Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Bên đường thiên lôi 2

Bên đường thiên lôi 2

Cái xác đuổi người

Tôi tắt đèn điện trong phòng khách, mở rộng hai cánh cửa sổ, rồi ngồi ngắm cảnh ngoài vườn. Lúc ấy vào khoảng hơn mười giờ, một đêm trăng mùa hạ.

Ngoài vườn, gió thổi trong đám cây âm u, làm nhấp nhánh những ánh trăng trên lá, thỉnh thoảng lại đưa vào một lớp hương êm mát của cỏ hoa. Tôi đang lắng nghe những tiếng rì rào kín đáo của ban đêm, bỗng có người rón rén bước tới rồi nói:

- Thảo nào! Chả nhẽ anh đi ngủ sớm thế?

Tôi quay lại thì là Ngô Đàm. Đàm là một người bạn tôi quen được ít lâu nay, và tôi đã có lần giới thiệu với độc giả nhân một câu chuyện ly kỳ 1.

- Ngồi đó mơ tưởng gì thế?

- Ngồi ngắm cảnh đêm trăng. Anh đi đâu rồi ghé qua vào đây hẳn?

- Chả đi đâu cả. Tôi định lại nói chuyện với anh cho đỡ buồn, thấy đèn tắt, tôi ngạc nhiên, vì thường anh vẫn làm việc khuya lắm.

Tôi kéo ghế mời bạn ngồi rồi toan đi bật đèn. Nhưng Đàm ngăn lại :

- Để tối thế này, thú hơn... Thế hợp với câu chuyện tôi định kể cho anh nghe hơn. Nhưng thuốc lá đâu? Đưa tôi một điếu.

Tôi đưa thuốc lá cho Đàm và hỏi :

- Chuyện gì?

- Một chuyện ly kỳ lắm. Vừa rồi nhân đọc một cuốn sách Tây mới sực nhớ đến. Anh là người ưa những chuyện lạ, chắc anh thích nghe.

Trong nhà mờ tối một cách huyền ảo. Người bạn ngồi trước mặt tôi chỉ là cái bóng nửa thực, nửa hư. Chốc chốc lửa thuốc lại làm cho mặt anh ta sáng đỏ lên một lát.

- Chuyện thế nào? Anh kể đi.

Bạn tôi gật đầu, hút một hơi thuốc dài, ngả người lên lưng ghế rồi bắt đầu nói :

- Anh có biết thế nào là một cái nhà tràng không? - Nhà tràng tức là một thứ trường học lớn, một nơi đào luyện các nhà tu hành của đạo Thiên Chúa ấy mà, anh hiểu chưa? Câu chuyện này xảy ra ở đó; mà chính một người "nhà thầy" đang học ban "phi lô" thuật lại cho tôi nghe. Anh nên biết rằng người ấy không đời nào bịa đặt ra một điều gì cả.

Hồi bấy giờ, anh ta còn đang học ở lớp La Tinh năm thứ tư, nghĩa là trước khi lên ban "phi lô", còn phải học ba năm nữa. Học sinh ở năm ấy đã qua cái thời kỳ làm "cậu bé", nhưng chưa lên tới bực "các thầy lý đoán"; phần nhiều đã nghiêm trang, đạo mạo, song cũng có người tính hay đùa bỡn, hay nghịch tinh. Cho nên trong cuộc đời học tập nguyện cầu kia mới có những chuyện vui, chuyện lý thú, với cả những chuyện lạ như chuyện này nữa.

Hôm ấy, đang buổi học chiều, cha Chính coi tràng vào báo cho học trò năm thứ tư biết tin một người bạn cùng năm mới tạ thế, và hỏi lấy hai người tình nguyện coi xác người chết trong một đêm.

Mọi người xì xào bàn tán một hồi lâu rồi ngồi im, không ai nói chi hết. Bởi vì ai cũng biết rằng nhà xác đứng trơ trọi ở một góc vườn rộng và vắng, - mà những chuyện ma quỷ hiện hình không phải là những chuyện họ sẵn lòng bỏ ngoài tai. Mọi khi thì vẫn giao việc coi xác cho một bõ già, không biết gì là sợ hãi, nhưng lần này ông ta lại có việc lên nhà xứ mãi hôm sau mới về.

Cha Chính phải hỏi đến ba, bốn lượt mới có một người đứng dậy: Đó là anh Phê. Anh Phê là một người học trò ranh mãnh, táo tợn nhất, nên không ai lấy làm lạ mấy. Nhưng đến lúc một anh khác, tên là Nhiệm, cũng xin đi coi xác, thì mọi người cùng ngạc nhiên. Anh này chẳng qua chỉ làm mặt bạo dạn đấy thôi, chứ cả trường La Tinh người sợ ma nhất lại là anh Nhiệm. Song có lẽ sợ ma là một chuyện, mà có lòng tốt với một người bạn qua đời là một chuyện khác, nên lúc cha Chính hỏi lại lần nữa, thì Nhiệm vẫn quả quyết xin thức với Phê. Một vài anh thì thầm: "Anh chàng trót nhận lời rồi, hối lại không kịp nữa". Cha Chính hẹn cho hai người sau hồi chuông nguyện sáu giờ sẽ xuống nhà xác.

Nhà xác là một chiếc nhà gạch cũ và thấp có hiên rộng đằng trước và hai bên. Trong nhà kê ba chiếc giường nhỏ phòng khi có xác các chú bé. Người bạn mới từ trần nằm trên một chiếc phản gỗ hẹp và dài, mình phủ tấm khăn liệm trắng. Chiếc phản gỗ kê phía trong, sau một bức màn gió xanh kéo che gần một nửa gian nhà, hai cây nến hai bên phản đang yên lặng cháy.

Lúc mới bước vào, Nhiệm bạo dạn lôi một chiếc ghế đẩu ngồi ở phía ngoài bức màn, ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ đằng sau, tươi cười nói :

- Ở đây mát thật, anh Phê nhỉ?

Phê không trả lời. Anh ta nhìn Nhiệm một cách hóm hỉnh và mỉm cười, vì anh ta biết rằng Nhiệm chỉ làm ra mặt bạo dạn. Một lát, Phê bỗng gọi Nhiệm :

- Này! Anh Nhiệm coi!

- Cái gì!

- Coi cái tấm màn nó động đậy!

Nhiệm thản nhiên đáp :

- Gió làm động đấy chứ có gì đâu!

- Thế mà trông như có ma nấp ấy nhỉ?

Câu nói nửa thực nửa ngờ của Phê làm cho Nhiệm khó chịu. Nhưng anh lẳng lặng đưa mắt nhìn bốn góc nhà xác, nhìn cái săng đặt bên tường và không đậy nắp, nhìn những tấm ảnh nhân từ với một tượng chịu nạn phía trên đầu người chết. Mắt anh chỉ liếc qua lên mặt cái xác nằm trơ đó rồi tức khắc quay đi. Anh ta lấy tràng hạt ra và khuyên Phê đọc kinh, nhân để tránh những câu nói không vui gì của bạn. Nhưng nào có đọc kinh được! Trong lòng Nhiệm cứ nao nao như sợ một cái nguy hại vô hình.

Trời đất một thâm dần lại. Hai ngọn nến cao sáng thêm ra. Nhiệm thở dài. Cái yên lặng dai dẳng càng khắc càng nặng nề. Cảnh vật chung quanh như liệm vào cõi chết.

Nhiệm se sẽ nói :

- Này anh Phê ạ, bây giờ hơn bảy giờ mà cũng chưa tối lắm nhỉ?

- Phải, vì ngày tháng năm thì dài.

- Trong này còn nến nữa không?

- Để làm gì?

- Để tí nữa... tối rồi thắp lên cho thêm sáng.

- Tôi thì tôi thích tối. Anh sợ tối à?

Nhiệm trả lời :

- Việc gì mà sợ! Tưởng còn nến thì thắp lên cũng được, mà không thì... chậc... cũng không cần.

Nhiệm nói rồi lại nhìn đi, mặt cố giữ vẻ bình tĩnh. Phê nghĩ bụng: "Cu cậu sợ chết đi ấy lại còn cứ vờ".

Rồi anh ta tìm cách ghẹo bạn chơi. Thỉnh thoảng anh nói với Nhiệm một câu rất đột ngột, một câu "nát đảm" để được thấy cái lo sợ thoảng trên mặt Nhiệm.

Đêm ấy là đêm rằm. Trăng lúc ấy soi vào gần tới bậc cửa. Hai người ngồi lẳng lặng trông thì giờ dần qua.

Đồng hồ trên nhà nguyện văng vẳng điểm tám giờ... Rồi điểm chín giờ... Rồi mười giờ... Phê thỉnh thoảng lại định nói chuyện nhưng Nhiệm không thèm nghe. Sau cùng, Phê bỗng kéo tay Nhiệm, ghé tai nói :

- Bây giờ mà cái xác kia đứng dậy đi ra ngoài với chúng mình thì anh bảo sao?

Nhiệm rợn người lên, nhìn Phê ra ý trách móc :

- Khiếp! Nói toàn những cái...

- Cái gì?

- Cái vô lý chứ gì?

- Phải. Vô lý. Nhưng anh cứ thú thực ngay rằng anh sợ...

