Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Vùng mắt bão 2

Vùng mắt bão 2

CHƯƠNG V
Cuối thu, đầu đông năm bốn chín. Trời chuyển mùa bảng lảng. Cái lạnh khiến trời chuyển màu xám xịt. Lân cuộn mình trong chiếc áo bông, chuẩn bị diễn thuyết một buổi nữa. Điểm diễn thuyết lần này tại bến đò Nuồi, một trong những bến sông có nhiều người qua lại hai bên bờ Cửu An.
Sáng sớm. Sương muối quện thành sợi, vắt vẻo trên cành cây, loã xoã rủ xuống đám cành thấp la đà trên mặt cỏ. Ven sông, những thân dừa ngả nghiêng, gốc bám hờ vào lớp đất mỏng trên bờ, vài tàu lá xoã xượi lật bật đập trên mặt nước. Sóng cuộn mình, vướng phải đám bèo tây dập dềnh, lững lờ lại vài giây rồi lách theo dòng chảy, tan vào đám bọt phập phều. Mấy chiếc thuyền nhỏ tấp lại. Mái chèo va mạn thuyền lộc cộc. Vài người đàn bà nón lá, áo tơi í ới kéo nhau lên chợ. Bờ bên kia, ba bốn gia đình thuyền chài nổi lửa. Mùi cá nướng bốc lên lan trong gió bấc, thơm lựng. Mùi cá quện chút khói mang đến cho người ta cảm giác ấm áp một chút rồi tất cả lại chìm vào hư không.
Chợ bắt đầu đông. Vẫn dáng vẻ tất tả, nghèo nghèo đáng thương của chợ quê thời chiến. Người ta lại vội vã mua mua bán bán. Mớ rau, đấu gạo, bơ muối, ít củ nâu, búp chỉ, cây kim… Trời rét khiến người ta so lại, cố khép thân mong tìm thêm một chút hơi ấm. Đây đó nơi góc chợ, từ đống lá, rác, bay ra mùi khét lẹt. Làn khói trắng đục bốc cao, hoà vào lớp sương mỏng bên lề đường.
Bục diễn thuyết bắc cao quá đầu người một cánh tay. Gánh củ nâu bán mãi không hết, Lân đành nhờ người quen ngồi bên bán giúp. Tập tài liệu cuộn chặt trong thắt lưng, chiếc loa tay anh Thịnh đã chuẩn bị sẵn, Lân bước lên bục.
Nắng mùa đông mệt mỏi lách qua đám mây dày đặc, èo ọt, vàng vọt. Nó như cái nhìn hờ hững của người ốm lửng rọi vào đâu cũng thấy ngác ngơ. Nhưng chính cái nắng bấy bớt ấy lại đủ sức xua đi đám mây mọng nước chỉ chực ụp xuống đầu bao người đang rúm ró vì lạnh trong cái chợ nghèo bên con sông cuộn chảy, nâu sẫm phù sa.
Điều Lân đang nói khiến người dân đang hối hả bán mua trong phiên chợ nghèo dừng cả lại. Không thể không dừng lại khi cái chiến dịch quân sự chết người mà quân Pháp đang rắp tâm thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mỗi người dân nơi này. Không cần biết nó là Điabôlô theo tiếng Pháp hay "cuộn chỉ theo dây" theo tiếng mình. Chỉ biết chiến dịch chó chết ấy nhắm vào vùng đất họ đang coi là quê hương thứ hai này, cái mảnh đất mà khi phải rời bỏ quê nhà, họ đã trú chân lại, sinh cơ lập nghiệp, chờ ngày kháng chiến thành công sẽ quay về đất mẹ. Trên kia, tiếng Lân vẫn trầm trầm vang xa: "Chiến dịch "Cuộn chỉ theo dây" là chiến dịch quân sự lớn nhất của quân Pháp từ trước tới nay trên địa bàn Hải Dương, bao gồm suốt một vùng đất từ phía Nam đường 5 tới bắc sông Luộc, từ tả ngạn sông Hồng tới hữu ngạn sông Thái Bình. Các huyện Ninh Giang, Thanh Miện và phần lớn các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ đều nằm trong vùng tấn công của địch"
- Thế thì nó đánh hết chứ có chừa gì khúc nào đâu? - Một bà địu con đang lần bao tượng trả tiền đấu muối ghé sang người bán vải hỏi dồn.
- Thì hẳn thế chứ còn gì… Mà lặng yên nghe xem ngô khoai, nếp tẻ thế nào đã mới biết mà lo chứ!
- Lo toan gì nữa. Nó mò xuống đây thì tẩn. Ba la với bô lô gì thì mình cũng tẩn… Mà tẩn chưa lại được nó thì lại chạy… Anh chàng bán dậm bên cạnh góp chuyện rồi ngửa cổ cười khơ khớ.
- Chạy mãi à? Chạy mãi thì chạy đi đâu? Choảng bỏ mẹ nó đi chứ. Cứ choảng, không đuổi được nó ngay thì nó cũng phải chờn… Ông lão bán cày đôi mắt nhắm nghiền, ngỡ lão đang ngủ say vậy mà vừa nghe đã bật dậy - Mẹ cha nó, tao đã bảo ngay từ cái đận nó về lập cái bốt Giỗ. Để nó chềnh ềnh, án ngữ ở đấy làm gì giờ chẳng làm bàn tì đánh lại mình…
- Cụ ơi. Nó từ Hải Dương kéo xuống chứ có phải từ bốt Giỗ đâu. Mà lặng yên nghe cán bộ họ nói xem nào. Cứ lao nhao như cá mè vào ao chua, nghe tiếng trắc, tiếng lép thì có mà…
"Mục tiêu của địch trong chiến dịch này là chiếm vùng tự do phía Nam Hải Dương của ta. Cùng với các chiến dịch khác, hoàn thành việc đánh chiếm toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, chiếm đoạt kho người, kho của, chủ yếu để phục vụ cho chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của chúng."
Lân vẫn say sưa với bài diễn thuyết. Nhiệt tình công việc, cộng với nỗi căm thù quân giặc khiến anh cố gắng đưa thông tin rõ ràng nhất đến bà con cái tai hoạ kinh hoàng mà lũ cướp nước đang rình rập đổ xuống đầu họ. Mặc dù những thông tin ta có chủ yếu khai thác từ mật vụ của mình cài vào hàng ngũ quân địch, có thể không thật đầy đủ nhưng nó sẽ giúp người dân phần nào nhận rõ những khó khăn, nguy hiểm từ chiến dịch này của quân Pháp. Ngay cả các đồng chí trong ban thông tin tuyên truyền tối qua nghe về chiến dịch này vẫn bán tín bán nghi. Không lẽ quân Pháp dám thực hiện một kế hoạch quy mô trên cả một vùng rộng lớn như thế. Nhưng cậy quân đông, súng nhiều, làm gì chúng không dám thực hiện. Tối qua, anh Bạ đã chẳng phẫn uất nghiến chặt hai hàm răng:
- Cực nhọc thật. Ai đời, đến cả bộ đội tỉnh, huyện cũng còn không đủ súng đạn để phang lại nó thì nói gì đến cánh du kích nằm vùng chúng mình…
Nghe anh Bạ ấm ức, anh Thoại chen ngang:
- Ai bảo ông là bộ đội mình không có súng? Mình vẫn chả choảng nhau với nó tung hê khắp nơi trong tỉnh đấy thôi…
- Ai chẳng biết là choảng. Nhưng tôi nghe kỹ rồi. Thông tin trăm phần trăm đấy. Quân mình thiếu đủ thứ. Súng thì cứ hai đến bốn người mới có một khẩu. Dân quân, du kích mỗi xã chỉ có từ năm đến mười khẩu thôi mà tạp nham đủ loại, đủ các nước sản xuất… Đạn lại càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường chỉ có từ năm đến mười viên, tiểu liên được từ ba mươi đến năm mươi viên… Ông bảo vũ khí thế mình vất vả là phải… Chưa kể thiếu cả lương thực, quân trang, quân dụng…
- Nhưng mình thắng nó ở lòng quyết tâm, ở ý chí chiến đấu để giữ đất của mình. Nó súng đạn nhiều thật nhưng gặp mình đánh hăng là nó chạy. Bè lũ đánh thuê bì làm sao được với quân chính nghĩa chúng mình… Lân chen vào giữa Bạ và Thoại - Mình đánh chúng bằng tất cả những gì mình có trong tay, trong tim, trong óc. Mình đánh chúng không chỉ bằng súng đạn mà bằng cả vũ khí lòng dân. Đấy rồi các ông xem, cả cái loa tay của anh em mình rồi cũng sẽ thành vũ khí chiến đấu lại với chúng nó…
Buổi diễn thuyết của Lân tại chợ vừa dừng. Bà con còn đang bàn tán xôn xao về những gì anh vừa nói thì ai đó thét lên. Tiếng thét lạc giọng:
- Chạy đi. Máy bay Pháp đến đấy!
Cái chợ nhỏ bỗng nhốn nháo như ong vỡ tổ. Người ta bỏ cả hàng hoá, quăng cả thúng mủng, đòn càn, chạy tháo thân. Chưa kịp tìm xong chỗ nấp, cái máy bay bà già đã sàn sạt trên đầu. Gió từ cánh quạt của nó tốc cả mái rạ, xoáy đất cát trên nền chợ hất tung lên. Rồi bom nổ. Ầm, ầm! Khói bom trùm lên tiếng la hét, gào thét của người dân khốn khổ. Cái máy bay của quân Pháp đen trũi như con quạ già, gầm rú, lồng lộn bên trên, xả bom xuống khoảng đất chỉ vừa mới đây còn tấp nập người mua kẻ bán. Bầu trời như bị băm nát. Khói bom bốc lên đen kịt, quẩn từng quầng, lan rộng mãi ra. Rồi nó lao vút đi. Nhanh và bất ngờ chẳng kém gì lúc nhào đến ăn cướp.
Tiếng gào khóc, gọi tìm ầm ĩ. Chắt con rời chỗ nấp. Không hầm hào, cô may mắn lọt xuống bờ sông, đúng chỗ sóng nước vỗ bờ, khoét thành cái hàm ếch. Tiếng bom dội vào ngực cô thình thịch. Co mình trong cái hàm ếch giữa mù mịt khói bom, cô thấp thỏm. Không biết Lân có tìm được chỗ trú không.
Bom vừa dứt, Chắt đã nhào ra khỏi chỗ ẩn. Nền chợ biến dạng. Chỉ thấy những hố và hố. Cái nọ chồng lên cái kia. Đất bị vật lên, đỏ loét. Mái lều chợ cái bị tung lên cao, mái lá vắt vẻo mãi tận ngọn cây, cái đổ ụp, cháy xém. Cả cái hàng cơm bề thế nhất chợ của ông chủ ba vợ cũng bay mất một mảng tường. Ngôi hàng trống hoác một phía như người già rụng hết răng cửa. Bên cánh cửa ám khói bom đen kịt, ông chủ hàng ngồi gục đầu giữa hai gối, vai gồ lên. Ngẩng nhìn thấy Chắt, ông bật khóc, giọng đàn ông ồ ồ:
- Bà cả nhà tôi chết rồi, cô ơi! Bà ấy bị sập hầm chết mất rồi.
Nhìn người đàn ông già nua khóc vợ thấy thật thảm hại. Cô còn chưa kịp nói gì, bà hai, bà ba từ trong nhà đã ào ra:
- Chị ơi! Bà cả nhà em có làm gì chúng nó đâu mà chúng nó giết bà ấy… Quân kẻ cướp!
Họ ôm xác người chết vừa lôi từ hầm lên, khóc như mưa. Bà cả nhà hàng cơm vốn đẹp gái, vậy mà giờ gương mặt bầm đen, mắt mở trừng trừng. Những người đàn ông phải lấy rượu day mãi mới vuốt cho mắt bà ấy nhắm lại được. Nước mắt Chắt con ứa ra.
Chiến dịch Điabôlô bắt đầu đúng vào những ngày cuối năm bốn chín. Quân Pháp tung vào chiến dịch này hai binh đoàn thiện chiến nhất lúc đó: Binh đoàn Com - muy - nan và binh đoàn Bô - phờ - rê. Lợi dụng địa bàn nhiều sông ngòi lớn, địch sử dụng một đội thuyền chiến được tăng cường nhiều tàu chở bộ binh (LCI), tàu đổ bộ (LCA), tàu vận tải (LCT) chở bộ binh và thuỷ quân lục chiến, thực hiện mũi vu hồi chiến dịch, nhằm bịt kín phía tây và nam của Hải Dương, không cho ta vượt sông sang Hà Đông, Hà Nam và Thái Bình.
Không gian của chiến dịch rất rộng, quân địch lại tiến đánh gấp gáp với hơn bốn nghìn tên. Không giống với những chiến dịch trước chỉ đơn thuần là những trận càn đơn lẻ nhằm thọc sâu vào vùng tự do của ta, lần này, chúng thực hiện bao vây lớn, nhanh chóng vu hồi bịt kín địa bàn, đánh chiếm những điểm then chốt để chia cắt địa bàn, không có hợp điểm toàn chiến dịch nhưng chiếm đến đâu, vũ trang ngay cho bọn phản động tại chỗ đến đó. Địch cũng triệt để lợi dụng tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ và hệ thống nhà thờ thiết lập hệ thống chiếm đóng để từ đó phát triển sâu vào bên trong. Chúng triệt phá những điểm chướng ngại trên đê, sửa đường giao thông, đảm bảo vận tải ngay cho chiến dịch và bảo đảm giao thông cho vùng chiếm đóng về sau.
Khác với rất nhiều trận càn trước đây thường ề à, uể oải, tiến cầm chừng, trong Điabôlô, quân Pháp ồ ạt tiến đánh hướng trọng điểm. Nhiều nơi, chúng bí mật hóa trang tập kích vào. Ở nhiều hướng, chúng lướt qua những vùng không bị đánh trả, tập trung cao binh hỏa lực đánh phá những nơi gặp sức kháng cự của ta. Nhằm phục vụ cho thủ đoạn chính trị thâm độc, chúng vừa khủng bố, vừa mị dân. Những nơi không đánh trả hoặc vùng công giáo tập trung, địch không đốt phá, không cướp của và thực hiện nhiều trò mị dân khác để cô lập những nơi ta nổ súng chiến đấu, gây nghi kỵ và chia rẽ giáo - lương.
Trong khi triển khai chiến dịch, địch triệt để tận dụng bọn phản động tại chỗ, ráo riết lập "vệ sĩ", sử dụng họ vào việc đánh phá các làng kháng chiến, tiến hành cướp của, cả của những người không theo đạo, trắng trợn cưỡng ép người ngoài đạo phải theo đạo.
Hướng tiến quân của địch chủ yếu từ đường Năm, hình thành các mũi tiến công lớn theo đê sông Hồng và các đường liên tỉnh, liên huyện để đánh phá vào nội địa. Một cánh quân từ Kẻ Sặt tiến theo đường Hai Mươi, chiếm Phủ Vạc, Phú Thứ và phối hợp với cánh quân từ Phương Điếm đánh sang chiếm Vân Độ, Ba Đông, Bượi, Tràng Thưa, kiểm soát tuyến sông Tràng Thưa và càn quét Bình Giang, tây Gia Lộc. Một cánh quân khác xuất phát từ Phương Điếm tiến đánh và chiếm đóng Trịnh Xuyên, đò Ngo, Triệu Nội, phối hợp với lực lượng từ sông Luộc lên chiếm Cầu Ràm, cấp phát súng cho bọn phản động tại các nhà thờ An Lạc, Phương Quan, Thanh Xá, Trại Cốc, Từ Ô, Châu Quan, Mễ, Đồng Bình, Bình Hoàng, kiểm soát tuyến sông Neo, chiếm đóng đò Bía, Sóc Sịch, kiểm soát phần còn lại của sông Tràng Thưa, tiếp tục càn quét Gia Lộc và bắc Ninh Giang. Một mũi khác từ Hải Dương theo đường 191 xuống chiếm đóng An Nhân, càn quét thượng và trung Tứ Kỳ. Một mũi phụ, từ Tiên Lãng đánh chiếm Vĩnh Bảo và khu đông Thanh Hà, có tính phối hợp chiến dịch.
