Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

"Túi đàn" và Dòng nhạc của Canh Thân

"Túi đàn" và Dòng nhạc của Canh Thân
Trong lúc chờ đợi một tiểu sử chính thức về cố nhạc sĩ Canh Thân, xin mời quý vị xem những tài liệu có nhắc đến tên Ông sau đây:
"Nhóm Đồng Vọng là nhóm nhạc được thành lập năm 1939 bởi nhạc sĩ Hoàng Quý. Ngay từ những năm đầu nhóm Đồng Vọng mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam.
Sau khi tân nhạc được chính thức hình thành năm 1938 sau những buổi trình và diễn thuyết của Nguyễn Văn Tuyên, nhiều nhóm nhạc bắt đầu tung ra các sáng tác của mình như Tricéa và Myosotis. Ở Hải Phòng, Hoàng Quý và một số bạn bè như Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Hoàng Phú (tức Tô Vũ) cùng lập thành nhóm Đồng Vọng.
Nhóm Đồng Vọng xuất phát từ những tráng sinh biết âm nhạc của phong trào Hướng đạo. Theo nhạc sĩ Tô Vũ:
"Nhóm Đồng Vọng được thành lập vào năm 1939 do nhạc sĩ Hoàng Quý làm nhóm trưởng, thành viên là các nhạc sĩ: Phạm Hố, Canh Thân, Hoàng Phú và sau đó là Văn Cao."
"Các thành viên của nhóm Đồng Vọng sáng tác với hai mảng nội dung: Nội dung về thanh niên lịch sử - viết về những sinh hoạt lành mạnh vui tươi đó là những bản nhạc được công khai phổ biến trong những tập nhạc của Đồng Vọng. Bên cạnh đó còn có những bài nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Quý gọi là nhạc tâm tình, ngày nay chúng ta thường gọi là nhạc lãng mạn, tình ca... Những bản nhạc này không phổ biến rộng rãi, không in vào những tập nhạc Đồng Vọng mà chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp với những bạn bè tri kỷ."
Nhóm Đồng Vọng được nhà xuất bản Lửa Hồng rồi tạp chí Tri Tân ở Hà Nội giúp đỡ. Lửa Hồng đã ấn hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài như các tập: Bên sông Bạch Đằng, Nước non Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nắng tươi, Chiều quê của Hoàng Quý, Về đồng quê của Văn Cao, Ngày xưa của Hoàng Phú... Tổng cộng Đồng Vọng đã sáng tác và ấn hành khoảng trên 60 ca khúc chủ yếu theo xu hướng nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc.
Ngoài những bản hùng ca viết cho thanh niên, phong trào khỏe và hướng đạo, nhóm Đồng Vọng còn đề lại nhiều bài tình ca khác. Cùng với nhóm Nhóm Tổng hội Sinh viên của Lưu Hữu Phước, Đồng Vọng đã để lại những ảnh hướng lớn tới tân nhạc Việt Nam.
(Nguồn: wikipedia)
Trích trong bài: "Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ" của tác giả Đỗ Văn Minh (pdf)
"... Nói về nhạc thì phải nói ngay đến đài phát thanh Hà Nội, nơi có chương trình ca nhạc hàng ngày. Hà Nội thời đó làm gì có các đại nhạc hội mà chỉ thỉnh thoảng có phụ diễn ca nhạc tại các rạp chiếu bóng trước khi chiếu phim với một ban nhạc tài tử dăm bẩy người kể cả ca sĩ. Cho nên chúng tôi ngóng chờ mỗi buổi tối để đón nghe chương trình “Ban Đàn Việt Nhạc” của đài phát thanh từ 7 giờ tới 7 giờ 30 phút, thời gian chỉ vỏn vẹn có nủa giờ. Ca sĩ ở Hà Nội hiếm hoi lắm! Tôi nhớ hát thường trực tại đài lúc đầu chỉ có nữ ca sĩ Minh Đỗ và nam ca sỉ Ngọc Bảo, sau có thêm các ca sĩ Tâm Vấn và Quách Đàm (Khuất Duy Đàm, chú ruột của ca sĩ Khuất Duy Trác). Thỉnh thoảng có ca sĩ ngoài vào hát thêm vài bài chẳng hạn như nhạc sĩ Hoàng Giác. Ban nhạc, khi giới thiệu ca sĩ, thì gọi là Cô Minh Đỗ, là Tài Tử Ngọc Bảo: “… xin giới thiệu bài ‘Tiếng Thời Gian’ của Lâm Tuyền do Cô Minh Đỗ ca -  bài ‘Tôi bán đường tơ’ của Thẩm Oánh do Tài Tử Ngọc Bảo ca”. Minh Đỗ là ca sĩ có giọng hát điêu luyện, nổi tiếng với những bản nhạc bán cổ điển hay có hơi hướm bán cổ điển. Cô có chồng là Thái Ban, người nhạc sĩ chơi đại hồ cầm trong Ban Đàn Việt Nhạc. Còn Ngọc Bảo là người ca sĩ có giọng hát thiên phú, hơi dài, mạnh mà êm. Hè năm 1953, Ngọc Bảo được hãng đĩa mời sang Pháp để thu đĩa một số bài hát cùng với ban nhạc người Pháp. Cũng năm 1953, vợ chồng Ngọc Bảo có mở một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Hàng Gai khúc gần hồ Hoàn Kiếm và dần dần Ngọc Bảo không còn xuất hiện đều đặn trên đài phát thanh nữa.  Điều đáng ghi nhận là  trong khi  đài phát thanh Hà Nội  có cặp Ngọc Bảo - Minh Đỗ thì đài phát thanh Huế có cặp Châu Kỳ -Mộc Lan và đài phát thanh Sài Gòn có cặp Mạnh Phát - Minh Diệu, tất cả đều cùng nổi tiếng một thời.
Các ca sĩ thời gian này hầu hết đều đơn ca, hiếm thấy có song ca. Chưa từng thấy song ca nam nữ Ngọc Bảo - Minh Đỗ hay song ca đôi nữ Minh Đỗ - Tâm Vấn, … Chỉ một lần vào dịp đầu thu năm 1952, tại Nhà Hát Lớn trong một buổi văn nghệ nào đó, có cặp ca sĩ Tâm Vấn và nhạc sĩ Canh Thân dắt tay nhau ra nhún nhẩy song ca mấy bài hát thể điệu swing nhộn nhịp của Canh Thân như ‘Túi Đàn’, ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’. Lối trình diễn sống động mà ngổ ngáo của cặp Tâm Vấn - Canh Thân vào lúc đó thật lạ, mới thấy lần đầu. Mãi đến những năm 1953, 1954, Hà Nội mới có ban hợp ca Hạc Thành của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, ban tứ ca đầu tiên ở Hà Nội với 4 anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo, và tất nhiên là có song ca của hai chị em Thể Tần - Hồng Hảo và của hai anh em Nhật Bằng - Nhật Phượng. Ban Hạc Thành có thể coi như rập khuôn theo ban hợp ca Thăng Long của 4 anh em Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh, là một ban Mini Thăng Long....
Nhạc sĩ Canh Thân về thành trong khoảng năm 1951. Ông là tác giả bài hát nổi tiếng ‘Cô Hàng Cà Phê’ rất được giới trẻ ưa thích, cùng các bản nhạc vui tượi, nhộn nhip như ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’, ‘Túi Đàn’, ‘Khúc Ca Mùa Hè”,… Canh Thân còn là một ca sĩ, là cậu của nghệ sĩ cải lương Ái Liên, từng hát tân nhạc phụ diễn trong gánh cải lương Ái Liên với cái tên Tony Thân. Đầu năm 1954, ông sáng tác một bài nhạc thật đặc biệt, có những câu hát như lời nói thường. Tôi không nhớ tên bài này, tả cảnh con chó của nhà giàu, mở đầu bằng:
"Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia
Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm…
Anh bồi lại lấy trứng gà đập vào
Bốn chiếc trứng xinh đẹp sao
Mà chó thì liếm một loáng là hết ngay
rồi ông kết luận
Rằng nó sướng thế,
Rằng nó sướng hơn thằng tôi nhiều."
Có lẽ Canh Thân là người đầu tiên và cũng là cuối cùng làm loại nhạc với đề tài như vậy ..."                     
Canh Thân với Túi Ðàn
Quỳnh Giao (March 16, 2009 - Nguồn: www.nguoi-viet.com) 
Biệt hiệu của ông cho người đời thấy ngay một con người chân thật.
Nhạc sĩ Canh Thân mất đã lâu, từ trước 75, nhưng các ca khúc của ông, dù không nhiều, vẫn còn được trình bày thường xuyên. Sinh vào một năm Canh Thân, 1920, ông cùng tuổi với Hoài Trung, người anh lớn của ban hợp ca Thăng Long, lớn hơn Phạm Duy, Văn Cao, và trẻ hơn Dương Thiệu Tước hay Thẩm Oánh năm sáu tuổi...
Ngay từ lúc khởi đầu, ông đã chọn khuynh hướng tuổi trẻ lên đường, với các ca khúc vui tươi trong nhịp điệu tươi trẻ khiến thanh niên thiếu nữ rất ưa chuộng. Nghe nhạc ông viết sau thời phôi thai của nhạc Việt, người ta tưởng tượng ra một chàng thanh niên yêu đời, mang trên vai cây đàn và vui với đời sống thiên nhiên. Hãy nghe lại “Túi Ðàn” mà xem!
“Chốn chân trời mây trắng vừa hé
Ánh dương bừng lên nắng vàng hoe
Ta mơ nhìn ngây ngất về xa vời...
Túi đàn
Chân bước đi lên đường
Kìa nơi xa xôi đợi chờ bao mến thương
Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang vui tươi tô đời thắm tưng bừng”
Hoặc cùng ông ngắm hình ảnh Mùa Hè vui tươi nơi thôn ổ, trong “Khúc Ca Mùa Hè”:
“Những cánh bướm khoe màu thắm
Bay lao xao trong ngàn hoa
Lữ khách đứng thẫn thờ ngắm
Cuộc đời vui tươi như nơi thiên đàng
Nhịp đàn hòa theo khúc ca Mùa Hè...”
Ngoài “Túi Ðàn” với nhịp tiết dồn dập, một ca khúc khác của Canh Thân vẫn còn thấy vang rộn các khiêu vũ trường ngày nay với điệu swing khiến người dù không biết nhảy cũng muốn “giật”, đó là bài “Ði Với Tôi Ðến Chốn Trời Xa”. Nếu được hòa âm hay thì đấy là ca khúc “Mỹ” nhất trong các bài tân nhạc của chúng ta.
“Ði với tôi đến chốn trời xa
Bên suối mơ là nhà của ta,
Tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa
Gót chân theo nhịp bước thần tiên
Có ai hát hay như tôi
Tuy không có dài hơi
Người nào chán và buồn tình đời
Ðều cùng yêu tôi...”

Một người hát rất đúng với tinh thần của ca khúc chính là Bạch Yến.
Nghe lại thì ta thấy là Canh Thân yêu cảnh thiên nhiên và yêu người nên mới rủ rê những người nào chán và buồn tình đời thì hãy đi với ông đến chốn trời xa. Nhưng ông cũng không quên yêu người đẹp và viết thành nhạc! Ðó là một cô hàng cà phê rất tiểu thư thanh tú ở ngoài chợ.
Bài “Cô Hàng Cà Phê” mới thực sự làm tên tuổi Canh Thân sáng chói. Với nhịp điệu rất lạ, phảng phất cả nét dân ca, bài “Cô Hàng Cà Phê” được trình bày thường xuyên trên các làn sóng điện, qua chính giọng ca của tác giả hoặc của các nam ca sĩ... tiền chiến như Ngọc Bảo, Vũ Huyến v.v... Sau này, “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những ca khúc thành công nhất, gần như một dấu ấn, của Sĩ Phú.
Người viết được nghe thân mẫu kể lại xuất xứ của cô hàng này...
Ðó là người đẹp vừa mới qua một chuyện buồn, ngồi giữ két cho gia đình mở quán cà phê ở chợ Ðại trong thời kỳ mà nhiều gia đình phải tản cư về “hậu phương”. Ðó là gia đình Thăng Long, và cô hàng làm cho “lắm anh điên cuồng” chính là Thái Hằng...
Cuối cùng thì Phạm Duy loại được bao địch thủ mà chiếm được trái tim nàng. Ngoài Canh Thân, các địch thủ kia là nhạc sĩ Ngọc Bích, thi sĩ Ðinh Hùng...
Cho đến bây giờ, Quỳnh Giao vẫn nghĩ “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những bài “truyện ca” hay nhất của tân nhạc mình. Dĩ nhiên là không thể so với “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, hay hai bài về truyện tích “Thiên Thai” của Văn Cao và Phạm Duy là những tác phẩm có giá trị cao về văn học. Nhưng, thiết nghĩ thì ca khúc của Canh Thân có giá trị riêng: một câu chuyện đời thường mà vẫn thiết tha, cảm động.
Khi viết những ca khúc trong sáng thì Canh Thân đạt được tinh thần vui tươi, lạc quan hơn ai hết. Nhưng khi viết thể loại trữ tình thì nhạc và cả lời của ông thật mềm mại, dịu dàng. Nếu ai còn nhớ đến bài “Hoa Mai” của Canh Thân thì sẽ đồng ý với người viết:
“Hoa mai trong gió cười lả lơi
Hoa như ngây ngất say tình đời
Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi
Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi...”
Có một điều mà thính giả ít để ý đến là Canh Thân sáng tác nhạc “trào phúng” rất tuyệt.
Cho đến nay, không biết có ai còn nhớ đủ lời ca của bài “Vỉa Hè”. Canh Thân viết ca khúc này khi đã di cư vào Nam. Bài hát được chính ông vừa đàn vừa hát trong các buổi phụ diễn tân nhạc (“attraction”) trước khi chiếu phim. Ðó là một câu chuyện nghe thì cười, mà rồi cười ra nước mắt...!
“Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia
Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm...”
Quỳnh Giao đã quên hết lời, nhưng không quên ý nghĩa châm biếm của bài hát. Từ miền Bắc đói khổ mà vào Nam thì quả là thấy con chó trong Nam mình cũng có khi tủi thân! Nếu ai còn nhớ được bài này mà hát lại thì có khi lại tưởng tượng ra những con chó kiểng của các ông bà lớn ở Hà Nội ngày nay!
Khi còn trẻ, nhạc Canh Thân tượng trưng cho sức sống hăng hái, tươi vui của tuổi trẻ, vậy mà khi về già, Canh Thân mắc bệnh ghiền và mất trong cơ cực, nghèo khổ...
Quỳnh Giao không bao giờ quên hình ảnh ông đứng trong góc phòng vi âm với cây contre basse cũng to lớn như thân hình ông. Tính ông ít nói và ít cười, nhưng không bao giờ đụng chạm đến ai. Dáng ông chậm chạp uể oải. Ông lặng lẽ đến và lặng lẽ đi...
Canh Thân là hạ sĩ quan trong quân đội, làm việc trong đài phát thanh Quân Ðội, và có một gia đình đông con nên thường xuyên túng thiếu, chưa kể thêm gánh nợ của “nàng tiên nâu”.
Còn lại ngày nay là tinh thần lạc quan yêu đời của ông, trong “Túi Ðàn”...
Quỳnh Giao
Bấm vào tên người hát để nghe một số nhạc (mp3) 
của nhạc sĩ Canh Thân:
Túi Đànhttp://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif  Jo Marcel và thân hữu           Hoa Maihttp://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Quỳnh Giao
Đi Với Tôi Đến Chốn Trời Xa:     http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifBạch Yến          http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Như Quỳnh
Cô Hàng Cà Phê:    http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Sĩ Phú        http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifVũ Khanh
Xuân Nghèohttp://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifConnie Kim
Vỹ Dạ Đò Trănghttp://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Hà Thanh          Yêu Là Ảo Mộng: http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Thanh Lan


Lời một số bản nhạc của Nhạc sĩ Canh Thân
Túi Đàn - Canh Thân
Chốn chân trời mây trắng vừa hé
Ánh dương bừng lên nắng vàng hoe
Ta mơ nhìn ngây ngất về xa vời
Cánh chim huyền bay lướt ngàn gió
Ánh mây hồng soi sáng đường phố
Thiết tha lòng xa vắng tình quê nhớ
Túi đàn
Chân bước đi lên đường
Kìa nơi xa xôi đợi chờ bao mến thương
Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang vui tươi tô đời thắm tưng bừng
Kìa là núi rừng
Với cánh lúa nơi đồng quê
Với sức sống tráng hùng
Lòng ta say mê
Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang yêu đương reo về khắp bốn phương.

Cô Hàng Cà Phê - Canh Thân
1. Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Có một cô nàng be bé xinh xinh
Cô hay cười hồn xuân phơi phới
Cứ xem dáng người mới chừng đôi mưoi.
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành
Mùi hương lan thơm ngát bên mình
Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Cho hay cái sắc khuynh thành
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt.
Đi đâu cũng ghé qua hàng
Mong trông thấy bóng cô nàng
Thì trong lòng chàng mới yên.
Hôm nao dưới bóng trăng mờ
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào
Trông cô dón dén ra vào
Đôi môi thắm cánh hoa đào
Lòng tôi dạt dào muốn xiêu.
2. Một chàng trai dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang
Khách bên đường vì cô lưu luyến
Đã bao tháng trường ước được nên duyên.
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hoá như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma.
Vô duyên cái túi không tiền
Anh mua chuốc lấy ưu phiền
Rồi đến một ngày ốm la liệt
Không sao lê bước đến hàng
Anh mong bóng dáng cô nàng
Hiện đến dịu dàng với anh.
Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng
Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khoé mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
Vừa lúc cô nàng biết yêu.
Giờ đây đã mấy năm qua
Có lúc mơ về đường xa
Tôi nhớ những đêm trăng tà
Cô hàng với bàn tay ngà.

Hoa Mai - Canh Thân
Hoa mai trong gió cười lả lơi
Hoa như ngây ngất say tình đời
Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi
Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi
Hoa dâng hương ngát thơm vườn xuân
Nhụy vàng không chút vương bụi trần
Như cô gái nhớ mong tình quân
Hoa cười đang chờ đợi phút ái ân
Khói lên nghi ngút hương trầm
Bàn tay nhẹ nâng trìu mến
Từng đóa hoa thắm rung niềm âu yếm
Vấn vương bao nỗi u hoài càng thấy yêu cánh hoa mai
Càng ước hoa thắm muôn đời không phai
Hoa mai ơi thấu chăng lòng ta
Đời buồn vui có ta cùng hoa
Cầu thời gian đứng im đừng qua
Vững bền mối tình ngàn kiếp bên hoa.

Đi với tôi đến chốn trời xa - Canh Thân
Đi với tôi đến chốn trời xa
Trăng nước êm
Một trời đầy hoa
Bạn của Hằng Nga và vô cùng thanh thú
lắng tai nghe nhạc réo lững lờ
Đi với tôi đến chốn trời xa
Bên suối mơ là nhà của ta,
tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa
Gót chân theo nhịp bước thần tiên
Có ai đâu vui như tôi
Tuy không có dài hơi
Người nào chán và buồn tình đời
Đều cùng yêu tôi
Đi với tôi đến chốn trời xa
Đâu có chi đẹp bằng đời ta
Mặc ngày dần qua nào vang lừng câu hát
Dắt tay nhau về chốn bồng lai
Anh em ta quanh năm
ta vui ta vui ta vui luôn
Bên nhau ta ngồi trông nhau ta cười cười cười cười dẹp mạch sầu tuôn
Đó đây, đó đây
Như là chim hót vang trời cao lướt mây kia tung bay
Anh em ta quanh năm
ta vui ta vui ta vui ca
Dưới những ánh đèn hằng ngàn màu sắc với những tiếng kêu òa òa òa
Đó là, đó là
Một cuộc đời đầy huy hoàng nhạc và thơ xinh như mơ!.


Khúc Ca Mùa Hè - Canh Thân
Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn
Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn
Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng
Và về đây tắm ánh sáng trăng huy hoàng
Khúc ca mùa hè
Lắng trong chiều về
Vang trong đêm êm đềm thánh thót
Ngân nga tiếng ai ca
Khúc ca mùa hè
Gió xa dồn về
Lướt qua bên hè
Nghe như ru như gợi tình thơ
Nghe như thấy lâng lâng
Bừng một trời mơ
Những cánh bướm khoe màu thắm
Bay lao xao trong ngàn hoa
Lữ khách đứng thẫn thờ ngắm
Cuộc đời vui tươi như nơi thiên đàng
Nhịp đàn hòa theo khúc ca mùa hè
Ta lắng lắng nghe
Nhạc đón yêu thương về
Một mùa đầy hoa ngát hương.

Xuân Nghèo - Canh Thân
Các phố xá om xòm đón xuân về
Có cái quái chi mà ồn lên thế?
Pháo với phiếc giăng ngập khắp sân hè
Chúc với chiếc nghe mà ghê!
Chúc sống có lâu và lắm cô hầu
Chúc tiến chức cho thật mau
Chúc có lắm con và chúc sang giàu: thật bền lâu!
Xuân đến tưng bừng, ai nấy vui mừng
Trời xuân rực rỡ, trong gió xuân vang tiếng cười!
Riêng có tôi buồn, lo cuống lo cuồng
Chạy lo từng bữa, vui thú chi?  Ôi đời tàn!
Ngày xuân chui chúi một xó
Đau lòng thấy xuân kia hững hờ
Người ta sung sướng giàu có
Xuân về thắm tươi như mùa thơ
Xuân đến tưng bừng, non nước reo mừng
Tiền không gạo hết! Xuân hỡi xuân! Lấy gì mà mừng xuân?
Tết với nhất không tiền cũng nhạt phèo
Xuân ơi xuân, ơi là xuân buồn teo!
Rõ đến gớm ghê là cái mạng nghèo
Cứ ám mãi luôn bò theo
Túi rỗng tuếch thêm vợ ốm con sài
Đến thấm thía cho đời tôi
Cũng đã biết thân nào dám đua đòi
Đành phận tôi!
Xuân đến tưng bừng, ai nấy vui mừng
Trời xuân rực rỡ trong gió xuân, vang tiếng cười!
Riêng có tôi buồn, lo cuống lo cuống
Chạy lo từng bữa, vui thú chi? Ôi đời tàn!
Ngày xuân chui chúi một xó
Đau lòng thấy xuân kia hững hờ
Người ta sung sướng giàu có
Xuân về thắm tươi như mùa thơ!
Xuân đến tưng bừng, non nước reo mừng
Tiền không, gạo hết!
Xuân hỡi xuân! Lấy gì mà mừng xuân?

Vỹ Dạ Đò Trăng - Canh Thân
Một chiều tròn trăng mái chèo ngược giòng
Chẳng hẹn mà quen chuyến đò chung bóng
Hương Giang trôi lững lờ
Văn Lâu soi bóng mờ
Róc rách khua tay chèo nhịp đưa
Đẹp là bờ vai tóc thề buông dài
Làn môi mọng tươi như thầm hẹn ai?
Ánh mắt biếc u hoài
Đăm chiêu trông xa vời
Như ấp ôm tâm sự đầy vơi
Lòng tôi rộn niềm vui
Những tưởng cùng ai về chung một bến đợi
Ngờ đâu giữa giòng dang dở
Nàng ghé vô bờ để tôi chừ ngẩn ngơ
Trông theo chiếc nón bài thơ
Từ nàng về bên là tôi mơ mộng hoài
Đôi mươi tuổi mới vào đời
Đã in sâu một dáng người mà vào tim
Đò ngược giòng Hương Vỹ Dạ đợi chờ
Gởi hồn về đây với niềm mong nhớ
Ước nếu có duyên nợ
Xin ai không hững hờ.

Yêu Là Ảo Mộng - Canh Thân
Sao nỡ đành, nỡ đành phụ nhau
Đem chôn vùi mối duyên ban đầu,
cho vấn vương sầu
Từ xưa chuyện tình nào, chẳng để buồn về sau,
ngăn cách gieo oán sầu
Ôi lẽ thường thế sự đổi thay
Không thức lâu biết đâu đêm dài,
ai có đoái hoài?
Chỉ một mình, mình hay, đoạn trường là từ đây
Hoa bướm tan tác bay
Đêm nay trăng tà, tàn giấc mơ hoa, bẽ bàng phận ta
Có ước mong chi, chỉ cố quên đi, vì lỡ xuân thì
Yêu nghĩa là ảo mộng mà thôi
Ai biết yêu đã yêu trọn đời?
Khi đã yêu rồi
Mà sầu sầu nào vơi, vì người phụ tình tôi,
duyên kiếp ta thế thôi.
Phan Anh Dũng
Theo http://cothommagazine.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...