"Khúc tri âm" hay là tiếng lòng tìm tiếng lòng đồng vọng
TS. Lê Thị Hường
Trong căn phòng nhỏ đêm khuya,
giai điệu bản sonat của Beethoven làm ta lặng người: một chiều mưa, lời nhạc
Trịnh khiến lòng ta bâng khuâng; trong một quán nhỏ bên đường tình cờ những
khúc nhạc một thời của Văn Cao vọng lại làm ta bất ngờ. Và có thể giữa sóng
sánh trăng nước Hương Giang, dìu dặt, ngọt ngào một làn điệu ca Huế khiến lòng
xao xuyến. Giữa thị trường âm nhạc xô bồ hiện nay, may mắn thay vẫn có những
con người trên đất Huế, trên đất Việt và ở hải ngoại vẫn ý thức tìm về âm
nhạc cổ truyền Huế. May thay, tập lời ca Huế - Khúc Tri Âm đã trở thành một gạch nối mềm mại, một sự níu giữ dịu dàng giữa
Huế xưa và nay.
"...Với lòng yêu ca Huế
sâu sắc từ trong máu thịt, nhiều năm qua , trong bộn bề công việc của một nhà
thơ kiêm nhà quản lý văn nghệ, anh Võ Quê đã lặng lẽ, âm thầm sáng tác nên tập
lời ca Huế này" (Hồng Nhu, Lời giới
thiệuKhúc Tri Âm. Nhà xuất bản Thuận Hóa.
2000). Vâng. Khúc Tri Âm là tập lời ca Huế của nhà thơ
của "một thuở xuống đường" và trên hết là một nhà thơ nặng lòng với
Huế.
Đứng trên góc độ nghệ thuật âm nhạc, để
có một ca khúc hay, có sức lắng đọng và tạo hiệu quả cảm xúc thẩm mỹ phải phụ
thuộc vào nhiều yếu tố. Sức biểu hiện của ca Huế, ngoài nhịp phách, giai điệu,
âm sắc...có thể nói ca từ chiếm vị trí quan trọng. Lời ca của Khúc Tri
Âm mang đậm hồn quê hương xứ Huế đã góp phần lưu giữ một vẻ
đẹp của sinh hoạt văn hóa độc đáo ở xứ thần kinh.
Với Võ Quê, một trong những nguyên nhân
khơi nguồn cho dòng cảm xúc trôi chảy ngân nga là Huế, vùng đất của những bản
tình ca, của những khúc tri âm làm xúc động lòng người. Khúc Tri
Âm chính là tiếng lòng, đi tìm và gởi đến những tiếng lòng tri âm tri
kỷ.
Tập lời ca gồm 27 bài (mỗi ca khúc chính
là một bài thơ) được Võ Quê viết theo những làn điệu ca Huế phổ biến: Cổ bản,
Phú Lục, Tứ đại cảnh, Tương tư khúc, Nam ai, Nam bình... Khảo sát về mặt chủ
đề, tập lời ca Huế của Võ Quê thiên về thiên nhiên, cảnh vật, tâm hồn Huế.
Không phải ngẫu nhiên mà Võ Quê đặt tên cho đứa con tinh thần anh đã "lặng
lẽ thai nghén" từ tình yêu sâu nặng với Huế là Khúc Tri
Âm.
