Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Một chuyện rất nhỏ nhoi

Một chuyện rất nhỏ nhoi

Mỗi lần mẹ hớt tóc tôi xong là em tôi lại lắc đầu nhìn tôi bảo:
- Em không hiểu tại sao anh Tiến cứ để cho Măng cắt tóc anh Tiến.
Măng là mẹ, là chúng tôi gọi tắt từ chữ maman mà ra. Mỗi lần như thế, tôi chỉ biết cười xuôi mà nói:
- Măng cắt tóc cho anh bao nhiêu năm nay, anh quen vậy rồi.
Tôi vốn không ưa con cà con kê về những chuyện tình cảm. Những chuyện ấy, khi người ta không tự cảm nhận được, có giải thích cũng bằng thừa. Em tôi từ nhỏ đã biết chú trọng về lối ăn mặc, cách chải tóc rẽ ngôi, nên em không hiểu cũng phải. Với em, hớt tóc có thể chỉ là một cách tô trang bộ mặt. Với mọi người, hớt tóc chỉ là một việc tầm thường phải làm. Còn tôi, hớt tóc, hay nói đúng hơn, được mẹ hớt tóc là cả một niềm vui.
Thật ra mẹ chỉ bắt đầu cắt tóc cho tôi khi tôi 17, 18 tuổi. Thưở bé, mái tóc của tôi được ông thợ hớt tóc dạo ở xóm tôi đảm nhiệm. Tháng tháng, nghe tiếng rao "hớt tóc, hớt tóc, em nào tóc dài xin tiền má hớt tóc" là mẹ tôi chạy ra gọi ông vào. Ông rất khoái hớt tóc cho tôi. Con nít hớt tóc hay khóc lóc, la hét không chịu ngồi yên. Tôi hớt tóc thì chỉ rúc rích cười. Giản dị lắm. Ông khám phá ra là tôi không biết nhột, duy chỉ có một chỗ đằng sau ót rờ vào là giật bắn cả người, nhột nổi da gà. Thế là hớt tóc cho tôi, lừa những lúc tôi không để ý, ông chọt tay vào, cho mẹ con tôi và ông có những trận cười.
Như thế được mấy năm thì các em tôi lần lượt ra đời. Phần vì nhà có nhiều miệng ăn hơn, phần vì vật giá thì leo thang mà đồng lương lại lê gót, công việc tu chỉnh sắc đẹp này trở thành việc của bố tôi. Lúc ấy, chuyện hớt tóc hằng tháng đối với tôi là cả một cực hình.
Từ nhỏ tôi đã không biết sợ Trời Đất Thánh Thần ma quỷ. Tôi để dành nỗi sợ để sợ bố tôi và cây roi mây của bố. Cây roi trên tay bố hiện hữu hơn các bùa phép lạ trên cửa miệng nhân gian, hơn các hình phạt lột lưỡi nấu dầu ở một chốn ta bà nào đó. Cắt tóc với bố là phải ngồi nghiêm chỉnh, dẫu có nhột khi bố chạm vào "bí huyệt", dẫu có nóng rát khi bố lỡ tay để chạm vào đầu lưỡi tông\đdơ máy nóng hổi. Kịp khi tôi lớn lên một chút, cây roi mây được về hưu, thì tôi đã quen với lối ngồi ngay ngắn, với sự im lặng trong lúc bị cạo đầu. Bố lui hui hớt tóc, con cắm cúi đọc sách. Tôi lớn thêm. Tóc dài ra. Bố chăm chỉ hớt. Bố hớt say mê như một nhà diễn viên yêu nghề, tỉa từng cọng tóc như người đang lo lắng cho cây kiểng bonsai quý giá. Phải công nhận là bố tôi có hoa tay, cắt khéo còn hơn ở tiệm nữa kìa.
