Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Tiếng kèn lá nối dài mùa trăng

Tiếng kèn lá nối dài mùa trăng
Tôi chặt xong vạt lanh tốt bời ven suối Nặm Khao thì ngọn núi Phja Ruốn đã nuốt nửa mặt trời. Gió từ lũng núi ào ra mang theo hơi sương lành lạnh. Thời tiết ở đây là thế. Trời vừa nóng đấy đã lạnh ngay. Trên sườn núi nắng chùng chình, vương vấn mà dưới thung đã nhuốm màu tím sẫm. Bóng tối đến nhanh như người ta chớp mắt, mở mắt. Phải nhanh tay bó lanh lại rồi gùi về thôi, từ đây đến nhà còn phải đi qua khu rừng dẻ, lội qua khúc quanh của suối Nặm Khao. Giờ này bếp nhà ai lửa đỏ cũng liếm chân kiềng rồi. Vợ chồng, con cái tíu tít xúm quanh chờ hơi cơm chín. Chỉ có bếp nhà tôi là nguội lạnh thôi. Giá như tôi có thể đổi cho người ta được thì tốt biết mấy.
Còn chừng vài nhịp thở nữa là về đến nhà, trăng đã ngồi trên núi Phja Ruốn tãi muôn vàn tia sáng bạc xuống thung lũng. Trăng lặn xuống suối Nặm Khao bơi lội cùng tụi nước. Trăng lướt theo cánh gió đầu thu chạy trên lá rừng tạo ra âm thanh rì rầm, mênh mang, kỳ bí... Mắt tôi bị chặn lại bởi những gùi lanh, gùi bắp đứng, ngồi lổm ngổm trên bờ suối. Khúc quanh của con suối Nặm Khao này là bến tắm của tụi con gái bản. Nước suối ở đây như có phép lạ, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, chả thế con gái ở bản Nà Mạy nổi tiếng trắng nõn nà như lõi cây chuối rừng. Thấp thoáng dưới ánh trăng ngời ngợi là những cái cổ và khuôn ngực màu đá vỡ, dập dờn chuyển động trên sóng nước dập dềnh. Sao mà lũ con gái vô tư thế? Nhỡ có tụi trai ngoài bản lạc bước lỡ nhìn thì sao? Có tiếng con gái kêu dé lên: - A dố! Có người!
Mỉm cười tôi nhẩn nha nói: - Chị đây mà, có phải người lạ đâu.
Tiếng gọi, tiếng trêu nhao nhao vang động lòng suối:
- Chị Mỵ Phua à, xuống đây tắm với tụi em.
- Chị Mỵ Phua đẹp thế làm khổ cái mắt tụi trai thôi.
Tôi lội ào qua suối, bỏ mặc tụi con gái ở lại sau lưng, cắm cúi leo dốc về nhà. Bất chợt từ đâu đó bên bờ suối ngân lên tiếng ngựa hí vang núi. Tiếng con ngựa này quen quá, cứ mùa trăng là nó lại đến nơi đây, và tôi biết chủ nhân của nó là ai rồi.
Bỗng nhiên lồng ngực tôi tưng tức ngộp thở, tôi muốn sải bước thật nhanh nhưng cái chân cứ ríu lại, luýnh quýnh như bị gắn nhựa trám. Dường như từ đâu đó giữa lòng thung lũng, cái mắt của người trai ấy đang đốt lửa dõi theo tôi. Tôi cố trốn mà không trốn nổi. Trời sang thu se se lạnh mà mồ hôi rịn đầy chân tóc, túa ra ướt đẫm lưng áo. Tôi sợ. Nỗi sợ dai dẳng đeo bám mấy năm trời nay không buông tha, để rồi bụng tôi cồn quặn nỗi ám ảnh đã ăn ở không phải với anh Avừ.
Bước qua bờ rào đá, tôi đứng dựa vào gốc cây lê mà thở, cây lê này khẽ đung đưa tán lá ve vuốt đôi vai tôi. Nó muốn an ủi tôi, mà hình như nó đang thủ thỉ với tôi thì phải, nó bảo tôi làm gì mà cuống lên thế? Sinh ra làm phận gái thì khổ rồi, mà là người có chút nhan sắc càng khổ hơn, bởi nhiều người nhìn lắm, làm sao che được mắt người ta? Thế mới biết làm cái cây sướng hơn nhiều. Chẳng phải lo nghĩ, cứ nhẩn nha cắm rễ sâu xuống lòng đất là lớn lên tươi tốt thôi. Nhưng cũng không biết thế nào mà nói đâu, bởi vì cái rễ cây thì ngắn, nhưng cái rễ người thì lớn lắm, dài lắm. Nỗi đau bao năm nay tưởng như vón cục, nén sâu vào góc nào đó trong lòng tôi, bỗng nhiên lúc này tất cả ào về, đầy ắp ứ, như thể mọi chuyện được chất chứa vào một hang đá, bấy lâu nút chặt và giờ có ai đó phát hiện rồi mở toang ra...
Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, bản tôi chìm trong yên tĩnh, chỉ có dàn đồng ca của côn trùng rỉ rả vọng lên từ lòng đất. Đâu đó ngoài bờ rào đá, có tiếng kèn lá bay vút lên thinh không vời vợi. Tiếng kèn lá ấy hiện diện ở quanh nhà tôi từ sau lễ hội "gầu tào". Tôi biết người con trai ấy trong đám chơi nẩy pao. Quả pao với năm múi vải màu giống như bông hoa đang treo trên vách phên kia là của người ấy, cái đầu tôi chợt rối tung lên. Tiếng kèn lá ấy cứ gọi mãi, gọi mãi dài như con suối trở đầy nước:
"... Tù mụa ơ, pi lầu pi nheê pậy trôngs noồng pau noồng, pau noồng thoôi tì sse pán tau ti lấu tua, lớ tháchs hoỏ cớ nha. Pi lầus laà hé doóng, tua láu cuôn pừ hai pét lầu laa lù laâu cừa kha khúa..."
(... em ơi, anh lên núi cao hỏi bầy chim, chim sải cánh đưa chân tới nơi em ở. Anh vào rừng thẳm, gió rừng rì rào nói hộ anh lời thương nhớ em da diết...)
Tôi cố bíu lấy cấi ô cửa nhỏ tí xíu, căng mắt ra nhìn xem người con trai ấy đứng ở chỗ nào, có biết đứng dưới vòm cây không? Nếu mà đứng giữa trời thì sương rơi ướt đẫm người mất. Cố nhìn mà cái mắt cứ mờ đi trong ánh trăng. Dụi mắt mãi cũng không thấy sáng ra tí nào, cho tới lúc tôi nghe tiếng nói nhẩn nha của mẹ cất lên:
- Mỵ Phua à, sao cứ để thằng trai nó gọi mãi thế?
Tôi thở dài nhẹ bước ra bếp, chỗ mẹ đang ngồi thái lá thuốc, ngập ngừng:
- Nỉa bỏ ngoài tai tiếng kèn của nó đi, con...con không biết trả lời nó thế nào.
Mẹ lắc đầu bảo tôi:
- Có gì mà khó nói chứ? Bảo với nó đi tìm đứa con gái khác thôi, mấy ngày nữa là về nhà người ta làm dâu rồi.
Mắt tôi đỏ hoe, ướt nước:
- Nỉa à, con không muốn về Nà Mạy làm dâu đâu, con sợ.
Mẹ vuốt nhẹ tóc tôi, nói dịu dàng:
- Con chim nó có đôi, con thú nó có bầy, con người cũng cần có tổ ấm, làm phận gái sao ở nhà mãi được? Không sợ đâu, thằng Avừ nó tốt đấy.
Tôi cố nén tiếng thở dài đang dâng lên, run run hỏi:
- Nỉa, sao nỉa nỡ trói con với người ta?
Mẹ cầm thanh củi dụi mãi vào trong bếp, hết thanh củi này đến cành củi khác, cho lửa cháy to lên rồi chậm rãi bảo:
- Nỉa không muốn nuốt lời hứa với người đã khuất. Ngày trước hai nhà hứa gả con cho nhau mà.
Nước mắt tôi tràn ra giàn giụa. Mẹ khẽ khuyên tôi:
- Đời con gái ngắn lắm, mày làm vợ thằng Avừ không phải làm dâu ai. Mà nó là thằng hiền lành, chịu khó. Đấy, ăn hỏi rồi mà không dám mang kèn lá đến ngõ nhà đứa làm vợ tâm tình.
Rồi mẹ chợt thở dài: - Sao cái tính nó giống cha mày thế không biết.
Nói xong, mẹ mải miết cúi xuống thái lá thuốc như muốn dấu đi cái buồn đang đè chặt trong bụng.
Cha tôi mất lúc mẹ còn trẻ lắm. Cha đi nương gặp con rắn hai đầu nó quấn, đến lúc người bản biết thì cha không bao giờ thức dậy được nữa. Lúc ấy anh Apáo lên năm tuổi, còn tôi là đứa trẻ đỏ hỏn mới hơn tháng tuổi. Mẹ tôi ở thế, nuôi các em chồng, nuôi anh em tôi. Giờ thì các cô chú đã lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng. Anh em tôi giống như tụi chim đủ lông, đủ cánh rồi. Anh Apáo đi bộ đội được đi học để ở mãi bộ đội. Còn tôi đã cao hơn mẹ nửa cái đầu. Mẹ thường dạy tôi, đàn bà con gái phải khéo cái tay, khỏe cái chân, sáng cái nếp nghĩ trong đầu để còn đi làm dâu, làm vợ. Giờ mẹ cũng chọn cho tôi người chồng tốt, tôi không thể phụ lòng mẹ, tôi phải trả lời người con trai đâng mê mải thổi kèn lá ở ngoài cổng thôi. Mẹ đưa cho tôi chiếc đàn môi rồi bảo:
- Còn chờ gì nữa, trả lời người ta đi, đừng để nó gọi mãi mang tiếng xấu con à.
Tôi luống cuống giống con gà vướng tóc, người run bắn như gặp rét, lúc sau trấn tĩnh mới đưa được tiếng đàn môi tràn qua bờ rào đá, mới ngập ngừng nói lên cái điều khó nói:
"... Pi lầu ơ, tu mú cư dà lúc peê đá mùa tù lềnh nghe, đá là mũa lừ mũa lừ de hoót phãu tee chí leềnh la lù nhịa tù mủ cứ đá mũa, lúc siia nhịâ a tsênh tìa thá pi lầu, rêng cau khù mua trếu tù pa nịa lểnh vịa..."
(... Anh ơi, em là bông hoa đã có người nâng niu, là giọt sương sớm tan trong bàn tay người con trai ấy, lời yêu em đã trao nơi trái tim nồng nàn, đắm say, xin anh giành khuc shát muôn đời sang người con gái khác...)
Và khi nàng trăng náu mình trong khe núi là lúc vó ngựa vang lên kéo theo tiếng hí dài tiễn biệt. Tôi biết người con trai ấy buồn lắm.
Đã bao đêm, bao ngày trôi qua, biết mấy mùa trăng đến, trăng tàn, tôi tự hỏi cái bụng mình sao rối bời lên thế, hỏi mà không biết câu trả lời. Dẫu biết rằng cái chuyện tôi gắn chặt đời mình với nếp nhà này, với những bát nhang trên ban thờ kia là chuyện nấp kín trong lòng, không thể dãi bày, chia xẻ, không dễ gì lôi ra. Trăng đêm nay giống như bao đêm khác, vẫn sáng lênh loang trải từ trên núi, lướt qua tán rừng, chạy xuống phủ tràn những nếp nhà trong bản Nà Mạy, trăng gọi tiếng kèn lá dập dìu, vấn vít. Tiếng kèn lá của người trai ấy, bao năm qua vẫn da diết nồng nàn như chưa có chuyện gì xảy ra. Tiếng khèn lúc khoan nhặt thảnh thơi, lúc thủ thỉ êm đềm, lúc giục giã dồn dập, lúc bay bổng ngân nga, lúc lại như tiếng trách hờn giận dỗi... Tôi bịt chặt tai bằng đôi bàn tay bé nhỏ nhưng không bịt nổi. Tiếng kèn lá như có quỉ ám cứ chạy ùa vào tai tôi, nó hối thúc làm ngực tôi căng tức, ngộp thở và tôi chợt cắn môi lại, hai tay đập chan chát vào bó lánh tươi vừa chặt về, cho tới lúc bàn tay rát bỏng như cầm than nóng thì nước mắt tôi cứ thế túa ra tức tưởi.
Ngày tôi về nhà chồng, hoa Bjooc tháy nhuộm tím đất trời. Màu tím dịu dàng, man mác, của cánh hoa rắc kín bản, phủ khắp rừng rồi leo ngược lên núi Phja Ruốn kết thành dải hoa mềm mại, hoang sơ, huyền bí. Người già trong bản bảo lâu lắm rồi, hoa Bjooc tháy mới nở nhiều thế. Đây không biết là điềm lành hay điềm dữ? Bởi cái sắc tím mênh mang này là sự chờ đợi, nhớ thương dấu kín trong lòng, rồi thời gian trôi qua, chợt giật mình nuối tiếc. Bao đời nay, có ai yêu màu tím của hoa Bjooc tháy là sướng đâu. Màu tím thanh tao, nhẹ nhàng quyến rũ thế nhưng thường làm cho bụng gái bản héo hắt vì mơ mộng, làm tụi con trai dù mạnh mẽ như cái cây mọc trên đá cũng bị hút theo sự đa cảm, lụy phiền của con gái. Còn tôi, không biết có phải vì duyên phận hay không mà tôi yêu hoa Bjooc tháy đến độ lạ lùng. Tôi nghe như thấy hoa thở, tiếng thở êm ái từ lòng đất dội lên. Tôi nghe hoa hát, tưởng như lời hát xao xuyến từ ngàn xưa dội về... Dường như, tôi sinh ra để gắn với loài hoa huyền bí này, nên vào dịp tôi đi làm vợ người ta, nó mới nở nhiều đến thế.
Sáng sớm, mặt trời còn dụi mắt ngái ngủ, bầy chim noộc éc đã chao đảo kêu những lời đau nhức. Mẹ tôi chép miệng thở dài bảo, chim noộc éc kêu thế không biết trong vùng này ở đâu có điềm dữ đây? Nhà tôi có đám vui sao tụi chim cứ bay liệng kêu mãi thế? Tôi thấy lo quá. Cho tới lúc, mặt trời ngồi trên đỉnh núi trễ nải buông nắng thì ông mối, bà mối dẫn đoàn nhà trai sang đón cô dâu. Lạ quá đi thôi! Sao anh Avừ không đón tôi? Có đám rước dâu nào vắng chú rể đâu? Họ hàng nhà tôi, người già, trẻ nhỏ xôn xao, bồn chồn. Bụng tôi bỏng rát như có chảo mỡ đang sôi.
Phong tục ở đây đám cưới ăn hai ngày. Ngày đầu chú rể sang nhà gái ra mắt tổ tiên dòng tộc, tiếp khách bạn cô dâu. Ngày sau đón cô dâu về nhà chồng, để rồi trong niềm vui bất tận, chú rể cùng cô dâu trồng cây vía trong vườn nhà, báo với thần đất, hồn rừng về ngày trọng hỷ. Vừa sáng qua thôi, anh Avừ đội mâm xôi hồng phủ khăn điều sang nhà tôi, dưới ban thờ anh lầm rầm khấn:
"... Hỡi trời cao, ơi đất dày, hỡi tổ tiên họ Sùng, con xin cúi đầu lạy ba lạy, xin ông bà chứng cho bụng con yêu thương em Mỵ Phua lớn như dãy núi cả đầu bản, dài như con suối chảy mãi không dừng....".
Mọi người trong họ, ngoài bản tấm tắc khen: "Thằng Avừ là cái cây cao, bóng lớn, Mỵ Phua thật tốt phúc". Thế mà bây giờ sao không thấy anh? Dường như đám khách nhà trai mắt ai cũng có ngấn nước, vẻ mặt buồn lắm, họ cố dấu chuyện gì đó thì phải. Nhưng rồi không có rể, đến giờ lành, giờ tốt tôi phải theo chân họ nhà trai về bên ấy thôi. Hai họ xem giờ rồi, cái phận tôi khổ thì phải chịu vậy. Ở vùng này, đám cưới có bao giờ như thế này đâu? Cái buồn, tủi trong tôi cứ thế theo nước mắt trào ra ướt đầm váy, áo, tràn xuống cả lưng ngựa. Từ khoảng không đâu đó trong rừng chợt ngân lên tiếng kèn lá trầm buồn như trách móc, giận hờn. Tiếng kèn quấn lấy tôi, đuổi theo đoàn người về bên kia núi.
Không biết tôi đã lả đi, mềm oặt người, ngất lịm biết mấy mươi lần rồi? Cũng không biết vành khăn trắng oan nghiệt ai đã thắt lên đầu tôi? Có lẽ nào ngày cưới là ngày đại tang? Cô dâu lại trở thành góa phụ? Chưa trọn ngày làm vợ đã đã đưa chồng vào cõi âm cách biệt. Mắt tôi vô hồn, trống rỗng nhìn cây thanh táo trở linh hồn anh. Tôi kiệt sức không còn khóc được nữa.
Trưa hôm ấy, trời nắng nhuộm vàng núi rừng. Thế mà chiều đến, cái lúc anh Avừ từ nhà tôi trở về, mây đen ùn ùn kéo tới nuốt chửng mặt trời, sấm nổ chát chúa, lửa trời dội vào núi sáng lòa và mưa ào ào trút nước. Năm nay mùa mưa sao đến sớm thế? Anh Avừ cùng phù rể Sùng Cháng cúi rạp người trên lưng ngựa đội mưa gió mà về. Phải đi nhanh còn lo việc đám ở nhà chứ. Bố mẹ đi xuống đất lạnh cùng tổ tiên rồi, nhà chỉ có một mình thôi. Ông chú, bà cô cũng già quá, chỉ ngồi tiếp khách đã mệt, ngày mai đón dâu còn nhiều việc phải làm lắm. Nghĩ thế cái chân không chần chừ nữa, phải đi thôi. Về đến khe núi đầu bản Nà Mạy là về gần nhà rồi. Bỗng nhiên trời đất tối sầm, những tiếng nổ lớn như là núi vỡ, đất lở ùng ục sôi lên, tụi ngựa giật mình hoảng sợ tung vó hất hai người xuống lòng khe. Rồi đất đá, cây cối sầm sập đổ ập xuống. Tai họa bất thường của núi hoang, rừng thẳm đã chôn vùi sự sống của hai người trai trẻ trong mưa gió bão bùng. Trời vẫn gào thét dội nước xuống.
Đêm hun hút lạnh. Căn nhà đầy ắp sự hoang vắng. Hoang vắng đến tận cùng. Trống không đến tận cùng. Tôi không tin nổi sao anh Avừ nỡ bỏ tôi mà đi. Tôi muốn theo anh vào lòng đất lạnh kia mà không thể. Tôi còn gánh nặng với tổ tiên, ông bà dòng họ Thào. Đã lấy chồng phải theo nhà chồng. Suốt đời này, kiếp này tôi là con dâu nhà họ Thào rồi. Ban thờ kia không để nhang lạnh, khói tàn được.
Tôi ngồi trong bóng tối không biết đã bao lâu rồi? Mặc cho tụi chuột chí chóe cắn đuổi nhau, có lúc chúng đâm sầm cả vào tôi. Trong đêm tôi tưởng như anh đang ở đâu đó, rất gần tôi thôi. Người già bảo ban ngày là của trần gian, ban đêm là của âm thế. Tôi ở mãi trong bóng tối là ở gần anh. Dường như anh đang trở về bên tôi, bởi có làn gió rất lạnh phả vào người. Tôi thủ thỉ trò chuyện với anh, rồi thiếp đi chìm vào cõi miên man... Từ trong hư vô mịt mù sương khói, anh Avừ bước đến bên tôi, anh không mặc bộ tà pủ vải chàm, anh mặc quần áo màu trắng, cả khuôn mặt anh cũng trắng bợt bạt, anh dắt tôi đi nhẹ như gió lướt, tới triền núi mênh mang nở tràn hoa tím. Cái sắc tím đau đáu, bí ẩn ấy đã tạo khoảng trống ly biệt giữa chúng tôi. Giờ tôi mới hiểu sao ngày cưới tôi hoa Bjooc tháy lại nở nhiều như thế. Hồn vía tôi lúc tan vào anh trong cõi âm ẩn hiện, lúc trôi nổi trên bến bờ dương gian... Cho tới lúc tôi giật mình tỉnh dậy thì người tôi xanh rớt màu lá, tóc rụng tơi tả như có ai cầm dao cạo từng mảng.
Tôi rút mình ra khỏi bến lú của cõi âm để trở về là nhờ tiếng kèn lá. Tiếng kèn mênh mang, réo rắt bay bổng trong gió lay tôi dậy, nâng tôi đứng lên, dắt tôi đi... Rồi kèn nhẩn nha, thủ thỉ khuyên nhủ tôi nén chặt cái đau vào đáy sâu ký ức để mà sống trọn đạo làm người dâu hiếu thảo. Lúc này thì tôi chợt giật mình, cái hôm về nhà chồng tôi chưa kịp trồng cây vía. Cây vía tôi chọn là cây lê, nó vẫn đứng nép mình run rẩy trong góc sân kia, lá nó rũ xuống đến tội nghiệp. Tôi không thể để cây chết, tôi phải trồng nó xuống, đem lại sự hồi sinh cho nó, cho tôi và cho cả hồn anh.
Lệ bản ở đây là thế. Mỗi đám cưới cô dâu, chú rể phải trồng một cây vía. Cây tốt là vợ chồng hòa thuận yêu thương nhau. Cây còi cọc là vợ chồng xích mích, sống không hạnh phúc. Không phải hỏi, cứ nhìn vào vườn cây trái thì biết. Nhà có cây vía vàng lá là có chuyện rồi, phải tháo gỡ thôi. Đã nên vợ, nên chồng thì bảo nhau mà làm ăn, có không hợp, không thích nhau vẫn phải lựa tính nết mà ăn ở với nhau thôi, không bỏ nhau được. Đàn bà có chồng rồi phải thờ cái ma nhà chồng đến hết đời.
Mới đấy mà cây lê này gắn với đời làm dâu của tôi đã gần mười mùa lá rụng, lá lại xanh, nó tỏa bóng che mát khoảng sân trước cửa nhà. Có điều, biết bao ngày nối ngày, năm qua năm, cây lê không chịu nẩy hoa, kết trái. Người bản nhìn cây vía của tôi dấu đi tiếng thở dài. Tôi không buồn, cây vía của tôi cõng phần hồn chồng tôi ở đấy. Những lúc có chuyện phải lo nghĩ tôi lại dựa vào gốc cây để tìm hơi ấm, nguồn an ủi của anh, rồi như có phép lạ, mọi chuyện lại yên lành qua đi. Nhưng, chuyện người trai bao năm thổi kèn lá thì anh không giúp được tôi rồi. Mỗi mùa trăng về, tôi lại cuống lên như lạc rừng không tìm thấy lối ra.
Đêm khuya, bản chìm trong thâm u, cô tịch. Trăng vẫn mải miết trôi giữa vòm trời ngập bụi phấn vàng. Tiếng kèn lá dường như không biết mỏi, nó chảy miên man trong lòng thung lũng, tràn qua bờ đá, lọt qua cửa, lách qua phên liếp, thủ thỉ da diết trong gian nhà trống vắng của tôi. Tiếng kèn hôm nay lạ lắm, nó không trầm buồn như mọi hôm mà gấp gáp, thúc giục. Từng nhịp, từng chuỗi âm thanh hối hả, vội vã như vó ngựa phi trên đường đá, đủ nói lên người trai kia muốn gắn cuộc đời anh vào tôi, muốn đổi tất cả chỉ để lấy đôi mắt đen thăm thẳm của tôi. Anh không muốn cuộc sống của tôi lụi cụi quạnh hiu. Cái bếp nhà tôi đã đến lúc phải có ngọn lửa nhỏ sưởi ấm rồi. Giấc ngủ của tôi không thể có nhiều mụn vá như thế nữa, anh không trói buộc tôi phải về nhà anh, anh ở lại đây với tôi thôi, cùng tôi chăm lo mộ phần, giỗ tết dòng họ Thào, anh không sợ mang tiếng, anh sợ tôi khổ thôi...
Tiếng kèn lá như ôm ấp, ve vuốt, làm cho cơ thể tròn căng của tôi nhức nhối, rạo rực, bồn chồn và bừng bừng trỗi dậy bản năng khao khát, ham muốn được dâng hiến, được cho và được nhận. Bầu ngực tôi căng cứng, hổn hển sau lần váy mỏng. Người tôi nóng hầm hập như muốn bốc lửa, tôi vật vã, quằn quoại, chấp chới theo dòng âm thanh thúc giục đang trào dâng của kèn lá. Tiếng kèn bây giờ đã ở ngay ngoài ngõ nhà tôi rồi. Tôi muốn nói với anh đừng có thổi kèn nữa, tôi không chịu nổi, nhưng cái miệng tôi khô cứng, bỏng rát không nói được. Tôi biết cơ thể trinh nguyên, ăm ắp, tròn đầy hai mươi sáu tuổi của tôi đang nổi loạn. Xót xa, đau đớn thay cho phận bạc của tôi, gần chục năm làm vợ vẫn là con gái. Tôi chưa biết mùi mồ hôi của người đàn ông, chưa một lần được bàn tay thô giáp, chai sần của họ vỗ về, chưa biết cái đau đến tận cùng và đê mê đến tận cùng của đêm đầu làm vợ...
Bao năm qua, sao tôi có thể sống mà thân xác vật vờ như cái bóng. Cái bóng biết làm, biết ăn. Một mình thui thủi, tồn tại có mà như không. Tôi cười, tôi nói mà hồn tôi thì lang thang đi tìm nửa cuộc đời của mình ở cõi âm lạnh giá. Và không biết từ thủa nào, tôi bỗng sợ những mùa trăng. Bởi, mùa trăng về là tiếng kèn lá lại kéo tôi trở về thực tại với cuộc sống, trong tôi lại trỗi dậy nỗi khát vọng, đam mê mãnh liệt, để rồi sau những đêm vật vã, cuồng si, tôi ao ước có đứa trẻ bi bô gọi... "Nỉa ơi".
Đêm nay, giống như bao đêm trăng đã qua, tôi vắt kiệt sức mình trong ham muốn tột cùng được ai đó bù đắp, lấp đầy khoảng trống vắng, để tôi được làm vợ, làm mẹ, để tôi biết vị ngọt ngào của trái cấm và biết cái hạnh phúc đầm ấm của cuộc sống gia đình. Giờ thì tôi đang đứng chơi vơi giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái có và không, giữa hư ảo và thực tế, giữa tình yêu và bổn phận... tôi không thể chông chênh mãi như thế này, tôi muốn cởi nút trói cho phận làm dâu quạnh hiu của tôi. Dẫu rằng, chuyện này người bản sẽ cười chê, đơm đặt, đàm tiếu, dè bỉu...nhưng rồi mọi người sẽ hiểu ra thôi, họ không cười tôi mãi được. Còn ban thờ dòng họ Thào này nữa, phải có người kế tiếp mà lo nhang khói nữa, nghĩ thế, tự nhiên tôi thấy như trút đi gánh nặng của quá khứ và nhẹ nhõm thanh thản trôi vào giữa đất trời nghiêng ngả.
Trời đang rạng dần, thế là tôi đã qua đêm trắng thao thức, trăng vàng đang nhẹ lướt vào lòng núi, đó đây rộn lên tiếng hót lảnh lót của bầy chim. Ô kìa! Trước sân nhà, cây vía của tôi bỗng trổ hoa trái mùa. Những chùm hoa trắng mỏng manh, tinh khiết đang rung rinh trước gió. Dưới gốc cây, người trai mặc bộ tà pủ dựa vào mà ngủ, trên môi anh vẫn ngậm nhành lá rừng ướt đẫm sương đêm, như thể anh vừa chợp mắt thiếp đi trước khi ngân dài lời kèn bay bổng, vấn vít.
Thái Nguyên
Bùi Thị Như Lan
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...