Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Màu trắng hoa quỳnh 2

Màu trắng hoa quỳnh 2

Chương 7

Nhắc tới Quỳnh, khi cô gái về nhà vừa đúng năm giờ chiều. Trả tiền xích lô xong, Quỳnh bấm chuông gọi cửa và phải đứng chờ một lúc lâu mới có người ra mở cửa. Bà vú già vừa đẩy cổng kêu lên mừng rỡ:

- Ôi… Quỳnh đã về.

Với đôi tay xách nặng, Quỳnh bước nhanh vào bên trong rồi quay lại hỏi:

- Vú ơi! Ba má con có nhà không?

Bà vú tíu tít bên tay cô chủ nhỏ:

- Có… có… cậu mợ vừa mới về. Ôi từ bữa hổm tới nay Quỳnh đi đâu mà để mọi người phải mất thời gian tìm kiếm vậy?

Quỳnh chưa kịp nói thì nghe tiếng gọi tên mình:

- Trời hỡi… Quỳnh. Con gái yêu của má về rồi đấy ư?

Nơi bậc thềm tam cấp dẫn vào phòng khách, Quỳnh trông thấy mẹ đang đứng đó dang rộng đôi tay như để đón cô nhưng lại không nhấc nổi bước chân. Quỳnh buông rơi mọi thứ trên tay xuống để nhào tới ngã vào lòng mẹ:

- Má.

Nước mắt của hai mẹ con Quỳnh hòa quyện vào nhau gây xúc động cho bà vú đang đứng đó! Phải mất một hồi lâu họ mới đem nhau vào trong nhà để rồi xúm xít lại nghe Quỳnh kể chuyện về chuyến đi bất chợt của mình báo hại cho moi người bị một phen tá hỏa. Cô kết thúc bằng tiếng nói còn ướt sũng nhưng gợn đầy hờn trách:

- Lẽ ra con chưa có ý định quay về để tránh cảnh đứng trước tòa nhìn ba má chia tay. Má… má có biết rằng con buồn lắm hay không? Bạn bè con chúng ước ao có cuộc sống giàu sang như con, còn con lại khao khát muốn được đánh đổi cái hạnh phúc ấm êm từ gia đình chúng. Má ơi, con biết phải theo ai khi người nào con cũng thương yêu như nhau?

Má Quỳnh vừa vỗ về, vừa siết chặt con trong tay:

- Quỳnh ơi… con sẽ ở mãi với má. Má thừa sức lo cho con có cuộc đời thật sung sướng mà không cần phải có ba con.

Nhưng Quỳnh vùng vẫy lên trong lòng mẹ:

- Con không chịu! Con muốn được ở chung với cả hai người.

- Chuyện đó thì không thể được đâu con à. Bởi lẽ khi ba má đã ly hôn rồi thì cuộc sống phải được tách riêng ra từ vật chất tới tinh thần.

Quỳnh rời khỏi mẹ rồi nấc lên từng chập:

- Nhưng sao má nhất quyết phải chia tay khi chuyện xảy ra chẳng có gì là nghiêm trọng?

Mẹ Quỳnh dùng khăn chấm khô những giọt lệ còn đọng nơi má mình, giọng sầu thảm:

- Con còn nhỏ, chưa biết hết chuyện của người lớn đâu. Ba con đã quá khinh thường má.

Ngay lúc đó thì ba Quỳnh xuất hiện bên cạnh mẹ con cô. Khuôn mặt ông chẳng lấy gì làm vui.

- Mình đừng viện cớ ra một chuyện hết sức nhỏ nhặt để làm khổ con. Trong những ngày qua đi tìm kiếm nó khắp nơi anh đã suy ngẫm lại và quyết định sẽ không ly hôn nữa.

Quỳnh gần như reo lên trước ý kiến của cha, nhưng mẹ cô lại bối rôí ra mặt:

- Anh đừng có nói đùa. Đơn xin ly dị chúng ta đã gởi lên tòa án rồi, chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ trả lại tự do cho nhau.

Ba của Quỳnh bước lại chiếc ghế đối diện ngồi xuống rồi đưa mắt nhìn má Quỳnh:

- Việc ly hôn chẳng có gì là khó. Nhưng vấn đề gầy dựng lại tình cảm gia đình mới là điều nan giải đấy mình à. Mình không thấy sự đau buồn của con gái chúng ta sao?

Mẹ Quỳnh ngoảnh mặt đi nơi khác:

- Có thấy, nhưng bắt buộc phải vậy thôi.

Nghe mẹ nói thế, Quỳnh vội lao vụt khỏi lòng bà khóc sướt mướt:

- Nếu không ai thương con cả thì con sẽ bỏ học tự lao vào xã hội kiếm sống chứ nhất quyết không cần tới sự nuôi dưỡng của người nào.

Ba má Quỳnh đều hoảng hốt, mẹ cô chồm tới giữ chặt con:

- Đừng… Quỳnh ơi!

Quỳnh hất tay mẹ ra:

- Giây phút này con mới thấy người nào cũng đều ích kỉ cả. Hãy cứ để mặc con.

Ba Quỳnh quay sang trách má:

- Đó. Mình thấy chưa… con bé mà hư hỏng là lỗi nơi mình chứ không phải nơi anh đâu.

Mẹ Quỳnh cũng hét lớn:

- Thôi đi… Mình đừng có đổ thừa…

- Tại sao mình cứ cố chấp để gây ra cảnh gia đình xào xáo chứ?

- Tại mình… mình ỷ làm chồng rồi lấn lướt vợ con.

- Lúc đó anh đang nóng! Hơn nữa, mình cũng nói dai quá đáng, chuyện chỉ nhỏ bằng ngón tay mà xé toạt ra cho lớn chuyện.

Lúc này Quỳnh chợt xen vào đứng giữa mẹ và cha. Cô lại để những giọt nước mắt rơi lã chã:

- Thôi ba má đừng nói nữa. Con chỉ xin hai người hãy hình dung lại những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc trong suốt mười mấy năm qua, ba má không cảm thấy luyến tiếc nó sao khi lý do chia tay chỉ là trò hờn dỗi? Con còn nhớ đã có lần má kể cho con nghe về chuyện tình cảm của ba má lúc thiếu thời, ôi nó mới đẹp làm sao. Vậy mà… hôm nay… nó lại đổ vỡ sau nhiều năm hạnh phúc. Bá má ơi! Con không còn nhỏ nữa mà đã biết nhận định được rõ ràng những vấn đề của người lớn và cảm thấy chua xót quá. Con chỉ là một bông Quỳnh nhỏ nhoi không đủ sức buộc chặt đời ba má với nhau.

Sự im lặng của mọi người kéo dài và trong khoảng thời gian đó niềm vui của Quỳnh đã vụt đến khi mẹ cô ngẩn nhìn ba cô xúc động:

- Ngày mai đi làm ngang qua tòa án mình nhớ ghé vô… xin rút lại đơn nha.

Ba Quỳnh nghe rất rõ lời mẹ nhưng vẫn không tin hỏi lại:

- Mình đang nói thật hay nói đùa?

Mẹ Quỳnh khẽ cúi đầu.

- Tùy mình. Mình muốn nghĩ sao thì nó là như vậy.

Môi ba Quỳnh nở nụ cười:

- Thế là mình vẫn còn muốn làm vợ anh?

Câu nói đùa của ba Quỳnh làm cho mẹ cô phải đỏ mặt. Bà nguýt yêu ông trước gương mặt rạng rỡ của con:

- Hứ, chưa chi mà bày đặt nhạo người ta. Nếu lần này mà giận thì sẽ khó lòng làm hòa đấy.

- Nhưng anh biết mình sẽ không thay đổi ý định nữa.

- Đừng có chủ quan như vậy. Biết đâu sau cơn mưa trời sẽ chẳng sáng lên được chút nào.

Ba Quỳnh rời khỏi chỗ mình đang ngồi lấn sang chỗ vợ con:

- Việc đó là do trời chứ không phải tại chúng ta.

Quỳnh cầm lấy bàn tay của cha và mẹ đặt lên nhau, cô hân hoan tuyên bố:

- Con sẽ đứng “chủ hôn” kết hợp lại mối tình của ba má vĩnh viễn không bao giờ được chia xa.

Mẹ Quỳnh tát yêu cô:

- Con nhỏ này lém lỉnh quá. Giống ba mày như lột.

Ba Quỳnh vội chấn chỉnh lại lời mẹ:

- Phải nói là nó giống mình ngày xưa mới đúng. Anh nhớ có lần đứng bên cạnh chậu Quỳnh, mình đã từng biểu với anh sau này là con gái chúng ta sẽ giống em.

Quỳnh chen vào câu chuyện của ba mẹ bằng nụ cười hớn hở:

- Thế nếu lỡ con có em trai thì nó sẽ giống ai?

Ba Quỳnh giành phần:

- Tất nhiên là phải giống ba rồi chứ má con đâu thể nào giành hết phần được. Nhưng rất tiếc chỉ có mỗi đóa Quỳnh thôi.

Thấy cha mẹ đã hòa hợp với nhau, Quỳnh tưởng chừng không có niềm vui nào sánh được. Cô ôm luôn cả cha lẫn mẹ rồi tíu tít như một chú chim non, bao nỗi buồn vui trong tâm trạng vụt tan nhanh như một cơn gió đến rồi đi không lưu lại chút gì của những giờ phút trước. Chừng nhìn thấy giỏ trái cây của mình mang về hồi nãy còn đang để nơi bàn, Quỳnh mới sực nhớ quay lại bảo mẹ:

- Của bạn con gởi làm quà. Vài hôm nữa ba má cho con về quê nó chơi hè tới khi nào vào năm học mới nha.

Nhưng ba Quỳnh đã lắc đầu:

- Không được! Con đi chơi như thế là đủ rồi, cần phải ở nhà ôn luyện thêm để không ngỡ ngàng trong năm học mới. Hơn nữa con gái đi xa nhà có một mình, không tốt lắm đâu con.

Quỳnh phụng phịu nhìn qua mẹ và thấy bà cũng âu yếm cười:

- Ba con nói phải đó Quỳnh à. Con nên ở nhà, vì vắng con ba má lại đến cãi nhau mất.

Ba Quỳnh tiếp lời mẹ bằng giọng nói thật vui:

- Đúng đấy, má con lại ăn hiếp ba thêm lần nữa.

- Nè, có nói lộn không đấy? Mình ăn hiếp em thì có.

- Thôi… thôi… anh đề nghị thế này, để ăn mừng ngày “chiến tranh thế giới” không còn, chúng ta đi nhà hàng ăn cơm chiều này nhé!

Quỳnh đưa cả hai tay lên miệng la thật lớn:

- Hoan hô ba.

Thấy vậy me Quỳnh làm bộ ganh tỵ:

- Thì ra con gái chỉ biết có ba thôi.

Quỳnh vòng tay ôm cổ mẹ:

- Con cũng hoan hô luôn cả má.

Tiếng cười giòn tan nơi phòng khách vọng ra xa khiến bà vú từ nhà bếp ngạc nhiên phải bước mò lên. Bà đụng phải Quỳnh khi cô nhỏ định về phòng thay áo:

- Bộ cậu mợ làm lành lại với nhau rồi sao Quỳnh?

Quỳnh hứng hở khoe liền:

- Vâng con mừng quá vú ạ. Ba má con đã bỏ ý định ly dị rồi.

Bà vú cùng có chung niềm vui với gia đình chủ nên để lộ tiếng cười:

- Phải vậy chứ. Chuyện vợ chồng giống như rổ chén bát, tránh sao không va chạm thường ngày, nhưng rồi đâu lại vào đấy ngay thôi.

Quỳnh ríu rít lay mạnh tay bà vú:

- Vú mau sửa soạn đi. Hôm nay ba con khao tất cả đi ăn nhà hàng.

- Trời. Vậy là bữa cơm chiều nay của vú bị ế rồi.

Ba má Quỳnh theo sau con gái nghe thấy bà vú nói thế cùng thốt lên một lượt:

- Không sao. Ngày mai chúng ta sẽ chiếu cố hết mọi bữa cơm của bà vú mà.

Chiều hôm đó, với Quỳnh là một ngày vui nhất trong đời. Cô đã cười nói thật nhiều để mừng cho hạnh phúc tưởng chừng không thể cứu vãn được của cha mẹ còn nguyên vẹn. Quỳnh sung sướng khi nhìn thấy cha mẹ âu yếm nhau, và đêm đó cô đã đặt bút viết cho bạn để cùng chia xẻ với mình niềm vui lớn lao. Quỳnh chợt cảm thấy nhớ Lụa, nhớ Nhân và nhớ cả vườn cây ăn trái của nhà bạn, nhưng phải hẹn đến mùa hè năm sau mới có thể trở lại được. Trong giấc ngủ đêm đó, Quỳnh mơ thấy nhiều điều kỳ diệu. Cô ngửi thấy mùi sầu riêng đang chín tới ở quanh chỗ mình nằm và cả đôi mắt của ai đang ngóng trông với nét buồn vời vợi…

Chương 8

Tối nay trăng thượng tuần chênh chếch không đủ sức soi tỏ cảnh vật dưới bóng đêm. Nhân bắc ghế ra ngồi bên chậu Quỳnh với khuôn mặt đăm chiêu kỳ lạ. Hôm nay, chậu Quỳnh của anh đã trở nên tươi tốt và cao ngang tầm ngực bởi sự chăm sóc rất tận tình của Nhân.

Kể từ khi Quỳnh trở về thành phố đến nay đã gần hai tháng rồi nhưng chẳng nghe thấy tin tức gì, hay đã có mà người thân anh cố tình giấu kín. Nhân đã sống trong trạng thái câm lặng, khép kín trong suốt khoảng thời gian chờ đợi ấy không giao tiếp với bất cứ ai ngoài người trong gia đình. Hằng ngày, sau giờ phải lao động giúp mẹ và em, Nhân chỉ còn bầu bạn cùng với chậu Quỳnh với quyển sách có ghi chi chít những dòng thơ tự sáng tác luôn kè kè theo bên cạnh.

Anh bị Lụa gọi là “Hàn Mạc Tử” nhưng không hề phản đối lại mà có vẻ bằng lòng với cái tên mượn tạm của nhà thơ. Mỗi tối, dù thời tiết có tốt, có xấu thế nào anh cũng giành một vài giờ để đến bên chậu Quỳnh ngắm nghía và thì thầm với nó. Nhân mong ngày cây sẽ ra hoa, ra nụ như những kẻ có tình chờ đợi giây phút được gặp nhau. Thời gian trồng cây chưa lâu, song nhờ sự chăm sóc khá kỹ lưỡng nên chậu Quỳnh đã trả công cho Nhân bằng cách để anh nhìn thấy những nụ hoa tươi xanh đang từ từ vươn lên những chiếc búp xinh xắn như những ngón tay người con gái. Và tối nay, Nhân tin chắc rằng hoa sẽ nở nên quyết tâm ngồi chờ để xem cho bằng được loài hoa có quá trình nở đặc biệt này. Mới bảy giờ… còn sớm quá chăng? Nhân lẩm bẩm rồi vuốt ve một búp hoa gần mình nhất, dáng điệu rất nâng niu:

- Nhất định đêm nay mày phải nở phải không?

Nhân hỏi hoa thật khẽ nhưng chẳng hiểu sao Lụa đi ngang qua lại nghe thấy, dừng chân:

- Dường như chậu Quỳnh của anh Hai biết nói.

Mặc cho em châm biếm, Nhân không tự ái như khi xưa mà còn tỏ ra nhã nhặn:

- Đúng. Nhưng chỉ có mỗi anh mới nghe được lời tâm sự của nó, còn em không đâu Lụa à.

Trong thâm tâm Lụa chợt cười thầm: “Ồ, loài cây cỏ mà anh Hai của mình lại biểu nó cũng biết tâm sự nữa ta. Đúng là cái đầu không tỉnh táo nên… tất cả mọi thứ đều điên cả…”. Nhưng Lụa chỉ dám nghĩ chứ không dám thốt nên lời, vì thời gian sau này cô đều phải giữ ý trước mặt Nhân. Lụa mím môi làm ra ve tò mò:

- Anh Hai à, nói cho em nghe chậu Quỳnh đã tâm sự với anh những gì?

Nhân như người trong mộng du:

- Nhiều lắm! Kể làm sao hết được.

Rồi anh chậm rãi thuật lại những hiểu biết về loài hoa mà mình đã bỏ công ra nghiên cứu và tìm hiểu cho em gái nghe một hồi lâu mới kết luận bằng một giọng đầy tình cảm:

- Những ngày tháng qua anh đã sống với chậu Quỳnh và cảm thấy bớt buồn vì nó.

Lụa chợt gợi lên với anh Hai về nhỏ bạn gái của mình:

- Có phải anh Hai còn nhớ tới nhỏ Quỳnh?

Bị hỏi đột ngột, Nhân ngẩn người giây lát rồi mới nhìn vào chậu Quỳnh mà đáp:

- Làm sao anh có thể quên được cô bé ấy!

Lụa cảm thấy thương cho anh:

- Nó không trở lại nơi đây đâu.

Dường như Nhân có phần nào xao động trước câu nói của em, song anh không phát ra cử chỉ nào đáng tiếc cả. Nhân lặng lẽ dán mắt vào chậu Quỳnh:

- Lụa à, em biết điều này từ lâu lắm rồi phải không?

Lụa chẳng muốn nói dối, nên thú nhận:

- Vâng. Xin anh Hai đừng buồn…

Bất giác Nhân ngước mặt:

- Nhưng anh muốn gặp cô bé ấy một lần.

- Để làm gì khi mà anh biết rằng không thể… với nó được? Anh Hai… anh nên tỉnh táo lại một chút đi.

Nhân cười, nụ cười rất vô hồn:

- Thì anh có nổi cơn điên để làm điều chi bậy bạ đâu. Anh chỉ muốn gặp lại Quỳnh để nói với cô bé là anh sẽ…

Lụa ngắt lời:

- Theo em nghĩ, anh đừng nói gì là tốt nhất. Gia đình Quỳnh bây giờ hạnh phúc trở lại rồi, nó chẳng có lúc nào buồn để nhớ lại những kỷ niệm ở đây đâu.

Nhân vẫn cứ khăng khăng:

- Đó là em nghĩ chứ không phải là Quỳnh nghĩ. Dẫu sao anh vẫn nghĩ là cô bé ấy như là cô bé ấy tin anh vậy.

Lụa giơ tay lên đầu hàng:

- Thế thì em xin chịu thua hai người rồi. Vậy anh có muốn nhắn gởi gì cho Quỳnh không? Còn một tuần nữa là em xuống thành phố vào niên học mới, em sẽ gặp lại nó.

- Tất nhiên là có. Nhưng em có hứa là đưa tận tay không?

Lụa phồng mồm:

- Chẳng lẽ đi ngang qua cầu Đồng Nai em lại mang tấm lòng của anh thả xuống sông? Đã nhận thì phải nhiệt tình chứ. Mà… anh tính gởi thứ gì cho nó vậy? Một giỏ trái cây hay một lá thư nặng trĩu nỗi niềm?

Bị em gạn hỏi, Nhân bối rối:

- Bí mật… hỏi trước mất linh.

- Chà! Chắc là phải đặc biệt lắm đây nha.

Nhân cốc lên đầu em:

- Đừng đoán mò cho mệt óc, chừng nào anh gởi em sẽ khắc biết liền mà.

Lụa cố tìm cách khai thác:

- Nhưng mà em muốn biết trước một điều là quà của anh có nặng kí lắm không?

Nhân lườm em gái dưới ánh sáng huyền dịu của vầng trăng non thượng tuần:

- Nhỏ đừng có bày đặt khôn hơn người khác không được đâu. Anh chưa phải là thằng “ngốc” để em dụ khị.

Biết anh làm cho quê, Lụa ngượng nghịu một chút rồi tìm cớ rút lui trả lại cho Nhân sự tĩnh lặng bên cạnh chậu kiểng.

Còn lại một mình, Nhân gợn lên những nét băn khoăn vì không biết phải gởi đến Quỳnh thứ gì để bày tỏ nỗi lòng? Bỗng ánh mắt anh sáng lên khi thấy những búp Quỳnh hồi chiều còn đang hàm tiếu giờ đang chum chúm hé nở phô ra những cánh hoa màu trắng ngà ngọc trông rất thanh tao. Lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt đóa Quỳnh nở trong đêm, Nhân thích thú tưởng chừng có thể reo lên nhưng đã cố kìm hãm vì anh sợ làm kinh động đến đóa hoa thiên thần của mình. Rồi trong phút ngẫu hứng lẫn mong nhớ, anh đã tự sáng tác ra một bài thơ rất cảm động:

Hoa Quỳnh sắc trắng

Nở giữa đêm trường

Để tim tôi nhớ

Để hồn tôi thương...

Nhân lịm người đi dưới ánh trăng khuya có lẫn mùi hương thanh khiết của hoa Quỳnh cho tới lúc chị Hằng ngủ lịm vào giữa đám mây. Một ngọn gió đêm từ ngoài vườn ùa về làm cây lá chung quanh phải rung lên xào xạc. Cả những nhánh Quỳnh có điểm hoa đang khoe sắc cũng lung lay nhè nhẹ như trái tim trong ngực Nhân thổn thức trước tình cảm đầu đời. Anh đã lẩm bẩm mãi những đoạn thơ tứ tuyệt của mình cho tới khi thuộc lòng vào bộ nhớ mà không cần ghi chép lại. Và Nhân đã ngủ gục bên chậu Quỳnh từ bao giờ không biết, chừng tỉnh lại thì thấy trời đã sáng với hai người thân đã có mặt cạnh bên.

Nhưng lòng không màng tới sự quan tâm và lo lắng của em, Nhân vội đưa mắt tìm chậu Quỳnh song chúng đã khép cánh lại chẳng còn chút hương sắc gì của đêm qua. Vừa buồn, vừa tiếc, Nhân ngơ ngác trong giây lát rồi nghi ngờ cho em gái đã nghịch làm hỏng hết những đóa hoa xinh xắn của mình nên trừng mắt hỏi Lụa:

- Có phải thủ phạm làm héo những đóa hoa này là em không?

Bỗng dưng bị nghi ngờ oan, Lụa nhảy cẫng lên miệng la oai oái:

- Ối trời… ai mà biết. Em vừa mới ngủ dậy còn chưa rửa mặt nữa nè.

Bà Năm đứng sau lưng Nhân cũng vội vàng lên tiếng:

- Suốt đêm qua tới giờ chỉ có một mình con ngồi canh chậu Quỳnh này chứ tuyệt nhiên không có ai tới gần đâu, ngoại trừ mấy con muỗi đói tha hồ chích con đó Nhân à.

Không chú ý tới lời mẹ. Nhân bỏ vô phòng ngủ của mình rồi lộ nét buồn bực suốt cả ngày không nói chuyện với ai. Bà Năm và Lụa thấy như vậy cũng chẳng dám lân la tới hỏi Nhân, mà cứ để mặc cho tới lúc anh bình tâm lại tự động mò ra chỗ chậu Quỳnh xem xét những bông hoa đã héo.

Chợt khuôn mặt đang thẫn thờ của Nhân bỗng vụt lóe lên tia mừng rỡ khi trông thấy một nhánh Quỳnh còn sót lại hai nụ chưa hở hết, Nhân đã tự bảo nhất định kỳ này phải canh chừng để coi những bông hoa Quỳnh kia được tồn tại được bao lâu. Bữa cơm chiều hôm ấy Nhân ăn thấy không ngon vì vội vã và nóng lòng khi biết chắc là tối nay hai nụ hoa kia sẽ nở. Tăng cường thêm bằng một ly cà phê đen đắng ngắt với mấy điếu thuốc lá có thể tránh cơn buồn ngủ, Nhân quyết định sẽ thức suốt đêm.

Đúng chín giờ tối như đêm qua, hai đóa Quỳnh lại nở dưới ánh trăng, làm nổi bật lên sắc trắng giữa không gian sẫm màu vì chị Hằng còn đang bận e ấp chưa vén hết rèm mây. Anh đã cúi hôn những nụ hoa xinh xắn ấy bằng hết tất cả những sự tha thiết và không hề rời mắt một phút khỏi chậu Quỳnh. Sương đêm nay thật nhiều và thật lạnh, nhưng Nhân vẫn ngồi im lặng trước thềm hè với chiếc sơ mi cộc tay mặc cho những con muỗi tha hồ đốt. Xót ruột bà Năm phải sai Lụa đem ra một chiếc áo khoác cho Nhân. Thế rồi một đêm trôi qua trong tĩnh lặng. Nhân đã thở cùng với hoa và mùi hương của nó cũng ướp thấm tận hồn anh nỗi ngất ngây dịu vợi. Song khi bình minh vừa ló dạng thì hai đóa hoa xinh đẹp của Nhân đã cụp cánh tàn trông thảm thương y hệt đêm hôm qua, Nhân nhớ lại lời Quỳnh đã nói về loài hoa này chỉ nở ban đêm và chợt hiểu nỗi buồn của mình là vô cớ. Anh mấp máy đọc lại bài thơ mà mình đã sáng tác đêm qua với niềm xúc động vô biên:

Hoa Quynh sắc trắng

Nở giữa đêm trường

Để tim tôi nhớ

Để hồn tôi thương...

Chương 9

Tuy đã biết chỉ còn mấy ngày nữa là Lụa lên thành phố để vào niên học mới, nhưng Nhân vẫn nảy ra ý định đi tìm Quỳnh. Song, điều trước tiên là phải có địa chỉ chính xác rõ ràng, bởi Nhân cũng hiểu anh không thể gặp mặt Quỳnh nếu chỉ nhớ mỗi khuôn mặt đáng yêu qua bộ nhớ. Suy nghĩ rồi đi đến quyết định Nhân phải chờ tới lúc Lụa theo mẹ ra chợ bán trái cây mới dám lần mò vào phòng em để lục tìm địa chỉ. May sao, quyển sổ mà Lụa thường dùng để ghi chép những thứ linh tinh lại nằm ở ngăn kéo trên cùng. Và địa chỉ của Quỳnh đã lọt vào mắt Nhân dù Lụa đã dùng viết xóa bôi ngang một đường dài. Kiếm cây viết ghi vội vào bàn tay, Nhân trở lại phòng mình thay bộ đồ vía nhất và lận lưng ít tiền để làm lộ phí. Chợt mùi sầu riêng chín từ ngoài vườn theo gió lọt vào nhà, Nhân hỉnh mũi rồi nhanh nhẹn chạy ra kiếm được 2 trái chín thật lớn, cột lại thành chùm với dự định mang theo làm quà. Khép cửa cẩn thận trước khi rời nhà, Nhân còn ra hiệu cho bầy chó bằng tín hiệu riêng mà chỉ anh và chúng mới hiểu.

Ra đến đường quốc lộ, Nhân không phải chờ lâu vì một chiếc xe đã trờ tới. Lúc này anh mới cảm thấy mình bậy nhưng đã cách xa cả chục cây số đường. Thôi thì cứ coi như đi du lich một phen. Biết đâu rời khỏi bàn tay chăm sóc của mẹ Nhân lại chẳng học được nhiều điều mới lạ. Tục ngữ có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" mà... Nhưng mà dẫu sao thì Nhân cũng có lỗi là không báo cho gia đình biết. Chắc chắn một lát nữa từ chợ trở về, không thấy Nhân những người thân của anh sẽ lo quýnh quáng lên cho mà xem.

Ngồi trên xe Nhân không quan tâm tới xung quanh vì mải lo chuẩn bị tư tưởng để gặp Quỳnh. Chẳng biết cô bé ấy có mừng rỡ hay làm mặt lạnh như chưa từng quen biết? Nghĩ đến chuyện này Nhân bỗng cảm thấy hụt hẫng. Nếu sự thật là như thế thì anh phải xử trí ra sao? Không, Nhân tin Quỳnh là một người rất có tình. Những ngày cô bé ấy nán lại ở nhà anh đã cho thấy rõ mọi cá tính dù thời gian thật ngắn ngủi.

Hai giờ đồng hồ sau, chiếc xe đã đưa hành khách vào bến đỗ. Nhân lục đục chui ra cùng 2 trái sầu riêng nặng trĩu 1 bên tay. Anh ngơ ngác nhìn quang cảnh nhộn nhịp ở nơi đây và bị 1 tốp người bu quanh gạ gẫm :

- Về đâu em trai?

- Anh chở giá hữu nghị nè.

Cũng có tinh thần cảnh giác cao, Nhân cố tìm cách thoát và chọn một người khá lớn tuổi ngã giá sau khi xòe bàn tay để lộ địa chỉ của Quỳnh ra. Người chạy xe ôm chỉ lấy Nhân có vài ngàn và anh đồng ý ngồi lên xe. Sau vài dãy phố vòng vo, và vượt qua mấy cái ngã tư đèn đỏ chiếc xe ôm đã đưa Nhân tới trước một ngôi nhà khá lớn có cổng rào bằng sắt thật kiên cố làm anh thấy thót lòng. Trả tiền xe rồi đứng tần ngần ra đó cả hàng giờ, Nhân hết nhóng mắt nhìn vô ngôi nhà lại quay ra ngó dòng lưu thông trên đường phố. Sinh hoạt của con người nơi đây dường như không bao giờ ngừng nghỉ khiến Nhân cảm thấy chóng mặt phải tựa lưng vào cánh cổng đang khép kín để giữ thế cân bằng. Làm sao gọi được Quỳnh ra đây cho mình gặp bây giờ? Đúng là nhà giàu có khác tường đã xây cao còn cắm lởm chởm đầy những mảnh chai. Chẳng lẽ Nhân lại leo vào, vì anh vốn giỏi tài ấy mà.

Thời tiết hôm nay cũng thật chướng, lúc nắng gay gắt, lúc lại đổ mưa rào làm Nhân không biết phải núp mình vào đâu cứ trân mình ra chịu trận cùng cái bụng đói meo đang đòi hỏi được ăn. Mọi thứ trước mắt Nhân đều thu hút và lạ lẫm đến độ anh nhìn không biết chán, nên đã quên đi khoảng thời gian đang chậm chạp nhích dần theo chiếc kim đồng hồ trên cổ tay anh.

Chợt có một chiếc xe mì gõ đẩy ngang qua, mùi nước lèo thơm ngạt mũi đã kích thích bao tử rỗng tuếch của Nhân đến tột độ khiến anh xông ra ăn liền hai tô. Khi đã cảm thấy thật no nê, Nhân lại lững thững xách 2 trái sầu riêng về chỗ cũ ngồi đợi bằng tất cả sự nhẫn nại. Nhưng quả ông trời không hề hậu đãi anh, nên khoảng 3 giờ chiều chiếc cổng sắt im lìm bỗng bật mở. Trong lúc Nhân chưa kịp tỏ hết sự mừng rỡ vào câu hỏi :

- Bà ơi... cho cháu hỏi... đây có phải nhà của Quỳnh không ?

Thì bà vú già đã nhăn trán nhìn Nhân rồi trả lời :

- Phải. Nhưng Quỳnh đã theo gia đình đi nghỉ mát ở Nha Trang mấy ngày nay rồi. Không có nhà đâu.

Nhân hụt hẫng đứng thộn mặt ra một hồi lâu rồi đưa cho bà vú 2 trái sầu riêng và dặn :

- Cháu gởi cái này cho Quỳnh !

Chờ bà vú cầm lấy, Nhân vội vã bước đi ngay. Thế là bao công lao chờ đợi của anh chẳng được bù đắp bằng 1 nụ cười tươi của Quỳnh như anh đã mong ước. Biết phải đi đâu giữa phố phường đầy xa lạ ngoài việc quay về nhà dù trời đã về chiều. Đón 1 chiếc xe ôm trở lại bến xe trong lúc thời tiết chẳng lấy làm đẹp đẽ gì. Nhân giam mình trong góc chiếc xe Huyndai chật hẹp để trở về. Ngồi trên xe, và trong giây phút mơ màng ngắn ngủi ấy Nhân đã trông thấy Quỳnh, nhưng sao nhìn cô thật xa lạ chẳng giống ngày nào đặt chân đến nhà anh. Có đúng như lời nhỏ Lụa đã nói không? Quỳnh không có thời gian để nhớ tới 1 thằng như Nhân, hay tại bởi giấc mơ khác xa với hiện thực ?

Nhân đã về đến nhà trong lúc cả nhà đang rối beng lên vì sự vắng mặt đột suất của anh suốt cả ngày. Lụa hét ầm lên khi thấy Nhân lù lù bước vô cửa :

- Ối... trời ơi... anh Hai !

Bà Năm từ dưới bếp nghe thấy tiếng reo cũng quýnh quáng chạy lên :

- Ôi... Nhân con đi đâu để má và em lo lắng suốt từ sáng đến giờ ?

Cảm thấy mình có lỗi nên Nhân không tỏ ra khó chịu mà lặng lẽ cúi đầu :

- Con chỉ loanh quanh đi dạo cho thoải mái thôi mà.