Khúc Tri Âm chính là sự giao cảm, là tri âm
giữa con người và thiên nhiên xứ thần kinh. Mùa xuân gợi nhiều cảm xúc
cho Võ Quê. 9/27 khúc ca có nhan đề là mùa xuân được viết ở các làn điệu: Tiếng đàn
xuân, Bức tranh xuân, Cánh diều xuân, Mùa xuân gõ nhịp, Sắc xuân hồng, Xuân ca...Viết về một thi đề quen thuộc,
dẫu không có những khoảnh khắc "thôi xao" trong cách dùng từ nhưng ca
từ của Võ Quê cũng đầy sức gợi:
- Đất
xanh cành
Cây nẩy lộc
Mầm đơm
Mùa xuân dậy nồng hương
Nối tình nhau muôn kiếp
Chẳng hề tan
(Khúc xuân tình - Tứ đại cảnh)
- Tiếng nguyệt cầm
lên khoan nhặt Lòng
thắp sao trời Lung
linh đêm
dài
Sáng đường
vui Xuân
lai
láng Năm
tháng xuân hoài
(Một bài ca xuân - Cổ bản dựng)
Ca từ của Võ Quê
luôn vươn tới cái đẹp. Cảnh vật, hương sắc thiên nhiên Huế khúc xạ qua tiếng
lòng tri âm của tác giả dường như bừng sáng hơn. Võ Quê đã dịch chuyển cái đẹp
tự nhiên, đất trời xứ thần kinh vào thế giới lời ca dìu dặt của mình. Trong mỗi
lời ca dường như có những giai điệu bắt nguồn từ tiếng "sương đọng vườn ai
rơi nhẹ", tiếng "nhịp chèo" âm vang sôn nước, tiếng hót của chim
chiều thu bay, hay tiếng "sáo diều dập dìu bay xa". Đặc biệt vầng
trăng của một cõi Huế riêng luôn ánh ngời, lung linh biến hóa qua cảm nhận của
một Võ-Quê-thi-sĩ (Lời ca gọi vầng trăng, Bài ca trăng I-II,
Nguyệt cầm...). Từ lâu trăng đã trở thành chiếc cầu nối tương giao tương hợp
giữa thiên nhiên và nội tâm. Và phải chăng vầng trăng trên đất Huế đã trở thành
một hình tượng thẩm mỹ khơi gợi nguồn sáng tạo của ngành nghệ thuật, Chúng ta
đã từng gặp những "sông trăng", "bến trăng", "vườn
trăng", "dòng trăng", "thuyền trăng...trở thành những thuật
ngữ dành riêng cho trăng Huế. Đến với Khúc Tri Âm, người nghe, người đọc lại bất ngờ với "trăng vườn hạ
nghiêng soi; trăng âm điệu; trăng ngân cung đàn; trăng nghiêng vàng đường cũ,
bóng trăng bên trời; trăng sáng sương cài; theo em về ánh vàng thầm
đưa..."
Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và ca
nhạc cung đình..Ca Huế là dự kết nối giữa chất dân gian và bác học. Khúc Tri Âm đồng vọng những giai điệu dân ca Huế. Võ Quê đã mượn những
câu hò mái nhì man mác, những " câu ca cũ đa mang nửa đời, những "câu
ca điệu lý cảm hoài nhớ thương" để khơi tạo cảm hứng, cảm xúc, tạo
thêm độ luyến láy cho lời ca. Mỗi lời ca (với cấu tứ của một bài
thơ) là một khúc tình ca Huế. 27 khúc ca trong tập là từng ấy khúc
nhạc thiên nhiên và khúc nhạc lòng. 13/27 bài có nhan đề là những khúc ca
(Lời ca gọi vầng trăng, Tửu hứng ca, Hòa âm,
Bài ca trăng I, II...) lời ca (Khúc
hoàng mai, Khúc xuân tình láng lai, Khúc tình chung,
Khúc ca đêm đồng cảm, Khúc giao mùa, Khúc ca xuân thì, Khúc ân tình...).
Trong ca từ của Võ Quê có hình ảnh quê
hương, có bóng mẹ, có vầng trăng và bước chân ai đó trong đêm, có hoa bưởi
trong vườn khuya, có tình yêu, có nỗi niềm tri kỷ và có cả những mỏng mảnh kiếp
người:
Một bóng về khuya
Em âm thầm đường xa đơn độc
Cây rơi lá vô tình
Vàng
phai cô tịch
Đàn ai nhịp
Tình tang tịch
Khúc
"phượng cầu" xưa xúc động tình em
Đường về dài theo đêm...
(Biết ai thầm đưa - Tương tư khúc)
Lời ca của Võ Quê
còn là khúc tri âm giữa con người và con người, là tiếng lòng đi tìm tiếng lòng
đồng điệu. Có lúc mượn làn điệu Nam ai man mác, vấn vương, tác giả bộc bạch nỗi
niềm:
Từng
tiếng nhạc ngân vang
Khiến
tâm hồn ta mãi hoài vương
Lời ca gửi muôn phương
Thủy chung vô vàn
(Hòa âm - Nam ai)
Có lúc qua làn điệu Tứ đại cảnh đan xen
nhiều cung bậc cảm xúc nhà thơ hóa thân thành khách Huế trữ tình, hòa vào giọng
hát của người ca sĩ ngân nga trên sông nước để gởi một nỗi niềm:
Dòng
sông nhỏ sóng thầm xao
Thơm hương cỏ, đêm êm ả
Cung đàn gởi tri âm ...
Đàn ngân mãi khúc tình chung
Tâm
hồn em thương nhớ tựa gương trong
Thiết
tha nghĩa tình...
(Lời ca gọi vầng trăng - Tứ đại cảnh)
Hình ảnh
người em xứ Huế với một chút ngậm ngùi "kiếp cầm ca" cứ láy đi láy
lại trong lời ca của tác giả qua những bài thuộc điệu Nam vốn mang
nét buồn, vướng vít, đôi lúc bi ai như Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc...
- Khuya gió
đông lành lạnh
Đường
vắng em về
Bóng trăng kề
Ánh vàn thầm đưa, mảnh trăng thề...
(Gió thu về - Cổ bản)
-
Vấn vương hồn
Khuya lạnh nghĩ mà thương
Tiếng ca u buồn
Ai đơn lẻ dặm về bóng lẻ...
Với Nguyệt cầm, lời thơ, lời nhạc, điệu Nam bình dặt dìu mang lại một cái hồn
rất xưa mà nhà thơ đã kế thừa và tái tạo cảm xúc cho người nghe:
Phím
xưa rung lên
Tình tự khuya này
Cung đầy cung khuyết
Khúc Nam ai Nam bình da diết
Dìu dặt tơ đời
Bóng trăng đêm
Hay là đàn dựng bên trời...
(Nguyệt cầm - Nam bình)
Cái đẹp trong lời ca Võ Quê đôi lúc còn mang tính chất ướ lệ,
chẳng hạn cái đẹp của "gió thu gầy", "phím loan tơ chùng",
của "lá thu rơi vàng"...ca từ của Võ Quê đôi chỗ còn trau chuốt, bay
bướm theo lối cũ. Ngôn từ của lời ca đôi lúc lặp, nhưng trên hết vẫn là tấm
lòng nặng tình với Huế của anh còn trĩu ở từng câu từng chữ.
Cảm nhận về nhạc Trần Hữu Pháp, nhà văn
Nguyễn Khắc Phê cho rằng: "Ông biết mượn hồn nhiều thi sĩ chất
gây men đầu tiên và nhờ ca từ đẹp mà những sóng nhạc vốn vô hình "neo đậu"
được vào trí nhớ khán giả" (Nguyễn Khắc Phê - Trần
Hữu Pháp, 70 tuổi còn thơ. Sông Hương số 4/2003. Có thể nói với ca từ Biết
ai thầm đưa, Nguyệt Cầm của Võ Quê (kí âm Trần Hữu
Pháp) khúc nhạc đã tìm được "bến đậu" của mình.
Hòa trong những lời ca Huế khác, Khúc Tri
Âm của Võ Quê đã đem lại cảm xúc nhẹ nhàng từ những giai điệu ngọt
ngào. Đàn, phách nhịp với lời ca vang lên giữa sông-nước-sương-trăng dập dềnh,
chênh chao trong men say giai điệu đã làm vướng vít lòng bao người ở Huế, đến
Huế và xa Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét