Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi
Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp anh lại về công tác tại quê hương, nghĩa là tự định vị một không gian sống thuần nhất làm chỗ cho thơ nảy mầm. Có lẽ đây là lý do khiến cho phong vị miền núi tràn ngập trong thơ Phương, tỏa một mùi hương riêng, lạ, khó mà trộn lẫn với bất kỳ tác giả nào cùng thế hệ.
Mỗi người cầm bút đều có một vùng đất quen thuộc của mình,
nơi mà họ thấy mình có được tự do nhất. Thường đó là không gian mà người ta gắn
với tuổi thơ hoặc tuổi trẻ của mình, nơi mà họ đã để lại đó nhiều ký ức, suy tưởng,
chiêm nghiệm. Bùi Việt Phương là một trường hợp điển hình. Sinh ra ở Thuận Châu
(Sơn La) – vùng đất nghèo không có cả dầu để thắp đèn, không có sách để đọc,
Phương đã sớm biết làm thơ để tự đọc cho mình.
Cả tuổi thơ quạnh quẽ Phương thường phải ở nhà một mình khi bố
mẹ đi làm xa, đôi lần thoát chết vì đá lăn, núi lở, lúc nào cũng thèm gặp người
khi mà cả ngày không có bóng một ai đi qua ngôi nhà của mình. Cái nghèo, cái vắng
lặng của một vùng đất kỳ vĩ thiên nhiên, hoang sơ thiên nhiên đã sớm nhập vào
tâm hồn của cậu bé nhạy cảm Bùi Việt Phương những quan sát, chiêm nghiệm độc
đáo. Để rồi sau này những câu thơ bật ra thật lạ:
“Một ngày cũng chỉ là xuống núi /Nhón chân bật một gốc trầm/Mắt
ta đương mầm, túi ta đầy hạt” (Một ngày xuống núi), hay: “Mỗi cái cây
nói ra một bóng mát /Nói một lần chưa xong/ Nói nhiều lần chưa biết xong chưa/
nhưng đã thành rừng/ Cuối cùng mỗi cây thác về mỗi hạt/ Sao hạt cây phải lặng
im thật lâu/ Ban mai nào cũng cựa mình, nứt vỏ…” (Chợt).
Ngay từ khi bắt gặp những câu thơ như vậy, tôi đã không thể
không chú ý đến Bùi Việt Phương. Bởi sáng tạo là viết ra những gì mang đậm dấu ấn
cá nhân của người cầm bút. Sáng tạo là mang đến một cái gì đó rất khác với những
gì quen thuộc đã có. Cái khác ở thơ Bùi Việt Phương chính là cái lạ trong tư
duy, trong cách nhìn, trong cách thể hiện tứ thơ, trong ngôn ngữ biểu đạt.
Miền núi trong thơ Bùi Việt Phương rất gợi, ở chỗ, Phương rất
biết làm chủ ngôn từ, khiến cho những câu thơ thoạt đầu như chỉ để tả, nhưng kỳ
thực dưới đáy chứa đựng nhiều thông điệp mà nếu không có một tình yêu tha thiết,
một rung cảm mãnh liệt trước thiên nhiên, cảnh vật, con người rất khó làm cho
người đọc xúc động. “Mai ta xuôi thuyền, muôn sự tại… dòng trôi/ Vẫn thấp
thỏm cánh ong /Rừng lá đắng, đa mang tìm mật ngọt/ Đà Bắc còn núi cao ngùn ngụt/
Giữa trưa nắng vàng ngô/ Suối vắt trong như tiếng hót chào mào/ Bảo sao không nảy
mầm nhung nhớ” (Đà Bắc). Một Đà Bắc như thế sao không thể không quyến luyến
tình người. Tác giả đã viết mà như vẽ, chỉ vài nét dựng lên được cả một không
gian đặc trưng của một vùng đất, sẵn sàng gây thương nhớ cho người đọc.
Ở một bài thơ có tên rất giản dị: “Măng rừng”, Bùi Việt
Phương viết: “Có khi đội đá/ Có khi đụng trời/Vang tiếng sấm xa xôi…/ Măng
kể nhanh một đời tre sống chậm/ Một nghi lễ nhọn hoắt/ Hiến tế cao xanh, nõn nà
trinh bạch /Tín ngưỡng tự bao đời /Của những chùm rễ cọc cằn mong đá rời, gió đổi…/
Thoang thoảng đắng trong rừng tre yên ắng/ Tiếng chòe than ngái ngủ/ Mùa đã gùi
xuân xuống chợ cho bà”.
