Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

"Gửi đến H…" cho thôi ám ảnh hay lại thêm nặng lòng

"Gửi đến H…" cho thôi ám ảnh
hay lại thêm nặng lòng?

Chúng tôi đọc bài thơ “Gửi đến H.” của nhà thơ Lâm Xuân Thi thấy có một sự ám ảnh lạ lùng! Câu chữ im im ngồ ngộ đầy vẻ ghị níu van nài nhưng mà ý tứ thì cứ vung tóe lên. Rất lạ.
Nhìn tổng thể, bài thơ được kết cấu gồm ba phân đoạn. Mỗi phân đoạn đều bắt đầu bằng cụm từ “gửi đến” như một hoạch định khoanh vùng, ấy là chia sẻ, là trút bỏ cho bằng hết những tâm tư xưa giờ nặng bám. Do vậy, ba phân đoạn ấy chia ra gần như cân bằng về mặt câu chữ nhưng lại chất chứa rất nhiều những tâm trạng khác nhau, lúc thì như bộc bạch mà van nài, lúc thì như giằng níu mong cầu, lúc lại như dõng dạc dứt khoát mà ẩn chứa dùng dằng vương mang…
Khổ một, nhân vật trữ tình “anh” phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để “gửi đến H…”. Xuất phát điểm của câu chuyện đã thấy có màu sắc rối rắm rồi. Người ta không phải ngẫu nhiên mà mượn kinh phật để nói chuyện, tình huống lúc mượn ấy phải có chi đó vượt mức bình thường. Thực tế không thể nói nhỏ với nhau được nữa thì người ta mới mượn kinh kệ để chuyển tải thông tin muốn truyền đạt; nhất lại trong chuyện tình yêu lứa đôi, điều ấy hẳn nhiên là chuyện cực chẳng đã nên mới phải mượn? Điệp ngữ “cho em” xuất hiện tới bốn lần trong một khổ thơ thì lẽ đương nhiên tác giả muốn nhấn mạnh điều gửi gắm ấy là vô cùng quan trọng. Thì kia, mong “cho em thôi sân si” là nhắm đến cái bản ngã con người chung; “cho em bớt kiêu kì” là nhắm đến tiếng nói bản chất thiếu nữ có trong nhân vật trữ tình “em”; “cho em đừng nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước” là nhắm đến bản chất tình yêu của “em” hay so đo mà thêm rắc rối, phiền não; và sau cùng “cho em quay về mặt đất” là nhắm đến mục đích rằng “em” hãy hiểu ra lẽ đời mà an yên trong cuộc sống bình thường.
Thế thì, tại sao nhân vật trữ tình “anh” lại hướng tới quá nhiều đối tượng như vậy trong khi phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để nói chuyện với nhân vật trữ tình “em”? Là bởi một mong cầu, mong cầu ấy hiển lộ ngay ở câu cuối của khổ thơ thứ nhất tha thiết mong “em” hãy “thôi là người cõi trên”. “Người cõi trên” ở đây là sao? “Cõi trên” theo ẩn ý tâm linh “ông lên bà xuống” hay là em đang ở quá xa anh bởi tâm tính con người “em” gần như hội tụ cả ba điều “sân si, kiêu kỳ” và chắc luôn luôn “nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước” mà làm cho “anh” đã và đang rất khổ tâm? Sự đa nghĩa của hai chữ “cõi trên” càng làm cho độc giả thêm hiểu hơn tâm trạng nhân vật trữ tình “anh”. Bởi thế, chắc có lẽ cực chẳng đã nên nhân vật “anh” mới đành phải mượn “mười bốn điều răn của Phật” để “gửi đến H” đó thôi! Những câu thơ bám vào sự thật mà ray rứt, mà mong cầu, mà hy vọng! Giọng thơ suy tư phảng phất nỗi buồn lặng lẽ có pha thêm vị cay đắng, xa xót của sự cố gắng vượt mức!?
Sang đến khổ hai, vẫn là kiểu thơ “gửi” nhưng ý thơ đã được làm cho mờ đi cái chất thực tế để sự dấp dính ảo diệu ló dạng “gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới”. Tại sao tự nhiên câu thơ lại có vẻ vô lí như thế? Sao gửi đi mùa mưa chưa tới? À, sự dồn nén cảm xúc, kí ức lên tiếng, trong đó có cả những hứa hẹn và mong chờ không bao giờ trở thành thực tại hòa vào nhau cùng cất lời. Bây giờ, nó vút lên da diết làm sao “gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới”, thành thử câu thơ như đu theo cái không gian “mùa mưa” của “Ca-li” mà giãn nở ra hết cỡ những ưu tư.
Thì đó thôi, tiếp đến là ý thơ như một lời xác nhận “một mùa xưa tôi bỏ lại sau lưng”. Sự dứt áo ra đi trong tâm thế đành phải chấp nhận nên mới có thể xuất hiện tâm trạng rụt rè “một người quen tôi không dám lại gần”. Khi đó, chúng tôi nhận thấy ý thơ đã bắt đầu thổn thức “xin đừng lau nước mắt/ và đừng ôm tôi chặt”. Hai chữ “đừng” như gián tiếp xác nhận sự buồn khổ trong tâm trạng dồn nén đến uất ức ở nhân vật trữ tình “anh”. Can ngăn “em” mà nào “em” có chịu nghe tôi đâu? Tôi dùng cả đến phương tiện gần như cao quý nhất trong cuộc đời là “mười bốn điều răn của Phật” để nói chuyện với “em”, để “em” quay lại “mặt đất” là cũng ẩn theo sự mong cầu “em” sẽ quay lại với tôi, với chúng mình mà nào có được! Ý thơ kìm nén hết cỡ nhưng tâm trạng lúc ấy của nhân vật trữ tình “anh” lại như chợt bùng vỡ, “đừng làm như tôi không biết buồn”. Thêm một chữ “đừng” nữa xuất hiện mà bao nhiêu òa vỡ đau đớn ào ra, một cách viết tâm tình nhỏ nhẹ, tác giả cố tình không trực tiếp miêu tả đến tâm trạng nhưng tâm trạng nhân vật trữ tình “anh” lại cứ chực ào ra, bùng phát khá độc đáo. Bên ngoài do bản lĩnh che đi nhưng bên trong tâm tình ấy là cả một bầu trời mênh mang nỗi lòng…
Do thế chăng mà câu thơ mở đầu khổ thơ thứ ba là câu thơ xác quyết chuyện tình đôi ta trước đây quá đẹp “gửi đến H. và Ca-li một chuyện tình không có thật/ anh bước ra từ cổ tích xưa”. Vì quá đẹp nên chuyện tình ấy chỉ có trong cổ tích mà thôi. Ý thơ đâu chỉ dừng lại ở đó, chính tình yêu đẹp như cổ tích ấy đã giúp cho nhân vật trữ tình “anh” có được một sức sống mới, dõng dạc đường hoàng “anh bước ra từ cổ tích xưa”. Sức mạnh tình yêu kia đem đến cho “anh” là có thật, nó “giống như anh mới vừa/ dang đôi cánh tình yêu/ bay qua miền kí ức”. Ký ức ấy cũng đẹp và đáng trân trọng biết bao.
Cuối cùng, một yêu cầu hết sức nhân văn và tha thiết “tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc/ xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…”. Song, dẫu có ám ảnh, có nồng nàn, có da diết, có làm cho “anh” từng bao nhiêu lần cầu xin này kia thì nó cũng đã qua rồi, đẹp đấy nhưng nó chỉ còn lại trong kí ức thì hãy cho nó ngủ yên trong kí ức “em” nhé! Mà kí ức có ngủ yên được không hay nồng nàn ám ảnh hơn khi kí ức luôn cục cựa lay nhắc chúng ta trong chiêm bao, trong cuộc đời? Chỉ vì nó như thế nên nhân vật trữ tình “anh” mới van xin nhân vật “em” thêm một lần nữa đó thôi: “Tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc/ Xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…”
Bài thơ “Gửi đến H.” như là tiếng lòng đơn phương trong sự luyến ái nam nữ buộc tình phải dứt áo ra đi mà vẫn tràn đầy tâm tư yêu thương nồng nàn, lưu luyến. Phía sau ấy là mong cầu nặng đầy chất nhân văn, hy vọng. Lời thơ nhẹ nhàng; giọng điệu tha thiết. Cả bài thơ là rất nhiều những tâm trạng đan cài (mong cầu, van vỉ, thổn thức, lưu luyến…), tất cả đã tạo nên một bài thơ tình buồn mà đẹp.
GỬI ĐẾN H.
Thơ Lâm Xuân Thi
Gửi đến H. mười bốn điều răn của Phật
Cho em thôi sân si
Cho em bớt kiêu kỳ
Cho em đừng nghĩ rằng mình là người đến sau hay đến trước
Cho em quay về mặt đất
Thôi làm người cõi trên
Gửi đến Ca-li một mùa mưa chưa tới
Một mùa xưa tôi bỏ lại sau lưng
Một người quen tôi không dám lại gần
Xin đừng lau nước mắt
Và đừng ôm tôi chặt
Đừng làm như tôi không biết buồn
Gửi đến H. và Ca-li một chuyện tình không có thật
Anh bước ra từ cổ tích xưa
Giống như anh mới vừa
Dang đôi cánh tình yêu
Bay qua miền ký ức
Tình hư ảo cũng cầm bằng hạnh phúc
Xin em đừng nhắc lại chuyện mai sau…
31/1/2023
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...