Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Trăng trên thung lũng Jerusalem 1

Trăng trên thung lũng Jerusalem 1

SHMUEL YOSEF AGNON sinh năm 1888 1. và lớn lên trong một gia đình gồm những học giả tại Buczacz thuộc miền Đông Galicia (nay là vùng Tây Ukraina). Buczacz là một cộng đồng Do-thái không quá tám ngàn người và cũng là một trung tâm đào tạo các rabbi (thầy cả) Do-thái giáo. Agnon đã được hấp thụ nền văn hóa cổ truyền của Do-thái do thân phụ ông đích thân truyền dạy. Galicia lúc đó là một trong những trung tâm của nền văn chương tân Hy-bá. Ngay từ nhỏ Agnon đã khởi sự văn nghiệp trên báo chí tiếng Hy-bá và tiếng Yiddish 2. ở địa phương. Và kể từ năm 1907 tức là năm ông trở về Palestine, ông thôi không viết bằng tiếng Yiddish nữa.

Việc Agnon từ đó chuyên sáng tác bằng tiếng Hy-bá có lẽ phần nào đã do ảnh hưởng của phong trào phục quốc Zion của người Do-thái mà ông đã tham gia. Nếu nhìn vào số ngôn ngữ được sử dụng tại Israel ngày nay người ta sẽ thấy trong số hơn hai triệu dân, đã có tới một triệu tám sử dụng ngôn ngữ chính thức là tiếng Hy-bá. Lớp di dân đầu tiên từ các ngả trên thế giới trở về Israel còn nói hoặc hiểu được tiếng Yiddish và một số ngôn ngữ dùng trong các nghi lễ Do-thái giáo, nhưng hiện nay số thanh niên Israel chỉ dùng có ngôn ngữ Hy-bá ngày càng thêm đông đảo. Tuy vậy, thứ tiếng Hy-bá của Agnon không hẳn là thứ tiếng mà thế hệ trẻ hơn của Israel hiện sử dụng. Đúng hơn đó là ngôn ngữ của nền văn chương truyền thống Hy-bá với những nhà văn tiêu biểu như Bialik, Tchernichowsky và Shneur. Đứng giữa ngôn ngữ văn chương cổ truyền của dân tộc và tiếng Hy-bá hiện đại hóa, Agnon đã quyết định nối kết các thế hệ Do-thái bằng một nội dung đề cao truyền thống dân tộc, nhưng trong khi chờ đợi một nền văn chương ổn cố của ngôn ngữ Hy-bá hiện đại, ông đã lựa chọn diễn tả bằng thứ ngôn ngữ trang trọng của nền văn chương Hy-bá cổ truyền (xuất hiện từ thế kỷ XI và còn kéo dài cho đến ngày nay).

Agnon làm thơ từ năm lên 9 và bài thơ đầu tiên của ông được đăng vào năm ông mười sáu tuổi. Câu chuyện đầu tay của ông in tại Palestine là truyện "Agunot". Ngay từ năm 1913, Shalom Streit đã nói về tác phẩm này: “Một luồng điện chạy qua toàn thể cộng đồng chúng tôi khi đọc truyện ấy.” Cùng với "Agunot" có nghĩa là cô đơn, trơ trọi hoặc đơn độc, 3 ông khởi sự dùng bút hiệu Agnon thay vì tên thực là Czaczkes. Khi được hỏi là bút hiệu này có liên hệ với truyện trên hay không, Agnon đã xác nhận là có. 4

Những năm kế đó, tuần báo Hapo’el Hatza’ir của nhóm xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tolstoi và những tư tưởng địa dân (narodniki) đã đăng tải cuốn sách đầu của Agnon nhan đề Vehaya he’akov lemishor (Và những nơi cong queo sẽ được uốn ngay lại). Tác phẩm dài này đã làm say mê độc giả Do-thái đương thời không ít đến nỗi Joseph Haim Brenner đã phải dốc cạn túi tiền để xuất bản thành sách (1912). Đối với một người vô thần như Brenner thì đây là “tác phẩm đầu tiên của nền văn chương thế tục Hy-bá trong đó truyền thống đã trở thành phương tiện diễn đạt nghệ thuật thuần túy...”

Năm 1913 Agnon qua Đức. Ông định ở lại vài năm nhưng vì chiến tranh 5 nên mãi tới năm 1924 ông mới trở lại Jerusalem được. Tuy nhiên những năm ở Đức đã ảnh hưởng lớn lao đến văn nghiệp ông sau này. Ông tiếp xúc với văn chương châu Âu và yêu chuộng sự hoàn hảo đến độ các truyện sáng tác thường viết đi viết lại tới sáu, bảy lần. Trong thời kỳ này ông xuất bản rất ít, chỉ chăm lo sửa chữa các tác phẩm cũ và viết những truyện mới. Ông cũng làm khá nhiều thơ và viết một cuốn tiểu thuyết tự sự. Nhưng tới tháng Sáu năm 1924, căn nhà ông ở tại Homburg gần Frankfurt bị hỏa hoạn 6 và toàn bộ bản thảo, giấy tờ và tủ sách Hy-bá do ông sưu tập được đều biến ra tro. Biến cố này đã thay đổi hẳn con người Agnon. Ông thôi không sáng tác thi ca nữa và không bao giờ viết lại tác phẩm tự sự trên.

Năm 1929, sau khi ông đã trở về Palestine, căn nhà ông tại ngoại ô Jerusalem lại bị người Ả-rập cướp phá. 7 Lần này ông trở lại Galicia trong một chuyến thăm viếng ngắn ngủi và ở lại Đức tới gần một năm để chứng kiến bốn cuốn đầu gồm các tác phẩm mà ông đã thu thập, sửa chữa trong năm năm trời được ấn hành tại đây.

Cũng nên ghi nhận là Agnon là một nhà biên soạn các tuyển tập văn chương rất có tài. Trong những năm ở Đức, ông đã biên soạn hai tuyển tập bằng Đức ngữ. Ở Jerusalem ông đã bỏ khá nhiều ngày giờ để biên soạn ba tuyển tập văn chương. Trong tuyển tập đầu nhan đề Những ngày kinh sợ, gồm một kho tàng những chuyện cổ dân tộc, ông đã hài hước sắp thêm vào đó những mẩu truyện trích trong một tác phẩm tưởng tượng được mệnh danh là Kol Dodi (Tiếng nói của người tôi yêu dấu) và ghi chú rất tự nhiên ở phần thư mục là “một bản thảo mà tác giả hiện giữ”.

Trong ý định soạn những tuyển tập Do-thái này, Agnon cũng đã đồng ý cộng tác với một triết gia Do-thái là Martin Buber nhưng về sau tác phẩm chung của hai người bị thiêu hủy và Agnon không soạn lại tác phẩm đó nữa.

Công cuộc soạn thảo các tuyển tập này đã ảnh hưởng tới Agnon. Trong một số truyện, nhân vật chính của Agnon cũng là những học giả. Hình như hình ảnh tận tụy vô vọng của các học giả có một sức thôi miên tột độ đối với Agnon.

"Trăng trên thung lũng Jerusalem" (Ido và Eynam) 8 cũng là một câu chuyện của một học giả; sự say mê tìm kiếm một thứ ngôn ngữ và những ca khúc mà thế nhân đã để lạc mất trong vô tận của sa mạc thời gian tưởng chừng như một việc phù phiếm, nhưng dưới ngòi bút của Agnon lại mang những ẩn dụ sâu sắc và tế nhị (luôn luôn dựa trên một sự hiểu biết căn bản về Do-thái giáo), gợi ra được cái khát vọng vô biên của những con người sống trong một thế giới Babel hiện đại, và có một sức chiêu dụ đến mê hoặc tột độ.

Gabriel Gamzou, nhân vật khó quên trong truyện này đã phản ảnh phần nào tác giả, một tâm hồn xao xuyến luôn khát vọng hợp nhất, sẵn sàng đương đầu với những tiếng nói của ngày Phán xét cuối cùng, như sách đã viết: “Ngay từ tiền sảnh, con hãy sửa soạn để đi vào phòng khách”. Với "Trăng trên thung lũng Jerusalem", câu chuyện thường được coi như là truyện ngắn đẹp nhất của Agnon, người đọc có thể tìm thấy qui tụ lại nhiều khía cạnh của tài năng Agnon và những chủ đề chính của ông: sự thiếu quân bình của cái hiện tại còn hoài niệm một thời đại vàng son khi mà “người Do-thái còn biết cầu nguyện và ngợi ca Chúa trong một niềm tin ngây thơ và chân thành”; sự xao xuyến cô đơn và nỗi sợ hãi phải mất nơi cư ngụ thể chất là mái nhà, hoặc nơi cư ngụ tinh thần là nhà nguyện; sau rốt là giấc mơ như một dự cảm hay sức hấp dẫn huyền diệu, mê hoặc, giữa sự sống và sự chết...

Quả thật, như giáo sư Gershom Scholem của viện Đại học Hy-bá ở Jerusalem đã viết, “Agnon đã khởi sự văn nghiệp bằng cách viết những truyện ngắn, và chính trong lối sáng tác này ông đã đạt được một sự hoàn hảo khiến người đọc phải theo rõi đến đứt hơi thở”.

"Trăng trên thung lũng Jerusalem" cùng với một số truyện ngắn khác của Agnon đã trở thành những tác phẩm cổ điển châu báu của dân tộc Israel ngay trong thế kỷ 20. Bí quyết chính của sự hoàn hảo này là Agnon đã khéo léo phong phú hóa tác phẩm bằng vô vàn chi tiết lọc lựa hết sức nghệ thuật trong một hình thức văn chương vô cùng giới hạn.

Trong tác phẩm của Agnon, những đam mê của con người chiếm phần quan trọng chính, nhưng Agnon có một lối viết, một ngôn ngữ diễn đạt điềm tĩnh lạ thường, khác hẳn thứ ngôn ngữ đầy xúc cảm của những nhà văn Hy-bá trước ông. Agnon cũng thường lưu tâm tới những con người hèn mọn, bình thường, mà cuộc sống với muôn vẻ đều bày ra những cảnh tượng hết sức thực mà đồng thời lại đầy những mầu sắc huyền bí.

Bởi thế mà rất nhiều khi trong truyện của Agnon một nỗi buồn khôn tả thường đi đôi với một niềm an ủi siêu nhiên. Trong một truyện ngắn của Agnon, một công nhân nghèo khổ nọ, một người đơn độc trơ trọi trên đời, đã cần mẫn dành dụm chút tiền để có thể trở về “Đất Thánh”. Nhưng không biết giấu tiền ở đâu cho chắc dạ, bác đã bỏ tiền vào một hộp lạc quyên đặt bên dưới cây thập tự ngoài đường lộ. Sau cùng, khi tìm đến lấy lại món tiền đã giấu thì bác bị bắt về tội ăn trộm của thánh. Bác bị tù và bị kết án tử hình, nhưng trong ngục bác được “Người” tới thăm viếng – trong tiếng Hy-bá “Người” đây chỉ Jésus – và đưa tới thành thánh Jerusalem nơi đồng bào bác nhận thấy bác đã chết.

Sau khi trở lại Jerusalem, 9 Agnon đã sáng tác một số tiểu thuyết dài. Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông hợp thành một bộ ba cuốn mô tả đời sống Do-thái trong một trăm năm từ 1830 đến 1930. Ấy là những cuốn Của hồi môn của nàng dâu (1931), Người khách trọ một đêm (1940) và Cách đây không lâu (Tmol shilshom, 1946).

Của hồi môn của nàng dâu (Hakhnasat Kalla) kể lại những cuộc phiêu lưu của Thầy cả Jude Hasid, người đã phải lang thang khắp vùng Đông Galicia để thu thập chút của hồi môn cho ba cô con gái đi lấy chồng. Trong tác phẩm này Agnon không những đã mô tả tục lệ phải lo của hồi môn cho con đi lấy chồng của Do-thái mà còn vẽ lại một cách chính xác và đầy màu sắc lối sống thuần túy Do-thái ở thế kỷ 19, trước khi va chạm với thời hiện tại.

Tám mươi năm sau khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi hẳn. Yitzhak Kummer, vai chính của Cách đây không lâu, là cháu của Thầy cả Judel. Tuy nhiên lý tưởng của thế hệ trẻ là xây dựng một xã hội mới, là tái tạo một dân tộc Do-thái nơi cố hương. Trong thời kỳ này, những nền tảng của xã hội cũ như tôn giáo, truyền thống đều bị lung lay. Mọi sự đều ở trong giai đoạn chuyển tiếp, bất ổn. Kummer tha thiết với ý tưởng phục quốc nhưng anh cũng không muốn chối bỏ truyền thống. Anh không tìm thấy chỗ đứng của mình giữa xã hội cũ ở Jerusalem và xã hội mới ở Tel Aviv và những nông trại. Anh luôn luôn cố gắng nối kết cuộc sống hiện tại với thế giới truyền thống đầy hứa hẹn an ủi nhưng mọi cố gắng dường như đều vô ích. Cuộc sống mới mà phong trào phục quốc Zion đề xướng chưa đạt được những kết quả mong muốn. Và lối sống cũ, với những vinh quang quá khứ, thì không sao tìm thấy đường về với hiện tại. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Agnon thường đi lại giữa hai thái cực không sao đạt tới được này. Ở cuối tác phẩm Cách đây không lâu, Agnon có hứa hẹn sẽ viết về đời sống của thế hệ trẻ ở Israel hiện tại, lẽ dĩ nhiên với những hình thái tích cực hơn của xã hội mới. Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết này chưa xuất hiện.

Người khách trọ một đêm dường như là tác phẩm sầu muộn nhất của Agnon, một người sùng thượng thế giới đẹp đẽ cổ truyền của dân tộc ông. Ngược lại với Kummer đi tìm thế giới mới và chỉ gặp thấy trống rỗng trong sinh hoạt ở phần đất Palestine của Israel, người kể truyện trong Người khách trọ một đêm từ thế giới mới trở về thăm thế giới cũ của thị trấn Szybuscz sau hai mươi năm trời xa vắng. Và nơi chôn nhau cắt rốn giờ đây chỉ là một nơi khốn khổ, hoang tàn, thoi thóp những phút cuối cùng của đổ nát. Tất cả những cố gắng tái tạo dĩ vãng dường như cũng hoài công, vô vọng. Và trong dĩ vãng ấy của cố hương, người kể chuyện chỉ là một “khách trọ qua đêm”. Trong truyện nhân vật chính đã phải thốt ra như sau: “Khi còn trẻ tôi có thể thấy trong trí tất cả những gì tôi ao ước thấy; ngày nay tôi không thấy cả những gì tôi ao ước thấy lẫn những gì người ta chỉ cho tôi”. Với một tâm hồn yêu mến quá khứ như Agnon, nỗi buồn kia đã trở thành một ám ảnh vô cùng đau đớn.

Trong viễn tượng ấy của những khát vọng trần thế, những năm gần đây, Agnon đã khởi sự viết một tác phẩm tự sự thật kỳ lạ. Trong tác phẩm mới ông đã ngược dòng thời gian đến cả hàng ngàn năm và kể lại những cuộc thiên cư của tâm hồn ông qua mọi giai đoạn quan trọng của lịch sử kể từ những ngày Sáng thế. Tác phẩm tự sự có tích chất lịch sử-siêu hình này mang nhan đề là Hadom ve-Kissei (Ghế và Ngai) 10 cho đến nay vẫn chưa hoàn tất, tuy nhiên nhiều đoạn dài đã được trích đăng.

Năm 1934, Agnon được tặng giải thưởng Bialik nhờ cuốn Của hồi môn của nàng dâu.

Và giải thưởng Ussischkin cũng đã về tay ông với tác phẩm Cách đây không lâu.

Năm 1954, Agnon được bầu làm nhân viên Hàn lâm viện Hy-bá và cùng năm đó, toàn bộ tác phẩm của Agnon đã được giải thưởng Văn chương cao nhất của Do thái, Giải ISRAEL.

Agnon thường được coi như một nhà văn kiệt xuất đã nối kết được thế hệ đi tiền phong trong phong trào phục quốc Do-thái và thế hệ đương lên hiện tại ở Israel bằng một nội dung thâm trầm và sâu sắc nêu cao truyền thống dân tộc trong mọi tác phẩm.

Năm 1966, Agnon đã được Hàn lâm viện Thụy điển trao tặng giải thưởng Nobel văn chương cùng với nữ văn sĩ Nelly Sachs. Tác phẩm của ông đã được phiên dịch ra chừng 15 thứ ngôn ngữ trên thế giới.

Shmuel Yosef Agnon 11 không những là một nhà văn lớn của Israel mà còn là của toàn thế giới – như Edmund Wilson, người đã đề nghị trao tặng giải Nobel cho ông, đã nói: “... điều làm cho Agnon đáng kể như vậy và xứng đáng với giải thưởng Nobel là ở chỗ ông đã có thể thể hiện tới mức ấy trong thế giới Do-thái của ông, cái nhân loại tính chung của chúng ta...”




TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

I

Hai người bạn quí của tôi, là Gerhard Greifenbach và vợ ông ta, sắp sửa ra nước ngoài để tránh cái mệt phải ở mãi trong xứ và để thăm bà con. Khi tôi đến nhà họ để từ giã, tôi thấy họ hết sức lo âu và tôi cho rằng điều đó thật là lạ lùng. Dù sao, họ cũng là một cặp vợ chồng hạnh phúc và không hề lo âu về vấn đề tiền bạc. Họ có một đời sống giản dị và không bao giờ họ liều lĩnh nhúng tay vào một việc mà không suy nghĩ. Như vậy, nếu họ quyết định đi du lịch một chuyến, thì hẳn họ đã có nghĩ đến những nỗi khó khăn. Tại sao, từ lúc quyết định đi, họ lại có vẻ quá buồn rầu, quá lo lắng?

Ngồi trước chén trà, chúng tôi nói về những xứ mà hai người muốn viếng. Một số trong những xứ đó không được nhắc đến. Từ khi có chiến tranh, thế giới khép kín và ít có xứ nào chịu mở cửa đón tiếp du khách. Và ngay cả những xứ ta có thể đến được cũng không tỏ ra hiếu khách. Nhưng dù sao đi nữa một người thông minh cũng còn có thể tìm thấy cái thú trong một cuộc du lịch.

Vợ chồng Greifenbach tỏ vẻ lo âu suốt khoảng thời gian tôi đến thăm họ. Tôi cố đoán đủ cách để tìm nguyên nhân của sự lo âu đó, nhưng tôi chẳng nghĩ ra được một giải thích nào thoả đáng cả. Điều này làm tôi lo ngại. Những người này, tôi tự bảo, là bạn của tôi và họ coi tôi như là người trong nhà. Sau những cuộc bạo động năm 1929, trong lúc nhà tôi bị những người Ả-rập tàn phá, tôi không có nơi trú ngụ, vợ chồng Greifenbach đã cho tôi ở trọ. Trong thời kỳ người Anh đột ngột ra lệnh giới nghiêm tại Jérusalem, có thể khiến cho ta không trở về nhà được, nhiều đêm tôi đã ngủ lại nhà họ. Và giờ đây, trông thấy họ lo lắng thế đó, tôi muốn hỏi họ nguyên nhân, nhưng tôi thấy khó hỏi quá.

Bà Greifenbach cứ đăm đăm nhìn chung quanh bà, không khác nào người ta nhìn một vật gì quí báu mà người ta muốn giữ lại trong trí nhớ để sau này có thể nhận ra lại được. “Ra đi kể cũng khó nhọc như lúc trở về,” bà bảo, như nói với chính mình, và bà nói thêm: “Tôi hy vọng rằng lúc chúng tôi trở về, chúng tôi sẽ không thấy cửa đóng kín trước mặt và chúng tôi sẽ không phải kiện tụng với bọn xâm lăng.”

“Thời buổi gì thật lạ lùng!” ông Greifenbach nói. “Đến nỗi chúng ta không thể chắc lúc nào cũng có được một mái nhà trên đầu mình. Cứ mở báo ra đọc, người ta sẽ biết được là có nhiều nhà bị chiếm. Mỗi khi ra chợ, người ta biết được là bọn xâm lăng đã chiếm nhà của một người nào đó rồi. Người ta không dám đi ra ngoài vì sợ rằng khi vắng mặt người khác sẽ đến chiếm nhà của mình. Chúng tôi, chúng tôi có một lý do đặc biệt để lo âu, vì nhà chúng tôi cách biệt với những nhà khác và lại nằm rất xa thành phố. Quả thật chúng tôi có để một căn phòng cho Giáo sư Guinath ở đây, nhưng điều đó cũng chẳng được ích lợi gì cho chúng tôi, bởi vì gần như lúc nào ông ta cũng vắng nhà. Khi chúng tôi đi rồi, sẽ chẳng có ai giữ nhà cả.”

Những điều tôi vừa nghe được làm tôi xúc động: họ vừa nói đến Giáo sư Guinath như nói đến một người có thật vậy. Từ khi ông này nổi tiếng thì người ta chỉ nhắc đến tên ông khi nói về những tác phẩm của ông. Không một người nào quen riêng ông cả, thế mà bây giờ tôi lại biết được là ông chiếm một căn phòng trong ngôi nhà mà tôi vẫn thường lui tới!

Guinath đã làm cho các nhà ngữ học chú ý khi ông cho đăng bài đầu tiên về “99 chữ trong ngôn ngữ Ido” và, sau đó, khi ông cho xuất bản quyển văn phạm Ido, các nhà bác học đều quan tâm đến công trình của ông. Chín mươi chín chữ của một thứ ngôn ngữ cho đến bây giờ chưa ai được biết, đó cũng đã là một việc làm đẹp rồi, thế nhưng soạn một quyển văn phạm của một thứ ngôn ngữ xa lạ đến như vậy thì thật là một khai phá còn đáng chú ý hơn nữa. Tuy nhiên cái danh tiếng vinh hiển nhất của Guinath chính là việc khám phá ra những bài ca Eynam, những bài ca để lộ những sự vật huyền bí, giấu kín, đã biến mất, rất quan trọng và rất đẹp. Cái lợi ích mà những bài thánh ca đó đem lại cho những giới bác học không có gì lạ cả. Ngay những người, lúc ban đầu, tỏ ra nghi ngờ về sự có thật của những bài thánh ca đó cũng đã bắt đầu viết những bài bình giảng về nó. Ở đây có một cái gì làm cho tôi băn khoăn. Tất cả những người đã sưu tầm về Eynam đều cho rằng những thần linh và những tu sĩ của nó đều là đàn ông. Làm sao trong những bài ca đó họ lại không thấy được tiếng hát ngọt ngào của một người đàn bà? Dù sao, tôi cũng có thể nhầm, bởi vì tôi vốn không phải là một học giả, mà chỉ là một độc giả thích đọc tất cả những gì tôi thấy hay.

Bà Greifenbach cảm thấy được là tôi xúc động, nhưng bà không biết tại sao. Bà rót cho tôi một tách trà thứ nhì và bắt đầu lặp lại tất cả những gì bà đã nói. Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cố che giấu cơn bối rối bên trong, tôi hỏi: “Ông ta có đây không?” Nhưng liền khi đó câu hỏi làm tôi ngỡ ngàng, bởi vì tôi chưa bao giờ ở trong một ngôi nhà mà bốn bức tường có thể trông thấy được bóng dáng Guinath.

“Không ông ta không có đây,” bà Greifenbach trả lời. Chắc chắn như vậy, tôi nghĩ, ông ta không có đây. Nhưng họ đã cho ông Guinath thuê lại một căn phòng, thì chắc chắn họ có trông thấy mặt ông ta hoặc có thể nói chuyện với ông ta nữa chứ. Trong trường hợp ấy, họ sẽ có thể cho tôi biết một cái gì về ông ta, dù có ít chăng nữa. Chỉ cho biết một tí thôi về một vĩ nhân, một vĩ nhân chuyên trốn tránh quảng cáo và không bao giờ nói về mình, cũng sẽ là một khám phá lạ lùng.

“Tôi van anh chị, xin anh chị kể cho tôi nghe tất cả những gì anh chị biết về ông Guinath đi,” tôi nói với vợ chồng Greifenbach. “Tất cà những gì chúng tôi biết về ông ấy à?” Greifenbach trả lời, “chúng tôi chỉ biết rất ít, biết còn ít hơn là không biết gì cả nữa.” “Ông ấy đến đây bằng cách nào?” tôi hỏi. “Thật là giản dị,” ông Greifenbach trả lời, “ông ta thuê căn phòng rồi đến ở.” Tôi lặp lại câu hỏi của tôi: “Ngọn gió nào đã đưa ông ta lạc bước vào nhà anh chị vậy?” “Được rồi,” ông Greifenbach thốt, “nếu anh muốn nghe câu chuyện từ đầu, thì tôi sẽ kể cho anh nghe, mặc dù tôi không có gì để kể cả.” “Thế còn?...”, tôi nói. Greifenbach kể: “Vậy thì đây, một buổi chiều mùa hè, chúng tôi đang ngồi uống trà trên sân thượng. Một người đàn ông đi qua. Ông ta cầm trên tay một cây gậy và trên tay kia một cái túi đi đường. Ông ta hỏi chúng tôi có phòng nào cho thuê được không. Chúng tôi không có thói quen cho thuê lại phòng trong nhà và ông ta lại cũng không có vẻ gì quyến rũ lắm để tôi phải làm một việc ngoại lệ đối với ông. Tuy nhiên, mặt khác, tôi tự bảo: trong nhà có một căn phòng trống từ mấy năm nay mà chúng tôi không dùng đến. Có cả phòng tắm và lối đi riêng. Dù sao cũng nên cho thuê lại, không phải để lấy tiền, mà chỉ để giúp một người, một người hiển nhiên là đang đi tìm yên tĩnh ở một nơi thanh tịnh như ở nhà chúng tôi. 'Tôi có thể hứa với ông bà,' người lạ bảo, 'là tôi sẽ không làm phiền ông bà. Tôi đi du lịch nhiều lắm. Tôi chỉ trở về thành để nghỉ ít lâu giữa hai chuyến đi và không bao giờ tôi đem ai theo về nhà cả.' Tôi nhìn ông ta một lần nữa và tôi kết luận là nhường căn phòng cho ông, nhưng không phải vì những lý do ông nêu ra, mà chỉ vì ông ta đã biết làm tôi cảm động. Tôi ngạc nhiên đã không thấy được ngay lúc đầu là mình đang nói chuyện với hạng người nào. Tôi nhìn Gerda và tôi thấy vợ tôi cũng đồng ý với tôi để nhận một người ở trọ. 'Được rồi,' tôi bảo ông ta, 'tôi nhường căn phòng cho ông, với điều kiện là chúng tôi không phải bận tâm vì nó nữa. Chúng tôi sẽ để vào đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cây đèn, nhưng chỉ có thế thôi.' Khi tôi cho ông ta biết giá tiền thuê, ông trả trước cho tôi một năm. Cho đến ngày nay ông vẫn giữ lời hứa và chưa bao giờ ông đòi hỏi ở chúng tôi điều gì cả. Đó là tất cả những gì tôi biết về ông ta, ngoài những thứ tôi đọc được trong các phụ trương văn chương, mà có lẽ chính anh cũng đã đọc thấy được. Chắc hẳn anh cũng đã có đọc mấy bài thánh ca.”

“Một vài bài, vâng, rải rác chỗ này chỗ nọ, nhưng tôi chưa hiểu được vì đâu mà những bài ca đó lại quan trọng đến như vậy. Tôi không quen cho ý kiến về những vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi, nhưng tôi nghĩ có thể nói mà không sợ nhầm rằng mỗi thế hệ có một khám phá được coi như vô cùng quan trọng, một khám phá mà rốt cục cũng bị bỏ quên vì đã có những khám phá mới khác. Chắc hẳn đó sẽ là số phận những khám phá của Giáo sư Guinath.”

Tôi không để ý đến lời phê bình của Greifenbach, và tôi trở lại vấn đề làm tôi chú tâm nhất, đó là chuyện Giáo sư Guinath. “Tôi đoán có lẽ Gerda biết nhiều hơn,” tôi bảo.

Bà Greifenbach nhìn tôi rất đỗi ngạc nhiên vì thấy tôi cho rằng bà biết những điều mà chính bà không biết. Bà lưỡng lự, hơi suy nghĩ, rồi bà bảo: “Tôi cũng không biết gì hơn Gerhard. Phòng có lối đi riêng – không người làm – Gracia, chị ở của chúng tôi, như anh đã biết, rất sốt sắng, nhưng lại không thích làm việc thêm. Từ khi tôi trao chìa khoá phòng lại cho Guinath, tôi không hề đặt chân vào phòng đó và tôi cũng không gặp ông ta lại, bởi vì sau khi ngủ lại một đêm trong phòng ông, ông đã đi du lịch và nhiều tháng sau mới trở về.”

Bà Greifenbach lại bắt vào câu chuyện du lịch của bà. “Anh có vẻ như rất say mê ông mướn phòng của chúng tôi,” bà phàn nàn, “đến nỗi anh không nghe chúng tôi nói nữa.” “Có lẽ thế,” tôi bảo. “Anh đừng nói có lẽ, khi anh biết là đúng như vậy rồi.” “Tôi không muốn nói khác ý chị,” tôi bảo. “Chị nói chuyện Guinath cho tôi nghe nữa đi, tôi van chị đấy.” “Chứ không phải là tôi đã nói với anh là ông ta chỉ ngủ trong phòng của ông có một đêm thôi và sáng hôm sau đã bỏ đi sao?.” “Phải rồi, nhưng chị chưa cho tôi biết ông ta đã làm gì khi ông trở về.” “Ông ta đã làm gì à? Ông ta đóng cửa lại và tự giam mình trong đó. Hoặc ông ta vẽ những hình tháp theo kích thước của chúng hoặc ông ta viết một bản thứ ba của vở kịch Faust. Thật tôi không biết mà.” Tôi nhìn bà một lúc; bà cười và nói: “Chắc anh muốn biến tôi thành một thám tử hay sao?”

“Ý tôi không phải vậy,” tôi trả lời. “Tôi chỉ muốn biết một cái gì về Guinath thôi.” “Tôi đã bảo với anh là tôi không có nói chuyện với ông ta từ cái ngày mà tôi trao chìa khoá cho ông.” “Thế thì ông ta đã làm gì khi ông ta trở về lại?.” “Khi ông ta trở về, có lẽ ông đã làm một trong hai việc mà tôi vừa nói đến. Việc nào? Tôi đâu có tìm cách để biết.”

“Gerda không có cái tật xấu chung của đàn bà,” Greinfenbach nói, “bà ấy không hề biết tò mò.”

Gerda lướt nhẹ những ngón tay dịu dàng của bà trên những sợi lông nơi cánh tay Gerhard và nói: “Còn anh thì anh tò mò gấp đôi em, vậy anh tiếp tục kể đi!” “Anh ấy à,” Greifenbach trả lời, sửng sốt, “anh cũng thế, anh không thể nói đến những chuyện không có thực!” “Bộ anh mong em tiếp tục câu chuyện chắc?” bà Greifenbach nói. “Không phải anh đã bảo với em là Bác sĩ Guinath có tạo ra một người con gái cho ông ta đó sao?” Greifenbach phá ra cười và quay về phía tôi. Ông nói: “Anh có biết Gerda muốn ám chỉ gì không? Ám chỉ huyền thoại của chàng thi sĩ cô đơn – hiện giờ tôi không nhớ tên chàng ta – chàng thi sĩ, theo lời người ta kể, đã tạo ra một người đàn bà để phục vụ cho mình. Anh có biết huyền thoại đó không?.” “Đó là một huyền thoại của Rabbi Chlomo Ibn Gabirol,” tôi trả lời. “Anh muốn biết kết cuộc ra sao không? Như thế này đây: câu chuyện được truyền đi từ miệng người này qua miệng người khác và đến tai vua; vua ra lệnh dẫn người đàn bà ấy lại. Khi vua gặp người đàn bà, vua mê nàng ngay. Nhưng vì nàng không để ý gì đến vua, vua cho gọi Rabbi Chlomo Ibn Gabirol đến, chàng thi sĩ cho vua biết nàng không phải là người thật, mà được làm bằng nhiều miếng gỗ ráp lại. Nhưng có liên hệ nào giữa huyền thoại ấy với Bác sĩ Guinath?”

“Một buổi tối khi Gerhard và tôi đang ngồi bên nhau đọc Goethe,” bà Greifenbach bảo, “chúng tôi nghe một tiếng nói vọng ra từ căn phòng của Guinath. Chúng tôi nghĩ là Guinath đi du lịch đã trở về và ông đang đọc sách. Chúng tôi vẫn tiếp tục đọc và chúng tôi lại nghe tiếng nói đó nữa. Gerhard để sách xuống và nói: “Đây là giọng nói đàn bà!” Chúng tôi ngạc nhiên thấy Guinath đem một người đàn bà về phòng ông và lấy làm kinh ngạc khi nghe một thứ tiếng lạ lùng chưa bao giờ chúng tôi được nghe. “Nhất định là Guinath đã tạo ra một người con gái và nàng đang trò chuyện với ông bằng thứ ngôn ngữ của nàng,” Gerhard nói nhỏ với tôi. “Đấy là tất cả những gì tôi có thể cho anh biết về Guinath. Này anh, nếu anh muốn biết hơn nữa, thì anh cứ hỏi Gerhard. Anh ấy thích thêu dệt những giả thuyết và trình bày nó như là chuyện có thật đấy.”

Greifenbach, theo ý thích của mình, vốn chú tâm đến nguồn gốc các ngôn ngữ, bắt đầu nói về cái huyền bí của các thứ tiếng và của những khám phá mới nhất trong lĩnh vực này. Cùng với những phát biểu của ông tôi góp thêm vài ý kiến rút trong những chủ thuyết Cabbale 12 là thuyết, về những vấn đề này, đã đi trước những nhà bác học của các dân tộc khác trên thế giới.

“Người đàn bà này,” Gerda ngắt lời, “cũng đã hát bằng thứ tiếng quái dị mà chúng tôi không biết đó. Xét qua giọng hát của nàng, chắc hẳn nàng là con người có bản chất buồn.” Nói với chồng bà, bà bảo: “Gerhard, anh đem giấu cái quà mà người thuê phòng tặng anh hôm buổi lễ kỷ niệm đâu rồi?” Và, quay sang tôi: “Này anh, anh không dự buổi tiệc đó thật là uổng. Hôn lễ của chúng tôi đã không được cử hành công khai, nhưng vào dịp kỷ niệm mười năm đám cưới, chúng tôi có dọn một bữa ăn tối. Gerhard, anh đừng lười quá như vậy, đứng dậy và đi lấy món quà của Guinath ra xem đi.”

Greifenbach đứng dậy, mở cái tủ sắt nhỏ và lấy ra hai chiếc lá cũ màu nâu giống như lá thuốc. Ông đưa ra cho tôi xem, có vẻ bằng lòng và nhìn tôi, chờ đợi tôi phát biểu sự vui mừng mà đáng lý ra tôi phải có khi được thấy một vật đẹp đến như vậy. Tôi nhìn kỹ mấy chiếc lá. “Cái gì thế này?” tôi hỏi. “Anh cứ nhìn rồi sẽ thấy,” Greifenbach trả lời. Tôi quan sát mấy chiếc lá một lần nữa và tôi không thấy gì trong đó cả trừ vài đường nét và hình vẽ dị thường. Với một ít thiện chí, người ta có thể thấy được trong đó những nét chữ của một thứ văn tự huyền bí nào đó. “Cái gì thế này?” tôi hỏi. “Tôi chỉ biết được những gì Guinath cho tôi biết về mấy chiếc lá đó thôi,” Greifenbach trả lời. “Ông ta nói với tôi đó là những lá bùa, nhưng ông không cho biết quyền lực của chúng như thế nào. Ông ta bảo với tôi ông có cả một số bùa sưu tập và mấy chiếc lá đó được hái ở tận một xứ thật xa. Chúng không có cái quyền lực chống lại những cuộc xâm phạm gia cư kể thật là đáng tiếc.” Gerda nói: “Có thể trong số bùa sưu tập của ông có những lá bùa có cái quyền lực đó chứ.”

Greifenbach đốt thuốc trong một cái ống nhỏ và trở nên suy tư, như một kẻ bị những ý nghĩ của mình thu hút. Một lát sau, ông đổ tàn thuốc trong ống vố ra và lấy một điếu thuốc lá hút. Ông nói: “Anh thấy không, trong mọi câu chuyện lúc nào chúng tôi cũng nói lên một mối lo âu về vấn đề nhà cửa. Về những kẻ xâm nhập gia cư, thì hành động của họ có thể giải thích được. Một thanh niên đánh giặc trở về đi tìm một mái nhà và không tìm ra. Anh ta phải làm gi? Anh ta phải chiếm bừa nhà của một người khác. Có một lần, vào một buổi tối thứ bảy, tôi đang đứng gần bên một chiếc xe buýt chật cứng cả người, chung quanh là cả một đám người xô đẩy nhau. Người tài xế nhận còi và cho xe chạy, làm những người khác phải chờ chuyến xe sau đến chậm. Ở Jérusalem thường vẫn xảy ra những chuyện như vậy đấy: hành khách thì tăng thêm, còn xe cộ thì giảm đi. Tôi để ý đến một cặp vợ chồng trẻ. Người vợ nhìn chồng mình một cách tình tứ và nói: 'Gunther, chúng ta lấy nhau hơn một năm rồi mà chưa bao giờ được ở chung với nhau một đêm cả!' Chàng thanh niên siết chặt tay vợ mình, cắn môi và không nói một lời nào. Gunther và vợ chàng ta không tìm ra được nhà để có thể sống chung với nhau. Họ vẫn còn phải ở chỗ mà họ từng ở trước khi lấy nhau và những người chủ nhà của họ làm tội làm tình họ, ngược đãi họ và không cho họ đến chỗ ở của nhau cốt để bắt buộc họ phải dọn đi nơi khác; số người tìm thuê phòng đã tăng lên quá nhiều và người ta có thể tự ý tăng tiền thuê. Cặp vợ chồng son ấy bắt buộc phải gặp nhau tại quán nước và những nơi giải trí khác; rồi sau đó họ chia tay nhau và mỗi người trở về phòng mình, người đầu phố kẻ cuối phố – và phải chịu như vậy bởi vì họ không có nhà riêng. Bây giờ anh đã hiểu tại sao chúng tôi lo lắng quá nhiều về căn nhà của chúng tôi rồi chứ? Mối lo của chúng tôi lên đến độ một đêm nọ Gerda đã đánh thức tôi dậy vì bà ấy nghe như có ai đi trên mái nhà.”

“Lúc nào anh cũng đem chuyện em ra mà kể,” bà Greifenbach nói. “Thế tại sao anh không kể lại những gì chính anh, anh đã nói về chuyện đó?” “Vậy chứ anh đã nói gì?” Greifenbach hỏi. “Anh có nhớ là anh đã nói gì đâu kìa.” “Anh có muốn em nhắc lại không?” bà Greifenbach hỏi. Greifenbach bật cười dòn và nói: “Dù anh không muốn, thì em cũng cứ nhắc cơ mà.” “Nếu câu chuyện không buồn cười đến thế này, thì tôi sẽ không kể đâu,” bà Greifenbach nói với tôi. “Anh có biết cái ông chồng duy lý của tôi đã nói với tôi những gì không? Ông ấy nói: Chắc chắn là cô gái mà Guinath tạo ra đang đi trên mái nhà đấy.”

Ông Greifenbach đặt điếu thuốc xuống và lại cầm ống vố lên. “Anh tin thật là tôi đã nói như vậy sao?” ông hỏi tôi. Tôi bảo: “Người ta có thể nghi ngờ những lời nói của một cô gái dễ thương như Gerda sao?” “Một cô gái dễ thương, thật à,” bà Greifenbach vừa nói vừa cười... “một cô gái đã mang nặng trên đầu một cái ách hôn nhân lâu đến mười năm nay rồi!” “Đám cưới anh chị thế mà cách đây đã được đến mười năm rồi sao?” tôi bảo. “Những chiếc lá mà Guinath tặng Gerhard,” Gerda nói, “là một món quà nhân ngày kỷ niệm đám cưới năm thứ mười đó. Nếu những chiếc lá đó rơi vào tay một kẻ phàm tục thì họ đã đem nhồi vào ống vố mà không biết được quyền lực của nó. Thật ra chính chúng tôi cũng không biết nó có thể có hiệu lực gì. Nhưng Guinath đã nói cho chúng tôi biết lá đó có một quyền lực mầu nhiệm và chúng tôi tin như vậy, vì ông ta là một người không biết xảo quyệt. Dù sao chăng nữa, ngày mai chúng tôi cũng đi và tôi không biết chúng tôi phải vui hay phải buồn về chuyện đó nữa.”

Không suy nghĩ nhiều, tôi bảo Gerda: “Không có lý do gì phải buồn cả. Tôi sẽ lãnh phần trông coi nhà cửa cho anh chị và, nếu cần, tôi sẽ ngủ lại hai hoặc ba đêm.” Vợ chồng Greifenbach chấp nhận lời tình nguyện của tôi một cách vui vẻ. “Và giờ đây, chúng tôi có thể ra đi yên tâm hơn,” họ bảo. “Anh chị đừng nghĩ phải cám ơn tôi” tôi nói. “Trái lại, chính tôi mang ơn anh chị, vì, ở lại nhiều đêm giới nghiêm tại nhà anh chị, tôi biết tôi sẽ được ngủ yên giấc.”

Giới nghiêm nhắc chúng tôi nhớ lại những đêm khó khăn mà một người rời nhà mình để ra phố có thể không trở về nhà được. Chính quyền đại diện ra lệnh giới nghiêm đột ngột và người nào bị bắt gặp ngoài đường phố ở ngoại ô thành Jérusalem có thể bị dẫn về bót ngủ; trong khi đó, gia đình họ, lo lắng, không biết họ biến mất nơi nào. Và điều này nhắc chúng tôi nhớ đến những hình phạt nặng nề khác của chính quyền đại diện, mà nếu không có những hình phạt đó xứ này chắc chắn sẽ không tồn tại, như hồi đó chúng tôi đã nghĩ. Chúng tôi lại bắt đầu nói chuyện về những đêm giới nghiêm. Những đêm đó cũng có cái hay ở chỗ là đàn ông bắt buộc phải ở nhà và tỏ ra chăm sóc đến vợ con hơn, việc mà họ không hề quen làm, vì họ thường dành những buổi tối của họ để đến tham gia những cuộc nhóm họp, những hội đồng, những buổi hội nghị và những bận rộn tương tự thường chiếm hết trí óc họ và làm họ quên cả chính mình và lại càng quên gia đình họ hơn nữa. Người ta còn có thể nói là giới nghiêm có một điều lợi: những kẻ độc thân bị bắt buộc phải ở nhà dan díu với các cô con gái của chủ nhà và rốt cuộc họ kết hôn với những cô đó.

Vợ chồng Greifenbach và tôi, chúng tôi nói chuyện với nhau như thế, cho đến lúc tôi tuyên bố là đã đến giờ tôi phải ra về. Greifenbach trao chìa khoá nhà cho tôi và chỉ cho tôi biết tất cả các lối ra. Vài phút sau tôi từ giã họ và ra về. 1Giáo lý thần bí của Do thái về Thánh Kinh.



II

Một hôm, vào giờ đi ngủ, tôi ra đường để mua bánh mì và trái ô liu. Vợ tôi và các con tôi đã đi Guedera. Tôi ở nhà một mình và tôi ăn những thức ăn tôi mua về. Tôi dạo giữa những cửa hàng với khúc bánh mì và những trái ô liu cầm trên tay. Tôi không muốn trở về nhà, vì ở nhà không có ai cả. Ngày sắp hết và tôi không cảm thấy muốn làm việc gì cả. Vậy nên tôi tiếp tục bước đi như một kẻ để cho đôi chân kéo đi. Và đi như vậy tôi đã đến một chỗ không xa cái thung lũng nơi nhà của Greifenbach.

Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó. Qua các lùm cây thoảng một ngọn gió nhẹ nhàng mát mẻ không lẫn những thứ không khí dơ bẩn đang lan tràn khắp thế giới. Mình đã ở đây, tôi tự bảo, thì hãy đến xem thử ngôi nhà của Greifenbach ra sao rồi. Chìa khoá đã có sẵn trong túi tôi.

Tôi bước vào nhà và sau khi bật đèn, tôi đi khắp hết, từ phòng này đến phòng khác. Bốn phòng ngủ chưng dọn đẹp đẽ vẫn vô cùng thứ tự, tựa như bà chủ căn nhà này vẫn còn đó để chăm nom bên trong. Tuy nhiên, một tháng dài đã trôi qua kể từ khi vợ chồng Greifenbach rời khỏi nhà họ. Nhưng một ngôi nhà được chăm sóc chu đáo thường không thay đổi, dù người đàn bà săn sóc nó có vắng mặt chăng nữa.

Tôi không thấy đói và không thấy khát, nhưng tôi mệt. Tôi tắt hết đèn đuốc, tôi mở cửa sổ và ngồi xuống nghỉ. Trong bóng đêm tối mù toả ra một thứ im lặng bao phủ lấy tôi và mắt tôi có thể thấy được cái yên tĩnh đang bắt đầu đến gần tôi. Tôi quyết định giữ lời hứa với vợ chồng Greifenbach và ngủ lại đêm ở nhà họ. Tôi đứng dậy, tôi đốt ngọn đèn bàn, tôi lấy một cuốn sách đem vào giường đọc. Tôi lấy làm bằng lòng có cây đèn gần giường ngủ, bằng lòng vì khỏi bắt buộc phải dời chỗ một món đồ nào trong căn nhà không phải là nhà của tôi. Tôi có thể tự coi như là chủ các phòng này, vì tôi có trong tay các chìa khoá, nhưng cái cảm tưởng cho mình là người lạ mà chúng ta vẫn thường mang trong mình làm ta mất cái ý nghĩ làm chủ…

Ngồi trong chiếc ghế bành của Greifenbach, tôi nghĩ vào lúc mà tôi, tôi đang ngồi nghỉ trong nhà họ, thì họ, là vợ chồng Greifenbach, có thể đang đi tìm một quán trọ và tìm không ra. Và dù họ có tìm ra một nơi thì nơi đó cũng không hợp với họ. Tại sao họ lại rời bỏ một căn nhà dễ chịu như thế này với những đồ đạc xinh xắn đến như vậy để ra đi lang thang ở những nơi khác? Và không biết sao mà thiên hạ có thể bỏ nhà của mình để lang thang từ xứ này qua xứ khác được? Phải chăng họ vâng theo một định luật cũ kỹ như trái đất hay theo óc tưởng tượng phỉnh gạt họ? Cách ngôn xưa có câu: “Hạnh phúc ở nơi mà ta không có mặt.”

Tôi bỏ giày ra, tôi thay áo quần, tôi lấy một cuốn sách, tôi tắt ngọn đèn bàn, tôi bật ngọn đèn bên giường, tôi nằm xuống, tôi mở sách ra, nhưng tôi cảm thấy cả thân thể tôi bắt đầu chìm sâu trong giấc ngủ. Tôi là người vẫn không bao giờ ngủ trước mười hai giờ đêm, bỗng nhiên tôi cảm thấy cần ngủ ngay lúc đêm vừa xuống. Tôi đặt cuốn sách xuống, tôi tắt đèn, tôi quay mặt vào tường, tôi nhắm mắt lại và tôi tự nói với chính mình: Nơi đây, tôi tự nhủ, trong căn nhà này, mình có thể ngủ đến bao lâu thì ngủ; không ai tìm gặp mình cả, bởi vì không có ai biết được mình đang ở đây.

Quanh tôi hoàn toàn thanh vắng và im lặng, cái thanh vắng và im lặng mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã dành cho những ai thích yên tĩnh trong những thung lũng Jérusalem. Không phải vô cớ mà vợ chồng Greifenbach đã lo sợ cho ngôi nhà đến như vậy. Người ta có thể đột nhập vào ở mà chẳng ai hay cả. Những ý nghĩ của tôi dần dần rối loạn và tôi chỉ còn một cảm giác bần thần dã dượi khắp cả tứ chi.

Đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng động tựa như tiếng ai cào. Vì tôi đã để khúc bánh mì và mấy trái ô liu trong một cái hộp bằng sắt tây, tôi không sợ chuột ăn, nhưng tôi nghĩ là chuột đang gặm tấm thảm, hoặc áo quần, hoặc sách vở, hoặc nữa là mấy chiếc lá mà Guinath đã cho Greifenbach. Tôi lắng tai nghe và biết là không phải chuột gây ra tiếng động đó. Chắc chắn đây chính là tiếng một người, ở bên ngoài, đang sờ soạng vào cánh cửa. Nếu đây không phải là một trong những kẻ khoét tường vào nhà người khác, thì chắc phải chính là Guinath, muốn vào nhà mà lại đi nhầm cửa. Tôi phải ra mở cửa cho ông ấy, tôi tự bảo, và rồi tôi sẽ được thấy mặt ông ta.

Tôi đứng dậy và mở cửa. Tôi thấy trước mặt tôi một người đàn ông đang đứng ở chỗ rung chuông. Tôi nhấn vào nút điện và đèn sáng lên. Tôi ngạc nhiên không nói nên lời. Tôi không hề cho ai biết là tôi đến ngủ tại nhà Greifenbach cả. Làm thế nào Gavriel Gamzou biết được điều đó? “Anh Gamzou,” tôi nói, “có phải anh đó không? Anh đợi một lát, tôi đi lấy cái gì khoác lên người đã.”

Tôi trở vào phòng và mặc áo quần, vẫn còn ngạc nhiên về cuộc thăm viếng này. Biết đâu anh ta có quen biết với chủ căn nhà này hoặc với vợ ông ấy? Greifenbach không phải là người sưu tập sách Do thái và lại càng không có sưu tập những bản thảo hoặc những ấn bản đầu tiên. Khó nhọc hết sức ông ta mới học được một ít chữ Do thái. Ông ta tự hào là biết thứ tiếng đó và biết cả văn phạm, nhưng thật ông ta chỉ biết ngôn ngữ và văn phạm của Thánh Kinh, vì ông đã học trong cuốn “Ngữ pháp Do thái” của Gesenius. Vợ ông, trái lại, học được nhiều hơn. Bà không học trong sách của Gesenius và không biết gì về văn phạm cả, nhưng bà có thể nói chuyện bằng tiếng Do thái với Gracia, người giúp việc cho bà, và nói với những người buôn bán. Bà chẳng dính dáng gì đến những sách vở tiếng Do thái cả. Thế nên tôi tự hỏi không biết cái gì đã xui Gamzou đến tận chốn này. Chắc là anh ta đến vì tôi, tôi tự nhủ, anh vẫn biết là lúc nào anh cũng được tất cả những người quen anh tiếp rước tử tế, bởi vì anh rất thông thái, bởi vì anh quen gần hết cả thế giới, đã đi khắp nhiều nước thật xa và đã viếng những nơi mà chưa có một du khách nào đến trước anh cả. Từ những miền xa xôi đó, anh mang về những tác phẩm của những thi sĩ mà không ai từng nghe nói đến, những bản thảo và những sách vở in lần đầu tiên mà người ta không hề biết tên. Giờ đây, anh không du lịch nữa. Anh ở bên cạnh vợ. Cái anh chàng quen xê dịch kia vào giữa tuổi tráng niên đã trở thành kẻ ngồi một chỗ, bắt buộc phải chăm sóc một người vợ bệnh hoạn. Từ ngày mới lấy nhau, nàng không hề rời khỏi giường, nghe người ta bảo vậy. Tiếng đồn dù có căn cứ hay không, sự thật vẫn rành rành là, ở nhà, anh có một bà vợ đang mắc phải một chứng bệnh nan y và anh phải chăm sóc vợ, tắm rửa cho vợ, giúp đỡ và cho vợ ăn. Thấy anh ta quên mình vì nàng như vậy, đối với nàng, vẫn chưa dủ, nàng còn đánh đập, cắn cấu và xé nát cả quần áo anh ta. Vì vậy anh chỉ đi ra ngoài vào ban đêm, vì xấu hổ phải chường mặt ra đường với áo quần tơi tả và với gương mặt xây xát. Bây giờ, anh đang ở đây. Tại sao anh ta lại đến? Anh ta có dành dụm được mười hai đồng tiền để đưa vợ vào nhà thương. Vì sợ tiêu hết, anh ta đã đem gửi cho tôi. Nhưng ngày hôm đó, tôi đi dạo một vòng gần Mer Morte 13 và tôi để tiền của Gamzou ở nhà. Quân trộm đã vào nhà tôi lấy cắp mất số tiền đó. Tôi có cho anh biết là anh không có gì phải ngại về số tiền của anh. Tôi nghĩ là anh đến để xem thử thật tình tôi có ý định trả số tiền lại cho anh không. Nhưng liền đó tôi biết là tôi đã đoán sai. Anh ta không đến để đòi tiền, mà vì một lý do khác. 2Hồ nước mặn ở Palestine, dịch từ tiếng Hy lạp là Kekra Thalassa.



III

Tôi vào mặc áo quần và trở ra với Gamzou. “Có phải anh đến lấy tiền lại không?” tôi hỏi anh ta. Anh nhìn tôi với cặp mắt buồn. Anh có vẻ bối rối và nói bằng giọng nghẹn ngào: “Xin anh cho tôi vào nhà.” Tôi dẫn anh vào và mời anh ngồi. Anh nhìn quanh, im lặng, và cuối cùng anh nói lắp bắp: “Vợ tôi.” Sau một hồi im lặng, anh nói thêm: “Tôi về nhà và không thấy vợ tôi nữa.” Tôi hỏi: “Anh định làm gì đây?” Anh trả lời: “Xin anh tha lỗi cho vì tôi vào nhà quá đột ngột như thế này. Anh có tưởng tượng được câu chuyện xẩy ra cho tôi như thế nào không? Tôi từ nhà nguyện ra, tôi đến đó để đọc hồi kinh chiều, tôi trở về nhà để săn sóc vợ tôi và tôi thấy giường nàng trống không. Tôi trở ra đường đi tìm nàng. Gió thổi mạnh về hướng Bắc, thổi mạnh về hướng Nam, xoay tròn, nó xoay, nó xoay, và thổi luân hồi như vậy. Bất ngờ tôi vào đến vùng này, vào nơi thung lũng này, mà tôi cũng không biết làm sao tôi vào đến đây được nữa. Tôi thấy một ngôi nhà và tim tôi bảo tôi vào. Tôi biết làm như vậy chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng tôi cũng cứ đi tới và tôi rất sung sướng được gặp anh ở đây. Anh cho phép tôi nghỉ một lát, rồi tôi sẽ đi.” Tôi nói với anh ta: “Xin lỗi anh, anh Gamzou ạ, tôi nghe nói vợ anh không hề rời khỏi giường chị ấy kia mà.” “Vợ tôi không bao rời khỏi giường,” Gamzou nói. “Trong trường hợp đó,” tôi bảo, “thì làm sao anh lại thấy cái giường trống không được. Nếu chị không xê dịch, thì làm sao chị có thể rời khỏi giường và làm sao chị ra đường được?” Anh nói giọng rên rỉ: “Nàng bị chứng mộng du.”

Sau một hồi im lặng, tôi lặp lại mấy chữ đó dưới hình thức một câu hỏi: Chị bị chứng mộng du?” Gamzou trả lời: “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” Tôi không khỏi cằn nhằn anh ta: “Thế mà anh không đóng cửa lại à?” Gamzou bật lên một tiếng cười khẩy tinh ranh: “Tôi có đóng cửa chứ,” anh nói. Tôi hỏi: “Nếu anh đóng cửa, làm sao chị ấy đi ra được?” Gamzou trả lời: “Cho dù tôi có treo lên cửa đến bảy cái ống khoá, có khoá lại bằng bảy chìa khoá khác nhau, và có ném mỗi chiếc xuống một trong bảy bờ biển của xứ Do thái, thì vợ tôi cũng sẽ tìm thấy được tất cả, nàng sẽ mở cửa và sẽ ra đi.”

Tôi ngồi im lặng một hồi, anh ta cũng thế. Rồi, tôi hỏi anh: “Anh biết chị bị chứng mộng du từ hồi nào vậy?” Anh đưa tay ôm trán, đặt hai ngón cái trên thái dương và nói: “Tôi biết từ lúc nào à? Từ ngày tôi quen nàng.” Tôi lại ngồi im, nhưng không lâu: “Và điều đó không ngăn cản anh cưới chị ấy à?” Anh ta bỏ nón xuống, lấy trong túi ra một cái mũ chỏm, đặt nó lên đầu và, sau một hồi, anh nói: “Anh hỏi gì nhỉ?” Tôi lặp lại câu hỏi. Anh mỉm cười và bảo: “À, không, điều đó không ngăn cản tôi cưới nàng. Trái lại, khi tôi gặp nàng lần đầu tiên, nàng đang đứng trên đỉnh một tảng đá tận chóp một ngọn núi không ai lên đến được. Mặt trăng toả ánh sáng xuống người nàng và nàng hát yedal yedal yedal va pa ma, tôi tự nhủ: nếu nàng không phải là một trong những thiên sứ giao cảm với những thiên thần của Chúa – xin ngợi ca Người – thì nàng cũng phải là một trong mười hai cung của hoàng giới và nàng là cung Trinh Nữ. Tôi đi tìm cha nàng và nói: ‘Tôi xin cưới con ông.’ Ông ta bảo: ‘Này con, con biết là Guemoula bệnh như thế và con vẫn cứ muốn cưới nó sao?’ Tôi trả lời ông: ‘Xin Chúa nhân từ ban phúc cho chúng con.’ Ông ngẩng mặt lên trời và nói: ‘Chúa của loài người, người này từ nơi xa xôi đến đã biết thương xót, huống hồ Chúa, vốn vẫn ở gần chúng con biết bao!’ Ngày hôm sau, ông gọi tôi đến: ‘Con hãy theo ta,’ ông bảo. Tôi đi theo ông và chúng tôi đến một ngọn núi cao, nằm trong một dãy núi cao vút tận trời. Chúng tôi leo lên núi, nhảy từ hòn đá này qua hòn đá khác, cho đến khi chúng tôi tới dưới chân một tảng đá dốc đứng. Ông đảo mắt nhìn quanh ông. Sau khi thấy không có ai, ông cúi người xuống, đào dưới tảng đá và giở một cục đá lên. Một cái hang hiện ra và ông ta chui vào đó. Khi ông trở ra ông cầm trên tay một cái bình bằng đất sét và nói: ‘Chúng ta đi về đi!’ Dọc đường, ông mở bình ra và cho tôi xem một gói lá khô. Trong đời tôi chưa bao giờ được thấy thứ lá kỳ lạ như vậy. Và trên những chiếc lá đó, có những nét chữ lạ lùng, viết đẹp, nét thật khác thường, mà tôi không hề biết. Cả cái màu sắc của những chữ đó, nghĩa là thứ mực được dùng, cũng không phải là màu mực mà ta thường thấy. Mới nhìn vào, tôi nghĩ người viết đã trộn màu vàng, màu xanh da trời và màu đỏ đậm với tất cả các màu của cầu vồng trước khi vẽ ra những chữ đó. Và trong lúc tôi nhìn, thì những chiếc lá ấy đổi màu và trở thành màu xanh của loài rong rêu mà người ta lấy lên từ dưới đáy biển, giống như những chiếc lá mà giáo sư Rachnitz đã đi tìm dưới biển Jaffa. Cũng có những chiếc lá trắng bạc như mặt trăng. Tôi nhìn những chiếc lá, tôi nhìn những hàng chữ và tôi nhìn cha Guemoula. Lúc đó ông có vẻ như một người bị đưa từ thế giới này qua một thế giới khác. Và những gì, lúc ban đầu, tôi ngỡ là tưởng tượng bắt đầu trở nên rõ ràng như là chính sự thật. Anh đừng hỏi tôi tất cả những thứ đó có nghĩa gì, tôi không thể trả lời anh được đâu. Tôi ngạc nhiên có thể thuật lại một câu chuyện như vậy. Tôi không đủ danh từ để nói. Dù sao chăng nữa, đối với tôi câu chuyện còn rõ hơn là khi người ta đem giải thích nó bằng cả một lô chữ. Tôi không còn nói được nữa và tôi cũng không còn sức để hỏi bất cứ một câu gì. Không phải những chiếc lá hay những chữ viết đã gây ra sự kiện đó, mà chính là cha của Guemoula. Còn về phần những chữ viết, chúng đã mất tất cả những màu sắc mà tôi đã để ý thấy lúc đầu và đã thay đổi hẳn. Tôi không biết chắc thế nào và từ bao giờ sự kiện đó đã xẩy ra. Trong lúc tôi đang đứng đó hết sức kinh ngạc, thì cha của Guemoula bỏ những chiếc lá vào bình lại và chỉ nói với tôi như thế này: ‘Đó là những cánh lá có quyền lực gây ảnh hưởng trên những thiên thể.’

“Một năm sau, trước ngày đám cưới của chúng tôi, ông bảo tôi: ‘Con còn nhớ chiếc lá mà ta đã đưa cho con xem trên núi chứ? Con có biết mấy cái đó là gì không?’ Ông cúi xuống và nói nhỏ vào tai tôi: ‘Một trong những chiếc lá đó, nhưng ta không nhớ là chiếc nào, gây được ảnh hưởng trên tầng không khí bao quanh mặt trăng và trên cả mặt trăng nữa. Ta cho con hết đấy. Con còn giữ được những chiếc lá đó lâu chừng nào, thì con còn có thể hướng bước chân của Guemoula để nó khỏi vấp ngã dọc đường. Cho đến ngày nay ta vẫn chưa đem chúng ra khỏi chỗ ta giấu. Con có biết tại sao không? Bởi vì ngày nào Guemoula còn chịu nằm yên, giữa sự thảnh thơi, thì nó không cần đến chúng. Nhưng vì tuổi yêu đương đã đến, nghĩa là lúc phải sống với người đàn ông và lấy sức mạnh nơi người đàn ông, nó phải chịu một thứ ảnh hưởng khác và bản chất con người nó phải thay đổi. Khi những đêm trăng tới, con hãy đem những cánh lá đó ra, để chúng trên cửa sổ, đối diện với cánh cửa lớn, lấy cái gì phủ lên để không ai thấy và ta bảo đảm với con là nếu Guemoula ra khỏi nhà, nó sẽ trở về với con trước khi trăng lặn.’”

Tôi nói tiếp với Gamzou: “Đêm nay có lẽ anh đã quên những lời dặn dò của ông nhạc anh rồi.” Gamzou nói: “Tôi không quên.” Tôi bảo: “Thế thì làm sao việc lại xẩy ra như thế này được?” Gamzou đưa hai bàn tay không ra và nói, như tự nhủ với mình: “Gavriel, lá bùa của mày đã đi mất rồi!” Tôi hỏi anh ta: “Lá bùa đã mất quyền lực rồi sao?” Anh trả lời tôi: “Quyền lực vẫn không rời khỏi chiếc lá, mà chính tôi đã đánh mất chiếc lá rồi.” Tôi hỏi anh: “Vợ anh xé nó à?” Anh bảo: “Vợ tôi không có xé nó; mà lỗi là tại tôi; tôi đã bán nó, bán vì một sự nhầm lẫn. Hôm đó có Đại hội các nhà Bác học. Rất nhiều nhà bác học tụ tập tại Jérusalem. Vài người trong số đã đến nhà tôi để mua sách và bản thảo. Cả một đám người đi lui đi tới không ngớt. Người thì lật qua những quyển sách mà tôi để ra một bên, kẻ thì giành lấy những quyển sách trên tay đồng nghiệp của họ và có lẽ vì thế mà cái gói lá của tôi vào trong đống bản thảo và tôi đã đem bán đi, nhưng tôi không còn nhớ đã bán cho ai. Tuy nhiên tôi cần phải nhớ cho ra, vì tôi vẫn luôn luôn biết tôi bán bản thảo cho ai. Số mười hai đồng tiền mà tôi đã thu được, tôi đã đem gửi anh để giữ một chỗ nằm trong bệnh viện dành cho những bệnh nhân nan y.” Gamzou lấy hai tay ôm trán và siết chặt hai thái dương. Rồi dùng một ngón tay, anh bắt đầu dụi con mắt mù của anh. (Gamzou bị chột một mắt và khi nào anh ta bị cảm xúc mạnh, thì anh dụi con mắt đó cho đến khi nó đỏ lên như một miếng thịt sống mới thôi). Sau đó, anh ta lau ngón tay và nhìn tôi, chắc hẳn anh chờ tôi nói điều gì. Nhưng tôi không nói gì cả, tôi vẫn im lặng. Chính anh ta lại mở lời: “Nhiều khi tôi có cảm tưởng như là Guemoula biết người nào mua. Có thể là cái ông haham 14 thành Jérusalem, là người đã sống cùng quê với Guemoula hồi tôi còn ở Vienne. Tôi có hai bằng chứng. Thứ nhất, là ngày hôm đó, nàng hát luôn miệng bài yedal yedal yedal; thứ hai, là nàng bắt đầu nói lại thứ tiếng của miền nàng, thứ tiếng mà nàng không dùng để nói kể từ khi nàng rời khỏi nhà cha. Có thể là chính cái ông khách hàng kia đã là nguyên nhân của việc này. Khi nàng thấy ông ta, nàng nhớ lại lúc ông ta đến thăm nhà hồi nàng còn sống ở quê hương. Lúc đó ông ta ăn mặc như là một ông haham ở Jérusalem; thành phố thánh đã che chở cho ông khỏi tay người ngoại đạo.”

Anh ta lại dụi con mắt mù, con mắt có vẻ mỉm cười dưới mấy ngón tay của anh như để chế nhạo cái xui xẻo của anh, như để mỉa mai một kẻ đã đem bán đi những vật hết sức quí báu của đời mình và đời vợ mình. Về phần tôi, tôi không chế nhạo anh. Trái lại tôi tội nghiệp cho anh. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi: “Phải chăng chính Giáo sư Guinath đã mua của Gamzou những chiếc lá mầu nhiệm kia? Greifenbach đã cho tôi biết là Guinath có một sưu tập nhiều bùa chú. Có lẽ ông ta đã cho Greifenbach bớt một lá, thứ mà ông có hai cái. Tôi hỏi Gamzou: “Những chữ mầu nhiệm được viết ở đâu, trên giấy thường, hay trên giấy thuộc?” Gamzou trả lời: “Không phải trên giấy thường, không phải trên giấy thuộc, cũng không phải trên da, mà, như tôi đã nói, trên những chiếc lá.”

Tôi tính toán rồi đi đến kết luận là không thể nào Guinath là người mua được, vì Đại hội các nhà Bác học chỉ được nhóm sau ngày kỷ niệm mười năm đám cưới của Greifenbach, và nếu có trước đi nữa, thì cũng không ai có thể có ý nghĩ rằng một người Âu châu như Guinath lại có thể ăn mặc như một vị haham của thành Jérusalem được và lại làm cho người khác tưởng như vậy thật.

Gamzou đọc nhiều, học nhiều, phụng sự cho nhiều nhà bác học, và anh đã đi khắp cả nửa trái đất. Không có một cộng đồng Do thái nào mà anh ta không đến viếng. Ngoài những bản thảo và những sách xưa, anh đã mang về từ khắp mọi nơi những truyện kể và những truyện thần thoại, những tục ngữ, những ẩn ngữ và những cuộc nói chuyện giữa anh và những du khách khác. Anh ta kể hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc mạo hiểm nọ, nhiều đến độ chuyện sau cùng lúc nào cũng có vẻ phụ thuộc vào chuyện trước. Cũng có khi anh ngắt lời một người nào đó để bình giải những gì người kia vừa mới nói ra. Và rồi, quên mất nỗi buồn phiền về vụ những chiếc lá mầu nhiệm không cánh mà bay, anh bắt đầu nói về hiệu lực của những lá bùa. Anh tự tay vấn một điếu thuốc và nói về những đặc tính khác nhau của những lá bùa, theo ý anh còn hiệu lực hơn là đặc tính của những thứ thuốc chữa bệnh: phần lớn những thứ thuốc mà chúng ta tìm ra trong sách của các bậc tiền bối không còn giá trị gì nữa, vì những định luật trong bản chất của con người đã thay đổi. Cơ cấu thân thể người ta thay đổi, thì những thứ thuốc cũng thay đổi vậy. Nhưng những lá bùa thì lại không phải tuỳ thuộc vào sự thay đổi đó; những đặc tính và những hiệu lực của chúng vẫn bất biến, vì những thứ ấy được nối liền vào những vì tinh tú và những vì tinh tú luôn luôn vẫn y nguyên như vậy từ ngày được đặt nằm trên trời và người ta vẫn nhận ra được ảnh hưởng của chúng trên tất cả các tạo vật và đặc biệt là trên con người. Bản chất của con người và số mệnh của họ tuỳ thuộc ngôi sao dưới đó họ được sinh ra. Tất cả đều tuỳ thuộc những ngôi sao, kinh Talmud 15 nói như thế. Có những vì sao đem lại cho ta đạo lý và những vì sao khác cho ta sự giàu sang. Bệnh tật của con người cũng vậy, cũng phải chịu ảnh hưởng của những ngôi sao, bởi vì Chúa – xin ngợi ca Người – đã cho chúng ta quyền lực làm điều tốt và điều xấu trên trần gian này. Chính trái đất, trái đất cũng thay đổi tuỳ theo những ngôi sao. Cũng như Ibn Ezra đã nói trong bài bình luận của ông trong cuốn Exode, 16 những vùng khác nhau của trái đất thay đổi tuỳ theo ngôi sao nằm phía trên chúng và ông cũng viết là những nhà bác học thiên về khoa chiêm tinh đều sẽ hiểu được điều này. Tuy nhiên, không nên gán cho những ngôi sao cái quyền lực và ý chí riêng biệt; cả cái sức mạnh và ý chí của chúng, là của Đấng đã tạo ra chúng, nắn chúng thành hình và bắt chúng làm việc cũng như người ta giao việc cho những giáo sĩ vào những buổi tối Ngày Lễ Xá Tội 17 trong Đền Thánh, để họ khỏi buồn ngủ.

Thế thì, xét cho cùng, tại sao Chúa – xin ngợi ca Người – cần đến những vì sao? Chúa đã tạo nên tất cả cho chính mình: cho vinh danh và cho sự ngợi khen của Chúa, như người ta đã viết: “Hãy cất cao giọng để cám ơn Ngài.” Và như vua David đã nói: “Thần thánh nói lên vinh danh của Chúa và thinh không ca ngợi công trình của bàn tay Chúa.” Tất cả những gì Chúa đã tạo, Chúa tạo ra cho Do thái để Do thái biết cách ngợi khen Chúa – xin ca ngợi Người – và ca ngợi vinh danh Chúa, hầu thực hiện được lời nói sau đây: “Ta đã tạo ra dân tộc này để làm sáng danh ta.” Những vì sao, cũng như các thiên thần, cũng nửa âm nửa dương. Trên trời, cũng như dưới đất. Chữ “thần thánh” có số chữ bằng với số chữ của các chữ “dương” và “âm.” Bởi thế cho nên các vì sao cảm thấy thu hút lẫn nhau, cũng như dưới đất, đàn ông và đàn bà vậy. Mỗi người đi theo vì sao của mình. Vậy chứ khi những người con trai của Benjamin 18 bắt cóc các cô gái ở Silo trong những vườn nho để cưới, thì họ tin vào đâu? Họ không sợ rằng những cô gái đó có thể không xứng đôi với họ sao? Nhưng họ đã biết rằng Đền Thánh sẽ được dựng lên trên đỉnh cao của lãnh thổ họ cho cả xứ Do thái. Và bởi vì cờ hiệu của Benjamin giống như những cờ hiệu của các bộ lạc khác, họ chắc chắn các cô gái bị bắt cóc đều đã được định mệnh chỉ định làm vợ họ. 3Hay hakim, người khôn ngoan, hiền triết – chức vị dùng gọi những giáo sĩ và bác học. Số nhiều là hahamim. 4Pháp điển Do thái. 5Sách trong Cựu Ước nói về cuộc di cư của người Do thái ra khỏi Ai-cập. 6Yom-Hakippourim, hay Yom-Kippour. 7Con út trong 12 người con của Jacob trong Thánh Kinh.



IV

Có những tư tưởng mà người ta có thể kéo dông dài hoặc ngắt lại tuỳ ý muốn của mình. Vậy nên Gamzou chấm dứt phô trương cái biết của mình về bùa chú và về các tinh tú và anh bắt đầu kể cho tôi nghe những chuyến du lịch của anh. Anh nói: “Nếu anh muốn gặp những người Do thái thời các vị Tanaim, 19 anh hãy vào thành phố Amadiya. Có bốn mươi gia đình Do thái hiện sống nơi đó – những người đàn ông kính sợ Chúa và một mực tuân theo những giáo điều. Họ thức dậy thật sớm để đi đọc kinh, nhưng họ không biết cầu nguyện. Họ chỉ biết có bài Chema Israel 20 và chỉ biết trả lời Amen. Trừ mỗi vị haham và một lão già khác, trong bọn họ không ai có đem theo bùa hộ mạng. Trong khi cầu kinh, họ ngồi yên, im lặng. Khi vị hành lễ đọc những lời giáng phúc, họ trả lời Amen một cách nhiệt thành và khi họ đọc bài Chema, họ đọc rõ từng câu với một sự run sợ, với một mối xúc động thổn thức và họ đọc đã hết cả hồi kinh như những kẻ sẵn sàng hiến đời mình cho Một Người Duy Nhất, là Chúa của Loài Người.

“Không xa thành phố Amadiya, người ta có thể gặp những kẻ chăn cừu cao lớn tóc dài; họ nằm chung với bầy thú của họ trong những hang núi và tuyệt đối không biết gì về các điều luật trong Kinh Thánh Tora; 21 họ không bao giờ đi đọc kinh, dù là vào ngày Roch-Hachana. 22 Khi sách Michna 23 nói về “kẻ đi qua phía sau nhà thờ và nghe tiếng Chofar,” 24 thì sách ám chỉ đến những người nói trên và những người tương tự như vậy. Mỗi năm một lần, một vị haham xứ Babylone đến thăm họ và vị này làm lễ cắt da qui đầu cho tất cả những đứa bé trai mới sinh trong năm.”

Tôi hỏi Gamzou: “Vợ anh có phải là người gốc ở đó không?” Gamzou trả lời: “Không, vợ tôi không phải gốc ở đó, mà ở nơi khác, ở một miền núi. Lúc đầu tổ tiên nàng sống trên những vùng đất phì nhiêu, gần những dòng suối. Dân các miền lân cận đến gây sự với họ nhưng họ đã đánh trả lại và đẩy lui các cuộc tấn công. Họ mạnh đến nỗi lính của họ chiếm luôn cả xứ của những người ngoại bang. Họ đã giải thích sai lệch hồi kinh sau đây trong Thánh Kinh: ‘Với Gad, 25 người nói: Được phúc lành kẻ nào biết mở rộng quyền uy của Gad; Ngài nằm như một con sư tử, xé tay và đầu ra từng mảnh. Dựa vào một trong những tập truyền của họ, họ coi mình như những kẻ nối dõi trong bộ lạc của Gad. Nhưng, họ không biết là sự giáng phúc không có giá trị đối với những người bị đày ra các xứ ngoài, mà chỉ với ai ở tại Erets-Israel thôi. Những người ngoại bang kết hợp để chống lại họ và chúng đã đánh bại họ. Rất nhiều người bị giết và nhiều người biến thành nô lệ. Những người thoát nạn chạy lên núi trốn và ở lại đấy. Họ còn sống ở đó và không còn sợ những người ngoại đạo nữa. Cứ ba hay bốn năm một lần, các nhân viên sở thu thuế đến nhà họ để đánh thuế. Ai muốn trả thuế thì trả; ai không muốn trả thuế thì cầm lấy khí giới và vào núi trốn, và họ ở đấy đợi cho đến khi các nhân viên sở thuế đi. Kẻ đi trốn không phải lúc nào cũng trở về, vì họ bị diều hâu tấn công và xâu xé. Từ năm này qua năm khác, họ đợi người ta đem trở về Erets-Israel, vì Chúa đã có hứa với họ qua lời của Moϊse, chúa tể của chúng ta, (xin Ngài được an lành!) rằng tất cả mọi người sẽ được trở về đó. Có lời viết rằng: Gad sẽ bị quân thù đột kích, nhưng đến lượt người, người sẽ đánh bại chúng. Và rồi, họ sẽ trở về hết trên những phần đất mà họ đã chiếm phía bên kia sông Jourdain. Sẽ không thiếu một ai cả. Tất cả sẽ trở về quê hương mình, mang theo những của cải đáng giá, như đã có nói trong bản dịch chữ Araméen: ‘Họ sẽ trở về quê hương họ với những của cải vô lường.’” Gamzou kể lại cho tôi biết khi đến nơi họ ở, anh thấy họ trong một tình trạng khá thê thảm. Những ngày lưu đày quá dài và mối tuyệt vọng dai dẳng của họ đã làm nhiều người trong bọn họ mắc bệnh tim. Cha vợ của Gamzou, Guevarya ben Gueouel, đang được họ nhớ đến, bởi vì ông đã đọc cho họ nghe những chuyện thần thoại, những chuyện Midrachim 26 và những đoạn trích trong Targoum 27 ở Jérusalem mà họ có cả bộ. Ông đã dịch ra cho họ bằng thứ tiếng của họ và làm cho họ mạnh dạn, cho nên họ bắt đầu nhớ lại những lời hứa và những lời bảo đảm mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã ban cho chúng ta và sẽ được thực hiện khi Chúa đến.

“Ông Guevarya ben Gueouel cha vợ tôi là một người đàn ông ở tuổi tráng niên; ông có cái đầu của một con sư tử, sức mạnh ông là sức mạnh của một con bò và đôi chân ông nhẹ nhàng như cánh bay của diều hâu. Lời ca ngợi Chúa sẵn trên miệng ông và tay ông cầm một thanh gươm hai lưỡi. Ông chủ lễ những buổi đọc kinh cộng đồng và đúc khí giới. Ông cũng chữa bệnh, soạn thảo các bùa chú và dạy cho những người đính hôn các điệu vũ và các bài ca để chuẩn bị ngày lễ cưới của họ; ông làm tất cả những việc đó vì lòng mến Chúa.” Cô Guemoula con gái ông (vợ của Gamzou) giúp đỡ ông, vì nàng biết tất cả những bài ca ngày trước, vào cái thời mà họ sống trên núi và gần những con suối. “A! nếu anh đã có gặp Guevarya, cha vợ tôi, đứng trên đỉnh một tảng đá, đầu đội một cái mũ chóp xanh da trời, với mớ tóc xoã tuyệt đẹp, cặp mắt nâu chiếu sáng như hai mặt trời, đôi bàn chân không da óng ánh như mạ vàng, những ngón tay bổ vào tảng đá và chính tảng đá, khi vươn cao, lại làm vọng lên những tiếng ca từ các vực sâu! Nếu anh được trông thấy Guevarya đưa tay lên và hạ tay xuống như thế nào và Guemoula, con gái ông, cất tiếng hát ra sao, trong lúc có từ hai mươi đến hai mươi bảy cô gái đồng trinh, cô nào cũng đẹp, cô nào cũng con nhà tử tế, đang khiêu vũ, thì anh sẽ có một hình ảnh về những ngày tươi sáng của Do thái, và về thời những thiếu nữ Do thái đến khiêu vũ trong các vườn nho.”

Nhưng Gamzou đã đến nơi họ ở bằng cách nào? Gamzou kể lại với tôi: “Lúc đó tôi đang đi tìm những bản thảo. Tôi lênh đênh trên mặt biển và tôi lang thang đến bốn mươi ngày trong sa mạc. Có một lần, bão nổi lên. Tôi không kịp nằm xuống đất, như những người lữ hành vẫn làm trong trường hợp đó.

“Khi một trận bão cát nổi dậy, họ nằm xuống và đợi cơn bão qua. Cát vào mắt tôi và làm tôi không trông được nữa. Người dẫn đầu đoàn lữ hành thấy được sự thất vọng của tôi và, mấy ngày sau đó, ông ta đem tôi đến một nơi có người ở và dẫn tôi đến nhà một người đàn ông và bảo tôi: đây là một con dân xứ anh. Người này chính là Guevarya ben Gueouel. Ông này chữa cho tôi bằng thuốc và bằng bùa chú. Cô Guemoula con gái ông đem thức ăn đến tận giường cho tôi. Hồi đó Guemoula lên mười hai tuổi. Vẻ đẹp và giọng nói của nàng đẹp hơn tất cả những gì đẹp đẽ trên thế gian này. Ngay cả những lúc nàng thốt lên những lời thường nhất như là ‘Băng của anh đã lệch đi rồi, Gavriel ạ’ hay: ‘Anh hãy nhìn xuống để em thoa mắt cho,’ tâm hồn tôi cũng thấy vui vẻ như chính người ta đang hát cho tôi nghe những bài ca ngợi khen vậy. Khi nàng mở miệng cất tiếng hát, giọng nàng nở tươi như tiếng hót của loài chim gọi là Grophith, 28 mà tiếng hót còn êm ái thánh thót hơn bất cứ tiếng ca của một sinh vật nào trên trần gian.

“Ban đầu, tôi thấy khó hiểu được những gì họ nói với tôi, dù là khi họ nói chuyện với tôi bằng thứ ngôn ngữ của đạo. Trong những chữ họ dùng có nhiều phụ âm và ít nguyên âm và họ không phát âm như chúng ta đâu. Và âm điệu của ngôn ngữ họ khác biệt đến nỗi tôi không làm sao phân biệt được giữa ngôn ngữ đạo và ngôn ngữ của họ – một thứ ngôn ngữ mà không ai, trừ họ, có thể hiểu được. Guemoula và cha nàng còn có một thứ ngôn ngữ chung khác. Có nhiều lần, tôi thấy hai người ngối cạnh nhau vào lúc hoàng hôn. Một con dê con nằm trên đầu gối Guemoula và một con chim lượn trên đầu tóc quấn lọn của ông già. Họ nói chuyện với nhau khi thì khoan thai khi thì vội vàng, đôi khi tươi cười và cũng có lúc giận dữ. Tôi lắng nghe, nhưng tôi không hiểu. Guemoula cho tôi biết đó là một thứ ngôn ngữ mà chính họ đã sáng chế ra cho vui. Từ lúc Guemoula rời khỏi nơi nàng sinh trưởng, những thứ ngôn ngữ đó không còn trở lại trên môi nàng và không một bài ca nào còn cất lên từ miệng nàng nữa, trừ những đêm trăng tròn, khi nàng ra khỏi nhà. Lúc đó, tiếng hát nhịp theo bước chân nàng. Cái ngày mà, vì vô ý, tôi bán đi bó lá bùa, nàng lại nói những thứ ngôn ngữ đó, và nàng cất tiếng hát. Ngay buổi tối ngày hôm đó, nàng bảo tôi: ‘Em muốn ăn bánh kẹp nướng trên lửa.’ Thế đấy, bây giờ đã đến lúc tôi phải về nhà để xem vợ tôi đã về chưa.”

Gamzou lấy mũ chóp xuống, lại đội nón lên đầu và đứng dậy. Nhưng trước khi ra đến cửa, anh quay gót và bắt đầu đi lui đi tới trong phòng. Anh chắp tay sau lưng và rung rung với mấy ngón tay trái. Sau một hồi im lặng, anh nói: “Chính tôi cũng lấy làm lạ đã đến đây; còn lạ hơn nữa là tôi không thấy ánh đèn và tôi không biết có anh ở đây. Chắc chắn phải có một lý do. Tôi không biết được lý do đó, nhưng nó có thật đấy. Ai ở đây vậy anh?” Tôi bảo anh: “Một người tên là Bác sĩ Greifenbach.” “Ông ấy đâu rồi?” “Đi ra xứ ngoài cùng với vợ; anh có quen họ không?” “Không, tôi không quen họ. Cái ông Greifenbach đó, có phải ông ta là y sĩ không?” “Vâng, nhưng ông không còn hành nghề nữa. Tại sao anh lại muốn biết?” “Thế ngoài họ ra, còn ai ở đây nữa không?” “Anh và tôi. Trước ngày họ ra đi, tôi có hứa trông coi giùm nhà cho họ. Họ sợ những kẻ xâm nhập gia cư ngày nay quá đông trong số những người lính đi đánh giặc về. Đêm nay, tôi giữ lời hứa đến ở lại nhà họ.” Gamzou chú ý lắng tai nghe. “Thế không có người nào khác ở đây sao?” anh ta hỏi. “Có, tôi trả lời, nhưng ông ấy không có nhà. Sao anh lại hỏi thế?” Gamzou đỏ mặt, nhưng giữ im lặng.

Sau một lúc, anh bắt đầu hỏi lại: “Tên ông mướn phòng đó là gì vậy?” Tôi cho anh biết tên. “Có phải đó là vị giáo sư nổi tiếng Guinath không?” Tôi hỏi Gamzou có quen ông ta không: “Không, anh trả lời, tôi không quen ông ấy, tôi có nghe nói đến những cuốn sách ông viết, nhưng tôi không hề đọc đến. Những cuốn sách chưa hơn bốn trăm năm, tôi không thèm nhìn đến.” Tôi bảo anh: “Trong những sách Guinath viết, có đến bốn ngàn năm đã qua đi, và còn hơn nữa.” Gamzou cười và nói: “Tôi nhìn cái bình chứ không nhìn những gì nó chứa đựng.” Đến lượt tôi cười và trả lời: “Trong trường hợp đó, thì bốn trăm năm nữa anh mới sẽ tham khảo sách của Guinath.” Gamzou trả lời: “Nếu đầu thai lại lần thứ ba hay lần thứ tư, mà tôi vẫn còn làm việc bán sách, tôi cũng sẽ nhìn qua mấy cuốn sách của Guinath.” “Thánh Kinh dạy rằng con người chỉ đầu thai hai hoặc ba lần thôi, nhưng Thánh Kinh cũng dạy rằng Chúa sẽ không bỏ qua lần vi phạm thứ ba và chắc chắn là không bỏ qua lần vi phạm thứ tư của Do thái. Một con dân Do thái chỉ đầu thai lại hai hoặc ba lần, trừ kẻ nào phải hoàn tất sáu trăm mười ba điều răn. Kẻ đó có thể đầu thai đến lần thứ một ngàn cũng được, bởi vì sách đã chép: việc này được truyền cho một ngàn thế hệ. Nhiều trường hợp khác không được xét tới, thế mà anh, anh lại nói đến một lần đầu thai thứ tư nữa!” Gamzou nói: “Tôi vừa buột miệng nói một điều nhầm lẫn. Anh biết tôi suy nghĩ như thế nào chứ. Không một con dân Do thái nào được phép nói trước một việc gì mà không dựa vào Kinh Thánh cả, một chuyện hiển nhiên ngược lại với Thánh Kinh lại càng không nên nữa. Anh đừng trả lời tôi bằng những câu trích dẫn nơi những người bình Thánh Kinh thường vẫn hay làm sai lệch những lời của Chúa Hằng Sống. Họ học điều này ở những người ngoại đạo, nhưng trong thâm tâm họ, họ biết rằng một chương trong Thánh Kinh không thể có một lối giải nghĩa nào khác hơn lối giải nghĩa xưa nay vẫn được truyền lại cho chúng ta. Chính những giáo sĩ Do thái cũng đã làm sai lệch Thánh Kinh nhưng, bởi các vị thánh đó học Kinh thánh Tora vì chính kinh thánh, vì lòng mến Chúa, nên họ có quyền đem vào một ý niệm luân lý đạo giáo và thần thánh. Còn những người khác, những kẻ lo phê bình Thánh Kinh, mà không hiểu được cái ý vị được học Kinh thánh Tora vì lòng mến Kinh thánh Tora, thì lời dạy ban ra từ miệng họ không còn chính đáng. Vậy ra anh bảo Guinath ở đây. Anh có quen ông ta không?” “Không, tôi trả lời, tôi không quen ông ta và tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ tôi quen ông ta được. Ông ta tránh gặp mặt mọi người, chính những người chủ nhà của ông cũng không được gặp ông ta nữa.” “Thế là điềm tốt,” Gamzou bảo. “Tôi không thích những nhà bác học đi cùng khắp mọi nơi và mưu cầu được mọi người biết. Để tôi kể một chuyện này anh nghe: một hôm tôi ghé Luân đôn và tôi cho một vị haham hay là tôi có mang theo cho ông xem mấy bản thảo. Ông ta chịu khó đến nhà tôi. Ông dẫn theo hai người, một ký giả và một nhiếp ảnh viên. Ông cầm lấy tất cả những sách tôi đưa ra cho ông xem, ngồi xuống, xem xét, trong lúc nhiếp ảnh viên, đứng thẳng, chụp hÊnh ông theo kiểu một nhà bác học. Hai, ba hôm sau, người ta đem đến cho tôi một tờ báo. Tôi thoáng nhìn qua và tôi thấy cái đầu nhà bác học của tôi được bao quanh đầy cả sách. Tấm ảnh được ghi chú một loạt những lời tán tụng dành cho nhà bác học đã khám phá ra những tác phẩm quí báu mà trước ông không một ai được trông thấy… Phải có ông ta đến, chính ông ta, mới khám phá ra được những tác phẩm ấy! Anh nghĩ sao về câu chuyện đó?” Tôi nói với Gamzou: “Tôi cũng nghĩ như anh.” Gamzou nhìn tôi với một vẻ tức giận: “Anh không biết tôi nghĩ thế nào, làm sao anh có thể bảo: tôi cũng nghĩ như anh?” “Nếu vậy thì,” tôi đáp, “tôi không nghĩ như anh.” Anh nói: “Anh chế nhạo tôi phải không?” Tôi trả lời: “Tôi không chế anh, mà là chế cái ông nhà bác học ấy và tất cả những người giống ông ta, đã phung phí sức lực của mình vào những việc vô ích, để được người khác cho mình là nhà bác học. Nếu họ dành năng lực của họ cho công việc, họ sẽ nổi tiếng hơn.” Gamzou nói: “Họ sẽ không nổi tiếng hơn.” “Nếu như vậy,” tôi bảo, “thì ra họ có lý khi họ làm như thế.”

Khi Gamzou ra về thì đã gần nửa đêm. Tôi tiễn anh ta. Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng. Khi chúng tôi đi tới khu dân Georgiens ở, gần Cửa Sichem, tôi từ giã anh ta và chúc anh gặp lại vợ. Anh rút trong túi ra một chiếc khăn tay, đưa lên lau mắt và bảo: “Tôi hy vọng thế!” Tôi bảo anh ta: “Nếu anh muốn cho tôi hay thì anh hãy tìm tôi ở nhà tôi. Tôi định trở về nhà sáng sớm đấy.” 8Những vị Rabbi hai thế kỷ đầu khởi sự Kỷ nguyên Tây lịch đã giải thích luật Thánh Kinh ghi trong Mischna, Jopephta... 9“Do thái, hãy lắng nghe” – một trong những bài kinh cổ truyền chính của người Do thái. 105 cuốn đầu của Cựu Ước. 11Ngày đầu năm. Tết Nguyên đán Do thái. 12Hay Mischna, luật nền tảng của Kinh Talmud, giáo lý truyền thống của Do thái do các rabbi diễn giải 200 năm đầu khởi sự Kỷ nguyên Tây lịch. 13Sừng cừu dùng để thổi trong các lễ lớn hiện nay trong nhà nguyện Do thái trước và trong thời kỳ Roch-Hachana và cuối lễ Ngày Đền tội. 14Con trai của Jacob. 15Số nhiều của chữ midrach. Những huyền thoại do các giáo sĩ thu thập để giải thích Thánh Kinh. 16Bản dịch tiếng Aram, diễn giải một phần hay một đoạn Cựu Ước. 17Loài chim tưởng tượng.



V

Tôi trở về nhà Greifenbach và lên giường nằm trở lại. Tôi ngủ thiếp đi, nhưng chẳng bao lâu tiếng xe lửa đánh thức tôi dậy. Xe lửa dừng lại ở ga Garmich. Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng tỏa tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi.

Thật ra không có xe lửa nào cả. Tôi đang nằm trên giường trong nhà Greifenbach. Tôi trở mình và kéo chăn lên đến khỏi mắt, vì trăng chiếu vào mặt tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về cái thế giới này, cái thế giới khép kín đối với chúng ta; chúng ta không thể đến được nơi nào chúng ta muốn đến. Chỉ có mặt trăng mới có thể vừa đi khắp cả thế giới vừa hát yedal yedal yedal va pa ma.

Sau khi ăn trưa tại một quán ăn ngoài phố, tôi về nhà tôi để làm việc. Lúc tôi muốn pha cà phê uống, tôi thấy trong vòi không có nước. Tôi leo lên mái nhà để xem lại các bể nước. Các bể nước nóng bỏng và nước ở dưới đáy đã đóng cặn. Jérusalem là một thành phố khó khăn và đặc biệt ngày hôm đó lại thiếu nước. Tôi để mặc công việc tôi đó và đến nhà Greifenbach, ở đấy có một bể chứa nước mưa như tất cả những nhà xưa trong thành phố, vì ở Jérusalem người ta chỉ uống nước mưa thôi.

Mỗi nhà ở thành phố Jérusalem đều có cả một lịch sử của nó, nhất là những ngôi nhà ở ngoại thành.

Cách đây gần bảy mươi năm, một trong những người giàu có nhất Gallipoli, Signor Gamliel Giron, đến thành phố thánh để chết tại đó. Ông ta không tìm ra được một chỗ ở hợp với nhu cầu của mình. Tất cả dân cư Do thái đều bị nhốt trong những cái sân cũ kỹ ở trung tâm thành phố. Trong mỗi sân có rất nhiều gia đình ở, toàn là những gia đình đông con. Thế nên ông ta chiếm được một ngàn thước đất ở ngoài tường thành, hơi thấp hơn Cửa Sichem; ông ta có cất lên một căn nhà rộng rãi tại đó và trồng một miếng vườn. Nhưng vì nhà ở xa những vùng có dân cư đông, nên không có nhà nguyện quanh đó. Ông bèn biến một căn phòng thành giảng đường và cho nhiều người đến cầu nguyện cùng với ông. Sau khi ông chết, ông để căn nhà lại cho một hội từ thiện. Vì cần tiền để trả các thứ thuế cho quân đội, những người cai quản hội đem thế cái nhà. Nhà bị cầm trong nhiều năm và cuối cùng, vì không thể trả tiền cầm, những người cai quản đem bán căn nhà cho một người Đức tên Ganseklein, chủ tịch phái “Trung thành với Lòng tin”, bắt nguồn từ một phái khác gọi là “Gemeinschaft der Gerechten” do một người tên là Gottfried Greulich sáng lập trong thành phố Gorlitz.

Cái ông Ganseklein đó, cùng với vợ và mẹ vợ dọn đến ở trong căn nhà. Những tín đồ tụ tập nơi đây và ông chủ nhà giảng cho họ nghe về ba tín điều thật sự liên quan đến sự giải thoát thể xác và những giới hạn được mở rộng của phần hồn.

Có một lần, vợ và mẹ vợ của Ganseklein cãi nhau và vợ ông cắn mũi của mẹ mình để sỉ nhục bà trước mặt chồng. Câu chuyện đến tai người ngoài và Genseklein xấu hổ phải bỏ xứ mà đi. Căn nhà lại vào tay ba anh em rể làm phó mát, họ bắt đầu hành nghề tại đó. Đại chiến bùng nổ. Jemal Pacha trục xuất họ như những kẻ bị tình nghi là đảng viên Do thái tự trị, vì đã tìm thấy trên phó mát của họ những hình vẽ giống như “Ngôi sao David”. 29 Sau khi hết chiến tranh, Hội đồng các đại diện thuê căn nhà cho một trong các hội viên là Georg Gnadenbrot. Họ sửa chữa căn nhà lại, đem vứt đi những đống gạch đổ nát, quét dọn vườn tược và xây một bức tường rào chung quanh vườn. Khi đâu đó đã xong xuôi, Ginendelein, vợ của ông Gnadenbrot, lại tuyên bố là bà không muốn ở Jérusalem. Họ trở về Glascow và căn nhà biến thành văn phòng. Lúc đó lại xảy ra vụ động đất làm hư cả mấy bức tường và làm thủng mái. Căn nhà bị bỏ hoang trong nhiều năm. Sau cùng Gerhard Greifenbach đến; ông sửa lại nhà, cho vô điện, nước và đủ cả tiện nghi tối tân.

Greifenbach và vợ ông sống trong căn nhà này nhiều năm cho đến ngày mà hai người thấy thích đi du lịch ở nước ngoài để tránh cái mệt phải ở mãi trong nước và chính tôi lãnh việc trông chừng để căn nhà họ khỏi bị người khác chiếm. Gerhard và vợ ông đem nhau đi ngao du ở xứ ngoài, còn tôi, tôi đã ngủ lại hai đêm dưới mái nhà của họ. Nằm ở giữa miếng vườn, xa những khu phố quá đông đúc, căn nhà tràn đầy cả ánh sáng trăng. Những cây to và cây nhỏ đều cách xa nhau, không có liên lạc gì với nhau cả. Nhưng mặt trăng, vốn không phân biệt cây cỏ, soi sáng tất cả cùng một lúc.

Đứng bên cửa sổ, tôi nhìn khu vườn. Mỗi cây lớn, mỗi cây nhỏ đều chập chờn dưới trăng. Nhưng bỗng có một tiếng chân bước… Phải chăng đó là bước chân của Guinath đi du lịch trở về, hay bước chân của Gamzou? Hôm qua, khi tôi đưa anh ta về, tôi có bảo anh nhớ cho tôi biết tin vợ anh. Vậy thì chắc anh ta đến cho tôi hay. Nhưng có thể không phải là Gamzou, mà là một người nào khác – có Trời mới biết được là ai…

Trăng tròn đã không làm tôi lầm được. Quả thật, đó là Gamzou. Tôi ra mở cửa cho anh ta và mời anh ta vào phòng. Anh kéo một cái ghế dựa và ngồi xuống đó. Anh lấy giấy và vấn một điếu thuốc. Anh ngậm điếu thuốc vào miệng, châm lửa, hút thuốc mà không quan tâm gì đến tôi, lúc đó đang đợi, đang nóng lòng muốn biết xem anh ta có tìm thấy vợ không. Cái im lặng của anh làm tôi bực mình và tôi, tôi cũng im lặng. Cuối cùng, Gamzou nói: “Anh không hỏi tôi về vụ vợ tôi à.” Tôi bảo anh: “Nếu anh có gì để kể, thì anh kể đi!” Gamzou nói: “Quả thật, tôi có chuyện kể cho anh nghe. Ở đây không có cái gạt tàn sao?” Tôi đem lại cho anh một cái gạt tàn thuốc. Anh dụi tàn thuốc của anh trong đó. Rồi, anh nhìn tôi với con mắt còn lành, dụi con mắt mù, lấy bàn tay cọ vào râu cằm, đưa lên miệng, thấm vào đầu lưỡi và nói: “Dường như tôi đã đốt cháy tay tôi vì điếu thuốc, nhưng tôi cảm thấy tôi bị muỗi đốt. Trong nhà có muỗi sao?” “Có thể có lắm,” tôi bảo, “nhưng cũng có thể là không. Vì tôi rất sung sướng được một người khách đến viếng như anh, nên tôi không cảm thấy được là có muỗi.” Gamzou đã hiểu được cái gì anh ta muốn hiểu và nói: “Tôi tìm thấy vợ tôi trên giường. Nàng ngủ rất say.” Biết được Gamzou tìm thấy lại vợ anh cách nào có lẽ cũng thích lắm, tôi nghĩ như vậy, nhưng tôi cố nín không hỏi anh ta. Nếu anh nói cho tôi biết, càng tốt, nhưng tôi sẽ không hỏi anh ta, tôi không muốn tỏ ra có ý dò xét những hành động và cử chỉ của anh. Anh không thốt lên lời nào trong một lúc thật lâu, tựa như anh đã quên câu chuyện kia. Bỗng nhiên, anh đưa bàn tay lên trán, như một người vừa tỉnh mộng, và anh bắt đầu kể cho tôi nghe anh ta về đến nhà như thế nào, mở cửa ra sao, nhìn vào phòng mà không hy vọng bất cứ một điều gì. Đột nhiên, anh nghe tiếng thở. Anh lại gần giường vợ anh. Nàng đang nằm trên đó! Vậy thì không thể lầm được. Anh cảm thấy mừng vô cùng, vì nếu hơi thở của vợ anh mà không lay động được hồn anh thì anh đã ngã gục xuống chết rồi.

Tôi ngạc nhiên đến độ đứng há hốc miệng ra mà không nói được gì cả. Anh ta làm gì ở đây? Hôm qua tôi có nói rõ cho anh ta biết là tôi định về nhà tôi, có nghĩa là tôi sẽ không có mặt ở nhà Greifenbach. Thế mà anh lại có mặt ở đây! Tôi còn lấy làm lạ hơn nữa là anh ta đã để vợ anh ở nhà một mình vào một đêm như đêm nay, một đêm trăng tròn. Trăng đã chẳng nhiều phen cho anh ta thấy có thể gây ra những gì đó sao? Gamzou nói: “Anh ngạc nhiên vì tôi để Guemoula một mình à?” Tôi nói: “Quả thật, tôi ngạc nhiên, vì anh đã bỏ vợ anh ở nhà một mình.” Gamzou cười bằng con mắt lành hoặc có thể là con mắt mù và nói thêm: “Dù Guemoula có thức giấc, dù nàng có ra khỏi giường, nàng cũng không đi đâu xa.” Tôi hỏi anh ta có tìm được lá bùa không. Gamzou trả lời: “Không, tôi không tìm ra được lá bùa.” “Vậy thì, sao anh có thể để vợ anh một mình? Mặt trăng có hứa với anh là nó sẽ để cho nàng yên đêm nay sao? Rabbi Gavriel, thế thì anh hãy cho tôi biết xem, do đâu mà anh tin tưởng như vậy?” Gamzou trả lời: “Tôi tìm ra một phương thuốc rồi.” Tôi bảo: “Anh có hỏi ý bác sĩ nào và bác sĩ có chỉ cho anh một thứ thuốc sao?” Gamzou trả lời: “Tôi không hỏi thăm một bác sĩ nào cả và tôi không có thói quen cầu cứu bác sĩ nữa. Họ biết tên tất cả các chứng bệnh và chí đến những triệu chứng của bệnh nữa, nhưng tôi không tin họ. Tôi tin ai bây giờ đây? Tin người đã gội rửa cho mình trong sạch bằng Kinh thánh Tora. Chỉ có người đó biết những thứ thuốc trị bệnh thân thể, dĩ nhiên là cũng trị được những chứng bệnh thuộc về hồn.” Tôi nói với Gamzou: “Thế anh đã tìm ra được người ấy và ông ta đã có cho Guemoula thứ thuốc hợp với chị ấy rồi sao?” Gamzou trả lời: “Thuốc đã có sẵn. Hồi thời tôi đọc Kinh thánh Tora trong trường Yechiva 30 của Rabbi Chemouel Rosenberg, ở Einsdorf, một lần nọ có một người đàn bà đến nói với ông về một chàng thanh niên đã ở trọ tại nhà bà ta. Anh chàng ấy mắc bệnh tim và bệnh mộng du. Mỗi tháng, cứ đến ngày trăng tròn, anh ta nhảy qua cửa sổ, leo lên mái nhà, rất nguy cho tính mạng của anh. Nếu rủi ro, anh ta tỉnh dậy đột ngột, anh có thể mất thăng bằng, có thể té xuống và tự sát. Người ta có hỏi thăm nhiều vị bác sĩ và không vị nào tìm ra thuốc chữa cho lành được. Rabbi Chemouel bảo bà ta: “Bà hãy lấy một cái áo dày, nhúng vào nước lạnh đến khi nào nó thật ướt và trải nó ra trước giường của anh thanh niên ấy. Khi anh ta ra khỏi giường, chân anh đụng vào cái áo lạnh đó; lạnh sẽ làm anh tỉnh dậy và anh sẽ nằm xuống ngủ lại liền. Người đàn bà làm theo lời dặn và anh chàng kia lành bệnh. Đó là điều tôi cũng vậy, tôi đã làm đêm nay, và tôi chắc chắn là dù Guemoula có thức dậy đi nữa, thì nàng cũng trở lại giường.”

Câu chuyện làm tôi lạ hết sức. Nếu đó là một phương thuốc chữa bệnh, tại sao từ trước đến giờ Gamzou không dùng? Gamzou đoán được ý nghĩ của tôi nên nói: “Anh lấy làm lạ tại sao tôi đợi đến ngày nay mới đem phương pháp ấy ra dùng phải không?” “Vâng, tôi trả lời, tôi lạ vì anh, người hết lòng tin tưởng là những lá bùa có một quyền lực phi thường, dường như anh vẫn không chú ý đến những thứ thuốc có hiệu lực thường mà.” Gamzou nói: “Có một lần, trong một chuyến du lịch của tôi, tôi ngã bệnh và tôi được chữa lành bằng những lá bùa. Trở về Âu châu, tôi kể lại chuyện đó cho các vị bác sĩ nghe và họ bảo tôi: “Những thứ bùa mà người ta dùng để chữa bệnh cho ông là những thứ thuốc rất thông dụng. Người ta đã bỏ những thứ ấy đi khi người ta tìm ra được những thứ khác tốt và tiện hơn.” Còn về câu hỏi tại sao cho đến nay tôi không đem phương pháp đó ra áp dụng, thì là, phải tin rằng chắc ông Trời ông ấy đã định cho tôi phải quên mất nó. Tôi đã bị phạt vì không trung thành với ông tsaddik 31 nọ, tôi đã bỏ trường yechiva để theo học nơi khác. Anh muốn biết tại sao hôm nay tôi lại nhớ ra phương pháp đó à, vâng, thì đây là những gì đã xảy ra: tôi đang ngồi vá lại chỗ rách trên áo tôi. Trong lúc cầm chiếc áo trong tay, cả câu chuyện kia đột nhiên trở lại trong trí tôi. Tôi nhảy lên, tôi bỏ áo vào nước và khi tôi thấy nó thật thấm nước, tôi trải nó ra dưới giường của Guemoula.

“Và bây giờ,” tôi nói với Gamzou, “tôi xin hỏi anh một câu giản dị: Anh không thấy tôi đàng nhà và anh đến đây chứ gì” Gamzou nói: “Tôi không lại nhà anh và tôi cũng không có ý đến đây.” Tôi bảo anh: “Thế nhưng anh đã đến rồi đấy!” Anh trả lời: “Tôi đã đến, nhưng không có ý định đến.” “Rabbi Gavriel này, tôi bảo, anh thấy không, lòng anh trung tín hơn cả anh và nó đã dẫn anh đến tôi để anh giữ lời hứa cho tôi biết tin tức vợ anh.” Gamzou nói: “Việc xảy ra như thế này đây: Tôi đang ngồi trong nhà và tôi thấy Guemoula ngủ. Nàng đang ngủ, tôi tự nhủ, thì mình cũng nên đến xem Amrami ra sao. Tôi coi lại cái áo mà tôi trải trước giường nàng, tôi nhúng nó vào nước một lần nữa, tôi để nó lại chỗ cũ và tôi đi. Trong lúc bước đi, tôi nghĩ đến trường hợp của Amrami. Người đàn ông này sinh ra và lớn lên ở Jérusalem, sống bốn mươi lăm năm liền ở ngoại quốc. Sau thời gian vắng mặt lâu, ông trở về quê hương ông. Tất cả những gì ông kiếm được trong bốn mươi lăm năm, ông chỉ còn lại một cô cháu gái và vài quyển sách chữ Do thái. Tôi bắt đầu nghĩ đến những con dân Do thái khác, cách đây đã bốn mươi hay năm mươi năm, rời bỏ xứ sở mà họ đã chán ngấy để ra ngoại quốc kiếm nghề làm ăn. Vài người đã thành công và trở nên giàu có. Nhưng loạn lạc nổi lên và người ta lấy mất tất cả những gì họ có. Họ quay trở về Erets-Israel và bây giờ, họ phàn nàn xứ họ đối xử với họ như người nước ngoài. Trong lúc tôi nghĩ đến những lời trách móc của họ như vậy mà không để ý đến những nỗi khổ của họ, bất chợt tôi nghe nhiều tiếng la. Tôi đi về phía có tiếng la và tôi thấy một người con gái đang nói với một chàng thanh niên: “Gunther, anh yêu, Gunther, anh yêu, anh còn sống sao, thằng Ả-rập không làm anh bị thương chứ!” Chuyện gì xẩy ra vậy? Một chàng thanh niên và một cô gái đi dạo trong một thung lũng, ngoài thành phố. Một người Ả-rập đên gần họ và quấy rầy họ. Chàng thanh niên chửi hắn và muốn đuổi hắn đi. Người Ả-rập rút ra một con dao và hăm dọa anh ta. Cô gái sợ và la lên, vì nàng chắc chắn là người Ả-rập đã đâm bạn mình. Đó là lý do làm tôi đi lệch qua con đường khác con đường tôi định đi. Tôi lấy làm lạ khi thấy mình đột nhiên ở cuối đường mòn này. Tôi tự hỏi, tôi làm gì quanh quẩn ở đây? Tôi định đến nhà Amrami và bước đi đã dẫn tôi đến căn nhà này. Anh có hiểu được điều đó không? Tôi, tôi không hiểu nổi, cũng như tôi đã không hiểu được tại sao hôm qua tôi lại đến đây.” Tôi trả lời anh: “Các giáo chủ chúng ta nói: “Chân của con người đem họ đi đến nơi nào họ được gọi tới – nhưng con người không phải lúc nào cũng biết được tại sao mình được gọi tới.” Gamzou nói: “Vâng, đúng như vậy, con người đi đến nơi nào họ được gọi tới. Dù họ có muốn hay không, chân họ cũng dẫn họ tới đó. Nhiều người hỏi tôi làm sao tôi có được những bài thơ của Rav Adiel. Chính anh cũng đã hỏi tôi điều này. Nếu anh không hỏi bằng lời, có thể anh cũng đã hỏi tôi câu đó trong thâm tâm anh.” Tôi bảo anh: “Dù sao chăng nữa, tôi có hỏi anh câu đó hay không hỏi anh, anh cũng chưa kể cho tôi biết câu chuyện ra sao cả.” Gamzou nói: “Nếu anh muốn biết, thì anh hãy nghe đây: Một hôm tôi đến một làng nọ; chân tôi không muốn cho tôi đi xa hơn nữa. Tôi tự bảo: không có gì lố bịch hơn là ghé lại một cái làng bất hạnh đến thế này, ở đầy cả dân Do thái chỉ biết chút ít về Kinh thánh Tora và bị cái nghèo khó hành hạ. Họ sống vất vả bằng công việc đồng áng và buôn bán trái cây mà họ mua của những người bán trái cây trong thành phố. Thế mà, tôi tự nhủ, tôi lại muốn tìm sách ở nơi đây sao? Đến đấy, thì tôi bị vướng một ngày lễ Chabbath; 32 tôi xin đến trọ nơi nhà một người Do thái làm nghề gói trái sung và trái chà là. Tôi cùng đi với ông đến một ngôi nhà làm bằng gỗ cây dừa, đen đúa vì quá cũ. Chẳng mấy chốc tất cả những xã viên trong làng hội họp lại tại đó; họ bỏ giày ra, thắp lên một ngọn đèn bằng đất sét, ngồi xuống và đọc bài Nhã Ca; 33 họ đứng dậy và hát một bài Thánh Vịnh 34 tôn danh lễ Chabbath với một điệu nhạc rất lạ với tai chúng ta, nhưng lại có khả năng làm rung động một con tim Do thái. Vả chăng, nó cũng giống như những phong tục được truyền lại từ đời ông cha họ, là những người đã bị Nabuchodonosor, vua xứ Babylone, trục xuất khỏi Jérusalem. Ông cha họ chính là những kẻ đã dựng lên ngôi nhà cầu kinh của họ. Khi cũng chính Nabuchodonosor, vua xứ Babylone, đuổi Do thái ra khỏi Jérusalem, ông ra lệnh cho để lên vai lũ thiếu niên tất cả những cối xay trong xứ và những thiếu niên này đã đi đày với cối xay trên hai vai như vậy. Chính nhà tiên tri Jérémie 35 nói về họ như thế này: “Những thiếu niên thì mang cối xay” và ông còn nói: “Dọc đường sức tôi yếu đi.” Chúa thấy được những nỗi khổ của họ và thổi sự sống vào các tảng đá. Đá biến thành cánh bay về một xứ không có kẻ bạo tàn. Những tảng đá đó dùng làm nền cho những ngôi nhà nguyện của họ và những ngôi nhà họ ở. Trong số những thanh niên đó, có những nhà bác học rất thông thạo vế Kinh thánh Tora và về những bí mật của kinh thánh đó. Họ là những người thánh thiện. Tôi thường hay tự hỏi không biết Chúa có thích những tập tục của họ hơn những tập tục của chúng ta không. Vậy là họ đặt nền làm nhà nguyện của họ và lập ra một tập đoàn lớn, gần như một nước thật sự. Tuy nhiên, còn phải sợ rằng một ngày kia, họ sẽ biến hết trên mặt đất, vì trong số người của họ không có đàn bà. Nhưng Chúa đã mở mắt cho họ, và họ thấy những cô gái đồng trinh từ ngoài biển vào. Thánh Kinh nói về các thiếu nữ đó như sau: “Ta đem họ từ Bachan trở về, ta kéo họ từ đáy biển lên.” Vậy là mỗi người lấy một cô. Họ đẻ ra con trai và con gái và sống vui vẻ. Sự việc cứ tiếp tục như vậy; nhiều thế hệ đã qua; họ sung sướng đến nỗi quên mất Jérusalem. Và khi Ezra viết thư bảo họ trở về Jérusalem, họ không về, cho rằng Chúa đã cho họ vùng đất này và tất cả của cải chứa nơi đây. Quân đội ngoại quốc ào đến và gây chiến với họ. Chúng tàn sát họ một cách tàn nhẫn và trong số không biết bao nhiêu là người đó chỉ còn lại rất ít. Hối hận, những kẻ thoát nạn trở về Jérusalem, cùng lúc họ hiểu được rằng những người ngoại quốc đến là chỉ để trừng phạt họ. Đó là quá khứ của họ và bây giờ, tôi trở lại đoẊn đầu câu chuyện của tôi.

Khi họ đọc kinh xong, họ hôn nhau, hoặc trên vai hoặc trên râu, vừa chúc lành nhau “Chabbath Chalom” 36 rồi ai nấy về nhà mình. Tôi ngồi vào bàn ăn của chủ nhân và tôi dùng bữa ăn tối thứ sáu, cùng với hai người vợ và mấy người con của ông. Ngồi trên một chiếc chiếu, họ ăn, uống và hát những bài zemiroth, 37 những bài hát mà tôi không biết, mà tôi cũng không hề nhìn thấy trong một tập thánh ca nào cả. Ngày hôm sau, những tiếng hát một bài thánh ca đánh thức tôi dậy vào lúc rạng đông; tôi thấy chủ nhân ngồi trên một chiếc chiếu và hát những bài ngợi ca Chúa. Tôi rửa tay, lắng tai và nghe được những lời mà tôi chưa hề nghe trong đời tôi. Tôi ngạc nhiên trước giọng ca thánh thiện đó, nhưng tôi cố nín không hỏi xem ai là tác giả và tại sao nó lại thuộc quyền sở hữu của ông dân làng này. Và dù tôi có hỏi đi nữa, ông cũng không trả lời; trong những vùng này, người ta thường cố khỏi phải làm gián đoạn một bài kinh để trả lời những câu hỏi. Khi ông ta ca xong, chúng tôi đến nhà nguyện. Ở đây họ có thói quen bắt đầu làm lễ rất sớm, khi mặt trời vừa mọc.

Tất cả tập đoàn ngồi quanh bốn bức tường của nhà cầu kinh và họ hát. Trong vùng này, theo thói quen thì một người trong tập đoàn lớn tiếng đọc bài thánh ca, đọc từng chữ; sau người này, một người khác đứng lên rồi một người khác nữa. Tựa như mỗi người trong bọn họ muốn biết xem mình có xứng đáng là kẻ mang sứ mệnh tiến dẫn cho Do thái bên cạnh Đấng Tối cao không. Bài thánh ca chấm dứt, người ấy hạ thấp giọng, vì thấy mình không xứng đáng với sứ mệnh đó. Đến hồi kinh Yotser, dâng cho Đấng đã tạo ra ánh sáng, người hành lễ đến gần Cung Thánh, đọc lên những lời ban phép lành hàng ngày, trở về chỗ cũ và cả tập đoàn đọc lại những lời ban phép lành đó, những lời tạ ơn, bài kinh Chema và bài cầu nguyện mà họ đọc thì thầm. Để lặp lại bài kinh này, người hành lễ trở lại Cung Thánh. Tất cả mọi người dự lễ đứng lên nghe ông, ngây ngất, và trả lời Amen một cách nhiệt tình. Khi ông đem ra Cuộn giấy chép Kinh thánh Tora, họ có thói quen nói: Achré Haam “Sung sướng thay dân tộc nào được chia phân như vậy” và “Sung sướng thay dân tộc nào có Vĩnh Cửu là Chúa” và “Chúa sẽ ngự trị đời đời!” Sách của họ viết bằng thứ chữ lớn trên tấm da hươu và theo lệ thường người ta không được gọi quá bảy người đến đọc Kinh thánh Tora. Trong khi đọc kinh Tora, những người đàn bà đến ngồi ở ngưỡng cửa nhà nguyện. Đó là một tục lệ xưa và tôi nghe nói không một vị tsaddik nào, không một vị gaon 38 nào chống đối cả; vì trong lúc dâng Kinh thánh Tora, những ác thần không có quyền uy và đến ngày nay cũng vẫn còn như vậy.

Sau bài kinh cầu lễ Moussaf, 39 tôi trở về nhà với chủ nhân. Ông này ngồi chồm hổm trên chiếc chiếu và bắt đầu hát lên những bài thánh ca thật hay để tôn vinh Chúa đã chọn dân tộc Do thái và đã cho họ lễ Chabbath. Rồi ông lại ca lên những bài ngợi khen Do thái đã được Chabbath. Rồi, ông lại thốt lên những lời ca tụng Chabbath, vốn là lễ thánh, nên thánh hóa tất cả những ai biết tuân theo mình. Sau đó chúng tôi rửa tay và chúng tôi ngồi vào ăn. Bữa ăn chấm dứt, nhưng chưa dứt những bài zemiroth. Tôi hỏi ông ta: “Những bài ca đó, ai cho ông vậy?” Ông trả lời: “Cha tôi. Ông là một haham đại tài, ông biết được tất cả những gì người ta viết trong sách”. Tôi nói: “Thế những cuốn sách đó đâu rồi?”. Ông ta đặt tay vào cái lỗ trên tường và kéo ra một gói sách, đầy cả những bài thơ thánh, thật hay, trong số có một bài của Rabbi Dossa Ben Rabbi Panouel, tác giả bài ca El Adonn (“Đức Chúa Trời”). Ông ta không ký tên dưới bài thơ vì khiêm tốn, nhưng trong câu thứ tư, là câu ông tán tụng hành động của thiên thần “Tri thức” và của thiên thần “Lý trí”, vây quanh hào quang của Chúa – xin ngợi ca Người – ông xen vào những chữ đầu của tên ông.

Tôi cũng khám phá được trong một quyển sách những bài thơ của Mar Rav Adiel, tác giả bài thánh ca “Dân tộc mà Chúa đã tạo ra sẽ tuân theo những điều răn thánh thiện của Chúa”, cũng như những bài thơ xưa khác, tất cả đều không có tên tác giả. Tôi xin ông chủ nhà bán quyển sách đó cho tôi. Ông bảo: “Tôi sẽ không bán cho ông, dù ông có cho tôi một con bò”. Tôi nói: “Xin ông cho phép tôi chép lại hai hoặc ba bài thơ”. Ông trả lời: “Dù ông có cho tôi một con cừu, tôi cũng không cho phép ông chép nữa”. Ông ta không nhường lại cuốn sách dù để lấy một con bò và cũng không cho chép lại dù để lấy một con cừu. Thất vọng, tôi bỏ đi và vào thành phố. Ba ngày sau, ông ta tìm đến tôi và cho tôi quyển sách. Tôi biếu ông một số tiền, nhưng ông từ chối. Tôi cố nài ép, nhưng vô ích. “Có thể, tôi nói, số tiền tôi trả không vừa ý ông đấy”. “Không, ông trả lời, tôi tặng ông quyển sách với lời ban phước lành của tôi”. Tôi nói với ông: “Tại sao ông cho tôi mà không lấy gì cả?” Ông trả lời: “Chuyện đó liên quan gì đến ông? Ông muốn có quyển sách, tôi tặng nó cho ông”. Tôi nói: “Tôi không muốn lấy nó mà không trả tiền. Tôi sẽ trả cho ông đúng giá của nó”. Ông ta chắp tay sau lưng và bỏ đi. Thật khó xử cho tôi khi phải lấy của một người nghèo như thế kia một món đồ quí giá đến như vậy mà không trả tiền.

Tôi đi gặp những bậc hiền triết trong thành phố để nhờ họ khuyên bảo. Khi họ thấy tôi, tức thì họ lật đật đi ra đón tôi và tiếp tôi rất nồng hậu. Tôi nói với họ: “Thưa các ngài, các ngài đã thấy được cái gì nơi tôi mà lại cho tôi được cái hân hạnh này vậy?” Họ trả lời tôi: “Làm sao chúng tôi có thể không tôn kính một người được ân sủng của Trời?” “Các ngài đã nói một điều mà tôi tự thấy không xứng đáng. Do đâu mà các ngài cho là Trời ban đặc ân cho tôi thế?” Họ trả lời: “Một người đàn ông trong làng đã đến đây và kể lại cho chúng tôi nghe ông ta nằm mơ thấy thế này: người ta bảo ông ta đem tặng cho ông một quyển sách mà cha ông ta đã để lại, và cha ông ta đã nhận quyển sách của ông nội ông ta, một quyển sách truyền từ đời này sang đời khác”. Tôi bảo họ: “Cũng vì cuốn sách ấy mà tôi đến thăm các ngài đây. Các ngài thử đánh giá nó đi và tôi sẽ trao cho các ngài số tiền đó”. “Xin Chúa chớ để chúng tôi lấy tiền của ông!”, họ nói. “Tôi thề với các ngài, tôi sẽ không rời khỏi nơi này trước khi các ngài chịu cho tôi biết các ngài đánh giá quyển sách này là bao nhiêu”. Trước sự bướng bỉnh của tôi, họ nhận lấy vài đồng vàng. Tôi trao cho họ số tiền đó. Tôi không biết cái ông nghèo khổ kia có nhận số tiền mà tôi để lại cho ông ta hay không. Có thể người ta đã bảo cái ông nằm mơ nọ đem số tiền cúng cho một hội từ thiện nào đó và ông ta đã làm theo. Đấy là câu chuyện tập thơ đó, tập thơ mà tôi đã có được hồi tôi làm quen với Guemoula. 18Maguen-David, cái mộc của David, vua Do thái vào khoảng 1010-970 trước Kỷ nguyên Tây lịch. 19Trường cao cấp chuyên nghiên cứu Pháp điển Do thái [Kinh Talamud], hay là chủng viện rabbi Do thái. Những người theo học ở đây gọi là Yechivoth. 20Hay tsadik [zađik] người ngay thẳng và thánh thiện, đức độ, người dẫn đạo tinh thần của một cộng đồng Hassidic. 21Ngày nghỉ thiêng liêng cuối tuần mà theo luật của Moise thì người Do thái phải tuân theo, ngày dành cho Chúa. Cũng viết là Sabbath. 22Cantique des Cantiques, một tập thơ trong Thánh Kinh. 23Psaume. 24Một trong những nhà tiên tri lớn nhất của Do thái [vào khoảng 650-590 trước Kỷ nguyên Tây lịch]. 25Bình yên ngày Sabba. Lời chào và từ giã. 26Số nhiều của chữ zérima, những bài hát tôn giáo, thường hát quanh bàn ăn trong ngày Sabba. 27Học giả tôn giáo, người có thế giá về Luật; danh hàm của những vị đứng đầu các Hàn lâm giáo sĩ Do thái. 28Tiếng Hy bá là Mùsàpha, lễ buổi sáng thêm vào ngày Sabbath hoặc vào các lễ khác.

VI

Guemoula trong trắng như mặt trăng. Mắt nàng long lanh, gương mặt nàng chiếu sáng như sao mai và giọng nói của nàng dịu dàng như bóng đêm. Khi nàng mở miệng để hát, thì hình như tất cả những cánh cửa của âm nhạc đều mở ra.

Guemoula lên mười hai tuổi, vào cái năm mà lầu đầu tiên Gamzou đến nơi nàng ở, nhưng ánh sáng trí thông minh của nàng chói lọi như ánh sáng của một người đàn bà trưởng thành, vì cha nàng đã để lại cho nàng những kho tàng đạo lý mà tổ tiên ông đã để lại cho ông. Nàng là con gái duy nhất của ông, bởi vì vợ ông mất ngay khi sanh ra nàng, và ông không tục huyền. Vì không đành thấy mất đi bao nhiêu là đạo lý, ông đem truyền lại cho con gái ông. Gamzou ở lại trong nhà Guemoula trọn một năm. Anh đã mạnh trở lại và anh đi Vienne để chữa mắt. Anh ở lại thành phố này một năm và rời khỏi nơi đó chỉ còn một mắt. Trong suốt thời gian anh nằm bệnh viện, anh tự an ủi với ý nghĩ là khi nào ánh sáng của đôi mắt được trả lại cho anh, anh sẽ trở về tìm lại Guemoula. Nhưng khi anh rời bệnh viện, anh không có tiền để thực hiện cuộc hành trình, vì mấy ông bác sĩ đã nuốt mất tất cả những gì anh đã chịu khó nhọc để dành dụm. Akiba Amrami gặp anh và nói với anh là Ovadya và Ovadovitch đang tìm một người như anh, một người sẵn sàng thay họ đi khắp các xứ xa để đem những quyển sách về. Hai người chỉ dẫn cho anh tất cả những nơi mà anh phải đến viếng và đưa cho anh số tiền lộ phí cần thiết. Nhờ Trời, anh đã thành công trong sứ mệnh của anh và làm hài lòng những người đã giao phó nó cho anh. Họ trả cho anh rất hậu và anh có thể lên đường đi tìm lại Guemoula.

Nhưng cùng lúc ấy có một biến cố xảy ra trong xứ của Guemoula, một biến cố không có thể xảy ra được dù chỉ một lần thôi trong vòng năm mươi năm. Một người thánh thiện, một vị haham thành Jérusalem, đã tới xứ của Guemoula, và ở lại đó sáu tháng.

Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày ông rời bỏ họ để ra đi, thế mà tên ông vẫn còn trên môi tất cả mọi người. Những bệnh nhân kể lại rằng vị haham Guideon đã chữa họ lành bệnh và những người khác kể lại là ông ấy đã dạy cho họ những điều làm vơi được những nỗi khổ của cuộc đời. Ông ấy chỉ cho họ cách ngừa các bệnh tật nữa, kể cả những bệnh của các trẻ sơ sinh phải chết vì “con mắt xấu”. Tất cả các việc đó, ông đã làm không công, từ chối cả tiền bạc mà người ta biếu cho ông. Và khi người ta cho ông một món quà, ông cho lại một món khác. Gamzou cho rằng Guideon này không phải là một vị haham ở thành Jérusalem, mà là một nhà bác học Âu châu, một nhà nhân chủng học hay một chuyên gia tương tự như vậy. Bằng chứng là ông đã ghi lại trong một cuốn tập tất cả những bài Guemoula hát và cả đến những câu chuyện nàng nói với cha nàng nữa. Ông ta còn ghi lại tất cả những gì cha con họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của họ nữa, thứ ngôn ngữ mà họ bịa ra để dùng riêng.

Vậy là Gamzou trở về với Guemoula. Khi cô này gặp lại anh, cô vui sướng như một vị hôn thê tìm thấy lại hoàng tử của lòng mình. Nàng quay cho anh một con dê con, nướng cho anh những cái bánh kẹp trên lửa và hát cho anh nghe tất cả những bài hát mà vị haham Guideon đã từng thích. Nàng không để ý đến những lời bình phẩm của một người láng giềng tên là Guedi Ben Gueim, là người cho rằng Guemoula phải được dành cho anh ta, vì nàng đã bú sữa của mẹ anh. Thật vậy, khi mẹ Guemoula chết lúc sinh ra nàng, nàng được mẹ Guedi đem về nuôi.

Hồi đó có một chuyện rất bất hạnh xảy đến cho cha của Guemoula. Lúc ông leo lên đỉnh một ngọn núi để xem những con diều hâu thay lông ra sao, ông bị một con mổ ông, nó không thấy được Guevarya là một người hiếu hoà, ông không có khí giới, ông không có cả một cây gậy nữa. Guevarya chống lại con chim bắt mồi và nếu ông không thắng nổi nó, thì ông đã bị giết và bị nó ăn mất rồi. Nhưng những móng nhọn của con diều hâu cắm sâu vào cánh tay trái của ông và rứt thịt để ăn. Vì lơ là trong việc săn sóc vết thương Guevarya ngã bệnh và chết.

Trước khi chết, ông có tổ chức cho Gamzou và Guemoula một đêm khiêu vũ. Theo thông lệ trong xứ thì một trong bảy đêm trước ngày đám cưới phải được dành để khiêu vũ. Đêm hôm ấy, đám trai trẻ đến và mỗi người bắt đi một cô để khiêu vũ. Gamzou biết là Guedi Ben Gueim định bắt Guemoula đi. Thế nên anh đến trước anh này, dành lấy Guemoula và cưới nàng.

Lễ cưới kéo dài bảy ngày và bảy đêm. Guevarya nằm dài trên giường ông và dùng cánh tay còn lành điều khiển những điệu nhảy. Mỗi đêm có bảy điệu nhảy khác nhau và mỗi ngày có tám điệu. Như vậy có nghĩa là Guemoula sẽ có một đứa con trai được cắt da qui đầu vào ngày thứ tám. Ngày thứ bảy, khi tiệc cưới chấm dứt, Guevarya trút linh hồn.

Guemoula khóc cha mất suốt bảy ngày bảy đêm; mỗi ngày mỗi đêm, nàng hát những điệu nhạc đau buồn và những lời khóc than. Và khi nàng mãn tang, nàng làm một buổi lễ long trọng với bài điếu văn, những bài ca và những điệu nhảy phi thường và kỳ diệu.

Vào khoảng ba mươi ngày sau, Gamzou bắt đầu nói với nàng về chuyện ra đi. Guemoula lắng nghe mà không hiểu. Và khi rốt cuộc nàng hiểu được, nàng giận anh ta. Tuy nhiên, dần dà, nàng xiêu lòng và chịu theo anh. Nhưng nàng cứ dời chuyến đi lại từ tuần này qua tuần khác và từ tháng nọ qua tháng kia. Trong suốt những ngày đó, mặt trăng để yên cho nàng. Vì cái tang của nàng, hình như vậy, trăng không có một ảnh hưởng nào đối với nàng cả. Hơn nữa nàng lại được những lá bùa che chở. Chưa thấy có một thay đổi nào trong tâm hồn nàng. Nàng như một trái sung chín và ngọt dịu còn dính chặt trên cây.

Một năm tang trôi qua, chính tự nàng bảo rằng nàng sẵn sàng ra đi. Gamzou thuê hai con lạc đà và hai người đi về phía sa mạc, nơi các đoàn lữ hành thường bắt đầu lên đường. Họ đi theo một trong những đoàn người đó và bốn mươi ngày sau, họ đến một nơi có người ở. Gamzou mua cho vợ mình giày dép, áo dài và một cái khăn quàng; họ tiếp tục cuộc du lịch và đi đến một hải cảng. Họ thuê một chiếc thuyền và đi Erets-Israel. Chính vì vậy mà Chúa – xin ngợi ca Người – che chở họ khỏi mọi bất hạnh. Nhưng đến Erets-Israel thì lại khác hẳn. Alcheh viết: Trong sách Guemara 40 người ta đặt câu hỏi không biết con người bị xét xử mỗi ngày hay chỉ vào ngày Roch-Hachana thôi. Câu trả lời là: ở ngoài xứ, con người bị xét xử vào ngày Roch-Hachana mà thôi, nhưng ở trong xứ, con người bị xét xử hàng ngày. Mỗi ngày, Chúa – xin ngợi ca Người – cho đòi họ ra trước toà án của Người. Sau lần xét xử đầu tiên, Gamzou kể lại, Guemoula không còn cất giọng và hát lên những bài ca đáng yêu của nàng nữa. Rồi nàng lại nhịn không nói. Rồi nỗi buồn xâm chiếm nàng. Và rồi nàng lâm bệnh nặng. Thế là nàng bắt đầu hành hạ chồng nàng và những nỗi khổ của người chồng càng ngày càng tăng thêm lên.

Trong khi Gamzou kể lại cho tôi cả câu chuyện đó, tôi nghe như có tiếng ai mở cửa sổ và tôi nghe một giọng đang nói. Tôi không sợ, nhưng tôi ngạc nhiên, vì ngoài hai chúng tôi ra, không còn có ai trong nhà và trong hai chúng tôi không ai đã mở cửa sổ cả. Tôi bắt đầu nghĩ đến chiếc xe lửa mà tôi mơ thấy đêm qua, nghĩ đến cánh cửa sổ đang để mở. Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái quyền lực của một giấc mơ có thể trở lại và làm cho ta tin ở sự có thật của nó. Một lần nữa tiếng nói lại cất lên. Tôi lắng tai nghe và tự nhủ chắc Guinath đã trở về và ông đã mở cửa sổ. Phải rồi, thế nhưng những lời tôi vừa nghe, nó ở đâu đến vậy? Gamzou để ý thấy tôi đang nghĩ đến chuyện khác nên anh nói: “Anh mệt, có lẽ anh muốn đi ngủ rồi”. Tôi bảo anh ta: “Tôi không mệt và tôi cũng không muốn đi ngủ.” Gamzou nói: “Anh bị mất sức à?” “Tôi nghe có tiếng ai bước,” tôi trả lời. Gamzou nói: “Không có tiếng động nào hết, một tiếng nhỏ nhất cũng không nghe nữa, anh có thể tin ở lỗ tai của tôi.” “Có lẽ tôi nhầm,” tôi nói, chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện đi.”

Gamzou kể cho tôi nghe tất cả những gì xảy ra cho Guemoula ở Jérusalem. Nhiều lần, nàng suýt chết. Nếu Chúa – xin ngợi ca Người – không đến cứu nàng, thì nàng đã không chịu nổi, dù chỉ một ngày thôi. Nhưng lòng nhân từ của Chúa thật lớn. Người đem đến cho con người những nỗi khổ và Người cho họ sức mạnh để chịu đựng.

Tôi không biết là sự việc đã tiếp diễn như thế nào. Nhưng tôi nhớ là Gamzou lại kể cho tôi nghe câu chuyện cái áo một lần nữa, câu chuyện đã nhắc anh nhớ lại thầy anh và thời anh giao du với mấy người yechivoth.

Các bạn đã biết Gamzou, và đã biết là anh ta giao thiệp rộng. Ngày nay tất cả những vị hahamia từ Đông phương cho đến Tây phương đều tìm anh ta để mua sách và bản thảo. Nhưng hồi trước, anh ta đã sống những “ngày lãng phí” giống như tất cả những anh bahourim 41 trong số những người yechivoth. Có một lần, một trong những người chủ anh ở trọ sai anh đi mua một bản rút ngắn quyển Choulhann Aroukh. 42 Ở hiệu sách, anh có dịp thấy một cuốn sách lạ lùng, khác hẳn những cuốn sách khác, trong đó những hàng chữ dài xen kẽ với những hàng chữ ngắn và tất cả các đoạn đều có chấm phẩy. Có nhiều hàng giống như đoạn Hallel tuyệt diệu của các thiên thần và nhiều hàng khác giống như những lời xưng tội Al Heth. Anh xem xét những hàng chữ đó suốt cả một giờ một cách ngạc nhiên, vì chưa bao giờ thấy có một cuốn sách như vậy. Người bán sách đòi bán với giá bốn mươi xu. Đối với một sinh viên yechiva, thì số tiền khá nhiều. Dù có đem bán chiếc áo choàng của anh, anh cũng không có được một số tiền như vậy. Anh có một cái tủ đứng do một người thợ mộc đóng cho anh vì anh đã dạy ôn sách Talmud cho con trai ông. Cái tủ đó là một món đồ xa xỉ đối với anh, vì ngoài những quần áo anh mặc trên người, tất cả những gì đem đi được của anh có thể gói trọn trong một chiếc áo sơ mi. Khi anh nhận cái tủ đó, anh rất hãnh diện có một món đồ đẹp như vậy. Anh đưa ông bán sách cái tủ của anh và người này trao cho anh cuốn sách. Đó là cuốn Divan 43 của Yehouda Halevi, do Samuel David Luzatto xuất bản. Gamzou đọc đi đọc lại cho đến khi anh thuộc lòng tất cả những bài thơ trong đó. Nhưng anh ta còn muốn đọc nữa. Anh bắt đầu lục soạn trong những cuốn Nghi thức xưa, những sách kinh và những sách ghi những lời ta thán và chép lại nhiều đoạn. Anh không có tiền để mua giấy ghi lại tất cả những gì anh thích. Anh làm thế nào đây? Anh chỉ ghi lại những đoạn đầu và những đoạn cuối của những bài thơ. Quá bận rộn vì những bài thơ lễ chế, anh rời bỏ yechiva và theo làm cho người bán sách. Thấy anh hiểu biết nhiều về sách vở, người bán sách cho anh đến nhà các bà goá phụ được chồng để lại cho những tủ sách, và đến nhà những người giàu muốn vứt bỏ những sách thánh. Sau này, Gamzou mua sách cho chính anh và bắt đầu chu du các xứ xa, đến những vùng mà chưa có một người Âu châu nào đặt chân đến. Anh đến tận những vùng kề sát sa mạc và mang về nhiều sách và nhiều bản thảo mà những người sành về sách vở nhất cũng không biết. Anh cũng tìm ra cả những cuốn “Divan” không ký tên, được viết bởi những tác giả, vì tinh thần thánh thiện và khiêm tốn, đã giấu tên mình.

Gamzou vấn một điếu thuốc nhỏ và để xuống trước mặt. Anh dụi con mắt hư và cười bằng con mắt lành. Anh lại lấy lên điếu thuốc đã tắt và nói: “Khi tôi rời khỏi thế gian này, người ta sẽ đem tôi đến nơi nào người ta đặt những người chết cùng một loại như tôi. Tôi sẽ ngủ nơi đó trong sự tủi nhục của tôi và tôi sẽ thấy người ta rất công bằng khi đặt tôi ở chỗ mà người ta đã đặt tôi. Lấy quyền gì mà tôi đòi một chỗ tốt hơn, tôi là con người không có cái gì xứng đáng và không làm được những việc thiện? Lúc bấy giờ, cùng một loạt, vô số những Tà Thần sẽ đến, phát sinh do những tội lỗi tôi đã phạm, và những tà thần ấy sẽ xin toà án tối cao đày tôi xuống địa ngục. Và tôi, tôi sẽ làm gì, trong lúc chờ đợi phán quyết của toà? Tôi sẽ lặp lại những bài piyoutim 44 mà tôi đã thuộc lòng cho đến lúc tôi quên được tôi đang ở nơi nào. Lòng tôi sẽ xúc động đến độ tôi cất cao giọng. Những thi sĩ thần thánh sẽ nghe thấy và nói: 'Giọng nói của ai phát ra từ đáy mồ vậy? Chúng ta hãy đi xem đi!' Họ sẽ xuống và sẽ nhìn thấy cái linh hồn hèn mạt này. Họ sẽ ôm tôi trong những cánh tay thánh của họ và nói: 'Chính người là kẻ đã kéo chúng ta ra khỏi đáy sâu của quên lãng đó phải không?' Họ sẽ mỉm cười với tôi một cách thành kính nhũn nhặn và nói: 'Gavriel, hãy đến với chúng ta!' Và họ sẽ kéo tôi về với họ và tôi sẽ núp dưới bóng thánh thiện của họ. Đó là niềm an ủi của tôi!”

Gamzou mỉm cười vẻ giống như một kẻ bị gạt muốn làm cho người khác tin rằng mình chỉ nói đùa thôi. Nhưng tôi là người quen anh ta quá nhiều, tôi biết là anh tin vào những gì anh nói hơn là anh muốn tự thú với mình điều đó. Tôi nhìn anh: anh có vẻ như một người Do thái của thời Trung cổ bị lạc vào thế kỷ này, chỉ cốt để khám phá những bản thảo và những ấn phẩm dành riêng cho những nhà sưu tầm và những nhà uyên bác, những người đem ghi chép và bình giải, để cho những kẻ như tôi đây đọc và lọc luyện tâm hồn khi tiếp xúc với những bài thơ tuyệt diệu ấy.

Gamzou chịu đựng những nỗi khổ của anh, tự an ủi bằng cách nghĩ đến những gì chắc chắn sẽ đến với anh. Thế nhưng anh đau đớn thấy vợ mắc phải một chứng bệnh nan y. Tôi bắt đầu nói với anh về những bệnh viện nơi đó bệnh nhân tìm thấy được phần nào những gì họ cần. Tôi bảo anh nên đem Guemoula vào một trong những bệnh viện đó. “Về chuyện tiền,” tôi nói với anh, “thì thế này, anh đã có mười hai đồng mà anh gửi nơi tôi, và số còn lại sẽ kiếm thêm sau.”

Gamzou sửa lại cái mũ chóp trên đầu và nói: “Mười hai đồng đó là tiền tôi bán mấy bản thảo cho một người lạ cùng với mấy lá bùa.” Tôi hỏi anh ta có nghĩ là người mua đã lấy mấy lá bùa đó vì gian ý không. “Tôi không nghi ngờ gì cả,” anh trả lời, ”có thể người mua không để ý thấy. Cũng có thể, khi họ thấy được, họ tự bảo: “vì những lá bùa đã lọt vào tay ta, thì nó là của ta rồi.” Có thể họ lý luận khi thì như thế này khi thì như thế nọ. Luân lý chấp nhận những lối dàn xếp như vậy. Một người giải thích sự việc theo những nhu cầu của quyền lợi mình không phải vì vậy mà không ngay thẳng. Tôi hỏi anh ta người mua có biết những lá bùa đó có quyền lực không. “Làm sao họ biết được điều đó?” Gamzou trả lời tôi, “nếu người ta không bảo cho tôi biết điều đó, thì tôi, tôi không bao giờ biết được. Vả lại những người bác học tân tiến họ không tin bùa chú đâu. Khi họ nghe mình nói đến mấy thứ đó, họ cười mình. Và nếu họ mua nó, thì chỉ vì họ coi nó như những vật để nghiên cứu phong tục địa phương thôi. Ồ, phong tục, phong tục!… Tất cả những gì họ không giải thích được, đều là phong tục địa phương hết!… Họ chẳng biến Thánh kinh Tora của chúng ta thành đối tượng khảo cứu hay phong tục là gì? Có những người sống theo Kinh thánh Tora và hiến trọn đời mình cho những tập truyền của tổ tiên. Thế rồi những nhà bác học đến và biến Kinh thánh Tora thành đối tượng cho những tìm tòi của họ và coi những tập truyền của ông cha để lại như là phong tục địa phương.”

Xúc động vì những lời của Gamzou, tôi nghĩ đến những nhà bác học đã mua những vật được người bán xem như là bùa chú, thế mà, đối với họ, những vật đó chỉ là những vật mua được thường tình và còn vô dụng nữa là khác. Tôi nhìn con người đáng thương ấy cúi mọp dưới sức nặng của những nỗi khổ mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã ban cho. Nếu chúng ta có quyền xét đoán con người căn cứ vào hành động của họ, thì chúng ta chắc chắnkhông xét đoán Gamzou căn cứ vào những hành động mà anh đã làm trong kiếp đầu thai hiện tại của anh. Nhưng tại sao tôi lại nhét vào đầu mình những thứ ý nghĩ đó? Một người như tôi phải biết sung sướng được Chúa – xin ngợi ca Người – đã có một lúc không để ý đến mình. Tôi đưa tay lên trán như để đuổi đi những tư tưởng của mình và tôi nhìn chăm chăm vào con người đang ngồi cạnh tôi.

Tôi nhận thấy anh quay đầu vào vách và lắng tai nghe. Điều đó làm tôi kinh ngạc. “Hình như anh đang lắng tai nghe những gì mấy viên đá trong tường nói với nhau đấy,” một lúc lâu sau tôi đã nói như vậy. Anh nhìn tôi mà không trả lời. Và một lần nữa, anh lắng tai nghe. Hai mắt anh chiếu sáng. Không còn sự khác biệt nào giữa con mắt hư và con mắt kia nữa – trừ mỗi chỗ là con mắt hư đầy kinh hoàng và con mắt kia đầy giận dữ. Tôi kết luận là chắc anh đã nghe thấy những gì làm anh nổi giận và tôi hỏi anh nghe được những gì. Anh giật nẩy mình như bị kéo ra khỏi một giấc ngủ say và nói: “Tôi không nghe gì cả, thế còn anh, anh có nghe thấy gì không?” Anh xát nơi lỗ tai và nói: “Giác quan của tôi đã đánh lừa tôi”. Anh bắt đầu lục soạn trong các túi anh và lôi ra một ít thuốc lá, rồi đem để lên bàn:

“Không phải anh đã nói là anh nghe có tiếng bước à?”

“Tôi nói điều đó hồi nào vậy?”

“Anh nói hồi nào? Anh vừa mới nói đây mà.”

“Thế không phải anh đã trả lời là không có tiếng động tiếng dội gì hết sao?”

“Vâng, tôi có trả lời như thế và tôi vẫn còn tin như thế. Nhưng bây giờ nếu anh bảo tôi là anh nghe có tiếng gì, tôi sẽ không nói trái với anh đâu”.

“Vậy ra anh đã nghe tiếng gì à?”

“Tôi chẳng nghe gì cả.”

Trong trường hợp đó, ta hãy tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở đi. Ta đang nói gì nhỉ?”

“Thật tình, tôi cũng không nhớ nữa.”

“Vậy thì ra những lời nói của anh đối với anh không mấy quan trọng đến nỗi anh không thèm nhọc công nhớ lại nữa à?”

“Trái lại đấy!”

“Trái lại: như thế có nghĩa là gì?”.

“Như thế có nghĩa là những câu chuyện giữa các con dân Do thái nói với nhau cũng quan trọng nhiều như những bài hát và những bài thánh ca ngợi khen, nhưng khi người ta muốn hát tiếp lại, thì nó không còn giữ được cùng những âm hưởng lúc đầu nữa. Tôi có ý kiến này: tôi sẽ đem Guemoula đến làng Atrus.”

“Tại sao lại đến làng Atrus?”

“Bởi vì làng Atrus nằm trên lãnh thổ của Gad, và Guemoula thuộc về bộ lạc của Gad. Không khí trong xứ sẽ làm nàng khoẻ lại. Tôi không bao giờ quên được nỗi vui mừng của nàng vào cái ngày mà Guedi Ben Gueim sửa soạn bắt nàng đi và tôi đã ra tay trước anh ta. Tôi sẽ cho trọn cả thế gian này chỉ để được nghe lại một lần nữa tiếng cười vang của Guemoula dạo ấy. Bây giờ, xin hỏi một câu: tất cả những gì anh kể cho tôi nghe về ông bác sĩ đó, tôi muốn nói Giáo sư Guinath, tôi rất lấy làm thích thú. Những nhà hiền triết của chúng ta – ước rằng nhớ đến họ là một điều lành cho ta! – đã nói: Ai là người hiền triết? Là người biết chỗ đứng của mình. Nếu được phép thêm một cái gì vào lời nói của các nhà hiền triết chúng ta, tôi sẽ thêm vào câu tục ngữ như thế này cho đủ: 'Và đó là kẻ mà những người khác không biết được chỗ đứng ở đâu.' Dù sao, tôi rất ngạc nhiên thấy anh chưa bao giờ gặp được Giáo sư Guinath, khi mà hai người ở cùng một nhà. Ông ấy già, hay còn trẻ? Anh thấy sách ông ta ra sao? Anh đã gợi cái tính tò mò của tôi về những chuyện mà tôi không hề quan tâm đến. Tại sao vậy?”

“Tôi sẽ cho anh thấy,” tôi nói, “là chúng ta có nhiều nhà bác học đóng những vai trò quan trọng và những ký giả tung danh tiếng của họ ra khắp thế giới, thế mà chúng ta lại không hề mảy may để ý tới họ. Cái ông Giáo sư Guinath này không có một địa vị nào cả, báo chí không dành cho ông một bài khen tặng nào và chúng ta ngạc nhiên về điều đó! Và chúng ta vẫn muốn biết ông! Chính anh đã nói với tôi, anh Gamzou ạ, chính anh đã nói rằng anh sẽ chỉ đọc sách của ông ấy trong lần đầu thai thứ hai hoặc thứ ba của anh thôi, thế mà bây giờ anh đã chú ý đến ông ấy rồi!”

Gương mặt của Gamzou đột nhiên biến qua đủ màu. Rồi các màu đó biến mất và gương mặt anh ta tái xanh. Rồi, nó trở qua màu xám, càng lúc càng xám thêm, và cuối cùng nó giống như một khối chất vô hình thể, trên đó người ta có thể nhận thấy một vẻ ngạc nhiên sợ hãi. Tôi nhìn anh ta và tôi cũng sợ hãi đến đỗi tóc tôi dựng đứng cả trên đầu. Trong đời tôi, tôi chưa hề thấy một người nào có gương mặt thay đổi như thế. Gamzou chụp lấy tay tôi và nói: “Chuyện gì thế này?” Tôi không trả lời anh ta. Tôi im lặng và tôi rút bàn tay tôi ra khỏi tay anh mà anh không hay. “Lúc nãy anh làm sao vậy?” tôi hỏi anh. Anh tỉnh lại, bối rối mỉm cười, đưa tay phác một cử động và trả lời: “Giác quan lại lạm dụng một thằng điên như tôi nữa.”

“Anh trả lời sao với tôi về việc đó?” tôi hỏi.

“Tôi không biết anh muốn nói về việc gì,” anh trả lời.

“Về vụ bệnh viện,” tôi nói.

“Tôi không thể nghĩ đến việc đó lúc này được,” Gamzou bảo.

“Vậy thì lúc nào anh mới nghĩ đến được?” tôi hỏi anh.

“Tôi không biết, dù sao đi nữa, lúc này không nghĩ được.” Anh ta đã trả lời như vậy.

Tôi trình bày cho anh ta thấy tất cả những gì có lợi cho anh ta nếu anh đem vợ vào nhà thương: “Vợ anh sẽ khoẻ hơn, và anh, Gamzou, anh có thể xả hơi được và có lẽ anh còn có thể đi xa và khám phá ra nhiều vật huyền bí nữa. Ngày nay, dường như trái đất đã mở miệng ra và để lộ cho chúng ta những gì mà các thế hệ trước đã chôn chặt trong đó. Anh xem Guinath đấy: ông ấy đã khám phá ra được những vật được giấu kín từ hàng ngàn năm. Như ngôn ngữ Ido và những bài ca Eynam, chẳng hạn. Nhưng tại sao lại nói đến Guinath? Chẳng phải chính anh, Gamzou, anh cũng đã khám phá ra những kho tàng xưa cổ mà chúng tôi không ai biết đến đó sao?

Mắt Gamzou nhìn thẳng vào tôi, nhưng tai anh lại để nơi khác – khi thì lắng nghe về phía cánh cửa lớn, khi thì lắng nghe về phía cửa sổ hoặc phía tường. Tôi thấy giận anh ta: “Gavriel, chắc anh có nhiều bộ óc thì phải. Chẳng những anh vừa lắng nghe cánh cửa lớn, cửa sổ và vách tường nói chuyện với nhau, mà anh lại còn lắng tai nghe từng chữ mà một con người như tôi đây đang đọc lên nữa.” Gamzou nhìn tôi: “Anh vừa nói gì thế?” “Không, tôi có nói gì đâu,” tôi bảo. “Còn tôi, anh ta nói, tôi chắc chắn đã nghe có người nói.” Bực mình, tôi hỏi anh nghe người ta nói bằng thứ tiếng gì – Ido hay Eynam? Gamzou nhận thấy tôi giận nên anh lặp lại bằng một giọng nghẹn ngào: “Anh có thể tin tôi hay không tin, chính tôi đã nghe thứ tiếng đó…!” “Tiếng gì?” “Thứ tiếng mà Guemoula và cha nàng nói, thứ tiếng mà hai người đã đặt ra cho vui. Thần kinh tôi suy yếu đến độ tôi tưởng như nghe được những lời không thể nào nghe được, tôi cũng sắp tin chắc là tôi đã nghe tiếng của Guemoula rồi đây.”

Tôi vẫn ngồi, im lặng, không thốt lên một lời. Nói gì đây với một con người mà trái tim đã bị ung nhọt và đang đi tìm an ủi bằng cách gợi lại những niềm vui trong thời họ từng được sống yên ổn? Gương mặt của anh không còn máu; chỉ có hai tai anh là còn nghe ngóng. Vẫn ngồi, anh lắng nghe một cách say sưa. Cuối cùng, anh đưa tay phác một cử động: “Chính óc tưởng tượng đang làm việc đây.” Anh cười một cách lơ đãng và nói: “Khi óc tưởng tượng xâm nhập một người, thì cái bóng của cái bóng in trên tường đối với họ dường như cũng là một vật hữu thể.” Anh ta đứng dậy: “Mấy giờ rồi nhỉ? Đã đến lúc tôi phải về nhà. Tôi sợ cái áo mà tôi để trước giường của Guemoula đã khô rồi. Ở Erets-Israel, mặt trăng toả ra sức nóng hơn cả mặt trời trong các xứ khác nữa”.

Anh ta lại ngồi xuống. Khi ngồi xuống rồi, anh nhìn trước mặt mình và thì thầm với một giọng buồn bã: “Một lời nói kín đáo thoáng đến với tôi; tai tôi nghe được tiếng thì thầm rất nhỏ.” “Anh lại buồn rồi,” tôi nói. “Tôi à,” anh ta vừa trả lời vừa cười, “tôi không buồn; chính Job thốt ra những lời này mới là buồn.” Tôi nhìn anh ta và muốn nói một điều gì. Nhưng thay vì tìm trong lòng tôi, tôi lại tìm trong túi và tôi lấy ra một tấm bưu ảnh do Greifenbach và vợ ông đã gửi cho tôi. Tôi nhìn kỹ tấm bưu thiếp: hình vẽ mặt trăng chiếu sáng trên những mái nhà. Gamzou rút trong túi anh ra giấy, thuốc lá và vấn một điếu nhỏ. Anh dán lại bằng nước bọt, để lên miệng và châm lửa. “Anh hút thuốc không?” anh hỏi tôi, “tôi sẽ vấn cho anh một điếu.” “Anh khỏi phải nhọc công, anh bạn ạ,” tôi trả lời. Tôi đi tìm gói thuốc lá của tôi, lấy một điếu và đốt hút. Ngồi đối diện nhau, chúng tôi nhả khói thuốc ra trên không. Khói bay lên và câu chuyện của chúng tôi chìm xuống. Tôi nhìn khói thuốc cuộn khoanh và nghĩ trong trí: nếu Gamzou đứng lên để ra về, tôi sẽ không mời anh ta ở lại. Nếu anh ra đi, tôi sẽ không gọi anh trở lại. Và khi anh đi rồi, tôi sẽ làm giường và tôi sẽ đi ngủ. Và nếu Chúa muốn, tôi sẽ thức dậy sớm ngày mai và sẽ viết vài chữ cho Gerhard và Gerda. Tôi sẽ cho họ biết là căn nhà của họ được giữ gìn tử tế. Còn căn nhà của tôi, nó không làm cho tôi lo lắng một tí nào cả. Có một hôm kẻ trộm đến viếng nhà tôi: sau khi chúng đi, tôi sửa ổ khoá lại và mua ống khoá mới và chắc. Kế đó tôi nghĩ đến vợ và các con tôi. Vợ con tôi đang ở miền quê, tôi tự nhủ, và chắc đều ngủ cả rồi, vì trong làng người ta có thói quen đi ngủ sớm. Không có cái anh Gamzou này, thì tôi cũng đã vào giường rồi. Phải chăng anh ta đến đây là một chuyện lạ kỳ? Anh ta sẽ làm gì nếu không gặp tôi? Tôi đưa tay ra và dời chỗ cây đèn. Trăng hiện ra và ánh sáng tỏa tràn ngập cả căn phòng. Mí mắt tôi nặng trĩu và đầu tôi bắt đầu lảo đảo. Tôi làm một cố gắng và đưa mắt nhìn xem Gamzou có bắt gặp sự dã dượi của tôi không. Tôi thấy anh ta để bàn tay lên miệng. Tại sao anh lại để tay lên miệng? Có phải anh muốn ra dấu cho tôi im lặng không? Nhưng tôi có nói gì đâu! Càng nghĩ nhiều, mí mắt tôi và đầu tôi nặng trĩu thêm. Đầu tôi gục xuống ngực và mí mắt tôi sụp xuống.

Hai mắt tôi muốn ngủ, nhưng hai tai tôi không cho phép, vì tiếng bước chân của ai ở phòng bên vọng lại: những bàn chân không đi trên nền nhà bằng đá. Tôi lắng tai và nghe một giọng hát lên: yedal yedal yedal va pa ma, yedal yedal yedal va pa ma. Tôi tự bảo: thần mộng đã trở về. Mặt trăng hiện ra và tràn lên mắt tôi. Ta biết ngươi rồi, tôi nói với nó, có phải ngươi nằm trên tấm bưu ảnh không? Giọng hát lại vang lên: yedal yedal yedal va pa ma. Mặt trăng soi sáng cho giọng hát và từ giọng hát hiện rõ hình ảnh một người đàn bà. Vậy ra Greifenbach đã nói thật, tôi nghĩ, Guinath đã tự tạo ra cho mình một cô gái! Nhưng tại sao đột nhiên mấy ngón tay tôi đau buốt? Tôi mở mắt ra và thấy Gamzou đứng nắm chặt bàn tay tôi. Tôi rút tay tôi ra khỏi tay anh ta và nhìn anh, kinh ngạc. Gamzou tỉnh trí lại. Anh ta nhắm con mắt lành của anh lại, con mắt không mấy chốc đã đi sâu vào giấc ngủ, trong khi con mắt mù của anh lại sáng lên. Tôi tự hỏi tại sao anh ta siết tay tôi. Chắc hẳn anh muốn tôi nghe tiếng hát. Vậy thì đây không phải là một giấc mơ, có một giọng hát đã hát lên thật. Hát bài gì? Bài hát của một người đàn bà! Và người đàn bà đó bước nhịp theo tiếng hát. Tôi cười thầm trong bụng khi nghĩ là ở đây có một cô gái được tạo ra do óc tưởng tượng. Để đánh tan mọi sự nghi ngờ về chuyện đó tôi quyết định hỏi Gamzou nghĩ gì. Gamzou nhắm con mắt mù của anh lại cùng lúc với con mắt kia và trên gương mặt anh ta tràn ra một nụ cười giống như nụ cười của một chàng thanh niên thấy được người yêu dấu của lòng mình. Không muốn kéo anh ra khỏi giấc mơ, tôi đưa mắt nhìn xuống và im lặng.

Giọng hát trở lại. Lần này, giọng không hát, mà lại nói. Bằng thứ tiếng gì? Bằng một thứ tiếng dĩ nhiên là không thuộc về những thứ tiếng mà chúng ta được biết. Tôi muốn hỏi Gamzou. Tôi ngước mắt lên và tôi thấy ghế anh bỏ trống. Gamzou không còn đó nữa! Tôi kiếm anh ta khắp quanh tôi. Tôi đứng dậy, đi từ phòng này qua phòng nọ mà không tìm thấy anh. Tôi trở lại phòng tôi và ngồi xuống. Tôi chờ mười phút qua, nhưng anh không trở lại. Tôi tự hỏi không biết có điều gì bất lành xảy đến cho anh không. Phải đi xem thử mới được, tôi tự nhủ. Tôi đứng dậy và đi tìm anh ngoài hành lang. Không có Gamzou. Tôi nhất định trở về phòng tôi và tiếp tục chờ anh nơi đó. Nhưng tôi bỗng chú ý đến một căn phòng được cất lên để làm soucca 45 và cũng là lối vào phòng Guinath. Tôi đưa mắt nhìn vào và tôi thấy Gamzou đứng sau một cánh cửa. Tôi tự hỏi anh ta có thể đang làm cái gì ở đó. Một bàn tay đưa ra và đẩy cánh cửa. Và trước khi tôi ý thức được những gì hai mắt tôi trông thấy, cánh cửa hé mở, để lọt ánh sáng vào; ánh sáng làm tôi chú ý và tôi đưa mắt nhìn vào phía trong căn phòng.

Ánh sáng trăng tràn ngập căn phòng, ở đó có một người đàn bà mặc đồ trắng đang đứng, hai chân không, tóc rối bù, mắt nhắm nghiền. Một người đàn ông trẻ tuổi, ngồi trước một chiếc bàn, gần cửa sổ, ghi lên giấy tất cả những gì người đàn bà kể lại. Tôi không hiểu một chữ nào về những gì người đàn bà nói và tôi rất lấy làm nghi ngờ sao trên đời lại có một người có thể hiểu một thứ tiếng huyền bí đến như vậy. Người đàn bà nói và cây bút viết. Có một điều rõ ràng, là người đàn ông không ai khác hơn là Guinath. Ông ta đến lúc nào và ông ta đã đi vào phòng lúc nào? Trong khi tôi đang nói chuyện với Gamzou trong phòng khách nhà Greifenbach. Chắc hẳn ông đã đem người đàn bà vào qua cửa sổ. Bởi thế nên tôi đã nghe tiếng một cánh cửa sổ mở ra và những bước chân không đi trên mặt đất.

Tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện một lúc đến nỗi tôi quên mất Gamzou và không để ý là anh ta đang đứng bên cạnh tôi. Bấy giờ Gamzou – ôi cái anh Gamzou này! – làm một việc khác thường. Quên hết mọi phép lịch sự, anh nhảy vọt, xông vào trong căn phòng, vung hai cánh tay ôm ngang dưới bụng người đàn bà. Cái người đàn ông rụt rè, suốt đời chỉ lo phụng sự cho vợ mình đó, bây giờ đây lại nhào vô trong một căn phòng lạ để ôm chặt một người đàn bà lạ!

Đến đây thì mọi chuyện đều bắt đầu phức tạp, và tôi ngạc nhiên vì không thể nhớ nó đã xảy ra như thế nào. Nó kéo dài trong có một khoảnh khắc nhưng lại diễn ra rất lâu! Tôi đứng với Gamzou trước căn phòng của Guinath. Cánh cửa hé mở. Tôi nhìn vào bên trong căn phòng tràn ngập ánh trăng. Trăng lọt vào căn phòng và chiếu sáng đến nỗi người ta có thể thấy mọi vật trong đó. Tôi thấy một người đàn bà đứng ngay giữa phòng và một thanh niên đang ngồi viết. Đột nhiên Gamzou chồm tới và ôm quanh dưới bụng người đàn bà. Người đàn bà quay đầu về phía thanh niên và, bị giam giữa hai cánh tay của Gamzou, nàng la lên: “Haham!”. Giọng nói của nàng là giọng nói của một trinh nữ đã đến tuổi yêu đương. Người thanh niên bảo nàng: “Đi đi Guemoula, đi với chồng cô đi!” Guemoula nói: “Tôi chờ ông đã bao nhiêu năm và bây giờ ông lại bảo: đi đi, Guemoula!”

“Chồng cô đó mà.” – “Còn anh, haham Guideon, anh là gì của tôi?” – “Tôi không là gì cả.”

Guemoula cười và nói: “Ông không là gì cả? Ông là một người đàn ông đẹp. Không có ai trên đời tốt và đẹp hơn ông cả. Nếu ông cho phép tôi ở lại với ông, tôi sẽ hát cho ông nghe bài hát mà con chim Grophith chỉ hát một lần trong đời nó thôi.” “Cô hát đi!” người thanh niên nói. Guemoula nói thêm: “Tôi sẽ hát bài hát của chim Grophith rồi chúng ta sẽ chết”. Đoạn, nàng nói với Gamzou: “Gavriel, khi em và ông haham chết rồi, anh hãy đào hai ngôi mộ bên cạnh nhau; anh hãy hứa với em là anh sẽ làm như vậy đi”.

Gamzou đặt bàn tay lên miệng của Guemoula và dùng hết sức mạnh của mình để giữ nàng lại. Nàng muốn thoát khỏi vòng tay anh, nhưng anh không buông ra và la lên nói với Guinath: “Ông có biết ông là cái gì không? Ông là một kẻ có tội ở Do thái! Ông không ngần ngại làm cho một người đàn bà có chồng bỏ chồng mình!” Guemoula la lên: “Ông đừng nghe anh ấy, haham Guideon, tôi không phải là vợ của một người đàn ông nào khác! Ông thử hỏi xem mắt anh ấy có bao giờ trông thấy da thịt tôi chưa!” Gamzou thốt ra một tiếng thở dài và lặp lại nhiều lần: “Em là vợ ta! Em là vợ ta! Em là vợ ta! Ta đã cưới em theo luật của Moïse và của xứ Do thái!” Người thanh niên nói: “Đi đi, Guemoula, đi với chồng cô đi!” Guemoula bảo: “Ông khinh tôi!”. “Không, tôi không khinh cô, người thanh niên trả lời. Tôi chỉ bảo cho cô việc gì cô phải làm thôi.”

Lúc đó nàng đã kiệt sức và nếu Gamzou không giữ nàng lại, thì nàng đã quị xuống rồi. Gamzou không bỏ vợ anh ta ra nữa; anh bế nàng lên tay và đem nàng đi, trong khi tôi và Guinath đưa mắt nhìn theo. 29Phần thứ nhì và là phần bình giải trong Pháp điển Do thái [Talmud]. Phần đầu là Michna. 30Số nhiều của chữ bahur. Trai chưa vợ, sinh viên học kinh Talmud. 31Nghĩa từng chữ là một thứ bảng dựng để thờ. Pháp điển ghi những giáo huấn do Joseph Caro soạn năm 1565. 32Tuyển tập thi ca đầu tiên có tên Divan là của Schemo ed-Din Mohammed Hafiz, thi sĩ trữ tình người Ba tư sinh ở Chiraz vào khoảng 1320 và mất vào khoảng 1380: sách gồm gần 600 bài thơ ngắn. 33Số nhiều của chữ piyouth, những bài thơ đạo đọc trong nhà nguyện Do thái thêm vào với lễ nghi truyền thống ngày Sabbath hoặc lễ khác. 34Chòi mái lá dựng gần nhà hoặc nhà nguyện để ăn ở tạm trong thời kỳ lễ Tạ ơn của Do thái, kỷ niệm những ngày sống tạm trong khi lang thang trong sa mạc của dân Do thái.

VII

Theo đường đi thường lệ, mặt trăng chấm dứt vòng chuyển động của mình sau ba mươi ngày.

Một tháng trôi qua kể từ ngày Gamzou đem vợ ra khỏi nhà Guinath. Trong suốt thời gian đó, tôi không gặp lại Gamzou bởi vì anh không đến nhà tôi. Tôi không gặp lại, bởi vì, sau câu chuyện đó, anh biến mất. Có một lần, tôi gặp anh ta trong một tiệm cà phê Ả rập cùng đi với Amram, con trai của Thầy Cả của dân Samarie. Vì cuộc gặp gỡ không có nói chuyện, tôi xin lướt qua. Một lần khác, tôi gặp lại anh ta ở Guivath-Chaul, trong một xưởng thuộc da giấy của ông haham Gowlan và ông haham Gagin. Nhưng vì trong lần gặp gỡ này cũng không có nói chuyện, tôi sẽ không kể lại ở đây.

Vợ và các con tôi trở về nhà và cùng với gia đình tôi, nước cũng trở lại trong các bể chứa, trong các ống nước và các vòi nước.

Tôi ở nhà tôi, tôi ít đi ra ngoài và tôi không biết Guemoula ra sao sau khi Gamzou đem nàng về nhà. Nhưng bởi vì kích thước điều phải vẫn lớn hơn kích thước điều quấy, tôi nghĩ là nàng nhẫn nhục và, vì đã làm lành lại với chồng nàng, nên ngôn ngữ nàng đã trở lại với nàng. Cũng có thể là nàng không còn nhịn hát nữa; giọng nàng chắc phải trỗi dậy và nở hoa như giọng ca của chim Grophith. Không gì làm Gamzou thích thú hơn giọng của vợ anh khi nàng hát. Tại sao khi nàng hát anh lại đặt bàn tay lên miệng nàng, tại sao anh lại khép môi nàng lại? Thì bởi vì những tiếng hát nối kết với nhau, bởi vì nó buộc chặt vào nhau. Tiếng hát của những dòng suối nối kết với tiếng hát của những ngọn núi cao, tiếng hát của những ngọn núi cao nối kết với tiếng hát của những con chim trên trời và trong số những con chim trên trời có một con tên là Grophith và khi đến giờ nó phải lìa trần, nó cúi đầu xuống khi băng ngang qua những cụm mây và cất giọng hót, và khi nó hót xong, nó lìa khỏi trần gian. Tất cả những bài hát của nó được kết chặt với lưỡi của Guemoula. Hễ nàng cất tiếng hát lên bài của con Grophith thì linh hồn nàng sẽ lìa khỏi nàng. Gamzou đã khép miệng nàng lại để ngăn không cho linh hồn nàng bay đi.

Vậy là tôi ở nhà tôi và làm việc, có khi nhiều có khi ít. Khi mặt trời lặn, tôi ngưng làm việc. Mặt trời còn chiếu trên thế gian, thì thế gian vẫn còn tốt và đẹp. Nếu tôi còn một ít sức lực sau khi làm việc, tôi đi dạo. Nếu tôi không còn đủ sức để đi ra ngoài, thì tôi ngồi trước nhà hoặc ngồi bên cửa sổ và tôi nhìn ngày xuống dần, đêm đến, những vì sao mọc và bất động trên nền trời và mặt trăng lên. Trăng và sao chưa mọc. Trời trên kia hãy còn sáng. Một thứ ánh sáng xám xanh giống như màu những quả táo chin lửng lơ giữa trời và đất và tiếng kêu của vô vàn những con dế lấp đầy cả thế gian. Không xa nhà tôi ở, người ta nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng kêu vang lớn như của cả một khu rừng cây trong một đêm giông tố hay như một mặt biển xao động bởi cơn bão. Người ta tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra trên mặt đất.

Tôi đứng lên và ngoảnh mặt không nhìn thế gian nữa. Vì tất cả những biến cố kia đã xảy đến, tôi quay mắt không để ý những gì đang diễn ra. Câu chuyện của Gamzou và Guemoula là một trong những biến cố đã xảy ra rồi: Một người đàn ông về nhà và không thấy vợ mình. Anh ra khỏi nhà, hướng về phương Bắc, hướng về phương Nam, rẽ bên này quẹo bên kia nhiều lần. Cuối cùng anh tìm thấy vợ mình trong một ngôi nhà mà anh ta không có ý định đến. Có một việc làm tôi ngạc nhiên: tôi đã trông thấy, thấy tận mắt, Gamzou bắt vợ anh đem đi, tuy nhiên tôi có cảm tưởng như đó là một câu chuyện mà người ta đã kể cho tôi. Quả thật, Gamzou đã có kể cho tôi, là trong một buổi khiêu vũ, Guedi Ben Gueim nhào ra để chiếm lấy Guemoula và anh ta, anh Gamzou, đã ra tay trước anh nọ và đã nắm được nàng. Không bao giờ có một chuyện xẩy đến mà không phản ảnh một câu chuyện xẩy ra trước. Trước khi cất cánh bay, con chim mở đôi cánh ra và đôi cánh của nó in bóng trên mặt đất. Trước hết con chim nhìn cái bóng rồi kế đó nó bay lên.

Trăng chưa lên, nhưng nó sắp hiện ra. Người ta đã soạn cho nó một chỗ trên bầu trời. Những cụm mây, trước nhập với bầu trời thành một, bây giờ tách rời và tản mác khắp nơi. Mặt trăng trắng xoá hiện ra và lên cao. Sung sướng thay cho những kẻ, không phải đau đớn vì mặt trăng, có thể thưởng thức ánh sáng của nó!

Một lần nữa, tôi nghĩ đến những người bị mặt trăng thu hút. Và từ mặt trăng tôi nghĩ qua những sự vật bị kết chặt với mặt đất và với con người: với những người mà thế gian ban cho một gương mặt khả ái và với những người đi lang thang như những cái bóng trong đêm. Tôi không nghĩ đến đúng ngay đôi trai gái niên thiếu kia đã không tìm ra nơi cư ngụ, mà cũng không nghĩ đến tất cả những người trở về quê hương sau khi bỏ đi và là những người đối với họ quê hương đã trở thành xa lạ; và tôi cũng không nghĩ đến Greifenbach và vợ ông ta là những người đã đi nghỉ ngơi ở ngoại quốc. Tôi nghĩ đến tất cả những người còn bám lấy mặt đất này. Greifenbach và vợ ông sắp trở về. Chính Gracia, chị bồi làm việc vặt trong nhà của họ, đã nói với tôi như vậy, khi nhận được của bà Greifenbach một tấm bưu ảnh. Tôi cũng biết được điều này vì họ có viết cho tôi mấy chữ. Bởi vì rốt cuộc họ cũng sắp trở về, tôi đi đến nhà họ để xem căn nhà ra sao.

Nhà họ đóng cửa. Không có ai đột nhập cả. Tôi không biết Guinath có trong phòng ông ta hay không. Cánh cửa sổ mà ông đã mở cho Guemoula vào bây giờ đã đóng lại. Khi vợ chồng Greifenbach trở về, họ sẽ thấy chỗ nào cũng còn nguyên vẹn cả.

Ngày hôm sau, liếc nhìn vào tờ báo để xem người ta có loan tin ngày về của vợ chồng họ không, tôi đọc thấy một cáo thị báo cái chết của Giáo sư Guilath. Vì không quen ai có cái tên đó cả, tôi không chú ý đến cái cáo phó ấy. Nhưng tôi cảm thấy tim mình rụng rời và khi tim một người rụng rời, chính đó là dấu hiệu cho biết có chuyện gì không may xảy ra. Tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng ở đây có một lỗi ấn loát, phải chăng chữ n đã đổi thành chữ l. Tôi lại cầm tờ báo lên và nhận thấy rằng, nơi tên của người chết, chữ lamed đứng thẳng như một ngọn cờ phấp phới. Mắt tôi nhìn chữ lamed và lại thấy một chữ noun, tựa như chữ lamed rút lại thành một chữ noun. Tôi rối loạn đến nỗi phải đứng dậy và ra đường.

Khi ra ngoài đường rồi, tôi tìm xem những bảng niêm yết dán trên tường. Không có tờ nào loan báo cái chết của Guinath. Bởi vì ông ta không giữ một vai trò nào, trong thành phố không ai biết ông cả. Chắc hẳn bởi thế nên không có ai để dán một bản cáo thị loan báo cái chết của ông. Nhưng do một nguồn tin khác tôi lại biết được là ông ta không còn nữa và biết được ông đã chết trong trường hợp nào.

Tôi xin bắt đầu kể lại từ đầu:

Tôi bước đi ngoài đường phố và tôi nghĩ: nếu chính Guinath đã chết, tại sao người ta viết là Guilath? Và nếu đó là Guilath, chứ không phải Guinath, tại sao tim tôi lại đau buồn? Tôi gặp Amrami đang bước đi tựa vào đứa cháu gái. Amrami bảo: “Anh đi đưa đám đấy à?” Tôi gật đầu và đáp lại: “Vâng, tôi đi đưa đám”. Amrami lại nói: “Một người đàn bà không hề rời khỏi giường mình lại đi chết trên mái nhà! – thế thì có lạ không chứ?” Tôi nhìn ông ta một lúc lâu, không hiểu ông ta muốn nói gì. Ông lại nói: “Đường đi về Chúa thật là lạ lùng – ai mà hiểu được? Một người đàn ông đem mạng sống ra mạo hiểm để cứu một người đàn bà ở Do thái và chính hắn ta lại ngã xuống và chết! Và bây giờ chúng ta không phải chỉ đi đưa một người mà là hai người, đưa đám vợ của Gamzou và Giáo sư Guinath”.

Edna, cô cháu gái của Amrami, cất tiếng nói: “Báo chí không có nói, thế nhưng mấy người có mục kích kể lại rằng đêm rồi có một người đàn ông ra khỏi phòng mình bởi vì ông ta trông thấy một người đàn bà trèo lên mái nhà. Ông ta chỉ nhảy một vọt, lên mái nhà để cứu người đàn bà, nhưng triền mái nhà sụp xuống; cả hai người đều rơi vào khoảng không và chết”. Cả ba chúng tôi bước đi, Amrami, Edna và tôi, và chúng tôi đến bệnh viện, nơi người ta quàn xác của Guemoula và Guinath. Bệnh viện đóng cửa. Người gác cổng ngồi trước cửa nhìn những người qua lại. Ông ta có cảm tưởng tất cả những người ấy đều muốn vào. Nhưng không ai muốn vào cả. Tất cả đều đi vào trong cái sân bỏ ngõ ở chỗ nhà xác. Trong một góc sân có một căn phòng dành để giặt áo quần của người bệnh. Và dù căn phòng rất hẹp, nó cũng tiếp nhận người chết, như luật tiếp trú ấn định. Trên một chiếc ghế dài xiêu vẹo, gần căn phòng, có ba người ngồi canh chừng xác chết; sau lưng họ, một người đàn ông đang đứng vấn một điếu thuốc lá. Khi người này thấy Amrami và tôi, ông ta vội chạy lại phía chúng tôi và bảo rằng ông ta đã ở bên cạnh hai người chết suốt cả đêm và ông ta đã đọc những bài thánh thi. Bây giờ, ông ta muốn biết ai sẽ thưởng công khó nhọc cho ông. Ông ta gặp tôi, gặp chính tôi, ông ta thấy tôi xứng đáng làm cái công việc mitsva 46 là trả công cho ông!

Thân quyến của một gia đình có tang đến và họ ngồi xuống chiếc ghế dài trước mặt. Một người đàn bà trong đám đứng lên, đến trước mặt mấy người kia, và bắt đầu hát những bài hát tang lễ và những lời ta thán, vừa đu đưa cái thân gầy của bà một cách nhịp nhàng. Bà buồn, rất buồn, và giọng bà cũng buồn. Tôi không hiểu được một chữ nào bà nói ra cả. Nhưng giọng bà, bộ điệu bà và vẻ mặt bà làm cho con tim của mọi người có mặt nơi đó phải thổn thức. Bà rút trong yếm ra chiếc ảnh của một chàng thanh niên, nhìn chiếc ảnh và bắt đầu hát lên những lời ca ngợi về vẻ đẹp và sụ khả ái của chàng và những lời kể lể về những năm mà anh còn có thể sống được, nếu cái chết không chợt đến bắt anh đi. Tất cả những người chịu tang oà lên khóc và cùng với họ tất cả những người trông thấy họ khóc cũng khóc theo.

Chắc hẳn Guemoula trước đây cũng đã khóc và ca ngợi cha nàng như thế khi làm lễ tống táng ông.

Ở trong đám người khóc lóc đó, tôi thấy Gamzou từ trong phòng những người chết đi ra. Cái bối rối trong tâm hồn anh, suốt đời vẫn đeo đẳng anh, vừa nhường chỗ cho hai cái đeo đẳng mới: sự sửng sốt và nỗi âu lo. Tôi đến gần anh và đứng bên cạnh anh. Anh đưa ngón tay dụi con mắt mù, rồi anh lấy một cái khăn tay và lau ngón tay. Anh thì thầm trong tai tôi: “Đúng là ông ấy rồi, ông haham ở thành Jérusalem, nhà bác học mà tôi đã bán cho mấy lá bùa”.

Lúc đó một trong những người trông coi xác chết đi đến và nhìn chúng tôi. Khi thì nhìn tôi, khi thì nhìn Gamzou, giống như một người bán hàng đứng trước hai người khách và tự hỏi không biết nên tiếp người nào trước. Trước khi quyết định được người nào trong hai người là quan trọng hơn, ông ta xin một điếu thuốc. Gamzou lục trong túi, lấy ra một ít thuốc rời và giấy. Cùng lúc đó, người ta khiêng cái cáng của Guinath ra. Gamzou đưa một ngón tay ngang tầm con mắt mù và nói một cách bình tĩnh: “Chính Guinath, người mà tôi đã bán cho mấy lá bùa đó.”

Những người khiêng cáng bắt đầu đi và một nửa minyan 47. người Do thái đi theo sau: tôi và ba hoặc bốn người nữa có quen biết Giáo sư Guinath và giờ đây đang làm phận sự cuối cùng đối với ông. Một người ăn xin đi đến và gõ vào cái bát bằng sắt tây của y và la lên: lòng từ thiện cứu khỏi chết! Và mỗi lần y lặp lại câu đó, y quay về phía sau lưng để xem, trong lúc đó, người ta có mang them những xác chết nào khác ra không – vì trong trường hợp đó, của bố thí của những đoàn người khác sẽ không lọt được vào tay y.

Trên đường từ Vườn cây Ô liu 48 trở về tôi gặp đoàn xe tang của Guemoula. Khi tôi đưa đám tang nàng về, đám của nàng, giữa đường tôi bị một chiếc xe hơi chận lại, trong xe có vợ chồng Greifenbach đi du lịch trở về. Greifenbach trông thấy tôi và la lên: “Bất ngờ thật! Gặp gỡ đâu mà hay thật! Nhà chúng tôi ra sao rồi? Nó vẫn còn đó chứ? Nó vẫn nằm yên đó chứ?”. “Nó vẫn còn đó và nó vẫn nằm nguyên chỗ cũ”, tôi trả lời. Bà Greifenbach hỏi: “Không có ai chiếm nó chứ?” “Không, không ai cả!” Bà hỏi thêm: “Anh có làm quen với Guinath không?” “Có, tôi trả lời, tôi có làm quen với Guinath”. Cả hai vợ chồng mời tôi lên xe. Tôi nhận lời, nhưng khi tôi định bước lên xe và đi với họ, thì một viên cảnh sát xuất hiện và trách chúng tôi làm cản trở lưu thông. Người tài xế cho xe chạy và vợ chồng Greifenbach tiếp tục đi không có tôi.

Vài hôm sau, tôi đến nhà họ để trả chìa khoá cho họ. Ngày hôm đó các nhân viên chính quyền đến lấy cung trong căn phòng Giáo sư Guinath ở. Họ chỉ tìm thấy vài món áo quần và hai cái hộp bằng sắt tây đầy tro tàn của những giấy tờ ông viết. Ông ta đốt những thứ này hồi nào? Vào cái đêm mà Gamzou bắt Guemoula lại hay là vào đêm mà ông ra khỏi nhà để cứu nàng?

Cái gì thúc đẩy Guinath phá bỏ công trình chính tay ông làm ra và đốt đi trong giây lát những gì ông đã bỏ công rèn luyện trong không biết bao nhiêu năm?

Cũng như thường lệ trong trường hợp tương tự, người ta giải đáp câu hỏi bằng một câu trả lời dễ và người ta bảo: đó là do một sự suy nhược tinh thần, những mối nghi ngờ không chịu nổi đã dồn ông vào chỗ đó. Vâng, nhưng cái gì đã gây nên sự suy nhược đó, những mối nghi ngờ đó? Về việc này, không có câu giải đáp. Sự bí ẩn vẫn toàn diện. Vì, thật ra, không có tính toán mà cũng chẳng có lý lẽ trong một hành động như vậy, nhất là đối với một con người thông minh như Guinath, vốn rèn luyện đạo lý và thi ca. Những lời giải thích không thay đổi gì được sự kiện; nó không biến đổi gì được một hành động đã hoàn tất. Nó chỉ là những lời nói vô ích mà người ta dùng để cố giải thích những sự việc nằm ngoài trí tuệ và là những lời nói ra mà không có gì để an ủi lại. Và dù chúng ta có nói đó là do số mệnh, là định mệnh, điều đó cũng không giải nghĩa được gì cả, vấn đề vẫn không được giải quyết; không một sự tin chắc nào xoá tan được mối đau khổ.

Người ta đã khám phá ra được một cái gì trong phòng của Guinath. Một lá thư trong đó Guinath hủy bỏ quyền tước vẫn dành cho những người xuất bản sách vở của ông. Cấm không cho tái bản chin mươi chín chữ của ngôn ngữ Ido, văn phạm và những bài thánh ca Eynam.

Như thường lệ, người ta đã bất kể điều đó, và mong mỏi cuối cùng của người chết đã không được tôn trọng. Trái lại, người ta tiếp tục xuất bản những tác phẩm của ông và thế giới bắt đầu biết đến những tác phẩm đó, đặc biệt là những bài thánh ca Eynam, rất hay và rất cảm động. Nhà hiền triết còn sống đến chừng nào, thì người ta còn biết cái đạo lý của người, nếu người ta muốn. Và nếu người ta không muốn biết, thì người ta khỏi phải biết. Nhưng khi người chết, linh hồn người toả sáng qua các sách vở của người và những ai không mù loà, những ai có mắt để thấy, đều hưởng được ánh sáng của những sách vở đó.

Chú thích:

35

Một số người thường dựa trên tài liệu của cuốn Bách khoa Tự điển Israel mà ghi năm sinh của Agnon là 1880, nhưng theo một tài liệu của Emanuel Feldman, giáo sư Đại học Bar Ilan ở Israel, người đã gặp Agnon tại Jerusalem vào tháng 2 năm 1967, Agnon đã xác nhận như sau: “Tôi không phải là một thanh niên. Báo chí nói là tôi đã 78 tuổi, và tôi cho là họ nói đúng...” (Saturday Review, số ra ngày 22.4.1967).

36

Thứ tiếng Do-thái rất thịnh hành trong đám dân Do-thái sống ở miền Đông Âu, nhất là Ba lan, chịu ảnh hưởng sâu đậm của các ngôn ngữ địa phương.

37

Agunot có nghĩa là bị bỏ rơi. Các ấn phẩm dịch tác phẩm này ở châu Âu có tên là Những người đàn bà bị bỏ rơi.

38

Saturday Review, số ra ngày 22.4.1967.

39

Ở Đức, Agnon đã kết hôn với Esther Marx năm 1920.

40

Trận hỏa hoạn ngày 6.6.1924 ở Bad Homburg đã thiêu trọn thư viện và những bản thảo của Agnon, trong khi ông đang nằm bệnh viện. Sách vở và hơn 700 trang (trong số có bản thảo Cuộc sống vĩnh cửu cũng như nhiều truyện kể vĩnh viễn mất, kể cả những sách cổ Do-thái (in trước năm 1500). Trước đó trong thời Thế chiến thứ nhất căn nhà của bố ông cũng từng bị hỏa hoạn, thiêu cháy tất cả những tác phẩm đầu tiên của ông, nhất là những bài hát ông sáng tác thời trẻ tuổi. Những thứ đó ngày nay người ta chỉ còn nghe nhắc tới, không ai còn được nhìn thấy.

41

Trong vụ cướp phá này, toàn bộ thư viện của ông ở Israel bị thiêu rụi.

42

Bản Việt ngữ Nguyễn Thu Hồng, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 176 trang, 1969.

43

Lần nầy trở lại đất thánh Jerusalem, ông ngụ tại vùng ngoại ô Talpiot, và tiếp tục viết những truyện kể gây nhiều tiếng vang trên văn đàn. Thời gian này ông chăm chuyên viết lách và chỉ rời “hang ổ” của mình có ba lần để đi Thụy điển và Na uy. Người ta kể con đường nơi ông cư ngụ bấy giờ được Nhà nước Do-thái cho để một tấm bảng ghi “Cấm tất cả các loại xe vào, nhà văn đang làm việc”.

44

Hadom ve-Kisse: Hiện bản thảo này, viết bằng tiếng Hy-bá, do Yacov Choueka biên soạn, nằm tại Oxford Text Archive, và được ghi là tiểu thuyết. Sự kiện này cho biết tác phẩm có thể chưa đưọc xuất bản, chưa đuợc dịch. Cuốn sách ra đời sau cùng bằng tiếng Hy-bá (1971) sau khi Agnon mất là cuốn Shira {mà nằm trên giường chờ chết ông đã gửi gắm chuyện xuất bản cho con gái mình) gồm có bốn Cuốn, năm 1974 đã được in lại, có thêm một chương mà trong bản thảo Agnon đã đánh dấu là Chương cuối cùng (chủ ý dùng làm đoạn kết của Cuốn Ba, nhưng sau vì tác giả bắt vào viết Cuốn Bốn nên đã để riêng); năm 1978 lại có một bản văn khác được giới thiệu, thời gian có vẻ như phù hợp với các chương 8 và 9 của Cuốn Ba.

45

Shmuel Yosef Agnon qua đời ngày 17 tháng 2 năm 1970 sau một cơn đau tim ở Rehovot, Israel và đã được chôn cất ở Mont des Oliviers, Jerusalem.

46

Lời huấn giới, đây có nghĩa là việc thiện.

47

Số người cần thiết để cử hành nghi lễ công cộng Do thái theo luật trong kinh Mishna, không dưới 10 người trên 13 tuổi.

48

“Mont des Oliviers” trong bản tiếng Pháp của Rachel và Guy Casaril: Vườn Cây ô liu hay Vườn Cây Dầu, nơi Chúa Jesus đến cầu nguyện hôm trước ngày Chúa lên trời, gần Jérusalem – cũng gọi là “Jardin des Olives”.

Năm 1969
Shmuel Yosef Agnon
Nguyễn Thu Hồng dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...