Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Việt Nam, một thế kỷ qua 2

Việt Nam, một thế kỷ qua 2

Chương 7
Gặp Tú Mỡ Thế Lữ

Dạo đó, nhà anh Tú Mỡ ở bên đê, không rõ gần Ô Cầu Giấy hay Láng. Một hôm, ngày nghỉ, anh rủ các anh em đến thăm nhà anh. Chưa bao giờ, tôi thấy sốt ruột như thế, vì anh đạp xe một cách quá ư từ tốn, như đi dạo mát, làm cho mọi người thường phải dừng lại để đợi.
- Anh đạp nhanh hơn một chút có được không?- Gia Trí hỏi gắt.
- Việc gì mà vội? - Tú Mỡ điềm nhiên đáp - Sắp tới rồi. Đạp nhanh quá, nhỡ có hòn đá nào trên đường mà vấp vào thì chết...
Mọi người đều phải cười.
- Cẩn thận vô áy náy- Khái Hưng xuề xoà, tỏ vẻ đồng tình.
Cuối cùng, rồi cũng tới đích. Một căn nhà nhỏ, cũ kỹ, nhưng thoáng mát. Chung quanh có đất trồng cây. Trong nhà đồ đạc đơn sơ. Đời sống nhà thơ nghèo, thanh đạm quá. Số lương thấp, tiền nhuận bút cũng không được bao nhiêu. Nhưng anh thấy là đầy đủ: gia đình êm thấm, thơ được nhiều người yêu chuộng.
Tú Mỡ là một nhân vật đặt biệt. Trông bề ngoài, không ai nghĩ một ông phán bình thường Sáng vác ô đi, tối vác về lại có tài viết thơ châm biếm như thế. Vả lại, tính tình anh hiền lành, khiêm tốn, ít nói.
Bữa cơm gia đình khiêm tốn, chỉ có thịt lợn luộc, lòng heo, đậu rán chấm tương. Thêm vào, một ly bia Hommel hay rượu Văn Điển. Sau càphê đen là tới món thuốc lào quốc hồn quốc tuý. Nhìn anh, thực gầy như con hạc. Vì thế, vấn đề biệt hiệu Tú Mỡ của anh vẫn được người ta băn khoăn. Nghe nói, trước khi lấy tên này, anh cũng đã nghĩ đi nghĩ lại. Tú thì được rồi, nhưng Tú gì mới được chứ?
- Có Tú Xương rồi, hay ta lấy chữ Tú Mỡ để đối lại, người ta dễ nhớ - Khái Hưng gợi ý.
- Tú Mỡ à? Nghe không ổn lắm.
Thạch Lam cho rằng chữ Tú Mỡ kém bề thanh nhã. Người gầy, mặt xương xương, bộ ngực lép, không hợp lắm.
Nhưng sau rồi, anh Hiếu cũng chọn tên Tú Mỡ, để khiến người đọc chú ý.
Tuy bận học thi, tôi cũng thấy ngứa tay, muốn thử viết. Mới đầu là mấy bài bàn luận ngắn về hiện tượng xã hội, và phóng sự ngắn về đời sống dân nghèo, hoặc về những nơi hội hè, du lịch. Rồi, tôi cũng bước vào làng thơ mới.
Thơ mới xuất hiện chậm hơn đối với các thể văn khác. Trước 1930, là thiên hạ của thể thơ Đường, hay thơ lục bát với nội dung nhạt nhẽo, không làm ai rung động. Những bài thơ lãng mạn, tình cảm, như Lamartine khóc cho Graziella, hay Beaudelaire, Verlaine ủ rũ.
Tôi đi theo gió xấu, đưa tôi đi đây đi đó,
giống như chiếc lá khô... (tạm dịch từ Pháp văn).
Hay thì hay nhưng quả thực ủy mị quá, không thích hợp cho lắm đối với những thanh niên Việt đương sống cuộc đời nô lệ dưới ách thực dân và còn bao nhiêu những cùng khổ. Nhưng tại các tầng lớp thành thị, trong hoàn cảnh tương đối yên ổn, những văn thơ lãng mạn, than khóc đã tìm được thị trường.
Xe chạy tới ga Lăng Cô, câu thơ nào đó của Phan Khôi, thực ra nó ngộ nghĩnh, và chưa là mới lắm, chỉ mới thoát khỏi quy luật cũ. Một số nhà thơ bỏ Đường Luật, làm theo lối tám chữ một câu - thể Sonnet của Pháp, dễ diễn đạt tư tưởng, không gò bó. Sau này là thể dùng nhiều nhất cho thơ mới.
Tôi gặp Thế Lữ lần đầu tiên cũng ở toà soạn, cũng đương ngồi đánh cờ. Người không cao, mặt hơi vuông, cũng gầy, miệng cười rất có duyên. Tuy gầy, nhưng cái bắt tay của anh rất chặt, tỏ ra anh rất nhiệt tình. Giống như Khái Hưng, anh mặc bộ âu phục màu xám, đội mũ dạ, ăn nói nho nhã, chậm rãi. Vì thân hình gầy ốm, vì nước da xam xám, nên nhiều người cho anh là nghiện thuốc phiện - việc này có thực, nhưng lúc đó anh đã cai được.
Do việc gửi mấy bài thơ đến báo Phong Hoá, Nhất Linh đã hẹn anh đến toà báo. Gặp mấy anh Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo) anh được cổ võ vì thái độ nhiệt thành của các anh em. Về sau, Nhất Linh đã nhiệt liệt giới thiệu Thế Lữ trong bài Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới
Bài thơ đầu tiên đáng chú ý của anh là Con người vơ vẩn trên báo số Tết. Cùng trong số đó, có bài Thiên Thai của anh, một bài nữa, đầu đề là Cảnh đào Xuân - tôi làm, ký tên Trường Bách, và còn bài của vài nhà thơ khác.
Thế Lữ, cả về nội dung và hình thức đều mang lại một luồng gió mới cho làng thơ. Hồi đó, làm thơ còn có Phạm Huy Thông, Bàng Bá Lân, và vài thi sĩ khác.
Chính tôi cũng không hiều tại sao lại thích làm thơ mới.
Đúng ra thì đối với tôi, văn xuôi thích hợp hơn. Lúc còn bé tôi đã từng viết truyện ngắn, và lúc đầu, trên tờ Phong Hoá, tôi cũng đã góp ít bài vào mục Từ nhỏ đến nhớn, mục Hạt đậu dọn. Có lẽ lúc đó có dịch thơ -dịch đây có nghĩa là một bệnh dịch - theo sau dịch làm báo, dịch viết văn... và sau những ngày gay go, căng thẳng mấy năm vừa qua, đầu óc người ta, nhất là thanh niên các thành thị, đã lãng mạn hoá. Người ta thích ngắm trăng và mây, tả hoa và nước, tình cảm nam nữ trước đây bị trói buộc, nay đã được dễ dàng đưa lên trên mặt giấy. Người ta, đặc biệt giới đẹp, biến thành đa sầu đa cảm. Cho nên thi sĩ cũng đua nhau ra đời.
Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... rồi có Phạm Huy Thông, sau đó một tụi nhỏ hơn, đồng thời là Tường Bách, Bàng Bá Lân, Trần văn Kiện- thơ hay nhưng đời thơ quá ngắn ngủi. Riêng đối với tôi chẳng có ai cổ võ, hay hướng dẫn tôi trong nghề văn thơ. Có người nghĩ rằng, trong gia đình Nguyễn Tường, chắc là do Nhất Linh dìu dắt, chỉ bảo các em mà thành tài. Sự thực không đúng như vậy.
Nhất Linh là người đi tiên phong, có óc sáng tạo và dám làm, dám nêu ra những ý kiến cải cách, đồng thời lại có óc tổ chức. Nhưng về tư tưởng cải cách, về đường hướng văn nghệ, theo chỗ tôi biết, thì các anh em cũng đều có ý nghĩ chung. Về lối viết thì hoàn toàn mỗi người có một sắc thái riêng. Cá tính tôi lúc đó không thiên về những thứ tình cảm cá nhân, cho nên thơ đều tả về cảnh thiên nhiên. Bài đầu, tôi nhớ mang máng lấy tện là Cánh đào đầu xuân nói về hoa lá, cảnh trời đất trong lúc đi xuân. Không ngờ lại được một số người để ý. Họa sĩ Cát Tường cho là trong có nhiều hình tượng đẹp và do đó, về sau anh vẽ một bức họa đầu xuân.
Hậu sinh khả uý, một lần tại toà soạn, Khái Hưng phát biểu ý kiến. Anh không ngờ tôi lại biết làm thơ mới... Còn Thế Lữ thì lúc nào cũng xuề xoà, mỉm cười rất có duyên, anh không sợ cạnh tranh.
Việc học hành quá bận, nên sau đó tôi chỉ sáng tác thêm mấy bài, trong đó có bài Nắng trưa hè, tả về cánh đồng làng quê dưới ánh nắng buổi trưa mùa hạ. Ngày đó, bài này rất được chú ý, vì ít nhà thơ nào chuyên về ca tụng tự nhiên. Phạm Huy Thông có viết bài về thơ tả tự nhiên và dần dần, có độc giả gọi tôi là tiểu Leconte de Lisle một nhà thơ Pháp xuất chúng.
Tiếc rằng đời sáng tác thơ mới của tôi cũng quá ngắn ngủi, phần vì bận rộn, phần vì đã hết hồn thơ, đầu óc trống rỗng, khô khan - không đúng như lời Đinh Hùng đã viết: là một trong ba tiểu qủy - Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Tường Bách tuy học bác sĩ nhưng có óc nghệ sĩ không kém các anh em. Tuy về sau, tôi có viết vài truyện ngắn và phóng sự, nhưng đời sáng tác văn nghệ đã phải đứt đoạn theo biến chuyển của tình thế. Và từ đầu thập niên 40 trở đi, đã đổi sang viết bình luận xã hội, chính trị, tuy trong thâm tâm tôi vẫn thích viết thơ văn. Trong cuộc đời lăn lộn và sóng gió, đó là phần nuối tiếc nhất. Có lẽ chính vì tôi đã chót chọn nghề y, một nghề đòi hỏi quá nhiều thì giờ và quá vật chất...
Sau khi ra số Xuân, mấy anh em, trong đó có Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, hoạ sĩ Lemur -người vẽ tranh trong số này- kéo nhau đi dạo phố, rồi rẽ sang đường Cổ Ngư dưới hai rặng cây xanh qua đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc. Một bên là hồ Trúc Bạch xinh xắn, một bên là hồ Tây mênh mang.
Từ trên đê Yên Phụ nhìn xuống, những ngôi nhà nhỏ nằm giữa làn nước long lanh và những vườn hoa đủ màu sắc. Mùa xuân, trăm hoa đua nở. Vào sâu trong làng, vườn nào cũng trồng đào, màu đỏ hay hồng nổi lên trong màu xanh lá cây. Ngoài ra, còn đủ màu cúc, thược dược, hoa mai...
- Đây thức là một Đào Nguyên- Thế lữ nói.
- Đẹp thực. Nhiều hình tượng, nhiều màu sắc, giống như trong mấy bài thơ. - Lemur chỉ vào mấy luống hoa bên đường, bảo tôi.
Chắc là chợt nhớ tới một bài thơ, Khái Hưng gợi ý:
- Nhưng tiếc là chỉ thấy hoa, mà không thấy người, chưa đủ, Rồi, như muốn thử kiến thức của Lemur, anh đọc hai câu thơ, khi chúng tôi ngồi nghỉ bên bờ hồ.
Trước sau nào thấy bóng người.
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
- Ai viết ra câu thơ này? - anh hỏi.
Ai cũng đều biết cả chỉ có nhà họa sĩ đồng ý là có bóng người thì tuyệt, để thêm vào tranh vẽ, nhưng anh chịu không biết ai là tác giả. Cả đến thơ Kiều anh cũng không thuộc.
Lúc đó, trên Hồ Tây phẳng lặng, mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, chỉ có mấy chiếc buồm phất phơ ngoài xa. Thế Lữ vẫn là người trầm lặng nhất, ngồi trông ra cảnh thiên nhiên trước mặt. Những phút đó, có lẽ là những phút êm đềm, trong lòng nhẹ nhàng nhất của chúng tôi, vì ít phiền não nhất. Tôi còn nhớ mang máng hai câu thơ của anh:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận,
Một áng hương đưa, khói toả mờ.
Không biết có phải bắt nguồn từ lúc này không?
Số phận long đong của văn nghệ sĩ thời ấy, một phần vì suốt đời phải đi ở thuê. Thế Lữ cũng kiếm nhà ở ngoại thành, vì rẻ hơn và tĩnh hơn. Còn nhớ, căn nhà nhỏ của anh thuê ở ngay đường cái, xế trước ấp Thái Hà và gò Đống Đa có đường xe điện Hà Nội - Hà Đông ngang qua cửa. Nhà cũng thoáng mát.
Đồ đạc cũng đơn sơ. Phòng ngoài, một tấm phản lớn để tiếp khách, một bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ.
Nghèo, nghèo thực. Còn nghèo hơn cả nhà Tú Mỡ. Đó là chỗ ở của hai danh sĩ một thời. Thế Lữ và Song Kim, nhà kịch sĩ có tiếng. Nhà Thạch Lam, nhà chị Thế tôi cũng nghèo, có khi còn nghèo hơn. Riêng tôi thì cũng quen với cành nghèo, trong cuộc đời ở trọ nay đây mai đó. Nhưng tôi vẫn thấy ái ngại về hoàn cảnh thiếu thốn của các anh em. Và, với Vũ Trọng Phụng hay Nguyên Hồng, tình trạng cũng gần như thế và còn hơn nữa. ấy là chưa kể tới một số nhạc sĩ, họa sĩ tài năng nhưng suốt đời sống trong cảnh thiếu thốn.
Có hiểu biết những tình trạng thực tế như trên, thì mới hiểu được sự cố gắng vượt bực của văn nghệ sĩ thời đó, và đánh giá chính xác về tác phẩm và tác giả.
Không phải là một người đẹp, nhưng chị Song Kim có đôi mắt to, rất niềm nở, cởi mở. Tuy một chân hơi thọt, nhưng chị vẫn đóng được nhiều vai trong nhiều vở kịch, và đóng rất giỏi. Chẳng ai rõ Thế Lữ - Song Kim chung sống từ bao giờ, và không ai hỏi đến. Cuộc tình duyên trước sau kể cũng éo le. Dù thế nào, không có Song Kim thì đã không có ban kịch Thế Lữ, và cuộc tình duyên của hai người thế mà cũng đã đi vào lịch sử văn nghệ, tuy khó tránh được dị nghị của những người khó tính.
Một hôm, nhân tiện, chúng tôi đến thăm Thế Lữ rồi kéo sang ấp Thái Hà đến thăm nhà anh Vũ Ngọc Phan, anh Phan có nhã ý mời tới ăn cơm trưa. Chị Phan sẽ làm món ốc hấp tuyệt diệu để thết chúng tôi.
Qua những bậc gạch, chúng tôi trèo lên gò Đống Đa. Gió thổi mạnh trên những ngọn cây, xì xào như tiếng than thở của những vong hồn chôn ở dưới chân. Lịch sử như sống lại sau hơn thế kỷ đã qua. Chung quanh, đồng ruộng gần xa vẫn im lặng. Dưới chân, những mái nhà trong ấp Thái Hà thấp thoáng giữa rặng cây, bên lạch nước trắng. Yên tĩnh, như một nơi ẩn dật.
Qua cổng gỗ, vào một sân nhỏ, trồng nhiều cây, có cau, bưởi, mít. Căn nhà không lớn, nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Vũ Ngọc Phan, người nhỏ nhắn, nho nhã. Mới trông cũng đoán được là một học giả. Độ ấy, anh đã viết bài phê bình văn chương: Cái đó ai cũng biết. Nhưng có một điều mà tới nay, tôi vẫn không quên: đó là một món ốc hấp do chị làm, với lá gừng. Trái với tôi nghĩ, ốc rất mềm, không dai, vị ngọt và thơm. Về sau, không bao giờ tôi được nếm một món ốc ngon như thế nữa. Cũng không được gặp lại anh chị Phan nữa.
Trong làng thơ hồi ấy, tôi không được quen anh Phạm Huy Thông cùng anh Lưu Trọng Lư. Nhưng trong ký ức bề bộn, tôi không thể quên để mấy giòng nhắc tới một người bạn trẻ, bạn thơ thân thiết - anh Bàng Bá Lân. Vì hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi đã không liên lạc được. 40 năm sau, khi đã sang Hoa Kỳ ngụ cư, mới có người cho biết anh vẫn ở Sàigòn. Song đáng buồn là anh bị bệnh nặng phải nằm liệt trên giường. Anh có gởi cho tôi hai bức thư rất chân tình, đầy cảm xúc. Hai người bạn trẻ xưa nay đã đầu bạc. Cầm thư anh, bất giác tôi nghĩ đến câu thơ Đường tả cảnh tiễn bạn già trên con sông Dương Tử:
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu
Thực là thương cảm. Nhưng sóng đây lại là sóng Thái Bình Dương. Rồi về sau, lại nghe tin anh mất. Một người bạn cố tri, một thi tài đất nước đã ra đi. Tôi may mắn vẫn còn ở trên đời, nhưng biết bao nhiêu người thân, bao nhiêu tài hoa, xuất chúng mà tôi đã có dịp gặp nay đã đều vĩnh viễn ra đi. Đau thương ngày càng đè nặng lên những người còn sống.
Ngàn năm bạc mệnh, một đời tài hoa...
Câu Kiều đó lại vẳng bên tai.
Mấy ngày tôi gặp anh lần cuối cùng là ở ga Kép, Bắc Giang. Anh mời tôi lên chơi. Nhà anh cao ráo, lại có cửa tiệm ăn trông ra đường phố ga.
Phố này ngày phiên chợ đông đúc, đủ cả người Kinh, người Thổ, đủ các màu sắc rực rỡ trên quần áo những cô gái dân tộc thiểu số. Anh Lân thết chúng tôi mộc chầu phở đặc biệt, ở dưới vùng xuôi không có, là phở xá xíu, ăn lạ miệng. Nhà anh có vườn cam Bố Hạ gần đó. Vườn rất rộng, nằm trên sườn đồi. Từ xa đã thấy vàng óng cả một vùng. Đi trong các vườn cam, không khí thoáng mát, đượm mùi thơm dịu của cam. Cắt mấy quả cam, vừa ăn vừa nhìn ra đồng, núi xa xa. Màu cam rất đẹp, nhưng tiếc là hơi chua, không ngọt như cam Xã Đoài.
Trở về nhà, anh bảo tôi đi cưỡi ngựa. Tôi vừa thích vừa run, lo gặp một con ngựa bất kham thì rầy rà. Người ta bắt đến một con ngựa thấp bé hiền lành, có vẻ dễ thương nữa. Tôi yên lòng, nhẩy lên yên, bỏ lỏng cương. Thì nó cũng từ tốn bước đi nhưng mà quá từ tốn, thúc thế nào nó cũng không đi nhanh. Rồi nó tự rẽ vào một cổng chùa bên đường, và ung dung cúi xuống gậm cỏ, mặc tôi muốn dật cương hay thúc chân, nó vẫn đứng lì. Cuối cùng, anh Lân phải đến lôi nó đi, cứu tôi ra khỏi cảnh bê bối đó. Tôi bèn liều nhảy xuống đất, thoát nạn. Từ đó, tôi không dám cỡi ngựa nữa.
