!
Cuối cùng rồi cũng truy ra đích danh thủ phạm. Và chàng thi sĩ đích thực Đỗ Ký của Đồng Tháp thoát khỏi cái án oan họ… Đỗ.
Vì "máu văn nghệ” mà mang tiếng lây
Lần đó, cái ông Đỗ Trọng Thân "nhà thơ xứ Thanh" ấy nảy ra "mưu chước” mới, đột nhập tận Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, tìm nhà văn Vân Sinh, trước để có chỗ tá túc qua đêm, sau nhờ môi giới đến các cơquan, xí nghiệp để đi xin tiền.
Vì chút "máu me văn chương" mà Vân Sinh đành tiếp ông ta. Vân Sinh còn phóng xe máy đến báo Thai Sắc cùng tiếp. May sao, trước đó, Thai Sắc đã nghe "danh" ông này, nên từ chối.
Anh em bên Tuyên giáo đã lai rai với ông này không đến nỗi nào.
Đáp lại, lúc đầu Đỗ Trọng Thân ba hoa chích choè về “văn tài" của mình. Sau, có lẽ vì men rượu bốc mà gã đứng lên chửi bới lung tung, kể cả chửi lãnh tụ, ngay giữa cái nơi "kỵ húy" như vậy. Mọi người chịu không xiết, thẳng thừng "dong" ông ta ra khỏi cơ quan ngay lúc đó.
Thế mới hay, dẫu có “máu văn nghệ” đến đâu mã lỡ dây với phường xỏ lá thì ít nhiều cũng mang tiếng lây.
Chắc nhà văn Vân Sinh cạch tới già!
Làm lớp trưởng là "ngu" rồi
Hè 1994, Hội Nhà văn Việt Nam mở trại sáng tác văn học cho thiếu nhi tại Hà Nội.
Ở Đồng Tháp, Thai Sắc được cử đi dự trại.
Buổi đầu tiên, Trại họp để bầu lớp trưởng. Khi nhà thơ Phạm Hổ, một trong những người phụ trách lớp, đưa ra đề nghị này, ngay ở hàng ghế đầu, nhà văn Hoàng Thế Sinh (Yên Bái) đã mau miệng xướng:
- Cử Thai Sắc ở Đồng Tháp!
Nhà thơ Phạm Hổ hỏi luôn:
- Ai đồng ý?
Cả trại đưa tay cái rật. Có người đưa tay mà mắt vẫn nhìn vào sách.
Thai Sắc bị "bắt" làm lớp trưởng vì cuộc bầu bán lãng nhách ấy.
Suốt thời gian ở trại, thỉnh thoảng, người này người kia có thể “cúp cua” ma chu du đây đó ở Hà thành. Riêng "ngài lớp trưởng danh giá" thì chẳng được phép vắng một buổi nào.
Một lần đến thăm Thai Sắc, nhà thơ Trần Quang Đạo, Thư ký Tòa soạn tạp chí "Thời trang trẻ" đùa:
- Nhận "vai" lớp trưởng là "ngu" rồi!
Cú “ghen” qua điện thoại
Hai nhà thơ nữ của Đồng Tháp: Thu Nguyệt, Trần Thị Hoàng Anh cùng nữ thi sĩ của Hà Nội: Đoàn Thị Ký làm một chuyến "đăng sơn" lên núi Cấm, tìm cảm giác lạ nơi non cao, trời rộng.
Bên An Giang cử một đoàn tháp tùng gồm ba chàng cũng là nhà văn, nhà thơ.
Trong chuyến đi ấy, bỗng nhiên ai cũng dạt dào cảm xúc, sáng tác được khối bài hay. Có người sau đó, in hẳn một tập thơ mà số bài dành tặng hoặc lấy cảm xúc từ một trong ba nữ sĩ nói trên nhiều đến nửa tập!
Dư âm và dư vị chuyến đi hẳn còn đọng mãi đến bây giờ!
Hiềm nỗi, sau đó, từ An Giang, liên tục có những cú điện thoại sang Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp “điều tra” chuyến đi ấy. Mà giọng trong điện thoại là một giọng nữ mới ngặt đời!
Hỏi ra mới hay, đó là "phu nhân" của một nhà thơ có mặt trong cuộc rong chơi trên núi ấy…
"Ghen" với quí vị làm văn chương thi phú thì có mà "ghen" suốt đời, chị ơi!
