Hà Tiên thập vịnh
1. “Chiêu Anh Các” là tổ chức văn chương ra đời đầu tiên
ở Nam Bộ (1736). Tổ chức này do Mặc Thiên Tứ, tức Mạc Thiên Tích (1706 - 1780),
con trai Mạc Cửu (1655 - 1736), người có công khai phá đất Hà Tiên, đứng ra
thành lập. Trong hoạt động văn chương của Chiêu Anh Các, người đời hay nhắc tới
hoạt động ngâm vịnh xướng họa có liên quan tới 10 cảnh đẹp của Hà Tiên mà các
văn nhân thi sĩ ngày ấy đã làm. Khởi đầu là những bài xướng của người chủ soái
tao đàn Chiêu Anh Các Mạc Thiên Tích. Sau đó là mấy trăm bài họa về mười cảnh đẹp
này, gồm cả thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm (có hơn 300 bài họa). Rất tiếc, không có
sách nào in đủ các bài thơ ngâm vịnh xướng họa này. Trong bài viết, chúng tôi
muốn giới thiệu đôi nét về phong cảnh hữu tình của đất Hà Tiên nên chỉ xin đề cập
đến các bài xướng chữ Hán, các bài thơ họa chữ Nôm và những bài khúc vịnh được
ghi nhận là của người chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các Mạc Thiên Tích.
2. Mười bài thơ ngâm vịnh miêu tả lại mười vị trí đẹp,
nên thơ bậc nhất của đất Hà Tiên ngày ấy (Hà Tiên thập cảnh) gọi là “Hà Tiên thập
vịnh”, gồm các bài thơ được viết theo thể thơ Đường, dưới dạng chữ Hán, được xếp
theo thứ tự từng đôi một. Có 5 đôi như sau:
“Kim dữ lan đào” và “Bình
san điệp thúy”
“Tiêu tự thần chung” và “Giang
thành dạ cổ”
“Thạch động thôn vân” và “Châu
nham lạc lộ”
“Đông hồ ấn nguyệt” và “Nam
phố trừng ba”
“Lộc trĩ thôn cư” và “Lư khê ngư bạc”
Ngoài 10 bài thơ Đường xướng chữ Hán, Mạc Thiên Tích còn làm
10 bài thơ Đường họa chữ Nôm.
Trước mỗi bài thơ chữ Nôm có một khúc đoạn song thất lục bát,
gọi là khúc vịnh. Tổng số mười khúc vịnh, gọi “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”, được
Mạc Thiên Tích làm để đề dẫn cho cả 10 bài thơ Đường họa Nôm của mình, có tất cả
334 câu, được phân bố như sau:
1. Bài “Giang thành dạ cổ” có một khúc vịnh 36 câu, gồm: 1 cặp
lục bát, 8 đoạn song thất lục bát và 1 cặp song thất.
2. Các bài “Kim dữ lan đào”, “Lộc trĩ thôn cư”, “Lư khê ngư bạc”,
mỗi bài có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp lục bát và 8 đoạn song thất lục
bát.
3. Bài “Tiêu tự thần chung” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 8
đoạn song thất lục bát và 1 cặp song thất.
4. Bài “Châu nham lạc lộ” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp
lục bát, 2 đoạn song thất lục bát, rồi 1 cặp lục bát, 5 đoạn song thất lục bát,
và 1 cặp song thất.
5. Bài “Đông hồ ấn nguyệt” có một khúc vịnh 34 câu, gồm: 1 cặp
lục bát, 3 đoạn song thất lục bát, rồi 1 cặp lục bát, 4 đoạn song thất lục bát,
và 1 cặp song thất.
6. Các bài “Thạch động thôn vân”, “Nam phố trừng ba”, mỗi bài
có một khúc vịnh 32 câu, gồm: 1 cặp lục bát, 7 đoạn song thất lục bát, và 1 cặp
song thất.
7. Bài “Bình san điệp thúy” có một khúc vịnh 30 câu, gồm: 1 cặp
lục bát và 7 đoạn song thất lục bát.
Sau “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”, Mạc Thiên Tích còn làm một
bài thơ Đường Nôm với tên tựa là “Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh”. Bài thơ như một
thư mục giới thiệu chung về “Hà Tiên thập cảnh” mà ông đã giới thiệu qua thơ vịnh
của mình.
Giá trị nội dung và nghệ thuật của các bài thơ này được ghi
nhận như sau:
2.1. Bài 1. “Kim dữ lan đào” cũng viết “Kim dự lan đào”
(Đảo vàng chắn sóng) là bài thơ được xếp đầu trong bộ sưu tập thập cảnh, đề cập
tới cảnh đẹp của hòn đảo nhỏ ngay cửa biển Hà Tiên. Ở vị trí này, hòn đảo đã
làm giảm bớt sự “hung hãn” của những ngọn sóng lớn ngoài khơi khi vào đến cửa
biển Hà Tiên. Hơn nữa, về chiều lúc mặt trời sắp lặn xuống biển, không gian ở
đây có một màu vàng đỏ, nên gọi “đảo vàng chắn sóng” thì quá hợp lý. Người dân
còn gọi “Kim dữ” là pháo đài, bởi nó còn là nơi có pháo đài canh giữ cửa biển,
bảo vệ trấn Hà Tiên. Ngày nay chiếc cầu Tô Châu đã nối liền hòn đảo này với Quốc
lộ 80 để du khách khi đến Hà Tiên có thể đặt chân ngay lên hòn đảo xinh đẹp và
thơ mộng này.
Cảnh “Đảo vàng chắn sóng”, được khắc họa có hồn qua bốn câu
thơ chữ Hán trong bài xướng “Kim dữ lan đào”, tạo nên hình thái đất trời của cả
một vùng Hà Tiên đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi”:
“Ba
đào thế tiệt đông nam hải
Nhật
nguyệt quang hồi thượng hạ thiên
Đắc thủy ngư long tùy biến hóa
Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”
“Thiên thời” là ở chỗ: “Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ
thiên. Đắc thủy ngư long tùy biến hóa”; còn “Địa lợi” là ở chỗ: “Ba đào thế tiệt
đông nam hải. Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”. Hai câu thơ đắc nhất trong
đoạn thơ để nói về sự giao hòa của trời đất là: “Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ
thiên. Bàng nhai thạch thụ tự liên phiên.”. Sự hòa hợp giữa thời gian và không
gian nơi đây là tuyệt vời, nên đã tạo cho vùng hải đảo này một sự phồn thịnh,
sung túc, mà Mạc Thiên Tích đã dùng chữ “thạch thụ tự liên phiên”.
Trong bài họa, Mạc Thiên Tích lại nói về “Kim dữ lan đào” với
yếu tố “nhân hòa” cùng các khía cạnh của nó. Đó là sự quan tâm chăm sóc cho
dân: “Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy, Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng.”. Đó
vừa là thế của tự nhiên vừa là thế của chính trị: “Nước an chẳng chút lòng thu
động. Rộng bủa nhơn ra tiếp bá xuyên.”.
Còn ở bài khúc vịnh, ông lại viết về cảnh đẹp này như sau:
“Hết ruổi giong gặp ngày ca khải.
Thu quân về cảng hải dưỡng an.
Một tay vững đặt giang san,
Danh phong Kim Dữ, tước ban Lan Đào” (câu 23-26)
Cảnh
ở đây không thuần túy là cảnh thiên nhiên để thưởng ngoạn, mà còn là cuộc đời ở
trong cảnh để con người phải quan tâm. Bởi đó mà “đảo vàng chắn sóng” mới được
Mạc Thiên Tích phong danh tước “Kim Dữ Lan Đào” và được lưu truyền đến ngày
nay.
2.2. Bài 2. “Bình San điệp thúy” hay “Bình Sơn điệp thúy”,
cũng viết “Bình Sơn điệp túy” là bài thơ được xếp cặp với “Kim dữ lan đào”. Bài
thơ vịnh về cảnh đẹp của một dãy núi nối liền với “Kim dữ lan đào”. Dãy núi này
có một màu xanh cây lá trùng điệp và là nơi có khu lăng mộ vị khai quốc công thần
Mạc Cửu; vị tướng kiêm nhà thơ, con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích và các vị
quan văn võ khác, được xây dựng đã hơn 300 năm. Người dân quen gọi núi Lăng là
vì vậy. Đây là một dãy núi nằm ở phía Tây dựng lên như một bức bình phong thiên
nhiên che chắn cho thị trấn Hà Tiên, bảo vệ cho một cõi biên thùy, chống lại với
những thế lực ngoại xâm đến bằng đường biển.
Cảnh đẹp thiên nhiên của “Bình san điệp thúy” được Mạc Thiên
Tích mô tả như sau:
“Long
thông thảo mộc tự thiều nghiêu
Điệp
lĩnh bình khai tử thúy kiều.”
Hai
câu thơ miêu tả được sức sống của núi rừng, sự vươn lên mạnh mẽ của cây cối, mở
ra một màu xanh mượt mà, mềm mại, bao phủ một dãi núi dựng như một bức bình
phong che chắn cho đất và người ở nơi đây. Hai câu thơ đã nêu bật được đầu đề
“Bình san điệp thúy” của bài thơ vịnh về cảnh thiên nhiên nơi đây.
Thiên
nhiên ở đây không chỉ gợi trong con người thú thưởng ngoạn, tiêu dao; mà còn tạo
một ấn tượng phồn thịnh, bền vững, trường cửu... Riêng điều này cũng làm cho
lòng người vương mang một hoài bão, ước vọng cao xa:
“Lão
đồng thiên địa chung linh cửu.
Vinh
cộng yên hà chúc vọng diêu.”
Ở
bài họa Nôm, Mạc Thiên Tích cũng rung động thật sự trước cái đẹp của thiên
nhiên nơi đây, nên đã không ngần ngại bày tỏ niềm cảm mến và sự thán phục của
mình:
“Một
bước càng thêm một thú yêu,
Lằn cây vít đá vẽ hay thêu?”
Đặc
biệt ở hai câu kết của bài thơ Nôm, Mạc Thiên Tích muốn nhấn mạnh tới sự quyến
rũ, cuốn hút của thiên nhiên một cách kì lạ, đến độ như ông ngộ ra và chia sẻ
được nỗi niềm của Sào Phủ, Hứa Do, khi hai ông này chán ghét chốn thành thị,
công danh:
“Đến
đây mới biết lâm tuyền quý.
Chẳng
trách Sào Do lánh đế Nghiêu.”
Còn
ở bài khúc vịnh, mở đầu tác giả nói về cảnh đẹp của núi Lăng như sau:
“Sau Thành, dựng núi Bình San
Cao kỳ một khóm, an nhàn bốn dân.
Đúc tinh thần, ngọc lành cảnh tốt;
Cao thấp đều trọn một thức xanh.
Thợ trời sao khéo tạo hình,
Đá giăng lưng hạm, cây đoanh khúc rồng.” (câu 35-40)
Cái
đẹp của tự nhiên ở đây không thuần túy là cái đẹp thiên nhiên mà còn ẩn chứa
nét đẹp của tình người và sự gắn kết của trời-người tạo nên. Nếu chẳng thế thì
ông không viết: “Cao kỳ một khóm, an nhàn bốn dân. Đúc tinh thần, ngọc lành cảnh
tốt.”. Ở nơi đây còn hội đủ sinh hoạt của một nơi “tiên cảnh”:
“Cách bên khe, tiếng ngư ra rả;
Gõ be thuyền, ca vã đòi cung.
Dưới rừng, mấy trẻ mục đồng,
Lưng trâu thổi địch, gió lồng theo khe.
Tiều đi về dùng dằng chẳng dứt;
Cày lân la trưa mặt còn chơi.
Từng kia mây bức xanh tươi;
Đòi thanh đòi nhã, một nơi một nhàn.” (câu 49-56)
Một
bức tranh cảnh sinh động như ở “non tiên” nhàn nhã, an bình. Có đủ “ngư, tiều,
canh, mục”, “tứ mùa, tứ quý”, “Đòi thanh đòi nhã, một nơi một
nhàn.”.
2.3. Bài 3. “Tiêu tự thần chung” không thuần túy là một
cảnh tĩnh mà là một bức tranh động, có cảnh chùa nhưng cũng có tiếng chuông
chùa buổi sớm mai vang lên từ khung cảnh tịch mịch ấy. Ngôi chùa này được gọi
là chùa Tiêu hay “Tiêu tự”. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, ngôi
chùa Tiêu không còn, nhưng trên nền chùa ấy có một ngôi chùa khác được dựng
lên, đó là chùa Tam Bảo hiện nay. Có thể khẳng định được điều ấy vì bên cạnh
chùa còn có ngôi mộ của mẹ Mạc Cửu (Thái Bà Bà) mà khi bà còn sống, Mạc Cửu đã
cho xây dựng để mẹ tu hành và khi bà chết thì được chôn ở đây. Khi bà qua đời,
Mạc Cửu cũng cho đúc đại hồng chung để sớm chiều tưởng niệm công lao của đấng
sanh thành.
Trong
hai cặp “thực, luận” của bài xướng, Mạc Thiên Tích cảm nhận được cái đẹp của tiếng
chuông chùa hòa quyện trong một không gian và thời gian thích hợp, tạo nên cảnh
sắc riêng của “Tiêu tự thần chung”, làm cho vạn vật không những thức tỉnh trước
cảnh tình, mà còn làm cho con người ngộ ra cuộc đời này:
“Tịnh cảnh nhân duyên tỉnh thế giới
Cô thinh thanh việt xuất giang giao
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ
Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao”
Ở
bài họa, Mạc Thiên Tích nói rõ sự tỉnh ngộ về cuộc đời, từ sự tác động của
“Tiêu tự thần chung” một cách rõ ràng hơn:
“Não phiền kẻ nấu sôi như vạc
Trí huệ người mài sắc tợ dao.
Mờ mệt gẫm đường say mới tỉnh
Phù sanh trong một giấc chiêm bao.”
Còn
ở bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích cũng nêu lên tâm trạng của con người trước cảnh
chùa và tiếng chuông cũng làm tâm hồn họ lâng lâng một nỗi niềm nhân thế khó tả,
khôn phân:
“Khách chùa Tiêu, ân cần Phật sự;
Đêm đêm hằng phân thứ âm dương.
Giấc hòe hồn bướm mơ màng,
Lầu quân, trống đã điểm sang năm dùi.
Nỗi buồn vui, mặc lòng nhộn nhã,
Gối chưa êm chưa hả sự lòng.
Gió đưa mấy tiếng thần chung,
Lóng tai nghe lọt, bên lòng vơi vơi.” (câu 65-72)
Ai
trong chúng ta một lần vãng chùa được nghe chuông sớm, chắc tâm hồn cũng bớt
xao động, bon chen; mà để thế sự “mặc lòng nhộn nhã”, hay tâm tư “bên lòng vơi
vơi”.
2.4. Bài 4. Một cặp với “Tiêu tự thần chung” là “Giang
thành dạ cổ”. Đây cũng là một bức tranh động: cảnh thành quách cặp hai bên bờ rạch
Giang Thành với tiếng trống cầm canh từ những đồn thú xa xa, hay những thuyền
canh vang lên trong đêm yên tĩnh. Con rạch Giang Thành nằm gần sát với đất bạn
Cam pu chia, nên một thời chắc được họ Mạc xem như đường ranh giới phân định
biên cương cần phải được canh phòng cẩn mật, mà tiếng trống canh là một hoạt động
không thể thiếu để nói về cảnh đẹp Giang Thành. Nhà phố bên rạch Giang Thành hiện
nay không còn, nhưng chứng tích thời gian cho những hoạt động của người xưa như
vẫn còn thoáng hiện đâu đó theo suốt chiều dài của con rạch nối liền kinh Vĩnh
Tế mang nước vào Đông hồ trước khi chảy ra biển.
Trong
bài xướng “Giang thành dạ cổ”, cái đẹp mà Mạc Thiên Tích muốn nói ở đây không
chỉ thuần là “Giang thành” về đêm, mà cái đẹp này phải được gắn liền với cái đẹp
nghĩa vụ của người lính, cái đẹp của tiếng trống mõ vang động trong đêm “tam
canh cổ giác” và cái đẹp thể hiện sự dũng mãnh của quân lính trong bộ “kim
giáp”. Nói chung, đó chính là cái đẹp của ý thức tự chu toàn trách nhiệm “ủng cẩm
bào”:
“Nhất phiến lâu thuyền hàn thủy nguyệt
Tam canh cổ giác định ba đào
Khách nhưng cánh dạ tỏa kim giáp
Nhân chánh can thành ủng cẩm bào.”
Ở
bài họa, Mạc thiên Tích cũng nói về cái đẹp của “Giang thành dạ cổ” là cái đẹp
của lòng lòng trung thành, tận tụy của ba quân tướng sĩ trên rạch Giang Thành
khi làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác về đêm:
“Trống quân giang thú nổi oai phong,
Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông.
Đánh phá lũ gian người biết mặt,
Vang truyền lịnh sấm chúng kiêng lòng.”
Còn
ở bài khúc vịnh, ông cũng nói về ý thức trách nhiệm của quân sĩ:
“Ac vàng vừa lặn hang tây,
Liễu dinh tiếng trống vang dầy sơn xuyên. “ (câu 111-112)
Hay
ở đoạn khác, ông lại ca ngợi tinh thần trách nhiệm ở họ:
“Càng khuya càng nhặt máy binh,
Giao nghe nhởm gáy, chuột rình nép hơi.
Ba bốn dùi, đêm đà quá nửa,
Chinh bóng hòe ngã dựa bờ sông.
Tan canh rồi lại rạng đông,
Phù tang một miếng chiêng đồng thả vô.” (câu 119-124)
2.5. Bài 5. “Thạch động thôn vân” là bức tranh đẹp về cảnh
“núi mây”. Núi ở đây là một khối đá vôi khổng lồ nằm ở trên một trái núi, rỗng ở
bên trong, khiến cho du khách có thể nhìn ngắm trời xanh, mây trắng khi vào
trong hang động. Một hang động gắn với truyền thuyết Thạch Sanh cứu công chúa
mà người Việt đã lưu truyền. Đứng ở lưng chừng núi nhìn qua những cánh đồng lúa
xanh rì tới một vùng biên giới xa xa có những núi khác ẩn hiện trong sương mây
là vùng đất bạn Cam-Pu-Chia. Gặp những ngày mưa hoặc có sương mù, mây bay thấp
ôm lấy núi, quyện lấy núi, hoặc len lỏi vào trong các khe, động của núi, khiến
cho Mạc Thiên Tích nhìn mà liên tưởng tới hiện tượng núi đang nuốt mây.
Đặc
tả tính chất hang động này, Mạc Thiên Tích đã mở đầu hai câu “mạo” trong bài xướng
“Thạch động thôn vân” như sau:
“Sơn phong tủng thúy để tinh hà
Động thất lung linh uẩn bích kha.”
Cái đẹp ở đây chính là “gió núi tung vút màu xanh lên cao đến
sông trời”, còn “hang động thì lung linh có chứa ngọc bích”.
Còn ở cặp “thực, luận” thì ông lại viết:
“Bất ý yên vân do khứ vãng,
Vô ngân thảo mộc cộng bà sa.
Phong sương cửu lịch văn chương dị,
Ô thố tàn di khí sắc đa.”
Cái
đẹp của “Thạch động thôn vân” là ở vùng hang động này luôn có sự quần tụ của
khói mây đi về, cỏ cây tươi tốt, gió thổi sương rơi, trời trăng chuyển dịch, cộng
với cái đẹp của sự từng trải tháng năm mà trở thành “văn chương dị”, “khí sắc
đa”.
Ở
bài họa, Mạc Thiên Tích lại viết về sự hòa hợp giữa đất trời của “Thạch Động”
như sau:
“Hang sâu thăm thẳm mây vun lại,
Cửa rộng thinh thinh gió thổi qua.
Trống lổng bốn bề thâu thế giới,
Chang bang một dãy chứa yên hà.”
Điểm nổi bật ở “Thạch Động” này là do thiên nhiên đã tạo nên
hang động, nên nó đã trở thành điểm đến, ở, đi của gió, khói, mây. Và tất
nhiên, nó cũng là nơi thưởng ngoạn lý tưởng của con người.
Còn
trong bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích lại viết:
“Tấm lòng son đã say đòi cảnh,
Vọi giữa trời một đỉnh cao xây.
Chập chồng đá lập cao dày,
Một hang khép mở năm mây ra vào.
Tưởng Động đào đâu đây lại sót,
Đoái tư bề, ngun ngút khí linh.
Trời gần gang tấc chẳng chừng,
Kề tòa Bắc đẩu, dựa đình Tử hư.” (câu 137-144)
Thạch
Động dưới cái nhìn của Mạc Thiên Tích là một nơi danh thắng độc đáo, có một
không hai. Ở đây như có sự tiếp giáp giữa đất với trời: “Một hang khép mở năm
mây ra vào”, “Trời gần gang tấc chẳng chừng”, nào có khác chi cảnh trời: “Tưởng
Động đào đâu đây lại sót”, “Kề tòa Bắc đẩu, dựa đình Tử hư”...
2.6. Bài 6. Đi cặp với “Thạch động thôn vân” là “Châu
nham lạc lộ” cũng viết “Châu nham lạc nhạn”. Đây là cảnh một trái núi nổi lên
giữa một vùng đồng thấp, nằm phía sau Thạch Động về hướng Tây Bắc được gọi là
núi “Đá Dựng”. Gọi “Châu nham lạc lộ” (cò về núi ngọc) vì hòn núi này có thạch
nhủ lấp lánh như châu ngọc, lại có nhiều cây xanh như một khu vườn nằm giữa, có
những cánh đồng hoặc những ao đầm duyên hải bao chung quanh, dễ là nơi lí tưởng
cho chim, cò về trú ngụ, tìm mồi, kiếm ăn. Cảnh chim cò về trú ngụ ở một vùng
núi đầm tạo nên một vẻ đẹp thanh bình và quả là cảnh trí đặc biệt, ít có, mà
thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Có ý kiến
cho “Châu nham lạc lộ” là vùng “Bãi Ớt” vì nơi đây cũng có nhiều chim cò về trú
ngụ. Nhưng nếu xét trong tương quan của một cặp cảnh thì “Châu nham lạc lộ” có
lẽ thích hợp với vùng núi Đá Dựng hơn. Hơn nữa, trong bài khúc vịnh “Châu nham
lạc lộ”, Mạc Thiên Tích có nói về sự gần gũi địa lí của hai cảnh đẹp này: “Luôn
đường trở gót đi ra. Chân còn Thạch Động, mặt là Châu Nham.”. (câu 167, 168)
Trong
bài xướng “Châu nham lạc lộ”, Mạc Thiên Tích viết:
“Lục ấm u vân xuyết mộ hà
Linh nham phi xuất bạch cầm tà
Vãn bài thiên trận la phương trụ
Tình lạc bình nhai tả ngọc hoa.”
Cảnh
“Châu nham lạc lộ” là cảnh “sân chim, vườn cò” thường thấy ở vùng đồng bằng
sông nước. Cái đẹp ở đây không chỉ là vùng núi đẹp, huyền ảo mà còn có sự náo
nhiệt của chim cò khi chiều về bay sập sận quanh khu rừng núi, trước khi tìm
bãi đáp: “Linh nham phi xuất bạch cầm tà.”, đã tạo cho vùng núi này một sự sống
động riêng, như một “xã hội” thu nhỏ.
Mở
đầu bài họa “Châu nham lạc lộ”, Mạc Thiên Tích không trực tiếp nói về cái đẹp của
“Châu Nham” mà gián tiếp nói về tập quán của loài cầm để từ tập quán của chúng
mà luận suy cái khôn của ai đó hay để nhắc nhớ con người về câu ngạn ngữ người
xưa “chim có tổ, người có tông”:
“Biết
chỗ mà nương ấy mới khôn,
Bay
về đầm cũ mấy mươi muôn.”
Đến
hai câu kết của bài thì quả đúng, tác giả muốn nhắc đến một điều: tập tính nhất
quán trước sau của loài vật và lòng thủy chung của con người lại chính là cái đẹp
tô điểm cho vườn cũ, quê xưa. Cái đẹp này đáng giá ngàn vàng không dễ gì chuyển
dịch được:
“Quen cây chim thể người quen chúa,
Dễ đổi ngàn cân một tấm son.”
Trong
bài khúc vịnh, ông tả chi tiết về tập tính của chim cò ở vùng đất “Châu Nham”,
nó là một nửa cảnh không thể thiếu được của “Châu Nham”:
“Dọc dò đá mọc cheo leo,
Đã quen quyến nhạn, lại nhiều rủ loan.
Cò đâu kể số muôn ngàn,
Tuông mây vén ngút man man bay về.
Đầy bốn bề kêu la tở mở,
Lượn rồng rồng như vỡ chòm ong.
Rơi ngân rớt phấn giữa không,
Sương ken đòi cụm, tuyết phong khắp hàng.” (câu 175-182)
Chi
tiết “man man bay về”, “kêu la tở mở” đủ để ta hình dung cảnh hội tụ đông đảo của
chúng. Nhưng cái náo nhiệt là ở chỗ đa dạng: có bầy thì đang “lượn rồng rồng”;
có đàn thì còn bay lả tả xa xa, chỉ nhìn thấy những đốm trắng xa xôi, ẩn hiện, lên
xuống: “Rơi ngân rớt phấn giữa không”; có đám thì đã yên vị theo nhóm “sương
ken đòi cụm”, có loài thì xếp thành dãi “tuyết phong khắp hàng”...
2.7. Bài 7. “Đông hồ ấn nguyệt” là bài thơ nói về một
khu đầm tự nhiên nằm ở phía đông thị trấn Hà Tiên, rộng khoảng 14 Km2, một phía
ăn thông ra biển; còn một phía nối liền với rạch Giang Thành liền với kinh Vĩnh
Tế giáp nối với sông Hậu. Nước Đông Hồ có hai mùa mặn ngọt với nhiều tôm cá.
Cái đẹp của Đông Hồ là cái đẹp sơn thủy hữu tình, ngày đêm luôn in bóng hai ngọn
Tô Châu: đại Tô Châu, tiểu Tô Châu. Đặc biệt là vào những ngày trăng, sóng nước
Đông Hồ cảng trở nên huyền ảo, thơ mộng. Ánh trăng soi bóng xuống mặt hồ làm Mạc
Thiên Tích hình ảnh hóa hiện tượng này như một chiếc ấn tròn đóng trên mặt
trang giấy mà gọi là “Đông hồ ấn nguyệt” thì còn chữ dùng nào hay hơn.
Trong
bài xướng “Đông hồ ấn nguyệt”, Mạc Thiên Tích cụ thể hóa nét đẹp của vùng hồ
phía đông Hà Tiên như sau:
“Tình không lãng tịnh truyền song ảnh
Bích hải quang hàn tiển vạn phương
Trạm khoát ứng hàm thiên đãng dạng
Lãm linh bất quý hải thương lương.”
Cái
đẹp của Đông hồ là sự hòa hợp giữa trời và nước: ở trên thì sáng trong, phía dưới
thì lặng trong; bởi đó mà “truyền” được “song ảnh”, tạo được cảnh “nước mây”.
Cái đẹp của Đông hồ còn là sự điều hòa tiết trời, thiên nhiên: “Bích hải quang
hàn tiễn vạn phương”. Và quả là không kém gì biển cả: “Lãm linh bất quý hải
thương lương”.
Trong
bài họa, hai câu mạo đã mô tả rõ làn nước trong xanh và yên tĩnh của mặt hồ làm
tấm gương soi tiết trời mùa thu, đặc biệt là những đêm trăng thu đẹp:
“Mặt hồ rỡ rỡ tiết thu quang
Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng.”
Tác
giả còn nói về sự hòa hợp của nước mây bằng cách đặc tả nét đẹp của mảnh gương
hồ, mà ở đây mặt hồ và mặt trăng như sánh đôi nhau khoe sắc. Ở cặp thực, tác giả
viết:
“Đáy nước chân mây in một sắc,
Ả Hằng nàng tố lố đôi phương.”
Còn
hai câu kết là tâm trạng của con người trước cảnh. Cảnh là vậy, nhưng tâm trạng
của con người có thể làm cho cảnh sắc nhuốm màu chủ quan, tâm cảnh:
“Cảnh một mà tình nào dễ một,
Người thì ngả ngớn, kẻ sầu thương.”
Trong
bài khúc vịnh, có lẽ Mạc Thiên Tích đang đa mang nỗi ưu tư, nỗi sầu “non nước”,
phải bận bịu chuyện “áo cơm, thế nước, thế trời...”, nên khi đến thưởng ngoạn
“Đông hồ ấn nguyệt”, ông vẫn không trút bỏ được tâm sự ray rứt, dù cảnh nơi đây
đã mang cho ông sự thanh nhàn, sự lắng lòng mà như ông bảo không dễ gì có được:
“Mua nhàn một khắc giá đành nghìn cân”. Ông viết:
“Kẻ gió mây người thì non nước,
Hai phía đều chiếm được thu thanh.
Cảnh lành như đợi người lành,
Mua nhàn một khắc giá đành nghìn cân.
Thấy tinh thần tấm lòng phơi phới,
Cảnh vẽ vời xui lại nguồn tham.
Khuyên ai chưa trả áo cơm,
Đã say thế nước, lại ôm thế trời.” (câu 217-224)
2.8. Bài 8. Một cặp cảnh với “Đông hồ ấn nguyệt” là “Nam
phố trừng ba”. Đông hồ” thì tĩnh lặng đã đành, còn Nam phố là xóm biển phía Nam
cách Hà Tiên 10 Km về hướng Kiên Lương thì sao lại lặng sóng cho được mà gọi là
“trừng ba”? Nhưng vịnh biển này gần như êm đềm lặng sóng quanh năm nên Mạc
Thiên Tích mới gọi là “trừng ba”. Vì Nam phố là khu vực thuộc Bãi Ớt xã Dương
Hòa (Du khách biết nhiều tới khu vực có tên “Hòn phụ tử” hơn. Ở đây, núi biển
đan xen như “Hạ Long” của Nam Bộ), dãi bờ biển ở đây nằm núp sau Hòn Một của
Mũi Dừa, một dãi đất nằm nhô ra biển hứng gió mùa Tây Nam thay cho Nam phố nên
vùng biển này luôn yên bình. Thành thử, tuy vào mùa nam biển động, sóng bỏ ngọn
trắng xóa ngoài khơi, nhưng khi vào gần đất liền, sóng trở nên hiền hòa, dịu nhẹ.
Trong bài xướng “Nam phố trừng ba”, Mạc Thiên Tích giới thiệu
cảnh tình ở đây hết sức thanh bình, thơ mộng. Cảnh là một màu xanh ngút ngàn,
biển bờ tiếp nối, cảnh đã tạo ở lòng người một tình thu bàng bạc, một tình cảm
nhẹ nhàng miên man:
“Nhất phiến thương mang nhất phiến thanh
Trừng liên giáp phố lão thu tình”
Mạc Thiên Tích còn nói về sự quang đãng, tĩnh lặng của vùng
trời-biển này: trời thì mang khói mưa theo để ánh sáng kết tụ; biển không có
gió nên bọt sóng phẳng lặng. Ông viết:
“Thiên hà đái vũ yên quang kiết
Trạch quốc vô phong lãng mạt bình”
Còn
những sinh hoạt nên thơ của cảnh biển trời ở đây cũng được ông ghi nhận: một
cánh buồm cô độc lướt nhanh trên sóng nước; một con thuyền trôi nhẹ theo sóng
nước mây trôi. Ông viết:
“Hướng hiểu cô phàn phân thủy cấp
Xu triều dung phảng tải vân khinh.”
Trong bài họa, ông lại nói về điểm riêng có của “Nam phố trừng
ba”. Câu thơ “Hai thức như thêu nước với trời.” Gợi lên một màu xuyên suốt mà
trời và nước, với cả bãi bờ, cùng chung một màu xanh soi bóng, khiến du khách đến
đây nhìn thấy biển trời có thể yên tâm thưởng ngoạn:
“Dòng Nam phẳng lặng khách dầu chơi
Hai thức như thêu nước với trời.”
Ở
hai câu kết, ông lại nói về một vùng trời rộng mở, yên bình mà con người tha hồ
ung dung, tự tại trong cái khoảng trời nước bao la ấy:
“Một lá yên ba dầu lỏng lẻo
Đong trăng lường gió nước vơi vơi.”
Trong bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích cũng đề cập tới sự yên
bình, màu xanh, sự hòa hợp của vạn vật..., những cái đã làm nên “Nam Phố” này một
cuộc sống quần tụ, sung túc:
“Phẳng lặng thay bãi dài biển rộng,
Mây phượng trì một giống quang tinh.
Đã hay lai láng dòng xanh,
Cá phun nước mực, hạc quanh khói trà.
Nhạn gần xa hãy còn hiệp lũ,
Chốn bãi nồm bay phủ mừng xuân.” (câu 241-246)
2.9. Bài 9. Cặp cảnh sau cùng mà Mạc Thiên Tích nói đến
trong thập cảnh Hà Tiên là cảnh sinh hoạt làng xóm của người dân Hà Tiên, gắn
liền với đặc điểm đất đai và ngành nghề: “Lộc trĩ thôn cư” và “Lư khê ngư bạc”.
“Lộc trĩ thôn cư” là bãi biển Mũi Nai, mà tương truyền rằng, có nhiều nai đến
đây, sinh sống, hoặc địa thế của bãi biển này tượng hình như nai đang cúi đầu uống
nước. Vùng đất này còn là “thôn cư” của dân lưu tán một thời đến lập vườn, làm
ruộng. Họ chọn “Lộc trĩ” vì đây là cuộc đất tốt, phì nhiêu, đủ cho họ một đời
no ấm, để có thể tận hưởng cuộc sống an lạc, thanh nhàn; không màng đua chen
danh lợi.
Trong
bài xướng “Lộc trĩ thôn cư”, Mạc Thiên Tích ghi lại phong cảnh làng “Lộc Trĩ”
vào buổi chiều ông đến với những chi tiết hết sức sinh động “đảo quải duyên
song tử”, “đê thùy tiếp phố thanh” tạo nên một bức tranh đẹp riêng có của làng
quê: ráng chiều tà treo ngược men theo cửa một màu hồng tía; còn vườn tược thì
cây cối xum xuê buông rủ xuống tạo một màu xanh bạt ngàn. Ông viết:
“Tàn hà đảo quải duyên song tử
Mật thụ đê thùy tiếp phố thanh”
Còn
tâm tính của người dân nơi đây thì đúng như ông ghi nhận. Người dân chất phát,
mộc mạc gần gũi với vạn vật trầm lắng, tâm hồn trong sáng chỉ yêu lấy đạm bạc
và chọn thanh bình làm lẽ sống:
“Dã tính thiên đồng viên lộc tĩnh
Thanh tâm mỗi tiễn đạo lương hinh”
Trong
bài họa, ông nói rõ hơn về cái đẹp của thôn “Lộc Trĩ”. Đó là một vị trí tiếp
giáp vừa cận biển vừa gần núi. Đó là một màu xanh no ấm của non xanh, nước biếc.
Tất nhiên vị thế cảnh như vậy làm sao không quyến rũ con người:
“Lâm lộc ai rằng thú chẳng thanh,
Nửa kề nước biếc nửa non xanh.”
Còn
cái đẹp của cảnh thì ở đâu, nếu không là lẽ sống phổ biến của con người: “ấm no
tạo hạnh phúc; có hạnh phúc cần chi chuyện bon chen”. Trong hai câu kết của
bài, có lẽ ông cũng nhận ra được một điều: người dân chọn nơi này làm đất sống,
chắc cũng vì một điều đơn giản ấy. Như ta biết, Mạc Thiên Tích không làm thơ
văn của một văn sĩ thông thường; mà ông còn là một nhà chính trị - kinh tế tài
năng. Vì thế, ông không chỉ có cái nhìn, cái tâm của một con người, mà hơn thế,
ông còn đứng ở tư thể của nhà “quản lí” biết “cổ xúy” cho những điều tốt đẹp.
Ông viết:
“Đâu no thì đó là an lạc
Lựa phải chen chơn chốn thị thành.”
Trong
bài khúc vịnh, ông cũng ca ngợi cuộc sống ấm no, an nhàn, hoàn toàn tự do này
qua cảnh sinh hoạt và tâm lý sống của người dân ở thôn “Lộc Trĩ”:
“Thà ba đào chẳng thà tướng phủ,
Ông cháu truyền một thú ngư hà.
Non ngưu đôi bữa lân la,
Rút giây đằng cát, quẩy chà liễu dương.
Riêng một phương cày mây, cuốc nguyệt,
Ba tháng xuân chưa thiệt một ngày.
Đồng châu nội vũ ra tay,
Khi câu nước trị, khi cày nhà an.” (câu 281-288)
Tất
nhiên, cuộc sống ở đâu thì cũng có tính hai mặt của nó. Không phải mọi việc ngư
đồng đều nhẹ nhàng như ở chốn non tiên cả đâu. Nhưng nếu lấy sự ung dung, tự tại,
thanh nhàn làm lẽ sống thì cuộc sống của họ quả là lý tưởng, như Mạc Thiên Tích
đã nói: “Ba tháng xuân chưa thiệt một ngày.”.
2.10. Bài 10. “Lư khê ngư bạc” hay “Lư khê nhàn điếu” là
cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài rạch Vược. Một dòng nước có nhiều cá chẻm
được gọi một cách thi vị là “Lư khê”, nhưng người dân thì quen gọi nó với cái
tên thật bình dị là “rạch vược” để rồi thành danh “Rạch Vược”. Người dân đã chọn
hai bên bờ làm nơi định cư, thành ấp, thành làng. Sau những chuyến đi biển,
ghe, tàu sẽ về đây trú ngụ, nghỉ ngơi (ngư bạc). Còn ai muốn tận hưởng cái nhàn
của thú đi câu thì con rạch này cũng nhiều cá để cho họ vui thú nhàn (nhàn điếu)
như Thái công Lã Vọng ngày nào. Cũng có thể vì mến cảnh nơi này mà Mạc Thiên
Tích đã cho dựng nơi đây một “điếu đình” để ông và người dân có những lúc được
hưởng thú “nhàn điếu”. (Mạc Thiên Tích cũng có viết bài phú “Lư khê nhàn điếu”
để nói về những lúc ông buông câu ở đây)
Trong
bài xướng “Lư khê ngư bạc”, Mạc Thiên Tích có nêu một chi tiết đặc thù về xóm
ngư, đó là: “yên lý xuất ngư đăng” (trong khói chiều có ánh đèn ngư phủ). Ông
viết:
“Viễn viễn thương lang hàm tịch chiếu
Lư khê yên lý xuất ngư đăng”
Còn
ở câu 3, ông mô tả khái quát về sinh hoạt của xóm “Lư khê” như sau: con thuyền
(đánh cá) đơn độc lướt qua sóng lấp lánh (về bến đỗ):
“Hoành ba yểm ánh bạc cô đĩnh”
Trong
bài họa, ông nói về “Bến Vược” chi tiết hơn. Đó là một xóm thuyền chài sầm uất,
nhà cửa san sát nhau, ngư cụ thì phơi trải bề bộn khắp nơi; sinh hoạt trông có
vẻ an nhàn nhưng cũng lắm công, nhiều việc ở đây:
“Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,
Trong nhàn dường thấy sự lăng xăng.
Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu say sưa toại chí hằng.”
Trong
bài khúc vịnh, Mạc Thiên Tích nói rõ hơn về sinh hoạt của dân chài lưới, với
không khí đầm ấm, vui tươi, lễ nghĩa... để gián tiếp ngợi ca sự thạnh trị của
làng xóm thời ông cai quản. Điều này là phù hợp với vị thế của một nhà thơ như
ông:
“Khi về hiệp mặt dan tay,
Rước xuân rượu cúc lại vầy tiệc vui.
Biết phân ngôi, biết phân chủ khách,
Tuy giang thôn nào khác Trường An.
Trong ca nghe có tiếng vang,
Cũng lời mặc khách cũng trang cao bằng.” (câu 329-334)
2.11. Một bài tổng vịnh về thập cảnh Hà Tiên, kể thì
cũng không cần thiết. Nhưng Mạc Thiên Tích muốn làm để nhắc nhở mọi người khi đến
với Hà Tiên nhớ thăm thập cảnh. Có lẽ điều ông muốn đã được toại
nguyện. Vì khi đọc bài “Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh”, người đọc khó quên được
mười cảnh đẹp của Hà Tiên, đã được ông “xếp loại” và “đóng bộ” rất cẩn thận để
làm quà cho du khách. Người đọc khó mà nhầm lẫn hoặc quên được:
“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình.
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy.
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi.
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột.
Sừng sựng muôn năm cũng để dành.”
(Các
cảnh trong bài tổng vịnh không theo một trật tự trước sau của mười cảnh, vì yêu
cầu xếp theo “chủng loại” cho dễ nhớ trong một bài thơ có niêm luật).
3. Với thời gian, “thập cảnh Hà Tiên” chịu bao thăng trầm
biến đổi của tự nhiên và xã hội nên không còn nguyên vẹn như ngày nào. Có những
thay đổi tốt hơn, nhưng cũng không loại trừ những thay đổi xấu đi. Nhưng “Hà
Tiên thập vịnh” thì chắc chắn vẫn nguyên màu, vẫn có được giá trị trường tồn với
năm tháng. Những bài thơ xướng họa này không chỉ cho ta thấy được những vết
tích của lịch sử một thời mà còn minh chứng cho một điều quan trọng hơn: vùng đất
đồng bằng sông Cửu Long này không chỉ có lúa, cá, mà còn có thơ văn và nhạc lễ.
7/8/2006 Huỳnh Công Tín
7/8/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét