Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Tình ngỡ như trăng lạnh

Tình ngỡ như trăng lạnh

Mùa hạ năm 1980 là một thời gian đầy hứng khởi tại Bắc Kinh, khi mà những luật lệ trói buộc đời sống người dân Trung Hoa về mọi mặt, bỗng nhiên được nới lỏng. Một nhóm nghệ sĩ tự do, nhóm Quần Tinh, được phép trưng bầy tác phẩm hội họa của họ tại Bảo Tàng viện Nghệ Thuật. Các họa sĩ thuộc nhóm Quần Tinh là những người không ưa chính trị, và không chấp nhận ý thức hệ cộng sản.
Cuộc triển lãm của nhóm Quần Tinh đã đem lại cho Emmanuel Bellefroid một tình yêu tuyệt vời bắt nguồn từ nghệ thuật và một cuộc tình duyên đầy trắc trở nhưng đẹp như tiểu thuyết. Emmanuel Bellefrod là một chuyên gia ngữ học 32 tuổi người Pháp. Emmanuel lúc đó làm việc tại tòa đại sứ Pháp tại Bắc Kinh, và vừa trải qua những đắng cay của một cuộc hôn nhân tan vỡ.
Tại phòng triển lãm của nhóm Quần Tinh, Emmanuel Bellefroid hết sức chú ý đến một tác phẩm của nữ họa sĩ Lý Thu An. Emmanuel đứng lặng, chết trân nhìn tác phẩm ấy hàng giờ. Ðó là cảnh một con chó trên một bãi biển vắng vào một đêm trăng. Con chó ngẩng lên và sủa mặt trăng ở trên cao vời vợi. Với một tâm hồn tan nát sau cuộc tình duyên dang dở, tác phẩm "Chó Sủa Trăng" này đã phản ảnh nỗi cô đơn và tâm tình thế thiết của Emmanuel. Emmanuel cũng cô đơn như con chó trên bãi biển, và cũng đang ngóng vọng một tình yêu mà có lẽ chẳng bao giờ đạt được. Cảm phục đưa đến tình yêu. Ðối với Emmanuel, một lần nhìn thấy tác phẩm ấy đã là thiên thu. Chàng thanh niên 32 tuổi một đời vợ này nhất định xin được gặp họa sĩ tác giả.
Vài ngày sau, Emmanuel được giới thiệu với Lý Thu An ngay tại phòng triển lãm. Emmanuel rất đỗi kinh ngạc vì không ngờ người sáng tạo tác phẩm tuyệt vời ấy là một thiếu nữ trẻ đẹp đến như thế. Hai người cùng nhau đi khắp phòng triển lãm và xem những tác phẩm của Thu An. Emmanuel nói tiếng Trung Hoa rất giỏi, và nghiêng mình nói với Thu An bằng một giọng đặc Bắc Kinh rằng anh ta thán phục các tác phẩm của Thu An lắm.
Emmanuel và Thu An là hai mẫu người trái ngược. Chàng là người Tây phương cao lớn, còn nàng là một thiếu nữ rất mảnh mai, một nét duyên dáng của Ðông phương. Thế nhưng đến cuối mùa hạ thì hai người đã yêu nhau và khám phá rằng họ cần phải có nhau. Emmanuel thú nhận tình yêu của họ đến mãnh liệt như một cơn lốc và không thể tránh thoát được.
Dù ở bất cứ đâu, tình yêu đi đến hôn nhân cũng là một điều tốt đẹp. Nhưng tại chế độ cộng sản hà khắc Trung Hoa thì không phải như thế. Liên lạc với người ngoại quốc là một tội ác, và người con gái Trung Hoa trong trường hợp ấy thường bị coi là một gái điếm.
Khi còn nhỏ, Lý Thu An được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Dưới thời Mao Trạch Ðông, cha mẹ Thu An bị trừng phạt vì là giai cấp tiểu tư sản được giáo dục theo Tây phương. Thân phụ nàng bị cách chức giáo sư đại học, và thân mẫu nàng cũng bị loại khỏi chức vụ giảng huấn, và phải đi lao động tại Mãn Châu, cách xa Bắc Kinh 600 dặm.
