Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Trái đắng trường sinh 1

Trái đắng trường sinh 1

Phần Một

LỐI MÒN

Thay Lời Tựa

NGĂN CÁCH

Tôi đi trên con đường đất

Con đường vụn nát, lạc lối, trườn lên Như những con rắn nhỏ giữa cánh đồng dềnh nước Con đường vụn nát, con đường vụn nát

Phút chốc tự thấy xa cách muôn trùng Dưới chân không còn con đường Mà chỉ còn từng đốt đường

Như từng khúc rắn ngoi lên giữa đồng nước mênh mông

Tôi phải bay mình lên cao

Bỏ lại dưới chân những khúc đường vụn nát.

TRUYỆN CHIẾC ÁO DÀI CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM

HỒI MỘT

TRẬN THỦY CHIẾN
CHIẾC ÁO CHÓT VÓT
TRÊN ĐỈNH SÓNG TRÙNG DƯƠNG

Một đàn cá mập đông vô kể đã xâm nhập hải phận Việt Nam rồi tự ý chiếm cứ nhiều năm ròng. Và cũng suốt thời gian chiếm đóng đó, đội thủy binh của hải phận Việt Nam, gọi là đội thủy binh Nam Hải, gồm đủ mặt cá voi, cá thu, cái đuối, cá song, cá trích, hải trư... luôn luôn khuấy động không để lũ cá mập một phút nào ngơi. Sau cùng nhờ sự phù trì của chư vị sơn thần, hải thần, đoàn thủy binh đã gần như quét sách được lũ cá mập ra khỏi hải phận. Nhưng ai nấy chưa kịp ăn mừng thì lũ cá mập bỗng ùn ùn kéo lại hung hãn không kể sao cho xiết được, tựa như chúng biết rằng nếu lần này không tái chiếm hải phận Việt Nam thì muôn vạn kiếp về sau đừng hòng tái chiếm được nữa. Các thần nhân cũng linh cảm thấy cuộc sống mái cuối cùng này sẽ muôn phần khốc liệt. Sơn Tinh bèn đặt thiếp mời Thủy Tinh tới đỉnh Tản Viên họp gấp. Tuy hai vị thần nhân này xưa kia có mối hiềm khích hôn nhân về công chúa Mỵ Nương, nhưng với thời gian nỗi thất tình của Thủy Tinh cũng nguôi nguôi dần. Và từ khi người dân Việt biết đào sông dẫn thủy nhập điền và đắp đê ngăn nước lũ, thì Thủy Tinh càng cảm thấy việc hàng năm dâng nước báo thù Sơn Tinh làm hại lây dân chúng là một việc lỗi thời. Chẳng bao lâu hai vị trở lại giao thiệp lịch sự với nhau như cũ. "Chăn voi ăn mày voi," các vị bảo với nhau vậy, "Trông nom phù trì non sông Việt Nam để ăn lộc Việt Nam."

Trở lại chuyện Sơn Tinh thấy đoàn cá mập quyết sống mái một lần cuối cùng với đoàn thủy binh tại hải phận Việt Nam, bèn lập tức đặt thiếp mời Thủy Tinh tới sơn thất tại đỉnh Tản Viên để cùng bàn kế hoạch âm phù dương trợ trong việc bài binh bố trận. Hai vị bàn với nhau khá lâu, đồng ý về mọi điểm. Trong khi đó ngoài khơi Nam Hải, sóng đã cuồn cuộn nổi lên chập chùng nối liền với đại dương. Đoàn cá mập cơ nào đội ấy, con nào con nấy, máu hùng hổ dồn lên mặt đỏ bừng bừng, chúng chỉ còn chờ hiệu lệnh là lăn xả vào để ăn tươi nuốt sống đối phương. Đối diện với đoàn cá mập, đoàn thủy binh Nam Hải cũng cơ nào đội ấy, nhưng trầm tĩnh hơn, và cũng biết trước chuyến này sẽ phải hy sinh nhiều, ai nấy cắn chặt hàm răng, đôi mắt gờm gờm, tinh thần chấp nhận.

Thủy Tinh đã cùng theo Sơn Tinh tới núi rồi đi gặp Bà Mẹ Việt Nam. Sơn Tinh trình với Bà rằng đặc biệt trong lần chiến đấu khốc liệt cuối cùng này, Thần xin Bà một Chiếc Áo dài, Chiếc Áo của con Bà do chính Bà khâu để làm một trung điểm hấp dẫn lực điều khiển toàn cục chiến đấu. Bà đã trao cho Sơn Tinh chiếc áo dài the của thằng con trai. Chiếc Áo bèn được Thủy Tinh mang theo xuống biển như một thứ cờ lệnh. Chiếc Áo luôn luôn được đặt trên một ngọn sóng cao nhất để toàn thể các cơ ngũ thủy binh tiền quân, hậu quân, trung quân, tả quân, hữu quân, hết thẩy đều trông thấy. Chiếc Áo bỗng thành một thứ tối cao tư lệnh. Đoàn cá mập lập tức lăn xả tới. Không một phút do dự, đoàn thủy binh Nam Hải cũng nhất tề xong lên nghênh chiến. Sau hiệu lệnh quật đuôi táp sóng của các tướng quân cá voi, lập tức cả Nam Hải sóng cồn lên thành núi chập chùng từ phía hải phận rầm rộ đổ ra đại dương, chặn bước tiến của đoàn cá mập. Chiếc Áo luôn luôn ở trên đỉnh một ngọn sóng cao nhất. Đoàn cá mập đâu chịu chùn bước, trái lại sức sóng cồn đổ ập ra đại dương càng kích thích lòng hung hãn của chúng, chúng cũng quật đuôi lấy đà lao tới xé sóng, và đây đó đã có những vệt máu ùn lên nhuộm đỏ từng khoảng bọt sóng. Chiếc Áo thoạt lao đao với sóng biển. Song nó làm quen ngay với hoàn cảnh nhờ sự phù trì của chư vị thần nhân, chẳng bao lâu nó đã biết cách đứng cực kỳ hiên ngang trên một ngọn sóng chót vót nhất. "Các anh em hãy theo hiệu lệnh của tôi!" Vì được tiếp nhận linh ý của chư vị sơn thần, hải thần, Chiếc Áo đã thể nhập đúng vai trò của mình: "Hãy theo hiệu lệnh tôi tiến, lui cho đúng phép, ngõ hầu sớm chiến thắng quân xâm lăng đem lại thanh bình cho hải phận quê nhà!" Lời nói đó của Chiếc Áo chẳng hề là sáo ngữ, trái lại lời lời như nhập vào những vết máu loang trên mặt biển mà trở thành linh thiêng với sức truyền cảm mãnh liệt. Chiếc Áo quan sát đúng lúc đoàn cá mập hung hăng nhất tề lao đầu vào trận tuyến bèn hô: "Anh em lui!" Tiếng các cơ ngũ tiền tuyến cùng hô: "Anh em, lui!" Và các chiến binh cùng lui vừa lanh lẹ, vừa nhịp nhàng. Đàn cá mập húc hẫng vào khoảng trống, hoang mang quẫy đuôi lùi vội lại, thì Chiếc Áo đã hô: "Anh em, tiến!" Và các chiến sĩ lao đầu tiến lên. Đoàn cá mập tuy bối rối nhưng cũng biết lập tức há ngoác miệng, đập mạnh đuôi lung tung để đối phó, và máu lại ùn lên mặt biển nhuộm đỏ từng vùng rộng lớn bọt biển: máu của cả hai bên. Chiếc Áo đã quen với vị trí chỉ huy của nó lắm rồi, nó đứng trên sóng như giỡn, nó nhào lộn trên sóng như làm trò xiếc rất nhịp nhàng với lệnh hô tiến, lui vô cùng chính xác. Càng về sau, máu của cả hai bên càng đổ nhiều, lời hô nhập vào các vùng máu loang thẫm càng trở thành đau đáu thiết tha, nhất là ngay sau đó lại có tiếng hô đáp lại của ngàn vạn chiến sĩ tiền tuyến. Một tiếng hô đơn độc, uy nghi, tha thiết vừa tung lên, lập tức được bao quanh hùng dũng đấy mà trìu mến đấy bởi tiếng vang đền đáp của muôn vạn tâm hồn đồng tình thừa hành. Cả vùng Nam Hải tràn ngập một âm hưởng gắn bó vừa hào hùng vừa ấm cúng không bút nào tả xiết. Cứ chiến thuật đó kéo dài trong nhiều ngày qua, đoàn cá mập biết mà không làm cách nào phá cho được. Đôi khi chúng cũng biết húc dứ rồi dừng lại có ý đợi, nếu đoàn thủy binh Nam Hải mà xông lại đuổi theo thì cả hàng răng cá mập như một vạn lý trường thành kia sẽ cho đoàn quan Nam Hải nếm một thất bại chua cay kinh khủng. Nhưng phương thức chỉ huy của Chiếc Áo đã nhập điệu rồi, trong trường hợp đó Chiếc Áo không hô lui cũng không hô tiến mà cất tiếng cười vang. Và tiếng cười của Chiếc Áo cũng lập tức nhận được âm vang cộng hưởng của không riêng gì hàng ngàn vạn chiến sĩ tại tiền tuyến mà của cả hàng triệu chiến sĩ tại các cơ sở hậu cần.

Điều này càng làm cho đoàn cá mập tức điên ruột, rồi từ từ sự mất bình tĩnh đó chúng lại húc vào những đường mòn sơ hở. Máu không còn ùn lên thành từng khoang lớn nữa, mà nhiều chỗ đã biến thành cả một khúc sông máu chan hòa biết rẽ sóng trùng dương. Cuộc chiến tiếp tục ngày một ác liệt hơn. Cuộc chiến chỉ tương đối lắng dịu chút ít về đêm.

Trong đoàn tâm lý chiến kia của thủy binh Nam Hải, có một chú Hải Trư thuộc nòi thi sĩ. Vào một đêm trăng, chú Hải Trư thi sĩ quan sát bóng Chiếc Áo dài của Bà Mẹ Việt Nam nhảy múa thức tỉnh trên đỉnh chót vót một ngọn sóng trùng dương, Chiếc Áo linh thiêng không hề chợp mắt, không hề nghỉ ngơi, Chiếc Áo nhất định sẽ đem lại vinh quang chiến thắng cho hải phận, không còn ai nghi ngờ điều này nữa. Nhìn Chiếc Áo linh thiêng nặng lòng với nước non, thức tỉnh trên đỉnh sóng chót vót trùng dương giữa màu trăng huyền ảo, chú Hải Trư cảm thấy hồn thơ lai láng, chú lập tức sáng tác một khúc trường thi ca ngợi "Chiếc áo nước non của mẹ hiền trao tặng". Chú biết loại tơ dệt Chiếc Áo đó mua tự một tỉnh kỹ nghệ lớn tại trung tâm nước Anh Cát Lợi. Tơ đó được chính Bà Mẹ Việt Nam dệt thành tấm, rồi lại chính Bà may thành áo. Trong bài trường thi chú bèn ca ngợi tinh thần khôn ngoan và ý thức thấu triệt hòa đồng Đông Tây thể hiện ở ngay Chiếc Áo. Chú lại thêu dệt tả cả cảnh chiếc tầu chở tơ từ Anh Cát Lợi vào kênh đào Ai Cập ra sao, tới Ấn Độ Dương gặp những trận bão nào, một trận bão cực lớn đã thổi dạt chiếc tầu chở tơ vào đảo Tích Lan ra sao, và sau cùng tầu chở tơ cập bến thanh bình Việt Nam vào ngày nào. Tất nhiên những trận bão được tả rất linh động, cũng như ngày cập bến Việt Nam ghi rất chính xác, đều hoàn toàn do trí tưởng tượng thêu dệt của chú hải trư thi sĩ, nhưng điều đó có hề gì. Tơ kia, tầu kia, bão kia, hải cảng kia chỉ là những cớ để Hải Trư thi sĩ sử dụng mà ca ngợi Chiếc Áo linh thiêng, trung tâm điểm thu hút mọi luồng linh ý của chư thần, mọi ngưỡng vọng của trăm họ thủy tộc Nam Hải. Khúc trường thi được sáng tác trọn vẹn trong có một đêm, sáng tác đến đâu Hải Trư ngâm vang đến đấy, và tất cả các loài thủy tộc ở tiền tuyến cũng như ở hậu tuyến đều học thuộc truyền khẩu và ngâm ngay dưới ánh trăng. Chiếc Áo nghe khúc trường thi ca ngợi tiểu sử mình ra chiều cũng hởi lòng hởi dạ lắm. Nghe nói Hải Trư thi sĩ qua một đêm hoàn tất khúc trường thi, sớm hôm sau toàn thân chuyển thành màu trắng như ngà, danh tính nhà thơ vì thế càng nổi lên như cồn, mà Chiếc Áo thì kể từ đó tựa hồ như có lấp lánh ánh hào quang. Và cũng kể từ đấy đoàn thủy binh Nam Hải vừa đánh giặc vừa ngâm thơ. Đêm đến, lời thơ như biến thành kinh cầu nguyện hòa với vùng hào quang của Chiếc Áo luôn luôn thức tỉnh trên đỉnh chót vót một ngọn sóng trùng dương. Có thể nói cả trăm họ thủy tộc khắp vùng Nam Hải đều thuộc nằm lòng khúc trường thi đó. Đúng ra thì các vị tướng quân cá voi vì quá bận rộn về điều binh khiển tướng nên chỉ loáng thoáng thuộc những đoạn hay nhất; cỡ cá thu, cá đuối trở xuống thì quả là thuộc lòng từ đầu đến cuối, đến như các loại cá nục, cá mòi, cá trích, cá cơm thì chúng đồng ca suốt ngày và thuộc làu như cháo.

Kể từ ngày có thêm khúc trường thi "tham chiến", đoàn thủy binh Nam Hải chiến đấu dai dẳng bất chấp thời gian, kể cả toán quân khi tới phiên được lui về hậu tuyến nghỉ ngơi dưỡng sức cũng thấy là mình đương gối đầu đu đưa trên thời gian để trở thành bền bỉ như thời gian vậy. Và sóng tự hải phận Việt Nam càng ùn lên ngất trời cao, ngoài sức mong đợi của đoàn thủy binh, đổ ra trùng dương làm lao đao đoàn cá mập và hoàn toàn ngăn chặn mọi tấn công của chúng. Cứ thế núi sóng vòi vọi, ngày đêm điệp điệp trùng trùng rầm rộ tiến lấn ra đại dương xô lùi đàn cá mập. Đoàn thủy binh đạt tới ranh giới Hòn Hèo, một hòn đảo cuối cùng ngoài khơi Nam Hải, còn thuộc hải phận Việt Nam. Lũ cá mập tiếp tục lùi, một lần chúng ngập ngừng muốn tiến nhưng lại lùi ngay. Tới suốt một đêm kia, khi sóng tấn công của lũ chúng tự ngoài trùng dương đổ vào chỉ còn thảng thốt, lời đồng ca kể tiểu sử Chiếc Áo tổng tư lệnh dưới ánh sao bỗng đượm vẻ êm ả thanh bình. Rồi bình minh ló rạng, rồi vừng ô xua tan sương sớm. Không một gợn sóng thù nghịch. Đàn cá mập đã bỏ cuộc. Chúng cam chịu bỏ cuộc! Biển xa nối với trời cao.

"Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!" Chiếc Áo thét lớn khẩu hiệu toàn thắng. Tức thì hàng ngàn rồi hàng muôn, rồi hàng triệu tiếng hô đáp ứng: "Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!" "Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!" "Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!"

Tất nhiên sóng tự hải phận đổ ra cũng hạ dần, hạ dần... Chiếc Áo tự một đỉnh chót vót nhất cũng từ từ xuống thấp. Lời đồng ca chan hòa với nắng thủy tinh, với gió lồng lộng biến thành khúc khải hoàn bát ngát.



HỒI HAI

GIẤC MƠ KHÔNG NGUÔI
CỦA CHIẾC ÁO DÀI

Chư vị sơn thần và hải thần đã biết đoàn cá mập rút lui từ khoảng đầu giờ Tý, và các vị cũng đã trở về các sơn động, hải động ngay sau đó. Sau bao ngày vất vả ban truyền linh ý cho Chiếc Áo tổng tư lệnh và hết thẩy đoàn thủy binh, khi chiến cuộc vừa dứt, lập tức Sơn Tinh trở về động phủ trên đỉnh Tản Viên để hội ngộ cùng người ngọc Mỵ Nương; Thủy Tinh trở về động phủ của mình. (Ấy tuy toàn thể dân chúng Việt Nam đều biết câu chuyện thất tình của Thần với công chúa Mỵ Nương nhưng lại không ai biết thủy động của người ở nơi nào.)

Mọi chuyện đối với các thần nhân thì nhẹ nhàng đơn giản, nhưng với chúng sinh đâu có vậy. Những giây phút đầu tiên khi chiến cuộc vừa bùng nổ, người ta bàng hoàng; giây phút đầu tiên khi chiến cuộc vừa chấm dứt người ta cũng bàng hoàng. Tiếng hô "Chiến thắng Hòn

Hèo muôn năm!" không những làm cộn mặt biển Nam Hải mà còn như muốn biến thành một thứ hỏa diệm sơn khạc lửa. Trong khi toàn thể thủy binh say mê hô lớn khẩu hiệu chiến thắng như vậy, cơ nào đội ấy còn bịn rịn chưa muốn phân tán.

Một tướng quân cá voi cấp bậc thống chế trong bộ tổng tham mưu tới nói với Chiếc Áo bằng giọng kính cẩn:

- Kính thưa tối cao tổng tư lệnh, linh hồn của cuộc kháng chiến này, giờ đây hải phận đã trở lại thanh bình chúng tôi có bổn phận tháp tùng ngài về với Lão Mẫu.

Chiếc Áo lắc đầu quầy quậy:

- Tôi còn về làm gì hở thống chế? Tôi đã chiến thắng quân địch ở đây, thì tôi cũng ở lại đây trong những ngày còn lại, chia xẻ những nỗi vui buồn thường nhật cùng toàn thể hải phận.

- Xin bái lĩnh tôn ý - Viên thống chế nói vậy, rồi cúi chào Chiếc Áo trước khi rút lui.

Kế đó các cơ ngũ cũng phải giải tán. Đoàn tướng quân cá voi bơi vút ra khơi vẫy vùng với sóng gió, thỉnh thoảng cao hứng, các kình ngư tướng quân đó lại phun cầu vồng nước lên khỏi mặt biển. (Lúc các tướng quân điều khiển cơ ngũ thì nghiêm minh khắc khổ, bây giờ thời bình thì lại tinh nghịch như trẻ thơ.) Có khi các tướng quân quây quần thành vòng tròn rồi phun thi xem cầu vồng nước của ai cao nhất. Những cầu vồng nước chỗ thì trắng xóa, chỗ thì phản ánh bảy sắc cầu vồng, cả khoảng biển bỗng như biến thành động pha lê muôn màu. Một đàn cá chuồn thông minh biết nô giỡn đúng lúc, bèn cùng vút lên cao khỏi mặt nước, quẫy đuôi, lái vảy, bay là là vào khoảng động pha lê muôn màu đó, trông như những tiểu thiên thần trong một giấc mơ lung linh nhất của tuổi thơ nhân loại.

Muôn loài thủy tộc của cả vùng Nam Hải đã sớm biết hòa mình vào không khí thanh bình của hải phận. Nhưng Chiếc Áo dài thì không. Chiếc Áo từ chối trở về với mẹ hiền tạo tác nên mình. Nó đã quen sống chót vót trên một đỉnh sóng cao nhất của mặt biển phong ba thời chiến, làm sao có thể trở về nằm trong rương áo, hay treo trên mắc áo mẹ già! Đâu có được! Hèn mọn và tầm thường quá! Nhưng giờ đây nó nằm vật vờ, lửng lơ giữa khoảng sâu của nước biển thì cũng có gì đáng kiêu hãnh đâu! Thần trí nó không còn là trung tâm tiếp nhận các linh ý của Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng chư vị phúc thần khác, nên nó cảm thấy chống chếnh làm sao ấy. Nằm kia, nghe mình đu đưa theo nhịp sóng thanh bình, nó ôn lại thuở nào đứng nhào lộn một cách vừa thức tỉnh vừa uy nghi trên một đỉnh sóng chót vót, nó ôn lại thuở đó mắt sáng, tai thính, trí minh mẫn theo dõi và như nhìn được thấu suốt mọi mưu toan thầm kín của quân thù để ra lệnh tiến lui thật chính xác, thật hữu hiệu cho ba quân. (Vì sự yếu kém thường tình của chúng sinh, Chiếc Áo đâu chịu nhận mình chỉ là trung tâm tiếp nhận linh ý của chư vị phúc thần hải phận.) Hôm đó đương nằm đu đưa ôn lại thời oanh liệt, Chiếc Áo chợt trông thấy Hải Trư thi sĩ toàn thân trắng phau bơi qua. Chiếc Áo lên tiếng chào, Hải Trư nhận ra người cũ, đôi bên đàm đạo đôi lời. Trong câu chuyện, Chiếc Áo có kín đáo nhắc lại công trình sáng tác khúc trường thi xưa của Hải Trư, thì thi sĩ chỉ mỉm cười nhũn nhặn coi đó là công chung của hoàn cảnh. Chiếc Áo lại kín đáo gợi hỏi xem sau đó thi sĩ Hải Trư có sáng tác thêm khúc trường thi ca ngợi chiến thắng Hòn Hèo chăng, thì thi sĩ lại chỉ đọc lên có mấy đoạn thi ca ngợi Trường Sơn lúc bình minh nắng sớm, Biển Đông khi sóng gợn mưa chiều, hoặc trăng tà hải lộ, gió lộng đường mây. Khi Hải Trư thi sĩ từ giã bơi đi rồi, Chiếc Áo cảm thấy lòng bừng bừng uất hận, nó vùng lên nói như hét: "Ta phải thực hiện một chiến thắng Hòn Hèo khác!" Chiếc Áo nhận thấy sóng biển cộn lên và nâng nó lên cao ngang mặt biển. Nó lại hét: "Ta không thể sống hèn mọn thế này mãi được!" Tức thì sóng cồn cao hơn nữa và nó nhô hẳn lên mặt biển. Nó nhận ra nó vẫn nằm nguyên vị trí cũ gần Hòn Hèo, nơi nó đã điều khiển ba quân chiến thắng oanh liệt lũ cá mập.

Tội nghiệp Chiếc Áo của Bà Mẹ Hiền Việt Nam: Nó đã thành nạn nhân của chính nó mất rồi!

Nó đưa mắt nhìn quanh thấy một đàn cá trích đông tới hàng vạn con đương bình thản tìm rêu ăn trong đám rong biển mênh mông gần đấy, nó bèn hét: "Bọn bay không thể sống hèn mọn thế được, phải làm cho biển Đông nổi sóng và chuẩn bị chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai!" Tức thì cả đàn cá trích xao xuyến hẳn và sóng biển đã có sẵn đà lại rồ cao hơn chút nữa. Đồng thời Chiếc Áo cũng nhận thấy một số ngư loại khác ở ngoài biên giới hải phận có vẻ chăm chú theo dõi mọi cử chỉ ngôn ngữ của mình; nó tự khám phá thấy nó còn khả năng làm cho cả hải phận gợn sóng (trong bao nhiêu ngày tiếp nhận linh ý chư thần, những linh chất vẫn kết tụ nơi áo để dùng làm vốn phóng xạ). Nó quan sát xa hơn, thấy một đàn cá thu đương tung tăng nô giỡn, nó bèn hét lớn: "Bọn bay không thể sống hèn mọn thế được, hãy làm cho hải phận dậy sóng, và chuẩn bị một chiến thắng Hòn Hèo thứ hai!"

Luồng phóng xạ ùa tới đàn cá thu làm chúng thoạt quẫy đuôi xô xát vùng vằng, rồi con nọ cắn con kia hỗn độn, sóng biển quả có uốn lên cao hơn như một tấm gương vồng. Tức thì có tiếng hoan hô tán thưởng của số ngư loại bàng quan khán giả ở bên kia làn ranh, ngoài hải phận. Chiếc Áo thấy đã có đà đắc chí, nó liếc nhìn ra xa hơn nữa thấy một số cá chiên miệng dài và hơi dẹt như miệng cá sấu, dọc theo xương sống và hai bên bụng đều nhô lên những hàng xương cứng nhọn, Chiếc Áo nhớ lắm, trước đây loại cá này vẫn thường được các kình ngư tướng quân xếp cho đi đầu đạo quân xung kích. Chiếc Áo bèn hét lớn: "Hỡi đoàn quân xung kích cũ kia, bay cam sống thanh bình hèn mọn thế ư, hãy vùng quẫy lên cho biển Đông gợn sóng, ta sẽ chiến thắng một trận Hoàn Hèo thứ hai nữa!"

Tia phóng xạ cũng lại đạt tới đoàn cá chiên và lũ cá chiên cũng lập tức vùng quẫy và húc vào nhau chí mạng, cả mặt biển càng uốn cong như đứa trẻ lên cơn sài uốn ván, và tiếng hò tán thưởng của lũ ngư loại bàng quan ngoài hải phận càng làm cho Chiếc Áo nức lòng. Nó lại thoáng thấy mãi tít phía xa hơn nữa, một số kình ngư tướng quân phun cầu vồng nước lên mặt biển, rất có thể trong số có cả kình ngư thống chế xưa, nó bèn hét lớn:

"Các vị kình ngư tướng quân, các vị có sức ngang dọc vẫy vùng như vậy mà cam chịu để cho thân bại danh liệt trong khoảng biển sóng lặng nước yên này ư? Hãy quẫy đảo cho biển Đông nổi sóng chúng ta cùng kiến tạo một chiến thắng Hòn Hèo thứ hai còn muôn phần vẻ vang hơn chiến thắng Hòn Hèo cũ!"

Đoàn cá voi vẫn nô giỡn ngoài xa, thản nhiên như nắng gió khoảng đó. Tia phóng xạ Chiếc Áo phóng ra chẳng gây được chút ảnh hưởng gì với các vị tướng quân đó. Tuy nhiên những tia phóng xạ đó càng kích thích mạnh lũ cá chiên, cá thu và cả đàn cá trích mênh mông quanh đấy khiến chúng vùng vẫy mạnh hơn; sóng biển nhường như cũng nhô cao thêm chút ít nữa. Lũ ngư tộc loại hiếu kỳ bên ngoài hải phận đã quy tụ đông hơn và reo hò vang trời để khuyến khích Chiếc Áo làm trò khuấy động biển Đông cho chúng xem, vì thực rất hiếm khi được chứng kiến tấn trò kích thích sinh động như vậy. Tiếng chúng hoan hô cũng có giúp cho đợt sóng lên cao chút nữa. Tất nhiên Chiếc Áo đứng ở mỏm sóng cao nhất. Nó cũng hiểu là phải luôn luôn hò hét và không ngừng phóng xạ để giữ mức kích thích cũ giữa lũ cá nằm trong vòng ảnh hưởng của nó, và cũng để giữ vững cao độ của ngọn sóng trên đó nó đứng. Nó cũng hiểu là thứ sóng biển nó tạo nên này không đồ sộ kiêu hùng, không chót vót uy nghi như thứ sóng cứu nguy hải phận xưa, nhất là chiều sóng đổ thì hoàn toàn khác.

Xưa kia sóng tự hải phận cồn lên thành hàng dãy núi sóng uy nghi đồ sộ, rồi kiêu hùng cuồn cuộn ra khơi đổ ụp lên đầu lũ cá mập. Giờ đây chiều sóng đâu có rầm rộ đổ ra khơi, ngược lại sóng hướng về phía nội địa, cứ như vậy đuổi nhau, đuổi nhau, thấp dần thấp dần rồi tan biến đi sau khi gắng bò lên bãi cát thoai thoải thêm một vài thước nữa. Thôi cũng được! Chiếc Áo cho như thế còn hơn là nó cứ phải nằm lửng lơ giữa khoảng chiều sâu của nước biển. Lũ ngư tộc bàng quan, vẫn không ngớt tiếng hoan hô. Chiếc Áo thèm đàn kình ngư lắm, nó hy vọng nếu cứ giữ vững khí thế của biển động như vậy, biết đâu rồi đàn cá voi chẳng vô tình bơi vào gần hơn, bơi vào vùng mà chất phóng xạ của nó gây được tác động. Nếu cả đàn cá voi đó mà nhập cuộc thì ngọn sóng nó đương đứng chắc chắn sẽ còn cao lên gấp bội, ít nhất cũng đạt được nửa chiều bề thế của ngọn sóng chỉ huy khi xưa, và lũ ngư loại ngoại tộc kia còn phải lác mắt nhiều hơn nữa vì nó.



HỒI BA

VÀNG SON TÀN LỤI

Buồn thay cho Chiếc Áo, đoàn kình ngư vẫn nô giỡn nơi xa, chẳng một chút lưu tâm đến trò "Biển Đông sóng gợn" của nó. Một cặp vợ chồng cá chiên đương say sưa trong cuộc ẩu đả bỗng bị húc lộn ra xa vượt khỏi vòng mê hoặc của tia phóng xạ, cả hai thoạt bàng hoàng, quật đuôi một lần nữa khi vừa ngoi lên mặt biển. Bọt sóng tung lên như mưa bụi rơi xuống mát lạnh, hai vợ chồng con cá chiên tỉnh hẳn, định thần nhìn lại trời biển một màu xanh như ngọc thạch, chúng hả hê quẫy đuôi ra khơi xa hẳn vùng hắc ám.

Kế tiếp một đôi cá chiên khác vẫn còn trong vòng tác động của những tia phóng xạ, nhưng ở khoảng ngoại vi, chúng đương chiến đấu hăng với đôi địch thủ khác bỗng thấy giảm hào hứng đi nhiều. Thì ra năng lực phóng xạ của Chiếc Áo cũng đã bắt đầu suy giảm. Rồi không thấy sự hào hứng kích thích hai vợ chồng cá chiên như theo sự thúc đẩy của linh tính tự động lùi ra xa. Sau vài phút bàng hoàng đôi cá này nhận thấy biển trời vẫn một màu xanh quyến rũ, và cũng như đôi cá trước, chúng vùng bơi ra khơi.

Rồi từng đôi cá chiên này, từng đôi cá chiên khác lần lượt thoát vùng mê hoặc... Sóng biển vùng đó vì vậy yếu dần và tất nhiên ngọn sóng chỉ huy nơi Chiếc Áo ngự trị cũng hạ dần cao độ. Lũ ngư loại bàng quan tuy vẫn reo hò khích lệ để duy trì lấy trò vui hiếm có, nhưng cũng đã có kẻ thấy chán, quay lưng bơi sang vùng khác. Có lũ mới từ xa lại, không có dữ kiện để so sánh, thấy trò chơi vẫn còn quyến rũ lắm và chúng reo hò cổ võ hết mình.

Nhưng càng về sau năng lực phóng xạ của Chiếc Áo càng sa sút đi rõ rệt, không những cả đoàn cá chiên đã thoát vòng mê hoặc mà ngay đàn cá thu cũng đã vợi thoát đi nhiều. Ngọn sóng chỉ huy thấp dần, khi độ thấp tới mức nhập làm một với các ngọn sóng thường khác thì thế giới mê hoặc của Chiếc Áo chỉ còn vừa đủ bao quanh lấy đàn cá chích đang vừa dào dạt ăn rêu ở đám rong biển rộng lớn, vừa hích đẩy nhau chí chóe. Chẳng bao lâu Chiếc Áo chìm dần xuống khoảng sâu lơ lửng như cũ. Căm phẫn lắm, Chiếc Áo thét lớn:

- Chúng bay hãy hát khúc đồng ca (tức là khúc trường thi ca ngợi tiểu sử xưa)!

Tức thì cả đàn cá trích đồng ca một đoạn của khúc trường thi. Cũng cảm thấy lòng nguôi nguôi đôi chút, Chiếc Áo ngước nhìn mặt biển bên trên. Những linh chất tích lũy đã phung phí gần hết, giờ đây nó cảm thấy rõ là nó không còn cả lực để ngoi lên mặt biển nữa. Thôi thì số "dấn vốn" ít oi còn lại nó sẽ tiêu pha dè sẻn để cố giữ lấy lũ cá trích lâu chừng nào hay chừng nấy.

Được cái lũ cá trích sau khi kiếm được no đủ thì trong thâm tâm cũng ao ước được hô theo một khẩu hiệu nào đó để cuộc đời thêm phần ý nghĩa. Bởi vậy nhiều khi Chiếc Áo chỉ việc hô lớn: "Ta sẽ chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai!" là đàn cá trích hô lại y hệt không thiếu một chữ, mà Chiếc Áo kiểm soát lại, thấy không phải chi phí một ly phóng xạ nào. Nhưng rồi đau đớn thay, tới lúc gió mùa đổi chiều, cả đàn cá trích rào rào ra đi theo gió không một lời đoái hoài đến kẻ đã hàng ngày dạy chúng cùng hô lớn khẩu hiệu để tô điểm thêm ý nghĩa cho đời sống. Tới thay đàn cá trích là một đàn cá nhỏ hơn, nhỏ hơn nhiều lắm, đó là đàn cá cơm. Loại này đúng là loại tép riu của biển cả. (Cũng có thể là đàn cá cơm từ xưa vẫn ở nơi đây, mà bây giờ vì đàn cá trích đi rồi Chiếc Áo mới để ý thấy.) Câu đầu tiên Chiếc Áo hỏi lũ cá cơm: "Tụi bay có thuộc khúc trường thi không?" May thay lũ cá cơm nhất loạt thưa: "Bẩm có ạ." - "Thử hát một khúc ta nghe coi!" Quả thực chúng hát trôi chảy một đoạn nhỏ. Khúc trường thi đã từ lâu bị xé ra tơi tả thành từng đoạn nhỏ, và những đoạn hay nhất đã biến thành ca dao của biển cả. Dầu sao thì được nghe từng đoạn nhỏ của khúc trường thi xưa như vậy cũng là một niềm an ủi lớn lắm cho Chiếc Áo. Giờ đây Chiếc Áo trông già nua, còm cõi lắm rồi. Còn gì nữa. Bao nhiêu tâm lực đổ ra hết trong cuộc vùng dậy cuối cùng, rồi thất bại, rồi sống vật vờ giữa lũ cá trích, giữa đám rong biển luôn luôn đu đưa, nhiều khi xao động nếu trên mặt biển có gió lớn. Nay lũ cá trích đi. Chiếc Áo sống giữa lũ cá cơm hèn mọn thì từng sợi tơ dệt áo cơ hồ cũng mục ruỗng đến nơi mất rồi. Đã thế lũ cá cơm mới nở, chúng còn nhỏ quá, ngây thơ không biết gì, nhiều lần vô tình phạm tội bất kính, chúng kéo nhau lại xúm quanh Chiếc Áo rỉa lấy chút rêu, đến khi cha mẹ chúng la hét chúng trở lại, thì tơ áo đã bục thành vô số những vết lỗ chỗ nhỏ rồi. Nhưng không vì thế mà Chiếc Áo quên hô khẩu hiệu, ít ra là một lần một ngày, khẩu hiệu hứa hẹn một chiến thắng Hòn Hèo thứ hai. Điều đó đã thành một nếp suy tư cố định của Chiếc Áo cần thiết chẳng kém gì khí trời để thở. Thiếu ăn có thể dăm bữa nửa tháng mới chết, chứ thiếu khí trời chỉ năm phút là đi đời. Dù già nua, dù xác xơ thì Chiếc Áo cũng còn sống. Được cái lũ cá cơm con dễ bảo hơn cả lũ cá trích, hễ nghe hô khẩu hiệu thì chúng lập tức hô theo, bảo hát khúc trường thi, lập tức chúng nhớ đoạn nào hát ngay đoạn ấy, tâm hồn chúng đơn giản quá, chúng luôn luôn tiếp nhận và thực thi những mệnh lệnh từ ngoài đến, tựa như đó là khuynh hướng tự nhiên để đời này qua đời khác phong phú hóa dần kiếp sống của chủng loại chúng bằng những kinh sống đó. Nhưng tới một sớm kia, khi vừa sực thức dậy, thuận miệng cất lời hô một khẩu hiệu, Chiếc Áo chỉ nghe thấy lác đác có vài tiếng hô còm cõi đáp ứng. Chiếc Áo bèn nhỏm dậy nhìn quanh, cả đàn cá cơm biến đi đâu mất phần lớn, chỉ còn lại một số nhỏ có vẻ khập khiễng hốt hoảng. Thì ra gần trọn đàn vừa bị sa vào một mẻ lưới. Dọc theo bờ biển vẫn có đôi vùng người dân chài Việt Nam ưa đánh cá cơm để về làm mắm.



HỒI BỐN

NỖI BI PHẪN
CỦA MỘT CHÍNH KHÁCH LƯU VONG
MỘT NGẪU NHIÊN DỊ KỲ CỦA LỊCH SỬ
ĐÈ NẶNG LÊN CHIẾC ÁO DÀI XÁC XƠ

Cùng dạo này lịch sử trên đất liền cũng nhiều bề bi đát lắm. Một cuộc đảo chính chẳng biết là lần thứ bao nhiêu vừa xảy ra. Lần này phe đảo chính thành công nhốt vị quốc trưởng bị truất quyền vào một tòa nhà kiên cố ngay sát bên trụ sở quốc hội. Vị quốc trưởng mới cùng bộ tham mưu của ông họp ngay trong phòng lớn trên lầu của trụ sở quốc hội, gian phòng này lại đối diện với gian phòng nhốt vị quốc trưởng thất thế, điều này càng làm vị quốc trưởng thất thế tức điên ruột. Ông có đứng giạng háng trước cửa sổ kính có chấn song sắt, chõ sang phía vị tân quốc trưởng cùng bộ tham mưu của ông ta mà vừa thóa mạ vừa thuyết lý. Tất nhiên là cách một lần kính pha lê dầy như vậy làm sao đối phương nghe được, nhưng con người thất thế cứ vừa hoa chân múa tay vừa nói cho hả.

Ông nói nhiều, nhiều lắm. Toàn là những điều mà khi còn tại vị ông mắc phải. Cũng có thể là vì trước đây lâm cục giả mê, nay ông ở thế cờ ngoài bài trong nên sáng suốt và ông thẳng thắn nói những điều mình nghĩ.

Cũng có thể là Sơn Tinh hay Thủy Tinh vốn không bao giờ can thiệp vào việc người, bởi các vị cho con người đã có trí thông minh thì đương nhiên họ có thể tự cứu, nhưng hôm nay nhân ngao du qua đấy, thấy cảnh trớ trêu, thì mở nắp tiềm thức cho nạn nhân nói lên những sự thật đơn giản mà đã từ lâu rồi ai cũng biết như vậy. Vị quốc trưởng thất thế la hét một hồi nghe có hơi mệt bèn ngừng lại. Ông hơi ngửa mặt nhìn vòm cây bên ngoài rậm như rừng. Ông nhìn xuống mặt một đại lộ cách đó không xa, những vệt sáng giao thoa của những chiếc xe hơi qua lại ngược chiều nhau vun vút. Ông cúi mặt trầm tư tưởng tượng ngày xa xưa khoảng này còn nguyên vẻ hoang vu của rừng cây có chồn có thỏ, có hươu nai, hổ báo. Vẻ thiên nhiên man rợ như vậy ông thấy còn đẹp hơn cả trăm ngàn lần cảnh văn minh giả trá bây giờ, đường nhựa phẳng, bóng xe cộ tấp nập, ánh điện sáng choang như ban ngày, nhưng con người thì rình rập lọc lừa nhau, bất nhân tàn ác vượt xa những loài cầm thú xưa, khi nơi này còn là khu rừng già nhiệt đới. Nghĩ tới đấy vị quốc trưởng thất thế ngửng nhìn sang phòng đối diện thấy vị tân quốc trưởng vẫn còn say mê bàn luận với ban tham mưu trước một bản đồ bỏ ngỏ, bất giác ông lại nổi sùng và la hét lên rằng cai trị mà không biết dựa vào dân thì chẳng sao thoát cảnh làm chó săn chim mồi cho ngoại nhân. Nói chi đến chuyện bình đẳng với chúng, nói chi đến chuyện cứu nước thoát khỏi tay lũ quỷ đỏ...

Nhiều, ông nói nhiều nữa, đại khái toàn là những sự thực đơn giản như hai với hai là bốn, nhưng vì đã bị đánh đĩ nhiều nên khi âm thanh những lời đó vang lên chỉ làm người nghe buồn nôn lộn mửa, thuật giả đành tự ý lược đi.

Sớm hôm sau người ta đưa vị quốc trưởng thất thế lên chiếc trực thăng. Ông được cho hay chiếc trực thăng đặc biệt đó sẽ đưa ông ra một miền bờ biển, rồi từ miền bờ biển, vẫn chiếc trực thăng đó sẽ đưa ông ra một tuần dương hạm đậu ngay ngoài khơi. Ông sẽ ngụ tại tuần dương hạm chờ dịp thuận tiện lên bộ lưu vong tại một thành phố ngoại bang.

Lúc cánh quạt chiếc trực thăng đã quay tít, lòng quê bỗng vô cùng xúc động ông hét lên: "Đất! Đất mẹ! Hãy đưa cho tôi một bình đất mẹ!"

Một người lính cận vệ vội vã chạy tới góc tường xa, khệ nệ bưng tới một chiếc vỏ đạn đại bác lớn đựng đầy đất. Vị quốc trưởng thất thế ôm lấy chiếc vỏ đại bác đầy đất đó như ôm quê hương vào lòng. Và chiếc trực thăng cất bổng lên. Ông bồi hồi nhìn từng mảnh giang sơn lươn lướt bên dưới, tâm trí ông như mê mẩn.

Quả nhiên chiếc trực thăng tới một miền duyên hải thì hạ xuống. Điện đài liên lạc với tuần dương hạm ngoài khơi. Thời tiết không xấu. Thế là tức khắc chiếc trực thăng cất mình vù vù hướng ra khơi. Quay nhìn dải đất liền quê hương một lần nữa, nhà chính khách thất thế muốn khóc nức lên, hai tay ôm ghì chặt lại. Ông sực nhớ ra chiếc vỏ đạn đại bác đầy đất vẫn ôm kè kè bên mình, ông bèn vục một tay vào. Qua một tầng đất tơi phủ hờ bên trên, tay ông bỗng chạm phải một lớp nhám ướt, đồng thời một mùi thối khẳn xông lên. Trời ơi, bên dưới là trấu trộn với phân lợn. Thì ra người lính cận vệ đã hấp tấp ôm lầm phải đồ bón cây hoa của người làm vườn trong dinh quốc trưởng. Ông giận dữ ném chiếc vỏ đạn nặng đó xuống biển. Màu đồng lấp lánh kẻ một đường nghiêng, và mặt biển tóe một khoảng trắng nhỏ như một đóa hồng bạch từ cao ngó xuống.

Cuộc đời lưu vong của vị quốc trưởng thất thế đã đành là buồn thảm nhưng xin quí vị độc giả hãy trở về với Chiếc Áo Dài của bà mẹ Việt Nam. Chiếc vỏ đạn đại bác từ trên chiếc trực thăng lao mình xuống mặt biển chẳng khác một trái bom vừa được phi công bấm nút thả xuống. Thật là một ngẫu nhiên dị kỳ của lịch sử, chiếc vỏ đại bác khi mang sức nặng của mình chìm sâu xuống mặt biển, thì lại rơi đúng vào Chiếc Áo và kéo luôn cả Chiếc Áo ra khỏi đám rong lơ lửng mà cùng chìm xuống sát đáy biển. Vỏ đạn đại bác nằm chặn lấy thân sau Chiếc Áo, trong khi thân trước và cổ áo thì cố vươn lên những muốn đòi được trở về vị trí cũ lơ lửng với rong biển và đàn cá cơm ở trên. Chiếc Áo vốn đã xác xơ, bệ rạc, những khoảng trước đây đàn cá cơm nhỏ tới đớp rêu nay trở thành những vết lỗ chỗ lớn thực sự. Thêm một lần đàn cá tới kỳ đẻ trứng, trứng cá hàng triệu triệu đã phủ kín cả Chiếc Áo. Ngày cá nở một số trứng ung còn bám lại, rồi biến chất đi, thành vô vàn những điểm lấm tấm màu tím xỉn. Bây giờ lại thêm mùi hăng nồng thum thủm tự bên trong chiếc vỏ đạn tiết ra!

Tuy tình trạng Chiếc Áo ngày nay xác xơ bệ rạc là vậy, nhưng giấc mộng chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai vẫn không phai mờ. Thỉnh thoảng Chiếc Áo vẫn hét lên: "Chúng ta hãy chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai!" Lũ cá cơm lơ lửng bên trên nghe thấy vậy lập tức nhắc lại thành một lời đồng vọng tuy yếu ớt nhưng cũng làm nó ấm lòng phần nào.

Một ngày kia Chiếc Áo bừng thức giấc thấy tuy khoảng đáy biển mình nằm coi bộ vẫn yên, nhưng khoảng rong mênh mông bên trên bị xao động dữ. Quả thực trên mặt biển lúc đó sóng cồn lên thành núi. Bão biển theo như lời báo của thiên văn đài sẽ còn kéo dài suốt ngày hôm đó. Cả vùng rong biển đương bị di chuyển theo luồng sóng dữ. Đàn cá cơm thì vội vã bơi vào khoảng vịnh gần đấy để ẩn bên dưới những hốc đá ngầm. Điều này Chiếc Áo không biết.

Quen miệng như mọi khi Chiếc Áo hô lớn: "Chúng ta hãy chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai!"

Tiếng hô vang lên cao một chút rồi lệch lạc đi với luồng sóng dữ. Không một tiếng vang đáp lại. Nghe cô đơn lạ lùng!

ÁNH TRĂNG
THÁNG TÁM

Tháng tám ở miền Bắc vẫn là tháng nhiều mưa bão.

Nhiều năm tháng tám mất trăng rằm trong mưa gió ngập trời để sớm hôm sau, hôm mười sáu, đi trong bầu không khí ẩm ướt và mát lạnh, người ta thấy khắp nơi cây bật rễ, nhà sập, mái bay, cành gãy, giậu đổ tả tơi.

Nhưng nếu được năm không mất mùa trăng vì gió bão, thì trăng thu quả thật là thăm thẳm, huyền diệu tuyệt vời.

Trăng đêm hè thường sáng lộng với gió mát làm lả ngọn tre, làm bù đầu ngọn xoan. Và dưới con mắt thơ ngây của chú bé vào thuở lên bảy lên tám đó thì tưởng như nếu chú trèo lên được ngọn cây đa cao ngất sau miếu làng, với chiếc quan sào dài nữa là chú có thể cời được trăng; nếu không ít ra chú cũng chọc đụng trăng làm trăng lung lay như các anh các chị chú vẫn chọc bưởi đào ngoài vườn.

Nhưng trăng thu không thế. Gió thu lành lạnh làm những lùm tre như thu sát lại, những cụm xoan khi nhòa đi như lơ đễnh, khi đậm lại như suy tư, trăng tròn thăm thẳm trên cao ngoài mọi tầng với, dù chú bé có đứng trên đọt đỉnh cây đa miếu làng, nối thêm ba chiếc quan sào liền.

Có thể vào lúc chiều, chú bé ra đầu làng nhìn thành sương trắng dâng lên ngang lũy tre một làng mãi tít cánh đồng xa, ấn tượng màu sương trắng đó làm chú thêm lạnh vào lúc trăng khuya lên cao.

Chú thường cùng các bạn chơi phụ đồng chổi:

Phụ đồng chổi Thôi lổi mà lên Ba bề bốn bên

Đồng lên cho chóng.

Tiếng trống phụ đồng xoáy riết lấy tâm trí kẻ ngồi đồng, tiếng nạo bạt mạ thêm ánh vàng ma lực và cán chổi trong tay bắt đầu đảo, theo đúng như ý mình và ý các bạn mình muốn.

Có khi là phụ đồng ếch. Chú bé chưa hề có ý niệm gì về thứ định mệnh bi thảm của kiếp người, nhưng ý nghĩa, hòa với âm thanh, lời ca đã như thổi vào tâm linh một thoáng gió thảng thốt:

Tham ăn mắc phải răng hà

Cha hời mẹ hỡi xiên qua mép này! Tôi về đây trách cậu trách dì

Sẵn dao, sẵn thớt băm thì chẳng tha.

Thoáng gió thảng thốt đó miên viễn ngự trị trong hồn chú từ đấy để tự thể hiện dần, tô đậm dần với tháng ngày định mệnh mà dù muốn dù không chú phải chia xẻ với đồng bào, đồng loại.

Thứ nhất là củ hành hoa,

Thứ nhì nước mắm, thứ ba củ riềng

Thứ tư là hạt hồ tiêu

Tán ra cho đều vừa hắc vừa cay

Khen thay thằng bé hai tay

Miếng nạc nó gắp, xương rày thảy xa

Trầu đâu ăn đỏ môi ta

Rượu đâu uống chén ắt là hồn lên.

Miệng chú bé ngậm nén hương, chú chỉ đợi bạn hát đến câu cuối cùng là chú nhảy bốn chân như ếch. Các bạn chú hốt hoảng chạy tán loạn ra bốn phía. Đốm nhang lên xuống cùng nhịp nhảy (y hệt kiểu ếch) mang theo mùi nhang như một lời cầu nguyện thiết tha với một ám ảnh dai dẳng mong được giải thoát.

Chú lớn lên thành thiếu niên, thanh niên, tráng niên, trung niên... Suốt cuộc hành trình nhân sinh, hầu như thường xuyên chú chiêm nghiệm mình và chiêm nghiệm người bằng câu phụ đồng ếch dưới trăng thu thuở nào:

Tham ăn mắc phải răng hà

Cha hời mẹ hỡi, xiên qua mép này.

Càng tìm Đạo, Đạo càng xa mình, càng học

Đạo, Đạo càng hẹp đi cùng trí não!

° ° °

Kể từ ngày quốc nạn, gia đình tôi bị phân đôi.

Đã mười lăm năm nay tôi chỉ được gặp cha mẹ trong giấc mơ, trí tôi chỉ còn nhớ hình ảnh cha tôi mười lăm năm về trước.

(Chúng nó nhân danh thiên đường nào bắt chúng ta cam chịu vong thân tình cảm tàn nhẫn đến mực ấy?! Hồ Chí Minh vừa chết.)

Thuở tôi còn hầu hạ dưới gối cha mẹ, các ông chú bà bác mỗi lần gặp, thường vừa cười vừa nói lớn: "Cháu ơi sao mà mày giống bố mày thế!" Dạo đó tôi có nhiều lần soi gương tự nhìn khuôn mặt non choẹt chẳng thấy có một chút gì giống với khuôn mặt người lớn của cha tôi. Lớn lên. Quốc nạn. Xa cha mẹ mười lăm năm rồi. Một lần, nơi đây, tôi đứng trước gương chải đầu vội vã, tôi giật mình thấy trong gương hình một trung niên y hệt cha tôi ngày nào, hồi tôi còn là chú bé. Thành thử bây giờ mỗi lần muốn gặp cha vài giây cho đỡ nhớ, tôi lại ra trước gương làm bộ vội vã chải đầu.

Tìm hình ảnh cha già trong dĩ vãng ở ngay mình trong hiện tại trước gương, nghe thật mâu thuẫn, thật bi thảm.

° ° °

- Nếu kẻ cao ngạo kia tự cho là y đã học được Đạo, hiểu được Đạo, đồng hòa với Đạo làm một, giả sử anh được quyền bố trí cái chết của y, anh sẽ bố trí ra sao?

- Tôi cho khiêng chiếc quan tài bằng trầm hương có đậy nắp, nhưng nắp đóng rất sơ sài, ra giữa công trường cho mọi người ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác đến mà chiêm ngưỡng, mà đi quanh, mà quỳ bên, mà gục đầu cầu nguyện trên nắp trầm hương thơm phức.

- Tôi e rằng chỉ hai mươi bốn giờ sau, mùi nắp quan tài đã bốc mùi khăm khẳm, đâu còn nguyên mùi trầm hương thơm phức.

- Tôi sẽ nói với bất cứ ai nghi ngại rằng đây là quan tài của Đạo, mùi trầm hương sẽ vĩnh viễn với Đạo. Áo quan còn đấy cho mọi người ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác đến mà chiêm ngưỡng, mà đi quanh, mà quỳ bên, mà gục đầu cầu nguyện trên nắp trầm hương thơm phức.

- Anh không manh tâm lừa bịp đấy chứ? Anh đâu là phù thủy! Anh nói mùi trầm hương vĩnh viễn thơm phức mùi Đạo?

- Anh ơi, tôi đã sớm chôn xác y rồi. Đó chỉ là chiếc áo quan nắp đậy hư vô! Tất nhiên tới một lúc nào đó tôi phải lật nắp quan tài và nhắc lại với những người đã từng tới chiêm ngưỡng, đi quanh, quỳ bên, gục đầu cầu nguyện, là càng tìm Đạo, Đạo càng xa mình; càng học Đạo, Đạo càng hẹp đi cùng trí não.

Rồi tôi sẽ ngậm nén hương ở miệng nhảy bốn chân như hệt kiểu ếch. Cả đám đông sẽ kẻ thì đánh trống - đánh trống bằng mồm cũng được - kẻ thì nhịp theo thanh la nạo bạt - thanh la nạo bạt bằng mồm cũng được - và tất cả những kẻ còn lại đồng thanh hát bài phụ đồng ếch:

Tham ăn mắc phải răng hà

Cha hời mẹ hỡi, xiên qua mép này

Tôi về đây trách cậu trách dì

Sẵn dao sẵn thớt băm thì chẳng tha

Thứ nhất là củ hành hoa

Thứ nhì nước mắm thứ ba củ riềng

Thứ tư là hạt hồ tiêu

Tán ra cho đều vừa hắc vừa cay

Khen thay thằng bé hai tay

Miếng nạc nó gắp, xương rày thảy xa

Trầu đâu ăn đỏ môi ta

Rượu đâu uống chén ắt là hồn lên.

Ánh trăng tháng tám sẽ trùm lấy tôi cùng đốm nhang lên xuống theo nhịp nhảy như hệt ếch. Dù vào giờ nào trong ngày, ngày nào trong tháng, tháng nào trong năm thì lúc đó cũng là ánh trăng tháng tám bao trùm lấy tôi. Tất nhiên còn có gió, vẫn thứ gió lành lạnh thảng thốt và miên viễn với thành sương bạc. Vâng, dù là đêm trăng cũng vẫn trông thấy thành sương bạc đó, thành sương bạc dàn ngang lũy tre làng xa. Anh cho là không đúng sao?

(Thu Kỷ Dậu, 1969)

MẶT TRỐNG
CỦA VỞ KỊCH ĐỜI

Hắn mơ thấy hắn là thượng khách chăn cừu của xứ... xứ Nhật Bản thì phải, xứ Nhật

Bản cổ kính. Vị thượng khách chăn cừu, âu đó là đoàn cừu danh dự! Ngày nào hắn cũng mang đàn cừu đi qua ba thung lũng núi đá lởm chởm với giấy tờ thượng khách đầy đủ trong người.

Lần đó, vừa tới thung lũng thứ ba thì hắn sực nhớ đã để quên giấy tờ thượng khách ở nhà. Điều đó không được! Luật lệ xứ này là thế. Hắn bèn thả mặc đàn cừu ăn cỏ ở đấy, lập tức chạy miết mà theo đường về. Hắn vấp ngã nhiều, chân tay sây sát khắp nơi, nhưng vẫn không ngừng chạy. Hắn không muốn bị hỏi giấy tờ ngoài đường mà lại không có giấy tờ thượng khách để xuất trình.

Về tới nhà lấy giấy tờ xong thì người yêu hắn, cô gái Nhật Bản, xuất hiện ở ngưỡng cửa. Được gặp nàng bất ngờ, bao nhiêu vết thương rớm máu trên chân tay, mình mẩy hắn hình như lành lại hết. Hắn kể cho người yêu nghe vì sao hắn phải về và những vấp ngã trên dọc đường thung lũng lởm chởm đá tai mèo. Hắn cho người yêu nhìn rõ những chứng tích - những vết thương - trên cơ thể, tuy hắn không còn cảm thấy đau đớn gì, hắn đã có người yêu bên cạnh.

Nàng yêu cầu hắn trên đường trở lại với đàn cừu thế nào cũng ngừng lại ở phòng khánh tiết bộ Lễ. Nơi đó có phòng thuốc chuyên săn sóc cho những vị thượng khách của dân tộc nàng; chính nàng điều khiển phòng thuốc này, nàng sẽ chờ hắn. Nói đoạn nàng đi ngay.

Hắn biết hắn không thể không là thượng khách, nên không thể chạy thẳng tới đàn cừu mà không dừng lại ở phòng khánh tiết bộ Lễ để được săn sóc băng bó các vết thương theo đúng nghi lễ mà dân tộc này dành cho các thượng khách. Hắn leo lên một sườn đồi dựng đứng như bức tường, vào chỗ sườn đồi thắt cổ, bỗng hắn giơ tay với lên phía trên mả, tuy không trông thấy, hắn vẫn biết có một tấm bia mộ bằng đá. Hắn dùng tấm bia đá vững chắc đó làm điểm tựa, vít mình lên. Như vậy là hắn đi tắt được một quãng đường khá dài. Hắn rảo cẳng đến phòng khánh tiết bộ Lễ.

Hắn lẻn vào phòng thuốc, nàng đã có đấy đương chăm chú pha thuốc rửa vết thương trong một cái chậu trắng tinh. Dáng nàng cao lớn, nhưng khuôn mặt thật đẹp, dịu dàng, đượm vẻ e ngại, rụt rè nữa. Hắn tiến tới sau lưng ôm lấy ngang thân, âu yếm đặt môi lên cổ nàng dưới mái tóc đã cuốn gọn. Nàng cười. Hắn lướt môi lên má nàng và nhận ra rằng dưới làn phấn mịn trang điểm rất khéo, làn da nàng hơi thô; khi nàng cười hai bên mép đã gợn nét nhăn của người không còn ở tuổi tươi mát. Dù vậy nàng vẫn đẹp và có lẽ vì thế nàng càng dịu hiền. Hắn tiếp tục hôn lên má nàng, vừa hôn vừa âu yếm nói khẽ: "Thế này đủ rồi em ạ, đừng bắt anh phải theo nghi lễ được săn sóc nữa."

Nụ cười của nàng tỏ ra bằng lòng cách âu yếm của hắn, nhưng khóe mắt thì rõ ràng phản đối việc hắn không muốn theo "nghi lễ được săn sóc".

Để chiều nàng, hắn đành ra phòng khách đợi. Đúng giờ, đại diện công quyền tề tựu đầy đủ theo đúng nghi thức. Nàng từ phòng trong ra, khuôn mặt dịu hiền nhưng trang nghiêm. Nàng trịnh trọng gọi tên hắn theo đúng nghi thức. Nàng nhường lối và cúi đầu khi hắn bước qua phòng trong. Điều này càng đúng nghi thức.

Nghi lễ săn sóc bắt đầu do chính nàng bố trí và điều khiển. Người ta khiêng hắn đặt lên nệm trắng. Tiếng nàng ra lệnh cho những người phụ tá vẫn trang trọng và vẫn dịu hiền; tiếng nàng vừa lau vết thương vừa kêu thương xót xa cho người quý khách của đất nàng là hắn, đạt tới một nghệ thuật điêu luyện. (Có lẽ vì nàng đã điều khiển phòng thuốc này và được thực tập vai trò này quá nhiều lần rồi!) Nàng lúc đó say mê thể nhập với vai trò của nàng y như người phù thủy say mê trong việc thể nhập hồn mình vào một xác chết và làm cho xác chết hoạt động lại như người sống. Nàng làm không ngừng: rửa vết thương, lau vết thương, xức thuốc cho vết thương, băng bó cho vết thương; nàng nói không ngừng: ra lệnh những người phụ tá, an ủi, rên la xót xa cho hắn là thượng khách của dân tộc nàng.

Hắn nghiêng mắt kín đáo quan sát nàng và thấy rằng quả thực trên đời còn có những người thích lấy ngay cuộc đời làm sân khấu để mình đóng kịch, say mê với vai kịch mình đóng đến nỗi tin tưởng rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa vào lúc mình đóng kịch. Hắn nhớ khi nàng đứng sát bên hắn, rửa và chấm khô vết thương trước khi xức thuốc, miệng không ngớt an ủi than phiền cho hắn, thì thực tình lúc đó hắn muốn luồn tay dưới lần vải váy, âu yếm vỗ lên mông nàng. Điều đó hẳn phải gợi cảm hơn việc vừa đây hắn đã âu yếm hôn lên gáy rồi lên má nàng. Phải, lẽ ra hắn phải luồn tay dưới lần vải váy, âu yếm vuốt ve và vỗ khẽ lên cặp mông đầy đặn của nàng và nói: "Thôi đủ rồi em ạ. Hãy sống thực với mình đi em!" Không hiểu nếu hắn làm vậy sẽ ảnh hưởng gì tới nàng. Nàng có tỉnh khỏi vai trò nàng đóng và cười với hắn nụ cười đồng tình như khi nãy hắn hôn lên cổ, lên má nàng? Hay nàng vẫn say mê bay bổng với vai kịch nàng đóng, và hành động dục tình đó của hắn cũng sẽ vô dụng như nước đổ lá khoai?

Tuy nhiên ý tưởng trên cũng chỉ thoáng qua. Hắn vẫn nằm nguyên trên nệm trắng để làm một thành phần bối cảnh cho vở kịch nàng đóng. Hắn nhắm mắt lại để nghe rõ hơn lời than van điêu luyện của nàng. Hắn chán chường cảm thấy cuộc đời thu lại thành mặt trống; và bi thảm hơn là chính người con gái hắn yêu, nàng vừa là mặt trống đó, vừa là dùi trống, lại vừa là người đánh trốn

Phần Hai

ĐỈNH CAO VỰC SÂU



INTERLUDE I



GIÀN NHO

Khoảng đất rộng mênh mông của chúng tôi bỗng trũng xuống một khoảng giữa có bề sâu nên mênh mông hơn cả khoảng đất mang nó.

Trong vùng khoảng trũng xuất hiện một giàn nho. Giàn nho xanh um phía trước, một nhánh nho gầy gò bò ra phía giữa, một nhánh khác gầy gò hơn bò ra phía sau. Nhưng rồi tất cả giàn nho sẽ xanh tốt - tôi đoán thế.

Ông cha cấm chúng tôi không được thò tay vào khoảng trũng hư vô mà hái nho để mang vào cuộc đời những chua cay bất tận.

Làm sao lũ con cháu chúng tôi giữ được mãi không thò tay vào hái nho?

Tôi biến thành con bò mộng phi thân vào giàn nho, rơi xuống đáy hư vô.

Hàng ngàn vạn con sâu nho lúc nhúc ùa xuống bám đầy cơ thể đốt ruỗng thịt xương tôi.

Rồi từ khoảng trũng hư vô nhô ra khỏi giàn nho một con sâu nho dài bất tận bò lên cuộc đời.

Và kể từ đấy những khủng khiếp chua cay theo đuổi kiếp người như hình với bóng.

CHIÊU HỒI

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay, buổi chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

NGUYỄN DU



Khách (dáng người cao lớn từ phương Tây lại vào lúc hừng đông ló rạng): Dạ xin cho chúng tôi gặp thi hào Nguyễn Du, tác giả Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Thúy Kiều...

Cụ già Việt Nam: Ông tìm Người có việc gì?

Khách: Tôi đến xin Người niềm ý thức đau khổ!

Cụ già Việt Nam (lơ đãng gãi khoảng mạng mỡ vô tình làm rớt ra một tờ hoa tiên cuộn tròn, vội cúi nhặt rồi mới uể oải hỏi khách): Ai xui ông đến xin

Người cái đó?

Khách (thấy cụ già hỏi vậy rồi cũng chẳng thiết đợi câu trả lời, mở tờ hoa tiên vừa đánh rơi, chăm chú đọc có vẻ say mê): Cụ đọc gì đấy?

Cụ già Việt Nam (ngước nhìn khách bằng đôi mắt sáng rất thanh niên và rất thành khẩn): Tôi đọc lại bức thư của tôi viết cách đây hai mươi năm.

Khách: Thưa cụ viết cho ai?

Cụ già Việt Nam: Ấy, cho nàng Kiều.

Khách (trợn tròn mắt): Ủa, thưa cụ dễ là thư tình?

Cụ già Việt Nam: Đích thị!

Khách: Cụ viết lá thư đó đã hai mươi năm nay?

Cụ già Việt Nam: Chính thị!

Khách: Và cụ vẫn giữ ở cạp quần từ thuở đó đến nay?

Cụ già Việt Nam: Chính thị!

Khách: Cụ không gửi?

Cụ già Việt Nam (trợn mắt, dáng phật ý): Cần gì phải gửi!

Khách: Thưa cụ, xin cụ làm ơn chỉ cho tôi được gặp thi sĩ.

Cụ già Việt Nam (nghiêng tai lắng nghe tiếng trai gái hát đối đáp nhau từ xa vẳng lại, nụ cười và vẻ mặt muôn phần thích thú): Ông có nghe văng vẳng tiếng hát?
Khách: Dạ có!
Cụ già Việt Nam: Hát ví phường vải đấy ông ạ. Cách hát đối này là sản phẩm đặc biệt miền quê hương Nghệ Tĩnh chúng tôi.
Khách: Dạ, thi sĩ có mặt trong đó?
Cụ già Việt Nam: Người đương hát!
Khách: Ồ thế tôi đến gặp Người lúc này không tiện.
Cụ già Việt Nam: Không sao, cuộc hát đối đã đến chặng hát MỜI và hát XE KẾT thế này thì cũng sắp kết thúc rồi. (Nghiêng tai lắng nghe rồi giải thích.) Vừa rồi là phe nữ hát THƯƠNG, phe nam hát CƯỚI, giờ đây đôi bên còn hát THAN, hát TRÁCH và hát TIỄN nữa là xong.
Khách: Dạ nếu vậy xin phép cụ tôi đứng đây chờNgười.
Cụ già Việt Nam (nghiêng mắt nhìn khách nghi kỵ nhưng giọng vẫn lễ độ): Ông đến đây không tuyên truyền gì hết, chúng tôi không cần biết ông theo chủ ng- hĩa gì, theo đạo gì. (Hướng về phía hát phường vải, nơi cáo nhà thơ dân tộc) Chúng tôi chiêm ngưỡng những thiên tài như vậy...
Khách (lắc đầu): Dạ không không, xin cụ chớ hiểu lầm, chúng tôi có đến đây để tuyên truyền chủ nghĩa hay đạo giáo gì đâu. Chúng tôi đã thưa với cụ là chúng tôi đến xin Người niềm ý thức đau khổ.
Cụ già Việt Nam (gật gật đầu chợt nhớ ra): À phải tôi nhớ ra rồi, xin lỗi ông (có tiếng ồn ào). Kìa Người đã ra đấy.
Vị đệ nhất thi nhân Việt Nam vội vã ra. Người con gái trẻ măng theo sau, dáng thon nhỏ, nói cười thân mật, có lẳng lơ chút ít làm duyên.
Người con gái: Không được, thiếp không muốn tiên sinh về hôm nay đâu.
Nguyễn Du: Gọi là tạm biệt thôi, ngày rằm tới tôi sẽ xin trở lại tiếp tục hát đối cơ mà.
Người con gái (nũng nịu): Lần trước tiên sinh cũng hứa vậy rồi không tới.
Nguyễn Du: Lần này tôi không dám sai hẹn nữa.
Người con gái: Thế thì tiên sinh phải để khăn áo lại làm tin!
Nguyễn Du (sờ lên khăn trên đầu, rồi sờ đến khuyết áo, dáng thoạt tần ngần rồi khẽ gật đầu): Vâng tôi xin để khăn áo lại.
(Lật khăn nhiễu tam giang và cởi chiếc áo the đen bên ngoài ra, bên trong còn chiếc áo dài lót bằng lụa màu vàng ngà.)
Xin gửi nàng.
Người con gái (liếc nhìn và mỉm cười âu yếm, đỡ lấy khăn áo, giơ một vạt mỏng soi lên): Chính là tấm the năm ngoái thiếp dệt tặng tiên sinh chứ gì?
Vừa đi trở vào vừa cất tiếng hát ngâm:
"Chàng về cởi áo lại đây
Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn"
Cụ già Việt Nam (tiến lên chào thi sĩ): Thưa tiên sinh, tôi đợi tiên sinh ở đây từ chập tối hôm qua.
Nguyễn Du: Xin tiên sinh cho biết có điều gì cần gấp?
Cụ già Việt Nam: Làng nhà tối mai lại diễn trò
Kiều, kính thỉnh tiên sinh về chứng kiến cho.
Nguyễn Du: Vậy xin tiên sinh cứ về báo trước là tôi sẽ có mặt tại làng tối mai.
Cụ già ra về, khách tiến lên, thi sĩ vẫn cúi đầu suy nghĩ về buổi diễn trò Kiều mà Người sắp được xem lại ở ngay tại quê hương Người. Nét mặt Người trầm tư biến đổi và Người khẽ cất tiếng ngâm hun hút âm thầm:
Xập xoè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa.
Khách: Thưa tiên sinh chúng tôi có việc phải phiền đến tiên sinh.
Nguyễn Du: Ủa, chào ông.
Khách: Thưa tiên sinh chúng tôi có việc phải phiền đến tiên sinh.
Nguyễn Du: Xin ông cứ chỉ giáo cho.
Khách: Chúng tôi đến xin tiên sinh niềm ý thức đau khổ.
Nguyễn Du:... ?
Khách: Nguyên vì để tránh một cuộc chiến tranh tận thế, cả hai phe chúng tôi cùng bày tỏ sự thành tâm bằng cách hợp sức các kỹ thuật gia về không gian, về âm thanh, về ánh sáng để đúc một cái chuông khổng lồ như một trái núi nhỏ. Hình ảnh hùng vĩ và âm thanh hiền hòa của cái chuông hàng ngày sẽ được kỹ thuật tuyệt hảo của chúng tôi cùng một lúc truyền đi khắp hoàn vũ thay cho hình ảnh chim bồ câu trắng đã bị ô uế quá nhiều.
Nguyễn Du: Thế còn vì sao...
Khách: Xin tiên sinh cho phép tôi kể tiếp: Các kỹ thuật gia của chúng tôi đã nhiều lần hoàn thành việc đúc xong chuông. Kỹ thuật truyền hình và kỹ thuật phân phối âm thanh kể ra vừa đủ để gợi cảm, nhưng tất cả đều thất bại.
Nguyễn Du: Thất bại vì sao?
Khách: Thưa thất bại vì âm thanh tiếng chuông khi thì nghe như tiếng chuông rè, khi thì gay gắt chói tai quá sức. Chúng tôi tự biết dù có đúc lại trăm ngàn lần nữa thì thất bại vẫn hoàn thất bại. Kỹ thuật có thể phân phối đều âm thanh ở một cường độ theo ý muốn, nhưng kỹ thuật không thể biến hóa tiếng chuông gay gắt thành tiếng chuông hiền hòa.
Nguyễn Du: Vậy thế...
Khách: Chúng tôi phải tìm đến Hy Lạp, quê hương của thần thoại Tây Phương. Và chúng tôi đã rước tượng nữ thi nhân Sappho từ viện bảo tàng Le Louvre Pháp quốc về đặt giữa cảnh hoang phế của diễn trường Dionysus của thành Nhã Điển...
Nguyễn Du (gật đầu): Chúng tôi hiểu... để cầu xin giáng bút?
Khách: Dạ vâng; nữ thi nhân giáng bút khuyên chúng tôi tìm đến quý quốc chiêm ngưỡng niềm ý thức đau khổ, có thể nhiên hậu công quả chúng tôi mới có cơ thành tựu.
Nguyễn Du (vẫn trầm ngâm gật đầu): Chúng tôi hiểu.
Khách: Chúng tôi vừa nhập cảnh quý quốc trình bày hết sự tình như vậy, thì quý đồng bào của tiên sinh chỉ đường cho chúng tôi tìm đến đây để gặp tiên sinh.
Nguyễn Du (lúc đó mới ngẩng lên nhìn khách cười rất hiền): Chúng tôi đã thông cảm với lời người bạn tri kỷ của chúng tôi ở phía trời bên đó, và xin chiều ý ông.
Thi nhân vẫy một tiểu đồng ra, sai lấy giấy bút ghi thảo lên tờ hoa tiên hai câu thơ rồi khẽ ngâm:
"Chàng về cởi áo lại đây
Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn."
Khách (giơ tay đỡ lấy tờ hoa tiên thi nhân trao cho): Thưa phải chăng đây là lời thơ của thiếu nữ vừa tạm biệt với thi sĩ khi nãy?
Nguyễn Du: Có thể là lời thơ của nàng, có thể là thơ của tôi, có thể là lời thơ của một đồng bào nào của chúng tôi. Ông đến xứ sở của ca dao mà!
Khách (cúi đầu kính cẩn): Dạ chúng tôi hiểu.
Nguyễn Du: Xin ông về đốt chất thơ của tờ hoa tiên hòa vào với chất kim nung chảy trước khi đổ vào khuôn. Như vậy là để làm phép thôi, sự thực ý lực chúng tôi luôn luôn hướng về phía các ông, điều này mới quan hệ, chúng tôi là những người thành tín, thưa ông (hơi ngước mắt nhìn, hình ảnh nữ thi sĩ Sappho như chập chờn phía trước). Chúng tôi thông cảm nhiều lắm với lời người bạn tri kỷ của chúng tôi ở phía trời bên đó!
(Màn bắt đầu từ từ hạ).
Khách: Xin bái lĩnh. Đa tạ thi sĩ và xin bái biệt thi sĩ.
Nguyễn Du: Xin bái biệt, xin bái biệt, chúng tôi chờ tiếng chuông của quý vị. Chúng tôi chờ...
MÀN HẠ HẲN
Năm 1971
Doãn Quốc Sỹ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...