- Tôi chả sợ gì hết. Anh nói vậy chứ, giá có ma thực hiện lên, tôi cũng không coi vào đâu.

Phê nghĩ thầm:

"Nếu vậy được lắm".

Rồi anh ta không nói qua một lời nào nữa, làm mặt tử tế ngồi giả tảng đọc kinh.

Trăng lên cao càng thêm sáng. Cái tối tăm chỗ hai người ngồi trong nhà xác thực lạnh lẽo, âm thầm. Tiếng giun dế rủ rỉ dưới chân cỏ.. Tiếng gió thổi làm động những tàu chuối... Bỗng chốc một tiếng chim đêm, kêu dài và thảm.. Mười một giờ rồi.

Đồng hồ vừa dứt tiếng sau cùng thì Phê bỗng lại nói :

- Anh Nhiệm ạ, anh ngồi đầy để tôi ra ngoài một lát nhé.

- Hử? Anh ra ngoài à?

- Ừ. Mình ngồi suông đây với cái xác kia một đêm cũng buồn... Tôi muốn ra vườn tảo cái gì vào đây chén.

Ý kiến hay lắm. Song Nhiệm vẫn ngần ngừ chưa biết trả lời ra sao thì Phê lại nói :

- Ngoài vườn nhiều ổi, nhãn, tôi muốn trẩy về đây ăn với anh cho đỡ buồn... Nhưng tôi trèo vụng quá! Mà ổi, nhãn ở những cây thấp thì còn xanh. Này! Hay là... anh để tôi ngồi coi đây... anh ra vườn trẩy hộ tôi...

Nhiệm tuy không muốn ra vườn, nhưng lại càng không muốn ngồi một mình trong này, nên anh ta liền nhận lời bạn.

Phê dặn với :

- Anh lấy cho rõ nhiều nhãn ấy nhé, cả ổi nữa, rõ nhiều ổi, ta ăn suốt đêm kia mà.

- Được, được. Anh cứ để mặc tôi.

Thế là Nhiệm bị trúng kế.

Nhiệm vừa đi khuất, Phê liền đứng ngay dậy vừa đi đến bên cái xác vừa nói :

- Cứ làm bộ can đảm mãi... nào, thử xem bạo được đến đâu.

Rồi không rụt rè, anh ta lật bỏ cái khăn trắng phủ người chết ra một bên và dựng cái xác đứng xuống đất.

Cái xác vẫn cứng thẳng như một bó nứa, và nặng lắm, không tiện vác lên vai: anh ta phải kéo giật lùi đến bên cạnh cửa rồi dựng ở đấy. Đoạn, ngó nhanh ra ngoài một cái, anh ta đến nhảy lên cái phản gỗ, tắt bớt một ngọn nến đi, ngả lưng xuống, duỗi thẳng cẳng ra, kéo cái khăn trắng lên phủ khắp mình, và nằm đợi.

Được chừng năm phút thì thấy tiếng chân Nhiệm bước vào, Nhiệm tới cửa đã vui vẻ nói :

- Nhiều ổi chín thơm lắm, nhưng chỉ lấy được có ít nhãn... Mà... ô này! Anh Phê đâu?

Không ai trả lời.

Nhiệm vẫn cẩn thận giữ bọc ổi, nhãn trên vạt áo. Anh ta bước đến bên cái ghế đẩu mà Phê ngồi lúc nãy. Cái xác đứng trong phía tối; song anh ta vừa ở ngoài sáng vào nên không trông thấy.

- Anh Phê đâu?

Im lìm.

- Anh Phê?

Vẫn im. Nhiệm sẽ đưa mắt vào phía trong, phía người chết nằm, nghẹn tiếng gọi nữa :

- Anh Phê?

Phê liền thở lên một tiếng thực dài... rồi chậm chạp ngồi lên, nói lơ lớ tiếng :

- Hử! Cá... ái gì?

Nhiệm chưa hiểu, trợn mắt rất to nhìn, bỗng thét lên một tiếng ghê gớm, bao nhiêu ổi, nhãn tung cả xuống đất, rồi vùng chạy ra.

Phê sằng sặc lên cười, khoác cái chăn liệm trên mình toan đuổi theo, thì... cái xác chết chạy ra đuổi trước.

Tôi hỏi :

- Hử! Anh bảo sao? Cái xác đuổi?

Đàm gật :

- Phải! Lúc Nhiệm chạy ra khỏi cửa thì cái xác đuổi theo liền... rồi cứ Nhiệm đuổi hoài.

Phê ở rrong này nằm điếng người đi vì khiếp.

Còn Nhiệm thì chạy bán sống, bán chết. Anh ta lúc ấy cũng còn đủ thần hồn để hiểu rõ cái tình thế quái gở: là bị một cái thây ma đuổi theo. Thế mà chạy càng nhanh càng bị đuổi gấp, anh ta không dám quay cổ lại, không dám nghĩ đến lúc kết cục, chỉ biết rằng nếu chậm một tí là bị người chết nắm được mình. Hình như anh ta có kêu lớn lên hai, ba lần nhưng tai chẳng nghe thấy gì cả.

Chạy khỏi những ruộng cỏ đầy nhưng vũng nước, anh ta qua một ruộng khoai gồ ghề thì tưởng đứt ruột ra không chạy được nữa. Cố hết sức dướng lên một độ nữa thì bỗng vướng quần ngã dúi xuống bên một luống dâu. Cái xác nằm đè lên như ôm choàng lấy Nhiệm.

Nói đến đó, bạn tôi ngồi yên, với tay lấy diêm châm điếu thuốc lá nữa. Tôi nóng ruột hỏi :

- Thế là hết?

- Không. Còn! Nhưng không còn gì là lạ mấy! Lúc cả nhà chung, vì tiếng chó cắn dữ quá thức đậy, đổ tìm khắp các ngả thì thấy Nhiệm nằm như chết dưới cái thây ma. Nhưng anh ta mới ngất đi thôi: trống ngực vẫn thoi thóp đập.

Mọi người cùng kinh ngạc, khiêng hai cái thây: thây người sống và thây người chết vào nhà xác, thì Phê ở trên chiếc phản gỗ bấy giờ đã tỉnh dậy ngơ ngác nhìn.

Song mọi người không phải kinh ngạc lâu, vì lúc Phê hoàn hồn liền đem đầu đuôi việc tinh nghịch của mình thú thực hết cả.

- Nhiệm cũng không hề gì chứ?

- Không hề gì. Các cố tìm cách cứu tỉnh ngay. Nhưng mất đến một tháng, anh ta cứ ngẩn ngơ như người ra dại. Bây giờ thì khỏi hẳn, vẫn học hành tấn tới như thường. Anh ta không hay nhắc tới chuyện xưa, nhưng vẫn nhớ rõ rệt cái cảm tưởng quái gở của mình trong lúc bị xác chết đuổi.

Tôi hỏi Đàm :

- Nhưng quái lạ! Sao cái xác chết lại đuổi nhỉ? Anh có tin là có ma quỷ thực không?

- Tin hay không thuộc về chuyện khác. Nhưng trong việc này, tôi quyết không có ma quỷ nào hết. Tôi cũng cùng một ý kiến với một vài ông cố Y Pha Nho ở đấy, lấy nhẽ khoa học cắt nghĩa ra... Tôi cho việc này cũng gần có một tính cách như những "quỷ nhập tràng" mà tôi vẫn để tâm nghiên cứu.

Người chết ở đây tuy không bị một con vật gì nhảy qua, nhưng bị một thứ "hấp lực" làm cho chuyển động.

Người sống thì tưởng là bị xác chết kia đuổi, nhưng thực ra thì cái xác bị cái "hấp lực" kia hút theo. Lúc các người trong nhà tràng tìm được người học trò lớp La Tinh ở luống dâu thì thấy cái xác đè sấp trên lưng anh ta, chân tay vẫn cứng thẳng như lúc còn ở trong nhà xác; vừa rồi tôi nói cái xác chuyển động thì chưa đúng, vì cái xác không động chỉ bị chuyển thôi, nghĩa là bị hút theo người tưởng là mình bị đuổi. Mà cái "hấp lực" ấy, tôi cho là cái sợ hãi quá sức của người sống, lúc vụt chạy ra...

Tuy vậy, cắt nghĩa như thế cũng chưa đủ, việc này đối với tôi vẫn còn bí mật như các điều huyền bí khác mà ánh sáng khoa học mới lờ mờ ló tới. Cho nên các điều tôi phân giải chỉ là một "giả thuyết" tầm thường thôi.

--------------------------------

1

Người thiếu niên ở trong truyện "Dòng máu đứt quãng".

Hai lần chết

Tối hôm ấy, chúng tôi đi viếng một người bạn ở phố Hàng Bột mới từ trần. Lúc ra về đến giữa phố Sinh Từ thì trời đổ mưa, chúng tôi kéo cả lên nhà anh Tri. Tri bàn mọi người nên ngủ lại nhà mình để mai đi đưa ma cho tiện.

Anh em lâu không họp mặt, chuyện trò đến hơn mười hai giờ đêm.

Câu chuyện dồn cả vào sự nghiệp và tính nết Đàm văn Tâm, người thiệt mệnh.

