Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

 

Vườn xuân nương náu

“Ông vua chuối gặp ông tướng kẹo

Nói chuyện thơ Kiều

Vui sướng biết bao nhiêu!”

Chưa ngơi việc cuối năm là ông Thạnh đã hối Quân đưa ông lên nhà bác Viên chơi. Chuyện xây dựng thương hiệu, rồi đóng gói xuất khẩu… còn đăng đăng đê đê mà ông Thạnh kêu bỏ hết, sau một cuộc điện thoại của bác Viên. Mặc cho Quân nhăn nhó, điều đình cha hoãn lại ít hôm, ông Thạnh vẫn không nhượng bộ. Lý do là: Mọi năm bác Viên vẫn về vườn nhà mình chơi, năm nay bác yếu rồi, mình phải lên đó thăm bác trước tết. Trong lúc Quân đánh xe ra sân, ông Thạnh hớn hở chống ba toong  đứng đợi, sau khi ngắm vuốt đầu cổ, tóc tai và vẫy tay chào hai đứa cháu. Hai đứa con của Quân – vì “truyền thống” lấy vợ muộn của gia đình mà cháu trai mới mười hai, cháu gái lên tám – véo von vẫy tay chào ông nội: “Ông vua chuối gặp ông tướng kẹo/ Nói chuyện thơ Kiều…” Khỏi phải nói vẻ mặt vui sướng của người ông U80. Anh bước xuống, mở cửa xe đỡ cha lên ghế trước, nhưng vẫn không quên cằn nhằn:

– Ba, sao ba cứ cho tụi nhỏ hát cái bài đó, để bà con xóm giềng hiểu lầm nhà mình. Con ngại lắm!

Ông cha tủm tỉm chỉnh trang lại dung mạo trong lúc đợi con trai ngồi vào ghế xe bên cạnh.

– Ngại gì mà ngại. Bài hát này có từ hồi giải phóng, mấy ông già ở Biên Hòa ai cũng biết…

– Thì ba với mấy bác lâu lâu gặp nhau nhắc lại không sao… – Anh chống chế.

– Bay thì biết gì hả con? Hồi đó bay còn nằm trong đầu gối của ba nè, chuyện dài lắm…

“Có gì mà không biết, chuyện của mấy ông già gân…” Quân lầm bầm trong họng một mình, nhìn cha vui như được đi trẩy hội mà cười thầm.

***

Cái ngõ quen thuộc đầy những phong rêu, là vì bác Viên thích vậy cho giống không khí điển tích xưa. Gia chủ đang ngồi đợi ở nhà thủy tạ trên cái hồ xinh xinh, Quân định dìu cha qua cây cầu mang tên “Lam Kiều” trứ danh lên nhà thủy tạ rồi chuồn đi lo công việc, nhưng bị anh Trọng vẫy lại. Trên bàn bày trà, bánh mứt, các cột trụ xung quanh trang trí câu đối, dán hoa đào hoa mai giả đậm đà không khí tết lắm rồi. Hai ông già hỉ hả gặp nhau, tay bắt mặt mừng, đọc liền mấy câu vịnh Kiều làm cho mặt hồ như sáng láng hẳn ra, chùm hoa cát đằng tha thướt hơn và cả giàn mướp đương hoa cũng lung linh như tranh, như vẽ. Hai ông con bấm nhau bước ra vườn. Anh Trọng cười cười:

– Cuối năm chắc vất vả nhiều em hả? Dạo này sức khỏe ba em tốt không, chắc ông vẫn phải lo giúp em một số công việc chứ đâu đã được nghỉ.

– Dạ đúng vậy. Ông vẫn bệnh rề rề, mất ngủ triền miên. Nhưng từ hôm qua em hứa đưa ông lên đây chơi là ông ăn ngủ ngon lành.

– Chà chà, ba anh cũng vậy. Mà kể cũng lạ… Một ông làm kỹ sư, một ông làm nông dân, mà gặp nhau chẳng bao giờ nói chuyện chuyên môn, cứ vịnh Kiều, lẩy Kiều, rồi lại còn lập hội nhóm “yêu truyện Kiều” gì gì nữa… Ba anh đang đợi các cô, các chú trong nhóm đến chơi, sinh hoạt. Nên em có việc gì thì cứ chuồn đi, chiều về đón ông…

– Dạ em biết rồi. Mà Vân đi đâu, không thấy vậy anh?

– Nó đưa con đi lấy bằng lái. Thằng nhỏ chắc mai đây làm tài xế cho mẹ luôn em ạ. Anh thì phải ra sân bay, nên chia tay em nghen!

Thế là để mặc cho “lầu Ngưng Bích” của các cụ già đón xuân sớm trong ồn ào, vui vẻ, hai ông con mỗi người một hướng đi lo công việc trong ngày. Quân luôn yên tâm vì cha gặp bác Viên như cá gặp nước, luôn vui khỏe hẳn ra. Hai người cha có rất nhiều “điển tích chung”, từ cuộc gặp gỡ đầu tiên cách đây gần 50 năm, cho đến chuyện lập gia đình, chọn công việc hay nơi ăn chốn ở, cho đến cả việc đặt tên cho con cháu… Hầu hết hai ông đều chọn cách bói Kiều. Mỗi khi gặp chuyện lớn trong đời, ông này dặn ông kia tắm gội cho sạch sẽ, giữ tâm bình lặng rồi tìm chỗ yên tĩnh mở Truyện Kiều ra… xin một quẻ. Quân đã từng hỏi ông Thạnh: -Sách phán sao là ba và bác Viên làm vậy hay sao? – Ừ thì làm chứ sao! Ông Thạnh đáp. – Thế lỡ trúng câu gì không tốt, có nội dung tiêu cực thì sao ba? -Truyện Kiều không có câu nào không tốt cả – Ông Thạnh nói chắc như đinh đóng cột – Chỉ có hậu thế khi không hiểu tinh thần của đại thi hào Nguyễn Du thì mới luận ra không tốt thôi… Anh Trọng tiết lộ với Quân:

– Em đừng có lo, các cụ thuộc hết Truyện Kiều rồi, chả bao giờ dại “gieo duyên” vào mấy chỗ các cụ không thích đâu.

Còn cái tích “Ông vua chuối gặp ông tướng kẹo” thì con cháu hai gia đình thuộc nằm lòng, cả bạn bè hai ông cũng không thể quên, vì được nghe nhắc lại thường xuyên. Đó là sau trận Mậu Thân, ông Viên đang học ở Học viện Quốc gia Kỹ thuật (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh hiện nay) thì bị sung quân, nhưng chỉ sau một trận vây ấp chiến lược ở Hưng Lộc là bị rơi vào bẫy của quân giải phóng. Thời ấy, nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai là vùng “xôi đỗ”, người dân che mắt chính quyền Việt Nam cộng hòa, nuôi giấu bộ đội sau những lũy tre, vườn chuối; ban ngày chẳng thấy động tĩnh gì, nhưng ban đêm thì tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí… đủ hết. Ông Viên bị gãy chân nằm trong vườn chuối, gặp được ông Thạnh trồi lên từ dưới hầm. Hai ông đã ở bên nhau hơn một ngày một đêm, để bàn cách đưa ông Viên trở về mà cơ sở của ông Thạnh không bị lộ. Cuối cùng ông Thạnh bày cho bọn trẻ con chơi đánh trận giả, lấy lá chuối ngụy trang, đưa ông Viên lên xe bò cùng với mấy thân cây chuối, mấy bao cỏ và phân bò đánh tháo ra đường lộ. Đó cũng là cách để ông Viên được đưa đi chữa bệnh rồi giải ngũ luôn, vì bản thân ông ghê sợ, chán ngán dù được nhận hàm sĩ quan để “tưởng thưởng” cho cái chân bị gãy. Quân và anh Trọng từng hỏi hai người cha:

– Thế thì sao lại gọi bác Viên là tướng kẹo? Phải gọi ngược lại mới hợp lý câu chuyện chứ!

– Gọi bác Viên là “tướng kẹo” vì sau khi giải ngũ, bác Viên tiếp tục đi học rồi làm kỹ sư hóa thực phẩm, chuyên về chế biến bánh kẹo – ông Thạnh giải thích – Thật ra thì cái danh “Tướng kẹo” nhận được cũng gian nan lắm, vì khi bác Viên ra trường thì đất nước thống nhất, khu kỹ nghệ Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) hầu như không còn kỹ sư giỏi vì họ không đi di tản thì cũng tìm cách vượt biên. Tài liệu sản xuất, vận trình máy móc bị tiêu hủy hoặc thất lạc. Kỹ sư Viên mới nhận nhiệm sở vài tháng thì đất nước giải phóng, bác ấy phải chọn lựa việc đi theo gia đình hay ở lại, và chọn lựa việc tiếp tục làm việc đúng ngành nghề, hay đi tìm việc chỗ khác dễ sống hơn?! Và sự lựa chọn của bác thì các con đã biết, bác ấy phải mày mò biết bao năm để có những công thức bánh kẹo để xuất khẩu hàng loạt, đến giờ vẫn được các công ty chào đón, mời hợp tác…

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

– Chú Thạnh làm “vua chuối” vừa ly kỳ, vừa trùng hợp nhiều thứ – ông Viên vốn kiệm lời, song cứ có dịp là nhắc – Chú ấy cũng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hẳn hoi, nhưng đã gác bút nghiên để vào bộ đội. Lúc còn trong quân thì nằm vùng ở vườn chuối, đến khi lập nghiệp cũng gắn liền với cây chuối. Sau giải phóng, có một thời ba đã kéo chú Thạnh về cùng công ty, để tính đến việc xuất khẩu kẹo chuối, vì cả hai anh em nhận định cây chuối sẽ là thế mạnh của Đồng Nai, và phải tạo ra nhiều sản phẩm để giải quyết mặt hàng này. Nhưng thời ấy bánh kẹo đưa ra thị trường không thành công, vì dân mình còn nghèo, ít có nhu cầu về bánh kẹo. Xuất khẩu thì gặp vô cùng nhiều khó khăn, nào là cấm vận kinh tế, nào là hàng rào thuế quan, nào là chỉ dẫn địa lý, nào là mở cửa chính ngạch… Ông Thạnh từ một thanh niên Hà thành anh tuấn trở thành nông dân chính hiệu, suốt đời trồng chuối, nuôi bò; rồi sau đó lá chuối nhiều quá thì làm thêm nghề nấu bánh chưng bánh tét. Vua chuối là cái tên người dân ở trong ấp chiến lược năm xưa đặt cho, vì chú chỉ cách cho bà con trồng chuối lên rất tốt, cho lá đẹp, quả ngon. Chỉ mấy năm gần đây, tỉnh mình trở thành số một về chuối trong cả nước thì chú ấy nghiễm nhiên làm… vua chuối, một cách danh chính ngôn thuận luôn.

– Vậy lúc đụng độ nhau ở ấp chiến lược, giáp mặt nhau trong vườn chuối, thì chú với tía cháu đã nói chuyện gì mà thành bạn được với nhau? – Trọng hỏi ông Viên.

– Lúc đó à? Hai bên mượn Truyện Kiều để bày tỏ lòng mình, thấy hợp nhau mới trò chuyện cùng nhau…

– Vậy ba và chú Thạnh có gieo quẻ tình bạn không? Đó là câu thứ bao nhiêu của Truyện Kiều…

– Có chứ – cả hai ông đồng thanh trả lời, rồi ông Thạnh nói tiếp: Câu đó là… Thôi để đó đi, chuyện của chú và bác Viên còn dài…

***

Ngồi trên xe Quân nhận được điện thoại của mẹ:

– Hai cha con đi không đợi mẹ chuẩn bị bánh trái gửi lên cho bác Viên à? – Anh ậm ừ:

– Dạ, tại mẹ bận việc quá, lại còn đang ở tận Định Quán. Con và ba đi Biên Hòa chưa tới hai tiếng đồng hồ, câu nệ bánh trái làm gì…

– Lần sau phải để mẹ chuẩn bị chút ít quà, dù sao cũng là tình sâu nghĩa nặng, con biết không. Nghe nói bác Viên hơi yếu hơn trước rồi, lẽ ra mẹ phải đi cùng ba mới phải…

Nghe mẹ nói, Quân thở dài. Ừ thì chuyện của ba và bác Viên luôn còn dài, nhưng vì vậy mà tương lai có còn dài không? Bác Xuyến mất mấy năm nay rồi, chuyện quà bánh phiên phiến thôi vì có ai ngó đến đâu… Vừa lái xe đi công việc, Quân vừa thầm nghĩ. Cả đến tên của anh cũng lấy từ Truyện Kiều, nhưng thay vì là Quan trong Vương Quan thì cán bộ hộ tịch phết thêm một dấu mũ thành ra là Quân. Trọng thì may sao không phải là Kim, mà là Quốc Trọng. Hai nhà không có Thúy Kiều, chỉ có Thúy Vân – là em gái Trọng. Bác Xuyến vốn là cô thôn nữ trong vườn chuối năm ấy, thấy anh sĩ quan trẻ tuổi hào hoa bị gãy chân đã tình nguyện băng bó, chăm sóc hơn một ngày trời. Khi ông Viên bị đẩy lên xe bò chất đầy cỏ và phân bò thì bà nhìn theo mà đứt ruột, chỉ sợ kế hoạch bại lộ… Hơn 5 năm, ông Viên chấm dứt đời sĩ quan, đi học, rồi thất nghiệp, đói ăn, tìm về Hưng Lộc thì bà vẫn ở đó. Hai người gặp lại nhau tình yêu sét đánh, ông khăn gói quay trở lại công ty, vừa làm kẹo vừa làm thuê đủ thứ để nuôi vợ con. Thêm cả ông bạn trẻ là ông Thạnh cha của Quân sau này. Mọi sự cũng chỉ vì hai câu thơ ông Viên đọc ở vườn chuối: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời – đinh ninh hai mặt một lời song song”…

Nhưng sự đời vốn ngược. Mẹ của Quân lại là cô giáo, từ chỗ dạy tiểu học đã vừa học vừa làm lấy được bằng thạc sĩ. Ông Thạnh ba mươi lăm tuổi gặp cô giáo ba mươi tuổi thì có vẻ không ưng lắm, nhưng nhờ bác Viên “đẩy thuyền”, gieo duyên, bói Kiều sao đó mà hai người nên vợ nên chồng. Lập gia đình rồi bà vẫn ở lại thành phố dạy học, cuối tuần mới về trang trại với chồng. Rồi doanh nghiệp gia đình phát triển, ông Thạnh tối mặt tối mũi vào việc sản xuất thì bà nghỉ hưu sớm về giúp chồng với vị trí… Tổng giám đốc, vì những vấn đề hành chính, pháp lý vô cùng khó khăn đối với ông Thạnh, thì bà giải quyết gọn hơ. Tưởng rằng “loan phụng đoàn viên”, nhưng vì cây chuối vườn nhà trở thành thương hiệu lớn mà mẹ Quân lại phải đi miết. Có lúc anh ước, gia đình mình bình thường như mọi nhà khác, đừng có “đặc thù” quá thế này. Vì vợ anh noi theo gương mẹ chồng, giờ phấn đấu làm tới Chủ tịch xã. Nàng chẳng dùng điển tích, điển cố gì cả, chỉ thỉnh thoảng động viên anh: “Trong có ấm thì ngoài mới êm, anh làm trụ cột gia đình thì em mới yên tâm công tác, chúng mình làm đôi bạn cùng tiến nha!…” Hai đứa con anh đều được nuôi dạy theo kiểu “chiến binh thời bình”, biết tự giác, tự lập từ bé.

Ba giờ chiều, Quân định chạy sang ngân hàng để tham khảo thêm một khoản vay thì ông Thạnh gọi điện. Ông hối Quân về ăn cơm với nhà bác Viên, vì: “Thúy Vân nó làm đồ nhậu ngon lắm!”

Quân định thoái thác thì bác Viên gọi tiếp, nhắc anh phải về ngay không để phụ huynh phiền lòng. Anh đành quay xe, trở về khu vườn đầy những phong rêu giữa lòng thành phố Biên Hòa của bác Viên. Vân đang lúi húi trong bếp, cô quay sang đặt một dĩa thịt đông kiểu Bắc vào tay anh và nói nhanh: “Con mang lên cho hai ông!” Thấy anh ngớ người ra, cô mới nhận ra là mình nhầm:

-Ôi, em xin lỗi! Em cứ tưởng thằng con em, nó đứng ở đây nãy giờ, chạy đâu rồi không biết…

-Không sao Vân ạ, anh làm chân “chạy bàn” cũng siêu lắm đó.

Vân cười nhìn anh quay đi. Cô trạc tuổi anh, nhưng cứ gọi là anh từ nhỏ quen rồi. Thấy Quân mang mấy món ăn quen thuộc lên bàn, ông Viên lại nói với ông Thạnh:

-Giá như tôi với chú làm sui gia với nhau, thì đỡ vả bao nhiêu. Cuộc đời chúng mình qua bao nhiêu cuộc bể dâu, đến đời con cái lại chẳng rút được tí kinh nghiệm gì, đúng với câu Kiều: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”… Chú ạ!

Ông Thạnh gật gù hớp một miếng rượu, nhưng vừa thấy Quân, ông vội đặt ly xuống, chắc là sợ con rầy đã bị cao huyết áp mà còn uống. Ông Viên tủm tỉm cười:

-Nói vui thế thôi, chứ ngày đó gia đình anh khổ đến nỗi phải gửi con Vân về nhà chú, hai đứa nhỏ lớn lên cùng nhau, duyên trời cho làm anh em, giống như chúng ta là huynh đệ vậy. Cũng nhờ chữ duyên, mà sau bao nhiêu năm, chúng ta vẫn là huynh đệ tốt, vẫn còn được ngồi với nhau như thế này…

-Biết vậy, nhưng vẫn thương người không thể có mặt. Chữ duyên kia… cũng có năm bảy đường anh ạ!

Quân nghe vậy thì cười cười ngồi xuống, cụng ly hai ông già một cách hơi suồng sã:

-Ba nhắc mẹ à? Mẹ mới gọi điện đó…

-Mày… Im lặng! – Tự nhiên bác Viên chỉ tay về phía Quân, lừ mắt giận, có vẻ như đã say lắm rồi. Trong cảm nhận của đứa con trai vốn sợ cha từ nhỏ, Quân thấy có điều gì không bình thường. Anh quay lại hỏi cha:

-Ba! Có chuyện gì vậy ba?

-À thì… Chuyện đời vốn dài lắm mà, tụi mày thanh niên để ý làm gì.

Ông Thạnh liền nói ngang, nhưng nước mắt ngập tròng, quay đi không kịp.

***

Trời sập tối lúc nào không biết. Anh em, chú cháu tạm rời nhau dưới ánh đèn vàng trong khu vườn rườm rà cây lá, dìu dặt gió và hương thơm. Theo phân công của bác Viên, Vân sẽ chở ông Thạnh bằng xe của mình, còn con trai Vân chở Quân về nhà bằng xe của Quân; sau đó hai mẹ con sẽ về lại Biên Hòa. Khi cha mình đã ngồi vào xe, bên cạnh Vân, Quân vẫn vùng vằng nắm tay ông Viên và nằn nì nói với ông:

-Bác ơi, vì sao ba con đang vui lại buồn như vậy? Có chút uẩn khúc gì, con có được biết không?

Ban đầu ông Viên xua tay, như thể không có gì đáng nói. Nhưng nhìn vẻ mặt tội nghiệp của Quân, lại nhìn thấy gương mặt teo héo của ông Thạnh trong xe, những nét đẹp trời cho thời trẻ nay chỉ còn lại những nét buồn xa xăm, tự nhiên ông mủi lòng vỗ vai Quân mà nói:

– Thôi được, con là đứa con duy nhất của ông “vua chuối”, thì ngoài câu hát nằm lòng: “Ông vua chuối gặp ông tướng kẹo / Nói chuyện thơ Kiều / Vui sướng biết bao nhiêu!”… cũng phải biết vì sao ông “vua chuối” lại thường khóc một mình. Ông Thạnh cha con và dì Xinh em gái bà Xuyến vốn là một cặp kim đồng ngọc nữ, hai người rất yêu nhau song cha con lại rụt rè vì nhà nghèo, mồ côi, họ mạc ở xa. Sau khi bác và bác Xuyến nên vợ nên chồng, dì Xinh lại nghe lời bói toán, bị một thằng bất lương dụ dỗ nên đã gom hết tiền vàng đi vượt biên, cuối cùng bỏ mạng ngoài biển. Cha con đau buồn đến nỗi không thể yêu ai suốt một thời gian dài. Lẽ ra bác và cha con đã là anh em cọc chèo rồi, nhưng trời không cho. Cha mẹ bác Xuyến và dì Xinh suy sụp, chàng rể hụt tình nguyện ở lại chăm sóc cho đến khi ông bà về thế giới bên kia, rồi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chuyện là như vậy đó con à. Bác và bác Xuyến còn nợ cha con một ân tình. Mãi sau này gặp được mẹ con, cha con mới chịu… từ giã đời trai…

– Con hiểu rồi, nhà con vẫn làm giỗ cho ông bà và dì Xinh… Mà chẳng ai nói cho con biết…

– Cha con nhạy cảm lắm, hay tủi thân tủi phận khóc một mình, nên mọi người tránh nhắc đến dì Xinh. Con thông cảm cho cha, đó là mối tình sống để dạ, chết mang theo, vì cha con không muốn mẹ con bị tổn thương. Nhưng thực ra mẹ con biết chuyện cũng lâu rồi.

Ông Viên ôm choàng lấy Quân một hồi rồi đẩy anh vào xe. Anh khom người ngồi vào ghế sau, mơ hồ nhận thấy nụ cười dịu dàng của Vân dành cho cha mình, cũng giống hệt như cô cười với bác Viên. Con trai Vân cất tiếng: “Con chào ông ngoại!”, rồi cho xe nổ máy. Bác Viên thò đầu vào xe, nói với Quân bằng một giọng bỗng dưng khản đặc:

– Quân à, con nhớ câu Kiều này, tối về đọc cho ông Thạnh nghe: “Tưởng bây giờ là bao giờ / Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. Đường đời sau này còn dài lắm, sự nghiệp của “vua chuối” vẫn còn nặng nợ nhiều lắm. Con nói cha mẹ con luôn cố gắng không được buông lơi nghen!.

26/1/2023

Trần Thu Hằng

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...