Thu An lớn lên mang hằn dấu vết tủi nhục này. Bị ruồng bỏ và sống trong cô đơn, nàng rút lui vào thế giới riêng tư với những sách vở về hội họa của ông ngoại. Thu An tìm sự bình an bằng cách ngồi trên sàn nhà và say mê vẽ. Năm 1966, trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, lúc đó ông ngoại Thu An đã ngoài 70 tuổi, đã bị Vệ Binh Ðỏ lôi ra ngoài đường phố, bị buộc tội làm tay sai cho đế quốc Mỹ, rồi bị đánh đến chết. Căn nhà của ông ngoại nàng bị tịch biên ngay lập tức. Thu An dọn về sống với cha mẹ lúc này đã được đoàn tụ với nhau rồi. Bà ngoại của nàng trở về sống với một người con trai. Thu An tìm hết cách tránh né các bạn học cùng lớp, và sống một cuộc đời hết sức lặng lẽ.
Năm 1975, Thu An bị gửi đến một nông trường tập thể, trong công tác tưới nước cho những cánh đồng trồng bông gòn. Suốt ngày nàng phải gánh nước từ giếng ra đồng, rồi đến 7 giờ tối thì gục xuống ngủ thiếp đi vì quá mệt. Nhưng sáng nào nàng cũng thức dậy thật sớm, từ lúc 3 giờ sáng. Sau khi thêm củi vào lò cho lửa sáng hơn lên, nàng chăm chú ngồi vẽ cho đến gần sáng, tâm hồn chìm hẳn vào thế giới của tưởng tượng và nghệ thuật.
Ðến khi Mao Trạch Ðông chết, các luật lệ khắt khe được nới lỏng bớt, và Thu An được phép trở về sống với cha me tại Bắc Kinh. Nàng được giao phó công việc sơn vẽ những tấm phông của một đoàn hát. Một thời gian sau nàng gia nhập nhóm Quần Tinh.
Một ngày nắng ấm tháng Chín năm 1975, nhóm Quần Tinh triển lãm 150 tác phẩm ngay tại hàng rào bên ngoài Bảo Tàng viện Nghệ thuật. Thu An có ba tác phẩm trong cuộc triển lãm này. Hai ngày đầu dân chúng đổ xô tới xem và thích thú thưởng ngoạn những nghệ phẩm chưa được chính quyền chuẩn phép triển lãm này. Rồi cảnh sát ào tới ngăn chặn cuộc triển lẫm, nhưng những cuộc tranh đấu sau đó đã cho phép tác phẩm của nhóm Quần Tinh được triển lãm bên trong Bảo Tàng viện Nghệ thuật.
Khi Emmanuel và Thu An bàn về cuộc hôn nhân thì cả hai đều biết đây là một việc cực kỳ khó khăn. Ðể tránh bị lộ, hai người quyết định chỉ gặp nhau vào buổi tối, thường là lái xe đi loanh quanh không mục đích và không dám dừng xe lại tại một nơi nào. Tuy thế, mối tình của hai người ngày càng nồng nàn say đắm. Hai người đồng ý rằng tuy quá khứ của họ khác hẳn nhau, nhưng cả hai đều có cùng một ước vọng cho tương lai. Hai người quyết định công khai tuyên bố ý định kết hôn.
Nhưng lúc đó, luồng gió tự do tại Trung Hoa đang tàn dần. Khi nhóm Quần Tinh chấm dứt cuộc triển lãm thì họ không được phép triển lãm tại Bảo Tàng viện nữa. Rồi những nguyện vọng chống đối và những cuộc tụ họp của những nhóm chống đối chính quyền bị cấm chỉ. Tệ hơn nữa là người Trung Hoa bị cảnh cáo không được liên lạc với người ngoại quốc.
Tuy vậy ngày 18-6-1981, Emmanuel cũng thông báo cho toà đại sứ Pháp về quyết định muốn kết hôn với Thu An. Về phần Thu An, nàng cũng đệ đơn lên ủy ban nhân dân thành phố, xin được phép kết hôn với Emmanuel. Ngay tại cuộc triển lãm chiều hôm ấy, hai người xuất hiện đứng bên nhau như một cặp vợ chồng sắp cưới. Lúc ra về, Emmanuel ra xe hơi trước và chờ Thu An dẫn xe đạp của nàng ra. Ðúng ngay lúc ấy, một nhóm cảnh sát chờ sẵn bên ngoài, chặn Thu An lại và dẫn nàng về trụ sở cảnh sát quận. Thu An bị liên tiếp thẩm vấn suốt bốn giờ về sự liên hệ của nàng với Emmanuel. Thu An luôn luôn lo lắng tội nghiệp cho Emmanuel không biết được những gì đã xảy ra, và có lẽ đang mòn mỏi trông chờ nàng.
Nhưng Emmanuel cũng biết được sự việc ngay và đã có mặt tại sở cảnh sát và nhất định yêu cầu cảnh sát phải trả tự do cho nàng. Một viên chức cảnh sát cho biết Thu An chỉ là một con điếm.
Emmanuel lập tức cãi lại Thu An là hôn thê của chàng. Cuối cùng Thu An cũng được thả ra. Từ khung cửa bên trong, Thu An hiện ra, mặt tái nhợt nhưng vẫn giữ được đầy đủ phong cách của một nghệ sĩ uy vũ bất năng khuất. Nàng và Emmanuel tay trong tay bước ra khỏi sở cảnh sát. Một viên chức cảnh sát căm giận nói với theo những lời hăm dọa, "Lần sau thì sẽ biết!"
Emmanuel và Thu An tiếp tục nộp hết giấy tờ này đến giấy tờ khác. Trong suốt mùa hè ấy, cả hai người chạy đua với thời gian. Tình hình chính trị ngày càng bất lợi cho họ. Ðã có những cuộc thanh trừng khủng bố mới; những vụ bắt bớ mỗi lúc một nhiều hơn.
Ðầu tháng Tám. một người bạn của hai người làm việc tại bộ an ninh quốc gia báo động cho họ biết sở cảnh sát thấy không cản được cuộc hôn nhân của hai người nên đã ra lệnh bắt giữ Thu An. Lập tức Emmanuel đưa Thu An vào chỗ ở của chàng bên trong khu vực của ngoại giao đoàn, nơi cảnh sát không được phép vào. Ðến cuối tháng Tám, Emmanuel biết giấy tờ hôn nhân của hai người đã tới được cơ quan cao nhất, và bộ ngoại giao Trung Hoa đang cần sự thân thiện của Pháp, đã hứa chấp thuận cuộc hôn nhân của Emmanuel và Thu An. Hai người vô cùng sung sướng và dự định cử hành hôn lễ vào ngày 1-10.
Ngay sau đó Emmanuel có việc phải đi Hồng Kông vài ngày. Ðối với Thu An ở lại một mình, ngày giờ dường như dài hơn. Ngày 9-9 nàng gọi điện thoại mời một người bạn đến chơi. Ðúng 3 giờ chiều, Thu An xuống cổng tại ranh giới giữa khu vực ngoại giao đoàn và khu vực thuộc quyền chính phủ Trung cộng, để mở cổng cho bạn vào. Bất thình lình những cảnh sát mặc thường phục nhào ra từ phía sau, và lôi Thu An ra khỏi khu vực ngoại giao đoàn.
Ngày 11-9 Emmanuel từ Hồng Kông trở về và được đại sứ Pháp báo cho biết tin dữ. Emmanuel liền tự ra sở cảnh sát để dò hỏi về Thu An thì được trả lời, "Ðây là vấn đề thuộc thẩm quyền chính phủ Trung Hoa. Hãy quên cô gái ấy đi, và anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại cô ta nữa."
Emmanuel thề sẽ tìm lại được người yêu.
Dưới áp lực của chính phủ Trung cộng, Emmanuel bị đuổi về Pháp. Trung cộng buộc tội Emmanuel đã tài trợ cho các phong trào chống đối chính phủ, và đã hành động phản lại tư cách ngoại giao của mình. Emmanuel báo cho các nhà báo Tây phương biết những gì đã xảy ra cho Thu An, và tin tức nói về Thu An bỗng nhiên trở thành những hàng tít lớn trên báo chí thế giới.
Khi Emmanuel trở về Ba Lê vào một ngày tháng Mười lạnh lẽo, rất đông phóng viên vây quanh chàng và đặt rất nhiều câu hỏi về Thu An và mối tình của hai người.
- Thu An có phải là một người chống lại chính quyền Trung Cộng không?
- Không.
- Cô ta đã làm những gì?
- Cô ta chẳng làm gì cả.
- Vậy tại sao cô ta bị bắt giữ?
Emmanuel buồn bã trả lời, "Tại vì cô ta không may đi yêu một người Pháp."
Emmanuel vận dụng thời giờ và tìm sự trợ giúp của các viên chức chính phủ, và trả lời thật nhiều các cuộc phỏng vấn. Tháng Mười Một, các thân hữu của Emmanuel tổ chức một cuộc biểu tình, và cuộc biểu tình này lôi cuốn hàng trăm người khác tới tham gia. Các biển ngữ xuất hiện khắp thành phố, "Hãy Trả Tự Do Cho Lý Thu An." Hội Ân Xá Quốc tế xác nhận Thu An là một tù nhân của lương tâm.
Trong khi đó Thu An bị ghép vào tội "Phản động, hành động tồi bại" và "xúc phạm đến danh dự quốc gia." Nàng bị kết án và bị lưu đầy làm lao công cưỡng bách tại một nơi cách bắc Kinh 28 dặm, trong một tình trạng gần như cô lập. Sự cô đơn làm nàng tê dại. Nàng không được phép vẽ và đọc sách nữa. Người ta bảo cho nàng biết Emmanuel đã trở về Pháp và đã quên nàng rồi. Nhưng lúc nào Thu An cũng nhớ về Emmanuel. Rồi một hôm nàng được gọi lên văn phòng của quản đốc trại lao động cải tạo.
Hắn hỏi nàng, "Tại sao cô quan trọng đối với người Pháp như thế?"
Thu An chỉ biết lắc đầu trước câu hỏi này. Nhưng đêm đó, khi nằm trên chiếc ghế bố nhỏ hẹp, nàng cảm thấy vô cùng êm ái. Emmanuel đã không quên nàng.
Phải mất hai năm trôi qua trước khi chính quyền Trung cộng nhượng bộ áp lực của những cuộc thương thuyết ngoại giao. Một buổi sáng tháng 7-1983, tên cai ngục mở cửa phòng giam của Thu An và bảo nàng gom vật dụng lại. Sau đó nàng trông thấy thân phụ và hiểu rằng ông đến để đưa nàng về nhà. Nàng được trả tự do.
Sáng sớm ngày 9-7-1983, Emmanuel giật mình thức giấc vì điện thoại của ông đại sứ Pháp tại Bắc Kinh. Ông ta bảo cho chàng biết Thu An đã được trả tự do. Trong lúc chờ đợi xin chiếu khán xuất ngoại sang Pháp, Thu An sống những ngày vô cùng hồi hộp. Nàng say sưa vẽ để bù lại những ngày đã mất. Cuối cùng ngày 25-11, Thu An lên phi cơ đi Ba Lê.
Hàng trăm ký giả có mặt tại phi trường từ 6 giờ sáng để chờ đợi chuyến bay của Thu An. Khi Thu An bước xuống phi cơ, nàng chạy đến ôm choàng lấy Emmanuel, bất kể hàng trăm ký giả đứng chung quanh. Cơn ác mộng của hai người đã chấm dứt.
Emmanuel và Thu An đã đạt được hạnh phúc to lớn mà họ đã tưởng không bao giờ với tới được. Cặp vợ chồng hạnh phúc này sang làm việc một năm tại đại học Stanford, California cho một chương trình nghiên cứu về Trung Hoa. Sau đó Thu An và chồng sống tại Pháp. Emmanuel vẫn làm việc cho chính phủ Pháp còn Thu An trở lại với con đường nghệ thuật của nàng. 
Nguyễn Vạn Lý
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...