Lụa sờ tay lên trán anh, miệng bí bô liên tục :

- "Nóng" thế này thảo nào đi dạo mát trong mưa là phải rồi.

Nhân khẽ cười dù biết rằng em gái lại sắp sửa cho mình là thằng điên. Anh chợt bảo với mẹ :

- Con muốn được tiếp tục đi học lại má à.

Bà Năm có vẻ ngạc nhiên nhưng không muốn để lộ ra bên ngoài như con gái. Bà thấy Lụa trợn mắt nhìn anh trai.

- Úi... cái lỗ tai của tôi còn chính xác không vậy ta ?

Nhân nheo mắt nhìn về phía Lụa :

- Không lãng đâu, nhỏ đã nghe rõ ràng mà.

- Nhưng sao anh lại có ý định đi học tiếp ?

- Bởi anh không muốn mình bị dốt hơn em.

Lụa tinh ranh :

- Đó chẳng phải là lý do chính đáng. Tự nhiên sau 1 ngày lang thang anh lại muốn đi học là sao?

Nhân co tay cốc Lụa đỏ cả trán :

- Con nhỏ này lý luận quá xá hén. Lẽ ra phải ở nhà chăm sóc má là em chứ không phải anh đâu. Con gái học nhiều cũng chỉ để nấu cơm, giặt giũ chứ chẳng được tích sự gì.

Không chịu bị hạ bệ, Lụa vươn cao chiếc cổ :

- Anh đừng có nói lộn. Phụ nữ thời nay không còn là "nô tì" cho cánh đàn ông, con trai sai khiến nữa mà họ đã khẳng định được vai trò lẫn chỗ đứng trong xã hội rồi.

- Chà được đi học nói chuyện có khác ha. Thế thì anh sẽ quyết không ở nhà để chịu thiệt thòi đâu cô bé ạ.

- Nhưng anh còn phải cáng đáng công việc làm vườn nữa. Đừng nói với em là bắt má làm thay anh nha.

Nhân nói giọng quả quyết :

- Anh sẽ kham cả hai, nghĩa là vừa đi học vừa làm. Dẫu sao thì anh cũng phải hoàn tất chương trình phổ thông để thi đại học.

Sự ngạc nhiên trong Lụa mỗi lúc một lớn hơn, nhưng cô không nghĩ rằng anh mình đang rất tỉnh táo. Lụa gợn lên sự thương hại trong giọng nói :

- Rồi anh Hai dự định sẽ làm gì chứ ?

Nhân dán tia nhìn vào chậu Quỳnh :

- Anh sẽ theo ngành nông nghiệp để sau này có thể chăm sóc vườn cây trái nhà mình bằng kỹ thuật cao cho hoa lợi nhiều hơn.

- Ý tưởng đó anh vừa lượm ở đâu vậy anh Hai ?

Nhân dí dỏm :

- Trên lộ trình rong ruổi cả ngày nay.

- Không ngang qua bệnh viện tâm thần chứ ?

- Ngược lại anh đã nhìn thấy toàn cảnh của xã hội trí thức nên mới ước mong theo kịp người ta.

- Nhưng em nghĩ anh không có điều kiện ấy đâu anh Hai à.

Mặc cho Lụa lo lắng Nhân vẫn tỉnh táo nói :

- Nếu ban ngày phải làm vườn không theo học chính quy được thì anh sẽ học bổ túc. Em phải ủng hộ cho dự định của anh chứ đừng nên hoang mang như vậy.

Lụa lấm lét nhìn lướt qua anh :

- Em chỉ sợ ý định đi học lại của anh nhất thời thôi.

- Để rồi coi anh sẽ vào đại học trước em đó, cô bé ạ.

Nghe Nhân nói Lụa le lưỡi :

- Em nhát ma anh chết giấc bây giờ đó ! Con nhỏ Quỳnh mà có ở đây chắc nó phải bò lăn ra mà cười.

Nhân chau mặt khi thấy em gái coi những toan tính của mình như trò đùa. Anh nghiêm giọng :

- Bộ ý muốn đi học lại của anh không đúng đắn hay sao?

Lụa dùng tay che miệng để ngăn tiếng cười chưa kịp nén. Nhân bồi tiếp :

- Đừng tưởng anh không biết em đang chế giễu anh. Anh hiểu lúc nào trong mắt mọi người anh cũng chỉ là một thằng khùng không làm nên tích sự gì.

Thấy tình hình giữa 2 đứa con chợt trở nên căng thẳng, bà Năm không thể đứng im để nghe chuyện mà buộc phải lên tiếng. Bà mắng Lụa 1 vài câu bởi cái tội của cô luôn làm người khác phật lòng.

- Con nhỏ này nói mãi không điều chỉnh được cái miệng hay nói năng làm xàm.

Rồi quay sang Nhân :

- Má hoan hô con, nếu con thật sự muốn học lại để có tương lai theo kịp người.
Nhưng có điều con phải bớt mặc cảm thì mới hòa đồng cùng bạn bè được. Vấn đề cuộc sống nhà mình đâu đến nỗi túng thiếu gì. Má luôn mong cho 2 anh em con được học hành tới nơi tới chốn. Đó là hạnh phúc lớn nhất của má.

Lời nói dịu dàng, động viên của mẹ làm sự bực tức trong lòng Nhân từ từ lắng xuống. Anh được mẹ chăm sóc khi phát hiện bộ đồ Nhân đang mặc vừa ẩm vừa dơ.

- Mau xuống tắm đi con. Để má đi hâm nóng cơm canh kẻo nãy giờ chắc nó đã nguội lạnh rồi.

Không phản đối, Nhân lầm lũi quay đi. Còn lại mình Lụa đứng ở nhà trên với cõi lòng chất chứa đầy ắp nỗi thắc mắc về người anh trai mà cô luôn tội nghiệp.

Chương 10

Đang ngồi trên xích đu nhấm nháp phong kẹo chocolate mà mẹ cho lúc nãy, Quỳnh bỗng nghe thấy tiếng gọi mình ở ngoài cổng :

- Ê, nhỏ ra mở cổng cho ta vô với mau lên.

Quay mặt nhìn ra trông thấy Lụa đang thò tay qua song sắt vẫy vẫy, Quỳnh mừng rỡ chạy ra :

- Ây ra, mày về thành phố từ bao giờ vậy nhỏ ?

Lụa bước vào trong sân nhà bạn với 1 chiếc giỏ trên tay :

- Tao mới về tới nơi xong. Ghé qua thím Mười gởi đồ đạc là tao bay qua chỗ mày liền. Sao? Bọn "ngũ long" đã tập trung để chuẩn bị năm học mới chưa ?

Quỳnh lôi bạn lại chỗ xích đu ấn ngồi xuống rồi chạy vô nhà lấy đem ra lon nước yến lạnh bật nắp :

- Uống đi nhỏ. Kể tao nghe chuyện ở quê mày coi.

Nhưng Lụa đã cong môi :

- Tao hỏi trước, mày phải trả lời cho xong đã.

Quỳnh buộc phải kể lể bằng chất giọng chậm rãi :

- Nói thì nói. Bọn "ngũ long" chỉ có 2 đứa là lò dò lên để tiếp tục năm học mới thôi. Còn con Hồng thì tao mới nghe tin có người coi mắt nó rồi , chắc là nó sẽ nghỉ học để làm bà nội trợ sớm.

Vừa nghe qua cái tin ấy , Lụa đã trợn mắt la lên :

- Cái gì ? Mày lặp lại cho tao lần nữa nghe coi.

Không tỏ ra khó chịu Quỳnh máy môi thêm lần nữa :

- Tao nói con Hồng chuẩn bị lên "xe heo".

- Trời ơi... Nó mới 16 tuổi mà dám mạo hiểm như thế ư ? Coi chừng vi phạm luật pháp nữa đó.

Quỳnh chắt lưỡi :

- Tao cũng không rõ nữa , chỉ nghe con Phượng nói lại rằng con Hồng về quê nội nó ở Bến Tre chơi mới được có vài tuần là đã có kẻ trồng cây si nó rồi. Và sau 3 tháng hè bị tán tỉnh , nó đã đồng ý tên con trai út của hãng sản xuất kẹo dừa nổi tiếng của vùng này. Ôi cứ nghĩ đến con Hồng sắp làm 1 cô dâu "nhí" tao lại buồn cười quá.

Lụa thở dài đánh sượt 1 cái khi bạn vừa nói dứt :

- Chà! Câu chuyện nghe thật là hi hữu quá. Vậy là nhóm "ngũ long" của mình chỉ còn lại có 4 người. Biết đâu trong nay mai lại có đứa khoái lấy chồng sớm như con Hồng ?

Quỳnh trề môi :

- Có khoái cũng chờ đủ tuổi. Tao sẽ viết thư cho con Hồng kết tội nó và hù nhờ tòa án giải quyết.

Lụa can :

- Cho tao can đi nhỏ ơi ! Biết điều 1 chút nó còn gửi kẹo dừa lên cho bạn bè thưởng thức.

- Xì , mày muốn ăn thứ đó hả ? Tao thừa sức mua cho mày nhai rụng răng luôn , cần chi phải chờ ăn kẹo của nhà chồng tương lai con Hồng.

Lụa bèn ôm vai Quỳnh :

- Thôi không nói chuyện con Hồng nữa mà hãy nghe tao kể chuyện này hấp dẫn hơn. Quỳnh nè , mày trổ tài xem tao sắp nhắc đến ai ?

Quỳnh lắc đầu chịu thua :

- Tao không có năng khiếu làm thầy bói đâu nhỏ ơi ! Muốn cho tao nghe điều gì thì nói đại chứ đừng bày đặt úp mở khiến tao phải nóng ruột.

Lụa xụ mặt :

- Nói vậy mày chẳng nhớ gì đến những kỷ niệm đã qua sao ?

Quỳnh cười tươi :

- Có cái nhớ mà cũng có cái quên. Mày cứ làm như bộ óc của tao to lắm vậy , nó chỉ chứa đủ những thứ mà tao thấy cần.

- Thế ông anh "tâm thần" của tao có diễm phúc được xí chỗ nào trong trái tim mày không ?

Lúc này Quỳnh mới sực nhớ vội kêu lên nghe thật lớn :

- Mày không nhắc tao cũng đã quên béng , bác Năm và anh Nhân có khỏe không?

Lụa làm mặt giận ngoảnh đầu sang 1 phía :

- Chờ mày hỏi thì chắc đã xảy ra chuyện lớn. Má tao không vấn đề gì nhưng anh Hai tao thì...

Lụa im lặng dò xét thái độ bạn rồi mới từ từ bảo :

- Tao không biết nói dóc. Nhưng để diễn tả tình trạng của anh Hai tao lúc này thì tao không biết phải nói sao.

Quỳnh cướp lời :

- Sao bỗng dưng văn chương hoa lá cành quá trời vậy ? Tao nhớ mày là đứa luôn cụ thể hàng đầu mà.

Lụa hấp tấp như thể không có cơ hội để trình bày :

- Thì cụ thể là... anh Hai tao đã điên lên vì mày.

Quỳnh chớp mắt sững sờ :

- Mày đừng có nói bậy nha !

- Chính xác trăm phần trăm , hổng sai lệch chỗ nào chứ bậy gì.