Anh Tâm là một thiếu niên thông thái, có khiếu về khoa học và đối với bạn là một ngưòi tử tế thật thà. Anh ta không lấy vợ, cha mẹ mất sớm, bao nhiêu của cải của ông chú ruột để lại cho chỉ dùng vào công cuộc khảo cứu mà chúng tôi biết là có giá trị. Tâm cùng cộng tác với anh Đinh văn Mão, một người bạn học cùng chí hướng với anh ta. Sự nghiệp về khoa học của Tâm đang chừng có vẻ rực rỡ, thì bỗng không bệnh mà chết. Họ hàng không có, nên Mão đứng lên lo việc tang ma.

Cái chết đột ngột của một người bạn còn trẻ gây cho chúng tôi một thứ cảm giác phảng phất, lo sợ, nhất là vì đêm ấy lại mưa gió sụt sùi. Tính vui đùa của anh Tính cũng không làm bớt được lạnh lẽo, nặng nề trong gian phòng sáng bởi một cây đèn dầu hỏa. Tính nói :

- Chết sớm, càng được nghỉ sớm chứ sao?

- Anh thì anh chỉ thích nghỉ thôi. Giá có chết cũng không thiệt cho ai. Còn anh Tâm...

Tính gật đầu :

- Phải. Quốc dân thiệt mất một nhân tài...

Rồi lại tiếp luôn :

- Nhưng sống khôn chết thiêng, hẳn ngài nhớ đến bọn ta, sẽ về phù hộ.

Một người bạn mắng :

- Chỉ nói nhảm. Anh này việc gì cũng đem pha trò...

- Kìa! Pha trò đâu? Tôi nói thực đấy. Tâm chả nhiệt thành tin thuyết "Linh hồn hiển hiện" là gì? Phải không anh Ngôn?

Tôi đáp :

- Phải. Tâm hay bàn về vấn đề ấy lắm. Có lần anh hẹn tôi rằng khi nào chết sẽ về báo hiệu cho tôi biết. "Tôi chết, tôi sẽ về gãi chân anh".

- Y như trong sách của Camille Flammarion ấy nhỉ?

- Mà không phải là câu nói đùa đâu!

Tính nói nửa thực nửa bỡn :

- Nếu vậy, có lẽ anh Tâm sắp hiện lên giữa chúng ta...

Mọi người cùng cười thào lên một tiếng nhạt, rồi cùng ngồi im. Bên ngoài tiếng ướt át rì rào của mưa gió vẫn không ngơi. Tri ngẫm nghĩ thế nào chợt se sẽ nói :

- Ừ, thế ngộ anh Tâm hiện hồn lên bây giờ thì sao?

Nhưng câu ấy không có ai trả lời, rơi vào trong vực yên lặng mất.

Bỗng nhà dưới có năm, sáu tiếng gõ cửa, tôi toan nói một câu, liền nín lại. Tiếng gõ cửa ra dáng gấp, và cứ mạnh thêm.

Đức nói thầm :

- Hay là anh... Tâm về...

Tôi :

- Có lẽ nào?

Nhưng chúng tôi đồng lo sợ. Tiếng gõ nhà dưới ra chiều thúc giục - tiếng cửa mở rồi khép, rồi một lát thằng nhỏ đi lên, vừa ngái ngủ, vừa thưa vào :

- Thưa cậu, cậu Tâm lại chơi.

- Hử? Cậu Tâm nào?

- Thưa, cậu Tâm Hàng Bột.

Chúng tôi kinh ngạc nhìn nhau. Tri cau mày gắt :

- Mày nói láo! Còn cậu Tâm nào ở Hàng Bột nữa? Sao mày không hỏi xem ai?

- Bẩm, chính cậu Tâm... Cậu đang đi lên.

Chúng tôi như gặp luồng gió lạnh, nhìn ra thấy anh Tâm thực.

Tâm đứng ở khung cửa, đầu tóc bơ phờ, mặt mày ngơ ngác, mình mặc bộ quần áo trắng dài là bộ mặc cho anh ta lúc đặt nằm trong áo quan. Hơn một phút, chúng tôi không ai nói gì, ngồi đực ra như bị thôi miên. Sau, một người bạn đi đạo lấy tiếng dõng dạc hỏi :

- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta, tôi xin hỏi vong hồn Đàm văn Tâm có oan ức điều gì không?

Tâm, hay linh hồn hiển hiện của Tâm không đáp, cứ trân trân nhìn chúng tôi một lúc lâu. Tiếng dõng dạc lại hỏi lên lần thứ hai :

- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng... tôi xin hỏi vong hồn...

Thì Tâm bỗng đưa tay gạt đi, dịu nét mặt lại rồi thong thả nói :

- Tôi không phải là vong hồn... vì tôi chưa chết.

Chúng tôi vẫn không hiểu. Tâm lại nói :

- Phải. Tôi còn sống thực, có xương, có thịt, có máu chạy trong mạch... chứ không phải là một vật hư vô...

Rồi Tâm yên lặng tiến lên, nhìn mọi người một cách xoi mói, dò xét, rồi lại kéo một chiếc ghế ngồi. Chúng tôi bất giác ngồi giãn cả ra, thì Tâm buồn rầu, mỉm cười, nói :

- Không. Tôi không chết đâu, tôi chưa chết. Tôi muốn... tôi hỏi các anh: Tôi có thể tin ở sự kín đáo của các anh được không? Tôi có thể tin ở tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta mà anh Đào vừa nói, được không?

Chúng tôi trả lời :

- Được. Nếu anh có oan uổng điều gì...

- Tôi đã bảo tôi còn sống mà! Sống như các anh, thực thế.

- Ừ, chúng tôi muốn tin rằng thế, song anh Tâm đã chết thực, đã có giấy chứng nhận chôn, chúng tôi cũng đã đến viếng...

- Nhưng tôi chưa chết. Tôi ở trong săng dậy đây.

Yên lặng một phút. Sau tôi hỏi :

- Thế còn anh Mão ngồi coi bên săng? Anh ấy đâu?

Tâm bóp trán thở dài. Bỗng anh ngừng phắt lên, hai mắt lóng lánh, đột ngột nói :

- Mão chết rồi. Phải, chết rồi. Mà chính tôi, tôi, các anh nghe chưa? Tôi giết nó đấy...

- Sao lúc chập tối chúng tôi còn thấy anh Mão khóc, chúng tôi lại nhận rõ mặt anh trong săng?

- Nhưng tôi vừa giết Mão xong, giết vì bất bình, vì điên dại... Các anh hãy ngồi yên, tôi kể đầu đuôi cho nghe. Tôi thực là một người khổ sở hết sức!

Rồi Tâm ôm mặt se sẽ khóc trước năm bộ mặt kinh dị của chúng tôi. Một lúc lâu, anh ta mới lại nói :

- Tôi không ngờ đâu lại thấy những điều cay độc, mỉa mai đến như thế... Tôi tưởng phát điên lên mất - không ngờ đâu lòng người mà lại đến thế. Các anh thử xét mà coi. Các anh vẫn biết Mão với tôi là hai người bạn thân hơn ruột thịt, vì tôi thương anh ấy nghèo và chăm chỉ, lại muốn cùng theo đuổi một công cuộc với tôi. Chúng tôi thề suốt đời không lấy vợ, để đem hết tâm trí hy sinh cho khoa học. Trong hai năm trời Mão càng ngày càng tỏ ra một người có chí và hết lòng với bạn, nên tôi càng ngày càng yêu thêm. Tôi muốn cho Mão vững tin ở lòng thành thực của tôi, nên viết một tờ "chúc thư" để gia tài của tôi với sự nghiệp của tôi lại cho Mão. Đó là một điều gàn dở, nhưng trong lúc nồng nàn hăng hái ấy thì tôi có trông thấy xa đâu? Tôi có ý tỏ cho Mão biết rằng của tôi cũng như của anh ta, mà nếu bất hạnh tôi chết trước, thì bổn phận anh ta là phải đi cho tới mục đích bước đường mà tôi bỏ dở. Từ lúc tôi ký tờ giấy kia đến nay đã được hai năm rồi, không có điều gì hết. Mão vẫn yêu tôi, vẫn hết lòng làm việc với tôi như trước. Mà nếu rủi tôi chết sớm thì chắc Mão là người thương tôi hơn cả. Có ngờ đâu người bạn thân thiết ấy lại là một giống sài lang! Năm năm về trước, nguyên tôi vẫn mang một chứng bệnh thần kinh, thường khi đang yên bỗng ngã lăn ra bất tỉnh. Nhưng từ khi ông chú tôi mất, bệnh ấy như khỏi đứt, tôi không để ý đến nữa - rồi quên bẵng đi. Bệnh đó tới nay lại phát khởi lên xem chừng nặng hơn trước nhiều lắm. Mấy ngày trước tôi thấy những triệu chứng thứ nhất và bắt đầu lo. Song tôi vì bận viết một bài khảo biện rất dài cho một tạp chí chữ Pháp, nên không kịp nói chuyện với Mão. Ba giờ sáng hôm qua, lúc buông bút đi ngủ, bỗng tối sầm mặt lại, ngã gục xuống rồi từ đó lịm đi...

Lúc mở mắt ra thì thấy mình bị ép hai bên trong một xó tối và khó thở, tôi định tâm vừa nghĩ vừa sờ soạng mãi mới biết là mình nằm trong săng. Nhưng trông lên thấy mờ mờ có ánh lửa soi vào hai bên nắp săng và lắng tai còn nghe thấy quả lắc đồng hồ tích tắc đưa chuông điểm. Tôi đoán rằng tôi ngất đi đã lâu lắm - vì bụng thấy đói dữ - có lẽ mọi người tưởng chết thực và đã cho mình vào săng sắp sửa đem chôn. Tôi nâng nắp săng thì thấy còn mở, bèn yên lặng ngồi lên. Lúc ấy mới biết là hơn mười hai giờ đêm. Mão đang xem một tờ giấy bỗng quay ngoắt kêu lên một tiếng khẽ. Tôi cười để cho hắn khỏi sợ và nói: "Tôi không chết đâu... Sống đây mà!"

Mão vẫn trừng mắt nhìn tôi. Thấy tôi cười nói tự nhiên và chờ anh ta nâng hẳn nắp săng đỡ tôi dậy, thì như đã hơi định thần, hắn nhìn tờ giấy mà tôi nhận ra là tờ "di chúc" rồi lại nhìn tôi. Bỗng nhiên hắn rảo bước lại bên chiếc quan tài, mắt long lanh một cách lạ thường, rồi nhanh tay ấn mạnh tôi xuống đậy nắp săng lại.

Trước tôi còn ngờ hắn hoảng hốt vì sợ hãi quá, sau bỗng nghĩ ra một điều rất ghê gớm: Mão muốn giết tôi.

Phải rồi... tờ "chúc thư" mà hắn làm bộ không nói đến bao giờ... cái gia tài quan trọng của tôi... mà đối với mọi người thì tôi đã chết. Phải. Tôi chết là hắn được hưởng, mà tôi đã không chết thực thì hắn giúp tôi chết nhân thể, ai biết đấy là đâu?

Trong có một giây đồng hồ mà tôi cũng thoáng thấy được cái kế hiểm độc của bạn với cái tình thế nguy hiểm bấy giờ. Tôi căm giận không biết ngần nào, đấm nát tay lên cái nắp săng, nhưng cái nắp bật hé được lên lại bị ấn xuống. Chân tôi không bị buộc trói như thói thường trong lúc khâm liệm, nhưng không thể cử động được dễ. Bên ngoài, tôi nghe thấy tiếng chân vội vàng chạy xa dần. Tôi đoán chắc hắn đi tìm cái gì để đè lên mặt săng cho nặng thêm. Nhân cơ hội tôi thét lên một tiếng rất dữ, đạp một cái hết sức mạnh, nắp săng bật ra một chỗ, tôi ngồi dậy thì hắn đã tiến đến, cái ống tiêm thuốc độc cầm ở một tay. Tôi vùng đứng lên, vừa sợ vừa giận. Hắn bước tới, tôi liền níu lấy tóc, nghiến răng ấn đầu hắn xuống rồi nhảy xổ lại đè lên mình hắn: cái ống tiêm rơi xuống, vỡ tan ra. Hắn bị tôi cưỡi lên ngực, hai cánh tay bị dập dưới đầu gối tôi, và cổ bị hai bàn tay tôi thắt vào đến hai mươi phút. Tôi càng nhìn cái mặt thú vật của nó, cái bộ mặt mà mới hôm trước đây, tôi còn yêu quý, thì cơn giận cứ bốc lên mãi, tôi bóp ghì lấy cổ nó mà vẫn không rõ là mình làm gì. Lúc nó đã tắt thở rồi, tôi mới buông tay ra. Bấy giờ đúng mười hai rưỡi.

Tôi không sợ hãi, không hối hận, không vội vàng, vì không cho sự giết thằng khốn nạn ấy là một tội ác. Tôi xốc nó lên, bỏ vào săng đậy nắp lại tử tế, thu xếp ít tiền bạc, giấy má, định gieo thành một mối bí mật, rồi đi.

Nhưng tôi nghĩ lại ngay, nên thuê xe đến gọi anh Tri kể cho anh nghe để cùng với anh khu xử việc này... Lúc tôi vào bước lên đây, trông thấy các anh, tôi thú thực rằng hơi có ý nghi ngờ các anh... đồng lòng với Mão. Bởi vì... các anh xét hộ, tôi bị một kẻ tâm giao độc nhất xử với tôi một cách ghê gớm như thế... làm cho tôi tưởng phát điên lên mất, tôi tưởng rằng ở đời này thế cả... họ thấy lợi là họ quên cả tình nghĩa... Các anh tha thứ sự nghi ngờ ấy cho tôi.

Tâm nói đoạn thở dài một tiếng rất cay đắng, gục đầu xuống sụt sùi. Chúng tôi ngồi lặng nhìn nhau...

Đêm hôm ấy, chúng tôi không ngủ, sau bàn nên để anh Tâm ở yên một chỗ, dựa theo cái ý kiến mà Tâm đã nghĩ tới, xoay việc án mạng kia thành một thiên bí mật để không ai dò được manh mối ra sao.

Chúng tôi làm như người ngạc nhiên trước nhất về chuyện này, đi trình các nhà chuyên trách đến khám xét chỗ ở của Tâm và thản nhiên, trả lời rất khéo những câu hỏi mà chúng tôi đã đoán biết từ trước.

Bỗng nhiên, ngay sáng hôm ấy, đang khi tra vấn kỹ lưỡng thì anh Tâm lại lù lù hiện ra, nói rằng mình đi vơ vẩn suốt đêm, rồi đem kể hết đầu đuôi việc xảy ra đêm trước.

"Tôi đã giết người, các ông dẫn ngay tôi vào ngục".

Đó là câu nói sau cùng của anh ta.

Cuộc thẩm vấn, chúng tôi cố chạy cho mau chóng và rất công minh, nên một tháng sau, lúc ra tòa, Đàm văn Tâm được trắng án. Chúng tôi cũng không được vui mừng lắm, vì Tâm vẫn giữ vẻ nhẫn nhục, rầu rĩ như hôm mới bước chân vào đề lao.

Anh cám ơn công săn sóc của chúng tôi, rồi tự giam mình trong gian nhà phố Hàng Bột, nhất định không tiếp ai cả: sống ở đấy một cách yên lặng, kín đáo, bảo là một cách thầm vụng cũng được, như muốn cho người ta quên mình đi.

Một hôm, người đầy tớ già của Tâm đến nhà anh Tri nói rằng chủ mình đã hai hôm nay ở tịt trong phòng. Chúng tôi đến, phá cửa vào xem thì thấy anh ta gục đầu lên bàn trên một tờ chúc thư để của cải cho các viện tế bần, người lạnh ngắt và cứng đờ.

Lần này thì anh Tâm chết thật.

Lưỡi tầm sét

Bên ngoài mưa như trút bao nhiêu nước xuống; sấm chớp làm rung chuyển các cửa kính. Trong một phòng ngủ trường Cao Đẳng tối hôm đó, các sinh viên đã mặc quần áo tử tế, ngồi bực dọc trên mấy chiếc giường con. Một người Sài Gòn tì trán vào mặt kính cửa sổ trông ra, nhắc đi nhắc lại mãi một câu:

"Giận quá! Trời mưa hoài".

Vì tối hôm đó là một tối thứ bảy, họ tự cho phép lãng quên sách vở để đi diễu các phố hay tìm đến những nơi hò hẹn, tư tình. Cái buổi tối vui thú chờ đợi trong cả một tuần lễ nay mà lại gặp phải trời mưa, ai chẳng lấy làm khó chịu?

Năm, sáu người đang xúm nhau nói đến những chuyện tình duyên, chuyện "săn đuổi" cho qua thì giờ, bỗng một tiếng cười bật to lên; ai nấy quay lại xem, thì là anh Chung, một sinh viên mỹ thuật. Chung vứt mẩu thuốc lá xuống, chống tay ngồi thẳng dậy :

- Tôi sực nhớ đến một câu chuyện kỳ khôi lắm, các anh muốn nghe không?

Mọi người giục kể, thì Chung thong thả nói :

- Phải. Một chuyện lạ thường, lại hình như huyền hoặc nữa. Nhưng các anh nên biết là chuyện có thực, vì chính có cả tôi ở trong.

Mùa hè năm kia, tôi về chơi nhà một người bạn học cũ tên là anh Lê Kỳ. Một chiếc nhà mái lá cửa gỗ ba gian, đứng trơ trọi ở bên con đường đất đi về làng Phương Canh, dưới một cây đa. Chung quanh toàn là đồng khoai ruộng lúa rộng bát ngát.

Thỉnh thoảng bỏ cảnh náo động Hà Nội về nghỉ đây ít ngày còn chịu được, chứ cứ ở luôn trong nơi vắng yên đó thì tôi đến chết vì buồn.

Kỳ lại khác. Anh ta yêu chỗ ở của mình một cách lạ lùng, không bao giờ vắng nhà đến một ngày. Quanh năm cặm cụi với đống sách mà anh ta không bao giờ tiếc tiền mua. Anh ta là hạng người sống về ngòi bút như ta thường nói, sống một cách thanh đạm, bình tĩnh, nhưng tự do. Cái vui thú duy nhất của anh là viết được bài khảo cứu hay, hoặc tìm được quyển sách có giá trị. Lại phải nói cho các anh biết rằng Kỳ không ưa đàn bà một ly nào cà. Đó là vì bẩm tính của anh ta cũng có, nhưng phần nhiều vì anh ta là người cư xử rất vụng về. Cái đời làm việc bằng trí khôn ở trong một xó nhà quê đã khiến cho anh ta thành yên lặng và không thiết để ý đến sự ăn mặc. Đầu húi ngắn, vẻ mặt thật thà, trông anh ta chẳng khác gì một bác "nhà thầy" hiền lành. Người như thế, ở một nơi như thế thật hợp lắm.

Trong các bạn học cũ ở Bưởi chỉ có tôi là còn đi lại với anh Kỳ, chỉ có tôi hiểu và yêu tấm lòng giản dị của anh ấy thôi. Một, hai năm, rồi lại về ở với anh mấy ngày. Năm ấy, tôi định ở chơi luôn hai tháng hè và nghỉ dưỡng sức ở đó nhân thể.

Chiều hôm đầu tôi đến, Kỳ nghỉ làm việc sớm, hai tay xoa vào nhau, cười một cách rất sung sướng thơ ngây và bảo tôi :

- Nào, lại buông võng ngồi nói chuyện như mọi khi đi! Rồi anh kể cho tôi biết việc học hành của anh nhé.

Đó là một cái thú riêng của chúng tôi. Những lúc hai người cùng đưa qua đưa lại trên chiẽc võng đay, nghe tiếng kẽo kẹt trên kèo tre trong cái yên lặng mông mênh của nhà quê, mà nhắc đến những hồi còn nhỏ, hồi mới biết nhau; nói đến những việc mình đang làm, mình định làm, hay là bàn về chuyện tương lai, thì thấy sung sướng như được đọc một quyển sách rất hay hoặc đi xem những cảnh thích mắt. Chúng tôi ngồi với nhau như thế hằng bốn năm giờ một, có khi quên cả buồn ngủ, quên cả đêm khuya.

Chiều hôm ấy, mới có hơn năm giờ, lại về mùa hè, mà trời bỗng tối sầm xuống. Chiếc mành trước nhà vật mãi vào cửa, trên mái lá tiếng kêu sột soạt như có tay ai xoa lên hoài. Không khí nóng bức và nặng nề rất khó chịu. Chúng tôi ăn vội bữa cơm thằng nhỏ dọn lên, rồi đóng các cửa vào, thì mưa bắt đầu đổ xuống tường không đời nào hết nước. Cứ thế cho đến tám giờ tối. Chúng tôi chắc cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, không ngờ mười lăm phút sau, nước trút xuống càng dữ. Gió đổi chiều táp mãi hạt mưa với bức mành lên mặt gỗ, nước trên cửa chảy xuống chạy vào cả trong nhà. Sấm sét bắt đầu nổi lên ầm ầm, luôn bên tai chúng tôi thấy như núi lăn, đá vỡ. Chiếc đèn treo giữa nhà se sẽ đưa đẩy, bóng đèn va vào chụp thành những tiếng kêu khẽ, ngọn lửa bồng bồng, chốc chốc lại đưa cao lên một lát, trông đỏ lừ.

Giỏ thổi càng già thêm, tiếng vụt qua khe cửa nghe rít lên từng hồi giận dữ và thê thảm. Không khí trước mát, sau hóa lạnh dần.

Mỗi lúc sấm dồn sét nổ lên, tôi lại lo ngại thêm.

Anh Kỳ ngồi trên võng sát với tôi, vẫn thản nhiên như đã quen với những phút kinh hoảng ấy. Tôi muốn bắt chước Kỳ, nhưng không thể nào trấn tĩnh được. Trong bầu trời mưa gió ầm ầm tối hôm ấy hình như nồng nặc chất chứa những luồng điện, khiến cho lòng người càng khắc càng nặng thêm.

Mấy lần tôi nói ra được một câu đều bị tiếng sấm sét át đi mất; sau tôi hỏi Kỳ :

- Anh có sợ sét không?

- Không. Việc gì mà sợ?

Một cái chớp loáng, làm tôi nín thở. Sau một tiếng nổ to và gần, Kỳ thấy sắc mặt tôi biến mới hỏi :

- Thế ra anh sợ sét ư?

Tôi gật :

- Sợ. Nhưng không phải sợ bị sét đánh. Tôi dẫu ở trong trường có cột thu lôi cũng thế, cứ nghe tiếng sấm sét là khó chịu rồi. Nhưng khi có người ngồi cạnh hay có đông người là tôi đỡ hồi hộp.

Tôi thú thực được cái tính nhát của mình với anh Kỳ nên không phải giữ gìn như trước nữa, tôi ngồi sát lại mình bạn mỗi khi có chớp loáng, và hai tay bịt chặt lấy hai tai.

Nhân đó, câu chuyện của chúng tôi xoay ra nói về sấm sét. Tôi được dịp thấy cái học rộng rãi và những điều phán đoán sâu sắc của anh Kỳ. Anh kể cho tôi nghe đến những sách lạ khảo cứu về điện học và những lý thuyết mới về "thiên lôi". Lại không quên kể những điều dị đoan của từng dân tộc. Tôi chú ý nhất đến những chuyện truyền thuyết của ta về "lưỡi sầm sét" mà Kỳ kể ra một cách rất có duyên... Nhưng sự chú ý của tôi chỉ làm cho tôi thêm mạnh lòng mê tín.

Nghe tiếng gió chạy như cuống, tiếng mưa đập từng trận trên mái nhà và bốn chung quanh, nghe tiếng sấm sét rung chuyển cả một bầu trời tối tăm, tôi lại tưởng đến những chuyện yêu quái núp vào những gốc đa hay chùa cổ để ẩn tránh lưỡi tầm sét. Khi người ta gặp điều lo sự thì lòng dễ sinh yếu đuối, dễ nhận những điều mê hoặc, dẫu mình là người có học thức. Tôi cũng vậy. Kỳ thấy tôi mỗi lúc một băn khoăn thêm thì nói đùa :

- Thế giá anh ở một mình ở đây thì sợ đến đâu?

Tôi đáp :

- Chả bao giờ tôi ở một mình.

Im một lúc, tôi lại nói :

- Này anh Kỳ ạ, nói bỡn mà chơi chứ, nếu có con ma, con tinh nào chạy trốn vào đây bây giờ thực thì anh bảo sao?

Kỳ phá lên cười, nhưng một luồng chớp sáng lạ lùng loáng lên, rồi liền đỏ một tràng sét đổ lăn bên tai chúng tôi cùng một tiếng ghê gớm. Cả chiếc nhà rung lên một lượt. Tôi nắm rất chặt lấy tay Kỳ, quả tim chừng đứng lại.

Tiếng sét nổ gần lắm, đến nỗi mùi điện khét lẹt xông nặc lên. Đến gần mười phút đồng hồ, chúng tôi không ai nói gì qua: Kỳ như cũng lây cái sợ của tôi. Mưa bên ngoài vẫn như thác rộn, sóng gầm, sấm sét cứ liên hồi chạy từ góc trời này sang góc trời nọ.

Kỳ lắng tai, đưa một ngón tay thong thả đánh nhịp lên trên không như đếm cái gì... Tôi hỏi :

- Anh làm gì thế?

- Nhà dột... Đấy, anh có nghe tiếng nước nhỏ xuống không?

- Có. Nhà hay dột thế kia ư?

- Không. Tại hôm nay mưa to quá. Tôi phải đi xem mới được.

Rồi Kỳ nhảy xuống đất, đến bên cái bàn ở gian bên kia, thu gọn đám sách bị ướt sang một chỗ rồi lấy cái cốc lớn hứng lấy những giọt nước rơi.

Một cái chớp loáng nữa, Kỳ vội chạy đến với tôi. Tiếng sét vừa nổ xong thì bỗng có tiếng đập cửa sầm sầm. Chúng tôi kinh ngạc trông ra thì tiếng đập cửa càng thêm mạnh, càng thêm gấp, Kỳ hỏi lớn :

- Ai đấy?

Nhưng chỉ có tiếng tay nện vào cánh cửa trả lời. Một lát mới thấy tiếng kêu, tiếng kêu the thé rít lên cùng với tiếng gió thổi :

- Mở... cửa... cho tôi...! Mở cửa cho tôi với!

Chúng tôi nhìn nhau không nói gì. Ngoài cửa, tiếng gọi, tiếng đập như thúc giục :

- Mở cửa mau lên!

Tôi hỏi Kỳ :

- Thẳng nhỏ đâu?

- Nó đắp chiếu ngủ kia.

- Đánh thức nó dậy mở cửa xem.

- Thôi, để tôi mở.

Tuy vậy, Kỳ vẫn ra chiều lưỡng lự. Anh chậm chạp xỏ chân vào đôi guổc, như người đang suy tính. Tiếng đập cửa càng thêm gấp. Kỳ chắc lưỡi một cái rồi quay ra mở cửa liền.

Then vừa rút thì cánh cửa bị đẩy mở tung ra. Một trận gió mạnh xông ồ vào làm cho ngộn đèn treo vụt tắt. Tôi thoáng thấy một bóng trắng ở ngoài vừa chạy qua bực cửa vào nhà. Kỳ cố sức đẩy mới đóng được cánh gỗ lại và gọi tôi rối rít :

- Anh Chung, anh Chung lấy hộ tôi bao diêm...!

- Để đâu?

- Trên mặt hòm ấy!

Tôi đánh diêm thắp được đèn lên thì thấy hiện ra mộc cảnh tượng rất quái lạ: một người đàn bà - một người con gái thì đúng hơn - mình mẩy trần truồng, chỉ còn mấy mảnh quần rách bươm không đủ che thân, đang đứng vừa run vừa nhìn chúng tôi một cách kinh hoàng. Mặt xanh xám, nhưng trông vẫn thấy vẻ đẹp. Lạ hơn hết là đầu tóc cô ta trụi như mới cạo - cả đôi lông mày cũng trụi, chỉ còn trên mắt hai nét lờ mờ xanh.

Kỳ đứng ngay cạnh cô ta, trông lại nực cười hơn. Anh chàng há mồm ra, đôi mắt mở rất to, đến hơn một phút đồng hồ không cử động mà cũng không nói nửa tiếng. Các anh nên nhớ rằng Kỳ không ưa gần đàn bà, con gái; thường ngày cứ gặp họ thì đâm ra lúng túng, mặt đỏ đến tận tai.

Ba người đương giương mắt nhìn nhau bỗng chớp lại loáng lên, một hồi sét nổ dồn lại nghe rất gần. Người con gái đang run, bỗng giật nẩy mình, cuống cuồng lên, rồi... ôm choàng ngay lấy Kỳ không chịu bỏ ra nữa. Mặt cô ta lộ ra vẻ kinh hãi hết sức, mắt long lên sòng sọc, môi lẩy bẩy kêu mãi mới ra một câu: "Giời ơi! Sét! Sét đánh!"

Kỳ vừa toan gỡ cái cánh tay trắng xanh kia ra, vừa trông tôi ra ý cầu cứu. Anh ta thấy tôi phì cười lại càng lúng túng, mắt ngơ ngác nhìn quanh nhìn quẩn, lúc nhìn đến cái thân lõa lồ của người con gái, anh ta mắm miệng lại một cách chán nản rồi quay đi.

Mưa lúc ấy tuy ngớt dần, nhưng sấm vẫn cứ ù ì chuyển.

Kỳ ngượng quá, phát cáu, ghé vào tai cô kia hỏi lớn :

- Làm sao lại thế này mới được chứ?

Thì người con gái chỉ lắc đâu không thưa.

Sau cùng tôi phải lấy cái áo đi mưa của Kỳ khoác cho cô ta, cố sức giằng cô ta ra và ấn ngồi xuống bộ ngựa gần đó. Cô ta run như cầy sấy, ngồi nép vào vách, đôi mắt mở lớn nhìn trân trân về một phía như không nghĩ ngợi gì.

Tôi cúi xuống se sẽ hỏi, nhưng cô ta không đáp, hình như không nghe thấy lời tôi.

Kỳ kéo tay tôi bảo :

- Người ta vẫn còn sợ, anh đừng hỏi vội, để người ta hoàn hồn đã.

Chúng tôi lui sang gian bên cạnh, bàn nhau lấy mấy cái quần áo đưa cho cô mượn. Nhưng khi mang quần áo ra thì người con gái vẫn ngồi nép vào vách, ngơ ngác như người mất trí khôn. Cô ta giương tráo mắt nhìn bộ quần áo rồi lại lén lút nhìn chúng tôi. Tôi nói :

- Cô mặc áo vào.

Cô ta không nói gì. Tôi phải giục :

- Cô mặc áo vào cho khỏi lạnh.

Cô ta vẫn ngồi yên. Tôi quay lại khẽ gọi Kỳ :

- Có lẽ cô ta điên, anh Kỳ ạ.

- Không. Họ sợ chứ không phải điên.

- Nhưng sợ gì?

- Chắc họ gặp sét. Họ bị sét đánh!

- Tôi không hiểu. Gặp sét đánh sao không chết...?

- Cái đó, tôi cũng không hiểu nốt.

Tôi nói :

- Dẫu sao, ta để cho cô ta thế cũng không tiện, ta mặc quần áo hộ cô ta.

Người con gái để chúng tôi đỡ dậy và mặc xống áo cho như đứa trẻ con, không ngượng, không thẹn, mơ hồ không biết gì hết.

Nhìn đồng hồ thì đã gần mười rưỡi. Gió đã đỡ mạnh, mưa cũng tạnh dần. Tôi khoác thêm lên vai cô khách kỳ khôi kia một cái chăn mỏng mà Kỳ vừa đưa cho tôi, và để cô ta ngồi yên đó.

Kỳ mặc tôi coi người con gái, còn mình thì đi súc ấm, lấy chè và đánh thức thằng nhỏ dậy xuống bếp lấy nước lên đun. Thằng nhỏ thấy người lạ thì hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì cả.

Khi ấm nước trên ngọn đèn cồn đã sôi, chúng tôi đang chăm chú pha chè thì cô khách bỗng thở một tiếng dài.

Không hiểu sao, tôi lại thấy rợn người lên; quay lại xem, thì cô ta đã ngồi thẳng dậy, hai mắt tinh nhanh vừa chớp vừa nhìn chúng tôi như người đang tỉnh giấc mộng.

Cô ta thong thả trông sau trông trước, trông ngọn lửa đèn cồn đang nhảy nhót rồi nhìn xuống bộ quần áo đàn ông rộng và xốc xếch cô mặc trên mình... Rồi cô đưa tay lên đầu, thấy đầu trọc nhẵn không còn qua sợi tóc nào thì giật mình. Nước da tái mét lúc trước đã dần dần đỏ, mặt có vẻ e thẹn và ngượng ngập quá chừng. Cô hé miệng ra toan nói, nhưng lại thôi ngay, bỏ cái chăn đơn với chiếc áo tơi phủ trên mình xuống.

Tôi bưng một chén nước nóng lại mời, nhưng cô ta bẽn lẽn không cầm. Trông cái đầu ni cô không có khăn vuông kia với bộ quần áo cộc trắng đàn ông lụng thụng phủ chiếc thân bé nhỏ kia, lúc khác thì tôi buồn cười, nhưng lúc ấy tôi chỉ lấy làm lạ.

Chúng tôi đứng yên xem cô ta định làm gì, thì thấy cô ta tiến lên, bước nhẹ nhàng và e dè, ra mở cánh cửa mà thằng nhỏ chưa cài then, quay lại nhìn chúng tôi lần sau cùng, rồi bước ra, một tay đóng trái cửa lại.

Chúng tôi càng thêm kinh ngạc, đứng nhìn nhau đến ba, bốn phút, anh Kỳ thì vừa cắn môi, vừa nghĩ, còn tôi thì ngờ ngờ, vực vực, lẩm bẩm nói :

- Người hay là ma?

Rồi cái ý tưởng vô lý này cứ vẩn vơ trong trí tôi hoài, muốn quên đi mà không được, tôi bỗng trông thẳng vào mặt Kỳ, nói :

- Người gì mà lạ thế, anh nhỉ?

Kỳ không đáp.

Tôi nhắc lại :

- Người gì mà lạ lùng kỳ quái đến thế?

Trong hai tiếng "người gì", tôi có ý nói không phải là người thường... không phải là người.

Kỳ như hiểu tôi, sẽ lắc đầu, trả lời như có ý trách :

- Sao anh lại có óc mê tín đến thế!

Tôi đáp :

- Có lẽ tôi mê tín thực, nhưng ta thử ra xem "hắn" đi đâu?

Chúng tôi mở cửa ra ngoài. Một cơn gió lạnh thổi qua mặt tôi. Mưa đã tạnh hẳn.

Chung quanh, những ếch, nhái đã bắt đầu lên tiếng. Trên trời, một nửa trăng đang chui qua vừng mây đen lớn: hồi ấy vào khoảng trung tuần tháng năm.

Chúng tôi ra khỏi cái cổng không đóng bao giờ, nhìn lên con đường mờ mờ và xa tít len lỏi vào đám ruộng bát ngát.

Trên mặt đường, từng vũng nước lấp lánh vì ánh trăng sáng. Không thấy bóng người mặc quần áo trắng đâu.

Đêm ấy, chúng tôi cứ lấy làm kinh dị hoài gần sáng mới ngủ được.

Chung kể đến đó thì ngừng lại lấy thuốc lá hút. Một người bạn nóng ruột hỏi :

- Thế rồi sao nữa?

- Thế là hết câu chuyện dị kỳ đêm hôm ấy...

- Nhưng chả nhẽ câu chuyện chỉ có thế. Anh phải kể nốt: rồi sau ra sao?

- Rồi sau chúng tôi không còn thấy gì nữa. Trong hơn một tuần lễ, tôi ở chơi với Kỳ, ngày nào chúng tôi cũng nói đến người con gái hôm xưa. Tôi đã có lần ngờ là gặp ma, còn Kỳ thì chẳng ngờ gì hết. Anh ta cũng không phân giải được ra sao. Rồi chuyện đó quên dần đi, chúng tôi chỉ để tâm đến công việc riêng mình. Hồi ấy Kỳ đang soạn một cuốn sách mà anh ta muốn làm cho thành một tác phẩm có giá trị.

Tôi ở đó lâu cũng sinh chán, muốn từ giã Kỳ để đi chơi nơi khác, nhưng bạn tôi cố giữ lại cho đến gần hết nghỉ hè.

Một hôm, tôi đi dạo một mình, lúc trở về đến cổng thì gặp một người con gái nhà quê ở đó đi ra; cô này trông rất đẹp, áo nâu, quần lĩnh, đầu chít khăn vuông. Dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng, tôi cứ tấm tắc khen ngợi mãi. Tôi lấy làm lạ rằng cái bác "thầy tu" kia sao lại có người khách yểu điệu đến thế, sực nhớ ra cô gái trần truồng, trụi mày trụi tóc đêm xưa.

Tôi bước vội vào nhà thì Kỳ ta mặt đỏ bừng, đang ngồi giở xem một bộ quần áo trắng để bên mấy bao chè tàu mới nguyên. Thấy tôi, Kỳ vừa bẽn lẽn, vừa vui mừng, anh nói với tôi mà giọng run run, ra chiều cảm động :

- Cô con gái hôm nọ lại cảm ơn chúng mình đấy.

- Thảo nào tôi trông quen quen.

- Thế ra cô gặp anh?

Tôi gật, rồi mỉm cười trông bạn. Anh ta lại đỏ bừng mặt lên.

Một lát, Kỳ trấn tĩnh được ngay, anh nói :

- Cô ta đến để trả bộ quần áo đêm nọ mình cho mượn, và đền ơn mấy bao chè. Tôi đã cố chối từ, nhưng cô ấy cứ nài, nên tôi chả làm thế nào được. Cô ta kể cho tôi nghe rằng hôm ở đây ra về bị ốm một trận đáo để, ốm vì sợ hãi quá. Bao nhiều điều tôi đoán về cô ta đều trúng cả nhưng tôi chưa nói với anh là vì tôi chắc anh sẽ không tin. Tôi biết rằng cô ta bị sét đánh rách hết áo quần và "gọt" hết tóc với lông mày, nhưng không chết. Nghe cô ta nói thì quả thực vậy. Đêm hôm ấy, cô ta đi thăm người bà con ở làng bên ốm nặng, lúc về nửa đường thì gặp mưa. Cô ẩn dưới cây đa to cách cây đa nhà ta chỉ độ ba trăm thước. Đợi mãi mưa không ngớt, cô ta định chạy vào đây trú, nhưng cô biết tôi ở đây có một mình, lại không quen tôi... mà đàn bà, con gái đêm hôm... Sau thấy sấm sét dữ quá, cô đánh bạo chạy về đây thì ngay lúc đó, một tiếng sét đánh vào cây đa to, luồng điện đi qua vật cô ta xuống. Lúc cô ta đứng được dậy cũng vẫn còn mê mẩn vì khiếp sợ, thân thể lõa lồ cũng không biết, chỉ tìm cách trốn thoát "lưỡi tầm sét" của ông "thiên lôi" thôi. Rồi lúc vào đây, lúc ta mặc quần áo cho thì cô ta còn trong cơn kinh hoảng không e thẹn gì. Mãi sau, khi hoàn hồn rồi, mới biết xấu hổ... Cô ta ra khỏi nhà liền theo đường tắt một mạch chạy về làng...

- Nhưng "thiên lôi" gì lại đánh người ta một cách kỳ khôi thế?

- Tôi chỉ biết đó là sự thực, còn tại sao bị sét đánh mà không chết thì cũng chịu không cắt nghĩa được. Ở một cuốn sách khảo cứu về "sấm sét" của Flammarion [1], tôi thấy có chuyện tương tự như thế, mà người bị đánh còn bị văng ra đến ba, bốn chục thước nữa kia.

- Thế thì lạ thực. Còn người con gái kia... anh có biết là người ở đâu không?

- Người ở trong làng, con ông Hương, ông Lý nào đó thì phải. Sau hôm đó, cô ốm gần một tháng, ốm vì bị sét đánh thì ít, mà ốm vì sợ hãi thì nhiều... Người nhà định đem trả quần áo tôi đã lâu, nhưng cô ta muốn tự mình đem đến, để nhân tiện trả ơn mình. Mà không đem đến ngay, tôi chắc là... vì lông mày với tóc chưa mọc đủ.

Ngừng lại một lát, Kỳ lại tiếp :

- Cô ta... kể cũng có duyên đó chứ.

Lần đầu tiên, tôi thấy bạn tôi nói ra một câu bình phẩm như câu này.

Chú thích:

[1] Camille Flammarion: "Les caprices de la Foudre". Một người lạ

Chiếc ô-tô hàng chạy Đồ Sơn - Hải Phòng vừa đỗ ở bến Xăm thì người ngồi bên trái tôi ghé tai tôi khẽ nói :

- Người ngồi trước mặt chúng ta là người hội kín đấy.

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Thực không?

- Thực, chính hắn là một người hội kín...

- Sao ông biết?

Người kia càng ghé gần lại tôi, hai mắt liếc ra một cách bí mật :

- Tôi biết đích hẳn thế, vì, ông trông kia kìa, hắn ta đang nhìn qua cái điếm canh kia ra dáng e dè, như lo rằng có người lên khám xét.

Tôi sực nhớ hôm ấy là ngày mồng một tháng năm Tây. Hồi đó hay có những vụ biểu tình, nên mọi nơi canh phòng cẩn mật lắm.

Nhưng bảo rằng cái người đàn ông trẻ tuổi, gầy gò, mặc áo vài thâm, đội mũ trắng, đang ngồi đối diện tôi, là một tay hội kín vì hắn chú ý đến cái điếm canh kia, thì vô lý thực. Người đâu rõ khéo đa nghi.

Tuy tôi nghĩ thế nhưng lời nói của người ngồi bên cạnh cũng làm cho tôi hơi khó chịu đôi chút. Rồi từ lúc đó, tôi cứ để mắt xem xét người đàn ông gầy gò kia hoài.

Người này trạc độ hai mươi, da mặt hơi xanh, nét mặt rắn rỏi. Đôi mắt rất linh động nhìn mọi người một cách khinh bỉ như nhìn kẻ thù. Hắn ta để trong lòng một gói gì bọc trong tờ báo Tây, một tay cẩn thận giữ lấy gói ấy, một tay cầm tờ nhật trình ta mở một nửa, nhưng lúc ấy hắn không đọc.

Tôi định mượn tờ báo để gợi câu chuyện với hắn. Nhưng hắn xẵng tiếng trả lời :

- Tôi đọc chưa xong!

Mà hắn có đọc qua chữ nào đâu? Hắn vẫn mải nhìn các người trong xe, rồi lại chăm chú ngoảnh đầu ra nhìn bộ binh khí là những giáo, mác, đinh ba, câu liêm đã rỉ cắm lên một cái giá tre ở trước cửa điếm canh. Mặt hắn lộ vẻ băn khoăn khó chịu.

Mãi đến lúc xe chạy, hắn ta mới quay xuống với tờ báo. Nhưng chỉ nhìn qua mấy mục rồi cứ gườm gườm liếc trông các người ngồi chung quanh.

Người bên cạnh tôi lại bấm tôi, sẽ nói :

- Đấy, ông xem đấy, hắn không phải tay vừa đâu. Không là "người lương thiện" đâu!

- Ông quá nghi ngờ đấy thôi. Người hội kín nào dám đi qua đây...

- Không phải là tôi nghi ngờ... Người này trông giống một tay hội kín trên báo lắm.

- Sao lại hội kín trên báo?

- Một người có hình in trên báo, ông nghe ra chưa?

Tôi tỏ ra ý không tin thì người kia không bằng lòng, nói :

- Đấy, rồi ông xem tôi nói có sai không. Chốc nữa xe đến cầu huyện Rào, người ta khám xét kỹ càng thì chắc thế nào hắn cũng bị bắt.

Biết rằng cùng một chuyến xe với mình có một người hội kín, nhất là vào giữa hồi dễ bị tình nghi như hồi đó thì còn khó chịu nào hơn nữa không? Tôi muốn quên người trẻ tuổi trước mặt đi, không muốn nghĩ ngợi lôi thôi như anh chàng đa nghi bên cạnh. Ấy thế mà anh chàng thỉnh thoảng lại ghé sát tai mình thì thầm và cứ bắt mình phải chia sẻ cái lo ngại vô lý của hắn!

Xe chạy tới đường rẽ sang Kiến An lại đỗ.

Người bạn cùng ngồi một ghế với tôi càng ra vẻ lo ngại thêm. Rồi không biết nghĩ ngợi thế nào, chàng ta kéo ô lách qua mọi người để xuống. Tôi hỏi :

- Ông về Hải Phòng kia mà?

- Phải. Nhưng tôi muốn xuống đây.

- Nhưng còn xa mới đến Hải Phòng...

- Được. Tôi đi xe sau cũng được.

Tôi muốn hỏi nữa thì hắn đã xuống khỏi xe. Tôi ngoái đâu ra ngoài trông theo thì thấy hắn ta ra chiều khoan khoái như cất được gánh nặng.

Xe chạy liền.

Tôi bị mấy người mới lên chen dữ quá, suýt tụt cả khăn. Người đối diện tôi trông vẫn bình tĩnh như thường, trên nét mặt lạnh lùng thản nhiên của hắn ta, tôi chỉ thấy linh hoạt có hai con mắt.

Tôi chợt nghĩ:

"Ừ, thế ngộ hắn là người hội kín thật thì sao". Rồi tôi đâm lo. Lúc nãy vừa cười anh chàng ngồi cạnh là gàn, mà đến bây giờ mình cũng dở hơi nốt. Hội kín thì hội kín chứ, mình có liên can gì với họ đâu mà sợ lụy đến mình. Nhưng tôi vẫn không được yên lòng, tôi vẫn băn khoăn, hình như tâm trí còn cảm thấy có một điều nguy hại sẽ xảy tới...

Tôi muốn nghĩ đến những chuyện khác, những cái phiền muộn riêng, để quên nỗi lo ngại kỳ dị bây giờ đi. Tôi muốn quan sát các người nhà quê trong xe, muốn tìm những dáng điệu ngộ nghĩnh của họ để "giải trí". Nhưng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến người "hội kín" ngồi trước mặt và chốc chốc lại phải đưa mắt nhìn hắn ta.

"Ừ, tại sao hắn cứ cầm mãi tờ báo kia như người vờ đọc thế? Mắt hắn sao có vẻ đăm đăm như người đang tính đến một việc ghê gớm gì? Mà còn cái gói kia...! Gói gì mà to thế? Mà sao hắn giữ cẩn thận quá như thế?..."

Tôi bỗng rợn người lên: tôi vừa trông rõ những hình to bằng nắm tay, tròn, rắn, in lẳn dưới lần giấy gói, và chợt có cảm giác rằng đó là những quả bom!

Rồi cái hạt nghi ngờ mà người đàn ông lúc nãy gieo trong trí tôi cứ nở to mãi ra. Sau cùng tôi không ngờ nữa: tôi tin là sự thực.

"Trời ơi! Quả bom! Bây giờ mà hắn vô ý đánh rơi xuống thì chết cả lũ!"

Tôi nghĩ bụng thế rồi bắt đầu sợ hãi không biẽt chừng nào mà kể. Nhưng hắn không vô ý đâu. Hắn cẩn thận giữ gìn những quả bom kia, có nhẽ lại hơn tính mệnh hắn. Người ta chen nhau trên ô-tô, thích hắn, đẩy hắn, ngã lên vai, dẫm lên chân hắn: hắn vẫn mặc kệ. Nhưng đừng ai động đến gói quả bom.

Một lần có người nhà quê rút cái đòn gánh dưới gầm ghé lên, lóng ngóng thế nào chực gạt phải cái gói giấy. Hắn vừa hất cái đòn gánh ra, vừa quát một tiếng thực lớn: "Này khéo!" khiến cho mọi người đều đổ dồn mắt lại nhìn hắn. Hắn lại ngồi lặng thinh ngay.

Ô-tô gần tới cầu Rào, đang chạy hơn 30 cây số một giờ, phải hãm chậm lại.

Mọi người trong xe xì xào nói đến những tiếng: "cảnh sát - khám - bắt - hội kín - chung thân..."

Hắn ta vẫn ngồi yên chỉ hơi cau mày.

Người tài xế quay đầu lại nói :

- Các ông lấy thẻ sẵn ra để sang cầu cho người ta khám.

Mặt người hội kín bỗng như tái đi, và như có một vẻ quả quyết khác thường. Hắn gập nhanh tờ báo lại, nhìn các người trên xe một lượt rồi ngồi thẳng người lên.

Tôi hiểu rồi.

Cái nguy hại mà tôi cảm thấy lúc trước đã sắp xảy đến.

Theo các truyện trinh thám tôi đã đọc; thì người bị bắt mà túng thế, thường tự hại mình để luôn thể hại cả những người vây bắt mình. Vậy cái gói tạc đạn kia, nếu bị người ta khám xét ra, và nếu bọn cảnh sát chực lôi thôi, thì người "hội kín" sẽ thản nhiên, nâng cao gói ấy lên, rồi... một tiếng "bòm!"... thế là xong chuyện.

Tôi đã có ý coi chừng trước; định rằng hễ người kia định giở cái kế ghê gớm ấy ra thì đã có tôi ở đó, tôi sẽ hết sức ngăn.

Khốn nỗi, xe chật như nêm, lại gặp lúc xôn xao, người tìm thẻ đánh rơi, người sắp đồ đạc mang xuống: không thể nào cử động dễ dàng được. Tôi bị hai người ngồi cạnh ép chặt lấy hai bên hông, nên thò tay lấy được thẻ trong túi, rồi không thể nào rút tay ra được nữa.

Người "hội kín" thấy tôi cứ giẫy giụa để kéo tay lên thì nhìn tôi chòng chọc. Còn tôi, trong lúc ấy, tôi cũng không rời mắt khỏi gói tạc đạn của hắn ta.

Xe đã qua cầu.

Rồi đỗ.

Năm người cảnh sát oai vệ tiến đến :

- Mọi người trên xe phải xuống hết. Rồi đưa thẻ ra xem!

Tôi cố chết lách được ra khỏi xe thì bị người đội cảnh sát hỏi :

- Đứng lại. Thẻ đâu?

- Ông đội ơi, ở trong chiếc xe này...

- Có thẻ không?

- Có. Nhưng tôi muốn nói...

- Đưa thẻ xem đã!

Tôi bực mình quá, nhưng cũng phải đưa thẻ ra.

- Trong chuyến xe này... hình như có một người mang quả bom đấy!

Người đội cảnh sát trả thẻ tôi và trừng mắt nhìn :

- Ông bảo sao?

- Trong xe có người hội kín!

- Đâu?

Tôi ngoảnh lại xem.

Người hội kín của tôi đang cẩn thận ôm gói quả bom bước xuống. Mặt hắn vẫn giữ nguyên cái vẻ lạnh lùng quả quyết từ nãy. Tôi khẽ nói với viên cảnh sát :

- Kia! Nhưng ông phải coi chừng đấy, đừng để hắn ném cái gói giấy xuống đất.

Người cảnh sát hiểu ý đi đến tận bên người kia :

- Thẻ anh đâu?

Người hội kín thong thả đáp gọn một câu :

- Tôi không có thẻ.

Tôi rùng mình lên một cái, như nghe thấy tiếng hô bắn một người tử tội. Viên cảnh sát mặt tái đi, chưa biết tóm ngay cổ thằng cha bướng bỉnh ấy hay nên hỏi qua loa rồi thôi. Vì có lẽ ông ta cũng nghĩ như tôi: họ túng thế là họ đâm liều mất.

Tôi khẽ bảo người cảnh sát :

- Ông liệu giữ lấy gói giấy đã, rồi hỏi gì hẵng hỏi.

Viên đội cảnh sát gật gù, đưa mắt cho mấy người đi theo, rồi lẹ tay giật lấy gói tạc đạn. Người hội kín hốt hoảng chực với lại, nhưng đã bị hai người giữ chặt lấy tay.
Lúc ấy viên cảnh sát mới dám hỏi :
- Anh ở đâu đến?
- Ở Đồ Sơn.
- Nhưng ở nhà ai?
- Ở nhà Thờ...
- Hừ! Nhà Thờ... anh đi đạo hội kín hẳn. Được, nhưng rồi tôi sẽ biết. Anh định đi đâu?
- Tôi có việc lên nhà thương Nam Pháp, ở gần đây... Tôi đưa ít thuốc lên cho mấy người ốm...
- Phải. Tôi biết. "Thuốc" cho những "người ốm" đó ở trong gói này chứ gì?
Nói được một câu chế giễu lý thú như thế, viên đội cảnh sát mỉm cười ra dáng đắc ý lắm. Rồi ông ta lại hỏi :
- Thế thẻ anh đâu?
- Tôi chưa có thẻ vì tôi là người chưa đến tuổi, lại là người tu hành. Tôi đã có thư của nhà Chung... Thư ấy... tôi để trong gói kia, ông giở ra mà xem.
Thấy câu nói khả nghi, tôi sợ rằng đó lả một cái mẹo của người hội kín. Tôi toan cản lại, nhưng người đội cảnh sát đã đặt gói quả bom lên mặt đường nhựa và đã bắt đầu bỏ lượt giấy bọc ngoài.
Mặt ông ta nửa có vẻ nghiêm nghị nửa có vẻ khôi hài, nhưng hai tay ông ta hơi run run, như không nén nổi sự cảm động.
Bắt được một tay "hội kín" mang những đồ quồc cấm quan trọng đến như thế, có phải chuyện vừa đâu. Mà công trạng của mình tất không nhỏ.
Người đội cảnh sát lóng ngóng mãi, bỏ được tờ giấy bọc ngoài lại thấy một tờ giấy bọc trong, rồi lại đến một tờ thứ ba nữa.
Lúc tờ báo sau cùng đã mở thì ngổn ngang thấy mấy lọ thuốc tây bên cạnh một mảnh giấy gấp, với lại... mười cái ống giác bằng thủy tinh.
Thì ra người "hội kín" của tôi quà là một người tu hành, một "thầy bổn" đem thuốc đi cho "kẻ liệt"!.
Thế Lữ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...