Năm tôi 17, 18, bố một mình đi xuống Texas mở tiệm. Công việc hớt tóc lúc đó mới về tay mẹ. Đúng ra, tôi đã đi làm và có tiền để đi tiệm hớt. Nhưng bấy giờ, lương mẹ cũng chưa được ba đồng một giờ nên tiêu hoang phí như vậy, tôi thực không dám. Vả lại, tôi nghĩ cái tóc thì có ăn nhằm gì, cắt sao chả được. Miễn là ngắn gọn, mỗi sáng không cần phải chải là tốt rồi.
Đến khi mẹ bắt tay vào việc thì tôi mới biết là tôi lầm. Mẹ không có hoa tay như bố nên cái đầu tôi, chao ôi, lắm lúc trọc cũng không ra trọc mà dài cũng không ra dài. Cái ót chỗ đen chỗ trắng, loang lỗ như người bị lang beng, thiết tưởng, đến Tiên cũng phải bực mình. Và đã bao lần tôi dở khóc dở cười vì được chúng bạn "khen" có kiểu tóc "punk" rất hợp thời trang. Cái kiểu tóc "bốn bề vắng vẻ, bên trên rậm rì" ấy, tôi chắc đã được ra đời bởi những người thợ tài cán ngang ngửa mẹ tôi. Lỡ cắt lẹm một chút, ráng sửa, gắng chữa, nên bốn bề mới trở thành quang quạnh "sạch sẽ" như vậy.
Tôi, nạn nhân của thợ mẹ, cho rằng cằn nhằn là quyền của tôi nên tôi mãi cau có, mãi cằn nhằn. Cho đến lần kia, khi mẹ vừa hớt trụi một góc trắng hếu bên mang tai, thấy tôi bắt đầu nhăn nhó, sửa soạn ca bổn cũ, mẹ xuýt xoa, cuống quýt.
- Mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi con. Mẹ đâu có muốn làm con bực mình đâu. Lúc nào mẹ cũng muốn cho con đẹp, con hay hết mà. Tại hôm qua mẹ phải xếp sách suốt ngày, hôm nay cái tay mẹ nhức quá nên mẹ mới lỡ tay. May quá, mới có chút xíu thôi, để mẹ sửa lại cho.
Lúc ấy, tôi chỉ muốn ôm lấy mẹ mà xin người tha thứ cho tôi. Mẹ dẫu mệt mỏi đau đớn vẫn ráng chăm chút cho tôi. Tôi lại không có được một lần cám ơn, mà chỉ có những lời trách móc than phiền, để rồi xẩy ra cảnh mẹ xin lỗi con. Ôi ! Tôi thật chẳng đáng làm người.
Tôi thôi cằn nhằn, nhưng khi ngồi cắt tóc, tay tôi vẫn không rời quyển sách. Mẹ không như bố. Khi cắt tóc, mẹ thích hỏi chuyện tôi. Và mẹ thích kể chuyện, chuyện thời xưa, chuyện trong tuần, chuyện trong ngày, chuyện dự tính về tương lai. Tôi mải mê đọc sách nên thường thì tôi chỉ ừ hử vô thưởng vô phạt để trả lời mẹ. Sau một lần như vậy, mẹ chép miệng than nhỏ:
- Mẹ con cả tuần không ngồi xuống được với nhau. Bây giờ có chút thì giờ thì con lại chúi đầu vào quyển truyện ...
Nỗi bất nhẫn trào lên làm tim tôi như thắt lại. Tôi chịu thua mẹ, bỏ thói đọc sách trong khi hớt tóc để hầu chuyện với người.
