Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Men chiều 2

Men chiều 2

Tình và nghĩa
- Im, im ngay, đồ khốn nạn! Ừ tao nói to đấy, tính tao thế đấy. Mày định cấm cả tao à?...
Trong đêm khuya tiếng hét của Thinh càng như to hơn, âm thanh ghê rợn gần như không phải tiếng người. Loan cắn răng nén nhịn chờ cho tiếng vang của câu hét chìm tan đi. Trong bao năm sống bên Thinh không phải lần này là lần đầu, Thinh và nàng cãi nhau. Nguyên do những lẽ đã làm cho vợ chồng nàng nhiều lần phải cãi nhau thì Loan không thể nhớ rõ từng chi tiết. Nhưng phần nhiều chỉ bắt đầu bằng những chuyện hết sức nhỏ mọn, có thể xảy ra ngay cả trong trong bữa cơm đang vui vẻ, hay giữa lúc rảnh rỗi đang đi chơi với nhau, họ cũng có thể cãi nhau được. Thinh khi ngồi nói chuyện với ai không may gặp phải một câu Thinh không đồng ý chàng ngắt lời để bầy tỏ ý chàng, lúc bình thường chàng nói đã chậm, lúc có chuyện phải bàn cãi với ai về bất cứ một vấn đề gì thì giọng chàng thường gằn lại, thành gay gắt, bực tức vì chậm thì tìm được lời để diễn tả ý mình. Nhưng chàng lại hay đem nỗi bực tức đó đổ lên đầu người nghe và luôn luôn cho họ là ngu không hiểu được mình. Đối với người ngoài dù bực tức chàng chỉ tức ngầm, nén nhịn và vì thế nên có người cho chàng là điềm đạm. Nhưng đối với các người thân yêu và nhất là với Loan thì chàng chẳng ngần ngại gì mà mắng vào mặt nàng, để thay cho những câu mà chàng không tìm được lời nói giải thích cho nàng hiểu. Thinh bảo nàng là ngu là bướng. Nhưng nếu Loan hiểu chàng sớm hơn thì cũng chẳng may gì. Thí dụ khi phải đợi nghe Thinh nói từng tiếng chậm chạp, Thinh nói chưa hết câu Loan đã đoán hiểu được hết ý của chồng nàng ngắt lời chồng :
- Em hiểu rồi để em nói...
- Hiểu thế nào?
Thì bao giờ Loan cũng nói đúng ý nghĩ của Thinh, rút lại nàng cho chồng là nhầm và nàng thao thao bầy tỏ ý mình. Trong lúc đó thì mặt Thinh hiện lên một nét lạnh lùng và đanh lại như đeo mặt nạ bằng một thứ thép mỏng, có khi bất thình lình chàng hét lên rồi bật ra những lời chửi bới rất thô tục, những lời thô tục đó lại được chàng tuôn ra rất nhanh chóng khác hằn lúc bình thường chàng chỉ nói chậm rãi.
Như hôm nay câu chuyện cãi nhau xảy ra sau bữa cơm tối. Nguyên do chỉ tại Loan ưa nói nhiều. Và cứ nhắc đi nhắc lại mãi lý lẽ của nàng muốn cho chồng thật hiểu. Nàng chỉ nói nho nhỏ nhưng vì cái tật nói dai của nàng dễ làm cho Thinh cáu mà Thinh hễ cứ cáu giận là lại nói tục và chửi vợ. Loan tuy không chửi lại chồng nhưng lại nói nhiều câu rất nặng. Vì nàng sợ nếu nhịn thì Thinh được thể lần sau sẽ lấn áp nàng mãi. Thế nhưng sau một câu nói của nàng Thinh bỗng lồng lên, chàng hét không thành tiếng, và chửi vợ bằng đủ thứ lời. Loan cố nén giọng bảo chồng :
- Này không việc gì anh phải nói to thế, còn định để cho cả hàng xóm láng giềng nghe hay sao? Và anh đừng chửi tôi, nếu không chịu được nhau sao không tính cách khác.

Và rồi Thinh đã hét lên :
- Im, im ngay đồ khốn nạn. Ừ tao nói to đấy, tính tao thế đấy. Tao chửi mày đấy, tính tao thế đấy, mày định cấm tao à? Tao chẳng tính cách gì cả chỉ chửi cha mày thôi.
Đến lúc này thì Loan im hẳn, nàng im không phải sợ chồng, hay định nhịn, hay biết lỗi, vì cái cớ gây ra chuyện cãi nhau không đáng gọi là tội lỗi gì. Nàng im chỉ vì sự giận quá độ của Thinh đã làm nàng phải ngạc nhiên, đau đến khổ thành chán nản. Nàng không còn có một cảm giác gì khác, tâm hồn tan rỗng. Nhà chỉ có một chiếc giường ngủ, chung cho hai vợ chồng. Ngồi mãi cũng mỏi, Loan thản nhiên leo lên nằm bên Thinh. Im lặng được một lát bỗng Thinh chồm ngóc đầu lên xỉa vào Loan mà chửi một hơi, xong lại nằm xuống, một lát lại chồm lên. Cứ như thế tái diễn đến mấy lượt. Qua sự khinh bỉ im lặng Loan bỗng thấy thương hại Thinh. Nàng lén để ý nhìn chồng. Trên người Thinh lúc này chỉ mặc có chiếc quần đùi và chiếc may-ô. Nét mặt có nhiều đường nhăn dúm lại, hai mắt đục và đỏ không còn lộ một chút nhân cách, chỉ tiết ra những tia nhìn giận dữ, dại dột. Tất cả con người thật của Thinh đã lộ nguyên hình hay đã biến đi Loan cũng không biết. Bỗng dưng Loan đâm sợ cả ánh sảng, nàng với tay tắt vội đèn. Bóng tối chiếm ngập căn phòng. Một cơn gió nhẹ như không phải là gió đem theo hơi đêm mát rượi thoảng vào phòng. Trong một phút Loan quên hết mọi chuyện, nàng lắng nghe trong đêm tối thấy thân mình như đang được bọc xâu trong một chất tối xẫm, mát lạnh, nhẹ lâng lâng. Nhưng không lâu mắt nàng đã quen với bóng tối. Cái đình màn trắng mờ mờ hiện ra, và tuy vẫn chỉ nhìn thẳng, nhưng Loan vẫn cảm thấy sự thật rất rõ rệt. Ngay bên cạnh nàng, Thinh đang nằm lù lù, im lặng không một tiếng chửi bới, không cả một hơi thở mạnh, hình như chàng đã mệt. Cái đình màn và bốn phía màn trắng lờ mờ bao quanh nàng và Thinh làm Loan có cảm giác như nàng và Thinh đã mang một cái án “vợ chồng” và cùng bị tù chung thân trong cái màn bé mỏng chật hẹp này. Những kẻ bị tù ngoài đời ít ra cũng còn có hy vọng được tha, hay đôi khi cũng có ý tưởng vượt ngục. Nhưng nàng thì không bao giờ mong được tha và không bao giờ dám có ý tưởng vượt ngục. Cũng có những người đàn bà trong lúc bất bình với chồng thường hay tưởng nhở tới người yêu cũ, chắc cũng là một cách báo thù ngầm cho quên uất hận mà sống với bổn phận. Loan cũng nhớ lại hồi nàng mới yêu Thinh và sắp lấy Thinh; có một người đã nhìn nàng bằng ánh mắt rất buồn, dìu dịu bảo nàng rằng: “Còn anh, anh sẽ không lấy vợ, vì anh sợ có ngày em bị bơ vơ anh không còn nâng đỡ em được nữa”. Sau khi Loan lấy chồng, người ấy đi đâu biệt tích, có tin chàng chết, lại có tin chàng đã lấy vợ. Nhưng dù người ấy chết hay sống mà đã lấy vợ thì Loan cũng vĩnh viễn mất chàng rồi. Còn điều người ấy sợ nàng bị bơ vơ thì nay đã thành sự thật. Hồi mới lấy Thinh, hai vợ chồng nàng cũng thường có chuyện cãi nhau nho nhỏ và mỗi lần cãi xong nhau, Loan cứ thích nhắc lại cảnh yêu nhau buổi đầu để mà tiếc, rồi khóc lóc trách Thinh không còn yêu nàng như thế nữa. Tới lúc làm lành họ càng yêu nhau thơ mộng hơn. Nhưng bây giờ Loan không còn dám nghĩ đến hồi hai người mới yêu nhau nữa. Nàng cảm thấy xấu hổ như chính nàng đã lừa dối nàng một cách rất tàn nhẫn. Cái người nằm bên nàng lúc này chính thật là Thinh, nhưng lại không có liên can gì với Thinh của nàng hồi xưa. Bỗng nhiên Loan có cảm giác như nàng đang nằm bên một người đàn ông nào rất lạ mà nàng không yêu. Nàng ngượng ngùng xấu hổ như người đàn bà tự biết mình đang làm một điều gì bất chính. Tự nhiên Loan nằm xích ra một chút, cùng lúc ấy Thinh cũng trở mình và thở rất đều. Loan lắng nghe biết Thinh đã ngủ. Thinh đã không trằn trọc khổ như nàng, chàng coi thường chuyện cãi nhau, những câu chàng hét chửi nàng chẳng qua do ở tính nóng nảy đã làm chủ chàng trong lúc nóng giận. Loan lại nhớ tới vợ chồng bác cai thợ nề ở gần nhà, không ngày nào là họ không có chuyện bất bình. Hễ người chồng cất tiếng chửi vợ thì người vợ cũng xa xả chửi lại, mạnh ai nấy chửi, rút cục thường là họ đánh nhau. Nhưng chỉ một lát sau họ lại làm lành với nhau rất chóng. Thì ra họ cùng chửi được nhau, cùng nói tục ngang nhau; nên họ có thể coi thường và làm lành mau chóng. Cũng như Thinh đã chửi được nàng nên bây giờ chàng đã ngủ rất ngon lành, còn nàng - Loan nghĩ rất nhanh: “Lần sau mình không nhịn nữa xem sao, hễ Thinh chửi mình thì mình cũng chửi lại. Như thế có lẽ mình bớt khổ hơn”.
