Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Miền cỏ hoa

Miền cỏ hoa

Vừa quẹo xe vào sân nhà, Cung đã nhìn thấy ngay tờ giấy mầu vàng gắn trên ô kính ở cửa trước. Ai gửi cái gì đây? Nghĩ đến việc phải ra bưu điện sắp hàng chờ đợi, chàng thở dài!
Cầm tờ giấy trong tay, Cung liếc nhìn. Tên chàng và địa chỉ rõ ràng. Không thấy đề tên người gửi, nhưng đến từ Việt Nam. Ai nhỉ? Chàng lục lọi trong trí nhớ và không thể nghĩ đến một khuôn mặt nào cả! Chịu thua! Nhìn đồng hồ. Vẫn còn kịp! Cung ghét nấn ná. Cái gì làm được là chàng làm ngay. Lại lùi xe, bấm cửa garage, những động tác mà chàng vẫn làm mỗi sáng, 365 ngày một năm! Sự thắc mắc làm Cung hơi bực bội! Chỉ một chốc nữa thôi là chàng sẽ biết ngay. Người thân duy nhất của Cung còn lại ở nhà là Bình, đứa em trai kế. Hàng năm chàng vẫn gửi tiền về giúp đỡ em. Bình có cuộc sống cũng tương đối ổn định, nhưng Cung cứ gửi như một điều không thể không làm, dù nhiều lúc biết rằng Bình không cần. Sau mỗi lần gửi, Cung lại nhận được một bức thư cám ơn và bao giờ Bình cũng kể qua loa về đời sống Bình và cuộc sống bên nhà, nhắc nhở một vài kỷ niệm xưa khi hai anh em còn nhỏ dại. Bình không hề nói đến chuyện muốn sang Mỹ bao giờ cả. Những bức thư của Bình bao giờ cũng dài gấp đôi thư trả lời của Cung vì chàng không biết phải kể gì cho em nghe.
Có lẽ là ngày giữa tuần nên bưu điện không đông người. Cung chỉ phải chờ chừng 2, 3 phút là đến phiên chàng. Đưa tờ giấy cho người bưu điện, Cung hơi nhếch miệng cười xã giao và đứng chờ. Một lát sau ông ta trở ra với một gói bọc giấy nâu. Chiếc hộp không lớn cũng không nhỏ. Cung nhìn tên người gửi. Đúng là Bình! Cầm gói đồ trong tay, Cung lắc nhẹ nhưng không thể đoán là Bình gửi gì cho mình. Mà cũng lạ! Đàn ông có bao giờ gửi quà cho nhau?
Vào đến xe, Cung vội vàng xé giấy bọc ngoài chiếc hộp. Sự tò mò làm chàng bứt rứt, cáu kỉnh mãi mới bóc hết lớp giấy bọc bên ngoài. Lại thêm một lần dán băng keo chung quanh hộp! Cái thằng này quái gở thật! Nó trở thành kỹ lưỡng như thế từ bao giờ? Chắc tại ở trong một xã hội lúc nào cũng lo chụp giựt nên nó thành thế chăng? Nghĩ đến việc về nhà hãy xem, nhưng rồi Cung lại không thể chịu được! Tự bảo mình: “Cứ từ từ! Đâu còn đó!”, nhưng những ngón tay vụng về của chàng vẫn cứ lần mò giật tung từng mảnh băng keo.
Mở nắp hộp. Cung ngẩn người! Ngoài lá thư với hàng chữ quen thuộc của Bình bên ngoài phong bì, món quà bên trong là một điều chàng không thể tưởng tượng nổi! Một trò đùa chăng? Cung vội xé bức thư đọc;
“Đà Lạt, ngày 12 tháng 6 năm 2000.
Anh Cung,
Em nghĩ là anh ngạc nhiên lắm khi nhận được món quà này. Chính em cũng ngạc nhiên không thua gì anh khi nhận và làm công việc chuyển đến anh theo lời dặn dò của chị Nguyệt Hạ. Anh còn nhớ chị ấy chứ? Mối tình đầu của anh nếu em nhớ không lầm! Chị Nguyệt Hạ không lập gia đình với ai cả từ ngày anh bỏ thành phố ra đi. Trang trại cũ của gia đình, chị ấy sửa sang và làm như một thứ viện mồ côi, nuôi chừng 20 đứa trẻ. Có thêm vài người giúp chị ấy canh tác để nuôi đám trẻ bơ vơ. Em gặp chị ấy cách đây một tháng ở chợ Đà Lạt. Nói chuyện về anh đang ở bên Mỹ, chị ấy nhờ em đến trang trại cầm món quà gửi cho anh và nhờ em nhắc rằng (nguyên văn): “Nếu còn nhớ những ngày xưa ở Đà Lạt, hãy giúp Nguyệt Hạ một tay bù đắp tình thương cho những đứa trẻ thiếu may mắn này”. Chị ấy kể với em, sau ngày anh đi một thời gian, chị Nguyệt Hạ cắt mái tóc dài nhưng vẫn giữ mãi và trân trọng -chữ chị ấy dùng- gìn giữ những gì giữa anh và chị ấy một thời.