Lực lượng thủy binh địch đã bao vây vu hồi chiến dịch trên một diện rộng và hiệu quả; chúng tổ chức đổ bộ ở nhiều nơi, hình thành những mũi quan trọng, tiến công sâu vào địa bàn chiến dịch. Cánh quân từ Kẻ Sặt về Lực Điền để càn quét tiến đánh Thanh Miện, theo đê sông Luộc tiến đánh Bến Trại. Một cánh quân từ hướng Hải Phòng đánh sang, đổ bộ và chiếm đóng Quý Cao, Tứ Kỳ, An Thổ. Chúng giả làm người tản cư, hoá trang biệt kích, tiến vào thị trấn Ninh Giang rồi tiến vào chiếm đóng Cúc Bồ, ngã ba Rách, sau đó theo đường mười bẩy tiến đánh Cầu Ràm.
Chỉ trong ba ngày cuối năm bốn chín, địch đã chiếm đóng nhiều nơi, vũ trang cho bọn phản động ở các địa phương, chiếm và nối thông các tuyến đường giao thông thuỷ bộ quan trọng. Những ngày sau đó, chúng sử dụng cả quân ứng chiến và lực lượng phản động tại chỗ, tiến hành càn quét các địa bàn quan trọng. Trong các vị trí mới chiếm đóng của địch, bình quân mỗi vị trí chúng có một đại đội, các vị trí coi là trọng điểm, thường chúng để từ một đến ba trung đội được trang bị từ năm đến mười súng. Khi gần kết thúc chiến dịch, quân Pháp phát triển chiếm đóng thêm cầu Tràng để kiểm soát chặt chẽ hơn đường ba chín, nối Hải Dương với Hưng Yên.
Ngày cuối cùng của năm bốn chín, lực lượng cơ động của địch bắt đầu rút quân. Trước khi rút, lợi dụng sự chao đảo của ta, chúng nhanh chóng vực cho bọn phản động tại chỗ ngóc đầu dậy, cùng lực lượng viễn chinh làm nhiệm vụ chiếm đóng, khống chế, uy hiếp tinh thần nhân dân, hòng làm chủ địa bàn, tiếp tục càn quét và bình định.
Trong chiến dịch này, quân ta bị bất ngờ cả về không gian, thời gian, bất ngờ cả về cách đánh của địch nên mặc dù đã được chuẩn bị nhưng lực lượng mỏng, trang bị vũ khí thiếu thốn nên không ứng phó nổi trước diễn biến của tình hình. Nhiều trận chống càn thực sự trở thành trận huyết chiến quyết tử của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích Hải Dương với quân địch như trận chặn đánh địch đổ bộ từ Triều Dương lên Đổng Thiện ta diệt gần một trăm tên. Nhất là trong trận đánh địch đổ bộ Cầu Ràm… Dựa vào đê cao công sự vững chắc, quân ta đã bố trí thành tuyến chặn địch, quyết tâm không cho địch vượt sông. Sau năm lần đánh trả sự tiến công của địch, diệt gần một trăm tên, chỉ khi công sự bị pháo binh của địch bắn phá dữ dội, một đồng chí bí thư chi bộ hy sinh, ta mới chịu rút quân.
Chiến dịch Điabôlô diễn ra quá ác liệt, gây cho ta một số thiệt hại, dẫn đến quần chúng và một bộ phận cán bộ hoang mang. Phần lớn các cơ quan chỉ đạo và chỉ huy ở cấp huyện, xã, bị phân tán, không bám được dân, chịu để mất đất cho địch. Lợi dụng tình hình này, quân Pháp tập trung đánh vào những điểm ta sơ hở, còn chống đối. Những "làng chiến đấu" của ta còn chiến đấu được bị chúng tập trung đánh phá ác liệt. Chúng ráo riết tụ tập tay sai, phát triển nhanh lực lượng phản động, dựng thêm nhiều đồn bốt, tháp canh và nhanh chóng bình định vùng mới chiếm đóng.
Ngay sau khi chiến dịch Điabôlô kết thúc, địch tăng cường mở rộng các vị trí chiếm đóng, xây dựng nguỵ quyền cấp quận, đưa nguỵ quyền cấp tỉnh vào hoạt động ráo riết. Chúng tăng cường tuyển mộ, ráo riết ép thanh niên vào địa phương quân. Các vị trí của quân địch mọc lên nhan nhản khắp nơi. Các làng xóm, các ban tề được vũ trang cũng mọc lên ở nhiều nơi. Các đảng phái phản động được khuyến khích hoạt động, quân Pháp nắm chắc nguỵ quân, nguỵ quyền về chính trị. Mạng lưới chỉ điểm, mật vụ, gián điệp được dựng lên và tung ra khắp nơi để rình rập, bắt bớ cán bộ, phá cơ sở ta. Địch còn tổ chức những trận quây càn, lùng sục, săn đuổi, cướp bóc liên miên. Càng phá được nhiều cơ sở kháng chiến, càng bắt, giết được nhiều cán bộ, càng cướp bóc được nhiều của cải, chúng càng ngông cuồng, tàn bạo. Chúng ngông nghênh tới độ một tên cũng dám đi lùng sục, một tiểu đội cũng đi càn, một trung đội cũng vây ráp vài thôn. Một số nơi, quân ta vẫn chặn địch, đánh trả chúng dữ dội. Bị quân ta chặn đánh, chúng điên loạn trả thù, bắn giết đồng bào ta rất dã man. Ở Duy Tân (Tứ Kỳ), ở bốt An Nhân (xã Đông Kỳ - Tứ Kỳ) một số du kích bắt, giết một tên lính Pháp. Hôm sau, địch cho gọi phu các làng tề lên làm, chủ yếu là dân của làng An Nhân. Khi dân tập hợp, chúng xua ra phía bờ ao, xả súng bắn chết một lúc hơn bẩy mươi người, vứt xác họ xuống ao.
Không những binh lính địch đi cướp phá, chúng còn xua dân làng này đi cướp phá các làng khác; từ thóc lúa, đồ dùng đắt tiền đến chổi cùn, rế rách như ở Bùi Hoà (Ninh Giang) chúng cũng không từ. Khẩu hiệu của địch lúc này là "tầm thanh, trừ cán, diệt cộng" tức là tìm kiếm thật nhiều thanh niên để ép vào lính, bắt và vô hiệu hoá thật nhiều cán bộ, giết thật nhiều đảng viên và quân ta, đánh bật lực lượng và cơ sở kháng chiến của ta ra khỏi địa bàn.
Thời gian địch triển khai chiến dịch Điabôlô, huyện ủy Gia Lộc bám chặt, chỉ đạo quân dân chiến đấu chống giặc. Lường trước thế địch mạnh, biết chắc Gia Lộc sẽ là một trong những trọng điểm bị chúng chà đi sát lại nhiều lần bởi trước khi Điabôlô diễn ra, quân Pháp đã tiến hành càn quét vùng tự do, căn cứ kháng chiến của ta tại Gia Lộc nhiều lần. Mục đích những cuộc càn quét, ngoài việc thăm dò lực lượng ta, chúng còn uy hiếp tinh thần người dân đang nằm trong vùng chúng kiểm soát nếu họ chạy tản cư ra vùng căn cứ kháng chiến. Trong những trận càn nhỏ có tính thăm dò ấy, chúng đánh mạnh vào những làng chiến đấu của ta, cướp bóc, hãm hiếp dã man. Nhưng với các làng không có tự vệ du kích nhất là những làng theo đạo, địch dùng chiêu bài mị dân. Chúng không những không càn quét, cướp phá mà còn trang bị vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực cho dân đầy đủ. Chính chiêu bài này đã kích động rất nhiều người dân có cái nhìn thiển cận. Cuộc sống vốn đã quá khó khăn, nhìn thấy sự chênh lệch trong chính sách của địch như vậy, ai chẳng có sự so sánh. Theo Pháp, rõ ràng cái lợi đã bày ra trước mắt người dân. Âm mưu của địch quá thâm độc. Trước âm mưu của kẻ thù, huyện uỷ Gia Lộc chỉ đạo, các chi bộ đảng phải kiên quyết thực hiện chủ trương bám đất, bám dân, tăng cường tuyên truyền vận động để quần chúng nhận rõ, không mắc mưu sâu kế hiểm của địch.
Đảng uỷ Nghĩa Hưng họp trong một căn hầm tại vùng căn cứ. Đây là cuộc họp triển khai kế hoạch đánh địch trong giai đoạn mới. Trước cuộc họp này, để đối phó với âm mưu của địch, các đảng viên đã bí mật luồn sâu, bám đất, bám làng, thực hiện ba cùng với nhân dân để có cơ hội tiếp cận, tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của đảng vào dân. Ban thông tin tuyên truyền của Lân được chia nhỏ, lẩn vào trong dân. Trước mắt, các anh cùng với gia đình tản cư, rồi sẽ vừa bám dân, vừa giữ vững liên lạc trong ban để tiến hành công việc.
Mỗi người một hướng, họ chia tay nhau. Lân tìm về với gia đình, tản cư sâu xuống vùng Bùi Hoà, Lang Ngoại.
Ven đê sông Cửu An, bên vạt cỏ may, trinh nữ lá như lá me, hoa tím nhạt nở từng chùm, bò lan khắp mặt đất, những ngôi nhà nhỏ, nền đất vách trát bùn, lô nhô mọc lên. Những ngôi nhà chỉ nhỉnh hơn túp lều con một chút nằm thấp thô, ẩn hiện dưới bóng phi lao quanh năm xanh lá. Và dưới kia, dòng Cửu An vẫn miệt mài chảy.
Dân Nghĩa Hưng dựng nhà trong khúc cong của con đê ngăn lũ sông Cửu An như nửa vành trăng lượn. Đôi bờ, những mái nhà thấp thoáng dưới tấm che xanh biếc của cây lá. Ngửa mặt lên là thấy trời vòi vọi. Cúi xuống tháp hơn là gặp được mặt sông, nước lững lờ trôi. Buổi sáng, mặt nước bốc hơi mù mịt. Khi nắng trưa chiếu xuống, mặt nước tím sẫm, lấp loá như thửa ruộng gieo sao. Rồi chiều về, khi con nước nổi, dòng nước lại nâu sẫm một màu phù sa non. Thi thoảng, một gác chuông nhà thờ vút lên như khảm vào trời cao.
Nhà Lân cách nhà Chắt con một thôi đường. Tuy cùng chỗ tản cư nhưng hai nhà vẫn thuộc hai làng tách biệt. Nhà Chắt dựng cạnh nhà dân làng Giỗ tản cư. Còn nhà Lân nằm trong khu của bà con Đức Đại.
Moóc chê gằn từng tiếng chắc nịch từ bốt Triệu giã về Bùi Hòa. Tiếng nổ mỗi lúc một gần. Trời vẫn mù mịt sương. Rồi không chỉ moóc chê, các loại súng nhỏ cũng đổ như vãi đạn. Đã thấy những bóng dáng lênh khênh lầm lũi men xuống bến, chuẩn bị qua sông.
- Tây càn, bà con ơi! Tiếng người thất thanh từ ngoài bến đò vọng vào. Lân vơ vội tay nải đồ đạc, miệng giục mẹ. Không ai nghĩ, lần này, chúng càn sớm đến thế.
- Tây càn, làng nước ôi! Chúng qua sông tới nơi rồi. Chạy mau bà con ơi!
Loạt đạn đầu tiên cắt ngang tiếng kêu thất thanh của người đàn ông lẻo khoẻo vừa đi thu tay lưới bén rải đêm trước ngoài bờ sông. Ông ta đỗ gục xuống con đường vắt lên từ bến, nước róc từ tay lưới bén, hoà vào dòng máu chảy ra từ vết đạn tiện ngang bụng. Mấy con giếc, rô, ộc ra từ cái giỏ con đeo ngang hông, giẫy đành đạch trong vũng máu. Tiếng người nhốn nháo. Trẻ con khóc ré lên rồi im bặt. Im lặng. Mò mẫm. Dường như đã quá quen với cảnh chạy loạn, đoàn người kéo nhau chạy ra ngoài cánh đồng. Lân chạy bên mẹ anh. Bà giáo vừa chạy vừa xốc cái tay nải lên, kẹp chặt vào ngang nách. Anh cố cúi thấp khiến dáng người nhỏ nhắn của anh càng nhỏ thêm. "Không được để chúng bắt lính" - ấy là điều Lân tâm niệm lúc này. Bởi nếu chúng phát hiện ra, bắt anh đi lính, công việc cách mạng giao cho Lân sẽ không thể hoàn thành.
Trước mặt, sau lưng đều có địch. Đoàn người chạy giặc ứ lại giữa cánh đồng. Ruộng vừa cày ải. Những luống cày nằm lật ngửa phơi bụng đất trắng, bạc như vôi cục. Dân làng khép lại thành vòng rất nhanh. Những vòng xoay lồng vào nhau như khối ru bích, vòng con lồng trong vòng lớn, lớp lang. Đám con gái mới lớn, các cô các bà nhìn lọt mắt một chút được đẩy vào vòng trong. Họ vốc bùn cạnh bờ con ngòi nhỏ trát lên quần áo, mặt mũi. Họ xổ tóc ra, vò cho rối bù như tổ quạ. Có bà cụ nhai trầu lấy hết sức gằn cốt trầu vào bàn tay rồi bắt con gái xoa hết vào mông quần, toe toét như đàn bà đến tháng. Có chứng kiến cảnh chạy giặc mới thấy hết nỗi lo và cả khí phách kiên cường, trí tuệ siêu phàm của người dân khi giáp mặt địch, khi rơi vào trận càn của chúng, nhất là những người phụ nữ.
Lân bị bà giáo đẩy vào trong. Một bà cụ nhận ra anh, vốc nắm bùn ruộng trát lên mặt Lân, than thở:
- Giời ạ! Thấp cái đầu xuống. Trát đất vào quần áo, người ngợm đi. Nó mà nhìn thấy bây giờ thì thoát sao được. Lũ chó chết vừa đánh đấm mù trời, đang khát lính lắm, biết không mà còn nhô đầu lên đấy, hử?
Bà giáo cũng luôn miệng:
- Thấp đầu xuống con. Cúi thấp nữa xuống. Nó xuống đê rồi kia kìa…
Trên đê, từng toán lính lê dương đang lấc láo bước. Toàn lê dương. Chỉ có vài thằng nguỵ chắc làm phiên dịch. Mà bọn lê dương thì… Chúng đâu cần phiên dịch. Thấy ai hay hay mắt, muốn giở trò thú tính là nó lôi ra, thích bắn ai là nó bắn… Các bà các cô đang cố gằm mặt xuống lại bị mấy cụ túm đầu, giật lên:
- Đừng gằm xuống thế, nó sinh nghi. Cứ bình thường, nó mới không để ý.