Đến bây giờ, những kỷ niệm êm đềm trên vẫn còn phảng phất trước mắt tôi, với hình ảnh anh Bàng Bá Lân đứng dưới gốc cam, sáu mươi năm về trước.
Chương 8
Thăm Chùa Cổ Bắc Ninh - Tự Lự C Văn Đoàn
Một ngày trong năm 1933. Vừa đến toà soạn chơi, Khái Hưng đã hỏi tôi.
- Tuần này anh có rỗi không?
- Có việc gì, anh?- Tôi hỏi lại. Kỳ thực, lúc nào tôi cũng bận và cũng rỗi cả, vì tự học một mình.
- Đi lễ chùa, ở Bắc Ninh. - Anh cười.
Lễ chùa? Xưa nay, Khái Hưng đâu phải là một Phật tử nhiệt tâm. Vì mấy anh em dự định đi thăm phong cảnh Bắc Ninh và đặc biệt là mấy ngôi chùa cổ có tiếng như Bút Tháp, Phật Tích.
Hôm đó, có Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Gia Trí và tôi. rrước hết, chúng tôi đáp xe hỏa đến một ga gần chùa Bút rháp. Đây là một ngôi chùa cổ, có tháp cao cổ kính nhiều tầng. Rồi thuê một chiếc thuyền rộng, xuôi giòng sông đào tới miền đồi Lim.
Cảnh thực nên thơ. Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước chẩy êm, giữa hai cánh đồng dâu biền biệt. Xa xa là những rặng đồi núi thấp. Chung quanh im vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc thuyền nhà chài vắt lưới bên bờ. Cảnh đồng quê Việt nam sao mà êm đềm thế, hình như ngủ im đã hàng thế kỷ.
Mọi người ngồi yên, ngắm cảnh. Không có nước trà, nhưng có nước vối rất hợp vị.
- Giá lúc này, có ai làm một bài thơ tả cảnh sông nước thì hay.- Anh Gia Trí đương ngồi ở một đầu thuyền, hí hoáy phác những nét chì, đề nghị. Không ai tức cảnh làm thơ cả. Khái Hưng bèn đọc hai câu thơ của Lý Bạch:
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường giang thiên tải lưu
- Nhưng đó là thơ Đường, mà đây đâu phải Trường Giang?- Nhất Linh nói.
Thế Lữ ngẫm nghĩ một lát, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Trước đây, lâu lắm, tôi có làm một bài, xin đọc để các anh nghe, được không?
Mọi người hoan nghênh. Anh từ tốn ngâm một bài thơ tám câu, trong đó tôi chỉ còn nhớ bốn câu sau cùng:
Trời lặng, én nghe chèo vỗ nước.
Nhớ nhung, ai tiếc cánh buồm xa.
Cô hàng đâu biết ta buồn nhỉ.
Đon đả ra chào hỏi khách qua.
Chùa Phật Tích nằm trên một sườn đối. Một ngôi chùa nóc, tường rêu phủ. Đằng sau chùa, rải rác nhiều tháp lớn nhỏ, chứng tỏ đã bao đời nhà sư đã tu hành ở nơi vắng lặng này. Đứng trên đồi, dưới gốc thông reo, nhìn xuống những xóm làng nhỏ bé núp sau lũy tre, cảm giác lâng lâng như đương lui về quá khứ.
Rời chùa Phật Tích, theo con đường nhỏ, chúng tôi rẽ sang chùa Bách Môn gần đồi Lim... Cũng nằm trên sườn đồi, có đường rộng dẫn vào, chùa Bách Môn kém bề cổ kính, có nhiều cửa to nhỏ ra vào, nhưng đếm đi đếm lại cũng không đủ một trăm.
Song, ngôi chùa này đã đượv Khái Hưng để ý và chọn làm nơi chàng trai trẻ Ngọc đã gặp chú tiểu Lan trong mối tình của cuốn tiểu thuyết đầu tay. Liên tưởng đến truyện ngày xưa, Lê Thánh Tôn đã gặp một nàng tiên tại một ngôi chùa nào đó. Câu thơ được truyền tụng tới nay:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn buớm mơ tiên lẩn sự đời.
Vì đó mới có cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, hiện đại hoá và lãng mạn hoá cuộc gặp gỡ kể trên. Truyện viết thì hay thực. Nhưng đối với tôi, thì cảnh đồng quê, sông núi, chùa chiền cổ kính, và tất cả những con người đã sống âm thầm trên mảnh đất quê hương này, bên gốc thông reo vi vút - giang sơn Việt nam yêu mến mới thực gây xúc động sâu xa trong tâm khảm tôi như một phần của linh hồn đất nước, chưa có một ngòi bút nào tả nổi.
Hồn bướm mơ tiên là cuốn tiểu thuyết in ra đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Cùng một hoài bão về văn hoá và cải cách xã hội, mấy anh đã tổ chức một tập hợp trên chủ trương tự lực, cả về tinh thần lẫn vật chất, không ỷ lại, không khuất tất. Có chí hướng cao thượng, lại tập hợp được những nhân tài xuất chúng, đó là nguyên nhân tại sao Tự lực văn đoàn đã thành công và gây được ảnh hưởng sâu xa trong xã hội Việt nam.
Lúc đó, còn là học sinh mới mười bây tuổi, tôi phải chuyên chú về thi cử. Tự lực văn đoàn gồm sáu người tức Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ - Anh Gia Trí không ở trong văn đoàn, tuy góp nhiều về tranh vẽ và ý kiến. Sau này cũng chỉ thêm một thành viên là Xuân Diệu, cộng thành Thất tinh hay Thất hiền.
Một điều đặc biệt trong Văn đoàn là tất cả đều như anh em một nhà, gắn bó và nâng đỡ lẫn nhau, không hề có xích mích, ganh tị. Tôi chưa thấy giữa các anh em có cãi cọ, to tiếng bao giờ, cũng không có tranh chấp về tiền tài. Tài năng đa dạng của nhóm đã làm thoả mãn mong muốn của phần đông độc giả các giới.
Dưới đây kể lại mấy điều kinh nghiệm trong làm báo, làm văn: Muốn được vui vẻ, khoan khoái thì có những bài trào phúng, hoạt hoạ sống động Muốn có truyện ngắn, truyện dài để xem thì có đầy đủ, và viết rất hấp dẫn.
Muốn thấy phê bình, đả kích những cái bất công, xấu xa, rởm đời thì có nhiều mục châm biếm. Có nhân vật như Bang Bạnh, Sa tiền (Thống sứ Chatel)
Mục Bùn lầỳ nước đọng bày tỏ những khốn khổ của dân nghèo. Mười điều tâm niệm đưa ra một quan niệm về công bằng xã hội, đạo lý làm người.
Hạt đậu dọn phơi bầy những thứ cẩu thả trong văn chương, những thứ kỳ cục.
Chọn vài đoạn tiêu biểu:
Trong một truyện đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, có đoạn.
Từ lúc gặp Liễu Dương (sic), Hùng Phong chợt thấy trái tim mình, trái tim từ trước vẫn câm lặng, bắt đầu ú ớ chẳng khác một đứa trẻ bập bẹ lời nói đầu tiên.
P.H bình: Thế thì trái tim ấy nó sắp sửa vòì kẹo ấy.
Một đoạn nữa:
Nàng chưa bị tiếng sét của tình yêu đánh cháy lòng
P.H bình: Văn kêu như sét. Nàng chưa bị chết cháy.
Một đoạn văn của nhà lý thuyết Trương Tửu:
Khi mảnh yếm rơi xuống
Thì người đàn bà phải thay nó bằng cái coóc xê!
Mảnh yếm là của thời đại cũ. Cái coóc xê là của thời đại mới...
và sau đó.
Khi mảnh yếm rơi xuống,
thì người dàn bà không mặc được nó lên ngực nữa
P.H bình: Còn chúng tôi, đọc hết dòng này, quẳng sách và ôm nhau cười.
Tự lực văn đoàn có can đảm chỉ trích cả giới thực dân: Toàn Quyền, Thống đốc, Đốc Lý và giới triều đình: nhà vua, Hoàng Trọng Phu, Phạm Quỳnh. Phê bình những chủ trương thoả hiệp với nhà nước Bảo Hộ. Tất nhiên, những chỉ trích ấy không thể trực tiếp, rõ ràng dưới chế độ chuyên chế. Vậy mà Phong Hoá, Ngày Nay đã nhiều lần bị kiểm duyệt, cảnh cáo, bị treo giò... anh em mấy lần bắt buộc phải đi nghỉ mát. Một lần, Ngày Nay ra một số đặc biệt. Tranh bìa, anh Gia Trí vẽ cảnh một tứp lều lụp xụp, rách nát, ngoài cửa, một người đàn bà lam lũ, mấy đứa nhỏ gầy đét, ỏng bụng đương bò lê.
Dưới đề một câu là (tôi chỉ nhớ có một câu) Bố cu mẹ đĩ rúc vào nằm
Phòng kiểm duyệt rất nhanh kết tội nói xấu chính phủ Bảo hộ, báo phải đình bản ba tháng và định truy cứu Nhất Linh ra toà, nhưng sau đổi ra cảnh cáo nặng.
Vẫn không chừa, mấy tháng sau, người ta lại bàn tán về một hoạt họa trên báo, vẽ Lý Toét từ nhà quê ôm một con gà mái đưa biếu ông Sa tiền (Thống sứ). Gà mái, dịch ra tiếng Pháp có nghĩa bóng là kỹ nữ. Ông Thống sứ này có tiếng là hiếu sắc. Song chắc cũng không muốn làm to truyện, ông ta đành lờ đi.