Em gửi sang để tùy anh. Nhưng riêng em thấy việc chị ấy làm rất đáng ngưỡng mộ. Em mong anh tiếp tay giúp đỡ công việc chị Nguyệt Hạ đang làm. Nuôi 20 đứa trẻ là một gánh nặng lắm!
Tụi em đời sống vẫn bình thường. Không biết đến bao giờ anh em mình mới gặp lại nhỉ? Anh có nghĩ đến chuyện lập gia đình lại không? Khi nào có tin vui cho em biết.
Bình”
Cung đọc một lần, hai lần, rồi ba lần. Chàng nhìn xuống mái tóc đen có thắt ngang một chiếc dây mầu tím nằm trong hộp. Chàng cứ nhìn sững như nhìn thấy chính Nguyệt Hạ bằng xương bằng thịt ngồi cạnh chàng một chiều hoàng hôn trên đồi Cù nhìn xuống hồ Xuân Hương. Nhìn thấy hai mặt trời đỏ rực, một ở cuối chân trời và trên mặt hồ lăn tăn loáng nước. Thấy cả bầu trời lộng lẫy trên cao kia đang sà xuống mặt nước, nửa tỉnh nửa mê xem đâu là thật đâu là giả, như ngay giây phút này mắt không rời cả một suối tóc bồng bềnh nằm kia và cũng không biết rằng mộng hay thực?
Nguyệt Hạ, người tình hơn chàng đến 5 tuổi! Mối tình đầu đời ở một thành phố ngàn hoa sắc thắm, có hoa Anh Đào hồng thắm mỗi độ xuân về, có Mimosa vàng lá bạc đùa trong gió, có hoa Dã Quỳ trên từng nẻo đường đẹp hơn hoa Hướng Dương của Van Gogh, có những hoa dại không tên trên triền đồi xanh cỏ, và những tiếng vi vu ngút ngàn của thông reo lẫn trong sương mù của thành phố không có tuổi. Trong ký ức mòn mỏi của Cung, rất nhiều điều chàng tưởng đã quên mà lại không quên được. Nỗi nhớ mù lòa xa tít tắp như những tàn lửa được khơi dậy bùng lên trong đêm khuya lạnh lẽo ở núi đồi cao nguyên. Chỉ là những đốm lửa nhỏ xíu rực sáng chớp tắt trong nỗi ngậm ngùi nhưng còn lại rất lâu trong chàng.
Làm sao có thể yêu ai như đã yêu Nguyệt Hạ? Đôi mắt nào có ánh dã thú, có mầu đen ẩn ánh xanh lục như mắt nàng? Có bờ môi nào nóng bỏng tuôn những lời như kinh nguyện mà Cung si mê thuộc lòng? Nụ cười không bao giờ trọn vẹn vì đã có ánh mắt thay nụ cười, thay những nồng ấm tươi đẹp mà không bao giờ Cung tìm thấy ở một người đàn bà nào khác, ngoài Nguyệt Hạ. Những tay trong tay, chân đếm hết sỏi đá trên mọi con đường. Yêu Nguyệt Hạ là lửa cháy thiêu đốt trái tim non dại, là điên cuồng trong tình yêu. Để rồi một hôm, cũng như ngọn lửa bùng lên chợt lịm tắt, Cung đã bỏ đi, xa rời thành phố, chạy theo những mối tình khác, không nồng nhiệt như với Nguyệt Hạ nhưng khác, khác lắm! Ngày ấy, Cung là đứa trẻ lần đầu tiên được thả xuống cuộc đời, hoan lạc sung sướng vùng vẫy trong tự do. Con người của chàng ngày ấy muốn được nếm thử mọi mùi vị mà cuộc đời đã bầy ra trước mắt chàng. Những hối thúc, tò mò, mời gọi đã làm Cung quên thành phố cũ. Quên núi đồi Đà Lạt. Ánh đèn loang loáng rực rỡ của chốn đô hội đã làm Cung quên trăng sao vắng lặng của cao nguyên, thành phố của Nguyệt Hạ với mái tóc dài thả trong gió cuồng nhiệt.
Ngồi đây, nhìn mái tóc của Nguyệt Hạ, mới thấy mình hiện tại nhìn lại mình của ngày cũ xa xưa như trời in bóng nước. Hệt như thế đó, giống lắm, nhưng vẫn là một cái gì hư ảo, chẳng thực! Mà làm sao chẳng hư ảo? Mấy chục năm...!
Mấy chục năm đã trôi qua!
Nguyệt Hạ không lấy ai! Nguyệt Hạ cắt mái tóc! Nguyệt Hạ nuôi ngần ấy những đứa trẻ côi cút! Nguyệt Hạ có còn là Nguyệt Hạ của ngày xưa? Những câu hỏi này đeo đuổi Cung ngày này sang ngày khác. Chàng đã cất chiếc hộp trong tủ và không hề mở ra xem lại. Có lẽ chàng sợ! Sợ những kỷ niệm, sợ những xao động của tâm hồn!
Ngày thứ bẩy của đầu tháng tám năm 2000, Cung về Đà Lạt. Ngồi trong chiếc xe van đầy đủ tiện nghi của hãng du lịch, Cung để đầu óc mình bềnh bồng thả lửng theo cảnh vật hai bên đường. Không còn cảnh chen chúc như cá hộp trong chiếc xe đò Minh Trung ngày nào! Ngay đến phương tiện giao thông chuyên chở chàng về thành phố cũ cũng là một thay đổi! Cung thầm nghĩ: Giá mà được ngồi lại, dù bị nén chặt, trong chiếc xe đò cũ kỹ bẩn thỉu của hãng xe đò Minh Trung, chàng vẫn thích hơn, thích trong ý tưởng là thực sự  quay trở về trong một thời khắc vẫn nguyên vẹn như thể thành phố đã bị “đông” lại mà những vết xướt của thời gian không chạm đến được!
Lên đến đèo, cây xanh bắt đầu chắn tầm mắt. Chiếc xe trườn đi êm ả. Những mảng mầu xanh ngăn ngắt cứ nối tiếp nhau đều đặn làm Cung mỏi mắt và buồn ngủ, nhưng chàng không muốn ngủ. Muốn thức, để nghe ngóng trong mình những dục giã bồi hồi khi khoảng cách càng lúc càng gần. Càng lên cao nhiệt độ càng mát rượi. Người tài xế tắt máy lạnh và mở hé cửa kính. Gió bên ngoài nhẹ lùa vào trong xe mang hơi hướm ngai ngái của mùi cây cỏ hoang vu. Cảm giác trong lành mỗi khi lên cao, ở đây, hay ở bất cứ vùng cao nguyên nào ở Mỹ đều như nhau. Ý tưởng so sánh đó làm Cung lắc đầu thầm! Về đến đây mà phần đời bên kia địa cầu cũng còn quẩn quanh!
Xe chạy ngang Tùng Nghĩa. Địa danh vẫn không thay đổi. Những ruộng bắp, vườn rau bạt ngàn mang một nét êm ả mà thân thuộc. Một vài khuôn mặt người quen liệu có còn ở đây hay chỉ toàn những kẻ xa lạ? Chiếc xe chạy chậm hẳn lại khi càng lên cao, không phải vì muốn tạo cho hành khách được ngắm cảnh bên đường nhưng vì đường dốc ngoằn ngoèo, nhiều khúc uốn quặt bất chợt, hệt như cũ!
Đi ngang đèo Prenn, nhìn hàng hàng lớp lớp những cội thông già hai bên đường, những vách đá cheo leo mà muôn vàn cây dương sỉ bám vào đong đưa trước gió, trời đất cao nguyên thơm mùi đất đỏ, Cung chợt thấy cay cay mắt! Chàng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở lại thành phố cũ! Không muốn bị tiếc nuối hay buồn bã trước những thay đổi, không muốn nhìn thấy sự biến đổi mà Cung vẫn trở lại, chỉ vì Nguyệt Hạ? Hay vì chính mình và vì chính cái dĩ vãng đã ngủ yên từ lâu?
Trạm xe ở đường Đống Đa, ngay tại nơi bắt đầu vào thành phố, ở điểm cao nhất. Không còn là bến xe Minh Trung nằm bên dưới, ngay giữa thành phố. Cung có cảm giác đây là sự chào đón của những lạ lẫm từ một thành phố thân quen. Lạnh nhạt? Không! Thân quen? Không! Vậy nó là cái gì? Một cái gì lạ lắm, hay chính chàng đã trở thành người khách lạ?
Chung quanh Cung toàn những khuôn mặt đang háo hức xô đến chào mời. Chàng nghe đến hàng chục cái tên khách sạn mỹ miều khác nhau. Cung chỉ lắc đầu đưa mắt tìm kiếm.
Một người đàn ông trung niên, vừa tầm người, đeo kính gọng trắng  đang dáo dác nhìn. Trông Bình không khác với trong ảnh bao nhiêu, nhưng so với ngày Cung đi.. gần 30 năm! Có lẽ Bình cũng chẳng nhận ra mình nữa!
Tay xách va li, Cung lững thững tiến về phía em. Một người khách Việt kiều là một cái gì rất dễ nhận, Cung thầm nghĩ. Bình vội vã chạy lại ôm lấy anh xiết chặt. Thuở nhỏ chẳng bao giờ ôm nhau, chưa hề nói được một lời thân thương. Thời gian có những phũ phàng của nó nhưng trong lúc này chính thời gian đã đẩy hai anh em Cung lại gần nhau không ngượng ngập. Cung vỗ lưng Bình mà tưởng đâu đang tự vỗ về chính mình, tự xoa dịu những cảm xúc đang ngột ngạt trong chàng.
