Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Việt Nam, một thế kỷ qua 5

  Việt Nam, một thế kỷ qua 5

Chương 27
Đàm Phán Gay Go Thỏa Thuận Về Một

Đã lâu không về căn nhà ở phố Châu Long. Lần này, bước lên thang gác, người bếp cũ vẫn còn ở đấy, lộ vẻ vui mừng thấy tôi về. Tôi ít khi về nhà, nhưng Liên vẫn thường tới, dọn dẹp đồ đạc, quần áo. Dưới nhà, hai anh bạn là Phan Huy Đán và Nguyễn Gia Trí vẫn còn ở.
Liên bảo, có khi anh Tam cũng đến đây nghỉ, vì ngay bên cạnh trụ sở quốc dân đảng. Chiều hôm ấy, tôi được hưởng một bữa cơm ngon miệng, tuy đơn sơ, khác hẳn với những món tại tòa báo.
Có thịt gà luộc và lạp xưởng. Do đương đàm phán tinh thành đoàn kết nên tình thế cũng tạm yên, ra ngoài đường không sợ bị bắt cóc.
Anh Đán và anh Gia Trí đều có vợ cả rồi, những truyện gia đình của các anh ấy tôi cũng không biết rõ, vì quá bận túi bụi. Tôi còn nhớ, hình như tôi có nhờ anh bếp cắt hộ tóc, vì đã quá dài, còn râu thì cũng nhân dịp rỗi cạo cho nó nhẵn nhụi một chút.
Sáng hôm sau, cùng với anh Chu Bá Phượng, tôi tới Bắc bộ phủ để bàn về mấy vấn đề quan trọng. Trụ sở quốc dân đảng có hai chiếc xe hơi, chúng tôi ngồi một chiếc xe Ford màu đen chạy khá êm. Nên nhớ lúc đó ngồi xe nhà là một điều hiếm có. Ngồi trên xe, nhìn qua các đường phố, thấy có vẻ vắng im hơn trước, nhưng các cửa hàng đều vẫn mở tại hàng Ngang, hàng Đào. Qua vườn hoa Paul Bert cũ, (tôi không nhớ lúc ấy đã đổi tên là gì) rẽ vào cổng lớn Bắc bộ phủ -tức phủ Thống Sứ cũ. Xế cửa, vẫn có nhà khách sạn Metropole sau đổi tên là khách sạn Thống Nhất - Xe chúng tôi vừa vào đến trong cổng thì trong có một chiếc xe chạy ra. Người ngồi trên vẫy tay, nhìn không rõ đó là Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp. Từ cửa bên, lên gác, vào một phòng khách rộng, giữa bầy một bàn lớn. Hồ Chí Minh từ một phòng bên ra tiếp, vẫn mặc một bộ áo kaki vàng theo lối Trung Sơn cổ đứng, thái độ rất điềm đạm. Cùng với ông, có một cán bộ nữa, tôi không nhớ tên.
Lần thảo luận này chỉ có hai vấn đề: một là xếp đặt cho một cuộc họp rộng, thảo luận về thành lập Chính phủ Liên hiệp, hai là thảo một bản thông cáo chung, cho cả các tổ chức địa phương của hai bên, về thực thi việc đình chỉ công kích lẫn nhau về hành động cũng như về ngôn luận, cùng thành lập những ủy ban hỗn hợp của cả hai bên để duy trì trật tự.
Vấn đề thứ hai được giải quyết rất nhanh nhưng thực ra về sau có thực hiện hay không lại là một truyện khác. Còn vấn đề thứ nhất thì lại quá phức tạp và khó giải: nguyên tắc đoàn kết chung, thành phần trong chính phủ Liên hiệp, vấn đề quốc hội, quốc kỳ và quốc ca, vấn đề thống nhất quân đội. Nhiệm vụ của chúng tôi hôm ấy chỉ là đúc kết chi tiết cần thảo luận sau này, không phải là vì cách giải quyết, nên sau cũng kết thúc bằng một đề nghị về chương trình nghị sự.
Những cuộc hội họp diễn ra sau đó đưa tới thỏa thuận chính là thành lập một chính phủ kháng chiến lâm thời để tỏ quyết tâm tinh thành đoàn kết, hiệu triệu quốc dân nhất trí kháng Pháp, và cổ võ tinh thần đồng bào đương chiến đấu tại Nam bộ.
Cuộc tổng tuyển cử được hoãn tới đầu tháng Giêng năm 1946. Do tình thế đặc biệt, phe quốc gia không đủ thời gian để chuẩn bị ứng cử tại toàn quốc, nên Việt minh đề nghị giành 70 ghế trong Quốc Hội cho phe quốc gia, trong đó 50 ghế cho quốc dân đảng và 20 ghế cho Việt cách. Nhận thấy chưa đủ lực lượng và điều kiện để cản trở cuộc tuyển cử, phe quốc gia chấp nhận giải pháp này.
Việc lá cờ và quốc ca không thể thỏa thuận được. Vì nếu chấp nhận cờ đỏ sao vàng và bài Tiến Quân Ca thì cũng như đầu hàng rồi, mà Việt minh không thấy có lý do gì để thay đổi lá cờ và bài ca sẵn có.
Gay cấn nhất vẫn là việc thống nhất quân đội. Việt minh nhất định đòi quân đội phe quốc gia phải sát nhập vào Vệ Quốc quân.
Bên này thì đòi lấy tên Quốc Dân quân. Song dù lấy tên gì đi nữa, thì trên thực tế, số lượng quân đội của quốc dân đảng và của Việt cách rất nhỏ và yếu so với Việt minh có cả chính phủ trong tay, nếu sát nhập thì chẳng bao lâu sẽ tiêu vong.
Tuy đều biết việc đoàn kết chỉ là trên bề mặt, nhưng một chính phủ kháng chiến lâm thời đã được thành lập. Đây là chính phủ liên hiệp đầu tiên, vào đầu tháng 1-1940 chính phủ lâm thời này sẽ từ chức khi quốc hội họp, lúc đó một Chính Phủ Liên hiệp chính thức sẽ được ra đời.
Vấn đề cờ và quốc ca sẽ giao cho Quốc Hội quyết định. Việc thống nhất quân đội thì sẽ do một hội nghị liên tịch của đảng phái giải quyết sau. Tốn nhiều thì giờ nhất là việc phân chia các ghế bộ trưởng.
Tuy tôi không dự nhiều về những buổi cãi cọ ấy, song có lần, một đại biểu Việt minh đã phàn nàn thẳng thừng:
- Các anh có ít mà lại cứ đòi nhiều, vô lý!
- Nhưng vô lý hay không, nếu ai đòi được thì cứ đòi chứ.
Cuối cùng, danh sách các vị trong Chính Phủ Lâm Thời gồm có những nhân vật chính như sau (vì đã lâu quá mà thiếu tài liệu để tham khảo, tôi chỉ nhớ được một số nhân vật) cũng không khác với Chính Phủ chính thức sau này mấy.
Chủ Tịch: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn tối cao: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng bộ Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng
Bộ trưởng bộ Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam
Bộ trưởng bộ Tài Chánh: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng bộ Quốc Phòng: Phan Anh
Bộ trưởng bộ Kinh Tế: Nguyễn Tường Long
Bộ trưởng bộ Tư Pháp: Vũ Trọng Khánh
Bộ trưởng bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền
Quốc Phòng ủy viên hội Chủ Tịch: Võ Nguyên Giáp
Quốc Phòng ủy viên Phó Chủ Tịch: Vũ Hồng Khanh.
Trên nguyên tắc, những bộ quan trọng chia đều cho các phe và những nhân vật không đảng phái.
Tôi được cử vào tiểu ban dự thảo bản Tuyên Ngôn của Chính Phủ Liên hiệp lâm thời. Không ngờ, trong buổi họp tại nhà Khai Trí Tiến Đức, tôi lại gặp lại anh Dương Đức Hiền. Đã hơn nửa năm rồi, hai người lại gặp nhau trong một trường hợp kỳ lạ, không thể ngờ tới.
Trông anh không có gì khác trước, chỉ bớt đen đi một chút. Anh rất ít nói, không biết có phải vì sự có mặt của tôi hay không? Hai người bạn, đồng chí thân thiết mấy năm trước đây, nay đã trở thành đối địch, trở thành phải e dè, giữ miếng với nhau. Tại sao cùng một chí hướng mà thành ra thế này? Chắc anh còn nhớ tới những ngày chạy tránh bọn Pháp, ngày anh tới thăm tôi mệt trên cái gác trọ ngõ Chân Hưng, ngày ngồi trên bờ sông Nhuệ anh khuyên tôi và Khái Hưng gia nhập Việt minh, nếu lừng khừng thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!. Quả nhiên hiệu nghiệm. Bây giờ anh đã thuộc phái cầm quyền, sức mạnh ở về phe anh...
Chắc anh không tin gì nhiều về cái đoàn kết trong một chính phủ... Tuy vậy, mọi người cũng cố gắng bàn cãi, cho tới khi bản tuyên ngôn đó ra đời, và được công bố trên toàn quốc.
Vì chính phủ lâm thời này chỉ là quá độ, nên không có tuyên truyền rùm beng, dân chúng cũng ít chú ý. Nhưng việc này phần nào cũng đưa tới hòa hoãn. Trong đầu năm, tại một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nam định, Phát Diệm, Thanh Hoá và khu từ Thừa Thiên tới Quảng Nam, Phú Yên... tiếp tục thành lập đảng bộ Việt nam quốc dân đảng. Tại Đệ Tam Khu, tức từ Vĩnh Yên tới Lào Cai, các cơ cở sẵn có cũng được củng cố và tăng cường, mặc dầu vẫn bị phong toả.
Chương 28
Quốc Hội Và Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến
Thời kỳ hai tháng đầu năm 1946 rất phức tạp với sự đối chọi của nhiều thế lực. Phe quốc gia lúc đó giống như một con thuyền chênh vênh giữa sóng thác dập dềnh, mà hai bên lại là vách đá cheo leo. Chỗ dựa quốc tế duy nhất là Trung quốc, nhưng quân đội Tưởng không có ý muốn dẹp hẳn cộng sản Việt minh -mà dù có muốn cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là về phía Liên Xô. Đồng thời, việc cấp thiết cho họ là nguy cơ quân Mao Trạch Đông đương tràn lấn khắp nơi, Tưởng không muốn sa lầy tại Việt nam, thà để cho Pháp chế ngự cộng sản Việt nam! Mà số khí giới họ giúp theo chỗ tôi biết, thì bất quá là vài trăm khẩu súng của Nhật hay của Pháp đã cũ, nhiều cây không dùng được và thiếu đạn dược... ứng phó thế nào khi quân Hoa rút? Phe Việt minh tuy nắm chính quyền, có số lính Bảo An, một số lính khố đỏ, có vũ khí dồi dào hơn, và đương mộ binh riết để huấn luyện, nhưng hãy còn non nớt, thiếu vũ khí hạng lớn. Theo lời của mấy lãnh tụ cộng sản hồi đó, họ rất lo lắng vì bị kẹp giữa ba lực lượng: quân Hoa, phe quốc gia, và quân Pháp đương đe dọa đổ bộ lên miền Bắc. Sách lược của Hồ Chí Minh tất phải là tạm hoà hoãn để tránh xung đột với quân Tàu, đòi họ rút về nước rồi thừa cơ Pháp chưa chiếm vững, sẽ dốc lực lượng để tiêu diệt đội quân nhỏ yếu của người quốc gia. Sách lược này rõ ràng, rất nguy hiểm.
Và cũng rất rõ ràng, phe quốc gia chỉ có một con đường để thoát khỏi diệt vong, là cấp tốc tăng gia quân đội và mở rộng, củng cố chiến khu, lợi dụng mâu thuẫn trong quốc tế để duy trì và phát triển, lãnh đạo dân chúng chiến đấu. Phải kiên quyết hành động bằng mọi cách, trong một chương trình chung cho mọi đoàn thể.
Có lẽ một phần còn hy vọng việc kết hợp còn kéo dài được, một phần cho rằng trước sự đe dọa của quân xâm lăng Pháp, Việt minh chưa dám quyết liệt và còn e lòng dân phản đối, nên đa số các người cầm đầu phe quốc gia vẫn còn bận rộn về việc tham gia Quốc Hội đề cử thành phần Hội đồng Bộ trưởng. Trung ương không phái cán bộ cao cấp tới các địa phương để lãnh đạo việc đảng. Mặt khác, một số thành phần trong đảng bất đồng ý kiến, đã có những hành động riêng rẽ, ảnh hưởng tới việc dốc sức vào gây dựng lực lượng chung. Còn có ít phần tử mới tham gia đàng vì thời cục xô đẩy, thiếu ý chí và thiếu kỷ luật
Tất cả những thiếu sót trên khiến phe quốc gia đã chưa xây dựng được lực lượng mạnh thống nhất, có sức chiến đấu để đương đầu với những ngày gay go về sau. Dù có những đánh phá, chỉ trích, cuộc tuyển cử vẫn cứ cử hành vào đầu tháng 1-1946. Vì có sửa soạn trước, đã chỉ định ứng cử viên, và đã lôi kéo người đi bầu theo lối xua gà, lại cũng có kèn có trống nên tỉ lệ đi bầu cũng khả quan.
Ngày họp ở Nhà hát lớn thành phố, vào cuối tháng 2-46 tôi có đến xem tình hình như một ký giả, chứ không như một đại biểu, và rút lui rất nhanh. Trong bụng tôi nghĩ, chẳng qua cũng là một màn kịch đóng trò thống nhất, song đủ mặt anh tài.
Quốc hội kỳ ấy đã phê chuẩn danh sách chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đã biểu quyết giữ lại cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài Tiến quân ca làm quốc ca.
Thành phần của chính phủ này ai cũng đều biết, chỉ xin nhắc lại sau đây để tham khảo:
Chủ Tịch chính phủ: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch chính phủ: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn chính phủ: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng (trung lập)
Quốc Phòng: Phan Anh (trung lập)
Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (quốc dân đảng)
Tài Chánh: Lê Văn Hiến (cộng sản)
inh Tế: Chu Bá Phượng (quốc dân đảng)
Giáo dục: Đặng Thái Mai (cộng sản)
Tư Pháp: Vũ Đình Hoè (Dân Chủ Đảng)
Canh nông: Bồ Xuân Luật (Việt cách)
Công chính: Trần Đăng Khoa (Dân Chủ Đảng)
Y tế: Trương Đình Tri (Việt cách)
ủy ban kháng chiến, chủ tịch: Võ Nguyên Giáp (cộng sản)
Phó chủ tịch: Vũ Hồng Khanh (quốc dân đảng)
Sau đó, chính phủ Liên hiệp đã ra mắt quốc dân trên bao lơn gác nhà Hát Lớn. Hồ Chí Minh tuyên bố vài câu về việc thành lập và cương lĩnh của chính phủ, sau tới lưọt ông Nguyễn Hải Thần diễn thuyết. Nhưng có lẽ vì ở ngoài lâu quá, nên ông nói rất khó nghe và đệm nhiều chữ Hán, khiến người ta thất vọng.
Chính phủ này khi ra đời lập tức phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm, đối nội cũng như đối ngoại.
Lúc đó, với một thỏa hiệp ngầm, Trung quốc đòi thỏa thuận với Pháp, sẽ rút đi bắt đầu ngày 28-2-46, Pháp có một số nhượng bộ cho Trung quốc về các tô giới, ngược lại Trung quốc đồng ý quân Pháp sẽ thay thế mình tại Bắc Việt. Để thu xếp ổn thỏa việc này, tránh chiến tranh xẩy ra. Trung quốc đã đồng ý thành phần của chính phủ Liên hiệp này, và khuyên Pháp-Việt hai bên nên thảo ra một bản hiệp định về quan hệ giữa hai nước.
Quan điểm của Pháp lúc đó là chỉ để cho Việt nam là một quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Mặc dầu muốn thỏa hiệp, Hồ Chí Minh cũng không thể chấp nhận quan điểm ấy vì bị nhiều phe, kể cả trong nội bộ đảng cộng sản, chống đối cho là đầu hàng, phản bội dân tộc và sẽ bị quốc dân nổi lên chống đối.
Cuộc thảo luận vì thế giằng co rất lâu và không dám đưa ra công khai. Trọng điểm ở chỗ Pháp nhìn nhận Việt nam là độc lập hay chỉ là tự do, có quyền thế nào về mặt quân sự và ngoại giao, quân Pháp sẽ đóng tại đây bao lâu mới rút, và Nam Kỳ có tự trị hay không?
Hắc búa nhất vẫn là tranh chấp về quân đội. Ai cũng hiểu một quốc gia chỉ có thể có một quân đội thống nhất, nếu không sẽ hỗn loạn, và lúc đó muốn đánh Pháp, cần thống nhất chỉ huy quân đội mọi phái. Nhưng võ trang lại là vấn đề sinh tử không còn võ trang thì chỉ ngày mai là sẽ phải đi chầu Diêm Vương thôi, ở trong một chế độ vô pháp vô thiên, giết người như ngóe.
Việt minh, căn cứ vào nguyên tắc thống nhất trong chính phủ liên hiệp, đòi tất cả các võ trang đều phải sát nhập vào Vệ Quốc Quân, bỏ danh nghĩa Quốc Dân Quân và đeo dấu hiệu cờ đỏ sao vàng. Điều này, không một cán bộ nào trong phái quốc gia có thể chấp nhận được. Nhìn trên lịch sử, những cuộc liên hợp Quốc-cộng đều kết thúc bằng sự đầu hàng của một bên nào đó, hay là chiến tranh trường kỳ.
Việt nam cũng không thể thoát ra khỏi quy luật này. Rút cục chóng chầy cũng sẽ đi tới bắn lẫn nhau thôi. Sau chiến tranh chống ngoại xâm, bi kịch chung cho Việt nam và các nước cộng sản khác là nội chiến, tàn sát lẫn nhau. Kết quả tất nhiên của các chính sách chuyên chính cực đoan của đảng cộng sản - cũng như tại Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba. Không bao giờ có thể đoàn kết, hòa giải chân chính với người cộng sản, trừ phi họ không có vũ khí trong tay, đó là bài học kinh nghiệm lịch sử.
Vì anh Chu Bá Phượng được cử làm bộ trưởng bộ Kinh Tế thay anh Hoàng Đạo, Trung ương lại điều động tôi về bên trụ sở Tổng Bộ, giữ nhiệm vụ bộ tổ chức của đảng. Nhiệm vụ bộ tuyên truyền giao cho anh Khái Hưng giữ.
Đó là vào hồi tháng 2 năm 46. Mới có nửa năm qua đi, mà đã có bao nhiêu thay đổi. Chính phủ Hồ Chí Minh, Bảo Đại thoái vị, các anh em ở hải ngoại về. Quân Trung Hoa tới tiếp quản. Đảng vụ quốc dân đảng phát triển, một số nơi có đảng bộ, có võ trang. Việt minh khủng bố tàn ngược. Quân Pháp xâm chiếm miền nam, và nay lăm le đổ lên miền Bắc. Dân chúng hoang mang. Nhiều nơi vẫn còn nạn đói rớt lại.
Chưa bao giờ, chưa bao giờ chúng tôi - trước đây mấy năm chỉ là thư sinh, nhà văn nhà báo nho nhã - đứng trước một tình thế phức tạp, khẩn trương và nguy nan như vậy. Trước mặt toàn là những kẻ địch gian hiểm, tàn ác khó lường, mà trong đó trước đây đã có những bạn cùng chiến đấu cho dân tộc. Một điều không ngờ lại nghe nói rất nhiều về những chiến sĩ lưu vong ở hải ngoại, đinh ninh là có lực lượng mạnh và có tài kinh luân cái thế để giải phóng và xây dựng đất nước, song sự thực đã không được như thế. Phải kính phục tinh thần hy sinh, chịu đựng của các vị đó, song về mặt hoạt động thì lại kém nhóm cộng sản.
Đặt quá nhiều hy vọng vào quân Trung Hoa, song hy vọng nhiều thì thất vọng cũng nhiêu. Bảo là quân Trung Hoa không giúp được gì cho phái quốc gia thì cũng không đúng, không có quân Hoa yểm trợ thì đã không thể xây dựng được một số đảng bộ và khu căn cứ. Trung quốc có mục tiêu và lợi ích của nước họ. Không có ai làm cỗ cho mình sơi cả, mà phải tự mình kiếm gạo, kiếm thịt trước đã. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm lịch sử quá cay đắng.
Hôm đó, trời còn lạnh. Tôi đến tòa báo lần cuối. Lá bàng vẫn rụng trên sân và trên hè đường. Bụi tre Đằng Ngà vẫn còn đứng tại một bên sân.
Lấy ít giấy má rồi, cùng anh Khái Hưng cáo biệt. Đến nay, hình ảnh nhà văn gầy nhỏ vẫn còn như trước mắt tôi, Qua mấy tháng làm việc ngày đêm, căng thẳng trong đấu tranh anh lại gầy thêm, thêm mấy nét răn trên trán. Cũng như tôi, anh bị lôi cuốn vào một cơn bão táp không biết bao giờ mới ngừng.
Nhưng anh vẫn lạc quan, đôi mắt anh vẫn sáng, vẫn hay pha trò.
Con người nhiều khi cũng kỳ lạ. Một nhà trí thức hiền từ đã biến thành một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, chống đế quốc, chống độc tài.
Đối với tôi một người trẻ nhất trong các anh em, Khái Hưng như là một người anh lớn. Chỉ với sự hiện diện của anh với tinh thần chịu đựng của anh, cũng là một sự cổ võ vô hình cho tôi. Và tờ Việt nam là thành quâ lớn của sự cố gắng của anh cùng các anh em cộng sự.
Thực tình, tôi không muốn rời toà nhà này, nơi mà tôi đã làm báo, viết văn, làm việc chung mười ba năm dài. Đã có biết bao vui buồn, thành công và thất bại ở đây. Dù sao, những tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực Văn Đoàn, phong trào ánh Sáng, Đại việt dân chính, và bây giờ, 1946, tờ Việt nam cũng đã đi vào lịch sử. Và giá trị của tòa nhà này cũng vì đã là một nơi tập hợp hiếm có cả về văn hóa lẫn chính trị của bao nhiêu anh tài đất nước. Trong đó có một số người dù muốn dù không, trước và sau người ngày biến chuyển kinh thiên động địa, cũng đã tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước trong khi một thời đại cũ biến đi, một thời đại mới bắt đầu.
Cùng anh Vương Các Đạo, một anh em trong nhóm cảnh vệ lúc đó, chúng tôi sang trụ sở Đỗ Hữu Vị, rất gần đây. Anh Vương Các Đạo, thân hình đặc biệt cao lớn, da ngăm ngăm đen, trước đây trong Bảo An Binh, một người rất thẳng thắn, trung hậu. Trong lúc nói truyện, anh tỏ vẻ rất tin tưởng, tuy anh biết đương gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi cũng không muốn nói cho anh biết tình hình thực ra còn khó khăn hơn anh tưởng nhiều, và bao mối đe dọa đương ở trên đầu phe quốc gia.
Chương 29
Tại Bộ Tổ Chức Việt Nam Quốc Dân Đảng - Tổ Chức Biểu Tình Đòi Chính Phủ Không Để Pháp Đổ Bộ
Trụ sở Tổng Bộ Việt nam quốc dân đảng đặt tại trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, vừa trước đây cũng là một trại binh của Nhật. Cũng như các trường học khác ở Hà Nội, trường có sân rất rộng, trồng nhiều cây bàng. Mỗi lần nhìn thấy cây bàng, lá bàng rụng trên sân, tôi không khỏi nhớ lại quãng đời học sinh thơ ấu và hồn nhiên. Tuy nói là bộ tổ chức, những cũng chỉ có một phòng lớn ở ngoài và một gian nhỏ ở trong để họp bí mật. Hồ sơ các địa phương cũng rất ít vì lúc đó đa số phải tự lực cánh sinh, có khi phải trốn tránh không có chỗ trú nhất định. Anh em giao thông cũng hiếm, cần lắm mới phải dùng đến... Liên lạc không những khó khăn mà nguy hiểm. Chỉ có một số địa phương phái người lên xin ý kiến, trong đó có người đến rồi sau không về được nữa, hay là đã mất liên lạc với địa phương mình. Ngay tại Hà Nội, lực lượng đảng cũng rất thưa thớt. Chỉ có một số ít đảng viên Việt nam quốc dân đảng cũ trước kia nay lại bắt liên lạc.
Phần lớn anh em Đại việt dân chính cũ cũng nằm im, không Cộng tác với quốc dân đảng, một số đi với Việt minh. Bàn với anh Nguyễn Tường Long, anh cũng lắc đầu.
Tình hình nội vụ xem ra không lạc quan. Trung ương Việt nam quốc dân đảng quyết định tổ chức biểu tình ở các nơi để dấy động quần chúng. Khẩu hiệu được đưa ra là Chính phủ phải kháng chiến thực sự, Chống việc quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc, Đoàn kết toàn dân, đình chỉ khủng bố
Tại Hà Nội, cuộc biểu tình thu hút được độ 2 ngàn người diễu qua Bắc Bộ Phủ, bờ hồ Hoàn Kiếm, không được như ý muốn vì người dân còn sợ Việt minh khủng bố. Theo tin ở mấy nơi ở các địa phương, thì gặp rất nhiều trở ngại do Việt minh phá hoại, ngăn trở, nên đã không thành công mấy. Bên Việt minh có đoàn Thanh niên Cứu Quốc, lôi cuốn được nhiều học sinh, sinh viên tích cực. Bàn với Trung ương rồi, cùng với mấy anh em trẻ như anh Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam v.v.. từ miền Trung ra, tôi soạn thảo ra bản cương lĩnh và nội quy của một đoàn thanh niên, với mục đích đấu tranh cho dân tộc, thực hiện hoàn toàn độc lập, tiến tới xây dựng một tổ quốc giàu mạnh. Phản đối đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản quốc tế
Đoàn Thanh niên này lấy tên là Quốc gia Thanh niên đoàn. Tôi làm Đoàn trưởng, hai phó đoàn trưởng là Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam, về sau khi tôi rời Hà Nội, lại thêm một phó đoàn trưởng là anh Mai Ngọc Liệu (hiện nay anh Liệu và một số anh em Quốc gia Thanh niên đoàn cũ đã sang sống tại Hoa kỳ). Sau đó ít lâu, tôi bận nhiều việc tại Trung ương, anh Tuyên bận việc Chánh văn phòng bộ Ngoại Giao với anh Tam, nên việc Đoàn thực tế do anh Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện), người Quảng Nam đảm nhiệm. Nam là một cán bộ rất sốt sắng và có tài tổ chức. Lấy danh nghĩa phe quốc gia để hiệu triệu, thanh niên đến tham dự cũng đông. Buổi lễ khai mạc khoá đầu tiên ở Ngũ Xã, tôi có đến nói truyện, và sau đó giữ mục Đường lối cách mạng Việt nam, theo đúng chủ trương dân tộc dân chủ và đoàn kết kháng chiến.
Không ngờ, người tham gia đoàn thanh niên này cũng khá đông, đủ các giai tầng, và gồm cả một số nữ thanh niên. Họ đều hăng hái, sốt sắng, tuy thiếu kinh nghiệm và không hiểu biết nhiều về chính trị. Đa số đều phản đối Việt minh, song cũng có một số tán thành mọi phái đều nên hợp tác để chống Pháp trước đã. Họ không ưa quân Trung Hoa, song họ lại mong Hoa quân trực tiếp giúp phe quốc gia để chống lại với Việt minh. Tình thế phức tạp và gay go lúc đó, chúng tôi chưa thể nói hết cho các anh em biết rõ. Vì chính chúng tôi cũng chưa biết sẽ biến chuyển ra sao. Vậy đối với thanh niên, lúc này trước hết cần huấn luyện riết về chính trị cũng như về quân sự tối thiểu, để có thể ứng phó với mọi thay đổi. Như vậy, sau này các đoàn viên quốc gia Thanh niên Đoàn đã đóng góp nhiều vào công việc, và khi lên chiến khu cũng đã thành những chiến sĩ thực sự không kém gì các anh em đảng viên.
Ngoài đoàn Thanh niên Quốc gia, tôi cùng với một số anh em tổ chức một đoàn tự vệ bí mật, để bảo vệ cho rrung ương và những cơ quan trọng yếu. Ngày đó, có thể nói chúng tôi hoạt động trong vòng khủng bố, lúc nào nguy hiểm cũng có thể xẩy ra. Trong thành phố Hà Nội và nhiều nơi khác, thường thường xẩy ra những vụ bắt cóc hay ám sát, đa số đối với những cán bộ trung cấp. Ra khỏi trụ sở là phải đi hai, ba người một tốp, có súng càng tốt. Buổi tối, nhất luật không được ra ngoài, trừ có việc cần thiết.
Các anh em không ai tỏ ra sợ hãi, phần lớn rất bình tĩnh như không có gì nguy hiểm. Nhưng dù sao, cũng vẫn ở trong một vị thế đối địch, luôn luôn khẩn trương. Mọi người đều nghĩ tới ngày quân Tàu sẽ rút lui, nhưng không ai công khai nói ra.
Điều kỳ lạ là, sau khi đất nước đã độc lập, mối đe dọa hàng ngày không phải từ người ngoại quốc tới, không phải từ quân Hoa, vì họ sẽ rút đi, không phải từ người Pháp, vì họ chưa tới, mà dù có tới thì cũng chỉ là một trường chiến đấu, sống hay chết nào có quan hệ gì. Mà lại chính ngay từ người mình, cùng một dân tộc. Chúng tôi làm cách mạng để chống thực dân, chứ không phải để chống lại người Việt nam. Chúng tôi hoàn toàn thực lòng muốn hợp tác với tất cả các phe người Việt khác trong mục đích chung. Kể cả người cộng sản. Bi kịch của thời ấy là chính quyền không may đã rơi vào tay đảng cộng sản Việt nam, được thấm nhuần bởi lý thuyết Mác-Lê-Stalin, giai cấp đấu tranh và chuyên chính vô sản. Giành độc lập chỉ là một bước để thực hiện lý thuyết đó. Họ không thể chia quyền với các phái khác, và cái gọi là đoàn kết của họ chỉ là bắt mọi người đều phải phục tùng. Dù trên bề mặt, có đưa ra những khẩu hiệu Độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, cốt lõi chính sách của họ vẫn là thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Tuy vậy, một mặt, cũng phải công nhận là đảng cộng sản Việt nam có đấu tranh chống thực dân Pháp, vì họ hiểu ràng Việt nam không độc lập thì không thực hiện được mục đích. Đó là chỗ chủ trương của họ khác với nhóm Đệ Tứ, nhóm này cho rằng giai cấp vô sản vẫn có thể đấu tranh dưới bất cứ kẻ thống trị nào, dân tộc hay ngoại bang. Vì nhóm Đệ Tứ đi ngược lại với chủ trương của họ, và Đệ Tứ lại là nhóm có khả năng đoạt quyền lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền nhất, nên mấy lãnh tụ như Tạ Thu Thâu đã bị cộng sản thủ tiêu ngay trong những ngày đầu. Cũng như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn... hay Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi đã thành nạn nhân sớm nhất của cộng sản. Một phần đồng bào tin tưởng rằng Chính phủ Hồ Chí Minh thực sự kháng chiến, nên cho là người đảng phái quốc gia nhảy ra quấy rối, vì quyền lợi địa vị, lại dựa vào thế lực quân ngoại quốc. Dân chúng rất dễ tin những người bị bắt, bị thủ tiêu là phản động, cường hào ác bá, là Việt gian. Phải công nhận thủ đoạn tuyên truyền và vu cáo của người cộng sản rất có mánh lới. Trình độ hiểu biết của quần chúng chưa đủ để nhận ra, nhất là giới thanh niên bồng bột. Thêm vào đó, việc tuyên truyền của phe quốc gia chỉ giới hạn vào những giai tầng trí thức, trung lưu, mà không đi vào sâu được những giới thợ thuyền, dân nghèo, nông dân nghèo khổ.
Những hoạt động của phe quốc gia không lôi cuốn được nhiều quần chúng cũng vì những lẽ trên. Ngay tại Đệ Tam Khu, tức là từ Vĩnh Yên cho tới Lào Cai, là nơi lực lượng quốc dân đảng tụ tập đông nhất, mạnh nhất, cũng có nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Nhìn vào những tài liệu anh Phượng để lại, và quan sát trên bản đồ Bắc Kỳ, thì việc đập ngay vào mắt tôi là những cứ điểm của quốc dân đảng giống như mấy cù lao nhỏ giữa đại dương Việt minh. Trừ khu Lào Cai - Bảo Hà chiếm được một mảnh địa bàn - khá rộng nhưng toàn rừng núi - tất cả đều chỉ là mấy thị xã tỉnh lỵ cô đơn. Mỗi chỗ chỉ có vài trăm anh em, và số súng trường mỗi nơi cũng không quá một trăm khẩu. Không cần phải học qua quân sự cũng hiểu rằng đây là một điều tối kỵ trong cách bố trí trận tuyến. Việt minh lúc nào cũng có thể tới quấy nhiễu, lại còn việc tiếp tế lương thực, đạn dược, lấy đâu ra?
Ngay tại Hà Nội, việc duy trì sinh hoạt tất yếu của ban Trung ương và các trụ sở cũng đương gặp khó khăn. Anh Chấn, phụ trách về tài chính, cho biết rằng nguồn thu nhập nay chỉ còn trông vào việc mộ quyên, và vài cơ sở kinh doanh cũng không thuận lợi lắm.
Chinh Phủ Liên hiệp Kháng Chiến đã thành lập. Nhưng nguy cơ hỗn ìoạn không vì thế mà giảm đi, nguy cơ ngày càng gần.
Chương 30
Đồng Sàng Dị Mộng Hiệp Nghị Trung - Pháp
Phe Việt minh và phe quốc gia tuy hợp tác trong một Chính Phủ Liên hiệp, nhưng đó chỉ là đồng sàng dị mộng. Mộng của Việt minh là mong cho các ông tướng Trung Hoa sớm rút đi để họ rảnh tay xử trí những kẻ đối địch làm gai trước mắt. Còn mộng của phe quốc gia là làm sao có được nhiều quân và súng, mở rộng được chiến khu, để có thể tự vệ sau này. Một số quần chúng tin tưởng ở tinh thành đoàn kết để kháng chiến, song giấc mộng trên đều là bí mật công khai đối với hai bên. Có thể ví như một cuộc chạy đua, và hiển nhiên phe quốc gia chậm chân và lép vế.
Về phần người Pháp thì mong đặt chân lên đất Bắc rồi đứng vững đã, đợi quân Tàu đi khỏi rồi muốn làm gì cũng không muộn. Tại miền Nam, họ đã dựng một chính quyền bù nhìn, hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ. Dã tâm của Pháp vẫn là nuốt lại Đông dương trọn vẹn, dưới một hình thức tự trị nào đó. DArgenlieu là một tay cứng rắn, hắn mong cho hai phe người Việt tàn sát lẫn nhau.
Một ngày hạ tuần tháng Hai, tôi và anh Xuân Tùng, anh Chấn đương ngồi trong phòng họp. Hai anh Khanh và Tổ ngồi xe ở ngoài về, vội chạy vào trong. Nét mặt hai anh tỏ vẻ giận dữ, lo âu rõ rệt.
- Thế nào, các anh?
Xuân Tùng chậm rãi hỏi, anh lúc nào cũng chậm rãi và lúc họp cũng phải có một ống điếu thuốc lào trước mặt. Anh không phải là một người nổi bật lên, nhưng rất thực tế và chịu khó làm những việc khô khan như tổng vụ, kinh tế.
Nghiêm Kế Tổ không nói gì. Vũ Hồng Khanh dằn giọng nói:
- Tệ quá! không ngờ họ tệ đến thế!
- Ai?
Mọi người đều hỏi. Vì hôm nay, hai anh có nhiệm vụ tìm bộ Tư Lệnh Hoa để giao thiệp về sự giúp đỡ đã hứa.
- Mấy tướng Tàu, chứ còn ai.
Anh Tổ tiếp lời, giải thích:
- Hôm nay đã gặp tướng Diệp, phó tư lệnh, và được Diệp cho biết Trùng Khánh cùng Pans đã thoả thuận với nhau để nay mai quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc thay vào quân Hoa. Cũng đã nghe tin đồn lâu, nhưng bây giờ họ mới cho mình biết, quá vội. Mà chưa thấy có gì cụ thể trong việc giúp đỡ phe quốc gia. Ngay việc cho biết tin để ứng phó cũng không làm. Lúc ấy, Vũ có tỏ ý kháng nghị và phẫn uất:
- Đối với người Việt chúng tôi, việc cho phép bọn thực dân đã thua trận bỏ đi nay lại trở lại thống trị, là không đúng với điều Đồng minh đã hứa. Chúng tôi không thể chấp nhận.
- Việc này không phải do chúng tôi, mà do cả Đồng minh quyết định.- Diệp đấp Chúng tôi chỉ thừa hành lệnh trên.
Dừng một giây, ông tiếp
- Chúng tôi rất đồng tình các ông, nhưng chỉ có thể làm trong phạm vi nào đó mà thôi.
Những lời nói đãi bôi, tuy Vũ và Nghiêm từng đã quen biết Diệp ở bên Tàu. Nhưng quen thuộc và tình nghĩa cách mạng đâu so được với những thứ khác mà phe quốc gia làm gì có để cung ứng.
Họ có hứa hẹn sẽ cấp cho 1000 khẩu súng, nhưng rút cục, thực tế theo chỗ đã nhận được, chỉ có độ hai trăm khẩu súng trường cũ, mà phần lớn đã hoen rỉ, không dùng được. Vậy mà, anh Chấn nói, mình cũng đã tốn kém không ít.
Mấy hôm sau, tướng Tiêu Văn mời đại diện của Việt Quốc và Việt cách đến nói chuyện, chính thức thông cáo là ngày 28 tháng 2, hai chính phủ Trung-Pháp đã ký kết một hiệp ước: quân Trung Hoa rút về nước, nhường cho quân Pháp vào tiếp thay. Ngược lại, bên Pháp nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế và trao trả lại các tô giới đương chiếm cho Trung quốc.
Đến nay, tôi còn nhớ bộ mặt tròn trĩnh, bảnh bao, cố làm ra nhiệt tình của Tiêu Văn. Ông nói:
- Các ông thấy, chúng tôi đã làm hết sức mình để giúp cho Việt Nam. Các ông đã có một chính phủ đoàn kết..
Tiêu trầm ngâm một lát rồi tiếp:
- Tôi nghĩ, các ông nên chú ý xếp đặt công việc tương lai, và vận dụng được sự đoàn kết ấy trước người Pháp.
Cuối cùng, Tiêu nói nhỏ:
- Chúng tôi chỉ có thể làm đến thế, để giúp các ông. Đạo quân đến tiếp quản việc đầu hàng của quân Nhật không có quyền can thiệp vào nội bộ các nước.
Chúng tôi cũng chỉ biết nghe mà thôi. Mọi người đều đã tin tưởng quá đáng vào đội quân tiếp quản, vào Trung quốc quốc dân đảng. Nhưng nghĩ lại cho cùng, không nên trách ai cả và chỉ nên tự trách mình trước. Đã không biết gây dựng lực lượng của mình trước thời cơ, lại có óc ỷ lại thiếu tinh thần tự lập tự cường, thì dù có người giúp thế nào đi nữa cũng sẽ đi đến thất bại thôi.
Bài học này thấm thía cho đến tận ngày nay, khi cầm bút viết đoạn lịch sử bi đát nửa thế kỷ trước kia. Quân Tưởng sắp rút đi. Quân Pháp sắp tới. Mối đe dọa của Việt minh càng ngày càng cảm thấy nặng nề, tuy đã liên hiệp. Những ngày đầu tháng 2 năm 1946 đòi hỏi một sự quyết định cấp tốc và chính xác ở phe quốc gia, để xoay đổi cục thế, thoát khỏi bị động. Cần phải có những hành động cách mạng phi thường. Nếu do dự, lừng khừng, thì tất sẽ bị luồng sóng thời cục lôi cuốn và sẽ trôi rạt hay chìm đắm. Tình thế tuy phức tạp, nhưng xét cho cùng, chỉ có hai con đường: chiến hay hoà, tùy ý chọn một.
Đúng theo lập trường cách mạng chống Pháp, thì khi Pháp tái xâm lăng, người Việt nam phải toàn thể đứng lên kháng chiến đến cùng. Lúc đó, nếu cả người quốc gia, cộng sản hợp tác nhất trí dẹp bỏ mọi thủ đoạn chia rẽ khủng bố, hiệu triệu toàn dân, thì dù vũ khí thô sơ kém quân Pháp, nhưng cả nước một lòng, lại có sự ủng hộ tinh thần của thế giới, thì chưa chắc Pháp đã thắng nổi.
Nếu người quốc gia bản thân chống lại chủ trương thỏa hiệp của cộng sản, can đảm đứng ra hô hào kiên quyết kháng chiến, thì rất có thể được dân chúng hưởng ứng, gây nên phong trào lớn, chuyển bị động sang chủ động, tránh được thế bị dồn vào góc tường.
Hai chủ trương trên đã không được bàn đến kỹ càng trong buổi họp Trung ương quốc dân đảng và buổi họp cùng với ban lãnh đạo Việt cách. Đa số các anh em, nhất là mấy người trong chính phủ, đều đương chú trọng vào những điều kiện được mang ra điều đình giữa Hồ Chí Minh và Sainteny, đại diện của D Argenlieu.
Sự thiếu sót của một đường lối hành động quả quyết và kịp thời lúc đó của phe quốc gia đã tạo cơ hội cho Việt minh nầm lấy, chọn con đường thoả hiệp với Pháp, tìm cách hoãn binh, hy vọng vẫn duy trì được quyền tự trị nội bộ và thanh toán phe đối địch khi quân Tàu rút đi.
Trên thực tế, binh lực của Pháp lúc ấy quá mạnh, khó có lực lượng nào ngăn chặn được chúng đổ bộ. Hồ Chí Minh muốn tránh một sự đụng chạm rất có thể đưa tới sự tan rã của Việt minh. Đó là nguyên nhân tại sao Hồ Chí Minh vội vã tiếp nhận những điều kiện do Sainteny đưa ra, và chỉ trong một tuần sau, một Hiệp Định sơ bộ đã được ký kết với Pháp, ngày 6-3-1946. Hiệp định sơ bộ này rất quan trọng vì là hiệp ước đầu tiên giữa Việt nam và Pháp, theo đó Pháp công nhận Chính Phủ Liên hiệp Việt nam là một thực thể có chính quyền tự trị trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp... với một tư chế mỹ danh là tự do chứ không phải là độc lập như toàn dân mong muốn, Hiệp ước có điều khoản quân Pháp được đóng trên miền Bắc trong một thời hạn là năm năm.
Ký kết Hiệp Định này thực ra là một hành động rất mạo hiểm. Không có gì bảo đảm rằng quân Pháp không sẽ mượn cớ này cớ khác để dẹp hẳn quân lực Việt nam và đặt lại nền thống trị cũ như ở Nam Bộ: Trước sau, cũng vẫn sẽ là chiến tranh mà thôi. Mặt khác, việc ký kết không khỏi gặp sự phản đối của dân chúng, và bị kết tội là đầu hàng.
Hồ Chí Minh đã khôn khéo lôi kéo được Vũ Hồng Khanh cùng ký tên vào Hiệp Định ấy để chứng tỏ mọi phe phái đều đã đồng ý: Việc này đã gây ra tranh luận kịch liệt trong nội bộ các đảng phái quốc gia. (Lúc đó, Nguyễn Tường Tam đã gửi thư xin từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao cho Hồ Chí Minh ngày 5- 3-46 và không có mặt tại Hà Nội. Bản sao bức thư in trong sách này. Tuy vậy, theo trí nhớ không rõ ràng của tác giả, Nguyễn Tường Tam sau đó có thể được Hội đồng Chính Phủ lưu nhiệm một thời gian).
Thiếu sót quan trọng trong việc ký kết là mấy đại diện trong chính phủ của Việt Quốc và Việt cách đã không đủ thận trọng trong một sự kiện quan trọng như vậy, và đã không lấy ý kiến của Trung ương trước khi để anh Vũ ký. Vũ Hồng Khanh cũng không bàn kỹ với các anh em, khi thấy đa số bộ trưởng trong chính phủ đồng ý ký kết. Việc này chứng tỏ phe quốc gia thiếu kinh nghiệm và thiếu thận trọng trong những việc có quan hệ trọng đại của đất nước.
Phản ứng của một số anh em trong Việt Quốc thực là kịch liệt ở trong, vừa triệu tập hội nghị Trung ương cấp thời, thì ở ngoài có tiếng ồn ào. Tôi vội chạy ra. Từ cửa lớn bước vào độ hai chục anh em, già có trẻ có, hô lên:
Phản đối hiệp định đầu hàng, phản đối quân Pháp đổ bộ!.
Vài ủy viên Trung ương vừa giải thích là Trung ương đương họp hội đồng để bàn, thì hai người xua ngay tay: Hội đồng gì? Hội đồng chuột!...
Chưa bao giờ tôi thấy đảng viên quần chúng mà lại công kích Trung ương như vậy. Nhưng riêng tôi, tôi lại đồng ý với các anh em. Và ngay trong hội nghị Trung ương, đa số ủy viên cũng nghĩ như vậy. Song, chính đại diện của mình cũng đã ký tên vào rồi mà!
Mặc dầu vậy, ngay tối hôm ấy, mấy anh em trong Trung ương, cùng với tôi, cũng quyết định phát động và tổ chức một cuộc biểu tình, gồm những đảng viên các khu, đoàn viên Quốc gia Thanh niên Đoàn, kết hợp với quần chúng để chống đối hiệp định. Còn nhớ hôm ấy, tôi ngồi trong phòng giấy bộ Tổ Chức, cắt đặt một số đảng viên và đoàn viên tham gia biểu tình, và luôn luôn nghe tin tức truyền về. Toán biểu tình gồm mấy trăm người vốn định tiến về Bầc Bộ Phủ, nhưng khi đi gần tới sở Cảnh Sát Hàng Đậu thì Việt minh đã cho cảnh sát dàn ngang trên phố, ngăn chặn và đòi giải tán.
Do đám biểu tình không nghe lời, rất nhanh xẩy ra xô xát, xung đột. Năm người bị bắt, trong đó có ba đoàn viên Quốc gia Thanh niên Đoàn, vì mấy đoàn viên hăng hái đi đầu và biện luận kịch liệt với cảnh sát. Biểu tình bị giẵi tán do bạo lực. Sau đó, toà án Hà Nội đưa mấy người bị bắt ra xử vì tội quấy rối trị an và xung đột với cảnh sát. Nhân danh đoàn trưởng, tôi có cho ra một bản tuyên cáo bênh vực hành động của anh em và yêu cầu trả tự do ngay. Song tòa án Việt minh vẫn cố tình kết án anh em mỗi người mấy tháng tù.
Cũng vì sự thiếu nhất trí trong nội bộ, nên phong trào chống đối không lan rộng được. Ngay trong chính phủ, ý kiến cũng xung đột lẫn nhau. Một lần, tới nhà Phan Anh, một số chúng tôi tỏ ý phản đối hiệp nghị, nhưng Phan Anh cho rằng chính phủ đã quyết định thì mọi người cần phải theo quyết nghị chung.
Triệu chứng phân biệt trong cái gọi là Tinh thần đoàn kết đã rõ ràng. Cùng lúc, viễn cảnh đội quân thiết giáp Leclercq đổ bộ nay mai không thể không ám ảnh đầu óc mọi người... ai cũng phải tìm một lối đi...
Nhưng, riêng đối phe quốc gia, lối đi sẽ như thế nào?
Quân Tưởng đã bắt đầu rút, quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng rồi sau tiến tới Hà Nội. Nhiều vụ đụng độ nhỏ đã xẩy ra giữa quân Pháp và quân Tàu. Để quân địch lên đồn trú tại tận thủ đô quả là một thất sách lớn, một uy hiếp lớn lao. Người dân vẫn hô lớn những khẩu hiệu độc lập, nhưng tránh sao được lo âu khi thấy lính Pháp với đủ vũ khí hiện đại, ngang nhiên dậm trên đường phố. Một buổi tối, chính tôi đã phải rạt sang một bên vỉa đường, để tránh một xe thiết giáp khổng lồ, chạy ầm ầm trên phố. Tụi Pháp thường tỏ ý rằng họ không chỉ có ý đồn trú mà thôi, và họ mới chính là chủ nhân ông của đất này.
Nhưng cậy mạnh thì thường khinh địch. Quân Pháp đã gặp sự thách đố không ngờ của đạo quân 53 thuộc hệ phái Nam Kinh. Toán quân này đã tỏ rất thiện chiến đối quân Nhật. Trong một cuộc đụng độ bất ngờ tại giữa Hà Nội, chỉ có vũ khí nhẹ, nhưng toán quân này đã mau lẹ chiếm những nóc nhà và nấp sau gốc cây lớn, giữ vị thế có lợì, khiến xe bọc sắt Pháp cũng phải ngừng lại, và rồi rút lui vì sợ bị bao vây.
Cục thế đã đến lúc quyết liệt. Việt Quốc cùng Việt cách họp hội nghị liên tịch. Theo dự đoán tình thế, sau khi quân Tưởng rút hết, quân Pháp sẽ tiến công và chiếm cả Hà Nội. như thế ta sẽ phải lựa chọn: một là hợp tác hẳn với Việt minh để chống Pháp, hai là rút lui về những khu căn cứ để hành động riêng rẽ, và như vậy khả năng lớn nhất là Việt minh sẽ tấn công trong khi Pháp chưa đặt vững chân. Tình thế gian nan bầy ngay trước mắt. Hợp tác hẳn với Việt minh thì không thể được, họ đòi phải thống hợp quân đội dưới sự chỉ huy duy nhất của bộ Quốc Phòng. Như thế, số quân quốc gia phải sát nhập vào biên chế Vệ Quốc Quân, sẽ hoàn toàn bị khống chế, thậm chí bị giâi tán dần dần. Việt Quốc, Việt cách cũng sẽ thành ra những đảng bù nhìn.
Nhưng nếu tách ra khỏi chính phủ, thì lập tức sẽ bị tấn công với tội chống đối chính phủ, và các khu bộ địa phương tất bị khủng bố ngay.
Hội nghị liên tịch chưa đạt tới một quyết định thực tế nào. Trên thực tế, bên Việt cách không đưa ra một kế hoạch hợp tác cụ thể. Và sau đó, ông Nguyễn Hải Thần rút về biên giới lúc nào cũng không báo trước cho anh em Việt Quốc biết. Không lâu sau, đội quân Vũ Kim Thành cũng bỏ căn cứ rút về Quảng Tây, Trung Hoa, sau vài trận xung đột nhỏ với Việt minh.
Đã đến lúc chúng tôi phải định đoạt lấy vận mệnh của mình. Tình trạng lúc này cũng giống như bên Trung quốc, nhưng đảo ngược lại: quân quốc dân đảng chiếm 9/10 đất đai, có 8 triệu quân (nhưng đa số ô hợp), Cộng quân của Mao Trạch Đông chiếm một vùng hẹp tại Tây Bắc và chỉ có độ một triệu quân, song có tinh thần chiến đấu vững, được rèn luyện trong chiến tranh du kích.
Binh lực Việt Quốc lúc này tập trung tại Đệ Tam Chiến Khu, gồm các tỉnh lỵ Vĩnh Yên, thị xã Việt Trì, Phú thọ, Yên Báy, và một phần tỉnh Lào Kai. Gọi là chiến khu, nhưng sự thực chỉ chiếm đóng được mấy thị xã cô lập, ngoài thị xã, nông thôn vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt minh. Mỗi nơi đều có đảng bộ Việt Quốc, võ trang gồm có số Bảo An Binh cũ còn lại và một số anh em có súng tiểu liên nhỏ hay súng lục, con số tay súng mỗi nơi độ trên dưới năm, sáu chục người. Tại miền Lào Kai và lân cận Hà Giang, còn có một toán quân người Thổ do anh Triệu Quốc lộc chỉ huy.
Với một số lượng như vậy, và hạn hẹp về nguồn nhân sự, tài chánh, thuế má thu vào rất ít, không thể so sánh với lực lượng Việt minh. Họ có thể huy động binh lực các tỉnh chung quanh đến vây khốn rất dễ dàng.
Binh lực Việt Quốc, thực ra về huấn luyện quân sự cũng rất thiếu sót, chỉ biết giặc đến là bắn trả, không biết chủ động tiến ra ngoài chiếm lĩnh địa bàn, tuyên truyền và thu phục nhân tâm. Cũng không được học hỏi về chiến thuật du kích - chiến thuật của kẻ yếu đối kẻ mạnh, không biết dương đông kích tây, hay khi cần, phải bỏ một nơi cố định để vận chuyển linh hoạt hơn.
Có một lần, anh em ở Yên Báy đã chủ động mang quân tiến chiếm Nghĩa Lộ, một thung lũng trù phú. Nhưng sau, thiếu tiếp viện, nên lại rút về tỉnh lỵ và bị bao vây.