Cách châm biếm, hài hước nhiều khi rất tài tình. Như ông Bùi X.H. chủ nhiệm tờ Hà Thanh Ngọ báo, tới một nơi hội họp, bị người ta cản lại hỏi. Ông cáu sườn vì bị coi rẻ, bèn lớn tiếng bằng Pháp văn Je suis quelquun (ý nói ta là một người có tên tuổi đây) Phong Hoa khi nhắc lại truyện này, bèn nhại tiếng quelquun đổi sang Je suis King Kong (gần đồng âm), King Kong là tên con khỉ đột khổng lồ trong một phim ảnh nổi tiếng mà ai cũng biết.
Vì vậy Tự lực văn đoàn đã gặp khó dễ, công kích, chê bai từ mọi phía, cũng không có gì lạ. Theo chỗ bản thân tôi thấy thì Phong Hoá, Ngày Nay có khi chủ quan, lầm lẫn, hay châm chọc hơi quá đáng, nhưng không có ác ý, không muốn dìm ai xuống để tranh giành cái gì. Bản tính các anh em là vô tư, hiền hậu, đồng thời cũng kiên quyết trong việc bênh vực công lý, chống đối bất công, xấu xa. Tôi thấy, nếu không có tâm hồn như vậy, thì không có Tự lực văn đoàn.
Chương 9
Trường Trung Học Albert Sarraut
Ngày ngày đạp xe tới trường Albert Sarraut, cũng phải đi qua phố Cửa Bắc, chứng kiến dấu vết đạn đế quốc Pháp bắn vào cửa thành. Tôi không khỏi thắc mắc, dù có súng thần công và lưỡi lê, làm sao trước đây Francis Gamier hay Henri Rivière, hai võ quan Pháp với độ 2-3 trăm quân mà có thể thắng được một đạo quân hàng mấy nghìn người Việt? Tại sao không thể đánh lối du kích, tỉa dần hay bao vây thì quân giặc chóng chầy cũng phải rút chạy?
Toán quân Cờ đen chẳng đã lừa được Henri Rivière vào chỗ phục kích và diệt được hắn? Và tại sao cả một nước lại không mua nổi ít súng ống, huấn luyện một quân đội có sức chiến đấu? Tại sao triều đình Huế lại không học hỏi tại người Nhật dưới thời Minh Trị, biết canh tân để tự cường?
Cùng với văn chương, hội họa, nền âm nhạc mới cũng bắt đầu nẩy nở.
Chúng tôi đều ưa thích nhạc Tây Phương, thích hơn những âm điệu cải lương Nam Kỳ, và những điệu ca Huế nghe buồn ủ rũ như tiếng khóc mất nước của Chiêm Thành. Chúng tôi đều là nhạc sĩ tài tử cả. Mỗi người đều chơi đàn theo lối mình thích, không cần đúng nết hay đúng điệu. Âm nhạc Tây Phương lúc đó rất thịnh hành với Mozart, Schubert, Schumann, Toselli hay điệu valse của Strauss.
Tay nghề nhất lại là Nhất Linh, với cái hắc quản (clarinette) không biết học thổi từ bao giờ. Nhưng xem ra cũng khá thành thạo. Ngay đến mười lăm năm sau, khi phải lánh sang Quảng Châu, anh bắc ghế trước cửa nhà, chiều tới hấp dẫn không ít người đến ngồi nghe. Nhân dịp, ở đây, cũng phải nhắc tới anh Đỗ Đình Đạo thổi clarinette hay saxophone còn giỏi hơn anh Tam, còn được nhiều người hoan nghênh hơn. Anh em anh Đạo rất có khiếu về âm nhạc.
Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo cũng đều chơi măng-đô-lin (mandoline) hay băng-giô (banjó). Cao hứng lên, chúng tôi vác đàn ra họa với nhau, với những bài hát thịnh hành hồi ấy, như Serenata, L Paloma, Cest à Capri, bài Jai deux amous (tôi có hai mối tình, quê tôi và Pans), hay những bài hát của Tino Rossi v.v... Chắc chắn là lạc điệu, hỗn loạn nhưng ai cũng gật gù khen hay.
Nền âm nhạc đã bắt đầu đổi mới với anh Nguyễn Xuân Khoát. Bây giờ, tôi chỉ còn nhớ anh là một người tầm thước, hơi gầy hiền lành. Tôi được xem tác phẩm đầu tiên của anh, phổ nhạc Tây Phương vào những bài hát ả đào. Rồi sau đó, đã nẩy nở nhiều tài năng xuất sắc như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Lê Thương Những bài ca như Thiên Thai, Con thuyền không bên, Biệt ly, Quê nhà tôi, Giọt mưa thu v.v... đã đạt tới một mực cao. Báo Phong Hoá vẫn bán rất chạy, nhưng vì thế nguy cơ bị đình bản càng gần. Đã mấy lần bị treo giò tạm thời rồi, nếu không chừa ông kiểm duyệt tất sẽ ra tay.
Đã đến lúc thấy cần ra một tờ báo khác để thay vào trong trường hợp bị treo giò lâu hơn. Tờ này tất phải có một vẻ mặt hiền lành hơn, với thể tài và nhân sự hơi khác đôi chút. Vừa đúng lúc đó, anh Hai Cẩm- vì lý do sức khoẻ đã về Hà Nội nghỉ. Và tuy đương bận học, tôi cũng bị các anh gọi tới bàn soạn công việc. Mọi người đồng ý nên bỏ bớt phần trào phúng, châm biếm, và chuyên về bình luận xã hội, phóng sự cùng một phần tiểu thuyết, thơ ca, để tạm hoà hoãn. Dựa vào một mô thức như tờ Match của Pháp, có tranh ảnh, bài viết ngần gọn. Chắc chắn là tốn kém hơn, nhưng cứ thử đã xem sao.
Tờ này được đặt tên là Ngày Nay. Chủ nhiệm là anh Cẩm, ngoài Thạch Lam và tôi, còn tìm được mấy ký giả trọ giúp như Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng. Cách làm việc thay đổi theo nhu cầu mới. Phải bỏ lối ngồi bàn giấy vắt óc nặn ra bài, đổi sang cách bước xuống đường, vào xã hội, đi phỏng vấn, làm phóng sự các nơi.
Muốn có tranh ảnh, phải tự vác lấy máy ảnh đi chụp. Nhà báo mua máy ảnh, và cả một bộ máy rửa ảnh, rồi xếp đặt một phòng tối riêng ở dưới nhà: Thế là chúng tôi lại kiêm cả nghề thợ ảnh nữa. Tối đến, thường thường phải cặm cụi tới nửa đêm. Tuy vậy, cũng tốt, vì nếu lâm vào thất nghiệp, thì ra mở cửa tiệm chụp ảnh cũng kiếm ăn được.
Vả lại, vác máy ảnh đi khắp nơi cũng là một thú vị. Thành thị, thôn quê, từng núi, đâu có việc là đi. Có những cảnh vui như hội hè, đình đám, người đọc cũng chú ý đến những bài phóng sự về từth trạng nghèo khổ của dân quê, của các xóm thợ thuyền. Từ tính chất giải trí, nội dung tờ báo chuyển sang tính chất xã hội.
Thực ra, từ 1935-36 trở đi, tình hình thế giới đã có biến chuyển mạnh với những trào lưu chính trị mới ở Pháp, Anh. Sự quật khởi của phong trào phát xít hay quân phiệt ở ý, Đức, Nhật cùng lúc với sự lan tràn của chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Một mặt, xã hội Việt nam cũng đã thay đổi, dưới ảnh hưởng của tình hình thế giới, người dân chú ý tới những vấn đề xã hội, dân tộc cấp thiết hơn là những éo le trong gia đình hay tình yêu nam nữ.
Cái gì phải đến đã đến. Báo Phong Hoá bị đình bản, vì mấy bài đả động tới chính phủ Bảo hộ và viên Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Lần này bị treo giò sáu tháng. Không ai ngạc nhiên nhiều.
Sau đó không lâu, Ngày Nay tranh ảnh cũng tạm đình, vì vốn in quá cao, lại trở về lối thường. Anh Cẩm lại trở về Sàigòn. Còn tôi, lại bận thi Tú Tài phần thứ hai. Máy ảnh phải tạm gác một xó.
Xuân Diệu có dáng dấp một thi sĩ hơn là Huy Cận. Một chàng trai trẻ, tóc bờm xờm, mặt tròn trặn, ăn nói cũng nhỏ nhẹ Còn Huy Cận thì cũng thấp, nhưng to ngang hơn, vẻ mặt hơi thô, thoạt trông không có vẻ gì là nhà thơ, cũng không có vẻ học trò.
Xuân Diệu có nguồn cảm xúc khác với Thế Lữ, anh đi sâu vào thế giới cảm tình, tình yêu hơn. Huy Cận có sắc thái khấc, nghiêng về xúc cảm trước thiên nhiên nhiều hơn. Hai nhà thơ khác mà tôi gặp, không nhớ rõ là bao giờ, nhưng sau đã trở thành bạn thân, đó là Huyền Kiêu và Đinh Hùng. Tôi chỉ biết tên thật Huyền Kiêu là Kiều. Anh chàng làm thơ này có dáng vóc một lực sĩ, khác hẳn với cốt cách tiên hạc của các nhà văn khác. Cao lớn, mặt hồng hào, hay nói to, nhưng tính tình hiền hậu. Ngược lại, Đinh Hùng đứng bên cạnh anh thì trông như một cậu bé. Nhỏ con, gầy gò, tóc dài để tới gáy, quần áo xốc xếch. Ngực kiểu Omega, dáng như nghiện, đó là đặc điểm của nhà văn thời đại.
Trong cuốn Đốt lò hương cũ Đinh Hùng có kể lại những buổi tụ họp tại nhà anh Thạch Lam, bàn truyện văn chương, đánh bài, uống trà. Đôi khi có đồ nhậu, uống rượu say mèm, lăn cả ra đất mà ngủ. Đối với những anh lớn hơn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, thì chúng tôi là ba tiểu qủy
Ngồi trên thềm nhà, nhìn ra mặt hồ, thì một cốc cà phê, một đĩa hạt dưa, vài chiếc kẹo dừa cũng đủ gợi hứng. Tất cả đều nghèo, nhưng đôi khi trong túi có chút tiền, thì ở lại tối, thêm đĩa thịt heo luộc hay lòng heo, giàu chút nữa, thêm được con gà luộc chấm muối chanh.
Lần mà Đinh Hùng nói là cả bọn kéo nhau đi Khâm Thiên, tôi không nhớ là ai khởi xướng. Chắc là Khái Hưng, người có chút kinh nghiệm. Đi hát ả đào hồi đó đã từ một thú vui thanh nhã đổi dần sang tục tằn hơn.
Khâm Thiên, một xóm ăn chơi lớn nhất Hà Nội. Ngoài đi cô đầu ra, còn có nhiều tiệm nhảy, tùy ý khách lựa chọn. Thanh niên thì thích đi nhẩy hơn, nhưng nhẩy xong kéo sang nghỉ ngơi bên nhà cô đầu cũng rất tiện, nếu trong túi đầy một chút. Một số nhà văn hồi ấy sống một cách phóng đãng, nhưng chúng tôi cũng có thể liệt vào hạng đứng đắn cả, tuy không phải là mẫu mực. Các anh Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Nhất Linh xem ra quy củ hơn cả.
Chương 10
Đời Sống Y Khoa - Đoạn Tuyệ
Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò thực không ngoa. Nhưng đúng ra, học trò bao giờ cũng là nhất. Vì có ai gặp ma hay quỷ thực bao giờ đâu? Mà học trò lại ở trọ lại càng quỷ hơn cả. Chỉ có mấy tay trời đánh với nhau không có ai dòm ngó, kể cả gia đình. Tha hồ mà nói truyện, truyện gì cũng có thể được. Tha hồ đi chơi, đi đạo phố, có đêm trời lạnh, ngồi trùm chăn đọc sách, hay đánh tam cúc, đánh bất, mà có tiếng rao mía nóng, lục tàu xá (chè đỗ xanh), hay xôi lạp sường thì tuyệt. Những thứ quà đủ ngon và hợp với túi tiền của học sinh.
Thỉnh thoảng, nếu ai có vợ từ xa hay bạn gái tới thăm, thì mọi người rất tự giác bỏ ra đi, không cần nhắc nhở.
Một nan đề đứng trước mặt tôi, một lựa chọn khó khăn. Sau khi đỗ Tú Tài phần thứ hai, tôi sẽ tìm việc làm hay lên học Đại Học? Mà nếu đi học, thì học môn gì?
Phi Cao đẳng bất thành phu phụ , nếu lên học được thì sẽ có nghề nghiệp vững vàng và... dễ lấy vợ hơn. Học Luật, thì chỉ cần ba năm, không khó nhọc lắm, nhưng ra làm ông tham cạo giấy hay nhảy vào quan trường thì không thích hợp với cá tính tôi. Vậy chỉ còn con đường học Thuốc, ra làm một chân đốc tờ xem ra tốt hơn cả. Nghe nói học khá chật vật, sáu bẩy năm, mà quá ư duy vật, không nên thơ chút nào cả. Tôi không khỏi do dự. Nhưng sau rốt cũng phải nhắm mắt đưa chân. Triết lý thực dụng cho tôi biết trên đời không có gì là hoàn mỹ. Tôi đã chọn đúng, vì nghề bác sĩ về sau này đã giúp tôi vượt qua khó khăn bất ngờ -đúng là cần câu cơm, như người ta thường nói.
Ai đã học qua tại trường Cao đẳng Hà Nội cũng còn nhớ những con đường rộng ở khu phố Tây, hai bên đều trồng cây um tùm, những mùa thi đầy hoa phượng đỏ rụng trên mặt đất, và toà nhà chính của trường với nhà lầu nguy nga ở giữa, đồ sộ nhưng lại mỏng manh. L Université lndochinoise na que la facade - trường Đại Học Đông dương chỉ có bề mặt - tới nay tôi vẫn còn nhớ câu nói đó.
Lớp tôi lúc bắt đầu có độ hơn ba mươi người - lớp P.C.B (sinh lý, hoá học, vật lý), đủ các hạng người, đủ các nơi Nam Bắc, Lào, Mên. Nhưng tiếc rằng không có một phái đẹp nào. Nhìn đi ngoảnh lại, cũng chỉ thấy bóng dáng kiều diễm của một bạn học - cô J. O. người Nam Kỳ- nhưng lại ở lớp trên, không thể không cảm thấy buồn tẻ.
Cả toàn bộ Đông dương mới có mấy lớp sinh viên như vậy, nên chúng tôi cũng tự coi là may mắn quá rồi. Bẩy năm sau, khi tốt nghiệp ra, chỉ còn vẻn vẹn có mười mấy người mà thôi. Có bạn đã bỏ học, có bạn đã qua đời. Trong số bạn đã tốt nghiệp, nay đã có bốn người sang sống ở Hoa Kỳ. Một điều dù nằm mê cũng khó tưởng tượng được lại gặp nhau ở bên kia bờ Thái Bình Dương, và mỗi người một cảnh ngộ ly kỳ.
Thực ra đầu óc những người sinh viên trường Thuốc không đến nỗi quá vật chất và khô héo như người ta tưởng. Họ có cảm tlnh, có xúc động, mà nhiều khi còn sâu đậm hơn những người khác. Vì họ đã phải đứng trước nhiều cảnh bệnh tật, đau khổ, tuyệt vọng, tang tóc, chia ly - những cảnh thương tâm nhất trong đời người. Những cảm thụ ấy ăn sâu vào trong tim óc. Cho nên, trong lịch sử các nước, trong giới bác sĩ đã nẩy nở ra nhiều nhà văn xuất chúng, hay những nhà cách mạng kiên cường, cũng không có gì là lạ.
Thời kỳ này, có thể gọi là đỉnh cao của Tự lực văn đoàn với nhiều tác phẩm phong phú và đa dạng. Cuốn Nửa Chừng Xuân có thể gọi là sáng tác tiêu biểu của Khái Hưng, và về sau, với Những Ngày Vui, Thoát Ly, Gia Đình... Khái Hưng là người sáng tác tiểu thuyết phong phú nhất, được độc giả, đặc biệt phái nữ, yêu chuộng.
Song, tác phẩm gây ảnh hưởng sôi động nhất, tiêu biểu cho quan niệm xã hội của cả nhóm, có lẽ là cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Trong cuốn Nửa Chừng Xuân, mâu thuẫn mới chỉ được đưa ra và giải quyết nửa chừng. Đến cuốn Đoạn Tuyệt, thì mới thực là đoạn tuyệt. Nhất Linh có đầu óc quyết liệt với cái cũ hơn Khái Hưng. Bi kịch trong cuộc hôn nhân Loan-Thân là sản phẩm tất nhiên của đầu óc đó. Nhiều người cũng thấy xung đột giữa các thế hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, là do quan niệm quân thần phụ tử và tam tòng tứ đức, một quan niệm bóp nghẹt quyền tự do được sống, được phát triển của con người, và nhất là đối với phụ nữ, ép buộc họ phải chịu đựng đau khổ trong một khuôn khổ cổ hủ mà có người cho là đạo lý, luân thường bất khả di dịch. Đoạn Tuyệt bản thân là một bản tuyên ngôn ly kỳ, lại thêm một mối tình dang dở lãng mạn với một nhân vật cách mạng nên được người ta chú ý hơn. Một nhân vật chính trong Nửa Chừng Xuân -Lộc- lại là một quan huyện, nên có người không ưa lắm, mặc dầu nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt hoạt động có vẻ tài tử giang hồ hơn là một chiến sĩ cách mạng thực sự, nhưng có vẻ hợp thời hơn.

Tất nhiên, cũng gặp nhiều người công kích, cho là phá hoại truyền thống, phá hoại tôn ti trật tự. Những công kích đó không những đến tự những người già nua, mà còn cả đến một số người tự cho là tiến bộ như Trương Tửu, hay Nguyễn Công Hoan.
Chỗ đặc biệt của Nhất Linh là nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại, và muốn đưa ra những ý kiến về cải cách xã hội. Nhưng đó cũng là chỗ yếu của cuốn Đoạn Tuyệt, vì có lúc phải uốn nắn đời sống để cho thích hợp với luận đề đã đặt ra, trong truyện không tránh được những đoạn kém tự nhiên. Ngược lại, những tác phẩm của Tự lực văn đoàn lại bị soi xét dưới một con mắt khác bởi những người Mác-xít. Họ gán nhãn hiệu lãng mạn, ủy mị tiểu tư sản, xa rời quần chúng và đưa quần chúng vào con đường xa lánh đấu tranh. Người cộng sản có cái nhìn cực đoan, phủ định tất cả các thứ văn chương không đúng với đường lối đấu tranh giai cấp như họ muốn, nên đã phủ định giá trị nhân bản, tiến bộ và giá trị văn học của Tự lực văn đoàn, nhất là về sau này, khi một số trong nhóm gia nhập những đảng phái quốc gia.
Các nhà văn không thể thoát ra khỏi khuôn cảnh đời sống thực tế của mình. Phần lớn văn nghệ sĩ hồi ấy đều xuất thân từ những gia đình nghèo hay trung lưu. Và nhiều người bản thân nghèo, hay rất nghèo túng. Suy nghĩ về anh em chúng tôi và các văn nghệ sĩ khác, đời sống có ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung các tác phẩm. Nếu Vũ Trọng Phụng viết được những sách như Số Đỏ, có thể cũng vì anh nghèo xác xơ, tiếp xúc với những hạng người ở dưới đáy xã hội.
