Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Năm Mão kể chuyện miêu thần

Năm Mão kể chuyện miêu thần

Đúng là Sắc răng, chuột dễ cắn được cổ mèo! Nói thì dễ, làm mới khó! Kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa. Rốt cuộc vẫn là: Mèo ăn thịt chuột, trừ hại cho dân. Lẽ thường xưa nay, vĩnh viễn như vậy!
Trong lục súc (sáu con vật nuôi trong nhà: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn) không có tên con mèo. Tuy nhiên, không phải vậy mà trong thực tế con mèo không có vị thế quan trọng trong đời sống của những cư dân trồng trọt. Ngược lại, nhờ tài bắt chuột bảo vệ lương thực, mùa màng mà mèo đã được con người thuần hoá từ 1.500 năm TCN. Bài tập đọc của học trò lớp đồng ấu xưa có câu Miêu bộ thử, cẩu khán gia, ngưu canh điền, mã vãn xa, hùng kê năng minh minh…, nghĩa là: mèo bắt chuột, trâu cày ruộng, ngựa kéo xe, gà trống gáy báo sáng…Theo đây, nhiệm vụ bắt chuột của mèo được đặt ngang hàng với công việc của những con vật có tên trong lục súc. Thậm chí dân gian cho rằng, diệt chuột là một sứ mệnh đặc biệt mà nhà Trời đã giao cho mèo.
Truyện cổ Miêu thần hay sự tích chuột và mèo kể rằng, mèo và chuột vốn là hai vị Thử thần và Miêu thần trên Thiên đình (thử trong tiếng Hán có nghĩa là chuột). Thử thần vốn là vị quan thanh liêm, giữ chức Thiên khố giám (trông coi kho lẫm nhà Trời). Do thấy của cải nhà Trời nhiều không kể xiết, Thử thần nảy sinh lòng tham, thường hay trộm cắp, bớt xén, nên bị Ngọc Hoàng bãi chức và đày xuống trần gian, hóa kiếp làm con vật tý hon, mồm nhọn, răng sắc, đuôi dài, sống chui rúc trong các xó xỉnh, cống rãnh.
Sau khi bị đày xuống trần, Thử thần vẫn chứng nào tật ấy, ngày đêm lục lọi, đánh chén, phá phách tất cả những thứ của cải do con người làm ra. Loài người hết sức căm giận, tìm trăm phương ngàn kế để mong diệt hết họ hàng nhà chuột, mà không xuể. Con người kêu với Thổ công. Thổ công lại tâu trình lên Thiên đình. Ngọc Hoàng thượng đế tức khắc phái Miêu thần xuống trần gian để giúp loài người ngăn chặn sự đục khoét của Thử thần.
Tương truyền, khi được Ngọc Hoàng sai xuống trần gian diệt trừ giặc chuột, Miêu thần lo lắng tâu bày:
– Tâu bệ hạ, họ hàng tên Thử thần bây giờ đông vô kể. Lại nghe nói chúng nhỏ bé mà cực kỳ ma quái, có tài xuất quỷ nhập thần. Bởi thế, thần e rất khó để trừ được mối hoạ này.
Ngọc Hoàng dụ rằng:
– Trẫm sẽ thu nhỏ vóc dáng của ngươi lại để có thể dễ dàng luồn lách lùng bắt bọn thử tặc, lại ban cho ngươi gân cốt cứng cáp, võ thuật cao cường, móng vuốt sắc nhọn, có khả năng leo trèo, chạy nhảy, vồ, tát như chớp, mắt nhìn xuyên đêm, chân đi như gió lướt, lai vô ảnh khứ vô hình, có thể tóm bắt bọn trộm cắp ngay cả trong đêm tối.
Xuống trần gian, Miêu thần ăn ở cùng nhà với con người, ngày đêm cần mẫn diệt trừ nạn chuột, bảo vệ của cải mùa màng. Từ đây, ở đâu có mèo thì ở đó chuột không dám tự do cắn phá. Người biết ơn mèo, nên cho ăn uống trong đĩa bát, mỗi bữa ít nhiều đều có cá thịt. Đêm đông rét mướt, mèo còn được chung chăn với người.
Mèo có ngoại hình rất giống hổ, nên dân gian mệnh danh là “tiểu hổ”. Tuy nhiên, hổ lại được các nhà khoa học xếp vào họ nhà mèo, và dân gian cho rằng, chính mèo mới là kẻ đã dạy võ cho hổ. Bởi thế, hổ có nhiều tập tính y hệt mèo: ngày lười biếng ngủ vùi, đêm xuống mới vươn vai thức dậy bắt đầu cho cuộc săn đẫm máu… Hổ không đi săn theo bầy mà độc lập tác chiến, “xuất quỷ nhập thần” hệt những gì…sư phụ mèo đã dạy. Nào lựa chọn mục tiêu, rạp mình tiếp cận con mồi; hoặc thu mình, quan sát không chớp mắt, kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ…. Khi vừa tầm bật nhảy mới bất ngờ thực hiện cú vồ chí tử khiến đối phương không kịp trở tay!
Tương truyền, vì mèo nhận thấy kẻ học trò sở hữu sức mạnh vô song, mà bản tính lại độc ác, tráo trở, nên còn ngón võ cuối cùng là leo trèo, “sư phụ” mèo đã không truyền dạy cho hổ, phòng khi kẻ hung bạo này phản thầy. Bởi thế, tuy trong thực tế chúa sơn lâm vẫn leo trèo được, nhưng vì “học lỏm” nên ngón nghề không giỏi.
Mèo có vóc dáng bé nhỏ, nhưng gân cốt rất dẻo dai, lại sở hữu nhiều tuyệt chiêu võ công trời phú. Bởi thế, đến cả con người cũng phải bắt chước các thế võ của mèo, gọi là Miêu quyền, như bộ pháp: bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển; thân pháp: thân hình mềm mại, linh hoạt; tấn pháp: thế rình mồi tiềm tàng kín đáo như hổ phục; thủ pháp: kiên nhẫn chờ đợi đối phương sơ hở; công pháp: tập trung sức lực ra đòn quyết định, bất ngờ, chính xác, dũng mãnh…
Nguồn thức ăn của mèo khá phong phú. Ngoài chuột, mèo còn săn bắt cả cá đồng và các loài chim nhỏ, thậm chí là thằn lằn, ếch nhái và côn trùng… Trong đó, chuột không đơn thuần là nguồn thức ăn, mà còn là kẻ thù truyền kiếp của mèo. Hễ thấy bóng dáng chuột, dù đã “no xôi chán chè”, mèo vẫn ra tay hạ thủ không thương tiếc!
Tạo hoá sinh ra chuột, rồi lại sinh ra mèo để cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, trong tư duy của dân gian, đó là cả một câu chuyện ly kỳ. Người xưa đưa ra nhiều cách giải thích về mối “thâm cừu” của mèo đối với chuột.
Chuyện kể rằng, một ngày kia, Ngọc Hoàng sai mèo báo cho các loài cầm thú lên trời để được sắp xếp thứ tự theo lịch pháp. Chuột ranh ma nghe trộm được, vội lẻn lên trước, nên được Ngọc Hoàng xếp cho đứng đầu 12 con giáp. Còn mèo là kẻ đi loan tin, thì lại phải chịu đứng thứ tư, sau Tí, Sửu và Dần. Mèo vô cùng căm giận, nên từ đây sinh ra mối thâm thù với chuột.
Truyện cổ dân gian Trung Quốc Lão thử thú thân (Đám cưới chuột) lại cho rằng, sở dĩ chuột mãi mãi là đối tượng săn bắt của mèo là do quan toà đã phán quyết như vậy.
Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, có một đám cưới chuột tổ chức vào buổi tối ngày mùng 8 tháng Giêng. Hai bên đường chăng đèn kết hoa lộng lẫy. Tân nương chuột đầu đội mũ hoa, mặc áo hoa, ngồi trong kiệu hoa do bốn con chuột tráng đinh khênh kiệu. Chuột tân lang có cả phù rể dẫn đường, tiền hô hậu ủng, chiêng trống vang lừng. Đang lúc tất cả cùng nói cười vui vẻ, chuột tân lang thấy không ai để ý bèn nhảy vào ăn vụng thóc của người. Lập tức chú rể chuột bị mèo gác kho tóm gáy. Tiếng kêu cứu vang lên ầm ĩ. Quan khách thấy chuột bị mèo bắt ngay trong đám cưới thì vô cùng phẫn nộ. Vụ việc lập tức được trình lên quan Chuột. Quan yêu cầu mèo phải phóng thích chú rể chuột ngay lập tức. Tuy nhiên, mèo thẳng thừng khước từ. Đôi bên tiếp tục trình lên quan huyện. Sau khi nghe mèo và chuột trình bày đầu đuôi sự việc, quan lớn phán rằng: Chuột tân lang ăn trộm lương thực, xét về lý cố nhiên là phạm tội. Tuy nhiên, sự việc xảy ra đúng ngày đại hỷ, cả đời nó chỉ có một lần. Thế nên xét về tình, bản quan tha cho hắn.
Trớ trêu thay, đúng lúc tuyên án, thì chú rể chuột bỗng lên cơn ngứa răng. Chàng ta cắn ngay vào ống quần của quan toà. Vị quan vừa tuyên chuột vô tội, tức giận mắng rằng: “Đồ hỗn xược! Đúng là giang sơn dị cải, bản tính nan di!”. Nói đoạn, quan cải phán: “Lão thử bị tróc, tội hữu ưng đắc; miêu ngật lão thử, vị dân trừ hại, thiên kinh địa nghĩa, vĩnh viễn như thử”, nghĩa là: Chuột kia bị bắt, tội đáng phải chịu! Mèo ăn thịt chuột, trừ hại cho dân. Lẽ thường xưa nay, vĩnh viễn như vậy!.
Hàng ngàn năm qua, chuột luôn là nguồn thức ăn của mèo. Họ hàng Thử thần đấu tranh sinh tồn bằng cách ngày càng trở nên tinh quái, đồng thời sinh con đàn cháu đống để bù lại số lượng bị giết. Mặt khác, chúng còn biết “cương nhu tuỳ thời”…
Truyện cổ dân gian Đám cưới chuột (Lão thử thú thân) của Trung Quốc, hay tranh dân gian Đám cưới chuột (Lão thử thủ thân) của Việt Nam chính là kiểu “đấu tranh ngoại giao” của chuột. Chúng chủ động cống nạp, cầu thân để “tìm kiếm hoà bình”.
Theo một cách khác, họ nhà chuột cũng không từ bỏ ý đồ khống chế, tìm cách “vô hiệu hoá” võ công của mèo. Truyện ngụ ngôn Đeo chuông cho mèo kể rằng, một hôm họ hàng nhà chuột triệu tập hội nghị bàn cách đối phó với mèo. Một con chuột nhắt tiến lên hiến kế: “Sở dĩ chúng ta bị tóm gáy là bởi bọn mèo có tuyệt chiêu “lai vô ánh khứ vô hình”. Bây giờ, hãy đeo cái chuông vào cổ mèo. Nó đi đến đâu chúng ta đều nghe thấy và sẽ dễ dàng lẩn trốn”. Lời đề nghị này được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, coi là diệu kế. Thế nhưng, một con chuột già đứng dậy từ tốn hỏi: “Tốt lắm, vậy ai sẽ là người đeo chuông vào cổ mèo?”. Chỉ nghe đến vậy, từ chuột cống đến chuột nhắt, chuột đồng…tất cả đều rụng rời tay chân. Duy có lão chuột chù – kẻ hôi hám đến mức thường khi mèo phải tìm cách tránh mặt – lãnh nhiệm vụ treo chuông cổ mèo. Ấy thế nhưng vừa thoáng thấy bóng mèo, chuột chù đã hồn xiêu phách lạc, quẳng chuông mà chạy!
Đúng là Sắc răng, chuột dễ cắn được cổ mèo! Nói thì dễ, làm mới khó! Kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa. Rốt cuộc vẫn là: Mèo ăn thịt chuột, trừ hại cho dân. Lẽ thường xưa nay, vĩnh viễn như vậy!.
30/1/2023
Hoàng Tuấn Công
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...