Tóm lại, lực lượng võ trang thưa thớt và bị động, lại phạm vào điều tối kỵ của binh pháp, là hoàn toàn cô lập với nhau, lúc cần đến khó tiếp viện. Đã đến lúc phải thay đổi hẳn chiến lược và bố trí lại các đơn vị. Nhưng cần thừa nhận là hành động quá muộn và quá chậm từ trước thời cục, hãm vào cảnh nước đến chân mới nhẩy, đưa tới hậu quả nghiêm trọng sau đó
Tháng 3-1946, trong khi anh Tam dẫn đầu một phái đoàn, cùng Võ Nguyên Giấp tới Đà lạt để đàm phán về điều kiện cụ thể của Việt nam trong khối Liên hiệp Pháp, thì một hội nghị Trung ương của Việt Quốc lại họp suốt một ngày tại một căn phòng nhỏ ở Ngũ Xã. Buổi họp này, tôi còn nhớ có đủ mặt các anh Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng, anh Long, Chấn, Xuân Tùng, Nghiêm Kế Tổ, Lê Ninh và tôi. ở đây cần nói rõ rằng vì bộ phận Đại việt, theo quyết định chung, lui vào bóng tối hoạt động, nên không có mặt các anh Trương Tử Anh, Phan Trâm, Phạm Khải Hoàn. Cũng nên nói thêm là từ đó, tôi không còn gặp lại anh Trương Tử Anh nữa, và mãi tới gần hai năm sau, mới gặp lại mặt anh Phạm tại quốc ngoại.
Quyết định chủ yếu của hội nghị là củng cố và tăng cường các khu căn cứ. Đồng thời vẫn duy trì sự hiện diện trong chính phủ để mua thời gian và bảo hộ các địa phương triệt thoái dần. Khu một (Móng Cái, Quảng Yên, Hải Dương) và khu hai (Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn) võ trang của đảng không đáng kể.Vậy thì cần tập trung vào khu Đệ Tam.
Hội nghị quyết nghị thành lập một bộ chỉ huy mới - Đệ Tam Khu Chỉ Huy Bộ- để chỉnh đốn toàn diện tổ chức trong khu và chuẩn bị dời cả Trung ương lên đó. Cùng với vài cán bộ Trung ương, tôi được cử lên Vĩnh Yên để giúp điều chỉnh việc đảng bộ trên khu.
Cùng với việc thiết tiệc long trọng tiễn đưa các tướng tá Trung quốc, chúng tôi cũng sửa soạn lên đường. Trong những tiếng ồn ào chúc rượu, từ gĩa, cảm ơn, của những nhân vật mọi phía đã từng cùng đóng kịch trên sân khấu lịch sử Việt nam - và cả thế giới, tôi ngồi yên, trong lòng ngậm ngùi và chĩu nặng lo âu về lương lai.
Trong một ngày mưa rơi tháng 5, tôi lên xe hơi với vài vệ sĩ. Hà nội - Vĩnh Yên tuy gần, nhưng làm sao lọt qua được những chặng gác của Việt minh~ Chúng tôi bèn mượn mấy bộ quần áo nhà binh vàng xanh của quân Trung Hoa, nghiễm nhiên như tướng sĩ của ông Tưởng. Nhờ vậy, trên dọc đường mọi sự rất thuận lợi. Hai bên đường, tình hình vẫn yên tĩnh như chưa hề xẩy ra một sự gì. Vẫn những làng xóm êm đềm, những cổng gạch xen vào lũy tre xanh, những dân quê cúi mình trên ruộng lúa sắp chín. Thỉnh thoảng lắm mới có vài dân binh, tự vệ vác khẩu súng trường canh gác. Việt nam đáng lẽ được có cuộc sống yên bình và no ấm, song vẫn chưa thực hiện, vẫn có khói lửa. Tại sao?
Gần đến tỉnh lỵ Phúc Yên. Trước mắt là một chòi gác, một cây tre bắc ngang chặn đường. Một tay vác súng đứng ở bên đường đương nhìn vào chiếc xe đi tới. Mấy tướng tá giả hiệu này trong bụng cũng hơi lo. Nhưng anh lái xe rất bình tĩnh, bóp còi đòi mở chắn. Thêm hai ba dân quân đeo súng chạy ra nhòm, xem dáng bộ họ muốn xét hỏi nhưng còn ngần ngại thấy trên xe toàn sĩ quan Trung Hoa. Tôi ngồi trang nghiêm, dự tính đối phó với một cuộc đối thoại gay go, thì một vệ sĩ xuống ngay xe, nói một tràng tiếng Tàu, không ai hiểu là anh nói gì. Rồi điềm nhiên tự mình hất lên cây tre chắn đường, ra hiệu cho xe tiến lên, trước con mắt ngơ ngác của mấy vị dân quân, không có một phẫn ứng nào.
Thế rồi xe lại nghiễm nhiên bon đi. Chúng tôi không khỏi cười thầm và khâm phục tài đóng trò của mình, chẳng kém gì những diễn viên chính thức. Và còn điều lạ hơn nữa là, về sau này tôi vẫn thường mặc bộ quần áo màu lục ấy cho tới khi ra đi xa.
Tôi không khỏi đôi chút hồi hộp khi đến gần tỉnh lỵ Vĩnh Yên. Vì đây là khu căn cứ đầu tiên của quốc dân đảng, đồng thời cũng có quân Việt minh bao vây, chắn đường. Nhưng không thấy có gì xảy ra.
Chiến khu... ngày trước chúng tôi tưởng tượng là đầy thơ mộng. Chiều nay, trên chiến khu, trong rừng chiều... câu hát trong bản nhạc của Văn Cao lại vẳng bên tai. Nhưng chiến khu này chẳng thơ mộng chút nào cả. Đây chỉ là một thị xã nhỏ đồng bằng yên tĩnh, có những phố hẹp vắng hai bên trồng cây.
Và cũng rất có vẻ hòa bình nếu không có những binh sĩ đội mũ sao trắng, vành xanh đứng gác trên đường vào tỉnh lỵ.
Chúng tôi trước hết ghé vào nhà anh Đỗ Đình Đạo, nằm bên cạnh một con đường mát mê. Nghỉ ngơi, ăn nhẹ rồi tới trụ sở Đệ Tam Khu, đặt tại dinh Công sứ cũ, trên một ngọn đồi thấp... Một ngôi nhà khá to, có nhiều cây bao bọc.
Chỉ ở chỗ này, chúng tôi mới có cảm giác đầu tiên là sống trên đất của mình, có cảm giác độc lập thực sự tuy chỉ vỏn vẹn có mươi cây số vuông.
Thế sự thăng trầm. Đất này nguyên là của Việt nam, sau rơi vào tay Pháp gần một thế kỷ, rồi một năm trước, bị Nhật chiếm, nhưng chỉ mấy tháng sau, người Việt đoạt được lại. Gặp anh Lê Ninh, người phụ trách lúc đó. Sau bữa cơm rau thanh đạm với các anh em, chúng tôi đi dạo trong thị xã xem tình hình. Song không thể ra cách xa ngoài thị trấn được.
- Anh xem, ta có cách nào phát triển ra ngoài thêm hay không? Tôi hỏi anh Ninh, khi dừng lại dưới một gốc cây lớn đầu tỉnh.
- Khó lắm.- Anh lắc đầu.- Quân Tàu rút đi, bây giờ muốn giữ vững cũng đủ chật vật rồi.
Người, tiền, võ khí đều thiếu. Đạn dược cũng cạn dần. Quân địch không cần đánh, chỉ cần vây rồi bắn tỉa vào là đủ chết mòn, nếu cứ như thế này mãi. May có mấy sĩ quan Nhật đào ngũ giúp huấn luyện anh em về tác chiến và tình báo, nên mấy lần sau cùng còn có thể đẩy lui địch thủ.
Được cái, tinh thần các anh em thanh niên vẫn hăng hái, mặc dầu đời sống kham khổ và tương lai đầy bất trắc. Mọi người đều chịu đựng, rất ít nghe thấy ta thán. Kỷ luật rất tốt, ít khi có lỗi xâm phạm vào dân chúng. Vì đa sổ những người tham dự hàng ngũ còn tin tưởng vào lý tưởng chiến đấu của mình. Và những người cầm đầu cũng cùng một lý tưởng, một ý chí đó. Không phải vì làm quan, làm tướng, nên trên dưới nói chung vẫn cùng chịu gian khổ với nhau. Nói thế, không phải là không có một số phần tử thiếu ý chí, thiếu kỷ luật lẫn lộn trong hàng ngũ.
Tình hình ở các căn cứ Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái cũng tương tự. Mấy cứ điểm cô độc, chỉ có thể liên lạc bằng con đường xe hoả duy nhất. Đường bộ bị Việt minh kiểm soát. Ai cũng còn nhớ, ngày đó, những chuyến xe hoả chạy ỳ ạch bằng đốt củi, không có than để dùng, có lẽ là phá kỷ lục chạy chậm nhất trên thế giới.
Trước triển vọng bị diệt từng cụm vì đầu đuôi khó tiếp ứng được với nhau, tôi và anh Ninh bàn bạc nhiều lần, cảm thấy khó giải. Và chưa tìm ra được một phương án thực tế nào. Một phương án sai lầm có thể đưa tới tai nạn. Với tình thế phức tạp lúc đó cần phải có một kế hoạch can đảm dựa trên sự đánh giá chính xác mọi sự kiện các mặt, lại phải có lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết. Nhưng thực ra, thời cục chuyển biến dồn dập, nên dù có muốn, cũng không có sức gì xoay chuyển nổi nguy vận của phe quốc gia...
Anh Ninh và tôi trở về Hà Nội để báo cáo với Trung ương, trong khi quân Trung Hoa lục tục rút khỏi Việt nam bằng hai đường chính, đường thủy từ Hải phòng và đường bộ từ Lạng sơn về Quảng Tây.
Đã đến lúc phải quyết đoán, phải có hành động cấp tốc.

Chương 31
Đệ Tam Khu Chỉ Huy Bộ

Hà Nội, đầu tháng 6, 1946.

Cảnh tay tư đã kết thúc. Quân Tưởng đã rút. Quân Pháp vẫn ngang nhiên tuần tiểu trên các đường phố. Việt minh chưa đám tấn công trực tiếp vào các cơ cấu Việt Quốc hay Việt cách, vẫn còn duy trì bề mặt Liên hiệp của Chính Phủ. Nhưng đã bắt đầu tấn công vào những nơi xa xôi như Yên bái, Bảo Hà, và phong tỏa những trụ sở phe quốc gia tại các tỉnh, bắt buộc anh em phải tự rút lui. Các đảng, bộ tại miền Trung hay miền Nam đều bị khủng bố và lui vào bí mật. Liên lạc với Trung ương dần dần thưa thớt.

Bên Việt cách thì đã rút về biên giới Quảng Tây. Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi vì chắc đã tuyệt vọng trước tình thế, rút về Trung quốc để đợi thời cơ. Các đảng phái khác cũng đành nằm im, một số anh em bị bắt, nên không còn có thể hoạt động gì nữa. Toán quân Vũ Kim Thành cũng đã bỏ cuộc. Một bàu không khí đặc biệt, nặng nề bao trùm lên cả thủ đô. Những ngày đó, mọi anh em muốn ra ngoài trụ sở đều phải đề phòng, không bao giờ đi một mình. Chúng tôi có ra phố vì công việc, đều phải ngồi xe hơi. Tình trạng này không thể kéo dài.

Hội Nghị Trung ương lâm thời họp kín, quyết định con đường đi cho toàn đảng. Đây là một buổi họp rất quan trọng, có quan hệ tới vận mạng của toàn thể đảng viên và đến cục thế Việt nam. Một số ủy viên có ý kiến vẫn nên ở lại trong Chính Phủ, đợi thời thế thay đổi ra sao sẽ có đối sách thích hợp. Nhưng đại đa số chủ trương rút lên chiến khu, bảo vệ thực lực và tránh bị tiêu diệt tất cả ban đầu não của đảng. Thực ra, lúc đó không còn con đường nào khác.
Hội nghị đồng ý cử tôi và anh Ninh lên trước đề chuẩn bị và chỉnh đốn lại Đệ Tam Khu. Thành lập bộ Chỉ Huy Đệ tam Khu để thực hiện, tôi được đề cử giữ nhiệm vụ chủ nhiệm chỉ huy Bộ. Sau đó, vì anh Lê Ninh mắc bệnh, phải về Hà Nội chạy chữa. Anh Vũ Hồng Khanh, theo ý kiến của Trung ương, bí mật rời Hà Nội lên Vĩnh Yên để tăng cường ban lãnh đạo. Anh Nguyễn Tường Tam lúc đó còn bận việc ngoại giao. Việc trong chính phủ do anh Chu Bá Phượng và anh Nghiêm Kế Tổ ứng phó. Anh Hoàng Đạo đảm nhiệm liên lạc với các đảng phái khác, tổ chức kết hợp bí mật. Sự phân liệt trong khối Tinh thành đoàn kếtJ, của người Việt đã không thể tránh khỏi, chỉ nửa năm sau khi mới bắt đầu. Chỉ một thời gian rất ngắn, nội chiến đã bùng nổ. Trách nhiệm về ai trước lịch sử?
Nhưng tất cả, đều phải đi trên con đường định mệnh. Đã đâm lao thì phải theo lao...
Trên trụ sở Đệ Tam Khu, Vĩnh Yên, đầu tháng 6 năm 1946. Sau khi đi thăm địa thế Vĩnh Yên một lần nữa, và thăm các anh em Bảo An Binh cũ, chúng tôi nhận thấy chỗ này là đồng bằng, lại gần Hà Nội, không thể giữ lâu được. Tốt nhất là tìm một nơi nào thích hợp, có thể tiến thoái, và tập trung lực lượng, mở rộng địa bàn.
Một buổi sáng, anh Vũ và tôi cùng vài anh em có võ trang, ngồi xe hơi lên Việt Trì. Nơi này cách Vĩnh Yên không xa, nhưng vị trí, giao thông tiện lợi hơn, lại có thể vận dụng khu đồi núi hiểm trở nếu cần. Việt Trì nằm ngay ở một ngã ba sông Hồng và sông Lô. Trên đường cái, hai bên toàn là đồng ruộng thẳng tắp, không gặp một sự trở ngại nào.
Tới Bạch Hạc, xuống xe, chúng tôi đứng trên bờ đê, nhìn cảnh sông nước mênh mang. Đằng sau là những aẫy đồi liên tiếp, cây cỏ xanh rờn, không khỏi cảm thấy giang sơn tổ quốc tươi đẹp và đáng yêu biết bao: Qua một cầu sắt gẫy, xuống phà qua bên phố Việt Trì. ở đây có vài dẫy phố nhà nhỏ thấp, song buôn bán có vẻ phồn thịnh hơn Vĩnh Yên. Thời loạn, đâu cũng đượm vẻ tiêu điều, song ở dưới bến cũng có nhiều thuyền bè. Tại Việt Trì đã có khu đảng bộ, chủ nhiệm lúc đó là anh Bảo Ng., với một số cán bộ rất tích cực. Chúng tôi tạm đóng bản doanh cũng ở dinh Công sứ cũ, một toà nhà hai tầng, có sân rộng trồng nhiều cây lớn và trông ra mặt sông Hồng nước đỏ lừ lừ chây xuôi... Nếu sống ở đây thì cũng nên thơ, có sông, có đồi núi, ruộng đất êm đềm. Gần đó, trên một ngọn đồi cao hơn, là trại binh, với vài chục binh sĩ. Khi tôi đến thăm, chuyện trò rất cởi mở, các anh em đều có tinh thần, nhưng lúc đó, ai cũng lo âu về tương lai. Mặc dầu vậy, trong lúc nguy kịch, không có ai đào ngũ. Một trung sĩ người Nhật làm cố vấn, ngày ngày huấn luyện quân sự, một người ít nói, nhưng rất gan dạ, tiếc rằng sau đó đã hy sinh trong một nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài ra, còn có một trại huấn luyện thanh niên, đa số trong đó là anh em Quốc gia Thanh niên Đoàn từ Hà Nội lên. Về võ trang và tài chánh, Việt Trì hơn Vĩnh Yên nhiều. Nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn chỉ là một cô đảo, phạm vi thế lực không ra ngoài thị xã hai cây số. Gần nhất, là cứ điểm Phú Thọ, với một số anh em không nhiều, rất có nguy cơ bị Việt minh dứt điểm dễ dàng.

Tôi và anh Vũ họp cùng mấy anh em phụ trách. Ai cũng thấy là cứ ngồi yên thế này mãi thì chỉ là đợi bị tiêu diệt hay phong toả nghẹt thở, khoanh tay đầu hàng. Chúng tôi đồng ý một kế hoạch là bỏ Vĩnh Yên, tập trung lục lượng lên khu Việt Trì và Phú Thọ đã, lập một phòng tuyến vững chắc hơn, mở rộng địa bàn và tăng cường võ trang.

Kế hoạch nghe thì đẹp đẽ. Đánh điện về Hà Nội thỉnh thị Trung ương, nhưng Trung ương do dự không quyết định, vì lẽ không muốn bỏ một căn cứ có sẵn. Những người ở Vnh yên cũng chống đối ý kiến này, sợ phải bỏ nhà cửa, bỏ gia quyến. Cứ trần trừ mãi không có quyết định rõ ràng, trong khi quân Hoa đã rút đi hết. Việt minh nắm ngay lấy thời cơ, mở cuộc tấn công đột nhiên vào toàn tuyến từ Vĩnh Yên cho tới Yên Bái. Đợt đầu tiên chưa mạnh lắm, có thể vì mục đích gây áp lực buộc Việt Quốc phải chấp nhận thống nhất dưới chỉ huy của chúng.
Đồng thời, họ cũng tấn công vào các trụ sở Việt Quốc ở khắp nơi, trù Hà Nội, khiến một số anh em phải rút về bí mật, một số tại Đệ Nhị Khu - tức Bắc Ninh, Bắc Giang phải chạy sang Trung quốc theo đường Lạng Sơn, rồi tới Quảng Tây trú ngụ.
Cuộc nội chiến trên miền Bắc Việt nam đã bùng nổ, đưa đến sự thất bại của phe quốc gia và sự phá sản của cái gọi là Chính Phủ Liên hiệp Kháng Chiến.
Kỳ thực, nếu so sánh với những cuộc chiến tranh sau này trên đất nước ta, thì về quy mô, về vũ khí đều là thô sơ lạc hậu. Nhưng trên ý nghĩa, trên tính chất thì cuộc chiến này rất đặc biệt, rất sâu rộng, ảnh hưởng cho mãi tới nay.
Đó là vì những người lãnh đạo đôi bên đều đã từng là từ thời kỳ giải phóng dân tộc, chống đế quốc Pháp mà ra, mặc dầu chính kiến khác nhau. Hai là vì những người chỉ huy quân sự đôi bên không phải là nhà quân sự nhà nghề, chính quy, mà toàn là quân sư cách mạng tài tử. Thứ ba, là vì, tuy quy mô nhỏ, thô sơ, nhưng ảnh hưởng rất sâu xa. Có thể nói là, sự thất bại của phe quốc gia năm 1946 đã khiến cho đảng cộng sản Việt nam đặt được nền tảng thống trị trên toàn quốc. Những sự kiện 54, 75 bất quá chỉ là kết quả xa của năm 46 mà thôi.
Nhất thất túc thành thiên cổ hận -chỉ lỡ một bước mà thành hận ngàn thu... Người quốc gia Việt nam đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng những năm trước 1945 và 1946, cho nên phải ôm hận mãi tới nửa thế kỷ sau.
Từ từ tới nay, tôi không sao ngờ được lại bước vào một cuộc chiến tranh, mà lại là đánh nhau giữa người Việt, trong lúc đáng lẽ phải đánh nhau với thực dân Pháp. Mục đích chính của tôi hay các anh em thanh niên tham gia đấu tranh là để chống Pháp. Nhưng thời cục đã đưa đẩy đến chỗ bế tắc, thành kiến, mâu thuẫn đã tới chỗ không thể không giải quyết bằng võ lực, bằng không chỉ có đầu hàng mà thôi.
Là nhà báo nhà văn và bác sĩ, tôi không am hiểu về quân sự nhưng trước đây tôi có nghiên cứu về những sách lược cách mạng, đã đọc một số tác phẩm về chiến tranh cách mạng, trong đó có nói về chiến thuật du kích. Cuộc chiến chống quân Nhật tại Trung quốc, và của Hồng quân chống quân Quốc Dân đảng, cho người ta thấy những kinh nghiệm quân sự có thể giúp cho kẻ yếu vận dụng. Chúng tôi không dám đi tới biện pháp quyết liệt bỏ căn cứ cô lập, mang quân đội hành động một cách linh hoạt, đồng thời cũng tuyên truyền phát động dân chúng. Anh Vũ xem ra chỉ hiểu biết về chiến thuật trận địa chiến. Nhóm Bảo An Binh đương nhiên không chủ động, chỉ biết địch đến là đánh. Hoàn toàn bị động.
Tờ mờ sáng, chúng tôi bị tiếng súng nổ tại bên kia sông, dẫy phố Bạch Hạc, đánh thức dậy. Tiếng úng gẳn gũi và ròn rã của cả hai bên. Mọi người đều trấn tĩnh một cách không ngờ. Trận tuyến còn ở ngoài đê, và nghe tiếng súng, quân địch cũng không nhiều lắm. Theo báo cáo về, đại khái có một đại đội Việt minh chia làm hai mũi đánh vào Bạch Hạc. Còn ở bên Việt Trì này, chỉ có mấy tiếng súng lẻ tẻ.
Chúng tôi bèn động viên các thanh niên ra tiếp ứng mặt trận, và dân chúng làm việc tiếp tế cơm nước, việc cứu thương. Xem ra tinh thần mọi người còn hăng hái, có quyết tâm bảo vệ thị trấn. Hai bên cầm cự cho tới gần trưa, tiếng súng ngớt dần.
Buổi sáng, nhận được mấy điện báo cáo cấp ở Vĩnh Yên, Phú Thọ và Yên Bái. Chúng tôi phân tích tình hình chung, cho rằng đây là loạt tấn công để cảnh cáo và thăm dò thực hư của Việt minh, để làm hậu thuẫn cho yêu cầu bắt Việt Quốc hoàn toàn tuân theo chính phủ. Nhìn xuống bản đồ thị trấn Việt Trì, một anh em chỉ huy đưa câu hỏi:
- Thưa các anh, sao chúng chỉ tấn công vào bên Bạch Hạc mà thôi? Có mục đích gì?
Anh Vũ cho rằng Việt minh chưa điều động đủ binh lực để đánh vào cả hai mặt. Nhìn kỹ vào bản đồ Bạch Hạc, tôi thấy có một ngọn đồi nằm gần phố, sát với đường đi Vĩnh Yên.
- Có thể họ có ý đồ chiếm Bạch Hạc, đồng thời cắt đứt liên lạc của ta với Vĩnh Yên, khiến ta không tiếp ứng được lẫn nhau.- Tôi nói - ý đồ cô lập dần các cứ đíểm của ta rồi tập trung lực lượng để diệt đã thấy rõ. Chúng tôi nghĩ trước tiên tới Phú Thọ, ở đó ta chỉ chiếm được một phần của thị xã.

Chúng tôi đánh điện về Hà Nội để báo cáo và kháng nghi việc đột nhiên tấn công, phá hoại đoàn kết của Việt minh, một mặt đề nghị Trung ương cấp tốc gửi thêm người và súng lên cứu viện.
Buổi trưa, tiếng súng lại nổi lên. Tôi, anh Vũ cùng mấy anh em ngồi thuyền qua sông Hồng để quan sát tình hình mặt trận. Ra khỏi đầu phố Bạch Hạc là tới bờ đê đi vòng quanh, đằng trước là ruộng đất và xa hơn một chút, mấy làng xóm nhỏ. Quân địch nấp đằng sau các mô đất ở ruộng bắn lên đê, còn quân phòng thủ thì nấp sau bờ đê để bắn trả lại. Nhưng vẫn có nhiều chỗ qua lại trống trải, quân phòng thủ không biết đào hào giao thông để tránh đạn, nên có hai người bị thương. Chúng tôi đi qua đó phải cúi rạp mình, trên đầu tiếng đạn bay vút vít kể cũng khá sợ. Nhưng hú vía vì nhờ Trời Phật phù hộ, và thực ra quân địch cứ bắn vút lên trời cả nên chưa sứt mẻ gì. Một anh em bảo tôi: Bắn như thế này, nếu là Nhật thì nó sẽ cưỡi ngựa ung dung vừa đi vừa cười...
Quả thật, hai bên đều không có kinh nghiệm chiến trường. Quân phòng thủ chỉ biết nằm bò sau bờ đê để bắn ra một cách máy móc, còn quân tấn công thì lại nằm trên ruộng trống không, những mô đất không đủ che thân, nên bị thương nhiều hơn mà tiến được rất ít.
Chúng tôi nằm ở một góc quãng đê cong, quan sát địa hlnh, nhận thấy tuy địch không tiến được mấy nhưng cứ như thế này thì cũng nguy cho ta, vì ta sẽ hết đạn. Cần phải thay đổi cách đấnh tích cực hơn và phải tiết kiệm đạn. Ngay lúc đó, có lẽ vì không thấy ăn thua gì nên họ mang từ đâu đến một khẩu đại bác 75, đặt bên góc ruộng rồi bắn rát lên đê. Đại bác! Kể cũng đáng gờm. Vì trong đời tôi chưa bao giờ trục diện với một đại bác sắp nổ vào chỗ mình nấp. Tuy vậy, lúc đó chúng tôi vẫn bình tĩnh một cách không ngờ, cũng không thấy trái tim đập mạnh. Tôi ra hiệu cho mấy anh em nằm lui xuống và nép mình sát vào bờ đê. Và lạ, người bắn làm ăn ra sao mà đạn cứ tránh chỗ chúng tôi, nếu không rơi vào trước đê thì cũng rơi lụp đụp vào mấy cái ao phía sau đê, nước bắn lên tung toé.
Đạn ngừng. Hay là hết đạn? Hoặc đương điều chỉnh Thừa lúc địch đương mệt mỏi, không chú ý, thấy có một làng ở gần đê cũng không xa quân địch lắm, tôi bàn với anh chỉ huy xuất kỳ bất ý phái một toán quân nhỏ lén vào làng đó, rồi đánh thọc vào cạnh sườn địch, tất địch phải hoang mang.
Từ bờ đê, chúng tôi thấy rõ ràng anh em tiến vào làng mà không bị phát hiện, rồi đột nhiên từ ven làng vừa bắn ra, vừa reo hò để trợ uy. Địch bị tấn công bất ngờ, lại thấy một toán người đột ngột xông đến, nên hốt hoảng, vội bỏ chạy về đằng sau, bỏ lại khẩu đại bác không kịp mang đi. Một tay pháo thủ chạy không kịp, giơ tay xin hàng.
Quân ta kéo cỗ súng về, cùng với vài khẩu súng trường và một tù chiến tranh đầu tiên. Kết cục, không ngờ trận đầu ta đã thắng vẻ vang với rất ít thiệt hại. Chỉ tiếc khẩu đại bác đó đã hết đạn. Nhưng thắng lợi đã cổ võ tinh thần mọi người. Cũng đã chứng tỏ rằng cần phải có chiến thuật linh hoạt, lợi dụng mọi cơ hội, không thể bị động, mới mong chuyển sang thế có lợi.

Nhưng tình hình vẫn chưa yên. Hôm sau, quân địch tấn công và chiếm được ngọn đồi ở ngoài Bạch Hạc, một cao điểm quan trọng. Rồi ngay hôm sau, họ đã kéo đến đông gấp bội. Lần này, khôn khéo hơn, họ chia làm mấy mũi đánh dồn vào bờ sông, khiến quân phòng thủ vốn không nhiều, đã phải chia làm mấy mặt để chống giữ. Các anh em thanh niên, trong đó Quốc gia Thanh niên Đoàn đóng vai trò nòng cốt, ai có súng đều phải ra mặt trận để giúp sức. Tình thế cấp bách.
Từ Hà Nội, Trung ương đánh điện lên bảo phải cố thủ vì sẽ có một đoàn đại biểu hỗn hợp của Chính Phủ lên điều đình. Nhưng quân địch vẫn tấn công rất gấp. Đạn đã ít dần, tôi cho thử khẩu đại liên mà chính tôi đã điều đình để mua được từ tay quân Hoa. Đặt trên mặt đê, bắn sả vào một chỗ tụ hợp của địch. Quả nhiên là lợi hại, quân Việt minh không chịu đựng nổi, phải rạt ra xa. Nhưng, phiền nỗi, đạn lại có hạn, bắn không lâu đã hết.
Buổi chiều, họp ban chỉ huy khẩn cấp. Muốn tránh thất bại, cần phải chủ động, tập trung lực lượng đánh mạnh vào một điểm. Nếu cứ ngồi mọi nơi chống giữ từng chỗ thì tất nhiên sẽ bị diệt. Sau khi bàn luận kỹ càng, chúng tôi đồng ý kế hoạch bỏ Vĩnh Yên, kéo quân từ đó lên Việt Trì để tập họp thành lực lượng lớn. Đồng thời, cũng để các anh em ở Phú Thọ lui về Việt Trì, vì đã cô lập và lực lưọrng quá ít. Như vậy, với một tập hợp tương đối mạnh, rất có thể đẩy lui Việt minh và phát triển ra ngoài.
Ngày 1 tháng 6-46, lấy danh nghĩa Trung ương và Bộ Chỉ Huy Đệ Tam Khu, anh Vũ và tôi hạ lệnh cho đảng bộ Vĩnh Yên kéo quân lên Việt Trì vào nửa đêm. Đồng thời ở đây sẽ phái hai tiểu đội dự bị cuối cùng đánh từ Việt Trì ra để tiếp ứng và ngăn quân địch từ trên cao điểm xuống chặn đường. Hai tiểu đội này do viên Trung Sĩ Nhật chỉ huy. Nhưng, kế hoạch tốt đẹp nhiều khi khó thực hiện. Suốt đêm hôm ấy, chúng tôi ngồi đợi tin tức. Hai tiểu đội Việt Trì đã xuất phát, gần sáng có một loạt tiếng súng nổ. Nhưng không thấy bóng dáng của binh sĩ Vĩnh Yên, mà hai tiểu đội đó sau khi đụng độ với Việt minh chắc đã tan rã bất ngờ. Và viên Trung sĩ Nhật cũng mất tích.
Truy cứu nguyên nhân thất bại, chủ yếu là do các cấp chỉ huy ở Vĩnh Yên không nhất trí nên không chấp hành mệnh lệnh, sau lại biện luận là bị quân Việt minh ngăn cản không tiến ra ngoài được. Bộ phận Vĩnh Yên này sau đó không lâu đã phải ra hàng Việt minh...
áp lực của địch càng ngày càng mạnh, quân phòng thủ bắt buộc phải bỏ Bạch Hạc, rút qua sông về phía bên Việt Trì. Đạn từ bờ bên kia sông đã vèo vèo bay sang bên này. Tiếng đạn xiết qua lá cành ngay trước trụ sở, lẫn với cành lá rụng lă tả xuống đất. Quân địch vượt qua sông chỉ là vấn đề thời gian. Tình thế quẫn bách vô cùng nghiêm trọng, chúng tôi lâm vào nguy cơ bị vây hãm rất mau chóng. Vì qua tình báo, các lãnh tự Việt minh chắc đã biết bộ chỉ huy khu và mấy nhân vật trọng yếu của Việt Quốc đang ở Việt Trì. Chỉ cần giải quyết Việt Trì là Trung ương Việt Quốc không còn hậu thuẫn mạnh nữa, chắc chắn sẽ tan rời.

Chương 32
Trường Chinh 250 Lý Của Việt Quốc

Cũng như nhiều người, trước kia tôi được nghe nói về cuộc Trường Chinh 25.000 lý của Hồng Quân Trung quốc năm 1934 từ Giang Tây tới Thiểm Tây, do cặp Chu-Mao lịch sử cầm đầu (Chu Đức, tổng tư lệnh và Mao Trạch Đông, chủ tịch đảng cộng sản) Trong nửa năm trời, dưới bị quân Tưởng đuổi riết, trên bị máy bay bắn phá, một đạo quân từ 300 ngàn người khi đến vùng Diên An chỉ còn có gần 30 ngàn, nhưng bảo tồn được lực lượng nòng cốt để chống cự lâu dài đối Quốc dân đảng. Ngờ đâu, hơn mười năm sau, một cuộc trường chinh lại tái diễn, nhưng tại Việt nam, tuy quy mô và thời gian nhỏ ngắn hơn nhiều. Và đảo ngược lại, lần này là quân Quốc Dân đảng Việt nam phải rút chạy dưới áp lực của quân Việt minh. Lộ trình chỉ có từ Việt Trì đến Yên Bái. Kết cục: chúng tôi cũng đã rút tới mục đích, nhưng với thiệt hại không nhiều, tuy cũng khá gian truân, sau một cuộc trường chinh độ mươi hôm. Quyết định bỏ Việt Trì để rút lên Phú Thọ có thể gọi là can đảm và cần thiết để bảo tốn binh lực của Việt Quốc, tránh bị tiêu diệt hay bị vây quẫn, cô lập. Mấy toán quân Việt Trì, Phú Thọ hợp được với đội binh Yên Bái có thể thành một lực lượng khả quan. Sau một cuộc tranh luận kịch liệt nhưng rất lý trí, anh Vũ tôi và đại đa số cán bộ đồng ý rút lui, lập phòng tuyến khác.
Cũng có người không đồng ý, cho rằng quá mạo hiểm, và nên đợi phái đoàn Trung ương đến sẽ hay. Nhưng biết bao giờ phái đoàn mới tới? Nếu đợi lâu sẽ cạn đạn dược và sẽ không còn đường chạy nữa. Theo tin trinh sát, phía bên này sông chưa có quân Việt minh tập hợp đông và trên đường đi Phú Thọ cũng chỉ có một ít dân quân, tự vệ, không khó đột vi. Tôi cảm thấy trách nhiệm nặng đè lên hai vai, vì không những quyết định này có quan hệ đến mấy trăm người ở đây, mà còn có ảnh hưởng tới cục thế chung. Vả, rút lui bao gìờ cũng rất nguy hiểm, rất dễ bị tấn công bất ngờ, bị phục kích không có lối tránh. Nhưng, nếu không có quyết định can đảm, không có mạo hiểm thì không có cách thoát, không thể cứu vãn nguy cơ. Trước sau rồi cũng bị diệt. Đến đêm, trừ một số ít binh sĩ chặn hậu, tất cả mọi anh em và gia quyến đều được chỉ thị chuẩn bị lên đường một cách khẩn truơng. Chỉ được mang những đồ tùy thân cần thiết, cái gì nặng, vướng đều phải bỏ lại. Thực ra, mọi chiến sĩ làm gì có nhiều hơn là mấy bộ quằn áo cũ. Một điều lạ là trừ vài tiếng khóc của phụ nữ, ai nấy xem ra đều trấn tĩnh. Cũng có một số thanh niên tỏ vẻ lo âu, thất vọng vì không ngờ thất bại lại đến nhanh, song họ cũng hiểu rõ tình thế khó khăn, sau khi những anh em ở trên giải thích.
Tờ mờ sáng hôm sau, mọi người tụ tập tại đầu đường lớn lên Phú Thọ, chuẩn bị chỉnh đốn hàng ngũ để xuất phát thì bỗng nhiên, nhiều tiếng reo hò ở đằng xa vẳng tới. Tôi giật mình, nghĩ nếu Việt minh đánh từ phía này xuống thì nguy to, không còn lối tẩu thoát nữa. Nhưng sau có anh em đi dò đường chạy về báo cáo, mới biết là toán anh em ở Phú Thọ rứt xuống, chạm trán, xuýt nữa choảng nhau to... May vì trời đã hơi sáng, nhận ra được dấu hiệu mũ sao trắng. Cả hai toán đều không có vẻ gì là quân tấn công. Vả lại, gần đây anh em ở Phú Thọ bị áp lực mạnh của Việt minh, cũng đã sửa soạn rút đi. Vì máy điện báo hỏng, nên không thể liên lạc với nhau được. Sự kiện bất ngờ này khiến chúng tôi vừa lo vừa mừng. Mừng vì tất cả đã hội họp an toàn, chỉ tổn thất rất ít. Lo là vì dự định tạm chiếm Phú Thọ làm phòng tuyến đã thành không tưởng.
Các anh em Phú Thọ cũng hoang mang, vì chỉnh đại bản doanh Việt Trì cũng không giữ được, vậy thì nay đi về đâu? Lúc này cần phải bình tĩnh, và phải hành động cương quyết, cấp tốc. Nếu không, thì kết cục không thể lường được, rơi vào tay địch, số mệnh như thế nào không cần phải đoán. Điều kiện mới có lợi là thêm được một số tay súng, không nhiều nhưng đủ để đối phó với tình thế trước mắt, để phá vỡ vòng vây, trù phi địch điều động được thêm viện binh tới.
- Cần phải quyết định gấp- Tôi hỏi riêng anh Vũ - ý anh thế nào?
Anh cũng đương suy nghĩ ráo riết. Trách nhiệm của một người lãnh đạo thực là nặng nề. Nhưng lúc này không thể do dự. Anh nhìn tôi, hỏi lại:
- Anh nghĩ sao Vì ở đây, trọng trách ở cả hai người, thay mặt cho Trung ương, cần phải nhất trí, mới đem lại ý chí cho tất cả mọi người.
- Theo kế hoạch đã định, nhưng rút thẳng lên Yên Bái- tôi đáp.
Anh Vũ im lặng, chỉ gật đầu. Thực ra không còn con đường nào khác. Và hy vọng là Yên Bái còn đứng vững. Ngồi trên một mô đất bên đường, chúng tôi triệu tập mấy anh em chỉ huy. Nhìn vào địa đồ hành quân, con đường tiện nhất là theo công lộ đi Tuyên Quang, rồi rẽ trái sang Yên Bái. Ước độ 70-80 cây số, nếu đi nhanh chỉ 2 ngày là tới. Nhưng với một đội ngũ hỗn tạp như thế này, khó mà vận động nhanh chóng được. ấy là không kể gặp quân địch cản trở, vì thế càng cần đi gấp.
Một toán quân do anh M. tổng chỉ huy dẫn đầu làm tiền phong mở đường. ở giữa là anh em cán bộ, sau là gia quyến và toán đoạn hậu. Một đoàn người hỗn họp có cả đàn bà trẻ em. Lúc đầu, chúng tôi tiến ra một cách đàng hoàng không gặp ngăn cản gì, cho đến lúc gần trưa, đi qua một làng cạnh đường. Bỗng nhiên, tiếng súng nổ lên đoành đoành, nghe như từ hai bên bắn vào, nhưng chưa rõ đích xác từ đâu. Mọi người phải rạt ra hai bên, nấp đằng sau những mái nhà tranh.
Đứng quan sát tình hình, tiếng súng vẫn tiếp tục, nhưng không rồn rập lắm. Thỉnh thoảng mới có mấy viên đạn lạc bay vèo qua những cây dâu. Một anh em từ trước. chạy về báo là quân địch nấp ở trên ngọn đồi bên cạnh đường bắn xuống. Chúng tôi đoán đó không phải là quân chính quy, mà chỉ là sự quấy nhiễu của một số dân quân lê tẻ. Quả nhiên, sau khi phái một tiểu đội đi tắt đánh ngang lên sườn đồi thì chẳng bao lâu tiếng súng đã im.
Buổi trưa, chúng tôi đã đến gần đền Hùng Vương. Nới này phong cảnh thực là nên thơ. Những ngọn núi nhỏ, những đồi chè xanh mưọt, những mảnh ruộng nhỏ thấp cao chung quanh con đường dựa chạy song song với con đường sắt đưa lên mạn Bắc. Cảnh tượng trung du quê hương Việt nam đẹp biết bao, nhiều màu dạng hơn so với miền đồng bằng. Trong giây phút, tâm hồn nghệ sĩ lại trở lại với tôi, quên mất cả mình đương ở trong một toán quân thất bại... Nhưng cũng chỉ trong giây phút, lại phải trở về với thực tại.
Một điều may là không thấy có bộ đội địch truy kích. Có lẽ vì họ biết tin chậm nên khi sang chiếm Việt Trì thì trời đã muộn, và cũng có thể binh lực họ không nhiều. Trừ gặp một vài toán lê tê quấy nhiễu dọc đường, cũng có thể gọi là bình an vô sự. Gần tối, tới một làng lớn bên cạnh tường, ra lệnh tạm nghỉ, và chia nhau tìm chỗ ngủ. Dân làng đây cũng rất tốt, không tỏ vẻ sợ sệt sau khi nghe chúng tôi giải thích là sẽ cam đoan không làm phiền nhiễu. Nhà cửa ở đây đa số cũng rộng rãi, sạch sẽ. Tuy chúng tôi mang lương khô (hàng Nhật) ra ăn, nhưng cũng có một số gia đình mang khoai, bắp ngô nướng tặng anh em ăn thêm và nhất định không lấy tiền. Phải nói, kỷ luật đột ngũ anh em lúc này rất tốt. Tôi thấy, khi đi xem mấy nơi tạm trú, quan hệ với dân chúng rất là thoải mái, êm thuận.
Sáng hôm sau, không ngờ, khi gần tới chỗ rẽ sang đường đi Phú Thọ, thì đằng trước một chiếc xe hơi chạy tới, lập tức bị toán anh em đi đầu vây lấy, chĩa súng vào. Chiếc xe này cũng lạ mũi xe một bên cắm cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi chạy tới, mới biết đây là xe của phái đoàn hỗn hợp lên để điều đình. Đột nhiên, bị toán người kỳ lạ này vây chặt, chắc những người trong xe cũng hết hồn... Người đầu trong xe bước ra là một người mặc quân phục, đội mũ Việt minh, đại diện cho Việt minh, đó chính là tướng Hoàng Văn Thái, và người thứ hai bước xuống là không ai xa lạ, chính là anh Nguyễn Tường Long, đại diện cho Việt Quốc. Một người nữa thuộc phái trung lập, tôi không nhớ rõ tên.
Tướng Hoàng bị một số anh em chỉ mặt, chất vấn về việc Việt minh phá hoại đoàn kết, chiếm đoạt Phú Thọ, Việt Trì. Hoàng có vẻ sợ hãi, mặt tái mét, nhìn chúng tôi cầu cứu. Nhưng dù sao, anh ta cũng là một sứ thần, có nhiệm vụ điều đình, nên chúng tôi bảo các anh em lui sang một bên. Tôi trách Hoàng lên chậm quá, và phái đoàn chỉ là một vở kịch vụng về. Vì nếu thực muốn đình chỉ xung đột, Việt minh chỉ cần đánh một điện báo lên cho quân mình là sẽ hoà bình ngay. Giao Hoàng cho người giữ, chúng tôi nói truyện riêng với anh Long. Trông anh gầy đi đôi chút, nhưng vẫn rất bình tĩnh, cương nghị như chưa hề xẩy ra sự gì. Anh cho biết tại Hà Nội, quân Trung Hoa chỉ còn lại một số đại diện. Quân Pháp càng ngày càng tỏ vẻ ngang ngược. Vì chưa đến lúc giờ tay khắp nơi nên Việt minh chưa tấn công lớn vào ta, nhưng nếu ta không chịu đưa quân đội vào biên chế chính phủ thì nhất định sẽ phá liệt. Tại Trung ương, hiện nay chỉ còn lại các anh Tam, Chu Bá Phượng, Nghiêm Kế Tổ... Và sau đó, anh Tam cũng phải lánh sang Trung quốc.
Tương lai trước mắt là: cứ điểm Vĩnh Yên nhất định sẽ mất nay mai. Chỉ có cách củng cố căn cứ từ Yên Bái đến Lào Cai, tìm viện trợ từ Trung quốc. Các đảng bộ chính phải lui về bí mật, tìm cách bảo tồn lực lượng, chờ cơ hội.
Đoàn người lại tiếp tực lên đường. Hoàng bị buộc phải đi trước dẫn đầu, để quân Việt minh khỏi cản trở. Còn chiếc xe hơi sau bị vứt một bên đường.
Chiều đến, cắm trại nghỉ ở một làng ven đường. Dân chúng ở đây không tỏ vẽ sợ hãi. Cả nhân viên trong ủy ban xã cũng ra tiếp đón và xếp đặt chỗ nằm chu đáo cho tất cả mấy trăm người. Hai ngày đường mệt mỏi, được ngâ lưng trên phản gỗ và uống bát nước vối, chưa bao giờ tôi thấy sung sướng và thú vị như thế quên bẵng mình đương ở trong cảnh ngộ nguy hiểm, tùy thời có thể bị trúng đạn hay bị bắt bất cứ lúc nào. Quân Việt minh tùy thời nửa đêm ập đến đánh úp, đoàn người này rất dễ tan tác, song lạ là lúc đó tôi không hề nghĩ đến. Còn có thì giờ mua một con heo để làm thịt, bồi dưỡng cho mọi người đương đói meo và mệt mỏi, vì buổi trưa ai cũng chỉ được một khúc cơm nắm và một gói lương khô lót lòng. Được nghỉ ngơi và thêm bát cơm nóng, cùng với thịt heo hay lòng heo, sự mệt mỏi về thể xác giảm bớt, về tinh thần cũng thấy phấn chấn hơn.
Cái gối bằng mây của chủ nhà cho mượn tuy cứng, nhưng chúng tôi vẫn ngủ được rất ngon. Đến nửa đêm, mắt còn rít lại, nhưng vẫn phải cố gắng chồi dậy đi tuần các nơi, xem canh gác và động tĩnh ra sao... Nhờ trời, vẫn yên tĩnh, không thấy tiếng súng nào nổ, chỉ nghe tiếng chó sủa đâu đây và tiếng gió rạt rào trong rặng tre.
Sáng sớm tờ mờ, chúng tôi dậy nghiên cứu thêm về lối đi. Mất Phú Thọ rồi, nếu đi thẳng theo con đường cái lên Tuyên Quang rồi mới rẽ sang Yên Bái, thì tất nhiên sẽ gặp nguy hiểm, vì sẽ gặp những chỗ có đồn trú quân địch. Vả lại lộ trình quá dài. Nhìn trên địa đồ, tôi thấy có một con đường tắt nhỏ lên Yên Bái, sau khi tới ngã ba Đoan Hùng và Tuyên Quang. Hỏi người ở đây, họ cho biết là có con đường đó, gần hơn nhưng khó đi hơn. Chúng tôi quyết định bỏ đường lớn, đi đường nhỏ. Đây là một quyết định đúng, song trên đường đi cũng gặp những sự bất ngờ... Cũng giống như cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Hồng Quân trước đây, Mao Trạch Đông cả quyết vứt bỏ các thứ nặng nề, bỏ đường lớn dễ đi mà đổi sang những đường tắt treo leo, nhờ đó mà tránh được sự săn đuổi của quân Tưởng Giới Thạch, đạt tới mục đích: Diên An...
Sau khi cho người đi trước thăm dò tình hình, không thấy bóng dáng quân địch, chúng tôi rẽ sang bên trái rồi vào một con đường nhỏ hơn. Đây vẫn còn thuộc địa phận Phú Thọ. Con đường gập ghềnh quanh co giữa những cánh đồng, làng xóm có lũy tre bao bọc rất nên thơ. Tối đến, đến một làng khá lớn, có tên là làng Yên Kỳ.
Không thể quên cảnh tượng khi bước vào con đường chính giữa làng. Hai bên đường, dân quê sắp hàng mang đuốc soi cho chúng tôi đi, không khác gì những cảnh ở Phi Châu mà trước đây đã được xem trong phim ảnh. Nhưng thực sự họ muốn giúp chúng tôi hay là có ý đồ gì khác, thì cho tới nay vẫn chưa rõ. Người làng cuối cùng dẫn tất cà đoàn người lạ lùng này tới đình làng, một cái đình khá rộng, cao ráo, chứng tỏ đây là một làng trù phú. Đình có hai tầng, trước sau có đất rộng, trồng mấy cây to. Nhưng vị trí ở giửa quãng trống, ba bên đều có thể bị tiến công dễ dàng, đó là điều mà vì thiếu cảnh giác, chúng tôi đã không đề phòng cẩn mật, canh gác sơ sài. Bữa cơm tối đó cũng có đủ thịt thà. Dân làng lại còn giúp hấp xôi. Cắt đặt canh gác hai người trong phái đoàn hoà giải, chúng tôi qua một đêm yên tĩnh, không có gì đáng chú ý. Tờ mờ sáng, lại trở dậy tấp nập sửa soạn lên đường. Chúng tôi chia xôi nắm và lạ, có thêm cả bánh giò anh em mua của dân làng chia cả cho hai viên đại biểu đương ăn rất ngon lành thì... bỗng đoành đoành, hai tiếng súng nổ ở ngoài xé tan bàu không khí yên lặng, làm mọi người giật mình đứng phắt dậy. Tiến tới, súng nổ liên tiếp, từ hai bên đình đạn bắn vào như mưa, không rõ có bao nhiêu quân địch, nhưng mọi người hoảng hốt, tranh nhau nấp vào những góc đình an toàn, có những người xô đẩy nhau hỗn loạn, mặc kệ lời hò hét của ban chỉ huy. Thực ra lúc đó tôi cũng khấ hoảng, bản năng nép ngay vâo một góc tường để tránh đạn, nhưng cũng rất nhanh lấy lại được bình tĩnh, dù sao một người chỉ huy cũng không có quyền hoảng sợ. Đạn từ phía xế trước đình bắn tới, vài anh em rất gan dạ, cầm súng chạy ngay ra sân đình núp sau những gốc cây để bắn trả lại, hay đằng sau một con ngựa chở hành lý bị đạn nằm tại một góc sân.
Nhìn rõ tình hình rồi, chúng tôi phái một tiểu đội dàn ra trước mặt đình để cản trở địch, và một toán rẽ sang sau để bảo hộ mọi người rút lui ra khỏi làng. Nhưng trong lúc rối loạn, đạn vẫn tới tấp xỉa ngang đầu, chúng tôi lại bắt buộc phải nằm sát mặt đất bên cạnh sàn đình. Đình này dựng trên nhiều cọc gỗ lớn, chắc để tránh nước lụt. Lúc này, vài anh em bất hạnh bị trúng đạn. Chỉ cách tôi không xa, độ mươi thước, một viên đạn lạc đã xỉa vào trúng đầu một anh em vệ sĩ. Tôi chỉ kịp thấy người anh co rút mấy cái rồi nằm đờ, duỗi thẳng chân, tay rời khẩu tiểu liên. Rất nhanh, một người bạn bò đến cạnh, lấy tay vuốt mắt cho anh, rồi còn rơm rớm nước mắt, lấy ngay cây tiểu liên, lánh sang một bên rồi chĩa súng, bắn lia lịa vào phía địch. Lúc đó, dưới áp lực của súng bên ta, đạn địch đã bớt, tôi phất tay làm hiệu cho mọi người còn lại cấp tốc rời khỏi chỗ trống, rút về đằng sau. Nhưng phải để lại vài người chết và những hành lý nặng. Còn hai thành viên phái đoàn điều đình thì, nhân lúc rối loạn, đã thừa cơ cao chạy xa bay. Họ chắc phải cảm tạ Thượng Đế đã ban phước lành. Rút khỏi sau đình, thì gặp anh Long đương tổ chức mọi người rút ra đường cái. Chúng tôi và một số anh em thành tốp đo hậu. Nhiệm vụ này không phải dễ dàng, vì phải qua một cánh đồng bùn lầy với những bờ ruộng trơn như mỡ. Nhiều người ngã oanh oách trong rất tức cười. Quái ác nhất là ở không xa, có mấy tay dân quân Việt minh ngồi núp trên cây cao bắn tiễn đường, nhưng may chẳng trúng ai hết. Phải vất vả lắm, toàn thể mới yên ổn ra đến đường lớn. Tuy quần áo đầy bùn lấm, nhưng cũng may chúng tôi chưa xầy da rớt máu. Xem ra, toán phục kích này không đông, cũng không phải la quân chính quy, nếu không, họ chỉ cần đuổi bắn ở đằng sau là đủ làm phiền rồi. Nghĩ lại, quân Việt minh cũng thiếu kinh nghiệm. Nếu họ đánh úp vào nửa đêm thì chắc đoàn quân triệt thoái sẽ hỗn loạn hơn nhiều. Hoặc nếu họ tổ chức những tiểu tổ quấy rối nhiều hơn nữa ở dọc đường... Thoát nạn, chúng tôi chỉ còn cắm đầu bước nhanh, qua đồi gò và đồng ộng, buổi chiều tiến vào địa phận tỉnh Yên Bái. Tạm ngủ trong một rừng nứa cao chót vót, bên cạnh có con suối chắy róc rách. Vừa mệt, vừa khát, may còn cơm nắm và lúa với nươc sối mát ngọt khiến trong người cảm thấy dễ chịu, tinh thần trở lại.
Rồi lại đi vào những núi đá cao hơn, những rừng cây rậm và ướt át, trên mặt đất phủ đầy cỏ khô. Rồi những rặng lau dài, những thung lũng nhỏ với những mảnh ruộng xếp thang bên sườn đới. Làng xóm thưa thớt, nằm ép dưới chân hay lưng chừng núi. Dân cư cũng lê tẻ, thỉnh thoảng một vài bóng áo chàm. Đã bắt đầu bước vào khung cảnh mạn ngược.
Do bị tấn công bất ngờ, tiếp theo là gấp rút hành quân, hàng ngũ đã hơi rối loạn. Lại vừa mệt vừa đói, có một số bị thương, bệnh sốt rét, lại thêm phụ nữ, già lão. Nên hàng ngũ kéo dài hàng cây số, mặc dầu có những anh em trẻ giúp đỡ họ. Băng thuốc lại càng thiếu thốn, nên một số bị thương nhẹ cũng nhiễm trùng, lâu khỏi may mà không có ai quá nặng. Nhưng, một lần, đương đi trên đường, bỗng thấy một thanh niên ngồi xệp ở lề đường, không bước lên được nữa. Dừng lại mới biết đó là một anh em trong Quốc gia Thanh niên Đoàn, bị thương ở tay vì trúng đạn ở đình làng. Lại thêm lên cơn sốt rét nặng, cả người run lên cầm cập. Chắc là nhiễm trùng, có một ít thuốc thì lại bỏ quên ở đằng sau. Trông thấy tôi, chưa kịp hỏi han gì thêm thì anh đã mở miệng, xin cho ngay một phát súng vào đầu để đỡ bị đau đớn và không làm liên lụy tới các anh em khác. Tôi và các anh em phải khuyên nhủ mãi, rồi cho người cõng anh đi, tìm thuốc cho anh uống. Tình cảnh khiến ai cũng phải bùi ngùi. Lại còn một tiểu đội trưởng, bị thương ở mắt, anh em cũng phải thay nhau dìu đi. Theo báo cáo, có một vài người không theo nổi đã dần dà tụt về sau, rồi đến tối không còn thấy mặt nữa, không có cách gì tìm được. Số phận những người đó ra sao... nhưng trong lúc rút chạy không thể chờ đợi lâu. Cuộc rút lui nào cũng không tránh được tổn thất, tránh được bi kịch. Đội ngũ vẫn còn gần như toàn vẹn, là may mắn lắm rồi.
Đi gấp. Buổi tối, tới một thung lũng nhỏ, tất cả đều đã mệt nhoài. Sợ bị phục kích. chúng tôi không dám vào trú tại các làng gần đấy, và quyết định nghỉ ở ngoài trời. Thăm dò địa hình rồi, mọi người ngả lưng trên một sườn đồi kín đáo và khô ráo, ở dưới có con suối nước trong và ngọt. Lương thực chỉ còn vỏn vẹn có lương khô và ít gạo sống, phần lớn đã phải bỏ lại tại Yên Kỳ. May mà trời không lạnh và không mưa, nên nằm trên bờ cỏ cũng thấy dễ chịu.
Tuy lârn vào cảnh màn trời chiếu đất, song tinh thần mọi người nói chuyện vẫn hăng hái và lạc quan, chịu đựng. Cả đến những vị tú tài như chúng tôi cũng không kém. Giải áo đi mưa nhà binh n cỏ, mấy anh em ngồi truyện trò rất lâu, như khi đi picnic chùa Hương hay chùa Bách Môn. Nhưng việc chính phải là kiểm điểm lại mọi thiếu sót, sơ hở đã phạm, đã không phòng bị đủ trước tấn công đột ngột của một số địch không đông.
Anh Long vẫn còn có thì giờ để viết về cuộc hành trình này trong cuốn bút ký của anh. Rất tiếc là về sau cuốn đó đã mất. Ngày nay, chính tôi lại làm công việc anh đã bỏ dở, ít ra cũng để cho người đi sau biết rõ về những ngày đặc biệt của lịch sử.
Mặc dầu tình thế nguy hiểm, tôi vẫn ngủ được một giấc khá ngon. Sáng hôm sau trở dậy, xuống dưới suối rửa mặt với nước mát lạnh.
Lại đi, không bao lâu đến chỗ có làng mạc. Chúng tôi vừa định nghỉ chân mua gạo thổi cơm, bỗng thấy đằng trước nhiều tiếng xôn xao. Có lẽ vì quá đói, quên cả kỷ luật, một số binh sĩ không đợi lệnh trên, tự tiện vào nhà dân chúng lấy cơm, khoai ăn. Đôi việc vi phạm kỷ luật này, bộ chỉ huy cấp thời ra lệnh ngăn ngừa, tuy có sự chống đối của vài người, lấy cớ là không có lương thực làm sao có thể đánh nhau được. Chúng tôi tổ chức ngay mua gạo, khoai để thổi cơm cho các anh em binh sĩ ăn trước, bộ chỉ huy đợi đến cuối cùng mới ăn. Tuy thế, vẫn còn thòm thèm, trên đường đi, một vài người không nhịn được thỉnh thoảng phải vốc trộm gạo sống nhai ngấu nghiến. Gần về chiều, bước vào một cánh rừng nứa giữa rặng núi âm u. Những cây nứa cao vút, thẳng tắp, chân giẫm lên nền lá khô xào xạc có cảm giác như vào một thế giới khác hẳn.
Ước chừng còn độ hai mươi cây số thì tới Yên Bái, nếu bây giờ rẽ ra đường cái thì e không kịp vì tối và nguy hiểm. Đương lúc tiến thoái lưỡng nan, may gặp một người dân chỉ đường đến một làng nhỏ nấp sau rừng.
Được cái dân chúng ở đây không biết gì về sự xung đột giữa hai phái, và cũng thấy đoàn người kỳ quặc này không đến nỗi hung ác quá, nên cũng đón tiếp cởi mở. Chắc cũng có người nghĩ chúng tôi là một tụi phản động nhưng cũng không dám đụng chạm làm gì.
Chung quanh làng này không thấy động tĩnh gì đáng chú ý, theo chỗ dò biết thì tại vùng Yên Bái có tiếng súng nổ nhưng Quốc Dân đảng vẫn còn chiếm thị xã. Đây là chặng nghỉ cuối cùng, chúng tôi đặt thêm trạm gác, có chỗ phải cắt cả phụ nữ đứng canh.
Sương mù vẫn che phủ những ngọn núi âm u chung quanh. Xa lắm có tiếng thác nước đổ ầm ì. Nếu không phải là đương ở trong cảnh chiến tranh thì không khác gì ngủ trên đồi Chapa hay gần động Tam Thanh.
Đêm nay vẫn yên ổn, ngủ được. Buổi sáng trơ dậy, ăn một bữa cơm no, nai nịt gọn ghẽ để bắt đầu chặng cuối cùng của cuộc Trường Chinh. Mọi người trong lòng đầy hy vọng, chắc chắn sẽ vào được Yên Bái. Gần trưa, thì chuyển vào con đường cái rộng rãi, hai bên đường là đồi cao nhưng không giốc lắm. Trên đồi, cỏ mọc đặc, với ít cây cối lơ thơ. Không biết sẽ may rủi ra sao Đường vắng tanh, thỉnh thoảng lắm mới có một vài nông dân đứng bên đường nhìn vào đoàn người này một cách kinh ngạc.
Đột nhiên, đến một chỗ đường quẹo, đằng trước hiện ra một cánh đồng nhỏ, thì bỗng nổ ra nhiều tiếng súng đì đoành. Đội tiên phong đã vấp phải quân địch, và đương nép hai bên đường để bắn trả lại. Chúng tôi dừng ngay tại chỗ để quan sát, và cũng rạt cả sang hai sườn đồi, thì bỗng tắc bộp tắc bộp, mấy tiếng súng trường nổ rất gần, ở ngay trên đỉnh đồi chỗ chúng tôi đứng. Rồi thêm tiếng đạn vèo vèo ngay trên đầu, sói vào vây cỏ ở sườn đồi, rất gần, khiến chúng tôi phải nhanh chân tìm nhưng mô đất ở sát cạnh đường để nấp. May mà chưa có ai bi thương.
Tuy đột ngột, nhưng không hoảng hết, mấy anh em định thần nhìn lên đỉnh đồi. Súng bắn ra từ một nhà chòi dựng trên núi, thấp thoáng có bóng người không nhiều sau mấy tảng đá. Trong lúc toán tiên phong rồn rập bắn lên, chúng tôi cho một tiểu đội thiện chiến trèo lên sườn đồi, lén sang đằng sau đánh thốc lên. Rút kinh nghiệm từ việc bị đánh úp tại làng Yên Kỳ, lần này không vội vã rút chạy mà việc phản kích được tổ chức một cách tích cực.
Quân địch ở đây rất có thể là đội quân giữ ngoại vi Yên Bái. Sau khi bị tấn công ở hai mặt, họ phải rút lui. Đồng thời, về phía xa hơn lại nổi lên tiếng súng ròn rã, đây chắc là anh em trong thị xã đánh ra tiếp ứng, giải nguy. Một lát sau, trên mặt đường đã không còn đạn bay. Thừa cơ, cả đoàn người được lệnh cấp tốc chạy nước rút lên đằng trước. Không bao lâu, đã tới gần thiết lộ, trông thấy cái cầu sắt đưa vào ga thị xã. Gần đó, tiếng súng vẫn giòn dã nổ.
Giữa lúc đó, toán đoạn hậu dẫn tới hai dân quân Việt minh bị bắt trên đồi. Hai anh này trông còn trẻ măng, chỉ độ 17, 18 tuổi, nói tiếng bản địa rất khó nghe. Chất vấn họ, được biết rằng chủ lực quân Việt minh còn ở bờ bên kia sông Hồng, bên này lực lượng ít, nhưng có thể phong toả con đường vào Yên Bái. Cần nhất là phải vượt qua được cầu sắt trên đường thiết lộ đưa vào thị xã. Sau khi tước khí giới rồi thả hai người này, chúng tôi quyết định bỏ đường cái trống trải, rẽ sang bên đường sắt, nấp sau bờ đường để tránh đạn. Đây là giờ phút quyết định, quan trọng nhất của cuộc trường chinh. Nếu bị cản trở tại bên này cầu thì sẽ lâm vào cảnh kẹt vào giữa hai luồng đạn của địch mà không nơi ẩn nấp.
Đã đến cách cầu chỉ độ nửa cây số, đã trông thấy rõ ràng dẫy phố bên kia. Đây là một cánh đồng rộng, bên này là công lộ và đường sắt, bên kia là con sông Hồng nước chẩy rất gấp về xuôi, bên kia sông, mấy dẫy đồi thấp kéo dài. Hiển nhiên, quân địch bên đó đã phát hiện chúng tôi, nên đạn bắt đầu bay vèo vèo trên đường sắt để cản trở. Nhưng nhờ con đường sắt khá cao nên không trúng ai. Chỉ có khi qua một vài chỗ trống là phải nép mình lội qua. Đằng trước, tiểu đội tiên phong đã tiến đến chân cầu. Nhưng không thể xông lên được vì trên cầu rất trống, nguy hiểm. Mà đằng sau, đã nổi lên tiếng súng địch quấy nhiễu. Thực là nguy kịch!
Chúng tôi nhìn nhau. Trong khi nguy cấp lại thường sinh ra diệu kế. Thay vì phân tán lực lượng để bắn trả, chúng tôi cho tập trung hoả lực, cả mấy khẩu súng máy còn lại, bắn riết vào mấy vị trí gần nhất của địch. Quả nhiên, chịu không nổi, toán quân địch đó phải rút khỏi bờ sông, lui xuống đồng ruộng để bắn chỉ thiên bừa bãi. Vì thế, áp lực trên cầu giảm bớt trông thấy, cũng nhờ vì hỏa lực trong phố bắn ra, phối hợp. Thần tốc lợi dụng cơ hội, toán tiên phong xông lên cầu và qua cầu rất nhanh, hội họp với anh em bên ấy trong tiếng hoan hô rầm rĩ. Thế là, dưới sự yểm trợ của hai toán quân, làn sóng người thục mạng chạy thốc lên cầu.
Thực là hú vía. Thoát một nạn lớn. Nhưng trong lúc này, cũng có cảnh hỗn loạn, xô đẩy nhau, bất chấp kỷ luật đã quy định là phải nhường cho thương binh, phụ nữ qua trước. Tuy vậy, không ảnh hưởng gì nhiều vì cầu cũng ngắn. Chỉ có việc một anh em bị thương ở mắt do người cõng cũng bị xô đẩy đến nỗi té xuống ruộng nước bên cạnh đường sắt, trông rất đáng thương. Nhưng cũng không sao vì có người cứu ngay và đưa qua cầu bình yên.
Cuối cùng với nhóm đoạn hậu, tôi chạy qua cầu, tiến vào dẫy phố nhỏ. Ai cũng thở dài, nhẹ nhõm, như trút được bao nhiêu nguy hiểm, trút được gánh nặng trên vai trong những ngày rút chạy có một không hai.
Trừ một vài anh em đã hy sinh, một số nhỏ thất lạc, còn thì đều yên ổn đạt tới mục đích: Yên Bái. ít ra, ở đây còn có thể chống giữ một thời gian để tìm cách củng cố chiến khu.
Cuộc Trường chinh 250 lý của quân Quốc Dân đảng Việt nam có thể gọi là đã kết thúc một cách thuận lợi không ngờ. Mấy anh em chỉ huy Yên Bái đã đứng đợi sẵn. Mọi người tay bắt mặt mừng, vừa vui vẻ, vừa ngậm ngùi, chuẩn bị đối phó với những thử thách mới. Nhưng trước mắt, còn sống để trông thấy nhau, là một điều kỳ diệu. Chắc trong những người còn lại, không ai quên được những ngày vừa trải qua và cuộc hội sư hiếm có tại đầu cầu thị xã Yên Bái. Cũng như Tào Tháo trong truyện Tam Quốc ngày xưa, thua chạy phờ râu đến chỗ nào yên ổn một tí là vỗ đầu kinh ngạc tại sao chỗ này không có quân địch mai phục, mấy anh em trong bọn tôi đứng ở đầu thị xã, ngoảnh nhìn lại con đường dài song song vừa chạy qua, cùng nhìn nhau, bụng nghĩ: tại sao Việt minh biết rõ ràng con đường rút lui của Việt Quốc, mà trong cả một tuần, không tập trung được một số quân để truy kích hay chặn đường vào Yên Bái?
Mà chính ngay tướng Hoàng Văn Thái đã từng là thượng khách bất đắc dĩ của chúng tôi, cũng đã được ăn cháo lòng và xôi nắm ở đình Yên Kỳ, tại sao không nghĩ tới việc ấy. Đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu tại sao!
Cũng may, vì thế, mình mới còn sống đến bây giờ.
Chương 33
Từ Yên Bái - Đến Lào Cai
Hội sư tại đầu cầu Yên Bái khiến tất cả đều phấn chấn. Lực lượng hợp lại này cũng khả quan, có thể ứng phó với nguy cơ trước mắt. Anh em ở đây cũng mừng rằng có mấy anh trong Trung ương lên cẳm đầu, chia sẻ gánh nặng với họ, và sẽ có kế hoạch chu toàn hơn.
Đây chỉ là một thị trấn mạn ngược, nằm giữa một cánh đồng, chung quanh núi rừng bao bọc, khác hẳn với Phú Thọ, Việt Trì. Núi đá xanh, cao chọc lên mây, rừng âm u rậm rạp. Con sông Hồng quanh co, chẩy gấp. Bờ bên kia có con đường đi Nghĩa Lộ. Vị trí chiến lược tốt, nhưng cô lập. Nếu nối đi liền với những khu Bảo Hà, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ thì sẽ là một nơi tiến thoái được, khi áp dụng một chiến thuật linh hoạt hơn, với tinh thần du kích. Nhưng tiếc rằng lúc đó, không có ai có đủ bản lĩnh thực hiện.
Yên Bái... một thị trấn lịch sử, anh hùng, bi tráng với cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Việt nam Quốc Dân đảng. Trước đây chỉ nửa năm, không bao giờ ngờ tới chúng tôi lại dẫn một toán quân Việt Quốc đến đóng ở đây. Nhưng địch thủ lần này không phải là người Pháp, mà chính lại là người Việt.
Bi kịch của thời đại... dạo qua mấy dẫy phố nằm dọc theo bờ sông, những cửa hàng thưa thớt, nhiều nhà đóng cửa im lìm vì chiến sự, tôi lại trầm ngâm nghĩ tới quá khứ, tới thủa còn thơ, trong đau thương của dân tộc. Nhìn xuống bến sông, thuyền bè cũng ít. Có lẽ chỉ có một nơi vui nhất là nhà ga khi có chuyến xe lên xuống. Vì ít chuyến nên hành khách đông nghịt, toàn những người gánh gồng buôn bán. Có người trèo cả lên nóc xe ngồi vắt vẻo, có thể nói, đây là chuyến xe lửa phá ký lục chạy chậm thế giới, vì nó ỳ ạch, sùi sụt một cách đáng thương. Vì có những xạ thủ quái ác luôn luôn xỉa vào các chỗ trống, nên đi lại trong thành phố cũng phải rất thận trọng. Mà bên này không đủ lực lượng để qua sông đánh đuổi. Tuy vậy, chiến sự đã dịu bớt dần dần.
Có lẽ vì còn phải đối phó với Pháp, Việt minh chưa dám làm mạnh quá tại Hà Nội, nhưng đã bắt đầu khủng bố, vây khốn các đảng bộ Việt Quốc ở địa phương.
Lợi dụng tình hình, chúng tôi tổ chức một cuộc hội nghị của Đệ Tam Khu, gồm cả Yên Bái, Bảo Hà, Lào kai và Hà Giang - chỉ trừ có Vĩnh Yên, để bàn về việc củng cố các căn cứ địa. Dự hội nghị có đại diện đảng, chính, quân của các khu đó. Hội nghị này đặc biệt ở chỗ là hội nghị lớn đầu tiên của Quốc Dân đảng, họp trong một chiến khu của mình.
Phòng hội nghị được trang trí nghiêm trang và giản dị. Sau khi báo cáo về tình hình chung, và trình bày rõ ràng những khó khăn trước mắt, anh em các khu đều thảo luận nhiệt liệt. Trên thực tế lực lượng các nơi đều ít ỏi, nền tài chính cũng nguy ngập.
Việc Vĩnh Yên, Việt Trì và Phú Thọ đã mất làm cho mọi người bối rối, nhưng nói chung tinh thần các anh em vẫn còn vững, đồng ý cố gắng giữ vững những địa phương còn lại và tìm cách tuyên truyền trong quần chúng, để có thêm hậu thuẫn. Sau một ngày thảo luận, hội nghị quyết định đặt Bộ Chỉ Huy Đệ Tam Khu tại Lào Cai để chỉ đạo toàn khu, rời trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn lên trên đó, đồng thời để tăng cường tiền tuyến, để lại một số binh sĩ, cán bộ cùng súng đạn ở Yên Bái, đủ ứng phó với sự tấn công của quân địch. Kế hoạch cụ thể gồm có mở rộng địa bàn chiếm cứ tại Lào Cai - Sapa và một phần Hà Giang, tại Yên Bái, gắng sức đánh ra ngoài, liên tiếp với Bảo Hà và Nghĩa Lộ.
Một buổi sáng sau, chúng tôi đáp một chuyến xe hoả đặc biệt, cùng một toán cán bộ, binh sĩ và sinh viên sĩ quan lên Lào Cai. Một chuyến xe võ trang, chuẩn bị rất cẩn thận, đề phòng bị tấn công trên đường.
Từ Yên Bái đến Lào Cai, hành trình độ 150 cây số. Nhưng chuyến xe này ỳ ạch, mất cả một ngày. Nó vốn đã chậm, lại phải leo núi, và không có than, phải dùng củi để đun cho nước sôi. Tuy vậy, chính cũng vì thế mà chúng tôi có thì giờ để ngắm thưởng phong cảnh nên thơ ở dọc đường. ở đây thực là cảnh mạn ngược, toàn núi cao rừng rậm hoang vu. Đằng xa là rặng núi Phan-si-pan cao ngất trời. Con sông Hồng cuồn cuộn chảy, bọt nước nổi lên trắng xóa trên mặt đá ghềnh. Thỉnh thoảng có những bản làng con con nằm trên lưng chừng núi, đôi khi thấy bóng váy thêu của mấy cô gái dân tộc thiểu số, những con ngựa thồ len lỏi trên đường núi treo leo. Có lúc chuyến xe mệt mỏi, phải nghỉ lại giữa rừng để lấy nước, lấy củi chúng tôi ra ngồi nghỉ bên bờ suối ngắm bóng nắng xuyên qua các ngọn cây.
Thực giống như một cuộc du lịch, hơn là một cuộc hành quân. Anh Hoàng Đạo cũng nhân cơ hội, viết mấy chữ trong bút ký, để ghi chép cuộc du lịch có một không hai trên thế giới này.
Giữa trưa, bình an tới ga Bảo Hà. Một dẫy phố nhỏ nằm giữa rừng núi, là một ngã tư đường quan trọng. ở đây chỉ có một toán quân nhỏ đồn trú, tình hình còn yên ổn. Đời sống êm đềm của cư dân chỉ có mỗi ngày mấy lần bị tiếng còi tàu quấy phá. Nhưng gần đến Lào Cai, tình hình có phần gay go hơn. Có người báo chỉ mấy hôm trước, một toán Việt minh đã đột nhiên đánh chiếm một nhà ga nhỏ chỉ cách Lào Cai mươi cây số. Chúng tôi dự tính phải chạm trán với một cuộc đụng độ trên đường, nhưng rút cục không xẩy ra sự gì. Chuyến tàu qua ga đó một cách thuận lợi, không ai cản trở hay phục kích. Có lẽ Việt minh không biết trên chuyến xe hôm nay có quân sĩ và yếu nhân Quốc Dân đảng, hay họ sợ bóng sợ vía. Dù sao, đây cũng là dấu hiệu khu vực này không êm đềm lắm...
Gần tối, mọi người xôn xao, vui mừng. Đã trông thấy những nóc nhà thấp thoáng trong cây, trên một thung lũng bằng phẳng hơn: Lào Cai. Đoàn xe từ từ tiến vào sân ga. Một số đông người đứng đón sẵn, vẫy tay từ xa.
Một cảnh tượng náo nhiệt, các anh em ra đón đông đảo, với đủ cờ sao trắng, biểu ngữ chào mừng. Tuy đi đường mệt nhọc, nhưng tất cả đều thấy phấn khởi. Có thể gọi đây lại là một cuộc hội sư thứ hai, mang thêm lực lượng để tăng cường phòng thủ, dù không nhiều.
Sau khi xếp đặt chỗ trú ngụ của mọi người, chúng tôi được đưa tới trụ sở Tỉnh chính phủ, tức là dinh Công sứ cũ. Lạ thực! Sao mình vẫn có duyên với mấy tay Công sứ cũ và cứ phải tiếp quản dinh thự của chúng? Đây mới chính là thay bực đổi ngôi. Nhưng rồi sẽ đứng được bao lâu Dinh Công sứ cũ trên sườn đồi, nhiều cây cối bao vây mát mẻ. Vì thị xã này như nằm trong lòng chảo, mùa nực nóng ghê gớm, cộng với những luồng gió Lào thổi như quạt lửa vào mặt. Lào Cai giáp giới với Hà Khẩu bên Vân Nam, cách một con sông Nan Ti (Nam Khê) nhỏ, trên có cầu thông đường sắt. Mấy dẫy phố lụp xụp, tiêu điều. Nhưng qua một con sông, thì tới khu Cốc Lếu, một khu buôn bán nhỏ, thịnh vượng hơn, cũng là nhờ ở sự hiện diện của một sòng bạc. Lào Cai sống được về thuế thu của sòng bạc và các phiên chợ... Một lần, buổi tối, anh Long và tôi vào sòng bạc xem tình hình. Đèn sáng choang, khách tấp nập ồn ào, đủ các giống người, các thứ tiếng, đương sát phạt nhau, như không có chiến sự gì cả. Có sòng bạc, tất nhiên có nhiều thứ bê bối, ảnh hưởng không tốt tới dân chúng. Nhưng biết làm sao?
Nghỉ ngơi một hôm, phải bắt đầu vào công việc. ở đây, đã có Tỉnh đảng bộ, tỉnh chính phủ và một quân khu như các tỉnh khác. Địa bàn cũng chỉ gồm một vùng không rộng lắm. Tất cả cũng không tới một trăm tay súng, nhưng ngoài có toán quân của anh Triệu Quốc lộc - người Thổ- có thể tiếp ứng.
Để điều chỉnh lại tổ chức địa phương, Bộ Chỉ Huy tnệu tập một hội nghị cán bộ, cổ võ tinh thần đấu tranh của mọi anh em, nhưng đồng thời cũng trình bày rõ tình thế phức tạp và khó khăn. Một mặt, cũng tổ chức một cuộc tập hợp và biểu tình của dân chúng, có chức viên, học sinh và dân phố tham dự. Tôi đại diện cho Trung ương nói truyện với dân chúng. Cũng có đủ cờ quạt kèn trống, biểu ngữ... song quần chúng không đông đảo lắm.
Nhưng, thời cục biến chuyển quá nhanh.
Quân Trung Hoa rút hết. Quân Pháp ấn binh bất động. Việt cách đã rút khỏi miền duyên hải về Quảng Tây. Quốc Dân đảng lâm vào cảnh cô lập chưa từng có. Việt Trì, Phú Thọ đã mất. Vĩnh Yên như trứng để đầu đẳng.
Bỗng một hôm, một anh em đưa điện báo từ Hà Nội lên.
- Các anh xem. Tin gấp.
Tôi đưa bức điện cho anh Vũ và anh Long. Cả ba chăm chú đọc những hàng chữ:
Trụ sở Trung ương, tòa báo, và mấy trụ sở khác đã bị bủng bố. Một số anh em bị thương và bị bắt- Anh Ba đã rời Hà Nội.
Liền ngay sau đó, lại có điện báo:
Vĩnh Yên bị đánh riết... Khu bộ Bắc Ninh đã phải rút theo đường Lạng Sơn... các nơi đều lui vào bí mật.
Chúng tôi nhìn nhau. Việt minh đã bắt đầu tổng hành động. Tại Hà Nội, thế tất hoạt động của Trung ương Việt Quốc sẽ bị tê liệt. Bộ phận Bắc Ninh - Đáp cầu, một khu bộ quan trọng, không rõ có thể an toàn rút tới biên giới không? Cục thế nghiêm trọng. Nếu Vĩnh Yên mất, và Yên Bấi bị cô lập thì rồi địa phương duy nhất còn lại sẽ là khu Bảo Hà-Lào Cai. Với lực lượng mong manh hiện nay, có thể chống giữ được bao lâu. Cần tìm ngay được biện pháp cứu vãn tình thế.
Để tăng cường hoạt động ngoại vận, tranh thủ Trung quốc và Đồng minh giúp đỡ cho phái quốc gia Việt nam, chúng tôi đồng ý phái anh Long lên ngay Côn Minh để hợp tác với anh Tam. Lúc này, Bảo Đại cũng đã sang bên Trung Hoa. Vì đường xe hoả từ Hà Khẩu đến Mông Tự đã bị bóc hết trong thời kỳ chiến tranh, nên toán anh Long phải đi bằng đường bộ tới Mông Tự, rồi từ đó đáp xe đi Côn Minh. Đường đi không những mệt nhọc mà còn nguy hiểm vì thường bị thổ phỉ quấy nhiễu.
Thực tế ngoại giao lúc này cũng không có hy vọng đưa đến kỳ tích. Vì lực lượng người Việt Quốc gia quá ít, quá yếu, lại thiếu hậu thuẫn quần chúng. Lãnh đạo thiếu sách lược đúng đường, chủ động và có viễn kiến. Trong hàng ngũ các tổ chức quốc gia thiếu đoàn kết, kỷ luật thống nhất. Nhiều anh em giầu lòng ái quốc, muốn hiến thân cho độc lập tự do của dân tộc, nhưng rút cục cũng lâm vào cảnh bế tắc, thậm chí hy sinh nhưng không đưa tới kết quả tốt đẹp. Nếu cứ như thế này mãi, thì sẽ đi tới đâu, thực là rõ ràng. Thất bại, hy sinh, tan rời, trách nhiệm chính đương nhiên do những người câm đầu phải chịu, tuy nhiên chính mọi anh em từ cấp trên xuống cấp dưới đêu là có tinh thần hy sinh, đều đã chịu đựng nhiều gian khổ. Trong bao đêm liền, trên tòa nhà góc đồi này, tôi không chợp được mắt, để suy nghĩ về một lối ra trong cục thế trước mắt, và xa hơn nữa, về con đường tương lai của đất nước. Việt nam cần phải đi con đường nào? Theo chủ trương thế nào mới đạt tới tự do và hạnh phúc chân chính. Muốn củng cố, mở rộng chiến khu. Nhưng khó lòng tìm ra người, ra súng, ra tiền? Trở về hợp tác với Việt minh để cùng chống quân Pháp xâm lăng? Nhưng kết cục sẽ chỉ là bị tiêu diệt hay đầu hàng, đoàn kết chống giặc không thể thực hiện được dù nghe rất hay trên lý thuyết.
Từ một năm nay, do dự, bị động, tự mãn đã là lỗi lầm chí mạng...
Rồi lại đến tin Vĩnh Yên bị tấn công dồn dập. Chẳng bao lâu, thủ quân vô viện phải ra hàng và chịu nạp vào biên chế của Việt minh. Mấy người chỉ huy bị bắt giam.
Tình hình Yên Bái lại trở nên nguy ngập hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải điều động một số binh sĩ xuống trợ giúp, cố giữ tiền đồn trọng yếu này. Nhưng ngay lúc ấy, chung quanh Lào Cai cũng đã bùng lên tiếng súng. Từ bên Hà Giang, toán binh của Triệu Quốc Lộc bị tấn công, cũng phải rút chạy về vùng Bảo Hà. Chưa thấy có viện trợ từ ngoài vào. Đâu đâu cũng cáo cấp.
Bộ chỉ huy và các anh em hội họp, cuối cùng quyết định không chờ đợi nữa, phái tôi và một số cán bộ sang Vân Nam cầu viện, xem có thê trông mong gì về những tay quân phiệt ở đó Nhưng đồng thời, một mục đích không công khai ra là để tìm hiểu các đảng bộ của Việt Quốc ở hải ngoại để vạn nhất, tổ chức lại làm chỗ đứng sau này và đi tlm một con đường khác mong thoát khỏi bế tắc.
Với một tâm tình phức tạp, tôi sửa soạn ra đi. Lúc đó, còn hy vọng phần nào về tương lai khu căn cứ nhỏ này, cũng hy vọng có ít quân, ít súng đưa về để cầm cự một thời gian, đọ cơ hội. Nhưng vấn đề chính không phải là binh với súng, mà ra ngoài, còn có thể gắng tìm một con đường hành động khác, gây ra một cục diện khác trong đó công tác trọng tâm phải là chống Pháp, chứ không phải là chống Việt minh. Vì tôi nghĩ, nếu mình không chống quân xâm lược, thì không sao lôi cuốn được quần chúng, không gây được thế lực mạnh.
Cần phải tìm ra một chủ trương thích họp với nguyện vọng và khâ năng của đại đa số dân chúng. Nhưng, trong đầu óc chúng tôi, tương lai vẫn còn mờ mịt. Đây là một con đường cheo leo giữa hai thế lực mạnh, rất mong manh.
Song với lòng bồng bột của tuổi trẻ, người ta thường không suy nghĩ nhiều, thường dám dấn thân vào mạo hiểm. Tôi nghĩ, nhiều lắm là vài tháng, một năm, tình hình sẽ có biến đổi, lúc đó hãy tính sau. Nếu lúc đó, tôi đoán trước được là sẽ phải phiêu bạt nước ngoài hàng mấy chục năm, thì có lẽ còn do dự hơn nữa.
Lại nghĩ đến những bậc tiền bối đã lưu lạc đất người từ đầu thế kỷ, đã có bao nhiêu người không trở về với quê hương. Mệnh vận, nhiều khi cũng đắng cay, bất công: những người có tâm huyết, có tài năng lại thường chịu đầy đọa nhất, còn những kẻ túi cơm áo giá, tham danh vụ lọ lại vẫn sống đàng hoàng, hưởng thụ. Giá trị con người chính là ở chỗ biết dấn thân, biết hy sinh, dù có thất bại.
Hình như hiểu thấu tâm lý trên, để khuyến khích chúng tôi, anh em làm một bữa tiệc để đưa tiễn. Thực đơn rất giản dị nhưng cũng đủ món, và đồng thời cũng để thết đãi mấy giáo quan người Nhật tại trường Lục Quân. Vì tôi nghĩ, mấy người Nhật này cũng là lưu vong ở đây và có lòng giúp mình, nhờ họ mà công việc huấn luyện có kết quả tốt đẹp. Một bữa cơm không thịnh soạn, nhưng chắc chắn là phong phú nhất đối với họ từ khi gia nhập hàng ngũ Quốc Dân đảng. Anh Vũ, mọi anh em bịn rịn nâng cốc rượu trắng chúc bình an lên đường. Các sĩ quan Nhật cũng tỏ rất hào hứng, uống rất hăng. Vì lưu lạc, sống chết không biết lúc nào, và rất có thể bị Đồng minh bắt, đem ra xử...
Giữa bữa tiệc, một sĩ quan - tên là Hùng - giáo vụ trưởng - tự động đứng ra múa kiếm, rồi gõ chén hát một bài tạm biệt bằng tiếng Nhật. Tiếng hát, chúng tôi không nghe hiểu, nhưng giọng hát bi thương, đặt biệt rền rĩ của tiếng Nhật khiến chúng tôi rung cảm. Chỉ có những người trong cảnh gian truân, ly biệt mới nghe thấu được giọng hát ấy. Ba người Nhật vừa hát theo dịp gõ vừa rơm rớm nước mắt. Trong thâm tâm, tôi cũng mong muốn cho họ sớm được trở về với tổ quốc, với gia đình, sống được cuộc đời thường dân, quên đứt những ngày tội lỗi đã qua.
Thế rồi, một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1946, chúng tôi tất cả tám người, rời bỏ dinh Công sứ cũ Lào Cai, xuống đến đầu cầu sang Hà Khẩu. Một cái cầu sắt không dài, trên sông Nam Khê. Đứng ở đầu cầu, nhìn lại giang sơn, núi rùng bát ngát, sông Hồng cuồn cuộn, dẫy núi Hoàng Liên sừng sững ở xa xa. Đất nước rộng mênh mang như thế, nhưng sao nay lại không một chỗ dung thân yên lành. Gạt bỏ những ý nghĩ bi quan, chia tay với các anh em ra tiễn, chúng tôi bước thẳng qua cầu, sang đất Hà Khẩu.
Đây là chỗ mà tôi đặt chân đầu tiên lên đất Trung Hoa.
Cũng là một thị trấn nhỏ nằm trong một thung lũng, hai bên là núi rừng, ở giữa con sông Nam Khê chảy gấp. Con đường sắt lách mình giữa giòng sông và vách đá.
Có giấy giới thiệu chúng tôi vào dinh Đốc Biện (viên chức trấn thủ) làm giấy tờ nhập cảnh. Rồi, do một anh em ngày trước có làm việc trong quân đội Trung Hoa dẫn đường, chúng tôi men theo nền đường sắt, dọc sông, tiến lên, mở đầu cho một cuộc hành trình đặc biệt gian nan nhưng cũng đầy thú vị: đi bộ từ Hà Khẩu lên Mông Tự, cách nhau 170 cây số.
Đến đây chấm dứt quãng đời ngắn ngủi chưa đầy hai tháng của tôi ở chiến khu ba... Nhưng đó là một quãng đời khi rất hào hùng, khi rất nên thơ, một quãng đời đầy hy vọng và đầy thất vọng. Không ai ngờ được là từ một nhà báo, một bác sĩ, thời cuộc đã xô đẩy tôi nghiễm nhiên đóng vai một người chỉ huy cả văn lẫn võ trong một chiến khu, rồi lại dẫn một cuộc trường chinh đến mục đích. Nhưng nay lại bắt đầu một cuộc hành trình gian truân và sôi nổi khác, cuộc hành trình này sẽ gần như vô tận.
Vì đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng trong công cuộc đưa tới thất bại, chúng tôi không khỏi thấy bùi ngùi vô hạn. Từ lúc tham gia cách mệnh tám năm trước đây với tấm lòng chân thành, vô tư, không tham vọng, không màng danh lợi, bao nhiêu anh em nay mỗi người một số phận. Nhưng chúng tôi không được phép bi quan. Hoài bão không thay đổi là đi tìm chân lý, gắng tìm một con đường hạnh phúc cho cả dân tộc, trong đó có chính mình. Không có gì có thể lay chuyển được ý niệm này, mặc dầu thần vận mệnh vẫn không ngừng theo rõi chúng tôi và sẽ đưa tới những bờ bến không ai ngờ tới.
Cái cầu sắt Lào Cai, sông Hồng, núi rừng quê hương, đã dần dần mất hút tận chân trời, khi tôi tạm dừng bước, quay đầu lại...
Tạm biệt, cố hương!.
Nguyễn Tường Bách
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...