Ngay cả “Sông” miền núi trong thơ Bùi Viêt Phương cũng
không thể không khiến cho người đọc ngơ ngẩn trước vẻ đẹp diệu kỳ, riêng biệt:
“Còn có một dòng sông trên rẻo cao /Hợp lưu sắc hoa mận, hoa đào /Cho em giặt
quên, phơi nhớ/ Lưu vực của khèn môi, sáo ôi, tính tẩu… /Lặn xuống đáy mắt
nhau, mới gặp chợ tình”.
Bùi Việt Phương đã in 5 tập sách trong đó có 2 tập thơ: “Ngày
lạ” và “Mắt trong”. Đọc thơ Phương thú vị nhất ở tư duy thơ độc đáo,
lối viết giàu mỹ cảm. Ngôn từ, lập ý trong thơ Phương luôn gây bất ngờ cho người
đọc, vừa chặt chẽ vừa rộng mở, vừa hồn nhiên vừa trĩu nặng. Viết về “Phụ nữ” mà
thế này thì rất lạ. Không những lạ mà còn rất hay nữa: “Họ gói được đêm /Thì ta
mở ra ngày/Ta nhặt được bầu trời/ Họ đánh rơi mặt đất/ Ôi phụ nữ/ Luôn ở phía
bên kia là có thật/ Nhưng chỉ họ như cỏ được/ Tình yêu gõ cửa/ Lại tin là mùa
xuân/ Để dành đôi giày đẹp nhất/ Giẫm lên hoang sơ của chính mình…”. Ngay
cả trong những bài thơ tình, thì cách thổ lộ của nhân vật trữ tình trong thơ
Bùi Việt Phương cũng rất riêng: “Anh mở cửa bước ra ngày mai/ Tự ngày hôm qua cầm
máu/ Những mùa ta mải miết… xa nhau/ Con trăng đành gửi lại/ Đàn bò dưới triền
đê gặm vơi tuổi chúng mình /Cho đến giờ gặp lại nhau vẫn vô ý gãy cành/ Giọt nước
mắt em đến bờ mi đành neo mãi /Như một mùa xuân anh đã từng đến trước cổng nhà
em /Rồi chẳng biết vì sao hôm nay còn trở lại?” (Câu hỏi).
Người làm thơ trẻ gắn bó, viết về miền núi không nhiều. Bùi
Việt Phương là gương mặt đặc biệt đáng để chờ đợi, hy vọng. Phương có nhiều bài
thơ hay và trong mỗi bài thơ đều có những câu thơ ngạc nhiên độc giả. Tâm hồn
thi sĩ phóng khoáng, giàu ưu tư, bén nhạy trong cảm xúc và biến hóa trong ngôn
từ sẽ còn đưa Phương đến những bến lạ trong thơ, cũng như làm phong phú hơn cho
đời sống văn học hiện đại. Bởi Phương luôn sẵn đấy một tình yêu cho thơ ca và
luôn biết tin vào ngòi bút của mình. Giống như những câu thơ trong bài thơ “Đôi
mắt”: “Mỗi tuổi ta căng một cánh buồm/ Đời người vô vàn gió/ Người ta tin
thì bao giờ cũng tới”…
Xin giới thiệu cùng bạn đọc những bài thơ hay của Bùi Việt
Phương:
NGÀY LẠ
Mỗi ngày mặt trời từ phía biển sinh ra
Thỏ thẻ nắng tìm về với núi,
Trẻ con có bao giờ nói dối?
Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày…
Chúng ta lớn thêm khuôn mặt cũng đỏ gay
Trời đổi tính, hồn nhiên giờ đã cạn,
Sống để hít thở niềm tin
Chứ lạ gì
Kim đồng hồ tham lam vô hạn
Mắt em không buồn, ngày có lạ được không?
Một người đang yêu trời cũng có cầu vồng
Mình mắc cạn trong mắt ai quen lắm,
Sỏi nhớ, lòng quên, bàn chân xao xác
Mùa cũng như sông thấp thỏm từng ngày.
Lạ lùng nhặt được ta dưới chín tầng mây,
Ngày lại ngày
Mải đợi em
Mà đội trời, đạp đất.
SỚM XUÂN
Cách một nhành hoa là chạm tết
Thế mà em bươn chải cả năm trời,
Cách bàn tay em điều nuối tiếc
Anh cũng lao đao nửa cuộc đời.
Thì vẫn có nhành hoa nở vội
Em cắm xong ngắm nghía, chợt giao thừa,
Anh xa tắp về trong ý nghĩ
Sợi tóc bạc vào thương nhớ xưa.
Có một sớm xuân sân chùa vắng
Môi khép hờ
nhắm mắt
rũ câu kinh…
24/1/2023
Bình Nguyên Trang
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét