Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Bóng người dưới trăng 2

Bóng người dưới trăng 2

Chương năm
Cuộc điều tra của nhà chức trách

Hôm sau, trong bữa ăn sáng, dượng Tư bảo Khôi, Việt:
- Sáng nay có cháu nào rảnh giúp dượng một việc được không? Chỉ cần một người thôi và cũng không mất bao nhiêu thì giờ.
Khôi, Việt đưa mắt nhìn nhau.
Cả hai đều khó nghĩ quá, vì ngày hôm nay họ đã tính trước bao nhiêu việc phải làm rồi.
Trước hết họ cần gặp Dũng và Bạch Liên để báo cho hai người đó biết những việc đã xảy ra.
Sau đó họ sẽ tiếp tục điều tra cho đến chiều, và rồi đến tối còn ra chỗ hẹn gặp Tuấn nữa.
Như vậy họ làm gì còn thì giờ rảnh nữa. Nhưng khi dượng Tư đã nhờ thì không lẽ mà từ chối được. Bởi vậy Khôi đành nhặt một mẩu bánh, thò tay xuống dưới bàn. Khi đưa lên anh chìa hai tay nắm kín ra trước mặt Việt hỏi :
- Tay nào có, tay nào không ?
Việt chỉ nắm tay trái :
- Tay này có !
Anh đã đoán sai, vì mẩu bánh Khôi nắm trong tay phải. Như thế có nghĩa là Việt phải lãnh công việc dượng Tư muốn nhờ.
Anh nói ;
- Thưa dượng, có việc gì để cháu làm.
Dượng Tư cười bảo :
- Dượng nhờ cháu đem đôi bò qua bên trại của bác Hai soạn để cho bác ấy mượn ít ngày. Khi về, bác Hai sẽ trao cho cháu một cái bọc cầm về cho dượng. Có thế thôi, cháu đi ngay hộ dượng.
Công việc chẳng có gì khó, nhưng quả tình không hứng thú chút nào. Trại của ông Hai Soạn cách đây chừng hai cây số. Việt có thể đem theo xe đạp để khi trở về cho chóng.
Khôi theo Việt xuống chuồng bò, dặn bạn :
- Tớ ra ngoài lều gặp bọn Dũng và Bạch Liên. Cậu cố gắng thi hành công tác của dượng Tư cho lẹ rồi ra ngay đấy nhé.
Việt gật đầu, lẳng lặng lùa cặp bò lên đường. Anh dắt chiếc xe đạp và đem theo con Vện, để nó giúp anh dồn thúc cặp bò đi trật tự trên đường.
Cuộc hành trình thật chậm chạp, vì đôi bò luôn luôn ngừng lại, đứng gậm cỏ bên đường. Nhưng rồi cũng tới nơi. Bác Hai Soạn dẫn Việt đưa bò vào chuồng. Bác Hai nhỏ người, xương xẩu, không mập mạp phì nộn như dượng Tư nhưng tánh tình cũng dễ dãi vui vẻ như thế.
Cũng như mọi người trong vùng, bác có biết tin vụ trộm ở nhà bà Hương Mỹ và tức tối bảo Việt:
- Bác mà bắt được tên trộm đó, thế nào bác cũng đập cho nó mấy gậy. Thật không có gì khốn nạn bằng lấy trộm của một người đàn bà goá bụa, già lão như bà Hương ! Phải không cháu ?
- Dạ!
Việt mong chóng xong việc để về gặp các bạn. Bác Hai đưa cho Việt một gói vuông dặn:
- Cháu mang gói này về cho cẩn thận, trong gói có mấy cái bọng ong của dượng cháu đó. Cầm nhẹ nhẹ kẻo bể mất nghe cháu!
Việt cảm ơn, chào bác Hai rồi lên xe. Anh đạp chầm chậm, một tay ôm cái gói. Việt rất thích những tổ ong của dượng Tư. Những đàn ong hàng ngàn con luôn luôn bận rộn vào những công việc riêng trong cái vương quốc nhỏ bé của chúng. Tiếng ong vo ve tấp nập cả một góc vườn. Mỗi lần tới chỗ dượng Tư nuôi ong , Việt chỉ dám đứng xa nhìn lại, vì sợ ong chích. Nhưng dượng Tư thì không coi sao cả, có khi ong bám cả trên mặt dượng mà không việc gì. Cũng như mọi sinh vật khác, loài ong nếu được chăm sóc tử tế không làm hại ai bao giờ.
Đó là một trong những điều Việt học hỏi được trong các ngày nghỉ ở vùng quê. Nếu gia đình Việt cũng có một trang trại ở gần đây, thì Việt sẽ có thể giúp ích ba má rất nhiều với những điều hiểu biết của mình. Mộng ước có trại riêng làm Việt hứng khởi. Anh cất tiếng hát một bài ca vui và quên hết mọi chuyện khác, quên cả các bạn đang chờ, lẫn vụ trộm ở nhà bà Hương Mỹ.
Giữa lúc Việt vừa xuống xe ở sân ấp thì dượng Tư cũng ló đầu ra cửa sổ gọi:
- Việt, cháu vào ngay đây dượng bảo.
Việt ngạc nhiên nhìn dượng Tư. Giọng nói của dượng nghe nghiêm khắc khác hẳn mọi khi và nét mặt của dượng không tươi cười như trước. Chắc hẳn có điều gì không xong rồi đây.
Việt vội bước vào nhà. Dượng Tư ngồi trước bàn., đối diện với dượng là thầy Bách, nét mặt lầm lì nghiêm trọng.
Việt đặt gói bọng ong trên bàn, nhìn thầy Bách phân vân không hiểu thầy tới đây có chuyện gì. Dượng Tư tằng hắng cho thông cổ họng rồi nói :
- Cháu Việt, thầy Bách đậy vừa cho dượng hay một việc mà dượng không hiểu gì cả. Hình như tối hôm kia, đúng vào đêm bà Hương Mỹ mất trộm,có người đã trông thấy Khôi và cháu ở ngay bờ lạch. Lúc ấy vào quãng nửa đêm, giờ các cháu đi ngủ cả rồi.Dượng nhớ đêm hôm ấy hai cháu không có xin phép dì dượng đi đâu cả. Vậy sao lại có chuyện lạ như thế được ?
Việt đứng lặng người đi một lúc. Anh hiểu ngay tình thế và cố trấn áp bối rối. Đêm ấy chỉ có hai người gặp bọn anh : Lê Vinh và Chín Đầu Bò. Trong hai người ấy tất phải có một người đã nói ra!
Lấy lại bình tĩnh Việt trả lời :
- Thưa dượng, tối hôm ấy cháu và Khôi không dám xin phép dì dượng nhưng có ra ngoài chơi ban đêm thật.
Anh nhìn thầy Bách hỏi :
- Xin thầy cho biết ai đã nói với thầy ?
Viên công an quận gằn giọng nói :
- Điều này cậu không được phép hỏi; cậu trả lời ngay cho tôi biết các cậu ra ngoài làm gì đêm hôm ấy ?
- Chúng em không làm gì cả ! Thấy trăng đẹp… và không ngủ được nên… chúng em ra dạo chơi một lát…
- À, các cậu đi chơi ! Mọi khi hễ cứ không ngủ được các cậu cũng đi dạo như thế này chứ ?