- Mày kể cho tao nghe rõ ràng hơn đi Lụa. Anh Nhân bị điên sao có thể lên tận đây gởi sầu riêng cho tao ăn ?

Đến lượt Lụa tròn xoe mắt :

- Mày vừa nói cái gì vậy ?

Quỳnh liền diễn giải bằng đôi tay :

- Tao nhớ mình vừa nói tiếng Việt đàng hoàng mờ.

Lụa vụt hạ giọng năn nỉ :

- Nhưng tao chưa nghe kịp.

- Thế thì hãy nhóng lỗ tai lên bởi tao không lặp lại lần thứ 3 đâu... Cách đây 3 ngày anh Nhân đã lên đây , song tao không có ở nhà mà đi nghỉ mát với gia đình mãi tận Nha Trang. Khi quay về nghe bà vú kể lại tao đoán ngay ra là ảnh... vì hương vị sầu riêng nhà mày không lẫn lộn với bất cứ loại nào khác ở đây.

Mặc dù đã nghe đến lần thứ 2 Lụa vẫn kinh ngạc tột độ :

- Tao không tin lời mày nói đâu , Quỳnh à. Làm quái gì anh Hai tao biết địa chỉ nhà mày mà mò mãi lên tận đây ?

Quỳnh nhún vai :

- Tao không có cách giải thích nào khác hơn , bởi sầu riêng ảnh gởi tao đã ăn hết nên không thể còn vật chứng !

Lụa lập luận :

- Tại sao mày không đặt vấn đề của kẻ nào khác ngoài anh tao?

Nét mặt Quỳnh đầy tự tin :

- Không. Không thể có trường hợp nào tương tự.

Sự khẳng định của Quỳnh gây cho Lụa nỗi hoang mang :

- Chẳng lẽ nào...

- Mày lảm nhảm gì vậy nhỏ ?

- Tao đang nghĩ đến anh Hai của tao.

Ngừng lại 1 chút để buông ra tiếng thở dài , Lụa nói tiếp :

- Thần kinh của anh Hai tao ngày càng tệ hơn lúc trước. Nguyên nhân tất cả cũng đều bởi tại mày...

Bị đổ thừa Quỳnh chỉ tay vào ngực mình :

- Mày biểu tại tao à ?

Lụa gật đầu xác nhận mạnh mẽ :

- Ừ , tại mày. Mày đã đến và gieo vào lòng anh tao 1 thứ tình...

Quỳnh hỏi dồn :

- Tình... mà tình gì mới được ?

Lụa khẽ liếc mắt qua khuôn mặt dễ thương của bạn rồi chuẩn bị chẩu mỏ lên :

-Tình "thù" chứ còn chi nữa mà hỏi. Quỳnh ơi! Mày đã hại anh Hai tao rồi.

Thoạt nghe qua Quỳnh không giấu nổi vẻ sững sờ. Cô giương tròn đôi mắt , miệng lắp bắp :

- Tao... không hiểu... mày muốn nói gì , Lụa à...

Giọng Lụa chứa đựng sự chua xót :

- Mày không hiểu cũng phải lắm. Mà thôi... có thư và quà của ảnh đây , tao không cần nói hộ giùm nữa đâu.

Tới đây Lụa móc ra 1 bì thư dán kín đưa cho bạn rồi chỉ tay vào chiếc giỏ đem theo :

- Bây giờ tao hiểu vì sao anh Hai tao chỉ gởi cho mày mỗi 1 thứ sầu riêng. Ảnh cũng không đến nỗi quá điên như tao tưởng.

Quỳnh ngồi thừ người ra trên xich đu với nét mặt khá bâng khuâng. Cô không biết mình đang nghĩ gì về Nhân và điều Lụa vừa nói , có phải là sự thật hay con nhỏ bịa ra để trêu chọc mình ? Chuyện tình cảm giữa 2 phái Quỳnh chưa dám mạo hiểm để xông vào dù có phần háo hức khi nghe tin 1 đứa bạn đang chuẩn bị mặc áo cưới. Thật... xấu hổ chết đi được nếu như bị các bạn ghép đôi với bất cứ tên con trai nào. Vậy mà chẳng hiểu sao, đã có lần Quỳnh mơ thấy mình sánh đôi với Nhân nhưng không phải ở quê anh mà ở giảng đường đại học. Hôm ấy , khi tỉnh dậy Quỳnh đã mỉm cười và mong nó thành sự thật.

Quỳnh đưa bức thư của Nhân gởi lên ngang mặt ngắm nghía rồi toan bóc thì bị Lụa ngăn lại :

- Hãy để giành khi nào có 1 mình thì xem cũng không muộn.

Quỳnh chớp mắt dí dỏm :

- Mày không có 1 chút tò mò nào hay sao?

Lụa buông động tác rùn vai :

- Có đầy 1 bụng đây. Nhưng dẫu sao tao vẫn phải biết tôn trọng đại ca tao 1 chút chứ. Tình cảm là vấn đề riêng tư mà...

Nghe bạn nói chí lí , Quỳnh cất phong bì vào túi áo rồi ôm Lụa tư lự :

- Mày hãy kể chuyện anh Nhân sau khi tao trở về thành phố đi.

Lụa cắn nhẹ vào môi :

- Chỉ sợ mày không muốn nghe thôi.

Quỳnh háy bạn :

- Không muốn nghe sao tao mắc công gạ gẫm mày làm gì ?

- Nhưng anh Hai tao điên thấy mồ.

- Mày không thấy tội nghiệp ảnh sao mà cứ thốt ra câu nói ấy ?

- Tao đâu thể thay đổi được sự thật ?

- Mày khẳng định anh nhân bị tâm thần thật ư?

- Chứ không à ?

Rồi Lụa tròn miệng tường thuật lại cho Quỳnh nghe mọi chuyện về Nhân từ lúc bạn trở lại thành phố đến giờ , không bỏ sót 1 chi tiết nào. Ngay cả việc Nhân muốn đi học lại , Lụa cũng cho là việc bất thường. Cô thì thào vào tai bạn :

- Tao biết anh Hai tao đã mơ tưởng chuyện trên trời. Nhưng có lẽ lỗi đó là do tao đã nhiều lần đùa cợt nên mới ra nông nổi. Quỳnh à mày có dành cho anh tao chút tội nghiệp nào không?

Quỳnh ngồi im vì chưa biết chính xác rõ lòng mình. Cô nghe bạn chắt lưỡi :

- Phải chi anh Nhân đừng bệnh tật thì hay biết mấy... Đằng này...

Thấy bạn bỏ lửng câu , Quỳnh mới khẽ ngước mặt lên. Đôi má mịn màng của cô ửng hồng dưới nắng chiều nhàn nhạt. Quỳnh ngập ngừng mãi mới thốt được 1 câu :

- Theo tao thì anh Nhân không bị thần kinh gì đâu. Chỉ tại gia đình mày đã dồn ảnh vào trong cái mặc cảm bệnh hoạn khiến ảnh bị thay đổi tính tình trở thành 1 kẻ chẳng bình thường.

- Do đâu mà mày phát ngôn như vậy ? - Lụa thừ người nghi hoặc.

- Chẳng có gì cao siêu cả. Tao chỉ có đôi mắt tinh tường biết nhận xét đúng thôi -Quỳnh nhìn thẳng vào mặt bạn.

Lụa chụp lấy tay bạn lay lay :

- Nếu thế thì mày hãy làm ơn cho gia đình tao đi Quỳnh ơi !

Đột ngột bị bạn đưa vào thế kẹt , Quỳnh bối rối :

- Tao đâu phải thần thánh mà ban được ơn phước cho người khác ?

Lụa vội dùng tay bịt miệng Quỳnh :

- Ai cho phép mày từ chối thẳng thừng như vậy ? Cứ suy nghĩ rồi trả lời sau.

- Nhưng...

- Cấm mở miệng nói bất cứ điều gì trong lúc này.

- Mày không có quyền ấy đâu khỉ ạ.

- Ai biểu không có chứ , nếu sau này anh Hai tao xỏ mũi được mày thì tao chẳng phải là bà cô đầy quyền lực hay sao ?

Thấy Lụa nói tỉnh bơ , Quỳnh không khỏi thẹn mặt :

- Úi thiên lôi ơi! Cái búa ông để đâu vậy cho mượn tạm chút coi.

- Để chi vậy "chị dâu" ?

Quỳnh đấm Lụa đến đau tay :

- Để phang cho bà cô láu cá này vài chục nhát vì cái tội không biết nể nang người nào cả.

Lụa gồng lưng lên đỡ , song chịu hết thấu phải bỏ chạy vòng quanh. Chừng thấm mệt cô ngồi đại xuống bậc thềm ôm gọn lấy chậu quỳnh đặt nơi ấy , miệng liến thoắng :

- Nhà mày cũng có trồng thứ này nữa hả nhỏ ? Chà trông giống chậu hoa của anh Hai tao ở dưới quê quá chừng.

Không chủ định nhưng Quỳnh đã dừng lại để giới thiệu :

- Đó là chậu hoa quý của má tao , vì nó là hiện thân tình yêu của má thời còn trẻ.

Nghe xong Lụa bỗng reo lên , giọng nửa thật nửa đùa :

- Ôi... biết đâu cũng nhờ cây hoa này mà vài năm nữa sẽ có thêm 1 câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp nảy sinh ?

Quỳnh lại vung nắm đấm lên dứ dứ :

- Đồ quỷ , cái miệng mày lúc nào cũng chỉ ghép dôi cho kẻ khác thôi.

Lụa cười khanh khách , khác với ít phút trước đây :

- Trời sinh tao ra đã cho tấm lòng tốt như vậy mà. Bộ mày tưởng làm mai cho người khác dễ lắm à ? Được cái đầu heo cũng muốn lẹo cả lưỡi luôn.

Hai nhỏ bạn gái ngồi bên nhau trong không khí vui vẻ hơn. Họ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho đến khi Lụa thấy cần ra về :

- Ê nhỏ 1 lát nữa ăn sầu riêng nhớ nghĩ đến anh Hai tao nha.

- Khỏi cần mày nhắc tao cũng sẽ nhớ mà.

- Cả tao nữa , tao có công tha lên cho mày ăn...

- Mày thì để cho ông Địa ổng nhớ , vì ổng với mày đều khoái ăn đầu heo.

Ðứng nhìn bóng Lụa lẩn mất vào dòng người và xe cộ đang lưu thông trên đường phố Quỳnh mới chịu quay trở vô. Cô xách giỏ sầu riêng vào nhà và đưa cho bà vú cất rồi nhẹ nhàng đi vào phòng riêng lấy thư của Nhân ra xem. Bên trong phong bì là mảnh giấy trắng học trò có ghi chép 1 bài thơ. Nhưng từng lời , từng ý của bài thơ đã khiến cho Quỳnh phải xúc động lặng người , cô thật không ngờ Nhân lại là 1 chàng trai có tâm hồn đến thế :

Hoa quỳnh sắc trắng
Nở giữa đêm trường

Có phải anh ấy mượn những bông hoa này để nói mình ? Nhưng sao lại còn :

Ðể tim tôi nhớ
Ðể hồn tôi thương...

Nhân đã... nhớ... thương mình đến nỗi trải lòng thành thơ chăng? Thật thương cho anh ấy quá. Vậy mà mình đã vô tình... Quỳnh lẩm nhẩm đọc hết những dòng nối tiếp :

Ôi đóa hoa quỳnh
Kiêu sa đài các
Từ giữa đêm trường
Hương thơm ngan ngát...

Ôi... đích thị rồi. Thì ra lúc nãy nhỏ Lụa đã không hề nói dối. Nhân đã dành cho mình 1 tình cảm đặc biệt nên trong những dòng thơ anh ấy đã tự nhận là cánh bướm để mơ tưởng... một đóa quỳnh.

Áp mảnh giấy có ghi bài thơ lên ngực để nghe tiếng dội từ trái tim đang dâng lên dạt dào. Quỳnh thật sự thấy cảm xúc... một sự cảm xúc chưa từng gặp. Nhân ơi anh trở thành thi sĩ từ bao giờ vậy ? Quỳnh hỏi thầm khi thoáng lịm hồn nhớ tới đêm trăng sáng hôm nào Nhân cũng đã từng làm thơ :

Đêm nay trăng sáng
Trải thảm hồn tôi
Chị Hằng mỉm cười
Ôi trần gian đẹp...

Nhân ơi có thể nào anh sẽ trở thành 1 Hàn Mặc Tử để cho em được làm 1 Mộng Cầm như lòng mong muốn hay không ? Đừng trả lời vội Nhân ơi ! Hãy để em chờ thêm vài năm nữa đã. Em rất mừng vì tin anh sẽ theo học lại. Hãy dẹp bỏ cơn mặc cảm bệnh tật đi , biết đâu sau này chúng ta sẽ gặp nhau trong giảng đường đại học , Nhân hả ?
Đêm hôm đó Quỳnh đã cố gắng thức để chờ chiêm ngưỡng hoa quỳnh nở giống như Lụa đã kể về Nhân.Và cô đã được tận mắt trông thấy những chiếc nụ xinh xắn biến thành hoa với màu trắng tinh khôi không hề bị chìm khuất khỏi màn đêm.

Quỳnh đã áp má vào cánh hoa mượt êm rồi thốt lên khe khẽ :

- Bây giờ thì em có chung cảm xúc với anh rồi Nhân ơi ! Hãy đợi nhé... sẽ có 1 ngày ngồi bên nhau cùng thức chờ hoa quỳnh nở và hai đứa sẽ tranh luận nhưng nhất định anh phải nhường em nghe không?

Chương 11

Niên học mới vừa bắt đầu nhưng cũng gây tất bật cho tất cả những học sinh. Nhóm "ngũ long" bây giờ chỉ còn 4 bởi Hồng cứ nhất quyết nghỉ học để lấy chồng. Trông vẻ mặt con nhỏ tự hào lắm , như thể được lên xe hoa sớm là 1 điều hãnh diện vậy. Hôm lên thành phố sắm áo cưới , Hồng có ghé qua thăm nhóm và giới thiệu "ông xã nhí" cho cả nhóm biết mặt. Phải nói rằng không đứa nào nhịn được cười khi thấy họ sánh đôi. Ôi thật là 1 cặp vợ chồng con nít hết chỗ nói. Chắc chắn khi về chung sống với nhau sẽ xảy ra nhiều trò dị hợm cho mà xem.

Nằm trong căn phòng nội trú , giờ bị trống 1 chiếc giường , Lụa bảo Quỳnh :

- Vắng con Hồng cũng buồn quá hả mày , giá nó đừng vội lấy chồng sớm thì đâu bỏ dở dang đường học vấn !

Quỳnh ghếch đầu lên chiếc gối , mắt lơ đãng nhìn ra phía cửa phòng :

- Mỗi người đều có sự lựa chọn cho chính mình. Biết đâu ít bữa 1 tên khờ nào đó lọt vô mắt tụi mình thì cũng giống như con Hồng thôi.

Lụa cong môi :

- Xí , còn khuya. Tao quyết học lên cao học nếu như má tao có đủ sức nuôi tao. "Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn".

Quỳnh bật cười :

- Chừng ấy tao bảo đảm mày không dám ngồi trước gương để soi đâu.

- Sao vậy ?

- Thì da dẻ đã nhăn nheo... ai đi qua cũng phải cúi đầu... thưa cụ à.

Bị bạn chọc Lụa dài cổ ra tranh luận :

- Chưa đến nỗi ấy đâu con khỉ , mày không nghe người ta nói "gái 30 tuổi đang xuân" hả ?

Quỳnh cũng chẳng chịu thua :

- Có mà lộn ngược trở lại kìa. "Trai 30 tuổi đang xoan , gái 30 tuổi đã toan về già" ấy ẹ !

- Dù thế nào tao cũng quyết không thèm ngó nghiêng gì tới bọn tóc ngắn.

- Vậy hỏng biết hồi sáng đứa nào nhóng mắt nhìn vô khu nội trú của nam sinh đó ta ?

Tuy chưa nghe đích danh nhưng Lụa đã đỏ mặt :

- Tao ngó thử để biết năm nay có thiếu tên nào không chứ bộ.

- Chứ không phải đá lông nheo với anh chàng lớp trưởng của mình hay sao ? - Quỳnh tỉnh queo.

Lụa dãy nảy trên chiếc giường tầng ở góc phòng :

- Bậy... bậy... mày có cái đầu đen thui như đêm 30 , hổng chút ánh sáng trăng sao.

- Vậy mà dò dẫm trúng tùm lum.

Lụa toan phản ứng tiếp thì bỗng nghe tiếng chân lộp cộp ngoài hành lang. Ngỡ 2 đứa bạn trong nhóm đi ra phố về nên Lụa vội nháy mắt với Quỳnh rồi ra hiệu bằng tay. Hiểu ý Quỳnh cũng nhanh chân nhảy xuống khỏi giường rồi núp sau 1 chiếc tủ. Không lâu bỗng có tiếng mở cửa phòng và cả 2 ùa ra :

- Hù...

Kẻ xuất hiện đột suất bị cả 2 hù cho ú tim bị té chỏng gọng đưa 4 vó lên trời. Quỳnh và Lụa cùng trố mắt nhìn vào nạn nhân của mình đang bò giữa phòng :

- Con Hồng...

Đúng là Hồng với chiếc vali căng phồng ôm bộ mặt nhăn nhó :

- Tao đây , làm quái gì mà 2 đứa bây nhìn tao giống như người ngoài hành tinh vậy ?

Quỳnh và Lụa vẫn chưa hết kinh ngạc :

- Ủa , bộ mày lên đây để mời tụi tao đi dự đám cưới hả?

Lụa chen vào bảo thêm :

- Lấy chồng nhà giàu có khác. Hôm trước đã sắm 1 vali căng phồng rồi , hôm nay lại 1 vali nữa thảo nào mày bỏ học để chụp đại tên ấy.

Quỳnh toan tiếp bằng lời lẽ nặng hơn thì Hồng đã ôm mặt khóc hu hu :

- Tụi mày khoan hãy mắng nhiếc tao... hu hu... híc híc...

Tiếng nức nở của bạn làm cả 2 chưng hửng :

- Sao kỳ vậy ?

- Hổng lẽ cái thằng "kẹo dừa" ấy nó bỏ con Hồng ?

- Ồ không đâu. Chắc... nó đang luyến tiếc thời con gái.

- Tao đoán...

Hồng vụt nạt ngang lời các bạn :

- Làm ơn nghe tao nói đây nè ! Ở đó mà đoán mò trật lất , hổng trúng câu nào đâu híc... híc...

Hai cặp mắt dán vào Hồng khi cô quẹt những giọt nước mắt đong đầy trên má. Bắt các bạn chờ 1 lúc Hồng mới chỉ vào cái vali bên cạnh nói :

- Tao lên đây để tiếp tục đi học với tụi mày.

Lụa giành hỏi trước :

- Bộ gia đình "kẹo dừa" không bắt mày phải làm dâu hay sao ?

Hồng đứng lên mắt đảo quanh căn phòng :

- Họ là cái thá gì mà bắt tao...

- Trời , con này ăn nói hỗn láo quá. Coi chừng mai mốt cưới về bị đòn ốm xác nghe cưng.

Thốt nhiên Hồng phồng mồm , mặt giận dữ hẳn lên :

- Không đời nào chuyện đó xảy ra nữa , tao đã trả lễ cho họ rồi.

Quỳnh và Lụa còn ngạc nhiên hơn cả lúc Hồng mới xuất hiện :

- Đúng là năm 2 ngàn có khác toàn sự lạ xảy ra.

Lụa lẩm bẩm thêm :

- Mới tuần rồi ăn lễ hỏi , bữa nay lại bảo bỏ nhau rồi.

Hồng bỗng dí dỏm cười dù ngấn lệ vẫn chưa khô :

- Bởi tao không thể xa tụi mày mà. Nhóm "ngũ long" làm sao thiếu tao được ?

- Tao không tin là mày còn luyến tiếc căn phòng nội trú này. Việc mày không lấy chồng nữa phải có nguyên do chính yếu. - Quỳnh tra gạn.

Hồng kéo bạn lên 1 chiếc giường gần nhất rồi thố lộ :

- Tụi mày muốn nghe thì tao sẽ kể , nhưng phải hứa là đừng có cười tao nha.

- Không cần mày phải dặn dò trước đâu. Cười mày để hàm răng tuyệt đẹp của tao bị hở sao ?

- Tốt , thế thì tao không có cơ hội giấu. Đằng nào cũng phải nói rõ để tụi mày hiểu tao đã sáng suốt nhận định sớm được vấn đề.

Lụa nóng nảy véo mũi Hồng:

- Vòng vo như thế đủ rồi , giờ thì nhập đề ngay đi không tao hết kiên nhẫn nổi rồi.

Hồng vẫn kéo dài giọng :

- Chuyện gì thì cũng phải có đầu có đuôi chứ. Mày bắt tao ngắt ngang khúc giữa làm sao được ?

- Chứ hổng lẽ phải nghe từ lúc "thằng kẹo dừa" tán tỉnh mày ư ?

Hồng thở ra :

- Nóng như mày thì để tao tóm tắt rồi kết luận ra vậy. Số là cũng nhờ vào chuyện may áo cưới mà tao đã nhìn ra được cái dại của mình. Suýt chút nữa thì đã phải đeo gông vào cổ oan ức vô cùng.

Lụa nhấp nhổm :

- Mày vẫn dai như kẹo dừa bến tre ấy.

Nuốt nước miếng để hạ bớt sự khô cổ vì nói nhiều , Hồng tiếp tục :

- Tao hỏi tụi mày tao đẹp thế này mà hắn bắt tao phải mặc áo dài khăn đống , trong khi tao muốn mình phải lộng lẫy với bộ soarê đủ màu kia.

- Một bất đồng lớn lao đấy !

Quỳnh bật thốt trong khi Hồng mủi lòng sụt sịt :

- Còn nhiều cái bất đồng không kể ra hết. Thí dụ như hắn rủ tao đi coi bóng đá mà tao lại thích ca nhạc hơn. Hắn khoái xơi toàn đồ nhậu còn tao lại khoái chè... Ôi , bấy nhiêu thứ đã làm tao và gã cãi nhau suốt mỗi lần ở cạnh nhau. Cho đến khi hắn dám tặng tao 1 cái tát vào má thì tao đã nhận ra lấy hắn là 1 điều ngu ngốc nhất cuộc đời.

Nghe đến đây Lụa ôm bụng cười ngặt nghẽo dù thấy bạn còn rơi nước mắt :

- Ô... hô... đáng đời cho mày quá , vắt mũi chưa sạch đã toan tính chuyện đại sự , bị 1 cái tát là còn hên...

Không giận bạn Hồng còn gật đầu thừa nhận :

- Đúng là tao khùng thật. Khi không mới 16 tuổi đã bị 1 thằng cũng con nít ranh như mình quyến rũ suýt bán rẻ đời mình.

- Tại kẹo dừa nhà hắn vừa ngọt vừa béo mờ.

- Thôi đừng có nhạo nó nữa Lụa à. Thấy nó đình chỉ việc lấy chồng tụi mình phải nên mừng giùm nó mới phải chứ !

Lụa không phản đối nhìn ra cửa :

- Chờ 1 lát nữa con Tuyết với con Phượng về cả bọn kéo ra phố ăn lẩu bò , mừng con Hồng thoát nạn "lấy chồng".

Quỳnh gạt đi :

- Chỉ ăn những thứ dành cho học sinh thôi , con gái ai lại chui đầu vào quán nhậu ?

Lụa cãi :

- Bộ chỗ nào bán lẩu bò cũng là quán nhậu hết hả. Tao thấy thiếu gì chỗ học sinh đến ăn đông nghẹt luôn.

Hồng choàng tay ôm vai 2 đứa bạn rồi lên tiếng :

- Cho tao xin đi , đừng đấu khẩu với nhau nữa. Tụi bây muốn ăn gì thì tao tình nguyện sẽ bao.

Quỳnh tỏ ra quan tâm tới bạn hơn :

- Mày đã đăng ký học lại chưa?

- Tất nhiên là rồi tao mới dám xách vali nhập cư vào đây chứ. Tụi mày có nhiệm vụ giúp tao bài vở của tuần lễ đầu tiên... - Hồng mỉm cười.

Quỳnh nhiệt tình:

- Chuyện này để tao lo. Mày cứ việc nghỉ ngơi lấy sức mà chạy đua với cả bọn. Mới đầu niên học mà đã gặp những bài toán toát mồ hôi.

- Yên tâm , tao học cũng không quá tồi đâu.

Đang ngóng cổ lên nghe Lụa xen vào :

- Chỉ sợ chất ngọt của kẹo dừa vẫn còn quyến rũ mày thôi Hồng ạ.

Hồng bật nắp vali rồi đem ra 1 bọc quà.

- Nỗi lo của mày thừa rồi , tao bây giờ chỉ ưa nhai mỗi thứ khô bò này.

Những cặp mắt đều sáng lên trước món ăn luôn hấp dẫn. Lụa trào nước miếng ngay lập tức nhào tới chụp :

- Chà hấp dẫn nhỉ thế mà giờ mày mới chịu lôi ra.

Song Hồng đã kịp giấu bịch khô bò to tướng ở sau lưng.

- Khoan đã phải chờ đủ mặt cả nhóm chứ , cho mày ăn trước tụi nó kiện thì sao?

Nhưng cơn thèm làm Lụa không nhịn được nài nỉ :

- Cho tao nhá thử 1 miếng thôi mà nhỏ. Tao cam đoan con Quỳnh nó không ganh tị đâu.

Rồi chẳng chờ Hồng có đồng ý hay không , Lụa đè nghiến bạn xuống lấy cho bằng được 1 miếng khô bò nhâm nhi trước. Mùi thơm và chất cay đặc biệt làm cho Lụa phải xuýt xoa :

- Ngon quá tụi bay !

Quỳnh cười trêu :

- Giá lúc này tên lớp trưởng nhìn thấy mày ăn nhỉ , chắc hắn phải đưa tay ra hàng thôi.

Tự nhiên Lụa làm duyên :

- Tao ăn cũng đẹp lắm chứ có dị đâu.

Hồng trề môi :

- Đẹp như Tề Thiên ăn trúng phải mắm tôm.

Lụa vật Hồng té lăn quay ra nền phòng.

- Ối... cướp khô bò... bớ người ta...

- Đừng có la giờ này mấy phòng bên cạnh cũng vắng hoe , mày có dùng loa họa may bảo vệ có chạy lên cứu giá.

Rồi Lụa cù lét Hồng đến chảy nước mắt , chừng cả 2 đều mệt buông nhau ra thở thì phát hiện Quỳnh đang ngồi tỉnh bơ nhai khô bò. Lụa và Hồng cùng la lên 1 lượt :

- Trời. Tao với mày vật lộn , con Quỳnh ngồi hưởng lợi gói khô bò rồi , đúng là "đục nước béo cò" mà !

Chương 12

Bẵng đi 1 thời gian dài cho công việc học tập túi bụi , những cô gái lại nhìn thấy hoa phượng ngợp đỏ cả sân trường. Lại 1 mùa thi nữa tới rồi. Hè năm nay không phải thời gian vui chơi của học sinh cuối cấp. Băng "ngũ long" cũng chum đầu lo việc ôn thi tới tấp dù sang năm họ mới hết chương trình phổ thông.

Sáng nay Lụa chia tay với các bạn để về quê. Tất nhiên không phải về quê để nghỉ hè mà là về thăm nhà ít bữa và kiếm tiền trợ cấp. Cô được Quỳnh đưa ra tận bến xe :

- Chừng nào trở lên nhớ "cõng" theo nhiều trái cây cho tụi tao nghe.

Lụa xoè bàn tay ra :

- Thì cũng xách nặng 2 bên thôi , chẳng lẽ tao phải đội cả lên đầu nữa ?

- Nhớ món "sầu riêng" cho tao nhé !

- Mày khỏi cần dặn cũng có người gửi lên mà.

Quỳnh mấp máy môi :

- Cho tao gửi lời hỏi thăm bác Năm và anh Nhân.

Lụa cười khoe hàm răng trắng :

- Tao chỉ nhận phần của má tao thôi còn anh Hai tao thì mày tự gửi.

- Nhưng hè năm nay tao đâu có về quê mày được ?

- Thì nhờ ông bưu điện.

- Sẽ phiền hơn là nhờ mày mang hộ.

- Tao không mấy nhiệt tình đâu.

Quỳnh bèn làm mặt giận :

- Không nhiệt tình thì thôi tao chẳng thèm gởi lời nữa.

Ngó bộ dạng tức cười của bạn qua kính chiếu hậu , Lụa càng được đà chọc thêm :

- Mày có nhớ anh Hai tao không Quỳnh ?

Quỳnh buông tay lái quèo ra phía sau để véo Lụa làm cô la toáng lên :

- Oái... đau con khỉ ạ ! Coi chừng bị cảnh sát giao thông phạt bây giờ.

Quỳnh mắng bạn không ngừng :

- Nếu bị phạt tao sẽ vứt mày xuống để chịu trận.

- Nhưng tao biết mày không lỡ làm thế với tao mà.

- Để rồi coi, tao không tốt bụng đâu.

Hai cô gái vừa đấu khẩu tới đây thì bỗng tiếng còi ở đâu bỗng vang lên cái "rét" ở ngay bên cạnh tai. Cả 2 giật mình ngó sững cái gậy của anh cảnh sát giao thông đang trỏ vào mình. Lụa kêu thầm :

- Bỏ mẹ rồi, cái miệng ăn mắm ăn muối... rõ xúi quẩy.

Quỳnh cũng trút tội cho bạn :

- Tại mày đó !

Lụa không dám cãi lại nhảy vội xuống xe trổ tài ăn nói năn nỉ anh cảnh sát giao thông 1 hồi. Thông cảm là học sinh 2 cô được tha phạt sau khi đã khá... mỏi miệng và nhanh chóng chạy xe đi 1 nước. Lúc này Lụa mới nhoẻn miệng cười , nói :

- Xui... nhưng mà hên.

12 giờ trưa Lụa về đến nhà với chiếc bụng đói meo. Cô vất chiếc túi xuống bộ ván rồi kêu lên ỏm tỏi :

- Má ơi con gái út của má về rồi nè.

Bà Năm từ bên ngoài chạy vô ôm Lụa hôn liền mấy cái :

- Cha cô chứ , dạo này học nhiều lắm sao mà gầy rạc vậy con ?

Lụa cũng áp miệng vào má mẹ tỏ cử chỉ nhớ thương.

- Gầy 1 chút càng có eo , con gái mà vòng nào cũng cùng 1 số cả thì mặc cảm lắm má à. Mà... anh Hai con đâu rồi ?

Bà Năm chỉ ra vườn :

- Nó đang ở ngoài đó.

- Bộ ảnh phụ má bán trái cây hả ?

- Nó đang ôn bài thì có. Mấy bữa nay thấy nó học ngày học đêm.

Lụa không quan tâm tới việc học hành của anh nên hỏi khá hờ hững :

- Ảnh thi tốt nghiệp có nổi không đây ?

Nhưng mà bà Năm đáp thật phấn chấn :

- Chẳng những nổi mà còn loại ưu nữa con à.

Bây giờ thì Lụa mới trợn mắt :

- Má nói thật ?

Bà Năm cười hiền hòa :

- Bộ con cho là má thích nói dối sao? Tội nghiệp anh con , nó vừa phải làm vừa học mà vẫn quyết tâm... Má nghe nói nó đã nộp đơn để xin thi đại học. Con phải nên khích lệ tinh thần anh , chứ đừng nói năng bậy bạ làm nó buồn lòng nghe.

Mặc dù đã nghe mẹ nói rõ ràng nhưng trong thâm tâm Lụa vẫn không phục sức học tập của anh Hai , bởi lẽ anh ấy bị thần kinh. Ôi, 1 cái đầu không tỉnh táo thì làm sao có thể nhồi nhét hấp thụ những kiến thức ? Vậy mà anh ấy lại tốt nghiệp phổ thông đàng hoàng mới kì... Lụa toan nghĩ xấu về việc học của anh trai thì Nhân xuất hiện với quyển sách trên tay. Trông thấy Lụa , Nhân reo to :

- "Công chúa" nhà mình đã về đấy ư ? Học hành tiến bộ chứ ?

Lụa chỉ kịp gật đầu chứ không có thời gian đấu khẩu như mỗi lần gặp anh. Bởi cô đang mắc bận quan sát Nhân. Phải nói rằng Nhân gày rộc đi đến độ Lụa không thể tưởng tượng ra được. Cô nghe anh bảo mẹ :

- Con đói bụng lắm rồi má , có thứ gì ăn không ?

Bà Năm mắng yêu con :

- Dữ hôn , từ sáng tới giờ mới chịu nhớ là mình chưa ăn cơm hả ? Cứ đà này con không có sức thi đại học nổi đâu Nhân.

Nhân ngồi vào bàn ăn đón chén cơm mẹ trao , anh phập phồng cánh mũi khi ngửi thấy mùi thịt bò xào là món ăn mình thích :

- Ôi ngon quá !

Lụa cũng nghe bụng réo nên kéo ghế ngồi cạnh anh trai và giở giọng ganh tị :

- Má thương anh Hai hơn con rồi đó !

Bà Năm cười bằng cả môi và mắt :

-Cha cô chứ , lại ghen với anh rồi.

Đứng nhìn 2 đứa con cắm cúi ăn , bà Năm thấy hạnh phúc của mình dược nhân đôi. Tuy chúng chưa thành đạt nhưng là niềm hãnh diện rất lớn của bà. Nhất là Nhân , sự cố gắng của anh bấy lâu đã khẳng định rõ 1 điều là anh không bị điên như sự gán ghép của mọi người.

Sau bữa cơm Lụa không thấy bóng anh trai. Nhớ vườn , nhớ cây và cả thèm ăn quả chín cô bèn tự lần bước đi thì :

- Quỳnh ơi... Quỳnh à...

Lụa khựng chân lại bên gốc cây dâu da , dáo dác nhìn , không thấy ai ngoài 1 con chim mang bộ áo giống các ma sơ nhảy nhót trên cành cây gần đó. Cảm giác rờn rợn về khu vườn vắng vẻ làm Lụa nổi da gà thì tiếng kêu bất ngờ lại trỗi lên :

- Quỳnh... Quỳnh ơi...

Lụa sợ đến nỗi phải ngồi bệt xuống gốc dâu da vì nghĩ mình đang bị ma nhát hoặc ông anh khùng điên lại lên cơn. Cô tái mặt , mắt hướng lên ngọn cây thì thấy Nhân vắt vẻo ở trên đó. Lụa tức tối mắng :

- Anh vừa nhát em đó hả ?

Nhân ngơ ngác nhìn xuống :

- Đâu có.

- Vậy ai vừa mới gọi tên nhỏ Quỳnh ở đây ?

Nhân chỉ vào con chim đang dùng mỏ tỉa tót bộ lông đen mượt.

- Nó.

- Anh nói sao?

- Hổng tin thì cứ đứng đó chờ nó gọi nữa cho mà nghe.

Lụa cúi xuống cầm sẵn 1 cục đất trên tay.

- Em sẽ ném nó chết , đồ yêu quái !

Nhưng Nhân đã cản lại :

-Con nhòng này là anh nuôi và tập cho nó nói đó. Nó không phải là yêu quái mà là bạn anh.

Lụa nhìn sững Nhân 1 hồi lâu rồi hạ giọng nói nhỏ trước khi bỏ đi :

- Quỳnh gởi lời thăm anh đó !

Chương 13

Tối nay không hiểu sao Quỳnh có cảm giác khó ngủ quá mặc dù mới khoảng 9 giờ. Nằm trằn trọc với chiếc gối ôm mát rượi đến chán , cô nhổm dậy rời phòng bước ra ban công nhóng mắt nhìn xuống mặt đường. Sinh hoạt ở ngoài phố vẫn còn nhộn nhịp nhưng vì không có hứng thú nên Quỳnh mới giam mình ở trong nhà. Chắc giờ này ba mẹ cô vẫn chưa về vì thường các cuộc chiêu đãi hay kéo dài đến nửa đêm.
Đứng 1 lúc mỏi chân Quỳnh toan quay vào thì nghe tiếng gọi vang lên từ ngoài cổng :

- Quỳnh... Quỳnh ơi...

Cô ngây mặt nhìn về phía vừa phát ra âm thanh , lòng hoang mang tột độ. Từ độ cao ngó xuống Quỳnh trông thấy rõ một cái đầu húi cua của con trai chứ không phải tóc dài của con gái đang nhấp nhô ở ngoài cổng. Lại còn đưa tay lên vẫy nữa chứ , nhưng chẳng biết có phải là người quen hay không ? Dù sao thì Quỳnh cũng cần cảnh giác cao , bởi trong nhà lúc này chỉ có cô và bà vú già sẽ không trở tay kịp nếu kẻ xấu lọt vào nhà.

Quỳnh vươn cổ từ ban công lầu xuống cất tiếng hỏi :

- Ai vậy ?

Tiếng trả lời thật to :

- Nhân !

Quỳnh chớp mắt kinh ngạc :

- Nhân nào ?

Dường như người ở bên dưới có vẻ không hài lòng nên âm thanh nhỏ lại :

- Cô bé quên rồi ư ? Thế thì thôi không gặp vậy.

Tự nhiên có một cái gì đó thôi thúc mãnh liệt làm cô hét lên :

- Khoan... khoan đã...

Và sau câu nói đó Quỳnh rầm rập chạy xuống nhanh đến nỗi suýt vấp té ở cầu thang. Cô phóng vội ra cổng trước ánh mắt ngạc nhiên của bà vú :

- Bộ cậu mợ về rồi hả Quỳnh ?

Không kịp dừng chân để trả lời mặc dù cô có nghe bà vú hỏi. Đặt tay vào then cổng, Quỳnh hối hả kéo cánh cổng sắt bật mở thì thấy người khách bất ngờ định quay lưng đi. Song Quỳnh đã kéo phăng anh ta lại mà chẳng hề câu nệ :

- Anh Nhân !

Phải , đúng là Nhân. Trông anh chững chạc hơn xưa mắt nhìn trách móc :

- Tưởng Quỳnh đã quên mất thằng khùng này rồi chứ.

Quỳnh không giận mà xoắn tay mình trong tay Nhân :

- Ôi làm sao em có thể quên được anh ? Chỉ bất ngờ vì anh đến đột xuất nhất là vào buổi tối thế này.

Rồi không chờ Nhân phát ra cử chỉ gì nữa , Quỳnh lôi thốc anh vào nhà. Ấn Nhân ngồi vào salon Quỳnh lăng xăng mời nước miệng tíu tít huyên thuyên :

- Trông anh dạo này khác quá chẳng giống xưa chút nào.

Nhân vẫn chưa chịu cười với Quỳnh , nét mặt anh ẩn chứa sự mặc cảm dưới ánh đèn sáng chưng của căn phòng khách sang trọng.

- Quỳnh cũng khác , hhác với cái ngày Quỳnh đến quê anh !

Quỳnh hồn nhiên trong bộ đồ ngủ may bằng vải lụa trắng thật thanh tú , cô trỏ tay vào trán Nhân :

- Em biết anh không hề biết nói dối. Nếu muốn khen thì cứ khen em thật tình đi.

Nhân động đậy mép :

- Dạo này Quỳnh rất đẹp thảo nào mỗi lần hỏi thăm nhỏ Lụa đều bảo "Quỳnh chẳng nhớ gì đến anh đâu...".

Quỳnh kêu lên bai bải :

- Trời ơi con ranh ấy thật gian ác... Thế nó có nhắn lời của em tới anh lần nào không ?

Nhân gật đầu :

- Có 1 lần...

- Ôi con này tệ quá ! Để mai mốt em sẽ xử nó sau...

Rồi Quỳnh xúm xít hỏi về Nhân :

- Em nghe nói anh đã hoàn tất được chương trình phổ thông rồi phải không ?

Nhân nhìn Quỳnh đăm đăm :

- Anh không biết có nên khoe với em điều này chăng ?

Dù chưa hiểu chuyện gì Quỳnh vẫn cứ gật đầu :

- Nên lắm chứ , anh làm em hồi hộp rồi đó.

Nhân lấy ra mảnh giấy gấp tư đưa cho Quỳnh rồi khẽ khàng :

- Anh thi đậu vào đại học nông nghiệp loại ưu rồi.

- Em có mừng không ? - Nhân hỏi nhỏ.

Quỳnh nói như reo :

- Còn phải hỏi , có thể em còn mừng hơn cả anh nữa đấy ! Anh Nhân à em thật không ngờ anh đã phấn đấu để đạt được thành quả này.

- Đó là nhờ sự động viên của Quỳnh.

- Vậy thì phải trả ơn cho em đi nè.

Nhân cúi xuống chân mình:

- Chỉ sợ em không chịu nhận thôi Quỳnh ạ.

Như hiểu điều Nhân đang nói Quỳnh lại kéo phăng anh ra bên ngoài chỉ tay vào 1 chậu kiểng :

- Đố anh biết...

Nhân chỉ cần liếc mắt cũng biết ngay không chờ cô dứt lời.

- Cây Quỳnh... ôi nó sắp nở hoa kìa.

Không ai bảo ai cả hai cùng sà xuống bên chậu hoa với dáng vẻ trang nghiêm , mắt dán chặt vào những nụ quỳnh đang từ từ hé nở. Trong giây phút linh thiêng ấy Nhân toan thố lộ lòng mình nhưng bị cô ngăn lại.

- Em đã hiểu nỗi lòng của anh rồi Nhân ơi! Hãy im lặng giùm em thêm 1 thời gian nữa nhé ! Màu sắc của hoa Quỳnh muôn thuở vẫn trắng tinh khôi không thay đổi được đâu.

Rồi Quỳnh đan tay mình vào tay Nhân mắt tràn ngập niềm vui. Cô không ngờ ước mong được cùng Nhân ngắm hoa Quỳnh nở trong đêm lại trở thành sự thực. Và từ nơi sâu thẳm của tâm hồn Quỳnh , một điều ước muốn nữa đang hình thành khi cô bất chợt bắt gặp ánh mắt muốn nói của Nhân. Cô chỉ vào đóa Quỳnh đang khoe sắc rồi điều chỉnh câu thơ của anh ngày trước :

"Hoa Quỳnh sắc trắng
Nở giữa đêm trường
Trông thật là thương
Ai yêu hoa trắng... "

Nhân cười một nụ cười đầu tiên kể từ khi gặp mặt Quỳnh. Trông anh cũng thu hút không kém gì cánh con trai thành phố, có điều còn trội hơn nữa kìa. Quỳnh đã giữ Nhân lại thức với mình bên chậu kiểng tới khuya. Họ mải mê ngắm hoa đến nỗi ba mẹ Quỳnh về đến tự bao giờ cũng chẳng biết. Nhìn hai cái đầu xúm xít cạnh chậu hoa, mẹ Quỳnh bảo với ba:
- Con gái chúng ta đã có bạn trai rồi.
Ba Quỳnh vừa theo rõi vừa mỉm cười:
- Đó là chuyện tự nhiên rất giống... mình ngày trước.
Mẹ Quỳnh cũng không hề rời mắt khỏi đứa con của mình:
- Nhưng sao chúng lại cùng sở thích với vợ chồng mình ngày xưa?
- Thì bởi tại hoa quỳnh rất đáng yêu!
Mẹ Quỳnh cãi lại:
- Không phải, tại nó là sứ giả mang tình yêu đến.
Ba Quỳnh bịt miệng mẹ:
- Suỵt nói nhỏ chứ, chúng ta phải vào nhà bằng cửa hậu thôi. Bên ngoài Quỳnh và Nhân vẫn vô tư. Họ ước mong những cánh hoa Quỳnh màu trắng đừng khép lại. Song luật tạo hóa không thể thay đổi được: đóa hoa hôm nay phải tàn để cho những nụ hoa hàm tiếu khác được trổ bông.
Dạ Thương
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...