Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Con đường cảm thụ tác phẩm nghệ thuật

Con đường cảm thụ 
tác phẩm nghệ thuật
Mỗi loại hình nghệ thuật đều sử dụng vào một loại nguyên liệu nhất định để xây dựng nên tác phẩm. Để ghi lại tâm tư tình cảm, ý nghĩ của mình đối với cuộc đời và con người, nhà điêu khắc sử dụng hình khối, nhà họa sĩ sử dụng đường nét, màu sắc, người nhạc sĩ dùng âm thanh, nhịp điệu... còn nguyên liệu để các nhà văn, nhà thơ xây dựng nên tác phẩm văn học lại là ngôn từ. Không thể có văn học nếu thiếu ngôn từ.
Đại văn hào Nga Mắc-xim Goc-rơ-ki đã từng khẳng định: Văn học là nhân học, bởi văn học có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ và bản chất của văn học là đối tượng hóa bản chất người. Vì vậy, tác phẩm văn học không chỉ tác động trực tiếp đến nhận thức của người đọc, giúp người đọc hiểu rõ bản chất hiện thực cuộc sống, con người mà còn tác động trực tiếp đến thế giới tình cảm, cảm xúc, góp phần bồi dưỡng, làm đẹp thêm đời sống tâm hồn con người. Cho nên, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, văn học là phương tiện, là vũ khí sắc bén, là phương thức độc đáo của công tác tư tưởng trong việc xây dựng tình cảm, nếp nghĩ, nếp sống của con người, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của đời sống.
Phát hiện được cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là phát hiện chìa khóa giải mã bức thông điệp của người nghệ sĩ về cuộc sống, con người; với cuộc sống, con người và là phát hiện ra mốc chỉ đường để tìm đến trọng tâm bài giảng.
Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan đều được những người viết sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy xếp vào mục các bài thơ tả cảnh, vịnh vật qua đó mà bộc lộ tâm trạng của nhà thơ.
Bài thơ có 8 câu, trong đó có 4 câu trực tiếp mô tả cảnh. Nếu trừ câu đầu tiên: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, mang nội dung thông báo địa điểm và thời gian dừng chân, thì chỉ còn 3 câu đầy tính ước lệ:
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Rốt cuộc, đọc Qua đèo Ngang người đọc cảm nhận được gì? Chắc chắn sự cảm nhận của bạn đọc không phải là cảnh sắc, đất, trời, non nước trong thơ mà là một tâm trạng, một hồn thơ mực thước, đằm thắm nữ tính, kín đáo với một nỗi buồn xa vắng, khôn nguôi trong cô đơn.
Nói rõ điều đó để khẳng định khi phân tích bài Qua đèo Ngang, muốn hay không, vô tình hay hữu ý, người phân tích văn học hay người dạy trên lớp đều không những không thể bỏ qua mà còn dành nhiều thì giờ và công sức để phân tích, tìm hiểu tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ. Đó là đặc điểm nghệ thuật, đề tài của tác phẩm khác với bài thơ tả cảnh ngụ tình như Thu điếu của Nguyễn Khuyến. Đặt trong quan niệm thơ như là sự biểu hiện cái vô ngã của thế kỷ XVII thì cái tôi trữ tình là vẻ đẹp đầy sức hấp dẫn của bài Qua đèo Ngang.
Thiết nghĩ, cũng cần phải nói thêm, nỗi cô đơn của con người giữa thế gian trong muôn vàn cảnh ngộ khác nhau, đặc biệt là người phụ nữ, từ xưa đã là đề tài của biết bao thi phẩm như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ của Hồ Xuân Hương... Riêng ở nữ sĩ họ Hồ, đằng sau những câu thơ như đùa cợt là nỗi lòng da diết, khắc khoải trong cô đơn.
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn!
(Tự tình)
Hình như ở mỗi con người, ai cũng có một miền nhớ riêng đắm sâu không thể thổ lộ. Nói như vậy để thấu hiểu hơn cái mảnh tình riêng chỉ có ta với ta của Bà Huyện Thanh Quan. Và cũng là để hiểu sự cô đơn như một khái niệm triết học khái quát số phận con người, vì vậy nó cũng là đề tài muôn thuở của thi nhân.
Bài thơ không mô tả hình ảnh Ông đồ mà mô tả cảm xúc của nhà thơ về số phận Ông đồ qua biến thiên của thế sự. Vào thập kỷ 40, xã hội Việt Nam bước vào một phen Âu hóa với những ông Văn Minh, Tuýp Phờ Nờ, bà Phó Đoan, Đốc tờ Xuân... thì Ông đồ chính là cái di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn (Vũ Đình Liên). Số phận Ông đồ tiêu biểu cho số phận những nhà nho cuối mùa đang bơ vơ giữa ngã ba đường trong cơn mưa cát bụi để chờ cái dấu chấm hết của lịch sử Hán học Việt Nam. Vì vậy đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được cái thảng thốt, xót xa, cảm thương cho một số phận, một nét đẹp của một thời đang tàn tạ trong dòng thế sự chuyển thay.
Cái số phận đó đã một thời rực rỡ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Mùa Xuân ấy ở Hà Nội ngày xưa, hoa đào của thiên nhiên, hoa tay của nho sĩ, hai thứ hoa ấy tạo nên nét đẹp một thời ngưỡng mộ, nâng niu. Rồi thế sự đổi thay, cái thời hoàng kim ấy tàn tạ dần:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nơi đâu.
Truyện ngắn được viết vào năm 1919 đúng lúc cuộc vận động Ngũ Tứ bùng nổ. Không phải là truyện ngắn viết về y khoa, về sự chữa bệnh lao thông thường. Hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người, hình ảnh ngôi mộ trong tiết thanh minh, nhân vật Hạ Du không xuất hiện trực tiếp mà chỉ xuất hiện qua lời bàn luận của mọi người trong quán trà là những thủ pháp, chi tiết nghệ thuật nhằm làm nổi bật trọng tâm của tác phẩm: Thuốc có ý nghĩa là phương thuốc dùng để chữa bệnh u mê, lạc hậu, mê tín; bệnh hững hờ, mê muội cho nhân dân Trung Quốc; bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc. Thông qua câu chuyện, nhà văn bày tỏ niềm tin vào nhân dân: Họ sẽ tự thức tỉnh, sẽ hiểu và tham gia cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng cuộc đời mình.
Phát hiện ra những tình tiết, những chi tiết nghệ thuật đặc sắc
Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài viết về cuộc sống khốn cùng của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức nặng nề của phong kiến và thần quyền trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chi tiết tiếng sáo một đêm xuân khi mùa xuân về trên Hồng Ngài. Đầu tiên là tiếng sáo ngoài đầu núi đến tiếng sáo gọi bạn đầu làng và trở thành tiếng sáo gọi bạn tình rồi tiếng sáo rập rờn trong đầu Mỵ. Tiếng sáo ấy thoạt tiên là âm thanh của mùa xuân, rồi trở thành tiếng gọi của mùa xuân trước đã xa, rất xa...và thành tiếng lòng thổn thức, khắc khoải, khát khao của người thiếu phụ... Âm vang của tiếng sáo đã giúp Mị quên cảnh ngộ hiện tại, giúp Mị nhớ ra rằng mình vẫn là một con người, vẫn có quyền sống của một con người. Đó là sự thức tỉnh của ý thức - điểm mấu chốt quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi con người, nhất là khi con người đó đang bị mất tự do trên mọi phương diện. Chính sự thức tỉnh của ý thức đã thôi thúc Mị chuẩn bị đi chơi tết bằng những động thái rất quyết liệt: Với tay lấy cái váy hoa; bỏ thêm mỡ vào đèn... Con người đích thực trong Mị đã sống lại!
Tiếng sáo đêm xuân trong hơi rượu nồng nàn dìu hồn Mỵ bồng bềnh trong nỗi khát khao hạnh phúc, yêu đương là chi tiết nghệ thuật diễn tả thật hay tâm trạng của Mỵ và cũng nói lên được nhiều điều về số phận một con người.
Hay, diễn tả diễn biến tâm lý của Mị khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói cũng là một trường đoạn rất thành công của Tô Hoài mà bất cứ người thầy nào khi giảng đều không thể không phân tích. Bởi đây là đỉnh cao của sự nổi loạn trong Mị. Cô Mị sống lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa của nhà thống lý Pátra không còn nữa, thay vào đó là một cô Mị mạnh mẽ, quyết liệt, đi từ sự dửng dưng, vô cảm trước cảnh tượng người bị trói chờ chết trong nhà thống lý đến sự cảm thông với người đồng cảnh, rồi đến sự thương người hơn chính bản thân mình và cuối cùng là một quyết định bất ngờ ở một tâm hồn đã tê dại suốt bao năm: cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và sau đó là tự giải thoát cho chính mình. Ở trường đoạn này, diễn biến tâm lý của Mị được diễn tả với nhiều cung bậc, phù hợp với tính cách Mị - một con người đa sầu, đa cảm; nói ít, nghĩ nhiều, thiên về đời sống nội tâm nhưng lại tiềm tàng một sức sống vô cùng mãnh liệt.
Mạch cảm xúc của Nguyễn Khoa Điềm trong chương Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng - viết năm 1971) được bắt nguồn từ tư tưởng: Nhân dân là người làm ra Đất nước; Đất nước là của nhân. Dựa trên mạch cảm xúc đó, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn học, văn hóa dân gian cùng sự trải nghiệm cá nhân để cắt nghĩa về nguồn cội của Đất nước. Đất nước được hình thành từ những gì rất gần gũi, thân thiết ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi con người: từ những câu truyện cổ tích được bắt đầu bằng cụm từ Ngày xửa ngày xưa; từ phong tục, tập quán và những nét sinh hoạt đậm chất văn hóa thường ngày như tục ăn trầu bà còn lưu gữi, thói quen bới tóc sau đầu của mẹ, rồi cái kèo, cái cột thành tên; từ truyền thống yêu nước chống giặc của ông cha gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng; từ mối quan hệ tình cảm thủy chung son sắt giữa cha và mẹ qua việc thương nhau bằng gừng cay muối mặn...Và người làm ra Đất nước không phải ai khác mà chính là nhân dân - những con người tình nghĩa, thủy chung, cần cù trong lao động, anh hùng trong đánh giặc; những con người không ai nhớ mặt đặt tên. Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn nhận và đưa đến những phát hiện sâu xa của tác giả về địa lý, lịch sử và văn hóa dân tộc. Theo suốt chiều dài đất nước, ở đâu ta cũng thấy những thắng cảnh, những địa danh độc đáo: Núi Vọng phu, hòn Trống mái, ao đầm, núi bút non nghiên, núi ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm... Trong cảm nhận của nhà thơ những địa danh ấy không dửng dưng tồn tại, vô cảm mà đứng đó. Nó chính là dáng hình, là ao ước, là lối sống của ông cha; là sự góp mình của nhân dân để làm nên Đất nước. Có những cuộc đời ấy mới có núi sông này, mới có một Đất nước vẹn tròn, to lớn. Nét đặc sắc nhất về nghệ thuật và cũng được coi là thành công nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong chương Đất nước mà khi giảng, giáo viên nhất thiết phải phân tích và khẳng định, đó là khả năng khai thác, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn vốn văn học, văn hóa dân gian của tác giả. Đất nước như được bao bọc bởi không khí văn hóa dân gian vừa gần gũi, quen thuộc vừa kì diệu, sâu xa.
Ở bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, mạch cảm xúc được bắt nguồn từ hình tượng sóng. Hình tượng sóng là một kiểu ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của hình tượng em và cũng là của chính tác giả. Người con gái ấy soi mình vào sóng để thấy rõ lòng mình hơn; nhờ sóng để biểu hiện những trạng thái xúc động, những nỗi khao khát của lòng mình: khao khát tình yêu, khao khát được sống trọn vẹn, hết mình trong tình yêu. Vì lẽ đó mà mối quan hệ giữa hai hình tượng sóng và em là mối quan hệ thống nhất, tuy hai nhưng là một, có lúc hòa nhập vào nhau để tạo ra sự cộng hưởng, có lúc lại phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng. Sóng khao khát ra biển cũng giống như em khao khát được soi chiếu mình để hiểu mình hơn để tự mình vượt lên những suy nghĩ và quan niệm nhỏ hẹp, tầm thường, quanh quẩn về tình yêu. Sóng nhớ bờ đồng nghĩa với em nhớ anh.
Nếu sóng là sự sống của biển thì nhớ là sự sống của tình yêu. Một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu một trái tim ngừng yêu. Sóng thức trong lòng biển đã cồn cào, sóng thức trong lòng em còn muôn vàn lần da diết hơn, đã không ngủ trong cõi thực còn thao thức trong cõi mơ. Em ao ước được tan ra thành trăm con sóng nhỏ không phải để biến mất trên đại dương mà là để ngàn năm còn vỗ, nghĩa là để tồn tại vĩnh viễn trong lòng đại dương. Cũng như thế, con người sẽ ra đi nhưng tình yêu còn ở lại, một tình yêu vô tận, vĩnh hằng như sóng trên biển khơi. Với mạch cảm xúc đó, bài thơ Sóng là sự khám phá những khát vọng yêu của một trái tim phụ nữ vừa sôi nổi, mãnh liệt vừa hồn hậu, chân thành và cũng rất tự nhiên.
Phát hiện các từ ngữ đặc sắc và giọng điệu văn chương...
Trong văn chương, nhất là thơ có những từ người ta gọi là nhãn tự (mắt chữ) hay thi nhãn (mắt thơ). Những từ đó chứa cái thần của câu thơ, của bài thơ và tập trung tài hoa của người nghệ sị. Những từ đó có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh đó, mỗi áng văn, bài thơ còn mang một giọng điệu văn chương riêng mà người xưa thường gọi là hơi văn hoặc khí văn. Giọng điệu ẩn chứa cái hồn của áng văn, thái độ của tác giả.
Bản thân các mỹ từ pháp không có giá trị nghệ thuật. Nếu sử dụng không khéo, thậm chí còn trở thành ngớ ngẩn, nhưng khi nó được nghệ sĩ sử dụng một cách tài tình thì bài văn, áng thơ lại lấp lánh những giá trị mới, mặc dù nội dung chỉ chuyển tải một phần qua các mỹ từ pháp đó.
Bài Chiều tối ( Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh) là một ví dụ:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Bài thơ tứ tuyệt (28 chữ) nhỏ xinh ghi lại cảm xúc của nhà thơ - người tù Hồ Chí Minh - trên đường chuyển lao vào một buổi chiều muộn nơi núi rừng miền sơn cước. Ba câu đầu của bài thơ ghi lại những hình ảnh khách quan, chân thực: Chim mỏi mệt tìm chốn ngủ; mây cô đơn chậm chậm trôi; thiếu nữ xóm núi miệt mài với công việc quen thuộc... Cảnh vật được cảm thụ như có linh hồn vì ngoại cảnh đã lồng tâm cảnh. Nhịp thơ chậm, ẩn chứa nỗi buồn của thi nhân - người đang bị mất tự do; người đang bị dẫn giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, vào thời điểm chiều muộn vẫn chưa có chốn dừng chân. Nhưng đến câu thứ tư, nhịp thơ bỗng nhiên dồn dập, câu thơ như một tiếng reo thầm của Bác diễn tả niềm vui của thiếu nữ xóm núi khi hoàn tất công việc. Chữ hồng ở cuối bài thơ được coi là thi nhãn. Nó xua tan bóng tối, xua tan giá lạnh, đem lại ánh sáng, đem lại hơi ấm, đem lại niềm vui, niềm phấn chấn cho con người. Theo nhà thơ Huy Cận, chữ hồng có sức nặng tương đương với 27 chữ còn lại của bài thơ. Cũng nhờ chữ hồng mà bài thơ dù viết về cảnh chiều tối, người đọc vẫn không có cảm giác tối, ngược lại, lại thấy sáng sủa, ấm áp, lạc quan.
Trong Vợ nhặt, khi xây dựng nhân vật Tràng, Kim lân làm hiện lên trước mắt người đọc một thanh niên vừa nghèo vừa xấu trai, tính cách lại ngây ngô, ngờ nghệch. Nhưng, nhà văn chưa một lần dùng đến các từ nghèo, xấu trai, ngây ngô, ngờ nghệch. Thông qua các nhãn tự, người đọc tự cảm nhận được cảnh ngộ, thân phận, tính cách của nhân vật. Về diện mạo của nhân vật, nhà văn miêu tả: Hai con mắt nhỏ tý, quai hàm bạnh ra, bộ mặt thô kệch; về tính cách của nhân vật, nhà văn chỉ cần điểm riêng cái cười là đã đủ cho người đọc cảm nhận: ngửa mặt lên cười hềnh hệch. Con người ấy, trong nạn đói năm 1945 lại lấy được vợ một cách nhanh chóng, bất ngờ đầy hiển hách như một người đào hoa tốt số. Còn với nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân tập trung khắc họa một tính cách bất cần, thiếu nữ tính. Nhà văn sử dụng những từ ngữ rất đắt, rất có hồn: nói thì cong cớn, chao chát, chỏng lỏn; đi đứng thì lon ton, sầm sầm, ăn thì ăn một chặp... Mục đích của nhà văn là muốn đem lại cho người đọc những ấn tượng không mấy dễ chịu về người phụ nữ khi bị cái đói truy đuổi. Thị đã phải sống khác mình để tồn tại. Qua đó, tác phẩm lên án tội ác của phát xít Nhật - kẻ trực tiếp gây ra nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người dân vùng đồng bằng bắc bộ chết đói chỉ trong vài tháng.
Giữa những từ ngữ đặc sắc và giọng điệu luôn có mối tương hợp lẫn nhau. Giọng điệu được biểu hiện qua các từ đặc sắc và các mỹ từ pháp.
Trong Truyện Kiều, ngay những câu thơ đầu đã có sự tương hợp giữa từ ngữ đặc sắc với giọng điệu:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Những từ: Khéo là - ý mỉa mai, bỡn cợt, không nhìn nhận nghiêm chỉnh
Lạ gì - ý đay đả, dè bỉu
Quen thói - ý đay nghiến, chỉ trích một thói quen xấu
Đánh ghen: ý chê bai một thái độ không đẹp
Những từ đó thể hiện giọng điệu văn chương. Ở đây không phải là sự mô tả khách quan như cách nói trong một số sách là Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của thuyết tài mệnh tương đố mà là bộc lộ thái độ không đồng tình, không chấp nhận của nhà thơ.
Cũng từ giọng điệu văn chương đó, người đọc hiểu được vì sao ngòi bút của Nguyễn Du luôn luôn bị ám ảnh và dường như chỉ hướng về những số phận tài hoa, mệnh bạc. Trái tim Nguyễn Du suốt đời thổn thức, nức nở khi viết về những kiếp người như cô gái đánh đàn ở Long Thành (Long Thành cẩm giả ca, Long Thành mại giả ca), cô Tiểu Thanh (Độc Tiểu Thanh ký), cô Kiều, cô Đạm Tiên... Ở các vần thơ đó, người đọc cảm nhận được giọng điệu đầy thương cảm, xót xa, tức tưởi như máu rỏ ra đầu ngọn bút vậy.
Ở Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ), sự tương hợp giữa từ ngữ đặc sắc với giọng điệu được bộc lộ ngay từ nhan đề bài thơ. Từ ngất ngưởng, xuất hiện trong bài 5 lần (kể cả tiêu đề), nghĩa đen diễn tả một tư thế nghiêng ngả, xiêu vẹo, lúc lắc; nghĩa bóng diễn tả một thái độ, một phong cách sống ngông nghênh, khinh đời ngạo thế trên cơ sở một nhận thức rõ rệt và đầy đủ về sự khác biệt giữa cá nhân với cộng đồng giai cấp. Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), nổi tiếng là nhà nho chân chính, yêu nước, thương dân và rất thanh liêm nhưng cuộc đời làm quan lại rất thăng trầm. Có lúc ông làm đến chức Thị lang bộ hình, Đại tướng nhưng có lúc ông lại bị cách tuột xuống làm lính thú biên thùy. Nhưng dù ở cương vị nào ông cũng vẫn năng nổ thi hành chức trách. Với ông:
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
(Không quan tâm đến chuyện được mất,
Trước mọi lời khen chê cứ vui phơi phới như đi trong gió xuân ấm áp.)
Có được nhân sinh quan trên là do Nguyễn Công Trứ ý thức rõ tài năng và phẩm chất hơn người của mình; hay nói cách khác, là ý thức tự tôn, là sự nhận thức về cái tôi mãnh liệt. Bởi vậy, từ ngất ngưởng là thi nhãn góp phần làm lộ diện cái tôi mãnh liệt của nhà thơ. Tương hợp với thi nhãn là một giọng điệu thơ thoải mái, sảng khoái, vừa ca tụng vừa diễu cợt, vừa đề cao vừa xem nhẹ. Tất cả đều biểu hiện một tư tưởng ngất ngưởng:
... Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
... Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
... Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
... Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Sự tương hợp giữa từ ngữ đặc sắc với giọng điệu thơ đã giúp nhà thơ xây dựng thành công một hình tượng có ý vị trào phúng nhưng đằng sau nụ cười trào phúng là một thái độ, một quan niệm nhân sinh ít nhiều mang màu sắc hiện đại bởi nó khẳng định một cá tính không đi theo con đường chính thống mà đi theo con đường riêng của mình: tự tin và cũng rất thách thức. Với Nguyễn Công Trứ, ngất ngưởng không còn là một cử chỉ, một hành vi nhất thời nữa mà nó đã trở thành một tính cách, một phong cách sống.
Người dạy ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cần có sự hòa mình một cách máu thịt vào môi trường, không gian nghệ thuật để làm người bắc cầu nối kiến thức văn chương với kiến thức chuyên ngành nghệ thuật. Con đường đi từ cảm thụ tác phẩm văn học đến cảm thụ tác phẩm âm nhạc rất gần; hiểu và biết cách rung động trước tác phẩm âm nhạc nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung sẽ giúp người nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm không bị phần kỹ thuật lấn lướt làm khô cứng mà là sự quyện hòa trong nhau giữa kỹ thuật và tâm hồn, như thế người nghệ sĩ sẽ chạm đến tận cùng cảm xúc người nghe.
Việc giúp người học đi vào kiến thức trong văn, việc mô tả cái đẹp nội tại của tác phẩm là trọng tâm bài giảng. Khi tiếp cận tới cái đẹp, tức là người học (bạn đọc) đã tiếp cận tới Cái thiện vì Cái đẹp và Cái thiện bao giờ cũng gắn bó với nhau. Việc định hướng giáo dục, nêu ra những bài học đạo đức, nhân sinh... là cần thiết nhưng xét đến cùng, với các tác phẩm đã được lựa chọn vào chương trình Văn để dạy trong nhà trường đều là những tác phẩm Văn chương tiêu biểu, chân chính. Văn chương phải để nó hiện ra với tất cả sự hồn nhiên, vẻ đẹp nhân văn của tâm hồn nghệ sĩ. Sự đối thoại của người học (với tư cách bạn đọc) với tác phẩm sẽ tạo ra sự độc thoại trong tâm hồn con người. Qua tác phẩm nghệ thuật, người đọc nhận diện chính mình. Đó là sức sống của giờ dạy mà không có giờ học nào có được. Sự áp đặt những bài học luân lý trong bài giảng sẽ rất đơn giản và dễ dàng (trước đây gọi là giáo dục tư tưởng qua bài giảng) nhưng cách này, với học trò, những bài đó không thể thành sự sống và không bao giờ có bội số.
QUỲNH LINH
Theo http://www.vnq.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...