Ra đi từ một truyện ngắn
Đó là trường hợp Nguyễn Thị Phước và truyện ngắn "Nước mắt - nụ cười” đăng trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, “Giáo dục Đồng Tháp” trong năm 1991 của chị.
Truyện ngắn ấy gây ít nhiều xôn xao và chấn động trong ngành giáo dục thời đó. Đề tài chính của truyện là việc dạy thêm của giáo viên với không ít mặt trái của nó.
Đáng buồn là một số người trong cái Tổ Toán nơi chị công tác lại cố vận những gì Nguyễn Thị Phước viết trong truyện vào mình bằng một kiểu đánh giá văn chương đầy chất xã hội học dung tục. Từ đó, mỗi ngày họ càng đào sâu hố ngăn cách với cô - giáo - dạy - Toán - viết - văn. Họ không chịu nổi tính trung thực và sự thẳng thắn của Nguyễn Thị Phước trong giảng dạy và công tác. Càng ngày họ càng o ép và cô lập chị một cách trắng trợn.
Nguyễn Thị Phước đã không chịu đựng nổi. Phần yếu mềm đầy nữ tính trong con người chị đã trỗi dậy, bắt chị phải "đầu hàng".
Như một tiên nghiệm, nhà văn nữ đầy triển vọng đã quay về xứ Nghệ trong "nước mắt" và thật ít "nụ cười”, để lại không ít lưu luyến cho giới văn nghệ Đồng Tháp về một cây bút giàu bản sắc không chỉ trong lĩnh vực truyện ngắn.
Gom giùm tiền bán sách
Một lần, Đỗ Ký, mặt mày phờ phạc, râu tóc búa xua, xộc vào nhà Thai Sắc:
- Mời bác Thai Sắc đi uống cà - phê… Nhưng Bác phải… bao nhé!
- Ủa! Mới đi bán thơ về mà không xu dính túi?
Mắt chớp chớp, Đỗ Ký cười ý vị, bảo:
- Ở mạn Nam sông Tiền đã có người gom tiền giùm rồi!
- À… Nhưng nghe đâu, ông và K.D cùng đi chung xe mà?
- Đó là lúc đi bán - Đỗ Ký lại cười ý vị - Còn lúc đi thu tiền, bả thót trước một mình…
- Ha…ha… - Thai Sắc khoái chí - Hai người là một, ai đi gom mà chả được!
Đỗ Ký bỗng hồ hởi hẳn lên:
- Mà suy cho cùng, bả cũng có cái lý hay ho: gom tiền để lo cho thằng con trai mà…
- Đứa con mà Đỗ Ký có bài thơ "Tặng con" khá hay?
- Thì ai vào đó nữa bác!
Nói xong, Đỗ Ký vội vã chia tay, leo lên chiếc Vespa cà tàng, nổ máy lao đi phầm phầm.
Đã từng là diễn viên múa sô lô
Hồi còn học sư phạm, nữ sĩ Thu Nguyệt rất xinh và tất nhiên, rất trẻ. Có lẽ do vậy mà nàng được chọn vào đội văn nghệ của trường. Ai ngờ, "pha" tuyển chọn chủ yếu dựa vào tiêu chí "sắc" ấy lại phát hiện được một "vũ công" sáng giá.
Trong suốt ba năm học hành để ra làm một cô giáo dạy Văn, Thu Nguyệt luôn có mặt trong các màn múa với vai trò sô - lô, góp phần làm cho đội văn nghệ Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp bao giờ cũng đứng hàng đầu trong các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng những năm ấy.
Có điều, trong những ngày đi “múa”, mấy ông thầy phụ trách đội văn nghệ bao giờ cũng phấp phỏng về cái tính “kiêu kỳ pha nhõng nhẽo" của nàng Thu Nguyệt. Con gái đẹp ai chả thế!
Nghe đâu có lần, tham gia hội diễn tại rạp hát Sa Đéc, sắp đến tiết mục múa “Tiếng hò quê hương", dựa trên nền âm nhạc của ca khúc cùng tên do ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Tỉnh sáng tác, bỗng không hiểu vì sao, Thu Nguyệt leo lên giường nằm trùm mền (tại Nhà khách Công đoàn, đối điện với rạp hát). Ai cũng toát mồ hôi. Rồi bỗng nhiên, Thu Nguyệt vùng dậy, trang điểm qua loa, “nhảy” lên múa. Trời hỡi! Một "pha" múa xuất thần của nàng! Tiết mục đạt giải xuất sắc. Song cả đoàn được một phen hú vía.
Tuy nhiên, không phải vì nhờ "múa may" mà Thu Nguyệt được nhận về Hội Văn học Nghệ thuật. Cái chính là nhờ trong mấy năm học sư phạm, nàng đã làm thơ, lại có thơ đăng báo, gây chú ý ngay từ những bài đầu tiên như "Chiều quê"… chẳng hạn.
Lạ, kể từ khi đó, chút “đồng bóng” ấy của Thu Nguyệt không thấy tái hiện lần nào…
Ra đi vì một lý do rất văn nghệ
"Vai chính" của nhà thơ Lê Minh Hùng là giáo viên dạy Văn ở trường trung học phổ thông. Thực ra, anh vốn là một cán bộ giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, mà là một giảng viên trẻ, có năng lực, được đồng nghiệp thừa nhận và sinh viên yêu kính.
Trong một lần hướng dẫn sinh viên làm bài tập nghiên cứu, vừa để lấy điểm miễn một môn thi học kỳ vừa để làm tham luận cho câu lạc bộ văn học dân gian, nghe đâu Lê Minh Hùng đã chấm cả điểm “xinh” cho bài tập của một nữ sinh.
Điểm bài tập cao quá, khiến người ta phải tổ chức mấy cuộc họp chuyên môn để mổ xẻ, so sánh với những bài tập khác cũng của ông thầy này hướng dẫn, và cuối cùng đi đến kết luận: Nhà thơ đã chấm điểm thiên vị cho người - đẹp - sinh - viên kia!
Lê Minh Hùng nói tỉnh queo ở đâu đó:
- Văn chương học thuật mà không đi với cái đẹp, cái trẻ thì là thứ văn chương học thuật vứt đi!
Câu nói lọt tai một vị lãnh đạo cực đoan và thế là Lê Minh Hùng có tên trong danh sách phải "ra đi” (về dạy trung học phổ thông) lần đó.
Cùng đi còn có nhà thơ Phạm Quang Ái, nhưng bởimột lý do không thật văn nghệ lắm như Lê Minh Hùng.
“Cô gái ăn quà vặt"
Đó là tên một bài thơ của Thai Sắc, viết trong đợt đi thực tế sáng tác mùa lũ năm 1991 do Phân hội Văn học tổ chức, lấy cảm hứng từ mấy nữ sĩ có mặt trong đoàn: Thu Nguyệt, Trần Thị Hoàng Anh, Nguyễn Thị Phước.
Trên chiếc tắc - ráng ì ì xuyên Đồng Tháp Mười, đi qua những bờ điên điển xác xơ, những làng ấp trằn mình trong cơn lũ…, mấy chục anh chị em sáng tác văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đang tập trung quan sát, ghi nhận, trao đổi… về thực trạng lũ lụt đang diễn ra.
Có điều, trên tay các nữ sĩ bao giờ cũng đang cầm một món quà vặt gì đó như trái cây, bánh kẹo, củ ấu… và miệng các nàng thì liên hồi "tóp tép", nhìn phát thèm!
Nhân vậy, Thai Sắc nổi hứng làm mấy câu thơ đọc chơi. Ai ngờ, sau này "o bế" thành bài thơ đăng báo “Văn nghệ Đồng Tháp”. Đại khái ý từ bài thơ là: Sao em ăn quà vặt hoài vậy? Ngày xưa, các cụ chúa ghét thứ con gái như thế lắm lắm! Thời nay thì khác rồi, em cứ ăn quà vặt cho thỏa thích, nhưng luôn nhớ cho: “Đừng hôn vặt dọc tình yêu!"
Xuất xứ một bài thơ
Nguyễn Thị Phước thiên viết về truyện ngắn hơn thơ. Vậy mà trong đợt đi thực tế mùa lũ 1991, chị đã viết được bài lục bát hay.
Số là, trong một lần đi xuyên Đồng Tháp Mười, anh em trong đoàn kéo nhau lên nóc tắc - ráng ngồi ngắm cảnh trời nước mênh mông.
Bỗng, trưởng đoàn Thu Nguyệt đề nghị:
- Thầy Thái (tên thật của Thai Sắc) hát một bài đi ạ!
Trần Thị Hoàng Anh đế thêm:
- Quan họ Bắc Ninh nghen!
Thế là, trên chiếc tắc - ráng chênh vênh giữa mùa lũ Đồng Tháp Mười, bài dân ca Quan họ Bắc Ninh: "Ngồi tựa mạn thuyền" cất lên dìu dặt, man mác. Cũng may, giọng ca Thai Sắc, một thời làm văn công trong quân đội, nghe vẫn còn tàm tạm.
Thật lạ lùng, trước làn điệu và ca từ của bài dân ca (và có thể cả giọng ca?), Nguyễn Thị Phước như bị thôi miên, rưng rưng nước mắt.
Có lẽ vì vậy mà chị xuất thần làm ra những dòng lục bát của bài thơ “Xôn xao đồng nước", sau này in trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp” cũng như được đưa vào tuyển tập sáng tác 20 năm của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp.
Bài thơ có những dòng:
"Giữa bao la nước Tháp Mười
Nghe câu quan họ thấy người chung chiêng".
Chỉ tại một ngày đi viết
Có lần đang đêm, Đinh Thành Nam đột ngột nhập viện vì bệnh tim tái phát. Tác giả của hai tập truyện ngắn“Cây lá đan mặt trời” và "Nắng ban mai" yếu lắm! Da anh xanh như nhìn thấu cả xương và người anh gầy như cây cột cắm cờ.
Anh em văn nghệ không khỏi lo lắng cho Đinh Thành Nam, một phóng viên chủ lực của tờ "Văn nghệ Đồng Tháp”.
Nhưng rồi anh lại gượng dậy được, phục hồi và trở về tiếp tục sáng tác.
Sau này, mới biết, thì ra suốt cái ngày đầy nắng nỏ ấy, Đinh Thành Nam đã cưỡi chiếc xe máy cổ lổ đi ba vòng bảy tao, hết lên Cao Lãnh lại xuống Lai Vung, lo viết xong mấy bài báo cho kịp số tới.
Người ít bệnh, đi vậy còn ngáp không nổi, huống hồ Đinh Thành Nam với con tim đầy bất trắc luôn phập phù đe dọa!
"Sinh ư nghề, tử ư nghiệp" là vậy chăng?
Siêu cực đoan
Ai cũng biết Nguyễn Việt Hải (Việt Hải, Đặng Ca Việt…) bề ngoài có vẻ "khắc khẩu", khó gần nhưng tấm lòng thì vị tha, nhân ái lắm!
Sống thẳng thắn, trung thực, khiến lắm lúc, trong hành xử, Việt Hải hóa thành một người siêu cực đoan đến độ… không giống ai!
Anh yêu ai thì ngợi ca không tiếc lời, trong đó có vợ anh - nhà thơ Thu Nguyệt! Mà không thích ai thì anh cũng chẳng ngại dùng những từ ngữ "húy kỵ" để nói về họ.
Có lần, trong một tiệc nhậu tại tư gia của vợ chồng anh ở Thành phố Hồ Chí Minh có mặt khá nhiều anh em làm văn nghệ của Đồng Tháp: Trần Quốc Toàn, Thai Sắc, Quang Ngọc, Trần Thị Hoàng Anh, Phước Giang, Trọng Quý…, khi lừng sừng chút đỉnh, Việt Hải vỗ bàn:
- Trong giới làm văn nghệ ở Đồng Tháp, tớ ghét cay ghét đắng hai thằng Đ.K và T.M.T. Tác phẩm của bọn ấy, dẫu có lỗi lạc, đạt giải Nô - ben, tớ cũng… đếch vẽ bìa cho!...
Chuyện rằng, ngày nọ, có đám cưới "trễ" của một cặp nhà thơ, nhà văn. Chú rễ là người mà Việt Hải không thích. Tuy nhiên, là một trong những họa sĩ đầu đàn ở Đồng Tháp, anh vẫn “trằn mình" lo trang trí phòng lễ. Nhưng đến khi chính thức tổ chức lễ thành hôn, Việt Hải chỉ để vợ mình đến dự. Còn anh xin ở nhà tổ chức… nhậu lai rai chơi với mấy bức sơn dầu khoả thân mới vẽ.
Cái chất siêu cực đoan ấy cũng đã ngấm vào không ít những bức tranh, truyện ngắn, bài thơ… của anh.
Và, hình như ít nhiều nó cũng lây lây sang cả phu nhân của anh cùng một số bạn bè của anh như họa sĩ T.C.H chẳng hạn.
Vô địch cưỡi xe đạp đường trường
Ở Đồng Tháp, vô địch đi bộ đã có nhà thơ Hạc Thành Hoa.
Còn nếu tổ chức cuộc thi xe đạp đường trường, ngôi quán quân không ai khác ngoài nhà thơ… Nguyễn Bình Yên (Thụy Linh Phương…).
Từ khi rời ghế dạy học và không làm văn hóa thông tin, anh chuyển hẳn sang làm… một người tự do. Ngày ngày, trên chiếc xe đạp lọc cọc đúng nghĩa, Nguyễn Bình Yên len lỏi khắp phố phường, xóm ấp để thực thi một “nghĩa cử” cao cả cho giới văn nghệ Đồng Tháp: phát hành sách, báo.
Anh là người nhận tiêu thụ số lượng lớn báo “Văn nghệ Đồng Tháp” mỗi kì và những đầu sách “khó nuốt” do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp ấn hành.
Ở Đồng Tháp, nhắc đến anh, hầu hết các cơ quan, ban ngành đều rành rẽ.
Về lĩnh vực trên, nếu so với nhà thơ Đỗ Ký, có thể Nguyễn Bình Yên chưa bằng. Nhưng chắc chắn anh vượt Đỗ Ký về cái khoản… cưỡi xe đạp, tần tảo, miệt mài chở văn chương thi phú đến làm vui cho mọi ngành, mọi nhà, mọi người…
Như vậy biết đâu, Nguyễn Bình Yên cũng sẽ là một trong những ứng viên chức "vô địch” về khoản: các nhà thơ, nhà văn được nhiều người biết đến danh tính cũng như "xác phàm" nhứt!
Nhà giáo - phó cạo - nhà văn
Trọng Quý vốn là một giáo viên dạy Văn, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trước Thu Nguyệt một khóa và đã từng nhiều năm làm Hiệu trưởng một trường phổ thông cấp 2 ở vùng sâu Tháp Mười.
Ở một môi trường công tác công tác còn vô vàn khó khăn ấy, với bút danh Tú Uyên, anh đã sáng tác được những truyện ngắn đầy ắp chi tiết chân thực và nhiều vấn đề mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, như truyện ngắn "Kẻ tử thù của tôi" chẳng hạn.
Đang làm "quan", bỗng nhiên, Trọng Quý nghỉ ngang xương, về Sa Đéc làm một…gã phó cạo! Người viết những mẫu chuyện này, may mắn đã từng được Trọng Quý "gọt miễn phí" cho vài lần. Anh hớt tóc, cạo mặt, lấy dáy tai…êm trời lắm !
Ít lâu sau, đã thấy Trọng Quý ngồi "nghênh ngang" ở Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp. Hỏi ra mới biết, anh đã thôi nghề hớt tóc, chuyển hẳn sang nghề văn, vừa làm phóng viên đi viết phòng sự, truyện ký…vừa biên tập văn xuôi cho tờ “Văn nghệ Đồng Tháp”.
Dạo Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất tại Hà Nội, ở Đồng Tháp, cùng Thu Nguyệt, Trọng Quý được cử đi. Cuối hội nghị, đến lúc dự tiệc đứng do Hội Nhà văn chiêu đãi, Trọng Quý lớ ngớ như Hai Lúa ra phố, chẳng thể chen chân nổi với đám nhà văn, nhà thơ, kiếm đỡ lon bia, miếng giò… đành đứng hút thuốc nhìn…thiên hạ ăn uống rầm rầm.
Thế mới hay, là nhà văn và đã từng làm nghề "vặn đầu” cho không biết bao già trẻ lớn bé mà Trọng Quý vẫn không phai chất nhà giáo khi xưa…
Người có duyên bán sách
Ở Đồng Tháp, nhà thơ có duyên bán được sách mình in không ai khác hơn Đỗ Ký. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã coi đó như một năng khiếu.
