Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Trái đắng trường sinh 2

Trái đắng trường sinh 2

GIẤC MỘNG SẦU
(VỞ KỊCH SẦU)

Vở kịch này nếu dựng lên sân khấu đài vô tuyến truyền hình, xin dùng đúng từng bản nhạc (nhạc dân ca, nhạc Phạm Duy và bản Quốc Tế Ca)

Mở màn:

CẢNH 1

Người mẹ đương đi quanh trong phòng tìm một vật gì; thằng bé chừng sáu tuổi cứ lũn cũn đi quẩn lấy chân mẹ, giọng cằn nhằn một cách rất dễ thương.

Thằng bé: Me e ẹ...

Người mẹ: Gì mà cứ căn nhằn hoài từ nãy đến giờ?

Thằng bé: Anh Quang sướng quá à, được viết thư cho bố hôm qua.

Người mẹ: Ai bảo lúc đó con đi chơi, ai mà đợi được?

Thằng bé: Me e ẹ...

Người mẹ: Cái gì?

Thằng bé: Anh Quang sướng quá à...

Người mẹ: Giời ơi... Lại đây ông, mời ông lại đây.

Người mẹ lấy ra một tờ giấy trắng, dùng thước kẻ và bút chì kẻ vội mấy dòng, trong khi đó thằng bé mỉm cười đắc thắng.

Người mẹ: Bút đây. Ông viết thư cho bố ông đi, viết theo đúng dòng tôi đã kẻ cho đó.

Thằng bé đứng cạnh mẹ viết ngay trên bàn chiếc máy may, cái miệng, cái đầu cùng đưa theo những nét chữ, miệng lẩm nhẩm đọc.

Thằng bé: "Bố yêu quý con nhớ bố quá chừng bố không về thì con khóc bố ơi trong lớp con là hàm tiếu đó con làm toán cho bố xem 3+4=7 4+5=9 2+6=8

6-3=3 8-4=4 7-2=5 ký tên nguyễn đắc minh."

Người mẹ: Được rồi, đưa thư cho mẹ, chiều nay mẹ gửi ngay cho.

Thằng bé: Chữ con đẹp ác, mẹ ha?

Người chú: Chữ cháu chú thì nhất định đẹp rồi; ai mà địch nổi được với chữ của cháu!

Người mẹ: Chú về lúc nào mà cả hai mẹ con cùng không hay thế?

Người chú: Em về đúng lúc cháu viết thư. Thế nhưng mà này, "hàm tiếu" nghĩa là gì cơ thế cháu?

Người mẹ: Cháu Minh vào hạng khá trong lớp nên cô giáo gọi là "hàm tiếu", còn hạng kém một chút là "mầm non".

Người chú: Ô hô, thì ra thế.

Người mẹ: Tôi lo quá chú ạ, mặt trận chỗ anh đương đóng nặng lắm.

Người chú: Chị đừng lo, có phúc có phận mà, nhà mình âm đức dày!

Người mẹ: Thôi chú đã về thì trông nhà nhé, sáu giờ thì các cháu đi học về cả đấy, tôi có việc phải xuống phố mua mấy thứ, tiện thể bỏ lá thư này cho cháu. Anh vẫn thường nói là cho vàng cũng không bằng cứ đều đều nhận được thư nhà.

Thằng bé: Mẹ cho con đi với.

Người mẹ: Vâng, xin mời ông đi!

CẢNH 2

Người chú ngồi dựa lưng trong một chiếc ghế bành rộng, chân ghếch lên bàn, sách vở bề bộn. Trời bên ngoài hẳn nhiều mây, căn phòng âm u thiếu ánh sáng, một cơn gió lùa qua cửa sổ lật tung một tờ lịch rộng. Nhạc một điệu dân ca tự đâu đây vẳng tới. Tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng phách hòa với nhau trong một nhịp buồn: Tiếng sáo than van, nức nở; tiếng nhị u sầu như bóng một người đơn độc đội nón đi vào trong sương chiều; tiếng phách như nhịp bước u hoài của thời gian. Tiếng hát cất lên hòa với nhịp nhạc. Lời ca thì dí dỏm mà nhịp nhạc thì vẫn man mác u sầu:

"Dương cung mà bắn, ư ư ư bắn bắn bắn... con cò, tình bằng cò bay ư ư..."

Vừa lúc người bạn vào.

Người bạn: Cậu nghĩ gì vậy?

Người chú: Tôi nghĩ đến cuộc chiến tranh hỏa ngục kéo dài một phần tư thế kỷ trên đất nước bất hạnh này; tôi nghĩ đến những tên mang danh là đại trí thức, đại triết nhân, đại chính trị gia quốc tế, mỗi khi họ mở mồm ra phát biểu ý kiến về cuộc chiến tranh bẩn thỉu này mà chúng ta phải gánh chịu cho cả thế giới an vui, giọng lưỡi họ bất nhân, vô ơn và ngu xuẩn một cách trịnh trọng. Họ xuất thân ở các đại học yên vui, dân tộc này xuất thân ở ngay sự sống hỏa ngục, học bằng xương máu và nước mắt của chính mình. Tôi đặc biệt quý mến một người bạn Nhật cùng học một trường với tôi ở ngoại quốc. (Nhắm mắt tưởng tượng lại ngày đó. Hình ảnh xuất hiện cùng với lời người chú.) Tôi gặp y lần đầu vào dịp cùng đoàn sinh viên trường du ngoạn trên hai ngàn thước cao của dãy núi sương khói Smoky Mountains. Chúng tôi thoạt cùng yên lặng ngắm cảnh trời chiều ở khoảng cao này. Nhìn về phía North Carolina, thung lũng âm u; phía Kentucky, ánh vàng thoi thóp; đặc biệt khi quay lại Tennessee, cây rừng bỗng in bật trên nền trời đương xẫm màu, những cành mềm khẽ lung lay theo gió như có bàn tay của đấng chí tôn vừa tới âu yếm xoa đầu tạo vật. Tiếng người bạn Nhật thủ thỉ nói với tôi trong bóng chiều chạng vạng đó. Anh nói anh ghét chiến tranh vô cùng; trong kỳ Đệ nhị Thế chiến vừa qua, cha anh chết ngoài chiến trường, anh anh chết đói, chính anh cũng suýt chết đói. Giọng anh buồn, thật buồn như xuất phát tự hư vô rồi lại chìm vào hư vô. Tôi mến anh ngay từ lúc đó. Rồi chúng tôi lẳng lặng chui vào sleeping bag ngủ. Nói thật ít mà niềm cảm thông thì chan hòa! Hôm sau lúc bừng mắt dậy, núi rừng xung quanh tuyết đã lén phủ trắng xóa tự bao giờ, nước đọng thành những giọt trân châu quanh mình, ai nấy tưởng như đương lạc vào một thế giới thần thoại mà lâu đài thành quách thẩy đều làm bằng pha lê. Chính lúc đó anh bạn Nhật thủ thỉ tâm sự tiếp câu chuyện bỏ dở chiều hôm trước. Anh thú thực khi ra nước ngoài gặp người Việt Nam anh mới hay là người Việt Nam cũng đi học hành, cũng có trí thông minh như ai.

Người bạn: Ủa, sao kỳ vậy?

Người chú: Bởi thế hệ mới lớn lên của nước Nhật họ có biết gì về Việt Nam đâu ngoài những phim ảnh trên vô tuyến truyền hình hoặc trên báo chí.

Người bạn: Trời ơi!

Người chú: Mà xem TV, nhìn ảnh báo chí, họ thấy gì? Thấy cảnh ở chui rúc trong những túp lều dựng lên bằng cành cây, lợp bằng giấy báo; thấy cảnh chiến tranh tang tóc, mẹ ôm xác con, con ôm xác mẹ; thấy cảnh ông già bị trói quặt khuỷu tay, râu tóc xác xơ, vải đen bịt mắt, rẻ nâu buộc miệng...

Người bạn: Trời ơi!

Người chú: Chưa hết đâu anh ơi, còn những tác giả "giàu sáng kiến" in một quyển tranh ảnh song song so sánh đôi miền, miền hỏa ngục của chúng và miền thanh bình của họ. Chẳng hạn một bên là ảnh người mẹ gày Việt Nam ôm đứa con mặt cháy phồng vì bom napalm, thì đối xứng trang bên là cảnh bà mẹ Âu Mỹ âu yếm ôm con trên giường nệm trắng tinh, cả hai trang ảnh mang cùng một đầu đề "Ôm ấp". Đối xứng với ảnh cụ già Việt Nam bị bịt mắt buộc miệng là ảnh vị bác sĩ Âu Mỹ cũng bịt miệng, tay đeo găng đương chăm chú

Người bạn: Họ cố tình bêu rếu mình ?

Người chú: Đó là cách họ sử dụng tự do đấy! Quả thực đây là một cuộc chiến tranh vô nhân đạo nhất thế giới từ xưa tới nay! Quả thực cuộc chiến tranh này bẩn thỉu đến mức không thể nhân danh bất cứ cái gì mà biện minh cho nó được nữa!

Người bạn: Sau buổi đi chơi núi anh vẫn gặp người bạn Nhật của anh?

Người chú: Chúng tôi trở thành bạn thân từ đó. Cho đến ngày tôi về nước, người bạn Nhật kể lại cho tôi hay là anh đã hai lần viết thư về nước nói về những người Việt mà anh gặp, nhưng các bạn anh ở Okinawa

- quê anh ở Okinawa - cương quyết không tin và cho là anh nói dối.

Người bạn: Trời ơi!

Người chú: Câu chuyện thực đã thê thảm, đêm đó về phòng tôi còn mơ một giấc mơ kinh khủng hơn, bây giờ nghĩ lại còn toát mồ hôi lạnh.

Người bạn: Anh mơ thấy gì vậy?

Người chú: Tôi mơ thấy mình chết. Linh hồn tôi cùng vô số linh hồn khác nằm ngồi la liệt trong một căn phòng rộng. Tôi bỗng nhớ lũ cháu tôi vô cùng, lũ cháu của người anh thứ hai tôi ở Saigon đây, và lũ cháu của người anh đã chết trận trong thời kháng chiến hiện sống với mẹ ở một vùng giới tuyến. Tôi nhớ lũ chúng đến muốn ứa nước mắt, và linh hồn tôi vùng lên với ý định quyết liệt bay về nhìn chúng tại cả hai nơi. Nhưng thê thảm chưa, linh hồn còn nặng nề hơn thể xác, bị chôn chân ở nguyên chỗ cũ như hệt một thân cây không thể tự bưng gốc mà cuốn lên theo gió. Tôi chợt cảm thấy lòng tràn ứ chua xót, vì như vậy là cho đến muôn đời... muôn đời về sau tôi không còn được thấy mặt lũ cháu thân yêu nữa, linh hồn tôi sẽ biến thành thứ đá vọng phu chôn chân một chỗ hướng vọng về cố hương. Tôi khóc rống lên thê thảm như mỗi lần mơ thấy mẹ chết. Và tôi bừng tỉnh dậy. Thật là hú vía! Sự sống quý quá anh ơi!

Im lặng. Đôi mắt người chú lim dim. Người bạn vừa toan rón rén rút lui, thì tiếng người chú cất lên êm nhẹ như vẳng lại tự một thời gian xa xôi nào, tự một không gian vời vợi nào.

Người chú: Ngày tôi lên đường về nước, người bạn Nhật bịn rịn tiễn tôi ra tận phi trường bằng xe của anh. Trước khi đi anh bẻ một cành hồng rose of charon tặng tôi, tôi cũng bẻ một cành crepe myrtle tặng lại.

Một bản dân ca khác tràn vào. Tiếng sáo véo von óng chuốt như cô gái vừa tới tuổi xuân; tiếng clarinet ấm như giọng chàng trai tới ướm hỏi nàng làm vợ. Lời ca cũng vừa cất lên. Đó là bài "Hát Hội Trăng Rằm":

Trèo lên quán dốc Ngồi gốc (ối a) cây đa Rằng tôi lý (ối a) cây đa.

.....

Người chú như lim dim ngủ, người bạn rón rén ra khỏi phòng. Người chú đi sâu dần vào giấc ngủ cùng với bài dân ca kế tiếp:

Nước chảy bon bon

Lên non hái trái

Anh cảm thương nàng

Cô gái mồ côi

...

Có những bước chân hấp tấp cùng với nhịp nhạc. Lũ cháu lớn trai có, gái có vừa đi học về tới nhà. Đứa đi đầu thấy chú ngủ bèn quay lại, một ngón tay để lên miệng "Suỵt", cả lũ ren rén bước lẹ vào trong rồi lên thang gác.

Ánh nắng xa xôi nào vàng úa hắt vào căn phòng. Người chú bắt đầu đi vào một giấc mộng sầu, mơ thấy mình tới vùng quê hương khói lửa có nhà người anh cả trước đây đã chết trận Điện Biên Phủ. Tiếng đại bác chiến trường vang dội đâu đây... Người chú lững thững từ xa đi lại, dừng trước cổng tre xiêu vẹo, đưa mắt nhìn hàng giậu tiêu điều. vùng cây cỏ không xa hàng giậu còn ghi dấu vết của bom đạn, màu cỏ vàng úa, những thân cây cháy đen. Tiếng hát bài "Cây Trúc Xinh" vẳng tới:

Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc

Qua lối nọ như bờ ao

Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng

Đứng nơi nào qua lối như cùng xinh

...

Tiếng hát trong vắt vẻo, trời xanh và nắng vàng như sà xuống ôm lấy vùng cây cỏ cháy sém bên hàng giậu xác xơ để an ủi vỗ về. Người chú đã bước vào vùng sân cỏ trước căn nhà tranh vắng ngắt. Người chú vừa nhắm mắt hai tay ôm lấy mặt thì cảnh nước ngoài thanh bình xuất hiện, đồi cỏ xanh mướt, lũ trẻ tóc vàng trai có, gái có, đương rượt nhau vui đùa nô giỡn. Có tiếng lũ trẻ ồn ào. Người chú buông tay ngửng nhìn. Trên con đường cỏ cháy sém, hai đứa cháu sinh đôi một trai một gái đương cùng lũ trẻ hàng xóm chạy lại. Lũ trẻ này cũng trai có gái có, nhưng mặt mũi hốc hác cơ cực, cỡ tuổi khoảng từ tám đến mười hai. Hai đứa cháu và lũ trẻ hàng xóm đã quây xung quanh người chú, tưng bừng.

Người chú: Trời ơi, ai bảo các cháu chơi trên con đường đó. Các cháu không nhớ hôm nọ mìn nổ sao?

Đứa cháu trai: Chú ơi, hôm nọ anh Hoàn cháu đi học về được chứng kiến mìn nổ trên đường nhựa. Mìn nổ đúng lúc chiếc xe nhà binh chở bốn quan tài lính qua. Bốn chiếc quan tài cùng bật tung bốn nắp và bốn xác người bắn ra lăn lông lốc.

Người chú: Đúng rồi, chú có biết tin, và các nhạc sĩ, văn thi sĩ nước ta gọi vụ thê thảm đó là "người chết hai lần" đó các cháu ạ. À này, thế anh Hoàn cháu giờ này vẫn chưa đi học về sao?

Đứa cháu trai: Thưa chú cũng sắp rồi ạ.

Đứa cháu gái: Anh Hoàn cháu đã về kìa, chú.

Hoàn, đứa con trai mới lớn, mười sáu tuổi, nhưng khuôn mặt sớm u trầm như muôn ngàn khuôn mặt trẻ khác ở khắp các ngả đường đất nước và đặc biệt ở những miền giới tuyến.

Hoàn (một tay vẫn xách cặp, một tay khoanh lại): Chú ạ.

Người chú: Cháu đã đi học về! Cháu vào cất sách đi, rồi ra đây nói chuyện với chú.

Đứa cháu gái bỗng chạy lại kéo người chú vào trong nhà, chỉ vào một bàn thờ nhỏ đóng trên tường gian bên.

Đứa cháu gái: Chú ơi, sao ảnh anh cháu lại không được đặt bên ảnh cha cháu?

Người chú: Vì anh cháu chết trẻ quá không được đặt lên bàn thờ ngang hàng với ông bà ông vải cháu ạ. Ngày cha và anh cháu chết, hai anh em sinh đôi cháu hãy còn nằm gọn trong bụng mẹ.

Đứa cháu trai (lúc đó đã có mặt bên đứa em gái): Cha cháu là tiểu đoàn trưởng phải không chú?

Người chú: Đúng! Cha cháu chết rất anh dũng ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Đứa cháu gái: Còn anh cháu chết ở đâu?

Người chú: Anh cháu năm đó vừa mười tám tuổi, xin nghỉ học xung phong đi dân công lần đầu, cùng một mặt trận với cha cháu, những mong hai cha con có thể gặp nhau.

Người mẹ: Thế cũng là gặp nhau chứ sao!

Người chú: Kìa chị, chị về lúc nào thế?

Lũ trẻ hàng xóm đương chơi ngoài sân bỗng xôn xao chạy tán loạn.

Người mẹ: Cái gì vậy? Cái gì vậy?

Hai người mặt mày tham nhũng bước vào, mỗi người nắm một bả vai Hoàn, thằng bé lớn.

Người tham nhũng 1: Chúng tôi tới bắt lính, thằng này vừa mười tám tuổi!

Người mẹ: Van các ông, tội nghiệp, các ông lầm rồi, cháu nó mới có mười sáu.

Người tham nhũng 2: Phải có cái gì chứng tỏ nó mười sáu tuổi chứ!

Người mẹ lần hầu bao, dốc hết số tiền đựng trong đó ra, đặt lên hai bàn tay chụm sát của hai người tham nhũng. Cả hai đồng thời buông tay cho thằng bé tự do rồi đi thẳng vào vườn dâu ngay bên nhà, điềm nhiên ngồi xuống... đại tiện.

Người chú: Chị đừng buồn phiền, cứ để mặc họ làm vậy, rồi mưa xuống, tất cả đều tan biến, ngấm xuống màu đất.

CẢNH 3

Giọng ca bài "Ngày trở về" vọng lại thoạt mơ hồ rồi rõ dần: "Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre..." Thoáng hiện hình ảnh những người lính bị thương chống nạng trở về, những người lính bị thương chống nạng trở về, những gương nước ao gợn sóng, những lũy tre già xao xuyến trong gió, những bà mẹ tóc bạc chống gậy lật đật, những người vợ trẻ bước chân tơi tả. Vẻ tưng bừng bỗng đượm màu tuyệt vọng, vì những hình ảnh đó tan biến ngay. Người chú đã ra đứng giữa sân, người mẹ còn đứng trong nhà. Tiếng ca bài "Ngày trở về" vang lên càng rõ và càng não nuột. Người mẹ tự trong nhà chạy bổ ra sân. không?

Người mẹ: Chú trông kìa, có phải cháu nó về

Một hình người từ xa bước tới, nhưng khi tới gần bỗng biến thành áng mây khói tan loãng rất nhanh trong một thứ gió chiều vần vụ như thứ gió thổi qua bãi tha ma. Người mẹ ôm mặt. Lại bóng một người khác xuất hiện từ xa đi lại.

Người chú: Chị ơi, chị trông kìa, ai như...

Người mẹ: Trời ơi, anh về, chú! Anh còn sống! Đúng rồi, chính anh. Ra họ đồn hão hết. Đúng rồi các con ơi, cha các con đã về kìa, các con ơi...Để tôi phải hủy những cái kia đi. Thì ra họ đồn láo hết.

Người mẹ chạy vào nhà gạt hai tấm ảnh thờ người cha và người con xuống đất, tiếng kiếng rơi vỡ loảng xoảng. Có tiếng đuổi nhau huỳnh huỵch bên ngoài. Người mẹ ngó ra thấy người cha đương đuổi riết đứa con mười sáu tuổi.

Người cha: A thằng này láo, cha mày về mà mày chạy trốn à? Mày có biết tao là cha già của mày không. Mày chạy sao thoát nổi tay tao con ơi. A a, nó chạy vào buồng chứa ngô khoai. Con ơi, chạy vào đấy là cùng đường rồi con ơi.

Người cha một tay cầm roi tre, một tay cầm chiếc chày nhảy xổ vào buồng. Mọi người hốt hoảng ùa vào theo. Tiếng súng trận lớn nhỏ đũ cỡ đâu đây rất gần vang dội lại. Người con chui kín vào một bao tải lẩn sau một cái bừa. Người cha dùng roi tre luồn vào quật túi bụi, hễ đứa con nhô đầu hay nhô đít ra khỏi cái bừa người cha lập tức giáng cho một chày, miệng luôn luôn gầm thét: "Cha già của mày về mà mày chạy trốn à?!" Không khí kinh hoàng chụp lấy mọi người trong tiếng roi tre vun vút và tiếng chày giáng nặng nề. Người chú bỗng thấy thằng cháu lẩn trong bao vải nằm bẹp xuống, khoảng mặt nó biến thành hình chiếc phong bì lớn; một hình vuông màu đỏ lợt trên chiếc phong bì tượng trưng cho cái mồm bên trong của nó; hình vuông đó thoạt còn động đậy nhưng rồi mím lại dần và sau cùng bất động.

Người chú: Anh đánh chết nó rồi còn chi. Chị ơi lại đây giúp tôi một tay bế cháu ra sân. Các cháu ơi, mỗi đứa giúp chú và mẹ một tay, mau lên.

Đứa con trong bao tải đã được khiêng ra sân. Một thành sương trắng dâng lên bao quanh một làng xa, thoáng bóng một con sông nhỏ hiu quạnh và bần bách với bãi cát trắng. Tiếng người mẹ luôn luôn rền rĩ trong tiếng súng trận lớn nhỏ vang rền.

Người mẹ: Con ơi, ới con ơi, ới làng nước ơi, ới ông chú bà bác ơi, lại cứu con tôi!...

Có tiếng cười rùng rợn vang lại. Một khuôn mặt quỷ quái ác xuất hiện trên sườn đồi. Quần áo người cha và mặt nạ người cha vứt ở dưới chân đồi.

Khuôn mặt quỷ: Ha ha, chúng bay mắc mưu tao rồi; tao không phải là cha đứa trẻ, tao là "cha già dân tộc" kia! Ha ha, lũ bay, tấu nhạc!

Bản "Quốc Tế Ca" lập tức được tấu lên, màu sắt lửa rờn rờn tô đậm vẻ rùng rợn cho tiếng súng trận lớn nhỏ đang vang rền. Hình ảnh một chiếc xe đò bị mìn tung lên với xác một bà mẹ chết rồi mà vẫn còn ôm chặt lấy đứa con thơ; hình ảnh một người cha ôm con chạy vội xuống một khoảng trũng ven đường quên mình đã bị thương; máu từ trán nhỏ xuống ròng ròng theo bước chân; hình ảnh cả một gia đình chạy vội ra chiếc hầm đào ở giữa sân, nhưng mọi người chỉ vừa tới miệng hầm thì tiếng réo trái phá rồi tiếng nổ ầm và cả gia đình tung xác tóe ra bốn ngả như một bè nứa bị vỡ giữa một cơn bão biển tàn bạo... Đêm đã buông tấm màn mênh mông phủ lấy vạn vật, hỏa châu bắn lên liên tiếp soi sáng một vùng. Dưới ánh hỏa châu các ông chú bà bác đã tất tưởi từ các ngõ xóm chạy lại, kéo thằng bé ra khỏi bao tải xốc nách nó lên. Cả người nó đẫm máu tươi, răng gãy, lưỡi đứt, chân và tay lủng liểng. Mọi người đặt nó nằm lên một chiếc chõng tre. Những hỏa châu liên tiếp, liên tiếp, được phóng lên để soi sáng.

Khuôn mặt qủy: Ha ha lũ bay, tấu nhạc mạnh hơn nữa cho máu chảy về đây mà kẻ khẩu hiệu!

Tiếng "Quốc Tế Ca" cực lớn. Quả nhiên tiếng nhạc như biến thành một sức hút hung hãn và máu từ các ngả chiến trường chảy về thành những con suối, tụ lại thành hồ dưới chân đồi.

Người chú chạy vào trong nhà lấy ra một miếng bông đặt lên mũi người cháu, miếng bông còn phập phồng. Người mẹ càng rên rỉ thê thảm.

Người mẹ: Con ơi, ới con ơi...

Người chú: Cháu còn sống chị ạ, chị đừng khóc nữa, hãy bình tĩnh.

Người mẹ (bỗng trở thành gày tọp và xanh lét, vẫn rên rỉ): Con ơi, ới con ơi.

Các ông chú bà bác tới tấp lau chùi máu, giã thuốc dấu, đắp thuốc dấu lên khắp mình đứa trẻ bị thương và bắt đầu đắp lên khuôn mặt giập nát của nó.

Khuôn mặt quỷ: Lũ bay, kẻ khẩu hiệu! Ha ha, khẩu hiệu cứu quốc!

Dưới ánh hỏa châu rực rỡ những suối máu vẫn từ các ngả chảy về tới tấp, hồ máu dềnh lên, muôn vàn biểu ngữ được căng ra, những dòng khẩu hiểu bằng máu tươi được trưng lên từng bừng: "NỘI CHIẾN CỨU QUỐC."

Người mẹ (càng gầy và xanh, tiếng rền rĩ yếu thoi thóp): Ới con ơi là con ơi...

Người chú: Chị ơi, hãy tỉnh dậy, chị, cháu hãy còn sống mà..

Đứa cháu gái đứng bên chú bỗng biến thành đứa trẻ ăn mày, đầu tóc rối bù mặt mũi lem luốc hốc hác, quần áo rách tơi tả.

Đứa cháu gái: Cô chú có biết không, cháu hết tiền rồi, cháu làm sao mà có tiền để nuôi mẹ cháu, cô chú có tiền không, nếu mà cô chú có tiền thì cô chú hãy cho cháu đi để cháu nuôi mẹ cháu.

Khuôn mặt đứa con gái trắng bệch và mờ đi vào ánh hỏa châu rực rỡ. Hàng ngàn tấm biểu ngữ "NỘI CHIẾN CỨU QUỐC" đã được viết xong và đương tiếp tục viết nữa. Biểu ngữ chi chít căng cao trên đầu đám đông bộ hạ của tên ác quỷ; biểu ngữ cắm chi chít quanh hồ máu; biểu ngữ cắm lan ra giữa hồ máu, ánh máu rung rinh đỏ rợn dưới ánh hỏa châu và phản chiếu ngược lại những dòng chữ máu "NỘI CHIẾN CỨU QUỐC". Có những dòng khẩu hiệu máu đã khô chuyển sang màu tím đen; có những dòng máu vừa đặc quánh màu đỏ thẫm; có những dòng biểu ngữ mới viết, máu tươi còn lỏng nguyên tụ lại thành những giọt đỏ long lanh, lã chã rụng xuống như những giọt nước mắt tử sĩ thương nhớ những người thân còn trên dương gian. Khuôn mặt quỷ cất tiếng cười ha ha, đôi mắt sáng quắc long sòng sọc, râu tóc bạc của nó ánh màu máu trở thành một màu râu ngô quái đản. Hỏa châu liên tiếp phóng lên không trung để tô đậm màu tối đen của những kiếp người bị đày ải trong hỏa ngục nội chiến. Súng đủ cỡ lớn nhỏ cùng plastic nổ vang rền như một thứ pháo tết để giễu những kiếp người đã từ lâu quên khuấy mùa xuân.

Một tia chớp nữa lóe sáng, nhưng lần này không có tiếng súng, trái lại một tia nắng vàng bùng lên, một màu vàng buồn thảm. Cảnh phòng học cũ xuất hiện: Người chú vừa hốt hoảng vùng đứng dậy khỏi chiếc ghế bành, hai tay còn ôm lấy mặt bàng hoàng.

Trong khi đó thì...

MÀN TỪ TỪ HẠ

Phần Ba

MẶT NẠ



INTERLUDE I



NGƯỜI BAY

Nhiều người, rất nhiều người đứng đó cùng ngẩng đầu nhìn lên vòm cây và tiếng xì xào:

Người bay! Người bay!

Tôi cũng ngẩng lên nhưng chỉ nhìn vào khoảng lưng chừng nhận thấy có một con chim như chim họa mi cánh vàng ố, nó vừa thoăn thoắt nhảy đổi chiều trên một chạc cây lớn vừa hót làm quảng cáo:

Người bay! Người bay!

Tôi đi thẳng vào miếng đất vuông; mẹ tôi đứng đó. Người cũng ngẩng đầu nhìn lên như mọi người để nhìn:

Người bay! Người bay!

Tôi rời khỏi miếng đất vuông đi vào một vùng tối sừng sững chắc vì có núi cao vòi vọi và dựng đứng đổ bóng xuống, có thể là tôi sẽ leo lên núi đó. Tôi chợt quay lại, muốn nhìn thêm một lần nữa con chim họa mi (hay chim vẹt) có màu cánh vàng ố để trông và nghe nó làm quảng cáo:

Người bay! Người bay!

Toàn thân tôi bủn rủn vì khi vừa ngẩng đầu lên, tôi nhận ra ngay trên vòm cao, khoảng đỉnh đầu một người cưỡi cổ một người; nó vừa nhún nhảy làm đu đưa cả khoảng lá cành, vừa chằm chằm nhìn tôi, nó sẵn sàng chụp xuống quắp lấy tôi bất kỳ phút giây nào. Nó chính là:

Người bay! Người bay!

Nó sẵn sàng chụp xuống quắp lấy tôi làm mồi! Nụ cười đầy nham hiểm ngạo mạn phảng phất trên môi. Vì nó biết tôi đã vào tử địa rồi chẳng tài nào thoát khỏi. Cái nhìn chăm chăm của nó hút chặt mọi ý nghĩ của tôi. Ôi, nó chính là:

Người bay! Người bay!

Tôi không nhìn thấy đôi cánh nó đâu, sao gọi là người bay? Nó quặp lấy cổ một người khác để nhún nhảy trên cao như thể hình thù nó vẫn vậy, nụ cười đầy ngạo mạn trên môi không dứt. Nó biết một khi đã lâm vào tử địa làm sao tôi thoát khỏi. Nó chính là:

Người bay! Người bay!

Tôi nhớ mẹ tôi đứng đâu đó phía trước, tôi chỉ việc vùng chạy vượt lẹ, rất lẹ qua mấy chướng ngại vật là tới bên người để sẽ hét lên:

Mẹ ơi! Người bay! Người bay!

Tôi biết khi đã đứng bên mẹ thì người bay chẳng còn nguy hiểm gì nữa. Nhưng muộn rồi, chân tay tôi bủn rủn không sao chạy được tới bên mẹ. Người bay bén như gươm treo cổ, tôi chỉ khẽ cất bước là nó chụp xuống liền. Mẹ chỉ trong gang tấc mà sao cách trở ngàn trùng, vì giữa tôi và mẹ đã là Người bay! Người bay! mất rồi.

Ôi nụ cười đầy ngạo mạn phảng phất trên môi con quái vật đương nhún nhảy trên đỉnh đầu và chằm chằm nhìn tôi kia, nó chính là:

Người bay! Người bay!

CHIẾC BÌNH

Trong khu đại học F.S.U. (Florida State University) tại Tallahassee, thủ phủ Florida.

Chiều ngày thứ Bảy 18-2-1967 tôi từ khu trại đại học qua con đường lớn sang tiệm bên đó mua mấy thứ cần dùng. Tờ Newsweek mới toanh bìa đề ngày

20 -2-1967, có hình "bác Hồ" râu tóc bạc phơ đeo kính gọng đồi mồi, dòng chữ đen chéo trên một sọc nền vàng "Hy vọng Hòa bình" (The chances for Peace), dòng chữ vàng bên dưới trên nên bìa xanh đen: "Hanoi's Ho Chi Minh."

Tất nhiên tôi mua tờ báo về để xem viễn tượng hòa bình xứ sở đau thương của mình ra sao. Chẳng biết tờ báo này các bạn tôi ở Saigon sẽ được đọc vào ngày nào, riêng tôi ở đây đã được đọc nó hai ngày sớm hơn, như dòng ngày tháng ghi ngay trên đầu bìa.

Đọc hết khoảng mười trang nói về "The Chances for Peace" của "the War in Việt Nam", đọc thêm "Out of the Woods": Tin nữ ký giả Pháp Michèle Ray bị Việt Cộng bắt rồi phóng thích.

Tôi gấp tờ báo lại ngắm "Bác" một lần nữa: Râu tóc bạc phơ, kính trắng gọng đồi mồi!

Ba tháng trước đây, hồi còn ở Washington, tôi có đến ăn cơm tối ở nhà một người bạn cũ. Trước khi ăn, trong khi ăn và sau khi ăn chúng tôi chỉ có một đề tài: Dân tộc mình với thảm họa chiến tranh kéo dài hơn hai mươi năm rồi! Tất nhiên phải nhắc đến vị "cha già dân tộc".

(Tôi nhớ đến một bạn văn, trong một bài nhàn đàm trước đây của anh, có nói đến con người mỗi lần đau thương thường gọi mẹ. Gọi mẹ thôi chứ những "cha già dân tộc" thì chẳng ai dám gọi!)

Anh bạn tôi có nhắc đến cách "Bác" dùng chữ tuyệt khéo - "Bác" dùng chữ thì khỏi phải nói! - Đó là khẩu hiệu "Bác" nêu lên để thoa son vẽ phấn cho chính sách xâm nhập và phá hoại miền Nam này: "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM!"

Tôi còn nhớ như in tiếng cười khan mai mỉa của anh bạn khi anh nói: "Chiếu cố! Cắt cổ mổ bụng mình đó cũng là chiếu cố (như những bức hình mà mình đã in ra hàng triệu tấm để thả xuống trình bày cùng đồng bào miền Bắc), đặt mìn nổ chậm giữa thành phố, đó cũng là "Bác" chiếu cố; súng ống chuyên chở vào miền Nam để bắn giết cũng là "Bác" chiếu cố, đào đường phá cầu, giật mìn xe hỏa (thuần dân chúng sử dụng) cũng là "Bác" chiếu cố; chuyên viên Nhật hùng hục tới xây dựng mấy năm trường đập Đa Nhim để cung cấp điện lực cho dân chúng miền Nam, đập vừa xây xong, vị "cha già dân tộc" bèn lập tức chiếu cố, và những cột dây bề thế cao ngất nhấp nhô theo đường đồi núi chỉ còn là những "bông hoa" trang trí hữu sắc vô hương.

NAM!" thật là tấm nệm vừa ấm lại vừa êm cho lương tâm thảnh thơi an nghỉ sau mỗi chiến công có thịt rơi, máu đổ, xương phơi.

Miền Bắc, Đảng và "Bác" tổ chức kiểm soát chặt chẽ nhường kia thì không củng cố cũng đã chắc nịch rồi huống chi lại còn củng cố nữa. Còn chiếu cố miền Nam với phương châm, với sách lược "con người cũng chỉ đơn thuần là phương tiện" thôi, thì còn gì dễ hơn. Và miền Nam có những nạn nhân bị cắt cổ, mổ bụng. Và miền Nam có mìn nổ. Và miền Nam có tiếng súng. Sự chết thường xuyên bao phủ lấy ruộng xanh đồng bằng sông Cửu Long, và sự chết bao phủ lấy đồi, lấy núi, lấy thung lũng miền cao nguyên, và sự chết bao phủ lấy miền duyên hải. Vì tất cả đều đã được "Bác" chiếu cố.

Nắm vững lấy căn bản "người cũng chỉ là phương tiện" thì thật không gì sảng khoái cho bằng hai bàn tay ở trên nắm vững lấy trật tự miền Bắc đương được củng cố, và hai chân bên dưới tùy hứng thuận tiện hoặc đạp, hoặc đá, hoặc nghiền nát dưới gót giày từng khoảng của miền Nam được... chiếu cố.

Nhưng cái gì đầy thì đổ! Hình như định luật muôn đời của con người, của vũ trụ là vậy. Con người luôn luôn làm trò xiếc đi trên dây... đi trên dây của sự biến động, và vũ trụ luôn luôn là môi trường của biến động. Vì vậy có gì đầy mà không đổ đâu.

Có lần - có lẽ là chịu sự tác động của tiềm thức

- tôi nói với một người ngoại quốc khác khi ông ta nói đến viện trợ Hoa Kỳ "đổ" sang các nước chậm tiến. Tôi nói: "Thưa ông, quan niệm của người Á Đông chúng tôi (ông ta là người Tây phương), cái gì đầy quá tất đổ, ông nghiên cứu về sử, ông hẳn thấy định luật ấy thể hiện ở sự thăng trầm của biết bao nền văn minh trước đây. Cho nên tôi nghĩ rằng người Mỹ họ phải gánh những của đó mà tống khứ đi gấp là phải lắm. Họ cứ thử giữ lại xem, họ sẽ bị lật nhào ngay vì tai họa!"

Nói xong tôi cười lớn. Ông ta cũng cười. Có thể là người nói và người nghe mỗi người hiểu một cách.

"Cái gì đầy tất đổ!" Tôi luôn luôn nghĩ vậy.

Sau Điện Biên Phủ, "Bác" cho ký hiệp định Genève lấy dòng sông Bến Hải làm ranh giới chia đôi. Cái bình vừa đầy! "Bác" về tiếp thu Hà Nội cho lập một túp lều tranh ở ngay bên Bắc Bộ Phủ mà ở. Thật câu chuyện - với những người trong cuộc - đẹp còn hơn cả gấm thêm hoa, đẹp hơn cả những tiểu thuyết trung, hiếu, tiết, nghĩa, đẹp nhất của Á Đông. Nhưng với số người đứng ngoại cuộc thì họ nhìn trò hề mái nhà tranh của "Bác", họ nhìn chế độ của "Bác" khách quan vô cùng. Họ thấy rằng cái bình của "Bác" đã dềnh rồi, đã nghiêng rồi.

Chính trong căn nhà tranh "thanh đạm" bên hông Bắc Bộ Phủ đó, "Bác" nghĩ được ra khẩu hiệu tuyệt vời, như người đảm đang may được cho con (con đây là Mặt trận Giải phóng miền Nam sau đó) tấm áo đẹp mặc Tết: "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM."

Và "Bác" chiếu cố miền Nam! Và cái lọ đầy đã đổ thật và thật đổ, chỉ điều thê thảm cho đất nước này là nó đổ lên đầu người dân miền Bắc, nó đổ lên đầu người dân miền Nam. Người dân hai miền thắt lưng buộc bụng đắp đường, xây cầu, dựng nhà máy, người dân hai

Một cụ già miền Nam ở ruộng bị bắt ra bưng, cụ đã được nghe lý luận chắc nịch: "Sau Thế chiến Một chỉ có nước Nga cộng sản, sau Thế chiến Hai thì cả nước Tàu cộng sản. Vậy sau Thế chiến Ba tất nhiên cả thế giới cộng sản!"

Ấy là chú cán bộ quên mất định luật cái gì đầy thì đổ. Ngày đó mâu thuẫn nội bộ cộng sản Nga-Hoa còn nhỏ.

Tôi cho rằng một trong những cái khôn ngoan đáng kể, một trong những tư tưởng trưởng thành đáng kể của người Á Đông là biết sáng suốt thực tế nhận định: "Cái gì đầy tất đổ!"

Khuôn mặt ông Hồ trên tờ Newsweek ngày

20-2-1967 này thật rõ như nổi lên, từng khoảng da hơi rám nắng, từng những nếp nhăn nhỏ, từng sợi râu rủ xuống hay cong lên, từng màu thẫm của gọng kiếng, từng màu trắng trong mà hơi đục của đôi mắt kiếng, cả khuôn mặt đăm chiêu của một cụ già Á Đông cổ kính đương đọc sách thánh hiền, vừng trán đẹp thuần hậu, chứ không phải "rộng mênh mông" như lũ văn nô hạ bút nịnh láo. Tôi nheo mắt lại, khuôn mặt cụ già Á Đông như nổi lên, tôi nhớ đến ngày nào còn nhỏ được ông ngoại bế lên ngồi lòng và tôi ngửa cổ ngắm ông ngoại, người cũng đeo kiếng trắng, người cũng có bộ râu Á Đông. Tôi lại nhớ khi lớn lên chút nữa, người đã dạy tôi vỡ lòng cuốn "Tam Tự Kinh". Buổi sáng, người ngồi giữa phản ghế ngựa dạy học, cậu tôi hay mợ tôi bưng thức nhắm lên. Người vừa uống rượu vừa nhấm nháp thức nhắm vừa dạy chúng tôi học, tôi tự nhiên đói quá không học được ngồi khóc. Tôi có nói gì đâu, thế mà người biết người gắp cho tôi miếng khấu đuôi lợn.

Ông già Á Đông in trên tờ báo Newsweek này tiếc không phải hình ông ngoại tôi. Ông đang đăm chiêu đọc sách gì không biết, nhưng chắc chắn không phải sách thánh hiền; ông đang suy nghĩ gì không biết, chỉ biết ông đã khám phá ra khẩu hiệu tuyệt vời: "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM!" Củng cố miền Bắc có mồ hôi của đồng bào cần cù miền Bắc, điều đó tốt; còn chiếu cố miền Nam thì là máu và nước mắt của cả hai miền.

Cái bình quá đầy đã đổ! Không những bình đổ mà còn là cái bình bị rò nữa (rõ thật mâu thuẫn)! Ông hành hình và hành hạ những địa chủ trước đây đã nuôi kháng chiến, ông nguyền rủa giai cấp tiểu tư sản. Ông nghĩ rằng đã qua sông rồi thì có quyền đái vào đò và đấm b. vào sóng. Ông vẫn ngồi trên con đò dân tộc! Và tuy nói là dòng lịch sử nhưng thật ra là biển lịch sử, bởi vậy ông vẫn ngồi trên sóng. Ông đã ra khỏi sóng đâu! Và những người ông hành hạ và những người ông nguyền rủa đã biến thành kim cương, răng cộng sản không sao nhá được. Không nói ở miền Nam này làm gì, nói ngay ở miền Bắc, ông nhìn đám dân chúng quanh ông cần cù làm lụng, cần cù học tập, bảo sao nghe vậy, nhưng trong lòng họ, trong hồn họ, đã kết tụ thành chất rắn của kim cương cả rồi! Điều đó là một sự thật tất nhiên của lịch sử. Tôi nói cái bình của ông rò là thế. Với cả kinh nghiệm Điện Biên Phủ, với cả sự chuẩn bị chiếu cố miền Nam chu đáo, với cả một chiến thuật chiến lược phá hoại tinh vi, với cả một tinh thần giết chóc không gớm tay, mà miền chiếu cố lại đầy rẫy thối nát, thì miền Nam này chưa rung đã rụng vào tay ông mới phải, mà sao lại thế này? Xin thưa cái bình của ông đã đổ và cái bình của ông đã rò...

Đừng nói vì có quân đội Đồng minh! Ông giết đồng bào miền Nam bằng súng Tiệp Khắc, bằng súng Nga, bằng súng Đông Đức, bằng súng Trung Cộng bằng mìn Trung Cộng, bằng thuốc nổ Trung Cộng, xin đừng nói vì có quân đội Đồng minh!

Nheo mắt lại nhìn bìa báo, khuôn mặt nổi lên linh động như người thật. Ôi, giá tôi được ngắm khuôn mặt của cha tôi, của mẹ tôi. Những ông chú bà bác tôi như những chiếc lá vàng rụng gần hết cả rồi. Còn cha tôi, còn mẹ tôi. Rồi cũng đến ngày chúng tôi nhận được tin lá vàng đã rụng.

Bà nội tôi mất đã lâu, nhưng đêm qua tôi mơ thấy bà tôi nằm hấp hối trên giường bệnh, thầy tôi ngồi cạnh bên đầu giường, mới phút trước bà tôi còn tỉnh, nhưng phút sau đôi mắt đã xuất tinh lạc. Thầy tôi nói với tôi: "Thế này thì chỉ còn đợi lúc bà đi hẳn thôi con ạ, chẳng còn cứu gỡ được nữa!" Thầy tôi khóc, tôi cũng khóc và tôi nghĩ thêm: "Phải đi báo chú Cư mới được!" Chú bá Cư gọi bà nội tôi bằng cô và chú kính bà nội tôi như mẹ. Nếp sống lễ giáo của chú luôn luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo.

Di cư vào Nam được ít lâu tôi hay tin chú bị cô lập vì chú thuộc thành phần "cường hào ác bá" (trước đây chú làm lý trưởng và được ân thưởng cửu phẩm bá hộ), chú bị bắt xuống ở căn bếp nhỏ. Rồi ít lâu sau nữa, tôi hay tin chú mất.

Ôi, khuôn mặt ông già trên tờ Newsweek thật sống động, ông đương đọc gì, ông đương nghĩ gì?

° ° °

Tôi hãy còn nhớ một lá thư của đứa con gái hiếu hạnh của tôi viết về một tin làm nó thương cảm:

"... Bố có biết không, chú Vận chồng cô Tình chết rồi. Chú ấy đi ca-nô với mấy người bạn bị Việt cộng để mìn định hướng. Chú ấy bị gãy xương sống và lòi ruột. Nhưng có điều an ủi là có lính ở các binh chủng đi đưa đám chú ấy. Tội nghiệp cô Tình, cô ấy có thai được ba tháng rồi đó bố..."

Tình là cô em bên họ ngoại của tiểu gia đình tôi ở Saigon. Vận là học trò cũ của tôi. Ngày Vận chết là ngày sinh nhật của "Bác". Vì chiến lược và chiến thuật được sử dụng trên căn bản "người cũng chỉ là phương tiện" nên "Bác" lợi dụng cả ngày sinh nhật của mình khích động thi đua lập chiến công, nghĩa là để đồng bào ngoài đó nô nức giết đồng trong này dâng chiến công lên "Bác".

Kể cả thời thịnh nhất của Ngô Đình Diệm - tức là thời kiêu ngạo đốn mạt nhất của y - cũng chưa bao giờ Diệm dám nghĩ đến dùng ngày sinh nhật của mình làm cái cớ để khích động đồng bào giết đồng bào trong cuộc nội chiến ô nhục do khẩu hiệu "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM" của "Bác" mà ra này. Không biết trên thế giới còn nơi nào có loại "cha già dân tộc" sử dụng ngày sinh nhật của mình như thế nữa không nhỉ?

Ít lâu sau bức thư của đứa con gái nhỏ, tôi được đọc bức thư của chú tôi.

"Cháu thân mến,

Mỗi khi tới nhà thăm các cháu nhỏ chú thím lại tưởng nhớ tới cháu hiện ở nơi xa. Thấy nói cháu vẫn được mạnh khỏe, chú thím lấy làm mừng. Chú có ghi địa chỉ của cháu nhưng dạo này đầu óc chú hơi rối nên cũng lười viết. Chồng em Tình bất hạnh mất rồi, thật là một sự não lòng! Gả chồng cho em, tưởng mong các em như chim có bạn, dìu dắt nhau qua cuộc đời khổ ải này cho tới mãn chiều xế bóng, thật không ngờ nửa đường đứt gánh, cả một sự tang thương!..."

Ôi, khuôn mặt ông già Á Đông trên tờ Newsweek, trông ông thật sống động, ông đương đọc gì, và nghĩ gì? Những đấng cứu thế của nhân loại như Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jesus chỉ mỗi năm có một ngày sinh nhật, lẽ nào ông có hai cho được!

Chúng ta hãy nên nhìn thẳng vào sự thật, đừng có khôi hài là khi giong cờ mở trống "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM" biến đất nước thành lò sát sinh cốt nhục tương tàn, thì bảo "không có tôi", nhưng khi ân xá án này, ân giảm án nọ, thì do "ơn Hồ chủ tịch".

Kể từ ngày ông phát động thực hiện khẩu hiệu "CỦNG CỐ MIỀN BẮC, CHIẾU CỐ MIỀN NAM", cả hai miền đã có dư một triệu gia đình cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em... âm dương đôi ngả như trên. Đã làm "cha già dân tộc" sao lại có thể thúc đẩy đàn con chém giết đồng bào vào cái ngày mình lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời? (Tôi phải in đậm ba chữ "cất tiếng khóc" vì cái cõi đời sầu thảm này.)

Một người đàn bà đáng thương làm đĩ nuôi thân, người đó vẫn cao quý khi ngày giỗ về lễ trước bàn thờ ông bà cha mẹ.

Nỡ nào làm đĩ miệng trước cả bàn thờ tổ quốc cho đành!

(Xuân Đinh Mùi, 1967)

PHỤC HỒI

Ta thường nói "Chó Má", tiếng Má đây chẳng hề là tiếng đệm vô nghĩa như nhiều người lầm tưởng. Má cũng có nghĩa là chó. Cuốn Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo có ghi từ ngữ này. Thuở đó tôi còn được nghe thêm một lời giải thích: Con chó nào mà mình vứt xương chó ra, nó chạy tới ngửi rồi bỏ không ăn, ấy là con chó; con nào gậm liền, bất kể đó là xương đồng loại, ấy là con Má. Vậy Má có nghĩa là một thứ chó ngu dại gặm cả xương đồng loại. Tôi còn nhớ lắm, sau khi nghe giải thích thế nào là Chó, thế nào là Má, tôi về thử ngay con chó Tô nhà tôi (thày mẹ tôi đặt tên cho con chó đó là Tô) để xem nó là Chó hay là Má, bằng cách ném cho nó một miếng thịt và một khẩu xương chó. Nó chạy lại ve vẩy đuôi, cúi xuống hít hít mấy cái rồi bỏ miếng thịt và khúc xương trỏng trơ đấy, quay đi nơi khác. Tôi nhớ là khi thử như vậy lòng có hồi hộp và khi khám phá ra rằng con Tô nhà tôi thuộc loại Chó, tôi mừng lắm, có đôi chút hãnh diện nữa.

Ít năm sau cuộc toàn quốc kháng chiến bùng nổ

(tháng chạp 1946), làng tôi ở ngay sát Hà Nội nên được lệnh tiêu thổ kháng chiến sớm, và di cư. Khi ra đi chúng tôi không thể mang theo con Tô và con Miu nữa. Gia đình tôi tạm lánh sâu vào một vùng quê cách làng chừng mươi cây số. Một buổi tối, tôi cùng vú già lén về làng để khuân thêm vài thứ cần dùng nữa. Khởi hành từ sáu giờ chiều mãi tới chín giờ tối tôi và vú mới về đến làng. Làng chìm trong một bầu không khí hoang phế. Sự chết chóc làm cho người ta ghê rợn, nhưng sự hoang phế làm cho người ta ngậm ngùi và cảm thấy của báu vô song trên đời này là sự sống. Con người khi ra đi mang theo sự sống, đồ vật để lại, và cả cỏ cây mây nước bao trùm xung quanh nữa, đều đượm màu hoang phế, ngậm ngùi, tiếc nhớ. Chúng tôi đi qua cổng làng hoang phế, đi theo ngõ xóm hoang phế với ngôi sao chênh vênh trước mặt khi ẩn khi hiện sau lùm cau, lùm xoan, rặng tre, rặng duối hoang phế. Đợt gió hoang phế nào như vừa thức giấc trườn mình trong cái lồng lộng chông chênh của bầu trời vắng lặng trong suốt.

Chúng tôi vào nhà. Nơi chôn rau cắt rốn của tôi đấy mà sao hoang vu. Cảm giác hoang vu nơi tôi giảm đi phần nào khi con Tô và con Miu xuất hiện. Chúng còn sống và chào mừng chúng tôi. Con Miu kêu meo meo khe khẽ như sợ có thể làm lộ mục tiêu cho quân Pháp ở một đồn cách đấy không xa, con Tô thì ve vẩy đuôi ngước nhìn chúng tôi lặng lẽ dưới ánh sao...

Thu xếp xong các thứ thật cần thiết cũng đã quá nửa đêm. Chúng tôi phải ra đi thôi. Làm sao chúng tôi có thể mang theo Tô và Miu cho được. Tôi bịn rịn ngồi lại ngoài đầu hiên, hơi ngả người trên nền gạch. Một đợt gió thấm lạnh, buồn bã như chợt làm nhòe khoảng không khuya khoắt khi tôi vuốt ve Tô một lần cuối cùng, tôi ý thức được đấy là lần cuối cùng; trong khi đó vú già cũng vuốt ve con Miu. Con Tô thì cúi đầu xuống, đuôi vẫy ngập ngừng, nó cũng biết đây là lần cuối cùng tôi vuốt ve nó; còn con Miu thì nằm dài ra, nửa lười lĩnh nửa nũng nịu.

Chúng tôi cúi đầu rảo bước khỏi cổng nhà... khỏi cổng làng... Khi leo lên con đê, gió bỗng mênh mông lồng lộng. Cả hai chúng tôi cùng không ai quay đầu lại dù rất muốn. Vả lại dù có nhìn lại cũng chẳng thấy gì. Tất cả những điều muốn nhìn đều hiển hiện rất rõ ngay trong tâm hồn chúng tôi: Căn nhà thân yêu, con đường làng thân mật xưa kia và đặc biệt hai con vật, con Tô và con Miu, chúng tôi để lại. Chúng tôi ra đi theo con đường định mệnh của chúng tôi, của những người Việt với ý chí trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mà bước đầu là tiêu thổ kháng chiến. Còn hai con vật ở lại (hay bị bỏ lại) cũng tiếp tục định mệnh của những con vật chắc chắn sẽ trở thành những con chó hoang, mèo hoang, vật vờ đói khát trước khi trở về lòng đất theo đúng định lý tối hậu của vạn vật trong vũ trụ: "Hữu hình tất hữu hoại."

Sau này khi cuộc kháng chiến thần thánh bị Hồ Chí Minh và tập đoàn cộng sản của ông ta phản bội, mỗi lần tôi cất lời ai oán hay căm hờn nguyền rủa chúng, trong hồn tôi luôn luôn mang nặng thêm nỗi u sầu của linh hồn hai con vật Tô và Miu bị bỏ rơi.

Đã nói kháng chiến là mặc nhiên kháng chiến cho dân tộc, khi đã phản bội dân tộc, kháng chiến mặc nhiên thất bại, hơn thế nữa, kháng chiến mặc nhiên hết ý nghĩa và không còn. Điều mỉa mai và nghịch lý - đất nước này từ đấy luôn luôn bị đầy ải trong nghịch lý - là sự thất bại đó bắt đầu thể hiện trong mọi nghi thức huy hoàng của chiến thắng Điện Biên. Tôi đã thất bại trên con đường định mệnh của tôi - ít nhất là vào lúc này - con đường theo Hồ Chí Minh nói là kháng chiến; nhưng hai con vật của gia đình tôi, con Tô và con Miu, đã đi trọn đường định mệnh của chúng: biến thành kiếp chó hoang, mèo hoang rồi chết dập vùi đâu đó.

° ° °

Ô hay, tôi vẫn tự hỏi sao chúng mình quá bất công với loài chó đến thế: ngu như chó, chó đâu có ngu, hoàn toàn ngược lại nữa; bẩn như chó, làm như các súc vật khác ngoài chó đều sạch lắm. Thậm chí có người nói vắn tắt: "Thằng ấy chó thật!" Có nghĩa là thằng ấy đểu thật. Chó ở đây hoàn toàn tượng trưng cho thói đểu giả của con người. Vu khống đến thế là cùng!

Cổ nhân công minh hơn chúng ta ngày nay. Cổ nhân ta có hai bài ngụ ngôn viết bằng chữ Hán, văn xuôi, khuyết danh, đều đề cao vai trò của chó. Một bài là "Truyện con gà, con mèo, và con chó" ý cho là văn cũng không kém gì vũ nên nói: mèo có công bắt chuột, thì chó có công giữ trộm, gà có công dậy sớm đánh thức con nhà chủ để dùi mài kinh sử cho thành tài. Bài thứ hai cổ nhân ta khinh bỉ lợn và vẫn đề cao chó, đó là bài "Truyện súc vật hội nghị". Trâu hội cả gà, chó, mèo và lợn lại mà bảo: "Anh gà kia thức thời thì cho chiêm nghiệm thời tiết; chú chó kia mạnh bạo thì cho giữ nhà; chú mèo nọ tài bắt chuột thì cho giữ thóc; còn tên lợn này chỉ biết ăn no ngủ kỹ thì chờ cho béo tốt làm thịt." Lợn kháng nghị không chịu. Trâu rằng: "Biết sớm muộn, mi không bằng gà; giữ kho, không bằng mèo; coi trộm, không bằng chó; lại ăn hại như thế, không mổ để làm gì?" Lợn hỏi lại: "Thế còn ông thì sao?" Trâu đáp ngay: "Ta hết sức cày ruộng để nuôi chúng bay!" Nhưng bao trùm lên hết những chuyện này, chúng ta không thể không nhắc đến cây thành ngữ đồng hóa người với chó trong một nỗi niềm cực kỳ cả động: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!" Quả thực loài chó trung thành và trung hậu như thế thật. Người đời nay có lẽ bị vong thân nhiều, nên ngôn ngữ cũng bị vong chất lây, rồi đâm ra nói liều nói lĩnh, bất cứ cái gì không hay cũng thuận miệng gán cho chó!

Vấn đề này Tây phương họ cũng chính xác hơn. Nếu là đều họ nói rõ là chó sói: Les Loups entre eux. Ngoài ra họ đồng hóa đời chó với đời người cực nhọc: Une vie de chien - A dog's life. Thực ra đời con trâu ở Đông phương và con ngựa ở Tây phương xét ra cực nhọc hơn chó chứ; tuy nhiên thà cứ nói thế đi còn không oan ức.

Đợt gió ẩm lạnh làm nhòe không gian khuya khoắt, tôi vuốt ve con Tô một lần cuối cùng; nó cúi đầu xuống, đuôi vẫy ngập ngừng, nó cũng biết đây là lần cuối cùng tôi vuốt ve nó. Tôi đã thất bại trên con đường định mệnh của tôi, nhưng Tô, Miu đã đi trọn đường định mệnh của chúng.

Hình ảnh Tô, Miu từ ngày đó ám ảnh tôi hoài. Tôi thắc mắc khó chịu về những thành ngữ vu khoát của thế nhân về chó. Tôi muốn phục hồi danh dự loài chó. Tôi thương chó hay tôi thương tôi?

° ° °

Tôi tới thăm thành phố Nữu Ước tới bốn năm lần. Chính ở Nữu Ước tôi mới khám phá thấy một khía cạnh nhân bản mà chó mang lại cho nếp sống cá nhân của văn hóa Tây phương. Theo nếp sống này con cái tới tuổi trưởng thành thì thoát ly cha mẹ, thoát ly tổ ấm gia đình. Phải sống ở căn phòng khép cửa lại thành một thế giới riêng biệt của nếp sống cá nhân Tây phương mới thấy hết cái cô đơn của con người. Nếu là tuổi trẻ thì ban ngày làm việc cho mệt mỏi, đêm về ngủ vùi, rồi cuối tuần hẹn hò nhau, tìm hơi ấm ở hai thể xác ôm ấp. Lối thoát tuyệt vời dĩ nhiên là như vậy. Vui thú với nhau suốt đêm, sáng sớm nàng (hay chàng) đi ra, xòe một que diêm, bập một hơi thuốc lá, đầu hơi cuối xuống, rảo cẳng. Người ở lại phải có một sinh vật nào làm bạn chứ. Chó! Đôi khi khi mèo! Tại các siêu thị - super market - song song với thức ăn của người là thức ăn của chó và mèo. Những khay cát - sand box - dùng cho chó và mèo bài tiết bán đầy dẫy. Tuổi trẻ mà còn cầu cứu đến chó và mèo chung sống để bớt cô đơn như vậy, huống chi là tuổi trung niên, tuổi già. Ngay lần đầu tới Nữu Ước, tôi tới thăm người bạn ở đường 48 Đông, gần trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đó là một cao ốc cỡ thấp của Nữu Ước khoảng hai chục tầng. Một căn phòng là một cá nhân. Tôi muốn nhấn mạnh một cá nhân đơn độc nếu không kể con chó - phần nhiều là chó - hoặc con mèo.

Sớm sớm - lời bạn tôi kể - tôi nằm trong này chỉ nghe tiếng bước chân của người và vật cũng biết được đây là bước chân cụ William với con chó thấp lùn, hai tai to buông rủ loại Basset của cụ, hoặc đó là bước chân khập khiễng của cụ bà Keller với con chó lông xù xinh xắn loại Pékinois của cụ, hoặc bước chân kèm theo tiếng gậy chống lộc cộc như vậy đích thị của ông Morris trạc ngũ tuần đang dắt con chó Bouledogue của ông... Ngày nào cũng một lần họ cho chó đi tản bộ với họ như vậy, chừng một hai giờ sau thì về.

Hôm đó theo bạn ra chơi công viên Liên Hiệp Quốc, tôi gặp đủ các tuổi cỡ trung niên và lão niên của cả hai phái nam và nữ. Mỗi người dắt theo một con chó, thôi thì đủ loại: Épagneul, Basset, Pékinois, Fox, Cocker, Caniche... Họ dắt chó, hay đúng hơn chó dắt họ, tản bộ đây đó, khuôn mặt đăm chiêu với ý nghĩ riêng tư của mình. Đôi khi họ dừng lại vì con chó của họ dừng lại để làm quen với con chó của một người tản bộ khác. Chợt dừng lại như vậy họ như bừng khỏi giấc mơ nào đó, khi thấy hai con chó làm quen với nhau lẽ nào người không làm quen với nhau sao tiện, thế là họ trao đổi đôi lời xã giao thường lệ. Cho đến khi hai con chó chán nhau kéo họ theo mỗi người một ngả. Nói làm sao hết công đức của chó tham dự vào những nếp sống cô đơn đó!

Tôi thương con Tô của gia đình tôi. Giá như cuộc kháng chiến giữ được niềm chung thủy của nó. Giá như Hồ Chí Minh không phản bội dân tộc này cho chủ nghĩa của y chắc chắn định mệnh kiếp chó hoang bất đắc dĩ của con Tô không ám ảnh tôi não nề đến thế.

° ° °

Một giáo sư sử học người Đại Hàn ở Đại học Ohio đã phê bình chính sách Mỹ tại Việt Nam: "Cái nhầm của Mỹ là luôn luôn đi với một thiểu số hư đốn, hủ hóa ghẻ lở của Việt Nam với hy vọng dùng thiểu số đó ngự trị đa số dân Việt."

Tôi nhớ thêm câu này, hình như của tướng De

Gaulle thì phải:

"Chính sách Mỹ không ưa hợp tác như bạn với bạn mà ưa hợp tác như chủ với đầy tớ."

Tôi biết người dân Mỹ thường nhã nhặn lịch thiệp, hiếu khách. Nhưng từ người dân Mỹ đến chính sách Mỹ là hai thực thể khác biệt hẳn. Con người Mỹ khi đi vào chính sách Mỹ đã bị lọc hết phần nhân bản rồi còn đâu, họ chỉ còn là những bộ máy thừa hành những gì đã được hoạch định bởi đủ các bộ tham mưu của đủ các ngành tại Tòa Bạch ốc. Nếu còn dùng ý thức đi chăng nữa, thì ý thức đó cũng chỉ như ngọn đèn đủ soi sáng cho mình đọc thấy những đáp số trên máy điện tử.

Tuy nhiên điều đó chẳng có gì là đáng trách. Chính sách quốc gia nào, dù sáng suốt và quảng đại đến mấy thì cũng làm sao thủ lợi về mình càng nhiều càng hay. Trường hợp nhà lãnh đạo đôi bên đều sáng suốt cho quốc gia mình thì đôi bên nương vào nhau mà tiến như Đức, Nhật cùng tiến với Mỹ. Trường hợp ngược lại thì đúng như De Gaulle nói "Kẻ này làm đầy tớ cho kẻ kia", sự kiện đó không chỉ ngừng ở đấy, mà còn tiếp diễn ở tiền công trả cho đầy tớ càng rẻ càng hay.

Cũng là sự tình cờ một anh bạn làng văn đến thăm tôi vào dịp này và hai chúng tôi cùng ngồi nói chuyện suốt buổi trưa, thỉnh thoảng tợp một ngụm la-de hãm với khói thuốc Pall Mall phì phèo.

Bạn tôi nói người Mỹ tới đây nghiên cứu đủ, xen vào đủ chính trị, kinh tế... nhưng văn hóa thì không. Giao thiệp với người Việt trong bao năm mà người Mỹ không nhận ra một sự kiện là ngay trong những tập san khoa học thuần túy mà cũng không vắng bóng thi ca và những bài thơ đó ký tên những kỹ sư, những bác sĩ...

Anh bạn tôi muốn nói đến thái độ văn hóa nặng tinh thần văn học, hay đúng hơn một cái gì thuần túy kết tinh của văn học. Tôi nghĩ thật ra người Mỹ họ đâu có khờ khạo đến nỗi quên mất khía cạnh văn hóa Việt Nam mà không tìm cách chi phối. Có điều tinh thần văn hóa của mình tự ngàn xưa vẫn là mềm dẻo luôn luôn hòa nhi bất đồng, bởi vậy mọi tham vọng xâm nhập vào nền văn hóa đó để sử dụng như sử dụng nhân công ở mọi ngành chẳng khác kẻ vục tay vào chậu nước hòng vớt ánh trăng.

Cùng cái ý về sức mạnh văn hóa đó tôi muốn diễn đạt bằng sức mạnh tinh thần của người Việt đã từ bao nhiêu năm nay - đặc biệt từ ngày Hồ Chí Minh ra mặt phản bội kháng chiến - chỉ biết có nói "Không" với đối phương. Chân tay họ bị trói hết và họ khước từ bằng tiếng "Không" bất biến và duy nhất. Đôi mắt tham sân si của đối phương làm sao có đủ năng lực sử tính để hiểu sức mạnh khước từ của người Việt khi nói "Không" dọc theo dòng lịch sử. Họ không hiểu rằng khi người Việt nói "Không" đồng thời sức mạnh ý chí, sức mạnh tinh thần của những con người bị trói chặt cả chân lẫn tay đó không ngừng cày ruỗng khoảng đất đứng của họ.

Hãy kiểm điểm mấy sự kiện lịch sử khoảng thời gian gần đây thôi.

Suốt tám mươi năm Pháp thuộc, người Việt ở thế yếu phải giữ bề ngoài phục tùng tiêu cực. Kẻ bá đạo khi thả sức bá đạo chẳng khác tên sát nhân càng say máu càng lộ hết những đường nét ti tiện, trong khi kẻ phục tùng tiêu cực càng gập mình bên ngoài thì bao sức mạnh tinh thần càng gom lại rực rỡ và sắc gọn bên trong, và lưỡi cày kim cương tinh thần liên tục... liên tục xoi mòn thành từng luống rãnh, rồi thành từng con sông ngầm ngay dưới khoảng đất đứng của bạo quyền mà chúng không hay. Sau cùng khi tất cả đã ruỗng hết, chỉ còn những sợi dây đàn, nhưng sợi dây tâm tình, căng thẳng bên dưới giữ cho bề mặt đất đứng được phẳng phiu. Tới lúc đó thì chỉ cần một tiếng nói hợp với cảm xúc tiềm năng dân tộc là những dây tâm tình rung lên một nhịp theo luật đồng thanh tương ứng và cả lâu đài bạo quyền sụp đổ, tự chôn vùi dưới hố sâu ngay dưới chân chúng.

Hồ Chí Minh đã nói được tiếng nói tâm tình đó năm 1954. Dân tộc thần thánh này trao cho ông Điện Biên, với cả hậu thuẫn của chiếc ghế bành thế giới Cộng sản đằng sau, Hồ Chí Minh tung quân vào thôn tính nốt miền Nam. Dân tộc đã nói "Không". Chiếc cày kim cương tinh thần đã cày ruỗng đất đứng của ông ta.

"Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy được cả trái đất!" Đó là lời một nhà khoa học. Điểm tựa đó với nhà chính trị là dân tộc. Hồ Chí Minh bỏ dân tộc, làm được cái gì? Hãy nhắc đến trong trận chiến 6 ngày, tướng độc nhãn Moshé Dayan của Do Thái biết trước Ả Rập sẽ cho công bố những tin thắng lợi quá lố, nên tương kế tựu kế ông ra lệnh cấm không một bản tin nào được truyền đi. Người Ai Cập mặc sức vơ vào mình những chiến thắng vĩ đại, thành thử, trùm xảo quyệt đến như Nga Xô cũng mắc lỡm, ngừng hẳn mọi toan tính tại Liên Hiệp Quốc để ngăn cuộc chiến lại. Khi Nga Xô biết được sự thực, vội vàng đòi đôi bên đình chiến thì đã quá muộn, không còn cách nào cứu vạn được các đạo binh Ai Cập nữa.

Trở lại câu hỏi: "Hồ Chí Minh bỏ điểm tựa dân tộc làm được cái gì?" Xua đoàn người đã bị huyễn hoặc, phản ứng có điều kiện vào Nam làm mồi cho B.52 cả tiểu đoàn, cả trung đoàn, cả sư đoàn. Người Mỹ truyền thống Anglo-Saxon trầm lặng và thâm hiểm để mặc cho đối phương tuyên bố những chiến thắng vĩ đại, nương vào đó thả nhẹ lời thú nhận B.52 đã thất bại, toàn dội bom vào khoảng rừng núi không người. Cơ quan tuyên truyền của Hồ vồ lấy lời tuyên bố đó như ếch vồ hoa, nhấn mạnh thêm, phóng đại ra. Chính cơ quan tuyên truyền Cộng sản của Hồ Chí Minh đã rửa bàn tay máu cho người Mỹ. Sau này Võ Nguyên Giáp đành phải thú thật với nữ phóng viên người Ý Fallaci là y đã mất nửa triệu người rồi. Con số thực là bao nhiêu? Gấp đôi là ít!

Sau khi dân tộc đã bị Hồ Chí Minh lừa, Ngô Đình Diệm là một trường hợp hãn hữu được dân tộc trao trọn vẹn cho niềm tin trước khi tự chứng minh bằng hành động. Diệm không biết hưởng diễm phúc đó. Quyền hành đã nắm trọn và chia cho anh em trong nhà. Kinh tế quốc gia đã nắm trọn và ban tài phát lộc cho gia nô. Nghĩ rằng như vậy thì Tần Thủy Hoàng từ nhất thế đến vạn thế là điều chắc rồi còn gì. Nhưng dân tộc đã nói "Không", và lưỡi cày kim cương đã cày ruỗng đất đứng của y rồi còn đâu. Bảo là người Mỹ giết Diệm. Không! Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Mỹ chỉ đến lượm cái xác sống của y.

Với dân tộc có mãnh lực nói "Không" như vậy, kẻ cầm đầu nghĩ theo dân tộc thì được, nghĩ hộ dân tộc sao được!

Phe Tư bản muốn người Việt chống Cộng sản như một gia nô. - "Không!"

Phe Cộng sản muốn người Việt chống Tư bản cho tư thế bất nhân của họ. - "Không!"

Tư bản bảo: "Tao biết chúng mày không đội trời chung được với Cộng sản mà!"

Cộng sản nham hiểm bảo: "Vậy thời chúng bay tiếp tục chết!"

Định mệnh người Việt Nam như vậy đó. Tưởng muốn được là người Việt Nam dễ lắm sao. Ngay như ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng đã được tổ chức thay ngày Quốc khánh đâu.

Dân tộc có mặt ở mọi nơi để nhận diện lửa và khói. Nhóm nào là của Cộng sản Nga; nhóm nào là của Cộng sản Tàu; nhóm nào là của Deuxième Bureau Pháp. Rồi với sự thỏa hiệp của Mỹ sẽ còn nhóm nào là của đảng Hắc Long (CIA Nhật) nữa chứ.

Tưởng làm người Việt Nam dễ lắm sao?

Dân tộc này dù bị trói chân trói tay nhưng với tiếng "Không" làm lợi khí sẽ bình tĩnh đi trọn con đường định mệnh của mình. Sớm hay muộn! Sớm không nói làm gì. Muộn ư? Khi đó tôi đã về với tiên tổ, linh hồn tôi sẽ gặp linh hồn con Tô và con Miu tại ngay căn nhà nơi chôn rau cắt rốn. Tôi sẽ vuốt ve hai con vật và nhìn đàn con cháu của tôi.

Chúng đều là người Việt!

(Xuân Canh Tuất - 1968)




HAY LỜI BẠT

1

Hình như cái gì cũng mất hút lên các nóc cao, lên các ngọn cây lười gió. Bụi trắng ngước nhìn cây xanh, chim hót để xóa nhòa giới tuyến giữa thành thị với lâm tuyền. Tiếng chim còn vang vọng trong không khí nồng nàn khi ánh nắng cuối cùng vừa tắt. Tiếng chim còn vang vọng khi chiều đã đi sâu vào khuya khoắt. Tiếng chim trở thành bất diệt, có đấy mà không đấy, như sao trời tự xóa nhòa ban ngày và tự lấp lánh ban đêm.

Có thể mắt chỉ bất chợt có một vì sao mà là thưởng thức được cả trời sao; tai chỉ bất chợt nghe có một tiếng chim mà là chụp ghi được cả muôn giọng chim vào lúc chiều vừa xẫm tím.

2

Có lúc muốn đẩy hồn mình về một vùng trăng dĩ vãng, nghĩ đến chuyện dừng chân bên quán đỉnh đèo, ngắm hàng giậu bìm leo hoa tím, ngắm vườn cải hoa vàng xuân muộn, đi vào nắng thu mong manh, ngửi mùa đất màu ngai ngái, nhìn vào một sân rêu, cúi xuống soi mình trên một mặt gương đáy giếng, uống chén trà trong hương sớm ban mai, đi vào biển đồng xanh gió gợn, dẫm lên muôn vàn hạt sương đọng của ban chiều khi lá hổ ngươi đã khép mình hiu hiu theo gió.

3

Một búp gió thoảng tới như có mang theo hương cau lẫn với hương bưởi. Búp gió tựa như có làm nhòa không gian đi, biến không gian thành huyền ảo ánh trăng, lồng lộng mây trời, âm u núi rừng Việt Bắc, và hùng vĩ thác ngàn cao nguyên. Tâm hồn bỗng căng trải thành muôn vàn dây tơ vi diệu, những dây tơ có thể rung lên thành âm thanh nhưng cũng có thể hoa lên thành màu sắc và nhòa vào tâm linh thành những lăng kính suy tư.

Có tiếng ca vang vọng đâu đây, tiếng ca đơn độc. Tôi không chú ý là tiếng ca hay hay dở mà chỉ chú ý đến vẻ đơn độc của lời ca. Tôi muốn đốn ngay một cây bạch đàn, gọt nhanh thành chiếc đàn, căng lẹ vài sợi tơ để gảy lên mấy tiếng đàn cho giọng ca của ai kia không còn đơn độc. Âm thanh đường tơ rung trên thớ cây bạch đàn sẽ đẩy giọng ca vút lên trăng sao vô vàn, đi sâu vào vũ trụ hun hút u minh, rồi chợt tới lúc nào đó âm thanh gẫy vụn thành bụi để được yên nghỉ đời đời, nằm đó thành mầm ướp của hỗn mang, vô năng trong yên nghỉ mà vạn năng trong tái sinh.



TIỂU SỬ DOÃN QUỐC SỸ

Tên thật là Doãn Quốc Sỹ. Ông sinh ngày 17 tháng 02 năm 1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết

Quí Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội. Thuở còn là thanh niên, ông đã từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu. Năm

1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song là nhà văn và nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: "Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp." Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường Trung học Công lập Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Sư phạm Sài Gòn, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông từng là hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968). Với cương vị nhà văn, ông là đồng sáng lập viên nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ cùng tên vào năm 1956 cùng với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng mà ông vẫn gọi là "Thất Tinh". Ông cũng có những bài viết được đăng trên những tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật...

Sau ngày Miền Nam thất thủ 30/04/1975, vào tháng Tư năm 1976, Doãn Quốc Sỹ cùng nhiều nhà văn Miền Nam khác bị bắt đi tù cải tạo. Ông bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 km, cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe... Đến năm 1980, ông được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được người con gái đầu bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm một số tác phẩm nữa, trong đó có quyển "ĐI" được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp, để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng
5 năm 1984, chỉ trước ngày đi Úc vài tháng, cùng với một số văn nghệ sĩ khác như Duy Trác, Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Lý Thụy Ý... Ông bị kết án mười năm tù. Ông mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.
Năm 1995, ông được người con trai trưởng bảo lãnh di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Hiện nay, ông đang sống tại Quận Cam, California.
Năm 1971
Doãn Quốc Sỹ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...