Tản mạn quanh Trịnh Công Sơn
Chiều chủ nhật cuối chạp, Dương Tấn Sơn mời tôi đi cà phê ở khu Du
lịch Văn Thánh. Bất ngờ tiếp xúc anh CL, nguyên giám đốc Khu Du lịch Bình Quới
- nơi có Hội Quán Hội Ngộ, do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời khởi xướng.
Hội quán hình thành vào giữa năm 2000. Sau khi TCS mất, Hội quán chuyển thành nhà lưu niệm để trưng bày các kỷ vật, tác phẩm hội họa, âm nhạc,
hình ảnh.v.v. của nhạc sĩ. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn nghệ của công chúng
hâm mộ NS Trịnh Công Sơn. Anh CL là bạn Trịnh Công Sơn nên rất tâm huyết, đã
mất nhiều công sức duy trì sinh hoạt của Hội quán. Nơi này thường tổ chức những
đêm nhạc tưởng niệm phi lợi nhuận, với sự tham gia của những nhạc sĩ, ca sĩ tên
tuổi, được công chúng hưởng ứng nồng nhiệt…Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất TCS,
nhiều nơi, nhiều chương trình ca nhạc lớn ở 3 miền đất nước được chuẩn bị cho
ngày giỗ đặc biệt này. Dù đã nghỉ hưu, và mấy năm qua sinh hoạt Hội quán có
thưa thớt khi vắng bóng anh, nhưng với cái mốc thập niên, anh CL muốn quay lại
thực hiện một đêm nhạc tưởng niệm thật “hoành tráng”, với đặc thù riêng của nơi
này…
Khuôn viên Hội Quán Hội Ngộ ở Bình Quới
Tấn Sơn là một trong những người được anh CL mời tham gia với tư
cách ca sĩ. Trong cuộc giao tiếp tay ba bất ngờ thú vị ấy, những câu chuyện hầu như xoay quanh nhân vật
Trịnh Công Sơn : - về cuộc họp báo công bố tư liệu của BBC quanh TCS,… những
bức thư tình của TCS gởi người đẹp Ngô Vũ Dao Ánh sắp được xuất bản,... bài
viết gây nhiều tranh luận của họa sĩ Trịnh Cung,…chương trình đêm tưởng niệm 10
năm, với ý tưởng mới lạ về sân khấu, ánh sáng, ca sĩ, ca khúc, về kinh phí… Tôi
chỉ là khách dự thính, nhưng góp không ít ý kiến, chuyện trò sòng phẳng. Chút
lấn cấn việc vài ca khúc chưa được phép trình diễn trước công chúng, tôi phản
biện với lý lẽ nghe xuôi tai, đến nỗi anh CL buột miệng - “anh giỏi làm bộ
trưởng Bộ Văn hóa đi…”. Câu nói kháy đưa tôi lên mây của anh CL nghe thật sướng
người! Sướng không phải vì hoang tưởng mà hiểu rằng - mình hợp lý lẽ, được đồng
thuận... Chợt nhận ra mình không quá kém cỏi trong đề tài này?! Có lẽ do được đọc nhiều, nghe không
ít, sống chan hòa thân thiện trong dòng âm hưởng của TCS từ ngày thơ trẻ cho
đến quá tuổi tri thiên mệnh. Tôi cũng có một số sinh hoạt, kỷ niệm vụn vặt, liên quan đeo đẳng suốt tháng
năm ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài hoa này. Thoáng suy tư – không thể thờ ơ với
cái giỗ 10 năm, một cơ hội để bày tỏ, dốc cả bầu tâm sự, phải viết về Trịnh
Công Sơn. Có thể một lần rồi thôi…
Ai cũng biết cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất
lẫy lừng. Nhân gian đã tốn khá nhiều bút mực để ghi chép, ngợi ca từ lúc anh còn sống cho đến khi từ giã
cõi đời, và cả nhiều năm sau vẫn còn nổ ra những cuộc tranh luận... Cho nên, kiến thức, tâm
tư mà tôi đang có, đang hướng về TCS là quá lớn và tốt đẹp với cá nhân mình,
nhưng chắc sẽ không có gì to tát mới lạ với thế giới đồ sộ, lộng lẫy Trịnh Công
Sơn. Dù sao tôi cũng may mắn có được những thứ bột để gột nên hồ. Hy vọng những
cảm nghĩ, sự việc riêng tư khiêm tốn của mình không quá tẻ nhạt…
. “Tiễn đưa anh trong một ngày buồn…
Tin Trịnh Công Sơn mất làm
xôn xao dư luận, nhiều người ngậm ngùi thương tiếc, nhất là giới văn nghệ sĩ và
lứa thế hệ chúng tôi. Không quên một chiều đầu tháng 4/2001, tôi trốn việc cùng
Dương Tấn Sơn đến số 47C Phạm Ngọc Thạch để “tiễn đưa anh trong một ngày buồn”.
Nắng tháng tư Sài Gòn gay gắt nhưng không làm chùn lòng người. Con hẻm trên
“đường Duy Tân cây dài bóng mát” với những đoàn người chờ thăm viếng và dãy
tràng hoa dài. Chúng tôi là những cá nhân, chờ đợi cả giờ mới xin được nhập vào
đoàn của trường Đại học Kinh tế, để có thể vào nhà trong thắp hương. Khi trở
ra, tôi mạnh dạn ngồi vào bàn ghi sổ lưu niệm, bên cạnh là nhạc sĩ Tô Vũ với
trang phục toàn đen cũng đang cắm cúi viết sổ tang…Trong khung cảnh tôn nghiêm
và có nhiều người chung quanh, tôi viết rất ngắn nhưng không nhớ chi tiết, chỉ
biết đó là những “lời hay ý đẹp” mà tôi cố “nặn óc” để diễn đạt sự kính trọng,
thương tiếc người nhạc sĩ tài hoa. Tôi là người rất tệ trong những động thái
phép tắc lễ nghi nên cảm thấy hân hạnh và mãn nguyện khi thực hiện được hành vi
“nghĩa tận” ấy. Hơn 35 năm sống ở đất Sài Gòn, tôi nghe biết, chứng kiến nhiều
người nổi tiếng ở các lãnh vực, đi về cõi vĩnh hằng,
nhưng chỉ dự lễ tang dăm ba trường
hợp. Trong đó hầu như có chút quan hệ mắc míu. Còn với Trịnh Công Sơn, tôi đến
viếng bằng sự thôi thúc của con tim. Trịnh Công Sơn không là một chính khách,
cũng chẳng có quyền lực. Nhưng được “mục sở thị”, xem báo chí truyền hình thông
tin về cuộc lễ tang, chứng kiến số lượng đông đảo và tâm thế sùng bái của cả
vạn con người tham dự tiễn đưa, tôi cảm nhận điều “kinh khủng” đó chỉ có thể
được tạo nên từ những bậc xuất chúng về lãnh vực văn hóa, tinh thần…
Tôi được nhìn chân dung
Trịnh Công Sơn từ những ngày ở bậc trung học, trên các ấn phẩm văn hóa, báo
chí, TV. Vào đại học Sài Gòn, tôi được trực tiếp diện kiến qua một số chương
trình ca nhạc dành cho sinh viên học sinh, hoặc trong vài sinh hoạt văn hóa, lễ
hội khác. Nhưng đặc biệt, tôi được 3 lần bắt tay Trịnh Công Sơn.
- Lần đầu tiên.
Năm 1994, tôi cùng Dương Tấn Sơn tham dự lễ trao giải “Hoa hậu ảnh” do báo Phụ
nữ tổ chức. Khi ấy, vợ sắp cưới của Tấn Sơn là Nguyễn Thúc Ái Quỳ đựơc bầu chọn
“Ảnh hậu”. Tôi vui thích tham dự vì ý nghĩa của gia đình và biết có
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tham gia. Sự xuất hiện của anh luôn có sức hấp dẫn và
xác định được tầm vóc chương trình. Nơi tổ chức lễ trao giải không rộng, là sân
của một cơ quan nên lượng khán giả có chọn lọc hạn chế. Trịnh Công Sơn đến hơi
muộn, làm xôn xao một góc khán phòng - nơi Ban tổ chức, các nhạc sĩ bạn bè và
các thí sinh đang ngồi. Anh chào chung và bắt tay vài người rồi vào bàn…Cái
“lướt” gật đầu của anh đã kéo theo nhiều lời chào thân thiện. Hầu như mọi người
đều tỏ thái độ trân trọng hướng về anh. Tôi suy nghĩ - Con người ốm yếu mong
manh ấy sao mà được ngưỡng mộ đến thế?! Năng lực kỳ diệu, mạnh mẽ nào đã tôn
vinh anh? Tôi thoáng cảm nhận TCS như một giáo chủ!... Bao gã đàn ông ngẩn ngơ nhìn ngắm những cô thí sinh xinh đẹp,
nhưng chẳng mong được một chút đoái hoài vì các cô gái đã dành hết ưu ái đến
TCS !!!. Tuy nhiên trong tôi không cảm thấy một mảy may đố kỵ nào... Hôm ấy,
TCS lên sân khấu phát biểu, trao giải và hát tặng khán giả bài Mưa
hồng...
Trịnh Công Sơn, Dương Tấn Sơn
và Ái Quỳ trong đêm trao giải
Sau khi Ái Quỳ nhận giải trở
về vị trí, Trịnh Công Sơn đến chúc mừng, đi qua vị trí chúng tôi... Đó là cơ
hội để tôi thực hiện một “cái bắt tay lịch sử” dù TCS không biết thằng tôi là
ai !
- Lần thứ hai. Quán ca nhạc Trịnh ở
đường Hai Bà Trưng, Quận 1, do Trịnh Vĩnh Trinh em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức kinh doanh (hiện nay không
còn). Cách đây hơn 10 năm, địa điểm này rất được nhiều người hâm mộ Trịnh Công
Sơn ở Sài Gòn quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để đến
thưởng thức. Nơi ấy hằng đêm trình diễn những chương trình ca nhạc sống, chủ
yếu là dòng nhạc Trịnh, với sự tham gia của các ca sĩ hàng đầu Sài Gòn. Nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn thường xuất hiện nơi này. Anh là linh hồn của quán...
Khoảng 1997, nhạc sĩ Hình
Phước Liên - tác giả Ơi con sông Dinh từ Nha Trang vào học
trường Văn Hóa ở Thủ Đức. Tôi thỉnh thoảng ghé thăm bạn, rủ đi cà phê. Một tối thứ bảy, tôi xuống
Thủ Đức đưa Liên về nhà cơm nước và sau đó đến quán Trịnh. Như mọi
người, tôi và Liên đến đấy để nhấm nháp cà phê, có môi trường tâm sự và muốn
được nghe nhiều nhạc Trịnh Công Sơn. Thời ấy, nhạc tình sáng tác trước 1975 ở
miền Nam rất hạn chế trình diễn ở các tụ điểm ca nhạc
. Những ca khúc “ủy mị” càng ít xuất hiện nơi công chúng ồn ào. Hàm lượng nhạc
Trịnh Công Sơn cũng phổ biến theo tinh thần ấy. Dĩ nhiên, để được một không khí
thanh lịch nhẹ nhàng, thưởng thức nhạc “đặc sản” như ở quán Trịnh phải trả một cái giá đắt
hơn. Hôm ấy bạn Phước Liên tình cờ gặp lại ca sĩ Mỹ Hạnh và mời cùng ngồi vào
bàn trò chuyện vui vẻ, sau khi Mỹ Hạnh vừa trình bày xong ca khúc “Một
cõi đi về”. Mỹ Hạnh là ca sĩ thuộc dòng nhạc trữ tình, có chất giọng dày, mượt
mà, giàu biểu cảm tự sự. Ưu điểm của Mỹ Hạnh là xử lý, thể hiện một bài
hát rất chu đáo chặt chẽ, từ giai điệu cho đến sắc
thái hình thể. Nghe Mỹ Hạnh hát, khán giả thường “nín thở”, chăm chú. Tôi rất
mê Mỹ Hạnh trình bày bài “Đời đá vàng” của Vũ Thành An. Mỹ Hạnh có thể được xếp
vào hạng top của dòng nhạc này. Được biết Mỹ Hạnh trước đó là ca sĩ của đoàn
Hải Đăng Khánh Hòa, vào Sài Gòn hành nghề mới được vài năm. Bố mẹ Hạnh sống và
làm việc cùng ngành văn hoá với Phước Liên ở Nha Trang. Câu chuyện qua lại giữa
Liên và Hạnh có vẻ hiểu biết thân tình. Một chút bất ngờ lý thú cho đêm nhạc.
Được dịp, tôi đã không tiếc lời ngợi khen cô ca sĩ đồng hương. Mỹ Hạnh đã đến
đúng đất dụng võ…Nhưng bất ngờ hơn khi chương trình chấm dứt, lúc ra về trước
cửa quán, chúng tôi giáp mặt Trịnh Công Sơn. Hai nhạc sĩ vốn đã quen biết nhau
qua những lần giao lưu đây đó trong giới văn nghệ sĩ nên nhận ra ngay. Trịnh
Công Sơn thì mọi người điều biết mặt. Tướng mạo to lớn, hảo hán như Phước Liên
thì ai gặp một lần cũng khó quên. Phước Liên cùng Trịnh Công Sơn đứng trên vỉa
hè đường Hai Bà Trưng thăm hỏi trò chuyện.
Trịnh Công Sơn cũng không tiếc gì một cái bắt tay chào người bạn đồng hành của
Hình Phước Liên. Tôi tự nhiên như người đã từng quen biết – Chào anh Sơn... Và
hân hạnh đón nhận bàn tay gầy guộc của anh. Nếu như “cái bắt tay lịch sử” đầu
tiên có tính mưu cầu của mình, thì cái bắt tay lần thứ hai này có tư thế đàng
hoàng, chính đáng! Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn cũng chẳng biết thằng tôi là ai!
Dương Tấn Long, Trịnh
Vĩnh Trinh và Ái Quỳ ở quán Trịnh
(khi quán dời về đường
Phạm Ngọc Thạch và chỉ còn kinh doanh nhà hàng)
- Lần thứ ba. Khi Dương Tấn
Nhựt đang giai đoạn làm nghiên cứu sinh ở đại học Kagawa Nhật Bản. Cuối năm
1998, Tấn Nhựt về Việt Nam thăm nhà và đi cùng một vị Tiến sĩ người Nhật tên
Watanabe, sống ở Yokohama. Những ngày ở Sài Gòn, Watanabe được Tấn Nhựt hướng
dẫn đi tham quan vài nơi nổi tiếng...Một buổi tối, vị Tiến sĩ muốn thưởng thức
văn nghệ, xem Sài Gòn by night thế nào. Tấn Nhựt tham khảo và tôi không do dự
giới thiệu quán Trịnh ở đường Hai Bà Trưng. Nói đến Trịnh Công Sơn, vị Tiến sĩ
gật đầu ngay vì đã nghe danh tiếng. Bà xã của Watanabe là người mê âm nhạc và
có nhiều kiến thức lãnh vực này. Bà còn biết một số ca khúc của Trịnh Công Sơn
chuyển lời Nhật như Diễm xưa,Ca dao mẹ, Ngủ đi con .v.v.
Chương trình nhạc của quán
Trịnh thường khởi đầu lúc 20 giờ. Chúng tôi đến sớm hơn một tiếng để còn trà
nuớc, trò chuyện quanh quẩn về TCS. Tôi chọn bàn sát bên tường có treo nhiều
hình ảnh, tư liệu báo chí viết về Nhạc sĩ. Trong đó có những bài viết như “cô sinh viên Nhật Michiko Yoshii
bảo vệ luận án cao học về “Ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong
xã hội Việt Nam thời chiến tranh”, “Buổi trình diễn của Khánh Ly về nhạc TCS ở
hội chợ Osaka năm 1970”.v.v. Cũng cần nói thêm - Nhật Bản là nơi mà TCS được
nhiều người biết đến. Bài Diễm Xưa được dịch ra tiếng Nhật với
tên Utsukushii Mukashi và được Khánh Ly trình diễn rất thành
công. Bài Utsukushii Mukashi cũng được phổ biến rộng rãi vào
quần chúng Nhật qua tiếng hát của ca sĩ nổi tiếng Yoshimi Tendo. Năm 1972 TCS
đoạt giải Đĩa Vàng ở Nhật với bài Ngủ đi con... Càng xem, càng nghe
thuyết minh Watanabe càng kính nể người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta...
Khi chương trình nhạc xướng lên, chúng tôi không còn được trò
chuyện nhiều vì âm thanh lớn và một phần đắm chìm trong thế giới nhạc Trịnh. Watanabe cũng im lặng chăm chú. Tôi thắc mắc không biết vị
Tiến sĩ có cảm nhận gì với những giai điệu và ngôn ngữ khác lạ. Tôi mong con
tim của vị khách Nhật được lay động...
Khi đến quán, ngay từ đầu tôi thắc mắc không biết Trịnh Công Sơn
đêm nay có hiện diện?. Nếu có thì sẽ thú vị và ý nghĩa hơn cho đêm nhạc. Mải mê
giao tiếp và thưởng thức, tôi quên yếu tố này. Gần 22 giờ, Trịnh Công Sơn xuất
hiện cùng với hai người khách và ngồi vào vị trí cách chúng tôi 2 bàn. Nhiều
khách chú ý và chúng tôi giới thiệu ngay vớiWatanabe. Vị Tiến sĩ tỏ vẻ phấn khởi nhìn theo...Bất ngờ
vài phút sau, Watanabe loay
hoay lấy một cuốn sổ tay từ cái xách mang theo, rồi nói khẽ với Tấn Nhựt rằng
muốn xin Trịnh Công Sơn vài chữ lưu niệm. Watanabe không quên kèm theo cây bút. Tôi ngạc
nhiên, không ngờ vị Tiến sĩ có ý hay và chuẩn bị chu đáo như vậy...Dĩ nhiên
chúng tôi không thể từ chối lời đề nghị tốt đẹp, và không ai khác hơn là tôi
phải thực hiện công việc “ly kỳ” này. Đợi khoảng 5 phút, cầm cuốn sổ rời bàn
nước, tiến đến TCS, tôi chào và trình bày : - Có một vị Tiến sĩ người Nhật rất
mến mộ anh, nhờ tôi đến xin anh vài chữ lưu niệm, anh có đồng ý?. TCS lộ chút
ngạc nhiên đáp lại : - Thế à, rất sẵn sàng, vị ấy đâu rồi?. Tôi chỉ tay về phía
bàn, TCS nhìn theo và Watanabe gật đầu chào. TCS cầm cuốn sổ, dưới đèn màu
phòng trà, ánh sáng không đủ rõ, ngại TCS khó viết, nhưng thấy anh không chút
ngập ngừng. Tôi chăm chú theo dõi từng nét bút, tuy nguệch ngoặc nhưng vẫn nhận
biết : “Sài Gòn ngày...tháng...năm/ Souvenir/ Trịnh Công Sơn”. TCS viết ba dòng
(thực ra chỉ vài chữ) nhưng trải gần đầy trang giấy. Trong đó chữ ký của anh đã
chiếm phân nửa. Chữ ký bay bướm, phóng khoáng như thư họa, rất đặc trưng, như
chúng ta thấy trên các ấn phẩm viết tay của anh…Tôi cám ơn, chào TCS và chủ
động đưa tay bắt. Một cái bắt tay nồng ấm, lịch thiệp và sòng phẳng…
Nhưng một lần nữa, Trịnh Công Sơn cũng chẳng biết thằng tôi là ai!
Tuy nhiên tôi đã đủ túc số - "quá tam ba bận", để cảm
thấy mãn nguyện trong “giao duyên” với bậc thiên tài. Và nghĩ rằng, đó là chút
“nợ người” để phải có mặt trong lễ tang anh - “một ngày buồn” cách đây 10 năm.
. Ám ảnh của một bức họa
. Ám ảnh của một bức họa
Gọi tên “bức hoạ” vì nó
không là ảnh, cũng chẳng phải tranh. Hoạ phẩm chỉ 2 màu, gồm những đường nét và
vài mảng trắng trên nền vải xanh đen. Hình thức giống những bức thư pháp hoặc
tranh liễn treo tường. Tuy đơn sơ nhưng bức hoạ đã khái quát được những nét
chính chân dung Trịnh Công Sơn. Nó được phóng tác từ một bức hình rất ấn tượng
- TCS ôm đàn, ngẩng đầu, vẻ mặt thiết tha... Phía dưới góc phải bức hoạ có chữ Trịnh
Công Sơn.
Trong lần đi xem chương
trình nhạc tưởng niệm TCS, cách đây 6-7 năm, tôi mua bức hoạ cùng vài đĩa nhạc
ở các quầy trong khuôn viên Hội quán Hội Ngộ. Đó là những vật phẩm lưu niệm giá
không đắt, khán giả nào cũng có thể mua.
Có phải từ một ý thức sâu
kín, tôi chọn treo bức hoạ dưới chiếc đồng hồ tường, đối diện giường ngủ. Cái
bố cục gồm 2 hình vuông tròn liên kết nhau, lơ lửng trên tường cảm thấy có lý.
Ở vị trí ấy, nằm trên giường, bức hoạ ngay tầm mắt. Là dân công sở, đa đoan,
đồng hồ luôn là vật “ưa nhìn” của tôi. Vì vậy, khi ở nhà, mỗi sáng, tối, lúc ra
vào chốn nghỉ ngơi, dù không cố tình, chân dung Trịnh Công Sơn luôn ám ảnh. Chữ
“ám ảnh” được hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và đọc ngược “ảnh ám” cũng
xong. Tôi không ý định treo lâu dài nơi đó nhưng thời gian cũng đã 6-7 năm,
hình ảnh ấy đủ để thâm nhập vào tâm trí và chuyển hóa.
Nhiều lần tự hỏi - trước
chân dung có thần sắc tác động lâu dài như vậy, mình có bị ảnh hưởng gì không?
Nhớ đến việc các bà bầu mong cầu con cái xinh đẹp, thường treo hình chân dung
người có diện mạo như ước muốn để nhìn ngắm, tưởng đến, như là liệu pháp tự kỷ
ám thị !?. Nếu quả thực có sự ảnh hưởng đó thì chân dung TCS đã tác động đến
một thai nghén nào trong tôi? Hãy đợi đấy!
5-6 năm trước, tôi chớm
50. Khi ấy mắt vẫn còn tinh tường, nhìn bức hoạ thấy rõ nét, kể cả chữ Trịnh
Công Sơn. Tôi làm việc nhiều với computer ở cơ quan và cả khi ở nhà. Nhiều
hôm "Long thể bất an" hoặc miệt mài chữ nghĩa, lúc tối tăm mặt mũi
tôi thường trở về giường nằm thư giãn. Khi ấy nhìn nét mặt TCS trên bức hoạ
không còn vẻ thiết tha mà chuyển thành đau khổ!. Chữ Trịnh Công Sơn chỉ
còn là một vệt trắng nhoè. Tôi thường lấy bức hoạ làm vật chuẩn để kiểm tra thị
lực. Bức hoạ vô tình có thêm một chức năng thô thiển thực dụng. Gần một năm nay, thường xuyên nhìn thấy vẻ mặt TCS đau khổ, tôi
biết Long thể đã nhiều giảm sút? Có phải TCS than trách điều
gì? Muốn gởi tới một thông điệp không vui chăng?! Lẩn thẩn nghĩ đến một ngày
nào thị lực còn chừng vài phần mười, khi ấy nhìn bức hoạ, sắc diện TCS sẽ như
khói, như mây. Một nghịch cảnh xảy ra - Tôi đến bến bờ tăm tối thì TCS mới hết
khổ đau và siêu thoát. Chợt thắc mắc – đã 10 năm, không biết TCS đã siêu thoát
hay vẫn còn lẩn quất bên đời? Nghe rằng, những người quá quyến luyến cõi trần
sẽ khó về miền cực lạc. TCS đã từng tâm sự “…tôi là ai mà còn trần
gian thế, tôi là ai mà yêu quá đời này…”. Đi sao nỡ khi quanh mình toàn giai nhân
và nhiều người yêu mến tiếc thương!. Nếu làm được gì để TCS siêu thoát bây giờ
thì nên làm và diễm phúc lắm thay!. Để TCS còn tái sinh, tiếp tục hiến tặng cho
đời nhiều giá trị nghệ thuật.
. Dương Tấn Long kỳ ngộ Trịnh Công…Long.
Dương Tấn Sơn tổ chức
tiệc nhỏ tại nhà vào một tối tháng 6/2007. Nơi ấy tôi gặp 3 vị khách: Sâm
Thương, Nguyễn Duy và Trịnh Công…Long.
Sâm Thương là nhà văn,
biên kịch, thành viên trong Nhóm chủ biên nhà xuất bản Văn Mới ở
Sài Gòn trước 1975, là người bạn Huế thân thiết, luôn có mặt bên TCS trong
những năm tháng cuối đời. Sâm Thương có nhiều bài viết về TCS như – Bài
hát đầu tiên, Tình yêu đầu tiên, Đi tìm thời gian đánh
mất.v.v.
Nhà thơ Nguyễn Duy nổi
tiếng ở thể lục bát, phong cách hiện đại, đã góp phần làm mới thể thơ truyền
thống này. Ông có thơ trong sách giáo khoa : Tre Việt Nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ
mẹ ta xưa. TCS đã nhận xét -
"Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ
cây quý mọc trên đám đất hoang đó". Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất TCS, gia
đình nhạc sĩ cho xuất bản cuốn sách công bố những bức thư tình của Trịnh Công
Sơn gửi nàng Ngô Vũ Dao Ánh. Nguyễn Duy là người được tín nhiệm biên tập cuốn
sách này!
Chàng người Đức tên Frank
Gerke, học Triết học, Đông Nam Á học, ngôn ngữ Trung Quốc tại các trường Đại
học Berlin, Bonn, Hồng Kông. Năm 1993 Frank Gerke sang VN nghiên cứu văn học,
làm luận án tiến sĩ, đề tài “So sánh văn học VN và văn học Trung Quốc hiện
đại”. Khi ở Hồng Kông, một thầy Tàu đặt cho Frank Gerke tên là Long vì
chàng tuổi Con Rồng. Khoảng 1995, khi ở Việt Nam, Frank Gerke kết thân với
Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ họ Trịnh tặng thêm họ và chữ lót, Frank Gerke trở thành Trịnh
Công Long. Công Long làm bạn với nhiều văn nghệ sĩ VN, dịch lời nhạc
TCS cũng như nhiều thơ văn của các văn thi sĩ nổi tiếng VN sang tiếng Đức.
Trịnh Công Sơn và Trịnh Công Long
Công Long có nhận xét ngộ
nghĩnh về nhạc TCS - “Anh Sơn đã sáng lập ra một ngôn ngữ riêng trên cơ sở
tiếng Việt, sử dụng những từ ngữ một cách rất lạ. Môi nào hãy còn thơm
cho ta phơi cuộc tình, người ta chỉ phơi quần phơi áo, phơi đồ vật chứ
không ai phơi những cái riêng tư ra cả, chỉ riêng Trịnh Công
Sơn là đem phơi cuộc tình...”. Nhận xét về giọng hát Khánh Ly –
“Khi bắt đầu nổi tiếng, Khánh Ly đã hát nhạc Trịnh nên khán giả đã quá quen với
hình tượng này, thậm chí có người còn không muốn chấp nhận ca sỹ nào khác hát
nhạc Trịnh. Khánh Ly hát quyến rũ nhưng không hay về mặt kỹ thuật, nhưng người
ta vẫn thích bởi giọng mộc mạc của cô. Khánh Ly là người hiểu được Trịnh Công
Sơn…”. Công Long kết luận – “Ai hát nhạc TCS cũng được, miễn là hiểu Trịnh” …
Tôi được tiếp xúc Sâm
Thương và Nguyễn Duy không dưới 3 lần. Sâm Thương gần nhà Tấn Sơn, đã gặp trong
vài sinh hoạt văn nghệ do Tấn Sơn tổ chức. Với Nguyễn Duy, có lần tôi và một
bạn Ninh Hòa được anh lái chiếc traction, chở đến nhà một doanh nhân yêu văn
học, ở Thủ Đức vui chơi cả ngày. Một lần khác đến nhà anh ở gần chợ Trương Minh
Giảng ăn sáng, ăn trưa, nói chuyện đời, chuyện văn nghệ đến giữa chiều mới
thôi. Được trò chuyện với Nguyễn Duy rất thú vị!…Riêng ông Tây họ Trịnh có
nickname giống tôi thì hoàn toàn mới lạ. Khi nghe giới thiệu tôi tưởng đùa,
nhưng biết đó là sự thực vẫn cảm thấy chút khôi hài và thắc mắc. Tên Dương Tấn
Long của tôi không quá tráng lệ nhưng nghe vẫn êm xuôi. Trịnh
Công gắn thêm Long, khoác lên thân xác một chàng mắt
xanh... nghe “hơi bị” sốc, làm sao ấy! Có lẽ hai chữ Trịnh Công đã
tạo nhiều ấn tượng và mỹ cảm từ một người tên Sơn nên không dễ dàng áp đặt vào
một tên khác. Frank Gerke có vẻ tự hào với cái fullname này.… Điểm chung của ba vị khách là có mối thâm giao
với Trịnh Công Sơn. Mỗi vị đã đến với TCS bằng một tư thế khác nhau, vị nào
cũng có tiếng tăm. Tấn Sơn quy tụ được 3 vị khách thật đáng giá! Tôi hân hạnh
có mặt vì cũng là một “tín đồ”.
Trịnh Công Long, Nguyễn Duy,
Sâm Thương với nem Ninh Hòa
Sâm Thương với nem Ninh Hòa
Tiệc gia đình với thực
đơn gọn nhẹ nhưng đậm chất Ninh Hòa. Khai vị bằng nem chua … kết thúc với bánh
xèo và uống rượu Tây!. Đặc sản quê đặt mua từ quán nem của một người đồng hương
ở chợ Bàu Cát gần đó. Ngoài thời gian dành cho bao tử, còn lại là nói chuyện
Trịnh và hát nhạc Trịnh. Diễn đàn phần lớn dành cho âm nhạc. Tấn Sơn và Công
Long luân phiên nhau hát. Giọng Tấn Sơn chưa phải là chất của dòng nhạc, nhưng
đẳng cấp gần chuyên nghiệp, đã có chút trải nghiệm, hát nhạc Trịnh vẫn ổn. Dù
nói tiếng Việt chưa sỏi nhưng Trịnh Công Long tự tin, sang sảng, hát say sưa.
Tôi chăm chú lắng nghe Công Long, xem có gì mới lạ !? Ghi nhận một sự nhiệt
tình, rất thuộc bài, tạo được không khí lạ lẫm hưng phấn…Tiếng guitar mộc mạc
thân quen, đồng điệu với nhạc Trịnh, là sơi dây gắn kết giữa nhạc với những
người có duyên nợ với TCS…Tấn Sơn và Công Long ôm đàn trong men rượu, 3 khán
giả luống tuổi mơ màng…
Vợ chồng Tấn Sơn, Trịnh Công Long,
Nguyễn Duy, Sâm Thương, Tấn Long
Một đêm “đàn ca tài tử”
có nhiều cảm xúc và được thưởng thức gu lạ. Tôi ghi nhận vui :Nghe nhạc Trịnh
bằng giọng Made in Germany chẳng khác nào ăn bánh xèo uống Martell. Một style
Trịnh Công ………...Long!
. Về một người bạn của Trịnh
Công sơn
Hồi ký “Về một quãng đời
của Trịnh Công Sơn” được ấn hành ở Mỹ, nửa năm sau ngày mất TCS. Tác giả là
Nguyễn Thanh Ty, quê Bình Tây - Hòn Khói, Ninh Hòa, hiện định cư ở Mỹ. Hồi ký
viết về giai đoạn : Hai năm chung học khóa 1 tại trường Sư phạm Quy Nhơn
(1962-1964), và ba năm cùng dạy học ở Bảo Lộc (1964-1967) với TCS.
Qua hồi ký, chuyện về TCS
ở trường SP Quy Nhơn chỉ vài sự kiện : TCS làm Trưởng Ban Văn nghệ, sáng tác
“Dã Tràng ca” và làm nhạc trưởng chỉ huy dàn hợp xướng khoảng 50 người trình
diễn trong một chương trình văn nghệ lớn của trường. Giai đoạn này, TCS viết
các ca khúc: Biển Nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh.v.v. Tuy
nhiên, những thông tin trên không có gì mới lạ, nhiều người biết.
Riêng “quãng đời” 3 năm ở
Bảo Lộc là “đặc hữu” của Nguyễn Thanh Ty. Những chuyện nơi thị trấn cao nguyên
heo hút, trong phạm vi vài người, những tưởng đó là đoạn lịch sử mù mờ nhất của
TCS. Nhưng may thay có bạn đồng nghiệp, cùng chung sống là Nguyễn Thanh Ty làm
nhân chứng. Với trí nhớ tốt, bằng bút pháp tinh tế, sinh động, Thanh Ty đã làm
sáng tỏ cả một giai đoạn quan trọng và đầy lý thú. Nhiều tình tiết trong hồi ký
độc đáo, đáng giá để đưa vào sử liệu TCS. Thử đọc - lần đầu TCS lãnh lương: “Tôi ngạc nhiên coi anh chàng làm cái trò gì
đây. Sơn để nguyên quần áo, giầy vớ nằm vật ngửa ra đi văng, tay rút trong túi
quần ra cái phong bì tiền lương lúc nãy, xé phong bì, nắm hết nắm tiền 5200$
gồm giấy 5$, 10$, 50$ tung lên trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh…, rơi lả tả
xuống người Sơn, rơi xuống đi văng. Sơn hốt lên, tung trở lại. Sơn cười sằng
sặc. Sơn cười ha hả. Tiếng cười nghe là lạ. Nó pha lẫn niềm vui và nỗi phẫn
hận. Rồi Sơn chửi thề: "Đù mạ mi! Đù mạ mi! Tiền! Tiền!". Đó là lần
đầu tiên tôi nghe Sơn chửi thề”. Hoặc lần đi Sài Gòn “bán” nhạc phẩm Chiều một mình
qua phố : “Sơn nói: "Mình bán
cho cha Duy Khánh. Chả trả có ba ngàn đồng bạc, mình nài thêm, chả nói, nhạc
Phạm Duy là đắt nhứt mà cũng chỉ tới năm ngàn là cùng, ông là nhạc sĩ mới, giá
vậy là cao lắm rồi". Sơn tặc lưỡi nói tiếp: "Thôi cũng được, nhưng
tiếc một điều là chả làm hư bài hát của mình. Mình bán đứt bản quyền rồi đâu có
ý kiến chi được”. Tôi thắc mắc: “Hư là hư làm sao?". Sơn nói: "Nhạc
của mình êm, nhẹ để diễn tả nỗi buồn của những ngày lang thang trên phố vắng,
đìu hiu, quạnh quẽ mà chả cứ rống lên như bò rống. Sơn giả giọng Duy Khánh, tay
nắm lấy da cổ họng giựt giựt, miệng rống lên "Chiều một mình qua
phố...ố...ố...ố".”…
Trong giai đoạn này,
Trịnh Công Sơn cho ra đời nhiều nhạc phẩm như: Chiều một mình qua phố,
Lời buồn thánh, Vết lăn trầm …và tập Ca Khúc Da Vàng với
14 bài phản chiến : Gia tài của mẹ, Hát trên những xác người, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru
đêm, Tôi sẽ đi thăm,.v.v. Có thể nói đây là giai đoạn hội tụ nhiều yếu tố khách quan tác
động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc cho sự hình thành tài năng và xu hướng
nhạc TCS. Sự nghiệp của TCS thực sự khởi phát từ nơi đây.
