Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Men chiều 1

Men chiều 1

Men chiều
Tan sở ra, An và Bích cùng lấy cớ là đã ngồi suốt buổi làm việc mệt nhọc, cần phải đi dạo một lát cho thảnh thơi trước khi về nhà. Thế là họ cùng nhau đi qua mấy phố vắng; họ không định trước đi đâu, nhưng một lúc sau thì họ tới bờ sông. Gió mát từ mé sông thổi tới lồng lộng; cả hai cùng bước chậm đi sát bên nhau từ lúc nào chính họ cũng không biết.
Bích là người nhận ra điều ấy trước An; nàng đưa mắt nhìn những người đi lại ngoài phố rồi bước lánh xa An một chút, và nói với An giọng không được tự nhiên :
- Chiều xuống đẹp quá anh nhỉ!
- Chiều xuống! Tôi thì tôi nói là chiều lên, “chiều lên men” mà. Những buổi chiều êm đẹp như hôm nay, hoặc những buổi chiều có mưa phùn hay mưa to đi nữa, thì tôi cũng vẫn thấy lòng vui thích say sưa. Bởi vậy tôi thường có cái thú đi lang thang vào những buổi chiều, và nhất là...
An định nói: “... và nhất là lại có chị cùng đi bên cạnh” nhưng chàng bỏ lửng, không nói hết câu.
“Chiều lên men!” Bích thầm nhắc lại câu nói riêng của An mà nàng cho là có duyên, rồi mủm mỉm cười một mình.
Hai người yên lặng, lắng hưởng cái thú đi sát bên nhau. Đôi khi bàn tay họ tình cờ chạm nhẹ vào nhau gây cho họ một cảm giác hồi hộp. Tới một chỗ vắng bên bờ sông, không ai bảo ai, họ ngừng lại. Ánh chiều gần tắt. Bờ bên kia những hàng cây xanh xẫm đang từ từ mờ biến trong làn hơi nước tự trên mặt sông bốc lên, lẫn với sương chiều tỏa ra mỗi lúc một dầy. Bích và An đã cùng ngồi xuống bên bờ cỏ; cả hai đều cảm thấy một nỗi vui là lạ ở trong lòng đang nhè nhẹ dâng lên, như làn sương chiều mờ ảo bao quanh họ.
Hơi lạnh thấm vào người khiến Bích có cảm giác như thân nàng cũng tan đi dần dần, như mặt sông hồi nãy còn in ánh chiều vàng lấp lánh, nhưng bây giờ đã cùng với mọi cảnh vật chìm lẫn trong hơi sương, hợp thành một khoảng không, bao la huyền ảo. Bích tưởng chừng nàng và An đang ở trong cái khoảng không, bao la huyền ảo đó. Bên tai nàng tuy có vẳng tiếng ồn ào từ trong phố vọng ra, nhưng Bích nghe rất xa xôi và riêng biệt, không liên quan gì tới phút sống hiện tại của nàng. Bích chỉ biết có An đang ở bên nàng, và tình yêu đầy tràn trong tâm hồn! Nàng nói với An, giọng rất nhẹ và thanh, khác hẳn mọi lúc :
- Anh, chúng mình đang sống ở trên trời anh ạ.
- Bích ạ, tôi cũng đang cảm thấy thế.
Họ cùng nhìn nhau; người Bích run lên nhè nhẹ. Tình yêu của nàng đã dâng lên đôi mắt; Bích say sưa đẽ ánh mắt chìm đắm trong vẻ nhìn đầy yêu đương của An. Nhưng chỉ một thoáng An lại vội quay đi rút thuốc lá ra hút, cố lấy lại vẻ bình thường và khó hiểu như mọi lúc.
Chính cái vẻ khó hiểu ấy đã làm cho tất cả các bạn bè trong sở và cả Bích nữa đều phải khó chịu, vì không ai hiểu rõ được An và cuộc sống riêng của chàng ra sao. Chàng tránh những truyện tâm sự và ít trò chuyện với mọi người. An đã có vợ, nhưng cả đến những người bạn gần nhất của chàng cũng chưa hề biết mặt vợ chàng. Trong những ngày nghỉ, người ta cũng chỉ thấy chàng đi chơi lang thang có một mình.
Tính rất riêng biệt của Au đã làm chàng thành một người khó hiểu; trong câu truyện vui của mọi người, chàng hay được người ta nhắc đến bằng những giọng gần như chế riễu. Tuy thế nhưng không ai ghét An, vì chàng có những cử chỉ nhã nhặn và một giọng nói rất ấm.
Ở trong sở, ít khi Bích có việc tiếp xúc với An nên tuy ra vào thường gặp nhau. Bích không để ý gì đến An cả. Một vài lần tình cờ Bích bắt gặp An ngước nhìn những ngọn cây xanh lá và khoảng trời mây êm dịu ngoài khung cửa sổ, lúc đó trên mặt An hiện rõ một nét vui linh động, tự dưng Bích cảm thấy lòng vui lây.
Mấy tháng trước, có một buổi chiều Bích cùng ngồi với một người bạn gái ở trong tiệm giải khát, nàng lơ đãng đưa mắt nhìn sang bàn bên cạnh. Bỗng Bích đập nhẹ tay vào vai bạn và nói nhanh :
- Này chị! Cái anh chàng ngồi bàn bên, sao lại có đôi mắt giống mắt “anh chàng khó hiểu” ở sở em đến thế!
- Em có quen đâu mà phân biệt được giống với không giống; mà sao chị gọi người ta là “anh Chàng khó hiểu?”
Bích cười rồi bằng một giọng khôi hài nàng kể cho bạn nghe về tính của An.
Nhưng người bạn gái nghe xong thản nhiên bảo :
- Thế thì anh ta là người kín đáo tốt đấy chứ.
Bích ngẩn người, ngẫm lại những lời mình kể về An: “Ừ, như thế thì An có gì là xấu”. Thì ra vô tình nàng đã khen An mà không tự biết.
Từ buổi ấy, trong khi giao thiệp với các bè bạn thỉnh thoảng do một sự tình cờ, Bích chợt để ý đến cái miệng của họ, tự nhiên nàng lại nghĩ tới cái miệng của An. Bích không nghĩ rằng miệng An đẹp hay xấu; nàng không hề để ý đến điều đó bao giờ, nhưng vẫn nhớ đến mà, chỉ nhớ đến có cái miệng An; cũng như lúc khác, khi chú ý đến cặp mắt của ai thì nàng nhớ đến cặp mắt của An mà cũng chỉ nhớ riêng có cặp mắt của An thôi.
Một hôm An đi ngang qua bàn giấy của Bích, chị Thùy ngồi trước mặt Bích khẽ bảo nàng :
- Này chị Bích, em nói câu này chị đừng giận nhé.
Bích thản nhiên đáp :
- Chị cứ nói, em với chị làm gì có chuyện để giận nhau nữa.
Thùy nghiêm giọng, ghé gần Bích nói nhỏ :
- Này, anh chàng An có vẻ cảm chị lắm đấy. Kể anh ta cũng tốt, nhưng đã có vợ.
Bích cau mày bảo Thùy.
- Chị nói nhảm, em giận thật đấy. Anh ấy đứng đắn lắm, làm gì có chuyện như thế. Vả người ta đã có vợ con, mình chả nên đùa.
Thùy nghiêm nét mặt đáp :
- Bích ạ, em không đùa đâu. Em biết tính chị giầu tình cảm lắm, và giá anh An không đứng đắn thì đã không đáng ngại, nhưng chính em lại ngại vì tính đứng đắn của anh ta. Những tâm hồn đẹp gặp nhau mới dễ sợ, và cũng vì thế em mới phải nói để chị đề phòng đấy thôi.
Bích bật cười :
- Thế những tâm hồn xấu gặp nhau chắc không sợ? Vậy chị khỏi lo cho em, vì tâm hồn em xấu lắm. Và nếu “anh chồng khó hiểu” quả thực là có ý gì thì cũng chẳng gọi là người có tâm hồn đẹp được.
- Nếu tâm hồn xấu gặp nhau lại càng đáng sợ hơn.
Bích ngượng ngùng im lặng; nàng chưa nghĩ đến yêu An bao giờ, nhưng nghe nói An đã yêu nàng, nàng không khó chịu mà còn thấy như kiêu hãnh vì cái anh chàng lạnh lùng, khó hiểu ấy đã phải để ý đến mình; lòng nàng bị xáo trộn bởi nhiều cảm giác rất trái ngược. Bích băn khoăn đến gần thành lo sợ khi cảm rõ một nỗi rung động lạ và vui đang thấm trong tâm hồn nàng. Bích không dám đón nhận niềm vui ấy nhưng cũng không dám nghĩ đến lý do tại sao lại không dám nhận.
Từ buổi đó tự nhiên Bích cứ nhớ lại lời Thùy đã nói với nàng về chuyện An có nhiều cảm tình với nàng. Nhưng chính An vẫn không tỏ ý gì khác; chàng vẫn giữ tính ít nói, dè dặt, tránh giao thiệp với mọi người và cả với Bích. Tuy nhiên đôi khi Bích chợt bẳt gặp An nhìn nàng bằng ánh mắt khác thường, nàng không còn nghĩ như trước cho đấy chỉ là “một lối nhìn” của An. Bây giờ ánh mắt An đã khiến Bích băn khoăn không ít và đã gieo cho Bích một ý nghĩ rằng An quả thật đã có cảm tình với nàng như lời của Thùy.
Giá ngay bây giờ An tỏ cho Bích biết rõ là An yêu Bích chắc chắn Bích sẽ nói thẳng là nàng không yêu An vì nàng không cảm thấy yêu An và vì An đã có vợ mà còn có tình ý vởi nàng như vậy thì không tốt chút nào. Nhưng An không tỏ ra như vậy, khiến Bích cứ phải tìm hiểu chàng; Bích muốn tìm ở An một chứng cớ để nàng có thể tin được ý nghĩ của nàng thấy An đã yêu nàng là đúng. Như thế để làm gì, Bích cũng không biết.
Cái ý tưởng tìm hiểu An ấy cứ ám ảnh mãi Bích, làm cho nàng phải buồn khổ, vì nàng không thể tin hẳn được là An yêu nàng, cũng như nàng không thể tin hẳn được là An không yêu nàng. Và rồi Bích đã yêu An say đắm như bây giờ từ ngày nào, phút nào, nàng cũng không biết nữa; nàng cũng không nhớ cả nguyên do buổi đầu lại sao hai người lại cùng đi chơi; nhưng cảnh trời và cảm giác của buổi đi chơi hôm đó thì không bao giờ Bích quên được. Bây giờ họ thường đi với nhau vào những buổi chiều tan sở như chiều hôm nay. Bích rất sung sướng vì nhiều lúc cảm thấy rõ rệt An đã yêu nàng, đã gây cho nàng nhiều phút hồi hộp: nhưng An vẫn không nói với Bích một lời yêu đương nào cả, chẳng lẽ Bích lại nói trước với An là nàng yêu An hay sao! Bích cứ phải đè nén lòng yêu rạo rực, nhiều lúc nàng cảm thấy tự ngượng và tự khinh mình vì những điều mong muốn thầm kín rất mãnh liệt luôn luôn ám ảnh nàng. Bích mong đợi cái phút được ủ mình trong đôi tay âu yếm của An, uống từng hơi thở và hít cho thật đã cái mùi hơi nồng ấm từ ở người An, để đền bù lại những phút như lúc này ngồi cạnh bên An nàng chờ đón từng cơn gió thoảng có quyện mùi hơi nồng ấm ấy đã làm cho Bích say sưa trong đau khổ.
Hai bàn tay Bích luôn luôn nắm vặn chiếc khăn “mùi-soa” lụa mỏng đến gần rách ra. Nàng phải làm thế để tự kìm hãm hai cánh tay nàng khỏi ôm chầm lấy An rồi khóc và bảo chàng: “An ơi! Em biết là anh cũng yêu em, nhưng tại sao anh lại tránh em? Phải rồi, anh tránh em chỉ vì anh đã có vợ, nhưng mà anh hãy cứ nói thực vởi em là anh cũng yêu em đi. Em không thể cứ yên lặng xa anh, cũng như em không thể để anh tránh em trước khi em biết rõ và chắc chắn là anh yêu em. Chúng mình phải nói với nhau cho hết những nỗi thắc mắc đi đã rồi thôi”.
“Rồi thôi” Bích sợ hãi, đầu óc nàng chợt tối xầm hẳn lại khi nghĩ đến hai tiếng ấy.
Trời đã tối từ lâu; con sông hồi nãy đã cùng với cảnh vật biến đi, giữ lại hiện ra mờ nhạt dưới ánh trăng lạnh hòa loãng trong hơi sương và sương đêm đã thấm ướt trên vai áo Bích, nhưng Bích vẫn không thấy gì; tình yêu đã làm Bích quên cả thân mình.
Cả hai người đều biết là trời đã khuya nhưng không ai nhắc đến chuyện ra về. Họ vẫn ngồi bên nhau, vẫn thủ thỉ nói chuyện, lắng nghe từng giọng nói của nhau, nhưng không để ý là đã nói và đã nghe thấy những gì, vì tất cả những điều mà thực tình họ đang muốn nói cho nhau nghe họ vẫn giữ kín ở trong lòng.
Trong hai người, kẻ tỏ tình ra trước phải là An, nhưng tuy không muốn nhớ mà An vẫn thấy hình bóng Thảo, vợ chàng, thấp thoáng hiện ra trong trí; mỗi khi An định nói với Bích những lời yêu đương, thì chùng lại ngượng ngùng, y như có Thảo ở bên cạnh, thành thử chàng cứ phải im lặng. Như thế làm sao Bích có thể hiểu được An.
Trong khi An tỏ ra hờ hững nhất lại là lúc tình yêu trong lòng An vì luôn luôn bị đè nén, đã trở nên vô cùng mãnh liệt; mắt chàng nhìn vào khoảng không, khi chàng tha thiết muốn hưởng vẻ mắt của Bích đang say đắm nhìn chàng, An thấy lòng rạo rực thèm muốn được ghì lấy thân mình Bích, để tưởng rằng Bích sẽ nhỏ dần, nhỏ dần trong vòng tay mỗi lúc một siết chặt thèm của chàng cho đến lúc Bích với chàng như hòa thành một.
An đã cố nhưng vẫn không tránh khỏi lòng ham muốn thường tình của đôi trai gái khi ngồi gần bên nhau; các lẽ phải trái và cả đến hình bóng của vợ An luôn luôn ẩn hiện trong mọi cảm giác cũng không làm dịu được lòng rạo rực về thể xác của chàng. Nhưng nỗi rạo rực của tâm hồn sung sướng, cảm thấy đang yêu và được yêu của An tuy rất nhẹ nhàng, nhưng đã làm giảm được hết mọi rạo rực của xác thịt. An đã hiểu rõ thế nào là tình yêu trong sạch. Tự nhiên chàng nhớ lời một buổi chiều cách đây mấy năm về trước, chàng và Thảo cùng đi chơi với nhau để bàn về ngày cưới: Thảo cũng đã nhìn chàng bằng những cái nhìn đắm duối và cũng đã gây cho chàng những cảm giác bâng khuâng rung động như lúc chàng ngồi với Bích hiện nay, nhưng từ sau khi lấy nhau An không còn được hưởng những giây phút như thế ở bên Thảo nữa. Tình yêu đã đổi sang tình nghĩa vợ chồng; những lúc xa nhau thì nhớ, đến lục gần nhau, ngoài tình nghĩa vợ chồng An vẫn thấy lòng mình trống trải như thiếu một cái gì. Nhiều khi thấy trời đẹp, chàng rủ Thảo đi chơi thì Thảo từ chối nói đi như thế chỉ phi thì giờ và mỏi chân; lại có lúc chàng muốn nhắc đến những cử chỉ yêu đương của hai người trước ngày lấy nhau, thì Thảo đỏ mặt gạt đi và bảo chàng rằng vợ chồng nên đối xử đứng đắn chứ đừng làm như vậy người ta cười.
Cho đến một hôm, An đang nhìn cảnh trời qua khung cửa sổ ở sở; chàng chợt bắt gặp Bích đương nhìn mình; dù chỉ trong một thoáng, cái nhìn ấy đã làm chàng phải để ý đến Bích và làm chàng nhận rõ thêm rằng trong ba năm trời sống bên vợ, chàng vẫn thiếu một tình yêu, thiếu cả những ánh mắt khác thường.
“Anh An à”!
Tiếng Bích gọi làm ngắt ý nghĩ của An. An lắng nghe Bích nói, giọng ngập ngừng :
- Anh An ạ. Có lẽ chúng mình nên giữ gìn thì hơn, vì... vì hôm nọ chị Thùy có bảo rằng anh có cảm tình với tôi.
Hỉnh như phải cố gắng lắm Bích mới tìm được cách mượn lời của Thùy dễ dò ý An. Bích hồi hộp lắng đợi câu trả lời của An. Mắt An vẫn tránh không nhìn Bích; chàng khe khẽ đáp :
- Chị ấy không nhầm đâu, đúng thế.
Bích vẫn đoán là An yêu nàng, nhưng sao câu nói của An vẫn làm cho Bích sung sướng đến thế, Nàng đã phải cắn chặt lấy môi để giữ cho những tiếng nấc vì cảm động khỏi thoát ra. Bích thấy người nàng run lên như bị lạnh, nàng khẽ đưa bàn tay về phía An thổn thức nói :
- Tay tôi làm sao lạnh quá, anh ạ.
An nắm lấy bàn tay mềm dịu nhưng lạnh vì cảm động của Bích ủ trong bàn tay mình. Lòng chàng lúc này không bợn một chút thèm muốn tầm thường mà chỉ đầy tình thương yêu trong sạch. An nói rất khẽ nhưng vẫn không giấu được giọng nghẹn ngào :
- Xin lỗi Bích. Tôi biết là tôi đã làm khổ Bích, chúng mình gặp nhau muộn quá, nhưng tôi yêu Bích.
Bích không nén được nữa, nàng bật khóc, kéo bàn tay An áp lên má mình và nói :
- Không, không bao giờ em ích kỷ mong anh quên chị ấy để yêu em đâu, nhưng em yêu anh...
Bích như nghẹn lời nàng im bặt không nói tiếp được; nàng ngước nhìn lên nền trời đầy sao lấp lánh, môi nàng mấp máy nhưng vẫn không thoát thành lời; nàng muốn bảo An :
- An ơi, nếu sau này khi chúng ta đã làm tròn bổn phận một con người, chúng ta đã trả lại phần thể xác cho lòng đất. Linh hồn chúng ta có được tự do không bị ràng buộc bởi những luật lệ của xã hội không anh? Nếu em tin được như thế thì em có thể đi lấy chồng để anh yên sống với vợ con anh. Thật đấy An ơi, em sẽ làm được tất cả dù có phải sống tới một trăm năm vì em nghĩ trước sau việc gì cũng phải qua. Nhưng lạy Trời hãy cho em tin được rằng linh hồn chúng ta sẽ được tự do và anh sẽ bảo em: “Em ơi ở trên Trời đầy sao kia chắc lạnh lắm, em hãy sát lại bên anh để linh hồn chúng ta cùng ủ ấp cho nhau”.
Nghĩ đến đây, óc Bích bỗng lóe lên một niềm tin tưởng, lòng thảnh thơi như tự cho mình đã tìm được một lối thoát; Bích bình tĩnh đứng dậy bảo An :
- Về thôi anh ạ. Dù có ngồi đây được suốt đêm thì rồi cũng tới sáng, đấy rồi anh xem, lại sắp tới trưa mai, sắp tới tối mai, và sắp tới cả lúc chúng mình già và chết cho mà xem.
Trước những lời nói của Bích, An chỉ còn biết nhìn nàng thương cảm và giữ chặt tay nàng trong tay mình một lát.
Đó là buổi chiều cuối cùng họ đi với nhau.
Hai tháng sau Bích lấy chồng; nàng sống rất hiền hòa bên chồng, nhưng cứ chiều tới, lòng Bích lại thấy say say trong “men chiều” bất diệt và mỗi khi nhìn nền trời đêm tím xẫm, lấp lánh những vì sao, Bích lại cảm thấy nỗi ấm áp của hai linh hồn gần nhau trong cái lạnh mênh mông đó.
Có lẽ suốt đời Bích sẽ tránh không bàn cãi với ai về chuyện có linh hồn hay không có; Bích sợ khi nàng mất niềm tin ấy thì nhất định nàng phải tìm đến Au ngay trong cõi sống này; nàng sẽ không còn là một người đàn bà đức độ sống trong khuôn khổ luân lý của xã hội được nữa, vì dẫu sao Bích cũng chỉ là một “người”.
Niềm tin
Sau bữa cơm tối, Hiền bỏ mặc cho u già dọn dẹp, theo Đạt ra nhà ngoài. Ngồi đối diện với chồng, Hiền yên lặng nhìn chàng đọc báo; nét mặt Đạt bình thản, không một chút chú ý đến sự có mặt của vợ. Tuy không khát, nhưng Hiền cũng nhấc tách nước lên nhấp một ngụm nhỏ, xong lại đặt tách xuống bàn, cố ý làm bật lên một tiếng “cạch” nhỏ, gọn và ngắn. Nhưng cử chỉ của Hiền vẫn không được Đạt biết tới. Hiền nghẹn ngào nhìn chồng vẫn thản nhiên đọc. Và nàng biết trước rằng chỉ mươi phút nữa thôi, khi đọc xong tờ báo, Đạt sẽ lại đứng lên sửa soạn đi chơi như mọi bữa. Hồi này Đạt thay đổi rất nhiều, khác hơn với dạo mới cưới; bây giở chàng trở nên trầm lặng nếu không hẳn là lạnh lùng ít nói. Có buổi trưa tan sở về ăn cơm xong, Đạt vào ngay buồng đọc sách; nếu Hiền có vào theo để nói chuyện với chàng thì Đạt chỉ trả lời vắn tắt rồi gạt đi bảo :
- Thôi để anh nghỉ.
Giá tính Đạt vẫn như thế từ trước thì chẳng sao. Nhưng Hiền không quên hồi yêu nhau và mới được lấy nhau, Đạt yêu nàng thế nào! Có buổi trước khi đi làm, chàng dắt xe đạp qua sân chỗ Hiền đang cùng mẹ chồng dọn dẹp. Đạt nhìn nàng âu yếm, và mủm mỉm cười như nhắc cho Hiền cùng nhớ lại những cử chỉ yêu đương và những lời âu yếm mà chỉ riêng họ đã biết với nhau khiến Hiền sung sướng cúi mặt, e thẹn ngước nhìn mẹ chồng. Bà đang cố giấu một nụ cười và làm như không để ý tới các con. Lại một buổi sáng Chủ nhật, Hiền đang làm cơm dưới bếp, lòng nàng phơi phới nghe tiếng đàn vĩ cầm của chồng từ ở nhà trên thoảng xuống. Nàng biết chắc chắn Đạt đang kéo đàn nhưng vẫn nghĩ về nàng, vì Hiền nghe như có cả những lời ân ái quyện trong hơi nhạc. Rứt bản đàn, thấy Đạt gọi, Hiền vội vã bỏ công việc đi lên. Vừa gặp mặt, chưa kịp để Hiền hỏi gì, Đạt kéo mạnh Hiền vào lòng dịu nàng đến bên chiếc tủ áo, rồi ôm nàng hôn và bảo :
- Anh nhớ mình quá! Sốt cả ruột, hãy lên đây với anh một tí đã.
Tiếng Đạt nhẹ và ấm, quyện trong không khí bao quanh Hiền và, lạ quá, tuy Đạt đã rứt lời mà Hiền tưởng như vẫn còn nghe tiếng chàng, nhưng không phải chỉ nghe bằng tai, mà nghe bằng cả thể xác; vì câu nói của Đạt đã làm cho Hiền thấy người nàng rung động và Hiền đã say sưa trong tay chồng lúc đó. Chợt có tiếng động chân người, Hiền bối rối khẽ đẩy Đạt ra, nói :
- Kìa anh! Mẹ biết thì chết.
Có lần trong bữa cơm đông đủ cả nhà, Hiền chợt bắt gặp chồng nhìn mình, tia nhìn yêu đắm và thỏa mãn, làm Hiền không thể nén được cảm giác xao xuyến, rồi nàng không tự biết là nàng đã nhìn lại Đạt như thế nào, đến nỗi người anh rể của Đạt phải thốt lên :
- Gớm, vợ chồng mới có khác!
Bữa ấy cả hai cùng ăn rất ít. Tối đến, họ hỏi nhau :
- Tại sao hồi chiều em ăn ít thế?
- Thế tại sao anh cũng ăn ít Ihế?
- A, tại anh yêu em nên không ăn được nhiều.
- Em cũng vậy...
Nhưng bây giờ những cảnh ấy không có nữa. Đạt ít âu yếm vợ, còn Hiền đối với chồng nồng nhiệt và quấn quít hơn, nhất là những lúc Đạt sắp sửa đi chơi với bè bạn. Trước khi Đạt đi, Hiền thường hay giữ chàng lại, ôm lấy chàng, yên lặng tựa vào vai chồng một lát rồi mới chịu để cho đi. Hiền làm thế để được cảm thấy rõ ràng thể xác Đạt vẫn còn thuộc về nàng, nhưng còn tâm hồn Đạt, Đạt còn yêu nàng không? Đấy là một điều làm Hiền khổ nhất. Nàng thấy Đạt hờ hững không còn yêu nàng như trước, nhưng chính cái hờ hững của chồng lại càng làm cho Hiền yêu chồng thêm lên. Trước kia mỗi khi Đạt yêu thì Hiền lại nhìn trước nhìn sau như sợ ai bắt gặp, nhưng bây giờ có khi giữa ban ngày nàng cũng ôm lấy chồng mà bảo.