Rời nhau ra, Bình nhìn anh rồi hỏi:
“Anh đi đường mệt không? Đường xóc lắm phải không?”
Cung cười đáp:
“Thì cũng như mọi khi thôi!”
Không người nào nhắc đến những thay đổi bề ngoài.
“Em không ngờ anh về!”
“Cũng bốc đồng như lúc bỏ đi!”
Cả hai anh em đều bật cười.
“Không phải vì chị Nguyệt Hạ chứ?”
Cung bâng khuâng theo Bình lên xe, không trả lời.
Chiếc xe của Bình cũ kỹ, chạy mệt nhọc như một con ngựa giả cố lết trên đường, thở phì phò, nhả những luồng khói trắng trong không khí lạnh dịu dàng... của Đà Lạt. Mãi đến bây giờ hai chữ Đà Lạt mới đến trong đầu Cung, ngần ngừ như bước chân rời xa của hai kẻ yêu đương trong lúc chia tay. Thành phố, nhà cửa mọc lên san sát. Đà Lạt không còn những khoảng trống của thiên nhiên, Đà Lạt mất đi nét thơ dại hoang sơ của ngày nào. Thành phố ngày nay như cô thiếu nữ thị thành với phấn son làm nên nét đẹp nhân tạo kiêu sa! Đà Lạt mang dáng dấp của người phụ nữ từng trải, vận dụng mọi thủ thuật để lấy lại tuổi thanh xuân!
Bình kể sơ về thành phố, cuộc sống, vài người quen cũ và sinh hoạt nơi đây. Bình hỏi Cung về xứ sở Mỹ, công việc của chàng. Cung chỉ kể vắn tắt vì mắt chàng đang thăm lại những cảnh cũ. Từ con dốc đổ xuống hồ Xuân Hương ở ngay chính giữa thành phố. Nhà Thủy Tạ sơn trắng xóa vẫn nằm đó, nơi chàng có rất nhiều kỷ niệm! Trên mặt hồ thấp thoáng vài chiếc xe đạp nước. Đồi Cù bát ngát! Chợ Mới vẫn thế, sầm uất hơn. Đường dốc lên khu Hòa Bình, cũng vòng tròn quen thuộc, cửa hàng, phố xá nay đã đổi tên. Chen lẫn trong những bảng hiệu mới, Cung nhìn thoáng thấy một vài cửa tiệm cũ như Mekong...
Cũng vẫn những con dốc, phố xá cũ, hình như còn cũ kỹ đi hơn nữa, nhưng trong cái cũ đó Cung lại nhận ra một cái gì mới quá, lạ quá. Đà Lạt đón chàng như thế đó! Thoảng trong cái lạnh quen thuộc, chàng ngửi thấy mùi khói xe khét lẹt của những chiếc Honda, nhiều hơn ngày xưa! Chàng không tìm lại được sự bình lặng của thành phố nhỏ ngày nào! Đà Lạt không còn là thị trấn nhỏ nữa! Đà Lạt đang biến mình để thu hút du khách trong một cung cách kiêu điệu, giả tạo và già dặn.
Hình như Bình hỏi gì mà chàng không nghe rõ. Như biết ý và hiểu được tâm trạng anh, Bình không nói nữa.
Bình mua được căn nhà nhỏ ở cuối đường Minh Mạng ngày xưa nay đổi tên là Trương Công Định. Trên lầu để ở, dưới nhà bán và sửa xe gắn máy. Cuộc sống của Bình xem ra vững vàng, thoải mái. Vợ của Bình hiền lành, khép nép đón chào ông anh chồng về từ Mỹ là một cái gì rất Việt Nam, rất quen mà mãi đến lúc này Cung mới tìm lại được giữa muôn ngàn những khác lạ ở quê hương. Đứa con gái duy nhất của Bình mới lên 10, xinh xắn như mẹ nó nhưng có vẻ láu lỉnh của Bình. Đây là những thân tình mới mẻ, như cây khô chợt nẩy mầm, những nụ mầm mới nhú lên xanh non và lạ lùng cho Cung thấy thực sự cuộc sống đang tiếp diễn với những vươn lên nối kéo của vòng gia tộc.
Buổi tối ở Đà Lạt ẩm và lạnh. Hai anh em đi bộ vòng vòng trên đường phố. Bóng tối và sương mù giăng giăng bên những ngọn đèn vàng yếu ớt làm sống lại cả một quãng đời xa vắng. Ủ chiếc bắp nướng trong túi áo, Cung thấy hơi nóng không chỉ tỏa vào tay chàng mà cả trái tim chàng đang ấm lại, bóp nhè nhẹ như nhịp đập hồi sinh. Ngay lúc này, bỗng dưng Cung mơ ước có mặt Nguyệt Hạ bên cạnh. Muốn dừng ở góc đường kia, vắng người, và cúi xuống hôn nàng, tìm lại nụ hôn của thuở mới lớn, lần đầu tiên biết thế nào là tình yêu. Xôn xao trong chàng lúc này cũng dịu ngọt như nụ hôn trong trí nhớ tưởng rằng đã quên mà lại nhớ, nhớ quá!
Tiếng Bình hỏi làm Cung giật mình:
“Mấy xe bán mì đêm ở đây ngon lắm, thử nhé? Xem mì Đà Lạt ngon hay mì anh ăn ở Mỹ ngon?”
Mùi thơm tỏa ra từ xa lẫn với những làn khói trắng vươn lên nghi ngút và vương vấn mãi trong không gian. Những chiếc đèn vàng ấm áp, ghế đẩu quanh xe và thực khách húp xì xụp, nói cười ầm ĩ. Chưa ăn đã thấy ngon, Cung nghĩ thầm. Mà ngon thật! Phải ngồi giữa cái lạnh của trời đêm Đà Lạt mới tận hưởng được hết cái thú ăn mì nóng thơm ngon, và có khua khoắng, ăn một cách ồn ào, mới thấy được cái khác biệt của... quê hương!
Sống trở lại. Thành con người đã từng sinh trưởng ở miền đất đỏ, chỉ giản dị có thế thôi sao? Mà có lẽ chỉ bình dị như thế thật! Điếu thuốc trên môi chàng ấm và ngon hơn bao giờ hết! Điếu thuốc nằm lại trên môi sau bao nhiêu năm không hút! Điếu thuốc như gắn chặt vào môi không chịu rời! Làm như tất cả những gì vừa xảy ra là một sự chụp bắt quý báu bất thình lình, không thể buông ra! Cùng lúc đó hình ảnh Nguyệt Hạ của một ngày nào lại hiện về. Sự gặp gỡ lại Nguyệt Hạ có như những gặp gặp bất chợt này không? Rồi chàng thấy bâng khuâng trong chờ đợi của một hội ngộ không biết sẽ ra sao?
Đêm đầu tiên ở Đà Lạt, Cung đã không ngủ được. Sự cách biệt về giờ giấc, những thao thức ngăn trở trong chàng, cái giường lạ, mọi sự chung quanh cũng khác và hình như thời gian có dài hơn! Chàng không biết sẽ nói gì với Nguyệt  Hạ? Cung thấy rõ chính mình của cả một thời gian đã qua đi, những mất mát rơi rụng suốt chẳng đường đời! Và ngay cả sự cô đơn đeo đuổi chàng từ bên Mỹ về tận đến nơi đây giờ đang bị chèn ép bởi những trông chờ của một ngày hôm sau đi tìm Nguyệt Hạ, để biết đâu Cung lại được trở về với thời gian cũ, được... yêu Nguyệt Hạ như tình yêu của thuở mới lớn.. 
Trang trại “Ngàn Hoa” là một cái tên khó quên. Ngày xưa cha Nguyệt Hạ là người yêu thích hoa. Ông ta sưu tầm đủ loại, đủ giống hoa, chăm chút còn hơn săn sóc những đứa con ruột thịt. Có những loại hoa quý mà hạt giống được gửi từ các nước ngoại quốc về. Mỗi lần có khách đến thăm, đưa đi khoe và kể lể chi tiết nguồn ngọn của từng loại hoa là một cái thú vô biên của chủ nhân. Trong nhà Nguyệt Hạ có biết bao là album hình khách phương xa chụp chung với chủ nhà bên ngàn hoa dị thảo. Nàng đã lớn lên giữa rừng hoa, bảo sao chỉ có một Nguyệt Hạ trên cõi đời này!
Cung còn nhớ ông Lâm, cha Nguyệt Hạ, đặt mua một cái máy nghiền đất từ bên Úc về. Lần đó Nguyệt Hạ lén đưa chàng vào khoảnh đất mà cha nàng đã công phu trồng được giống hoa Pensée đầu tiên ở Đà Lạt. Những bông hoa thấp nằm trồi lên mặt đất chừng vài centimet nở những bông hoa như cánh bướm, không hương thơm nhưng tuyệt đẹp. Những mảng đất chung quanh được xới nhỏ như cát. Và dù biết cha quý những bông hoa hiếm này như sinh mạng, Nguyệt Hạ cũng ngắt một bông đặt vào túi áo sơ-mi của Cung với tia mắt tinh nghịch nhưng tràn trề yêu thương. Chàng đã hôn nàng rất lâu giữa vườn hoa mà không sợ ai bắt gặp với bông hoa Pensée dập nát vì bị nén giữa hai thân người!
Tất cả những điếu này nằm y nguyên trong ngăn trí nhớ của Cung. 
Lái chiếc xe của Bình cho mượn mà Cung cứ ngại nó sẽ nằm dọc đường vì đường vào trang trại gập ghềnh, không được sửa chữa. Bụi đỏ bốc lên mù mịt quyện với khói xe. Hai bên đường vắng vẻ. Trang trại Ngàn Hoa nằm bên ngoài thành phố chừng 30km, nhưng đường xấu nên khoảng cách tưởng chừng như phải gấp đôi! Cung nghĩ đến mùa mưa không biết quãng đường này sẽ ra sao với những cơn mưa triền miên không dứt của Đà Lạt?
Xa xa thoáng thấy bảng gỗ của trang trại. Không còn là màu xanh núi rừng mà là một mầu gì khó tả! Càng đến gần, cái bảng đề tên Ngàn Hoa càng rõ rệt hơn. Dù đã sửa soạn cho chính mình trước những đổi thay tất phải có, nhưng Cung vẫn không chịu được! Chiếc bảng nằm lệch về một mé, sơn tróc nhiều chỗ! Ngay cả tên Ngàn  Hoa cũng mất một vài nét! Những hàng rào gỗ quanh trại lẫn vào cỏ hoang mọc tràn lan đang dập dềnh trước gió. Hai cây khuynh diệp trước cổng vẫn còn nguyên. Sự nguyên vẹn của cây khuynh diệp bỗng dưng làm Cung thấy mừng rỡ như bắt gặp lại một cái gì thật quý giá!
Ngừng xe ngoài cổng. Tắt máy. Chàng tần ngần đứng trước bảng gỗ có chữ Ngàn Hoa và nhìn vào bên trong. Cung có cảm tưởng chàng chưa đến đây bao giờ! Cả một vùng đất mênh mông, không một sắc màu hoa thắm, chỉ bát ngát màu xanh, xanh của cây, của cỏ, của rau, của vườn tược. Những mái nhà gỗ, quanh có vây kính để gìn giữ những chậu hoa quý vào mùa đông ngày nào nay đã biến mất! Lác đác sát hàng rào vài bông hoa Dã Quỳ vàng rực lên. Màu vàng tươi hiếm hoi chói sáng giữa những xanh rì của cây cỏ. Căn biệt thự ngay chính giữa đã bị vây quanh bằng nhiều căn nhà gỗ lụp xụp, mái tôn. Một sự chen lẫn thật tàn nhẫn và ngạo nghễ!
Vẫn đứng ngoài cổng, dựa lưng vào gốc khuynh diệp già lão, Cung tìm thuốc lá, châm lửa hút. Tay chàng hơi run khi châm mồi. Chàng không nhìn vào trang trại nữa. Qua làn khói thuốc, ngay cả những cây cỏ trước mặt chàng cũng mờ nhạt. Điếu thuốc đốt lên từng cảm xúc chập chờn trong chàng mà không sao bùng lên được một ngọn lửa! Những xúc động rời rạc như kéo chân Cung ngăn không cho chàng bước qua khỏi cổng để vào bên trong. Chàng tưởng như mình là một người đang mò mẫm trong bóng tối, dõi mắt suốt về một điểm sáng xa tít tắp, mà mãi vẫn không thấy đến gần. Càng nôn nóng xục xạo, càng xa vời vợi!
Từng điếu thuốc được ném xuống dưới chân. Cung di di mũi giầy lên từng mẫu thuốc lá cụt ngủn mà tưởng đâu đang đạp lên ngay chính quả tim mình như đánh thức, giục giã. Vào hay không vào? Đã đến đây mà không vào ư?
Đêm qua có những thôi thúc trông chờ, ngay lúc này vẫn còn những thúc bách đó nhưng không chỉ thế! Nỗi thất vọng, sợ hãi, lạnh ngắt đang lân lan và thầm bảo Cung quay về thôi! Cung không nhớ là chàng đã hút hết bao nhiêu điếu thuốc, đứng đó bao lâu, nhưng rồi một cái gì đó, âm thầm, nhỏ nhoi mà lại xoáy vào và đẩy Cung đi về phía trước, vượt qua cổng trại vào hẳn bên trong.
Cứ thế Cung đi thẳng vào. Có lẽ là giờ ăn trưa, chàng ngửi thấy mùi đồ ăn thoang thoảng. Những tiếng động sau căn nhà chính không ồn ào lắm.
“Ông tìm ai?”
Cung nhìn quanh. Người đàn ông lớn tuổi kia chắc chắn không phải là ông Lâm, cha Nguyệt Hạ. Vẻ mặt khắc khổ, đen đủi nhưng cứng cáp trong chiếc quần đùi mầu đen, áo may-ô mầu xanh đã bạc. Trên đầu có chiếc mũ bèo nhèo lệch về một bên. Đôi mắt dò hỏi sáng quắc nhìn Cung. Có lẽ ông ta chỉ ngoài 60 là cùng, Cung đoán thế.
“Tôi là người quen, muốn gặp... cô Nguyệt Hạ!” Chàng phải gọi nàng là gì? Bà hay cô?
“Chắc ông ở xa đến?”
“Phải!” Cung trả lời cụt ngủn, không muốn giải thích thêm. Chàng không thích ánh mắt xoi bói như tra khảo của ông ta.
“Ông tên gì để tôi vào nói cho cô biết?”
Khó chịu thật! Gặp Nguyệt Hạ khó đến thế cơ à?
“Cung! Ông cứ nói thế cô ấy biết” Giọng chàng lạnh nhạt.
Ông ta cũng không thèm mời Cung vào, để mặc chàng đứng đó rồi đi vòng bên hông nhà ra phía sau. Cung định đi theo nhưng lại thôi. Mặt tiền của căn nhà không thay đổi bao nhiêu trừ những mảng sơn đã tróc và bên ngoài  đã bị chắn bởi những căn nhà gỗ ọp ẹp mà tưởng chỉ cần một trận gió mạnh là tất cả sẽ sụp!
Chàng nhìn quanh. Không một khoảng đất nào để trống. Đủ loại, đủ thứ rau. Cung không còn tìm đâu thấy vết tích của “Ngàn Hoa” nữa! Đứng giữa cái nắng, gió của Đà Lạt, giữa những kỷ niệm của một thời đang bị bôi xóa, mắt Cung chợt tối lại, tối vì mầu rêu bám trên vách tường loang lở, xậm lại vì mầu gỗ mốc ngổn ngang vây quanh. Còn nỗi thất vọng nào đang chờ Cung nữa đây? Nguyệt Hạ ư? Biết đâu nàng cũng nhìn thấy ở chàng những rêu phong của thời gian!
Một bóng nhỏ từ xa đang tiến về phía chàng. Cái chấm nhỏ đó cứ lớn đần. Một vóc dáng phụ nữ... quen thuộc của trí nhớ rất nhiều năm trước. Cung đứng như chôn chân xuống đất chờ đợi. Chờ một cái gì sắp đến với nỗi bồn chồn đang dâng lên ngập mắt chàng, tràn đầy trong tim Cung như muốn phá vỡ lồng ngực. Chàng nghe rõ từng tiếng tim mình đập mạnh và nỗi xao xuyến của một ngày nào khi gần nàng hiện rõ, trở lại trên từng cử động của bóng hình kia.
Khi khoảng cách gần hơn, người đàn bà chợt dừng bước. Dù vẫn còn xa, nhưng Cung biết chắc đó là Nguyệt Hạ ở bờ vai tròn, và những nét quen thuộc từ cả trong dáng đứng mà có lần lục lọi trong trí nhớ mù mờ Cung tưởng đã quên hẳn! Nàng đứng yên ở đó như tượng, không tiến thêm bước nào.
Tất cả những ước muốn của đêm qua đang chực bùng lên. Có lẽ từ trong tiềm thức Cung vẫn chờ một sự trở lại như ngày hôm nay. Và ngày hôm nay, ngay trước mặt chàng đấy thôi. Nếu Cung không níu lại được thời gian thì ít nhất chàng cũng kéo được khoảng cách trước mặt. Nghĩ như thế, và chàng là người tiến đến. Những bước chân vội vã tìm kiếm về một điểm thu hút trước mặt.
Khi khoảng cách chỉ còn chừng vài sải tay, đủ nhìn rõ mặt, chàng dừng lại. Nguyệt Hạ! Mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt gầy và xanh xao. Nhưng đôi mắt? Vẫn đôi mắt của ngày xưa!  Đôi mắt dù u tối vẫn có lửa reo vui. Với đôi mắt ấy Nguyệt Hạ vẫn là Nguyệt Hạ của một ngày Cung mới lớn, mới biết yêu lần đầu.
Nàng vẫn đứng yên, đôi mắt mở lớn nhìn Cung như chờ đợi một cái gì sắp xảy đến. Cung bước như người mộng du, và khi chỉ còn là một khoảng cách thật khiêm nhường, chàng dừng lại. Những tàn phá của thời gian và cuộc đời chẳng tha một ai, ngay cả Nguyệt Hạ! Nhưng Cung chỉ nhìn thấy đôi mắt nàng, đôi mắt của ngày xưa đang long lanh không phải với ánh lửa dã thú ngày nào mà thê thiết, mời gọi trong những xúc động hằn rõ ở khóe mi, ở gò má nhô cao có hạt nước  mắt đang lăn vội xuống và những chớp mắt như không kềm giữ được. Chàng ôm chặt lấy Nguyệt Hạ, như giữ lại những thổn thức vừa đến cho riêng mình. Một lúc sau Cung mới thấy vòng tay nàng quấn lấy chàng. Hơi ấm từ thân thể gầy gò của nàng làm Cung cay cay mắt! Có nhau, gần nhau như thế, nhưng mỗi người quay về mỗi hướng, nghe trong nhau những xao động vừa bắt gặp lại, cũ mà mới!
Chỉ thế thôi, rồi buông nhau ra!
Nàng đã bình tĩnh trở lại khi hỏi Cung:
“Anh về đây từ hôm nào?”
“Mới hôm qua!”
Hình như Nguyệt Hạ định nói một cái gì đó, nhưng rồi lại thôi.
Cung nói khẽ:
“Cám ơn món quà của Nguyệt Hạ!”
Nàng cười buồn. Nụ cười se sắt làm Cung áy náy. Chàng nhớ đến ngày bỏ thành phố ra đi, không hề nói một lời với Nguyệt Hạ! Đi như đi trốn!
Nàng có vẻ như không muốn nhắc đến và nói sang chuyện khác:
“Mời anh vào thăm “nhà của em”!”
Chữ “nhà của em” với cách nói để kéo Cung về với thực tại là những gì chung quanh mà chàng đang nhìn thấy, và thời gian là năm 2000.
Nàng kể với một giọng trầm tĩnh về cuộc sống tại đây. Khi nhắc đến những đứa trẻ, giọng Nguyệt Hạ vui hẳn lên.
Nàng đùa khi nói với Cung:
“Làm sao mà em sanh được tới 20 đứa con, anh thấy không? Có 20 niềm vui để sống, em thấy mình giàu có quá!”
Không có giọng chua chát. Nguyệt Hạ hạnh phúc thực sự với công việc và đời sống hiện tại.
Nàng đưa Cung vào nhà ăn. Các trẻ đang ăn trưa. Căn phòng không lớn lắm. Quần áo dù không đẹp đẽ nhưng lành lặn. Mỗi trẻ một kiểu tóc. Chúng đúng là những đứa con của Nguyệt Hạ, không phải trẻ trong viện mồ côi! Cung nhìn thoáng. Bữa ăn trưa rất đạm bạc! Nuôi hai mươi miệng ăn trong xã hội này không phải là một chuyện đơn giản.
Như đọc được ý nghĩ của Cung, Nguyệt Hạ thở dài:
“Phải chi mỗi trẻ được chừng mười la một tháng thì thật thần tiên! Mời anh qua bên này xem lớp học”
Lớp học mà Nguyệt Hạ nói chỉ là phòng khách ngày xưa của nhà nàng. Những đồ đạc ngày nào không thấy nữa! Hai mươi đứa trẻ mà chỉ có 5 cái bàn nhỏ!
“Không đủ bàn ghế nên em chia giờ cho chúng học. Mỗi lần 5 đứa. Vì vậy bận suốt cả ngày. Cả nông trại chỉ có mình em, cô Túy, cô Phượng và ông Cầu. Anh nhớ cô Túy không? Ngày xưa cô ấy là vú của Nguyệt Hạ đấy! Ba má em mất cả. Long, em của Nguyệt Hạ sống ở Sài Gòn cũng chật vật lắm nên chẳng giúp gì được! Đất đai chung quanh rộng lớn lắm nhưng làm không xuể! Thỉnh thoảng có người biết đến  giúp chút đỉnh nên cũng đỡ.
Đưa Cung đi một vòng, nàng kể:
“Những đứa trẻ này, đứa thì mồ côi cha mẹ, đứa thì bị bỏ lại. Trong số này có vài đứa là con rơi mà mẹ chúng hẹn sẽ trở lại mang đi! Nhưng anh biết mà, họ chẳng bao giờ trở lại cả!”
Cung chỉ tìm thấy trong mỗi đôi mắt là Nguyệt Hạ ngày cũ, còn tất cả đều là mới. Ngay chính nàng trước mặt chàng là một con người hoàn toàn mới mẻ mà Cung chưa từng biết đến. Đi theo nàng, nghe nàng nói, Cung thấy bình thản trở lại. Làm như những ân hận của ngày xưa đã phần nào được bù đắp bằng sự trở về của chàng, dù trong một hoàn cảnh khác biệt!
Khi ra đến cổng, thay vì đưa phong bì cho Nguyệt Hạ như dự tính, Cung đổi ý:
“Sáng đi vội quá anh quên một thứ. Ngày mai Bình sẽ mang lên cho Nguyệt Hạ. Anh phải về Sài Gòn ngày mai để trở lại Mỹ. Sẽ giúp Nguyệt Hạ một tay trong công việc này, giúp đều đặn.. để Nguyệt Hạ đỡ lo và mập lên chút đỉnh. Em gầy quá!”
Câu cuối Cung nói làm nàng bối rối! Sự xúc động ban nãy lại có dịp trồi lên làm nàng yên lặng.
Ngày mai trở về Sài Gòn là một điều vừa xảy đến trong đầu chàng! Cung không muốn ở lại nữa! Hãy để sự bắt gặp trong một thoáng giây này tồn tại mãi với những kỷ niệm ngày cũ.
Nguyệt Hạ tiễn chàng ra đến tận cổng. Cả hai đều không tìm được lời để nói với nhau. Nàng vẫn đứng đó khi Cung lên xe. Không giơ tay, chỉ đứng yên ở ngay cổng mà trên đầu nàng cái bảng trang trại “Ngàn Hoa” bị lệch về một phía đang kẽo kẹt trước gió.
Khi chiếc xe đi khuất và những bụi đỏ đã tan loãng vào không gian, Nguyệt Hạ mới nhìn thấy những mẫu thuốc lá ở ngay cổng trại. Nàng vội vã quay vào, mắt đầy lệ.
19/7/2021
Mặc Bích
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...