Nhà thơ Phù Sa Lộc tận bên Cần Thơ vừa in tập sách đã viết thư sang cho Thai Sắc, rằng: "Nhờ ông cầu "sư phụ” Đỗ Ký tiêu thụ giùm cho vài trăm cuốn!”
Nhìn Đỗ Ký “rao”, cái miệng đầy râu ria, sao duyên tệ!
Tập thơ “Lời cầu nguyện cho chiếc răng cuối cùng" của anh, gần như chẳng gặp trở ngại gì khi phát hành, kể cả nhiều lần tái bản với số lượng lớn hơn.
Mà Đỗ Ký đâu chỉ có tài bán sách cho riêng anh. Anh còn giúp Hội Văn học Nghệ thuật phát hành với số lượng kha khá tờ báo và những ấn phẩm khác. Và Đỗ Ký không chỉ bán sách ở nội tỉnh. Anh còn bôn tẩu khắp miền Tây, ra cả ngoài miền Đông và tận miền Trung nữa! Có lần, anh dự định, nếu có được cuốn sách với nội dung phù hợp, sẽ làm một cuộc phát hành từ Bắc chí Nam bằng tàu hỏa và chính trên tàu hỏa!
Nói chung ở đâu, độc giả cũng đều biết và sau đó nhắc đến anh với tấm lòng mến mộ.
Duy chỉ có một lần, trên tờ "Văn nghệ Đồng Tháp” có bài viết đưa chuyện đi bán sách của anh tại các trường học ra phê phán, bảo rằng: "Đừng biến trường học thành thị trường". Tuy nhiên, bài báo ít tạo được sự đồng cảm nơi người đọc, bởi cách nhìn vấn đề còn quá khắt khe, thiếu cảm thông với người sáng tác văn chương trong cơ chế mới.
Gần đây, Đỗ Ký tự nguyện đi cùng nhà thơ Hạc Thành Hoa phát hành tập thơ “Phía sau một vầng trăng” của tác giả này. Ở nhiều trường học, học sinh, sinh viên và cả giáo viên đã ủng hộ nhiệt tình lắm!
Trong thời buổi sách văn chương đang ế ẩm và hệ thống phát hành sách báo đích thực bị bỏ trống thì việc làm của Đỗ Ký nói riêng và các nhà thơ, nhà văn nói chung là việc chẳng đừng.
Xét trên góc độ phục vụ độc giả, đó là một hành vi văn hóa đáng trân trọng!
Hai lần đưa hình con lên bìa sách
Có lẽ, đó là chuyện hi hữu, độc nhất vô nhị của giới sáng tác văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Người làm được chuyện "động trời” nói trên, không ai ngoài nhà văn Đinh Thành Nam!
Lần thứ nhất, Đinh văn sĩ chuẩn bị in tập truyện thiếu nhi có tên "Nắng ban mai" (1994) nhưng rất "bí" trong khâu trình bày bìa. Nhờ họa sĩ vẽ bìa, một mặt sợ tập sách nhỏ chưa xứng tầm với họ, mặt khác lại phải "gặm" mất một khúc kinh phí tự bỏ ra xuất bản; xót lắm! Tính tới tính lui, loay hoay mãi, bỗng ngước mắt nhìn lên tường nhà, Đinh Thành Nam bắt gặp tấm hình Thành Duy, đứa con trai bốn tuổi của anh. Ý định táo bạo nảy sinh: in luôn tấm hình con làm bìa, vừa có bìa sách ofsset 4 màu, vừa chẳng mất tiền nhờ họa sĩ, vừa quảng bá chân dung đệ tử khắp bàn dân thiên hạ. Thật là nhất cử tam tiện!
Ai cũng nghĩ, chắc Đinh văn sĩ chỉ chơi ngông một lần thế thôi.
Bẳng đi khá lâu, bất ngờ nhà văn lại chìa vào tay bạn bè, đồng nghiệp tấm hình chân dung mới của quý tử họ Đinh, đứng dạng chân như thách thức đám trẻ con trong thiên hạ, trên bìa tập sách mới: "Những cánh rừng sim mua".
Thai Sắc
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...