Việt liếc nhìn sang dượng Tư, đáp :
- Không ạ. Đây là lần đầu chúng em ra ngoài ban đêm.
- Lần đầu! Mà các cậu có thẳng đường lên quận không?
- Dạ không, chúng em đi dọc bờ lạch nước…
- Cậu nói chỉ đi chơi thôi! Giũa nửa đêm các cậu lén nhà đi chơi như thế, kể cũng lạ thực!
Thấy nhổm người về phía trước, đột ngột hỏi:
- Chỉ có thế thôi, hả? Các cậu có gặp ai không?
Vẻ doạ nạt của thầy Bách làm Việt hoảng sợ. Nhưng anh nhất định giữ kín về người lạ mặt và cuộc đối thoại giữa người ấy với Chín Đầu Bò đêm hôm ấy. Anh nói:
- Thưa thầy, chúng em gặp hai người: thằng Chín Đầu Bò và người thanh niên có chiếc xe hơi hai mã lực tên là Lê Vinh.
Dượng Tư từ nãy giờ vẫn ngồi im, chợt hỏi:
- Thằng Chín nó đi đâu giờ ấy?
Thầy Bách đáp:
- Nó đi đơm cá. Tôi sẽ kiểm lại lời khai của nó có đúng không ! Còn người thanh niên có chiếc xe hơi tôi sẽ cho điều tra.
Quay sang Việt, thầy hỏi tiếp:
- Cậu chỉ gặp có hai người đó thôi, không thấy ai khác nữa?
- Vâng.
Thầy Bách đứng lên:
- Được. Tạm thời như thế là đủ. Nhưng tôi nói trước cho cậu rõ, tôi chưa tin ở lời khai của cậu đâu. Nếu có điều gì gian dối các cậu sẽ chịu hậu quả.
Đôi mắt thầy soi mói nhìn thẳng vào mắt Việt, rồi quay lại dượng Tư, thầy bảo :
- Có điều lạ là hai chú nhỏ này lẻn đi chơi đúng vào đêm nhà bà Hương Mỹ bị mất trộm.
Việt mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn thầy Bách :
- Sao, thầy nghi cho chúng em đã lấy cắp những thứ ở nhà bà Hương ư?
- Chưa biết, tôi còn điều tra.
Nói đoạn thầy Bách đi ra. Nhìn ra cửa sổ, Việt thấy thầy lên xe đạp chầm chậm ra cổng. Việt quay lại dượng Tư lúc ấy đang chú mục nhìn mình. Anh nói :
- Thưa dượng, chắc không đời nào dượng nghi cho chúng cháu lên ăn trộm ở nhà bà Hương!
- Phải, dượng Tư đáp, dượng biết Khôi và cháu không khi nào làm bậy như thế. Nhưng thầy Bách có quyền nghi ngờ tại vì các cháu đã lén nhà đi chơi vào buổi tối mà không xin phép. Dượng muốn biết các cháu đi đâu đêm ấy và có chuyện gì.
Lời nói điềm đạm của dượng Tư làm Việt yên lòng. Anh thuật lại cho dượng nghe gần hết đầu đuôi, chỉ không nói rõ về người đàn ông lạ mặt, vì ngại dượng sẽ nói lại với thầy Bách.
Nghe xong, dượng Tư lắc đầu mỉm cười :
- Dượng biết tuổi các cháu hay nghịch ngợm và ưa mạo hiểm tìm tòi những điều bí mật. Nhưng tội của các cháu lén nhà đi chơi ban đêm mà không xin phép dì dượng cũng đáng phạt lắm. Vậy bắt đầu từ ngày mai, để các cháu khỏi rảnh rỗi tay chân, dượng bắt buộc các cháu theo thợ ra bãi trồng khoai bắp với họ mỗi buổi sáng cho tới khi nào xong mới thôi. Khi ấy dượng sẽ có việc khác cho các cháu làm nữa nghe không?
- Thưa dượng, vâng!
- Thôi được, bây giờ cháu có muốn tìm Khôi và các bạn thì cứ đi. Nhưng đừng có về trễ bữa cơm mà dượng không bằng lòng đó.
Việt ra tới chỗ các bạn tụ họp thì đã thấy Khôi, Dũng và Bạch Liên đang nóng lòng chờ đợi.
- Sao lâu thế? Chúng tớ đang mong cậu.
Việt ngồi xuống hổn hển bảo Khôi:
- Cậu đã kể cho Dũng và Bạch Liên biết rõ cả chưa? Có chuyện rắc rối lắm.
- Nói rồi, nhưng làm sao? Có chuyện gì rắc rối?
- Thầy Bách vừa mới gặp dượng Tư hỏi tụi mình đêm qua lẻn nhà đi đâu. Thầy ấy nghi mình nhúng tay vào vụ trộm nhà bà Hương Mỹ.
Khôi sửng sốt kêu:
- Trời!
Việt thuật lại rõ ràng cuộc hạch hỏi của thầy Bách và hình phạt của dượng Tư bắt phải ra bãi trồng đủ mấy mẫu khoai.
Khôi khổ sở ra mặt. Anh không ngờ viên công an quận lại có thể nghi ngờ cho anh và Việt như thế. Lặng đi một lát, Khôi mới nói:
- Tớ muốn biết ai đã nói với thầy Bách là bọn mình đi chơi đêm ấy. Hẳn chỉ có thằng Chín Đầu Bò, hoặc Lê Vinh.
Bạch Liên nói:
- Liên chắc không phải Lê Vinh đâu!
Khôi đáp:
- Rất có thể vì xem bộ Lê Vinh bí mật lắm. Nhưng đúng hơn có lẽ là thằng Chín Đầu Bò.
Dũng nêu ý kiến :
- Biết đâu thằng Chín chẳng nhúng tay vào vụ này, nên mới nói với thầy Bách có gặp Khôi Việt để làm lạc hướng vụ điều tra.
Khôi lộ vẻ bứt rứt :
- Bây giờ chỉ có một cách là làm sao tìm ra chiếc bao bố mà người đàn ông đã trao cho thằng Chín. Chúng mình phải cố tìm mới được.
Việt thắc mắc:
- Bọn chúng mình chẳng làm gì được trước khi gặp Tuấn. Hắn hẹn tối nay sẽ ra đây, nhưng bọn mình đừng hòng lẻn đi nữa, vì dượng Tư đã cấm rồi.
Khôi thở dài:
- Ừ, nhỉ?
Anh thấy không còn phương thế nào nữa. Tuy nhiên anh vẫn ngờ cho thằng Chín đã giấu cái bao bố bí mật ấy trong vườn nhà Tuấn, vẫn hy vọng nhờ sự giúp đỡ của Tuấn.
Khôi nói:
- Nếu vậy, ta đến gặp Tuấn ngay bây giờ. May ra có hắn trong vườn thì kêu hắn lại bờ giậu, nói cho hắn biết.
Bạch Liên gật đầu :
- Phải đấy, Liên cũng đang muốn biết mặt mũi Tuấn ra sao.
Dũng nói :
- Chúng mình chẳng cần kéo cả bọn đến nhà Tuấn làm gì. Nên chia nhau đi tìm chỗ khác nữa, chẳng hạn những hang hốc quanh đây, nơi thằng Chín thường đơm cá trộm.
Ý kiến của Dũng được cả bọn tán thành. Việt cùng Bạch Liên đến nhà Tuấn. Còn Khôi với Dũng dắt con Vện vào các bờ bụi tìm kiếm.
Trên đường đến nhà Tuấn, Bạch Liên hỏi Việt:
- Tuấn thế nào hở Việt ?
- Đàng hoàng lắm, Việt đáp, Tuấn chơi với bọn mình được. Chỉ hiềm ông cha nuôi của Tuấn quá nghiêm khắc.
- Thế còn thằng Chín Đầu Bò, Việt có chắc nó là thủ phạm trong vụ này không ?
Việt lắc đầu :
- Không chắc có phải hắn. Nhưng có lẽ hắn tòng phạm với người đàn ông kia.
- Còn Lê Vinh, chẳng lẽ người như anh ta mà lại đi ăn trộm sao ? Nghi cho anh ta thật là bậy !
- Thì toàn là những nghi vấn cả. Cũng như thầy Bách đã nghi cho Khôi với Việt.
Bạch Liên gật đầu :
- Dĩ nhiên, có đời nào Khôi Việt lại làm như thế.
Lời nói của Bạch Liên làm Việt đỡ băn khoăn. Thực không gì áy náy bực tức cho bằng bị người ta gán cho mình cái tội xấu xa nhất là tội ăn cắp.
Qua hết con đường mòn, đôi trẻ tới hàng rào nhà Tuấn. Vạch rào nhìn vào, không thấy có ai trong vườn. Phải chờ một lúc lâu, mới nghe có tiếng nói. Để ý nhìn, Việt thấy có hai người : một người là cha nuôi của Tuấn, còn người kia là một thiếu nữ trẻ đẹp. Thiếu nữ mặc chiếc áo màu tươi vừa đi vừa trò chuyện với cha nuôi của Tuấn. Họ tiến về phía hàng rào, chỗ Việt và Bạch Liên đứng nấp bên ngoài.
Việt nghe rõ tiếng ông già nói :
- Mỹ Dung ạ, ba nghĩ con không nên lo cho thằng Tuấn. Một ngày kia, con sẽ có con và rồi con sẽ hiểu. Ba có trách nhiệm nuôi thằng Tuấn, nên ba phải lo cho tương lai của nó. Con trách ba quá nghiêm khắc với nó, nhưng là để cho nó nên người.
Việt hiểu ngay thiếu nữ đó là ai, Tuấn đã nói nhiều về nàng. Mỹ Dung thong thả đáp :
- Thưa ba, con cũng biết ba làm như thế là phải, song con thiết tưởng Tuấn hãy còn nhỏ mà ba cấm đoán nó quá cũng tội nghiệp. Tuổi nó cần được chơi nhởn như những đứa trẻ khác và…
Giữa lúc ấy thì Bạch Liên vì đứng sát hàng rào bị những lá găng cọ vào mũi, nên buồn hắt hơi. Cố nhịn nhưng không được, Bạch Liên bịt miệng :
- Hắt xì !
Cha con Mỹ Dung đi cách xa hàng rào có mấy bước vội quay lại. Ông già hỏi :
- Cái gì thế ?
Hình như Mỹ Dung thoáng thấy đôi trẻ nên nàng bảo cha :
- Chắc có con chó ngoài hàng rào. Ba để con lại coi…
Và Mỹ Dung bước thẳng tới chỗ đôi trẻ đứng nấp.
Việt toan kéo Bạch Liên chạy trốn, nhưng bỗng ngừng lại, vì thấy Mỹ Dung nháy mắt mỉm cười, rồi giả bộ nói :
- Xì, chó con, làm gì đó mày !
Việt rụt cổ lại, cố nhịn cười : Rõ ràng Mỹ Dung không thể nhầm Việt là con chó được, và Việt hiểu ngay nàng muốn che chở cho các bạn của Tuấn.
Nàng đến gần khẽ nói :
- Tuấn đang ở trong nhà. Tối nay Tuấn sẽ ra chỗ hẹn, nếu có thể.
Đoạn nàng cao giọng :
- Chó con, đi chỗ khác !
Việt mỉm cười gật đầu :
- Cám ơn chị.
Rồi kéo Bạch Liên lảng ra chỗ khác. Đi một quãng xa Bạch Liên mới cười ngặt nghẽo
- Kỳ quá, lúc nghe chị ấy kêu mình là chó, Liên muốn sủa lên mấy tiếng !
Việt băn khoăn :
- Gặp được Tuấn thật khó ! Không biết phải làm cách nào bây giờ ?
Cả hai trở về đường cũ thì cũng vừa gặp Khôi với Dũng. Khôi nói :
- Bọn này sục sạo khắp nơi không tìm thấy gì cả.
Việt đáp :
- Bọn này cũng vậy, không gặp được Tuấn.
Nghe Việt kể lại đầu đuôi, Khôi bứt tóc càu nhàu :
- Uổng quá, sao không nhắn chị Mỹ Dung nói hộ với Tuấn ?
Việt cãi :
- Nói không được vì ông già đứng ngay gần đó.
Khôi quay sang cự Bạch Liên :
- Chỉ tại cô, nhè ngay lúc đó mà hắt hơi !
Bạch Liên sịu mặt :
- Tại mấy cái lá găng chứ tại gì Liên. Nó cọ vào mũi Liên nhột muốn chết, nhịn không được !
Khôi thở dài :
- Thế là hết hy vọng, chẳng còn cách nào nữa ! Từ ngày mai bọn này cũng hết cựa quậy vì bị dượng bắt đi trồng khoai rồi.
Dũng bàn :
- Để mai tớ gặp Tuấn cho được không ?
Khôi nhảy lên :
- Trời, ý kiến hay quá. Nhưng cậu còn mắc nhiều việc…
- Không sao, tớ sẽ gắng làm cho xong trước khi đi gặp Tuấn; tớ sẽ nói cho hắn biết ý định của mình rồi sẽ trở về ngay.
- Cậu nhớ bảo hắn nếu tìm thấy chiếc bao bố thì viết mấy chữ để lại trong lều và đừng quên nhắc hắn là tớ với Việt mong gặp hắn lắm.
- Được rồi, Dũng đáp. Thôi bây giờ chúng mình giải tán đi. Tớ còn phải về lo việc nhà hầu mai có rảnh mà đi gặp Tuấn.
Chương sáu
Khám phá của Tuấn
Khôi Việt trở về đến ấp Xuân Lộc thì trời đã xẩm tối. Bữa cơm đã ăn xong. Dượng Tư vì đã dặn trước Khôi. Việt không được về trễ bữa ăn nên tức giận không thèm nói với Khôi Việt nửa lời. Dượng bảo dì Hạnh:
- Tụi nó khoẻ đi chơi thì cho chúng nhịn luôn, khỏi phải ăn !
Khôi. Việt biết dượng Tư đang giận, len lén trở về phòng ngủ. Dì Hạnh theo vào ngồi trên mép giường cạnh Việt rầu rĩ nói :
- Các cháu hư quá ! Hồi chiều dượng mới cho dì hay các cháu đã lén đi chơi tối đúng vào đêm nhà bà Hương Mỹ mất trộm, nên đã bị thầy Bách nghi ngờ. Dượng cũng có căn dặn các cháu, có đi đâu thì cho dì dượng hay, và phải trở về trước bữa ăn cơm để dì dượng khỏi mong, mà sao các cháu không vâng lời ?