Nguyễn Thanh Ty (ngồi
sau, bên trái)
cùng Trịnh Công Sơn và bạn dạy ở Bảo Lộc
Tuy nhiên, sau khi đọc
hết hồi ký, lòng tôi đọng lại “chút ưu tư”...
Khi hồi ký “Về một quãng
đời của TCS” ra mắt được vài tháng, diễn đàn mạng xuất hiện bài “TCS với cao
nguyên bụi đỏ sương mù”. Nguyễn Thanh Ty lên tiếng phàn nàn nội dung hồi ký bị
sao chép!? rồi Giao Điểm lòng vòng phân giải... Là người có chút hiểu biết “văn
hoá” mạng, tôi đã rõ ngay đó là kiểu gì, nên thông cảm phần nào phản ứng của
anh Ty.
Sự xuất hiện của anh
Thanh Ty và Hồi ký trên diễn đàn Ninh Hòa ở hải ngoại đã tạo được chú ý của
những bạn đọc hâm mộ TCS. Tôi được đọc thêm một số bài viết có nhiều tình tự
quê hương của anh như : Dư Âm Ngày Cũ, Ngải Hời, Cái cặp táp, Nàng
Xụi.v.v. Qua các tác phẩm, anh Ty đã khẳng định một bút lực thâm hậu,
hàm chứa nhiều kiến thức văn học, nhiều trải nghiệm cuộc sống với một văn phong
hoa mỹ lẫn hóm hỉnh...
Nhưng đọc xong các bài
viết của anh Ty, lòng tôi lại thêm “chút ưu tư”.
Tuy có nhiều “chút ưu
tư”, nhưng chúng tôi vẫn kính nể một bậc “danh sĩ” đồng hương!. Dù ở “hai
phương trời cách biệt”, những cuộc giao lưu, trao đổi tâm tư giữa anh Ty và
chúng tôi được kết nối vui vẻ, hứa hẹn một cuộc hội ngộ thắm tình.
Anh Thanh Ty về Việt Nam
tháng 5/2006. Thân hữu Ninh Hòa tại Sài Gòn tổ chức gặp anh ở nhà hàng Bình
Quới, nơi có Hội Quán Hội Ngộ. Chọn nơi này vì cảnh đẹp, thoáng đãng và chính
là để anh Thanh Ty được thăm viếng nơi lưu niệm bạn mình. Tham dự có vợ chồng
anh Nguyễn Tiến Lãng (bạn dạy cùng thời ở Bảo Lộc, đang sống ở SG), Thân Hữu NH
có Thu Thủy, Tấn Long, Tuyết Hoa và bạn, vợ chồng Tấn Sơn... Mọi người đều hài
lòng địa điểm “hội ngộ”, cuộc giao tiếp diễn ra vui vẻ thân tình... Chúng tôi
dành một khoảng thời gian để cùng hai anh Thanh Ty và Tiến Lãng thăm viếng nơi
lưu niệm, cùng trò chuyện, chụp hình. Trước những kỷ vật và hình ảnh của TCS,
tôi nhận thấy anh Thanh Ty có vẻ lưu tâm chăm chú, thể hiện sự thành kính. Anh
quay phim ghi lại nhiều hình ảnh....
Tấn Long, vợ chồng Nguyễn Thanh Ty, vợ chồng Nguyễn Tiến Lãng, Thu
Thủy, Tuyết Hoa
Nguyễn Thanh Ty, Tấn Sơn
Sau thời gian về thăm
Khánh Hòa, anh Ty trở lại Sài Gòn mở tiệc khoản đãi bạn bè và “đáp lễ” thân hữu
NH. Điều bất ngờ ở phần giới thiệu trước khi vào cuộc. Anh Ty đứng lên ra vẻ
trịnh trọng, đưa tay về phía nhóm Ninh Hòa giới thiệu với các bạn anh – “đây là
các fans hâm mộ của tôi” !!!. Không biết hơn chục bạn già của anh Ty nghĩ gì,
nhưng nhóm thân hữu NH ai cũng thấy ngứa tai. Tôi ngớ người ra, nhưng kịp lên
tiếng nhẹ nhàng – “Anh phải nói đây là những người đồng hương chứ!”. Nguyễn
Thanh Ty cười xuề xòa ngập ngừng xuống giọng rồi tiếp thêm mấy lời tôi vừa gợi
ý!. Phút dạo đầu phản cảm ấy của anh Thanh Ty đã gây nhột, làm nhóm thân hữu NH
mất hứng...Dự định chúng tôi sẽ mời anh Ty thêm chầu cà phê để “tâm tình” sau
đó, nhưng vì quá chán danh sĩ đồng hương, đành rút sớm khi tiệc chưa tàn...
Sau hôm ấy, những “chút
ưu tư” của tôi chuyển thành “sự thất vọng”!
Trở về Mỹ, không lâu sau
đó, anh Ty tung ngay ký sự “Nha Trang ngày dzìa” với những mẩu chuyện quê nhà.
Qua chiếc lăng kính khác thường, anh Ty mô tả chuyện quê hương lắm điều tệ hại.
Trong đó dung tục hoá, bỡn cợt một số sự việc, đụng chạm phụ nữ. Thế là bị quý
bà phản ứng quyết liệt, nghe rát cả tai, nghe dai cả tháng. Diễn đàn Ninh Hòa
đành phải rút bỏ “Nha Trang ngày dzìa”. Rất may tôi cũng đã kịp “thưởng thức”.
Nghe nói trước đó anh có một bài với ý - “Hòn đá san hô chưa xô đã ngã/
Con gái Ninh Hòa chưa gả đã theo" cũng rơi vào trường hợp trên!
Đến đây thì “Sự thất
vọng” của tôi chuyển thành “tuyệt vọng”. Hết thuốc chữa!
Cuối năm 2007, tôi được
một anh đồng hương kính mến ở Mỹ gởi e-mail bảo rằng : “ông Nguyễn Thanh Ty xục
xạo vào diễn đàn giao lưu sinh hoạt của trường Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha
Trang tìm kiếm những sơ sót trong ý tứ chữ nghĩa, bới lông tìm vết của bạn bè
rồi viết bài châm chọc, bôi bác, xiêng xỏ, thậm chí mạt sát, không chừa một ai.
Thầy trò Võ Tánh rất phiền hà, các anh đang khó xử vì đều là nạn nhân của ông bạn
đồng hương, đồng trường…”. Cuối cùng anh nhờ tôi cứu nguy bằng một bài viết
“phản pháo”.!!! Anh bảo rằng trên diễn đàn Ninh Hòa chỉ có tôi và anh QD là đủ
khả năng làm chuyện này. Nghe xong tôi choáng váng tìm lời thối thác – “rất cám
ơn sự tín nhiệm, nhưng bản thân chẳng có lý do chính đáng và không đủ khả
năng…”, rồi đưa một kết luận ngắn kèm theo câu hỏi khó – “Các cao thủ Võ Tánh
đâu cả rồi ?!”....
Đang “tuyệt vọng” nghe
những tin trên càng thêm quẩn trí ! May quá, nghe vẳng tiếng TCS nhắc nhở -
“đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng... có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”,
tôi rùng mình tỉnh hồn.
Với nhiều thứ “quá liều
lượng”, từ “chút ưu tư” khi thoáng cảm nhận qua từ ngữ bài vở, đến những “thất
vọng” rồi “tuyệt vọng” trong chuỗi các sự kiện, chúng ta có thể đúc kết tính
cách một con người và hoài nghi sự đúng đắn của những dữ liệu, bài vở của anh
Thanh Ty….
Ý định khai triển thêm,
nhưng thấy mình cũng đang “quá liều” nên phải chấm dứt bằng mọi giá. Tìm lối
ra? Nghĩ rằng lúc “nhập” bằng hồi ký “Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn” thì
“kết” cũng theo lối này… Chợt nhớ, đoạn cuối của Hồi ký, đã khiến tôi có “chút
ưu tư”. Và khi gặp anh Ty ở Hội Quán Hội Ngộ, tôi khen Hồi ký viết hay, có giá
trị sử liệu, nhưng đoạn cuối không phù hợp. Anh Ty trả lời với đại ý kiểu “ở
ống thì dài”! Nghe giải thích vậy tôi không biết phải nói gì thêm!. Trước đó
Tuyết Hoa cũng đã có chút bất đồng với hồi ký trên, đã viết bài Chuyện
phiếm để bày tỏ chính kiến, trong đó có ý : "...theo
tôi có những vấn đề anh viết ra làm giảm giá trị của nội dung này vì bút ký của
anh là một tư liệu quí về một người quá nổi tiếng (nổi tiếng thế nào thì có quá
nhiều sách viết rồi), chỉ riêng anh viết rõ được thời khắc và lý do ra đời tập
"Ca Khúc Da Vàng" để rồi TCS đã bước lên đài danh vọng từ đó. Anh đã
bộc lộ ý kiến cá nhân quá cực đoan, theo chiều hướng của phe đối lập về tư
tưởng, làm cho người đọc cảm thấy anh không được vô tư khi viết về một nhân vật
có thật...". Sau này được đọc hồi ký ấy ở các web khác và kể cả web
của gia đình TCS, thấy hầu như đã cắt bỏ đoạn cuối. Tôi nghĩ nhiều người đã
nhìn nhận vấn đề như mình.
Có một chi tiết trong
đoạn kết - Ngày chuẩn bị rời đất nước sang Mỹ định cư T11/1991, anh Ty tìm đến
nhà Trịnh Công Sơn nói lời từ biệt nhưng không gặp. Sau nhiều suy diễn, xét
đoán, phê phán, anh Ty gởi tới TCS một thông điệp đầy khí khái theo kiểu cải
lương:
Nguyễn Thanh Ty bên chân dung TCS
ở Hội Quán Hội Ngộ
Hẹn bạn lúc xuân thì, đã
20 năm, chẳng biết anh còn nhớ hay anh đã quên?! Hôm nay có định
rút lại lời hẹn ước? Trong khi Trịnh Công Sơn đã về “kiếp sau” hơn 10 năm rồi
thì người hẹn vẫn tràn đầy sinh lực, bám chặt kiếp này trêu
chọc thiên hạ. E rằng bạn Trịnh Công Sơn chờ đợi “hơi bị“ lâu !. Hai bạn nói gì ở kiếp
sau nhỉ.?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét