Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Tình khúc 1954-1975 ở Miền Nam

Tình khúc 1954-1975 ở Miền Nam



Phác thảo bìa cuốn sách “9 thập kỷ ca khúc
tân nhạc Việt Nam” - Lê Thiên Minh Khoa.  
Ở Miền Nam từ 1954-1975, một lớp nhạc sĩ trẻ hơn xuất hiện với các bản tình ca mới. Khác với dòng nhạc tiền chiến thường mượn cảnh mùa thu, mưa, sương, đêm khuya… để nói lên tình cảm của mình, những nhạc sĩ này có cách thể hiện trực tiếp hơn, ca từ lãng mạn vẫn là ngôn ngữ văn hóa nhưng mới mẻ hơn, trẻ trung hơn và sống động hơn, với nhiều cung bậc tình cảm hơn, khoắc khoải, nồng nàn, sâu lắng, say mê, man mác, hoài nhớ, tiếc thương… thường theo các thể điệu Slow Rock, Slow, Valse, Ballad, Boston… Gần với nhạc tiền chiến hơn, cung điệu cũng trau chuốt, nhưng khác nhạc tiền chiến là thường ít chậm hơn, biểu hiện tâm trạng cá nhân không có không gian cụ thể và có tính hiện đại hơn, và cũng xa rời nhạc cổ điển hơn so với nhạc tiền chiến, tình ca 1954-1975 là dòng nhạc được giới trí thức, trung lưu và sinh viên, học sinh (SVHS) ở miền Nam thuở ấy yêu thích.
Giai đoạn này, bên cạnh nhạc sĩ tiền bối Phạm Duy vẫn sáng tác đều đặn những ca khúc có giá trị nghệ thuật: Cỏ hồng, Trả lại em yêu, Mùa thu chết, Nghìn trùng xa cáchNha Trang ngày về, còn xuất hiện thêm những nhạc sĩ với phong cách riêng: Lê Uyên - Phương, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9, Khánh Băng, Nguyễn Phú Yên, Trần Trịnh, Nguyễn Văn Đông, Phạm Trọng Cầu, Từ Công Phụng, Văn Phụng, Trần Quang Lộc, Vũ Thành An, Lê Hựu Hà, Cung Tiến, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Mạnh Cương, Đức Huy, Phạm Đình Chương, Quốc Dũng, Hoàng Trọng, Vũ Đức Sao Biển…
Ca sĩ Thái Thanh
Không thể kể hết những tình khúc nổi tiếng đương thời:  Em đến thăm anh đêm 30, các bài Không tên của Vũ Thành An; Thuyền em đi trong đêm, Ngàn năm vẫn lạ, Tiếng chim rừng hát mừng sông núi, Cô giáo trẻ trên bản làng xa của Nguyễn Phú Yên; Chiều nay không có em, Niệm khúc cuối, Mắt biếc, Dấu tình sầu, Bản tình cuối của Ngô Thụy Miên; Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Uống nước bên bờ suối, Cho lần cuối của Lê Uyên - Phương; Suối lệ xanh của Phạm Mạnh Cương; Bây giờ tháng mấy, Lời cuốiGiọt lệ cho ngàn sauMắt lệ cho người, Tuổi xa ngườiBài cho em của Từ Công Phụng; Nụ cười thơ ngây, Sầu đông, Nếu một ngày, Vọng ngày xanh của Khánh Băng. Đặc biệt là Vọng ngày xanh viết năm 1956 được nhiều ca sĩ nổi tiếng đương thời như Minh TrangLệ Thu, Thái Thanh… trình bày, trong đó thành công hơn cả phải kể đến danh ca Thái Thanh. Bài hát này được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan viết lời Pháp và nhờ vậy, ông được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập… 
Nhiều tình khúc nổi tiếng khác rất được ưa chuộng vào thời gian này như Thanh Trang với HuyềnTình khúc mùa đông, Duyên thề; Hoàng Nguyên với Cho người tình lỡTà áo tím; Quốc Dũng với Đường xưa, Cơn gió thoảng; Nguyễn Ánh 9 với Không, Buồn ơi, xin chào miVăn Phụng với Yêu, Tình, Suối tóc, Tôi đi giữa hoàng hôn; Vũ Đức Sao Biển với Thu hát cho ngườiY Vân với Buồn, Ngăn cách, Ảo ảnh, Những bước chân âm thầm; Đức Huy với Bay đi cánh chim biểnCơn mưa phùn; Anh Bằng với Nỗi lòng người  đi; Nguyễn Hiền với Mái tóc dạ hương; Đan Thọ với Chiều tímTrần Trịnh với Lệ đá; Tuấn Khanh với Hoa xoan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng; Nguyễn Văn Đông với Hải ngoại thương ca. Phạm Trọng Cầu khi du học ở nhạc viện Paris (Conser - vatoire Supérieur de Musique de Paris) cũng đã viết Mùa thu không trở lại để đời…
  NS Cung Tiến 
Hoàng Trọng thành công với các bài hát theo điệu tango: Ngỡ ngàngLạnh lùngTiễn bước sang ngang…, đặc biệt bài Ngàn thu áo tím (lời Vĩnh Phúc) điệu valse luôn được công chúng trước nay ưa thích.     
Cung Tiến nối tiếp dòng nhạc lãng mạn tiền chiến với những tình khúc bất tử: Hương xưa, Hương xuân, Mùa hoa nở, Đêm hoa đăng, Mắt biếc (khác bài Mắt biếc của Ngô Thụy Miên)…
NS Văn Phụng
Phạm Duy, Trần Quang Lộc, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trần Trịnh, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên… có nhiều tình khúc phổ thơ nổi tiếng. Với Phạm Duy là: Còn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan), Tiếng sáo Thiên thai (1959 - thơ Thế Lữ), Tiễn em, Mùa thu Paris (thơ Cung Trầm Tưởng), Tỳ bà (thơ Bích Khê), Vần thơ sầu rụng (thơ Lưu Trọng Lư), Tình cầm (thơ Hoàng Cầm); Em hiền như masoeurThà như giọt mưaHai năm tình lận đận (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng (thơ Phạm Thiên Thư), Chuyện tình buồn  12 tháng anh đi (thơ Phạm Văn Bình), Màu thời gian (1971- thơ Đoàn Phú Tứ)… Với Trần Quang Lộc là: Về đây nghe em (thơ A Khuê), Em theo đoàn lưu dân (thơ Phạm Hòa Việt), Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu)… Phạm Đình Chương là: Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ), Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng)… Vũ Thành An là Tình khúc thứ nhất (thơ Nguyễn Đình Toàn)… Từ Công Phụng là Trên ngọn tình sầu (thơ Du Tử Lê)… Trần Trịnh là Lệ đá (thơ Hà Huyền Chi), Chiếc lá cuối cùng (thơ Théophile Gauthier)… Cung Tiến là: Đôi bờ (thơ Quang Dũng), Hoàng Hạc lâu (thơ Thôi  Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch), Kẻ ở (Mai chị về - thơ Nguyễn Đình Tiên), Khói hồ bay (thơ Nguyễn Tường Giang), Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu), Thuở làm thơ yêu em (thơ Trần Dạ Từ), Vết chim bay (thơ Phạm Thiên Thư) và ba bài: Vang vang trời vào xuân, Đêm, Lệ đá xanh đều phổ thơ Thanh Tâm Tuyền…  Ngô Thụy Miên là Tình khúc buồn (thơ Phạm Duy Quang), và nhiều ca khúc phổ từ  các bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa: Áo Lụa Hà ĐôngParis có gì lạ không em, Tình khúc tháng sáu, Tuổi 13
Nổi bật nhất là Trịnh Công Sơn với hàng loạt tình ca muôn thuở như: Tình nhớ, Tình xa, Phôi pha, Diễm xưaNhìn những mùa thu đi, Hạ trắng, Biển nhớ, Cát bụi, Như cánh vạc bay, Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn, Chiều một mình qua phố             
Các danh ca hát tình khúc giai đoạn này có: Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Hoàng Oanh…  
Tuy chỉ có 20 năm, nhưng giai đoạn này tại miền Nam đã hình thành một số lượng tình khúc khổng lồ, trong đó có nhiều bản nhạc nổi tiếng, được yêu thích và lưu truyền qua nhiều thế hệ. 
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”- nghiên cứu, nhận định - Lê Thiên Minh Khoa - trang 49-52).
Lê Thiên Minh Khoa
Theo https://datdung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...