Quãng thời gian chỉ mươi phút chờ cho đám lính lê dương đi qua mà Lân tưởng dài hàng thế kỷ. Anh hậm hực. Giá có khẩu súng trong tay lúc này… Nhưng muốn làm việc lớn cũng cần biết tiến lui đúng lúc. Nhiệm vụ của anh lúc này là phải bảo toàn lực lượng. Nhất định sẽ có lúc anh trút vào đầu chúng nỗi cay cực hôm nay.
Không phải quân nguỵ, lại thấy đám người nhếch nhác, rách rưới co rúm giữa đồng, chúng biết cũng chẳng có gì để ma cướp nên bỏ qua. Đám lê dương lộc ngộc kéo đi, đoàn người ngồi im đến hàng giờ. Chưa thể trở về chỗ cũ ngay được. Biết đâu, toán lính khác sẽ quay lại.
Tiếng bà cụ Thoả thật thê lương:
- Hôm nay động trời nên nó không bắn giết. May mà không ai việc gì. Cơ đận này không biết còn kéo dài đến bao giờ… Khổ cơ man là khổ.
- Không phải động giời đâu bà ạ. Vùng này có nhà thờ Bùi Hoà, chúng nó đang lập tề ở đấy nên không càn mạnh như bên ta. Nó định mị dân mà - Lân lên tiếng.
- Mị mụ gì chúng nó. Mụ mị gì thì cũng là đám cướp ngày. Lương, giáo đâu chả là người, đâu chả máu đỏ da vàng. Tin sao được mồm chúng nó, cậu nhỉ?
- Vâng… Nó chỉ lừa gạt để dân mình lại tự chém, giết dân mình thôi. Nhiều làng dưới kia nó lùa người làng này đi cướp làng khác đấy. Bọn Việt gian bây giờ nổi lên cũng nhiều… Chúng núp bóng quân Pháp làm nhiều điều tàn ác với dân mình lắm - Lân nhẹ nhàng.
- Mẹ cha chúng nó! Ăn cơm hay ăn gì mà ngu thế. Rõ là lũ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giầy mả tổ thế à?
- Tôi mà gặp đám đấy ở ngoài á… Cứ gọi là chết ngay cũng phải cho nó một phát vào mặt…
- Đám đấy lẩn như chạch, nhận mặt nó liệu có khó như bới bọ trong phân không?
- Hì hì… Vàng ở đâu vẫn là vàng, lẫn làm sao được mà lo…
Gió bắt đầu nổi. Lúc đầu còn hiu hắt, sau lồng lộng trên cánh đồng không một bóng cây. Gió đồng hoà nhịp với cái lạnh tái tê càng khiến đám người chạy loạn co cụm lại. Tiếng chuông nhà thờ Bùi Hoà vẳng vào thinh không. Đã đúng ngọ. Tiếng gà vảng vất từ bên đông qua bên tây, từ xóm trên dồn xóm dưới. Những con gà sống sót sau mỗi trận càn, đã lạc chủ lang thang tứ tán mà vẫn không quên công việc điểm khắc, tính giờ. Tiếng gà gáy cộng âm vào tiếng chuông nhà thờ nghe như tiếng nhạc cầu hồn người chết, rền rĩ, nỉ non. Có thanh âm đấy mà vẫn không sao khuấy động cái không gian chết chóc bao trùm quanh chỗ mọi người đang ngồi lên được.
Tây càn không mấy khi quá sang chiều. Đoàn người chạy loạn lại bồng bế nhau về chỗ cũ. Gió bấc se sắt, khô rát vẫn lồng lộn, hú gào trên cánh đồng khô nẻ, bạc màu đất ải.
CHƯƠNG VI
Chỉ hơn tuần lễ mà quân Pháp càn tới mấy trận. Chạy qua rồi chạy lại, vòng vèo, cuối cùng lại vẫn trở về chỗ cũ. Dân không ai chết nhưng những ngôi nhà nhỏ lấp ló dưới rặng phi lao bên bờ Cửu An bị chúng đốt hết. Nhìn nền đất cũ, nhiều gia đình ngán ngẩm kéo nhau chạy sâu vào phía trong, mãi Lê Hồng, Lang Ngoại… Có nhà kéo nhau đi qua đò Gốc Mít sang tận Thái Bình.
Đã mấy ngày liền, Lân không làm thế nào gặp được Chắt con. Không biết gia đình cô chạy càn về phương nào. Ông cụ sinh ra Chắt có một bà vợ trẻ quê Vĩnh Bảo, không biết nhà có chạy về bên ấy không? Bao câu hỏi cồn lên trong lòng Lân. Chiếc khăn quàng hôm nào Chắt đưa, anh vẫn cất trong đáy tay nải như một báu vật. Trong lòng như có bếp lò đang bốc lửa, Lân trở vào lại trở ra. Thi thoảng anh lại mở chiếc khăn ra ngắm nghía.
Chiều! Chân trời rực lên một màu tím nhạt càng khiến không gian thêm thê lương. Từng đợt gió lạnh dạo qua cánh đồng bát ngát, táp xuống mặt sông, ập vào gương mặt đã sạm đen của Lân. Anh lững thững bước. Trong ráng chiều, cỏ may ven đường hung hung thẫm lại. Cánh đồng xa xa sương phủ bàng bạc. Giọt nắng cuối ngày lẫn vào mắt nước. Rặng phi lao vẫn rì rầm kể lể trên đầu. Dưới chân, sóng nước Cửu An ì oạp vỗ. Một con đò của gia đình thuyền chài lờ đờ trôi trên mặt sông. Tiếng mái chèo nghiến vào guốc gỗ cót két nghe thật mệt nhọc. Những âm thanh ấy dồn vào khiến tiếng thở dài bật ra khỏi ngực Lân. Một con cò trắng uể oải bay ngang, đánh rơi xuống mặt sông chùm tiếng hót não nề. Con cò lạc bầy. Hay con cò lạc bạn?
Gió lại nao niết thổi lên từ mặt sông, lạnh dầm dề khiến người ta rùng mình. Giữa bóg chiều, hơi lạnh dễ làm người ta cô đơn hơn khi xa bạn, nhất là xa người yêu. Không biết giờ này Chắt đang ở chỗ nào?
Lân tìm chị Sự, hy vọng chị biết gia đình Chắt đi đâu. Chị Sự cũng lắc đầu. Giặc giã, ly tán. Chân trời, góc bể!
Chiều suộm lại. Lạnh săn da. Giờ thì Lân đã ngấm cái quay quắt bồi hồi.
Ngay lúc quả moóc chê thứ nhất nổ dưới bờ sông, Chắt con đã vùng dậy, túm bọc quần áo, gọi cha rồi dắt mẹ chạy vào làng Cụ Trì. Chừng một quãng khá xa, quay lại, cô không thấy cha mình đâu nữa. Vốn thông thạo đường qua lối lại khu này, Chắt nảy nhanh trong đầu. Cô sẽ đưa u cô về tránh tạm trong nhà người quen cũ rồi quay lại khu tản cư tìm thầy sau.
Chiều sập xuống rất nhanh. Xếp chỗ tránh giặc an toàn, dặn dò mẹ cẩn thận, với chiếc khăn vuông trùm kín mặt chỉ để lộ đôi mắt, cô quảy quả quay lại con đường mấy sáng trước đã chạy qua. Dọc con đường đất nhỏ nối làng Cụ Trì lên đê, dấu giầy đinh vẫn hằn vết răng chó trên mặt đường. Vạt cỏ bờ đê bị giẫm đạp, dầy xéo xơ xác, rạp cả xuống. Đôi chỗ chắc địch nghi có hầm hố nên chúng chà đi chà lại, khiến đám cỏ nát nhừ, tan tác. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Chắt. Quân giặc tàn ác tới mức, cỏ cây cũng không ngóc đầu lên được. Những hố đất đỏ hoét bởi đạn giặc cày xới, đất vật tung toé ngổn ngang. Một con nghé con trúng đạn giữa bụng, ruột gan lòi ra ngoài, ruồi bu đặc kín. Quãng hai đùi sau, quân Pháp đã khoét mang đi, chỉ còn trơ lại hai hố đen hút, lầy nhầy, bắt đầu thâm đen lại. Thịt lẫn da, lông bết lại thành một mớ bùng nhùng.
Mặt trời đã khuất hẳn xuống chân rặng tre chắn sóng ngoài bờ sông. Gió bấc vẫn hun hút thổi, thốc vào mặt Chắt. Lạnh buốt! Nắng chiều ánh tím quện vào dải sương sớm trùm lên cánh đồng ải, đất trắng bạc như vôi bột. Chắt con vẫn tong tả bước. Không biết thầy cô giờ đang ở chỗ nào. Cô quay về nhà ông bà cụ đã cho gia đình cô ở nhờ khi quân Pháp đốt mất gian nhà tạm của thầy u cô ngoài rìa đê trong trận càn trước.
Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như ruột gà hiện ra trước mắt. Rặng cúc tần oằn mình trước gió lạnh. Đám tơ hồng nỏ quắt, quăn queo đeo dính vào những cành cúc tần mốc bạc. Chiến tranh, giặc giã, loạn lạc là chuyện thường nhưng Chắt con chưa tưởng tượng được nếu cô không tìm thấy cha mình thì mọi chuyện sẽ ra sao. Vẫn biết ông còn có bà trẻ bên Vĩnh Bảo nhưng thường ngày ông vẫn ở cùng mẹ con cô, mọi sự liệu lo ông đều coi mẹ con cô là trọng. Vốn người hay lam hay làm, lại có nghề trong tay, đến nơi tản cư ông vẫn cậy cục làm cày bừa cho cô đi chợ bán. Lời lãi kiếm được, ông nhờ chủ nhà đong thóc. Tần tảo đến vài vụ, ông cũng đã có trong tay vài chục thúng thóc làm vốn rồi. Nhưng ông lại là người cương tính, không biết trong trận giặc càn vừa rồi ông có mệnh hệ nào không.
Miên man nghĩ, Chắt con vào đến cổng nhà cụ chủ nhà lúc nào không hay. Chỉ khi cành gai tre trước cổng xoà ra đâm vào chiếc nón cô đang đội như chực gỡ nó ra khỏi đầu, Chắt con mới giật mình dừng lại. Đưa tay gỡ cành tre, cô tưởng tim mình rụng xuống khi nghe tiếng thầy cô đang vừa nói vừa như gắt với bà chủ nhà. Chắt nép mình bên giậu cúc tần, lắng nghe. Giọng thầy cô nghèn nghẹn như người khóc.
- Bà cứ gọi người bán hết giúp tôi. Gạt hết cho họ… Loạn lạc thế này, đến thân còn chẳng giữ được, thóc lúa, của nả mà làm gì…
- Kìa ông - Bà chủ nhà van vỉ - Đành rằng là bán, nhưng ông gạt cho họ như thế thì bằng gạt của còn gì… Ai đời, đận đong vào là năm chục thúng, phơi già, rê sạch… Giờ ông gạt cho người ta thế nào mà chỉ còn chưa đầy bốn nhăm thúng… Chết chết!
- Bà ơi! Ruột gan tôi đang bát nháo hết cả lên đây này… Vợ con tôi còn chưa biết ở đâu, thóc lúa thì dắng thớ gì!
- Đằng nào thì cũng thế rồi, ông cứ rối lên phỏng ích gì đâu? Ông gạt như đổ cho họ thế, xót ruột lắm!
- Tìm được mẹ con bà ấy thì gạt cho họ thế chứ cho họ hết cũng coi như phúc nhà tôi rồi. Mà thôi, cứ coi như để cho họ mấy phần làm lãi kiếm cơm bà ạ… Thôi, tôi đi đây. Nếu không tìm được mẹ con bà ấy, tôi đành tạm sang bên Vĩnh Bảo với bà trẻ… Giời cao đất dày ơi, cơ đận này không biết còn kéo đến lúc nào. Nếu cháu nó có quay lại tìm tôi, ông bà nói giúp thế nhé! - Rồi ông ngửa mặt nhìn trời. Chiếc tay nải vắt vẻo một bên, vai áo lệch xuống, khuôn miệng như mếu...
- Thầy. Thầy ở đây mà u con cứ khóc đứng khóc ngồi. Thầy đi thế nào mà nhoáng cái đã không thấy thầy đâu. U con cứ vừa chạy vừa gọi ời ời mà bóng thầy ngày một mất dạng.
Nghe tiếng con gái, ông lão hốt hoảng quay nhìn, rồi đứng trơ như phỗng đá giữa sân chùa. Lật mu bàn tay giụi giụi cặp mắt cặp kèm bắt đầu chuyển sang màu trắng đục, ông rên rỉ như người hụt hơi:
- Ối giời ơi! Lạy giời lậy phật! Mày đây rồi con ơi! Thế u mày đâu? Bà ấy đâu rồi? U con mày đi phương nào mà để tao lật đật mò mẫm mãi?
- U con đang bên Cụ Trì rồi. Con về tìm thầy. May phúc quá.
Ông lão quay vội vào nhà, tay vẫy vẫy như khi đang bào bắp cày, miệng cười như mếu mà nét mặt rạng ngời:
- Ông bà ơi! Con bé cháu nó về đây rồi. Phúc đức cho tôi quá… Tôi tìm được u con bà ấy đây rồi. Thôi, tôi sang bên kia xem u con bà ấy ra sao đã… Ông bà mừng cho cha con tôi nhé.
Lân thẫn thờ đi dọc triền đê. Thế là gần một tháng rồi. Vừa bám cơ sở hoạt động, vừa bươn chải kiếm sống. Nhà trú tạm ven đê đã bị Tây đốt mất, mấy mẹ con dựng tạm túp lều dưới hai gốc cây phi lao to làm chỗ trú thân. Lân lại cùng ông chú ruột toòng teng đôi sọt, đòn gánh trên vai, lúc đón đò dọc mua nâu quẩy ra các chợ quanh vùng bán, khi đi mua giấy vụn đổ cho những người làm nghề. Có ngày hai chú cháu lần hồi đến mãi bến đò Gốc Mít bên Thái Bình mua giấy. Quẩn quanh, người làng anh đã gặp nhiều nhưng tịnh không ai biết tin gì về gia đình Chắt con. Trái tim anh lúc cồn lên, khi thắt lại. Giá có một chút tin, dù cho đó có là tin gì đi nữa cũng còn đành đoạn. Đắng đót còn biết đường mò kim. Đằng này, cứ biệt vô âm tín, biền biệt mãi… Chị Sự, chị Xoan cũng lắc đầu, bần thần. Nhìn Lân hồn vía đôi nẻo đi về, hai chị nhìn nhau, lắc đầu.
Nắng vẫn cồn cào giữa những cơn gió bấc. Cái gió khô hanh dường như làm nắng gầy gò, vàng vọt hơn. Bàn chân vô định dẫn Lân xuống bờ sông. Đám cỏ may còn sót lại vật vờ quấn lấy ống chân anh như trêu, như ghẹo. Lân buông mình, quăng người đánh phịch xuống một gốc phi lao xù xì ven bờ nước.
Dòng sông vẫn thao thiết chảy. Dòng nước cuốn những thân bèo, những rều, những rác thành mảng, quấn, níu chặt lại, dìm chúng chìm nghỉm rồi bất ngờ tung lên đẩy cả đám trôi xuôi. Gió sà xuống mặt sông, cuộn nước thành vô vàn lọn sóng, quất liên hồi vào đám thân bèo rồi lại tản ra, thẫn thờ trôi dài trên mặt nước mênh mang. Chiếc thuyền nan nhỏ nhoi, cô độc, hai mái chèo hờ hững buông bên mạn, vẽ đôi đường nước vô hồn giữa dòng sông đang rợn ngợp triều cường. Nước ánh màu đỏ sậm, cuồn cuộn, cồn cào. Lân thẫn thờ. Có khi nào sông ngừng chảy?
Mặt trời chìm dần, chìm dần xuống chân sóng. Những đợt gió liên hồi cuốn nắng cuối ngày, tãi xuống mặt sông thứ ánh sáng mờ ảo nối ngày vào đêm. Một con cuốc lạc đàn ngoài rìa sông cất tiếng gọi bạn. Cuốc, cuốc, cuốc… Không có tiếng đáp lại. Nó miệt mài hơn. Tiếng kêu nghe khắc khoải như bật ra từ trái tim nhỏ nhoi của nó. Cuốc… Cuốc… Cuốc… Bỗng như nắm tro, nó tung mình lên. Cái bóng đen sẫm, nhỏ nhoi vươn như cố cất mình. Hình như có tiếng cuốc đáp lời. Mơ hồ, xa vắng lắm. Đúng rồi. Tiếng cuốc như mừng, như tủi, như giận như hờn khi tìm được nhau. Chỉ có Lân. Vẫn một mình! Anh lại lững thững bước lên triền đê lộng gió. Nền nhà cũ của Chắt con đây rồi. Những cây cột cháy dở đổ gục bên gốc phi lao sần sùi như gương mặt người mắc bệnh phong hủi. Đất nền ngấm tro than, đen sì. Tất cả vẫn hiển hiện trước mắt Lân.
Gió vẫn thao thiết thổi, vẫn vô tâm bỡn cợt cuộn những đợt hơi nước táp vào người. Lân rùng mình. Nền nhà trước mắt như chao đảo. Tim anh bật lên tên người con gái anh yêu. Lặng câm. Chỉ có gió vô tình và sông vẫn cuồn cuộn chảy cuốn theo cả tiếng gọi câm nín không thể cất thành lời của Lân. Lọt thỏm trong không gian tĩnh lặng cuối ngày. Câm lặng. Hư vô. Không có tiếng trả lời. Mắt Lân cay xè. Chút hơi nóng mơ hồ thoáng qua bờ mi anh. Trên mặt sông, những vũng sóng chập chờn, lan toả. Hoàng hôn sẫm bầm như khi đất trời chuyển mùa giông gió.
Ba ngày cuốc bộ, cuối cùng gia đình Chắt vượt đò Gốc Mít sang đất Thái Bình. Gia đình nhà chủ cho nhà cô ở nhờ xem ra cũng có bát ăn bát để. Nhà chỉ có hai người con trai chưa lập gia đình và một cô con gái. Họ có năm mẫu ruộng, một con trâu, nhà gỗ bức bàn năm gian, sân gạch… xem ra cơ ngũ lắm. Loạn lạc, giặc giã tứ thời, có được cơ ngơi này cũng là ước mơ của rất nhiều người.
Gia đình cụ Coi - ông sinh ra Chắt con được ở nhờ hai gian nhà ngang. Hàng ngày, ngoài việc đi chợ bán cày, bừa, Chắt cũng phụ giúp gia đình nhà chủ việc đồng áng. Nước da trắng hồng, gương mặt bầu bĩnh, cô vô tâm chẳng biết người con trai cả của chủ nhà để ý mình.
Chiếc nia tròn vạnh xoáy đều trong tay. Những hạt trấu văng ra ngoài nhịp nhàng theo nhịp sàng sẩy của Chắt. Gạo đã xay xong. Nhân lúc trời chưa tối hẳn, cô bưng mẻ trấu ra sau nhà sẩy lại. Mải lúi húi, Chắt con không biết có người đến sau lưng mình. Chỉ khi người ấy hắng giọng, cô mới giật nảy người, cuống cuồng quay lại. Gương mặt vuông vức tiến lại gần. Anh ta đưa tay nắm lấy cổ tay Chắt:
- Cô! Tôi thấy cô cũng là người hay lam, hay làm… Anh ta ngập ngừng - Gia đình tôi lại neo người… Tôi có nhời…
Chẳng đợi nghe hết lời, Chắt vùng ra giật tay lại. Cô nhìn anh chàng trừng trừng:
- Anh Chư! Nhà anh…
- Cô cứ cho tôi được thưa hết… Nhà tôi neo người. Cơ ngũ, cửa nhà thì cô biết rồi đấy. Nếu cô ưng bụng, chúng tôi sẽ có nhời với hai cụ, xin cô ở lại đây, không về bên ấy nữa…
Từ ngày biết nghĩ đến giờ, chưa có người đàn ông nào chạm được vào tới chéo khăn của Chắt con chứ đừng nói đến cầm tay. Ngay chuyện cô và Lân thương nhau, mới chỉ trong lòng chứ ngoài mặt tịnh vẫn chưa nói nhời nào. Mấy lần họp thanh niên, phụ nữ cứu quốc cũng chỉ mới là ngồi bên. Vậy mà… Cái nhà anh Chư này táo tợn quá. Nhưng mình đang ở nhờ người ta, sỗ sàng, dứt khoát quá cũng không hợp. Ưng thì không đời nào rồi. Ruột gan cô còn đang rối bời, không biết mọi chuyện ở làng ở xóm, chẳng biết Lân ra sao kia… Lòng Chắt ngổn ngang.
Chư vẫn đứng, có ý chờ câu trả lời của cô. Thấy để anh ta đứng mãi ngoài này không tiện, nhỡ ai vô tình nhìn thấy lại khó ăn khó nói, Chắt con nhỏ nhẹ:
- Gia đình các bác trong này có lòng, tôi cũng cảm ơn. Nhưng để tôi còn phải về trong quê hỏi ý kiến ông chú bà bác, ông cậu bà dì xem sao đã rồi mới giả nhời bác được…
- Ầy, ông bà thân sinh ra cô ở đây cả rồi, chỉ cần các cụ đồng ý, chứ cần gì phải có ông cậu bà bác làm gì…
- Ấy không, tập tục ở quê tôi là phải thế. Duyên phận là việc cả đời, mình thầy u tôi quyết sao được. Xin các bác thông cảm…
Thấy Chắt con cương quyết, Chư ngập ngừng, chần chừ, mãi mới bước lên nhà. Chắt vội vàng thu dọn nia, thúng chạy vào chỗ thầy u cô đang ở.
Những dải mây mù trắng như sữa đục vẫn quấn chặt chân rặng tre ngoài bìa làng. Bóng đêm nhợt nhạt. Trời dần tỏ mặt người. Trên con đê cao hướng ra đò Gốc Mít, một người con gái đang cắm cúi bước, vẻ bần thần, mệt mỏi. Người ấy là Chắt con.
Sau chuyện Chư ngỏ lời tối qua, cả đêm cô không sao ngủ được. Tiếng gà gáy cầm canh như đếm bước thời gian mà cô vẫn thấy đêm đằng đẵng đứng lại như bị níu buộc. Chờ gà báo canh tư, cô bật dậy, vớ cái nón, tong tả bước ra đường. Đẻ cô gọi với theo, cô chỉ kịp nói vọng vào: Con nhảo ra đây một lúc.
Con đường vẫn vời vợi dưới chân. Bao người đang qua lại trên đường kia, sao không thấy gương mặt nào quen thuộc. Sao không gặp một ai người làng cả? Chắt con hoang mang. Hay nhà cô chạy giặc đi xa quá? Nước mắt tự nhiên giàn xuống bờ mi. Vừa bực mình, vừa tủi thân… Cô vừa bước vừa tức tưởi.
Con đò bập bềnh bên kia sông. Chắt con ngồi xuống mô đất ven bờ, đợi đò. Nhất định sang bên kia, thế nào cô cũng hỏi được tin tức của Lân. Mắt cô bỗng sáng lên khi thoáng thấy một gương mặt quen quen trong tốp công an đang gác tại cái quán nhỏ, ngay đầu bến. Giời ạ. Anh Lê, người làng Chằm, làm công an huyện! Đã gặp mấy lần khi đi họp nên Chắt biết mặt người này. Trong ngôi quán nhỏ, Lê vẫn im lặng. Anh đang chăm chú nhìn theo con thuyền nhỏ giữa sông.
- Anh Lê ơi! Anh Lê!
Lê giật mình quay lại. Thấy có người vừa vẫy nón, vừa rối rít gọi mình, thoáng sững người, rồi anh nhoẻn miệng cười.
- Ối giời! Ồn quá, nghe loáng thoáng tên mình, cứ tưởng ai gọi, hoá ra cô. Thế nhà tản cư mãi bên này kia à? Lê hồ hởi khi nhận ra Chắt.
- Thầy em đi xa quá. Em chẳng biết đường nào mà lần. Suốt từ hôm sang đây đến nay, chẳng gặp được ai người làng. Anh có gặp ai không?
- Cũng chẳng gặp được ai… Tứ tán phương hồi biết đâu mà lần.
Đang háo hức đón câu trả lời, Chắt bỗng như người hụt hơi khi thấy anh Lê nói thế. Bỗng Lê ngập ngừng, đôi mày anh nhăn lại:
- À, hôm rồi có gặp cậu cháu anh Lân ngang đây…
- Họ qua đây làm gì hả anh? Chắt con quýnh quáng.
- Cậu cháu nhà ấy đi mua giấy cũ, giấy vụn… Nhìn cũng vất lắm.
- Họ qua đây lâu chưa anh?
- Cũng mới. Đâu như hôm kia, hôm kìa gì đấy… Nghe đâu vẫn tản cư bên làng Bùi… Chả biết bao giờ mới hết cảnh này… Anh Lê thở dài. Hơi thở như bị ép đã lâu ngày bung ra từ khuôn ngực gầy của người đàn ông lam lũ. Dường như trời đang ngày một hửng lên. Ít ra, người cô đang trông ngóng, cô đã mong manh tìm thấy.
Con đò cập bờ. Mũi đò chúi đầu, sạt vào mô đất bên sông. Người lái buông chèo, cầm cây sào dài, khom người ghì giữ cho đò khỏi trôi ra. Người lũ lượt xuống bến. Mấy bà, mấy chị tay giữ cho quang khỏi chòng chành, tay níu mê nón đang úp trên đầu. Họ không hề quen biết nhưng nhìn họ, Chắt con thấy thật gần gũi. Nhất định ngày hôm nay, cô sẽ tìm thấy người ấy.
Chắt con bước xuống. Cô ngồi ghé xuống be đò. Người lái chèo kéo đoạn dây chão, neo con đò vào gốc tre đực cắm chốt trên bến, xua tay, cười:
- Các ông, các bà chờ tôi ăn điếu thuốc lào nhá. Gớm, quai chèo từ tờ mờ đất đến giờ. Chậc, chậc…Rã cả cánh!
Con đò dập dềnh theo nhịp sóng đẩy, ì oạp vỗ vào mạn. Gió mơn man trên vai, lọt qua múi khăn, luồn vào cổ Chắt con nhột nhạt. Dòng nước trôi loang loáng dưới mạn đò. Mái dầm nghiến vào guốc chèo kẽo kẹt, khoả nước lóc bóc. Gió vẫn không ngừng thổi. Vợ bác lái đò choãi chân thang, vươn người về phía trước. Con đò lừ đừ trôi, chậm chạp như không cần cập bờ, mặc cho những người ngồi đò sốt ruột. Chắt con chưa bao giờ thấy thời gian trôi chậm như lúc này. Cô cảm giác, dường như dòng sông ngày một rộng rênh. Dường như bờ bên kia cứ một ngày một thêm xa hút. Vớ mái chèo đơn vứt dưới lòng thuyền, Chắt con vươn người chèo đỡ. Chị lái đò nhìn cô qua chiếc khăn vuông kín mít, chỉ còn hở lại đôi mắt, ánh nhìn đầy thiện cảm.
Mãi rồi con đò cũng cập bến. Những người ngồi cùng chuyến với cô thảnh thơi lên bờ. Họ chẳng có vẻ gì vội vã. Mặt trời chênh chếch trên cao. Có lẽ chỉ khoảng vừa tan buổi chợ. Chắt con hối hả bước lên. Bước chân cô như ríu lại. Khỉ thật! Lúc vội nhất lại là lúc người ta dễ vấp ngã nhất. Cô dừng lại. Dõi mắt nhìn ra xa. Những đám mây luống cày lật đất ải nằm rải khắp lưng chừng trời. Hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cô điềm tĩnh bước theo hướng anh Lê vừa chỉ. Chẳng biết anh Lê có nhận ra cái sốt ruột, vội vã của cô khi nghe nhắc đến cậu cháu Lân hay không nhỉ? Kệ! Đằng nào rồi cũng biết mà thôi.
Cắm cúi bước, đoạn đường dằng dặc dần lùi lại phía sau.
Con đường trải đá gập ghềnh. Thi thoảng một chiếc xe thổ mộ lộc cộc chạy qua, mùi mồ hôi ngựa bốc lên khét lẹt. Những con ngựa gằm đầu kéo xe, bờm rũ xuống che hết cả mắt, thở phì phò nặng nhọc theo nhịp guốc móng gõ lọc cọc trên mặt đường đá gập ghềnh. Đôi ba quầng bụi quẩn theo nhịp bánh lăn, bốc cao như màu sương trắng, tan ra hoà vào khối u u trước mắt. Nắng đã chiếu chênh chếch sau gáy Chắt. Cô vẫn cắm cúi bước.
Ngã ba! Ba ngả đường xoè như ba nét gấp. Cây gạo xù xì trầm ngâm bên vệ cỏ. Ngã ba làng Bùi! Chạy theo con đường trước mặt sẽ xuống bến đò. Rẽ theo tay phải sẽ vào làng Lê, còn nếu theo tay trái sẽ đến đất làng Bùi. Chắt đứng im, cô đưa mắt nhìn ba ngả đường gập ghềnh trước mặt. Mặt trời sầm sập đổ xuống rất nhanh. Bóng cây gạo vươn dài, trùm lên bóng cô nhỏ thó phía bên trong như vòng tay người mẹ ấp đứa con nhỏ. Chợt thấy lạnh vô cùng. Lòng Chắt nôn nao. Không biết giờ này Lân đang ở nơi nào?
Dợm chân. Đi thẳng hay rẽ? Băn khoăn. Rồi Chắt cất bước rẽ vào làng Bùi. Được vài trăm mét, cô quay ngoắt lại. Sau này, chính cô cũng không lí giải được vì sao khi đó cô lại quyết thế. Chỉ biết, cô quay lại rất nhanh. Vòng lại ngã ba có gốc gạo già, cô hướng thẳng theo đường xuống đò rồi rẽ lên đê Nại Trì. Bước chân cô dứt khoát. Mặt trời vẫn chầm chậm chìm dần kéo những gốc phi lao cỗi cằn, gồ ghề, sứt sẹo đổ nghiêng trên vạt cỏ bờ đê. Gió từ phía sông Cửu An hắt lên tán lá phi lao, quật bên này, xô bên kia, khiến bóng cây đổ dài trên triền đê cũng nghiêng ngửa, chập chờn nhảy múa. Niềm hy vọng mơ hồ làm tim Chắt nghẹn lại. Hy vọng. Rồi thất vọng. Vẫn chỉ có mình cô trên con đê thăm thẳm. Tất cả sao mong manh như chiếc lá phi lao khô vừa rời tán. Nó như cây kim nhỏ thon dài, xoay xoay trong trận gió đổ hồi trước khi lao mình xuống, lẫn vào đám lá cũ như vô vàn chiếc kim nâu bạc bên vệ cỏ ven đê.