- Anh ơi. Nếu anh có phụ em thì anh cứ giết em đi, nếu em còn sống thì em còn cứ phải yêu anh.
Đạt nhìn ra ngoài, khẽ đẩy vợ và bảo :
- Kìa, mẹ thấy kia kìa; mà sao lúc nào em cũng cứ bảo anh không yêu em. Anh đã nói: vợ là vợ. Không phải anh không yêu vợ, nhưng là đàn ông, anh cũng cần phải có bạn bè giao thiệp chứ. Anh có mê cô nào khác đâu.
Hiền biết là Đạt không mê cô nào khác thực, nhưng tại sao Đạt lại không nhìn nàng bằng những cái nhìn như trước, tại sao Đạt không nói với nàng như hồi mới cưới: “Anh nhớ mình quá sốt cả ruột, hãy lên đây với anh một tí đã”. Tại sao Đạt lại có thể ngồi đọc báo trong lúc nàng ngồi bên cạnh mà không thèm nhìn đến nàng. Tại sao? Tại sao? Biết bao nhiêu câu hỏi và sự so sánh tình yêu từ lúc mới lấy nhau với hiện tại; Hiền lại càng thấy rõ Đạt thực đã thay đổi rất nhiều. Lắm khi nhìn Đạt, Hiền thầm ước giá nàng được nhập vào tâm hồn Đạt một lúc thôi, để xem chàng nghĩ thế nào về nàng. Nếu nàng biết rõ Đạt không còn yêu nàng nữa thì nàng sẽ chết ngay, vì sống cũng vô ích. Hay biết chắc Đạt thật vẫn yêu nàng thì có sống nàng cũng không khổ như bây giờ, hay có chết ngay nàng cũng không tiếc. Sống hay chết chăng nữa thì nàng vẫn được Đạt yêu và nàng đã có được niềm tin. Nghĩ thế Hiền bỗng thốt lên gọi chồng, giọng run run :
- Anh Đạt!
Không ngừng lên, Đạt hỏi lại :
- Gì em?
Hiền như bị đau ở cổ, giá thấy nàng gọi mà Đạt bỏ tờ báo nhìn nàng, hỏi cho âu yếm một chút thì Hiền đã nói được với chồng rất nhiều. Nhưng dáng điệu Đạt và câu “Gì em?” của chàng đã làm nỗi uất ức ở trong lòng Hiền dâng lên, khiến nàng nghẹn lời.
Đạt đã đọc xong tờ báo; chàng để xuống bàn, nhấc tách trà uống một hơi rồi vừa đứng lên vừa hỏi Hiền :
- Vừa rồi em đinh nói gì mà lại thôi?
Hiền yên lặng mấy phút như để đè nén nỗi khổ. Nàng cúi mặt nhìn xuống bàn; bằng một giọng se sẽ và tha thiết vô cùng, Hiền hỏi Đạt :
- Anh... anh vẫn còn yêu em chứ?
Tiếng ngân của câu hỏi đã tắt, Đạt vẫn đứng yên lặng bên nàng. Hiền chờ đợi câu trả lời của Đạt. Thời gian như chìm xuống. Hiền nghe tiếng tim mình hồi hộp.
Đạt đặt bàn tay chàng lên tay Hiền, chàng thở dài rất nhẹ khẽ bóp tay vợ và hỏi :
- Sao em cứ hỏi thế mãi?
- Tại em thấy anh thay đổi nhiều quá. Anh không yêu em như trước nữa.
- Em thực là trẻ con. Vợ chồng thì phải khác chứ. Chúng mình lấy nhau đã...
Hiền vội ngắt lời chồng :
- Không khòng... anh đừng nhắc tới thời gian giữa chúng mình. Dù lấy nhau tới một một trăm năm đi nữa em cũng không thích có gì thay đổi. Em không thích khác. Nếu anh không yêu em nữa anh hãy bảo thật cho em biết. Em không oán anh đâu.
Đạt hơi gắt :
- Anh đã bảo với em rằng: không phải là anh không yêu em, còn em muốn nghĩ thế nào tùy em.
Rứt lời, Đạt bỏ đi vào nhà trong, Hiền không theo vào nhưng nghe tiếng động, nàng biết là Đạt đang lấy áo từ ở mắc. Cả tiếng Đạt ngồi xuống giường cho tới tiếng giầy được lôi ra từ gầm giường, rồi im lặng, nàng đoán chắc lúc ấy Đạt đang đi bít-tất. Rồi tiếng giầy tây cồm cộp bước mấy bước, rồi một tiếng “tách” rất khẽ; chắc Đạt vừa mở đèn ở trước gương để chải lại đầu, và thắt “cravate”. Hàng ngày lúc Đạt sửa soạn sắp đi thì Hiền cứ quấn quýt bên chàng, không chịu rời xa chồng một bước. Nhưng hôm nay Đạt ra khỏi nhà đã được một lúc mà Hiền vẫn còn ngồi nguyên trên ghế.
Mắt nàng mở to nhìn về một phía nhà, nhưng thực ra nàng chẳng nhìn thấy gì, vì hai mắt đã mọng lên, giá chỉ chớp khẽ một cái và để mặc cho tiếng nấc thoát ra khỏi cổ họng, chắc nàng đã phải chạy vội vào giường nằm vật ra mà khóc như những lần khác rồi.
Hiền biết thế và cố cưỡng lại. Nàng thấy đầu óc mê mê. Thoáng một giây mắt nàng tối xầm hẳn, rồi lại sáng lóe ra toàn màu trắng đục. Ngực thì như bị một vật nặng đè ép khiến Hiền phải vươn người hé môi thở mạnh một hơi dài nghẹn ngào. Tuy vẫn đè nén không để tiếng khóc bật ra, nhưng nước mắt đã chảy dài trên má. Hiền muốn đứng dậy đi ra hiên, hay vào nhà trong, nhưng biết rằng có làm gì thì cũng không thoát khỏi cơn buồn khổ và không thể tìm được một sự an ủi nào. Hiền tuyệt vọng và sợ hãi cả mọi cử động của chính nàng “Trời ơi! Khổ quả!” Hiền muốn hét to lên như vậy, nhưng không dám. Nàng bị ở trong tâm trạng như thế một lúc lâu, tới khi mẹ chồng nàng đi lên và hỏi :
- Con chưa ngủ à?
Câu hỏi đó như một phương pháp hô hấp nhân tạo, để cứu chữa những người bị nghẹt thở, vì Hiền phải cố gắng trả lời :
- Thưa mẹ chưa.
Bà mẹ chồng biết nàng đang buồn, nhưng không khuyên bảo gì. Bà chỉ nói chuyện bâng quơ một lát, tới lúc thấy Hiền trả lời được bình thường, bà mới hỏi :
- Đạt nó đi chơi rồi phải không?
Rồi không đợi Hiền đáp bà cười nói tiếp :
- Cậu ấy lại trở lại tính hay đi như hồi trước rồi đấy; ngày mới cưới con về, mẹ đã tưởng nó bỏ được thói đó. Trước kia mẹ cũng mắng mãi, nó cứ bảo: “Con trai thì phải thế, mẹ cứ bắt con ru rú ở nhà thì chịu sao được” Sau mẹ thấy nó chẳng chơi gi nhảm nên mẹ cũng kệ.
Nghe mẹ chồng nói Hiền bỗng ứa nước mắt; nàng đứng dậy lảng vào buồng nằm vật xuống giường mà khóc. Dứt cơn khóc Hiền nằm yên. Lúc này nàng không vui mà cùng không buồn, óc nàng rỗng ra chẳng còn cảm thấy gì nữa. Và rồi Hiền ngủ thiếp đi. Độ gần một tiếng đồng hồ thì Hiền tĩnh dậy. Đèn trong buồng nàng vẫn để sáng, nhìn đồng hồ thấy gần 11 giờ đêm. Giờ này Đạt đã sắp về. Một nỗi vui nhỏ đột hiện trong lòng nàng lẫn với nỗi hờn giận hồi nãy lại bồng bột trở lại. Tuy thế Hiền vẫn đón nghe từng tiếng xe qua lại ở ngoài phố. Nhưng chưa có chiếc xe nào ngừng ở cửa nhà nàng. Mỗi lúc tiếng xe và tiếng người qua lại ở ngoài đường một thưa dần. Bây giờ thì Hiền đón nghe cả tiếng xe từ xa lại, nàng hồi hộp khi tiếng động cơ xe tới gần nhà, rồi nỗi hồi hộp tan đi rất nhanh theo tiếng xe chỉ vụt qua cửa mà không ngừng. Cứ mỗi lần như vậy Hiền lại giận chồng hơn lên. Có lúc Hiền định trở dậy bỏ về nhà mẹ đẻ, nhưng nghĩ sợ mẹ chồng nàng lại thôi. Vả dẫu sao nàng còn phải đợi Đạt về hỏi cho ra nhẽ một lần nữa đã. Chợt có tiếng xe ngừng ở cửa nhà, đích là Đạt đã về! Tim Hiền rộn hẳn lên, không biết là mừng hay giận. Nàng luống cuống tắt vội đèn, rồi nằm im làm như vẫn ngủ từ nãy. Nhưng nghĩ lại, làm thế có khi Đạt không biết tới sự bực tức của nàng, Hiền lại mở đèn, nhổm dậy với cuốn sách trên bàn, rồi nằm xuống đọc. Nàng định cứ giữ nguyên dáng điệu đó cho lới lúc Đạt vào; nếu Đạt có hỏi nàng cung kệ, nhất định không trả lời. Như thế Đạt sẽ biết là nàng giận, và Đạt sẽ...

Nhớ lại sau những lần giận nhau trước, vợ chồng nàng lại càng thương yêu nhau hơn, mà Hiền thấy nao nao cả người. Nhưng cũng vì thế mà Hiền lại càng tức chồng hơn. Giá Đạt về sớm đừng để nàng phải đợi lâu thành tức quá như thế này, có phải cái phút ấy đã tới. Nhưng bây giờ thì muộn rồi! Hiền sẽ nhất định không cho Đạt làm lành nữa.
U già đã mở cửa; tiếng giầy của Đạt nện cồm cộp trên nền gạch nhà ngoài. Tâm trí Hiền bỗng căng thẳng, nàng dán mắt lên trên trang sách mở cầm trên tay, nhưng nàng chẳng nhìn thấy chữ nào. Nàng đợi từng tiếng giày của chồng. Cộp, cộp, chỉ dăm bước nữa thì Đạt sẽ vào tới buồng. Nhưng tiếng giầy dừng lại một chút, rồi lại bước trở ra. Nghe theo bước chân Đạt, Hiền biết chàng ngừng lại chỗ bàn nước; tiếng nước từ ở ấm rót vào cốc, và trong đêm vắng từng hơi nước Đạt uống ừng ực trôi xuống cổ, nàng nghe rất rõ. Tiếng giầy của Đạt lại nổi lên, nhưng không phải vào buồng mà ra sân. Phải rồi, chàng còn phải rửa mặt đã chứ. Hiền để quyển sách rơi trên ngực và chờ đợi chân Đạt trở vào buồng. Tuy vẫn giữ nguyên ý định không để chồng làm lành nữa, nhưng cái cảm giác được ủ mình trong tay Đạt, để hưởng cái hơi say đắm từ ở người chàng, vẫn không chịu rời ý nghĩ của Hiền, làm cho nàng rất khổ sở, vừa yêu vừa giận. Giá nàng được cứ vừa khóc vừa nói giày vò Đạt cho bõ tức, và cứ đẩy chàng ra trong khi Đạt vẫn phải lăn vào mà xin lỗi nàng thì hả biết mấy. Nhưng Đạt sẽ không làm như thế đâu. Hiền biết tính chàng lắm; đã nhiều lần trong khi nàng giận, Đạt hỏi nàng không trả lời, mà Đạt cũng mặc, quay ra ngủ khò là gì! Cử chỉ đó của Đạt làm Hiền oán hận lắm, nhưng Hiền vẫn không ghét được chồng; nàng yêu tính Đạt, kể cả các tính đã làm khổ nàng nữa. Tiếng giày của Đạt trở lại phía buồng Hiền. Cánh cửa từ từ mở và Đạt bước vào rất nhẹ. Thấy vợ còn thức, chàng hỏi :
- Em chưa ngủ à?
Hiền không trả lời, không khí im lặng, nặng nề bao quanh phòng. Hiền xoay mình quay mặt về phía khác, nhấc cuốn sách lên làm như chăm chú đọc. Đạt thay quần áo xong cũng lên nằm cạnh vợ. Hiền xích ra một chút; Đạt sửa giọng hỏi vợ thêm mấy câu, nhưng Hiền vẫn yên không nói. Chẳng biết làm gì Đạt cũng lấy một cuốn sách mở ra đọc. Nhưng khác với Hiền, Đạt đọc thực và lại đọc say mê làm Hiền càng thêm ấm ức. Cứ thế một lúc, không chịu được nữa, Hiền dằn mạnh cuốn sách đang cầm xuống giường, rồi úp mặt vào gối khóc. Đạt bỏ cuốn sách rồi quay sang Hiền kéo nàng vào lòng. Vì ức quá nên Hiền như yếu hẳn đi, nàng mềm người trong tay chồng, không tỏ được cử chỉ nhất định không cho chồng làm lành nữa, Hiền chỉ biết thút thít khóc :
- Anh xin lỗi Hiền. Anh biết anh đi vắng luôn làm em buồn, nhưng nếu anh bảo với em là anh đi có việc riêng, chứ không phải là đi chơi thì em có buồn không? Còn em nữa, em cũng làm anh buồn thì sao?
Hiền ngạc nhiên hỏi lại :
- Em mà làm anh buồn?
- Chứ sao, anh còn chưa “sửa” cho em đấy. Tại sao em lại không tin là anh yêu em?
- Làm thế nào mà biết chắc anh yêu em thực?
Bàn tay Đạt khẽ nâng cằm vợ lên rồi chàng bảo :
- Làm thế nào, em hãy nhìn vào mắt anh thì biết.
Hai mắt còn mọng ướt, Hiền nhìn vào mắt Đạt. Hai vợ chồng nhìn nhau một lúc rồi cùng bật lên cười. Đạt ghì chặt lấy vợ, Hiền giấu mặt vào ngực chồng.
Đêm ấy Hiền ủ mình trong tay Đạt để ngửi mùi say say của người Đạt nhưng lần này Hiền có cảm giác như tâm hồn nàng được hòa vào hơi thở của Đạt và nhập với chàng làm một, đúng như điều Hiền vẫn thường mơ ước “giá được nhập vào Đạt một lúc thôi”. Nay thì hơn thế nữa, vì Hiền hiểu rằng đời Đạt và đời nàng cũng chỉ là một.
Con đã về
Tôi đang ngồi khâu, con gái tôi đang chơi ngoài sân; bỗng nó mở toang cửa chạy sộc vào ôm chầm lấy tôi rồi hôn lia lịa lên hai má tôi. Con tôi thường hay có thói quen như vậy. Dù đang ngồi học, hay đang mải chơi, nhưng chợt nghĩ tới tôi là nó bỏ hết để chạy vào ôm lấy tôi mà hôn như lúc này. Tôi cũng buông đồ khâu đưa hai tay đỡ lấy con tôi mà ôm nó vào lòng. Từ ở thân mình nhỏ bẻ của con tôi truyền sang tôi một hơi nóng ấm quen thuộc khiến tôi phải ghì chặt con tôi hơn và khẽ dằn nó nằm hơi ngả trong lòng tôi; tôi cúi xuống một chút để má tôi ấp lên má nó. Tôi nhíu mắt và hơi mỉm cười trong lúc lòng tôi lắng hưởng cái êm dịu và mát mẻ từ ở má con tôi thấm sang má tôi, truyền vào trong cảm giác của tôi. Bỗng con tôi vụt vùng khỏi tay tôi, nhỏm lên nói:
- Mẹ, mẹ cho con lại nhà em Vân chơi với em mẹ nhé.
Vân là con của em gái tôi, nhà ở cách nhà tôi cũng không xa. Giá vào lúc khác, con tôi hỏi có lẽ tôi đã bằng lòng cho nó đi ngay; nhưng lúc này tôi không muốn xa con tôi. Tại tôi đang hưởng những cảm giác sung sướng mà tự tôi cho là hạnh phúc bên con tôi, nên tôi không muốn rời xa nó một phút nào; nó không hiểu ý nghĩ đó của tôi nên lắc lắc người tôi mà hỏi lại :
- Mẹ nhé, mẹ cho con lại nhà em Vân nhé.
- Nhưng con đi với ai?
Con tôi mở to mắt nhìn tôi như lấy làm lạ về câu tôi hỏi nó, và nó trả lời:
- Con đi một mình, đường ấy hàng ngày con vẫn đi học qua mà mẹ.
Lời con tôi vừa nói làm tôi chợt nhớ ra rằng năm nay nó đã lên chín và đã học tới lớp nhì tiểu học rồi còn gì. Nhưng tôi vẫn băn khoăn bảo :
- Thôi con ở nhà với mẹ, con đừng đi.
Con tôi phụng phịu nói :
- Con nhớ Vân lắm! Từ hôm nghỉ hè đến nay đã hơn hai tuần mà con chưa sang chơi với Vân. Mẹ cứ cho con đi một lát thôi.
Ngước nhìn đồng hồ lúc ấy đã gần tám giờ sảng, tôi đắn đo một lát rồi bảo con tôi :

- Ừ cũng được, con đi đi, nhưng chỉ được chơi một lát tới mười giờ thôi, mẹ đợi con.
Nghe tôi nói xong, con tôi mừng rối lên; nó níu lấy cổ tôi hôn vội lên khắp mặt tôi, rồi vụt chạy ra cửa. Tôi phải gọi giật nó lại bắt nó lấy nón đội, rồi vuốt lại nếp áo cho nó. Tôi có cảm tưởng như đang sửa soạn cho nó đi chơi đâu xa nhà hàng mấy ngày. Lòng tôi bịn rịn và tôi dặn dò nó :
- Lúc sang qua đường, con phải trông xe cho cẩn thận nhé!
Nó nhoẻn cười, đáp một hồi như lúc đọc bài thuộc lòng :
- Không lo mẹ ạ, thế nào cũng có người qua đường, con sẽ đợi có ai qua con đi liền bên người ta. Còn không thì con tới chỗ cảnh binh đứng gác nhờ người ta dẫn con qua.
Rứt lời nó nhìn tôi tinh nghịch hỏi :
- Thế được chứ mẹ?
Tôi cười, cốc khẽ lên đầu nó. Tất cả câu nó vừa nói với tôi đều là những lời tôi thường bảo nó, nay nó nhắc lại nguyên văn như có ý trêu lại tôi và làm tôi được yên tâm vì nó vẫn nhớ lời tôi dạy. Tôi cắn khẽ vào má nó, đẩy nhẹ nó ra và bảo :
- Thôi đi đi, chó con! Nhớ về sớm kẻo mẹ sốt ruột.
Và tôi đứng nhìn con tôi, dáng nó đi tung tăng nhảy nhót, hai cái bím tóc đen dài hắt qua hắt lại trên cái lưng nhỏ bé mặc áo trắng. Tuy tôi không trông thấy mặt nó lúc ấy, nhưng tôi biết
chắc nó đang cười...
Tôi lại quay vào khâu tiếp. Tự nhiên tôi để đầu lưỡi khẽ liếm vành môi trên của tôi và thấy một chất mằn mặn như muối dính trên đầu răng, tôi biết ngay chất mồ hôi ở má của con tôi.
Được một lúc thì chị ở nhà tôi đi chợ về; tôi buông đồ khâu theo chị xuống bếp để phụ làm cơm với chị. Vừa cùng tôi dở đồ ăn ở giỏ ra chị vừa kể :
- Ghê quá, bà ạ! Lúc con về chợ thấy ở đầu phố có xe cam nhông chẹt chết người, thiên hạ coi đông quá!
Nghe chị ở nói, tôi bỗng lạnh cả người, tay tôi ngừng lại trên mớ rau như không còn cử động được nữa nhưng miệng tôi mở được và tôi hỏi dồn chị :
- Sao, người thế nào? Đàn ông hay đàn bà?
- Nghe nói con gái, bà ạ.
Tôi suýt bật lên tiếng khóc và hốt hoảng hỏi :
- Hả! Chị nói sao, con gái?
Tôi không để ý đến chị ở nhìn tôi lạ lùng, tôi chỉ nghe thấy lời chị :
- Vâng thưa bà nghe đâu là một cô nữ sinh đi học lớp hè; người ta bảo xe đạp của cô ta bị bẹp, sách vở rơi lung tung, còn cô ta bị cán nát cả đầu chết ngay tại chỗ.
Tôi thở mạnh thấy như vừa thoát khỏi một tai nạn nguy hiểm. Cảm giác mang mang như mê ngủ, nhưng những lời nói của chị ở vẫn lọt vào tai tôi rất rõ :
- Cháu không dám vào xem tận nơi, nhưng nghe nói cô ta còn trẻ lắm, chỉ độ mười mấy tuổi mặc áo dài màu xanh nhạt, đi guốc, chính cháu còn trông thấy một chiếc guốc của cô ta văng vào sát hè đường kia mà.
Trí não tôi dần dần tỉnh lại, nhưng tỉnh lại để mà nghĩ tới nỗi đau khổ của gia đình có con gái xấu số ấy. Trong lúc này, chắc bố cô ta đang làm trong sở nào đó, còn mẹ cô thì ở nhà đang sửa soạn làm một món ăn mà cô thích, hoặc có khi còn đang xếp lại giường đệm cho cô, hay thu dọn bát đĩa cô vừa ăn sáng xong rồi đi học, hoặc đang giặt quần áo của cô thay ra trước khi đi. Chắc lúc này bà mẹ chưa biết tin con gái mình bị chết chẹt xe vì lúc chị ở nhà tôi đi chợ về cho tới bây giờ mới độ một lát; trong thời gian ấy chưa ai có thể báo tin kịp, nhưng mà rồi bà la sắp phải biết. Tôi sợ hãi không dám tưởng tượng đến nỗi đau khỗ của bà ta phút ấy. Nhưng ở tận cùng ý nghĩ của tôi, tôi đã rõ như thế nào rồi.
Qua lời kể lại của chị ở. Hình ảnh cô học sinh đó mỗi lúc một hiện rõ trong đầu tôi như chính tôi đã được nhìn tận nơi cái thân thể mảnh mai rất đẹp (tại sao tôi lại cứ yên trí là rất đẹp tôi cũng không biết) nằm sóng soài trên mặt đường nhựa. Nếp quần trắng xô lệch lộ ra cái ống chân thon trắng và tà áo dài xanh còn thẳng nếp là, tất cả những thứ ấy vẫn còn nguyên vẹn trên tấm thân hãy còn nóng của cô gái, duy chỉ có cái đầu cô là bị bẹp nát nhầy nhụa máu, lẫn với tóc và không còn ra một hình thể gì. Nghĩ đến đây tim tôi thót lại. Tôi không nghĩ tới con gái tôi, nhưng hình ảnh nhỏ bé của con tôi với bộ đồ trắng mà con tôi mặc hàng ngày cứ chợt hiện ra trong đầu óc tôi.
Ô hay! Sao lại thế này? Trong lúc này tôi không muốn nghĩ đến con tôi một chút nào cả. Tôi cố gạt đi nhưng càng gạt đi thì hình ảnh con tôi lại càng hiện ra lẫn lộn với hình ảnh xác cô con gái xấu số mà tôi hình dung thấy. Nghĩ tới cái đầu nát của cô ta, tôi bỗng hỏi chị ở :
- Thế cô ấy “phi-dê” à?
- Thưa bà, con có dám coi đâu mà biết. Nghe nói bị lòi cả mắt ra bà ạ.
Thế là tôi lại bị ám ảnh thêm, tôi hình dung tới cái mắt lòi, tự nhiên tôi thấy mớ tóc được kết thành hai cái đuôi sam ở trên cái đầu tròn nhỏ của con tôi lại hiện ra. Tôi bỗng thấy sợ hãi, vì ý nghĩ đó. Mồ hôi toát ra. Tại sao thế, tại sao tôi lại cứ phải nghĩ đến con tôi? Tôi bồn chồn cả người. Tôi nhìn đồng hồ, mới có gần chín giờ tôi đã nói cho phẻp con tôi được chơi tới mười giờ; tôi định để gần mười giờ sẽ cho chị ở đi đón nó. Nhưng cứ chợt nghe thấy tiếng lao xao ở phố hoặc có tiếng nói to từ bên hàng xóm hay tiếng trẻ nô đùa kêu rộn lên ở cửa nhà, là tôi thót cả mình. Tim tôi như đứng lại và tôi hồi hộp lắng nghe kỳ cho biết rõ những tiếng ấy từ đâu lại, có liên quan gì đến tôi không. Tôi chú ý cả từ tiếng xe pháo qua lại. Một tiếng “phanh” xe hơi cũng làm tôi giật bắn người lên. Tiếng xe vận tải hạng nặng chạy ình ình ngoài phố làm rung cả đất và như rung chuyển cả tâm hồn tôi. Tôi rời nhà bếp lên nằm nghỉ ở trong buồng. Nhưng nỗi lo sợ hồi hộp cũng theo tôi. Óc tôi không thể nào quên được vụ tai nạn xe cộ và cô con gái bị chết chẹt xe vừa qua.
