Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Từ Murasaki đến Kawabata

Từ Murasaki đến Kawabata
Hai cách ứng xử với văn hóa.
Đất Nhật không xa đất Việt. Chữ Nhật và chữ Nôm cùng chung gốc Hán, nhưng đối với người Việt, lịch sử và văn hóa Nhật dường như rất xa vời, tuy hai dân tộc có cùng tiến trình lập quốc, xây dựng ngôn ngữ, sao chép văn minh Trung Hoa, cùng tìm cách thoát khỏi nguồn gốc "Thiên triều" để thiết lập bản sắc riêng của mình. Điểm khác biệt giữa Nhật Bản và các nước làng giềng là người Nhật công nhận mình sao chép, họ phân tích và tìm hiểu bản chất những điều vay mượn, từ đó, rút kinh nghiệm, giữ khoảng cách với "nguyên bản", để xây dựng và đào sâu những nét riêng của mình. Người Việt tránh đả động đến những điều mình "mượn" của Trung Quốc, từ tên tỉnh, tên thành, đến tên vua... và coi truyền thống "chống ngoại xâm" là niềm tự hào dân tộc, trong khi người Nhật gây khác biệt bằng sự học hỏi và phát triển. Chính ở chỗ đó mà chúng ta khác Nhật: "vô địch thắng trận", đánh Tây, đuổi Mỹ, nhưng chúng ta không thoát ra khỏi tình trạng nhược tiểu, trong khi Nhật Bản chiến bại, là một cường quốc.
Nhật Bản có nền hội họa lâu đời, nghệ thuật điện ảnh độc đáo, trong khi chúng ta mới chập chững vẽ vời, bập bẹ quay phim. Người Nhật có tay nghề, trong khi chúng ta vẫn còn là những người mới tập việc. Sự chênh lệch không chỉ bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX, vì Nhật "có" Minh Trị thiên hoàng canh tân nước Nhật, như ta vẫn thường tự biện hộ, mà thật sự chúng ta đã kém Nhật từ hơn ngàn năm trước, từ khi cả hai nước còn trong thuở "ấu thời", chưa thoát khỏi ảnh hưởng nước Tàu, để thiết lập một bản sắc văn hoá, tạo dựng một tâm hồn dân tộc riêng tư: chúng ta luôn luôn "tài tử" trong khi người Nhật luôn luôn đạt tới sự "chuyên nghiệp". Kawabata, nhà văn Nhật đoạt giải Nobel 1968, là một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần chuyên nghiệp này. Và trước ông chín thế kỷ, Murasaki đã là một trong những nhà văn chuyên nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và của thế giới.
Tìm hiểu tâm hồn Nhật Bản, tất yếu "phải" tìm đến Kawabata, và để phân tích tác phẩm Kawabata, chúng ta không thể không tìm về nguồn gốc, về vị tiền bối mà Kawabata coi như người thày đã "ảnh hưởng sâu xa đến bút pháp và tâm hồn" ông: Murasaki Shikibu, tiểu thuyết gia đầu tiên của Nhật Bản và của nhân loại.
Nhật là một quần đảo gồm khoảng 3400 đảo trải dài hình cánh cung như một vũ trụ hành tinh. Hondo, đảo chính, chiếm nửa phần diện tích nước Nhật. Tục truyền, tổ tiên dân tộc Nhật là hai anh em ruột: Izanagi, người anh và Izanami, người em gái, được một vị thần sai xuống lập quốc. Họ đứng trên vòm trời, cầm đoản đao nạm kim cương, phóng xuống đại dương rồi vớt lên: Mỗi giọt nước từ đoản đao rơi xuống biến thành một hòn đảo. Hai anh em Izanagi và Izanami kết hợp với nhau sinh ra dân Nhật. Từ con mắt trái của Izanagi, xuất hiện Thái dương thần nữ Nigigi. Cháu nội của Thái dương thần nữ là tổ tiên của Thiên Hoàng, cho nên từ ngày lập quốc đến nay nước Nhật chỉ có một dòng vua.
Huyền sử lập quốc của Nhật cũng như huyền sử mẹ Âu Cơ của Việt Nam chứa nhiều mơ mộng thần kỳ. Giả thiết khoa học có khác: những hòn đảo ở Nhật do vỏ trái đất chuyển động sinh ra. Người Nhật hợp chủng ba dòng máu: da trắng từ sông Hắc Long sang Nhật vào thời kỳ Tân thạch khí, da vàng Mông Cổ từ Triều Tiên đến Nhật vào thế kỷ thứ VII trước Thiên chúa và dòng Mã Lai hoặc Indonesia từ các đảo phía Nam lên.
Theo sử Trung Quốc, thì đến thế kỷ thứ IV, sau Thiên chúa, người Nhật vẫn còn là một giống "man rợ", mặt vẽ, tay cầm đoản đao, mang cung tên, bận quần áo may chung làm một, đi chân đất, thích uống rượu, theo đạo đa thần, sống thành bộ lạc, trong một xã hội du mục phong kiến mà các tù trưởng có oai quyền ngang vua. Trong niềm tin thần đạo của người Nhật, tất cả đều có hồn, thần trụ ở khắp nơi, từ vì sao đến con sâu, ngọn cỏ. Cũng trong thế kỷ IV này, Trung quốc ở vào thời đại nhà Tấn, đất Giao Chỉ của chúng ta đang bị nhà Đông Tấn đô hộ. Đối với người Tàu, dân Việt cũng là một giống "rợ", có tật xâm mình, hai ngón chân cái giao nhau (giao chỉ). Nhìn sang phương Tây, cuối thế kỷ IV, đế quốc La Mã bắt đầu suy nhược, chia hai: Đông La Mã và Tây La Mã.
Vào khoảng năm 400, hai người Triều tiên Ajiki và Wani đưa đạo Khổng vào Nhật, và  năm 538, đạo Phật chính thức từ Trung Quốc truyền sang. Thời kỳ Asuka(550-670), triều đình chưa lập đô nhất định. Có sự tranh chấp giữa hai thế lực: phe Soga, chủ trương theo ảnh hưởng văn minh Trung Quốc và Mononobe, phe Thần đạo, muốn giữ một nước Nhật Bản đứng riêng. Khuynh hướng Soga toàn thắng. Nữ hoàng Suiko (592-628), dưới quyền nhiếp chính của Shõtoku, du nhập văn minh Trung quốc, đem đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, từ Trung hoa vào để canh tân nước Nhật. Bà tôn đạo Phật làm quốc giáo, che chở tăng già, xây dựng chùa chiền. Văn chương hội họa thời ấy chịu ảnh hưởng đạo Phật.
Dòng họ Nakatomi giúp thiên hoàng thực hiện cuộc cải cách 645 theo khuôn mẫu chính trị Trung quốc, thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế. Nakatomi Kamatari, người chủ trương cải cách được ban tên Fujiwara. Từ đây, dòng họ Soga bị loại hẳn khỏi chính trường, phe Nakatomi lên thay, đổi tên thành Fujiwara, và trở thành dòng họ nổi tiếng giữ địa vị nhiếp chính qua nhiều triều đại.
Năm 710, Nhật hoàng quyết định đóng đô ở Heijõ-kyõ (nay là Nara). Thời đại Nara (710-794) là thời kỳ Nhật Bản chính thức dựng nước. Thành Nara rập theo mẫu bàn cờ của thành Tràng An nhà Đường. Nhật bắt đầu có sử viết: cuốn Lịch sử biên niên Nhật bản (Nihonshoki - Annales du Japon) và cuốn Kinh thư (Kojiki - Livre des éléments anciens) là hai cuốn sách sớm nhất viết về nguồn gốc Thái dương thần nữ của Thiên hoàng. Trong hơn hai thế kỷ, Nhật mở rộng sự giao thông với Trung quốc, gửi sinh viên du học, sứ giả đi về thường xuyên, từ 630 đến 894, có tới 13 sứ giả Nhật Bản đến Tràng An. Trong thời đại Nara,  Nhật chịu ảnh hưởng văn hóa nhà Đường: học người Tàu cách ăn mặc, nấu nướng, chữ viết, văn thơ, âm nhạc, kiến trúc, v.v... Triều vua Shõmu (724-749) và nữ hoàng Kõken (749-758) là hai triều đại cực thịnh trong thời đại Nara.  
Năm 794, Nhật hoàng Kammu (782-805) quyết định bỏ Nara, mà ông cho là ảnh hưởng Phật giáo quá nặng nề, các nhà sư chen vào chính sự. Vua rời đô về Heian-kyõ (thành Hoà bình), tức Kyôto bây giờ, (Kyôto trở thành kinh đô Nhật từ 794 đến 1868), xây dựng một thời đại mới trong lịch sử Nhật Bản: Thời đại Heian(thời đại Thái bình) trong gần 400 năm (794-1185), chủ yếu dưới quyền nhiếp chính của dòng họ Fujiwara. Thời Heian chia làm hai giai đoạn: Thế kỷ đầu dưới thời Kõnin và Jõgan nhiếp chính (794-894), Nhật vẫn còn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và sang thời Fujiwara (894-1185), Nhật tách rời văn minh Trung Quốc.
Nửa cuối thế kỷ XII, Fujiwara dần dần suy yếu, xẩy ra sự tranh chấp chiến tranh giữa hai phe Taira và Minamota. Minamota no Yorimoto thắng trận, năm 1185, lên nắm quyền nhiếp chính, chấm dứt thời đại Heian; kết thúc thời hòa bình quân chủ, bắt đầu thời phong kiến chiến tranh. Minamota được phong Shõgun (Đại nguyên soái) và dựng một chính quyền quân sự ở Kamakura. Kamakura trở thành kinh đô quân sự của nước Nhật thời chiến. Shõgun, hay sei-i-tai shõgun, nguyên là chức vua ban cho viên tướng cầm quân đi đánh "rợ" (chức vụ này giới hạn trong thời gian chỉ huy, và xuất hiện trong lịch sử Nhật Bản lần đầu, năm 720). Nhật hoàng Go-Toba (1185-1198) phong cho Minamota no Yorimoto làm Shõgun suốt đời, cha truyền con nối, như ngôi chúa. Nhà Chúa hay Shõgun thực sự nắm quyền, dưới danh nghĩa phò vua, như nước ta dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Thời đại Kamakura kéo dài 140 năm (1192-1333), văn chương chuyển sang khuynh hướng sử thi.
Trở lại với thời đại Heian (794-1192) được coi như thời kỳ cổ điển của văn hoá Nhật, Duới quyến nhiếp chính của dòng họ Fujiwara, Nhật bắt đầu giữ khoảng cách với Trung Quốc để tạo dựng nền văn minh riêng của mình. Trong 4 thế kỷ, trăm hoa đua nở, tương tự như thời kỳ Phục Hưng ở Âu châu. Cùng thời gian này, Trung Quốc đang ở dưới các triều đại Đường-Tống. Việt Nam vừa chấm dứt thế kỷ cuối cùng của một nghìn năm đô hộ để bước vào thời kỳ tự chủ, từ năm 939 trở đi, liên tiếp dưới những triều: Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý.
Trong bối cảnh ấy, Murasaki Shikibu ra đời, nàng sống trước Tô Đông Pha, Lý Thường Kiệt và Ỷ Lan, gần nửa thế kỷ; sau Hai Bà Trưng 10 thế kỷ.
Đã đành là chúng ta hầu như không biết gì đích xác về Hai Bà Trưng, ngoài vài hàng trong Đại Việt Sử Ký, nhưng về Ỷ Lan (vợ Thánh Tông, mẹ Nhân Tông), người cùng thời với Murasaki, chúng ta cũng không biết gì nhiều, một vài chứng tích như bà được gọi là Phật Quan Âm, người đã có công mở mang đạo Phật. Trong khi Thánh Tông đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt đánh Tống, Ỷ Lan trông coi việc nội trị, như một chính trị gia lỗi lạc (Hoàng Xuân Hãn cho biết trong Mộng khê bút đàm Thẩm Quát (1030-1094) học giả trứ danh đời Tống có nhắc đến việc này). Về mặt văn học, Ỷ Lan để lại một bài kệ bằng Hán văn. Cũng nhờ Ỷ Lan mà ta biết được ít nhiều về gốc tích Phật giáo ở Việt Nam. Sách Thiền uyển tập anh kể rằng: Năm 1096, nhân ngày rằm tháng hai, trong buổi họp ở chùa Khai Quốc, thái hậu hỏi chư tăng về nghĩa của hai chữ Phật và Tổ, đạo tới xứ ta từ đời nào? Truyền thụ đạo ấy, ai trước? Ai sau? Mà sự niệm tên Phật, hiểu tâm Tổ, là do tự ý ai? Trong đám ấy có sư Trí Không trả lời rõ ràng đầy đủ. Thái hậu bèn tặng sư biệt hiệu: Thông biện đại sư. Và muốn tỏ rằng mình đã hiểu ý Phật, Thái hậu đã kết luận bằng bài kệ sau:
Sắc thị không, không tức sắc
Không thị sắc, sắc tức không
Sắc không câu bất quản
Phương đắc khế chân tông
Hoàng Xuân Hãn dịch:
Sắc là không, không ấy sắc
Không là sắc, sắc ấy không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được đúng chân tông
Đó là bài văn sớm nhất của phụ nữ Việt (1096) còn tồn tại tới ngày nay.
Đặc điểm của dân tộc ta là không biết hoặc không thiết đến việc bảo tồn văn hoá. Chẳng lẽ di sản của chúng ta nghèo đến thế ư? Nhật "cùng tuổi" với ta, vậy mà họ đã phát triển ngành Việt học trước ta, họ giữ dùm chúng ta những văn bản cổ như An nam chí lược của Lê Tắc, sao chụp Đồng Khánh địa dư chí, v.v... trong khi người Việt chưa "quan tâm" đến những tác phẩm này. Việt Nam có nhiều "truyền thống dân tộc" được màu mè tô đậm, nhưng hình như chúng ta rất ít truyền thống giữ gìn quá khứ.
Ngay cả những anh hùng, liệt nữ (mà ta thích tôn vinh), xa như Bà Trưng, bà Triệu, gần như người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, gần nữa như Quang Trung Nguyễn Huệ... chúng ta cũng không biết nhiều về họ. Sử dạy trong trường thường mơ hồ, sách biên khảo thiếu thực chứng khoa học. Chúng ta ít giữ được tư liệu gốc, hoặc chẳng thiết tha tìm kiếm, dù có người giữ hộ. Về văn học, chúng ta hầu như chẳng biết gì về Hồ Xuân Hương, mới thế kỷ XVIII  đây, còn nói gì đến những giá trị thời xưa? Một bài ca tiễn Lý Giác, sứ giả Tàu của sư Khuông Việt thời Lê Đại Hành, một bài thơ nôm của Điểm Bích, thời Trần Anh Tông... lác đác đó đây, không đủ phác họa vài nét sơ sài về nguồn gốc lịch sử văn học của một nước tự coi mình có truyền thống "bốn ngàn năm văn hiến". Chúng ta hay đổ tội cho người, mà ít khi nhận trách nhiệm về mình.
Thời trước, tại "giặc Tàu" đốt sách. Nhưng còn những di sản văn hoá từ thời hậu Lê trở về sau, khi đã đuổi "giặc Minh" rồi, đã tự chủ rồi, thì ai trách nhiệm? Lại phải đợi đến một trăm năm "đô hộ giặc Tây", nhờ chính sách bảo tồn văn hóa Đông Dương của chính quyền thuộc địa, nhờ trường Viễn Đông bác cổ sưu tầm, gìn giữ dùm ta những văn bản quý. Nhưng vừa đuổi "giặc Tây" xong, vừa được độc lập, chúng ta lại trở về với cố tật "man rợ", tự tàn sát văn hoá của mình thêm nhiều trận nữa: bằng những cuộc phần thư, phá hoại di tích lịch sử, trong cải cách ruộng đất, đàn áp văn nghệ sĩ trong Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt sau ngày "giải phóng", tiêu hủy sách vở và văn chương miền Nam. Chính những biện pháp văn hóa phi văn hóa ấy đã chôn vùi đất nước, hạ chúng ta xuống hàng đại nhược tiểu tinh thần. Qua cách đối xử với văn hóa, hình ảnh Việt Nam trước thế giới, là một xứ lực điền, vô địch đánh đuổi ngoại xâm, nhưng có thái độ tàn nhẫn với văn hóa của một kẻ vũ phu mù chữ.
Trở lại với nước Nhật, đầu thế kỷ XI. Thời ấy, văn chương là sản phẩm của giai cấp quý tộc. Dưới triều Nhật hoàng Ichijô (987-1011) nở rộ những văn tài phụ nữ. Ichijô lấy hai cô em họ, con hai người cậu: Fujiwara Sadako (977-1000), chính cung hoàng hậu và Fujiwara Akiko, thứ cung hoàng hậu. Mỗi bà hoàng đều có một "triều đình" riêng, với các công nương tháp tùng là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Sadako có nữ sĩ Sie Shõnagon dưới trướng, Akiko dùng Murasaki Shikibu và Izumi Shikibu làm công nương hầu cận. Cả ba đều nổi danh trên văn đàn.   
Người phụ nữ Nhật, ở thời đó, "trên nguyên tắc" không được học chữ Hán, chữ "thánh hiền", nên họ phải dùng quốc âm để diễn tả tư tưởng (chỉ nguyên tắc thôi, bởi vì trên thực tế, cả Murasaki lẫn Sie Shõnagon đều con nhà nho, đều "lầu thông kinh sử"). Vì sáng tác bằng tiếng Nhật, nên họ tự do hơn, không bị những quy luật, cổ lệ của Hán văn gò ép, và họ đã tạo được một nền văn chương quốc âm Nhật, thoát khỏi ảnh hưởng Hán văn, trong khi phái nam vẫn lệ thuộc vào chữ nho, nặng bề hàn lâm trường ốc, không trội lên được.
Hai thể văn phát triển mạnh thời ấy là nikki (nhật ký) và monogatari (truyện kể, truyện đọc). (Sau này, trong thế kỷ XV, XVI, phát triển thể loại shõshi (truyện viết), đối lập với truyện kể. Shõshi là một loại truyện ngắn, không có giá trị văn chương gì mấy, thường sao chép vụng về những kiệt tác thời Heian, pha thêm chút luân lý đạo đức). Trong thể văn truyện kể, tác phẩm xưa nhất là cuốn Truyện người chẻ tre (Takétori monogatari- Le conte du coupeur de bambous), được Murasaki (trong Truyện Genji) coi như thủy tổ của thể loại monogatari,  kể truyện nàng công chúa trên cung quảng, bị đầy ba năm xuống trần. Thế kỷ X, có độ 10 tác phẩm truyện kể, đời sau lưu lại được 2, đó là Truyện cây rỗng (Utsubo monogatari - Le dit de l'arbre creux) viết vào khoảng 970, về huyền thoại cây đàn koto, và Truyện cái hầm (Ochikubo monogatari-Le dit de la cave) tương tự như Cendrillon sau này. Tóm lại, về thể văn truyện kể, không có gì chuẩn bị hoặc dự báo sự ra đời một kiệt tác như Truyện Genji.
Thể nhật ký đặc biệt được phái nữ sử dụng, phát triển song song với truyện kể. Hai tập nổi tiếng còn được lưu lại đến ngày nay là Nhật ký Takamitsu(Takamitsu nikki), của viên chỉ huy vệ binh viết trong khoảng 961-962, sau khi đi tu và cuốn Nhật ký phù du (Kagerõ no nikki - Journal d'une éphémère), viết từ 954 đến 974, là áng thơ trác tuyệt của một nữ sĩ nổi tiếng được gọi là "Mẹ của tể tướng Michitsuna". Tác phẩm được coi là kiệt tác trong thể loại nhật ký này là tập Tạp ghi bên gối (Makura no sõshi- Notes de chevet) của Sei Sõnagon. Một loại nhật ký không ngày tháng, viết theo thể tùy hứng phóng bút, ghi lại từng mảng đời sống trong triều, với những phác họa chân dung vua, hoàng hậu, đình thần, bằng ngòi bút tinh tế, chân thật, tự nhiên, thơ mộng, dí dỏm, và uyên bác (Murasaki, trong nhật ký, có ý chê Sei Sõnagon phô trương kiến thức). Và tập Nhật ký Murasaki (Murasaki Shikibu nikki), viết từ mùa thu năm 1008 đến đầu năm 1010, về đời sống trong triều, kể lại những thành công mà nàng gặt hái được về mặt văn chương và vẽ chân dung một vài "đối thủ" của nàng với những nét mỉa mai châm biếm.  
Truyện Genji - vượt ra ngoài lối truyện kể theo cổ tích, thần kỳ thời ấy- khai phá thể loại hư cấu, (như chúng ta hiểu nghĩa hư cấu hiện nay). Vị trí tiên phong của tác phẩm trong văn chương quốc âm Nhật Bản, có thể so sánh với vị trí Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, trong sự khai phá thơ Nôm của ta trong thế kỷ XV. Nếu Truyện Genji của Murasaki cho biết đời sống và dấu tích chữ Nhật cổ thì Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng là một văn liệu quan trọng cho biết ở thế kỷ XV, tình trạng chữ Nôm của ta như thế nào. Nguyễn Trãi sống sau Murasaki bốn thế kỷ, như vậy có thể nói là chúng ta đã phát triển nền văn học quốc âm, sau Nhật 400 năm.
Murasaki Shikibu là ai?
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc trung bình, cha - Fujiwara no Tamétoki - làm quan và cũng là nhà thơ. Nàng là hậu duệ của Kanésuké, quan đại thần và cũng là nhà thơ nổi tiếng, có danh vị trong Kokin shu (905), tuyển tập thi ca đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản. Theo nhật ký của nàng, năm 1008, Murasaki vào khoảng 30 tuổi, do đó có thể nàng sinh năm 978.   
Ở thời điểm này, xã hội Nhật Bản (cũng như xã hội Việt Nam và hầu hết các xã hội phương Đông khác), đều trọng nam khinh nữ. Như trên đã nói, con trai được học chữ Hán, ngôn ngữ chính thức, con gái không được học loại chữ "cao quý" ấy, mà chỉ được học chữ Nhật (hình thành trong thế kỷ IX, X). Nhưng cô bé Murasaki là một ngoại lệ, có trí nhớ khác người, thường học lóm những bài văn của anh, Murasaki ghi lại: "Khi anh tôi đọc bài, có chỗ anh ấy quên, hoặc không hiểu, thì lạ là tôi lại nhớ và hiểu. Cha tôi ngạc nhiên, ông cụ buột miệng: Giá nó là trai!". Năm 996, khi ông đi nhậm chức trấn thủ ở Echizen, Murasaki theo cha, đó là lần "xuất ngoại" duy nhất của nàng. Năm 998, Murasaki kết hôn với Fujiwara no Nobutaka, người anh họ xa hơn nàng 20 tuổi, năm sau nàng hạ sinh một bé gái (sau này cũng là nhà văn dưới bút hiệu Daini-no-sammi).
Năm 1001, vì có bệnh dịch, chồng nàng được phái đến đền Usa lập đàn cầu (ở vùng Buzen), giữa đường chết vì bị bệnh dịch. Sau tang, Musaraki sống ẩn dật, vùi mình trong sách vở, và bắt đầu viết Truyện Genji, tương truyền, trong đền Ishiyama, bên hồ Biwa những đêm trăng. Huyền thoại trở thành đề tài cho nhiều bức họa đời sau.
Năm 1005, Musaraki được Tể tướng Fujiwara no Michinaga (966-1027) vời vào cung làm công nương hầu cận hoàng hậu Akiko, con gái ông. Murasaki ghi lại trong nhật ký: nàng đã dậy hoàng hậu thơ văn cổ điển Trung Quốc. Năm 1011, vua băng hà, hoàng hậu đi tu. Murasaki  theo bà về ở ẩn và nàng mất năm 1014, ở tuổi 36-37.
Người ta không biết tên thật của nàng. Vì thời ấy người đàn bà không có tên chính thức? Vì không có sổ hộ tịch, chỉ ghi tên những người có chức sắc? Trong Truyện Genji, những nhân vật nữ thường mang biệt hiệu như Khuê nương (La Dame de la Chambre), Dạ nương (Belle du soir), Đằng trang nương (La Dame du clos aux glycines), Tử Thảo (Murasaki)... bởi vì  nhu cầu văn chương, hay vì thời ấy, người đàn bà chưa có hộ tịch? 
Vào triều, người ta gọi nàng là Tô-Shikibu, biệt danh hơi châm biếm, kiểu như "Cây đằng bộ Lễ", bởi Shikibu nhắc nhở chức vụ cha nàng làm việc ở bộ Lễ, còn Tô - là do chữ fuji (ám chỉ phe Fujiwara) đọc theo âm Hán Nhật - nghĩa làglycine (cây đằng), (theo lời giải thích của dịch giả René Sieffert).
Đằng còn có tên nôm là mây, một giống cây leo, hoa chùm, màu xanh như mây, tha thướt võng xuống, yểu điệu như dáng người con gái. Trong Kiều có câu: Tuyết sương che chở cho thân cát đằng. Tuyết sương chỉ người đàn ông (xông pha sương gió), cát là cây sắn, đằng là cây mây, cát đằng vừa chỉ thân phận lẽ mọn, vừa chỉ thân phận người đàn bà, giống như giây leo, như cây mây, cây sắn, sống nương thân nam tử.
Murasaki là một loài tử thảo, và cũng là tên vai chính nữ trong truyện. Sau này, người đọc đã lưu lại Murasaki Shikibu như bút hiệu của nàng.
Thơ Murasaki chịu ảnh hưởng Đường thi, nhưng văn xuôi của nàng, thoát khỏi khung cảnh văn hóa nhà Đường để hình thành ngôn ngữ tiểu thuyết Nhật Bản.
Truyện Genji  
Truyện Genji là một tiểu thuyết hư cấu trên nền xã hội Nhật thời đại Heian. Tác phẩm dày trên 2000 trang, chia làm 54 quyển (hay chương), dàn trải trên dưới 70 năm, với 3 thế hệ, gồm nhiều nhân vật, viết về cuộc đời trầm nổi của hoàng tử Genji.
Quyển 1, vào đầu như một truyện cổ tích: Genji là một hoàng tử đẹp trai, con người thiếp sủng ái của Nhật hoàng, Khuê nương -sức khoẻ mong manh, lại gặp những chèn ép, ghen tị trong đời sống vương triều- đã chết khi Genji còn thơ.
Từ quyển 2 đến quyển 11: Thời thanh niên của Genji. Mỗi quyển là một truyện tình. Mối tình dầy vò nhất với Đằng trang nương, hoàng hậu, qua lần gặp gỡ thầm lén, kết sinh hoàng tử Kaoru mà vua cha tưởng là con mình, lập làm thái tử. Mối tình chung thủy nhất, chàng dành cho Tử thảo- Murasaki, người bạn đường và cũng là người tri kỷ. Quyển 12 và 13: Vì tư thông với người thiếp của vua (anh cả đã lên ngôi, sau khi vua cha mất), Genji bị đi đày ở Suma, rồi Akashi.
 Quyển 14 tới 36: Thời vàng son: được ân xá, Genji trở về triều. Người anh thoái vị. Chàng trở thành Tể tướng. Kaoru lên ngôi, được mẹ trước khi mất cho biết bí mật của đời mình, muốn nhường ngôi cho cha, nhưng Genji không nhận. Genji trở thành Tể Tướng Thái thượng hoàng.
Quyển 37 đến 41: Thời hoạn nạn: định mệnh như vòng nhân quả bắt Genji trả giá: người vợ trẻ mới cưới của chàng có con với người khác. Rồi Tử thảo từ trần. Genji không thể quên người bạn đường tiết hạnh, chàng chết trong hiu quạnh ở tuổi ngũ tuần. Phần thứ nhất của tiểu thuyết chấm dứt ở đây. Phấn thứ nhì, từ quyển 42 đến 54, viết về cuộc đời Kaoru, kém may mắn hơn cha.
Truyện Genji, được René Sieffert dịch sang tiếng Pháp làm hai chặng: Năm 1978,  ông cho xuất bản tập đầu (từ quyển 1 đến quyển 33). Mười năm sau, 1988, ông hoàn thành việc dịch toàn bộ. Vì sự khác biệt giữa tiếng Nhật cổ, và tiếng Nhật ngày nay, cho nên khoảng 1950, Truyện Genji -cũng giống như phần đông các tác phẩm cổ điển khác- được viết lại sang văn phong hiện đại, dưới ngòi bút Tanizaki Jun.ichiro, một trong những nhà văn đương thời nổi tiếng nhất của Nhật, tác phẩm trở thành best-seller. René Sieffert phân vân không biết nên chọn lối viết nào để dịch tác phẩm xuất hiện cách đây một ngàn năm, giọng Madame de Lafayette (1634-1693) hay giọng Marcel Proust?  Dịch một nhà văn mà ông tự hỏi có nên gọi là Marcel Proust Nhật Bản hay phải gọi Proust là Murasaki Pháp? Mà dù gọi thế nào chăng nữa thì cũng làm một trong hai nước mất lòng. Cuối cùng ông chọn giọng Saint Simon (1675-1755) để dịch Murasaki. Và ông cho biết: "Tôi cố gắng hết sức tôn trọng chuyển động của câu văn, và tôi chắc mình đã gần như theo được nhịp điệu phức tạp, rất "nói" của nguyên bản; một văn bản viết ra để "kể", để đọc cao giọng. Tôi phải vừa đọc to nguyên bản, vừa cho chạy máy ghi âm ghi lời bản dịch, để so sánh nhịp điệu hai câu văn" (Tựa, trang XXXI, Le dit du Genji, nxb Publications Orientalistes de France, 1999).
Truyện Genji, được coi là kiệt tác trong văn học cổ điển Nhật Bản, nhưng phải đợi đến  tình trạng dịch thuật và giao lưu văn hóa đương thời, người đọc mới thấy rõ giá trị đích thực của nó. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện thực đầu tiên, đi sâu vào đời sống tình cảm và tâm lý con người, với giọng văn đầy chất thơ:"Ánh trăng mồng bảy khắc những tia nhợt nhạt trên gương hồ. Trong mùa buồn bã, nhánh cây mập mờ phủ lá, những giây hoa võng trên cây tùng hình thù đặc biệt, thân nghiêng, đỉnh cao chót vót, phô bày một quang cảnh quyến rũ khác thường" (trang 617), với những thức động giác quan sâu xa giữa con người và vạn vật trong một tâm hồn đặc dị hòa hợp tuyệt vời với thiên nhiên, chỉ có thể  tìm thấy trong các khu vườn Nhật Bản. Murasaki đã "viết" tâm hồn Nhật trong tác phẩm của nàng, đời sau nhiều người tìm cách nối gót, nhưng không mấy ai đạt được.
Truyện Genji, như bức họa sống động, tỉ mỷ, về cuộc sống vương triều thế kỷ XI, bút pháp phân tích tâm lý sâu sắc mỗi nhân vật. Tác giả đối lập hai tư chất: một bên là Genji, hoàng tử đẹp trai, thông minh, lịch sự, sang trọng, đáng yêu, buông thả, tự do, nhưng lại luôn luôn trung thành với người tri kỷ. Một bên là Murasaki, đoan trang, trí thức, người đàn bà lý tưởng của thời đại Heian. Sự đối chất bật ra những vấn tra định mệnh; những bấp bênh của tình yêu, của hạnh phúc; những vô nghĩa của cuộc đời, của sự sống và sự chết.
Tác phẩm còn mang một chiều hướng tiên phong khác, qua giọng ông hoàng, Murasaki đã tìm cách định nghĩa và phê bình thể loại hư cấu, bàn đến tác dụng của nó trong lòng người đọc: "Trong những lời bịa đặt ấy, cũng có chỗ viết chí tình, gây những cảm xúc rất thực trong lòng người đọc... Có truyện tưởng như không thể tin được, nghe lần đầu ta ngạc nhiên, tựa đầu trên gối nghe lại lần nữa, ta thấy khó chịu, hoặc bị chinh phục hoàn toàn" (trang 507).
Và vẫn qua giọng ông hoàng, Murasaki tóm tắt quan điểm tiểu thuyết của mình: "Dĩ nhiên không phải là  việc phản ánh những sóng gió trong cuộc đời thực của một nhân vật, mà là sự quan sát không ngừng bao nhiêu lối sống đẹp, xấu trên đời. Tha thiết lắng nghe sự sống, ta sẽ tìm thấy những điều muốn gửi lại mai sau, và cũng bởi không thể giữ mãi cho riêng mình, nên đành phải viết ra", "... mỗi cách viết có những tầm cỡ  nông sâu khác nhau, nhưng nếu ném chung vào một lò "bịa đặt" là một ngộ nhận lớn lao. Ngay trong Phật Pháp, cũng có những "cách tiếp cận" lời giáo huấn của đức Phật".(trang 507). Phải chăng đó là một trong những định nghĩa sớm nhất về hư cấu và về cách đọc?
Trước Murasaki, thế giới chưa khám phá ra, hoặc không còn để lại cuốn tiểu thuyết nào  trong nghĩa hư cấu như chúng ta quan niệm. Truyện Genji, viết theo lối văn nói. Vì viết theo lối văn nói thời bấy giờ, tác phẩm là một kho tàng ngữ học và xã hội học về nước Nhật cổ. Cho nên, chỉ hai thế kỷ sau, những nhà nghiên cứu Nhật đã bắt đầu tìm hiểu, phân tích tác phẩm, và từ thế kỷ XVII trở đi, sự khảo sát càng ngày càng sâu rộng thêm. Hiện nay, Truyện Genji được xếp vào một trong 4, 5 kiệt tác mọi thời của nhân loại. Năm 2000, báo chí Pháp kỷ niệm sinh nhật 1000 năm tác phẩm "tiểu thuyết đầu tiên của loài người". Vị trí đó không phải là không xứng đáng.
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...