Suốt từ lúc cãi nhau, biết bao nỗi uất giận mà nàng phải nhịn đã dồn ép lên ngực làm nàng nghẹn ngào, đau khô cả cổ và muốn ho bật lên một tiếng nhưng nàng lại nhịn cả tiếng ho mà nàng tưởng chừng như nếu nàng để bật ra thì chắc sẽ có máu trào theo, có lúc Loan sắp bật khóc nhưng nàng lại cố nén. Nỗi uất hận đến thành khinh bỉ đã làm Loan tiếc cả từ giọt nước mắt nàng. Nhưng bây giờ nước mắt nàng bỗng ứa ra, nàng khẽ lắc đầu xua đuổi ý nghĩ chửi nhau tay đôi với chồng. Nàng sờ sợ như làm hồn nàng sẽ bị mất đi nếu nàng xử như thế. Loan không thể hạ được phẩm giá mình dù tâm hồn nàng đã bị bơ vơ nhưng nhất định nàng không thể để sự cáu giận chiếm lấy nó. Những lúc Thinh chửi bới Loan có bị đau khổ oán giận đi nữa, nhưng nàng biết mình vẫn là người. Và còn có tâm hồn để thương Thinh vì chàng chỉ là kẻ đã bị mất tâm hồn trong những cơn giận dữ. Dần dần Loan thấy những nỗi oán giận đau khổ của nàng chìm lẫn vào trong tình thương Thinh mỗi lúc một tăng như bóng đêm mát lạnh rộng mênh mông. Và Loan không biết rằng nàng đã tự tìm được lối thoát trong tình thương sâu đậm.
Cắt tiết gà
Không phải Nhung ưa việc cắt tiết gà, trái lại, nàng rất sợ. Nhưng Nhung có tính hay làm lấy những việc mà nàng nghĩ người khác cũng không thích như nàng. Hồi nãy ngồi nhìn u già sửa soạn cắt tiết gà Nhung đã nghĩ tới sự ghê tay khi phải cứa lưỡi dao trên cổ con gà, nàng bỗng thấy thương u già và nghĩ thầm:
“Mình trẻ thế này mà còn thấy sợ, huống hồ u ấy già thế...”
Vì vậy nên nàng đã mạnh bạo đứng lên bảo u già để nàng cắt tiết gà.
Nhìn Nhung vừa liếc con dao soèn soẹt trên miệng chum để sửa soạn cắt tiết gà, không ai có thể đoán được là nàng rất sợ phải làm những việc như vậy. Rồi cả hai người, u già và nàng, đều ngồi xổm ở sân. Một tay u già giữ hai chân một tay giữ hai cánh con gà, còn Nhung cầm gọn đầu con gà trong lòng bàn tay trái, nàng bảo u già:
- U cầm chặt nhé, tôi cắt đây.
Rồi nàng đưa tay phải cầm con dao vừa liếc cứa mạnh vào cổ con gà, chỗ nàng vừa vặt chụi một mảnh lông. Con gà oan minh kêu bật lên được một tiếng “quác” rồi im bặt. Lưỡi dao của Nhung vừa cứa đứt gần một nửa cái cổ bé nhỏ của con gà, một giòng máu chảy tia ra từ cuống họng nó rớt xuống cái đĩa nhỏ hứng bên dưới. Nhung khẽ quay mặt đi để tránh hơi máu tươi tanh nồng mà nàng vừa ngửi phải. U già nói :
- Cô phải cắt cho dứt hẳn cuống họng nó đi chứ, mãi vẫn chưa thấy rẫy chết thế này.

Nhung không đáp, khẽ mím môi cầm con dao dính máu cứa thêm vào chỗ cuống họng đứt nửa chừng của con gà. Không biết vì dao không được sắc hay Nhung run tay mà cái cuống họng con gà cứ trật đi trật lại trong vết thương nhầy nhụa đỏ loét máu mãi mới đứt. Bỗng nhiên con gà rẫy mạnh làm chút nữa u già để buột cánh nó ra khỏi tay.
Không ai bảo ai, cả Nhung lẫn u già cùng giữ con gà chặt hơn trước. Nhung nghe như những khớp xương trong mình con gà đang gãy theo từng cơn rẫy oằn lên của nó. Được mấy cái rẫy như vậy thì sức nó yếu dần. Nhưng Nhung vẫn cảm thấy rõ ràng hai mi mắt mỏng, bé nhỏ của con gà đang chớp chớp quệt vào trong lòng bàn tay đã nóng ẩm của nàng. Một cảm giác ghê rợn đột nhập vào trí não nàng rất nhanh, như một cơn gió mạnh thổi tắt phụt ngọn đèn; nhưng cảm giác một sinh mệnh đang chết dần, chết dần trong tay nàng lại nổi bật lên như ánh mắt loài thú dữ vụt hiện ra trong đêm tối. Lúc này Nhung không hề phân biệt vật nàng vừa giết chỉ là một con gà; nàng chỉ biết rằng nàng vừa làm hại tới sự quý giá nhất đời là sự sống. Dáng điệu sợ hãi, lủi trốn, một cách bất lực của con gà, trước khi bị u già nắm cẳng, hiện ra lẫn lộn với những bộ mặt của đám người, trong đó có cả Nhung, đã nằm dúi vào với nhau dưới hầm trú ẩn lộ thiên; trong khi trên đầu họ từng đoàn máy bay đang thả bom. Những lời cầu Chúa, hay niệm Phật đứt quãng và líu lại trên miệng mọi người, so với tiếng kêu hỗn loạn của con gà trong lúc nó sắp bị cắt tiết nào có khác gì nhau. Trong giây phút rất ngắn ngủi, Nhung chợt hiểu tất cả sự sống của mọi loài trên mặt đất đều đáng quý như nhau; và nỗi bất lực sợ hãi đau khổ trước sự tàn bạo thì dù là người hay vật cũng đều giống nhau.
- Thôi cô nó chết rồi.
Nhung buông đầu con gà ra, mào nó đã tái ngắt, đầu nó chỉ còn dính lủng lẳng trên cái cổ gần đứt đỏ loét máu, lông trên mình nó dã dượi. Một vài chỗ dính bết máu vì Nhung chùi lười dao vào. Nhung vừa rửa tay vừa dặn bảo u già cách nấu các món ăn xong nàng lên nhà dọn dẹp.
Nàng lấy bình thay hoa cũ để cắm hoa mới. Nhìn những nụ hoa màu sắc tươi đẹp, Nhung đã tạm quên cái ghê sợ vừa qua, nàng đã thấy vui và loay hoay cố bầy cho hoa được đẹp. Thấy tay dính dính, Nhung nhìn lại mới biết bị dây nhựa cuống hoa. Cũng lúc đó tiếng mỡ nổ sèo sèo từ dưới bếp đưa lên thơm phức. Nhung biết là u già đang xào gà. Lẫn trong mùi hành mỡ thơm phức đó, Nhung như ngửi thấy cả mùi máu gà tanh nòng. Nàng bỗng lợm giọng; bàn tay dính nhựa hoa của Nhung lại làm nàng nhớ tới bàn tay dây máu gà vừa rồi: “Biết đâu lại chẳng là máu của hoa”. Nhung lôi tất cả những đóa hoa vừa cắm ra xem, hoa còn tươi nguyên, từ vết cắt ở cuống hoa, nhựa vẫn còn rỉ ra lấm tấm. Nhung lại nghĩ rằng cả đến cây cỏ cũng có sự sống riêng của nó. Nhung không muốn nghĩ ngợi lan man mãi, nàng vội đứng lên để còn thu dọn cho kịp, vì nhà cửa bề bộn quá mà đã gần tới giờ cơm trưa rồi.
Bữa cơm hôm đó rất vui, mọi người đều có vẻ hài lòng trước những món thịt gà xào nấu ngon lành. Nhung sung sướng nhìn mọi người trong gia đình ăn uống ngon lành, và rất mãn nguyện vì nàng đã làm đầy đủ bổn phận của một người nội trợ. Những miếng thịt gà béo vàng bầy trong đĩa để trên bàn lúc này hình như không còn liên can gì tới con gà vừa bị nàng giết buổi sáng. Như vừa nhớ ra điều gì, Nhung nhìn qua cửa sổ gọi u già để bảo làm, bỗng nàng chợt nhìn thấy sợi dây gai vương trên mặt sân, dính bết phân gà lẫn với ít gạo cho gà ăn còn sót lại, một đầu sợi dây còn buộc vào một đầu đinh đóng trên tường. Sợi dây ấy vẫn dùng để buộc chân gà từ khi mẹ nàng mua nó về được mấy hôm nay. Hôm mới mua, trông con gà rất khỏe và béo, nên mẹ Nhung để dành tới hôm nay Chủ nhật, mới làm thịt. Hàng ngày chính Nhung vẫn lấy gạo nước, cho gà ăn uống, vì nàng sợ u già quên. Nhung rất thích đứng ngắm cái mỏ khỏe mạnh của nó mổ nhanh những hạt gạo trắng do tay nàng tung ra và khi trời mưa nàng rất áy náy nhìn con gà rũ ra đứng nép sát vào vách tường cho đỡ ướt. Một lần nàng bảo u già :
- U ạ, từ lần sau định ăn gà, mua về thịt liền thì không sao, chứ cứ nuôi thế này rồi ai còn dám ăn thịt nữa.
U già không hiểu ý đáp :
- Vẽ, nuôi thì nuôi nó vẫn khỏe mạnh thì thôi chứ có toi đâu mà không dám ăn.
Rút lại, bữa đó cả nhà chỉ có mình Nhung không dám động tới một miếng thịt gà nào và nàng không dám ăn cả đến các thứ thịt cá khác nữa. Hễ cứ trông vào đĩa thịt bò hay thịt lợn là Nhung lại tưởng ngay đến các con vật lúc nó còn sống. Cứ tưởng tới những dáng diệu sợ hãi bất lực của từng con vật trước khi bị làm thịt và mùi máu, mùi thịt sống tanh tưởi, nàng đâm sợ không dám ăn một thứ thịt gì hết.
Như thế đến mấy hôm, Nhung cũng không tự biết là nàng đã ăn chay. Mẹ nàng bảo :
- Con định ăn chay đấy à? Nhưng còn trẻ thì ăn một tháng hai ngày cũng được phúc rồi chả cần phải ăn trường chay vội.
“Thế ra mẹ mình vẫn ăn chay để cầu được phúc” Nhung thầm nghĩ như thế và nàng đoán rằng ngày xưa trước khi đắc đạo Đức Phật nếu có ăn chay chắc cũng chỉ do lòng từ bi, ghê sợ sát sinh, thương xót chúng sinh của Người. Nhưng lòng thương của Người rộng vô biên chứ không như nàng chỉ sau mấy hôm, hết ghê sợ, lại ăn như thường.
Chuyện Tết
Lúc mẹ Hà gọi thì Hà còn đang ngủ say chưa muốn dậy; nhưng giọng mẹ Hà dịu dàng nói :
- Hôm nay mồng một Tết, con gái mẹ dậy sớm một chút nào. Dậy mặc áo đẹp rồi ra mẹ mở hàng cho.
Thế là Hà vội ngồi dậy và tỉnh ngủ ngay. Thoạt mở mắt chỉ mới nhìn thấy mẹ mà lòng Hà đã rộn lên. Trông mẹ hôm nay tươi đẹp lạ. Mới sáng sớm mà mẹ đã mặc áo dài. Mẹ mặc chiếc áo Thượng Hải màu huyết dụ; chiếc áo mà từ lâu rồi mẹ Hà chỉ cất ở trong tủ; mẹ lại đánh phấn nữa, thảo nào trông mẹ khác và đẹp quá làm Hà càng thấy vui sướng và yêu mẹ hơn lên. Hà níu chặt lấy cổ mẹ yên lặng áp má trên vai mẹ, nhưng mẹ Hà nhè nhẹ gỡ tay Hà ra và mỉm cười nói :
- Con mẹ năm nay đã lên tám rồi mà còn nũng nịu mãi thôi.
Mẹ Hà mặc cho Hà cái áo len cho khỏi lạnh rồi cúi xuống lấy đôi dép của Hà và đỡ Hà xuống đất. Lúc vào tới sân thì Hà gặp u già. “A! Lại cả u già nữa”; chiếc quần láng đen còn bóng hồ mới và chiếc áo cánh trắng mới tinh của u mặc hôm nay đã làm người u trở nên gọn gàng và sạch sẽ, không luộm thuộm như những ngày thường, luôn luôn u chỉ mặc chiếc áo nâu rách và chiếc quần đen đã bạc màu lúc nào cũng sắn sộc sệch, ống cao ống thấp. Lúc trông thấy Hà, u tủm tỉm cười có vẻ như hơi ngượng vì u đang mặc bộ quần áo mới. U nói với Hà :
- A, em Hà. Chúc em năm nay chóng nhớn và học giỏi bằng năm bằng mười năm ngoái.
Hà vui quá định nói với u rất nhiều, nhưng chẳng biết nói thế nào. Rút cục Hà chạy sà tới u, ôm lấy ngang lưng u nũng nịu :
- Không, u bế em đi rửa mặt cơ, chóng lên, áo mới của em đâu?
Mẹ Hà mắng yêu Hà :
- Hà ngoan nào. Sáng mồng một mà đã làm nũng rồi.
Rồi mẹ Hà bảo u già :
- Thôi u cho em đi rửa mặt rồi còn thay quần áo cho em. À, u đã tẩy bóng cho tôi chưa. Còn nồi ninh u có cho nước mắm thì liệu coi không lại mặn đấy.
- Thưa mợ vâng. Bóng tôi đã tẩy rồi nhưng mợ coi lại cho, xem đã được chưa.

Lạ quá, những câu nói của mẹ Hà và của u già hôm nay cũng khác mọi ngày. Tuy cũng vẫn là những lời mẹ Hà sai bảo u già và cũng vẫn là những lời u già nói với mẹ, nhưng trong tất cả giọng nói của hai người có đượm một tình thân mến đặc biệt. Tuy trời lúc này đã tờ mờ sáng mà ở trong bếp Hà thấy vẫn còn để đèn điện. Trong ba bếp lò cái nào cũng hồng rực lửa, bên trên đặt mấy nồi to hơn những nồi nấu thường ngày. Cái gì cũng vui lạ trong cái vui lạ lại có một tình thương yêu ấm cúng làm Hà náo nức. Hà chỉ muốn chạy nhảy hò hét. Lúc u già dắt Hà tới buồng tắm trong khi u quay ra lấy khăn để rửa mặt cho Hà thì Hà đã ngồi sà xuống bên chậu nước, nhúng cả hai tay vào chậu nước nóng nấu lá mùi già, tỏa hơi thơm đầm ấm mờ cả gian buồng tắm. Hà lấy tay khỏa mạnh trong chậu làm nước bắn tung tóe cả ra ngoài, u già đến giữ tay Hà và bảo :
- Em ngoan nào. Sáng mồng một mà.
Hà cười khanh khách hỏi :
- U ơi, nước thơm quá u nhỉ. Sao ngày thường u không nấu nước lá thơm cho Hà rửa mặt?
- A, Tết mới nấu chứ.
- Sao lại Tết mới nấu?
- Tại Tết mà. Thôi em để u rửa, chóng còn ra mặc áo đẹp còn đi lễ Tết với mợ.
Tiếp lời u già, tiếng pháo trong thành phố nổ ran. Hà hỏi u già :
- Sao nhà ta không đốt pháo hở u?
° ° °
Lời bé Hà hỏi làm u già nhớ tới những cái Tết của gia đình nhà này hồi ba năm về trước, khi ba của Hà còn sống. U làm với bố mẹ Hà từ khi chưa có Hà nên u biết rõ lắm. Trước kia, Tết đến thì vui vẻ quá. Trước Tết độ tuần lễ, ba Hà đã đi sắm cành đào thực to về cắm trong chiếc lọ sứ Tàu đặt giữa phòng khách. Trong khi đó thì mẹ Hà ngồi nhà gọt thủy tiên và trông coi phụ với u già nấu các thức bánh mứt. Đêm hai mươi chín, ba mươi, mọi người càng bận rộn nhưng vui tấp nập hơn. Ba Hà đi lên chợ Đồng Xuân mua những chậu cúc đại đóa màu vàng tươi. Mẹ Hà và u già ở nhà làm gà, thổi xôi để sửa soạn cúng Giao Thừa, rồi đốt pháo và ăn uống xong mới đi ngủ. Sáng mồng một, khách khứa tới xông đất và chúc mừng tấp nập, chẳng bù cho mấy cái Tết gần đây, mẹ Hà không hề sắm sửa gì, chỉ may cho Hà bộ quần mới và u già hai bộ quần áo vải như thường lệ. Bao giờ mẹ Hà cũng may áo vải trắng cho u già, nhưng u chỉ mặc trắng có mấy tháng rồi lại đem ruộm nâu. Tối Ba mươi, trong nhà buồn ngắt. Hà đi ngủ sởm, u già không có việc gì làm cũng nằm một chỗ nhớ tới gia đình u. Người con trai độc nhất của u đã đi đâu biệt tích từ mười năm nay để lại người vợ sống đơn chiếc con như người góa bụa. Vì nhớ con trai nên u thương con dâu lắm. U đi ở với bố mẹ Hà từ ngày ấy, nhưng ít dám tiêu đến tiều lương, chỉ lo để dành, cứ đến cuối năm, con dâu u ở quê ra, u lại cho ít nhiều tiền làm vốn. Còn u đã coi gia đình Hà như gia đình mình. Có lần u bảo mẹ Hà :
- Sống, tôi làm cho mợ; chết mợ chôn tôi.
U thì thế, còn mẹ Hà thì vừa ngồi đợi cúng Giao Thừa vừa khóc thầm vì u thấy mắt mẹ Hà cứ đỏ hoe lên. Trong ba ngày Tết, mẹ Hà không đi đâu vì có đại tang, mà khách khứa cũng rất ít người đến nhà mẹ Hà, chỉ vài người thân trong họ.
Nhưng năm nay vừa hết tang ba Hà, trước Tết mẹ Hà đã bàn với u già :
- U ạ? Tết năm nay hết tang cậu rồi, nhà cũng phải làm ít bánh mứt, và ngày mồng một cũng nấu lấy mấy bát mà cúng cụ và cậu chẳng phải tội.
Rồi mẹ Hà im lặng một lát lại tiếp :
- Mọi năm có tang, ở nhà đã đành, năm nay đoạn tang cậu, tôi cũng phải cho em Hà đi lễ Tết các nhà quen thuộc chứ thôi sao được. A, hễ cậu Đức có tới, u nhớ nhắc cậu ấy đổi hộ cho ít tiền mới để đến Tết tôi còn mở hàng cho trẻ con.
Nói đến đây, mẹ Hà ngưng lại, khe khẽ nén tiếng thở dài rồi tiếp :
- Rõ khổ! Mấy năm nay vận áo sám. Kiếm chẳng ra lại còn Tết với nhất, tôi lo quả.
U già chỉ biết nhìn mẹ Hà, chép miệng một lúc rồi u nói :
- Mợ ạ, áo tôi năm nay còn mặc được, hay mợ đừng may nữa.
Mẹ Hà cười, gắt khẽ lên với u già để che vẻ cảm động của mình :
- U rõ lẩm cẩm. Cả năm chỉ có hai bộ quần áo, chẳng may thì u mặc bằng gì.
U già như không để ý tới lời mẹ Hà :
- Hôm này cái cả nhà tôi nó có ra, mợ trả cho tôi một nửa tiền lương để đưa nó thôi. Còn mợ giữ lại cho tôi.
Mẹ Hà chấm nước mắt nhìn u già định nói gì với u nhưng lại thôi.
- Kìa u, bé hỏi sao nhà ta không đốt pháo?
U già vội đáp:
- Có, năm nay có đốt pháo, nhưng đợi có người xông nhà đã. Thôi xong rồi, Hà ra mặc áo đẹp, rồi mợ còn mừng tuổi cho.
Một lúc sau, bé Hà đã súng sính trong bộ quần áo mới màu hồng trên đầu có tết cái nơ đỏ. Hà hớn hở đi ra đi vào, tay cầm năm tờ giấy một đồng mới, mẹ Hà mới mừng tuổi cho.
Suốt cả ngày mồng một Hà đã được theo mẹ đi rất nhiều nơi.
Trước hết, Hà theo mẹ đi lễ ở đền; trong lúc mẹ Hà ngồi lễ và khấn thì Hà ra chơi quanh quẩn ở ngoài. Sân đền đầy xác pháo đỏ rải rác trên mặt cỏ xanh mượt mà Hà gọi là cỏ mọc hoa đỏ. Trời tươi sáng nhưng vẫn có mưa bụi bay phơi phới nhẹ như sương, nhẹ đến nỗi Hà vẫn chơi ở sân mà không ướt. Lâu lắm Hà mới thấy trên chiếc áo dạ đang mặc, bị những hạt mưa bụi bám màng màng như tơ nhện. Lúc Hà đưa tay phủi thì mới biết là quần áo mình đã bị ẩm. Trời rét nhưng hơi nóng trong người Hà bốc ra đủ để Hà cảm thấy nỗi ấm áp trong cái rét ngọt rất dễ chịu đó. Trong không khí có quyện phảng phất mùi hoa lan, hoa ngâu, hoa mống rồng trồng ngay ở sân đền. Mùi thơm của thứ hoa lẫn với mùi khói trầm nhang trở nên một mùi thơm đặc biệt mà Hà chỉ được hưởng mỗi lần đi lễ các đền chùa. Vì chỉ có những đền chùa mới có được mùi thơm tinh khiết và đặc biệt đó. Hà rất thích hai cây hải đường chỉ thấp ngang đầu Hà nở đầy hoa trồng cân đối ngay trước cửa điện thờ, vì Hà có thể nhẹ đỡ từng nụ hoa trên tay mà ngắm nghía không chán. Những nụ hoa đỏ thắm cũng bị những hạt mưa bụi nhẹ bao ở ngoài làm Hà không dám động mạnh sợ rơi những hạt mưa đó. Lúc sau, mẹ Hà lễ xong, hai mẹ con đi ra sân ngoài. Mẹ Hà ngước mắt tìm một cành cây có nhiều lộc; khi đã thấy, mẹ Hà kiễng chân níu cành lá xuống để bẻ mang về. Cây bị rung, những hạt mưa đọng trên các cành rơi xuống rào rào. Hà cuống quít đưa cả hai tay ra như muốn hứng lấy tất cả những giọt nước ấy cho khỏi phí, vì Hà thấy những giọt nước mưa đọng trên những lá cây lóng lánh đẹp vô cùng. Loay hoay một lát mẹ Hà mới bẻ được cành lộc rồi cả hai mẹ con cùng vui vẻ ra về. Tới nhà, mẹ Hà đưa cành lá cho u già đem cài trên cửa ra vào. U già khen :
- Úi chao. Mợ bẻ được cành lộc đẹp quá. Chắc năm nay làm ăn dễ chịu lắm đấy.
Mẹ Hà cười :
- Ở trên ngọn còn nhiều cành đẹp nữa đấy u ạ. Nhưng cao quá tôi với không tới, giá...
Mẹ Hà định nói: “Giá như những năm trước, có ba Hà thì đã bẻ được cành tốt” nhưng bà chợt im.
Sau đấy, Hà lại được mẹ cho đi mừng tuổi các nhà quen thuộc. Tới nhà ai, mẹ Hà cũng mở ví lấy tiền mở hàng cho các trẻ con nhà chủ và Hà cũng được nhiều tiền mừng tuổi lại. Phần nhiều toàn là giấy một đồng mới tinh, Hà nâng niu từng tờ và hễ cứ được ai cho thêm đồng nào, Hà lại chập với số tiền đã có từ trước để đếm đi đếm lại. Tối đó về nhà, Hà trải từng tờ giấy bạc lên khắp mặt bàn, soạn giấy năm đồng riêng ra cho khỏi lẫn với giấy một đồng, rồi Hà cẩn thận cho vào cái túi tay màu đỏ của Hà. Tối ngủ, Hà cầm theo cả túi tiền vào giường. Thấy thế, u già hỏi đùa :
- Em cho u vay nào.
Hà ngần ngừ rồi lắc đầu.
- Thế Hà để tiền làm gì?
Hà nói ngay :
- Để Hà mua búp-bê to mà ngày trước ba Hà đã định mua cho Hà ấy. Con búp-bê biết khóc, biết cười và có cả chai sữa ở mồm nữa cơ u ạ.
Qua ngày mồng hai, sang mồng ba, mẹ Hà vẫn giắt Hà đi lễ tết các nhà. Lúc nào ở nhà thì mẹ Hà lại bận tiếp các người đến chúc Tết nhà Hà, thành thử mẹ Hà luôn luôn bận. Đến chiều mồng ba, mẹ Hà chợt nhớ còn quên chưa đến nhà bác Lý. Lúc hai mẹ con ngồi trên xe đến nhà bác Lý, Hà nói và hỏi mẹ luôn miệng. Nhưng mẹ Hà thì chỉ ừ ào, ít nói. Nét mặt có vẻ băn khoăn, bà mở ví của bà, lục lục bên trong một lát, xong rồi đóng lại. Xe đã chạy tới đường Đồng Khánh chỉ còn vài phố nữa thì đến nhà bác Lý. Mẹ Hà ngập ngừng mãi rồi ngắt lời Hà và hỏi Hà :
- Này con... Đưa mẹ giữ tiền hộ cho.

Hà nhìn mẹ rồi nói :
- Không. Con thích giữ lấy để mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp-bê cơ.
- Ừ thì mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp-bê, nhưng giờ thì đưa mẹ giữ hộ, không con giữ mà mất thì làm thế nào.
Thấy mẹ nói có lý, Hà yên lặng tỏ ý ưng thuận nhưng không được vui. Một lúc, Hà mở cái túi đỏ của mình, lôi cuộn tiền chậm chạp đưa cho mẹ, Hà đã cẩn thận, xếp thẳng những tờ giấy bạc, cuộn lại, xong lại lấy giấy bóng đỏ gói, rồi chằng cao su rất cẩn thận. Nhưng Mẹ Hà tháo dây cao su và giấy đỏ vứt đi rồi xếp tiền vào trong ví của bà. Thay thế, Hà vội hỏi :
- Sao mẹ lại vứt giấy đỏ của con đi?
- Giấy ấy nhàu rồi, không đẹp con ạ. Về nhà mẹ cho tờ khác đẹp hơn.
Đến nhà bác Lý, sau khi mọi người chúc mừng nhau ồn ào, Hà được bác mừng tuổi cho những mười tờ giấy một đồng. Hà đang vui hỉ hửng, bỗng mở to mắt ngạc nhiên vì thấy mẹ đang mở ví lấy xấp tiền của Hà ra để mừng tuổi cho các con bác Lý. Bác Lý đông con quá, lố nhố đến bảy tám đứa mà mẹ Hà lại gọi tất cả đến trước mặt bà để bà mừng tuổi cho mỗi đứa đến năm tờ chứ không ít.
Xấp tiền của Hà trên tay mẹ Hà cứ mỏng dần và mắt Hà thì mọng đỏ. Nhưng Hà cứ giương mắt lên và nhìn xấp tiền trên tay mẹ, cổ Hà đã có một cục gì chạy lên chạy xuống. Hà cùng không hiểu tại sao lúc ấy lại không đòi ngay xấp tiền về. Chợt Hà thấy mẹ thoáng nhìn mình. Tia nhìn của bà ngầm có ý dỗ dành và buồn buồn. Thế là Hà cúi xuống chớp chớp mắt, nước mắt theo những cái chớp trào lên mi. Mẹ Hà kéo Hà ôm vào lòng, Hà cảm thấy mẹ thoáng ghì chặt lấy mình. Bà nói vội và khẽ bên tai Hà :
- Đừng con. Mẹ xin, mẹ xin. Rồi về mẹ trả con.
Nhưng rồi bà lại vội tươi nét mặt nói với bác Lý :
- Đấy, cháu bác lớn thế mà vẫn cứ còn hay làm nũng. Đang đòi về đấy ạ, thực hư quá.
Bác Lý cười :
- Nào, cháu bác muốn gì nào. Ngồi một tí nữa rồi mẹ cho về việc gì mà phải ngủ nhè.
Ra khỏi nhà bác Lý, Hà òa lên vừa khóc vừa nói :
- Con bắt đền mẹ đấy nào, mẹ lấy tiền của con cho con bác Lý hết rồi. Con bắt đền mẹ nào...
Mẹ Hà dỗ :
- Nín con. Về nhà mẹ đền. Mẹ có lấy mất của con đâu. Nín rồi mấy hôm nữa mẹ đưa đi mua búp-bê.
Nhưng Hà không nín. Mẹ Hà dỗ mãi rồi cũng kệ. Đến nhà, mẹ Hà gọi u già lên bảo gì khẽ lắm. Xong bà quay đi thay quần áo rồi lên nằm nghỉ trên giường. U già lần túi áo trong tháo kim băng rút gói vải nhỏ ở trong ra. U loay hoay mở gói lấy mấy chục bạc xong đem đến chỗ Hà u đưa cho Hà :
- Này, tiền của em mợ trả đấy, việc gì mà phải khóc.
Hà nguây người :
- Không, em không thèm lấy liền ấy đâu. Của em tiền mới cơ. Em bắt đền đấy nào...
Cứ như thế một lúc lâu. U già dỗ chẳng được bỏ ra ngoài sân dọn dẹp Hà thì không gào to nữa, nhưng vẫn ti tỉ khóc và tức vì đã thế mẹ Hà còn để kệ Hà mà đi nằm. Nhưng Hà bỗng nín bặt và lắng nghe, hình như mẹ Hà vừa thở dài rất nhẹ. Đúng rồi bà vừa trở mình nằm thẳng. Một cánh tay vắt che ngang mặt. Hình như mẹ Hà lại khóc nữa chứ. Hà nín thở hồi hộp và hối hận muốn chạy lại nhấc tay mẹ ra xem có phải mẹ khóc thật không, nhưng vẫn không dám. Đúng lúc đó u già vào. Trông thấy u, Hà lại òa lên khóc. Nhưng u già không biết là lúc này Hà chỉ hối hận vì tự nhiên thấy thương mẹ mà khóc? U đến cạnh Hà lại móc túi lấy mấy chục bạc đưa cho Hà.
- Thôi em. Năm mới mà. Khóc dai quá. Nín đi, tiền này cũng mua được búp-bê mà.
Hà gào to :
- Không... em không lấy... em không lấy đâu.
Hà định bảo với u già là Hà hối hận, không lấy tiền nữa. Nhưng u già không hiểu tưởng Hà vẫn còn dỗi, u thở dài :
- Gớm, em gan quả, hư quá, em làm mẹ buồn đấy.
Mẹ Hà vẫn nằm yên dáng điệu cũ nhưng bà nói :
- Thôi u cứ đi làm cơm đi.
Mẹ Hà chỉ nói có thế, nhưng Hà nghe giọng mẹ thì biết đúng là mẹ đã khóc thật. Hà thấy khổ quá nên chạy xầm tới bên mẹ, kéo cánh tay mẹ Hà đang để che ngang mắt bà ra. Hà nức nở khóc và nằm rúc đầu vào nách mẹ; tấm tức gọi :
- Mẹ ơi.
Mẹ Hà chợt hiểu, bà ôm lấy Hà, dụi cái má đẫm nước mắt của bà vào má Hà, cười nói :
- Con gái mẹ...
Còn u già vừa gởi tiền cất vào túi vừa đi ra sân mủm mỉm cười lẩm bẩm :
- Rõ thật
Hận
Tôi không nom đồng hồ nhưng chắc trời đã khuya lắm. Thế mà tôi và Thành vẫn đều bước bên nhau, đi đi, lại lại ở khu đường vắng này. Những lời chàng tỏ tình yêu với tôi lúc đó không làm cho lòng tôi rung động và rạo rực, tuy nhiên tôi cũng biết là tôi vui sướng. Nhưng nỗi vui sướng mỏng manh luôn luôn bị nỗi thắc mắc và ân hận làm át đi. Tôi biết rõ tôi rất cảm mến Thành. Rất có thể tôi cũng yêu chàng say đắm, nếu không tôi đã chẳng ân hận vì hình ảnh Duy cứ lởn vởn trong trí tôi, tuy tôi không muốn nghĩ đến. Nếu có phải so sánh Duy và Thành tôi thấy ngay là Thành hơn hẳn Duy. Trong nhiều tháng cùng làm công việc xã hội với Thành, tôi đã biết rõ chí hướng chàng. Những ai quen biết Thành đều cảm mến và biết Thành là hạng người dám hy sinh cả đời chàng cho ý nghĩ cao đẹp mà chàng đã đặt làm mục đích. Nếu không có Duy thì ngày hôm nay khi Thành ngỏ tình với tôi chắc tôi đã được hưởng những phút rạo rực sung sướng hoàn toàn của một người yêu và biết mình được yêu. Nhưng tôi đã gặp Duy vì gia đình tôi dọn nhà đến ở cùng phố với Duy từ mấy tháng nay. Tôi không ưa gì Duy cả, vì Duy clủ là một thanh niên giầu, đàng điếm và ích kỷ. Tôi đã nghe nhiều người nói về cách ăn chơi của Duy; chẳng mấy tối Duy không có mặt ở các tiệm nhảy. Không tò mò nhưng tôi cũng biết cả chuyện cô Lan ở phố trên đã bị bố mẹ gọt tóc, cấm cửa không cho ra đường, vì Lan là nhân tình của Duy và đã bị Duy bỏ. Chỉnh tôi cũng thường bắt gặp Duy đi chơi với nhiều cô khác, thùy mị có, đàng điếm có. Nhưng điều đáng chú ý là cô nào cũng rất đẹp. Tôi càng coi rẻ Duy, nhưng có điều tôi không muốn nghĩ đến là mỗi lần gặp Duy ngồi trên xe với cô nào thì buổi đó về nhà tôi hay gắt gỏng bực tức, và gặp dịp vắng người tôi tự ngắm bóng mình rất kỹ ở trong gương. Tôi vui sướng, hay buồn bã tùy theo khi biết mình đẹp hơn hay xấu hơn cô gái đi với Duy hôm đó. Mỗi lần tình cờ tôi gặp Duy ở ngoài phố bao giờ tôi cũng vội lấy dáng diệu nghiêm trang, hơi có chút kiêu hãnh cố ý để Duy biết tôi khác hẳn các bạn gái của chàng. Nhưng Duy không để ý đến. Đôi khi tình cờ chàng có nhìn thấy tôi, nhưng nét mặt thản nhiên của chàng lúc đó chứng tỏ rằng chàng đã nhìn tôi như nhìn một bức tường, điều đó làm tôi tức, tôi càng cố để lộ hẳn vẻ mặt khinh bỉ mỗi khi gặp Duy. Trong thời gian đó, giá Duy cũng theo tán tỉnh tôi thì tôi đã khinh ghét và xa lánh được chàng. Nhưng Duy đã thản nhiên không chú ý đến cả sự khinh bỉ của tôi đối với chàng. Hồi này các bạn tôi khen tôi đẹp ra nhiều, tôi chỉ cười. Thực ra đó không phải là tự nhiên mà chính là hồi này tôi hay làm dáng, vì nhiều lúc tôi không tin tôi đẹp. Nếu thực tôi đẹp thì một kẻ ăn chơi có tiếng là Duy đã chẳng nhìn tôi như nhìn một bức tường! Tôi luôn luôn nghĩ mình xấu hơn các cô gái bạn Duy. Tôi biết rằng sự so sánh và chú ý về sắc đẹp chỉ làm cho tâm hôn tôi mờ ám, nhưng tôi không cưỡng lại được. Vì biết thế nên dần dần tôi mất cả vẻ tự kiêu. Mỗi khi gặp Duy tôi không còn lộ vẻ khinh bỉ chàng ra mặt được nữa, mà chỉ bối rối tìm cách tránh chàng; nhưng lại hay tò mò muốn biết mặt các bạn gái của Duy để rồi có dịp vắng vẻ lại ngắm mình trong gương xem mình đẹp hay xấu hơn họ.
Một buổi tối đang đi phố, trời bỗng đổ mưa lớn. Tôi phải đứng trú dưới mái hiên một tiệm buôn. Đường phố lúc ấy vắng vẻ, mắt tôi lơ đãng nhìn những đợt nước chảy loang loáng trên mặt đường. Tôi để óc miên man nghĩ đến uổi đi chơi bằng xe đạp cùng với các bạn tôi hôm Chủ nhật vừa qua. Chúng tôi họp mặt nhau ở trước cửa nhà ga và khởi hành vào đúng sáu giờ sáng. Tôi thật không ngờ cái mụn nhỏ ở bắp chân lại làm nổi một cái hạch rất lớn ở trên đùi tôi từ lúc nào. Mới đầu tôi không để ý đến tôi vẫn hát một hành khúc và vui vẻ đạp xe theo các bạn. Nhưng dần dần trời nắng mỗi lúc một cao, cái hạch bên đùi tôi phát tấy lên nhức nhối vô cùng, khiến tôi đạp xe rất khó khăn. Nhưng vì tôi ngượng nên không nói ra cho ai biết. Tôi không hát được nữa, dần dần tiếng hát và đoàn xe bạn bỏ cách tôi một quãng xa mà không ai biết. Nhưng Thành thỉnh thoảng vẫn quay lại nhìn tôi. Rồi xe chàng cũng tách rời khỏi đoàn xe bạn. Thành không ngừng hẳn lại để đợi tôi nhưng chàng đạp rất chậm. Một lúc sau thì xe chàng đã sóng đôi bên xe tôi. Chàng quay hỏi tôi :
- Trinh sao thế?

Thành chỉ hỏi có thế nhưng giọng chàng thân mật êm ái, và ánh mắt chàng có một vẻ âu yếm, chân thành, làm tôi phải cúi mặt xuống người tôi bàng hoàng như say. Không hiểu Thành đã thấy tôi thế nào mà chàng nhảy xuống xe, chạy vội tới giữ lấy tay lái xe tôi, đỡ tôi xuống; rồi bỏ mặc hai chiếc xe nằm bên lề cỏ, chàng dìu tôi tới ngồi dưới gốc cây cổ thụ to ở bên đường. Thành cuống lên hỏi :
- Trinh sao thế, Trinh bị say nắng à?
Tôi chỉ gật đầu, ứa nước mắt. Không biết có phải tôi cảm xúc mạnh vì tình chàng, hay vì một lý do gì nào khác mà tôi không muốn nghĩ đến. Hình ảnh Duy lại hiện ra trong trí tôi đúng vào lúc đó. Thật là bực mình, tôi có muốn Duy len vào tâm tư tôi trong những phút như thế này đâu.
Nhớ tới đây, tôi không muốn phải nghĩ đến Duy nữa. Tôi đưa mắt nhìn xem có chiếc xe nào thì gọi để đi về. Trời vẫn mưa to, phố vẫn vắng. Chợt thấy một chiếc xe hơi xịch đỗ ngay bên lề đường trước chỗ tôi đứng trú mưa. Tôi chưa kip nhận ra đó là xe của Duy thì Duy đã mở cửa xe bước xuống. Coi như trời không có mưa, Duy đi thong thả tới chỗ tôi và đây là lần đầu tiên Duy đã nói với tôi.
- Tôi đang đi về, nếu cô cũng về tiện đường mời cô lên xe tôi.
Tôi hồi hộp lặng thinh mấy phút rồi bất chợt ngửng nhìn chàng. Duy đang châm thuốc lá. Mặt chàng lấm tấm ướt nước mưa, khói thuốc tỏa ra phảng phất trước gương mặt ấy trông có vẻ quyến rũ kỳ lạ. Mắt chàng thản nhiên nhìn ra ngoài trời rồi nói :
- Trời này chắc còn mưa lâu, nào mời cô lên xe.
Vừa nói Duy vừa khoác lên người tôi chiếc áo mưa mà bây giờ tôi mới nhận ra là từ lúc xuống xe Duy vẫn khoác ở cánh tay. Từ áo mưa của chàng tỏa ra hơi thuốc lá lẫn với mùi vải nhựa. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đã khoác lên người một chiếc áo của người đàn ông lạ. Tất cả cảm giác của tôi mở rộng, nhưng ngây ngất không đón nhận được điều gì rõ rệt. Tôi chưa hết bàng hoàng thì Duy kéo nốt chiếc mũ đính liền với áo trùm lên đầu tôi và nói :
- Nào ta đi.
Nói xong Duy bước đi trước. Tôi như một cái máy bước theo chàng. Vì đi sau nên tôi được tự do nhìn chàng. Chàng có một vẻ phong lưu làm tôi chú ý. Lúc ra tới xe, Duy mở cửa mời tôi lên rồi chàng ngồi trước tay lái. Khi xe bắt đầu chạy tôi không thể không nhìn chàng. Sau làn khói thuốc, mặt chàng ướt nước mưa nhiều hơn lúc trước. Tôi bỗng mở ví lấy chiếc “mùi soa” của tôi đưa cho Duy và nói :
- Ông lau mặt đi.
Duy không nhìn tôi chỉ mỉm cười và cầm lấy chiếc “mùi soa” trên tay tôi. Khi nhìn Duy lau mặt chàng bằng “mùi xoa” của tôi, tôi rạo rực cả người, tôi có cảm giác như Duy đang đặt má chàng lên má tôi. Vì tâm trạng tôi thế nên tôi không biết là Duy đã đưa tôi đi qua rất nhiều đường khác, chứ không phải đường về nhà. Bỗng Duy ngừng xe, lên tiếng nói :
- Cô trông xem, cảnh sông sau khi mưa đẹp lạ.
Tôi ngửng nhìn, thì ra chúng tôi đang ở bên bờ sông. Trời sau cơn mưa trông quang đãng và mát mẻ. Mặt trời yếu ớt chiếu ra ánh sáng đỏ nhạt in xuống mặt nước sông đục lờ lờ bị những làn sóng xô đẩy tan ra làm nhiều mảnh nhỏ. Tôi lẩm bẩm :
- Đẹp thực!
Duy nói :
- Tôi thích cảnh trời sau khi mưa vì cảnh sắc trở nên mới lạ.
Câu nói của Duy làm tôi nhớ tới chàng luôn luôn có bạn gái mới và cách sống không có lý tưởng của chàng. Tôi mỉa mai bảo Duy :
- Phải ai cũng biết là ông ưa mới.
- Cô nói sao?
Tôi như say nói và giọng tôi có vẻ hằn học :
- Thí dụ như cô Lan và các cô bạn mới của ông. Ông cũng là người mà không biết trọng tâm tình con người. Ưa mới đến nỗi giày séo cả lên tâm tình cũ.
Duy cười to, giọng cười của chàng làm tôi cáu.
- Ông không xứng đáng là thanh niên Việt Nam.
- Cô đạo đức quá. Chắc cái ông nào bạn cô vẫn đi chiếc xe đạp “cuốc” tới thăm cô hẳn là xứng dáng.
Thì ra Duy vẫn chú ý đến tôi. Điều đó làm lòng tự ái của tôi được thỏa mãn bất ngờ nên tôi rất vui sướng. Nhưng Duy vừa nhắc đến Thành, làm tôi lại nhớ tới Thành với lòng yêu kính có pha nỗi thắc mắc. Tôi nhớ đến giọng nói êm ái và ánh mắt say đắm của Thành đã nhìn tôi hôm đi chơi vừa rồi. Tôi
nhớ đến vẻ mặt rắn rỏi và giọng nói hoạt bát của Thành trong những buổi hội họp với các bạn. Tôi lại nghĩ tới cách sống ích kỷ, chơi bời của Duy lại thấy ghét Duy.
- Phải chính thế, giá ông chỉ cần được một phần như tính của ông ấy.
Duy phá lên cười, giọng chế nhạo :
- Tôi cần được giống một phần tính ông ấy, nhưng cô quên chưa bảo ông ấy có cần giống một phần nào tính của tôi không? Nếu được thế, theo ý cô hẳn là cả tôi và ông ấy sẽ thành hai người hoàn toàn nhất.
Thật là quả quắt! Duy dám nói như thế với tôi. Trước kia tôi nghĩ nếu Duy tán tỉnh tôi chắc tôi sẽ khinh ghét chàng. Nhưng tôi không ngờ đến Duy lại nói những câu vừa rồi, tôi cho là có ý khinh nhạo tôi. Tôi tức đến ứa nước mắt, tôi cố nén nghẹn ngào bảo chàng :
- Ông cho tôi xuống đây để về. Trời tạnh rồi khỏi phiền ông nữa.
Vừa nói tôi vừa mở cửa xe lấy, và bước vội xuống, Duy không cản tôi chàng hỏi :
- Cô giận tôi à?
Tôi chẳng thèm đáp. Lúc đó tôi giận chàng thật. Về sau, khi bình tĩnh trở lại tôi chỉ thấy tự giận mình. Hôm đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Duy. Tại sao tôi dám nói đến chuyện tư của chàng dù là tốt hay xấu. Sao tôi dám chê trách chàng. Vậy mà tôi đã dùng lời gay gắt và giọng hằn học trách Duy. Càng nghĩ tôi càng xấu hổ. Dù chỉ có mình tôi mà tôi cũng đỏ cả mặt.
Từ hôm đó trở đi, mỗi khi gặp mặt, tôi và Duy đã bắt đầu chào nhau, và đến bây giờ thì tôi đã nhiều lần ngồi cùng xe hơi với chàng để chàng đưa đi chơi. Tâm trạng tôi lúc ngồi bên chàng ở trên xe chàng thật là phức tạp. Tôi luôn luôn nhớ tới các cô gái khác đã ngồi chỗ tôi đang ngồi. Tôi nhớ đến lòng thương hại và khinh bỉ của tôi với các bạn gái của Duy. Giờ thì tôi cũng cảm thấy khinh tôi. Tôi không dám nhìn mặt những người qua đường. Mỗi khi gặp ai dù quen hay lạ người tôi cũng phừng phực như bốc lửa. Tôi chỉ được yên lòng khi nào chúng tôi đã ra ngoài thành phố, quanh mình chúng tôi chỉ có đồng ruộng bát ngát và một vài người nhà quê qua lại nhìn chúng tôi với ánh mắt có ẩn một chút tò mò thèm muốn. Tôi không còn phải cúi mặt tránh những tia mắt của họ, thực ra tôi còn có vẻ kiêu hãnh với họ là khác.
Trong câu chuyện tôi nói với Duy, luôn luôn tôi tỏ cho chàng biết tôi là một người con gái đã giác ngộ. Tôi đem chuyện xã hội ra nói với chàng và chê cách sống của chàng. Nhiều lúc hình như chàng phải cố nén đợi cho tôi nói dứt chuyện nhưng cũng có khi chàng ngắt lời tôi :
- Thôi đi, cứ giọng đó mãi!
Rồi chàng đem chuyện ciné, chuyện các nhà nhảy, các bè bạn của chàng ra nói. Tôi sợ khi thấy tôi đã bị quyến rũ vào trong câu chuyện của chàng vì tôi thích nghe và thích biết những điều chàng kể. Nhưng dù sao thì Duy vẫn chưa hề nói với tôi một lời yêu đương nào cả. Và tôi cũng cho là tôi không thể yêu được người như Duy. Những lúc đó tôi hay nghĩ đến Thành với lòng tin cẩn và kính yêu.
Tôi cứ nghĩ những ý nghĩ riêng biệt của tôi, và vẫn đi song đôi bên Thành không biết là lần thứ mấy trên con đường vắng này. Thành vẫn nói với tôi những lời yêu đương chân thật phát ra từ tim chàng rào rạt và bất tận như một giòng suối. Chắc thấy tôi vẫn không đáp, chàng bỗng ngừng lại như dò xét. Giây phút im lặng đó làm tôi hồi hộp chờ đợi, chờ đợi gì chính tôi cũng không biết. Tiếng Thành lại cất lên giọng khác hẳn :
- Sao em có...
Tôi ngắt lời chàng vội vàng :
- Không, không, anh đừng nói, em cũng yêu anh, nhưng em thật... không xứng với anh.
Tôi nghe lời nói của tôi xa xôi như ai ở đâu nói hộ tôi - vì nói xong tôi tự thấy giọng tôi là lạ và tôi thực không biết rằng có phải tôi không thành thực khi tôi nói với Thành câu đó không. Nhưng Thành thì không nghĩ gì khác, chắc chàng vui sướng lắm! Chàng ghì chặt lấy cánh tay tôi, ghìm tôi đứng dừng lại rồi đắm đuối nhìn vào mắt tôi. Tôi hơi cúi mặt xuống để tránh ánh mắt chàng. Khi mấy ngón tay chàng nhẹ nâng cầm tôi lên để tìm mắt tôi thì nước mắt tôi đã trào ra. Thành như chợt hiểu điều gì, chàng khoác tay tôi, chúng tôi lại bước đều đều bên nhau, chàng lại nói giọng sốt sắng :
- Em nên quên đi, đừng buồn nữa, anh có thể tha thứ cho em, anh đã hiểu cả, vì chính anh đã mấy lần trông thấy em từ trên xe hắn bước xuống, (giọng Thành bỗng trở nên hằn học). Và em biết không? Anh phải nén lắm mới không chạy lại đấm cho hắn mấy cái. Thật là đồ hèn hạ ỷ vào đồng tiền quên cả bổn phận con người, và còn chiếm đoạt những người đẹp... Anh biết cả và vì thế nên anh mới ngỏ lời với em hôm nay, chứ trước kia anh tin chúng mình đã là... của nhau rồi, nên không cần phải nói vội.
Thành đã hiểu lầm tôi, tôi khóc không phải hối hận vì đã làm điều gì lầm lỗi. Ví dụ tôi có yêu Thành thì cũng chưa đến nỗi phải để Thành tha thứ cho tôi. Nhưng tôi khóc chỉ vì tôi biết khó mà có thể yêu Thành được như tôi muốn, tuy tôi rất “yêu” chàng, nhưng tình yêu quá trong sạch và bằng phẳng không gây cho tôi một xúc động mạnh, một say mê, quyến rũ như khi tôi ở bên Duy, mặc dầu tôi vẫn cho là tôi “ghét” Duy.
Bỗng có ánh đèn xe hơi từ phía sau chúng tôi và một chiếc xe hơi giống như xe của Duy lướt qua. Tôi không trông rõ số xe nên không biết có đúng là xe của Duy không. Nhưng tôi lại trông rõ hai người ngồi trên xe, một người đàn bà đang âu yếm ngả đầu lên vai người đàn ông ngồi lái xe mà tôi ngờ là Duy. Tim tôi như ngừng đập, chân tay tôi lạnh ngắt, người tôi mềm ra, tôi không còn cất chân nổi. Tôi ngừng lại và gục đầu lên vai Thành khóc nức nở Thành rút “mùi soa” của chàng ra lau nước mắt cho tôi. Mùi nước hoa ở “mùi soa” Thành làm tôi nhớ tới mùi nước hoa đắt tiền từ ở người Duy, càng làm tôi nhớ những phút ngồi bên Duy. Hình ảnh người đàn bà ngả đầu trên vai người đàn ông ở trên xe vừa rồi làm tôi càng nức nở thêm, chắc Thành đoán là tôi ân hận và cảm động vì đã được chàng tha thứ nên an ủi :
- Thôi em, chúng ta cùng quên tất cả những gì đã qua, em đừng buồn.
Tôi cả quyết :
- Không, không anh đừng yêu em nữa anh đừng yêu em. Em thật không xứng đáng với anh, không xứng đáng để anh yêu.
Và tôi đòi Thành đưa tôi về ngay. Thành cho là tôi cảm xúc mạnh nên không nói gì nữa. Trên đường về thỉnh thoảng chàng chỉ vỗ nhè nhẹ trên lưng tôi.
Suốt đêm đó tôi vừa khóc vừa viết cho Thành bức thư dài hai trang giấy khổ rộng. Tôi không nhớ hết là tôi đã viết những gì cho Thành, vì tôi không đọc lại. Tôi chỉ nhớ rõ có câu tôi nhắc đi nhắc lại trong thư để bảo Thành là tôi không xứng đáng được chàng yêu. Tôi khuyên chàng đừng yêu tôi, và chàng không nên vướng vào chuyện yêu đương v.v...
Sáng hôm sau tôi sai em tôi đưa lại cho Thành bức thư đó. Cách ba hôm sau Thành trở lại nhà tôi, lúc đó vào quãng hơn hai giờ chiều mùa hạ, nền trời có mây xanh ngắt và ánh nắng chảy mênh mông khắp nơi. Từng cơn gió rất nhẹ, dịu dịu thổi, lá trên các ngọn cây khẽ lay động, tiếng xe cộ vút qua, tiếng hàng quà rong, tiếng quét sân và tiếng dội nước ào ào ở nhà nào đấy, nổi lên xa vắng và tan đi rất nhanh chóng vào trong không khí yên lặng. Đúng lúc đó thì Thành đạp xe đỗ trước cửa nhà tôi. Chàng dựa xe vào gốc cây trước cửa, nhanh nhẹn bước vào nhà. Chàng mặc một chiếc áo tay cộc có gạch ngang trông rất khỏe mạnh. Chàng nói chuyện với ba tôi và em tôi, giọng hết sức tự nhiên đến nỗi tôi phải khổ sở cho là chàng đã quên tôi rồi. Trước khi về nhân một lúc vắng chỉ có mình tôi và Thành, chàng dúi vào tay tôi một tấm danh thiếp và nhìn rất sâu vào mắt tôi. Mặt sau tấm danh thiếp của chàng có ghi những hàng chữ, mà mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ cả từ nét từ hàng:
Trịnh, không bao giờ anh còn nhắc đến yêu đương nữa.
Đành vậy!
Từ nay Trinh có thể coi tôi như một người bạn rất tốt suốt đời không bao giờ quên Trinh.
Đấy là lần cuối cùng tôi gặp Thành, vì sau đó ít lâu có lần tôi đến tìm chàng, chàng đã bị Nhật bắt.
Năm 1960
Nguyễn Thị Vinh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...