Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Giọng thơ trầm lắng nhạc ngàn

Giọng thơ trầm lắng nhạc ngàn

Tôi đọc thơ Trần Ngọc Trác đầu thập niên 80 thế kỷ trước, lúc Trác còn là phóng viên biên tập Đài Truyền thanh vùng kinh tế mới Hà Nội. Cũng từ đó biết được Trác đồng hương Huế qua nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian “Folklore” Lâm Tuyền Tĩnh. Năm 1988, Trần Ngọc Trác chuyển về Đài PT-TH Lâm Đồng. Khi ấy chúng tôi mới thường xuyên gặp nhau luận bàn chuyện văn nghệ. Ngày trước, vào dịp cuối tuần, tôi mang đàn Violon đến thu âm chương trình “Tiếng hát quê ta” do nhạc sĩ Mạnh Đạt phối âm và dàn dựng. Ca sĩ chủ yếu là phong trào: Công an, bộ đội, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên các trường từ mầm non đến đại học, cán bộ, công nhân viên chức cơ quan, xí nghiệp nông lâm trường kể cả già trẻ thôn buôn. Trong đó có một ca khúc lạ nhưng quen quen xưa mà lại rất gần, bùng lên những dư âm dư ảnh nồng ấm bồng trôi, nâng niu tình đất tình người tình cao nguyên bazan khát, câu thơ ấy nhạc điệu ấy cứ lâng lâng rấm rứt, làm tôi nhớ mãi. Đó là tiết mục Khúc hát người K’Ho (thơ Trần Ngọc Trác, nhạc Trần Hoàn).
Bài viết theo thể thức (A-B-A) ngắn gọn. Mở đầu là sự giãi bày chuyện kể hà… à ơi, một khúc ru trong trẻo nỉ non. “Ngủ đi con ngủ đi con hà à ơi ru hỡi ru. Ngủ đi con đêm về rồi hà là hời ru hỡi ru...”.
Từng câu từng tiết, lắng đọng giai điệu dịu ngọt ca từ. Nhạc thơ quấn quyện vào nhau dập dồi qua sông, qua suối, qua vực sầu bao la, qua đại ngàn xa thẳm. Rồi dưỡng chất lễ hội, bập bùng tiếng sáo tiếng khèn gọi bạn, tiếng trống tiếng cồng tạ sấm sét cầu mưa giông. Mùa gái trai cầm bằng múa, cầm bằng hát, cầm bằng đêm thiêng quanh ché rượu cần ngửa nghiêng dưới trăng say vít cong miền cổ tích “Trăng ngả xuống nghiêng già nửa mái. Cho lòng con say nguồn sáng lên sân. Mẹ níu trăng nhịp chày xa vọng lại. Đêm về khuya nện cối gần thêm...”. 
Đoạn B dù có phát triển nhưng không tương phản so với hình tượng ban đầu, bởi Khúc hát người K’ho là cội hiền con chim Chơlang trên đỉnh ngàn hoang hoải, hấp hồn đá núi nhập nhòa trời mây, rồi ú òa giữa cao xanh thành Yal yau - Tâm pât (hát nói, kể chuyện), Lah long - Dos choris (giao duyên, huê tình). Thanh âm cứ tuôn dòng nhạc cứ chảy, cứ thế cuốn cuộn sóng tình văn hóa tâm linh, độc đạo bản sắc - một đặc trưng không lẫn vào đâu - một khoảng lặng trinh nguyên hư huyền ma lực của các tộc người Cil, Lạch, K’Ho, Churu, Stiêng, Châu Mạ. 
Gốc gác Khúc hát người K’Ho là biến thể từ chuyện tình K’Dung KaLang dân ca dân vũ bản địa nhưng trong tác phẩm vẫn còn đó sợi buồn ngũ cung, nhấn rung luyến láy của Cung Thương Dốc… Thang âm điệu thức Quốc Nhạc Việt Nam. Tôi cho rằng đây là chủ ý của tác giả. Tác giả đã pha trộn giữa hai chất liệu thành một nhịp điệu hoàn thiện, nên khúc thức lời ru càng nghe càng đượm nồng quyến rũ, rất thuận rất vào cho nhiều giọng hát.
Hồ Xuân Hương vào xuân - Ảnh: Phan Văn Em
Thơ Trần Ngọc Trác không mỹ miều, không nhảy múa con chữ, không trầm lụy oán trách, không theo khuôn phép nào, thơ của Trác mộc, giản đơn. Mỗi bài mỗi câu là quãng cung thời gian. Mỗi trang mỗi khổ là bấy nhiêu đồng vọng. Cho nên nhiều nhạc sĩ đã cảm hứng thể hiện giọng thơ trầm lắng nhạc ngàn qua từng gam màu thể loại khác nhau: Ca khúc nghệ thuật, trữ tình quê hương, dân gian cải biên, nhạc nhẹ thịnh hành.
Bên cạnh các nhạc sĩ tên tuổi như Trần Hoàn, Thế Bảo, Trần Hữu Bích, Xuân Cửu, Nguyễn Chính…, tình cờ tôi gặp Vũ Tuấn Hội - chàng nhạc sĩ trẻ mang hàm thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam chơi guitar nhuyễn, lướt trên phím đàn Piano đệm hát cũng rất duyên tại Trại Sáng tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổ chức ở Đà Lạt tháng 4 năm 2011. Và ngay trong đêm chàng nhạc sĩ trẻ mơ màng hóa giải bài thơ “Người yêu nhau nói ít hiểu nhiều” của Trần Ngọc Trác thành khúc hát Giá như có em bời bời cảm xúc.
Giá như có em chọn âm giai La thứ (Am), làm chủ đạo với tốc độ nhanh vừa (Allegretto), thể loại trữ tình lãng mạn (Pop ballad), chia 2 phần (A-B) rõ ràng, mạch lạc.
Phần A giai điệu không quá cầu kỳ, có khi chỉ một cao độ trong cả ô nhịp nhưng trường độ, tiết tấu thì khác, luôn biến đổi đảo phách và kết thúc câu hát lại lửng lơ treo (Demi Cadence) “Nước khua sóng mặt hồ. Lăn tăn làn gió thổi. Tà áo em bay. Một sớm mai về. Cây phượng tím giờ không còn cô đơn nữa…”.
Thơ nhạc khơi gợi trong từng âm vực bổng trầm cao thấp rồi tan giữa không gian thời gian, giữa em và anh, giữa thành phố mộng mị đam si.
Đà Lạt vẫn đó mảng màu Giêng Hai, từng nụ xanh vàng đỏ tím chúm chím lưng trời của Ly Lan Đào Phượng. Đà Lạt vẫn đó giọt hồng bừng soi bông cỏ dại bên triền núi sườn đồi trái mùa chen nở. Tiếng vó ngựa lốc cốc, giòn nẻo đường góc phố, tên đất tên làng thơm quen thương thuộc. Bao nhiêu kỷ niệm đọng lại trang thơ, thấm thía tình yêu lắng sâu hồn nhạc.“Gió miên man cầu Ông Đạo. Như anh qua em không muốn quay về. Nhà em cuối dốc Nhà Làng. Anh như kẻ tình si. Đắm đuối em...”.
Một bản nhạc không ai quy định bao nhiêu note hay chừng đó ô nhịp nhưng phần hòa thanh thì phải trình tự nhất định. Ở đây, Vũ Tuấn Hội sử dụng vốn liếng và thẩm mỹ của mình tiến hành theo công năng Am| Am| F| G| Am… hết sức bình dị thanh thoát, thi thoảng chen vài note ngoài hợp âm nghe rất đã, rất sang. Tôi khẳng định người có “nghề” mới viết được nhanh và nhạy như vậy.
Đúng vậy, nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội hiện là nhạc công, sáng tác kiêm hòa âm phối khí cho Đoàn Văn công bộ đội biên phòng. Hành trang mang vào Đà Lạt là khúc “tứ tấu đàn dây” và “tổ khúc giao hưởng”. “Biên cương núi rừng”. Đây là dòng nhạc kinh viện thính phòng, thể loại nếu chỉ có năng khiếu không chưa đủ, bắt buộc phải học bài bản, nghiên cứu tử tế.
Xin nói thêm bài hát Giá như có em - ca sĩ Đình Vỹ Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng chọn biểu diễn nhiều chương trình khác nhau, được đông đảo công chúng đón nhận cổ vũ mến yêu và điều đó còn lan tỏa cả vùng sâu vùng xa…
Phần B mạch nguồn Ballad vẫn thế lời ca mềm ngấm nên giai điệu dịch chuyển không nhiều, nhưng tiết tấu và cấu trúc hòa thanh có đổi thay đôi chỗ Am| Em| G| D| Am… Ở đoạn này, thơ nhạc lại quay về chủ đề chính.
Ừ, giá như có em để tiếng lá tiếng chim giữa trưa vắng ngày hè thêm xao động, giá như có em để chiều vàng mimosa thắp nắng mùa đông “... Ừ, giá như có em. Đất trời sẽ ấm lên xua tan băng giá...”. 
Vâng, giá như, giá như ở đoạn kết Hội phỏng thơ như đề tài thay vì phổ thơ thì tiết nhạc sẽ đòng đành “phê” và uốn lượn hơn nhiều, bởi câu thơ cuối của Trác tôi cảm nhận có màu vị ảo não sướt mướt. Thật ra thơ của Trác đối với tôi không là kinh điển hàn lâm hay mang tầm triết lý cao xa, nhưng một người làm thơ mà có đến 85 bài được phổ nhạc trong khoảng thời gian không lâu, dù ở đó có đôi ba tác giả ngẫu hứng phổ năm đến sáu ca khúc… Suy tận cùng tôi cũng không hiểu, và chắc rằng đây là hiện tượng. 
Lững thững ven hàng thông chiều về, đầu óc tôi cứ mông lung ngẫm ngợi chợt trên ô cửa sổ đồi xa văng vẳng câu hát trong bài “Không thể và có thể” của nhạc sĩ Phó Đức Phương “... Còn đâu miền dương gian khi úa tàn mặt trời. Bình minh có lên ngôi khi không còn đêm tối…”.
26/2/2014 
Đình Nghĩ
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch?

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch? Một nghiên cứu do các nhà khoa học Đức thực hiện tiết lộ cách âm nhạc giúp con người vượt qua những...