Cả con đường đê hun hút, dằng dặc giữa đôi bờ phi lao trầm mặc. Mắt Chắt vọng sâu, vô hồi tìm kiếm. Chợt tim cô như nảy lên, bật tung khỏi lồng ngực. Một bóng người. Không! Hai bóng người. Một cao gầy, một đậm đà, tầm thước. Không rõ mặt. Không thể biết đích xác là ai nhưng có gì thật gần gũi. Không! Nhất định cô không nhầm. Bóng người đàn ông và người đàn bà. Chắt con đi như chạy. Dường như phía cuối đường kia, hai người cũng đã nhận ra cô. Họ lao tới.
- Giời ạ - Chị Sự... Giờ thì Chắt đã nhận ra rõ ràng chị Sự. Cái bóng cao gầy ấy chính là chị Sự. Nhìn cô, chị cười mà nước mắt rịn ra tràn mí, giọng nghẹn lại:
- Mày biến đi đâu lâu thế hả con khỉ? Chị Sự túm lấy hai vai cô, lắc liên hồi.
- Thầy em đưa cả nhà chạy tít sang Thái Bình rồi cứ ở diệt bên ấy, em không làm thế nào mà về bên này được. Mà cũng lạ, ở bên ấy, em không gặp được ai cả... May mà sáng nay em đánh liều xuống đò Gốc Mít, gặp được anh Lê công an huyện. Về đây cũng là mò mẫm thôi, chỉ sợ không gặp được ai. Lúc ấy, có khi em phải mò về tận quê mình...
- Về đấy để ngoẻo à? Pháp nó đóng trong làng dầy như bọ chó ấy... Mà này, thấy ai kia không? Héo hon vì tương tư rồi đấy... Chị Sự chỉ tay sang người đàn ông bên cạnh. Lòng Chắt chợt xót xa. Mới chỉ vài ngày mà anh se sắt đến thế này ư? Gương mặt sạm lại. Gò má nhô ra... Đôi mắt anh như xoáy, thôi miên vào Chắt...
- Sao sang bên ấy mà chả nhắn lại nhời nào... Lân ngập ngừng.
- Thì cũng có biết ông cụ lại chạy xa thế đâu. Với lại cũng có gặp được ai quen đâu mà nhắn... Thế anh với cả nhà vẫn ở trong...
- Không. U tôi tản cư tít trong Lê Hồng rồi... Có mình tôi ra ngoài này thôi. Ra để ... Biết đâu thêm tin tức gì sẽ đỡ sốt ruột...
- Này - Chị Sự cắt ngang - Thôi, về tất chỗ nhà tao đang trọ, cơm nước đã rồi chuyện sau... Hai người cứ làm như không có tôi ở đây không bằng... Rồi chị ôm ngang thắt lưng Chắt - Tội cô là to lắm. Làm người ta hết cả hồn vía. Giờ về rồi thì làm lễ gọi cho hồn chú ấy về. Tôi chả thấy có nước đời nhà ai, ngoài miệng thì một mực "không có gì đâu" mà cứ chiều đến lại mò ra nền cũ nhà cô mà ngóng. Còn hơn cả ... Ngưu Lang ngóng Chức Nữ kia, giời ạ...
Lân tủm tỉm cười. Còn Chắt ngượng ngùng giấu khuôn mặt ửng đỏ vào vai chị Sự. Bên kia, mắt Lân vẫn tìm cô, đắm đuối. Không cần quay sang, cô vẫn thấy điều ấy. Niềm hạnh phúc khó gọi thành tên cứ âm ỉ ngân rung trong lòng cô. Giá bây giờ có thể hát. Nhưng họ không hát, họ nhìn nhau. Ánh mắt trao nhiều hơn tất cả những gì họ có thể nói được lúc này.
Chị Sự vẫn ôm ngang thắt lưng Chắt, bước về phía làng. Lân cắm cúi đi sau hai chị em. Không biết chị Sự ghé vào tai Chắt nói điều gì, chỉ thấy chị em họ rúc rích cười suốt đường về. Chân Lân như bay trên mặt đường, nhẹ bỗng. Bao lo lắng, buồn phiền bỗng như theo dòng chảy của con sông Cửu An trôi mãi ra biển. Có lẽ, niềm vui, hạnh phúc trong đời cũng chỉ nên so sánh với cung bậc này chăng? Thanh âm trong lòng anh ngân rung. Người yêu anh đã trở về. Trong đời, ngọt ngào và lo lắng hình như chỉ cách nhau gang tấc. Con đường trước mặt Lân như rộng thêm ra. Biến đi cả những hố trâu lồi lõm bởi đạn giặc cày xéo.
Ráng chiều không sẫm màu tím thẫm hiu hắt như mọi ngày mà bỗng rực lên một màu lam chói loà. Hạnh phúc! Ngày mai họ lại trở về quê hương!
CHƯƠNG VII
Cái chiến dịch Điabôlô chết tiệt của quân Pháp với hàng loạt trận càn quy mô lớn đã biến vùng căn cứ kháng chiến của Hải Dương ở khu nam Gia Lộc, đông Thanh Miện, Ninh Giang thành khu vực chiếm đóng của địch. Một loạt đồn bốt: Tràng Thưa, Triệu, Bái, Bùi Hoà... được chúng xây thêm phục vụ việc chiếm đóng và cai trị lâu dài.
Lực lượng, vũ khí mỏng, dù tinh thần chiến đấu của quân ta rất cao cũng không tránh khỏi tổn thất. Trước tình hình ấy, phương châm lùi một bước tiến ba bước đã được triệt để vận dụng. Để bảo toàn lực lượng, củng cố tinh thần cán bộ chiến sĩ, chuẩn bị điều kiện cầm cự tiến tới phản công lại địch, tỉnh uỷ Hải Dương chỉ thị: Uỷ ban kháng chiến của ta sơ tán lên vùng căn cứ chiến khu ở đèo Voi - Đông Triều.
Thêm một lần, quân dân ta lại lên đường.
Tờ mờ sáng, khi tiếng gáy èo uột, khàn khàn, đùng đục của những con gà may mắn thoát chết sau các trận càn cố lách màn sương mỏng đánh thức mọi người, Chắt con cùng các đồng chí trong ban chấp hành phụ nữ Nghĩa Hưng lên đường. Bên cô, chị Sự, chị Chua, chị Xoan, cùng với đồng chí Bảng - Bí thư huyện uỷ Bình Giang, đồng chí Sinh - bí thư huyện uỷ Gia Lộc cũng lên đường. Họ lặng lẽ bước. Tâm trạng bới bời như mớ bòng bong quẩn giữa dòng nước xiết.
Con đường trước mặt lại vời vợi trôi trong bụi đất. Quê hương, làng xóm dần lùi lại phía sau. Những mái nhà tranh che tạm cho bao cuộc đời bỗng chốc thành xa vắng. Những ruộng lúa, ao bèo, bụi tre khuất dần. Trước mắt, chỉ còn thấy đồi núi nhấp nhô, đất đỏ chen đá sỏi, lạo xạo dưới chân nghe nhức nhối. Không còn nhớ nổi, đã bao lần, quân dân ta phải rời nhà đi kháng chiến. Chưa biết đến khi nào, ta lại được trở về mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của ta? Đôi chân ngập ngừng. Qua xóm, qua làng. Qua cả những con sông lớn. Thái Bình rồi Kinh Thầy vẫn cuồn cuộn trôi mà không sao dậy sóng cuốn phăng quân xâm lược ra biển? Đất nơi nào nghe cũng thổn thức đau!

Dòng người sơ tán vẫn lầm lũi đi. Những thúng, quang, chăn chiếu, nồi niêu xoong chảo. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người gọi nhau. Í ới. Những người đàn bà lầm lũi vừa cõng con, vừa tay xách, nách mang đủ thứ có thể mang theo. Vài người đàn ông dáng thô ráp cõng trên lưng cả cái bao tải tướng. Chắc gia tài của cả gia đình họ. Lẫn trong dòng người tản cư thi thoảng lại gặp một đơn vị bộ đội. Họ mang vác súng ống, đạn dược... Họ mệt mỏi vì vừa rút ra từ những trận đánh lớn với địch. Thấp thoáng, còn có cả những đồng chí quấn băng trên đầu, nhưng vẻ mặt họ chẳng có gì là nghiêm trọng cả.
Con đường đèo ngoằn ngoèo như sợi dây thừng vấn vít từ sườn đồi này vắt sang lưng đồi bên kia. Hai bên đường, sim, mua buông từng chùm hoa tím thẫm. Đường xá dọc ngang như ma trận, chỗ nào cũng giống chỗ nào, quay qua quay lại, Chắt con lạc mất mọi người. Tất tả, cô chạy lên trước, tụt lại sau vẫn không thấy bóng dáng chị Chua, chị Sự, chị Xoan đâu cả. Loay hoay mãi, trước mặt lại là ngã ba đường, một thân tre chắn ngang, mấy đồng chí bộ đội đứng gác. Dò hỏi bà con tản cư, cô biết đây là Bến Tắm.
Dòng người sơ tán ùn lại cho hai đồng chí bộ đội xem giấy tờ. Đến Chắt. Nhìn cái áo cánh màu nâu non cô mặc, đồng chí bộ đội trẻ hỏi nhỏ:
- Tay nải chị đựng gì vậy?
- Chỉ có bộ quần áo, ít gạo với mấy thứ đồ dùng thôi - Chắt cố lấy giọng cứng cỏi đáp lại, mặt bắt đầu đỏ lên.
- Chị mở tay nải cho chúng tôi kiểm tra - Đồng chí bộ đội nghiêm giọng.
- Thưa... Trong tay nải không có gì thật... Tôi từ Gia Lộc sơ tán lên đây.
- Không có gì chúng tôi cũng phải kiểm tra. Chị đi có một mình?
Vừa nói, đồng chí bộ đội vừa cởi nút buộc chiếc khăn vuông đen Chắt túm lại thành tay nải đeo bên mình. Không có gì thật. Hai bộ quần áo, một nửa ruột tượng gạo, đùm muối... Đã định gói lại, ngẫm nghĩ thế nào, anh bộ đội lật lật, lôi ra một cái áo, giơ lên:
- Áo này không phải của chị... vì nó là áo đàn ông. Của ai vậy? Chồng chị à?
- Thì của... Chắt con ngập ngừng - Đây là áo của Lân, nhưng không lẽ lại bảo là áo của người yêu. Khó thật!
- Chắc là áo của chồng cô ấy rồi! Mấy người đứng xung quanh bàn tán - Gớm! Bện hơi nhau nhỉ, đi sơ tán còn cố vớt vát mang áo của chồng theo, chắc để thi thoảng bỏ ra cho đỡ nhớ đấy. Vợ người ta thế mới là vợ chứ - Ông nào đó làm trò - Chứ như mẹ đĩ nhà tôi, nó chỉ cốt nhanh nhanh cho xong là nó tống mình ra ổ ngoài, cứ làm như mình là cái của nợ nhà nó không bằng.
Đám người đứng ngoài cười hể hả. Giữa buổi loạn lạc, tiếng cười của họ cũng làm không khí dịu lại đôi chút. Chắt con càng đỏ mặt, anh bộ đội đứng gác càng trêu già. Cô bặm môi, túm cái áo của Lân nhét vội vào tay nải, thoăn thoắt buộc lại. Đồng chí bộ đội ngừng đùa:
- Chị ở Gia Lộc lên à?
- Vâng. Tôi đi cùng mấy người nữa nhưng đang lạc nhau, chưa tìm thấy họ.
- Vậy chị cứ đi theo đoàn bộ đội kia kìa. Họ là bộ đội 126, tỉnh đội Hải Dương cũng đang rút về chiến khu đấy. Cứ theo họ, thế nào cũng tìm thấy người chị cần tìm... Mà này, nhớ giữ cái áo của ông chồng cẩn thận, không có mất lại khóc mủi khóc dải nhé!
Đang xoay người nhìn quanh, Chắt con giật mình bởi ai đó réo tên cô thất thanh. Cô giật mình. Rõ là tiếng chị Chua. Rồi thấy cả năm người trong đoàn. Họ như vừa từ cánh rừng nào chui ra khi lá mục, tơ nhện vẫn vương đầy trên tóc, vai áo.
- Mày đi thế nào mà chúng tao không sao đuổi kịp nữa - Chị Chua trách nhẹ.
- Em tưởng mọi người vượt lên trước rồi nên cứ đuổi theo thục mạng. Tưởng đứt hơi vẫn không thấy các anh các chị đâu. Đang không biết tính thế nào…
- Thôi, thấy đây là may rồi. Ta vào trong kia xem thế nào… Anh Bảng nói nhỏ - Tỉnh uỷ đang họp trong đèo Voi đấy, thế nào cũng có chỉ thị mới, chúng ta vào càng gần, nắm được chỉ thị càng nhanh càng tốt. Đi nào.
Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tổ chức tại đèo Voi. Vừa họp được một ngày thì quân Pháp mở trận càn tổng lực vào hòng giăng lưới bắt cá. Các loại súng lớn nhỏ đủ cỡ nổ như vãi trấu. Tiếng súng vọng vào vách đá, vọng lại âm âm càng khiến không khí sôi lên sùng sục. Địch đang tiến hành bình định Bắc Bộ lần thứ ba. Chúng triển khai chiến dịch Pác - panh đánh sâu vào vùng Mai Xiu - Vị Loại. Nghe tiếng súng dồn, bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Năng Hách dừng lời, hướng ra cửa. Cậu liên lạc từ ngoài chạy vào, mồ hôi xối xả trên mặt, báo cáo trong nhịp thở dốc.
- Báo …cáo. Quân Pháp đang tấn công rất mạnh. Chúng đánh trên cả ba mũi… Súng đã nổ rất gần..
Thường vụ Tỉnh uỷ hội ý nhanh. Hội nghị phải dừng lại. Các đại biểu lánh tạm vào rừng, nếu cần có thể sơ tán lên tận Vây Rồng, dãy núi cao nhất thuộc Đông Triều.
Đường rừng càng vào sâu càng khó đi. Không thể tiến lên quá cao, các đại biểu dự hội nghị lại phải xuống núi.
- Chuẩn bị dời ra đèo Trê, dốc Chối, vượt đường sang Bắc Giang! - Chỉ thị mới đưa ra. Liên lạc báo về: con đường này địch đã vây chặt.
Phương án cuối, hội nghị lại chuyển đến đèo Mận (Chí Linh) họp tiếp.
Cũng chính tại hội nghị này, những vấn đề then chốt như: "Không thể lập căn cứ địa chơi vơi, xa dân, xa đất. Căn cứ địa tốt nhất, an toàn nhất chính là lòng dân. Nếu biết dựa vào dân, bám dân, bám đất để tiến hành kháng chiến thì nhất định ta sẽ bảo toàn được lực lượng, tiến tới đánh bại được kẻ thù. Muốn vậy, các đơn vị, cơ quan, địa phương và cán bộ phải quán triệt quan điểm "trường kỳ kháng chiến", bám sát cơ sở lãnh đạo phong trào và quyết định mở đợt hoạt động mới, đánh mạnh, theo chủ trương chung của Liên khu".
Sau khi địch chiếm đóng rộng ra toàn tỉnh, Tỉnh uỷ quyết định lấy năm xã khu Hà Đông - Thanh Hà làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến.
Dừng chân tại chiến khu đèo Voi, đoàn của Chắt gặp đúng lúc địch đổ quân, quyết tiêu diệt toàn cơ quan đầu não của Hải Dương, cô cùng mọi người một mặt lánh địch, một mặt chờ chỉ thị mới. Vừa cùng các đơn vị tập trung chống càn, cô cùng các đơn vị rút về Nam Can - Thanh Hà, ở nhờ nhà dân.
Tơm tởm sáng, Chắt con dậy nấu cơm cho cả đoàn. Bếp lửa bập bùng, soi mặt cô khi mờ, khi tỏ. Bóng cô chênh chao, chập chờn trên vách rạ. Nồi cơm lúc búc trên khuôn bếp nhỏ. Nhìn ba ông đầu rau can trường dầm chân trong lửa đỏ, Chắt con suy nghĩ rất nhiều. Không lẽ cứ bỏ quê chạy mãi. Chỉ thị mới của tỉnh uỷ trong thời kỳ mới cô đã nghe.
Vần nồi cơm giữa đống tro hừng hực, chiếc que cời trong tay cô gạt đám than đỏ lửa gọn gàng ủ lên chiếc vung xoong. Chắt bước ra ngoài. Chân trời đằng đông, màu hồng cánh sen hiện ra rực rỡ. Cô bồn chồn nhớ những buổi chợ tất tả cùng bà con, nhớ tiếng mời chào đon đả của bà cụ bán hàng bên cạnh, nhớ cả giọng cãi nhau ỏm tỏi của những bà hàng tôm, hàng cá. Nhớ tiếng lợn kêu, tiếng gà gáy… Những âm thanh ấy gợi lên cuộc sống bình dị, thanh bần nơi quê nhỏ. Không biết thầy u cô có còn ở bên Thái Bình hay đã về quê? Lần này, cô không lo cho Lân nhiều như trước bởi cô đã hiểu anh là người đàn ông can trường. Công việc sẽ cuốn anh đi. Anh sẽ biết lo toan vừa để sống và công tác. Chiếc áo anh gửi cô hôm chia tay chẳng đã là vật tín ước rồi sao?
Múc gáo nước trong chiếc chum nhỏ vã lên, dòng nước lạnh buổi sáng chảy tràn trên mặt, rỉ vào kẽ miệng khiến hai mắt Chắt bớt cay. Đã mấy đêm rồi cô không ngủ.
Mặt trời lệnh khệnh chui qua đám mây mỏng, lừ đừ nhòm xuống mặt đất như ánh nhìn ngập ngừng của người vừa ngủ dậy. Mùi cơm bốc lên sực nức. Gạo cũng chẳng còn nhiều. Số tiền ít ỏi mang theo sắp cạn. Rũ mạnh chiếc khăn vuông cho tro bếp bay ra, Chắt chao tay qua gáy, đội lên đầu. Chỉ hai lượt gập, buộc, cái khăn mềm mại ôm trùm mái tóc dài của Chắt. Cô vội vã bới cơm ra chiếc rá nhỏ. Chờ cho cơm bớt nóng, cô nắm thành năm nắm. Đây sẽ là lương thực ăn đường nếu phải chạy giặc càn. Chỗ cơm còn lại, năm anh em mỗi người làm một bụng. Họ chuẩn bị cho công việc một ngày mới. Cũng chẳng có gì to tát, chủ yếu là nghe ngóng tình hình địch, nắm nội dung những chỉ thị mới của cấp trên, bàn cách thực hiện chính sách xây dựng căn cứ lòng dân, trường kỳ kháng chiến ngay tại quê nhà.
Tiếng gà báo canh năm đã qua rất lâu. Trên cây xoan đầu hồi nhà, đàn liếu điếu kéo về cãi nhau ỏm tỏi. Chúng mổ những quả xoan chín rụng lộp bộp xuống tàu chuối phía dưới.
Chắt nhổm người. Đầu cô đau như có người cầm búa gõ vào hai bên thái dương. "Không khéo mình ốm mất. Ốm bây giờ thì chết. Không! Không thể gục lúc này". Cô tự lẩm nhẩm. Nhưng đầu vẫn không thể ngúc ngắc được. Cô nằm im. Không trở dậy nấu cơm cho cả đoàn như mọi ngày, Chắt quờ chân sang chị Xoan. Chị vẫn ngủ, giấc ngủ mệt mỏi. Đêm qua, thấy chị trằn trọc mãi. Con người chứ gỗ đá đâu mà ngon giấc lúc này được.
Định nằm nướng một lúc rồi gắng dậy, vừa lúc những tràng tiểu liên nổ sát sạt bên tai.
- Tây càn! Bà hàng xóm thét lên.
Thoáng chốc, tiếng súng ngập xóm nhỏ.
Cơn sốt biến đâu mất. Mọi người túa ra. Ngôi nhà Chắt ở nhờ nằm rất gần cánh đồng. Cả năm người lẩn ngay xuống ruộng, tìm chỗ núp. Chắt cùng ông Bảng, ông giáo Thập, chị Xoan vừa bò, vừa lết luổn được ra con mương nhỏ, nước ngập đến cổ. Chị Chua, chị Sự kéo nhau lăn ào xuống khoảnh lúa bên cạnh.
Không biết địch tiến thế nào mà cả xóm không ai hay biết. Khi nghe súng nổ, chúng đã ở sát nách. Dọc con ngõ nhỏ và lối ra đồng, cứ cách sải tay lại có một thằng Pháp hoặc tên lính nguỵ súng lăm lăm trong tay. Chúng hò nhau sục xuống cả ruộng lúa. Nhưng địch không dám lội ra xa sợ dẫm phải bàn chông du kích cài lại. Chúng đứng quanh thửa ruộng gần, bắn vãi đạn ra xa.
Một tràng tiểu liên nổ giòn. Chỉ nghe tiếng chị Chua kêu "ối" rất khẽ. Chắt vùng người quay trở lại. Ông giáo Thập túm vai áo cô, gắt lên:
- Không được. Mày quay lại bây giờ chẳng cứu được nó mà còn chết theo. Bọn Pháp không dám lội ra mãi chỗ hai đứa nó đâu. Cứ để yên yên, ta quay lại tìm. Giờ nằm im. Lôi thôi, nó biết, táng cho một băng, nát nhừ bây giờ.
Bốn người lội men theo con mương, men theo đường bờ vùng, lần ra bãi bồi ven sông. Ông giáo Thập đi trước. Cái đầu nhấp nhô vượt lên khỏi mặt bờ vùng. Chắt con lom khom phía sau, thấp thỏm:
- Ông giáo ơi, thấp thấp cái đầu xuống đi. Đầu ông nhô cao thế kia, nó nhòm thấy bây giờ thì chết.
Ông giáo Thập vội thụp thấp xuống. Chợt ông dừng lại, đẩy cô lên phía trước:
- Đấy, mày lần giỏi thì đi trước đi. Đang lần mò, cứ ở đằng sau nhắc oai oái thế, bố ai còn lòng dạ nào mà đi được...
Chắt con lần lên trước. Được một đoạn, lại thấy tiếng ông giáo thì thào đằng sau:
- Giời ạ, Chắt ơi, mày có thâm thấp cái lưng xuống không... Cứ nhô cao thế kia, lưng thì như lưng voi, nó táng moócchê ra, chết sạch bây giờ...
Thanh Hà nằm giữa bốn bề sông nước. Lợi thế này khiến Tỉnh ủy chọn huyện này làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến. Và chính vì thế, quân Pháp mới mở trận càn vào Thanh Hà hôm nay.
Bao bọc bởi dòng chảy của sông Gùa, Kinh Thầy, Thái Bình… Thanh Hà thành vùng cửa sông nước lợ, mênh mang. Những thân cói cao quá đầu người liu riu rạp vào nhau như tấm khăn xanh bạc khổng lồ choàng cho đoàn người chạy loạn.
Chắt con, chị Xoan, anh Bảng, ông giáo Thập men theo con mương dẫn nước bò ra bờ sông Thái Bình, lẩn vào một vùng cói um tùm, xanh ngút. Không còn ai thấy đói, thấy mệt. Không một ai lên tiếng. Chỉ có tiếng nước róc rách tràn vào bãi bồi khi thuỷ triều lên. Những con cáy ngo nghoe tám cẳng chân lêu nghêu bò ra, nghiêng đôi mắt trố lồi, thô lố nhìn, không hiểu đám sinh vật lạ hoắc đang tụ lại kia từ đâu ra rồi vội vàng thụt vào những cái hang nhỏ nằm ven bờ cát. Quần áo mọi người bê bết bùn đất. Cái đói, cái lạnh không khiến họ quan tâm lúc này. Trong họ bây giờ, chỉ còn nỗi thắc thỏm cho hai người bạn đang mắc lại trong kia.
Chiều tà. Khi thuỷ triều đã ngập hết cả bãi bồi, tiếng súng trong làng yên hẳn. Từ xa nhìn vào ngôi làng nhỏ, chỉ còn thấy những đụn khói đục như nước gạo đặc ngoằn ngoèo bay lên. Khói địch đốt nhà dân.
Anh Bảng bò lên trước. Khi không còn thấy động tĩnh gì của địch ở trong làng, anh giả tiếng cú, rúc lên ba hồi làm ám hiệu báo yên cho mọi người. Chắt con cùng mấy người lóp ngóp bò lên, lần vào ngôi chùa nhỏ bỏ hoang giữa cánh đồng Nam Can. Bàn bạc nhanh, để mấy người ngồi lại chùa, cô cùng anh Bảng lần vào làng.
Cái làng nhỏ vẫn bình yên khi bình minh đến, vậy mà chỉ qua một ngày bị giặc càn, nó tiêu điều xơ xác như vừa qua trận bão. Những tiếng khóc ai oán, thê lương. Mùi máu bốc lên tanh lợm. Đàn quạ à à trên ngọn tre. Loài chim này chuyên đánh mùi xác chết. Dân bị giết nhiều vô kể. Có chị bị quân Pháp hiếp tới phát điên, không áo quần, nồng nỗng, thoắt khóc, thoắt cười, chạy dọc đường làng. Đám trẻ con chưa hết kinh hoàng, mắt lơ láo, thất thần, không biết tại sao cha mẹ chúng bị giết, tại sao chúng vừa có gia đình thoắt thành trẻ mồ côi? Không khí tang tóc bao phủ ngôi làng đặc như màn sương mù một chạp. Những người sống sót đang gạt nỗi đau, lo hậu sự cho người đã chết. Họ hạ tấm cánh cửa còn sót, tìm manh chiếu lành nhất cho người xấu số.
Đi mãi trong làng, Chắt con và anh Bảng mới gặp được một ông già đang vội vã bước như chạy. Nhìn kỹ mới nhận ra ông già hàng xóm. Dường như ông cụ cũng đã nhận ra hai người. Vẫn dáng thất thểu, ông dừng lại:
- Sao hai người còn ở đây? Thế có ai bị không?
- Làng bị nhiều không cụ? Anh Bảng níu tay cụ già
- Nhiều lắm. Quân dã man. Nó bắt chỉ hầm bí mật. Mẹ cha nó, bí mật bí đường không thấy, nó quay súng nổ đòm đòm. Mấy chục mạng người chết bởi tay chúng. Uất mà không sao được mới hận.
- Cụ có thấy mấy người trong đoàn chúng cháu đâu không? Chắt sốt ruột cắt ngang lời ông cụ
- Thấy hai người thôi, một cô cao gầy, một cô nhỏ người… Cô cao gầy bị thương vào đùi nặng lắm, vừa khênh vào chùa làng rồi. Cô nhỏ người không sao đâu. Cứ vào chùa sẽ tìm thấy họ đấy, chắc chưa đi đâu xa được đâu…
Ông cụ phẩy tay, thất thểu rẽ vào con ngõ nhỏ. Cái đầu húi cua ngúc ngắc khuất dần sau bụi tre gai.
Hai anh em vào chùa. Chị Chua bị thương vào đùi. Viên đạn nổ, phá một lỗ toang hoác trên đùi chị. Cái quần thâm rách tơi tả, chỗ đạn bắn vào toạc từng mảnh. Mấy chị em ở lại trông nom chị Chua. Vết thương nặng, không thuốc men gì, sưng tấy lên. Chị Chua sốt quá đâm mê sảng. Xoan loay hoay thay cái quần chị Chua đang mặc, đưa Chắt con đem giặt. Máu lẫn thịt vụn bê bết dính chặt vào ống quần. Chắt con ngồi bên bờ sông, bàn tay ra sức chà, xát mà những mẩu thịt vụn vẫn không sao tuột ra khỏi cái ống quần rách te tua, lùng nhùng, nhẫy nhầy nhờn. Không thể rũ sạch, cô nhìn chị Sự. Hai chị em chẳng ai nói lời nào, nước mắt ứa ra. Chị Sự loay hoay tìm được viên gạch, quay qua quay lại gói cái quần vào, tung ra giữa dòng nước đang cuộn chảy. Chưa chạm mặt sóng, viên gạch đã rời ra, rơi tũm xuống nước, bỏ mặc chiếc quần nổi lập lờ giữa dòng sông thênh thang.
- U ơi! Hai mắt vẫn nhắm nghiền, khuôn mặt chị Chua bừng bừng như da gấc chín. Nhìn chị, Chắt con cứ nghĩ nếu chạm nhẹ vào má chị lúc này, cả bàn tay sẽ phỏng rộp rất nhanh. Chị Chua vẫn ú ớ mê. Chị chỉ nuốt được chút cháo loãng. Nắm lá nhọ nồi, rau má chị Xoan vặt bên bờ mương, nhai nát đắp vào không sao cầm máu cho vết thương được. Chị vẫn sốt đùng đùng.
Trời tối dần. Muỗi bay à à từ ngoài đồng cói vào ngôi chùa nhỏ thành từng vệt đen kịt, tụ lại rồi loang ra. Chỉ cần giơ tay ra vợt cũng được hàng vốc muỗi dại. Chúng bu lại, đậu kín chỗ có ánh đèn le lói. Chẫu chuộc, cóc, nhái, giun dế bắt đầu tỉ tê. Cứ ia iê, chuộc chuộc rồi lại chẳng chuộc như người nghiến răng, kéo dài không dứt. Tiếng côn trùng rỉ rả từ ngoài đồng vọng vào càng làm ruột gan mấy anh chị em như nhũn ra, đứt từng khúc một. Nhìn chị Chua vẫn thiêm thiếp trên manh chiếu góc chùa, Chắt con không đành lòng. Cô đứng dậy, dợm chân bước ra, vừa lúc anh Sinh từ ngoài vào, mặt âu lo:
- Để cô ấy thế này không được. Vết thương nặng lắm, giờ phải làm sao lấy được viên đạn ra, không có nhiễm trùng thì khốn... Chỗ bị đạn sưng to lắm rồi, mà máu thì không cầm được. Mấy cô có cách gì không?
- Hay đi sâu vào làng xem có nhờ được ai giúp không - Chị Sự rụt rè
- Nhờ ai được lúc này. Giặc vừa càn, khủng bố trắng. Dân chết không biết bao nhiêu. Họ lo cho họ chưa xong... Mình phải tự lo thôi - Giọng anh Sinh đăm chiêu như anh chỉ nói cho riêng mình nghe - Tỉnh uỷ cũng vừa có chỉ thị chính thức rồi, phải bám dân, đưa dân trở về. Bây giờ thế này, chúng ta phải cắt cử người trông nom cô Chua, xúm cả lại thế này không được, còn lo việc khác. Cũng phải cử một người về làng báo cho gia đình cô Chua biết. Cụ thân sinh ra cô ấy cũng là người có nghề, quen biết nhiều, gia đình sẽ lo chạy chữa, chứ giằng dai thế này, nguy hiểm lắm... Đường từ đây về quê rất xa, lại phải qua nhiều bốt địch, ai về nào?
- Để em về. Em thuộc đường rồi, với lại, nhà em cũng gần nhà chị Chua, em về, lỡ bọn bốt có biết, chúng nó cũng không nghi nhiều. Thầy u chị Chua ra đón chị ấy thì các anh chị về cùng họ, coi như ta chỉ chạy tản cư về thôi... Chắt con quả quyết.
Chị Xoan, chị Sự không nói gì. Anh Bảng quê tận Bình Giang cũng không thông thuộc đường về Gia Lộc. Suy đi tính lại, mọi người đồng ý để Chắt con về.
Sáu giờ sáng, cô lần đường ra bãi bồi, bí mật vượt sông Thái Bình.
° ° °
Con đường mòn ngang qua huyện Tứ Kỳ gập ghềnh, thồi thụt vết chân trâu. Khăn vuông che kín mặt, quần vo quá gói, cô như người đi bắt cua, lẫn vào những người đi làm đồng, lần vượt từng đoạn đường, hướng về mạn Gia Lộc. Mãi xẩm tối, con ngõ quen thuộc của quê hương mới hiện ra. Bóng tối đã nhòa mặt người. Cuối làng chỉ còn lại vài gia đình. Cả làng lèo tèo, lạnh vắng. Chắt đi như chạy vào cổng nhà cụ thủ Chanh. Tiếng được, tiếng mất, cô kể cho cụ nghe về vết thương của chị Chua. Cụ thủ Chanh biết chuyện, thừ người. Những vết nhăn trên khuôn mặt vốn đã khắc khổ càng xô lại như vô vàn rãnh cày trên cánh đồng đang lật ải. Gió lật quật vặn mình ngoài vườn chuối. Im lặng một lúc lâu, cụ thủ Chanh hắng giọng:
- Thế chúng mày định cứ đi mãi thế à? Còn bà con, xóm giềng...
- Chúng cháu sẽ về, bác ạ...
- Đất mình mình cứ về, còn mồ mả cha ông mình nữa, bỏ đi mãi sao được. Nó đến thì tìm cách mà đánh, chạy trời sao cho khỏi nắng đây...
CHƯƠNG VIII
Tình hình ngày một khó khăn, giặc Pháp điên cuồng quyết tát nước bắt cá. Chúng nhất định dồn lực lượng cách mạng non trẻ của ta vào bước đường cùng. Bộ đội 126, đại đội chủ lực của Gia Lộc đã phải rút về làng Rồng - Nhật Tân để củng cố lực lượng. Đơn vị về đêm trước, ngay sáng hôm sau, Pháp đã cho lính từ Phương Điếm mò xuống, bao vây làng nhằm tiêu diệt toàn bộ đại đội. Cuộc chiến đấu không cân sức đã nổ ra. Kiên quyết không để quân địch xem thường, các chiến sĩ của đại đội 126 dũng cảm chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch giữ được vị trí.
Chỉ thị của Tỉnh uỷ tại hội nghị đèo Voi đã về tới cơ sở. Chủ trương "Không thể lập căn cứ địa chơi vơi, xa dân, xa đất, căn cứ địa tốt nhất, an toàn nhất chính là lòng dân. Nếu biết dựa vào dân, bám dân, bám đất để tiến hành kháng chiến thì nhất định bảo toàn được lực lượng, tiến tới đánh bại được kẻ thù. Muốn vậy, các đơn vị, cơ quan địa phương và cán bộ phải quán triệt quan điểm "trường kỳ kháng chiến", bám sát cơ sở lãnh đạo phong trào được chi bộ liên xã Nghĩa Hưng triệt để thực hiện.
Nhà ông Dậu - Chủ tịch liên xã Nghĩa Hưng nằm trong vòng ôm của dải tre dây ngay giữa làng Tó. Không giầu có để có nhà ngói năm gian, sân gạch, cây mít, nhà ông nhỏ thó, sân đất nện, bàn chân người đi lại lâu ngày thành nhẵn thín. Chỗ góc sân, rêu mọc ranh rì lẫn cỏ ấu phất phơ.
Ban chấp hành phụ nữ cũng như những tổ chức khác của xã đang tập trung tại ngôi nhà này. Sau khi đưa người nhà cụ thủ Chanh sang ngôi chùa hoang trên cánh đồng Nam Can - Thanh Hà đón chị Chua, Chắt con cùng các đồng chí quay lại làng Tó. Chị Chua bị vết thương hành hạ, về nhà được hai ngày, gia đình phải nhờ người quen đưa chị vào thành để chạy chữa. Hội phụ nữ Nghĩa Hưng vắng cái dáng cao gầy của chị Chua.
Các đảng viên trong chi bộ họp chuẩn bị vào chiến dịch mới, chiến dịch vận động dân hồi cư về lại quê hương, bám sau lưng địch, giữ đất để đấu tranh hợp pháp với chúng. Ban thông tin tuyên truyền của Lân lại như con thoi chạy đi chạy về giữa vùng tề với vùng căn cứ của ta, vận động dân hồi cư. Công việc không dễ dàng gì. Khi vận động nhân dân thực hiện chiến dịch "vườn không nhà trống, tản cư tiêu thổ kháng chiến" còn dễ nói. Chẳng gì đó cũng là vận động bà con chạy ra khỏi vùng địch càn, ra khỏi vùng chiến sự tới vùng đất bình yên hơn sẽ dễ khiến người ta xiêu lòng. Hơn nữa, khi đi tản cư, người dân chỉ để lại những gì không thể mang theo, còn lại tài sản họ đem đi hết. Mạng sống được bảo toàn, của cải được giữ chặt, có khi không cần vận động, dân cũng kéo nhau tản cư. Đằng này, vận động bà con từ vùng căn cứ quay trở lại nơi địch đang ngày đêm hoành hành không phải chuyện của một sớm một chiều. Người dân đã từng chứng kiến tội ác man rợ của quân địch, họ đâu dễ quên. Giờ bảo họ phải về sống ngay bên nách chúng... Ngay trong hàng ngũ đảng viên, đã có nhiều người nảy sinh tư tưởng cầu an, nằm im nghe ngóng, thậm chí quay lưng lại với chính sách mới này. Địch cũng ra sức dụ dỗ mua chuộc. Đau đớn hơn khi đã có một vài đảng viên của ta lợi dụng danh nghĩa hồi cư cùng dân, nhảy tề, làm tay sai cho giặc... Những điều ấy được các đảng viên trong chi bộ liên xã Nghĩa Hưng nhìn nhận thấu đáo tại cuộc họp trong gian nhà nhỏ của chủ tịch Dậu giữa cái làng Tó nghèo khó. Không thể bỏ dân, không thể xa dân. Địch muốn tách Đảng khỏi dân, muốn tát nước bắt cá, ta càng phải dựa vào dân, càng phải xây dựng thế trận lòng dân, càng phải làm cho mỗi xóm, mỗi làng, mỗi gia đình trở thành pháo đài giữ lửa cách mạng. Địch muốn dân trở về lập tề, trở thành tay sai cho chúng, ta phải lợi dụng danh nghĩa ấy, phải lập tề giả. Đó là công việc sống còn của mọi đảng viên lúc này.
Đầu năm năm mươi, các cơ quan chủ chốt của Nghĩa Hưng đã cùng hồi cư với dân để chỉ đạo phong trào, lãnh đạo nhân dân đấu tranh lâu dài với địch. Căn cứ kháng chiến của liên xã Nghĩa Hưng đặt tại làng Dôi, làng Già xã Lê Lợi, sau đó là làng Tó, làng Chằm Bùi... Mấy ai biết trong tro còn lửa.. Những đốm lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy giữa bộn bề ngặt nghèo gian khó của cuộc chiến trong lòng địch. Quân địch càng không thể biết chính những vùng tề do chúng lập nên đang như vùng mắt bão, vỏ ngoài tưởng bình yên nhưng bên trong ẩn chứa đầy giông tố.
Thằng đội gầy cao lênh khênh, mũi khoằm như mỏ quạ, súng trễ bên hông nghênh ngang trên con đường nhỏ dẫn vào bốt Giỗ (Dân các làng quanh vùng chẳng mấy ai gọi bốt Phương Điếm, người ta cứ réo cái tên tục của làng Giỗ ra mà gọi). Phía trước, đằng sau nó là cả một đội quân hùng hùng hổ hổ, mắt lấc láo như quạ tháng ba vào chuồng lợn rình bắt trộm mồi. Chúng đang hò hét đám lính nguỵ bên căng Phương Điếm xốc vào các làng bắt phu. Dân quanh vùng bên bốt Giỗ không lạ gì cảnh này. Người dân vừa hồi cư, chưa kịp ổn định cuộc sống đã bị quân Pháp bắt đi phu, đi lính phục dịch chúng.
Dân đang lần lượt hồi cư. Lúc này, địch gộp Đại Liêu, Đức Phong lại thành Đức Đại, lập làng tề cho dễ bề cai quản. Mỗi làng tề, địch dựng hương chủ, hương quản đứng đầu để quản lý, giao dịch với chúng.
Các thành viên trong ban thông tin tuyên truyền cũng đã hồi cư cùng gia đình. Ban ngày, họ ở nhà dọn dẹp vườn tược, vỡ hoang ruộng đất trồng cấy làm ăn, đêm đến, họ tập trung đào, sửa hầm bí mật. Nắm chủ trương chỉ thị của Đảng, các anh đang vận động dân tự bầu hương chủ hương quản, không để địch chỉ định, cài người của chúng vào.
Vừa buông bát đứng dậy, Lân chạm ngay anh Thoại, anh Thịnh bổ vào nhà. Nét mặt hai người căng thẳng:
- Gay. Làm ăn thế này gay quá!
- Chuyện gì thế hai bác? Lân với tích nước vối, trán anh nhăn lại.
- Mấy cậu bên làng Giỗ vừa báo về, tay lý Lột có nhiều biểu hiện không tuân thủ theo sự chỉ đạo của ta...
- Thằng này vốn là lý mua, nó tham như gấu... Tôi đã nói ngay rồi. Nó lại được đích thân bọn Pháp, nguỵ chỉ định làm hương chủ, đời nào nó chịu theo ta...
- Thì mấy ngày đầu thấy nó vào ra bốt chẳng theo đúng lịch trình của ta là gì? Anh Thoại vò mái tóc đã cứng lại như rễ tre - Giờ nó lại giở quẻ, điên thế cơ chứ!
- Có thể lúc đầu, nó rắn giả lươn, nhũn ra để nghe ngóng thôi. Giờ nó thế nào? Lân nhíu mày
- Thế nào nữa, nó thậm thụt vào ra bốt Giỗ chẳng theo lịch ta đã đặt gì nữa, thái độ thì lấc láo. Xem ra nó không còn coi ai ra gì... Cứ đà này, vài ngày nữa nó dẫn lính về, xăm hầm bí mật của ta chứ chả bỡn - Anh Thịnh chen ngang.
- Hầm hố thì không lo, vì mình cũng đã đề phòng có cho nó biết gì đâu. Chỉ có điều, nó mà phá quấy thì cũng nhọc cho mình - Lân trầm ngâm
- Sao lại không lo. Bên Giỗ có mấy anh em bị bắt vô cớ rồi đấy. Không nó thì thào với lính bốt lính căng thì thằng nào vào đây... Không có nhẽ cho nó một phát - Mắt anh Thoại vằn lên.
- Không nóng vội được - Lân xoa xoa tay vào vai anh. Chuyện này phải xem xét, bàn soạn kỹ đã. Nhưng nếu đã đồng ý lập tề mà để hương chủ, hương quản thả lỏng do địch chỉ định thì không thể ổn rồi. Đương nhiên nó sẽ phải tìm những thằng tay chân có lợi cho nó. Bây giờ thế này... Ta sẽ vận động những quần chúng tốt, gia đình cơ bản không có người theo Việt Minh để địch đỡ nghi, vận động họ đứng ra nhận làm hương chủ, hương quản. Chỉ làm được thế mới có lợi cho đằng mình.
- Biết là biết vậy nhưng mình vẫn phải báo cáo lãnh đạo xử lý xem... Giờ tớ sang Tó, chú Lân với Thịnh qua chỗ mấy cụ cao niên trong làng tí đi. Việc này, tối qua anh em mình đã bàn rồi, chú Lân giỏi thuyết phục, chắc các cụ nghe thôi.
Đêm ấy, hai anh em rì rầm với mấy cụ cao niên trong làng mãi. Đúng là không gì ấm áp, vững chãi bằng lòng dân.
Tìm được phương án hoạt động mới, hai anh em khấp khởi quay về. Sương đầm trên rặng tre, rụng lộp độp, chạm vai áo mỏng, lạnh thấu. Chưa chạm đầu ngõ, đã thấy anh Thoại sấp ngửa chạy sang, câu trước lẫn câu sau, không biết đằng mò nào mà lần. Lân và anh Thịnh đưa mắt nhìn nhau, không hiểu. Phải mất vài phút, định thần lại, anh Thoại hỉ hả:
- Ra cuối phố mà ngó đi... Thằng lý Lột... Ối giời đúng là như thần. Người mình đúng là như thần. Tối qua, mấy anh em mình căm thằng lý Lột tưởng hộc cơm, giờ, mấy chú nhảo ra cuối phố mà xem... Ối chao, thằng ấy cứ phải chết thế mới đáng kiếp.
Lân kéo tay anh Thịnh. Từng tốp người không biết nghe tin ở đâu mà nhao về cuối phố đông như đi hội. Vòng người thít chặt rồi lại giãn ra như vòng dây chun giãn nở trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Mấy người vòng trong chui ra ngoài, mặt tái đi, tay run rẩy chỉ vào.
- Bụng bị phanh toang hoác, lòng mề phèo phổi cứ gọi là xổ ra hàng rổ… Những cái lắc đầu rùng mình. Nhiều người nhổ nước bọt phì phì.
- Đấy, cứ tưởng bám gót lũ cướp nước thì không ai làm gì được hẳn. Đừng đùa, người mình có mặt ở khắp nơi. Chết phanh thây, đền tội như bỡn.
- Kể mổ phanh ra thế cũng hơi mạnh tay. Nhưng với lũ bán nước hại dân cứ phải thế chúng nó mới tởm. Thằng này còn thằng khác, phải dằn mặt chúng chứ… Ai đó hả hê - Cứ nghĩ voi đú, chó đú chuột chù cũng nhảy là phải diệt…
Lý Lột nằm phơi mặt bên đường. Bụng hắn bị mổ phanh, bên trên gắn bản án tử hình. Anh Thịnh níu tay Lân. Cả hai anh em không nghĩ, lý Lột bị xử nhanh đến vậy. Âu cũng là bài học cho những kẻ rắp tâm bán rẻ anh em đồng đội mình cho địch.
- Thằng lý Lột chết, quân Pháp chẳng để mình yên đâu. Thế nào nó cũng càn để trả thù. Anh em chuẩn bị vận động đồng bào đi là vừa. Mấy làng bên kia, nó thúc lính, thúc phu khiếp lắm rồi đấy. Làng mình ngay cạnh làng Giỗ, bốt, Camp án ngữ thế này, nhất định nó không tha đâu…
Lân rủ rỉ nói. Dáng cao gầy của anh Thịnh trầm ngâm bên cái bóng thấp đậm của Lân. Mây trên đầu vẫn vùn vụt trôi. Mất thằng này, địch sẽ đẻ, sẽ lại nảy nòi ra một thằng Việt gian khác. Không biết đến bao giờ mới hết lũ hại dân?
Lý Lột chết, Phả được cử làm hương quản. Anh em bên làng Giỗ ai cũng nhẹ người. Phả là người của mình, gọi hương chủ Giỗ bằng cậu họ. Tổ chức giao nhiệm vụ cho Phả: bằng mọi cách phải tuyên truyền, vận động tư tưởng để hương chủ Giỗ đứng ra làm việc cho ta.
Chẳng biết khi nhận chân hương quản, Phả nghĩ gì, có tơ hào gì tới trách nhiệm tổ chức giao và bà con trông đợi hay không nhưng chỉ được mấy ngày đầu hắn còn báo cáo với bên ta đều đặn, sau thưa dần, cuối cùng mất hút không thấy Phả trở ra nữa.
Anh em cốt cán của tổ chức lại bị địch bắt. Lại những trận càn của địch lấn sâu vào vùng căn cứ cách mạng. Phả đã phản bội! Chi bộ bàn chuyện thay thế Phả.
Ban chấp hành phụ nữ Nghĩa Hưng chuẩn bị tổ chức một đợt tuyên truyền mới. Chắt con cùng chị Sự được cử về thôn Giỗ chuẩn bị.
Con đường đất từ làng Già, làng Dôi qua làng Anh Chuối sang Chằm Tó lượn giữa hai cánh đồng rộng như một dải lụa nâu. Hai cánh đồng màu mỡ đã thành cánh đồng hoang sau lúc dân tản cư. Giờ dân hồi cư lại, họ bắt đầu vỡ đất, trồng cấy. Sắc xanh bắt đầu phủ dần trên những vạt đất hoang. Con ngòi nhỏ mềm mại lượn theo vệt đường đất, xấp xoã giữa hai hàng phi lao. Hoàng hôn lan dần xuống mặt ngòi, lấp loá dưới tán phi lao, trùm xuống cánh đồng làng Chằm Tó một màu cỏ úa. Hai chị em men theo con đường nhỏ, chầm chậm về làng Giỗ. Cả hai bước những bước ngắn, chờ cho trời mau tối. Chỉ bằng cách ấy, hai chị em mới có thể về tới làng Giỗ an toàn. Thầy u Chắt con đã hồi cư. Nhà cô nằm ngay cạnh bốt Giỗ. Một người anh họ xa của cô đang làm phiên dịch trong đồn thuộc diện cảm tình với ta. Có chuyến về làng này là nhờ người ấy. Chắt đang hy vọng sẽ vận động anh ta trở thành nhân mối của ta.
Trời vẫn chưa tối hẳn. Gió dùng dằng quấn hoàng hôn trong màu lam rờn rợn. Cuối chân trời, những tia sáng hình dẻ quạt vẩn lên không trung vài quầng sáng chập chờn như ánh ma trơi nơi nghĩa địa. Một tốp người từ làng Giỗ tiến ra phía cầu Ngà ngược vào con đường hai chị em đang đi khiến họ chột dạ. Không lẽ bọn địch trong bốt biết việc hai chị em về làng đêm nay? Chị Sự đưa mắt nhìn Chắt con. Tốp người vẫn tiến dần lại. Họ rẽ vào con đường đất. Chắt kéo chị Sự nhảy xuống ruộng ngô bên đường, ngồi thụp xuống, đầu cúi thấp như đang bận việc riêng của đàn bà. Toán người ngang qua. Chắt liếc mắt qua vành nón. Một người bị trói giật cánh khuỷu, đi giữa ba người đàn ông khác. Phả! Chắt con giật mình. Thằng Phả. Tin thằng này phản bội đã được chi uỷ thông báo. Nhưng mấy người đàn ông im lặng đi quanh Phả kia là ai? Nhất định không phải địch. Thằng Phả bị chúng mua chuộc không lẽ lại để đem đi thủ tiêu. Vậy chỉ có người mình. Chắc chắn là người mình rồi. Tội ác của thằng Phả đã bị phanh phui, và đêm nay là đêm cuối cùng của đời nó.
Thằng Phả cũng đã nhận ra hai người nhưng đang bị trói giật cánh khuỷu nên nó cứ gằm mặt xuống, bước thất thểu theo mấy người đàn ông áp cạnh. Thi thoảng, một người lại lấy cùi tay thúc vào lưng nó.
Trời tối hẳn, đen sánh như bưng lấy mắt. Chắt con kéo chị Sự băng qua cầu Ngà. Dòng nước miên man phía dưới như lững lờ, lặng lẽ hơn. Bỗng chị Sự giật mình, khựng lại. Trên cầu Ngà, một thân người sõng xoài, mùi máu bốc lên tanh lợm. Ba bóng đen lố nhố trên đường. Họ chưa phát hiện ra hai chị em. Chỉ nghe tiếng thì thầm vọng lại:
- Chắc nó chết chưa?
- Chắc. Sống sao được. Em lựa một nhát, chắc chắn đi cái cuống họng. Mẹ cha nó, xem còn bẩm báo với lũ Tây thối thây ấy được nữa không.
- Thôi, mày cứ xuống để tay ngang mũi, kiểm tra lần nữa xem nào.
Bóng người men xuống. Không thấy họ nói gì thêm. Chỉ một cái khoát tay. Cả ba lặng lẽ rút vào bóng đêm. Không gian tĩnh lặng đến trong suốt như pha lê của đêm tối. Dưới cầu, dòng sông lạnh lẽ chảy. Tiếng cú rúc từng hồi thảm thiết giữa nhập nhòa hơi sương.
Áp người vào tấm dại che nắng bên thềm, Chắt con khẽ cất tiếng:
- U ơi!
Không chờ đến tiếng thứ hai, cánh cửa hé mở. Chắt con lẩn nhanh vào nhà. Cu Đôn - đứa con chị Chắt lớn đang ngủ, nghe tiếng cô, nó vùng dậy:
- Dì! Sao mãi dì không về?
Từ ngày mẹ mất, bố vào du kích đi cả ngày, cu Đôn quấn Chắt như bện thừng. Đưa hai tay nựng đôi má xương xương của đứa cháu mồ côi, Chắt à ơi:
- Ừ, cu Đôn ngoan, ngủ đi, tí nữa dì vào... Ngoan, ngủ đi, nhớ.
- Chết thật - Thầy cô giẫy lên như dẫm đinh nhọn - Nhà sát nách bốt, sao mày không đi luôn lại còn mò về làm gì. Gan mày to bằng ngần nào hở con? Mai, thằng đội gầy nó mà biết thì trốn đâu cho thoát...
- Cơm cháo gì chưa, để u lấy cho bát cơm nguội... Đẻ cô hỉ mũi sột soạt. Trong bóng tối, Chắt biết là đẻ cô đang khóc.
- Con ăn rồi. Thầy u đừng lo. Không sao đâu. Cứ coi như không chạy kịp thì con đi chợ xa về, có gì phải sợ. Với lại, anh... đang làm phiên dịch trong ấy, anh lấy lòng chúng nó được. Thì chính anh dẫn con vào làng chứ ai, không thì mò mẫm còn khuya chắc gì đã về được...
- Thôi, vào nằm với cu Đôn. Mai, nước đến đâu cầu đến đấy...
Đẻ cô giục. Chắt nằm im, nghe mùi hương thân thuộc ngấm dần vào da thịt. Mùi đất, mùi bùn, cây cỏ trong vườn nhà; Hương vị cay nồng từ quết trầu của đẻ, mùi khói thuốc lào nửa thơm, nửa hắc, bốc cao phơ phất từ cái điếu bát giòn giã của thầy, mùi tóc cháy nắng khét lẹt của cu Đôn... Tất cả trở thành hương vị riêng đọng lại trong gan ruột cô, thành nỗi ám ảnh, nhớ thương về ngôi nhà nhỏ đang ép mình giữa vòng quây quân thù... Cu Đôn cựa quậy, ú ớ nói mê rồi lại khìn khịt ngủ ngon lành. Đẻ cô lục sục trở mình. Tiếng giát tre nghiến kèn kẹt trong đêm.
Trời chưa banh mắt, bóng tối vẫn nhập nhòa vờn gió giữa những khu vườn. Tiếng súng hiệu gọi nhau giữa bốt Giỗ với căng Phương Điếm làm cu Đôn giật mình, ôm choàng lấy Chắt. Cô co cháu vào lòng, rỉ rả:
- Ở nhà, đừng chạy rông xa biết chưa…Nghe tiếng nổ thì phải chạy về nhà, nhìn thấy lính thì phải tránh… Nhớ chưa nào?
Cu Đôn khẽ ngúc ngắc cái đầu trong lòng dì, dáng chừng đã tỉnh hẳn. Chắt lại thủ thỉ:
- Chốc lính đồn có hỏi thì phải ôm thật chặt dì, khóc gọi mẹ ầm lên, nhớ chưa? Không là lính nó lôi dì đi đấy… Cu Đôn lại gật gật.
Mặt trời lên chưa vượt con sào, đám lính bên đồn đã láo nháo kéo nhau đi càn. Chắt con lùi vào gian buồng nhỏ, cu Đôn vẩn vơ ngoài thềm, chắc nó chưa quên điều dì nó dặn sớm nay. Đám lính khua rầm rĩ một hồi rồi kéo nhau xéo xuống đầu phố Giỗ. Hôm nay, chẳng biết nó càn những đâu.
Lại phải đợi trời xuống tối, hai chị em mới đến nhà những người dân tích cực để vận động họ làm nhân mối cho ta. Cả ngày quanh quẩn trong nhà, đến gần trưa, không biết thầy cô chạy từ đâu về, nét mặt hốt hoảng, thì thầm vào tai con gái:
- Này, mày chỉ cho đội Việt Hùng xử thằng Phả phải không?
- Ai nói với thầy thế? Chắt tròn mắt. Sao lại có cái tin ghê gớm ấy loang ra nhỉ?
- Bố vợ nó vừa nói với tao. Thằng Phả đêm qua không chết. Lúc bị cắt cổ, nhưng cuống họng chưa đứt, nó nín thở, làm những người cắt tiết nó tưởng nó chết rồi. Chờ họ đi khuất, thằng Phả cố lê về nhà bố vợ nó gần đấy. Nó bảo nhìn thấy mày với cái Sự thấp thoáng đằng xa. Thế có phải mày báo để xử nó không?
- Con không làm việc ấy. Xảy ra cơ đận ấy là tại nó, còn trách gì ai. Bán rẻ đồng đội, làm tay sai cho địch, không bị xử chết mới là chuyện lạ, là may cho nó đấy. Không biết điều còn đổ vấy đổ vá cho ai. Ông ấy có hỏi, thầy cứ nói thế cho con.
- Thì tao cũng nói vậy rồi. Ông ấy cũng chả tin mồm thằng Phả. Nhưng mày cứ phải cẩn thận con ạ. Thằng này đã dám phản bội đằng mình thì chả việc gì mà nó không dám làm đâu.
- Nó giờ có khi phải tìm cách bán xới đi nơi khác thôi, lệ làng, mặt ấy sống được với ai nữa.
Thầy cô im lặng, nhưng cô biết trong lòng ông, nỗi lo lắng cho con gái chẳng vơi đi chút nào.
Liên xã Nghĩa Hưng gấp rút họp các tổ chức để rút kinh nghiệm việc vận động dân hồi cư, lập tề giả tạo điều kiện cho quân ta bám đất, bám dân đấu tranh lâu dài với địch. Chắt ngồi bên cạnh chị Sự trên một đoạn tre dài thay ghế. Quay qua quay lại, cô đã thầy Lân ngồi bên cạnh từ lúc nào. Mắt họ gặp nhau. Chỉ cần vậy, họ đã hiểu những gì cần nói.
Rút kinh nghiệm từ việc lập hương chủ, hương quản ở làng Giỗ, do ta chủ quan, để địch chỉ định dẫn tới nhiều thiệt hại cho cách mạng. Chi bộ Nghĩa Hưng nhấn mạnh việc đưa dân hồi cư chính là "trở về nội địa", cần phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Trong thời gian ngắn nhất, tại tất cả các thôn, ta cần phải nắm được dân, nắm được đất, nắm được tình hình địch trên địa bàn thôn mình. Cần xác định rõ, việc lập tề tại các thôn chỉ là lập tề giả, dạng "xanh vỏ đỏ lòng", ngày là tề địch nhưng đêm thuộc ta. Muốn vậy cần móc nối, gây dựng cơ sở, đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận: gài cán bộ vào các ban tề, đưa du kích tin cậy vào nắm hương dũng, vận động binh lính địch làm nhân mối cho ta để chuẩn bị kế hoạch dài lâu, đặc biệt là việc vận động lãnh đạo dân chống bắt phu, bắt lính, chống tạp dịch tại các làng. Thôn Đức Đại phải đi tiên phong trong công tác này.
Từ chuyện hương chủ, hương quản làng Giỗ, tại Đức Đại, ta chủ động cài cắm người của mình vào làm. Lân bí mật lui tới nhà các cụ cao niên. Các cụ trong làng đã bày giúp anh và các đảng viên rất nhiều kế sách cho công việc.
Để tránh nguy cơ bị lộ hoặc bị địch mua chuộc lợi dung, ta không để ai làm hương chủ, hương quản quá ba tháng. Đầu tiên, đồng chí Nguyễn Đình Ngạch - Đảng viên được chi bộ ém vào làm hương chủ làng.
Hương chủ Ngạch của Đức Đại nhận chức đã được gần ba tháng.
Ánh trăng suông tãi lênh láng xuống làng. Bỗng tiếng mõ, tiếng phèng la rộ lên từ phía đầu thôn rồi như đám cháy, lan nhanh đến cuối thôn. Bọn ngụy bên Camp Phương Điếm, lũ Tây bên bốt Giỗ không dám lao đến, chỉ ở trong đồn bắn chỉ thiên đùng đoàng. Tiếng mõ, tiếng phèng la, tiếng hét, tiếng chó sủa rộ lên một lúc rồi lắng xuống.
Rõ mặt người, bọn lính bốt Giỗ phát hoảng khi dân Đức Đại ầm ầm kéo lên đồn. Đi đầu là một cụ ông áo dài, khăn xếp dẫn đầu. Thằng đội Gầy khệnh khạng bước ra.
- Bẩm quan lớn, tối qua, Việt Minh tấn công vào thôn chúng tôi, bắt mất hương chủ Ngạch đi rồi. Làng không thể một ngày không có người đứng đầu. Chúng tôi sang bẩm với quan đồn, cho chúng tôi cử hương chủ mới.
- Bọn mày sao lại để Việt Minh tấn công bắt mất cả hương chủ thế… Ông thì giết sạch!
- Bẩm quan lớn, Việt Minh ẩn hiện ghê lắm, dân chúng tôi đã về đây là để dựa vào chính phủ bảo hộ thôi, chứ dân thì làm gì được họ… Mong quan lớn đèn giời soi xét!
- Cứ về, lát quan đồn sẽ xuống xét… Đừng có làm loạn mà thiệt thân đấy!
- Đa tạ quan lớn.
Giữa buổi, thằng đội Gầy lệnh khệnh xuống làng. Quanh quẩn mãi, chẳng dò được manh mối gì, nó đồng ý cho làng tìm hương chủ mới. Lý Khỏa thay đồng chí Ngạch làm hương chủ. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, để tránh địch phát hiện ra hương chủ làm nhân mối của ta, vài tháng dân lại gõ mõ, lại đánh phèng la, ầm ĩ cả đêm để rạng ngày lại lên trình đồn kêu mất hương chủ, lập cài người mới. Sau Đức Đại, nhiều làng "tề giả" khác làm theo, khiến quân Pháp điên đầu. Những làng tề "xanh vỏ, đỏ lòng" cứ hàng ngày, hàng giờ chĩa mũi nhọn vào mạng sườn quân Pháp.
Nguyễn Đình Vinh - Thương Huyền
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...