Lạ chưa! Tôi có biết cô ta là con nhà ai và hình dáng thế nào đâu, sao óc tôi lại thấy rõ cô gái đó rất xinh xắn, mặc áo xanh phớt, đội nón lá, đạp xe đi trên con đường phố. Rồi tới tiếng xe hạng nặng chạy ình ình, rồi tiếng “phanh” kêu kít kít, rồi tiếng người nói lao xao tiếng trẻ kêu ở ngoài đường phố, rồi cái xác bẹp đầu của cô gái nằm sóng soài trên dường nhựa tà áo xanh còn thẳng nếp là, chiếc guốc văng vào tận lề đường... Tất cả những cảm giác ấy cứ luẩn quẩn trong óc tôi. Nhưng tệ nhất là bóng dáng con tôi lại cứ hiện đến trong mọi cảm giác ghê rợn của tôi. Có lúc tôi như thấy cái thân hình bé nhỏ mặc đồ trắng của con tôi nằm sóng soài dưới gầm chiếc xe hơi hạng nặng. Tôi sợ hãi nhắm mắt lại, cố xua đuổi ý nghĩ đó nhưng hình ảnh cái đầu bẹp lại hiện rõ và trên cái đầu bẹp ấy tôi thấy hai bím tóc như tóc của con tôi. Tới đây tôi không chịu được nữa, tôi vùng ngồi dậy khoác áo dài xuống bếp dặn chị ở làm cơm, rồi tôi tự đi đón con tôi, mặc dầu lúc đó mới có hơn chín giờ. Nhưng tôi chưa kịp đi thì bỗng cửa mở tung; con tôi từ ngoài cửa chạy xộc vào.
- Mẹ! Con đã về!
- Con...

Nước mắt tôi trào ra, tôi ôm lấy con tôi. Hai mẹ con chúng tôi ghì chặt lấy nhau.
Bệnh viện
Gần sáu tháng rồi, hàng ngày sau những giờ các bác sĩ, các bà sơ đã làm xong phận sự săn sóc bệnh tình cho Ngọc, sau cả buổi gia đình, bè bạn tới thăm nàng đã về hết. Ngọc chỉ nằm trên giường bệnh của nàng ở trong phòng bệnh viện này mà nhìn qua cửa sổ. Tầm mắt nàng đã thấy nửa trên một cây me to trồng bên lề phố, ngay trước cửa bệnh viện. Nàng đã nhớ thuộc cả từng nhánh, từng dấu vết của nó. Ngay chỗ thân cây, gần ngọn cỏ một hố mắt cây to lắm. Nhiều lần Ngọc đã nhìn rất lâu vào đấy và thấy nó rất giống nhiều hình thù ghê sợ, lúc thì y như một cái đầu trâu, lúc thì lại rõ là hình đầu người có hai con mắt lồi to ra rất cân đối trên cái miệng ngoác rộng. Và hễ Ngọc cho là nó giống thứ gì thì càng nhìn lại càng thấy nó giống đến phát sợ, nhưng Ngọc vẫn cứ nhìn kỹ cùng hơn. Tuy nhiên ngoài vết “quái ác” ấy, cái cây đó đã giúp cho Ngọc được nhiều cảm giác thay đổi là lạ. Về buổi sảng đám lá cây xanh mát như màu ngọc thạch linh động nhẹ trên một khoảng trời lam trong. Buổi trưa có nhiều tia nắng đẹp chiếu lấp loáng trong các kẽ lá đã chuyển sang màu xanh đậm; và những buổi chiều êm đám lá cũng đổi thành màu tím thẫm nổi bật lên nền trời màu tro nhạt. Ngọc ghét nhất những tối có mưa, vì hễ trời nổi mưa gió thì bà sơ lại vào đóng hết các cửa sổ, cửa phòng. Nàng không còn được nhìn qua đám lá cây đen thẫm sang căn gác nhà ai bên kia đường, thường mở rộng hai cánh cửa sổ, bên trong hiện ra căn phòng ấm cúng, có ánh điện sáng trưng, có những bóng người đi lại. Và Ngọc thích nhất khi được nhìn người đàn bà bế một đứa trẻ đứng sau khung cửa sổ, mặt bà ta cúi xuống đứa bé có vẻ như đang cười với nó. Một người đàn ông đứng sát bên bà, giơ tay làm cử chỉ đùa với đứa trẻ. Tất cả những cảnh đó đối với người khác chắc chả có gì đáng chú ý. Nhưng với Ngọc dù chỉ một mảnh trời, một ngọn cây và căn gác sau ngọn cây đó với tất cả màu sẳc linh động tùy theo chiều trời của nó, đã trở thành sự thân mật đặc biệt của nàng.
Nhiều buổi trưa mất ngủ nằm trong căn phòng chỉ toàn một thứ ánh sáng êm dịu và yên lặng, đến nỗi Ngọc tưởng như có thể nghe được cả những tiếng yên lặng ở chính ngay trong cái yên lặng mênh mông đó đã phát ra, tuy nhiên lâu lâu cũng có một vài tiếng ho nổi lên, tiếng dép yếu, chậm sền sệt của người bệnh phòng bên, hay tiếng ly cốc, tiếng chai lọ động lách cách, và cả tiếng ai rên rỉ se sẽ vì đau, nghe như tiếng thở dài thất vọng. Nhưng những thứ tiếng đó, dù thỉnh thoảng vẫn nổi lên, cũng không làm giảm được sự yên vắng mà chỉ hòa thêm vào cái yên vắng, để biến nó thành một không khí buồn chán. Ngọc cảm thấy tất cả cái phòng này cũng chịu chung nỗi buồn chán giống nàng, và Ngọc biết rằng sau này nếu bệnh nàng có qua khỏi mà sống được, nàng cũng không bao giờ quên được những cảnh và cả những đồ vật trong bệnh viện này. Từ cái giường sắt trắng có tấm bảng kê nhiệt độ treo lủng lẳng phía cuối giường, từ chiếc bàn sơn trắng kê gần cửa, trên có để đủ các thứ thuốc men, bình nước, v.v... cái gì đối với nàng cũng trở thành gần gũi và quen thuộc. Cả đến bốn bức tường hay những viên gạch rạn Ngọc cũng nhớ rõ ràng. Một thứ nhớ rất quyến luyến, riêng biệt, như khi nhìn tới vết sẹo nhỏ dài ở ngay giữa đốt ngón tay cái của nàng, nàng nhớ lại nguyên vẹn câu chuyện đã gây ra nó. Hồi Ngọc còn nhỏ, nhân một buổi nàng và chị nàng rủ nhau lấy con dao thái thịt ra vót thanh củi nứa làm “chuyền” chơi, chị nàng đã loay hoay để trượt tay bập lưỡi dao vào ngón tay nàng. Thực ra ngay lúc mới bị đứt tay, Ngọc không thấy đau, nhưng khi nhìn thấy máu chảy thì Ngọc khóc thét lên vì sợ. Ngọc không nhớ về sau vết thương đó có làm nàng đau không, nhưng chuyện ấy đã để lại một vết thương trong tâm hồn nàng cho mãi đến tận bây giờ vẫn chưa khỏi đau. Lạ nhất là khi bị đứt tay Ngọc không hề nhìn tới chị. Nhưng tới lúc thấy chị quằn người lên dưới ngọn roi của ba nàng, tự nhiên Ngọc lại thấy rõ cái mặt tái, và cặp mắt đờ ra vì sợ của chị nàng khi làm nàng đứt tay. Nàng cảm thấy chắc chắn nỗi sợ của chị nàng khi ấy đau khổ hơn cái đứt tay của nàng nhiều lắm. Vậy mà chỉ vì Ngọc khóc ầm lên khiến chị nàng phải đòn. Cho đến bây giờ mỗi khi nhìn lại vết sẹo cũ, cái ý nghĩ chỉ vì nàng mà chị phải đòn vẫn còn làm nàng thương chị, và càng gây cho tình chị em nàng thương yêu nhau hơn. Hồi bé thì thế, nay nhớn lên nàng cũng vẫn chỉ làm cho chị nàng và thêm cả chồng nàng phải đau khổ và lo sợ về bệnh nàng.
Ngày đầu tiên khi thấy mình ho ra máu, Ngọc khóc rất nhiều. Phong phải dỗ mãi và đưa vợ đi coi bác sĩ. Ngọc càng tủi khổ hơn khi thấy bác sĩ dặn bảo nàng phải ăn riêng đũa bát để tránh truyền nhiễm. Buổi trưa hôm đó, khi ở bác sĩ về, Ngọc chỉ nằm buồn rũ, nhất định không ăn uống gì. Chiều đến, Phong lại phải dỗ mãi Ngọc mới chịu để chàng đưa đi hiệu ăn. Phong gọi những món chàng biết Ngọc thích. Tới lúc đang ăn, Ngọc thấy chồng cầm chiếc thìa của nàng vừa húp canh. Tưởng chồng vô ý, Ngọc vội ngăn lại bảo chàng :
- Anh đừng dùng thìa này, em đã...
Không để nàng nói hết câu, Phong gạt tay vợ ra; chàng vẫn thản nhiên dùng thìa đó xúc đồ ăn cho mình. Ngọc ứa nước mắt, không nói thêm được câu nào, chỉ biết lặng người cảm động nhìn chồng. Mắt Phong khác hẳn đi, hình như chàng sắp khóc. Nhưng chàng lại cười bảo vợ :
- Có làm sao, chỉ vẽ.
Lại vừa hôm qua, hình như bác sĩ có bàn định với Phong và chị nàng từ trước nên sau khi vào thăm bệnh nàng, bác sĩ đã bảo nàng :
- Bệnh của bà cần phải mổ mới hy vọng khỏi dứt được.
Thoạt nghe nói “phải mổ” Ngọc lo sợ và thất vọng hơn cả hôm đầu thấy mình bị ho ra máu, vì nàng biết mình đã đến thời kỳ không thể chữa được, nên bác sĩ mới tính đến chuyện mổ. Ngọc không ngờ đời mình có ngày lại phải mang một cái bệnh mà khi còn mạnh khỏe nàng cho là ghê gớm lắm. Ngọc đã từng lấy làm lạ thấy nhiều người đã mắc bệnh ho mà vẫn kiên nhẫn chữa chạy. Nàng tưởng tượng nếu nàng mắc phải bệnh đó, chắc nàng tự tử mà chết. Nhưng đến khi chính nàng mắc bệnh đó thực, thì sự ghê sợ thành buồn khổ trong hy vọng, và nỗi hy vọng đã giúp nàng không nghĩ đến tự tử như xưa kia nữa. Bây giờ thì Ngọc rõ trong thế giới của những người có bệnh, dù nặng đến đâu, tự nó vẫn luôn luôn nảy nở những hy vọng mới để người bệnh níu lấy mà sống. Ngay cả đến những người bệnh nghèo nhất, không tiền không cả phương tiện, được chữa thuốc làm phúc cũng vẫn hy vọng vào sự may rủi của số phận. Và ai cũng tưởng rằng số phận mình sẽ có phần may. Riêng Ngọc từ lúc nghe bác sĩ tuyên bố bệnh nàng cần phải mổ, thì mọi hy vọng của nàng đã tiêu tan biến hết cả. Ngọc sợ hãi đưa mắt nhìn mọi người chung quanh, nhưng thực ra chỉ là bản năng của nàng đang tìm một hy vọng mới. Chị nàng đứng bên vội cúi xuống để tránh tia mắt nàng, và giấu luôn cả cặp mắt đã đỏ mọng của mình. Còn chồng nàng như cảm thấy chuyện gì bất thường trong ánh mắt nàng, nên nắm vội lấy tay nàng bảo :
- Em đừng sợ, bây giờ mổ phổi thường lắm. Các bác sĩ tin tưởng em sẽ chóng mạnh hơn là để lay lắt thế này hại cho em.
Mặc dầu Phong đã cố lấy giọng ôn tồn nói với nàng, nhưng Ngọc vẫn nhận thấy giọng chàng run nghẹn, và chàng chợt nắm bàn tay Ngọc trong tay chàng chặt hơn. Những tình cảm đó tuy rất mong manh, nhưng chỉ một thoảng đã thấm sâu trong cảm giác của Ngọc, làm Ngọc nhẹ hẳn lo sợ cho bệnh mình mà lại nao nao thương chồng và chị như thuở nào nàng chỉ nhìn thấy cái đau của chị quặn lên dưới ngọn roi đòn mà quên hẳn vết đứt tay của mình. Nàng sẽ nói với chồng, nhưng tiếng nàng mơ hồ khiến Ngọc tưởng như không phải tự mình nói ra :
- Em bằng lòng mổ.
Sau câu nói đó, không khí quanh nàng vụt hoạt động hẳn. Nàng nghe rõ tiếng khóc nức, tuy rất khẽ của chị nàng. Phong đưa bàn tay nàng ấp chặt lên má chàng. Vị bác sĩ đứng bên đặt một tay lên trán nàng và nói như trút một hơi thở dài :
- Ồ! Vậy là được rồi. Bà nên tin tưởng như thế mới khỏi hẳn được.
Rồi ông ta quay ra dặn các bà sơ săn sóc và sửa soạn để tới mai thì mổ cho nàng. Chị nàng cố lấy vẻ tự nhiên dịu dàng hỏi :
- Mai em đã mổ rồi, bây giờ em có muốn ăn gì để chị làm, chẳng phải kiêng nữa.
Ngọc nhận thấy trong câu nói đó của chị có một vẻ gì khác thường. Phải rồi. Đúng là câu hỏi, và giọng nối của mẹ nàng xưa kia đã hỏi ba nàng trong giờ ông hấp hối. Ngọc bỗng tủi thân, và giận cả chồng lẫn chị, tuy nàng vẫn mang máng thấy mình giận vô lý, nhưng không thể không giận. Chị nàng lại hỏi :
- Em nhỏ, em ưa ăn chả cua bể để...
Ngọc ngắt lời chị, nói như gắt :
- Tôi không cần ăn gì cả, hỏi mãi.
Rồi nàng bật lên khóc.
Bây giờ nằm một mình nhớ đến những cử chỉ đó của mình hồi sáng, Ngọc lại thấy hối hận. Trong đời nàng luôn luôn cứ có những sự hối hận với những người thân yêu như vậy để rồi càng thân yêu nhau hơn.
Nhưng chỉ còn có một buổi chiều nay nữa thôi. Tám giờ sáng mai nàng phải lên bàn mổ. Nếu không may nàng chết, buổi chiều này sẽ là buổi chiều cuối cùng trong đời nàng. Ngọc lại nhìn qua khung cửa sồ. Vẫn ngọn cây quen thuộc in trên nên trời xanh dịu cửa sổ nhà trước cửa nửa khép nửa mở. Những cảnh ấy Ngọc thuộc như in vào trong trí, nhưng bây giờ Ngọc vẫn cố nhìn vớt vát từng điểm lá cây, từng đợt mây, rồi Ngọc chợt nhận thấy như có một cái gì khác lạ hẳn. Từ ngoài phố vẳng vào những tiếng chuông xe đạp, tiếng động cơ xe hơi chạy vút qua. Tiếng giầy, tiếng guốc và tiếng người nói lao xao. Tất cả những tiếng ấy đã có từ khi Ngọc mới sinh, nhưng mãi đến lúc này Ngọc mới biết rằng hàng ngày vẫn có những âm thanh như thế trong cuộc sống. Nàng lại nhận ra rằng những cảnh sống bên ngoài bức tường bệnh viện, giờ đối với nàng đã trở thành xa xôi cách biệt, đến nỗi khi thấy một thiếu nữ chừng mười bảy, mười tám tuổi nét mặt rất tươi đẹp và quần áo hợp thời trang đang đi ở sân bệnh viện, Ngọc chắc cô ta vào thăm người bệnh. Chỉ có thế, nhưng nhìn cô ta Ngọc cũng thấy như cô ta ở một thế giới khác đi tới. Tự nhiên Ngọc nhìn vào người mình. Nàng đưa bàn tay xoa nhẹ trên má mình để cảm thấy rằng hiện tại nàng vẫn còn giữ nguyên vẹn thể xác của một con người. Nhưng đến tám giờ sáng mai nếu nàng chết thì chỉ sau ba hôm, xác thịt nàng đã chương thối, và chắc chắn là ghê tởm lắm.
Nhưng những ngọn cây, bầu trời và tất cả tiếng động ngoài phố hẳn là vẫn còn nguyên vẹn như lúc này. Những ý tưởng đó làm Ngọc bối rối, lo sợ và tủi thân vô cùng. Nàng mong chồng và chị vào ngay, nhưng Phong còn chạy đi mua thuốc và chị nàng chắc lại cố đi sắp mấy món ăn cho nàng. Nghĩ tới sự chăm nom săn sóc tận tâm của bác sĩ, của các bà sơ, và lòng xót thương thân mến của gia đình mình, Ngọc bỗng thấy lòng êm hẳn lại. Không phải nàng đã có hy vọng khỏi bệnh, nhưng nàng biết là trong cuộc sống vẫn còn nhiều tình thương yêu mà ngay đến cả sự chết cũng không thể làm tan mất đi được.
Năm 1960
Nguyễn Thị Vinh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...