Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Cọp mèo chuyển giao

Cọp mèo chuyển giao

Năm cũ Nhâm Dần vừa qua. Năm mới Quý Mão đã đến. Trân trọng giới thiệu bài viết “Cọp mèo chuyển giao” của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên…
CỌP. Thưa thầy, em đến chào tạm biệt thầy và chuyển giao cho thầy năm mới sắp tới.
MÈO. Ngại quá, anh cứ gọi thầy làm tôi thấy ngại. Anh thì to lớn dũng mãnh thế, còn tôi nhỏ bé gầy gò. Mà thực ra tôi có dạy anh được gì đâu.
CỌP. Thầy cứ nói thế. Giống người có cái câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là rất đúng. Thầy dạy em nhiều chứ. Không nhờ thầy thì em to xác mà có biết vận động linh hoạt uyển chuyển được đâu. Không có công thầy dạy bảo thì làm sao em có thể “Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng” như cái ông nhà thơ Thế Lữ ở nước Nam đã viết.
MÈO: Đành là có thế, nhưng tôi quanh đi cũng chỉ có độc một bài là “mèo bắt chuột”. Nhưng anh ra đời thì làm được bao nhiêu việc kinh thiên động địa. Một tiếng gầm của anh đã đủ làm muôn loài khiếp sợ. Nanh vuốt của anh mà giương ra thì ai cũng co rúm lại. Thôi, tôi không dám nhận là thầy của anh đâu.
CỌP. Em biết, thầy dạy em, nhưng thầy cũng sợ em. Nên trong các môn cơ bản của loài thú vận động thì thầy chỉ dạy em môn chạy thôi, chứ không dạy môn leo trèo và nhảy cao. Vì thế có lần em hỗn hào đuổi đánh thầy may thầy nhờ biết nhảy lên cao nên đã thoát được nanh vuốt của em. Tội đó của em rất lớn, rất nặng. Em xin lỗi thầy và cũng không dám trách thầy giấu bài đâu ạ.
MÈO. Khổ, tôi đâu có giấu bài anh. Cũng không phải là tôi dành bài để dạy thêm cho những ai đi học thêm. Mà hồi đó có ai dạy thêm học thêm gì đâu. Chẳng qua tôi thấy cái môn leo trèo không hợp với tạng anh nên tôi không dạy. Mỗi người học có một năng khiếu, một sở trường, người dạy phải biết căn cứ vào đó mà dạy cái gì và không dạy cái gì. Anh xem, các con vật to như voi, cọp, sư tử thì không thể leo trèo được. Ngoại lệ có gấu thân hình phục phịch leo lên cây được một chút, nhưng chỉ là để với tới tổ ong thôi, chứ không thể trèo nhảy thoăn thoắt như các loài nhỏ bé chồn, sóc, khỉ, vượn. Tôi so với các loài đó cũng còn thua xa.
CỌP. Em biết chứ thầy. Có lẽ vì thế em nên cảm ơn thầy đã không dạy em môn leo trèo. Bảo là thầy phạt em cũng được, mà nói là thầy thương em cũng đúng. Chứ học xong em biết dùng vào việc gì. Tự nhiên đã ban cho mỗi loài một kỹ năng rồi. Chỉ có một điều em muốn hỏi thầy mà cứ đắn đo mãi, sợ nói ra là thất lễ với thầy.
MÈO. Có gì anh cứ nói, không ngại. Năm hết tết đến, mười hai năm chúng ta mới gặp nhau một lần để chuyển giao con giáp, chuyện hay chuyện dở, chuyện vui chuyện buồn gì ta cứ nói cùng nhau.
CỌP. Vâng, thầy đã nói vậy thì em xin thực tình. Lâu nay em cứ băn khoăn mãi là sao thiên hạ lại bảo thầy là “mèo lười”. Nói xin lỗi thầy, em luôn bực bội và cả xấu hổ nữa khi nghe ai đó nói ra hai tiếng đó.
MÈO. Họ nói đúng đấy. Tôi lười thực đấy. Thì tôi chỉ biết làm công việc của mình thôi, ngoài ra không biết việc gì khác. Không bắt chuột thì tôi chỉ còn việc nằm bếp, à đấy là nói ngày xưa còn bếp rơm bếp củi, chứ như bây giờ thì tôi được chăm bẵm, đến cả bắt chuột có khi cũng đã quên vì ở thành thị bây giờ làm gì có chuột trong nhà. Tôi lười thành ra như bản tính. Nói tôi dạy anh cũng chỉ để cho vui vậy thôi.
CỌP. Thầy không còn chuột để bắt, em nghĩ, đó là một điều tốt cho môi trường, sinh thái. Ấy là em nói theo từ ngữ của giống người hiện nay. Nhưng thầy không biết bắt chuột nữa thì lại là điều buồn, em xin mạo muội nói thế. Nói thầy tha lỗi, em vẫn còn nhớ bài ca dao mà trẻ con giống người hay hát: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”. Bài đó theo em hiểu là để nói cái sự hận thù đời đời kiếp kiếp của chuột đối với mèo vì họ nhà thầy đã truy đuổi họ nhà chúng đến kỳ cùng, tuyệt lộ.
MÈO. Tôi cũng thấy buồn cười và khó hiểu cho bài ca dao này. Hiểu như anh cũng là một cách. Lại có cách hiểu là đây nói họ nhà chuột muốn cúng giỗ cho họ nhà mèo để được buông tha săn bắt, giết hại. Hay còn có cách hiểu khác nữa là mèo và chuột bắt chân nhau, bỏ trò đuổi bắt “mèo vờn chuột”, cùng nhau “chung sống hoà bình”. Kiểu như tôi có dạy anh mà anh hư hỏng thì tôi cũng không cho anh điểm kém, không phạt tội anh, vì anh đã biết điều “muối mắm” với thầy, với trường.
CỌP. Thầy cứ đùa em. Được thầy cho phép, em hỏi thầy thêm điều nữa. Cái câu “Mèo già hoá Cáo” có ứng được vào việc dạy học của thầy không, ý là người thầy dạy lâu năm thì có kinh nghiệm dày dặn về chuyên môn, nhưng cũng rất khôn ngoan, lọc lõi trong việc đối nhân xử thế ở ngành mình.
MÈO. Anh hỏi thế là ra vẫn có ý trách tôi việc không dạy anh cái bài leo trèo. Khổ, tôi đã nói với anh rồi. Chuyện “Mèo già hoá Cáo” là có trong họ nhà tôi, nhưng không phải là với tôi. Tôi giờ chỉ biết “meo meo” thôi, có khi còn đói meo nữa.
CỌP. Thầy đừng nói thế mà phải tội em. Tuy trong mười hai con giáp người ta xếp em đứng sát trước thầy, nhưng em không bao giờ dám “vô sư vô sách”. Thưa thầy, năm 2022 của em đã hết. Năm 2023 của thầy đã tới. Mấy năm qua có con Covid-19 quái ác nó hành thiên hạ đến khủng khiếp. Nhìn cảnh giống người bị một loại virus nhỏ xíu không thể nhìn thấy làm cho chết chóc, khốn đốn, đến khoẻ như em cũng phải rùng mình, khiếp sợ. Năm của em mọi việc đang bắt đầu phục hồi. Chúc năm của thầy tình hình sẽ chuyển biến mềm mại, khả quan hơn nữa.
MÈO. Tôi cảm ơn anh. “Mèo nhỏ bắt chuột con”, việc gì cũng phải thận trọng, chắc chắn. Sợ nhất là họ cứ lôi tôi ra mà chửi “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”. Hẹn anh đến một vòng con giáp nữa ta lại gặp nhau, chuyển giao năm 2024 – 2035, khi đó chắc sẽ vui hơn.
Hà Nội, 29/12/2022
Phạm Xuân Nguyên
Nguồn: Tạp chí Hồng Lĩnh xuân Quý Mão 2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...