Lấy thí dụ nữa với Thạch Lam. Từ nhỏ, hoàn cảnh nghèo, sa sút của gia đình đã gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn anh em, và chúng tôi cũng thường tiếp xúc với cảnh nghèo khổ chung quanh. Trưởng thành, Thạch Lam cũng đã sống một đời nghèo túng khó khăn, và sẵn có lòng nhạy cảm đối với những cảnh ngộ đáng thương trong xã hội. Nếu có gì là đặc sắc trong tác phẩm của anh, thì phải nói là tấm lòng trắc ẩn đối với con người.

Nếu để ý, thì sẽ thấy những nhân vật chính trong tác phẩm của Thạch Lam rất ít có những cụ Thượng, ông Tuần, quan Huyện, hay ông Nghị, ông Tham đầy rẫy trong những tác phẩm của nhiều tác giả khác, ngay cả trong Tự lực văn đoàn. Một tác phẩm đáng quý là ở chỗ có những cảm thụ chân thành, xâu xa đối với những đau thương, những bất hạnh, bất công trong đời sống. Tính chất này ít hay nhiều, bàng bạc trong sáng tác của Tự lực văn đoàn, cho nên được độc giả yêu chuộng.

Riêng chỗ tôi thấy, dù mỗi người đều có thiếu sót, các anh em trong nhóm đều là những người bản tính hiền hậu, hoà nhã, giàu lòng thương người, không tham danh tham lợi. Tôi chưa thấy bao giờ to tiếng cãi cọ, cũng không ai áp đặt ý kiến mình lên người khác. Tất cả đều mang hoài bão làm được một cái gì có ích cho đồng bào, đều ghét những tệ đoan, bất công trong xã hội. Khi xẩy ra ý kiến khác nhau về công việc, thì bàn luận với nhau để giải quyết. ý kiến của Nhất Linh thường được chú ý hơn cả.
Đoàn ánh Sáng ra đời cũng vì tâm trạng trên. Ai đã đọc Người Quay Tơ của Nhất Linh chắc cũng biết truyện Giấc Mộng Từ Lâm trong đó tả một nơi sống mơ tưởng. Với ý tốt muốn đưa người dân ra khỏi chỗ tối tăm bùn lầy nước đọng và ổ chuột, các anh em đưa ra ý kiến trước hết hãy góp sức, cổ động các giới giúp xây dựng những khu nhà ánh Sáng để làm gương mẫu, bắt đầu cho một phong trào rộng lớn. Theo ý định của Nhất Linh, đây không chỉ là xây dựng mấy căn nhà, mà là khởi đầu phong trào cải cách, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nghèo khó... Phong trào được nhiều bạn hưởng ứng, như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Vũ Đình Hoà, Tôn Thất Bình, Phạm Văn Bính (từ Thái Bình lên). Anh Hoàng Đạo viết bài mô tả khu ánh Sáng tương lai.
Chính Huỳnh Tấn Phát sau này cũng phải công nhận là phòng kiến trúc Luyện - Tiếp - Đức đã đưa ra kiểu nhà ánh Sáng bền chắc, rẻ tiền, văn minh hợp vệ sinh... được dư luận đồng tình và báo chí giới thiệu rộng rãi, gây nên tiếng vang lớn trong nước và ở một số nước Châu Phi.
Dù kết quả thực tế không nhiều, dựng được mấy khu nhà ở bãi Phúc Xá, bờ sông Hà Nội, rồi sau phong trào tắt dần, nhưng cũng đã là một việc có ích. Ai cũng biết là, muốn giải quyết vấn đề nghèo khó, thì cần phải trừ bỏ ách thực dân và do người Việt tự quản lý đất nước. Phong trào ánh Sáng trên tính chất, chỉ là một việc trên ngọn. Trong buổi trình diễn tại nhà Hát Lớn thành phố, tôi và mấy bạn có đến dự. Nhưng khi mục kích tay Thống sứ Bắc Kỳ tiền hô hậu ủng, khệnh khạng bước lên chỗ ngồi, rồi tất cả đều đứng nghiêm để nghe bài quốc ca Pháp - La Marseillaise - thì chúng tôi thấy lợm giọng, bấm nhau bỏ ra ngoài. Miả mai nhất là bài La Marseillaise hô hào bảo vệ tổ quốc - lại tấu lên cho những kẻ bị thống trị nghe? Trong lúc đó, những nữ sinh diêm dúa bắt đầu cầm những rỏ hoa đi lần lượt bán cho các quan khách Pháp, Việt, để mong họ bớt ít của cho những dân nghèo... Tôi cảm thấy đó không phải là con đường chính để đi.
Tuy vậy, phong trào ánh Sáng cũng đã đánh dấu một giai đoạn mới, không toàn ở giá trị bản thân, mà chính ở chỗ nhóm Ngày Nay. Tự lực văn đoàn đã từ địa hạt thuần tuý văn chương, bước vào hành động. Với thời cục chuyển động, từ 1937 trở đi, dù muốn hay không, công việc sáng tác, làm báo đã dần dần đi xuống. Một giai đoạn khác sẽ bắt đầu.
Chương 11
Trường Thuốc - Tình Thế Chuyển Động
Trong đời tôi, có lẽ một sự lầm lẫn trong nhiều lầm lẫn khác, là việc vào học y khoa. Lấy nó làm một cái cần câu cơm hạng tốt, không hơn không kém. Vì tôi cũng như một số bạn hữu khác, lúc mới vào học, rất ít nghĩ đến tính chất cứu nhân độ thế hay là những câu châm ngôn của Hippocrate.
Chế độ học Y là một chế độ tàn nhẫn, nhất là của Pháp. Ai đời mới lên học năm thứ nhất, chân ướt chân ráo chưa biết gì mà sáng nào từ 7 giờ cũng đã phải đạp xe tới bệnh viện để kiến tập. Nếù đi nhà thương Phủ Doãn thì còn khá, nhưng nếu phải đi đến tận nhà thương Bạch Mai thì khổ, nhất là khi trời nắng chang chang hay mưa rét cóng cả người. ở đó, cho tới mười hai giờ trưa mới nghỉ, chỉ đủ thì giờ để nuốt một bát cơm hay một ổ bánh mì, vì tới một giờ đã phải vội vã cuốc đi Viện giải phẫu ở tận vùng Hàm Long, gần Đồn Thủy. Viện giải phẫu trông bề ngoài không có gì khủng bố lắm. Nhưng đã bước vào trong thì ai cũng phải mất hết hứng thú về cuộc đời.
Tầng dưới là nhà xác thành phố, lạnh lẽo, âm u. Những tấm đá dài nằm song song, trên nằm đủ các thây người vô thừa nhận, da trắng bệch, hay tím bầm, xám xịt, đầu tóc rũ rượi hay lởm chởm, nằm thẳng cẳng hay co quắp đủ các hình trạng. Có người mắt còn mở trừng trừng như muốn nhìn vào những kẻ ra vào.
Còn tầng trên là nơi học giải phẫu, một môn học cơ sở. Nghe giảng bài xong, sinh viên khoác áo dài, lấy túi dụng cụ mổ rồi bước vào gian phòng giải phẫu rộng lớn. Cảnh tượng ở đây vừa khủng bố vừa hỗn độn. Vì đây xác không thành xác nữa, xác người đã thành ra những con vật kỳ lạ. Xác đã tiêm thuốc vào mạch máu rồi nên khô đét như mắm, da đen xám lại. Mặt đã co rúm. Có vài cái xác còn nguyên mới mang lên, nhưng phần nhiều đã bị tiả mổ, cắt xén, chỉ còn lại xương sọ lủng củng, những sợi gân lòng thòng, những cánh chân cánh tay vô trật tự, những đầu lâu trơ trọi. Ôi! con người sao đến nỗi thế này?
Trong lúc các bạn chia nhau từng tốp để mổ xẻ, thì tôi thấy khựng lại. Một cảm giác lạ lùng bỗng nhói trong ngực. Tôi tránh không nhìn vào hai lỗ mắt sâu trũng, không còn con ngươi nữa, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng là người chết này như đang muốn nói truyện gì với mình. Mà đây là ai? đã sống ra sao? và tại sao lại nằm chết khô ở đây?
Nhưng chung quanh, vẫn thấy tiếng cười nói rộn rã, tiếng dao kéo vô tmh chạm với nhau leng keng. Trong đó, tiếng cười lanh lảnh của cô bạn học quý phái nổi bật lên, lạc loài trong bầu không khí âm u, trong mùi hăng hắc của thuốc trừ trùng. Bốn giờ chiều, lại phải đạp vội về trường học để nghe giảng, may mà trường cũng gần. Nhiều khi mỏi mệt, buồn ngủ díu cả mắt. Bẩy giờ, cuốc về đến nhà thì trời đã tối, nằm lăn ra giường, không buồn ăn uống gì. Những ngày tháng trôi qua trong các bệnh viện -những phòng bệnh làm phúc xám xịt, những giường sắt lạnh lẽo, những người bệnh già trẻ nằm ngồi buồn bã, mùi thuốc toả ra khắp phòng... Những cảnh u buồn, tuyệt vọng... Nhưng thôi, rồi cũng quen đi, cũng phải chịu đựng. Nghĩ cho cùng, đây cũng là một dịp rèn luyện con người cho thích họp với đời sống phức tạp, khó khăn.
Trong khối sinh viên, có lẽ sinh viên trường Thuốc là miệt mài hơn cả về học hành, và cũng ít thì giờ để quan tâm đến những việc khác. Nhưng, đứng trước tình hình khẩn trương trên thế giới và trong nước, người sinh viên hay người trí thức nói chung không khỏi bị ảnh hưởng và bắt buộc phải suy nghĩ. Hoạt động chính trị đã sôi nổi tại Việt nam với sự thắng thế của mặt trận Bình Dân ở Pháp đưa lại một chút cởi trói tại Đông dương.
Tại Nam Kỳ, tự do báo chí, tự do kết hội được cho phép trong giới hạn, tại miền Bắc và Trung thì rất ít thay đổi. Một số đảng phái được phép hoạt động, đảng cộng sản Đông dương ngấm ngầm thúc đẩy một Đông dương Đại hội để đòi hỏi cải cách về mặt lao công. Song việc này lại gặp sự phân đối của phái Đệ Tứ Trotzky, vốn không chủ trương liên kết với giai cấp tư sản, và chỉ tiến hành cái mà họ gọi là cách mệnh vô sản thường trực, bất kể dân tộc có độc lập hay không và do ai thống trị.
Tại miền Bắc, không cho phép đảng phái hoạt động, nhưng trên báo chí đã có thể đưa ra những ý kiến yêu cầu câi cách nhẹ nhàng, đối đãi tốt hơn với người bản xứ, cải thiện chế độ lao công. Việc này đã dẫn đến một cuộc đình công của thợ thuyền nhà máy dệt Nam Định. Thừa cơ hội, trên tờ Ngày Nay, cũng đưa ra một số bài nghiên cứu về xã hội, chính trị nhẹ nhàng.
Nhìn trên thế giới, khuynh hướng phát xít ở ý với Mussolini, và quốc xã tại Đức với Hitler, đã lên rất mạnh, đã bắt đầu uy hiếp tới sự sinh tồn của chế độ dân chủ Tây Phương. Từ 1937, sau khi chiếm đóng Mãn Châu trước sự bất lực của hội Quốc Liên, đế quốc Nhật tấn công thẳng vào lục địa Trung Hoa và uy hiếp cả vùng Đông Nam á, ngay cả đến những thuộc điạ của Mỹ (Phi Luật Tân), Hồng Kông và Đông dương. Nguy cơ chiến tranh đã tới gần. Đế quốc Pháp sẽ đi tới đâu? Không ai bảo ai, nhưng đều mơ hồ cảm thấy một vận hội mới sẽ đến với đất nước. Cuộc cách mạng dân tộc sẽ có cơ thành công. Đối với Nhật bản, vì cùng là da vàng mũi tẹt, nên có người từng đợi họ đến giải phóng cho mình, và chủ trương nên dựa vào Nhật để đánh đuổi người Pháp trước đã. Cũng có những nhóm, chói mắt trước sự hùng cường của Đức Nhật, tán đồng một chủ trương độc tài, để lãnh đạo dân chúng theo ý muốn của mình. Đảng cộng sản, thì nhất định phải theo đường lối chống phát xít của Đệ Tam Quốc tế, của Liên Xô, rồi sau này theo con đường Đồng minh với các nước dân chủ tư sản.
Các đảng phái quốc gia lúc đó, không có một đảng nào hoạt động công khai trong nước. Các đảng viên Việt nam Quốc Dân đảng vẫn chỉ nằm trong bí mật, nhưng đã bắt đầu có liên lạc với những phần tử cách mạng lưa vong ở Trung quốc, ở Nhật và ở Thái. Tại Trung quốc, Việt nam Quốc Dân đảng, Phục Quốc đồng minh hội đương cố gắng chỉnh đốn lại tổ chức trong trường hợp khó khăn. Nhật quân đã tiến xuống miền Hoa Nam, đây là bước sửa soạn cho một trận tuyến kết hợp những nhà ái quốc tại ngoài nước - Việt nam cách mệnh đồng minh hội.
Nhưng, trong hàng ngũ người Việt chủ trương giải phóng dân tộc giành độc lập, đã có những chia rẽ sâu xa về ý thức hệ, về sách lược và đường lối hoạt động, mà tuyệt đại đa số người dân chưa cảm giác thấy.
ở ngoài nước, từ năm 1944, đã có một tập hợp các anh em ở hải ngoại, với sự khởi xướng của mấy vị như Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, một số nhân vật các nhóm khác, và lấy tên là Việt nam Độc lập đồng minh hội (tên này sau đó bị đảng cộng sản sử dụng viết tắt là Việt minh vào năm 1941).
Không bao lâu sau, trong đó, một số đảng viên cộng sản trá hình định dẫn tổ chức sang khuynh hướng cộng sản, nên sự tập họp này đã tự giải tán. Tiếp theo, Việt nam Quốc Dân đảng tại Côn Minh thành lập Hải ngoại chấp hành ủy viên Hội, với những người cầm đầu Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng, Lê Khang... Chu Bá Phượng được phái về quốc nội hoạt động.
Vì Việt nam quốc dân đảng chưa gây lại một hệ thống đảng chặt chẽ ở trong nước, và không có nỗ lực tuyên truyền để ảnh hưởng tới quần chúng, nên đồng bào tuy vẫn mến mộ danh nghĩa của đảng, song thấy cần phải có tổ chức khác để cổ động dân chúng đứng lên hành động. Đó là nguyên do của sự nẩy nở một số đảng phái bí mật trong nước bắt đầu từ 1938 trở đi. Nhiều phần tử trí thức và sinh viên, bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, sẽ kế tiếp nhau tham dự vào những phong trào chống Pháp, hoặc cộng sản hoặc không cộng sản. Có những bạn cùng đường, cùng một lớp, ngay trong cả một nhóm văn nghệ, một văn đoàn sẽ tham gia vào những khuynh hướng khác nhau, thậm chí sẽ trở thành thù địch trong những ngày khó quên mấy năm sau.
Chương 12
Ngày Tết Quê Hương - Xem Mặt
Chuyến xe hoả Hà Nội - Hải Dương dần dần chạy chậm lại, qua con cầu bắc trên sông Sen quen thuộc, rồi từ từ vào trong ga Cẩm Giàng.
Đã lâu lắm tôi chưa về quê. Năm nay phải về ăn tết. Vẫn cái nhà ga nhỏ, xám. Những người gồng gánh lên xuống. Sau ga, con đường lát đá gồ ghề, mấy hàng quán lêo tèo. Tôi bước trên con đường sắt thẳng tắp đi về chân trời, bên phải vẫn là cây đa mâm xôi. Chỗ bà nội tôi yên nghỉ ở gần đó. Chung quanh, những xóm làng luỹ tre bao bọc không khác gì xưa.
Bước vào trong cổng nhà, cây cối đã mọc nhiều, um tùm trong vườn. Có rặng chuối, có mấy cây ổi, còn cả cây na. Những luống tóc tiên đã bờm xờm, vì thiếu người cắt xén. Cây mít trước gian nhà gạch cũng đã lớn nhiều, quâ dính vào thân cây: Chân tường nhiều rêu phong hơn trước. Mái ngói đã đổi màu. ít người sống ở đây, nên cảm giác có vẻ hiu quạnh cô đơn giữa cánh đồng không. Không biết tại sao tôi cảm thấy xa lạ, hình như có dấu hiệu báo trước sẽ có gì thay đổi đối với cái trại Cẩm Giàng này.
Chỉ có mẹ tôi ngồi trên phản, trong buồng khách. Hình như có điều gì chịu đựng trong đôi mắt, trên khuôn mặt đã nhiều nết răn của bà. Con cái đã trưởng thành cả, đỗ đạt, làm nên, thành công, tuy phần nhiều vẫn nghèo. Nhưng ai nấy đều bận rộn, và ít khi về thăm nhà. Bà chỉ còn hy vọng vào mấy ngày Tết, giỗ. Ngay đứa con út là tôi, đã hơn hai mươi tuổi đầu, nhưng vẫn lông bông, làm những cái gì bà cũng chẳng biết. Trong lúc ngồi ăn cơm, tôi cảm thấy mình ích kỷ, ít khi nghĩ đến mẹ. Và tôi không khỏi cười một mình, nghĩ đến những lúc bà muốn dạm vợ cho tôi. Nào cô này xinh và hiền hậu lắm, cô khác cũng coi được, phúc đức và là con một, nhà có hai trăm mẫu ruộng... Kể thì hấp dẫn thực, nhưng khổ nỗi tôi chưa thấy hứng thú trong việc lấy vợ. Một lần, còn nhớ, bị mẹ thúc dục quá, nhờ trung gian của một bà bạn, tôi phải đi xem mặt một cô gái! Đến tận nay, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại đi làm một việc vô ý thức như vậy, cho tới nay, tôi vẫn trách mình. Vào một căn nhà ở phố hàng Tre, tôi được bà chị cô gái tiếp đãi khá niềm nở, khiến tôi thấy ngượng ngập. Song vì người ta biết mình cũng là nhà báo, nên cũng cố đối đáp trôi chảy được những câu hỏi khó trả lời. Hàn huyên xong, tôi bị dẫn xuống nhà ngang, và lại phải đối diện với cô gấi một cách gượng gạo. Trò truyện một vài câu nhát gừng, cô cứ ngồi cúi mặt xuống. Cô ta không đẹp lắm, nhưng cũng dễ thương, rất có thể là một người vợ hiền, nếu chính tôi đã muốn cưới vợ...
Cơm trưa xong, tôi vượt qua đường sắt, qua con đường đất quen thuộc, đi giữa đồng ruộng còn trơ gốc rạ. Nơi này có bao nhiêu kỷ niệm. Những đứa trẻ chạy tung tăng trên bờ ruộng, hắi những cánh hoa cúc vàng dại, cùng những hoa thài lài mầu xám lơ, rồi đánh cỏ gà. Khi mệt, cùng ngồi nghỉ trên rễ cây đa, nhìn ra con sông nhỏ chảy xuôi.
Mộ bà tôi vẫn nằm gần đấy, hướng về Đông Nam, như mộ con trai bà. Một cuộc đời đã tẩt trong cô đơn, im vắng, như một định mệnh. Trên gò Phụng, mộ thầy tôì, mấy ngọn cỏ may vẫn lay lắt theo gió. Vẫn ngôi chùa cổ kính rêu phong, con đường nhỏ không một bóng người. Gió thổi lạnh qua những cành tre xao xác, bên những nhà tranh buồn tê. Tôi ngồi bên cạnh ngôi mộ, mộ người cha mà tôi chưa bao giờ trông thấy mặt. Thời gian đọng lại như lui về dĩ vãng. Bao nhiêu thế hệ đã qua, đã sống trên đồng ruộng hiu quạnh, đã nằm xuống ở mảnh đất này? Tiếng thân tre kẽo kẹt khi chạm vào nhau đôi khi tới nay vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Hai hôm sau, cảnh tượng trong nhà rộn rịp hẳn lên. Mấy người em họ từ trong ga ra chơi. Chuyến xe trưa lại đưa xuống một số anh em văn báo, đã hẹn trườc năm nay cùng về đây ăn Tết cho vui.
Ra ga đón có cả Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, và hai bạn nối khố, Huyền Kiêu và Đinh Hùng. Trong nhà có Nhất Linh, vợ chồng chị Thế, Thạch Lam và tôi, đủ mặt anh tài. Mọi người chia nhau đi tham quan vườn nhà, những người trẻ thì chạy ra đồng, ngắm cảnh đồng quê, rồi theo con đê đi mãi tới bờ con sông Sen. Già hơn một chút, thì ngồi nhấp nước trà, với mứt và kẹo vừng.
Đã lâu, không được nhìn lại ánh đèn trắng măng xông chiếu sáng khắp nhà trong cảnh ba mươi tết. Trên bàn thờ, khói nến sáng choang, mùi hương ngây ngất lẫn với màu hồng của hoa đào, làm tăng thêm không khí ấm cúng trong nhà. Thêm vào đó một mâm cơm cỗ bát cũng khá đầy đủ, suốt năm mới được ăn một hai lần. ăn xong, mấy anh lớn tuổi ngồi lại đánh bất, sát phạt lẫn nhau để đợi tới phút giao thừa. Bọn trẻ chúng tôi xuống nhà bếp, để giúp nấu bánh trưng. Hai thùng sắt đầy ắp bánh. Công việc chúng tôi là thêm củi hay thêm rơm vào lò để duy trì lửa đủ mạnh. Trời rét, ở ngoài mưa phùn nhẹ, gió bấc thổi qua phên liếp, nhưng ở trong ấm áp, lửa chiếu vào mặt ai cũng đỏ hồng. Đây là những phút cuối năm thú vị nhất, vừa đun bánh, vừa ngồi cắn hạt dưa, bàn đủ mọi truyện Đông Tây, kim cổ. Vừa đến nửa đêm thì bánh vừa chín tới. Mùi thơm bánh chín toả ra khắp buồng. Ai cũng mong chóng tới giao thừa, đợí cúng xong sẽ được ăn bánh. Cuối cùng thì giờ đó cũng tới. Một tràng pháo nổ lên. Tất cả đều chạy lên nhà trên, làm lễ trước bàn thờ. Rồi đến chúc tuổi bà mẹ. Tôi còn nhớ anh Khái Hưng, người nhiều tuổi nhất, thay mặt các bạn nâng cốc rượu hồng - độ ấy có những thứ ruợu ngọt đủ màu sắc- để mừng tuổi, rồi đến các con, cháu. Mỗt người đều được một phong bao nhỏ... để tiêu Tết, đủ để ban ngày chơi đánh đáo.
Cỗ giao thừa được bầy ra, món chính là bánh trưng chín tới, vừa cắt ra còn bốc khói, màu xanh mịn, dậy mùi tiêu. Đương đói, ai cũng ngốn nghiến, không làm khách. Nhưng phải kể riêng về hai kiện tướng: Huyền Kiêu và Xuân Diệu. Lực sĩ Huyền Kiêu thực là kinh người nuốt hết miếng này tới miếng khác dưới sự cổ động của mọi người. Sau rốt, lực sĩ cũng phải bỏ cuộc, đầu hàng, chỉ còn thi sĩ tiếp lên chiến đấu, đoạt giâi quán quân. Song, thực ra, cũng không đến bốn chiếc bánh như người ta kể trong truyền thuyết.
Hôm sau, mọi người lục tục cáo biệt trại Cẩm Giàng ra về, tiếp nối công việc hàng ngày. Riêng tôi, lại trở về nhà trọ và trường học.
Một hôm, chúng tôi đáp xe điện đi thăm đôi bạn Thế Lữ - Song Kim ở ngoại thành. Thế Lữ đã bắt đầu tổ chức một ban bầu kịch. Và Song Kim là một phụ tá đắc lực, kiêm một diễn viên chính.
ở đây, tập hợp một số người trê, nam có nữ có. Tất cả đều hăng hái tập dượt, bàu không khí phấn chấn, vui vẻ. Họ diễn kịch, ngâm thơ, đàn hát. Tuy kịch nói, kịch thơ lúc đó chưa thịnh hành, nhưng các anh em đều rất nỗ lực, và tin tưởng rằng sẽ có thành tích trong một lĩnh vực văn nghệ mới.
Tại sao anh Thế Lữ lại chọn nghề làm kịch? Tôi cũng không rõ lắm. Có thể vì đến lúc đó nguồn thơ đã cạn dẳn với những bài như cảm đề truyện Đoạn Tuyệt. Nàng Thơ đã dần dần lui xa... Sau tập Mấy Vần Thơ, không thấy ra một tập thơ nào khác. Và cũng có thể là ảnh hưởng của Song Kim, không rõ chị đóng kịch từ hồi nào.
Trước kia, trên sân khấu, được quần chúng thích nhất là hát tuồng - những tuồng cổ theo lối kịch Bắc Kinh hay Quảng Đông, thương diễn trên sân khấu rạp Quảng Lạc. Thuở nhỏ, tôi thường trố mắt nhìn những ông tướng đầu đội mũ cắm lông dài, vai cắm những lá cờ ngũ sắc múa may, tay cầm một thứ roi giả vì làm ngựa cưỡi, trong trống kèn inh ỏi đinh tai nhức óc. Những thứ tuồng cổ ấy về sau bị gọi chung một tên là tuồng Quảng Lạc.
Rồi xuất hiện kịch hát cải lương, hình như lan từ trong Nam ra nghe hay và dễ hiểu hơn tuồng, có vẻ tân thời hơn, với những tên tuổi như Năm Châu, Phùng Há, ái Liên. Nhưng dù sao, cũng vẫn có vẻ tuồng... cải lương. Kịch nói sinh sau đẻ muộn, mô phỏng theo kịch nói Tây Phương, với những đề tài hiện đại, xã hội, hay lịch sử. Ban kịch Thế Lữ đã đưa ngành kịch Việt nam vào một giai đoạn mới.
Nói vẻ nguồn thơ, thì không những Thế Lữ mà không lâu, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận xem ra cũng cạn dần. Sau này, cũng thêm được Tế Hanh, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương... Thi sĩ Huyền Kiêu sau khi đi lấy vợ - tôi có hân hạnh được làm phù rể- nghe như đã tắt cảm hứng.
Chỉ còn nhà thơ Đinh Hùng viết vài bài não nuột. Thời thế không họp với thứ văn thơ sướt mướt nữa, nhưng nhà thơ cũng vẫn cố gắng sướt mướt. Điều trên cũng có thể áp dụng đến trào lưu sáng tác văn xuôi kể cả Tự lực văn đoàn.
Sau cuốn Đoạn Tuyệt, cuốn Lạnh Lùng của Nhất Linh cũng gây ra nhiều luồng dư luận. Lần này là câu truyện của một thiếu phụ ở goá bị dằn vặt giữa quan niệm phụ nữ đấu tranh lấy quyền sống tự do và hạnh phúc cho mình. Lại có một số người lên tiếng chỉ trích -trong đó lại có ông Trương Tửu- là phá hoại luân thường đạo đức. Nhưng Nhất Linh được phe phụ nữ và giới trẻ ủng hộ. Họ chống đối truyền thống phu quyền, hỏi tại sao đàn ông goá vợ lại có thể tái kết hôn mà đàn bà lại phải thủ tiết vô lý. Xã hội vẫn tiến lên, và về sau đàn bà goá đi lấy chồng đã thành sự thường.
Trong Đôi Bạn, hai nhân vật chính vẫn là tài tử giai nhân, lần này Dũng tuy là con một ông Tuần, nhưng đã tham gia vào hàng ngũ cách mạng dân tộc, nên hai người bắt buộc phải xa nhau. ở đây, rõ rệt tư tưởng dân tộc đã ảnh hưởng đến tác giả. Và vì thế, không giống như các nhà văn khác, Nhất Linh đã sẵn sàng từ tiểu thuyết bước vào hành động. Khác với Nhất Linh, Khái Hưng chuyên tâm viết về những mâu thuẫn xã hội, và sáng tác nhiều hơn với những cuốn Gia đình, Thoát ly, Băn khoăn v.v.. Ngoài ra còn viết kịch thơ Tục lụy. Chủ trương của Khái Hưng, Hoàng Đạo vẫn là những tác giả có khuynh hướng cải cách xã hội. Họ cũng thấm nhuần quan niệm dân tộc và dân chủ trong khi hấp thụ những giá trị tinh thần từ xã hội Tây Phương, và từ lịch sử đấu tranh chống thực dân của các bậc tiền bối. Cho nên, bước đường đi về sau của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng và cả của Nguyễn Gia Trí, người ta đã có thể mường tượng ngay từ lúc này.
Nguyễn Tường Bách
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...