Khôi đáp :
- Chúng cháu có nhớ lời dượng Tư dặn, nhưng vì…
Việt tiếp :
- Vâng, thưa dì chúng cháu cũng muốn về trước bữa cơm, chỉ tại…
Dì Hạnh không nhịn được, sẵng giọng:
- Tại vì sao? Dì không thể chịu nổi nữa, các cháu chỉ làm phiền cho dì dượng thôi! Các cháu đã lớn rồi, đâu còn nhỏ dại nữa, không lẽ các cháu còn muốn để cho dì nọc ra đánh nữa hay sao?
Tội nghiệp dì Hạnh, dì thật là một người đàn bà hiền đức. Thương giận cháu mà quở mắng, nhưng mới nói được bấy nhiêu, nước mắt dì muốn long lanh chảy ra.
Việt sững người nhìn dì. Nét mặt rầu rĩ của dì Hạnh không khác gì nét mặt rầu rĩ của mẹ Việt khi thấy con có lỗi. Việt ôm chầm lấy dì ngậm ngùi nói :
- Cháu xin lỗi dì. Chỉ vì chúng cháu mải tìm dấu vết quân gian trong vụ trộm nhà bà Hương Mỹ nên mới về trễ. Nhưng chúng cháu đoan chắc với dì là chúng cháu sắp tìm ra thủ phạm.
- Nếu chúng cháu tìm ra được sao không báo ngay cho nhà chức trách biết ? Các cháu hãy nói cho thầy Bách biết.
Khôi trình bày :
- Nhưng thưa dì, chúng cháu chưa đủ bằng chứng đích xác. Chừng nào nắm được đầy đủ, chúng cháu sẽ báo ngay, chứ bây giờ thầy Bách còn đang nghi cho chúng cháu, dì bảo chúng cháu nói làm sao được.
Dì Hạnh mỉm cười :
- Dì chắc thầy Bách làm bộ nghi cho các cháu để dễ điều tra đó thôi chứ thầy đâu có ngốc như cháu tưởng.
Việt nắm tay dì Hạnh đặt lên môi :
- Dù sao chúng cháu cũng phải nắm đủ bằng cớ mới bày tỏ với thầy ấy được.
Khôi tiếp:
- Với lại, chúng cháu hy vọng chỉ nội ngày mai là có tin tức đích xác thôi, chừng ấy chúng cháu sẽ nói hết với thầy Bách.
Dì Hạnh im lặng nhìn Khôi, Việt rồi dịu dàng bảo :
- Ừ thôi, dì tin các cháu. Dì thương các cháu như con dì, nên dì không muốn các cháu làm điều gì dại dột, các cháu phải nhớ đấy nhé. Bây giờ các cháu tạm ăn ít khoai luộc này cho đỡ đói rồi ngủ đi, kẻo sớm mai còn phải ra bãi với dượng.
Dì Hạnh đi ra khỏi rồi, Việt quay lại hỏi Khôi:
- Sao cậu lại nói với dì Hạnh là nội ngày mai sẽ báo cho thầy Bách biết. Mình đã chắc gì nhờ được Tuấn tìm ra được chiếc bao bố kia đâu?
Khôi đáp:
- Đúng thế. Tối nay Dũng sẽ gặp Tuấn lo tìm cho ra chiếc bao bố giấu trong vườn nhà hắn, bằng không thì nội ngày mai cũng phải báo cho thầy Bách hay để thầy ấy kịp thời hành động, kẻo vụ trộm qua đi mấy ngày rồi. Người đàn ông lạ mặt đi với thằng Chín Đầu Bò tất phải quay lại để lấy chiếc bao bố ấy đem đi. Từ bây giờ đến mai, chúng mình chẳng còn bao nhiêu thì giờ nữa, và cũng chẳng làm gì được. Thôi cứ ngủ đi rồi việc tới đâu sẽ hay.
Nói đoạn Khôi thở dài, quay mặt vào tường và chừng năm phút sau, anh ta đã ngủ say. Riêng Việt lo lắng trằn trọc không sao ngủ được.
Tảng sáng hôm sau, mắt Việt còn cay sè, thì dượng Tư đã vào gọi các anh dậy. Giọng nói của dượng tuy không được niềm nở như mọi bữa nhưng dượng cũng không trách mắng gì về tội về trễ tối qua nữa. Chắc là dì Hạnh đã nói hết với dượng rồi. Sau bữa điểm tâm dượng đưa Khôi Việt ra bãi.
Trồng khoai là một công việc nặng nhọc đối với hai cậu học sinh ở tỉnh như Khôi Việt. Trước hết phải cắp một thúng dây khoai đi men theo luống đất và cứ mỗi bước lại phải cúi mình cắm một cọng xuống đất. Việc tuy không khó nhưng khá mệt. Các luống đất song hàng khít nhau nên đi đứng không được thoải mái, lại phải chăm chú trồng cho ngay hàng.
Khôi, Việt men theo các luống đất mà như phải đi hàng bao cây số. Trong vòng một giờ Việt tưởng như qua một thế kỷ. Anh bước uể oải, lòng buồn rã rượi. Điều làm Việt áy náy hơn cả là đã làm dượng Tư phật ý, và còn bị thầy Bách nghi ngờ. Anh luôn tự hỏi không biết đêm rồi Dũng và Tuấn có tìm ra kết quả gì không. Nếu họ thấy được chiếc bao bố và khám phá ra những gì dựng bên trong để báo cho thầy Bách biết, rồi xếp đặt một cuộc rình bắt thì chắc chằn sẽ lòi ngay ra thủ phạm.
Ý nghĩ ấy làm Việt đỡ bứt rứt. Nhìn lên đầu bãi, anh chợt thấy Dũng đứng xớ rớ gần đống dây khoai. Khôi vừa hết dây giống, đem thúng tới lấy thêm và Việt thấy họ nói với nhau. Trong vòng vài phút, Dũng bỏ đi còn Khôi quay trở xuống bãi. Chờ Khôi tới gần, Việt hỏi :
- Có tin gì không ?
Khôi chán nản lắc đầu :
- Vẫn chưa gặp được Tuấn. Tối qua Dũng đã ra ngoài lều chờ hắn có gần hai tiếng đồng hồ.
- Ngán thật ! Cậu tính sao bây giờ ?
- Còn tính gì nữa ! Chỉ còn cách nói cho thầy Bách rõ. Tin hay không tuỳ thầy ấy, và để mặc thầy hành động. Tớ cũng có dặn Dũng tối nay bọn mình sẽ cố gắng ra họp nhau ngoài lều.
Việt thở dài tiếp tục công việc. Thời khắc trôi qua chậm chạp buồn tẻ. Tới trưa, dì Hạnh mang ra một lẵng thức ăn. Dì nhìn những luống khoai mới trồng, tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười bảo :
- Hai cháu giỏi lắm. Thôi hãy nghỉ tay đi ăn trưa đã. Chỗ còn lại làm nốt nửa giờ nữa là xong. Dì có đem theo thức ăn cho các cháu đây. Các cháu ăn uống nghỉ ngơi cho khoẻ, rồi chiều hãy làm tiếp. Làm xong thì về cho sớm đừng có trễ bữa cơm như chiều hôm qua.
Nghe nói đôi bạn mừng rỡ chạy lên khỏi bãi, nhận lấy lẵng thức ăn rồi chạy thẳng đến chỗ hẹn.
Dũng và Bạch Liên đã đợi sẵn ngoài lều. Dũng thuật rõ nỗi thất vọng khi chờ đợi Tuấn cả buổi tối mà không gặp. Bạch Liên bất mãn nói :
- Cái anh chàng Tuấn ấy thật đáng ghét. Mới lần đầu đã sai hẹn.
Việt đáp :
- Không phải lỗi tại Tuấn đâu. Chắc hắn bị ông già ngăn cấm nên không đi được.
Khôi tiếp :
- Tóm lại là ta không hy vọng nhờ Tuấn tìm hộ chiếc bao bố nữa. Hiện thời chúng ta chỉ còn một giải pháp là báo gấp cho thầy Bách để thầy ấy giải quyết và hành động.
Bạch Liên cự nự:
- Đâu được! Như thế thì ra công lao dò xét của tụi mình bỗng dưng thầy Bách được phần cả hay sao?
Khôi nhún vai:
- Chỉ còn cách ấy thôi, vì chúng mình hết hy vọng rồi.
Việt và Dũng cũng chung một ý ấy. Cả ba anh con trai đề nghị rằng nếu cứ chần chờ không báo cho thầy Bách biết thì Chín Đầu Bò sẽ giao cái bao bố cho người đàn ông lạ mặt mất tang, và bà Hương Mỹ cũng chẳng còn mong lấy lại được của đã mất.
Cho nên dù Bạch Liên cực lực phản đối, Khôi vẫn cứ tỉnh táo tiếp :
- Tớ đề nghị thế này : Ăn xong bữa cơm trưa, tớ sẽ phóng xe đạp lên quận tìm thầy Bách ngay. Sau đó kể như chúng mình không còn dính dáng gì vào vụ này nữa.
Bọn trẻ bày thức ăn lên cỏ lặng lẽ ngồi ăn. Mới cách đây mấy ngày, bữa ăn ngoài trời này đáng lẽ ngon miệng và vui vẻ lắm nhưng bữa nay tẻ ngắt. Dũng thì lầm lỳ, Việt khổ sở, còn Khôi cáu kỉnh. Riêng Bạch Liên trách móc hết mọi người, cho bọn trai là ngốc chẳng làm nên trò trống gì.
Khôi cự nự lại, cho con gái là vô tích sự, đã không giúp được gì còn hay nỏ mồm và mau nước mắt.
Đang cãi vã lẫn nhau, chợt Khôi nhổm người dậy :
- Im ! Hình như có ai tới.
Quả nhiên có tiếng chân bước, và tiếng nói chuyện từ xa vẳng lại. Chú mục nhìn, bọn trẻ thấy thấp thoáng phía rặng dừa có hai bóng người, trong số đó có một thiếu nữ.
Việt vừa nhận ra được bóng thiếu nữ ấy là ai vội nắm tay bạn :
- Trời, chị Mỹ Dung và…
Giữa lúc ấy một giọng nói vang lên :
- Các anh đang làm gì đấy ?
Mọi người đều nhận ra Tuấn và vì quá sửng sốt không ai nghĩ đến trả lời. Tất cả đều biết Tuấn không bao giờ được ra khỏi nhà ban ngày. Sự có mặt đột ngột của Tuấn làm ai nấy bỡ ngỡ. Cuối cùng Khôi đặt tay lên miệng làm loa gọi :
- Tuấn đó hả ! Tới đây mau lên.
Tuấn vừa chạy vừa thở. Đến gần, Tuấn sôi nổi nói :
- Tối qua tôi lỡ hẹn với các anh không ra đây được, vì cha nuôi tôi phạt nhốt trong buồng. May sáng nay nhờ có chị Mỹ Dung can thiệp xin cho tôi ra ngoài hóng gió một lát, nên tôi nhờ chị đưa ra đây. Tôi muốn nói với anh chuyện này, lạ lắm. Chắc anh còn nhớ tối hôm chúng mình gặp gỡ và lúc chia tay nhau có thấy hai bóng người tiến về phía chúng mình, và…
Mỹ Dung lúc ấy mới thủng thỉnh tới. Nàng mỉm cười ngồi xuống một tảng đá, nói:
- Cứ tiếp đi, Tuấn. Kể cho các bạn em nghe rồi còn phải về cho kịp giờ đấy nhé!
- Nói mau đi, Tuấn. Cậu biết gì về hai bóng đen ấy?
- Tôi nấp sau hàng rào nên nghe rõ họ và nhận ra thằng Chín làm vườn cho nhà tôi đang nói chuyện với người đàn ông về bao bố…
Khôi cắt ngang :
- Chúng tớ biết rồi vì cũng nghe như cậu. Rồi sao nữa ?
- Nghe người đàn ông doạ vặn cổ thằng Chín nếu nó mở cái bao bố ra, tôi đoán ngay là có chuyện gì khả nghi. Tôi cũng ngờ thằng Chín đem giấu cái bao bố ấy.
Bọn trẻ vây quanh Tuấn nín thở đứng nghe.
Khôi hấp tấp hỏi :
- Cậu thấy cái bao bố ấy ở đâu?
- Ở trong nhà kho sau vườn, giấu sau những đồ vật lủng củng khác. Nếu không có ý tìm thì không tài nào thấy được. Tôi đã cố mở xem mà vì dây buộc kỹ quá nên đành chịu.
Khôi nắm chặt cánh tay Tuấn hỏi dồn:
- Trong ấy có những gì?
- Oái, anh nắm tay tôi đau quá ! Hình như có đựng những vật gì tròn tròn.
- Mềm hay cứng?
- Cứng và có những góc sắc cạnh.
- Giống như những chiếc "cúp" của các giải thưởng thể thao phải không?
Tuấn ngạc nhiên đáp:
- Phải, tôi cũng đoán như thế. Nhưng tại sao các anh biết?
Chương bảy
Lê Vinh xuất hiện
Khám phá của Tuấn làm bọn trẻ mừng rỡ. Mới đây họ còn cằn nhằn lẫn nhau, bây giờ thì người nào cũng nhìn Tuấn với vẻ mặt rạng rỡ.
Tuấn không biết gì vế vụ trộm trên nhà bà Hương cả. Mỹ Dung cũng vậy. Khi nghi ngờ và tìm ra chỗ giấu chíêc bao bố, Tuấn chẳng biết gì hơn là mong gặp Khôi, Việt để bàn hỏi. Anh cũng không nói với ai ngoài Mỹ Dung.
Mỹ Dung cho biết :
- Chiều qua, Tuấn có cho chị hay, và vì thấy có điều khả nghi nên chị tính hỏi thằng Chín Đầu Bò, hay báo cho nhà chức trách biết. Nhưng Tuấn muốn nói cho Khôi, Việt biết trước đã. Hiềm vì tối qua Tuấn không thể ra đây được, phải chờ đến bây giờ mới có dịp.
Nhìn thẳng vào Khôi, Việt, Mỹ Dung mỉm cười tiếp :
- Các em có thể nói cho chị biết rõ hơn không ? Tại sao các em lại cho những thứ đựng trong bao bố đó là những chiếc cúp ?
Khôi tường thuật hết mọi chi tiết của câu chuyện, và kết luận:
- Bây giờ tìm ra được cái bao ấy rồi, chúng ta cứ việc đem lên cho bà Hương Mỹ bảo là chúng ta đã tìm thấy những vật bà đã mất.
Ý kiến đó có vẻ hay nhưng Dũng nói :
- Không được, nhỡ thầy Bách nghi cho Khôi, Việt thật, thì thầy có thể cho rằng chúng mình đã giấu đi, rồi vì sợ mà đem trả.
Khôi :
- Hay chúng mình đem cái bao ấy ra trước mặt chị Mỹ Dung và nhờ chị làm chứng hộ.
Mỹ Dung :
- Người ta vẫn có thể nghi cho các em giấu đi từ trước.
Dũng :
- Với lại, làm sao lấy ra ngay bây giờ được. Thằng Chín làm trong vườn tất sẽ thấy chúng mình vào nhà kho.
Giữa lúc ấy thì một giọng nói đâu đó thốt lên :
- Tại sao không để nguyên cái bao ở đó, chờ cho thủ phạm đến lấy rồi bắt ngay tại trận ?
Cả bọn giật mình quay lại. Lê Vinh từ một bụi rậm bước ra mỉm cười tiến về phía bọn trẻ :
- Các chú không ngờ có tôi ở đây nhỉ ? Mạnh giỏi cả chứ các em ?
Và chợt nhận ra có người lạ trong bọn Khôi, Việt, anh chỉ Tuấn nói :
- Chú này anh chưa quen !
Việt giới thiệu :
- Đây là Tuấn em của chị Mỹ Dung.
Lê Vinh quay về phía Mỹ Dung nghiêng đầu chào :
- Chào cô!
Anh bỗng ngẩn ra một giây, sửng sốt nói:
- Hình như cô là… nàng tiên đã hiện ra lúc tôi hồi tỉnh lại khi còn mê man trong bệnh viện Cộng Hòa? Tôi vẫn muốn tìm gặp để ngỏ lời tạ ơn, mà không biết cô ở đâu!
Mỹ Dung ngập ngừng đỏ hồng đôi gò má:
- Còn ông là Trung úy Lê Vinh bị thương ở chân?
- Vâng, nhờ sự chăm sóc tận tâm của bác sĩ… và cô, tôi đã khỏi. Nhưng sau khi tỉnh lại tôi không còn gặp cô nữa!
Mỹ Dung cười:
- Tôi vừa hết phiên trực, và hôm sau theo học một khoá huấn luyện khác, nên Trung uý không gặp là phải. Sau khi tôi trở lại thì Trung uý cũng ra khỏi bệnh viện rồi.
Qua những lời lẽ trao đổi giữa Lê Vinh và Mỹ Dung bọn trẻ được biết Lê Vinh là Trung úy quân đội, và điều ngạc nhiên hơn nữa họ lại quen nhau từ trước.
Sau lời thành thực cảm ơn, Lê Vinh trở lại chỗ ngồi bên bọ trẻ :
- Nào, bây giờ anh em ta bàn nốt câu chuyện cái bao bố với những chiếc cúp bạc bị mất trộm. Anh xin lỗi vì đã nghe lỏm câu chuyện này. Nhưng tại các chú bàn bạc sôi nổi quá nên dù không muốn tò mò, nó cũng vẫn lọt vào tai anh. Chắc không ai phiền anh cả chứ ?
Bọn trẻ nhìn anh mỉm cười và đồng thanh nói :
- Không !
Lê Vinh tiếp :
- Khi nghe rõ sự tình rồi anh đâm ra có ý muốn giúp các em một tay, các em chịu không ?
- Chịịuu !
-Vậy, anh tóm tắt thế này : Có một chiếc bao bố đựng những chiếc cúp bạc bị mất trộm để trong kho chứa đồ của nhà Tuấn. Chiếc bao bố ấy do người giúp việc làm vườn đem giấu ở đó. Đúng không ?
- Đúng !
- Vì một lý do nào đó viên cảnh sát điều tra đã nghi cho Khôi, Việt dính líu vào vụ trộm này. Tại sao ?
Khôi trả lời :
- Tại sau đêm hôm mất trộm, em và Việt trót lẻn nhà đi chơi.
- À, cái đêm các chú đánh lộn với tên Chín đó chứ gì ?
- Dạ phải !
- Mà tên Chín tức là người giúp việc nhà Tuấn hiện giờ, đã đem giấu chiếc bao bố ấy để chờ người đàn ông; nói cho đúng tên trộm mang đi. Các chú có biết hắn hẹn tên Chín khi nào trở lại không ?
- Sau ba hôm tức là hôm nay.
- Khỏi cần suy luận, ta cũng biết : hắn sẽ chờ đêm tối mới tới. Vì thế Khôi mới tính đem chiếc bao bố ấy đem trả cho người bị mất, hoặc trao cho nhà chức trách trước khi quân gian tẩu tán. Phải thế không ?
Khôi gật :
- Vâng. Nhưng Dũng bảo như thế không được vì…
Lê Vinh cắt ngang :
- Anh biết rồi, anh có nghe ý kiến của Dũng và anh cho là phải. Như anh đã nói khi nãy, chúng ta nên để cái bao bố ấy ở nguyên chỗ cũ, và rình bắt tên trộm và đồng bọn ngay tại trận.
Khôi nhìn Lê Vinh :
- Nghĩa là chờ cho người đàn ông tới, và…
- Phải, và ta sẽ tóm cổ hắn cùng với tang vật.
Chúng ta sẽ bao vây chặt chẽ chờ khi tên Chín trao cái bao cho tên trộm, là ta ùa ra trói nghiến hắn lại. Xong rồi chúng ta báo thầy cảnh sát nào đó rằng : "Chúng tôi đã tìm thấy những chiếc cúp bạc mất cắp, và tóm luôn hộ thầy cả tên trộm nữa !"
Ý kiến của Lê Vinh thần tình quá khiến cho bọn trẻ vỗ tay reo mừng.
Mỹ Dung thắc mắc :
- Kế hoạch hay lắm, nhưng Trung uý để bọn trẻ này đương đầu với tên trộm sao được !
- Cô chớ ngại. Dĩ nhiên là có cả tôi, cả cô dự vào nữa chứ !
Khôi hoan hỉ :
- Chúng em bầu anh làm chỉ huy trưởng của chúng em.
Lê Vinh mỉm cười :
- Cám ơn, anh chỉ huy tạm thời trong trường hợp này thôi. Ý kiến anh như thế này : Bây giờ Tuấn và Mỹ Dung trở về nhà canh chừng tên Chín thật gắt nếu có gì khác tìm cách báo cho anh biết. Còn các em khác hãy giải tán, chờ đến tối sẽ ra đây gặp nhau lại.
Khôi Việt mau mắn đáp:
- Chúng em sẽ ra đây đúng hẹn.
- Nhưng phải xin phép đàng hoàng đấy nhé.
Dũng cũng nói:
- Cả em nữa.
Lê Vinh gật đầu:
- Được anh sẽ chờ tất cả. Duy có Bạch Liên thì anh nghĩ nên ở nhà mà ngủ!
Bạch Liên dãy nảy:
- Ứ, em hổng chịu đâu !
- Em phải ở nhà. Anh sẽ dành cho em vinh dự dẫn đầu đem trả những chiếc cúp bạc cho bà Hương Mỹ.
- Nhưng em muốn biết mặt tên trộm.
- Thì chờ đến sáng ngày mai !
Mặc cho Bạch Liên phụng phịu, Lê Vinh giục chị em Mỹ Dung :
- Thôi Tuấn và Mỹ Dung về ngay đi và nhớ canh chừng tên Chín đó.
Chờ cho Mỹ Dung đi khỏi, Lê Vinh cũng bước xuống con đường mòn trở về chiếc xe hai mã lực của anh đậu khuất bên một bụi cây.
Còn lại bọn Khôi, Việt trừ có Bạch Liên, tất cả đều nhảy nhót như điên dại. Họ cười, nói, hò hét, và lăn lộn trên cỏ vì vui thích.
Một lát sau, Việt nhớ ra vỗ vai Khôi :
- Này cậu, còn chỗ khoai phải trồng nốt ?
- Ừ nhỉ, phải làm gấp cho xong !
Hai anh em vội đưa tay chào rồi cắm đầu chạy miết.
Chương tám
Cuộc vây bắt ban đêm
Sau khi trình bày mọi lẽ cho dượng Tư và dì Hạnh nghe, Khôi, Việt khẩn khoản xin phép được ra chỗ hẹn. Đôi bạn phải nói rõ kế hoạch của Lê Vinh, muốn rình bắt tên trộm với tang vật và khai luôn cả lý lịch cùng thành tích của người chỉ huy trong cuộc vây bắt đêm nay, dì Hạnh và dượng Tư mới tạm yên lòng.
Được phép rồi, Khôi, Việt vội đi ngay. Đêm hôm ấy trăng lên muộn. Trời tối như bưng. Khôi Việt vừa đi vừa chạy, nôn nả chỉ lo trễ hẹn. Tới chỗ đất trống có bụi rậm, chợt nghe có tiếng hỏi :
- Ai đó ?
Nhận ra tiếng Lê Vinh, Việt đáp :
- Chúng em đây, Khôi và Việt !
- Hay lắm. Các chú đến vừa kịp.
Đôi bạn theo Lê Vinh tới chỗ xe đậu. Dũng đã có mặt tại đó. Lê Vinh mở cửa xe lấy phích nước nóng sửa soạn pha cà phê. Việt chợt nhìn thấy trên mặt ghế ngồi có một khẩu súng lục, đựng trong bao da.
Lê Vinh vừa chuyển cà phê ra tách vừa nói :
- Các chú nên uống với anh một chút cà phê loãng cho tỉnh táo. Trong quân đội mỗi khi có cuộc hành quân về đêm, anh vẫn quen uống một tách thật nóng trước khi lên đường.
Việt trách :
- Thế mà hôm trước tụi em hỏi anh đâu có chịu nói !
- À, các chú hỏi anh ở không quân, thuỷ quân, hay lục quân ? Anh đáp không phải là đúng đấy chứ, vì anh là biệt động quân mà.
Khôi nói :
- Chắc chiến lắm anh nhỉ !
Việt luôn luôn liếc nhìn khẩu súng ngắn hỏi :
- Chốc nữa anh có mang theo khẩu súng kia đi không ?
- Có chứ, cũng nên đề phòng điều bất trắc.
Khôi khoe :
- Ở nhà ba em cũng có một khẩu, nhưng nhỏ hơn và không lắp đạn.
Lê Vinh cười :
- Khẩu của anh cũng thế, không lắp đạn vì chỉ cần dọa thôi. Trong đêm tối, giơ ra cũng đủ cho tên trộm khiếp vía rồi !
Trong khi mọi người nhấm nháp ly cà phê, Lê Vinh tiếp :
- Kế hoạch của anh như thế này, các chú nghe cho kỹ : Cuối vườn nhà Tuấn có một cái cổng gần chỗ nhà kho. Tên Chín tất phải do cửa ấy vào nhà kho để lấy chiếc bao bố. Bên trong đã có Mỹ Dung để ý rình, còn Dũng sẽ nấp phía bên ngoài.
Khôi hỏi :
- Thế còn thằng Chín hiện giờ nó ở đâu ?
- Không rõ, nhưng thế nào nó cũng phải tới để gặp tên kia. Chúng ta phải chờ bắt đúng lúc nó trao chiếc bao bố cho đồng loã. Dĩ nhiên chúng ta chưa biết rõ chúng gặp nhau ở chỗ nào, trong cổng hay bên ngoài. Điều cần nhất là chúng ta theo dõi mỗi hành động của tên Chín chờ khi nó trao hàng cho tên lạ mặt mới xông ra. Hiểu rồi chứ ?
Bọn trẻ gật đầu. Khôi hỏi :
- Nếu bắt được tên trộm chúng ta phải làm gì ?
- Chúng ta sẽ nhốt hắn lại, ở trong nhà Tuấn dĩ nhiên, và báo cho cảnh sát biết. Bây giờ, anh tính thế này : Chúng ta nấp cả bên ngoài hàng rào nhà Tuấn, cách từng khoảng đủ liên lạc với nhau : Dũng nấp ở gần cổng, cách đó hai mươi thước là Khôi, đến Việt rồi đến anh. Thấy tên Chín chúng ta cứ nấp nguyên một chỗ chờ cho hắn vào tới nhà kho. Khi ấy Mỹ Dung rình bên trong sẽ báo động ra ngoài bằng cách giả làm tiếng mèo kêu. Lập tức Dũng truyền đi bằng tiếng nhái kêu rồi đến Khôi và Việt. Như thế chúng ta đều được biết khi tên Chín vào tới nhà kho lấy chiếc bao bố. Hiểu chưa !
Bọn trẻ gật đầu.
- Sau đó chúng ta chờ xem tên Chín hành động ra sao. Có thể hắn nấp ở bên trong chờ tên kia tới hoặc sẽ lén đem chiếc bao mang tới chỗ nào đó mà tên kia đã hẹn. Trường hợp này chúng ta sẽ theo bén gót hắn, song phải cố gắng đừng để cho hắn nghi ngờ gì cả. Chừng hắn gặp tên kia rồi, chúng ta sẽ ra tay. Anh sẽ giơ súng ra bắt chúng đứng yên.
Còn như nếu hắn trao cái bao cho tên kia ngay ở cổng, thì Mỹ Dung sẽ giả tiếng mèo kêu lần nữa, và lập tức chúng ta ập ngay lại. Hiểu rõ cả rồi chứ ?
Thấy bọn trẻ gật đầu, Lê Vinh mỉm cười tiếp :
- Trong biệt động đội, khi có một cuộc hành quân, các anh thường ôn lại chỉ thị hai lần. Bởi vậy anh nhắc lại cho các em nghe lần nữa.
Lần này Lê Vinh nói rất thong thả, rành rẽ cho bọn trẻ thấu đáo phận sự của từng người, đoạn nhìn đồng hồ tay anh nói :
- Đã hơn mười một giờ khuya rồi, chúng ta đi thôi.
Việt thu mình ngồi nấp ở chỗ đã chỉ định. Anh có cảm tưởng như một người lính đang thi hành nhiệm vụ và có cả các bạn của mình gần đó sẵn sàng tiếp ứng.
Việt ngồi xổm trên hai gót chân, lắng nghe động tĩnh trong đêm tối, thỉnh thoảng xoay lại kiểu ngồi cho đỡ mỏi. Mặt trăng cuối tuần lúc ấy mới bắt đầu nhô lên, lan toả ánh sáng mập mờ trên cảnh vật. Việt nhìn rõ ánh trăng di động trên lùm cây. Anh không rõ đã ngồi nấp như thế bao lâu, nhưng rồi có tiếng bước chân từ phía xa vẳng lại, làm anh chú ý. Tiếng bước chậm chạp tới gần rồi ngưng hẳn. Từ chỗ nấp nhìn ra, Việt thấy có một bóng đen. Bóng đen quẹt lửa châm thuốc lá hút, và Việt nhận ra Chín Đầu Bò.
Châm thuốc xong, Chín bắt đầu tản bước đi đi lại lại trên con đường mòn ngoài bờ dậu. Hắn đang chờ người đàn ông lạ mặt.
Cuối cùng người đàn ông đến, hắn huýt một tiếng sáo, và Chín Đầu Bò, đứng trước chỗ Việt nấp, huýt trả lời lại.
Người đàn ông có dáng khoẻ mạnh, hơi thấp nhưng vai rộng, tiến đến gần Chín đầu Bò thì thầm:
- Mầy chờ tao lâu chưa ?
- Lâu rồi. Tôi đã hút gần hết điếu thuốc lá.
- Cái bao đó đâu ?
- Tôi cất gần đây. Chú đưa tiền tôi đem ra liền !
- Mầy cứ yên trí, rồi đâu có đó. Đi lấy ra đây rồi tao đưa tiền cho.
- Phải đúng hai trăm đồng như lời chú đã hứa đấy nhé.
- Được rồi, mà mầy có mở ra không đấy ?
- Không !
- Thôi lẹ lên !
Chín quay đi. Người đàn ông đứng chờ. Việt nấp trong bóng tối sẵn sàng hành động. Chỉ trong vài ba phút nữa sự việc sẽ xảy ra : Chín lọt vào nhà kho lấy chiếc bao bố và, lập tức Mỹ Dung kêu tiếng mèo báo động. Dũng, Khôi báo truyền đi, rồi tất cả chờ cho Chín trở ra trao chiếc bao cho người đàn ông là Lê Vinh nhảy tới cùng với bọn Khôi, Việt bắt gọn cả hai.
Kế hoạch phối hợp như thế không thể nào còn thất bại được. Thế mà đã có sự bất ngờ làm đảo lộn tất cả. Có tiếng dằn co phía vườn nhà Tuấn, và bỗng có tiếng quát :
- Cái gì thế ? Có chuyện gì thế này ?
Việt hiểu ngay đó là tiếng quát của cha nuôi Tuấn.
Cùng lúc ấy, người đàn ông đứng chờ phía ngoài vội co giò tẩu thoát.
Việt không kịp suy nghĩ, vùng khỏi chỗ nấp cắm cổ chạy theo. Người đàn ông chạy rất nhanh, Việt cố đuổi, và chỉ một phút sau, anh đã thấy Khôi chạy vượt lên. Ngang tầm Việt, Khôi nói :
- Gắng lên cậu, đừng để cho hắn chạy thoát.
Người đàn ông nghe tiếng nói, nhìn quanh, và biết bị đuổi nên càng chạy nhanh hơn nữa. Khôi Việt cũng tăng thêm tốc lực. Cuộc đuổi bắt thật khó khăn. Người đàn ông vượt khỏi con đường mòn, quẹo lên con đường liên quận. Việt hiểu ngay ý định của hắn vì thấy trên vệ đường có đậu sẵn một chiếc cyclo máy.
Khôi cũng thấy chiếc xe. Anh chỉ còn cách người đàn ông vài ba thước, và cố gắng nhoai người ra ôm lấy hắn, khi hắn nhảy lên yên xe toan rồ máy.
Cuộc xung đột xảy ra,Khôi bị hắn đạp bắn xuống vệ đường.
Người đàn ông tìm cách leo lên xe lại. Nhưng lần này thì Việt vừa tới. Anh phóng mình húc đầu vào bụng hắn. Lối tấn công bất ngờ và chớp nhoáng của Việt làm hắn kêu hự một tiếng và ngã gập người bên thành xe. Việt ngất ngư loạng choạng ngã theo.
Sau cơn choáng váng, Việt chợt thấy một tia đèn bấm sáng chói chiếu vào mặt người đàn ông, và một giọng đắc thắng nổi lên :
- Đây rồi. Chú mày có chạy đằng trời !
Đó là tiếng thầy Bách.
Việt không khỏi ngạc nhiên về sự có mặt đúng lúc của thầy. Hình như thầy Bách chờ tên trộm ở đây đã lâu, và nhanh nhẹn một cách nhà nghề thầy rút còng ra khoá cứng hai tay hắn lại.
Đoạn kết
Câu chuyện đến đây kể như kết thúc, vì tên trộm nhà bà Hương Mỹ đã bị bắt. Nhưng có lẽ bạn đọc chưa thoả mãn lắm, người thuật chuyện xin vắn tắt thêm:
Người đàn ông bị bắt chính là tên trộm đã giả làm nghề lái xe cyclo, nhưng hắn không chủ ý đi đón khách cho bằng dùng xe làm phương tiện dò la, chuyên chở, và tẩu tán những thứ hắn trộm được.
Thầy Bách, cảnh sát điều tra ở quận, ngay từ đầu thầy không hề nghi cho Khôi, Việt là thủ phạm vụ trộm, nhưng thầy ngờ Khôi, Việt có dấu thầy điều gì.
Lê Vinh sau khi gặp bọn trẻ, ngay trưa hôm ấy đã gặp thầy Bách. Anh giấu bọn trẻ vì không muốn làm giảm hứng thú của họ. Nhờ thế thầy Bách phối hợp cuộc điều tra riêng của thầy với Lê Vinh, và đã theo rõi ngay tên trộm từ khi hắn đậu xe sẵn trên vệ đường.
Chín Đầu Bò chỉ là đồng loã. Khi hắn vào lấy chiếc bao bố ra, cũng là lúc cha nuôi của Tuấn không thấy Tuấn ngủ trong phòng nên ra vườn tìm. Vì thế Mỹ Dung không kịp báo động, vội nắm lấy Chín, khiến ông già không rõ chuyện gì đã vội quát lên, làm tên trộm ngoài này bỏ chạy.
Đến khi hiểu rõ đầu đuôi, ông đã mỉm cười tha thứ cho Tuấn. Nhận thấy mình quá khắc nghiệt với tuổi trẻ nên không hiểu tuổi trẻ, ông cho Tuấn từ nay, ngoài giờ học tập được phép đón tiếp vui chơi với các bạn.
Đoạn chót thì khỏi nói chắc các bạn cũng tưởng tượng ra được, vì là cảnh vui vẻ nhất: Cảnh Bạch Liên dẫn đầu cả bọn, đem những chiếc cúp bạc lên trả cho bà Hương Mỹ, trước sự hiện diện của thầy Bách, và được bà thưởng cho rất nhiều kẹo bánh!.
Năm 1963
Nguyễn Trường Sơn
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...