Ngạn-ngữ người Mỹ có câu "Familiarity breeds contempt", tạm dịch là "quen quá hóa khinh thường". Tôi ở bên mẹ bao năm mà đến lúc ấy, tôi mới biết rằng mẹ không chỉ là mẹ của tôi, không chỉ là một cái kho tình thương cho tôi trốn vào những lúc tôi buồn tủi. Mẹ là người, một người với những kỷ niệm vui buồn, những nỗi niềm u ẩn, những ước vọng đơn sơ. Mẹ là thưở ấu thơ trèo cây, chọi đá, đẽo chuối kết bè, trần truồng tắm ao theo các anh trai. Là chiều quê theo bạn bè thả diều trên đê sông Vân. Là đêm trăng thanh sân gạch, xem người lớn giã gạo, đàn hát, đánh cờ. Hội hè đình đám, giỗ, Tết ngày xưa. Năm đói Ất Dậu. Bỏ quê vào tề. Bỏ Bắc vô Nam. Mẹ là cả một vũ trụ riêng tư, nay mở ra cho tôi làm khách thưởng ngoạn.
Tôi mê man ngồi nghe mẹ kể chuyện. Bởi thế mà có khi mẹ phải mất cả giờ mới cắt xong tóc cho tôi.
Từ khi tôi sống xa gia đình, và nhất là sau khi các chị tôi lần lượt cho mẹ lên làm bà, tôi càng quý những phút được gần bên mẹ hơn nữa. Nhà tôi đông người, tôi lại ở xa về, nên ngồi đâu cũng có chị em, các cháu xúm xít, ngoại trừ lúc mẹ hớt tóc cho tôi. Những lúc đó mới thực là:
Không cháu con vòi vĩnh
Chẳng em chị nói cười
Tôi là riêng của mẹ
Và mẹ của riêng tôi
Thế nên mặc cho tóc tai thậm thượt, thường, tôi không chịu đi tiệm hớt, để dành cái đầu bờm xờm mang về cho mẹ. Nếu tóc có dài quá, chịu không nổi, thì tôi tự soi gương tỉa bớt. Tiệm ngoài có ai hớt được bằng mẹ đâu.
Ngẫu nhiên đôi lúc, hoặc là vì có cuộc họp quan trọng, hoặc là vì có lý do nào đó, tôi bắt buộc phải đi tiệm cạo. Thấy tôi mang cái đầu cụt ngủn về, mẹ buồn buồn nói:
- Kỳ này mẹ không phải cắt tóc cho con.
Tôi bảo mẹ:
- Nhưng họ cắt, con không thích! Măng sửa dùm con tí măng nhé?
Tôi thấy mẹ cười tươi lắm. Mẹ vừa được một món quà nhỏ. Món quà chẳng tốn một xu, mà người nhận vui mừng hí hửng, người cho hạnh phúc dạt dào.
Nhớ ngày xưa, tôi thường sốt ruột mong cho mẹ cắt chóng xong. Còn bây giờ, nếu vì bận rộn với các cháu, mẹ phải ráng cắt cho nhanh thì tôi lại cảm thấy như tôi bị thiệt thòi. Tôi thích ngồi nghe những ngón tay gầy guộc của mẹ mò mẫm đầu tôi, đan vào tóc tôi một thứ tình êm dịu thiết tha, xoa đi những nỗi nhớ nhung của bao ngày xa cách. Tóc tôi thêm xanh, hồn tôi thêm mát, tim tôi thêm tươi tốt vì được vun xới bằng suối ngọt tình thương từ mẫu. Và tôi đã hiểu thế nào là "lòng mẹ bao la như biển Thái Bình".
Mấy lúc này, vì tuổi đã cao, lại thêm làm việc suốt ngày với máy điện-toán, mắt mẹ nhìn không được rõ nữa. Hớt tóc cho tôi, mẹ phải bật hai ba cái đèn. Vậy mà mẹ vẫn cắt so le. Tôi phải chỉ cho mẹ cắt lại hay là phải tự sửa.
Cuộc sống vô thường, chẳng biết niềm vui của tôi còn được bao lâu? Phải chi mẹ cứ mãi hớt tóc cho tôi, cho tôi mãi được thấy đời mình hạnh phúc thắm tươi vì một chuyện rất nhỏ nhoi, tầm thường đến hầu như vô nghĩa đối với bao người khác!.
Doãn Mạnh Tiến
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ ...