Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Thanh Thúy, Liêu trai hòa nhập cung đàn

Thanh Thúy, Liêu trai hòa nhập cung đàn
Nửa đêm cuối tuần giữa tháng 3/2019. Bên ngoài trời mưa, ngồi trong garage, phì phà thuốc lá, nghe ca khúc Thúy đã đi rồi của Y Vân. Và, theo ca khúc này, tài tử, đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim cùng tên vào tháng 11 năm 1961, trình chiếu vào đầu năm 1964. Với Nguyễn Long trong mối tình si đơn độc với ca sĩ Thanh Thúy nên thực hiện cuốn phim để gởi gắm tâm sự:
“Thúy đã đi rồi
Những ngày băng giá không tiếng cười
Thúy đã đi rồi
Biết làm sao cho hết thương nguôi
Đành đi tìm quên
Trong cõi u sầu
Người yêu còn đâu
Trong suốt cuộc đời”
Năm 2000, tôi viết bài Thanh Thúy, Liêu Trai Hòa Nhập Cung Đàn cho tờ báo Thế Giới Nghệ Thuật (tôi làm Tổng thư Ký) và các tờ báo khác. Khi nhận được tờ báo, ca sĩ Thanh Thúy cùng phu quân Ôn Văn Tài từ Bắc Cali xuống Little Saigon chơi, chị nói có nhiều bài viết về chị nhưng bài viết của tôi làm chị cảm động, chân tình và nhẹ nhàng. Vào thời điểm đó, internet chưa phổ biến rộng rãi, tôi cũng không post vào trang web, ca sĩ Thanh Thúy cho đánh máy lại và phổ biến trên website thanhthuy.me của chị.
Vào google, search “Vương Trùng Dương viết về Thanh Thúy” hay thanhthuy.me, còn phổ biến bài viết này.
Khoảng mười năm gần đây, có nhiều bài viết (hầu hết ở trong nước) viết về ca sĩ Thanh Thúy, trích rất nhiều đoạn nhưng không ghi nguồn trích dẫn từ bài viết của tôi. Tuy không bận tâm nhưng nếu tôi phổ biến bài viết sẽ bị ngộ nhận “chôm” từ các cây bút trong nước nên trích đăng trên trang web của ca sĩ Thanh Thúy và tờ báo ấn hành vào năm 2000.
Thanh Thúy, Liêu trai hòa nhập cung đàn
Trong kiếp cầm ca, tiếng hát được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải với tha nhân thưởng ngoạn, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ XX, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc, vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam: Thanh Thúy.
* Tiếng hát qua ngọn bút:
Thanh Thúy qua ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhiều nhạc sĩ tài danh được mô tả bằng tiếng hát lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy, triết gia Nguyễn Văn Trung. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành… Trịnh Công Sơn những ngày đầu đời đã viết Ướt Mi cho Thanh Thúy”.
Nguyên Sa lấy tựa đề “Từ Em Tiếng Hát Lên Trời” trong bốn câu thơ lục bát rất tuyệt của Hoàng Trúc Ly tỏ bày trong niềm giao cảm về Thanh Thúy:
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.
Khi xuất hiện dưới ánh đèn màu, trên sân khấu, tiếng hát Thanh Thúy hòa nhập vào cung đàn, chan hoà với âm thanh đã bay bổng, vươn cao trên đỉnh non cao.
Đầu thập niên 60, ngọn bút của cây bút đầu đàn nhóm Sáng Tạo và Kịch Ảnh, Mai Thảo đã gọi “Tiếng Hát Lúc Không Giờ”. Và, Mai Thảo, văn hữu gán cho danh xưng ông hoàng của vũ trường, như bị mê hoặc bởi âm điệu, như bị cuốn hút trong mơ hồ, lãng đãng của cung bậc và bóng dáng, trong men rượu, trong ánh đèn mờ ảo, tay kiếm lão luyện trong văn giới đã phóng với đường gươm: “Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong giòng sông sương mù… chậm và khuya… công phu… kỳ lạ!”. Với tiếng hát đó, Mai Thảo còn gọi thêm “Tiếng Hát Khói Sương” qua bài viết của Lâm Tường Dủ, hình như thông dụng nhất. Sau nầy có ca khúc Tiếng Hát Khói Sương của Đắc Đăng, Thanh Thúy đã hình thành CD mang tựa đề với ca khúc đó. Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết Đại học Văn Khoa Sài Gòn, cây bút không chuyên về ca nhạc cũng bị cuốn hút vào giọng ca và bóng dáng nên đã gọi “Tiếng Hát Liêu Trai”. Bài viết Ảo Ảnh Thanh Thúy của Nguyễn Văn Trung được in vào trong tác phẩm Nhận Định. Theo thời gian, luận án tiến sĩ triết học Karl Marx của ông đã phôi pha, nằm im trong ngăn tủ đâu đó, may còn nhắc nhở bốn tiếng “Tiếng Hát Liêu Trai” để nhắc lại tên ông.
Ở hải ngoại, vào cuối thập niên 90, tác phẩm Chân Dung Những Tiếng Hát của Hồ Trường An, bằng cái nhìn cá nhân của nhà văn, không viết dưới dạng “order” đầy dẫy hình dung từ sáo ngữ. Nhiều chân dung bị đẽo, gọt, nhận xét khắt khe qua ngọn bút; Hồ Trường An viết về Thanh Thúy “Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm”: “Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ”.
Vào tuổi trăng tròn, Thanh Thúy xuất hiện tại phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959, Giọng ca trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, yểu điệu thục nữ, mái tóc dài buông lơi trên vai gầy trong tà áo dài màu trắng, lam nhạt… mang sắc thái đặc biệt cho người ca sĩ. Trong thời gian đó, Thanh Thúy xuất hiện trước công chúng trên Đại Nhạc Hội của ban thoại kịch Kim Cương. Tiếng hát Thanh Thúy vang vọng trên làn sóng phát thanh từ cuối thập niên 50 đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt đi vào lòng thính giả khắp nơi để nhân diện chân dung người ca sĩ.
Tháng 2 năm 1960, Thanh Thúy xuất hiện trên Đại Nhạc Hội Sầm Giang, có Kim Tước, Thúy Nga… như cánh hải âu lướt mình trên sóng nước, tên tuổi người nữ ca sĩ trẻ đẹp, thướt tha lồng với tiếng hát trầm buồn, rung động được ngự trị trong bao trái tim giới thưởng ngoạn, được sự đánh giá của nhiều cây bút tên tuổi về tài năng mới trong làng ca nhạc, ngợi ca trên nhiều báo. Từ đó, Thanh Thúy đi vào con đường nghệ thuật với cánh cửa thênh thanh rộng mở như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc, như đóa hướng dương của hoạ sĩ Van Gogh vào cuối thế kỷ XIX giữa bảo tàng mỹ thuật.
Trong khoảng thời gian ngắn, Thanh Thúy bước lên đài danh vọng của thế giới đèn màu để đạt được ước mơ của mình và có được điều kiện trang trải cuộc sống gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, thân mẫu đang lâm trọng bệnh. Nhưng niềm ước mong của người con hiếu thảo không được toại nguyện trước định mệnh cay nghiệt. Tháng 6 năm 1960, thân mẫu Thanh Thúy qua đời. Là người con thứ tư trong gia đình nhưng Thanh Thúy phải thay người quá cố để chăm sóc hai người em gái là Thanh Mỹ và Thanh Châu. Và hai người em vẫn nương theo thời gian gần gũi với Thanh Thúy, qua bao năm sống nơi hải ngoại, dù có cuộc sống riêng tư nhưng hình ảnh đó vẫn mãi bên nhau.
Mang tâm trạng đau buồn thương nhớ, tiếng hát Thanh Thúy càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu ngọt ngào, du dương chất chứa nỗi đắng cay… làm sao khỏi xúc động, tái tê? Từ phong cách trình diễn đến lời ca trầm mặc, thiết tha, nghẹn ngào, tạo nét độc đáo, riêng rẽ cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương. Năm 1962 Thanh Thúy được bầu chọn Hoa Hậu Nghệ Sĩ. Đồng thời trong ba năm liền theo cuộc trưng cầu ý kiến của nhật báo Trắng Đen, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất. Cảm nhận được hình ảnh đó, nhà văn Tuấn Huy, tác giả Nỗi Buồn Tuổi Trẻ, Ngày Vui Qua Mau đã gọi tiếng hát Thanh Thúy “Tiếng Sầu Ru Khuya” trên tờ Điện Ảnh, tháng 3 năm 1963.
Thanh Thúy: “Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng Hát Khói Sương, Tiếng Hát Lúc Không Giờ, Tiếng Sầu Ru Khuya, Tiếng Hát Lên Trời, Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm…” qua nhiều cây bút với ngôn ngữ văn chương không ngần ngại hạ bút để viết về tiếng hát.
* Cuộc đời và nghệ thuật

Họa sĩ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ với bốn câu thơ:
“Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”.
Cũng như Lệ Thanh, Hà Thanh… Thanh Thúy sinh trưởng ở sông Hương núi Ngự, lớn lên ở Sài Gòn. Gia đình Thanh Thúy ở phía sau chùa Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng. Gia đình rất mộ đạo, từ nhỏ, Thanh Thúy thường theo bà ngoại và mẹ đến làm công quả ở chùa. Quy y phật với pháp danh Sumana, được sự dạy dỗ của Thượng toạ Hộ Giác và Tăng thống Tố Thắng. Vì vậy khi mới tuổi thanh xuân, bước chân vào nghề ca hát, thân mẫu Thanh Thúy rất lo sự cám dỗ ánh đèn sân khấu nên lúc nào cũng tựa cửa chờ con mỗi khi đi trình diễn. Và, Thanh Thúy vào nghề ca hát vì yêu thích lẫn kế sinh nhai để giúp đỡ gia đình.
Đầu thập niên 60 Thanh Thúy nổi danh, tên tuổi Thanh Thúy rất ăn khách vì vậy Nguyễn Long đưa hình ảnh đó vào điện ảnh. Nguyễn Long viết và thực hiện cuốn phim Thúy Đã Đi Rồi vào tháng 11 năm 1961. Ca khúc Thúy Đã Đi Rồi làm tựa đề trong phim, lời của Nguyễn Long, nhạc của Y Vân, Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy trong phim làm nổi bật hình ảnh yêu kiều chân dung nữ ca sĩ. Đi vào kịch nghệ, theo Nguyễn Long, các vở kịch được trình diễn trên sân khấu, truyền hình Việt Nam, nghệ sĩ Xuân Dung, Kim Cương, Bích Thủy đóng vai Thanh Thúy. Hình ảnh đó làm mê hoặc bao kẻ tình si, và chân dung Người Em sầu Mộng trong thơ Lưu Trọng Lư đã mang đến cho bao trái tim đa cảm, lãng mạn. Trong đó, có chàng nhạc sĩ vừa tròn tam thập, người Trà Vinh, dong dỏng cao, tóc phủ dài trông rất lãng tử, cũng là hoàng tử trữ tình của thể điệu Bolero, Rumba qua nhiều ca khúc được ái mộ. Từ tỉnh lên thủ đô, chàng sống phiêu bạt ở Sài Gòn, dang dở mối tình với cô học trò con nhà giàu có. Hình ảnh Thanh Thúy dẫm lên trái tim Trúc Phương, là nguồn cảm hứng cho chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Và, ngược lại, Thanh Thúy nổi danh, được yêu thích nhiều qua nhiều ca khúc của Trúc Phương. Từng nốt nhạc, cung bậc rướm máu trên đầu ngón tay nhấn trên phím đàn tây ban cầm để viết nên cung điệu như dòng thơ của Bích Khê:
“Dây đàn yêu thương rung trong mơ…
Tôi mang lên lầu lên cung thương.
Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng
Tình trong tôi nghe như tinh tang”.
Sau ba thập niên, tháng ngày thoi thóp với căn bệnh ngặt nghèo, trong căn phòng thuê tồi tàn, nhỏ hẹp ở ngõ hẻm quận 11, Sài Gòn, Trúc Phương lìa bỏ cõi trần ngày 18 tháng 9 năm 1995, để lại cho đời 65 ca khúc và một số tác phẩm khác chưa được phổ biến. Trong những ca khúc đầu đời của trái tim đau khổ, duyên nợ bẽ bàng, tình yêu đơn phương tan theo mây khói nhưng hào quang lại về trên đỉnh mây trời giữa kẻ viết dòng nhạc, lời ca và người nâng niu tiếng hát. Đâu đây vẫn vang vọng với tuyệt phẩm Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ… mang mang thiên cổ lụy, xót thương, nghe để tiếc thương cho chuyện tình cay đắng… tiếng hát Thanh Thuý chơi vơi, bồng bềnh trên đỉnh cao, trái tim nhạc sĩ rướm máu, chôn vùi bên vực thẳm.
Sau khi mãn tang cho thân mẫu, Thanh Thúy lập gia đình vào năm 1964, người chồng cũng là tài tử chính trong phim Bão Tình. Chàng sĩ quan Ôn Văn Tài sau nầy mang cấp bậc đại tá trong binh chủng Không Quân. Gia đình được định cư tại Hoa Kỳ trong năm 1975. Vào cuối thập niên 90, đôi tình nhân thuở nào được trở thành ông bà nội.
Với Trúc Phương, duyên nợ không trọn nhưng mối giao cảm trong âm nhạc vẫn cón cao đẹp, giữ mãi cho nhau. Bên bờ Thái Bình Dương, Thanh Thúy vẫn tiếp tục gởi đến tha nhân nhiều ca khúc của Trúc Phương, tương trợ tác giả nơi quê nhà sống bất hạnh. Được tin Trúc Phương vĩnh biệt nhân gian, bên trời Cali, bên người thân trong gia đỉnh, Thanh Thúy viết: “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lơn lao nầy. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau: Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy… Đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương… Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi đôi ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong…” (Thế Giới Nghệ Sĩ, tháng 2-1996).
Trúc Phương yên nghỉ ở nghĩa trang Lái Thiêu, để lại người vợ bệnh hoạn và sáu con. Trong ca khúc Mắt Chân Dung Để Lại, dòng nhạc cuối đời của Trúc Phương vẫn còn tơ vương bóng hình Thanh Thúy: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời”.
Bên cạnh Trúc Phương, ngoài văn nhân đa tình, từ đất thần kinh, chàng thư sinh gầy gò, lang bạt vào Sài Gòn cuối thập niên 50, bắt gặp bóng dáng đồng hương Thanh Thúy, trái tim chàng say đắm. Và cũng là cơ hội tạo nguồn rung cảm, đem cung đàn dẫn nhập vào mối tình si. Ca khúc Ướt Mi của Trịnh Công Sơn trong nỗi si mê đơn phương đã gọi tiếng hát buồn não nề của Thanh Thúy như “Ngoài hiên mưa rơi rơi. Lòng ai như chơi vơi… Đùng khóc trong đêm mưa. Đừng than trong câu ca”. Và, khi được gặp Thanh Thúy, ca khúc Thương Một Người qua hình ảnh “Thương ai về ngõ tối, sương rơi kín đôi vai… Thương một người và mái tóc buông lơi…” Nhưng tình yêu đơn phương của chàng nhạc sĩ mới mười bảy tuồi còn đi học ở Sài Gòn, bước chân vào làng ca nhạc chỉ còn lại bóng mờ trước tiếng hát thành danh. Thanh Thúy hát bài Ướt Mi đầu tiên ở phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh qua tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Ánh 9 rất tuyệt. Thời gian sau, Trịnh công Sơn chạy theo tiếng hát khác ở Đà Lạt.
Với nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã, u hoài, tâm trạng thương cảm, ai oán, bẽ bàng, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy như sự an bày, kết hợp, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác của Tu Mi, Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoản Mẫn, Nhắn Gió Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy… đến Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai của Hoàng Nguyên… và nhiều ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền giọng ca và dòng nhạc trong giới thưởng ngoạn.
Bước sang lãnh vực kinh doanh, Thanh Thúy và nhạc sĩ Ngọc Chánh - con chim đầu đàn của Shotguns - mở phòng trà ca nhạc ở nhà hàng International. Được hai năm thì gặp phải biến cố tang thương của đất nước vào tháng 4, 1975.
Cuộc sống lưu vong xứ người không còn môi trường thuận lợi tưởng chừng tiếng hát khói sương bị nhạt nhoà theo sương khói nhưng rồi sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tha hương được hồi sinh. Thanh Thúy trở lại với kiếp tầm nhả tơ. Tháng 6 năm 1976, Thanh Thúy cho phát hành cassette đầu tiên Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt được đồng hương nhiệt tình đón nhận. Theo thời gian, Trung Tâm băng nhạc Thanh Thúy được hình thành, thực hiện được ba cuốn Video: Thúy, Chuyện Tình buồn và Ngày Về Quê Cũ. Bước vào thế kỷ XXI, hai mươi lăm năm qua, khoảng ba mươi CD của Thanh Thúy đã được thực hiện, trong đó có những CD về tôn giáo như Mẹ Hiền và Phật Ca I, II, III… Là Phật tử thuần thành, Thanh Thúy đã hướng tâm làm công quả trong chương trình phát thanh Tiếng Nói Hương Sen của Phật Giáo. Vào cuối thập niên 90 Thanh Thúy cùng người em gái thực hiện công tác từ thiện ở Á Châu để giúp vui và ủy lạo bà con đồng hương đang bị kẹt ở trại tỵ nạn.
* Kết

Khi người nghệ sĩ được thành danh thì cũng là đối tượng cho báo giới khai thác để đáp ứng thị hiếu của độc giả. Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thuý và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”.

Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách. Nghệ thuật xử thế của Thanh Thuý tự nhiên và lịch sự không có vẻ đóng kịch, không đẩy đưa vì vậy khi tiếp xúc với Thanh Thúy, thiện cảm, chân tình và thoải mái để trao đổi với nhau. Trung tâm Thanh Thúy vẫn đều đặn hình thành nhiều băng nhạc qua hàng trăm ca khúc với giới tiêu thụ thân quen, dĩ nhiên, tiếng hát của Thanh Thúy ngày nay phù hợp cho giới thưởng ngoạn đã đứng tuổi trải qua một thời cảm mến khi còn ở quê nhà.
Trước kia, trong một lần đọc bài viết của Thanh Mỹ, Thanh Châu về người chị biểu tượng như hình ảnh người mẹ hiền đã kề cận bên nhau qua bao thập niên trong nghệ thuật và cuộc sống, tôi cảm mến hình ảnh đó, gọi điện báo tin cho bài viết, Thanh Thúy hỏi thăm cần hỏi điều gì không, tôi trả lời đã thưởng thức nhiều bài hát và đọc qua những bài viết về Thanh Thúy rồi cũng đủ tạo dựng cho hình ảnh tiếng hát thành danh từ quê nhà và hải ngoại. Bước sang thiên kỷ mới, ghi lại đôi dòng đã viết về tiếng hát còn tiếp tục cuộc hành trình trong nghiệp dĩ.
Vương Trùng Dương
Mùa Thu 2000
Trích từ Thế Giới Nghệ Thuật và Tuần báo Người Việt Bốn Phương (Nov 9, 2000)
Nhân tiện viết thêm về kịch sĩ, tài tử, đạo diễn Nguyễn Long. Trước năm 1975 ở Sài Gòn, Nguyễn Long nổi tiếng từ kịch nghệ sang điện ảnh. Thích cỡi moto Harley trông rất bụi (và không hiểu có hay tắm không) có nickname gọi là Long Đất.
Theo bài viết của Trần Quốc Bảo, người em văn nghệ của Nguyễn Long, ghi nhận:
Nguyễn Long tên thật Nguyễn Ngọc Long sinh ngày 2 tháng 3 năm 1934 tại Hải Phòng. Ngày 17 tháng 12 năm 1954 một mình vào Sài Gòn. Tháng 1 năm 1956, làm việc cho cơ quan USAID, tháng 4 chuyển về làm cho Thông Tin Hoa Kỳ thành lập 3 đoàn Ca Nhạc Kịch VN lưu động. Tháng 10 năm 1955, gia nhập ban Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Tháng 2 năm 1956 làm việc cho phòng Điện Ảnh Hoa Kỳ, phụ trách phần sản xuất cho cuốn phim Exodus Ánh Sáng Miền Nam do phòng Điện Ảnh Hoa Kỳ yểm trợ. Tháng 6 năm 1956, đóng phim Đất Lành với Lê Quỳnh, Khánh Ngọc với đạo diễn Ramon Estella người Phi. Hàng đêm vẫn hoạt động với ban Sầm Giang, ban ngày đóng phim.
NL đã góp mặt trong nhiều cuốn phim như The Quiet American (1957), Kim The Pirate (1957), La Confirmation (1957)... Tháng 9 năm 1957 dựng kịch Người Phiêu Bạt (The Rain Maker) và sau đó là các vở kịch Tan Tác, Khi Người Ta Yêu Nhau, Ghen, Giấc Mộng Xuân Tình, U Uất.. Tháng 1 năm 1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim đầu tay Mưa Lạnh Hoàng Hôn và sau đó là các cuốn phim Nước Mắt Đêm Xuân (1961), Thúy Đã Đi Rồi (1964).. Trở lại sân khấu với kịch 24 Giờ Hấp Hối tại rạp Thống Nhất. Tháng 5 năm 1965, đạo diễn phim Người Mẹ Nuôi. Tháng 7 năm 1967 lên đài truền hình VN tới tháng 12 năm 1969 trình diễn gần 70 vở kịch ngắn. Tháng 4 năm 1971 thực hiện phim Anh Yêu Em, sau đó là phim Hè 72, cuối cùng là phim OK-OK năm 1974.
Nguyễn Long qua Mỹ ngày 17 tháng 4 năm 1981, tới tháng 4 năm 1984 đã làm đạo diễn cho các phim Mây Xám Chiều Hoang, hai cuốn Video Nhạc Kịch và sau đó là 3 cuốn Video kịch Thúy Đã Đi Rồi, Như Là Tình Yêu và Chồng Chị Vợ Tôi. Tháng 12 năm 1984, làm báo Kịch Ảnh. Tháng 1 năm 1987, tự bỏ tiền đi tới các trại tỵ nạn VN trên vùng Đông Nam Á tìm hiểu đời sống người tỵ nạn. Năm 1992, ngưng làm báo Kịch Ảnh sau 8 năm với trên 300 số báo.
Năm 1992 Nguyễn Long khởi sự viết sách, bắt đầu bằng tập tài liệu nghiên cứu có tên là Chủ Nghĩa Tư Hữu, rồi đến bộ sách "Việt Nam 94" ghi lại ký ức 60 năm lịch sử VN từ 1934 đến 1994. Việt Nam 95 ghi lại cuộc hành trình của tác giả từ Lạng Sơn đến Cà Mâu. Việt Nam 1996, vòng quanh nước Mỹ và Việt Nam 66 Năm Nhạc, Kịch và Điện Ảnh: 1937 - 2002, ghi chép lại tiểu sử của hàng trăm nghệ sĩ, đạo diễn, tài tử Việt Nam...
Nguyễn Long mất ngày 02 tháng 11, năm 2009 tại Seattle, Washington, để lại vợ cùng bốn con gồm hai trai và hai gái.
Thời gian Nguyễn Long ở Little Saigon, thường gặp bạn bè văn nghệ. Chiếc xe hơi cà rịch cà tàng của anh cũng theo chân chủ nhân đi khắp nước Mỹ. Anh tự ấn hành tác phẩm và để trên cái khay (giống như bán thuốc lá), hay ngồi trước quán Phở Bolsa (góc đường Brookkurst & Westmnster). Anh thường xưng tên Long với tất cả mọi người. Anh rất thương vợ con, có được đồng nào gởi lên đứa con gái út Ngọc Hân. Nguyễn Long đã sống cuộc đời tự lập từ lúc hai mươi khi di cư vào Nam nên khi rời quê hương sống nơi xứ người đã quen với nếp sống phong trần, lãnh tử.
Có lần tôi hỏi anh vì sao không ở Seattle với vợ con thì anh cho biết nơi đó mưa gió quanh năm, chán lắm. Ở Little Saigon khi share phòng cũng gặp khó khăn vì anh ngáy như sấm nên tìm chỗ ở cố định cũng vất vả mặc dù có nhiều thân hữu nhã ý cho anh share với giá “thân hữu”.
Sau khi bài viết về Thanh Thúy, tôi tặng anh tạp chí TGNT, anh rất thích và tâm sự mối tình đơn phương với danh ca. Tôi cũng đồng suy nghĩ với anh, Thanh Thúy hát hay, truyền cảm, đẹp người, đẹp nết, hiền hòa và rất tế nhị nên có nhiều cây si.
Anh thấy tôi hút thuốc lá liên miên nên khuyên bỏ đi. Thế mà anh vĩnh biệt cõi trần nay đã 10 năm.
Tiếng hát Thanh Thúy
3/2019
Vương Trùng Dương
Theo https://www.banvannghe.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...