Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Phong trào Duy Tân 4

Phong trào Duy Tân 4

NGHỆ TĨNH, LÃNH TỤ PHONG TRÀO

DUY TÂN BỊ BẮT TRƯỚC NHẤT
PHONG TRÀO Duy Tân ở Thanh Nghệ lẽ tất nhiên cũng rất mạnh như truyền thống tranh đấu oai hùng của khu vực ấy.
Huỳnh thúc Kháng đã từng có nhận xét như sau trong «Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908» 1 mà tôi đã nhắc ở một phần trên : « Nghệ Tĩnh và Nam Nghĩa, từ phái văn học đến phái Cần Vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong trào Tân Học cải cách cùng Đông học cán dùi trống một nhịp với nhau, dân Nghệ Tĩnh hò reo như gió đưa diều… » (Vụ kháng thuế 385)
Phan châu Trinh vốn là bạn thân của Ngô đức Kế, thi đỗ đại khoa cùng một năm, đã cùng nhau chủ trương và lãnh đạo Phong Trào Duy Tân, lập ra Minh xã. Ngô đức Kế là một nhân vật nhiệt thành với Duy Tân, bị tù tội, đày ải nhiều năm rồi sau này, khi rời khỏi Côn Lôn là lại về Hà Nội lập báo Hữu Thanh (1921) và nhất mực đề cao chánh học quảng bá, tất cả những tài liệu nào của Phan châu Trinh còn lại (trong đó có cả Giai nhân kỳ ngộ bị tịch thu lập tức) cùng Huỳnh thúc Kháng làm sống lại chủ thuyết Dân Quyền, phổ biến tư tưởng Tân học chính đáng. Huỳnh thúc Kháng giới thiệu Ngô đức Kế 2 sau khi cho biết qua người có vinh dự đứng đầu sổ tù Côn Lôn là Phan châu Trinh, nhưng còn :
«…mang cái chức tù vào ngục thì cụ Tập Xuyên lại là người thứ nhứt, vì lúc cụ Tập Xuyên vào ngục, cụ Tây Hồ còn đương ở Hà Nội (1907).
Cụ tên Đức Kế, họ Ngô, con quan tham tri Ngô huệ Liên, đỗ tấn sĩ cùng khoa Tân Sửu triều Thành Thái. Khoa hoạn nối đời, vẫn là một nhà danh phiệt ở tỉnh Hà Tĩnh.
Sau đỗ rồi, cụ ở nhà đóng cửa đọc sách, thường lưu tâm đến việc nước. Học thuyết Âu Tây mà người Tàu đã dịch thành sách, cụ đọc được nhiều và có chỗ tâm đắc. Trong khoảng ấy, kể phong triều bài xích khoa cử, đề xướng tân học, cụ là một người rất khẳng khái.
Sau cụ Sào Nam đông độ rồi, có tên Ngụy tác Hạ, do viên án sát Hà Tĩnh lúc ấy là Cao 3 xui nó khai vu cho cụ, kêu án tiềm thông dị quốc bị bắt giam ở ngục Hà Tĩnh gần một năm, sau đày ra Côn Lôn. Lúc còn ở ngục Hà Tĩnh có bài thi :
Mã tự du long, xa tự lưu,
Vấn dư hà sự độc ưu sầu
Niên lai ái thuyết văn minh học
Dinh đắc nam quan tác sở tù.
Dịch :
Xe như nước chảy, ngựa như rồng
Vì cớ gì ? ta vẫn bực lòng.
Ham học văn minh đà mấy lúc
Mão tù đâu khéo cấp cho ông !
Học văn minh mà đổi được chức tù, câu nói chua cay và sâu sắc. Tuy vậy, giá trị văn minh, muốn mua nó há chỉ tù mà thôi đâu ». (Thi Từ Tùng Thoại 12, 13)
Về Ngô đức Kế, Phan châu Trinh cũng có cho biết là một nhân vật lỗi lạc của Phong Trào Duy Tân, và vụ bắt giam trên này rất oan : « Ông thi đậu tiến sĩ (cùng một khoa với tôi) rồi không ra làm quan, ở nhà lập phố buôn và lập trường học, lập thơ xã 4 . Năm 1907, ông ấy bị quan án sát tỉnh là Cao ngọc Lễ 5 vu làm giặc, bắt giam ở tỉnh một năm, xét không có thiệt trạng và không chứng cớ. Nhật (?) báo Bắc Kỳ thường nói ông oan không tội, lại chỉ trích vết xấu của quan án sát ra, ai cũng biết ông bị vu oan, nên kết án không thành, phải thả ra. Năm 1908, thừa dịp các tỉnh nổi dậy, khâm sứ nghiêm sức một loạt kết án, nên ông bị xử tử đày Côn Lôn, cha làm tham tri cũng bị đuổi về ». (Trung Kỳ dân biến (sđd) trang 35)
Theo Huỳnh thúc Kháng thì khi bị bắt, ông cha là Ngô huệ Liên bảo con tự tử, nhưng Ngô đức Kế biết mình còn sống, cần phải sống để «học ở nhà trường thiên nhiên» (lao tù) đặng sau này hành động giúp dân, giúp nước nên không chịu nghe lời cha.
Ngoài Ngô đức Kế, thân sĩ Nghệ An lừng lẫy trong Phong Trào Duy Tân là Đặng nguyên Cẩn. Ông hiệu Thái Sơn, đỗ phó bảng, làm quan đến Đốc học, được sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu và là bạn già của Sào Nam. Ông kết giao với Huỳnh thúc Kháng, đã vài năm giao nhau bằng tinh thần, trên làng học mới mà chưa biết mặt nhau. Huỳnh thúc Kháng mô tả ông :
« Vóc người nhỏ bé, mặt mũi đen xám, ngoài văn học ra, toàn không biết cái thứ gì. Tướng cụ xấu, nếu như người không quen biết mà mới gặp cụ lần đầu tất cho là cái người không biết chữ «nhứt là một» mà ai có dè trong bụng như kho sách, khí áp ngàn quân, cái ngòi bút cổ cảnh không ai sánh, cùng với cái tướng xấu quê đen quạm kia, hiệp thành cái lạ mà người đời ít có !
Phong triều tân học ở Nghệ Tĩnh, cụ cùng cụ Ngô tập Xuyên đề xướng, mà cụ chuyên về mặt giáo dục, thường tự sánh với Phúc Trạch Dụ Cát (nhà đại giáo dục Nhật Bản về đời Minh Trị duy tân, lập Khảng 6 Ứng nghĩa Thục) Nhật Bản. Cụ trước có làm quan tại Kinh, sau làm Đốc học Nghệ An và Đốc học Bình Thuận, quan trường vẫn trọng cụ Cụ giao du khắp cả trong nước, thường tự xưng là phái ôn hòa, lấy việc đào tạo bọn hậu tiến làm trách nhiệm mình. Bọn học trò cụ ở Nghệ Tĩnh nhiều người xuất sắc, trong đám tân học như Ngư Hải (Đặng thếThân) Tùng Nham (Nguyễn văn Ngôn) đều là học trò cao túc của cụ, sau chết về việc nước cả ». (T.T.T.T)
Sau này về vụ Phong Trào Duy Tân, ông Đặng nguyên Cẩn bị đày ra đảo Côn Lôn có làm bài thi bày tỏ chí hướng hoài bão, vẫn một lòng nhớ công cuộc giáo dục thanh niên và vẫn tự xưng mình ở phái ôn hòa :
Hồi thủ Hà Sơn bách cảm tình,
Kỷ nhân đông độ, kỷ nam thành ?
… … …
Phiên phiên thiếu tuấn thục tài thành
Bình sanh mạn đạo ôn hòa phái,
Tàm quí Ai đình A lạc khanh. 7
Huỳnh thúc Kháng dịch :
Ngảnh lại non sông rối ruột tằm,
Mấy người đông độ, mấy vào Nam
… … …
Trẻ trăng một lũ có ai chăm.
Bình sanh vẫn phái ôn hòa đấy,
Ai lạc, ai đinh hỗ phải cam.
Gần đây, tôi có nghe một đôi người bảo Đặng nguyên Cẩn thuộc phái thiết huyết, cấp khích, nhưng những bài thơ trên chứng minh rất hùng hồn ông là của phái Duy Tân và Duy Tân ôn hòa là khác. Ông vẫn thường tỏ chí ấy. Sau này, khi đang ở tù, ông vẫn một mực tích cực phát huy tư tưởng Duy Tân, chống cả người anh em (?) là Đặng văn Bá hiệu Nghiêm Giang con cụ Thám Hoa Đặng văn Kiều. Ông Văn Bá «tánh tình phụ khí», không phục ai, ghét khoa học, triết học, học thuyết Âu Tây, mà lại ham dịch lý, bói toán. Hai người ở trong tù vẫn tranh luận thuyết quân quyền, dân quyền rất quyết liệt. Nguyên Cẩn có làm ba bài thi ngụ ý châm phúng mà Huỳnh thúc Kháng còn nhớ một số câu, dịch ra Việt văn :
Chết sống đã đành vì chủng tộc,
Công danh nào phải bởi người riêng.
… … …
Há phải còn vua nước mới còn,
Hoàng thống dám xưng dân tặc hậu 8
Người si còn tưởng đế quyền cao.
Đối với Dịch lý, bói toán, ông cũng thẳng tay công kích óc mê tín của Nghiêm Giang :
Từ bọn Hán nho bày thuật số,
Giống độc luôn luôn truyền đến nay.
… … …
Hai mắt đã trông rành cuộc thế,
Một kim cần phải tỉnh lòng người…
Huỳnh thúc Kháng cũng có họa lại. Tôi chép luôn ra đây để cho bạn đọc thấy rõ tư tưởng Dân quyền của ông Huỳnh thật là sắt thép, như một chân lý không cần bàn cãi :
Ngàn năm học cũ nước trôi mòn,
Sóng mới năm châu khéo cuốn tròn.
Đều nói không ngôi vua mới quí,
Chả nghe thủ cựu nước nào còn.
Lư Xoa luận nọ, xoay trời đổ, 9
Thịnh Đốn thành kia khắp đất tôn. 10
Kìa sử đông tây tranh cạnh đấy,
Vì ai giọt máu cứ trôi dồn.
(T.T.T.T. 150)
Công nghiệp của các nhân vật này, Phan châu Trinh đã nhắc là lập phố buôn, lập trường học, lập thờ xã, nghĩa là cũng đủ những cơ sở cần thiết của Phong Trào Duy Tân. Tôi chưa có những tài liệu thật tỉ mỉ để cho biết kỹ hơn. Chỉ có nghe nhắc đến Hợp Thương Triều Dương, Huỳnh thúc Kháng có nhắc tới mà trong tự phán của Phan bội Châu cũng có nói qua : « Nhưng ông Ngư (Ngư Hải Đặng thái Thân hay Hải Côn, một đồng chí quan trọng bậc nhất của Phan sào Nam sau Tiểu La Nguyễn Thành) không muốn tôi vào Kinh, cố ngăn tôi lại, nên tôi lại quay ra Nghệ, ước với cụ Thái Sơn (tức Đặng nguyên Cẩn, thày dạy Ngư Hải), mật hội với nhau trong một chiếc thuyền (…) cụ nhân nói với tôi rằng : «chúng ta nên ở trong nước nhân phong triều này, tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể, đặng sau dễ cổ động tấn hành. Việc này để tôi với anh em Tập Xuyên mấy ông xem tính với nhau». Tôi cực lực tán thành. Đến ngày sau Triều dương thương quán và nông hội, học hội ở mọi nơi lần lượt sáng lập, thảy là noi tôn chỉ đó». (Tự Phán 58, 59)
Theo Phan bội Châu, việc bàn luận này đã có từ năm 1905, sau tháng bảy. Như thế thì ta có thể đoán công cuộc liên kết của Minh xã Phan châu Trinh – Ngô đức Kế đã có từ trước khá lâu và Ngô đức Kế đã dự liệu đứng ra tổ chức đủ các cơ cấu. Theo đoạn văn trên này, ta không thấy nhắc đến chủ thuyết Dân Quyền nên Phan bội Châu cực lực tán thành. Nhưng chúng ta đều biết Ngô đức Kế và Đặng nguyên Cẩn đều là những người xem tân thuyết Dân Quyền như Tôn Giáo, rất cuồng tín thì hẳn khi hoạt động, sẽ không còn đi theo ước vọng của Phan bội Châu nữa. Tuy nhiên, ở Nghệ Tĩnh, lực lượng thiết huyết cực mạnh nên sau này họ lấn áp cả phái Duy Tân. Chính Phan bội Châu sau này cũng thường bực mình vì phái cấp khích ấy, ngay cả trong thương quán Triều dương : « Thượng tuần tháng giêng năm Đinh vị (1907) tôi (Phan bội Châu) về tận Hà Nội, chỉ ở lại một ngày một đêm, vừa đụng cụ Tập Xuyên (Ngô đức Kế) từ tỉnh Nghệ lại hội với tôi. Lúc đó Triều Dương thương điếm đã thành lập nhưng nghe nói người trong điếm ham bàn cách mạng lắm tôi lấy làm lo, vì ngôn luận với thực hành, không thể nào đồng một chốn, một thời giờ mà thu được hiệu quả cả hai bên. Tôi có nói với cụ Tập Xuyên, nhưng cũng đã muộn rồi ». (T.P. 86)
Dù sao, chúng ta thấy chỉ duy ở Thanh Nghệ hai phái Quang Phục và Duy Tân còn có sự liên hệ nhau. Còn như ở Quảng và Hà Nội, hai phái tách rời hẳn nhau để dễ làm việc, chỉ giúp nhau trên mỗi một khoản bí mật, tiền bạc cho du học sinh, nhưng cũng nơi có, nơi không. Sở dĩ chỉ có khoản ấy vì Phan châu Trinh đã đồng ý nên có lẽ ông cũng tán thành việc giúp đỡ. Còn các hoạt động khác, họ đi riêng nhau, có khi chống nhau «cơ hồ lên nổi đảng tranh» như Phan bội Châu từng ghi nhận trong Tự Phán (trang 87)
Và chính vì có sự liên hệ mật thiết với nhau nên tổ chức Phong Trào Duy Tân ở Thanh Nghệ bị chú ý trước tiên rồi lãnh tụ Duy Tân thứ nhứt bị bắt cũng tại đó. Ngô đức Kế bị bắt từ 1907 rồi ở tù luôn cho đến sau này phải đưa ra Côn Đảo sau Dân biến 1908.
--------------------------------

1

Thi văn quốc cấm, Khai Trí 1968. Nhiều chỗ sẽ in tắt là Vụ Kháng thuế.

2

Hiệu Tập Xuyên, làng Trảo Nha, Hà Tĩnh, tiến sĩ 1901.

3

Tức Cao ngọc Lễ, xem sau.

4

Xem thế thì trước 1907 (Đông Kinh Nghĩa Thục) Nghệ Tĩnh đã có đủ cơ sở Duy Tân rồi.

5

Cao ngọc Lễ, học trò của Tống Duy Tân. Năm Ất Dậu, ông Tân theo thân sĩ khởi nghĩa, sau biết việc không thành, muốn ra thú mà không ai dẫn đường, nghe nói Cao ngọc Lễ làm người hầu quan Pháp, bảo người tới cậy Cao ngọc Lễ nói trước với quan Pháp, để ông ra đầu mới tiện, Ngọc Lễ giả nhận lời, lại bảo ông đến chỗ nọ ở chờ, ông tin lời làm theo và nói với quan Pháp, xin binh vây bắt được ông, sợ ông tố cáo lộ việc gian dối ra nên xin giết gấp ông đi, vì có công đó được làm quan (P.C.T.)

6

Hay Khánh ? trong Đông Kinh Nghĩa Thục (sđd) Nguyễn hiến Lê vẫn gọi Khánh Ứng Nghĩa Thục.

7

A lạc Khanh, danh nhân nước Ai Cập (H.T.K).

8

Sách ghi lộn là dặc tặc hậu. Câu này chắc là nhắc lại lời tự xưng của Cường Để khi ở Hương Cảng gởi lời về hiệu triệu quốc dân. Và sở dĩ Cường Để tự xưng dân tặc hậu là vì nghe Phan châu Trinh bài xích đau đớn nặng nề đế quyền và xem như mình là con cháu bọn giặc của dân.

9

Lư Xoa (J.J. Rousseau) (1712-1778) làm sách Le contrat social (Dân Ước) gây ra ảnh hưởng Dân Quyền.

10

Hoa Thịnh Đốn (Washington) 1732-1799 dựng nên nước Cộng hòa Hoa Kỳ.

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC HAY
PHONG TRÀO DUY TÂN MIỀN BẮC
BẮC PHẦN, qua nhiều thế kỷ đã mất một ưu thế chiến lược do đó mất luôn ưu thế chính trị. Và từ khi bị lực lượng Trung Hoa liên tiếp xâm lăng, trước con quái vật khổng lồ, Bắc phần nơi nào cũng là cửa ngỏ nó đặt chân vào dễ dàng. Những khu vực núi non hiểm trở dễ dấu quân, nuôi sức, tính kế lâu dài thì lại nằm chính ở biên giới của nó, chịu làm sao nổi sức tràn lấn của nó. Do đó, từ Thanh Hóa trở vào trong biến thành một cơ sở kháng chiến tuyệt hảo cho Trần, cho Lê cả sau này cho Tây Sơn. Vào những thời kỳ triều đình còn đủ khả năng thì lui về đó chuẩn bị. Khi triều đình bất lực, dân chúng địa phương tự động chiến đấu để chế ngự lực lượng địch, chờ đợi khi nuôi quân, luyện mã đủ sức sẽ đổ ra diệt địch. Vậy miền trong, từ Thuận Hóa, Quảng Nam trở vào được mở rộng ra, ngoài kế mưu sinh, chính còn vì cái địa thế hiểm hóc và có giá trị chiến lược trọng yếu của nó.
Các bậc anh hùng khi dấy lên ở Thanh Nghệ Tĩnh hẳn nhiên phải lấy người địa phương làm tâm phúc, vào các vai trò then chốt vì những sự thuận lợi của điều kiện và hoàn cảnh. Do đó miền Thanh Nghệ Tĩnh biến thành khu vực cứu khốn, phò nguy cho Bắc Hà và là nơi đào tạo lắm bậc anh hùng, hào kiệt. Chế độ phong kiến thường rất cục bộ. Dưới thời Lê Trịnh, họ không chỉ dùng quan, dùng quân mà còn dùng lính Tam phủ làm ưu binh rồi hóa ra kiêu binh. Thời kỳ này gây cho sĩ phu miền Bắc một mặc cảm và họ tự thấy mình đóng một vai phụ «bên cạnh cuộc đời» của chính quyền đương nhiệm. Do đó, họ không tích cực với ý thức chủ nhân ông đất nước, có đủ quyền lực và cần khai thác óc sáng tạo và anh hùng tính của mình đến mức tối đa như đa số nhân vật Thanh Nghệ Tĩnh. Tới khi triều Nguyễn bành trướng thì tình trạng còn tệ hại hơn nhiều. Không chỉ đóng vai trò phụ, nhân sĩ Bắc Hà còn bị nghi ngờ có nhị tâm. Ta đừng nói dưới thời Gia Long xa xôi, chưa quen dùng nhân sĩ Bắc, mà đến thời Tự Đức, khi Pháp phô trương sức mạnh vũ bão của họ thì những nhân vật giữ các địa vị then chốt của miền Bắc trước sau phần nhiều là Thanh Nghệ Tĩnh hay Nam Nghĩa : Tôn thất Thuyết, Phạm phú Thứ, Ông ích Khiêm, Hoàng kế Viêm… Thậm chí thành Hà Nội khi sắp có những biến cố lớn thì phi Nguyễn tri Phương ắt Hoàng Diệu trấn giữ. Sự đưa các nhân vật xa xôi không hiểu nhân tình, địa thế, phong tục, khả năng địa phương này thường gây ra những cái hại rất lớn, mà cái hại trọng yếu là làm mất niềm tin sắt đá của sĩ phu và dân chúng vào triều đình, khiến dễ sinh ra những thất bại vô lý, ảnh hưởng sâu xa đến thời cuộc. Ta cứ xem một thí dụ tiêu biểu : Hoàng hoa Thám, một người không có địa vị gì quan trọng, thế mà chỉ vì là dân địa phương, ông đủ khả năng đánh Pháp liên tiếp nhiều năm trời 1 trong khi Hoàng kế Viêm, Nguyễn tri Phương, Hoàng Diệu chưa ra quân đã bại.
Những bất công của các Triều Lê Nguyễn đã khiến sĩ phu miền Bắc càng ngày càng chui vào cái vỏ tiêu cực và họ mất lần ý thức quật cường, ý thức chủ nhân ông thực sự của đất nước trong một thời gian lâu dài. So với các công cuộc Cần Vương, Văn Thân ở Trung Nam hầu hết là do sĩ phu lãnh đạo thì miền Bắc xuất sắc nhất là võ quan. Sĩ phu, phần lớn chỉ làm trách nhiệm một cách tiêu cực, không mấy người tỏ ra có chí khí của những Phan đình Phùng, Nguyễn duy Hiệu, Mai xuân Thưởng, Nguyễn đình Chiểu, Cử Trị, Cử Huân… Cho tới khi thế xâm lăng của Pháp đã thành nề nếp, Đề Thám còn hiên ngang chiếm một biên thùy, thế mà sĩ phu cũng phải chờ những nhân vật miền trong ra khích động mới vội giật mình, nhớ tới trách nhiệm của mình, dù họ có các nhân sĩ được giác ngộ như Đào nguyên Phổ 2 , Nguyễn thượng Hiền 3 đã đi trước Phan bội Châu, Phan châu Trinh về kiến thức Duy Tân. Lần đầu tiên, sau nhiều thời gian trì trệ trong cái vỏ cá nhân đầy mặc cảm, sĩ phu miền Bắc thức dậy với một khí thế linh hoạt, với tinh thần hợp tác trong những công việc cứu dân, cứu nước. Vốn là những người có học rộng, thông minh, lanh lợi, tháo vát, khi họ đứng lên, họ cũng gọi theo biết bao sáng kiến làm mới Phong trào.
Cũng như tự nơi xuất phát Nghệ Tĩnh và Quảng Nam, hai tổ chức thiết huyết của Ám xã và Duy Tân của Minh xã đã tách rời nhau, ở Bắc, sĩ phu, sau những ngày giao thiệp luận bàn, cũng đã đi đến cái giải pháp tất nhiên ấy. Ông Nguyễn hiến Lê, trong Đông Kinh Nghĩa Thục, đã cố ý mấy lần chứng tỏ là Duy Tân không phải chỉ thuần túy văn hóa hoặc hai phái Bạo động và Duy Tân chỉ là phân công với nhau, sau cũng đã dẫn tới xác nhận :
«Khi cụ Lương văn Can đứng ra hòa giải hai cụ Sào Nam và Nguyễn Quyền mà nói : «Theo ý tôi, ngoại viện và tự cường phải đồng thời tiến hành với nhau mới được» cụ đã có ý cùng với cụ Tây Hồ và một số đồng chí trong nước chuyên lo việc Duy Tân, tự cường, còn việc cầu ngoại viện và bạo động để Kỳ Ngoại Hầu với cụ Sào Nam đảm nhận.
Cụ Sào Nam hiểu như vậy nên từ đó về sau ít liên lạc trực tiếp với cụ Lương và cụ Tây Hồ, sợ trở ngại cho công việc hai cụ này. Tự nhiên, hai phái ôn hòa và bạo động vẫn ngầm giúp nhau. Hồi đó, tinh thần đảng phái ít hơn ngày nay có thể nói là gần như hoàn toàn không có ». (ĐKNT trang 109)
Nhận xét như trên, nhà văn họ Nguyễn đã trình bày trung thực về thực trạng hoạt động riêng rẽ của hai phái. Đó chính là thực chất của vấn đề. Đó cũng là một tiến bộ rất lớn, rất đáng kể của các nhà cách mạng đã biết đặt học thuyết, lý tưởng, lý trí lên trên tình cảm, đã có đường lối, chủ trương, kế hoạch cụ thể, chứ không phất phơ trong mớ tư tưởng mơ hồ. Họ đã không ngờ tự đẩy lịch sử chính trị và kỹ thuật chính trị đi lên một bước lớn. Còn bảo họ ngấm ngầm giúp nhau thì cũng dễ hiểu, họ phải ở cái thế liên lập để cùng đi tới mục đích chung và vì chưa ý thức chính trị theo Tây Phương nên các nhà nho hiếu hòa ít – chứ không phải không – lộ óc đảng phái. Tôi nói ít, vì tôi vẫn thấy có và có khá rõ rệt : Sào Nam không liên lạc với Duy Tân và Phan châu Trinh công khai đề cao Dân Quyền, bài bác óc tôn quân và sự trông cậy vào Nhật Bản, tức là bày tỏ chánh kiến rõ ràng mà đồng thời còn muốn tự phân biệt minh bạch chủ trương của hai phái, gây biết bao nhiêu sóng gió cho phe Nguyễn Thành, Phan bội Châu, Cường Để như đã nói trên kia (Cường Để than là mất luôn 72 hội buôn trá hình để ủng hộ Quang phục Hội).
Từ khi có sự phân biệt rõ ràng sâu xa và quyết liệt trên chủ trương và chỉ đạo thì vấn đề Giáo dục được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Điều này có hơi khác với Phong Trào Duy Tân ở Trung. Vì ở Trung, khẩu hiệu nêu ra là Dĩ thương hợp quần 4 nghĩa là lấy chỗ buôn để hội họp, nhờ đó mà bàn việc này việc nọ, rồi cũng nhờ buôn mới có tiền giúp cho các cơ sở hoạt động mà nhà trường là cơ sở được bảo trợ nhiều. Còn ở Hà Nội, tôi không rõ sản xuất thương mại, tâm lý quần chúng sĩ phu, yêu cầu Duy Tân có từ bản chất, khẩn thiết đến mức nào nên không dám có một nhận định nguyên nhân mà chỉ nhận định trên hiện tượng. Do vì không có cơ sở thương mãi tương đối lớn, có khi lớn hơn cơ sở giáo dục nhiều như Công Ty Liên Thành (thành lập do yêu cầu có từ bản chất, vì ngành đánh cá, nước mắm phát triển rất mạnh), ngược lại, cơ sở giáo dục quá lớn, quá mạnh so với các cơ sở khác nên những nhà văn miền Bắc thường tách rời Đông Kinh Nghĩa Thục với Phong Trào Duy Tân, hoặc đặt Đông Kinh Nghĩa Thục ở một cương vị khá cao và ghép Phong Trào Duy Tân bên cạnh như cây tầm gởi. Thật ra Phong Trào Duy Tân bao quát tất cả giáo dục, nông, công, thương, hớt tóc, âu trang… Sở dĩ ở Hà nội Đông Kinh Nghĩa Thục nổi bật là vì nó được tạo lập trong một thành phố lớn, các lãnh tụ của nó muốn dồn hết khả năng vào đó để tuyên truyền, cổ động. Mở Đông Kinh Nghĩa Thục, thâm ý Phan châu Trinh và các đồng chí còn muốn giải tỏa áp lực của chính quyền đối với các tỉnh miền Trung nơi đã có vài thân sĩ bị bắt, phong trào bị đe dọa, đàn áp. Nhiều người ngày nay hay nhắc câu sau đây của Phan châu Trinh kết thúc một bài thời sự đăng trong báo Đại Việt cùng báo Đăng Cổ, bài hiện trạng vấn đề : «Không nên trông người ngoài, trông người ngoài thì chắc ngu, không nên bạo động, bạo động thì chắc chết ; ai là kẻ đồng nhân, đồng bào ta, ai là kẻ thật yêu tự do, ta chỉ có một vật rất quí để tặng : chi bằng học». Câu ấy là cốt để hô hào công cuộc lớn lao mà Đông Kinh Nghĩa Thục thực hiện đã đành, nhưng thật sự còn có mục đích chính trị. Theo Huỳnh thúc Kháng thì vì «khoảng đó, trong Nghệ Tĩnh có thân sĩ bị tình nghi mà phải bắt giam, nên trong bài ấy tiên sinh biện hộ ».
°
Nhiệt liệt, quyết tâm đẩy tới việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục như thế là tạo một cơ sở danh tiếng về giáo dục ở thành phố lớn để thu hút sự chú ý của mọi người vào đó, để tuyên bố rõ ràng cái ý chí Duy Tân của tân phái mà thâm ý còn là giải tỏa áp lực đối với phong trào ở miền Trung, mở Đông Kinh Nghĩa Thục chính là mở mặt trận thứ hai để vừa cứu chiến trường miền Trung vừa gây cơ sở và thanh thế lớn ở miền Bắc, tạo uy thế lớn cho lãnh tụ để ăn nói, hoạt động sau này.
Theo nhà văn Nguyễn hiến Lê thì Đông Kinh Nghĩa Thục mô phỏng Khánh 5 Ứng Nghĩa Thục bên Nhật : «Kế đó, cụ Tây Hồ kể rõ phương pháp của Khánh Ứng Nghĩa Thục và đề nghị lập tại Hà Thành một nghĩa thục tương tự. Đề nghị được chấp thuận và sau một hồi bàn xét, tên Đông Kinh Nghĩa Thục 6 được lựa chọn, mục đích của nghĩa thục được vạch rõ : khai trí cho dân ; phương tiện được hoạch định : Mở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên nghĩa thục) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Trường sẽ dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp Văn. Ban Tiểu học chuyên dạy Việt văn, lên Trung Học và Đại học mới dạy Hán Văn và Pháp Văn. Chương trình thì bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp.»
Vì Đông Kinh Nghĩa Thục đã được hai nhà biên khảo Đào trinh Nhất và Nguyễn hiến Lê nói cặn kẽ, ở đây, tôi chỉ nhắc lại các điểm chính và nhận xét, so sánh các điểm khác với Phong Trào Duy Tân toàn quốc nói chung. Và mặc dầu hai Ông Đào trinh Nhất và Nguyễn hiến Lê gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục, tôi cũng xin bạn đọc hiểu đó là một trường của Phong trào Duy Tân, trong đó gồm các cơ sở, các hoạt động y hệt ở các tỉnh Trung, chỉ khác – như đã nói trên – trường học lớn quá so với thương hội cũng như các hoạt động khác ở địa phương. Nhận xét chung về sáng kiến thì Phong Trào Duy Tân Hà nội không có sáng kiến so với phong trào ở Trung và có thể nói là tất cả cơ sở, hoạt động ở Trung đã thí nghiệm thành công ra sao thì Hà nội sẽ rút kinh nghiệm đó cho mình. Kể cả Đông Kinh Nghĩa Thục mà ông Nguyễn hiến Lê bảo là bắt chước Khánh Ứng Nghĩa Thục ở Nhật thì xét ra, so với các Trường ở Trung như Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm cũng không thấy có nét đặc thù nào. Nó đâu có khác lắm với thời kỳ mà Dương bá Trạc dẫn một phái đoàn vào thăm các cơ sở và các hoạt động Duy Tân năm 1906 ở Quảng Nam. Có lẽ chỉ khác mỗi một điểm là nó nêu cao hai chữ «Nghĩa thục» trong khi các Trường ở Trung chỉ gọi cái tên trơn. Thực tế, các Trường ở Trung cũng có trông cậy học điền (ruộng cấp cho việc học) ở xã, nhưng các Trường lớn thì hoàn toàn cậy dựa vào Hợp thương. Nếu Hợp thương chết, vị tất nó đã sống nổi.
Thế nhưng tại sao Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm không nổi tiếng mà người ta chỉ biết có Đông Kinh Nghĩa Thục ? Sở dĩ như vậy là vì các lẽ :
a) Hà nội là Trung tâm văn hóa cũ, vốn là một cựu đô lừng lẫy, việc giao thông trong xứ và cả ba kỳ còn thuận lợi hơn Huế nhiều. Nó lại đang được người Pháp nâng cao, đặt phủ toàn quyền, các cơ sở chính trị, văn hóa, kinh tế tại đó, xem như kinh đô chính thức, tân tiến để làm nổi bật cái thế đìu hiu, quạnh quẽ của Huế mà nó đang muốn tiêu diệt. Do lẽ đó, chỉ cần một thời gian ngắn, tiếng tăm Đông Kinh Nghĩa Thục vang lừng khắp nước. Chính Phan châu Trinh, lãnh tụ của Phong Trào Duy Tân cũng «đóng đô» luôn ở đó sau 1907 thì nó nghiễm nhiên trở thành Trung Tâm Văn Hóa của Phong Trào.
b) Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ có một trường, tập trung được học sinh đông đảo, có đến năm bảy trăm người, tự nhiên thanh thế phải rất mạnh. Trong khi đó, ở Quảng Nam phân tán thành nhiều trường nhỏ, số lượng mỗi trường nhiều lắm cũng chỉ trên vài trăm, tuy tổng số vượt xa Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng không đủ để gây một sự ngạc nhiên cho người ngoại cuộc.
Đông Kinh Nghĩa Thục còn có một lợi điểm đáng kể : nhờ sĩ phu Hà nội vốn rất thông minh, tháo vát, có óc tìm tòi, học hỏi nên họ tạo cho trường một bộ mặt sáng sủa, hấp dẫn rất thích hợp cho dân đô thị, do đó dễ làm lóa mắt dân ở thôn quê.
Trên ban điều khiển, Lương văn Can là một vị cử nhân không chịu nhận chức vị gì của triều đình, nên được kính trọng, ở cương vị thục trưởng thật xứng đáng. Học giám do Nguyễn Quyền 7 một nhân sĩ có danh vọng đảm đương. Ban giáo huấn gồm nhiều tay lỗi lạc.
Phần Hán văn dành cho các ông Dương bác Trạc, Hoàng tăng Bí, Nguyễn hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương trúc Đàm.
Phần tân học quốc ngữ, Pháp văn v.v… giao cho các giáo sư trẻ có tiếng tăm (tôi sẽ nói sau).
Ngoài ra, trường có tổ chức Tu thư soạn sách (Phạm trung Trực, Dương bá Trạc, Lương trúc Đàm, Phương Sơn) ngành dịch (Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn đôn Phục, Hoàng tích phụng) Những nhân vật này, nhờ luyện cây bút ở Đông Kinh Nghĩa Thục mà về sau nổi tiếng một thời trên văn đàn (Dương bá Trạc, Nguyễn hữu Tiến…)
Ngoài ra, còn có ban khắc chữ in bài học để phát cho học sinh và đồng chí.
c) Nhưng điểm vang danh lớn nhất không phải chỉ vì các điều nêu ở trên mà chỉ vì Đông Kinh Nghĩa Thục có nhiều nhà tân học xuất sắc, bỏ xa các trường học Duy Tân ở Quảng Nam. Đó là một nhu cầu mà một trường mới đòi hỏi phải cung ứng và Hà Nội đã cung ứng được. Đó là chỉ vì Pháp đã lập trường thông ngôn ở Hà nội, và một số học trò ở trường này ra dạy thì hẳn là ăn đứt thiên hạ rồi. Huống chi những vị tân học ấy, như sau nầy sẽ chứng minh, đều là những nhân vật chắc chắn vào thời Đông Kinh Nghĩa Thục đã tỏ ra xuất sắc : Nguyễn văn Vĩnh, Phạm duy Tốn, Nguyễn bá Học, Trần đình Đức, Bùi đình Tá, Phạm đình Đối. Không chỉ thông thạo tân học chữ nghĩa, họ còn thông thạo những môn mà thời ấy chưa ai biết tới để dạy : địa lý, toán học ; Ông Trần đình Đức vẽ tấm bản đồ Việt Nam và ông Phạm đình Đối bắt đầu giảng kỷ hà học (hình học).
d) Đông Kinh Nghĩa Thục có những lý do riêng để nổi tiếng đã đành, nhưng còn vì nó tọa lạc ở giữa Đô Thành Hà nội, nơi sau này văn học phát triển mạnh nên tự nhiên được nhiều người biết tiếng và nhắc nhở, viết bài, viết sách. Gần đây có cả những quyển sách trình bày riêng về lịch sử của nó khiến địa vị nó càng thêm rạng rỡ, gần như muốn tách rời hẳn Phong Trào Duy Tân mà ít người muốn nhắc hay chỉ nhắc lấy chừng. Sự thật, chính vì lối làm việc cục bộ và thiếu sót đã làm giảm giá trị rất nhiều cho Phong Trào Duy Tân trong toàn bộ, toàn diện, bao quát từ Nam chí Bắc. Ngay từ thời 1907 khi các nhà Duy Tân đứng lên hoạt động họ cũng chú trọng toàn bộ của vấn đề, chứ không phải riêng việc giáo dục : tạo dựng Đông Kinh Nghĩa Thục. Song vì những lý do chưa rõ, và có lẽ Hà nội là chốn ngàn năm văn vật nên việc giáo dục, văn học tiến mau quá nhờ có nhiều người vốn có khả năng thích hợp tổ chức, giảng dạy, soạn bài nên bỏ xa các ngành, các nghề khác khiến người ta có cảm tưởng nó là một thực thể độc lập trong khi nó chỉ là một trong những cơ sở khác nhau của một phong trào toàn diện. Nếu ta so với Phan Thiết đã từng bành trướng Phong Trào trước Hà nội ta sẽ thấy rõ : vì Phan Thiết không có đủ người văn học mà thừa nhà kinh tế và vì địa phương có khả năng lớn về kinh tế nên Công Ty Liên Thành bao trùm hết học vấn, thể dục nên người ta cũng lầm tưởng Công Ty Liên Thành là một thực thể độc lập trong khi nó chỉ là một bộ phận lớn quá cỡ, mất thăng bằng của Phong Trào.
Nói thế, không phải bảo là các hoạt động khác của Phong Trào Duy Tân Hà nội không đáng kể. Thật ra, đó là những cố gắng vượt bực của một khu vực thành thị có tiếng là văn vật mà các nhà nho phong nhã, hào hoa còn muốn lấn cả nhà nho phong lưu đất Huế. Do đó, họ sành tiếng đàn địch, giọng ca ngâm hơn là công ăn việc làm mà thói tục bắt họ phải khinh bỉ. Khi họ đứng dậy lập các công cuộc chấn hưng công thương, nhiều người còn bỡ ngỡ như mới loạng choạng đứng lên sau giấc mộng dài. Tuy vậy, nhờ sự thông minh, lanh lợi, chỉ trong thời gian ngắn, nhân sĩ Hà nội đã tổ chức được. 8
Về thương : Đỗ chân Thiết và Phương sơn mở hiệu buôn, hiệu thuốc Bắc, Hoàng tăng Bí mở hiệu Đông thành Xương vừa buôn bán, vừa làm công nghệ lần đầu tiên dùng không cửi rộng dệt xuyến bông đại hóa, chế các thứ trà tàu, trà mạn, trà hộp ướp sen và giấy hoa tiên. Các hiệu Cát Thành (Hàng Gai) và hiệu Hồng tân Hưng 9 cũng mở vào lúc này. Rồi Phong trào lan đến các Tỉnh, nổi tiếng nhất là hiệu Sơn Thọ ở Việt Trì. Phong trào kích thích cho đến nỗi một vị án sát (Nghiêm xuân Quảng) cũng cáo quan về ngồi buôn tơ.
Cũng do con đường Hà nội Phong trào Duy Tân lan cả vào Nam : Sàigòn có Minh Tân khách sạn của Phủ Chiếu 10 Chiêu Nam Lầu của Nguyễn an Khương 11 , ở Bến Tre có hiệu thuốc sắc Tư bình Đường, ở Long Xuyên có hiệu Tân hợp Long (Tân quảng Huệ) của Hồ Nhật Tân, ở Long Xuyên có tiệm của Nguyễn đình Chung.
Tuy có nhiều hiệu buôn, nhưng ta phải nhận thấy tính chất rời rạc, cá nhân hơn là đoàn thể. Ta không thấy nó được tập hợp, tổ chức, điều khiển chung như Đông Kinh Nghĩa Thục để thoát một tình trạng thương nghiệp lạc hậu, tư bản thiếu hụt đặng tiến vào nền thương nghiệp có đoàn thể, có tư bản lớn, có chi nhánh như Công Ty Liên Thành, Hợp thương Diên Phong để hiện đại hóa thương nghiệp, vừa bảo đảm việc sản xuất quốc nội, vừa tranh thương với người ngoại quốc. Về nông nghiệp, cũng chỉ tiến hành một cách lẻ tẻ. Chỉ có hai nhân vật được nhắc tên : Độc tướng quân và Bùi đình Tá. Nhưng những công cuộc này hình như không có kết quả lâu dài. Tuy nhiên, sáng kiến của Bùi đình Tá đáng kể : ông lập đồn điền Mỹ Đức để nuôi trẻ mồ côi, dạy cho chúng học chữ và nghề. Nhưng vì không có kinh nghiệm lỗ lã nên phải dẹp.
Dù sao, ta cũng phải nhìn nhận một sự thật lớn lao đã mất : ngành thương mãi Duy Tân là một quan niệm, một chủ trương đúng nhất từ trước tới nay để khuyếch trương công cuộc buôn bán đại qui mô có thể tiến tới những kết quả chắc chắn lớn lao như chưa từng thấy. Nếu nó thành công, nghĩa là Phong Trào Duy Tân không bị quét sạch thì thương nghiệp dẫn theo sự phát đạt lớn lao của công kỹ nghệ đã đủ sức đưa kinh tế mậu dịch Việt Nam lên một độ cao. Nó sở dĩ lên cao, lên mạnh, cải tiến, hoàn thiện được là vì đã trút được phần nào lối dấu nghề, lối vị kỷ, theo phương thức cũ đã thâm căn cố đế trong xã hội ta, khiến công nghệ không ra khỏi xóm làng. Dưới sự hướng dẫn của nhà nho yêu nước, chỉ biết ngày đêm kêu gọi hợp tác, hợp quần, trao đổi kinh nghiệm đẩy mọi ngành, mọi nghề tiến lên không phải vì mục đích tư lợi thôi, mà còn mục đích cứu nước, chắc chắn kinh tế, mậu dịch sẽ có những bước tiến mới. Tôi đưa ra hai thí dụ : về khuếch trương thương nghiệp, có bao giờ một người đi từ Quảng Nam vào đề nghị với một người ở Phan Thiết đứng lên lập Công Ty mà mình không hưởng lợi ? Vậy mà Công Ty Liên Thành thành lập. Hay có bao giờ một đại nho như Hoàng tăng Bí lại đứng ra vừa buôn bán vừa làm công nghệ, nào dùng không cửi dệt xuyến đen đại đóa, nào chế các loại trà, loại giấy… Nếu phong trào kéo dài, chúng ta sẽ có gì ? Có những Đại Công Ty khắp từ Nam chí Bắc. Đặc điểm có khác với tư bản thuần túy là họ sẽ đem một phần (nếu không phải tất cả) tiền lời để giúp sự phát triển về mọi hoạt động giáo dục và xã hội. Đã có những đại Công Ty buôn sẽ dẫn tới phát triển công kỹ nghệ mà ngay hoạt động của Hoàng tăng Bí chẳng hạn, đã là dấu hiệu rất tốt. Ta nên nhớ sĩ phu Bắc tuy hơi nặng quyền lợi cá nhân hơn người Nam nhưng lại thông minh, khéo léo hơn nhiều. Giá dụ công cuộc của Hoàng tăng Bí thành tựu, theo phương thức thời ấy của Duy Tân, đương nhiên sẽ được truyền dạy, chỉ dẫn cho người Trung, Nam. Như thế, chỉ một thời gian ngắn, người Quảng Nam chẳng hạn, đã biết cách sao chế những khối lượng trà vĩ đại của họ, đâu để đến nỗi tới nay vẫn còn nằm trong tay khống chế của Trung Hoa ! Mà Hoàng tăng Bí chỉ làm công cuộc nho nhỏ buổi ban đầu, chứ kéo dài thời gian thì có biết bao anh tài lớn lao khác.
Và một khi thương mãi, sản xuất, giáo dục bành trướng trong tinh thần ái quốc, lẽ tất nhiên các hoạt động xã hội phải lên cao, chính trị lên cao, chính đảng dù cấm cũng cứ thành lập. Mà các chánh đảng ấy, ai nói trước, sẽ không tìm ra được một chủ thuyết nặng nề quần chúng cần lao hơn tư bản như cuộc kháng thuế năm 1908 chứng tỏ, như sau này Phan châu Trinh vào Nhân Quyền, kết thân với đảng xã hội Pháp (J.Roux, Marius Moutet) và «vào khoảng 1924-1925 thì mặt trận Bình dân Pháp thành lập, phe cụ (Phan châu Trinh) có hơi thắng thế » (GNKN LXXX), Tư tưởng, chính kiến của lãnh tụ như thế, tổ chức Phong Trào như thế khiến chúng ta có quyền đặt nhiều hy vọng lạc quan cho một ngọn triều đã mất !
Thế nhưng khi Phong Trào bị diệt, nhân sĩ còn đấy khá đông, sao họ không tìm cách phục hồi ?
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này ở phần cuối vì đó là một câu hỏi quan trọng cho thấy sự xảo quyệt vô hạn của thực dân.
Nói tóm lại, Phong Trào Duy Tân ở Bắc tuy mới mẻ (1907-1908) nhưng phát tiếng vang xa rộng làm cho vẻ vang cả Phong trào toàn quốc. Sở dĩ như thế là nhờ Đông Kinh Nghĩa Thục có tổ chức qui mô, giáo sư có thực học, thực tài. Chính nhờ lớp giáo sư Tây học mà tiếng dội khắp nơi, đến nỗi có những người ở Quảng Nam, nơi ở của Phong Trào, cũng ra Bắc mà học trường ấy 12 . Và cũng nhờ ở trên một trục giao thông thuận lợi nên nó truyền được cả vào Nam cái phong khí Duy Tân. Tôi nói phong khí chứ còn về thể cách thì Nam kỳ đã Âu hóa, đã duy tân hóa trước ta rồi, nhưng họ bị động, Phong khí của phong trào Duy Tân sẽ làm cho họ đứng lên chủ động để cho công cuộc Âu hóa có ý nghĩa, có mục đích.
Nhưng rồi Bắc cũng như Nam, vì phong trào còn non, vì thiếu cách thâm nhập quần chúng, lại thêm miền Bắc cổ tục quá nhiều, quá nặng nên Phong trào chỉ lơ lững trên hàng sĩ phu và thị dân tức là một quần chúng ít có những liên lạc mật thiết về quyền lợi với quần chúng nông dân đông đảo. Bởi thế, nó nặng về tinh thần trau dồi kiến thức hơn tranh thủ các quyền lợi của dân, tranh đấu cho đời sống nhân dân. Nghĩa là bài học Dân quyền của Phong Trào Duy Tân Hà nội là bài học dành cho thị dân. Khác hẳn ở các tỉnh Trung Việt vì thế khi dân ở các tỉnh Trung Việt cắt tóc đứng lên hiên ngang kháng thuế dọc theo khắp dãy Trường Sơn thì dân miền Bắc gần như chưa biết tới Phong Trào.

Nhưng không phải vì vậy mà sĩ phu ở Hà nội không bị chôn chung nấm mồ với sĩ phu miền Trung nếu họ không gặp nhau để hàn huyên những năm dài tại Côn Đảo.

--------------------------------

1

Ta đừng quên một thời kỳ mới mẻ của lịch sử kháng chiến Việt Nam sau cả ngàn năm tranh đấu : trước, ta phải bỏ miền Bắc chạy vào Trung để chống Trung Hoa thì từ đây, ta có thể dựa lưng vào Trung Hoa mà chống Pháp vì Trung Hoa đang có mối lo «môi hở răng lạnh». Kể từ thời kỳ này về sau, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Nhật có những cơ sở mạnh ở biên giới Hoa Việt là lẽ tất nhiên và tất nhiên, miền Bắc lại bắt đầu sản xuất những anh hùng mới. Nhưng 1905 sĩ phu Bắc mới vươn vai, 1907 với Đông Kinh Nghĩa Thục mới thực sự đứng lên, song mãi đến 1903 trở lui, sĩ phu mới đóng vai trò tích cực.

2

Đào nguyên Phổ : Tỉnh Thái Bình (Bắc phần) đỗ hoàng giáp, chủ bút Đại Việt Tân báo.

3

Nguyễn thượng Hiền : Tỉnh Hà Đông ; đỗ hoàng giáp, hiệu Mai Sơn là nhà cách mạng đã bỏ quan sang Trung Hoa cùng Sào Nam lập Việt Nam Quang Phục.

4

Trong đôi câu đối của một đồng chí di cho bạn là chủ hiệu Sơn Thọ Việt Trì có câu : Dĩ thương hợp quần, quốc khả danh thề, minh vị lợi. Vậy khẩu hiệu ấy ở Bắc vẫn có. (trích theo N.H. Lê)

5

Huỳnh thúc Kháng ghi khảng ứng Nghĩa Thục.

6

Đông Kinh tức là Đông đô, tên thành Hà nội đời nhà Hồ (Nguyễn hiến Lê ghi chú).

7

Trong các nhân vật này, theo thôi thấy thì có Nguyễn Quyền (Huấn Quyền) là nhiệt tâm và có lý tưởng Duy Tân hơn hết. Ông là người trọng yếu trong Đông Kinh Nghĩa Thục, và có lập một nhà buôn nội hóa hiệu «Tân Hồng Hưng» đại lý bán đồ công nghệ trong nước. Ông bị đày chung thân ra Côn Lôn, rất ưa bàn chính trị. Theo Huỳnh thúc Kháng trong tù có giờ rảnh, Nguyễn quân tự chế ra một thứ chữ mới, cách viết đơn giản, nhưng ngang sổ như kiểu chữ Hán. Đồng Đường (hiệu của anh em dùng gọi Nguyễn Quyền ở Côn Lôn) chí vẫn lớn và tài có sơ (…) khi cùng anh em nói chuyện, Đồng Đường thường thuật chuyện Đông Kinh Nghĩa Thục và hiệu buôn «Tân hồng Hưng» như là công nghiệp vĩ đại trên đời. (T.T.T.T. trang 122) Trong H.I.K. có giọng mỉa mai chút ít, nhưng thực sự, mấy ai dám nghĩ cách chế chữ mới (có lẽ theo kiểu Nhật bản) ngay khi ở trong ngục ? Đáng tiếc là sáng kiến ấy cũng mất biệt theo người.

8

Theo Đ.K.N.T của Nguyễn Hiến Lê.

9

Có lẽ là Tân Hồng Hưng của Huấn Quyền chăng ? Ngoài ra, trong Trung Kỳ dân biến, ông Phan châu Trinh có cho biết là ở Hà Nội cũng có công cuộc buôn đóng góp cổ phần như ở Trung, nhưng không hiểu là cơ sở nào mà cũng không rõ tại sao các nhà biên khảo miền Bắc ít nhắc tới. Vì theo tôi nghĩ : đó mới chính là bộ mặt thật của Duy Tân để chống lối buôn bán cá nhân, để đủ sức đối địch với thương nhân Trung Hoa và ngoại quốc khác và để tạo dựng các cơ sở kinh tế lớn sau này.

10

Trần chánh Chiếu tức Gilbert Chiếu, nguyên luật sư tại tòa án Saigon, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, ông đã cùng nhà chí sĩ Nguyễn thành Út lập «Minh Tân công nghệ Xã» ở Chợ Lớn và Minh Tân khách sạn ở Sàigòn (ngay trước ga xe lửa hiện nay) (…) thường viết sách báo đả kích chánh sách của Pháp đồng thời kêu gọi việc khuếch trương kinh tế, cổ động việc dùng đồ ngoại hóa, xây dựng một nền văn hóa mới, theo đó đã gây thành phong trào chống Pháp sôi nổi. (Từ Điển)

11

Nguyễn an Khương : thủ lãnh phong trào Duy Tân ở Nam kỳ và là một trong số những người đầu tiên hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng là một nhà văn nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX, trợ bút tờ «Nông Cổ» mín đàm ở Saigon và chuyên dịch truyện Tàu. Cha nhà cách mạng Nguyễn an Ninh (Quán tre, Hốc môn. Gia Định) (Từ Điển)

12

Mười người ở Quảng Nam ra học Pháp Văn trong đó có : Phan Khôi (tú tài), Nguyễn bá Trạc (cử nhân)…

PHẦN IV



NHỮNG CUỘC
BIỂU TÌNH VĨ ĐẠI 1908

NHỮNG cuộc biểu tình vĩ đại hay Chính biến kháng sưu, được dân địa phương Quảng Nam gọi là «Cúp tóc xin xâu». Đây là một đấu tranh chính trị bất bạo động, có tầm mức quan trọng từ trước chưa từng thấy ở Việt Nam.

Ngay từ đầu, tôi đã nói không thể tách rời chính biến này khỏi Phong Trào Duy Tân. Vì chính nó là một bộ phận thiết yếu của Phong Trào, là cái thành tựu lớn nhất khi tư tưởng Dân Quyền phổ biến và tác động sâu rộng trong dân chúng.

Người ta sở dĩ không thấy nó là của Duy Tân vì thói quen lẫn lộn Duy Tân là của trí thức, là quốc ngữ, cúp tóc, chấn hưng nông, công, thương… Còn công cuộc này không do một lãnh tụ lớn nào của Duy Tân khởi xướng, sao gọi là của Phong Trào ? Chính ông Huỳnh thúc Kháng cũng viết trong tự truyện là không biết tới nó ; Trần quí Cáp ở Nha Trang cũng chỉ hoan nghênh vì nghe nói ; Phan châu Trinh đang ở Hà Nội, lẽ tất nhiên chẳng thể nhúng tay vào !

Nhưng như thế là ta chỉ xét cái bề mặt theo duy danh định nghĩa. Còn thực chất «cúp tóc xin xâu» là một bộ phận thiết yếu, một tiến triển vượt bực và bộc phát khi Phong trào lan rộng, thấm sâu vào quần chúng tự giác quyền lợi của mình dưới ánh sáng chủ nghĩa Dân Quyền, đứng lên để thực hiện các nguyện vọng chính đáng mà Phan châu Trinh đã công khai tuyên bố với thực dân.

Nói tới «cúp tóc xin xâu», công cuộc kháng sưu thuế vĩ đại mà không đặt nó trong toàn bộ của Phong trào là một sai lầm nghiêm trọng. Vì nó không nêu những yêu sách mới lệch lạc nào mà chỉ đi đúng trong vòng những yêu sách, đã được quảng bá rộng rãi theo «Đầu Pháp Chính Phủ thư» của lãnh tụ.

Vả chăng, Phong Trào Duy Tân không đóng khung trong một tổ chức cố định với những lãnh tụ cố định. Chính đó là chỗ yếu mà cũng là chỗ mạnh của Phong Trào. Yếu vì nó không có những qui tắc để buộc những người hoạt động phải tuân theo những kỷ luật nhất định ; nhưng nói thế không phải là vô kỷ luật hoàn toàn vì ta nên nhớ thời đó nhà nho vốn mặc nhiên có kỷ luật và họ thành đẳng cấp lãnh đạo được trọng vọng. Còn mạnh vì Phong trào mới mẻ, thiếu kinh nghiệm, mở cửa tự do nên số người gia nhập đông, thành lực lượng lôi cuốn, và vì nhờ tự trị nên người ta mặc sức khuếch trương, mặc sức sáng tạo, mặc sức trau dồi, phát triển nghề nghiệp. Hóa cho nên văn chương không chỉ dành cho nhà nho mà nông dân cứ sáng tác, nông nghiệp không chỉ dành cho nông dân mà nhà nho tùy ý cày bừa, khai khẩn… và giúp nhau tiến bộ.

Công cuộc lãnh đạo do đó không nhất thiết dành cho cá nhân nhất định nào. Huống chi thực sự, như đã nói, đây là một trong những yêu sách thiết yếu của Dân quyền đã được đưa lên Chánh quyền Pháp và theo Huỳnh thúc Kháng thì sau đó Pháp «cũng có thi hành một đôi điều như lời tiên sinh (Phan Châu Trinh) đã nói» Pháp đã nhận thư, đã thi hành một đôi điều, theo lối suy luận giản dị của quần chúng, thế là đã mở đường cho dân đi tới, có cái gì nói trước là các yêu sách của họ không thỏa mãn ?

Ta cũng nên ôn lại một số yêu sách được đưa ra dưới hình thức nguyện vọng thiết tha ấy :

1) Pháp phải nới tay cai trị

2) Pháp phải điều chỉnh việc dùng quan lại. Phải trị tội các quan tham nhũng, tàn ác.

3) Pháp phải để cho Phong trào Duy Tân phát triển.

4) Pháp phải nhẹ xâu thuế để dân bớt bị bóc lột đến tận cùng.

Ta thử xét xem Pháp đã thi hành một đôi điều gì ?

1) Đối với người Việt, Pháp đã có những sự tiếp xúc dễ dãi : Xem tiểu sử Lê Cơ, ta thấy công sứ không bênh tri phủ mà trị ông, hay ông làm mất mặt trưởng đồn mà không bị trừng phạt. Hay Trần quí Cáp chống Tri phủ Điện Bàn cũng được công sứ Pháp tán trợ v.v…

2) Về việc dùng quan lại, đối xử với quan lại : đã có những tiến triển rất lớn lao. Chính vì những tiến triển này đã dẫn tới các hào hứng nông nổi và sôi nổi đã khiến dân đưa Phong trào đến chỗ tan vỡ mau chóng. Tôi chỉ dẫn riêng các hoạt động của dân trong tỉnh Quảng Nam (không kể những hành động của Lê Cơ chống quan địa phương, chống các chánh phó tổng mà chúng ta đã biết) :

a) Phủ Điện bàn : tri phủ Lê bá Đằng có nhiều tội ác nên sĩ phu cổ động nhân dân làm đơn kiện. Vì thấy các thượng cấp tòa và tỉnh chậm phân xử và phán quyết, họ liền quyết định : nhất định khiêng (như khiêng heo) viên tri phủ đem trả lại cho tỉnh tòa 1 . Hoảng sợ, thượng cấp biết nếu để y lại sẽ sinh biến nên đổi y vào phủ Thăng Bình.

b) Tam kỳ : Tri phủ thường đánh đập dân, nhất là ghét dân cúp tóc, hành hạ họ trong lúc làm sưu thuế, bắt đưa về phủ giam. Sĩ dân liền làm đơn kiện chánh phó của cả bảy tổng, tức là kiện viên tri phủ gián tiếp, kể nhiều khoản áp bức, bóc lột dân lành đưa lên tỉnh rồi đưa thẳng ra tới bộ.

c) Hạ tuần tháng giêng âm lịch (Dương lịch 1908) viên tri huyện Đại Lộc nhân việc xâu mà sách nhiễu tiền, lại tăng khống số dân lên quá số thiệt, dân các xã không chịu nổi (…). Ban đầu quan sứ còn bênh vực quan huyện đến khi thấy nhân dân tới đông lần, đồng thanh kêu oan, thì biết không xong, nên lập tức cách đuổi viên huyện nọ.

Huỳnh thúc Kháng viết : «Cách mạng ở Quảng Nam đã phát triển ngấm ngầm trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là việc chống lại bọn tham quan ô lại. Ví dụ : Ở Phủ Tam Kỳ, Phủ Điện Bàn học trò cổ động nhân dân làm đơn kiện hai tên tri phủ. Học sinh lại làm đơn kiện cả bọn quan trường về tội hối lộ. Ví dụ : Trường Thừa thiên và Trường Nghệ An ». 2

3) Phong trào Duy Tân : Pháp đã hoặc mặc nhiên, hoặc công khai cho phép các nhà Duy Tân được tổ chức bất kỳ công cuộc giáo dục, chấn hưng nông, công thương nào. Các hợp thương lớn, các trường lớn kể cả Đông Kinh Nghĩa Thục đều được mở cửa và mỗi ngày một mở mang. Hội buôn Hội An có cả Công sứ Pháp và quan lại Nam Triều vào phần hùn nữa là khác ! Như thế, bề ngoài, người ta thấy Pháp đã nhượng phần nào ba trong bốn điểm. Nhưng khốn nỗi, dân chúng đâu có biết những mưu toan ghê gớm của họ ! Trong khi họ để cho dân nào kiện quan, nào Duy Tân lung tung thì họ ngấm ngầm tìm cách chận đứng phong trào bằng cách tách rời bộ phận lãnh đạo. Thực tế lãnh đạo của Quảng Nam là Phan châu Trinh, Huỳnh thúc Kháng, Trần quí Cáp. Phan châu Trinh đã ra Hà Nội, Huỳnh thúc Kháng thường có bề ngoài xuề xòa, không đáng lo ngại. Chỉ còn Trần quí Cáp là lãnh tụ đắc lực của một vùng Phong Trào lên rất mạnh, có lẽ mạnh nhất toàn quốc. Cần phải bứng đi, Quan lại vốn căm thù ông đã lâu nên vẫn ngấm ngầm phản đối. Ngay các tầng lớp không thích phong trào cũng phê bình, chỉ trích không tiếc lời các công cuộc cải cách của ông… Nhất là sau khi ông làm bài sĩ phu tự trị thì thực dân cảm thấy sự có mặt của ông ở Quảng Nam rất bất tiện. Chúng cần đề phòng nên đồng ý với Nam triều đổi ông vào Khánh Hòa (Nha Trang). Chính chỗ đó là chỗ thâm hiểm nhất của nhà cầm quyền, khi họ muốn biến phong trào và quần chúng thành loại rắn không đầu.

Nhưng thực sự, phong trào Quảng Nam còn vững mạnh quá. Trần quí Cáp ra đi không gây những thay đổi đáng kể vì các lãnh tụ khác đã có đủ uy tín và kinh nghiệm để mặc nhiên thay ông.

Vậy, đối với dân chúng, sự thay đổi ấy không làm họ nhụt chí, trong khi đó, những cuộc kiện tụng quan lại, mở mang phong trào, nhất là sự thành công của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn gây cho họ cái cảm tưởng họ đang thắng cuộc : ba trong bốn điểm trọng yếu, mấu chốt của phong trào họ đã thực hiện phần nào. Chỉ còn một điểm nữa. Vậy thì việc gì không dấn tới để đạt cho kỳ được ? Vả chăng, ba điều kia, chứ dù là ba chục điều kia có đạt được thì vẫn không thiết thực. Mà dân chúng không cần lý thuyết cao xa. Dân quyền và Duy Tân đối với họ chỉ sẽ là những lời rỗng tuếch khi họ cứ bị è cổ ra để nạp xâu cao, thuế nặng.

°

Nhưng trước khi đi theo đoàn biểu tình vĩ đại, ta hãy biết sưu thuế thuở ấy ra sao ? Theo Phan châu Trinh thì : «Từ ngày thuộc quyền bảo hộ của nước Pháp, nào là bắc cầu, sửa đường, xây đồn lập ải, cho đến lương bổng của quan lại cũng tăng lên, chi tiêu tốn kém kể hàng mấy trăm vạn, mà số tiền thu vào trừ các ngạch thuế thương chính ra thì chỉ trông vào thuế đinh và thuế điền» và «mỗi tên đinh một năm đóng thuế thân rồi phải bốn ngày công ích và mười ngày công sưu, còn như đi làm thứ tạp dịch khác đều có tiền thuế (…) quan lại nhân thế mà quấy nhiễu, tha tên này, bắt tên kia, tùy ý mình muốn thế nào thì làm thế, lúc đầu thì quan đem tiền thuê dân, sau thì dân đem tiền ra thuê quan, đứa cùng dân vì thế mà hết sản nghiệp và mất nghề làm ăn cũng thật nhiều». (Đầu Pháp Chính Phủ thư)

Tôi có nhiều tài liệu về thuế má thời này và những tiếng kêu van thống thiết bất tuyệt vì thuế. Muốn ghi ra cho hết, e người đọc không ham thích theo dõi, chỉ xin chép lại một đoạn ngắn trong bài Á tế á ca (tác giả ?) thời ấy phổ biến rất sâu rộng :

… … …

Các hạng thuế, Pháp càng tăng mãi

Thuế đinh điền rồi lại thuế bò

Thuế chó cũi, thuế lợn, mèo

Thuế muối, thuế ruộng, thuế đò, thuế xe

Thuế tất cả, trầu, cau, chè, thuốc.

Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn

Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền

Thuế rừng tre, gỗ, thuế thuyền bán buôn

Thuế dầu mật, thuế sơn, thuế mỡ

Thuế gạo rau, thuế đỗ, thuế bông

Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng

Thuế chim, thuế cá, khắp trong ba kỳ

Nhiều hạng thuế kể chi cho xiết

Thuế «phát xia» mới việc lạ lùng !

Nói ra luống những đau lòng

Cha con khổ nhục, vợ chồng lìa tan

Cũng có lúc bầm gan tím ruột

Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra

… … …

Thuế quá nặng, Dân phải làm sao ? Dân kêu gào, Dân rên siết. Tôi thật khó gây cho bạn đọc ngày nay cái ý tưởng, cái hình ảnh ghê sợ, hãi hùng của những ngày thuế đối với dân quê ngày xưa, khi tiếng trống, tiếng mõ, tiếng rao, tiếng roi vọt vang lên khắp làng trên xã dưới rồi thì đồ đạc bị ném ra đường, trâu bò bị lùa, thân người rách rưới bị gông trói dẫn thất thểu ngoài đường. Thôi thì có cái gì bán được mà chả bán kể cả vợ, con (bán vợ, đợ con) rồi cuối cùng, nếu chả còn phương pháp gì, đành liều đi trộm cướp hay đăng tên vào đạo dân phu các đồn điền cao su nước độc để gởi lớp xương trắng tận xó rừng sâu.

°

Thuế nặng quá, Dân phải làm sao ? Thời kỳ vô vọng đã qua. Dân quyền và Duy Tân mang tới cho họ một niềm hy vọng mới. Các yêu sách của lãnh tụ Phan châu Trinh đã được thỏa mãn không nhiều thì ít, chỉ còn mỗi một khoản thuế. Tại sao không tích cực hành động để đi trọn con đường «Đầu Pháp Chính Phủ thư» đã vạch ra ? Mà ai dám nói trước sẽ không thành công khi đã có những dấu hiệu tốt của các thử thách đã qua ? Tây đã nhượng được mấy điểm trên, nào họ có tiếc gì điểm dưới ? Vả chăng, dân không bạo động, nhất định không bạo động, chỉ kêu van, chỉ gào thét, chỉ thỉnh cầu, chỉ đày đọa thân xác mình, cam chịu nằm gai, nếm mật, chứ không bạo động vì «bạo động tất tử» (bạo động chắc chết) như lời lãnh tụ đã dạy kia mà. Họ đâu có ngờ họ chạm vào một thứ trái cấm ! Vì họ tưởng Tây đã nhượng được cái này, tại sao không nhượng cái kia ? Tri phủ Điện Bàn bị dọa khiêng đem trả là tỉnh tòa vội đổi y sang phủ khác ; Tri phủ là cha mẹ dân, là một kẻ «miệng có gang có thép» dân nghe tiếng đã run sợ thế mà dân cựa là bị đổi huống gì thuế…

Sự thật, nó là trái cấm ! Vì ông Tây có mỉm nụ cười xã giao để nghe vài sĩ phu phân trần ư ? Điều ấy chả chết gì ông mà còn được lòng trăm nghìn sĩ phu vốn có uy thế tinh thần trên đất Việt. Dù có ban cho họ vài quyền lợi thì cũng chỉ thiệt hại quyền lợi danh dự của quan lại, chứ có mất gì cho Pháp ? Mà nhờ đó, Tây sẽ biết được nhiều bí mật cần thiết để giữ vững nền trị an vì sĩ phu hay thân hào đâu có đức cảnh giác cần thiết ? Dân chúng khi kiện được quan lại, có cảm tưởng các lỗi lầm đều do quan lại gây ra, chứ Tây đâu có làm gì. Lá cờ ba sắc vẫn phơi màu rực rỡ. Còn những chuyện Duy Tân thì cứ để sĩ phu Duy Tân. Họ càng Âu hóa, dễ bẩy họ vào truyền thống Âu Mỹ, càng mất dân tộc tính, càng dễ cai trị.

Nhưng chỉ chừng ấy thôi ! Không thể cao hứng điên cuồng dẫn sang địa hạt thuế má. Vì đó là vấn đề xương máu… của thực dân. Nếu không đánh thuế vào dân, lấy gì mà nuôi Tây, nuôi bộ máy hành chánh quân sự đủ sức điều hành và đàn áp ? Lấy gì gởi về mẫu quốc để đóng góp. Nghĩa là khi động tới thuế tức là động tới thực chất quyền lợi của thực dân. Vậy dù Pháp mở ra bao nhiêu cánh cửa cũng không có nghĩa là sẽ mở cánh cửa thuế. Mở cánh cửa ấy, là bắt đầu mở con đường đẩy thực dân ra biển. Nhưng dân Việt Nam, nếu không có những yêu sách cải thiện thuế khóa thì Duy Tân làm gì ? Dân quyền làm gì ? Những lý thuyết, hình thức đẹp đẽ, rực rỡ tới đâu mà vẫn không bớt thuế má nặng nề thì cũng chỉ là vô bổ, là lý thuyết suông ! Dân vẫn chả có quyền nào !

Quyền lợi xung đột nẩy ra tranh đấu. Và tuy bề ngoài là kháng thuế, nhưng thực chất chính là chống thực dân, chống quan lại nghĩa là đòi Dân quyền một cách thiết thực.

Đây là một trong những phương thức hoạt động cách mạng Việt Nam : bất bạo động. Rồi đây, phương thức ấy sẽ được áp dụng cho những cuộc vận động đại quần chúng khác chống Pháp trong tương lai, kể cả sau 1908.

--------------------------------

1

Phan Châu Trinh còn bảo là một Tri phủ Điện Bàn bị trấn nước suýt chết.

2

Vụ Kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1906 gọi tắt vụ kháng thuế, của Huỳnh thúc Kháng. Thi văn Quốc cấm (Sđd).

DIỄN TIẾN :
DÂN LÀM CHỦ TÌNH HÌNH

MỌI CUỘC dấy lên của quần chúng đều có lý do sâu xa của nó. Và cái lối xuống đường nào có phải là sáng kiến mới mẻ gì của sĩ dân đâu. Trong bài Sĩ phu và truyền thống xuống đường (Tân văn số 14, tháng 6 năm 1969) tôi có trình bày những vụ xuống đường của sĩ phu ta từ 1864 đến cuối thế kỷ XIX. Những vụ xuống đường ấy là phản ứng của nho sĩ chống xâm lăng, chống tôn giáo để cứu nước, cứu đạo. Nhà nho chưa có ý thức sâu sắc về quyền lợi thực tế của dân.

Phải đến đầu thế kỷ thứ XX, tư tưởng Dân Quyền tràn sang nước ta, những cuộc tranh đấu vì quyền lợi vật chất, tinh thần mới nổ bùng ra. Đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nho mới thực sự không xấu hổ khi nói tới các ngành, các nghề, dân trí, trị sinh, cúp tóc, âu trang… và mới hiểu một cách sâu xa rằng yêu nước, yêu dân không thể yêu trừu tượng, khái quát mà chính là phải tranh đấu cho chính cuộc sống tầm thường với cái ăn, cái mặc… Lần đầu tiên, tập đoàn nhà nho dám tách rời Nho giáo trên nhiều phương diện đặt vấn đề xét lại Nho học chính trên căn bản chủ yếu, quân, sư, phụ, vị đức, vị dân, tấn công Nho triết mãnh liệt bằng tân triết Dân Quyền. Tân triết này không phải để ê a ngâm nga mà là để hành động. Không phải chỉ để sĩ phu hành động mà cả dân chúng cũng tự do hành động. Không phải để mở mang nông, công, thương, học mà chính là để giải phóng con người trong dư phóng giải phóng thuộc địa, nhân loại. Niềm tin ấy sâu xa mãnh liệt cho đến độ đi đâu, tới đâu, làm gì, sĩ phu cũng chụm nhau lại bàn bạc, đấu khẩu và cụ thể hóa tân triết ấy bằng hành động, bằng mọi thứ ca vè đề cao giá trị con người, mạt sát giới quan lại tham nhũng, kêu gào thuế má… Trần quí Cáp mới chân ướt chân ráo vào Nha trang, chưa kịp có đủ thì giờ để thăm vị này, viếng vị nọ, hầu bài cụ kia, dự tiệc quan khác mà đã ném ra những lời mạt sát ầm ầm :

Dân nay đã cực đà như chó,

Mà hãy còn vông đỏ, ngán ngà (lọng)

Đương lúc này, tài trí phải bỏ ra,

Xu phó giỏi, kim ngân đa thì khá !

Dám hỏi mấy người Công, hầu, bá,

Ăn cơm vua, cầm quyền nước mà lo những chuyện chi chi ?

Dân đồ thán, quốc khuynh nguy,

Độc lạc ngày nay ca vũ mãi.

Sách có câu : Xuân lai xuân bất tái,

Nước mất rồi mua lại được không ?

Xâu thuế này cực cả Tây, Đông,

Đông Tây cực mà Bắc Nam rồi cũng khổ !

Lại có chữ : vị thân gia chi cố,

Vuốt râu mèo một lũ u mê.

Mất rồi ngồi đợi trở về.

Văn chương của bậc đại nho nghiêm túc mà dẫn đến câu «cực đà như chó» để mở đầu bài văn thì đủ biết sự phẫn nộ đối với cường quyền và sự đau xót đối với nhân dân khi «xâu thuế này cực cả Tây Đông», cho thấy Dân Quyền rõ ràng không phải một triết học mơ hồ mà là phương pháp để nghiên cứu thực tế, động cơ để thúc đẩy và mục tiêu để tiến tới. Mục tiêu đó chính là : nước mất rồi mua lại được không ? Và chua chát hơn, mỉa mai hơn «mất rồi ngồi đợi trở về». Rõ ra là «Vuốt râu mèo một lũ u mê !».

Tôi nhắc đi nhắc lại Phan châu Trinh, Trần quí Cáp để lưu ý những ai đến nay vẫn nghĩ rằng công cuộc kháng thuế là dân của riêng của chúng dân nghèo, không can gì đến các lãnh tụ. Các tài liệu này cốt để xác nhận rằng họ không nhúng tay vào chiến thuật, nhưng họ vẫn chủ trương chiến lược. Trong các yêu sách của Phan châu Trinh, chống thuế là điểm căn bản nằm sờ sờ ra đấy, Trần quí Cáp cũng nhắc lại công khai. Như thế, nếu nhà cầm quyền không thỏa mãn, dân chúng có thể hành động để đòi hỏi mà vẫn không vượt ra ngoài chủ trương chung. Chỉ có điều là sĩ dân đã hành động một cách quá tích cực, vượt khỏi dự liệu của các lãnh tụ và nhà cầm quyền, công nhiên mở những trang sử tranh đấu mới theo phương thức mới.

Cuộc tranh đấu bùng ra ở huyện Đại Lộc. Ba sĩ phu lãnh đạo : Lương Chân, Hứa Tạo và Trương Hoành (xã Phiếm Ái, Hà Tân, La Đái). Nhân trong một bữa giỗ ăn uống no say, nổi hứng lên bàn chuyện sưu cao, thuế nặng rồi rủ nhau làm đơn lấy chữ ký của các làng xã trong huyện, tới trình quan huyện để chuyển đạt lên tỉnh, tòa «xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế». Công cuộc khởi đầu rất giản dị. Nhưng vì chủ thuyết Dân quyền đã thấm nhuần, lại thêm nỗi oán hận sưu thuế ăn sâu khắp quần chúng nên vừa mới tung ra là lập tức toàn thể dân chúng ùa theo ngay. Khi dẫn tới huyện, quan huyện nghe tin trước đã xuống trình tỉnh. Đa số sĩ dân liền kéo nhau xuống tỉnh. Và tỉnh biết được liền cho lịnh ra truyền hỏi :

- Dân chúng ở đâu tới và muốn làm gì ?

- Dân Đại Lộc theo quan huyện xin sưu.

- Quan huyện các anh đã báo rằng dân Đại Lộc tụ tập khởi ngụy, nay không có ở đây, đã xuống báo Tòa Công sứ biết rồi.

- Khởi ngụy ! Báo tòa sứ ! Chuyện to tầy đình. 1

Lập tức, dân dẫn xuống tòa sứ, cả ngàn người đứng lớp trong lớp ngoài. Mười đại biểu được vào để bày tỏ nguyện vọng. Viên sứ bảo ông ta không có quyền gì đối với việc sưu thuế và truyền giải tán. Nhưng dân kêu là sắp tới thời kỳ nộp thuế rồi, dân không thể nào chịu nổi.

- Dân không tan về, quan sẽ bắt giam mấy người Đại biểu.

- Nhờ lượng quan vì mấy người ấy họ xin phần họ, dân chúng ai có nỗi khổ nấy, không ai xin cho ai.

Ba lãnh tụ Lương Châu, Hứa Tạo, Trương Hoành ứng đối quả quyết, thông hoạt. Lập tức chiều đó họ bị đày đi Lao Bảo.

Nhưng dân vẫn không chỉ không tan mà mỗi ngày một thêm đông đảo. Lại nhờ Hội An là đô thị lớn, dân khắp nơi đến buôn bán tấp nập nên tin tức loan truyền đi nơi khác mau chóng, lập tức các miền xa mườm mượp dẫn nhau tới tiếp viện cho Hội An.

Không hiểu do ai ra lệnh mà tất cả đều truyền nhau : muốn xin xâu thì phải hớt tóc. Thế là họ tuyên truyền rộng rãi ra. Lập tức, những người bảo thủ nhất, nhưng nóng lòng vì quyền lợi xin xâu cũng bằng lòng đặt cái đầu tóc quí giá của mình dưới lưỡi kéo, cái lược. Chỉ trong thời gian ngắn, dân Quảng Nam đều biến thành tín đồ của chủ nghĩa Dân quyền, tiêu biểu bằng cái đầu ngắn. Ngọn triều cúp tóc xin xâu tràn ngập như sóng cuộn vỡ bờ. Rồi thì những đoàn người ấy tìm những áo quần rách rưới nhất mặc vào để tỏ ra mình bị bóc lột tới xương tủy và dự liệu một cuộc hành trình lâu ngày bằng khoai mo, cơm gói. Và không hiểu tổ chức thế nào mà có những người chỉ ở nhà chuyên lo chạy gạo, chạy tiền cho người ra «tiền tuyến» rồi khi lớp này mệt về là lớp kia lại đã ứng chực thay thế. Đồng bào hai bên đường nhiệt liệt ủng hộ cho đoàn tranh đấu. Muốn ăn uống gì họ mang ra cho, nấu những nồi nước chè lớn chờ sẵn… Khi quân đội dùng roi, dùi cui đánh đập tàn nhẫn vào đầu, vào lưng, vào mông các đoàn tiền phong vây hãm – vây hãm thực sự dưới hình thức thỉnh cầu, kêu khổ – tòa sứ thì họ không bạo động. Nhất định bất bạo động và khi không chịu nổi nữa vừa ánh nắng rực rỡ, vừa roi gậy, vừa khan hầu khan cổ, họ phải rút lui, nới rộng vòng vây. Nhưng một kế hoạch mới lập tức được ứng dụng để đối phó. Thế là những đội xung phong vây hãm liền lót đầy mo cau vào mông, vào lưng, may đầy mo cau dưới nón : được tung vào tiền tuyến. Lại những trận mưa roi, gậy. Nhưng bây giờ chỉ nghe bình bịch. Họ rán thi nhau chịu đựng, lớp này thế lớp kia. Lính đánh mỏi tay rồi có lúc phải nghỉ. Thật ra, lính hăng hái đánh lúc có cấp trên. Còn không thì họ chỉ dơ tay múa may roi gậy cho qua : đồng bào đó, anh em đó, thày bạn của họ đó. Họ đâu nỡ lòng nào !

Những người ngoại cuộc thấy cảnh ấy cũng phải ngao ngán :

… … …

Áo quần rách rưới lang thang lài xài

Tráng dân không biết là ai,

Học sinh ? Bá hộ ? Tú tài ? Cử nhân ?

Lạy trời, ông xuống chút ơn,

Để con dân nằm đường nằm sá không sợ chi cơn roi đòn.

Ngày thời cách núi trở non,

Dặn dò sau trước vợ con ở nhà.

Cơm đùm, cơm gói xuống nha 2

Rủ nhau kéo hết xuống tòa 3 xin xâu.

Quan sai lính đánh như trâu,

Chịu đau không thấu mang đầu chạy ngay !

Con roi bằng cái cổ tay,

Đáng dồn, đánh dập một ngày đôi con.

Xấu da chịu chẳng đặng đòn,

Chạy về sau trước vợ con ở nhà…

(Vè xin xâu) 4

Ngày nào cũng có tin đồn là sứ đã nhượng bộ. Sứ đã hẹn thế này, hứa thế kia. Thế là dân thêm phấn khởi, lại quyên tiền, quyên gạo, kêu gọi người tiếp viện… Cuộc vây hãm và số dân dự cuộc xin xâu, theo Phan châu Trinh có ngày lên đến sáu ngàn người, và theo một bài văn tế lưu truyền đến 8.000 người (thời ấy, có thể gọi là con số kỷ lục, vì dân còn thưa thớt lắm). Để giải trí và tuyên truyền cho mau lẹ, không biết bao nhiêu bài vè, bài ca đặt ra để truyền miệng cho nhau. Về sau, Hội An không còn đủ chỗ chứa người nên một kế hoạch mới được đề ra : Ở phố, tòa đã đông lắm, nay ở phủ huyện nào vây quanh phủ huyện nấy, không phải kéo ra phố (Hội An) nữa.

Thế là bắt đầu cuộc vây hãm các phủ huyện.

°

Thời kỳ này, đã xuất hiện lần lần những lãnh tụ mới của Phong Trào xin xâu. Họ đều là những sĩ phu trẻ, hăng hái, can đảm như ông Ích Đường, Tú Can,Trùm Thuyết… Ông Ích Đường là con ông Tấn Nhì, cháu Ông Ích Khiêm, đã từng vào Nam ra Bắc, đã từng tới đồn Đề Thám với Phan châu Trinh. Giòng họ này mấy đời làm tướng và văn học đều xuất sắc : Ông Ích Khiêm, cử văn, cử võ, lừng danh thời Tự Đức ở Bắc, Ông Ích Thiện tự xưng Bình Tây Sát Tả đại tướng quân chiếm thành tỉnh Quảng Nam dưới thời Cần Vương. Ông Ích Đường năm ấy mới mười tuổi đã nghiễm nhiên trở thành lãnh tụ cúp tóc xin xâu, và đi vào anh hùng ca dân tộc :

Cậu Đường mười tám tuổi đầu,

Dẫn dân công ích xin xâu dưới tòa.

Thời kỳ này, có mấy cuộc bạo động nhỏ – So với cuộc tranh đấu bất bạo động vĩ đại ấy – đã xảy ra.

Việc thứ nhất là vây bắt Lãnh binh Điềm, hay Lãnh Điềm. Là sĩ quan cao cấp, Điềm được đặc trách coi các công cuộc làm đường, vét sông, có quyền sử dụng hàng ngàn, vạn dân công công ích. Y vừa tàn bạo, đối xử chỉ biết roi vọt, cùm kẹp và moi móc túi tiền của bất kỳ hạng nghèo, giàu nào. Lòng dân uất ức, oán hận đến cực độ. Đây là cơ hội để trả thù. Ông Ích Đường dẫn dân lên vây bắt. Nhưng không hiểu ai báo trước, Lãnh Điềm trốn trước nửa giờ, lên xe lửa Hội An – Đà nẵng (hồi ấy còn chạy) trốn thoát. Hú vía ! Nếu không, chắc Điềm không tránh khỏi cái chết ghê gớm của Trần Quát và Trần Tuệ.

Cũng liền đó xảy ra vụ Trần Quát. Trần Quát làm chánh tổng, rất có uy quyền ở Gia Cốc (nay thuộc Duy Xuyên). Nghe có dân biến, y liền xuống tỉnh lãnh hằng về hiểu trấp, hy vọng phen này một bước lên quan. Bản tính y tàn ác. Việc đầu tiên của y không phải là lấy lời huấn dụ mà thiết lập một nhà lao. Y ra lệnh hễ ai đi xin xâu là y tống giam. Rồi y phái những nhân viên dưới quyền chẹn bắt tất cả những ai hớt tóc, mo khoai, cơm gói về tra tấn, giam cầm. Do đó gây rất nhiều trở ngại cho tiến trình công cuộc xin xâu và gây hoang mang lớn cho dân chúng. Các lãnh tụ xin xâu lập tức đối phó. Ích Đường, Tú Cang nửa đêm dẫn dân lên vây bắt. Quát trốn vào chuồng heo, tóm được liền đem ra bờ sông giết (có người bảo nhận nước, có người bảo thui dái rồi mới nhận nước). Về vụ này, Tú Quì có làm hộ cho con gái Quát một bài văn tế trong có những câu chống đối Dân Quyền quyết liệt :

… … …

Nào hay lộng đảng dân quyền,

Chứng cớ phú giữa đồng cây cỏ.

Ôi thôi thôi !

Căm hận tư thù chi lắm thế ! Ngoan thế ấy ; ngạnh thế ấy, hung cường chi thế ấy ! Tre Non Sơn ghi tội khôn cùng.

… … …

Văn kiện này cho thấy đối với hạng phản động Phong trào thì chính Cúp tóc xin xâu là do lộng đảng dân quyền gây ra. Và kẻ thù của Duy Tân không phải chỉ là hàng ngũ quan lại mà cả những sĩ phu bảo thủ 5 . Trên đây, tuy mượn lời con khóc cha mà thực là sự phẫn nộ của bọn bảo thủ ấy đối với chủ thuyết Dân Quyền mà họ cho đã làm đảo điên xã hội và tôn ti trật tự cổ.

Về vụ này, tòa sứ phái một đội lính về tuần tiễu, bắt chém Tú Cang, đốt nhà Ấm Tân. Sau đó, một hương chức khác trong xã cũng bị tử hình.

Máu thảm, máu hùng đã chảy !

Trong huyết sử Duy Tân

Mở lần theo từng trang hùng sử Dân Quyền.

°

Cuộc vây hãm phủ Tam Kỳ là cốt để chặt tay những tên phong kiến, tay sai đắc lực của thực dân. Phong trào ở vùng này chịu ảnh hưởng Phan châu Trinh, Huỳnh thúc Kháng, Lê Cơ lên rất cao. Sự hưởng ứng kháng thuế nhiệt liệt vào thời ấy, dân lại đang kiện chánh phó bảy tổng nên dân khí hăng sùng sục. Tri phủ Tam kỳ tàn ác, hãm hại dân, lại là một tên phản động đối với Phong trào. Hễ ai có cái đầu hớt tóc là y tìm cách bắt bớ, giam cầm. Đã thế, y lại hợp tác với Đề Đốc Trần Tuệ, một võ quan cao cấp để thẳng tay cướp bóc của dân. Trần Tuệ cũng như Lãnh Điềm, lãnh trọng trách đắp đường khai mỏ vàng (Bông Miếu) đường chiến lược nối tiếp các đồn Đại lý tại Tam Kỳ, đồn Phương Xá, Trà My… Quyền thế quá to, y tự do muốn lộng hành thế nào cũng mặc. Cần nhà ở, y vào bắt chủ nhà dọn đồ đạc ra cho mình ở, chưa kịp là đánh đập. Vào nhà người ta ngủ trưa, nghe trẻ con khóc liền sai lính căng chủ nhà ra đánh rồi giải về phủ giam (Nguyễn Kỳ ở Chiên Đàn…). Lại thấy Phong trào Duy Tân lên cao, các vườn chè, quế khai phá mạnh, y cũng chiếm đất, lập nhan điền rồi bắt dân tới làm không công mà còn nhẫn tâm đánh đập… gây không biết bao nhiêu phẫn nộ ngấm ngầm chỉ chờ cơ hội là nổ ra như sấm sét. Bởi thế, khi xảy ra vụ xin xâu, dân tới nhan điền đuổi bắt, ầm ầm như bắt cướp, y liền bỏ trốn, lẻn về nấp trong phủ, nhờ viên tri phủ vốn là đồng bọn sâu dân mọt nước che chở.

Dân ùn ùn kéo tới vây phủ, nhất định xin viên tri phủ và đề đốc dẫn dân đi xin xâu : «Dân kêu nài mãi mà các quan không ra. Đem dân vào trong phủ canh, nhất định giữ ông Đề Toa đại lý (Pháp) cách phủ lý ba cây số, biết dân thù oán Đề Tuệ, đại lý đem lính lên phủ đưa Tuệ về Tòa. Khi ra khỏi phủ xe đại lý đi trước dân nhường lối đi, xe qua dân kéo theo. Trùm Thuyết người làng Phước Lợi kêu to : «Dân ta xin quan đại lý giao ông Đề để dân ăn gan». Toàn đám đồng thanh «dạ» vang lừng. Đề Tuệ ngồi trên xe hộc máu gục xuống, về đến tòa đại lý thì tắt thở. Trùm Thuyết sau bị kết án tử hình, chém ở Tam Kỳ. Trong án có câu : «Thanh thanh thực đề đốc can, nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng». 6

Cất tiếng đòi ăn gan đề đốc, một lời hô mà dân toàn bảy tổng dạ rân ! Rồi tiếng dạ lừng lẫy vang động trời đất đủ sức đánh một búa tạ ngàn cân khiến đại tướng Nam triều hộc máu chết tươi. Lịch sử Trung Hoa mà chúng ta say mê thử hỏi có bao nhiêu sự tích ly kỳ mà hùng tráng tiêu biểu cho sức mạnh vô địch của tiếng nói nhân dân ghê gớm đến thế chưa ?

… … …

Bắt anh Mộc Thuyết 7 dẫn ra

Dẫn ra, tôi tưởng quan tha cho về.

Chém anh Mộc Thuyết gớm ghê !

Gươm dao âm phủ ba bốn bề cách xa !

(Vè xin xâu)

Phong trào Duy Tân tiếp tục mở những trang huyết sử, hùng sử !

Cuộc vây phủ Điện Bàn cũng sôi nổi không khác gì ở Tam Kỳ 8 . Hồi ấy, sĩ dân hội họp tại tỉnh ngoài bờ thành. Ban tổ chức đồng ý bầu Ông Ích Đường lãnh đạo cuộc vây phủ Điện Bàn bắt tri phủ dẫn dân xin xâu.

Từ tỉnh vào phủ chỉ ba cây số, nhân dân tràn ngập đường cái lớn. Khi tới phủ chỉ thét lên mấy tiếng «xin xâu» là bọn lính phủ run lập cập, đầu hàng. Đại diện dân vào trình bày ý nguyện với tri phủ là Trần văn Thống (Huỳnh thúc Kháng ghi : Thông). Lúc ấy tri phủ đang lo việc cưới vợ cho con, việc nhà rối bung. Thấy dân tiến vào, đàn bà run như thằn lằn đứt đuôi, kêu khóc rối bời. Tri phủ nhất định không nhận, thoái thác là bận việc nhà. Dân kêu : «Cưới vợ cho con là việc nhỏ. Làm tri phủ giữa lúc dầu sôi, lửa bỏng này phải lo cho dân là việc lớn. Quan là cha mẹ dân, không dẫn dắt dân đi thì ai dẫn dắt».

- Tôi không đi được. Đó không phải là phận sự của tôi.

Dân chúng nổi nóng ùa vào : «Mời quan phải đi».

- Tôi không đi.

- Quan khỏi phải đi, cứ ngồi lên xe cho nó kéo.

- Không có người kéo xe.

- Lính đâu ? Ăn lương để làm gì ?

- Lính sợ quá trốn cả rồi.

Quả thật, lính trốn hết.

- Lính trốn rồi thì có dân kéo. Quan cứ lên xe.

- Tôi không lên.

- Quan không lên cũng không được.

- Tôi nhất định ở lại phủ. Trọng trách của tôi là giữ phủ.

- Trọng trách của quan là đây nè !

Nhiều người khỏe mạnh nhẩy lên công đường, dở bổng viên tri phủ, bồng lọt trong tay như bồng người bệnh nặng, vứt vào trong xe. Kiếm không ra lính, một người dân chịu kéo xe. Đoàn biểu tình dẫn xuống ngã Hội An. Tám ngàn 9 dân ùa theo như kiến. Loa vang khắp chốn : «Tri phủ đã đầu hàng ! Tri phủ đã chịu dẫn dân đi xin xâu !»

Tri phủ ngồi run lập cập trong xe. Nguyễn tăng Côn tức thông Cào (Huỳnh thúc Kháng ghi Cao) là một giáo viên của Phong Trào, lấy ba toong đập vào mắt cá tri phủ, hỏi : «Từ nay quan còn ăn hối lộ nữa thôi !»

Dân chúng khoái chí cười ầm ĩ ; cái xe đưa viên tri phủ lắc lư trên đường đá lởm chởm.

Nhưng không ai ngờ viên đề lại của phủ đã lén xuống tòa báo tin trước. Lập tức công sứ gọi thiếu Úy Sogny (sau là một viên mật thám đầu sỏ vang danh ở Trung Việt ; giỏi quốc ngữ, thông chữ Hán) dẫn một đạo binh trong trại lên chận đoàn biểu tình, không cho tràn ngập thành phố vì sợ có thể gây ra một cuộc bạo động thực sự khi họ đã dám bắt tri phủ theo làm con tin.

Xáp mặt nhau ở bến đò dẫn xuống phố thuộc địa phận Phú Chiêm, lính dàn hàng ngang, chĩa súng ra lệnh cho dân dừng lại. Sogny mời công sứ tới ; công sứ hỏi : «Dân chúng muốn kêu ca gì, thỉnh nguyện điều gì, cứ trình bày. Quan lớn sẽ đệ ra Hà nội xin quan toàn quyền chấp thuận ngay cho. Bây giờ ngồi tất cả xuống đi. Ai muốn thỉnh nguyện điều gì, cứ nói».

Yên lặng. Tám ngàn người nhìn nhau rồi ngồi xuống.

Lập tức, lính vây chung quanh và bộ mặt man trá nhất của thực dân bày ra. Chúng lấy roi, gậy, báng súng đập lên đầu, lên cổ dân tơi bời. Dân vùng lên, bỏ chạy đụng đâu tung tới đó. Súng nổ. Tri phủ thoát được. Một số dân nhảy xuống sông chết đuối. Lính ùa theo những người cầm đầu, những tay ra vẻ sĩ phu, lý hương, tóm bắt hết.

Cuộc đàn áp đẫm máu chấm dứt.

Luật giới nghiêm lập tức được ban bố. Các đạo dân phu làm đường phải rút về. Quân đội được tăng cường cho các phủ huyện với hiệu lệnh mới.

Tuy dân tẩu tán hết, nhưng trong đêm ấy, họ lại tập họp, lặn xuống sông vớt hai người chết đuối lên. Một đám táng long trọng diễn ra trong bóng tối âm u. Những liễn đối cũng được uy nghi treo lên hai bên phần mộ. Một cặp thẻ tre cắm nơi đầu mộ, có viết đôi câu đối rất hay tập theo cổ thi :

Trù trướng khê đầu tòng thử biệt,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Ông Hà Ngại dịch :

Thương xót đầu khe người thiệt mạng

Căm hờn giòng nước khách qua đường.

Bài văn tế người chết đuối cũng được công bố trong dân gian, giọng hằn học căm hờn thuế má quá nặng đến đỗi :

Chó ăn cả lông,

Cây đào tận gốc…

Không tiền mua lược,

Nên đầu ông trọc.

Không tiền mua vải

Nên áo ông cụt.

Bài văn tế xác nhận số dân vô cùng đông đảo :

Rủ nhau xin xâu

Tám nghìn chen chúc

Dầu sống cũng chiến đấu, dù chết cũng chiến đấu và chiến đấu trong tinh thần Duy Tân, như chưa bao giờ có một bài văn tế nào lạ lùng như thế được viết trước đó :

Hồn ông đi đâu ?

Xiêm La, Bàn Cốc,

Thượng Hải, Hoành Tân.

Ấn Độ, Thiên Trúc ?

Lớn hóa làm tàu bay,

Nhỏ hóa làm súng lục.

Phơi phới trên từng mây !

Để chờ cơn báo phục.

Trong bài này có chữ Tàu bay, tôi không hiểu ý nói gì vì thời ấy chưa có tàu bay, ít ra là ở bên ta. Không rõ lúc ấy đã nghe đồn với nhau như thế nào về loại cơ khí mới mẻ này. 10

Một bài văn tế truy điệu Huỳnh Tâm, theo truyền văn bảo là của Trương văn Tuần, một nông dân ở Điện Bàn (Bà Song Thu sao lục). Bài ấy có một giá trị chống thực dân rất mạnh :

Khốn vì dân tộc yếu hèn, mắc phải Lãng sa đô hộ.

Mang chiêu bài khai hóa, thực chất xâm lược cường quyền.

Bộ mặt thực dân, một bước không cho tiến bộ.

Hăm lăm triệu chẳng ít, than trời đất, tủi giống nòi.

Bốn mươi năm lại đây, hổ non sông, rầu cây cỏ.

Dân tỉnh Quảng Nam, từ năm Bính Ngọ

Xâu ngũ nhật, công sưu công ích, đường trường làm tột núi cao.

Thuế bách phân gia ngũ, gia tam, đủ ngón vét từng xu nhỏ.

Đoạn sau cho biết rõ thêm hoàn cảnh của dân trong năm ấy :

Mãi đến Xuân này,

Cực đà đến chỗ.

Ra tết, trời làm tai biến, hạn hán tiêu khô ;

Nhiều nơi đất chịu bỏ hoang, dân tình đói khổ.

Tre nếu còn thấy lá xanh

Tòa sứ đã ra trát đỏ.

Thuế nạp cho mau

Tiền xâu bắt đủ.

Sau đoạn than thở vì thuế nặng xâu cao, còn trình bày những công tác địa phương rất tỉ mỉ :

Lấy đá Ngũ hành sơn

Đắp đường thiên lý lộ.

Mở đường các huyện cho tòa tỉnh đi xe ;

Làm sở Bà Nà cho người Tây hứng gió.

Tác giả kể bao nhiêu những hình phạt mà dân phải chịu, rồi chịu không nổi phải tìm cách bày tỏ cho quan trên :

Mong lượng trên soi xét một vài, bởi vậy kéo nhau tới Phố

Có ngờ đâu tòa tỉnh chẳng chấp đơn,

Lại gặp phải sứ quan càng thịnh nộ.

Đập bàn ra lệnh, người đầu đơn bị cò bót bắt giam liền ;

Bắn súng thị oai, người trong cuộc bị lính Tây túm cổ.

Sửng sốt nghe truyền một tiếng, đuổi quá đuổi tà,

Chao ôi ! chưa kịp nửa lời, đánh hơn đánh chó.

Lùi ra đường phố, tức máu sôi anh phải xung phong.

Lại đến Thanh Hà, quên nòi giống lính làm hùm hổ.

Tinh thần kiệt hiệt, thốt mấy lời đanh thép hiên ngang ;

Súng nổ đì đùng, xong mấy loạt ra người thiên cổ. 11

Qua đoạn sau này, ta còn biết thêm là trong cuộc tranh đấu, có những trận xung phong của dân chống lại lính và lên đến Thanh Hà (đò Phú Chiêm) dân chúng có dùng những lời lẽ can cường chống lại thực dân và thực dân không chỉ bắn chỉ thiên như Huỳnh thúc Kháng kể mà còn bắn chết dân, không rõ mấy người trong đó có Huỳnh Tâm. Tài liệu này còn hé cho ta thấy một sự mới lạ về ngôn ngữ ; trong thời ấy, nhiều từ ngữ và câu văn được dùng mà ta tưởng mới xuất hiện sau 1945 : chiêu bài khai hóa, thực chất xâm lược cường quyền, bộ mặt thực dân, phải xung phong…

Ngoài ra, nói chung ta cũng thấy thêm là cả cuộc biến từ khởi đầu đến kết thúc đều có tổ chức rất đàng hoàng, phương thức tranh đấu đều giống nhau (mời quan phủ, huyện đi xin xâu với dân) chung khẩu hiệu (chống thuế) chung sách lược (vây tòa rồi về vây phủ huyện). Việc tiếp tế cơm nước cho dân tranh đấu rất tích cực. Việc thay thế các quần chúng mỏi mệt được đều đặn. Lạ nhất là sau khi tẩu tán mà chỉ một đêm, xác được vớt, lễ chôn cất cử hành nghiêm trang bi hùng, văn tế rất nhiều mà tuyệt bút có thể lưu văn học sử không thẹn…

Ai tổ chức ? Ai chỉ huy ? bàn tay bí mật nào thực hiện rập ràng, đầy đủ ?

Với một quần chúng giác ngộ cao về chính trị, có trình độ cao về tổ chức công khai lẫn bí mật, có sức tranh đấu dẻo dai (biểu tình suốt tháng) mà những nhà chính trị sau này của học thuyết Dân Chủ không tiếp tục thực hiện nổi sứ mệnh của mình thì quả nhiên họ cam chịu thất bại, chứ không phải quần chúng. Quần chúng chờ đợi và khi có những người gan dạ, trì chí kêu gọi, tự nhiên họ sẽ theo hướng khác.

°

Lần vùng dậy cuối cùng này của Điện Bàn bị dập tắt.

Ông Ích Đường lên đoạn đầu đài.

--------------------------------

1

Vụ kháng thuế (sđd) trang 371. Và Phan châu Trinh ghi thêm về :
Chứng thực nguyên nhân cuộc khởi biến là bởi việc xin xâu mà ra…
Năm 1908, dân biến bắt đầu phát ra ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, mà dân Đại Lộc lại thiệt vì việc làm xâu gây ra biến.
Năm ấy, vào hạ tuần tháng giêng âm lịch, viên tri huyện Đại Lộc nhân việc xâu mà sách nhiễu tiền, lại tăng khống số dân lên quá số thiệt trong xã, dân các xã không chịu nổi (nguyên kháng trước đó, viên huyện vì nhiễu dân, bị dân các xã kiện tại tòa Công sứ ; tòa sứ xử viên ấy không lỗi, nên nay viên huyện nhân đó ỷ thế, lấy việc bắt xâu mà báo thù. Vì sự khiêu khích đó nên sinh ra biến. Đó là cái nguyên nhân đầu đã sinh ra cái nguyên nhân này vậy), dân các xã rủ nhau họp, tính việc đi kiện lần nữa, viên huyện ấy biết, lại đi báo vu trước với Tòa Sứ rằng : xã dân nổi loạn (…) xã dân nghe tin tới Tòa Sứ biện bạch và chỉ trích cái tệ quan huyện sách nhiễu. Ban đầu, quan sứ còn bênh vực quan huyện, đến khi thấy nhân dân tới đông lần, đồng thanh kêu oan, thì biết không xong, nên lập tức cách đuổi viên Huyện nọ (…) làng nào bị khổ về việc làm xâu cho Quan cũng tranh nhau đến tòa sứ mà kêu.
Người nhóm đã nhiều, thì sự tuyên truyền cũng lắm, hoặc nói Quan sứ đã giảm thuế. Dân dốt không biết, nghe bậy truyền bạ, rủ nhau đến càng ngày càng nhiều. (TKDB trang 2)
Ông Phan châu Trinh còn dẫn ra một số chứng cớ khác để biện minh đó là vụ xin xâu, không phải kháng thuế… nhưng rồi cuối cùng, hễ có xin xâu, tất có xin thuế nhất là khi nghe Công sứ đã giảm thuế. Chính ở Quảng Nam, ai cũng gọi dân biến 1908 là cúp tóc xin xâu, thì tôi đoán có lẽ tiên khởi là xin xâu mà chữ xâu đọc hơi giống như sưu nên người ta cũng đọc xin sưu (xin thuế) lẫn lộn (hay chính vì xin sưu rồi đọc lộn ra xin xâu ?). Nhưng dù thế nào, nó cũng đã biến thành vụ Dân biến kháng thuế, không còn ai biết tới xin xâu nữa. Cũng vì dựa trên tài liệu này, tôi có viết bài «Theo dõi sự phát xuất và phát triển của một câu ca dao» (VHNS số 3, 4 năm 1967) nên nặng về xin xâu hơn kháng thuế là vì vậy.

2

Nha : tức cơ quan hành chánh huyện Phủ Tam Kỳ, ở gần tòa đại lý Tam Kỳ.

3

Tòa : là tòa đại lý Tam Kỳ do một viên quan Pháp điều khiển mà cũng có thể là tòa công sứ Pháp ở Hội An.

4

Vè xin xâu : tài liệu của Nguyễn Q.Thắng.

5

Xin xem thêm Nguyễn văn Xuân : «Tú Quì, một trường hợp, một thể văn» Tân Văn 7-1968.

6

Vụ kháng thuế (sđd) trang 374.

7

Mộc thuyết : tên thật Trần Thuyết 1857-1908 làm trùm trong làng Phước Lợi, Tam Kỳ. Bị chém ngày 18-4-1908 với tội (!) (Trùm Thuyết) cữ nhất thanh nhi toàn dân giai dụy : Trùm Thuyết hô một tiếng toàn dân đều dạ. Chú thích của Nguyễn Q.Thắng.

8

Một phần của đoạn này là theo lời thuật của ông Lương trọng Hối, cử nhân, trên 80 tuổi.

9

Con số do một bài văn tế cho biết (xem sau).

10

Nhiều người lẫn lộn câu này của Tôn thọ Tường : « Mày tuôn đen kịt khói tàu bay ». Ấy là khói của tàu thủy bay, chứ không phải tàu bay. Thời ấy làm gì có tàu bay !

11

Tài liệu do Nguyễn quyết Thắng sưu tầm.

 

Nguyễn Văn Xuân

Theo https://vietmessenger.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...